Tiếng nói đa âm về thân phận con người
(Đọc tiểu thuyết Người mê của
Uông Triều, Nxb Hội
Nhà văn, 2016)
Tên cuốn tiểu thuyết mới nhất của Uông Triều - Người mê gợi nhớ đến
tác phẩm Everyman (Người phàm) của Philip Roth, một trong những tác gia đương đại
lớn nhất nước Mỹ. Thông qua hình ảnh người đàn ông không tên, Philip Roth và
Uông Triều đã kể một câu chuyện vừa riêng tư vừa phổ quát về đời người trong
hành trình đi tới đích cuối của số phận. Cùng khởi đầu từ điểm cuối trong chu
kỳ sinh học của đời người, nếu như ở Everyman, Philip Roth đã lần theo dấu vết
của “người phàm” trong cuộc vật lộn dai dẳng với bệnh tật, sự hủy hoại của sức
khỏe, sự suy giảm của lòng tự tin và niềm hy vọng để chế ngự và chiến thắng nỗi
sợ hãi, thì với Người mê, Uông Triều lại khám phá hành trình truy tìm bản ngã -
một cái “tôi” mới giữa cái mênh mông, bề bộn, hỗn độn, mê ảo và phi lý của cuộc
đời. Dẫu khác nhau, nhưng cả hai nhà văn đều hướng đến một mục đích chung: tìm
kiếm sự thật về kiếp người.
Người mê diễn ra trong không gian hẹp - một thị trấn nhỏ, trầm lặng với một
số dân khiêm tốn, thời gian ngắn - khoảng hơn một năm gắn với hành trình “trở về”
của nhân vật chính - người đàn ông sáu mươi tuổi. Trong cái thời khoảng ấy,
Uông Triều đã vẽ nên một thế giới nhân sinh đa chiều cùng những trạng huống tâm
lý phức tạp của con người. Trở về sau những ngày dài sống vô vị, nhạt nhẽo của
đời công chức, người đàn ông phải đối diện với nỗi cô đơn, hẫng hụt khi buộc phải
từ giã quá khứ, đứng giữa hiện tại, đối diện với tương lai bấp bênh, đầy bí ẩn.
Ông chịu nỗi đau của “người thừa”, bị gạt ra khỏi dòng chảy cuộc đời, mang mặc
cảm “thiếu quê hương” ngay trên mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Lạc loài giữa cộng
đồng, xa lạ với gia đình, cô đơn trong bản thể, trong khi cuộc đời lại ngắn ngủi,
ông đối diện với khoảng thời gian thăm thẳm trước mặt với muôn vàn nỗi bất an,
hoang mang, lo sợ.
Nếu như “tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết (tiểu thuyết đầu tay của
Uông Triều) tự giam hãm mình trong căn phòng chật hẹp, chỉ có sách, lũ kiến và
nhện “chơi” cùng; gặm nhấm cái chết dần chết mòn của thể xác và tinh thần, thì
nhân vật chính trong Người mê lại tự tạo cho mình một cơ hội để thay
đổi cuộc sống. Ông hiểu cái giá phải trả không hề nhỏ một khi khuấy động cuộc sống
trầm lặng, u hoài, nhàn nhã của tuổi già. Nhưng điều đó không ngăn trở được
khát vọng được sống là chính mình đang trỗi dậy mạnh mẽ trong ông. Ông bắt đầu
sắp xếp lại cuộc đời mình, kháng cự lại sức mạnh hủy diệt của thời gian. Trong
không gian hơn bốn mươi mét vuông của quán Cà phê lão già, ông đã tự trổ ra vô
vàn ô cửa tâm hồn để đón nhận những thanh âm đa dạng của cuộc sống; quan sát, tận
hưởng cái xô bồ, náo nhiệt của thế giới. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống an
phận, thụ động, giờ đây ông sẵn sàng đối diện, “va chạm” với cuộc đời. Ông
không chờ đợi ngày “phán xét cuối cùng” mà tự mình phán xét, kháng cự để thay đổi
số phận.
Bằng cách tổ chức linh hoạt điểm nhìn bên trong nhân vật, tạo dựng liên tục những
tiết đoạn độc thoại và đối thoại nội tâm, sử dụng hiệu quả ngôn ngữ dòng ý thức,
Uông Triều đã truy tìm, khám phá những bí ẩn và sự biến thiên phức tạp trong
chiều sâu tâm hồn con người, lý giải những góc khuất sinh tồn lạ lẫm, mới mẻ
trong thế giới nhân sinh bề bộn, đa tạp, nhiều chiều. Nhà văn đã chạm vào những
phút giây chờ mong, hạnh phúc, những khắc khoải cô đơn, buồn đau, những khát vọng
thầm kín, riêng tư, những mặc cảm, ám ảnh để tạo nên những trang miêu tả, phân
tích tâm lý xuất sắc. Như một nhà thám hiểm tài ba, Uông Triều đã len lỏi vào
“hang ổ” của tâm hồn con người, khám phá cái “mê cung” huyền diệu của cái tôi nội
cảm - khát sống - khát yêu. Nơi ấy, nhân vật đang đi tìm cái mình chưa bao giờ
có, hoặc là chưa bao giờ biết rằng mình đã có. Đó là tình yêu, hương vị nồng
nàn, chất men mê đắm nhất của thế giới loài người. Sức trẻ, suối nguồn thanh
tân, tươi mát của “người tình nhỏ bé” - H. đã thức dậy trong ông những niềm vui
mới, truyền cho ông cảm hứng, sự dũng cảm dấn thân. Mặc dù đã thật sự mở lòng
ra với thế giới nhân quần, mạo hiểm đánh đổi tất cả để có được hạnh phúc của
riêng mình, thế nhưng càng dấn sâu vào “mối quan hệ nguy hiểm” ấy, ông càng nhận
ra những giới hạn mong manh của kiếp người; càng bị bủa vây bởi những rào cản của
đạo đức, bổn phận, định kiến, và những toan tính thực dụng của con người hiện đại.
Đọc văn chương Uông Triều từ Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng
Giêng đến Người mê, độc giả đều có chung cảm giác bấp bênh, bồng bềnh
giữa hai bờ hư và thực. Cái thế giới hiện hữu trong tác phẩm vừa giống lại vừa
không giống hiện thực bên ngoài, nó có thể xảy ra lại vừa không thể hình dung
được. Một thế giới ảo và phi lý nhưng lại được tạo dựng từ những tiêu chí và cảm
xúc của thế giới thật, con người thật. Nhà văn không mang đến cho người đọc những
gì có thể tin ngay, phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ của sự bắt chước, mô phỏng hiện
thực, mà đưa ra một hiện thực tưởng như không thể có mà vẫn có thật. Qua tác phẩm
của mình, tác giả tạo nên một kiểu hiện thực khác lạ, kiểu hiện thực đa chiều
kích, có thể mở rộng đến bất cứ nơi nào trí tưởng tượng của con người vươn đến.
Nhờ năng lực của con người được giải phóng tối đa, tiểu thuyết của Uông Triều
mê hoặc người đọc một cách mãnh liệt.
Trong Người mê, Uông Triều đã tạo dựng nhiều tiết đoạn đối thoại tưởng tượng
đầy sức ám gợi. Thông qua đó, nhà văn khám phá những góc tối trong tâm hồn con
người, giải mã những động cơ trong suy nghĩ và hành động của nhân vật, và trên
hết trưng ra những tấn bi kịch nội tâm của những cá thể người. Cuộc đối thoại
giữa người đàn ông và cái mụn thịt - kẻ bạn đường tráo trở thể hiện cảm giác bất
lực, mặc cảm khiếm khuyết, định mệnh trớ trêu mà con người không thể chối bỏ.
Giấc mơ kinh hoàng nơi giếng sâu, diễn ra cuộc đối thoại không khoan nhượng giữa
ông và người vợ quá cố về trách nhiệm, bổn phận, đạo đức, những “phạm trù truyền
thống” mà gần như cả cuộc đời ông tìm cách lẩn trốn, nay lại trói buộc, ám ảnh,
khiến ông chùn bước trong những quyết định của mình. Cuộc đối thoại giữa ông và
người tình bé nhỏ trong hình hài pho tượng cẩm thạch trắng muốt, vô hồn không
những lý giải cho hành động ra đi của cô gái, mà còn khía sâu vào bi kịch của đời
ông về cuộc sống ảm đạm hiện hữu trước mắt, tương lai đầy bất trắc và những giới
hạn mong manh của kiếp người không thể vượt qua. Trong cơn mê giữa ban ngày,
ông lại gặp gỡ người tình bé nhỏ; đứa con với cái mụn thịt trên mặt gợi cho ông
mặc cảm tội lỗi, mang điềm báo những viễn cảnh khủng khiếp sắp xảy ra trong cuộc
đời hai người. Những giấc mơ hư ảo, những cuộc đối thoại tưởng tượng được cài cắm
một cách tinh tế trong những câu chuyện đời thực khiến người đọc không ngừng kiếm
tìm, liên tưởng, giải mã. Mỗi chi tiết, tùy lúc, tùy nơi, tùy độc giả, tùy sự
thể nghiệm của mỗi người mà hé ra những ý nghĩa khác nhau. Đó là cách Uông Triều
dẫn dắt người đọc vào cuộc chơi chữ nghĩa đầy ám dụ của mình.
Nếu như “tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết ngồi bên ô cửa màu xanh,
chìm đắm trong những trang sách và tưởng tượng mình làm tình với các cô gái đẹp
để quên đi nỗi đau thể xác cùng những chấn thương tinh thần của mình, thì người
đàn ông trong Người mê lại ngồi trong quán cà phê, nhấm nháp những ly
cà phê nhạt thếch, hướng mọi giác quan về phía ngôi nhà nơi người tình bé nhỏ của
mình đang ở để quan sát, tưởng tượng, suy đoán xem cô đang nghĩ gì, sống như thế
nào, hạnh phúc hay đau khổ. Ông quan sát mọi cử chỉ, ánh mắt, hành động của cô,
và làm tình với cô trong những giấc mơ ngọt ngào. Trong giấc mơ giống như là thực,
người tự nguyện dâng hiến cho ông, không phải là nàng, mà là người chị dâu. Dù
là thực hay là mơ, nó vẫn khiến ông mang cảm giác của kẻ tội đồ. Và khi thế giới
đang chìm trong giấc ngủ, ông là người duy nhất tỉnh giấc, ông nhận ra sự mê ảo,
phi lý của cuộc đời, nỗi cô đơn, ô nhục của chính mình. Chi tiết ông gieo mình
xuống giếng, kết thúc cho một bi kịch mang đầy tính tượng trưng cho sự bừng ngộ,
tỉnh thức, thoát khỏi những mê lầm, và nó mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Cũng như trong tiểu thuyết đầu tay Tưởng tượng và dấu vết, tác giả không
chú tâm xây dựng nhân vật trong những mối quan hệ rộng lớn, với những mâu thuẫn,
xung đột bên ngoài, mà tập trung tái hiện một thế giới tâm lý - tâm linh đầy những
hồi ức, mặc cảm, ám ảnh, dằn vặt, lo âu. Trong thế giới nghệ thuật ấy, thay vào
những bức tranh hiện thực hoành tráng, những nhân vật kỳ vĩ phủ lên không gian
và thời gian rộng lớn, là những trạng huống tinh thần đứt nối, âm thầm và dang
dở; những giấc mơ tỉnh thức, hiện hữu và ám ảnh; những cuộc phiêu linh tâm thức,
bất tận và bí ẩn; những phận người nhỏ bé và mong manh. Tất cả được dồn nén
trong một dung lượng ngôn từ hạn hẹp, nhưng lại có sức bung nở vô cùng lớn với
những âm vang của một tinh thần nhân bản sâu xa và mạnh mẽ. Người mê hiện ra
như một bản khảo trạng nội tâm phức tạp, một “tiểu tự sự” về hành trình truy
tìm bản ngã cá nhân. Cái mênh mông của thế giới bên ngoài được thay thế bằng
cái vô tận của tâm hồn con người. Đó là cách Uông Triều thể hiện chiều sâu suy
tư triết học với cái nhìn nhân văn sâu sắc về một thế giới bí ẩn, ngẫu nhiên, hỗn
mang, phi lý cùng bản thể con người phức tạp, đa chiều, vô cùng vô tận.
Cũng như các tác phẩm trước, Người mê có sự lồng ghép, đồng hiện
nhiều mảng không gian, thời gian và tâm lý khác nhau. Trong mỗi phần được đánh
số từ 1 đến 41 luôn xuất hiện những dòng ký ức đứt nối đan cài liên tục với khoảng
thời gian thực tại. Nơi đó, nhân vật sống trong khoảng thời gian đa chiều: quá
khứ nhạt nhẽo, vô vị - hiện tại chới với, âu lo - tương lai vô định, hoang hoải.
Cùng với đó là sự xếp chồng nhiều bình diện không gian: không gian “ngoài kia”
hỗn loạn, ồn ã (thành phố, thị trấn), không gian “trong này” tĩnh lặng, trầm mặc
(quán cà phê, ngôi nhà, khu vườn), không gian giấc mơ, hư ảo, không gian tưởng
tượng, phi lý… Đặc biệt, Uông Triều đã xây dựng trong tác phẩm của mình không
gian mang tính mơ hồ, thường bao hàm những song đề, nghịch lý sâu xa: khu vườn,
ngôi nhà, bức tường… Trong thế giới nghệ thuật ấy luôn có một hình ảnh bao trùm
lên tất cả như là ấn tượng duy nhất: cái giếng khổng lồ, sâu thăm thẳm. Đó là một
không gian mang biểu tượng đa chiều: thế giới bí ẩn, bị lãng quên, có sức vẫy gọi,
quyến rũ; những góc tối, vùng mờ của sự thật bị che giấu; sự ám ảnh, đe dọa chết
chóc; sự bừng ngộ, tỉnh thức, giải thoát.
Trong nỗ lực làm mới thể loại, gia tăng hiệu quả tự sự cùng ý hướng tiếp cận,
khám phá hiện thực và con người có chiều sâu, Uông Triều đã có những cách tân
trong việc tổ chức diễn ngôn tự sự. Có thể coi đây là một trong những điều đặc
biệt làm nên dấu ấn của tác giả trong tiểu thuyết mới nhất này. Nhà văn đã sáng
tạo nhiều “sách lược” như sự đan cài lời kể và lời tả, lời kể và lời bình luận,
sự phối kết lời kể và lời đối thoại, lời kể và lời độc thoại nội tâm, sự hòa trộn
của nhiều dạng phát ngôn trong lời người kể chuyện khiến cho tác phẩm như một bản
giao hưởng nhiều bè. Trong đó, việc đan cài lời đối thoại và độc thoại nội tâm
trong lời người kể chuyện đã góp phần tạo nên tính đa âm cho tiểu thuyết, thể
hiện cảm quan về cuộc sống bề bộn, ngổn ngang, cũng như sự phức tạp, đa diện
trong tính cách con người. Không chỉ mang đến sự đa dạng của các chủ thể lời
nói (giọng nhân vật, giọng người kể chuyện, giọng tác giả), Uông Triều còn đem
lại sự bình đẳng cho các giọng nói/quan điểm về ý nghĩa, giá trị, lối sống (già
- trẻ, cá nhân - cộng đồng), sự tranh biện, đối thoại trên nhiều cấp độ (đời sống,
triết học, đạo đức, tư tưởng).
Cùng với đó, sự chuyển dịch linh hoạt điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật
và ngược lại khiến cho lời người kể và lời nhân vật hòa vào nhau đến mức khó
phân biệt. Khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật lúc này được rút ngắn
đáng kể, tạo nên tính dân chủ trong diễn ngôn tự sự. Lời gián tiếp tự do được sử
dụng dày đặc và hiệu quả như một trong những hình thức giúp nhà văn khám phá,
trưng bày những khuất lấp, xung đột trong nội tâm nhân vật, khơi mở miền sâu thẳm
trong tiềm thức và lý giải những bi kịch của nhân vật. Với ý hướng văn chương
thuần nhất như vậy, Uông Triều không chỉ hướng tới kiến tạo một hiện tượng đời
sống cụ thể, một cái nhìn đơn lẻ về con người cá nhân, mà còn có tham vọng khái
quát những vấn đề có tính phổ quát về thế giới nhân sinh trong hành trình kiếm tìm
ý nghĩa và giá trị của tồn tại và bản thể. Đọc Người mê, độc giả như đứng trước
một thế giới va đập bạo liệt giữa niềm tin và sự khủng hoảng, cái được và sự mất
mát, tội lỗi và nỗi sợ hãi, sám hối và lòng ham sống.
Từ Tưởng tượng và dấu vết đến Người mê, Uông Triều đã hướng tác phẩm của mình đến
một bến bờ hư ảo nơi vô vàn điều kỳ lạ, dị biệt hiện hữu. Tác phẩm của anh thể
hiện khao khát tìm kiếm sự thật về kiếp người. Nếu như mục đích của nhà văn là
làm thế nào để nói được bằng nghệ thuật những điều quan trọng đó về con người một
cách hiệu quả nhất thì có thể nói Uông Triều đã thực thi trọn vẹn sứ mệnh ấy của
văn chương trong tiểu thuyết mới nhất của mình - Người mê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét