Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Bày cơn mơ lên mảnh đất cuối cùng

Bày cơn mơ lên mảnh đất cuối cùng

Trong những ngày này, tôi đã thay đổi một vài thói quen. Một trong những thay đổi đó là bây giờ tôi thường ngồi im lặng trong đêm không viết, không vẽ. Và trong những đêm như thế, có những câu thơ của tôi viết từ mấy chục năm trước vô tình trở về và vang lên:
Quanh các con tôi thế giới đang tự sát
Hai đứa bé không hay vẫn nhặt lá vườn
Còn sót lại sau mùa cây sưng phổi
Bày cơn mơ lên mảnh đất cuối cùng
Đấy là những câu thơ trong bài thơ Con bống đen đẻ trứng, viết năm 1993, vừa được in lại trong tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2020. Bài thơ nói về sự sụp đổ hay là sự kết thúc của của một thế giới đắm chìm trong tham vọng điên rồ vật chất, trong sự ích kỷ, trong vô cảm, trong bất công, trong tranh giành lợi ích và quyền lực, trong độc ác… Tôi đã cõng các con tôi chạy trốn khỏi thế giới ấy trở về nơi thanh sạch cuối cùng còn sót lại.
Chuyên đề Viết và Đọc mùa hè 2020
Khi những câu thơ vang lên cũng là lúc một hình ảnh đầy đau đớn nhưng cũng đầy hy vọng hiện ra. Đau đớn bởi thế gian đã hoang tàn như ngày tận thế. Hy vọng bởi con tôi và những đứa trẻ trên thế gian hoang tàn ấy vẫn bày cơn mơ của chúng lên mảnh đất cuối cùng của sự tốt đẹp.
Dịch virus Vũ Hán ập đến và nó thực sự thay đổi thế giới này. Nó phơi bày nhiều sự thật thảm thương của con người, nó như mở thêm một con mắt nữa để những người có lương tâm nhìn về lịch sử của mình. Một cảm giác xấu hổ và tội lỗi tràn ngập những con người còn lương tâm. Con người mang căn bệnh hoang tưởng nghĩ rằng họ đang thống trị thế gian, hoang tưởng nghĩ rằng họ đã tạo dựng lên một cuộc sống văn minh hơn tất cả các thế hệ người trước đó, hoang tưởng nghĩ rằng họ đang nắm trong tay quyền lực điều khiển nhân loại theo ý muốn của mình… Nhưng chính trong lúc đó, ở đâu đó trong những căn phòng chật chội có thể đầy mùi thuốc lá, mùi rượu là những nỗi ‘’sợ hãi khổng lồ’’ về sự suy tàn và kết thúc của thế giới này lại vang lên một bài ca về sự sống và một giấc mơ đẹp đầy nước mắt cho tương lai.
Quả thực lúc này, trong bóng tối của những đêm đầy sự đe dọa và nỗi sợ hãi của con người, tôi luôn nhìn thấy những nhà văn chân chính đang đứng giữa một thế giới của vô cảm, tham lam, điên rồ, bất công, phi nhân tính… và cất lên câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn về sự suy đồi của thế gian. Và hơn thế, tôi nghe thấy tiếng chân của họ bước ra khỏi bậc cửa ngôi nhà của mình. Họ đang bước vào cuộc thách đấu để chống lại thế lực phi nhân tính đang ngày càng lan rộng trên thế gian này.
Thế giới quả thực đang tự sát với những cuộc chạy đua vũ trang, thử bom nguyên tử, với sự tàn phá môi trường cho những lợi ích đê tiện, với sự tranh giành ngôi thứ, với việc ăn cướp đất đai, biển đảo một cách vừa lưu manh vừa thâm độc, với những mục đích đen tối mượn danh tôn giáo, mượn danh cái đẹp với sự vô cảm lan nhanh hơn mọi thứ bệnh dịch, với mức độ tội phạm lên đến đỉnh điểm…
Thế giới đang chết. Đừng nghĩ đó là lời của sự tuyệt vọng. Đó là sự thật. Khi những người phải kêu lên ‘’thế giới đang chết’’ chính là lúc họ đang đang nỗ lực nhất để cứu thế giới này. Hãy nhìn vào sự thật. Đừng đánh lừa người khác và đừng đánh lứa chính bản thân mình. Tôi tin chắc rằng: sẽ có ít nhất một người tiến về phía tôi, chỉ tay vào mặt tôi và nói;’’ người đừng làm rối loạn xã hội này. Người hãy nhìn ra xã hội ngoài kia, những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, những trung tâm mua sắm ngày càng khổng lồ, những phương tiện ngày càng hiện đại, những nhu cầu hưởng lạc ngày càng được đáp ứng…’’. Và tôi trả lời: Đúng là các ngươi đang sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất hơn. Chính thế các ngươi đang mỗi ngày lút sâu trong đầm lầy của thói ngạo mạn và tăm tối khi thấy mình đang sở hữu nhiều vật chất và quyền lực hơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ các ngươi. Nhưng nếu các ngươi đặt câu hỏi về đời sống này với đúng bản chất tinh thần của nó và lắng nghe câu trả lời thành thực nhất theo một phép liên hoàn từ nhiều thế hệ trong gia đình các ngươi: cụ kỵ, ông bà, cha mẹ…thì các ngươi sẽ nhận thấy những câu trả lời này sẽ dựng lên một lộ trình của đời sống giống như tiến trình đóng băng của một dòng sông. Dòng nước bị băng hóa từ từ và cuối cùng trở nên bất động: cái chết của dòng chảy - sự sống. Sự băng giá từ từ hay một cái chết chậm không làm cho các ngươi nhận biết về nó. Ngược lại, các ngươi đã lầm tưởng các ngươi đang đến gần với một thế giới ánh sáng
Nhưng trong sự đau đớn tưởng sẽ đẩy chúng ta rơi vào vực sâu của sự tuyệt vọng chỉ bằng một cú hích nhẹ thì lại hiện ra những gương mặt Thiên thần. Đấy là những con ta, những cháu ta. Trên mảnh đất cuối cùng của sự tốt đẹp, những đứa trẻ đang bày ra cơn mơ của chúng về thế gian này. Khi cảm giác về virus Vũ Hán sẽ dần dần xóa đi đời sống con người đang làm tôi hoang mang, tôi trở về ngôi nhà nhỏ bé của mình ở thị xã Hà Đông. Đứa cháu nội vươn hai bàn tay bé xíu về phía tôi và gọi tôi bằng ngôn ngữ của một đứa trẻ một tuổi. Tôi đã sững người. Nước mắt chảy trên gương mặt tôi. Đấy là hạnh phúc của tôi, là sự cứu rỗi của tôi, là hy vọng cuối cùng của tôi về thế gian tăm tối này. Và lúc đó, ý thức để bảo vệ một sinh linh nhỏ bé trong tôi trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tiếng gọi của sinh linh bé bỏng đó như một dòng nước tinh khiết, như những ngọn gió trong lành đã cuốn đi những những rác rưởi của sự hèn yếu, nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng còn đâu đó trong tâm hồn chúng ta. Và chúng ta đã lớn lên thêm một chút so với trước đó. Chúng ta sẽ bước vào cuộc chiến đấu chống lại những điều tồi tệ và độc ác đang làm thế giới suy tàn. Và ai đó trong chúng ta có thể bị bắn gục. Nhưng cái chết ấy không bao giờ là sự kết thúc. Nó mở ra lập tức những cánh cửa rộng lớn về phía ánh sáng.
Và hơn bao giờ hết, lúc này tôi nhìn thấy tất cả những đứa trẻ trên thế gian đang bày cơn mơ của chúng trong tất cả những khu vườn trên thế gian này. Chúng làm cho chúng ta băng qua mọi sợ hãi để đến bên chúng.
24/6/2020
Nguyễn Quang Thiều
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...