Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Những bức tranh vẽ trên giấy đầu tiên của nhân loại

Những bức tranh 
vẽ trên giấy đầu tiên của nhân loại
Vẽ lên giấy là chuyện phổ biến ngày nay vì giấy sẵn, màu sẵn, ai cũng có thể vẽ được (chỉ khác nhau là đẹp hay xấu mà thôi). Thế nhưng thuở xưa ai chế ra giấy? Ai vẽ tranh lên giấy đầu tiên?
Theo thiển ý của chúng tôi, đây là những điểm khởi đầu quan trọng của lịch sử mỹ thuật.
Phán xử người chết.
Ai chế ra giấy đầu tiên?
Từ “giấy” trong tiếng Pháp là “papier”, trong tiếng Anh là “paper”. Cả hai đều bắt nguồn từ chữ papyrus trong tiếng La Tinh và chữ này lại bắt nguồn từ chữ gốc của Ai Cập “papyri”- tên của một loại lau sậy mọc ven sông Nile. Người Ai Cập cổ đại đã cắt xén, ép rồi phơi khô để làm thành một loại giấy cổ xưa nhất, còn rõ thớ sậy nhưng khá phẳng phiu để có thể viết chữ và vẽ tranh lên.
Kỷ lục thế giới thuộc về cuốn “Châm ngôn của Ptahoteb” viết trên giấy papyrus khoảng 2500 năm trước công nguyên (cách đây gần 4500 năm) được mệnh danh là “cuốn sách tối cổ của nhân loại”. 2300 năm sau “cuốn sách tối cổ” đó, người Trung Quốc cũng chế ra giấy nhưng loại giấy này còn thô, mặt chưa phẳng, khó viết chữ lên trên. Mãi đến đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên, giấy mới chính thức ra đời ở Trung Quốc. (Lịch sử văn hóa Trung Quốc- Nxb Khoa học Xã hội- Hà Nội 1993 - trang 780). Đương thời với Ai Cập và Trung Quốc cổ đại, các nền văn minh sớm khác của nhân loại cũng chỉ khắc văn tự lên đá, gỗ, đồng và viết lên da thuộc.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, người Ai Cập cổ đại đã chế ra giấy đầu tiên trên thế giới.
Ai vẽ tranh lên giấy đầu tiên?
Đương nhiên, lại vẫn là người Ai Cập. Họ làm giấy để viết chữ. Nhưng chữ cổ Ai Cập là chữ tượng hình nên viết cũng là vẽ, tuy không thể nói đó là tranh.
Bức tranh thực sự trên giấy chỉ xuất hiện khi người Ai Cập cổ đại quyết định làm sách “hướng dẫn người chết sống lại để tiếp tục kiếp sau”. Các học giả phương Tây gọi đó là “Tử thư” hay “Sách của người chết” (Book of the Dead-Livre des morts) đúng ra, căn chuẩn tiếng Ai Cập cổ, tên sách phải là “Từ cái chết bước ra ban ngày” (theo Nhật Chiêu - Câu chuyện văn chương phương Đông- Nxb Giáo Dục 1998). Vì mê tín, người Ai Cập cổ đại tin rằng chết chưa phải là hết, mà là chuẩn bị chuyển sang kiếp sống khác. Muốn cho việc chuyển kiếp được trót lọt thì phải bảo quản tốt thi hài- do đó mà có tục ướp xác. Chu đáo hơn, người ta còn bỏ vào quan tài những cuốn cẩm nang hướng dẫn cho người chết để sang kiếp sau, người chết có thể ra khỏi bóng tối địa ngục, vượt sa mạc mênh mông, tránh được các quái vật, tìm đúng cửa công đường của thần Osiris- vua của địa ngục.
Tiếp đó người chết phải biện minh công- tội trước Osiris và 42 vị phán quan (đại diện cho 42 quận cổ của Ai Cập). Trái tim của người chết sẽ được Anubis- vị thần chuyên ướp xác có đầu chó rừng đem cân. Oái oăm thay, “quả cân” lại là một chiếc lông chim đà điểu nhẹ bay do nữ thần công minh, chính trực Maat điều khiển. Thăng bằng tức là thiện- người tốt sẽ bất tử và sống hạnh phúc. Lệch tức là ác- kẻ xấu sẽ lập tức bị hung thần Sobek đầu cá sấu nuốt chửng.
Để cho kẻ mù chữ cũng có thể hiểu. Người ta phải vẽ tranh minh họa. Khoảng 1500 năm trước công nguyên (cách đây khoảng 3500 năm), các sách của người chết đã được sản xuất nhiều và buôn bán khắp cõi Ai Cập (vẫn theo Nhật Chiêu- sách đã dẫn).
Vẻ đẹp của những bức tranh tối cổ
Gọi là tối cổ vì quá xa xưa. Bạn hãy ngẫm mà xem, 26 thế kỷ trước khi Thái Luân- viên quan Trung Quốc- chế ra giấy thì người Ai Cập cổ đại đã hoàn thành “cuốn sách tối cổ của nhân loại” rồi (cuốn “Châm ngôn của Ptahoteb”). Người ta có thể chê giấy papyrus chưa hoàn hảo nhưng rõ ràng đó là loại giấy có thể viết và vẽ lên thoải mái.
Về việc chế tạo sách của người chết, Ai Cập cổ đại quan niệm phải vẽ đẹp và dễ hiểu bởi phục vụ người chết là ưu tiên số một của xã hội thời đó. Theo họ cuộc sống hiện tại là tạm bợ, chỉ có kiếp sau -nếu được chuẩn bị tốt - mới là vĩnh cửu. Do đó cần phải viết và vẽ đẹp. Vẽ càng đẹp thì hiệu quả càng cao.
Chỉ có điều trớ trêu là cho người chết chứ không phải cho người sống chiêm ngưỡng. Tất nhiên, xét về chất lượng nghệ thuật cổ Ai Cập thì tranh trên giấy papyrus không được xếp ở hàng đỉnh cao như Kim tự tháp (kiến trúc), tượng và chạm nổi (điêu khắc), tranh tường (bích họa). Các tranh trong “sách của người chết” chỉ được xếp loại nghệ thuật hạng hai, vì nó mang nặng tính trang trí với các chỉ dẫn tỉ mỉ, chất lượng biểu cảm chưa đặc sắc.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì loại tranh này  cũng có một số giá trị riêng, không thể phủ nhận, đáng được ca ngợi.
– Mặt giấy papyrus không trắng mà ngà ngà, tạo thành độ nền trung gian rất thuận tiện cho loại hòa sắc trang trí ít màu. Thớ sậy cũng rất gợi cảm (tương tự như nền giấy điệp của tranh Đông Hồ - Việt Nam).
– Bảng màu Ai Cập cổ rất ít màu: chỉ có trắng, đen, nâu, đỏ, xanh cây, vàng nghệ (đôi khi là vàng dát), xanh chàm, nhưng vẫn hấp dẫn, do đậm, nhạt mạnh, phối màu khéo. Ví dụ: trang phục trắng tinh đã tôn lên màu da bánh mật của hai người trợ tế trong tranh “Nghi lễ mở miệng”.
– Màu tô khá tinh tế. Không phải ai cũng có nước da nâu đậm: hai cô gái có da màu hồng, thầy quản tế đội mặt nạ Anubis có chân tay màu vàng nghệ. Không phải tất cả đều là mảng bẹt: con bò tế được vờn màu ở yếm, đôi vợ chồng đứng trong vườn được vờn màu ở vai áo và nút buộc ở bụng.
– Bố cục tranh Ai Cập rất chặt chẽ với các khoảng đặc rỗng hợp lý nhưng không kém phần sáng tạo, thậm chí táo bạo do cách phân tầng, phân đoạn, và nhấn mạnh trọng tâm câu chuyện.
– Nhịp điệu động tác là cách mà các nghệ nhân vô danh ngàn xưa đã làm cho tranh papyrus Ai Cập trở nên sinh động. Ví dụ trong tranh “Nghi lễ Mở miệng”: hai cô gái đang khóc đứng khóc ngồi, còn hai người trợ tế cùng bước đi nhưng tay giơ, tay hạ cho ta cảm giác về sự nối tiếp của chuyển động.
– Nét không chỉ là đường viền hình thể mà nét còn thay đổi màu và đậm nhạt, có lúc tỉa rõ tinh vi, lại có lúc chỉ gợi tả và buông lơi. Đặc biệt có những tập hợp nét vạch - chấm làm cho các mảng màu đỡ đơn điệu (chấm trên da báo, vạch ngắn xếp hàng trên vai xác ướp tập hợp vạch chéo trên váy của người quản tế).
Nghi lễ Mở miệng.
Thay lời kết
Mấy nghìn năm đã trôi qua nhưng những bức tranh đầu tiên trên giấy của lịch sử văn minh nhân loại do các hoạ sĩ vô danh Ai Cập vẽ vẫn hấp dẫn, đáng được quan tâm và nghiên cứu. Chỉ xin lưu ý các bạn đọc về giá trị kinh tế của nó ở thị trường du lịch - một trong hai nguồn thu cơ bản của ngân sách quốc gia Ai Cập (du lịch và kênh đào Suez). Ngày nay, người Ai Cập lại sản xuất giấy papyrus theo công thức xưa rồi in hoặc vẽ lại các trích đoạn trong “Sách của người chết” và cuối cùng bán cho du khách vốn đông nườm nượp chiêm ngưỡng các Kim tự tháp. Xin đơn cử: một miếng tranh papyrus in mẫu tự Ai Cập cổ, chế thành cái đánh dấu sách rất xinh xắn có giá một đô la, du khách nào cũng thích mua, kể cả các du khách Việt Nam sang Ai Cập.
Đ.H
Nguồn: TẠP CHÍ THÔNG TIN MỸ THUẬT
Theo http://redsvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...