Cái kết ở bài viết của Đỗ Lai Thúy (Người đọc như là... Báo Văn nghệ số 27 ngày 03-07-2010) gợi một cảm tình với người đọc, ông nói “mô hình người đọc” mình đã nêu lên không có mục đích nào khác là để nhận diện nó trong một hệ hình tư duy mới, tạo bước tiến trên hành trình hội nhập thế giới, tạo ra quyền học thuật “ở cái khác của những hệ hình tư duy khác nhau”.
Cái mục tiêu đẹp đẽ đó được tác giả biện luận, dắt dẫn với nhiều luận cứ có phần mới mẻ nhưng với ý thức cầu thị chúng tôi muốn trao đổi thêm đôi điều.
1. Về lịch sử vấn đề, ông cho rằng: Tùy theo yêu cầu thời đại mà mỗi yếu tố trong ba yếu tố tác giả, tác phẩm, người đọc nổi lên thành chủ đạo. “Suốt thế kỷ XIX yếu tố chủ đạo là Tác giả, nửa đầu XX - Tác phẩm, còn nửa cuối Người đọc”. Thực ra ba yếu tố này trong lịch sử văn học đã luôn được nói đến và đều có tầm quan trọng đặc biệt, chỉ có điều do sự phát triển của tư duy thẩm mỹ và khoa học mà mỗi thời kỳ có cách lý giải đậm nhạt khác nhau mà thôi. Giữa thế kỷ XIX, K.Marx trong một tác phẩm phân tích về kinh tế, khoa học đã nêu ý kiến: “Tác phẩm nghệ thuật và mọi sản phẩm khác cũng thế, đều tạo ra một thứ công chúng sính nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp. Như vậy sản xuất không những chỉ sản sinh ra một đối tượng cho chủ thể, mà còn sản sinh ra một chủ thể cho đối tượng” (Y.N nhấn mạnh). (Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học- 1859). Áp dụng vào văn học, ta hiểu: Chủ thể tác giả khi sáng tạo tác phẩm - đối tượng cho chủ thể, thì cũng đã sản sinh một chủ thể mới cho tác phẩm - người đọc. Như vậy ta thấy trong số các ý kiến ít ỏi còn lại của K. Marx về văn học nghệ thuật ,quan hệ ba yếu tố này ông đã có bàn đến từ lâu, trong đó vấn đề người đọc - công chúng sính nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp (chủ thể cho đối tượng), được ông đánh giá cao không kém vấn đề tác giả, tác phẩm. Lý thuyết tiếp nhận, theo chúng tôi, về sau được xây dựng và phát triển đã có những tiền đề không quá xa lạ với luận thuyết này.
2. Vấn đề Người đọc xưa và nay được ĐLT phân giải cũng chưa thật thuyết phục. Ông cho rằng người đọc cổ điển (NĐCĐ) là người đọc “cố tìm ra nghĩa tồn tại của văn bản hay nghĩa chủ ý của tác giả”, người đọc hiện đại (NĐHĐ) không chỉ thế mà còn “gián tiếp cùng tác giả xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả”. Ông lý giải tiếp: “Tiêu chí cơ bản để phân biệt hai mô hình người đọc cổ điển và người đọc hiện đại là ở vấn đề nghĩa của văn bản. Người đọc cổ điển là người đi tìm nghĩa tức thừa nhận trong văn bản có tồn tại một thứ nghĩa, nghiã tồn tại là thông điệp của tác giả gài vào. Với loại nghĩa lộ người đọc chỉ việc “bắt vòi” vào còn với nghĩa ngầm thì phải mất công đào bới làm “nổ tung” văn bản.”
Trong phân tích của mình, khi đề cao NĐHĐ - người đọc chủ động, phi tuyến tính, người đọc kiến tạo thì không có gì phải bàn nhưng khi so sánh với NĐCĐ, ông đã vô tình hạ thấp trình độ tư duy cảm thụ nghệ thuật của NĐCĐ, cho là thụ động là chỉ đi tìm thông điệp tác giả gài vào như “bắt vòi” cho thông nhau, dẫu thông điệp có “nghĩa lộ” hoăc là “nghĩa ngầm” thì cách lý giải đó quả thật không thích hợp. Theo cách phân tích của ông, khi tiếp cận tác phẩm văn chương, cả về nội dung tìm hiểu cũng như cách thức khai thác, NĐCĐ đều sơ lược, đơn điệu, kém xa NĐHĐ vì một đằng chỉ tìm nghĩa tồn tại, nghĩa chủ ý của tác giả còn đằng kia ngoài công việc như NĐCĐ còn xây dựng nên nghĩa kiến tạo, nghĩa ngoài chủ ý của tác giả như một đối sánh kinh nghiệm sống và kinh nghiêm thẩm mỹ của đôi bên.Hay nói cách khác khi khai thác nghĩa của tác phẩm, cả về số lượng (định lượng) cũng như tính chất (định tính) NĐHĐ đều cao hơn NĐCĐ, thuộc một đẳng cấp khác.
Ai cũng biết người đọc xưa ( NĐCĐ) tiếp cận tác phẩm với nhiều đường hướng mới mẻ - ý nghĩa khách quan, có thể rất khác sự gửi gắm ban đầu của tác giả - ý nghĩa chủ quan. Người đọc khác nhau ở trong thời điểm khác nhau, không gian khác nhau sẽ hiểu tác phẩm không giống nhau. Cũng một Truyện Kiều nhưng Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Phạm Quý Thích hiểu rất khác nhau về các hình tượng trong tác phẩm và ứng xử rất khác với cái tâm sự ký thác của Nguyễn Du. Có cái sự khác nhau đó là nhờ sự khai thác các “nghĩa kiến tạo” ở các vị chứ không phải ở sự tìm “nghĩa tồn tại”. Không có cái chuyện các vị chỉ biết tìm cái chủ ý của Nguyễn Du gài vào khi đọc! Kim Thánh Thán bình Tam quốc chí, Tây du ký, cũng khác Mao Tôn Cương và nhiều độc giả cùng thời với rất nhiều ý nghĩa chẳng liên quan đến “chủ ý” của La Quán Trung, Ngô Thừa Ân.Chúng tôi cũng tin rằng người xưa khi khai thác tác phẩm không chỉ biết “nghĩa tồn tại” mà còn tìm ra nhiều “nghĩa kiến tạo”, nó không nghèo nàn mà rất phong phú, cho đến nay nhiều lớp nghĩa đó vẫn soi sáng cho chúng ta rất nhiều. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du tâm sự: “Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”, Nguyễn hiểu rằng văn bản lời quê của mình sẽ được người đọc tạo dựng nhiều “nghĩa kiến tạo” để “mua vui” chứ không chỉ bám vào cái thông điệp tâm sự u hoài mà tác giả gửi gắm.
Vấn đề quan hệ giữa người đọc và tác phẩm đã có từ xa xưa, chỉ có điều về sau người ta định danh rõ ràng ,nghiên cứu kỹ lưỡng phát biểu thành các lý thuyết như “đồng sáng tạo”, “tầm đón nhận” mà thôi. Có kiểu “đọc tái tạo” và kiểu “đọc kiến tạo”nhưng không nên gắn nó với sự phát triển những thế hệ độc giả theo thời gian!
3. Chúng tôi sẽ rất tâm đắc nếu ĐLT chuyển cái sự nghiên cứu lịch đại về mô hình người đọc thành đồng đạị. Có nghĩa là cái kiểu người đọc tuyến tính, “bắt vòi” vào sự ký thác đơn nghĩa ở các thông điệp xã hội học nơi tác phẩm vẫn còn đâu đó không chỉ ngày xưa mà cả thời hiện đại, khi khoác cái áo chật hẹp tiếp cận văn chương không với sự đa dạng mà đặc cứng với chủ đề nhất thể sáng rõ, nhưng đó là sản phẩm của sự trì trệ thiếu dân chủ, hạn chế cần bước qua, là cá biệt chứ không là một thông lệ phổ quát trong lịch sử văn học dẫu là lịch sử văn học quá khứ.
Đỗ Lai Thúy có lý khi cho rằng văn hoá hậu hiện đại cho phép người đọc (nhà phê bình) hiểu và giải thích một cách tự do và sáng tạo mọi văn bản: “Phê bình vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật [...]. Tác phẩm phê bình là một diễn giải độc đáo sáng tác của nhà văn và bằng sự kiến tạo nghĩa mới này gia tăng chiều kích tác phẩm”. Nhưng khi ông phát triển ý kiến: Người đọc giờ đây hiểu đúng/ sai không còn trong một hệ hình tư duy mà quan trọng hơn ở cái khác của những hệ hình tư duy khác và biện minh cho sự giải thích của mình bằng một hệ hình tư duy mới với nhiều khái niệm giải kiến tạo, phi trung tâm, đại tự sư... cho rằng dù đúng/ sai cũng có giá trị khai mở, cũng “tạo ra quyền học thuật”, thì người đọc thấy khiên cưỡng, thấy có cái gì như là “vụng đẽo khéo chữa”! Rất có thể khi triển khai sự so sánh hai mô hình người đọc xưa và nay, ĐLT dụng tâm đi vào một HHTD khác HHTD mà GS Trần Đình Sử vận dụng phê phán, nhưng theo chúng tôi hệ hình tư duy nào thì cũng cần cái đúng, không hạ thấp truyền thống, hạ thấp công chúng bằng cách cho người xưa chỉ biết đọc thụ động, tuyến tính, “bắt vòi” vào thông điệp tác giả gửi gắm, không sản sinh được nghĩa kiến tạo mới, ngoài chủ ý tác giả. Chúng tôi nghĩ cái đúng (chân lý), nó không phân biệt hệ hình tư duy cũ hay mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét