Trang Văn chương phương Nam (Hội nhà văn TP. HCM) ngày 25/8/2019 đăng chùm thơ Vết nám tình yêu của Phan Thanh Bình gồm 3 bài: Khỏa thu, Mọc đá, Điểm tựa khá ấn tượng. Vì thế đặt ra cho chúng tôi vấn đề tiếp nhận tác phẩm của người đọc. Tiếp nhận là một giai đoạn tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Mặc dù là một khâu tách rời, nhưng lại bổ sung thẩm mỹ cho quá trình sáng tạo và sáng tạo lại nghệ thuật. “Người làm văn tình cảm rung động mà phát ra lời, người xem văn phải rẽ văn mà thâm nhập vào tình cảm” (Lưu Hiệp).
Ở bài Khỏa thu, cái tôi trữ tình thi nhân đã cảm nhận vẻ đẹp của “nàng” qua những hình ảnh gợi cảm: “bầu vú nàng chấp cả thì con gái”, “vú nàng cương tựa như hoa trổ sữa”, “tóc dưới của nàng mềm mượt” - vẻ đẹp của người phụ nữ trong cái nhìn thi nhân thật phồn thực, vẻ đẹp phồn thực có dấu ấn thời gian “những vết nám là tình yêu để lại”… Thi nhân xưa khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ chỉ chấm phá qua bút pháp ước lệ, tượng trưng “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” (Truyện Kiều - Nguyễn Du); vì tượng trưng, ước lệ nên dù biết là Kiều đẹp, nhưng đẹp như thế nào thì còn tùy vào tưởng tượng và suy đoán của mỗi người. Còn hình tượng thơ trong thơ hiện đại (kể cả hậu hiện đại hay siêu hiện đại), thì miêu tả rõ ràng, cụ thể; vậy mà trong cái rõ ràng cụ thể ở những câu thơ trên của Phan Thanh Bình không gợi tính dục mà gợi cái nhìn nghệ thuật về vẻ đẹp của người phụ nữ, người đàn bà có vết nám là tình yêu để lại. Còn nhớ Danh họa Francisco de Goya khi bị giới giáo hội Tây Ban Nha buộc tội dám vẽ “người đàn bà trần truồng” với bức họa “Maija khỏa thân”, ông đã trả lời rằng: “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, còn ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất lưu manh”. Đọc những câu thơ về vẻ đẹp phồn thực của “nàng” ta thấy văn học như là điểm giao thoa của các loại hình nghệ thuật.
“Nhân, thiên, địa chi đức” - con người là cái đức của trời đất, viết về “khỏa” là điểm giới hạn nhạy cảm giữa tục và thanh, Phan Thanh Bình đã hiểu được ranh giới nhạy cảm đó, và anh đã chứng minh nguồn gốc của sự sống chính là từ “khỏa”. Nàng “khỏa” bởi nỗi nhớ và khát vọng của nàng tuyệt vời: “nàng nhớ mùi thuốc lá của chồng/ thèm áp tai vào ngực chồng nghe tiếng hú/ muông thú cắn đuổi nhau trước bình minh”. Hình tượng thơ lãng mạn bởi tứ của bài thơ là khỏa trong mùa thu, trong cái không gian thu, thân thể và tâm hồn nàng thêm bay bổng: “cuối thu/ sếu đầu đỏ bay ngang qua thành phố lúc nào không ai biết/ bạn sóc công viên dò tìm hạt quả”. Nàng khỏa trong cái nhìn mỹ cảm của thi nhân, và trong không gian thu lãng đãng với hình ảnh “đàn sếu đầu đỏ” như chắp cánh cho hồn thơ ngân nga cùng vẻ đẹp phồn thực mà ta đã say đắm chiêm ngưỡng: “khỏa thân quỳ trên thảm/ bầu vú nàng chấp cả thì con gái/ những vết nám là tình yêu để lại/ kỳ sinh nở đã qua/ tóc dưới của nàng mềm mượt/ sóng lần tìm cách vượt bờ”. Chắc hẳn “bạn đọc ẩn tàng” là “nàng” sẽ lờ mờ nhận ra có mình trong hình tượng đó, cũng có thể không phải là mình và cái cảm giác “phập phồng” sẽ xuất hiện cùng với “bạn đọc thực tế” cũng là “nàng”. Ở bài thơ này thi nhân cho chúng ta thấy vẻ đẹp người phụ nữ là người đàn bà đã qua sinh nở, đã trải qua những nếm trải của cuộc đời. Nghệ sỹ là người biết cảm nhận cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp. Khỏa thu đã góp vào hình tượng văn chương cái đẹp của người phụ nữ đã qua sinh nở một cái nhìn phồn thực đậm chất nhân sinh.
Tiếp nhận văn học là quá trình tham gia của toàn bộ năng lực sống của mỗi con người riêng lẻ bao gồm: tri giác, cảm giác tưởng tượng, liên tưởng, suy luận, trực giác, đòi hỏi sự bộc lộ cá tính, thị hiếu, và lập trường xã hội, sự tán thành và phản đối...
Bài thơ Mọc đá được nhà thơ khai mở tứ thơ từ thể “hứng”: “Những hòn đá sống/ cả những hòn đá chết/ mọc quanh ta như là thổ lộ”. Biểu tượng đá từng gắn kết với đời sống tinh thần và vật chất của người nguyên thủy, trong văn hóa dân gian. Biểu tượng đá còn tượng trưng cho sự bền vững, thủy chung của tình yêu, cũng là biểu hiện kín đáo, cao quý; “gương mặt đá” đã đi vào văn hóa dân tộc trong nhiều tác phẩm văn học. Thi nhân thật sâu sắc và trí tuệ khi bộc lộ nỗi nhớ em bằng biểu tượng “đá”, từ biểu tượng có tính kinh điển, thì hình tượng thơ thật tế nhị, kín đáo, rung động cả “bạn đọc ẩn tàng” lẫn “bạn đọc thực tế”. Chắc hẳn “ai đó” cũng từng có nhớ nhung tương tự sẽ nhận ra ý nghĩa hình tượng trong những câu thơ mở đầu, để hiểu thêm về cái tôi tình yêu sâu sắc của thi sĩ, thật đúng là: “đàn ông nông nổi giếng khơi” và sẽ cảm động, rung động tận trái tim khi đón nhận tình cảm chân thành, thương mến từ anh - thi sĩ: “anh không viết cho em/ tâm hồn anh mọc đá”. Biểu tượng đá và tâm hồn anh tương hợp vì nhớ em. Và người xưa vẫn nói đến “thi nhãn” - “nhãn tự” trong thơ, thì câu thơ: “chữ của anh còn thơ của nhân loại” là điểm sáng toàn bài. Từ một thể “hứng” khi vào đề một cách tự nhiên dung dị thì đến câu trên thi nhân đã đẩy cho chúng ta một tri thức về sáng tạo nghệ thuật. “chữ của anh” - nếu là thơ thì thơ đó sẽ thuộc về nhân loại nhưng nếu không là thơ thì nó chỉ là xác chữ. Đây cũng là cái nghiệt ngã của bất kỳ ai sống chết với nghệ thuật. Hiểu được điều ấy người ta mới đủ khiêm nhường, hiểu được điều ấy người ta mới thực sự cao cả.
“người tù mơ ánh trăng/ người tự do thèm giấc ngủ biển/ hy vọng không ai bị cắn vào mông lúc nửa đêm/ thật đáng ngại/ có những ngày anh ăn hết từng ấy thời gian/ vẩn vơ nghĩ về mông muội”.
Tứ của bài thơ thật chặt chẽ. Mở đầu tự nhiên, dung dị, mang tính biểu trưng cao, rồi kín đáo gửi cho “em” những thông điệp về nỗi nhớ, nỗi nhớ mọc đá tâm hồn anh, và rồi cái tôi thi nhân lắng lại bằng những hình ảnh mang tính hình tượng trong những trạng thái đối lập: “người tù… người tự do” để khẳng định một tình yêu dâng tràn khao khát. Và cái vẩn vơ nghĩ về mông muội của anh thật là người, người đạt đến độ “cái siêu tôi” (superego).
Đặt bài thơ Khỏa thu bên cạnh bài thơ Mọc đá, ta thấy ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ rất rõ. Tâm hồn anh mọc đá bởi nàng - em là một tòa thiên nhiên tuyệt mỹ của tạo hóa, để làm mới đề tài này còn tùy thuộc vào cảm xúc và tài năng của thi nhân. Tôi nghĩ, Phan Thanh Bình đã làm mới thành công đề tài tình yêu trong thơ bằng hình tượng thơ độc đáo, gợi nhiều liên tưởng.
Có quan niệm cho rằng tiếp nhận văn học là lấy ý của mình ra mà suy ra cái chí của tác giả. Thế mới có chuyện chị Hoàng Cúc băn khoăn, ngỡ nhà thơ Hàn Mặc Tử trêu chọc gì mình khi viết câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” (dân gian Huế có câu: Con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau). Tác phẩm văn học khi đã xuất bản đến tay bạn đọc là đã có số phận riêng của nó, tồn tại độc lập, việc tiếp nhận của mỗi người không liên quan đến tác giả. Liệu bài thơ Điểm tựa có số phận đó chăng? Hay chúng ta cố gắng phát hiện lại tác phẩm, thâm nhập vào chiều sâu thi tứ, và biết đâu đó cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả.
“Họ đi qua chiến tranh/ cánh gió lướt dọc Trường Sơn bão lửa/ đêm rừng sâu hang rắn/ loài bò sát nắm tay nhau bay lên giữ chặt lời thề.
Trong ngôi nhà của vợ/ tôi ăn chín/ uống sôi/ trả tiền ngủ lại qua đêm/ vợ yêu quý tôi như ông khách quý.
Họ dìu đồng đội qua từng ngôi đền cổ/ những người lính hy sinh thành lập đại đoàn/biểu quyết cuộc tấn công/ hát vang khúc Buôn Mê Thuột, Phước Long, Xuân Lộc…
Cứ 7 giờ tối từ góc phố Sài Gòn/ ngước nhìn trời pháo hoa/ loài bò sát lại bay lên nắm tay nhau rực rỡ.
Phòng riêng của con tôi/ (cái đứa trăng là trăng, sao là sao)/ sách vở bừa bộn bên quà lưu niệm/ và những thứ linh tinh con gái/ đôi lúc, vợ tôi phải lên thu gọn hộ - Cảm ơn con đã đến cuộc đời này”. (Điểm tựa)
Kết cấu bài thơ theo lối lặp lại, liên tưởng: người lính - ngôi nhà (của vợ) - người lính - ngôi nhà (của con gái). Dường như thủ pháp “tương cận”, “sự đổ vỡ khoảng cách” (siêu hiện đại) đã làm xuất hiện các quan niệm, các cảm xúc hoàn toàn đứng đắn: “Trong ngôi nhà của vợ/ tôi ăn chín/ uống sôi/ trả tiền ngủ lại qua đêm/ vợ yêu quý tôi như ông khách quý”. Biết ơn người vợ ngay trong ngôi nhà của mình thì cũng là biết ơn người lính khi họ đi qua chiến tranh: “Họ đi qua chiến tranh… Họ dìu đồng đội qua từng ngôi đền cổ”. Từ giọt nước nhìn ra biển cả, người biết trân trọng, quý mến những người thân thương của mình mới có thể có tình cảm chân thành, thương mến với tha nhân. Khoảng cách không, thời gian giữa cái tôi thi nhân với người lính tưởng chừng đã cách xa nhưng lại gắn kết một cách kì lạ, bởi vậy nhà thơ đã cảm nhận về họ trong cái nhìn đa chiều, gợi nhiều liên tưởng, suy đoán: “đêm rừng sâu hang rắn/ loài bò sát nắm tay nhau bay lên giữ chặt lời thề... ngước nhìn trời pháo hoa/ loài bò sát lại bay lên nắm tay nhau rực rỡ”; những câu thơ có nhiều cách lý giải và suy đoán khác nhau, bởi vì đọc văn chương là tháo gỡ mã các ký hiệu văn chương trong văn bản hình tượng, dựa vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm. Nhà thơ cũng đã dụng công khi sử dụng phép điệp ngữ “nắm tay nhau”, hình ảnh đối lập giữa quá khứ “đêm rừng sâu hang rắn”, và hiện tại “ngước nhìn trời pháo hoa”.
Bài thơ cho ta cái cảm giác những người chết vẫn đang sống, họ như tồn tại song song với đời sống hiện tại của tác giả. Đây chính là lý do giải thích quá trình tiếp nhận tác phẩm là nhiều khi bài thơ hết mà ý tình chưa hết.
Quá khứ rực rỡ, hiện tại nhân văn, nhưng quan trọng hơn là tương lai của thế hệ con, cháu; cái nhìn thi nhân là sự cảm thông, không áp đặt, dù phòng con có bừa bộn, dù tính cách nó có cố chấp “cái đứa trăng là trăng, sao là sao”, thì đó vẫn là hạnh phúc và tương lai của bố mẹ: “- Cảm ơn con đã đến cuộc đời này”. Vậy là thi nhân đã chọn cho mình cái thế chân vạc làm điểm tựa từ sự bình yên trong ngôi nhà (vợ, con gái), đến sự bình yên của xã hội (hình tượng người lính); nhưng để trả lời một cách cặn kẽ và thấu đáo, điểm tựa của tác giả là đâu thì thật khó trả lời. Quá khứ, hiện tại hay tương lai? Theo chúng tôi, có lẽ là tất cả. Bởi bất kỳ ai đang sống cũng đều đến từ quá khứ đó là lịch sử dân tộc, truyền thống gia đình. Nhưng tương lai lại bất định, chính cái bất định đó bộc phát ra lời cảm ơn của tác giả với con gái mình trong một hiện tại sinh động và có phần khắc nghiệt của đời sống.
Tiếp nhận tác phẩm văn học là một vấn đề lớn của mỹ học hôm nay. Tác giả sáng tạo ra hình tượng, hình tượng văn học tồn tại như một khách thể tinh thần đặc thù, người đọc tiếp nhận một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tác giả. Nếu sáng tạo nghệ thuật là công việc của cái tôi (tác giả) thì tiếp nhận nghệ thuật là công việc của chúng tôi (nhà phê bình và công chúng). Hy vọng quá trình tiếp nhận của chúng tôi về các tác phẩm thơ Phan Thanh Bình có nhiều điểm tiệm cận với ý đồ sáng tạo của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét