Nguyễn Anh Nông:
Gia tài một giấc mơ thơ
Nếu phải hỏi
giấc mơ nào da diết, trăn trở nhất đời Nguyễn Anh Nông, có lẽ, anh sẽ nói rằng ấy
là thơ. Thơ là giấc mơ. Giấc mơ ấy đôi lần đậu lại trong lòng tay anh với những
bài nhỏ xinh, đáng nhớ. Phía còn lại vẫn thăm thẳm trong những kiếm tìm không mỏi
mệt. Có nên nhắc lại những giấc mơ ấy không, khi mai kia nó mãi mãi là giấc mơ,
tan đi hoặc vùi sâu trong hư vô?
Nguyễn Anh Nông sinh quán tại Xứ Thanh. Dải đất giáp ranh giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, dân gian vẫn đùa: “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào”, khí hậu, thổ nhưỡng thế nào mà sinh ra những con người Xứ Thanh gân guốc, khô khan, lắm khi đến vụng về, thô mộc. Cái khéo léo, mượt mà, dịu dàng ở đâu chứ dứt khoát không phải đặc tính người quê Thanh. Chả thế, từ lời nói đến việc làm, đi đâu cũng không lẫn được dân Thanh Hóa, giọng Thanh Hóa. Nguyễn Anh Nông, dẫu đã sống qua những vùng đất khác nhau, dẫu đi đến tận cuối đời mình, vẫn ròng nguyên nét vẻ cội nguồn ấy: Dọc ngang, xuôi ngược câu thơ cua càng (Tự trào). Người ta có thể từ những căn nguyên thuộc về thổ ngơi của một nhà thơ nào đó để soi chiếu những đặc tính thơ phú của họ. Đó không phải là một phương pháp toàn năng hay tối ưu, nhưng, ít nhất cũng cho ta những hình dung về một mối liên hệ nào đó. Với Nông, điều đó hẳn là rõ nét hơn, cả người cả thơ.
Nguyễn Anh Nông sáng tác cả thơ và trường ca bên cạnh công việc viết kịch bản phim cho Điện ảnh quân đội. Từ thơ cho trẻ em đến thơ tình, đề tài chính trị xã hội, chiến tranh, người lính, thế sự đời tư, câu chuyện của cái tôi riêng tư trong muôn vàn tương tác với đời,… đều hiện lên trong thơ anh với những nét vẻ riêng không nhoè lẫn. Như đã nói, về đại thể, vẫn còn nguyên ở đó đất đai, thổ nhưỡng quê Thanh. Anh không đổi thay cái chất Thanh đã ăn vào máu thịt, làm nên hình hài của mình. Đó là nét đáng quý mà những người ưa sự mượt mà dễ thường chưa có được sự thấu hiểu cần thiết:
Gia tài: một đống giấc mơ
Dọc ngang, xuôi ngược câu thơ
cua càng
Không bò mà cứ ngang ngang
Ôm rơm cứ ngỡ tơ vàng em trao
(Tự trào)
Tôi cũng thích những bài thơ viết cho trẻ em của anh. Tập Kỵ sĩ ngựa gỗ viết cho thiếu nhi khá mộc mạc và gần gũi với thế giới trẻ thơ. Đó là điểm thành công mà không phải ai viết cho trẻ em cũng ý thức được:
Đôi mắt lim dim
Đôi tai quạt quạt
Bò đứng tự tin
Chênh vênh gò đất
Cờ đuôi múa tít
Cánh mũi phì phò
Bò say sưa hát
- Ậm pò... ậm pò...
Cỏ cây ngơ ngác
Chim chóc sững sờ
Ngỡ như ai khóc
Hóa ra chú bò
Bữa nay tập hát
(Chú bò tập hát)
Thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông cũng có những bài nhỏ xinh, rất đáng đọc. Đời thi sĩ, đôi bài thơ đậu lại trong trí nhớ người đọc đã là một thành công. Với Nông, bài Giọt nước viết từ năm 1988 là một bài như thế:
Mây bay, ừ nhỉ? Mây bay!
Khát khao tôi ngửa bàn tay
hứng trời
Mưa rơi. Từng giọt mưa rơi
Bàn tay tôi đậu mảnh trời
xinh xinh
Ngắm nhìn giọt nước lung linh
Mà sao thấy cả bóng hình
nước non
- Ô hay, giọt nước con con
Mà như tích tụ ngọn nguồn
gió mưa
(Giọt nước)
Gần bốn mươi năm cầm bút, Nguyễn Anh Nông có trong tay lượng tác phẩm đáng kể. Không kể mảng chuyên môn là điện ảnh, đến nay anh đã có bảy tập thơ và bốn trường ca… Dẫu với nghệ thuật, số lượng không nói lên giá trị, nhưng, trong gia tài thơ của mình, như đã nói, Nguyễn Anh Nông cũng đã có những đóng góp riêng với vai trò một nhà thơ. Từ những tập thơ (Bàn tay lá cỏ, Mây bay, Những tháng năm ở rừng, Lững thững xanh, Hà Nội và em) đến những trường ca (Trường ca Trường Sơn, Gửi Bin Ghết và trời xanh, Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn, Lập Thành),… Nông trình hiện trước thế gian bản dạng, tâm tính và cả những quan tâm, trăn trở của anh về nghệ thuật, về cuộc đời. Chắc chắn ở đó, có những phần đã lên men thành nghệ thuật, là căn cước để nhắc đến Nông trong dòng chảy thơ ca đương đại Việt Nam.
Tôi đã dành nhiều thời gian để đọc thơ Nguyễn Anh Nông từ những ngày tụ tập cùng nhau trên gác tư nhà 17 Lý Nam Đế. Những suy cảm về anh đến giờ vẫn không thay đổi (Nguyễn Anh Nông: những thoả thuận từ sự đọc, Trường ca của Nguyễn Anh Nông: giả thuyết về dư chấn thể loại - giao cảm bề trái, in trong Nguyễn Anh Nông - Đi từ miền lá cỏ, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2013). Nhưng, những con chữ của ngày xưa giờ trở thành kẻ ngáng chân tôi. Nó làm tôi lúng túng, dẫu lần đọc lại này vừa mang tâm trạng gặp lại người cũ, vừa mang những xa xót trước điều mất mát đã thấy ngày mai. Như một bài thơ, Nông viết: Trót cùng ăn trái bồ quân
Trót cùng dạo dưới trăng ngần
đêm nao
(Mắt ơi)
Thơ ca là nhịp điệu, xúc cảm của tâm hồn. Thơ Nông, như chính con người Nông vậy. Phần hiện lên rất rõ là nét gồ ghề, thô tháp, không trau chuốt, bóng bảy, không tô vẽ làm duyên làm dáng. Cũng vì thế, ở một phương diện nào đó, trong thói tính của nhân gian, thơ Nông như một cô gái quê, dẫu thật thà, mộc mạc vẫn không hấp dẫn được sở thích ưa chải chuốt của người đời. Câu chuyện này, không phải đến giờ mới thấy, cũng chẳng riêng Nguyễn Anh Nông. Nhớ lại thuở Xuân Diệu mới xuất hiện trên Phong hóa, Ngày nay những năm 30 của thế kỷ XX, những vần thơ, những truyện ngắn vụng về, non nớt mang đầy dấu vết kẻ quê. Rồi Thế Lữ sửa thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu chấp nhận gột bỏ vẻ quê mùa, vụng về của một kẻ sinh ra ở vùng quê nghèo khó miền Trung, nhập vào cái không gian đô thị, chải chuốt của Hà thành, dần dần Xuân Diệu đã thành một thị dân, một thi sĩ của tầng lớp trung lưu. Không so sánh, chỉ là một kinh nghiệm, để thấy rằng, Nông có điều kiện để thay đổi, để cải hóa bản dạng, tâm tính. Rồi như đã biết, Nông không gội gột nét quê. Anh giữ lấy như là một tài sản của riêng mình. Bởi thế, thơ Nông khó đáp ứng được với những đòi hỏi chải chuốt của thị thành. Nhưng, chưa hẳn đó đã là điểm yếu, sự non kém của Nông. Có khi, như đã một lần tôi nói, đó lại là nét vẻ khiến người ta không dễ quên Nguyễn Anh Nông.
Một điểm nữa, có lẽ đến lúc có thể nói về những sáng tác của Nông, cả thơ và trường ca, ở tính xã hội của nó. Văn chương, trước khi có thể là nghệ thuật, nó là một hiện tượng xã hội (dĩ nhiên, khi nó là nghệ thuật thì vẫn là một hiện tượng xã hội). Trong tư cách như thế, có thể xem toàn bộ sáng tác của Nguyễn Anh Nông là một hiện tượng xã hội với tính toàn thể của nó. Thơ ca làm hiện hữu con người và là khía cạnh thể hiện rõ nhất nhu cầu hiện sinh của chủ thể. Dù giới phê bình hay người đọc phổ thông nhận định thế nào, điều quan trọng hơn cả chính là sự hiện diện của chủ thể, của con người. Sống đời và sống thơ, hoà vào nhau hay chính là nhau trong khát vọng không biến tan, không nhoà lẫn giữa cuộc đời. Chuyện được mất, hơn thua, trong văn chương, như cổ nhân nói, một mình mình biết, một mình mình hay. Dại khôn trong cõi chữ hay cõi người, lắm khi không thể lường trước được. Nguyễn Anh Nông cũng hiểu rằng: Vần xoay thế sự vuông tròn/ Em ơi, ta đã nên khôn bao giờ? (Tát biển). Cái dại khờ của kẻ mộng mơ, bởi thế, lại làm cho cuộc đời trở nên giàu có. Nguyễn Anh Nông có những bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn và khá đáng yêu dành cho trẻ em. Những bài thơ tình cũng có đôi câu đáng đọc và ngâm ngợi. Rồi khoảng gần chục năm nay, anh chú tâm vào trường ca. Với bốn trường ca như đã nói ở trên, Nguyễn Anh Nông có tư cách để được nhắc đến trong những lần kiểm kê lực lượng sáng tác trường ca Việt. Điểm nổi bật trong trường ca của Nguyễn Anh Nông là đi sâu về phía hậu chiến, về phía đời tư và những câu chuyện cá nhân. Những tưởng, địa hạt ấy không dành cho trường ca. Nhưng, đời sống đã làm thay đổi gương mặt, hình thức lời văn, đặc tính thể loại. Những câu chuyện của cá nhân, của thế sự, những diễn biến ở phía sau của hào quang, của tấm huân chương, của những cuộc đời ngay giữa lòng xã hội. Đó là khuynh hướng đang nở rộ của trường ca Việt những năm sau giải phóng và Đổi mới. Điều cần thiết nhất, như nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn chỉ ra, viết trường ca cần phải trường vốn, trường sức. Dĩ nhiên, ở những trường ca của Nguyễn Anh Nông, người đọc vẫn nhận thấy những suy tư dài rộng về lịch sử, về cuộc đời, về thân phận trong một cấu trúc bề thế, xuyên suốt có tính chỉnh thể. Đó có thể là cấu trúc của một câu chuyện hoặc một tâm trạng, một diễn biến xúc cảm và suy tư. Nhưng, dù thế nào, yếu tố “trường” vẫn phải được ý thức một cách thống nhất, làm thành tâm thế cho chủ thể sáng tạo. Từ Trường Sơn đến những Trường Sơn, từ biểu tượng của lịch sử đến biểu tượng của dân tộc, của cá nhân trên con đường đi tới tương lai, Nguyễn Anh Nông đã đặt ra một “bổ đề” cho ý thức, nhận thức của con người trước vận mệnh cá nhân và dân tộc. Cùng với đó, cuộc đời những con người như KO, ĐK, Lập Sơn, Lập Thành,… không đơn giản chỉ là câu chuyện cá nhân hay một gia đình. Đó là biểu tượng cho ý chí và nghị lực sống, là hoa trái nở trên ngày tháng vừa đau đớn, khổ luỵ vừa hạnh phúc, hân hoan. Thay vì những bài thơ nhỏ xinh như cuộc đời mỗi cá nhân đơn lẻ, những con người này đã viết nên trường ca của đời mình trong khát vọng sống và vươn lên. Nguyễn Anh Nông đã tỉnh táo và nhân văn trong ý niệm này khi đứng trước các vấn đề nan giải của nhân sinh thời kinh tế thị trường. Ai đó có thể quan niệm trường ca là thể loại siêu sang của thơ trữ tình cũng như tiểu thuyết là thể loại siêu sang của văn xuôi, còn tôi, giá trị còn lại với thời gian, với con người mới là điều quan trọng. Trường ca, chỉ đơn giản là một cách định danh hình thức thể loại, không nói lên địa vị của nó so với các thể văn chương khác. Nhưng, với đặc tính của nó, những tâm sự lớn, những câu chuyện phổ quát, những suy tư lâu dài, những cảm xúc triền miên có dịp được tỏ bày. Nông đã ý thức khá rõ về điều đó khi thâm nhập vào thể loại trường ca và những cảm thức hậu chiến, thế sự, đời tư. Đánh giá về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Anh Nông, trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam, phần nổi trội lên nhất là khát vọng thơ, là giấc mơ về một không gian văn chương như là ý niệm của chủ thể. Giữa ý niệm, khát vọng và thực tế, có thể còn những khoảng cách, những vênh lệch, nhưng, điều quan trọng là Nông đã sống hết mình với đam mê, khát vọng ấy. Anh thành thực nhận ra và bày tỏ trong thơ, trường ca của mình những câu chuyện đời sống đang ròng nguyên như vỉa quặng. Điểm đáng lưu ý trong những sáng tạo của Nông chính là anh xem trọng phần nội dung cảm xúc, suy tư hơn là những trau chuốt về hình thức. Thành ra, người đọc cần phải đặt mình vào tâm thế của tác giả, những kinh nghiệm của chủ thể để nhận ra điều Nông muốn thể hiện đằng sau con chữ. Thơ Nông, cũng như trường ca, không hấp dẫn người đọc bằng câu từ, bằng thủ pháp, mà bằng trữ lượng suy tư cũng như sự gần gũi với đời thường. Anh nói lên một cách bộc trực những suy cảm của mình, như thớ đất vật mình lên tươi rói, như những lấm láp phía ngoài quặng vỉa:
Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết
(Những tháng năm ở rừng)
Xưa, đã có lần Hàn Mặc Tử thốt lên: Người thơ phong vận như thơ ấy. Nay, cũng vẫn nhận ra sự tương đồng giữa thơ và người Nguyễn Anh Nông. Điều đáng nói là sau gần bốn mươi năm cầm bút, Nông không chủ đích hướng đến những kỹ thuật hay thủ pháp. Anh kiên trì với những mảng đề tài, những câu chuyện đời tư mà mình trải nghiệm. Đôi khi, giữa những vuốt ve, chải chuốt, làm dáng của đời, Nguyễn Anh Nông thấy mình vụng về và đáng thương:
Một bước ngỡ tới đâu
Ngàn vạn bước chửa tới mình
Ta như kẻ tập đi với đôi chân
bé bỏng
Đường đời dài rộng
Đường tình chông chênh
Phận mình lênh đênh
Thăm thẳm trời mây
Hun hút gió
Đăm đắm bàn tay lá cỏ
(Tha hương)
Nghệ sĩ, họ sống nhiều hơn một cuộc đời. Nghĩa là, họ sống trong thế giới của nghệ thuật, trong những tưởng tượng và kiến tạo riêng biệt. Và, đương nhiên, những giá trị sẽ vẫn còn ở lại cùng nhân gian, bất chấp xác thân hữu thể đã tan vào hư vô: Một cánh chim bé nhỏ
Bay về miền hoang sơ
Một bông hoa bình dị
Chớp mắt chào hư vô
Bao nhiêu tình sông bể
Ảo ảnh những vần thơ
Góc trời vầng trăng lẻ
Ai đợi ai, thẫn thờ
(Trăng côi)
Đọc những vần thơ này thấy thương Nông quá. Nhân gian rộng lớn, nghệ thuật cũng vô biên, những đam mê, khát vọng cũng nhiều, nhưng những dấu ấn để lại của một xác thân bé nhỏ, liệu có nghĩa lý gì giữa mênh mông vô biên đó. Tất cả phải chăng rồi chỉ là ảo ảnh, là hư vô? Cảm giác về sự nhỏ nhoi, cô độc, lắm khi là tuyệt vọng cứ dâng lên khi đọc những vần thơ này của Nguyễn Anh Nông. Chợt nhớ Huy Cận xưa với nỗi “mang mang thiên cổ sầu” của “một chiếc linh hồn nhỏ”, nhớ Phạm Hầu đã chơi vơi tuyệt vọng “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?”. Cảm thức về sự hư vô, về cái biến tan giữa dòng thời gian vô thuỷ vô chung có lẽ đã bám níu lấy Nguyễn Anh Nông, xúi giục bước chân anh tìm đến những hy vọng, những chứng cứ của sự sống. Những bài thơ về tình yêu, tình bạn, về những cuộc đời, số phận như những bản trường ca, đã minh chứng cho khát vọng đọng lại mình giữa nhân gian của Nguyễn Anh Nông.
Tôi viết những dòng này trong nỗi chông chênh của riêng mình về một sự thiếu vắng đang hiện hữu rất gần. Ám ảnh về phía đó hiện lên thành khí hậu của bài viết - ngậm ngùi, ly biệt. Kể ra, nếu nghĩ rằng chúng ta đang bước tiếp trên những hành trình khác nhau, hẳn thấy nhẹ đi rất nhiều những thiếu vắng, ly cách sẽ hiện diện. Đọc lại thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông, là đọc lại một con người, một cuộc đời, một thế giới và ở đó, chúng ta nhận ra khuôn mặt con người giữa dòng thời gian. Hiện tại ở giữa quá khứ và tương lai, chỉ là một cái chấm rất nhỏ nhoi, mong manh. Thế nên, ở khoảnh khắc mong manh ấy, con người nỗ lực bày tỏ sự hiện diện của mình. Với Nguyễn Anh Nông, trong khoảnh khắc, với những giấc mơ thơ, anh đã cố gắng, miệt mài để sống đời, để hiện hữu. Những giấc mơ đã thành hiện thực, những giấc mơ sẽ đi tiếp trong miên trường, rồi hiện diện một lần nào đó giữa vô định. Những giấc mơ nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta.
Nguyễn Anh Nông sinh quán tại Xứ Thanh. Dải đất giáp ranh giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, dân gian vẫn đùa: “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào”, khí hậu, thổ nhưỡng thế nào mà sinh ra những con người Xứ Thanh gân guốc, khô khan, lắm khi đến vụng về, thô mộc. Cái khéo léo, mượt mà, dịu dàng ở đâu chứ dứt khoát không phải đặc tính người quê Thanh. Chả thế, từ lời nói đến việc làm, đi đâu cũng không lẫn được dân Thanh Hóa, giọng Thanh Hóa. Nguyễn Anh Nông, dẫu đã sống qua những vùng đất khác nhau, dẫu đi đến tận cuối đời mình, vẫn ròng nguyên nét vẻ cội nguồn ấy: Dọc ngang, xuôi ngược câu thơ cua càng (Tự trào). Người ta có thể từ những căn nguyên thuộc về thổ ngơi của một nhà thơ nào đó để soi chiếu những đặc tính thơ phú của họ. Đó không phải là một phương pháp toàn năng hay tối ưu, nhưng, ít nhất cũng cho ta những hình dung về một mối liên hệ nào đó. Với Nông, điều đó hẳn là rõ nét hơn, cả người cả thơ.
Nguyễn Anh Nông sáng tác cả thơ và trường ca bên cạnh công việc viết kịch bản phim cho Điện ảnh quân đội. Từ thơ cho trẻ em đến thơ tình, đề tài chính trị xã hội, chiến tranh, người lính, thế sự đời tư, câu chuyện của cái tôi riêng tư trong muôn vàn tương tác với đời,… đều hiện lên trong thơ anh với những nét vẻ riêng không nhoè lẫn. Như đã nói, về đại thể, vẫn còn nguyên ở đó đất đai, thổ nhưỡng quê Thanh. Anh không đổi thay cái chất Thanh đã ăn vào máu thịt, làm nên hình hài của mình. Đó là nét đáng quý mà những người ưa sự mượt mà dễ thường chưa có được sự thấu hiểu cần thiết:
Gia tài: một đống giấc mơ
Dọc ngang, xuôi ngược câu thơ
cua càng
Không bò mà cứ ngang ngang
Ôm rơm cứ ngỡ tơ vàng em trao
(Tự trào)
Tôi cũng thích những bài thơ viết cho trẻ em của anh. Tập Kỵ sĩ ngựa gỗ viết cho thiếu nhi khá mộc mạc và gần gũi với thế giới trẻ thơ. Đó là điểm thành công mà không phải ai viết cho trẻ em cũng ý thức được:
Đôi mắt lim dim
Đôi tai quạt quạt
Bò đứng tự tin
Chênh vênh gò đất
Cờ đuôi múa tít
Cánh mũi phì phò
Bò say sưa hát
- Ậm pò... ậm pò...
Cỏ cây ngơ ngác
Chim chóc sững sờ
Ngỡ như ai khóc
Hóa ra chú bò
Bữa nay tập hát
(Chú bò tập hát)
Thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông cũng có những bài nhỏ xinh, rất đáng đọc. Đời thi sĩ, đôi bài thơ đậu lại trong trí nhớ người đọc đã là một thành công. Với Nông, bài Giọt nước viết từ năm 1988 là một bài như thế:
Mây bay, ừ nhỉ? Mây bay!
Khát khao tôi ngửa bàn tay
hứng trời
Mưa rơi. Từng giọt mưa rơi
Bàn tay tôi đậu mảnh trời
xinh xinh
Ngắm nhìn giọt nước lung linh
Mà sao thấy cả bóng hình
nước non
- Ô hay, giọt nước con con
Mà như tích tụ ngọn nguồn
gió mưa
(Giọt nước)
Gần bốn mươi năm cầm bút, Nguyễn Anh Nông có trong tay lượng tác phẩm đáng kể. Không kể mảng chuyên môn là điện ảnh, đến nay anh đã có bảy tập thơ và bốn trường ca… Dẫu với nghệ thuật, số lượng không nói lên giá trị, nhưng, trong gia tài thơ của mình, như đã nói, Nguyễn Anh Nông cũng đã có những đóng góp riêng với vai trò một nhà thơ. Từ những tập thơ (Bàn tay lá cỏ, Mây bay, Những tháng năm ở rừng, Lững thững xanh, Hà Nội và em) đến những trường ca (Trường ca Trường Sơn, Gửi Bin Ghết và trời xanh, Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn, Lập Thành),… Nông trình hiện trước thế gian bản dạng, tâm tính và cả những quan tâm, trăn trở của anh về nghệ thuật, về cuộc đời. Chắc chắn ở đó, có những phần đã lên men thành nghệ thuật, là căn cước để nhắc đến Nông trong dòng chảy thơ ca đương đại Việt Nam.
Tôi đã dành nhiều thời gian để đọc thơ Nguyễn Anh Nông từ những ngày tụ tập cùng nhau trên gác tư nhà 17 Lý Nam Đế. Những suy cảm về anh đến giờ vẫn không thay đổi (Nguyễn Anh Nông: những thoả thuận từ sự đọc, Trường ca của Nguyễn Anh Nông: giả thuyết về dư chấn thể loại - giao cảm bề trái, in trong Nguyễn Anh Nông - Đi từ miền lá cỏ, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2013). Nhưng, những con chữ của ngày xưa giờ trở thành kẻ ngáng chân tôi. Nó làm tôi lúng túng, dẫu lần đọc lại này vừa mang tâm trạng gặp lại người cũ, vừa mang những xa xót trước điều mất mát đã thấy ngày mai. Như một bài thơ, Nông viết: Trót cùng ăn trái bồ quân
Trót cùng dạo dưới trăng ngần
đêm nao
(Mắt ơi)
Thơ ca là nhịp điệu, xúc cảm của tâm hồn. Thơ Nông, như chính con người Nông vậy. Phần hiện lên rất rõ là nét gồ ghề, thô tháp, không trau chuốt, bóng bảy, không tô vẽ làm duyên làm dáng. Cũng vì thế, ở một phương diện nào đó, trong thói tính của nhân gian, thơ Nông như một cô gái quê, dẫu thật thà, mộc mạc vẫn không hấp dẫn được sở thích ưa chải chuốt của người đời. Câu chuyện này, không phải đến giờ mới thấy, cũng chẳng riêng Nguyễn Anh Nông. Nhớ lại thuở Xuân Diệu mới xuất hiện trên Phong hóa, Ngày nay những năm 30 của thế kỷ XX, những vần thơ, những truyện ngắn vụng về, non nớt mang đầy dấu vết kẻ quê. Rồi Thế Lữ sửa thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu chấp nhận gột bỏ vẻ quê mùa, vụng về của một kẻ sinh ra ở vùng quê nghèo khó miền Trung, nhập vào cái không gian đô thị, chải chuốt của Hà thành, dần dần Xuân Diệu đã thành một thị dân, một thi sĩ của tầng lớp trung lưu. Không so sánh, chỉ là một kinh nghiệm, để thấy rằng, Nông có điều kiện để thay đổi, để cải hóa bản dạng, tâm tính. Rồi như đã biết, Nông không gội gột nét quê. Anh giữ lấy như là một tài sản của riêng mình. Bởi thế, thơ Nông khó đáp ứng được với những đòi hỏi chải chuốt của thị thành. Nhưng, chưa hẳn đó đã là điểm yếu, sự non kém của Nông. Có khi, như đã một lần tôi nói, đó lại là nét vẻ khiến người ta không dễ quên Nguyễn Anh Nông.
Một điểm nữa, có lẽ đến lúc có thể nói về những sáng tác của Nông, cả thơ và trường ca, ở tính xã hội của nó. Văn chương, trước khi có thể là nghệ thuật, nó là một hiện tượng xã hội (dĩ nhiên, khi nó là nghệ thuật thì vẫn là một hiện tượng xã hội). Trong tư cách như thế, có thể xem toàn bộ sáng tác của Nguyễn Anh Nông là một hiện tượng xã hội với tính toàn thể của nó. Thơ ca làm hiện hữu con người và là khía cạnh thể hiện rõ nhất nhu cầu hiện sinh của chủ thể. Dù giới phê bình hay người đọc phổ thông nhận định thế nào, điều quan trọng hơn cả chính là sự hiện diện của chủ thể, của con người. Sống đời và sống thơ, hoà vào nhau hay chính là nhau trong khát vọng không biến tan, không nhoà lẫn giữa cuộc đời. Chuyện được mất, hơn thua, trong văn chương, như cổ nhân nói, một mình mình biết, một mình mình hay. Dại khôn trong cõi chữ hay cõi người, lắm khi không thể lường trước được. Nguyễn Anh Nông cũng hiểu rằng: Vần xoay thế sự vuông tròn/ Em ơi, ta đã nên khôn bao giờ? (Tát biển). Cái dại khờ của kẻ mộng mơ, bởi thế, lại làm cho cuộc đời trở nên giàu có. Nguyễn Anh Nông có những bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn và khá đáng yêu dành cho trẻ em. Những bài thơ tình cũng có đôi câu đáng đọc và ngâm ngợi. Rồi khoảng gần chục năm nay, anh chú tâm vào trường ca. Với bốn trường ca như đã nói ở trên, Nguyễn Anh Nông có tư cách để được nhắc đến trong những lần kiểm kê lực lượng sáng tác trường ca Việt. Điểm nổi bật trong trường ca của Nguyễn Anh Nông là đi sâu về phía hậu chiến, về phía đời tư và những câu chuyện cá nhân. Những tưởng, địa hạt ấy không dành cho trường ca. Nhưng, đời sống đã làm thay đổi gương mặt, hình thức lời văn, đặc tính thể loại. Những câu chuyện của cá nhân, của thế sự, những diễn biến ở phía sau của hào quang, của tấm huân chương, của những cuộc đời ngay giữa lòng xã hội. Đó là khuynh hướng đang nở rộ của trường ca Việt những năm sau giải phóng và Đổi mới. Điều cần thiết nhất, như nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn chỉ ra, viết trường ca cần phải trường vốn, trường sức. Dĩ nhiên, ở những trường ca của Nguyễn Anh Nông, người đọc vẫn nhận thấy những suy tư dài rộng về lịch sử, về cuộc đời, về thân phận trong một cấu trúc bề thế, xuyên suốt có tính chỉnh thể. Đó có thể là cấu trúc của một câu chuyện hoặc một tâm trạng, một diễn biến xúc cảm và suy tư. Nhưng, dù thế nào, yếu tố “trường” vẫn phải được ý thức một cách thống nhất, làm thành tâm thế cho chủ thể sáng tạo. Từ Trường Sơn đến những Trường Sơn, từ biểu tượng của lịch sử đến biểu tượng của dân tộc, của cá nhân trên con đường đi tới tương lai, Nguyễn Anh Nông đã đặt ra một “bổ đề” cho ý thức, nhận thức của con người trước vận mệnh cá nhân và dân tộc. Cùng với đó, cuộc đời những con người như KO, ĐK, Lập Sơn, Lập Thành,… không đơn giản chỉ là câu chuyện cá nhân hay một gia đình. Đó là biểu tượng cho ý chí và nghị lực sống, là hoa trái nở trên ngày tháng vừa đau đớn, khổ luỵ vừa hạnh phúc, hân hoan. Thay vì những bài thơ nhỏ xinh như cuộc đời mỗi cá nhân đơn lẻ, những con người này đã viết nên trường ca của đời mình trong khát vọng sống và vươn lên. Nguyễn Anh Nông đã tỉnh táo và nhân văn trong ý niệm này khi đứng trước các vấn đề nan giải của nhân sinh thời kinh tế thị trường. Ai đó có thể quan niệm trường ca là thể loại siêu sang của thơ trữ tình cũng như tiểu thuyết là thể loại siêu sang của văn xuôi, còn tôi, giá trị còn lại với thời gian, với con người mới là điều quan trọng. Trường ca, chỉ đơn giản là một cách định danh hình thức thể loại, không nói lên địa vị của nó so với các thể văn chương khác. Nhưng, với đặc tính của nó, những tâm sự lớn, những câu chuyện phổ quát, những suy tư lâu dài, những cảm xúc triền miên có dịp được tỏ bày. Nông đã ý thức khá rõ về điều đó khi thâm nhập vào thể loại trường ca và những cảm thức hậu chiến, thế sự, đời tư. Đánh giá về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Anh Nông, trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam, phần nổi trội lên nhất là khát vọng thơ, là giấc mơ về một không gian văn chương như là ý niệm của chủ thể. Giữa ý niệm, khát vọng và thực tế, có thể còn những khoảng cách, những vênh lệch, nhưng, điều quan trọng là Nông đã sống hết mình với đam mê, khát vọng ấy. Anh thành thực nhận ra và bày tỏ trong thơ, trường ca của mình những câu chuyện đời sống đang ròng nguyên như vỉa quặng. Điểm đáng lưu ý trong những sáng tạo của Nông chính là anh xem trọng phần nội dung cảm xúc, suy tư hơn là những trau chuốt về hình thức. Thành ra, người đọc cần phải đặt mình vào tâm thế của tác giả, những kinh nghiệm của chủ thể để nhận ra điều Nông muốn thể hiện đằng sau con chữ. Thơ Nông, cũng như trường ca, không hấp dẫn người đọc bằng câu từ, bằng thủ pháp, mà bằng trữ lượng suy tư cũng như sự gần gũi với đời thường. Anh nói lên một cách bộc trực những suy cảm của mình, như thớ đất vật mình lên tươi rói, như những lấm láp phía ngoài quặng vỉa:
Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết
(Những tháng năm ở rừng)
Xưa, đã có lần Hàn Mặc Tử thốt lên: Người thơ phong vận như thơ ấy. Nay, cũng vẫn nhận ra sự tương đồng giữa thơ và người Nguyễn Anh Nông. Điều đáng nói là sau gần bốn mươi năm cầm bút, Nông không chủ đích hướng đến những kỹ thuật hay thủ pháp. Anh kiên trì với những mảng đề tài, những câu chuyện đời tư mà mình trải nghiệm. Đôi khi, giữa những vuốt ve, chải chuốt, làm dáng của đời, Nguyễn Anh Nông thấy mình vụng về và đáng thương:
Một bước ngỡ tới đâu
Ngàn vạn bước chửa tới mình
Ta như kẻ tập đi với đôi chân
bé bỏng
Đường đời dài rộng
Đường tình chông chênh
Phận mình lênh đênh
Thăm thẳm trời mây
Hun hút gió
Đăm đắm bàn tay lá cỏ
(Tha hương)
Nghệ sĩ, họ sống nhiều hơn một cuộc đời. Nghĩa là, họ sống trong thế giới của nghệ thuật, trong những tưởng tượng và kiến tạo riêng biệt. Và, đương nhiên, những giá trị sẽ vẫn còn ở lại cùng nhân gian, bất chấp xác thân hữu thể đã tan vào hư vô: Một cánh chim bé nhỏ
Bay về miền hoang sơ
Một bông hoa bình dị
Chớp mắt chào hư vô
Bao nhiêu tình sông bể
Ảo ảnh những vần thơ
Góc trời vầng trăng lẻ
Ai đợi ai, thẫn thờ
(Trăng côi)
Đọc những vần thơ này thấy thương Nông quá. Nhân gian rộng lớn, nghệ thuật cũng vô biên, những đam mê, khát vọng cũng nhiều, nhưng những dấu ấn để lại của một xác thân bé nhỏ, liệu có nghĩa lý gì giữa mênh mông vô biên đó. Tất cả phải chăng rồi chỉ là ảo ảnh, là hư vô? Cảm giác về sự nhỏ nhoi, cô độc, lắm khi là tuyệt vọng cứ dâng lên khi đọc những vần thơ này của Nguyễn Anh Nông. Chợt nhớ Huy Cận xưa với nỗi “mang mang thiên cổ sầu” của “một chiếc linh hồn nhỏ”, nhớ Phạm Hầu đã chơi vơi tuyệt vọng “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?”. Cảm thức về sự hư vô, về cái biến tan giữa dòng thời gian vô thuỷ vô chung có lẽ đã bám níu lấy Nguyễn Anh Nông, xúi giục bước chân anh tìm đến những hy vọng, những chứng cứ của sự sống. Những bài thơ về tình yêu, tình bạn, về những cuộc đời, số phận như những bản trường ca, đã minh chứng cho khát vọng đọng lại mình giữa nhân gian của Nguyễn Anh Nông.
Tôi viết những dòng này trong nỗi chông chênh của riêng mình về một sự thiếu vắng đang hiện hữu rất gần. Ám ảnh về phía đó hiện lên thành khí hậu của bài viết - ngậm ngùi, ly biệt. Kể ra, nếu nghĩ rằng chúng ta đang bước tiếp trên những hành trình khác nhau, hẳn thấy nhẹ đi rất nhiều những thiếu vắng, ly cách sẽ hiện diện. Đọc lại thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông, là đọc lại một con người, một cuộc đời, một thế giới và ở đó, chúng ta nhận ra khuôn mặt con người giữa dòng thời gian. Hiện tại ở giữa quá khứ và tương lai, chỉ là một cái chấm rất nhỏ nhoi, mong manh. Thế nên, ở khoảnh khắc mong manh ấy, con người nỗ lực bày tỏ sự hiện diện của mình. Với Nguyễn Anh Nông, trong khoảnh khắc, với những giấc mơ thơ, anh đã cố gắng, miệt mài để sống đời, để hiện hữu. Những giấc mơ đã thành hiện thực, những giấc mơ sẽ đi tiếp trong miên trường, rồi hiện diện một lần nào đó giữa vô định. Những giấc mơ nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét