Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Trầu cau trong văn hóa người Việt

Trầu cau trong văn hóa người Việt

Nét đẹp của trầu, cau và vôi được đưa vào ca dao, dân ca qua lời nói, lời ca tiếng hát. Có lẽ bắt nguồn từ sự tích về Trầu, Cau và Vôi được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chắc bởi vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên trong tâm thức con người, là một đời sống tinh thần bền vững về thiên nhiên gắn bó bền chặt tạo nên hương sắc cho cuộc đời, hay tình cảm anh em hòa thuận, chăm sóc yêu thương, đùm bọc nhau, sự nồng nàn của nghĩa vợ tình chồng đậm đà sắc son như câu chuyện cổ tích về trầu, cau và vôi.
Để rồi không biết từ nơi đâu mà trong tâm thức đời sống người dân Việt luôn trân quý hình ảnh cau trầu như vậy, xem con trâu gắn liền với đời sống cư dân nông nghiệp, là tài sản quý giá trong nhà để xây dựng cuộc sống gia đình. Còn miếng trầu miếng cau là món ngon, là thứ quý giá trong nhà dùng làm “đầu trò tiếp khách” như lời kể qua câu:
“Miếng trầu là đầu câu truyện,
Con trâu là đầu cơ nghiệp”
Hay mượn hình ảnh miếng trầu con trâu mà định duyên kết nghĩa bạn tình trăm năm:
“Trăm năm còn có gì đâu
Miếng trầu liền với con trâu một vần”.
Miếng trầu đi vào văn hóa của người Việt gắn liền với phong tục nhuộm răng đen để có câu “má hồng răng đen” cái đẹp của người con gái thuở nào - người thôn nữ má hồng răng đen, một thời đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai:
“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”.
Miếng trầu đi vào lời hát câu ca, điệu hò một cách đơn giản hồn nhiên, chẳng cầu kỳ phức tạp, miếng trầu như mối tơ lòng vấn vương, một nhớ, hai thương, ba chờ, bốn đợi một mối tình son, qua đặc trưng ba miền nước Việt.
Nơi vùng đất kinh kỳ, miếng trầu còn đi vào lời ca quan họ, là lời trai gái hẹn hò, một nghĩa tình chung thủy, nhẹ nhàng, sâu sắc. Đầy ý tứ của một giai nhân, hẹn hò tài tử bền lâu như màu trầu cau thắm đỏ:
“Ngày hội năm xưa, em tiễn anh tới một con đò.
Em gửi miếng trầu thương nhớ,
Để mùa sau anh nhớ lại sang.
Trầu em têm mang bao tình nghĩa,
Thắm đỏ thắm qua những mùa đông.
Để ngày xuân, tươi đẹp nắng hồng,
Trầu quan họ em lại chờ anh.
Ngày hội năm nay, nhớ nghĩa xưa anh lại sang tìm.
Miếng trầu anh nhận năm ấy,
Để hôm nay anh đến tìm em”
Với vùng đất của thi ca, của xứ đoài mây trắng, miếng trầu đi vào giấc ngủ trẻ thơ, với lời ru ngọt ngào êm ả, trìu mến, chan chứa thấm đẫm tình yêu vô bờ ấy đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người con Việt chúng ta một cách rất tự nhiên:
“Hà ơi ơi ơi…
ru em em thét cho muồi…
Để mạ đi chợ… Hà ơi ơi ơi…
Để mạ đi chợ… mua vôi ăn trầu…
Hà ơi ơi… mùa vôi chợ Quán mà chợ Cầu…
Chứ mua cau mà Nam phổ… hà ơi ơi ơi…
Mua cau Nam phổ… mua trầu chợ Dinh…”
Phong tục Bắc Nam cũng khác qua bao thế hệ, nhưng hình ảnh trầu cau qua bao thế hệ vẫn luôn đậm đà không phai, mà nó mãi sống trong từng lời ru, câu hò, câu hát ngày nay miếng trầu đi vào vọng cổ của Nam Bộ mảnh đất trẻ, và năng động đang thay đổi từng ngày, và tình đất, tình người nơi đây cũng thế, vùng đất còn trẻ, nên tình yêu cũng mộc mạc giản dị, yêu nhau:
“Khi xưa ai biết ai đâu
Chỉ vì điếu thuốc miếng trầu mà quen”.
Rồi từ hình ảnh trầu với cau, mà kết tình vợ chồng nên trong lời bài hát có câu “Miếng trầu xanh thì nên nghĩa vợ chồng”
“Thương nhau cau bổ làm đôi miếng,
Một lá trầu xanh thắm nợ duyên,
Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ,
Em còn hoài vọng tiếng người thương”
“Anh hứa với em khi mình nên duyên nên nợ thì một miếng trầu xanh cũng nên vợ nên… chồng. Cau thắm, trầu xanh sẽ thêm đượm thêm nồng’’.
Hay câu ca dao dùng làm ngụ ý tỏ tình, một tình cảm sâu sắc, mặn nồng được giấu trong lòng được thổ lộ qua miếng trầu xanh:
“Bắc thang lên hái ngọn trầu hương
Đó thương ta một, ta thương đó mười”
Trái cau biểu trưng cho hình ảnh người con trai, nên cô gái mới mượn hình ảnh trái cau ngụ ý tỏ tình chàng trai đầy tinh tế, nhẹ nhàng đằm thắm của cô gái quê:
“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?
Trầu vàng nhá lẫn cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.
Mượn ý này cô gái mới gợi ý chàng trai, đem câu trầu đến nhà định chuyện vợ chồng trăm năm:
“Thương em cau tới trầu đưa
Trăm năm còn nỡ bông đùa hay sao?
Đợi chàng trai lâu quá mới qua dạm hỏi mà nàng buồn mới có câu:
“Chiều chiều buồn miệng nhai trầu
Nhớ người quân tử bên cầu ngẩn ngơ”.
Lá cau, biểu thị cho hình ảnh cô gái, nên chàng trai mới ngỏ lời dạm hỏi về tình trạng hôn nhân của cô gái với sự mộc mạc, chân chất từ chàng trai:
“Bước qua vườn ớt hái trầu
Hỏi thăm lê lựu, mãng cầu chín chưa?”.
“Thèm trầu mà chẳng dám xin
Thương em mà chẳng dám nhìn mặt em”.
Cô gái còn táo bạo hơn về việc khẳng định tình cảm của mình dành cho chàng trai:
“Bên anh dư đất trồng cau
Cho em xin miếng trồng trầu một bên”.
Để mà trầu quyện cùng cau, làm nên cánh phượng uyên ương, mà ta về chung một nhà:
“Trầu têm cánh phượng cau vừa chạm xong
Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà.
Nào là chào mẹ, chào cha
Cậu, cô, chú, bác mời ra xơi trầu”.
Còn có tích về ca dao như “Ba đồng một mớ trầu cay”, “miếng trầu nên dâu nhà người”. Trong hôn nhân, trầu cau có một vai trò quan trọng, tuy chỉ “Ba đồng một mớ trầu cay” nhưng “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng - vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại, cô chú láng giềng. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối. Vì miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng.
Hàng loạt câu ca dao về trầu cau dùng để ví về cuộc sống, tâm tư tình cảm, văn hóa cộng đông, văn hóa sinh hoạt của người Việt được nhấc đến. Trên đất nước Việt, dù đi bất kỳ nơi đâu trầu cau vẫn một màu nghĩa nghĩa thủy chung sắc son, qua bao thế hệ, thì trầu cau vẫn đơn sơ mộc mạc nhưng những hình ảnh nó đem lại làm cho ta nhớ mãi một thoáng quê hương cho dù ta, đến bất kỳ nơi đâu như “Trầu cau việt điện thư” có nói:
“Trầu cau đối với người Việt Nam, vẻ ngoài như thanh thoảng, nhưng bên trong thật là trọng đại. Cuốn sách này đề cập đến nguyên mẫu Trầu cau, kể như tín hiệu ước lệ muôn một của dân tộc Việt Nam và toàn cõi Nam Á, một khoảng trời rộng lớn của nhân loại. Phân tích nguyên mẫu, tổng hợp nguyên mẫu Trầu cau, chúng ta sẽ lần ra cái bí ẩn dân tộc, con người, vì đó là nơi tàng trữ một cách tiềm ẩn của tinh thần dân tộc. Từ cái nguyên nhất, có một, thiết yếu ấy mà có tâm hồn dân tộc, tâm hồn ấy mới củng cố đất nước, xây dựng Tổ quốc, sản sinh ra các tinh hoa dân tộc”. (Nguyễn Ngọc Chương)
Trầu, cau không chỉ là biểu tượng của đời sống tình cảm trai gái, đời sống văn hóa sinh hoạt hằng ngày mà còn là biểu tượng cho sự tôn kính, dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng… Nên têm trầu cũng đòi hỏi phải có mỹ thuật, nhất là lễ cưới có trầu têm cánh phượng có cau vỏ trổ hoa, “cau già dao sắc” thì ngon. Bày trầu trên đĩa, hạt cau phải sóng hàng, trầu vào giữa, đĩa trầu bày 5 miếng hoặc 10 miếng, khi đưa mời khách phải bưng hai tay. Tế gia tiên thì trầu têm, còn tế lễ thiên thần thì phải 3 là trầu phết một tí vôi trên ngọn lá và 3 quả cau để nguyên.
Ăn trầu không chỉ phản ánh văn hóa Việt Nam mà còn là văn hóa của vùng Đông Nam Á mà cả khu vực Châu Á và ăn trầu là phong tục cổ truyền vô phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á. Đặc biệt Dân tộc nào ở Đông Nam Á cũng có những câu chuyện kể về cây cau, dây trầu. Vùng Nam Á là vùng trầu cau rộng lớn - người dân ăn trầu trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong cuốn “Trầu cau Việt điện thư” của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương trích lời Georges Lebrun viết về vùng trầu: “Vùng phát triển hiện nay có thể định rõ bằng một đường đi từ bờ biển phía Đông của đảo Madagascar và Zanzibar đến châu Á tới miền sông Indus, rồi đến bờ sông Dương Tử qua Đài Loan và Philippines, sẽ đến Indonexia vùng Moluques bao quanh các đảo Mariannes, Caroline, Salomon, Fidji, Bismarck, và Tân Guinée, để khép kín ở đảo Réunion, đi qua Eo Torrès, biển Arafoura, Timor về phía Nam những đảo Sonde. Có thể nói trầu cau ở những vùng đất… rộng 8 triệu cây số vuông có 200 triệu người ăn trầu kể cả đàn ông, đàn bà, già - trẻ, từ ông hoàng đến người dân, thuộc về tất cả các giống người, tất cả các tôn giáo”.
Từ thiên nhiên, khí hậu, cho đến con người không có gì là bất biến. Chất văn minh, đời sống văn hóa ngày càng đi lên, đời sống ngày càng phong phú. Văn hóa trầu cau từng là một phần của cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất và tinh thần của con người xa xưa, góp phần xây dựng văn hóa người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc sống xã hội thay đổi từ bên trong lẫn bên ngoài, đời sống vật chất ngày càng đi lên, chúng ta còn gì để tự hào về văn hóa Việt, còn bao người nhớ về trầu cau, bao thế hệ nữa còn biết về văn hóa trầu cau đã từng tồn trong văn hóa Việt?.
Thông qua bài viết này, tôi hy vọng bạn sẽ hiểu nhiều hơn về sự phong phú của văn hóa Việt Nam, biết giữ gìn văn hóa của chính mình trước khi hòa mình vào vòng chảy của văn hóa toàn cầu.
Trần Thanh Điền 
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...