Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Việt Nam, một thế kỷ qua 4

  Việt Nam, một thế kỷ qua 4

Chương 20
Những Ngày Tháng Tám 1945
Để tiện làm việc, tôi đã dọn nhà tới ngõ Châu Long, ở phố Đỗ Hữu Vị, một căn nhà hai tầng, có cổng bên, có sân ở đằng sau. Tôi ở trên gác, còn dưới nhà là anh Nguyễn Gia Trí, và anh Phan Huy Đán. Cả ba người đều không ít truyện, nhưng thôi, khi nào có dịp sẽ kể sau.
Đứng ở trên gác, nhìn qua bên kia ngõ, là trường học Hữu Vị, lúc đó bị quân Nhật chiếm đóng. Có thể trông thấy rõ ràng lính Nhật ra vào trong trường, một toán bộ binh, nhưng không hiểu nhiệm vụ của chúng là gì. Một anh lính gác trẻ thường vác súng đi lại từ cổng trường sang đến ngõ chúng tôi ở. Trông anh ta còn trẻ măng, chỉ độ mười bẩy, mười tám tuổi, dáng điệu không dữ dằn như những tên lính khác.
Một hôm, Liên đến nhà, lên gác, nhân có một cái đàn dương cầm cũ, bèn học dạo vài bài cổ điển nhẹ nhàng, mà học sinh thường biết. Không ngờ anh lính Nhật từ dưới vẫy tay, tươi cười. Tuy ngôn ngữ không thông, nhưng cũng hiểu anh muốn lên chơi. Chúng tôi mời anh ta lên, anh gác súng một bên, rồi đánh một ca khúc Nhật bản. Điệu ca buồn và vẻ mặt trầm ngâm của anh chắc chắn biểu lộ tâm tình nhớ quê hương, xa người thân.
Chúng tôi cũng ngồi im lắng nghe. Người lính trẻ này cũng chỉ là một trong trăm ngàn thanh niên Nhật bị bọn quân phiệt xô đẩy vào một cuộc chiến xâm lược. Thần chết lúc nào cũng sẵn sàng đợi anh...
Mải làm báo và ứng phó với công việc, tôi cũng ít khi để ý tới gia đình. Chỉ biết mẹ tôi vẫn ở trại Cẩm Giàng, và có chị Thạch Lam cùng mấy cháu bé về ở cùng cho đỡ cô quạnh. Bà và ông em, cậu Cả tôi, đều hay đi lễ chùa, và có ý muốn tu tại gia. Sau này, hình như ông cậu tôi đi tu ở ngôi chùa rhiên Thai, thuộc Bắc Ninh, mà trong những ngày nắng ráo, đứng ở Cẩm Giàng có thể trông thấy ngọn đồi ấy. Anh cả tôi đã giữ chức giám đốc nha Bưu Chính Hà Nội, đời sống vẫn như thường không có gì thay đổi. Anh Hai vẫn làm ở nông trường gần Sài Gòn. Chị Tam vẫn giữ nghề buôn cau khô, nuôi mấy đứa con ăn học. Chị Thế dọn đến ở nhà Thạch Lam ở cũ và anh Hoàn cũng vẫn làm tại tòa báo. Vì thời thế, nên đã làm chúng tôi cũng không có liên lạc với hai anh Tú Mỡ, Thế Lữ.
Cuối tháng 7, anh Hoàng Đạo bỗng nhiên mắc bệnh thương hàn, phải vào nằm bệnh viện, trong lúc thời cục đương chuyển biến mau chóng. Gánh nặng gia đình do chị Long cáng đáng. Công việc báo chí và chính trị, vì vắng mặt anh, cũng gặp nhiều khó khăn, trách nhiệm đè lên đầu tôi và anh Khái Hưng. Trước đó, Phan Kế Toại được triều đình Huế cử làm Khâm Sai Bắc Việt, cùng với Nguyễn Văn Sâm, làm Khâm Sai Nam Việt. Vì miền Bắc là nơi hoạt động chính trị quan trọng nhất, nên Huế lại mời thêm ba nhân vật là Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Long, Đặng Thái Mai họp thành một Hội đồng Cố Vấn, đồng thời lại phong cho một số người là thanh niên ưu tú mong giúp vào việc xây dựng đất nước. Lạ nhất là tôi cũng có tên trong số ưu tú ấy, tới nay tôi vẫn chưa hiểu vì cớ gì về sau, lại đổi là ủy ban giám đốc chính trị miền Bắc để nắm quyền lãnh đạo thay vào viên Khâm Sai, gồm có 5 người: Nguyễn Xuân Chữ, Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Nguyễn Tường Long, Đặng Thái Mai. Song Đặng Thái Mai không hề tới dự - Đặng có quan hệ mật thiết với Việt minh, Trần Văn Lai bận về công việc thị trưởng Hà Nội, Phan Kế Toại có thái độ lừng khừng, còn anh Nguyễn Tường Long thì lại ốm nặng. Bác sĩ Chữ tuy được cử làm chủ tịch, nhưng không nắm được thực quyền.
Anh Hoàng Đạo mắc bệnh lúc đó là một sự đáng tiếc, vì nếu cộng tác được với Nguyễn Xuân Chữ, và lấy sức mạnh đảng phái quốc gia làm hậu thuẫn, thì có khả năng nắm đươc thực quyền, nắm được đội Bảo an binh ở Hà Nội và các tỉnh, và cuộc đảo chính của Việt minh sẽ không thể thành công. Nhưng đó chỉ là nếu. Nhiều cái nếu quá, bây giờ nghĩ lại thì quá muộn. Nếu các đảng phái quốc gia mạnh hơn, có chiến lược và chiến thuật chính xác hơn, nếu biết mạnh dạn và kịp thời hành động, nếu không ỷ lại quá đáng vào Đồng Mtnh sẽ tới giúp mình chống cộng sản, nếu...
Anh em có họp vài lần để thảo luận về tình hình. Song tiếc rằng chưa đi tới một quyết định rõ rệt, ngoài việc gọi một số người các nơi về tập trung ở Hà Nội, phái người đi thuyết phục Bảo an binh, và liên lạc với anh em ở Vân Nam.
Thời thế biến chuyển nhanh hơn là người ta tưởng.
Đầu tháng 8, 1945. Chúng tôi vẫn miệt mài làm báo. Tờ Ngày Nay vẫn bán rất chạy, tuy những tin tức dồn dập khiến mọi người hoang mang.
Một buổi chiều, công việc xong, tôi đương ngồi uống càphê, bỗng thấy Khái Hưng từ ngoài vội vã bước vào trong tòa soạn:
- Mỹ ném bom nguyên tử! - anh nói.
- Xuống đâu? - tôi vội hỏi
- Hiroshima... mấy mươi vạn người đã ra tro.
Về những vũ khí tân tiến như phi cơ, hỏa tiễn V2, đã nghe đến nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe tới bom nguyên tử. Tôi không khỏi rùng mình trước sức tàn phá ghê gớm của nó. Ai cũng xôn xao, hồi hộp để đợi một sự kiện gì nghiêm trọng sẽ đến. Nếu Nhật thua thì Việt nam sẽ ra sao? Đại đa số dân chúng chỉ có ước vọng là Tổ quốc sẽ được độc lập, dân tộc sẽ được tự do, có một chính phủ dân chủ, mọi người sẽ xây dựng một quốc gia giàu mạnh, đời sống sẽ tươi đẹp hơn. Nhưng làm thế nào để thực hiện ước vọng ấy? Ngồi yên đợi quân Đồng minh tới tiếp thu, rồi vẫn do chính phủ Bảo Đại cầm quyền? Hay là đảng phái nào lên nắm quyền lực lúc đó? Và quân Pháp còn có thể trở lại không?
Ngày nay, nhìn lại những giờ phút ấy, người ta mới thấy rõ những yếu tố sâu xa của những sự việc đã xẩy ra sau đó. Đó chính là sự đối chọi quyết liệt giữa những thế lực khác nhau trong nội bộ dân tộc trong bối cảnh quốc tế đầy rẫy những âm mưa đặt lại ách thực dân hay ách thống trị của những thế lực đen tối.
Dân Việt nam nói chung, và người quốc gia nói riêng, đã không chú trọng đúng mức đến nguy cơ người Pháp sẽ trở lại Đông dương với sự hỗ trợ của Đồng minh, cũng như tới nguy cơ người Cộng sản, dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, sẽ mang nền chuyên chính vô sản áp đặt trên đầu người dân. Dân Nhật chưa hoàn hồn thì quả bom nguyên tử thứ hai đã rơi xuống Nagasaki. Quân đội Liên xô tiến công vào Mãn Châu. Hạm đội Mỹ đã gần tới bờ biển Nhật, sửa soạn đổ bộ. Đế quốc Nhật đã lâm vào đường cùng.
Rồi, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên Hoàng Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Quân Nhật tại khắp các nơi đều phải hạ khí giới. Thế chiến thứ hai chính thức hạ màn. Nhưng chiến tranh khác tại nhiều nơi lúc này mới bắt đầu.
Không biết nên vui hay nên buồn. Bất giác, tôi nhìn sang trại quân Nhật bên cạnh. Toàn trại im lặng như tờ. Sau đó, họ làm lễ để tang. Treo nhiều phướn trắng trên cửa, trên một góc phố... Còn đâu là vẻ hung hăng ngạo mạn trước đây? Nhưng đáng thương nhất là anh lính Nhật trẻ. Chiều hôm ấy, anh lại lên gác nghe đánh đàn dương cầm, rơm rớm nước mắt. Anh mượn bút giấy viết mấy chữ Hán Ngã bại ngã sầu bi. Không biết anh khóc cho thân phận mình hay là cho những người thân đã bỏ mình dưới bom đạn. Anh cũng chỉ là nạn nhân, một con tốt của bọn đế quốc quân phiệt.
Nhật đã đầu hàng. Lịch sử Việt nam đã bước sang một trang hoàn toàn mới. Tất cả các thế lực ở trong cũng như ở ngoài, sẽ chạm trán với nhau trên đất nước này. Từ đó cuộc đời của tôi, của gia đình, cũng bước vào một giai đoạn khác hẳn, giai đoạn đấu tranh chính trị, vật lộn và lưu vong, tang tóc.
15 tháng 8, 1945: Với trang sử mới đã lật, thới kỳ làm báo, làm văn từ 20 năm nay đã coi như là kết thúc, với sự đình bản tự nguyện trước thời thế của tờ Ngày Nay vào hôm sau.
Chương 21
Những Giờ Phút Quyết Liệt
Ngày hôm sau, 16 tháng 8, 1945. Chín giờ sáng, tôi đạp xe từ nhà đến tòa báo. Mọi người đều có vẻ phấn khởi, đồng thời cũng tỏ ra thắc mắc về tương lai. Pháp đã chạy, Nhật đầu hàng. Vậy thì, cục thế sẽ đi tới đâu?
Lên trên gác, hai anh Khái Hưng và Nguyễn Trọng Trạc đã ngồi ở tòa soạn, vẻ mặt băn khoăn. Song Khái Hưng cũng đứng dậy, lấy cốc rót rượu ngọt màu hồng -thứ rượu nhẹ chuyên dùng vào những ngày lễ tiết - đưa cho tôi và anh Trạc: - Chúng ta mừng quân Nhật đã bại, phải đầu hàng. Bây giờ ta đã thực sự độc lập... anh nâng cốc. Chúng tôi cùng cạn cốc
- Nhưng, chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chức. Trạc nói. Nhật hạ khí giới, nhưng Triều Đình Bảo Đại, không ai tin tưởng rằng có thể lãnh đạo đất nước trong những ngày giờ khó khăn, bối rối này.
Và cả ba đều bất giác nghĩ đến việc quân Pháp có thể trở lại cùng với quân Đồng minh đổ bộ lên Đông dương nay mai.
Ai cũng biết, Pháp là một thành viên trong khối Đồng minh, với chính phủ lưu vong De Gaulle.
- Bọn Việt minh gần đây hoạt động mạnh- Trạc tiếp.
Thực vậy, khẩu hiệu Chống Pháp, chống Nhật, giành độc lập của Việt minh được tung ra ở nhiều nơi, tỏ ra rằng họ chỉ coi triều đình Huế là bù nhìn của Pháp, rồi của Nhật, và chỉ có họ mới có tư cách giành độc lập cho dân tộc mà thôi.
Khái Hưng và tôi đưa mắt nhìn nhau. Nguyễn Trọng Trạc một người thuộc đảng xã hội Pháp (S.F.I.O), anh không phải không theo rõi tình thế. Anh lo ngại về mặt Việt minh không phải là vô căn cứ. Và câu nói này cũng tỏ ra anh không am hiểu về tình hình các đảng phái khác.
Tôi cảm thấy việc tuyên truyên của các đảng phái quốc gia trong quần chúng thực là yếu kém. Không mấy những ai hiểu rõ Việt nam quốc dân đảng, Đại việt quốc dân đảng hay Đại việt dân chính đương làm những việc gì, chủ trương ra sao mà chỉ nghe thấy đồn Đại việt Quốc gia Liên minh hợp tác với Nhật. Không ít người, dưới sự xuyên tạc của Việt minh, cho là Đại việt đồng nghĩa với thân Nhật, thân phát xít. Nhớ tới việc Việt minh triệu tập hội nghị ở Thái Nguyên với kế hoạch lập một ủy ban nhân dân cứu quốc, chúng tôi càng sốt ruột. Lời hiệu triệu đẩy mạnh công tác từ hải ngoại gửi về chưa được hưởng ứng mạnh mẽ. Một số thành viên cũ của các đảng phái quốc gia nay đã hoạt động trong Việt minh, mà đại đa số người dân không hiểu Việt minh là do đảng cộng sản chi phối, hay dù biết, cũng cho là người cộng sản cũng thành thực muốn tự do độc lập. Việc tuyên truyền Việt minh đã có chiến khu trên bẩy tỉnh Việt Bắc càng mang tính chất thần bí lại càng có vẻ hấp dẫn, coi Việt minh là tổ chức duy nhất có thể cứu nước.
Mãi tới tối hôm ấy mới có một anh em trong đảng đến liên lạc, do anh Chu Bá Phượng phái tới. Vì anh Hoàng Đạo vẫn còn bệnh, và chúng tôi là biệt phái ra làm báo, nên chỉ biết là các anh em sắp tập hợp chuẩn bị hành động, và kế hoạch chủ yếu sẽ là hợp tác với Phan Kế Toại - Nguyễn Xuân Chữ, để tăng cường chính quyền hiện hữu. Đây là giờ phút nghiêm trọng nhất, gấp bách nhất trong thời vận định đoạt số phận của cả một dân tộc. Lúc này, từng giờ, từng phút, cần phải có sự quyết đoán kiên cường và hợp thời của những người cầm đầu của đảng phái. Chỉ sai đi, chậm đi một vài giờ cũng làm mất cơ hội lịch sử ngàn năm mới có một lần.
Và làm mất cơ hội lịch sử đó, đã khiến cho các anh em quốc gia lâm vào một cảnh khó khăn, gian hiểm vô chừng, rồi đưa đến thất bại, hy sinh, lưu vong, đưa đến chỗ cả dân tộc rơi vào ách chuyên chế, lầm than cộng sản, đưa đến một cuộc kháng chiến đẫm máu, kéo dài, cộng với cảnh nồi da xáo thịt khủng khiếp.
Trong hai ngày 17 và 18 kế sau, những tin tức dồn dập và hỗn loạn tràn ngập cả nước và ngay ở Hà Nội càng làm cho chúng tôi nóng ruột, ăn ngồi không yên. Trước hết là tin một cuộc biểu tình tại Nhà hát lớn, nghe nói là do các công chức tổ chức để chúc mừng độc lập và chống việc Pháp quay trở lại, cùng ủng hộ một bức thông điệp của vua Bảo Đại gửi cho chính phủ các nước lớn trên thế giới. Song trong cuộc biểu tình này, cán bộ Việt minh đã xuất hiện với cờ đỏ sao vàng và hô hào dân chúng ủng hộ.
ý đồ vận động quần chúng để cướp chính quyền tại Hà Nội của Việt minh đã rõ ràng. Một mặt Việt minh cũng đã cho người đến vận động khâm sai Phan Kế Toại, và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, lúc đó đã thay Phan Kế Toại vào quản trị công việc ở Bắc Bộ Phủ. Đồng thời, họ cũng đã dụ được đa số Bảo An Binh theo lời họ. Dưới mắt đa số người dân lúc đó, họ chỉ thấy Việt minh là một tổ chức cách mạng có tiếng tăm, có hoạt động. Trong khi ấy, các đảng phái quốc gia cũng có họp khẩn cấp, với đại diện của Đại việt Quốc gia Liên minh, của Việt nam quốc dân đảng và Đại việt quốc dân đảng (hai tổ chức này đã kết hợp dưới danh nghĩa Mặt Trận quốc dân đảng). Nhưng ý kiến phân vân, không đi tới được một quyết định chung. Người thì chủ trương lợi dụng quân đội Nhật để nắm quyền ngay. Người thì phản đối vì sợ như vậy sẽ bị Đồng minh nghi ngờ, không thừa nhận. Người thì tin rằng Phan Kế Toại, Nguyễn Xuân Chữ sẽ nắm vững được quyền lực và Việt minh không đủ sức để đảo chính. Có người lạc quan, cho là dù Việt minh có cướp được quyền cũng không thành vấn đề lớn vì lực lượng không có bao nhiêu, nếu họ làm sai trái, ta sẽ vận động nhân dân để truất họ đi. Vả lại quân Trưng Hoa sắp tới tiếp thu đầu hàng của Nhật. Một số nhỏ anh em thì kiên quyết chủ trương hành động để nắm ngay lấy chính quyền trước khi người cộng sản ra tay, có chính quyền, có quân đội trong tay thì không sợ Việt minh đảo chính. Nếu để cộng sản nắm lấy quyền lực thì tất nhiên sẽ gặp khủng bố và tiêu diệt, tai hoạ vô chừng.
Lấy danh nghĩa của đảng, anh Phan Trâm có tới giao thiệp với nhóm Bảo An Binh, nhưng Việt minh đã nhanh tay hơn. Kết cục là các đảng phái quốc gia không có hành động cương quyết và kịp thời, để lỡ mất cơ hội ngàn vàng, giành đủ thì giờ cho Việt minh lợi dụng lòng tin của dân chúng và thái độ thụ động của chính phủ Bảo Đại, phát động cuộc biểu tình và tuần hành ngày 19 tháng 8 để cướp chính quyền - sự kiện mà họ vẫn gọi là Cách mạng tháng tám. Việc phát động cuộc biểu tình này một cách nhanh chóng và có hiệu quả, theo chỗ tôi thấy, thực là bất ngờ và ra ngoài dự tính của chính phủ lúc đó và của các đảng phái quốc gia, cũng như của quân đội Nhật bản.
Sáng hôm ấy, chưa được ý kiến gì mới từ các anh em, tôi vẫn theo lệ thường tới toà báo để đợi tin tức, vả lại số báo Ngày Nay cuối cùng vẫn đương in. Anh Khái Hưng đã ngồi đợi sẵn ở phòng khách. Hai chúng tôi không nói năng gì, đều cảm thấy nặng nề, mà không biết vì cái gì. Anh lặng lẽ pha cà phê, đặt cốc cà phê đen nóng trước mặt tôi:
- Anh có thêm tin tức gì không?- Anh hỏi tôi.
- Cũng chưa có tin tức gì mới. - Ngừng một phút, tôi tiếp- à! Chắc anh cũng biết, hôm qua biểu tình ở Nhà hát Tây, có cờ đỏ sao vàng...
Đó chính là điều mà chúng tôi thắc mắc nhất. Việt minh đã có hoạt động công khai ở đây. Mục đích họ là gì? Tuy băn khoăn nhưng thú thực, lúc đó chúng tôi cũng chưa lo lắng gì nhiều, vẫn nghĩ rằng tình thế chưa có biến đổi nhanh, chính phủ Trần Trọng Kim vẫn sẽ như một nội các gác cửa, đợi quân Đồng minh kéo tới mới sẽ ngã ngũ. Các anh em ở ngoài về lập chính phủ khác, do Trung quốc quốc dân đảng hỗ trợ. Và như thế, sẽ ngăn cản được mưa mô trở lại của Pháp. Nhưng, chính trong lúc này, những tiếng ồn ào trong thành phố từ xa vẳng đến tai chúng tôi. Khái Hưng đứng dậy, mở cửa sổ, tiếng động càng ngày càng gần. Nhìn xuống phố Quan Thánh, đã thấy nhiều người tập hợp, qua mặt tòa báo, dồn về phiá vườn hoa hàng Đậu. Có người cầm cờ đỏ nhỏ bằng giấy, có người hô khẩu hiệu ủng bộ độc lập, đả đảo thực dân Pháp. Thỉnh thoảng có vài người đi kèm, họ chia nhau rẽ vào các nhà bên đường xua người ra phố tham dự biểu tình. Vì vậy, người xuống đường càng ngày càng đông, nam nữ, già trẻ đều có, vì nếu không hồ hởi để đi biểu tình, cũng khó mà từ chối không dự vào một hoạt động để ủng hộ độc lập. Lần đầu tiên, chúng tôi thấy đông người xuống đường như thế, đó là sức mạnh quần chúng.
Lúc đó, Khái Hưng chắc cũng cùng một cảm nghĩ với tôi: cuộc biểu tình đông đảo, nhưng lại là do Việt minh tổ chức, không phải do các đảng phái bên mình. Đương bối rối, thì ở dưới cổng, có hai người bước vào toà báo, yêu cầu mọi người tham gia. Cũng có một số nhân viên ở tầng dưới theo ra phố.
Hai người đó chỉ trỏ, hình như định lên trên gác. Nếu họ lên thực thì thực là khó nghĩ đối với chúng tôi, không biết nên xử trí ra sao... Nhưng may, không hiểu vì sao không có ai lên gác. Dù sao, trong lúc này, chúng tôi cũng cảm thấy cô độc. Nếu Việt minh thắng thế, nắm được chính quyền thì sẽ gây khó khăn cho các phái khác. Tuy chưa hẳn là đối địch, theo quan niệm của chúng tôi, nhưng lối tuyên truyền của Việt minh vu cáo chúng tôi là thân Nhật đã làm cho một số dân chúng có ác cảm.
Mãi tới trưa, mới được tin Việt minh đã tiến chiếm Bắc Bộ Phủ. Bác sĩ Chữ bắt buộc phải trao quyền. Còn có tin khi đoàn biểu tình tới bao vây Bảo an binh tại phố Đồng Khánh, thì gặp một toán quân Nhật án ngữ. Sau một hồi giao thiệp, quân Nhật cho là việc nội bộ của người Việt, không ảnh hưởng gì tới vị thế của họ cùng tới việc trị an của thành phố, nên tự động mở đường. Trong Bảo an binh, đã sẵn có tay trong, nên đều phục tùng sự chỉ huy của Việt minh. Đại diện của Quốc dân Đảng phái đi du thuyết quân Bảo An đã không thuyết phục nổi ai.
Thế chính trị cùng thế võ trang đều đã mất, các đảng phái quốc gia lâm vào một bước khó khăn nghiêm trọng, đành tạm nằm im đợi thời cơ, để đảng cộng sản tung hoành tại thủ đô và các tỉnh. Chỉ có một số anh em có võ trang, dưới sự chỉ huy của anh Lê Khang, kéo lên Vĩnh Yên, phối hợp được với anh Đỗ Đình Đạo, thu phục được số Bảo an binh ở đó, đuổi được cán bộ Việt minh đi và thành lập chính quyền, làm cơ sở tiên phong cho Đệ Tam Chiến Khu của quốc dân đảng sau này. Trong lúc hỗn loạn, để tránh nguy hiểm có thể xẩy ra, và để xem tình hình ở ngoài thực sự ra sao, tôi và anh Khái Hưng lấy xe đạp ra ngoài phố. Trên đường, vẫn còn rớt những người đi tuần hành về, có người tay còn cầm cờ đỏ. Tới một làng phía Đại Từ, định nghỉ chân ở nhà người quen Khái Hưng, nhưng sau lại thấy có người ra vào dòm ngó, không ổn, nên chúng tôi lại trở về thành.
- Đâu cũng là Việt minh cả...
Anh Khái Hưng lắc đầu, chép miệng nói, trên con đường trở về.
Cảnh tượng rộn rịp ở trên đường phố, chưa bao giờ có một số người đông đảo như thế đổ ra biểu tình, tuần hành, chính phủ đương triều phải nhường bước cho một đảng phái chinh trị lên nắm quyền, thực là một sự kiện lớn, hãn hữu trong lịch sử đất nước.
Nhưng thực chất sự kiện này là gì? Có phải là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập trong tay hai đế quốc Pháp - Nhật, gọi là cách mạng tháng tám như đảng cộng sản vẫn lớn tiếng tuyên truyền từ trước tới nay hay không? Đứng trên khách quan lịch sử, gạt bỏ lối nhìn đảng phái thiên kiến mà nhận xét, thì cái gọi là cách mạng tháng 8 bất quá chỉ là một cuộc đảo chính, và cuộc đảo chính này đã đưa đến một chế độ chuyên chế tai nạn cho dân tộc, một thời kỳ bi đát hàng nửa thế kỷ, tới nay chưa kết thúc. Đó không phải là một cuộc cách mạng giành được độc lập, vì lúc đó, Pháp đã bỏ chạy, Nhật đã đầu hàng, chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim là cơ cấu quản trị đất nước, dân tộc Việt nam đã độc lập thực sự. Không phải vì Việt minh cướp được quyền lực trong tay Phan Kế Toại: Nguyễn Xuân Chữ mà Việt nam mới có độc lập, người ta có thể cho rằng Bảo Đại - Trần Trọng Kim vốn là bù nhìn của Pháp, của Nhật, nhưng lúc Nhật đầu hàng, chính phủ đó có tự do hành động, có quân đội dù nhỏ trong tay. Chỉ vì tự cho mình là yếu kém nên mới khiếp đảm mà nhường quyền lực cho Việt minh. Ngày nay, nhìn trở lại thời kỳ quyết định ấy, cộng sản Việt nam nhanh chân nắm được chính quyền, mà không gặp trở ngại lớn, một nguyên nhân quan trọng chính là ở chỗ thiếu quyết tâm, thiếu tổ chức và lực lượng nhất trí của người Việt không cộng sản.
Xét trên lịch sử của các nước Đông Nam á vào thời kỳ Nhật đầu hàng, thì hầu hết các nước ấy đều lẳn lưọt giành được độc lập mà không rơi vào cùm kẹp cộng sản. Như tại Nam Dương, lúc đầu chống lại việc quân Anh nâng đỡ quân đội Hoà Lan trở lại tái xâm chiếm - là lực lượng dân tộc, trong đó có nhiều thành viên, do Sukarno đứng đầu. Sau đó, đảng cộng sản Nam Dương cũng có lực lượng võ trang tham dự chống Hoà Lan, song không đáng kể, và còn quấy phá hàng ngũ dân tộc nên thất bại. Quân Hoà Lan cuối cùng phải rút và một chính phủ quốc gia được thành lập.
Cần phải khách quan để rút kinh nghiệm về những bài học lịch sử. Lực lượng các đảng phái quốc gia Việt nam thiếu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, thiếu lãnh đạo sáng suốt, thiếu võ trang, tuyên truyền trong quần chúng, thiếu khu căn cứ, tới ngày quyết liệt lại không mạnh dạn cướp lấy thời cơ trăm năm có một, kết quả lâm vào thế bị động và nguy nan. Có anh em lại chủ trương không nên xung đột với Việt minh, gây đổ máu giữa người Việt với nhau vô ích, đợi cộng sản lên cầm quyền rồi dần dần nó sẽ lộ chân tướng, và tất sẽ bị nhân dân lật đổ. Một chủ trương quá lý tưởng và quá tin ở người khác. Vì không nghiên cứu kỹ càng về sách lược, chiến thuật, nên không hiểu gì về câu châm ngôn của cộng sản tất cả vì chính quyền - Có chính quyền là có tất cả. Đến bây giờ, người cộng sản cũng vẫn coi trọng câu châm ngôn ấy, bám chặt chính quyền là vấn đề số 1 đối với họ.
Nếu trước kia, các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại, dựng một chính phủ vững mạnh, thì không những ngăn ngừa được nền chuyên chính của cộng sản, mà còn có thể lãnh đạo toàn dân chống đế quốc Pháp quay trở lại.
Bất cứ một chính phủ dân tộc nào lúc đó cũng có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc đảng cộng sản Việt nam ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp - Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một thứ tuyên truyền vô căn cứ, để mê hoặc dân chúng. Dựa vào lập luận ngụy biện này, đảng cộng sản đã có thể lôi kéo dân chúng đi theo con đường tai họa xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Thực ra, lúc này, Pháp đã bị Nhật tước quyền rồi, mà Nhật lại đã đầu hàng.
Ngày 19 tháng 8, 1945, đích xác là một ngày tối quan trọng đối với tương lai của toàn dân Việt nam. Những ngày 54 hay 75 sau này, trên thực chất, chỉ là kết quả và tiếp tục của việc đảng cộng sản Đông dương cướp chính quyền trong ngày đó.
Tuyệt đại đa số những người dự vào cuộc biểu tình đều thực lòng tin rằng Việt minh là một mặt trận ái quốc, tranh đấu cho độc lập tự do của dân tộc, và sự kéo tới Bắc Bộ Phủ, Bảo An Binh (trại lính khố xanh tại đường Đồng Khánh) để cướp quyền là giành được độc lập từ trong tay Nhật, Pháp. Không ít người thực sự hân hoan, phấn khởi.
Lực lượng của quốc dân đảng đã tập hợp ở Hà Nội trong mấy ngày đó, vì không nhận được mệnh lệnh về hành động nên đã lục tực rút về các địa phương. Chúng tôi cũng chỉ được tin ở trên bắn xuống, là trong tình hình đặc biệt, cứ vẫn tiến hành việc báo như trước, để đợi tình thế ngã ngũ, sẽ có chỉ thị sau.
Khái Hưng và tôi trở lại toà báo làm việc. Còn có anh Nguyễn Gia Trí, vừa ốm khỏi, thỉnh thoảng cũng tới bàn luận về thời cực nnh hmh chung quanh vẫn yên tĩnh. Một thông cáo của ủy ban cách mạng nhân dân thành phố hô hào mọi người ùng hộ, tuân theo mệnh lệnh của ủy ban, đề phòng mọi bọn phản động và phá hoại.
Tâm tình chúng tôi lúc đó thực mâu thuẫn. Vì nay quyền lực đã ở trong tay một đảng khác. Mặc dầu, chưa có cảm giác là đối địch hẳn, vả lại hai bên đều cùng một mục đích chống Pháp, giành độc lập, lúc này chưa phải là lúc quyết liệt với nhau... Nhưng chúng tôi lại nhớ tới câu nói của Dương Đức Hiền, cảnh cáo đồng chí cũ của anh:
Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!
Cảnh cáo của anh, chúng tôi không cần nghe, nhưng tự xưng mình là cách mạng độc tôn rõ ràng là bản chất của người cộng sản mà Dương đã học được, nhưng chỉ hơn mười năm sau, dưới mắt cộng sản Việt nam, anh không còn là cách mạng nữa.
Vài ngày sau, lại một thông cáo nữa của Việt minh, đại ý nói các nơi đều phục tùng cách mạng cả, chỉ có một vài địa phương một số thổ phỉ đã nổi lên làm loạn. Một vài điạ phương đây chỉ vào Vĩnh Yên, hay Hà Giang mà lực lượng võ trang quốc gia đã chiếm cứ được.
Gọi các lực lượng quốc gia là thổ phỉ cũng chưa đủ, cuối cùng thông cáo còn thêm một câu chiêu hồi: mong những kẻ đã đi lầm đường sớm tỉnh ngộ và quay về với tổ quốc.
Cho những đảng phái khác với mình là đi lầm đường và tự cho mình là tổ quốc, tỏ rõ rằng Việt minh đã có thái độ độc tôn thế nào ngay lúc mới lên. Song những câu nói như vậy, làm sao các đảng phái khác có thể chấp nhận được? Về sau này, mới càng rõ những đảng cộng sản cầm quyền nào cũng tự hoá mình với tổ quốc, dân tộc.
Các đảng phái quốc gia rút vào bí mật, với mục đích là chỉnh đốn lại hàng ngũ, củng cố một số chiến khu, và đợi quân đội Tnmg Hoa nhập Việt tiếp quản phần Bắc Việt nam từ vĩ tuyến 17 trở lên. Các thành phần lưu vong tại hải ngoại cũng lục tực trở về nước để hoạt động.
Thừa lúc không có ai chống đối mạnh, Việt minh ngay từ vài hôm sau đã tổ chức một số nhân vật, trí thức, sinh viên đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường chỗ cho một chính phủ cách mạng.
Như vào chỗ không người, đảng cộng sản đã thực hiện được mục đích nắm quyền trên toàn quốc, tiến tới thành lập một chính phủ lâm thời.
Bức màn đen tối đã rủ lên đầu dân tộc, lên đất nước Việt nam thân yêu từ đó. Những phút tưng bừng, phấn khởi, đầy hy vọng vừa qua đã biến thành những giờ phút đau thương với chuyên chế, khủng bố, chiến tranh triền miên. Đó là chuyện về sau.
Trong lúc chuyền tiếp, Khái Hưng, Gia Trí và tôi đồng ý đình bản tờ Ngày Nay và thay vào đó, ra một tờ báo hàng ngày trung dung hơn, làm cơ sở cho công việc tuyên truyền sau này. Đó là tờ Việt nam Thời Báo do Nguyễn Trọng Trạc làm chủ nhiệm.
Chương 22
Sóng Ngầm
Anh Khái Hưng trở lại toà báo. Còn tôi về nhà ở phố Đỗ Hưũ Vị. Suốt đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ. Tình thế khó lường được. Trong thành phố, toàn cờ đỏ sao vàng. Các anh em đã rút vào bí mật, tạm mất liên lạc. Hai hôm sau, ủy ban cách mệnh Nhân Dân thành phố Hà Nội của Việt minh tuyên bố thành lập Việc đầu tiên của họ là đưa ra một số khẩu hiệu về độc lập tự do chống Pháp, bắt các nhà trong Hà Nội đều phải giăng, dán biểu ngữ ủng hộ cách mệnh.
Khái Hưng và tôi trở lại toà soạn làm Việc. Anh em trong toà báo cũng giăng một số biểu ngữ trên đầu đường Quan Thánh về ủng hộ độc lập, tự do chống Pháp. Không khí nói chung có vẻ phấn khởi, vì lúc đó đại đa số không ai nghĩ tới tính chất cộng sản của Việt minh.
Nhưng chúng tôi phải giấu nỗi lo âu. Một chính quyền như thế, chóng chầy cũng sẽ làm khó dễ cho mình, mặc dầu chưa xẩy ra việc công khai đàn áp. Dù có mục tiêu chung về dân tộc độc lập, chúng tôi vẫn cảm thấy khác thường vì từ trước tới nay việt Minh, để bài bác các đảng phái quốc gia, đã gán cho các đảng phái này cái mũ thân Nhật - với tiếng gọi chung là Đại việt thân Nhật, Nhật bản lúc đó là một đế quốc quân phtệt xâm lược, chống với Đồng minh.
Làm cho chúng tôi đỡ lo ngại là niềm hy vọng vào chỗ Đồng minh - đặc biệt là Trung Hoa - sẽ giúp cho phe quốc gia. Quân Trung Hoa sẽ tiến vào Việt nam nay mai để tước khí giới Nhật. Thừa thắng tại Hà Nội, Việt minh liên tục cướp được chính quyền ở hầu hết khắp nơi, mà không gặp những sự kháng cự đáng kể.
Chỉ có tại tỉnh Hà Đông, vị chỉ huy Bảo An Binh là Quản Dưỡng đã ngăn chặn được cuộc biểu tình của Việt minh. Nhưng sau đó, cán bộ Việt minh uy hiếp Tổng Đốc Hà Đông nhường vị, để thành lập ủy ban cách mệnh. Quản Dưỡng bị cô lập trước tình thế, định rút lui khỏi tỉnh lỵ nhưng không may bị Việt minh cản trở và sau bị tống giam và bị xử bắn. Người chiến sĩ kiên cường này đã tỏ ra bất khuất trước bạo ngược.
Ngày 22 tháng 8, anh Lê Khang cùng một số anh em Việt nam quốc dân đảng lên Vĩnh Yên, hợp sức với anh Đỗ Đình Đạo, tranh thủ được Bảo An Binh ủng hộ, đuổi được cán bộ Việt minh ra khỏi tỉnh lỵ lập nên chính quyền quân sự đầu tiên, cùng với tỉnh lỵ Hà Giang - ở khu vực lớn từ Vĩnh Yên lên tới Lào Cai, sau này gọi là Đệ Tam Chiến Khu của quốc dân đảng Việt nam. Trên thực tế, cứ điểm Vĩnh Yên vẫn bị cô lập.
Tại Hà Nội, cộng sản cũng bắt được Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, gán cho tội phản động và thân Nhật, rồi đem thủ tiêu, đồng thời cũng lùa bắt một số lãnh tụ quốc gia khác, nhưng không đạt tới mục đích.
Đồng thời, trên mặt báo cờ giải phóng của Việt minh, đăng lên bài hiệu triệu đoàn kết, nhưng lại khuyên các đảng phái đi lạc đường hãy mau quay về với Tổ Quốc, rõ ràng tỏ ra chỉ có Việt minh mới là đại biểu cho tổ quốc, cho cách mệnh, còn tất cả những đảng phái quốc gia, những người yêu nước không cộng sản là đã đi lạc vào con đường phản bội! Thái độ độc tôn của cộng sản Việt nam đã rõ ràng. Dù muốn đoàn kết dân tộc để chống Pháp, giành độc lập, các đảng phái quốc gia nhất định không thể chấp nhận được những lời lẽ ngang ngược ấy.
Cầm tờ báo trên tay, Khái Hưng, Gia Trí và tôi đưa mắt nhìn nhau, tức giận. Theo thói quen, Khái Hưng hất tay lên, giận dữ nói:
- Bọn chúng huênh hoang quá!
Cả ba đều cảm thấy bối rối, vì chưa thấy chỉ thị ở trên xuống nên đối phó ra sao. Nhưng cũng đều biết rằng nên kiên nhẫn, đợi các anh em ở hải ngoại về để tập hợp lại, và chờ quân Trung Hoa tới tiếp quân, lúc đó sẽ có hành động chung. Bàn luận một hồi, chúng tôi thấy phải đình bản tờ Ngày Nay, vì trong tình thế Việt minh thống trị, không thể viết như mình muốn được. Song nhà xuất bàn và nhà in thì vẫn duy trì, để mấy chục nhân viên còn giữ được sinh kế.
Các anh em trong toà trị sự và ở nhà in, tuy vậy, vẫn tỏ ra bình tĩnh và vẫn làm việc như thường.
Tuy chính phủ Huế lúc đó vẫn còn nguyên vẹn, và nghe nói được quân đội Nhật ngỏ ý ủng hộ, nhưng đứng trước khí thế Việt minh đã lập được ủy Ban cách mệnh tại nhiều nơi, trước một số thanh niên đã biểu tình ngay tại Huế đòi phế bỏ Triều Đình, trước cảnh các triều thần đã bỏ đi gần hết, Bảo Đại đã phải chấp nhận thoái vị.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại trịnh trọng trao quốc ấn, quốc kiếm cho đại biểu của Việt minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Hoàng đế Bảo Đại đã trở thành Công dân Vĩnh Thụy. Thế là kết thúc chế độ quân chủ của hoàng triều nhà Nguyễn!
Không còn một trở lực lớn nào từ Bắc chí Nam, và trước nguy cơ quân Đồng minh sẽ nhập Việt, Việt minh ráo riết và cấp tốc chuẩn bị thành lập một chính phủ lâm thời, với mục đích củng cố quyền lực, có quyền ăn nói đối với quốc tế và đặt Đồng minh dù là Tàu, Mỹ, hay là Anh trước một sự đã rồi. Mấy hôm sau, có tin đồn đội quân Giải Phóng từ Việt Bắc về sẽ tiến vào thành phố. Dân chúng nhiều người hiếu kỳ muốn nhìn rõ những toán quân cách mạng đã từng đánh du kích trên các chiến khu miền rừng núi, đượm một vẻ thần bí. Mà đây có thể gọi là đội quân đầu tiên của người Việt, mặc dầu không thể gọi là mạnh.
Sáng hôm ấy, chúng tôi cũng ra phố đầu Cầu, thì vừa gặp một toán quân từ trên cầu Long Biên đi xuống. Toán này chừng năm chục người, mặc quân phục vàng, quần ngắn, không oai phong lắm nhưng cũng khá chỉnh tề. Xem ra hành quân đã lâu nên ai nấy đều gầy đen, trông có vẻ rắn rỏi. Vũ khí đơn sơ với súng trường và một khẩu súng máy nhẹ. Hồi đó, có một toán quân mấy chục tay súng không phải là dễ dàng.
Báo chí, truyền đơn hô hào dân chúng đi dự lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời vào ngày 2 tháng 9, tại quảng trường Ba Đình. Hồ Chí Minh - tức Nguyễn ái Quốc, tuyên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ai cũng biết, bản tuyên ngôn đó dựa trên bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ hai thế kỷ trước đây, với những khẩu hiệu độc lập, bình đẳng, tự do, nhấn mạnh về quyền của con người. Vấn đề là ở chỗ khi đọc tuyên ngôn đó, Hồ Chí Minh đã rầp tâm tiêu diệt tất cả mọi phái đối lập hay bất đồng ý kiến, để tiến tới một chế độ vô sản chuyên chính theo đúng giáo điều Mác Lê và chỉ thị của Stalin với Đệ Tam Quốc tế, cùng tư tưởng Mao Trạch Đông vạch ra trong cuốn Luận chủ nghĩa tân dân chủ.
Sự thực, rất đông người đã đi dự buổi lễ đó, và đã hoan hô chính phủ mới. Trên cơ sở võ trang toàn quốc và cơ sở quần chúng ủng hộ, Việt minh đã tiến được một bước lớn trước khi phải ứng phó với quân Đồng minh tiến vào và quân Pháp chắc chắn sẽ quay trở lại, cùng với sự đe dọa của các phe quốc gia lúc đó nhất định sẽ trỗi dậy chống đối.
Nhiều người quốc gia tin tưởng vào chỗ Việt minh cộng sản tất sẽ không thể đứng vững được sau khi quân Đồng minh tiến vào. Niềm tin tưởng đượm màu vọng ngoại này đã khiến cho họ không cố gắng phát triển tổ chức và vũ trang bản thân, quên mất rằng tuy ngoại viện quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là lực lượng của mình.
Hai nữa, người ta quên rằng đằng sau cộng sản Việt nam có Liên Xô hùng mạnh, một trong những nước chiến thắng, và Trung Cộng, mà ảnh hưởng, lực lượng đã tăng trưởng rất nhanh sau thế chiến.
Một số cán bộ cộng sản Việt nam đã từng được Trung Cộng giúp đỡ và huấn luyện.
Tình hình chung mấy ngày đó, trên bề mặt, tạm thời có vẻ ổn định. Nhưng chẳng bao lâu, những đợt sóng ngầm sẽ nổi lên, đẩy toàn đất nước vào một cơn bão táp chưa từng thấy.
Chương 23
Chuyển Động Đầu Tiên
Đời sống dân chúng sau ngày Việt minh cướp chính quyền không có gì thay đổi nhiều, vì không có chiến tranh hay hỗn loạn, trừ một vài vụ xung đột nhỏ.
Gia đình chúng tôi vẫn ai ở nhà nấy. Anh Cả, Nguyễn Tường Thụy vẫn làm tại sở Bưu chính Hà Nội. Anh Hai, Nguyễn Tường Cẩm, làm việc và lấy vợ tại Sài Gòn. Anh Tam ở bên Vân Nam, nghe tin nói sắp về cùng quân Hoa nhập Việt. Anh Long ở một nơi ngoại thành, chị Thế vẫn ở ngôi nhà nhỏ bên bờ Hồ Tây.
Mọi người đều chờ đợi quân Đồng minh tới tước khí giới quân Nhật.
Thái độ họ sẽ ra sao? Họ sẽ làm gì và ở lại bao lâu? Họ có can thiệp vào nội bộ của Việt nam không? Trước những câu hỏi ấy, mỗi phe phái đều có dự đoán và ước vọng riêng của mình. Ai cũng hy vọng rằng Đồng minh sẽ giữ lời hứa, sẽ tôn trọng nền độc lập của các dân tộc bị trị, và sẽ giúp đỡ chúng ta thực hiện độc lập tự do.
Tại miền Bắc, có vẻ lạc quan hơn vì quân Trung Hoa tuyên bố không có tham vọng gì về lãnh thổ cả. Nhưng, cùng lúc, họ lại là Đồng minh của Pháp. Họ sẽ có thái độ thế nào nếu quân Pháp lại đổ bộ lên Đông dương? Quân Anh sẽ vào miền Nam. Anh và Pháp cùng là đế quốc kỳ cựu, cùng là Đồng minh. Việc quân Anh sẽ hỗ trợ Pháp tái chiếm Việt nam chắc chắn sẽ xẩy ra.
Cả Hà Nội đương xôn xao về tin tổ đại biểu Đồng minh đầu tiên sẽ nhẩy dù xuống. Tổ này là tổ người Mỹ, đại diện cho Đồng minh. Tin này ít nhiều cũng làm phấn khởi phe quốc gia, dù có tin phao ra trước đây là Việt minh được sự trợ giúp của Hoa Kỳ tại chiến khu.
Hai hôm sau, đương ngồi tại toà soạn, ở dưới toà trị sự lên báo cho tôi là có một người Pháp muốn gặp. Điều này hơi ngạc nhiên đối với chúng tôi. Một người Pháp đến tìm vì lẽ gì? Người này trạc hơn 40 tuổi, tự xưng là thuộc đảng Xã hội Pháp, chi nhánh Đông dương. Ông nói:
- Tôi có một bức thư của anh ông, ông Nguyễn Tường Tam, từ Côn Minh đưa về, do đại úy Patterson nhờ chúng tôi chuyển cho ông.
Thư của anh Tam? Nhìn vào mấy chữ trên phong bì, không thể lầm được.
- Đại úy muốn gặp ông để nói truyện.
Tôi cám ơn ông ta. Nội dung bức thư đại ý nói quân đội Trung Hoa sắp tiến vào Bắc Việt và nhiều anh em sẽ cùng đi về nước. Bên trong cần chuẩn bị để đón tiếp. Vì còn bận mấy việc quan trọng, anh Tam cần ở lại Côn Minh một thời gian, rồi sẽ về sau.
Tại một toà nhà rộng, hai tầng ở phố hàng Trống, mặt trông ra hồ Hoàn Kiếm, tôi gặp ông Patterson, một người còn trẻ, hoà nhã, vui tính, nói tiếng Pháp rất thạo. Chúng tôi ngồi nói chuyện, trong khi dưới đường, có nhiều toán mang cờ đỏ, hô khẩu hiệu đương đi diễu qua. Không biết là tình cờ, hay hữu ý để biểu dương lực lượng dân chúng ủng hộ cho đại biểu Đồng minh xem. Patterson nói anh Tam vẫn khỏe mạnh, và quân Đồng minh sẽ giúp đỡ cho Việt nam được độc lập, nhưng nhiệm vụ của toán ông chỉ là liên lạc và xếp đặt việc thu khí giới của Nhật, cùng xem tình hình chung ra sao. Những việc khác sẽ do quân Trung Hoa và quân Anh xử lý. Tạm thời, Đồng minh chưa có ý công nhận chính phủ nào ở Đông dương, kể cả chính phủ Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, ông đưa tôi ra cửa sổ, trỏ tay xuống đường, mói một cách thâm trầm bằng tiếng Pháp: Tout est rouge. (Cái gì cũng đỏ cả). Chúng tôi nhìn nhau. Không cần nói năng gì. Để đối phó với tình thế, quốc dân đảng mở cuộc hội họp lâm thời cấp Trung ương. Do tình hình đặc biệt, chỉ có một số người đến họp, trong đó có anh Trương Tử Anh, Phan Trâm Nguyễn Tiến Hỷ, anh Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Chấn (Chấn đen), Hoàng Đạo, Xuân Tùng và tôi. Trong cuộc họp, việc chính là bàn về vấn đề có nên hợp tác với Việt minh hay không, vì Tổng Bộ Việt minh có ngỏ ý muốn gặp gỡ để thảo luận về việc cộng tác chống Pháp tái xâm lăng. Lúc đó do quân Anh giúp đỡ, toán quân Pháp do Cédille chỉ huy cùng đổ bộ lên Sài Gòn đã bắt đầu hành động, với cái gọi là khôi phục lại trật tự hạn chế mọi hành động của người Việt và chuẩn bị tước khí giới của các nhóm tự vệ.
Nguy cơ Pháp tái xâm lăng đã rõ ràng. Một thiểu số anh em tán thành đoàn kết dân tộc, cộng tác với Việt minh để chống Pháp trước đã, nhưng đa số e ngại nếu hợp tác thì kết quả chỉ có thề là đầu hàng hay sẽ bị tiêu diệt vì thế mình quá yếu. Cuối cùng, đi tới một kết luận tạm thời là trên mặt giữ liên lạc với Việt minh, tiếp tục hoạt động bí mật, chờ Đồng minh tới và các anh em ở hải ngoại về sẽ ra hoạt động công khai. Hội nghị không đưa ra một chương trình hành động cụ thể và thực tế, để tăng cường nội bộ hay gây ảnh hưởng trong quần chúng.
Lúc đó, vấn đề nội bộ, theo chỗ tôi thấy, rất quan trọng song không được chú ý, đó là việc làm sao có một cương lĩnh chính trị thống nhất. Mặc dầu một số người lãnh đạo trong Việt nam quốc dân đảng, Đại việt quốc dân đảng và Đại việt dân chính đã đồng ý hợp nhất dưới danh xưng Quốc Dân đảng, nhưng điều này không được truyền đạt tới các cấp đảng viên. Cho nên, đảng viên Việt nam quốc dân đảng đa số vẫn tin vào chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, đảng viên Đại việt vào chủ nghĩa Dân Tộc sinh tồn do anh Trương Tử Anh đề xướng, còn anh em Đại việt dân chính thì đa số tin ở một thứ dân chủ xã hội không độc tài. Tuy vậy, tất cả đều đứng dưới một ngọn cờ quốc gia, không chấp nhận độc tài cộng sản. Nhưng yếu tố thất bại đã nẩy mầm, từ chỗ thiếu cương lĩnh chính trị thống nhất để hiệu triệu và tổ chức quần chúng, lại thiếu chương trình thực tế để đương đầu với Việt minh đương lợi dụng chiêu bài kháng chiến, thiếu sự kiên quyết gia cường lực lượng của mình mà quá ỷ lại vào người ngoài, không nhìn rõ được bản chất của các nước Đồng minh dù sao cũng vì lợi ích bản thân của họ trước hết. Riêng về các đảng viên Đại việt dân chính cũ, tôi thấy có một điều đáng buồn là số còn hoạt động Việt nam quốc dân đảng rất ít, một phần nằm im, một phần đã chạy sang với Việt minh, có người đã tham gia vào nội các Hồ Chí Minh.
Về mặt công khai, tờ Ngày Nay đã đình bản, Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng thương lượng ra một tờ báo hàng ngày. Lần này cử anh Nguyễn Trọng Trạc làm giám đốc, Khái Hưng và tôi phụ trách biên soạn. Mục đích là duy trì một cơ cấu ngôn luận của mình, nhưng dưới bề mặt trung dung, chỉ đăng tin tức và hô hào bảo vệ độc lập, tự do.
Quân Anh tới Sài Gòn rất nhanh, nhưng quân Trung Hoa ở ngay bên cạnh lại rất chậm chạp... người ta không hiểu. Giữa những tay quân phiệt Trung quốc thường có nhiều âm mưu qủy kế. Tưởng Giới Thạch muốn nhân cơ hội này điệu quân Vân Nam sang Việt nam rồi sau đó điệu đi Đông Bắc chống quân Trung Cộng, quân đội Nam Kinh thừa cơ khống chế Vân Nam. Song, nghe nói Long Vân làm phản, nên trước hết phải giải quyết Long Vân. Vì thế, mãi tới gần tháng 10, quân Lư Hán mới qua đường Lào Cai, Hà Giang nhập Việt, đồng thời quân của Trương Phát Khuê từ Đệ Tứ chiến khu Quảng Tây tiến tới Lạng Sơn.
Thú thực, ấn tượng của tôi đối với quân đội Trung Hoa không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Ngẫu nhiên, trên con đường Gambetta, tôi gặp một đạo quân Hoa từ ga Hàng Cỏ tiến tới. Tuy cũng khá đông, song không kèn không trống, đội ngũ kém chỉnh tề, kém oai phong, quần áo xốc xếch. Vũ khí mang theo chỉ có súng trường và ít súng máy. Không có xe cơ giới lớn nào. Chỉ có mấy xe Jeep của mấy ông tướng. Sau rốt, là bộ phận cấp dưỡng với gồng gánh, nồi niêu trông càng luộm thuộm. Người Việt đứng xem với con mắt hoài nghi. Song, nhiều khi sẽ lầm nếu chỉ nhìn bề ngoài. Có những đội quân đánh du kích, tác chiến rất cừ. Như tại mấy tháng sau, khi có vụ chạm trán với quân Pháp tại Hà Nội, đội quân Cảnh Bị đã lanh lẹn chiếm những vị trí cần thiết trên mái nhà, sau gốc cây, và uy hiếp quân Pháp có xe thiết giáp trợ lực phải rút lui có trật tự.
Quân đội Trung Hoa tiến vào Việt nam với nhiệm vụ là tiếp thu khí giới của Nhật, giữ gìn trật tự không để xẩy ra hỗn loạn, nhưng không can thiệp trực tiếp vào nội bộ Việt nam. Họ đứng trước vấn đề đối xử với Chính phủ Hồ Chí Minh như một thực thể hiện hữu. Mặc dầu không công nhận nó, họ cũng không thể giải tán nó nếu không có hỗn loạn xẩy ra uy hiếp đến trật tự
Một mặt, vấn đề Đông dương tất nhiên phảỉ có ảnh hưởng của Pháp, vốn vẫn tuyên bố là có chủ quyền. Dù trên bề mặt, Trung quốc không thể không tuyên bố ủng hộ nền độc lập, tự trị của các thuộc địa cũ, nhưng cùng là Đồng minh, chầc chắn đã có Hiệp Định ngầm với Pháp về vận mệnh Đông dương, tuy rằng họ không muốn Pháp toàn quyền thống trị như trước kia. Nam Kinh thừa biết chính phủ Hồ Chí Minh thực chất là cộng sản. Hồ Chí Minh, tức Nguyễn ái Quốc là một thành viên trong Quốc tế cộng sản, đã từng hoạt động tại Trưng Quốc nhiều lần. Nhưng họ cần đến chính phủ sẵn có này để cung cấp lương thực và vật liệu cần thiết, rồi mau chóng rút về, đưa quân lên Đông Bắc.
Bài học quan trọng lúc này là các đảng phái quốc gia người Việt đã không ý thức rõ rệt về tính chất phức tạp của tình hình quốc nội và quốc tế, nên đã không có một đối sách hữu hiệu, và lâm vào cảnh bị động.
Cần công nhận rằng sách lược của Việt minh tỏ ra mềm dẻo và khôn khéo, dùng đủ mọi cách để lách được con thuyền vượt qua thác ghềnh liên tiếp đổ tới.
Ngày nay, nghĩ lại những bài học ấy vẫn còn thấm thía. Một chính đảng hay một con người, nếu chỉ biết chủ quan, tự đại, không nghiêm khắc với mình, không biết tự kiểm thảo, cùng chỉ cho mọi lời phê bình là nói xấu mình, thì nhất định sẽ lạc hậu và thất bại mãi mãi.
Chương 24
Những Nhân Vật Hải Ngoại Về Nước: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh Công Khai Chống Việt Minh
Những ngày đầu tháng mười năm 1945, một sự kiện đặc biệt làm người Hà Nội chú ý. Tại một toà nhà góc đường Quan Thánh và phố hàng Bún, xế cửa tòa báo Ngày Nay trước đây một cái loa lớn ngày nào cũng ra rả lớn tiếng hô hào độc lập tự do dân chủ, chỉ trích chính sách độc tôn của chính phủ Hồ Chí Minh. Nó hấp dẫn được một số có khi rất đông đứng trên hè nghe, đa số là công chức, trí thức, giới trung lưu hay những kẻ hiếu kỳ.
Toà nhà đó lại có những vệ binh mặc quần áo màu đen, trong đó có cả nữ binh lạ mắt.
Đó là trụ sở của Việt nam cách mệnh đồng minh hội - gọi tắt là Việt cách - một tổ chức do người Việt lưu vong thành lập tại Quảng Tây, nay đã trở về nước hoạt động, sau khi bôn ba nơi hải ngoại đã nhiều năm trời.
Việt cách lúc thành lập, bao gồm rất nhiều đảng phái và nhân sĩ, trong đó có cả Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, Hồ Chí Minh đã mang một số cán bộ và tiền, lãnh sứ mạng của Hội để về nước hoạt động. Hồ và đảng cộng sản đã hoạt động riêng rẽ, lập ra Việt nam Độc lập đồng minh hội (gọi tắt Việt minh) -thực ra cái tên này đã sẵn có từ trước.
Chủ tịch Việt cách là cụ Nguyễn Hải Thần, với một số cán bộ như Tạ Nguyên Hối, Bồ Xuân Luật, lại có Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật gia nhập góp sức. Về mặt quân sự, có đạo quân Vũ Kim Thành, nhưng đóng ở miền Quảng Yên và Hải Ninh.
Ngoài ra, các anh em Phục Quốc cũng gia nhập Việt cách. Trên danh nghĩa, Việt nam quốc dân đảng cũng là một thành viên của Việt cách, song trên thực tế quốc dân đảng là một phái lớn mạnh nhất, vẫn có hoạt động riêng của mlnh. Trong một buổi họp nội bộ, lần đầu tiên tôi được gặp cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng lão thành đã lưu vong ở hải ngoại gần 40 năm, đã từng làm giáo viên tại trường võ bị Hoàng Phố ở Quảng Châu, một trường đã đào tạo ra nhiều nhân vật cách mạng Trung quốc. Cụ đã già, mắt đeo kính, trông dáng mặt thì biết là một người đã từng trải, chịu nhiều phong sương. Là một hậu sinh trong số các anh em Việt Quốc, Phục Quốc, và cả Đại việt Quốc xã, tôi cố ý quan sát nhà lãnh đạo có tiếng này. Trong khi bàn luận vấn đề thời cuộc, thú thực tôi cảm thấy bối rối, và hơi thất vọng, vì cụ nói tiếng khó nghe hiểu và chậm chạp, và không được nghe cụ đưa ra những nhận xét hay phân tích sâu sắc hay đề ra một đường lối hành động có kế hoạch để hướng dẫn mọi người.
Lúc đó, chúng tôi cần nhất là được hiểu rõ thêm về tình thế quốc tế liên quan tới Việt nam, và một sách lược đối nội, đối ngoại sao cho thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của phe quốc gia đứng trước sự đe dọa lớn lao của cả hai phe Việt minh và Pháp. Tuy cụ không phải là một chiến lược gia giỏi, nhưng cụ có lập trường vững và khí tiết trong việc phê bình những sai lầm của cộng sản.
Trong lúc này, tại toà báo, tự nhiên một hôm có một vị khách không ngờ: Xuân Diệu. Đã lâu không gặp, trông anh ta đã già hơn trước, nhưng bộ tóc vẫn còn để bồng bềnh.
- Sao hôm nay rồng đến nhà tôm vậy?- Tôi vừa cười vừa hỏi.
- Các anh mới là rồng chứ! - Xuân Diệu trả lời, vừa nhìn vào bản bài báo maquette - Làm báo thì phải học các anh thôi!
Truyện trò bâng quơ một lát, Xuân Diệu cáo từ. Chúng tôi hỏi qua về Huy Cận, thì anh lắc đầu bảo Huy Cận bận nhiều công tác quá tuy chỉ giữ chức Bộ trưởng không có bộ. Không biết Xuân Diệu có mục đích gì khác không. Song một tuần sau, một số người cầm đầu bên Việt minh có mời anh em bên này đến dự tiệc trà đoàn kết cùng một số nhân vật trí thức trong xã hội. Tiệc này, vì có việc bận cần đi xa nên tôi không đến đự được, nghe nói, mấy vị bên Việt minh tỏ ý rất lấy làm tiếc, trong đó có cả Võ Nguyên Giáp.
Các anh em quốc dân đảng đã đặt một trụ sở ở trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị -trước là một nơi đóng binh của Nhật- cách nhà chúng tôi ở một ngõ hẹp. Thực là tiện để hoạt động. Tuy có trụ sở nhưng chỉ có các đảng viên Việt nam quốc dân đảng (kể cả chúng tôi đã gia nhập) ra vào, với mấy anh Trung ương như Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Văn Hể, Hoàng Đạo và tôi. Trong trường, độ ba chục anh em làm việc, và có một toán vệ sĩ mang súng trường cùng súng ngắn. Toán vệ sĩ này còn bảo vệ cả toà báo, nhất là về sau này, tờ báo Việt nam Thời Báo đã bị đảo chính thành tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng.
Tới chỗ này, cần phải nói rõ mấy điểm. Tuy trên từng lớp Trung ương, đại diện ba đảng VQ, Đại việt quốc dân đảng và Đại việt dân chính đã đồng ý tại quốc nội lấy danh xưng chung là quốc dân đảng, nhưng các anh em Đại việt quốc dân đảng từ anh Trương Tử Anh trở đi vẫn chưa ra công khai ở Hà Nội, và rất ít khi tới trụ sở Đỗ Hữu Vị. Nếu cần họp chung thì tìm địa điểm khác bí mật hơn.
Tờ bấo Việt nam cũng lấy danh nghĩa là cơ quan của Việt nam quốc dân đảng. Các đảng bộ địa phương cũng lấy danh nghĩa Việt Quốc, song trong sinh hoạt, các thành phần vẫn lấy danh xưng riêng.
Giữa tháng mười năm 46, anh Vũ Hồng Khanh cùng một số cán bộ mới trở về tới Hà Nội. Sở dĩ chậm trễ là vì khi tới Lào Cai, anh em bị quân Trung Hoa, nhận một số vàng hối lộ của Việt minh, làm khó dễ, bị trở ngại tới một tháng. Việc về tới Hà Nội của nhóm cán bộ hải ngoại làm tăng sự phấn khởi và lòng tin tưởng của anh em trong nước. Trên đường về, anh em đã giành được từ trong tay Việt minh mấy địa điểm để làm căn cứ như Lào Cai, Yên Bái, Việt Trì, đặt cơ sở cho Đệ Tam Chiến Khu sau này từ Vĩnh Yên lên tới Hà Giang, dưới sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa.
Ngày đó, hai anh Tam và Nghiêm Kế Tổ vẫn chưa về được. Tại trụ sở, đặt một bữa tiệc nhỏ để đón mừng anh Vũ và các anh em mới. Được nghe nói tới anh Vũ đã lâu, bây giờ mới được gặp, Vũ Hồng Khanh, tức Giáo Giản, một chiến hữu cạnh liệt sĩ Nguyễn Thái Học, để phải lánh ra ngoài nước đúng mười lăm năm. Mười lăm năm gian truân, vật lộn, đã từng bị tù tội ngay tại Vân Nam, nhưng vẫn kiên trì chiến đấu và duy trì được đảng bộ hải ngoại, không có nghị lực phi thường thì không làm nổi. Do anh Chu Bá Phượng giới thiệu, chúng tôi xiết chặt tay nhau. Người anh không cao, nhưng thân hình chắc nịch, đôi mắt hơi nhỏ song đầy vẻ rắn giỏi, tỏ ra là một người đã từng trải nhiều. Tôi cảm thấy anh là một người gan dạ, bình tĩnh. Hai hàng anh em trẻ ở ngoài về, mặc quân phục gọn ghẽ, đeo súng tay, diễu qua trước mặt chúng tôi. Rồi đồng thanh hát bài đảng ca trước bàn thờ Tổ Quốc nến hương nghi ngút. Tôi cảm thấy xúc động, nhưng đồng thời lại lo âu vì lực lượng còn quá nhỏ yếu, kể cả ở Hà Nội và ở những địa phương đã ra hoạt động công khai.
Mọi người mời anh Vũ phát biểu ý kiến. Tôi đợi anh phun châu nhả ngọc, nói ra những điều cao siêu, nhưng anh chỉ nói rất ngắn gọn mấy điều chung chung. Về sau, chúng tôi cũng rõ rằng về lý luận và nghiên cứu các vấn đề sách lược, anh cũng không đi sâu lắm, ngoài phạm vi của chủ nghĩa Tam Dân. Phải công nhận đây là sự thiếu sót chung của các phái quốc gia. Do số anh em phát triển, Việt Quốc lấy thêm Khu Ngũ Xã bên bờ hồ Trúc Bạch để làm chỗ trú ngụ và huấn luyện cho cán bộ.
Việc ra công khai của đảng tại Hà Nội và nhiều tỉnh đòi hỏi tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc truyền thanh và rải truyền đợn ra, cần phải có một tờ báo để phổ biến cương lĩnh chính trị và đường lối của đảng, cùng mọi tin tức về hoạt động các nơi. Đứng trước nhu cầu, sau khi bàn luận với anh Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng: đổi ngay tờ Việt nam Thời Báo sang tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng mà không báo trước cho ông chủ nhiệm là Nguyễn Trọng Trạc biết, vì sợ nếu Trạc phản đối sẽ kéo dài thời giờ.

Để bảo đảm cho tờ báo phát hành đều đặn, chúng tôi thực hành việc quản chế toà báo và nhà in, bằng cách đặt vệ binh gác cổng, không ai được ra ngoài nếu không có giấy phép. Thực là một tờ báo cách mạng đầu tiên của phe quốc gia, lại có binh gác.

Lẽ tất nhiên anh Trạc kháng nghị nghiêm trọng, và đòi bồi thường thiệt hại, do số vốn anh đã bỏ ra, nhưng tất cả đều biết kháng nghị lấy lệ, vì trong tay anh còn số tiền chục ngàn của nhà đại lý đặt báo trước đây.
Trung ương đặt tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo, vó nhiệm vụ giữ vững đường lối đấu tranh: bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ, liên kết với các nước dân chủ, phê bình chính sách sai lầm của chính phủ, Việt nam theo con đường cộng sản nhất định sẽ bị cô lập và có nguy cơ đế quốc Pháp trở lại thống trị.
Đương nhiên, trái với quy định của Việt minh, chúng tôi ra báo không cần xin phép ai cả... Dù hai bên có đấu khẩu kịch liệt, chính phủ HCM cũng không thể ra lệnh cấm, vì vô ích. Họ bèn dùng một phương pháp bất lịch sự và nhỏ mọn là chuyên tịch thu báo của những đứa trẻ bán báo. Vì có nhiều người hiếu kỳ nên báo Việt nam cũng khá chạy, nên luôn luôn xẩy ra xung đột giữa trẻ bán báo với cảnh sát hay những tay khủng bố.
Thực là một cảnh hiếm có trong đời làm báo của chúng tôi. Làm báo Việt nam, quả là một cuộc đấu chọi rất găng hàng ngày. Luôn luôn phải tìm ra những vấn đề gay go, phải công kích những luận điệu xuyên tạc của tờ Cờ Giải Phóng hay tờ Độc lập.
Toà báo hầu như trở thành một thành trì. Về ăn uống thì mọi nhân viên đều phải ăn lối cách mạng, toàn là rau với chút ít thịt cá, đậu phụ... trừ công nhân nhà in có thể tự do ăn uống do người nhà mang tới.
Có điều dù khắt khe như vậy hẳu hết đều tỏ ra nguyện ý ở lại làm việc. Chỉ có một người thừa cơ nhẩy qua hàng rào chạy đi.
Vì gần như bị giam lỏng ở đây, chẳng bao lâu ai nấy đầu tóc, râu ria đều mọc dài ra gắn như Robinson Crusoe trong tiểu thuyết. Có lần về đến nhà, người nhà không nhận được ra là ai, và gọi ngay thợ húi tóc đến cắt tóc, cạo mặt cho nó sáng sủa một chút. Vì ít ngủ quá, nên tôi lăn ra giường làm một giấc no mãi tới trưa mới dậy.
Trông anh Khái Hưng gầy nhom, bây giờ lại càng gầy, đôi má hóp lại, nhưng anh có tài chịu đựng, viết lách và sửa bài in đêm nào cũng tới rất khuya. Thỉnh thoảng, chúng tôi tạm ngừng vài tiếng, làm cốc càphê đen đặc và một ván cờ tướng. Chúng tôi làm báo khẩn trương như vậy, trong một hoàn cảnh khủng bố bất ổn đặc biệt của thành phố Hà Nội thời bấy giờ. Đã có một số anh em phái quốc gia bị bắt cóc, hay đột nhiên mất tích. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng súng nổ ở xa. Nhưng chắc bên Việt minh cũng chịu cảm giác khủng bố không kém, vì quân Trung Hoa đã kéo đến nhiều, chia nhau chiếm các vị trí chủ chốt. Đồng thời, hoạt động của phe quốc gia cũng càng ngày càng nổi lên bề mặt. Việt minh tuy muốn trừ khử ngay nhưng chưa thể làm được.
Chương 25
Gia Đình
Công việc bận rộn và gay cấn khiến cho chúng tôi không còn thì giờ để nghĩ tới gia đình. Liên vẫn đi dạy học ở trường Trung Hoa. Gia đình anh chị Cả vẫn sống bình yên. Chị Tam vẫn buôn cau. Chị Sáu (Thạch Lam) thì về ở trại Cẩm Giàng cùng với mẹ chồng, nhưng sau, thấy không ổn, mẹ tôi phải lánh vào một ngôi chùa ở, chúng tôi cũng không rõ là ở đâu.
Có khi ngồi nghĩ tới tình thế mọi người trong gia đình, tôi cảm thấy lo ngại. Vì thế nào Việt minh cũng sẽ làm khó dễ, mặc dầu chỉ là đàn bà, con trẻ. Nhất là tại các địa phương, có những tên lưu manh hay cực đoan, cái gì chúng cũng có thể hạ thủ được. Mẹ tôi và các chị sống trong sợ hãi, phải ẩn nấp, trốn tránh, nay đây mai đó, tuy rằng hoàn toàn không có liên quan gì đến công việc của chúng tôi.
Là những người thanh niên yêu nước, chúng tôi chỉ nghĩ tới làm sao cho dân tộc được độc lập, người dân được sinh sống trong tự do và góp sức vào việc tự tay mình xây dựng một đất nước hoà bình, giàu mạnh. Tôi không ngờ được rằng, vừa mới thoát khỏi ách đế quốc Pháp, Nhật lại rơi vào ngay cảnh cùng là đồng bào mà đã thành đối địch với nhau.
Đa số dân chúng hồi đó không có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản, họ chỉ biết nay đã có một chính phủ cộng hoà trong độc lập và chính phủ đó tuyên bố chống Pháp bảo vệ độc lập, không theo chính phủ này thì theo ai? Nhiều nhà trí thức tham dự vào chính phủ Hồ Chí Minh cũng nghĩ như vậy, họ không phải là đi theo chủ nghĩa Mác, Lê. Có người tán thành chống tư bản bóc lột, giải phóng công nông, tiến tới một xã hội bình đẳng. Người ta chưa hiểu thấu gì về cái gọi là chuyên chính vô sản, cũng chưa hiểu thấu thế nào là dân chủ thực sự. Cho nên, đại đa số dân chúng ủng hộ Việt minh và cho các phe quốc gia là muốn tranh giành quyền vị, cũng là tự nhiên. Huống hồ, nắm chính quyền trong tay, Việt minh vận dụng bộ máy tuyên truyền chỗ nào cũng vu cáo phe quốc gia là thân Nhật, phản động, phá hoại an ninh, theo gót ngoại quốc... Việc hoạt động của các đảng phái quốc gia trong tình hình nguy hiểm khó khăn như thế khó mà phát triển thuận lợi. Quân Trung Hoa chỉ đóng ở một số nơi cần thiết, và sự giúp đỡ của họ cũng chỉ có hạn.
Những viên tướng Trung Hoa, theo lệnh của Nam Kinh, đứng ra hô hào các phe phái Việt nam đoàn kết hợp tác để thành lập một chính quyền thống nhất, có đủ danh nghĩa đối nội cũng như đối quốc tế và tạo nên một hoàn cảnh ổn định có lợi cho nhiệm vụ tiếp quản của họ. Họ chỉ có thể che chở cho phe quốc gia khỏi bị Việt minh thẳng tay đàn áp, nhưng, nếu như một số người mong muốn không thực tế lắm - mong họ dẹp được chính quyền Việt minh và đưa phe quốc gia lên cầm quyền thì không đúng với chủ trương của họ và cũng là một lối mong mỏi quá ỷ lại vào ngoại bang.
Người đứng ra dàn xếp là tướng Tiêu Văn, chủ nhiệm bộ chính trị của quân đoàn Đệ Tứ Chiến Khu do Trương Phát Khuê làm tư lệnh. Ông này là một nhân vật quen thuộc với các nhà cách mạng người Việt hải ngoại, và đã từng tham dự vào làm cố vấn cho Việt nam Cách Mạng đồng minh hội ngay lúc bắt đầu thành lập tại Liễu Châu. Kể cả từ Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công cho tới Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, và Hồ Chí Minh.
Dù muốn hay không, các lãnh tụ người Việt cũng phải tham dự những cuộc đàm phán. Theo chỉ thị, trên tờ Việt nam cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của sự đoàn kết tất cả các đảng phái để nhất trí chống Pháp, bảo vệ độc lập. Đứng trên lập trường đoàn kết kháng chiến. Vì lúc đó, quân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh, đã chiếm đóng hầu hết những thành phố quan trọng tại miền Nam và cũng đã tiến vào miền Nam Trung kỳ. Những nhóm võ trang, gồm cả của Việt minh hay những phái quốc gia, đều phải rút lui về hậu phương.
Không phải là phe quốc gia không chú ý tới vấn đề nếu chịu ngồi thảo luận hợp tác với Việt minh, thì sẽ có lợi cho cộng sản, giúp cho chính phủ Hồ Chí Minh có danh nghĩa chính thức hơn. Nhưng một là lực lượng của mình so với Việt minh còn quá yếu kém, quân đội quá ít và vũ khí thiếu thốn, tổ chức ở các địa phương còn rời rạc, không phải là lúc ra mặt quyết liệt được, hai là áp lực của quân đội Trung Hoa rất mạnh, nên mọi người đồng ý cần đàm phán với Việt minh để tỏ thiện chí đoàn kết dân tộc trước quốc dân, và tranh thủ một thời gian hoà hoãn để tăng cường nội bộ nhất là tãng cường lực lượng võ trang, với mục đích có thể chống cự với Việt minh một khi quân Tưởng rút lui...
Có những người nghĩ rằng lúc đó phe quốc gia phải chống đối Việt minh đến cùng vì mình có đủ lực lượng và có quân Tưởng ủng hộ, điều đó chỉ là mong mỏi chủ quan và không thực tế. Vả lại, quân dân tại miền Nam sự thực đương kháng chiến và hy sinh, nếu không tán thành đoàn kết dân tộc tất nhiên sẽ bị quốc dân chỉ trích hay hoài nghi, và các anh em ở các địa phương tất sẽ bị Việt minh lấy cớ để khủng bố mạnh. Một điều thiếu sót rõ rệt trong sách lược quốc dân đảng hồi đó là đã không chú ý tới đẩy mạnh phong trào tự động chống Pháp tại miền Nam. Tại đây có nhiều nhóm dân quân không chiụ sự chỉ huy của Việt minh, trong đó Đệ Tam Sư Đoàn, do một đảng viên Việt nam quốc dân đảng -Nguyễn Hoà Hiệp chỉ huy, là một lực lượng đáng kể, và đã đối chọi trong nhiều trận đối quân Pháp. Những nhóm kháng chiến đó, vì thiếu lãnh đạo đúng mức và thiếu cộng tác trong hành động, nên đã suy yếu dần giữa sức ép của Pháp và của cộng sản. Đồng thời, đã không được các nhà lãnh đạo tại miền Bắc giúp đỡ tối thiểu về đường lối chính trị, sách lược cần thiết đối với thời cục phức tạp. Nếu có đường lối, sách lược đúng đắn để kết hợp thành một khối mạnh -mạnh hơn lực lượng quốc gia tại ngoài Bắc, vì số quân đội theo tài liệu hồi đó, có thể đạt tới 20.000-30.000 người- thì cả Việt minh lẫn Pháp đã không hoành hành được như hồi ấy.
Những cuộc đàm phán tay ba bắt đầu. Những đại biểu chủ yếu bên phe quốc gia là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng. Không có anh em Đại việt tham gia, vì theo nguyên tắc chỉ có anh em Việt nam quốc dân đảng mới hoạt động bề nổi mà thôi.
Tôi được cử làm một đại biểu trong hội nghị liên tịch các đẫng phái, gồm có đại diện của Tổng bộ Việt minh (người cộng sản), đảng Dân chủ (Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Đỗ Đức Dục..). Việt nam Cách Mạng đồng minh hội (Nguyễn Hải Thần, Tạ Quang Hối, Bồ Xuân Luật) Việt nam quốc dân đảng (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Bách) -lúc đó anh Tam và anh Nghiêm Kế Tổ chưa về tới Hà Nội - Đại diện trung lập có Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh. Trừ Hồ Chí Minh ra, những đại diện thường gặp là Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp...
Đầu tháng 11 năm 1945, người ta bỗng thấy một thông cáo trên mặt báo, nghe cũng giật gân: Đảng cộng sản Đông dương tự giải tán, lại thêm một đầu đề nhỏ nữa là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác được thành lập. Nhưng cái trò này không lường gạt được ai tại trong nước cũng như trên quốc tế. Được tin, chúng tôi chỉ nhìn nhau, mỉm cười, Hôm sau, một bài bình luận, trào phúng và một bức tranh khôi hài xuất hiện trên tờ Việt nam.
Tất nhiên, phe bên kia cũng không chịu kém. Trên tờ Độc lập, một bức tranh hí họa vẽ mấy người nhô con đứng đằng sau một anh lính Trung Hoa, với cái tít: Cách mạng chân chính!
Cuộc đấu khẩu trên mặt báo càng ngày càng kịch liệt trong lúc các cuộc đàm phán vẫn kéo dài. Báo Việt nam kết án Việt minh là phát xít với hình ảnh thập tự quốc xã chồng lên ngôi sao vàng.
Nhưng, các cuộc đàm phán cũng có những phút đặc biệt. Một là những phút tranh luận gay cấn và hai, những bữa tiệc thịnh soạn.
Dự những bữa tiệc không những được ăn ngon, mà còn được hàn huyên với những tướng tá Trung Quóc. Tiêu Văn khổ người hơi thấp và mập, đôi mắt khá tinh nhanh và nói truyện rất hùng hồn -mặc dầu chúng tôi không nghe hiểu tiếng Tàu. Còn tướng Diệp, viên phó tư lệnh của đạo quân 52 hay 53 gì đó, thì điềm đạm, ít nói hơn.
Một lần, theo lối quen huấn thị một viên tướng đứng dậy diễn thuyết. Ông cứ nhắc đi nhắc lại (có người làm thông dịch viên) mãi làm cách mạng rất khó khăn, gian khổ, phải đổ máu mới thành công giống như đàn bà đẻ con phải đau đớn, phải đổ máu mới sinh ra được. Điều này quá sáo, chúng tôi từng nghe đã nhiều, nên ông nói thì cứ nói, chúng tôi vẫn không quên gắp đồ ăn lia lịa, tuy hơi bất lịch sự song nhìn chung quanh hầu hết ai cũng làm như mình.
Đại diện Việt minh - tôi không nhớ là ai, thường phát biểu hô hâo đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chính phủ kháng chiến và phê bình có những người gây trở ngại cho sự đoàn kết. Một lần, vì hơi nóng mặt trưởc những lời khiêu khích đó, tôi nói thẳng là nếu muốn đoàn kết thực thì trước hết Việt minh phải đình chỉ mọi sự khủng bố, đàn áp tại các địa phương, và phê bình chính sách chia rẽ ở miền Nam đã đưa tới chỗ quân Pháp xâm chiếm mau chóng.
Rút cục, cuối tháng 11, hai bên đồng ý cho ra một bản tuyên cáo chung với nhan đề Tinh Thành Đoàn Kết, đại ý nói các đảng phái, các tầng lớp nhân dân đều chân thành đoàn kết hợp tác để giữ vững độc lập tự do với sự bảo trợ của Đồng minh.
Bản tuyên cáo này được đăng lên tất cả các báo hồi đó. Xin thú thực, độ ấy trình độ Hán văn của tôi rất kém, nên vắt óc cũng không hiểu ý nghĩa hai chữ tinh thành là thế nào?
Anh Gia Trí bình phẩm:
- Đoàn kết thì là tốt, nhưng sao lại phải tinh thành sao không nói nôm na là tinh thần đoàn kết cho có vẻ Việt nam và dễ hiểu hơn?
Phải công nhận là Hồ Chí Minh nói truyện giản dị và dễ hiểu, gọn ghẽ hơn. Còn Nguyễn Hải Thần thì dùng nhiều danh từ chữ Hán, nghe lạ tai và khó hiểu.
Trên thực tế, các phe phái có thực lòng tinh thành hay không, tất nhiên không do một bản tuyên cáo mà thành. Sự thực, đây chỉ là một kế hoãn binh. Nếu đoàn kết chân chính thực hiện, thì sẽ ngăn cản được quân Pháp tiến thêm và sẽ tránh được nội chiến sau này, tránh được bao nhiêu hy sinh đau khổ cho dân tộc. Bảo tất cả đều là giữ miếng, trong bụng đều một bồ dao găm thì cũng không đúng. Có rất nhiều người thành thực tin rằng phải đoàn kết chân thành để cứu nước, và cũng tin rằng có thể đoàn kết với nhau, dù có chủ trương khác nhau. Vấn đề then chết ở đây là có những người chủ trương độc tôn, độc tài, không thể dung thứ những ai thách thức quyền lực của họ. Bên Việt minh, họ vừa đàm phán vừa tổ chức những tuẳn lễ vàng vừa sửa soạn cho một cuộc tổng tuyển cử.
Ai cũng biết, lấy danh nghĩa mộ quyên cho cuộc kháng chiến thần thánh, chính phủ đã thâu lượm được một số vàng và tiền khá lớn. Một phần số vàng đó, nghe nói đã dùng để hối lộ bọn tướng Tnmg Hoa, cầu nới tay... Do đó, mới có cái gọi là tinh thành đoàn kết ra đời.
Còn một việc nữa, tổ chức tổng tuyển cử với mục đích hợp pháp hoá, chính thức hoá chính quyền với bộ mặt dân chủ, tự do. Thực ra, nắm được quyền trong tay, kiểm soát được gẳn toàn bộ dân chúng, ứng cử viên đã do Việt minh tuyển lựa chu đáo, thì cuộc tổng tuyển cử cũng chỉ là một trò đã xếp đặt trước để bầy hàng.
Vì vậy, các phe quốc gia đều phủ nhận tổng tuyển cử một chiều, cho là không có giá trị, đặc biệt là trong không khí khủng bố, những phe phái đối lập thì chỉ là phản dân chủ mà thôi. Trên mặt báo, chúng tôi tuyên bố không chấp nhận kết quả của cuộc tuyển cử và hô hào dân chúng tẩy chay.
Do sự phản đối nhiều mặt, Hồ Chí Minh phải nhượng bộ, và tuyên bố hoãn ngày tuyển cử cho đến tháng giêng năm 1946. Đàm phán và đối chọi, đó là đặc điểm của một thời kỳ giằng co giữa hai phái dưới sự bảo trợ của quân đội Trung Hoa.
Chương 26
Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ Về Tới Hà Nội
Anh Tam về nước hơi muộn, là vì còn mắc mấy việc, trong đó có vụ Ba Viên.
Ai cũng đã nghe qua vụ Ba Viên làm phản và sau đó bị Việt nam quốc dân đảng thi hành bản án tử hình.
Ba Viên vốn là một thiếu úy trong quân đội Pháp. Hồi quân Nhật đảo chính tháng 3-1945, Viên mang một toán quân chạy sang Vân Nam, trú ngụ ở Mông Tự trên đường xe lửa Côn Minh - Lào Cai. Muốn tăng thêm lực lượng quân sự, anh Tam thuyết phục Ba Viên mang quân về với Việt nam quốc dân đảng. Viên tình nguyện hợp tác và đưa toán binh sĩ của mình, có đủ khí giới do nhà chức trách Vân Nam trả lại, các anh em ở Hải Ngoại Bộ Côn Minh và ở Hà Giang tin rằng Viên thực lòng, muốn quy nhập nên đồng ý thương lượng với nhà chức trách cho phép toán quân đó trở về Hà Giang.
Nhưng Ba Viên theo mật lệnh của Pháp đã rắp tâm lợi dụng cơ hội để làm phản. Như mọi người đều biết, quân của Viên đột nhiên vây bắt những anh em, cán bộ đảng viên ở đó, rồi đón bộ đội cộng sản vào thành. Những anh em ấy sau đều bị cộng sản giết. Anh Tam đã rời khỏi Hà Giang trước khi xẩy ra việc biến loạn, rồi về tới Hà Nội. Còn anh Nghiêm Kế Tổ về tới đích xác vào ngày nào, tôi không nhớ rõ. Thế là hầu hết các nhân vật quan trọng tại hải ngoại đã trở về quê hương. Đã gần 5 năm rồi, tôi mới gặp lại anh Tam, cả nhà đều vui mừng, tất nhiên người vui nhất là chị Tam cùng các con và bà mẹ. Trong mấy năm vừa qua, anh quả đã trải nhiều gian truân trốn được khỏi bàn tay người Nhật tại Quảng Châu, nhưng lúc đến Liễu Châu lại bị quân Trung Hoa tống giam vào ngục vì nghi là gián điệp của Nhật - đồng thời với Nguyễn ái Quốc - sau nhờ mấy nhà cách mạng lưu vong giao thiệp mới được thả ra, và đi Vân Nam. Chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt này đã thành một chiến sĩ thực thụ bôn ba nơi hải ngoại. Chúng tôi mong có người anh trong đảng về chỉ dẫn hành động trong lúc khó khăn.
Trông anh cũng không khác trước mấy, hơi gầy và đen hơn, nhưng rắn giỏi, bớt vẻ thư sinh nho nhã trước kia. Điều mà anh khác trước kia là đã biết quay sang dựa vào Đồng minh và kết hợp với Việt nam quốc dân đảng.
Lúc đó, chúng tôi đứng trước hai vấn đề trọng yếu: Một là vấn đề chủ nghĩa và cương nnh chính trị chung cho toàn quốc dân đảng, hai là vấn đề đường lối và chương trình hành động trong cục thế hiện nay. Theo chỗ tôi biết, trong ban Trung ương, chưa có một lần nào thảo luận và quyết định cho triệt để về những vấn đề trên. Có thể cục thế quá gay go và nguy hiểm đã không cho phép làm như vậy, song chính vì thế mà trong hoạt động, đảng thiếu kế hoạch cụ thể để cứu nguy, đặc biệt về phương diện củng cố và phát tnển hàng ngũ, tăng cường tính chiến đấu và kỷ luật không thể thiếu cho một tổ chức cách mạng trong nguy cơ bị tiêu diệt.
Đa số thành viên Việt nam quốc dân đảng vẫn tin tưởng ở chủ nghĩa Tam Dân, nhưng không được huấn luyện gì về mặt này, nhất là đối với những người mới vào. Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn cũng vẫn ở trong phạm vi những anh em Đại việt, chưa thấy Trung ương phổ biến lý thuyết này trong toàn đảng. Trên thực tế, mấy phái trong quốc dân đảng đã có đồng thuận trên cơ sở độc lập, tự do, không cộng sản và một nền kinh tế tư hữu. Trước tình hình đó Trung ương có ủy thác ban tuyên huấn chúng tôi soạn thảo một cương lĩnh chính trị chung, do tôi, Khái Hưng phụ trách, anh Hoàng Đạo góp ý. Bản sơ thảo ấy được Trung ương chấp thuận và đưa ra toàn thể đảng viên góp ý kiến, và đã đăng trên mặt báo Việt nam, đồng thời cũng in thành văn bản phát cho đảng bộ các nơi.
Bản cương lĩnh này là một sản phẩm dung hòa giữa các chủ thuyết, với chủ điểm là dân tộc dân chủ, bỏ những chủ truơng độc tài và bên cạnh phần đoàn kết toàn dân, giành độc lập hoàn toàn, chủ trương toàn dân bình đẳng, có đủ quyền tự do, bao gồm quyền tuyển cử quốc hội, chính phủ, tự do kinh tế, nhưng cũng chú trọng bảo đảm quyền lợi tất yếu của công nông. Trên tính chất, nó áp dụng những nguyên lý của nền dân chủ Tây Phương kết hợp với sắc thái dân tộc Việt.
Song, thực ra lúc đó không có đủ thời giờ và điều kiện để mở một cuộc thảo luận rộng rãi. Nhưng nguyên tắc dân tộc dân chủ đã hình thành từ lúc ấy, và trừ ngoại lệ, hầu hết các tổ chức quốc gia đều có cương lĩnh trong phạm trù dân tộc và dân chủ (cho tới tận nay, cuối thế kỷ -tác giả ghi nhận) Còn trên sách lược trước mắt, mọi người ý kiến có khác nhau, chủ yếu trong việc có nên họp tác với Việt minh hay không?
Theo chỗ tôi biết, trong nội bộ Trung ương, không thấy ai công khai phản đối việc hợp tác, đoàn kết để chống Pháp tái xâm lăng, bảo vệ độc lập. Trong một buổi họp tháng 11, trong đó có cả các anh Truơng Tử Anh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỷ, Chu Bá Phượng, tôi, anh Xuân Tùng... có bàn về việc này, và về ý kiến của cụ Nguyễn Hải Thần đề nghị nên hợp tác. Cũng như đã thuật ở trên, dưới áp lực của các tướng Trung Hoa, áp lực của dư luận dân chúng muốn thấy các phái đoàn kết, và nguy cơ bị đàn áp trong khi chưa đủ lực lượng để tự vệ, ai cũng thấy cần phải hoãn binh. Khi tạm thời hòa hoãn được rồi, tạo được cơ hội cho các địa phương hoạt động.
Cái hại cho công cuộc là sự hợp tác sẽ mang một bộ mặt tốt đẹp hơn cho Hồ Chí Minh, để lung lạc quốc dân và quốc tế. Cân nhắc hai phiá, hội nghị cuối cùng cũng đồng ý đoàn kết hợp tác, nhưng cần thận trọng, vận dụng cơ hội để tăng cường lực lượng rồi sau tùy cơ ứng biến. Theo tài liệu các nơi báo cáo về, tình hình phe quốc gia có thể tóm tắt như sau:
1. Phe quốc dân đảng nói chung, gồm Việt nam quốc dân đảng, và Đại việt quốc dân đảng. Phe Đại việt dân chính không còn tồn tại nữa, vì đã sát nhập hoàn toàn vào Việt nam quốc dân đảng. Việt nam quốc dân đảng và Đại việt quốc dân đảng tuy đã ước định lấy danh nghĩa chung là quốc dân đảng, và tại nhiều nơi, hai bên đã hoạt động hỗn hợp chung với nhau, nhưng tại những nơi khác và ngay trong những nơi hành động chung vẫn có hoạt động riêng rẽ hay bộ phận riêng rẽ. Riêng về những người nguyên là Đại việt dân chính chúng tôi thì không có thành kiến hay phân biệt đối đãi nào, coi Đại việt hay Việt nam cũng chỉ là một.
Vào thời kỳ tháng 11, sau khi Nguyễn Tường Tam và Nghiêm Kế Tổ đã về tới Hà Nội, một cuộc hội nghị khoáng đại đã được mở tại một địa điểm gần hồ Bẩy Mẫu (không phải là Ôn Như Hầu) và đã cử ra một ban lãnh đạo Trung ương. Cuộc đề cử này do các anh Trương Tử Anh, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam chủ tọa. Theo chỗ tôi nhớ, thì tuy là khoáng đại nhưng vì tình thế khẩn trương, nên cán bộ tới họp chừng độ hơn 30 người, trong đó có một số cán bộ các tỉnh. Trong số 12 ủy viên Trung ương hôm ấy, tôi được anh em đề cử, và sau đó, được giao nhiệm vụ bộ trưởng bộ Tuyên Truyền. Ban thường vụ gồm có Trương Tử Anh (chủ tịch) Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỷ, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Long, Phạm Khải Hoàn.
Đảng kỳ, một lá cờ sao trắng, và đảng ca Việt nam minh châu trời đông cũng được xác nhận trong hội nghị. Tuy vậy một điều gây ra mâu thuẫn là, trên mặt công khai, vẫn dùng danh xưng Việt nam quốc dân đảng, và có nhiều địa phương vẫn dùng danh từ này, mà không dùng danh từ QD Đảng. Điều này tỏ ra về mặt tổ chức, quyết nghị từ trên chưa được thi hành triệt để, song trong thời kỳ đó, khó tránh được sự hỗn độn. Việc liên lạc với các tỉnh cũng rất khó khăn, liên lạc đối miền Nam lại càng thưa thớt. Một số đảng bộ ở miền trung đã được thành lập trong điều kiện gian nan.
2. Phe Việt nam Cách Mạng đồng minh hội: phe này do cụ Nguyễn Hải Thần đứng đầu, gồm có một số người trước đây ở Trung quốc về, đa số là anh em Phục Quốc đồng minh hội, có cơ sở tại vùng Lạng sơn. Ngoài ra còn nhóm Vũ Kim Thành và Vệ An Quốc đóng tại miền Hòn Gai, Tiên Yên, Móng Cái.
Việt nam cách mạng đồng minh hội hoạt động tại Hà Nội, còn có một số đảng viên. Đại việt Quốc xã cộng tác.
Nói chung, lực lượng Việt nam cách mạng đồng minh hội không nhiều và cũng thiếu lực lượng võ trang mạnh, và thiếu ảnh hưởng rộng trong dân chúng.
3- Đại việt duy dân đảng - với người sáng lập và lãnh tụ là Lý Đông A - còn có tên là Nguyễn Hữu Thanh - được thành lập năm 1942 lý thuyết chính trị là chủ nghĩa duy dân, duy dân Đảng về sau phát triển ở trong nước, hoạt động bí mật. Đại việt duy dân là một trong những chính đảng Việt nam ở hải ngoại đã hội họp với nhau năm 1943 và đồng ý đoàn kết hợp tác
4- Tân Việt nam quốc dân đảng và Đại việt Quốc gia Liên minh thành lập vào năm 1944, vì thời cục đã biến chuyển mạnh, một phần vì nhiều thành viên bị Việt minh khủng bố, nên hầu như đã tan rã hay ngừng hoạt động, một số thành viên tham gia vào hàng ngũ Việt cách hay quốc dân đảng.
5. Tại miền Nam, để hoạt động độc lập với Việt minh, một Mặt Trận Đoàn Kết Quốc gia, kết hợp những lực lượng Cao Đài Hòa Hảo, Việt nam quốc dân đảng, Phục Quốc... có võ trang, và chiếm cứ một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, trong khi quân Pháp chiếm được Sàigòn và những tỉnh lỵ. Trong những lực lượng dân quân kháng chiến, đáng kể nhất là Đệ Tam Sư Đoàn do Nguyễn Hoà Hiệp, một đảng viên Việt nam quốc dân đảng chỉ huy. Đệ Tam Sư Đoàn bị ép giữa hai thế lực Pháp và Cộng Sàn, nên tuy cố gắng khai triển du kích chiến, nhưng cũng không phát triển được mạnh.
Có một điều đáng chú ý là, trong mặt Trận Quốc gia này, lại có những phần tử Đệ Tứ Quốc tế (trotzkistes) tham gia hợp tác vì tuy là một hệ phái cộng sản, họ lại là tử địch của cộng sản Đệ Tam. Tạ Thu Thâu đã bị Việt minh bắt được và thủ tiêu... Tổ chức Đệ Tứ lực lượng không có mấy, lại không có võ trang. Tại Hà Nội, chỉ có một số nhỏ người hành động trong bí mật, nhưng có liên lạc với chúng tôi.
Đầu tháng 12 năm 1946, Trung ương quốc dân đảng, cụ Nguyễn Hâi Thần và một số nhân sĩ vô đảng phái, qua một cuộc hội nghị, nhận thấy cần phải xúc tiến một trận tuyến quốc gia mới để tăng cường ảnh hưởng và hiệu triệu dân chúng chống Pháp, chống độc tài.
Chúng tôi đưa ra đề nghị thành lập một tổ chức lấy tên Mặt Trận quốc gia Thống Nhất, đối chọi với Mặt Trận Việt minh, để có tính chất rộng rãi hơn, vì Việt cách lúc đó trên thực tế chỉ là một đoàn thể, và cái danh xưng ấy không còn thích hợp với thời thế.
Mặt Trận quốc gia Thống Nhất Việt nam ra đời. Trong nội bộ, vẫn đề cử Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch, phó chủ tịch là Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam. Việc thành lập Mặt Trận Quốc gia được đăng trên báo Việt nam. Mặc dầu việc này không thúc đẩy được công việc nhiều, nhưng nó có ảnh hưởng tượng trưng. Đây là Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất đầu tiên trong lịch sử Việt nam.
Với danh xưng này, Nghiêm Kế Tổ được cử làm ủy viên Ngoại giao, chuyên trách việc giao thiệp với các tướng Trung Hoa trong việc mong họ giúp đỡ thiết thực và cung cấp võ khí cho mình.
Anh Tổ là một người vóc trung bình, dáng dấp có vẻ chững chạc, nói tiếng quan thoại rất lưu loát, và xem ra cũng mồm mép hơn anh Vũ. Tuy nhiên, đối với đảng vụ, về lý luận, kế hoạch, hay hành động cụ thể, không thấy anh đưa ra những ý kiến thiết thực. Có lần chính anh chép miệng nói với tôi, khi trao đổi ý kiến về việc hợp tác với Việt minh và đối sách của mình:
- Cũng phải hợp tác thôi. Nhưng chúng ta không có toàn bàn kế hoạch để mà hành động...
- Vậy ý kiến anh thế nào, sao không đưa ra?- Tôi hỏi.
- Khó, khó lắm. - Anh lắc đầu, rơi im lặng, khiến tôi hơi thất vọng.
Hợp tác với Việt minh chỉ là một chiến thuật. Nhưng trong, và sau khi hợp tác toàn đảng cằn làm thế nào? Quân Pháp tới, hay quân Tàu rút, thì ngay bây giờ cần phải chuẩn bị những gì? Làm thế nào để xoay chuyển cục thế bị động của mình? Tất cả những vấn đề phức tạp và khẩn thiết này đều không được đưa ra để thảo luận và đi tới một chương trình rõ ràng.
Trung ương quốc dân đảng lúc đó quá chú trọng tới những công việc đàm phán. Huống hồ, chính trong Trung ương lại không được nhất trí. Công tác tuyên huấn của tôi nhiều khi gặp khó khăn và thiếu tài liệu để chuyển xuống đàng viên các nơi.
Đảng vụ không được kiện toàn, lại thiếu kinh phí. Chỉ trông mong vào đảng viên và vào một số nhỏ Mạnh thường Quân, làm sao cung cấp nổi cho mọi việc, đặc biệt là việc mua võ khí tối thiểu. Các anh em ở Hà Nội chỉ có súng ngắn và một số tiểu liên (kiểu Thompson của Mỹ), và tại các chiến khu, thì thiếu súng máy. Súng cối và đạn cũng thiếu thốn.
Không trông rõ nguy cơ sẽ xẩy ra khi quân Trung Hoa rút, là nguyên nhân sẽ trở tay không kịp ngay nửa năm sau.
Nguyễn Tường Bách
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...