Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Thuở mơ làm văn sĩ 1

Thuở mơ làm văn sĩ 1

TỰA

Năm 1950. Ở Hà Nội, tôi 10 tuổi, mới dậu xong bằng tiểu học, sửa soạn thi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường trung học Chu Văn An. Nghĩa là sẽ trở thành học sinh trường bưởi danh tiếng xưa kia đấy. Nhưng là tuổi ăn tuổi chơi. Ba tháng hè, tôi tham gia tất cả những trò chơi trẻ con ở Hà Nội. Đánh đinh, đánh đáo, sưu tầm programes ở những rạp chiếu phim, xem ciné và đọc truyện.

Có lẽ thứ mà tôi đam mê nhất là đọc truyện. Tôi đọc lung tung đủ thứ truyện, từ truyện kiếm hiệp đến mọi loại tiểu thuyết, in thành từng tập mỏng phát hành mỗi tuần mà cha tôi gọi là tiể thuyết ba xu. Gom góp từng tập mỏng ấy để đóng lại thành pho sách dầy. Những truyện đăng trên báo tôi cũng cắt đóng lại thành từng tập. Không kể việc sưu tầm từng cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn mà tôi rất ngưỡng mộ. Tất cả những cuốn sách cũ, đôi khi nát phải tự phục chế. Lý do đơn giản là tôi không có tiền để mua những cuốn tiểu thuyết tinh còn thơm mùi mực in.

Tôi ngưỡng mộ biết bao nhiêu tác giả. Mơ ước ngaynào đó mình được như họ. Tôi mê đến độ, có thể đọc tiểu thuyết bất cứ lúc nào không phải chỉ ở những ngày rảnh rỗi. Thường xúc động về tình huống số phận của các nhân vật. Mùa rét nằm trogn chăn bông đọc tiểu thuyết. Tôi nhớ đọc cuốn " người anh cả " của Lê Văn Trương, tôi cũng là anh cả trong gia đình nhỏ bé của mình, thế là tôi xúc động. Chui vào torng chăn khóc thoả thích. Khóc sưng cả mắt, vì thương thân phận người anh cả trogn tiểu thuyết đó quá. Sau này, và đến bây giờ tôi vẫn thường mủi lòng trước những hoàn cảnh, có thể trong tiểu thuyết, đời thật hay phim ảnh. Nếu bạn bè tôi có nhận xét về tôi : Trông con người nó hung hãn như vậy, nhưng tâm hồn thì yếu đuối.

Thuở bé xem phim Charlot. Phim The Kid ( dịch ra tiếng Việt là Gà trống nuôi con ) khi Charlot lạc mất đức con nuôi, Charlot buồn ngẩn người ra. Tôi cũng chảy nước mắt. Còn nhiều, rất nhiều tình huống khác, torng tiểu thuyết hay trong phim ảnh làm cho tôi mủi lòng, đến rơi lệ.

Không biết đó có phải là con đường gai góc mà tôi đã chọn khi cầm bút không ? Khi ở Hà Nội, tôi trao lại cho thằng em họ tủ sách. Ra đi nhưng vẫn thăm hỏi về những cuốn tiểu thuyết. Sau năm 1954 thì viết bưu thiếp, cho đến lúc bặt tin. Rồi nhiều chục năm qua....tôi trở thành nhà báo, nhà văn......Cũng là một đời lỡ mà thôi. Nhưng tôi hãnh diện làm sao khi chọn nghề cầm bút.

Sau năm 1975. Miền Nam bại trận, người chiến thắng vào thành phố. Những cuốn sách in ấn phát hành ở miền Nam bị kết tội phản động, bèn được đem ra thiêu đốt. Tôi đứng nhìn tro tàn khói bay, cầu xin cho nó được phiêu diêu miền cực lạc. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều tác giả khóc những cuốn sách trên đống tro tàn. Người buôn bán sách, nhưng suốt một đời yêu quý sách, nên làm sách, in ấn sách, đứng ngẩn như người mất hồn trước nhà sách, mà chính là kho sách vĩ đại của mình ở đại lộ Lê Lợi. Nhà sách Khai Trí nay đã đổi tên chủ.

Tôi muốn nói ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trường. Một đời ông dành cho những cuốn sách, không phải mình là tác giả mà của nhiều người khác. Ông có cái đam mê của ông, đam mê đến cuối đời. Mấy ai đã được sống đến trăm tuổi, nay tuổi ông Khai Trí đã 80. Hơn nửa đời người kinh doanhsách, nhưng không thể gọi ông từ hạ đẳng là " đầu nậu sách. Như có lần sau khi nhà sách Khai Trí tịch biên, tôi đã nghe lời miệt thị ấy của một nhà văn muốn lập công. Ví như loài cỏ " đuôi chó " mà ông Phan Khôi đã viết hồi nào trong Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi nói ít ai thọ được trăm tuổi. Học giả Vương Hồng Sển đã là thọ mà chỉ sống được 94 tuổi. Không như điều mơ ước của cụ, thọ tròn một thế kỷ để nhìn cho rõ hơn " nhân tình thế thái ". Năm ngoái, tôi gặp học giả Giản Chi. Cụ đã 94. Người yếu lắm rồi, cụ đi phải có người dìu. Nhưng tôi nghe nói cụ vẫn đọc sách, vẫn nghiên cứu. Cụ đọc sách bằng kính lúp soi trê ntrang giấy. Đáng quý lắm sao.

Cách nay một năm tôi gặp ông Khai Trí trong bữa giỗ ông Chu Tử. Tôi hỏi ông rằng cái nhà sách Khia Trí của ông ở đường Lê Lơi ông đã xin lại được chưa ? Sau khi ông từ Mỹ về và đã hòi tịch trở lại người Việt Nam. Ông cười và trả lời :

- Sẽ xin lại được, thời hạn trả lại là năm 3000.

Tôi chưa lẩm cẩm đến độ không hiểu nổi câu trả lời ấy là lời chua chát của một người kiên tâm với cái nghiệp của mình nay đã quá chán nản.

Câu chuyện văn nghêvọng vòng, tôi nhắc đến một bài mới đây viết trên báo chi nhắc ông Khai Trí, có người nhà văn, cũng ông đó, đã hết lòng ca tụng sự hào sảng của ông chủ nhà sách danh tiếng. Ông Khai Trí đã chậm rãi trả lời :

- Tôi biết anh đó, khi tôi ngồi ở Chí Hoà anh ta đi với phái đòan vào thăm từ. Anh từng biết tôi, nhưng hôm ấy anh ta nhìn tôi như nhìn những người tù khác chưa hề quen biết. Vì khi đó tất cả chúng ta đều là kẻ ngã ngựa, bị kết án....

Tôi thoáng nhìn thấy nụ cười ruồi của ông Khai Trí:

- Nhắc lại làm chi không biết nữa.

Đúng vậy, nhắc lại làm ch, nói theo thổ ngữ Nam Kỳ.

Tôi suy nghĩ hoài về câu nói ấy. Một câu nói thóang nghe thì tầm thường, nhưng suy nghĩ thì nó đòi hỏi ở người cầm bút thật nhiều đấy. Tuổi đời, kinh nghiệm đời không chưa đủ, còn đòi ngưòi cầm bút có một điều kiện khác. Có xứng đáng để cầm bút mà viết không ?

Đã rất nhiều đêm tôi ngồi trên căn gát bút suy nghĩ. Nên cầm lại cây bút hoặc không nên. Cuối cùng thì tôi đã có quyết định. bây giờ thì dĩ vãng dồn dậy trong tôi.

Trước đây tôi đã viết dang dở tập hồi ký " thuở mơ làm văn sĩ " ở một tuần báo thiếu nhi trước năm 75. Sau đó tôi viết lại, những mong " đăng báo " được. Nhưng bị đánh giá thấp qua biên tập. Tập hồi ký chẳng ca tụng được caí gì. Chỉ ca tụng một giấc mơ, giấc mơ của một kẻ mơ làm văn sĩ. Tôi đành gác bút.....

Gần nửa đời người làm việc cầm bút. Đến nay không giữ được quyển sách nào của mình viết ra. Trận hoả tai năm 75, không phải riêng tôi bị thiệt hại mà nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng cùng chung số phận và còn trở thành tội phạm, bị đem ra trưng bày tại phòng trưng bày " tội ác Mỹ Nguỵ " Nhiều năm dài những cuốn sách của tôi, của chúng tôi bị cầm tù. Tôi không có tiền, lộ phí, không có giấy tờ tuỳ thân đàng hoàng. Đến bây giờ tôi cũng không đi. Phải chăng tôi muốn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội, của những con đường những tỉnh miền Bắc tôi đã đi qua nguyên vẹn như thuở nào ? Tôi không trả lời của chính câu hỏi mình tự đặt ra.

Tôi như nhìn thấy mình thuở mới bước qua tuổi trẻ thơ mang ước mơ mình trở thành văn sĩ. Ôi giấc mơ mới đẹp và ngọt ngào làm sao. Đến bây giờ cũng vậy, tôi không coi giấc mơ đó là oan nghiệt hay nghiệp chướng phủ phàng.

Muỗi đêm nay sao ra nhiều thế, nó cắn tôi nhoi nhói. Không biết có con muỗi nào mang mầm bệnh không ? Nếu có chắc chắn là nó truyền cho tôi căn bệnh nào đó ác tính chứ không phải mãn tính. Muỗi Sài Gòn từng có tiếng cắn đau từ xưa. Tôi nhớ thuở ở Hà Nội, có một ký giả chuyên viết film du jour trên nhật báo lấy bút hiệu là Muỗi Sài Gòn.

Tôi sống với giấc mơ đẹp của tôi. Một đọan ngắn thôi " thuở mơ làm văn sĩ ". Xin mời bước vào tập hồi ký này.

1999.


CHƯƠNG 1

Buổi sáng tinh mơ trời còn mờ sương, nằm trong giường với mẹ, tôi đã nghe tiếng ngâm thơ của ông ngoại ở nhà ngoài. Tôi không thể nào ngủ thêm được nữa. Tôi choàng dạy bò ra với ông ngoại.

Trên sạp gụ trải chiếu hoa cạp điều trong căn nhà rộng thênh thang, ông ngoại tôi ngồi đó, trước mặt là bộ đồ uống trà xinh xinh,chiếc điêu ông bịt bạc cẩn có cần trúc cong vút, lò than tàu đất nung nhỏ xíu rực lửa đỏ hồng bên trên đặt cái ấm quai vạc như đồ chơi trẻ con, nước sôi vụt ra vòi. Tôi nhìn cái điếu bình của ông ngoại chạm trổ cẩn sà cừ hình mấy ông tiên ngồi đánh cờ, cảnh núi sông mây nước, xe điếu là những mắt trúc ngắn liền nhau uốn cong vút như cần câu. Tất cả những " đồ chơi " xinh xinh của ông ngoại đều khiến tôi ưa thích, say mê và mộng mơ.

Ông ngoại tôi mặc áo bông đoạn ấm áp ngồi xếp chân tròn ngay ngắn, chăm lo ấm nước trà bốc khói thơm thoảng mùi hoa sen. Từ chỗ ông ngồi nhìn ra ra ao sen rộng, ở đó neo một chiếc thuyền nan, hoa sen nở đỏ chen lá xanh trên ao. Trên mặt ao còn lăng đăng sương mù buổi sớm mai. Phía trước ao có một khoảng sân lát gạch tàu không rộng lắm.

Phía xa kia, sau luỹ tre xanh, rặng núi Tam Đảo nhô cao che mất một phần chân trời, sương mù như một giải khăn san bao quanh ngọn núi.

Tôi leo lên lòng ông ngoại nằm cuộn tròn như một con mèo ngoan ngoãn. Bàn tay ngoại xương xẩu với những móng dài lá lan lần vào mái tóc xanh của tôi gãi nhè nhẹ, ông phủ một vạt áo lên người tôi, ông vẫn tiếp tục ngâm thơ, mãi sau này khi lớn lên tôi mới biết đó là một đoạn thơ Đường của Lý Bạch.

Quanh tôi, hương trà sen thơm thoang thoảng, mùi hạt bưởi phơi khô dùng làm đóm hút thưốc lào, cháy thơm ngai ngái. Người ta nói ông ngoại tôi có cách ẩm thực cầu kỳ lắm. Từ năm giờ sáng ông đã ngồi trên chiếc thuyền nan bơi trên ao gạt ra khỏi đóa sen lấy dúm trà ướp trọn đêm. Nước pha trà ông cũng hốt bhững hạt sương đêm torng suốt đọng trên lá sen. Đóm hút thuốc lào của ông dứt khoát phải bằng hột bưởi phơi khô và tách đôi, xiên bằng cái châm bạc. Tôi nằm trong lòng ông ngoại nhìn khói thuốc chờn vờn trong không khí mờ ảo làm nổi bậc những câu đối sơn son thếp vàng treo trong căn nhà ngang, những bức đại tự trên tường bên cạnh, bộ tràng kỷ mặt bàn đá cẩm thạch. Tất cả cảnh vật đó, vòng tay ôm thân ái của ông bao qianh tôi làm lòng tôi êm dịu rồi thiếp dần vào giấc ngủ. Giấc ngủ bình yên thoải mái của tuổi ấu thơ thuở nào, thuở mà tôi không bao giờ quên được.

Bây giờ thì ngoại không còn nữa.

Miền Trung Châu Bắc Việt, nơi ấy xa xôi rồi.....

Tôi dứt lời đọc bài tuỳ bút của mình, đám bạn bè vỗ tay rào rào. Trong căn nhà nhỏ của Lê Đình Điểu, bút hiệu Y Dịch, người bạn học với tôi trang hoàng diêm dúa một cách hết sức trẻ con. Trên tường, ngay trước bàn học của Điểu có hàng chữ cắt dán màu đỏ bằng giấy thủ công học trò " trụ sở thi văn đoàn Lãng Bạc ". Trên bảng đen ghi chương trình phiên họp hàng tuần của thi văn đoàn cùng tên các bạn thành viên trong nhóm. Điêu quan trọng trên hết là chương trình có ghi mục bình văn bài tuỳ bút của tôi.

Thi đoàn chúng tôi gồm sáu đứa cùng lứa tuổi choai choai, tất cả đều là bạn học chung trường. Chúng tôi mới ở cấp trung học được ba năm. Đặc biệt chúng tôi say mê văn nghệ, ngành văn thơ, như nhiều anh chịo em khác của các trường ngày đó, chúng tôi lập thi văn đoàn, làm riêng những tờ báo chép tay, chuyền nhau đọc.Tôi nghĩ lối chơi ấy rất lành mạnh của tuổi trẻ. Chúng từng phải nhịn quà sáng, các bạn gái thì nhịn ô mai, me chua, tầm ruột chấm muối ớt để dành tiền mua giấy bút làm báo. Tờ báo chúng tôi ra mỗi tháng một số mang tên Thăng Long, thu hút được khá đông đảo bạn đọc trong trường, có khi còn lan sang trường nữ. Địa chỉ toà soạn tờ báo chính là nhà của Lê Đình Điểu. Chúng tôi sung sướng vì trò chơi đượm nét văn háo của mình. Hiện trong ngăn kéo của tổng thư ký văn đoàn Lăng Bạc, Lê Đình Điểu, còn nhiều hồ sơ của các bạn " thi văn hữu " nam nữ xin gia nhập. Nhưng điều đó còn xét đã, tổng thư ký Lê Đình Điểu, bút hiệu Y Dịch luôn luôn quan trọng.

Sáu khuôn mặt " nòng cốt " chúng tôi hôm nay ngồi họp trịnh trọng. Bởi vì tôi, người quan trọng nhất có bài được đăng báo, trong trang văn nghệ học sinh. Điều quan trọng hơn nữa là tôi lại còn được nhận tiền nhuận bút, không nhiều nhặn gì nhưng cũng đáng hãnh diện. Rõ ràng là một tờ báo in ấn đàng hoàng phát hành phắp nước. Vậy là tôi đã có thành tích trong nghiệp văn.

Sáng hôm nay cả đám anh em chúng tôi, chở nhau bằng xe đạp đến tận toà báo để nhận báo biếu và tiền nhuận bút. Anh nhà văm Vân Sơn, người phụ trách trang văn nghệ học sinh tiếp đón anh em chúng tôi niềm nở. Ông chủ nhiệm và nhiều nhà văn nhà báo lớn bắt tay chúng tôi. Rõ ràng tài năng tôi đã được đánh gía. Dù là một bài viết con con.

Nhà văn Vân Sơn còn trẻ, có lẽ chưa tới tuổi 30. Anh mang kính trắng gọng đồi mồi tròn xoe càng tăng thêm vẻ trí thức trên khuôn mặt thanh tú rạng rỡ của anh. Sau một lúc tiếp chuyện, uống nước ở phònh khách toà báo, khuyến khích chúng tôi trong việc sáng tác, anh viết tên tôi vào tờ " bông " để xuống quản lý dưới lầu lãnh tiề nhuận bút. Tay tôi run bắn lên vì cảm động khi ký vào " bông ".

- Không bao nhiêu đâu em, nhưng là cái duyên văn nghệ em nên nhận chút tiền nhuân bút của toà báo, mong mỏi rằng anh sẽ nhận được thêm nhiều bài vở văn thơ của các em.

Tôi sướng rơn, nhìn các bạn lòng đầy hãnh diện. Chỉ có một điều tôi không mấy hài lòng là người phụ trách quên phức mất bút hiệu của tôi, mà lại in tên thật. Cũng hơi rắc rối cho tôi, tôi không muốn ai trong nhà biết tôi mang mộng làm văn sĩ. Nhưng chuyện đã lỡ rồi, biết làm sao được. Cứ cho là" định mệnh đã an bài. "

Buổi sáng hôm ấy, thay vì tôi mời anh em một chầu đậu đỏ bánh lọt, nước đá, mát rượi ở Bến Thành, anh em đều nhất trí tôi nên mua một chai " si rô cam " về trụ sở, tức căn phòng của Le Đình Điểu, cả căn nhà của Lê Đình Điểu vắng vẻ vì ba mẹ anh đi làm suốt ngày. Cho nên chúng tôi mặc sức nói chuyện văn nghệ.

Sau chầu nước đá si rô, ăn bánh bích qui. Lê Đình Điểu làm công tác của " nhà báo " với tôi, anh phỏng vấn:

- Xin " nhà văn " vui lòng cho biết cảm tưởng của anh về " tác phẩm " anh cho đăng tải trên đại trang văn nghện học sinh của đại nhật báo Ngôn Luận.

Trời đất ôi, Lê Đình Điểu đã " bơm " trang văn nghệ học sinh thành đại trangvà tôi thành nhà văn. Có phải là giấc mơ không ? Tôi liền trả lời thẳng ro, chẳng nghĩ ngợi gì:

- Khoái thấy mồ, khoái nhất là có tiền nhuận bút.

Miệng anh chàng Lê Đình Điểu dẻo như bán kẹo kéo, anh ta tán tụng bài tuỳ bút của tôi một hồi, rồi tiếp:

- " nhà văn " có buồn phiền gì khi " người ta " quên béng mất không ghi bút hiệu của anh dưới tác " phẩm giá " trị đó không ?

Tôi suy nghĩ một lát rồi mới trả lời:

- Có chút chút, vì bút hiệu của tôi tra trong nhiều quuyển từ điển Hán Việt mới tìm ra, nay bỗng dưng bị " phang " luôn tên thật thì cũng phiền thôi.

Phiền như thế nào thì ở đây không thể nói được. Tôi từ chối luôn những câu hỏi hơi rắc rối của Lê Đình Điểu. Buổi họp chấm dứt trong bầu không khí vui vẻ, liên hoan si rô đá với bánh kẹo. Tất cả đều hài lòng. Tôi không quên bôc mấy cái kẹo bỏ túi. Tôi thành người " vĩ đại " nhất trong đám bạn bè. tôi thả hồn lãng đãng trong giấc mơ làm văn sĩ, tôi chỉ thành văn sĩ được thôi, không thể thành thi sĩ được. Vì tôi biết mình không có khiếu làm thơ.

Tôi đạp xe quanh trong thành phố. Sài Gòn hôm nay đối với tôi sao đẹp thế, nắng vàng rực rỡ trên những tàn cây đại lộ. Tôi đi qua trường học, con đường rộng thênh thang. Hôm nay là ngày nghỉ sân trường vắng vẻ, hàng phượng vĩ cũng bắt đầu trổ hoa, tôi nghe đâu đây tiếng ve sầu kêu., tuy rằng không ran ran như những ngày cao điểm mùa hè. Ngồi lại bên lề đường, ngẩng lên nhìn tàn cây phượng vĩ. Tiếng ve sầu kêu, nó ở đâu nhỉ ? Dưới những chiếc lá xanh nhỏ xíu hay những chùm hoa đỏ ? Tiếng ve sầu kêu, ở đâu cũng giống nhau. Tiếng ve sầu ở Sài Gòn cũng giống như ở Hà Nội. Tôi xa Hà Nội đã sáu năm rồi mà sao hình ảnh Hà Nội tôi vẫn nhớ như in, từ con đường, góc phố. Tiếng ve kêu ở Nghi Tân, Cổ Ngư ở sân trường báo hè về....Sân trường tiểu học Đỗ Hữu Vị ở cuối dốc phố Hàng Than. Trước trường Hàng Than có một gánh phở sáng nào cũng đông khách. Mùi nước phở thơm lừng. Những ngày đó tôi thường ao ước được ăn một bát phở, nhưng gi đình bố mẹ tôi đều còn ở ngoài kháng chiến. Tôi sống nhờ một ông bác ruột, dù bác có thương cũng không thể bằng bố mẹ lo cho mình. Tôi nhậy cảm nên thường có những lúc thầm tủi thân.

Buổi sáng hôm nay, tự bài mình viết được đăng báo. Tôi lại nhớ miền Bắc, nhớ vùng Trung Châu Bắc Việt, nhớ thượng du, những nhớ nhung xa xôi da diết. Hình ảnh bố mẹ tôi, gia đình tôi ngày đoàn tụ, sự đoàn tụ thảm hại sau nhiều năm tháng. Bố tôi ở ngoài kháng chiến trở về Hà Nội. Buổi chiều tôi đi học về, bố tôi ngồi đó với bác, râu ria mọc tua tủa. Ông vốn đã lầm lì, may càng lại lầm lì hơn khi nghe bài hát " trở về " của Hoàng Giác từ chiếc máy radio Philips ở nhà bác. " tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm......

Bố tôi nói với bác :

- Cơn sốt rét cách nhật của em lại đế nrồi. Cứ cách ngày lại một trân....anh cho em đi nằm, dứt cơn em lại ra nói chuyện với anh.....

Bố tôi chưa kịp có cái vuốt đầu tôi thì ông đã nằm rên hừ hừ. Những cảnh đó bây giờ tôi đã thấy lại.

Như thời cha tôi làm việc ở Cục Kiến Tạo trên Đại Từ Thái Nguyên. Cái cầu cheo leo bắc qua con sông Đại Từ nước chảy xiết. Hôm nào đó cha tôi đưa tôi đến chiếc cầu treo ấy để tôi vể Hà Nội, mẹ tôi đưa tôi về rồi trở đi ngay ít hôm sau. Tôi đứng khóc mùi trên lan can nhà bác ở số 38 ngõ Hoà Mã buổi sáng Hà Nội sương mù....

Buổi tối, sau bữa cơm chiều, cha tôi ngồi uống trà với bác ở phòng khách. Ông nói :

- Cám ơn anh, nhưng em không thể đi làm cho Pháp được. Em không thể nào quên ngày anh Cả bị Tây giết ngoài hậu phương bởi vậy em mới đi theo kháng chiến. Em về đây cũng chỉ vì vợ con. Được anh vá các chú ấy ở Sài Gòn giúp đỡ em và vợ con em sẽ buôn bán qua ngày, mong sao các con nên người, được học hành......Em nói thật, em không ưa gì bọn vẹm nên mới về đây. Sống ở đâu cũng là bất mãn thôi với những người bị coi là trí thức vô sản....

Một tháng saugia đình tôi thuê được một căn nhà ở đầu phố Trần Nhân Tôn và phố Huế trông sang chợ Hôm. Gia đình tôi mở cửa hàng cơm, cha tôi bưng tô rửa chén. Ông đông bạn bè, toàn là bạn bình dân xích lô, xe kéo, ông kiêm luôn nghề vẽ quảng cáo cho rạp xi nê. Ông nguyên là hoạ sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Tôi hoà nhập vào đời sống Hà Nội. Tô lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, nghịch như quỷ sứ. Cha tôi nói như vậy. Ông muốn hướng tới một hướng khác. Thế là gia đình tôi vào Sài Gòn. Tôi được gủi ra Vũng Tàu học trường Thiếu Sinh Quân vì chú thứ năm của tôi dạy học ở trường đó. chú tôi xin cho tôi được ngoại trú để kèm học.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi ở nhà chú, không có thì giờ để học vì có bà thím quá gian ngoa, quá quắt. Tôi bị đối xử tệ hại còn hơn một đứa ở không công. Từ năm giờ sáng đã phải trở dậy dọn hàng cho thím ở ngoài chợ, bẩy giờ mới được đi học. Trưa trở về coi hàng cho thím.Hai giờ trưa lại đi học. Chiều về dọn hàng đến bẩy giờ tối. Đẩy cả mấy xe bó ệt đầy nhóc hàng hoá. Tôi còn thì giờ đâu mà học hành. Ngày chủ nhật cũng không được ra bãi biển chơi đùa như các banmạ phải ở nhà bổ củi. Sự học hành của tôi bắt buộc phải sút giảm. Thím tôi điêu ngoa về SG nói về tôi với bố mẹ tôi là một đứa trẻ chẳng ra gì. Một ngày kia tôi chịu đựng không nổi bèn bỏ nhà chú thím ra đi, ra bến tàu về SG bằng đường thuỷ, muốn thế nào xũng được. Nhưng tôi bị bắt trở lại. Tôi còn nhỏ bé quá đành phó mặc cho số phận....Cho đến ngày điện tín bay ra VTàu báo tin bố tôi chết đột ngột......Tôi đang bệnh nặng, chân tay phù thủng to bằng cái chĩnh. Chú tôi xin vé máy bay của nhà binhPháp trở về SG, cũng đúng là lúc đưa tang bố tôi ra nghĩa địa đô thành. Bộ quân phục thiếu sinh quân của tôi chật cứng và chân không thể đi nổi đội giầy, tôi lết đi bằng đội dép Nhật, chống gậy đi theo xe tang. Cuộc trở về thảm nảo, tôi khóc vùi bên quan tài của cha.

Tôi cương quyết ở lại SG với mẹ và em, không ra VTàu nữa. Tôi bị coi là đưa cứng đầu. Xảy cha nhờ chú. Tôi còn ông chú thứ tư ở SG. Ông này như ông bác thứ hai của tôi hết lòng vì em vì cháu. Sự thật tôi được nhờ ông rèn cặp như chính các con của ông, nên những năm đầu của trung học dù phải học lại lấy căn bản nhưng cũng khá ra, không giỏi lắm, nhưng không đến nỗi dốt nát. tôi luôn đứng đầu môn văn trong lớp, nhưng môn toán lại kém. Điều mà chú tôi, một người khoa học không thích tí nào. Sau thời gian đi chơi loanh quanh, tôi lo lắng biến thành sợ hãi. Tự đánh giá việc viết văn của tôi là có tội, đại tội với chú. Sự trừng phạt không thể khác. Tôi nghĩ đến cái chổi lông gà rung lên trên tay chú mà toát mồ hôi. Tôi cầu cứu sự " cứu rỗi " ở đâu bây giờ ? Ở linh hồn bố toôi ? Mả của ông ở dưới nghĩa địa Đô Thành. Tôi đạp xe xuống tuốt cuối đường Lê Văn Duyệt, trước trại lính nhảy dù Nguyễn Trung Hiếu, ngồi trước mồ cha tôi khấn khứa ông phù hộ cho tôi " tai qua nạn khỏi ". Tấm tức khóc, khóc vì sợ hãi trận đòn đau, sẽ không tránh khỏi. Dù tôi biết chú tôi trừng phạt vì thương không phải vì căm thù hoặc để thoả lòng độc ác. Trời về chiề utôi mới ra về.

Tôi mồ côi cha, tuy còn mẹ, nhưng mẹ tôi phải lo buôn bán để nuôi các em nhỏ của tôi. Tôi hpải sống nhờ, học nhờ ngay nhà chú ruột. Chú tôi là người học thức, chú có địa vị cao trong xã hội, thương yêu cháu như những đứa con ruột cuẩong, nhưng ông vô cùng nghiệm khắt, nhất là chuyện học hành.

Tôi đâm hoảng khi nghĩ đến chú, đôi mắt loang loáng sau cặp kính trắng. Chếc chổi lông gà rung rung trong tay chú. Sau bữa cơm chiều, anh em tôi nghỉ chơi một lát rồi ngồi vào bàn học. Ông chú tôi thường xuyên xem bài vở chúng tôi và sẵn sàng chỉ dẫn cặn kẽ, ông gầm thét như cọp khi thấy anh em tôi dốt nát, hoặc trong sổ điểm có môn nào kém cỏi. Môn toán, tôi kém nhất. Ông nhìn vào môn văn, dù rằng tôi luôn luôn vào hạng cao, nhưng ông chẳng có một lời khen nào, mà chỉ nghe ông hừ hừ trong cổ họng. Ông lạnh lùng nói :

- Mày kém toán lắm, mày phải luyện cho giỏi, mấy bài toán đại số tao ra mày đã làm xong chưa ?

Chú thường nhắc nhở với anh em chúng tôi như thế ! Chú yêu thương chúng tôi, nhưng yêu thương theo kiểu của chú, tôi hiểu thế. nhưng còn điều gì xảy ra cho tôi hôm nay, tôi biết rõ vào buổi chiều.

Tôi cho là một buổi chiều ảm đạm trong đời tôi, có lẽ là một khúc quanh. Tôi không thể oán trách hcú được. Tôi cố hiểu trong vầng trán rộng của chú tôi hơi nhăn lại suy nghĩ gì, có lẽ không bình thường như mọi khi, lúc trừng con cháu lười biếng học hành.

Qua mắt tôi nhìn, ông là môt nhà khoa học, trong đầu ông chứa toàn những bài toán rắc rối, mà tôi có học đến bạc đầu cũng không giải nổi đáp số, nói chi đến những bài đại số, hình học tầm thường tôi phải làm và học mỗi ngày.

Ông chú có cái lý của ông, lý của đấng làm cha mẹ, hoặc phải thay cha mẹ lo cho tương lai máu mủ của mình. Quyền huynh thế phụ, chú thay cha.

CHƯƠNG 2

Tôi nằm sấp trên đi văng, đầu ngóc lên như con thằn lằn. Xung quanh tôi, đám con ông chú nhìn tôi bằng ánh mắt hãi sợ.

Tờ báo có bái tuỳ bút của tôi ký tên thật nằm ngay trước mặt và chú tôi thì cầm chổi lông gà cán mây, đôi mắt ông lấp lánh sau cặp kính trắng. Ông nổi giận, cơn giận có thể khủng khiếp lắm, nhưng ông cố kìm lại bằng tiếng thở dài tuyệt vọng, ông khẽ lắc đầu :

- Long, con có nghe chú nói không ?

- Dạ, con nghe chú nói.

- Bố con chết được mấy năm rồi ?

- Dạ, thưa ba năm.

Giọng ông chú trở nên buồn bã:

- Bố con trước đây là một họa sĩ xuất thân từ Beaux Art ( Cao Đẳng Mỹ Thuật ) Đông Dương ra có bằng cấp đàng hoàng mà suốt đời chẳng làm nên trò trống gì. Sống nghèo rớt mùng tơi cho đến lúc chết. Bố con kỳ vọng ở con rất nhiều, gửi con cho chú, hy vọng con sẽ học hành đến nơi đến chốn, có bằng cấp làm nên ông nọ ông kia, ngờ đâu con lại xao lãng việc học hành mơ làm văn sĩ, con chọn sai đường rồi....

Giọng ông hằn học nhưng không kém phần buồn bã:

- Làm văn sĩ không phải là chuyện gì xấu xa, chú khẳng định như vậy, nhưng đời nghệ sĩ khốn khổ lắm con ơi, nhất là nghệ sĩ ở đất nước mình, mang cái nghiệp đó vào thân rồi khổ cả một đời đấy con ạ. Con không thấy bao nhiêu văn nghệ sĩ ở đất nước mình than thân trách phận đó sao: Anh thì than đói, than nghèo, than khổ, nợ nần ngập đầu, rõ ràng là họ đã viết thành văm, làm thơ.....

Tôi ngạc nhiên vì thấy chú tôi đọc ra mấy câu thơ dẫn chứng cho lối nói của ông. Hình như mấy câu thơ của Nguyễn Vỹ. Giọng chú tôi như muốn gầm lên:

- Đấy nhé, chính mấy anh làm thơ viết văn nói ra để " khuyên đời ", răn đe những kẻ lăm le đi theo con đường ấy, chú không dặt điều nói bậy. Chú khuyên vậy nhưng vẫn chưa thể ngấm vào da thịt con được đâu. Chú cần phải cho con thấm hơn, thấm đến tận đầu, xương tuỷ và nhớ đến già. Con xứng đáng nhận mười cái chổi lông gà....

Tôi kinh hoàng, nhưng biết làm sao được, đành nhắm mắt nghiến răng chịu trận tỏ ra can đảm không khóc để giữ " sĩ khí " của kẻ cầm bút. Cái chổi vun vút phết vào mông đít tôi bỏng rát, quả là thấm đến tận tâm gan, tì, phế. Khi đó tôi chỉ mơ ước cái mông đít của tôi bỗng dưng biến thành mo cau. Tôi không hét lên, nhưng nhất định không van xin để bớt đòn.

Thằng Hiền, thằng em láu cá con chú, vô công rỗi nghề ngoác miệng đếm từng roi, thỉnh thoảng nó còn đếm lộn. Con bé Hạnh giận lên đùng đùng như chính nó bị ăn roi.

Trận mưa roi đã qua, tôi đau quắn đít mà không khóc được, nhưng con bé Hạnh thì khóc nức nở đi " cứu thương " bằng cách đề nghị xát muối ớt vào những vết thương " văn nghệ " của tôi lằn lên như con lươn.

Cuối cùng ông chú nghiêm khắc của tôi cụng phải phì cười. Tôi cuống cuồng van xin con bé Hạnh đừng cứu vớt " thể xác đớn đau " của tôi cái kiểu đó.

Thằng Đức nhảy tưng tưng như mọi da đỏ, đếm:

- Mơ làm văn sĩ này....một, ái da đau. Mơ làm văn sĩ này....hai. Ối chu choa. Mơ làm văn sĩ này....ba. Trời đất ơi....

Cứ thế nó đếm tới mười, cho đến lúc cả bọn bị chú nạt lên mới chịu im

Buổi tối hôm ấy đến giờ học bài, chú tôi kiểm soát bài vở chặt chẽ của tôi và chú đã khám phá ra khá nhiều bài thơ tôi chép vào sau cuốn vở toán. Ông lắc đầu ngao ngán:

- " Thi văn đoàn Lãng Bạc " của mày không biết là cái quái gì. Mày đáng được hưởng thêm mười cái chổi lông gà nữa rồi con Hạnh sát muối ớt vào đít. Làm toán đi, mày phải làm xong mấy bài toán đại số này không thì chết đòn, suốt ngày mơ mơ mộng mộng, nút mắt ra đã làm thơ tình ái, nguy hiểm đáng báo động.

Một sự thật hết chối cãi, cái tên thật của tôi làm so giấu chú được. Phần thì đớn đau mông đít, phần thì tủi thân vì bị " đàn áp ". Tô ra vườn một mình ngồi " sầu thế sự ".

Dưới bóng lá cây chấp chới trên đầu, tôi ngước lên ước ao nhìn thấy một ngôi sao cô đơn. Đêm này thật yên tĩnh, bây giờ tôi mới khóc được. Nước mắt tôi nhoè nhoẹt, ngôi sao của tôi cũng mờ đi.....Chỉ còn một ngôi sao cô đơn làm bạn với tôi giữa đêm trường thanh vắng. Sương đêm xuống nhiều, trời hơi lành lạnh. Có lẽ giờ này chú tôi đã ngủ yên giấc, đời sống chú tôi rất mực thước và kỷ luật, chú luôn luôn theo đúng giờ giấc như chiếc đồng hồ treo tường của chú, kể cả lúc chú chơi văn nghệ giải trí. Đúng sáu giờ chiều chú ôm cây đàn Mandoline, gảy tưng tưng đúng mười lăm phút, tôi đếm được 3 bản nhạc, có khi chỉ hai bài rưỡi chú ngừng vì đã hết giờ. Sau đó đọc báo 45 phút. Bảy giờ chiều ăn cơm, nghỉ một lát. Tám giờ tối chúng tôi vào phòng học. Đến 9 giò 15 tối tất cả chúng tôi phải đi ngủ. Sáu giờ sáng tất cả phải dậy ra sân tập thể thao với ông. Bảy giờ sáng làm vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm rồi đi học.

Trong tủ sách của ông ngoài những sách toán, khoa học, ngoại ngữ tôi thấy thêm loại sách " học làm người ".

Chỉ riêng ngày hôm nay ông phá lệ " ban " cho tôi một trận đòn nên thân vì tôi dám mơ ước làm văn sĩ. Cái nghề văn sĩ, thi sĩ qua con mắt môt người mực thước như ông là một nghề cùn mằn, dở ông dở thằng, bất mãn đời mới lao vào. Con người đó là con người lung tung chẳng còn ra làm sao hết, tự hại mình, ăn hoang phá hoại, trác táng hư hỏng. Mất cả đàng hoàng đứng đắn. Tôi có thể lây cái tính nghệ sĩ đó sang các con ông không chừng. Tôi biết trong đầu ông nghĩ như thế. Tôi nguyện sẽ ghi điều này vào nhật ký. Như Anne Frank. Tôi lại mơ mộng mình viết nhật ký như thế nào cho lâm ly thống thiết. Nhưng nguồn cảm hứng tôi bị cắt ngang thảm hại, vì không phải chỉ có mình tôi ngồi trong khu vườn quạnh quẽ đêm hôm khuya khoắt này.

Tôi nghe tiếng động, tiếng cành cây khô gãy dưới bước chân ai. Lạy trời, không phải là chú ! Không phải là chú. Con chó lông xù nhảy chồm lên liếm mặt tôi lia lịa. Con chó Lu tất nhiên có bé Hạnh. Quả nhiên cái bóng của nó ló ra ngay sau đó. giọng con bé đầy ngậm ngùi:

- Ba đánh anh Long đau lắm hả ?

Tôi nổi cáu:

- Vớ vẩn, kệ tao, ông ấy mà biết lại khốn khổ cho mày thôi, vào nhà ngủ đi.

Giọng con bé Hạnh thì thào:

- Ba không biết đâu, ngủ rồi, mà anh có đau không ?

Tôi bực mình vì con bé HẠnh lẩn thẩn:

- Bị đánh mà không đau sao cho được, thân xác người ta chứ có phải.......

Con Lu vẫn chồm lên liếm mặt tôi, rít lên những tiếng thật dễ thương. Bé Hạnh mau mắn:

- Em có mang thuốc ra cho anh, để em xức thuốc cho anh.

Tôi giật nẩy mình, giọng thảng thốt:

- Thuốc gì vậy?

- Muối ớt, có trộn thêm tiêu nữa.

Tôi la lên:

- Vậy thì chết tao rồi, mày có cho thêm hành tỏi dấm chua nữa không, như nước mắm cơm tấm bì.

Trong ánh sáng mờ mờ của sao đêm, tôi cũng nhận thấy mặt cô bé ngệt ra vì ngây thơ vô tội, không hiểu gì hết.

- Chưa có thêm hành tỏi dấm, me vào bếp lấy thêm.

Đang buồn tôi cũng bật phì cười, chắp tay vái cô em gái lia lịa:

- Tao van mày, tao lạy mầy trăm lạy, mày cứu thương kiểu đó bằng giết tao mất.

Con bé ngây thơ, có tiếng là " ngu dốt " nhất nhà, hỏi lại tôi:

- Sao vậy anh ?

- Còn sao nữa, tao mà phải giải thích cho mày hiểu được thì tao phải hụt hơi chết mất thôi. Cho tao xin đi, tao chỉ nói đó là thuốc độc, mày mà thoa cho tao, tao chết liền, chỉ có thế thôi.

Con bé hạnh rụt cổ, le lưỡi:

- vậy mà em đâu có biết, em thấy ai bị thương đều thoa muối hết mà.

Tôi không nín cười được:

- Ừa chỉ có muối thôi, chớ không có ớt tiêu hành tỏi dấm gì ráo, thôi vào nhà đi ngủ cho tao yên.

Con bé vẫn lân la bên cạnh tôi không chịu vào nhà. Nó ôm con Lu ngồi ngay bên cạnh:

- Anh dám mơ làm văn sĩ tội nặng lắm phải không ? Mà văn sĩ là " con " gì vậy anh ?

Trời ơi là trời, tôi phải la lên như vậy. Là con gì ư ? Nào tôi có biết alà con gì đâu mà giải thích cho nó hiểu chứ. Nó vô tình, ngây thơ dốt đã xúc phạm đến giấc mơ " cao cả " của tôi, nếu nó là con trai như thằng Hiền, thằng Đức, thằng Hoà dám ăn một cái thoi của tôi lắm. Nhưng nó lại là gái, thương anh bị đòn, như con chó Lu thương tôi vậy. Tốt hơn hết tôi không thèm nói chuyện văn nghệ với nó. Có bửa váo đầu nó cũng không thể nào hiểu nổi sự cao đẹp của nghề văn sĩ. dù bị đòn đau tôi vẫn sùng bái như thường. Chợt nhớ ra, tôi móc túi lấy cho nó một cái kẹo bạc hà. cái kẹo bạc hà the the ngọt ngọt mà con bé rất khoái. Con bé nhìn sát vào cái kẹo, hít hít ngửi ngửi rồi nhẩy cẫng lên:

- Ừa, đúng rồi, mà sao anh có tiền mua cho Hạnh vậy ?

Tôi xuỵt khẽ, ra cái điều quan trọng:

- Bí mật, nói riêng với Hạnh thôi, tiền anh làm văn sĩ đó, người ta trả công cho anh.

Con bé Hạnh mút kẹo một cách ngon lành:

- Thế hả, văn sĩ không phải con gì hả, văn sĩ là người, có đúng không ?

Mãi bây giờ con bé mới phát ngôn một câu dễ nghe.

- Đúng rồi, ăn hết đi rồi vào nhà, cấm không được nói với ai tao làm văn sĩ nghe chưa !

Con bé vừa mút kẹo vừa gật đầu lia lịa:

- Anh nên làm văn sĩ, mai lại làm nữa nhé. Hạnh không mách ai đâu, mà anh phải mua kẹo cho Hạnh à, cả một cái bánh bông lan nữa. Hạnh sẽ cho con chó Lu một miếng.

Từ hôm đó, cả nhà chỉ có con bé Hạnh đồng ý với tôi nên làm văn sĩ, đi đâu nó cũng hỏi tôi đã làm " văn sĩ " thêm chưa.

Tôi mệt với con nhóc, nhưng cũng thấy vui vui. Ít ra trong nhà chú, tôi cũng có một đồng minh, một đồng minh tuy không hiểu gì nhưng coi tôi như thần, vì có kèm theo những viên kẹo bạc hà, đôi khi có một chiếc bánh bông lan.

Tôi nói với nó:

- Hôm nay toa làm văn sĩ thêm " một xăng ti mét "

- Bao giờ anh làm văn sĩ dài đến một " cây số " thì nhiều kẹp và bánh lắm hả ?

Tôi thở phào chán chường như một triết gia:

- Biết sao được, làm văn sĩ mà dài đến một cây số thì cũng mệt lắm.

Tôi đọc liền một câu của cụ Nguyễn Bá Học:

- " Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông ".

Con bé Hạnh ngẩn tò te, chẳng hiểu tôi nói gì nữa mà lảm nhảm như vậy, nó đưa kẹo cho chó Lu liếm, thế là hai đưa ăn chung kẹo, thành thói quen, đến độ con bé ăn chung cơm với cả chó khi cả nhà phát hiện ra thì chuyện đã xảy ra quá lâu !

Sau này tôi còn học được một vài câu thơ chữ Hán cũng xổ thơ loạn lên với con bé, nó chẳng hiểu gì, càng tốt.

Cái mặt tôi cứ vác lên kênh kênh, có lẽ coi đáng ghét lắm.

Tôi mơ ước mua được một cặp kính trắng đeo, làm nhà văn cho thêm phần trí thức. Còn nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa làm hành trang cho môt văn sĩ, theo quan điểm của tôi thuở đó, một thuở non nớt mang không biết bao nhiêu sai lầm.

Đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung thấy khu vườn nhà chú tôi đêm nào. Những suy nghĩ ước vọng thuở đầu đời. Ngôi nhà và khu vường đó cũng mất rồi. Bé Hạnh cũng không còn nữa, cô em gái tôi đã bỏ xác trên biển cả trong lần vượt biên bỏ quê hương mà đi. Lòng tôi đau quặn thắt, tôi muốn nói với linh hồn em rằng, tôi vẫn muốn làm văn sĩ như ước vọng thuở đầu đời. Tôi đã bước một bước dài, không phải chỉ bước nhích từng xăng ti mét. Một bước dài lịch sử một thế kỷ. nhưng tôi đã làm được gì ? Chưa, chưa gì cả, mà sức lực đang mòn kiệt theo thời gian. Chưa gì cả phải không hay mới lá bắt đầu ? Vậy thì giao thừa năm 2000 tôi sẽ leo lên căn gác bút cầu xin cho tôi sống lâi trăm tuổi, tôi làm trọn nghiệp mà tôi hằng mơ ước. Tôi đã mất một khoảng thời gian khá dài, tôi xin bù đắp dù bằng sức tàn. Hỡi linh hồn người thân, bạn bè bằng hữu hãy phù hộ cho tôi, những người cùng thế hệ với tôi đã nằm xuống. Hồi đầu năm 1999 tôi nghe tin qua làn sóng điện Lê Đình Điểu ở nơi xa xôi ngoài quê hương đã nằm xuống. Chúng ta hãy tạm gác bên ngoài mọi chính kiến để làm việc mình từng mơ ước. Thực hiện những điều " thuở mơ làm văn sĩ ".

CHƯƠNG

Lê Đình Điểu nghe tin tôi là nạm nhân bị " đàn áp văn nghệ " sớm nhất. Ngày hôm sau, buổi học chiều mấy ngày sau, suốt buổi học anh không nói gì. Giờ tan học. Điểu rủ tôi về nhà anh chơi, vẫn căn nhà vắng vẻ đó, ba má Điểu chưa đi làm về.

Ngồi trên ghế mây ở bao lơn nhìn xuống con hẻm nhỏ, anh vào thẳng vấn đề:

- Này bạn, tôi thấy không chịu nổi rồi đó.

Tôi biết Điểu muốn đề cập đến chuyện gì, nhưng vẫn vờ hỏi:

- Chuyện gì vậy bạn ?

- Còn chuyện gì nữa, chuyện cậu bị ông chú tàn nhẫn đánh một trận vì bạn sáng tác văn nghệ, thằng em họ bạn, thằng Hoà ấy, đã kể cho tôi hết rồi, hôm bạn không có nhà. Có phải bạn bị hai chục cái chổi lông gà vào mông chết lên chết xuống, còn bị xát muối ớt vào đít không, chưa hết còn bị phạt nhịn cơm một ngày. Có phải vậy không, tội nghiệp hoàn cảnh bạn mồ côi....

Tôi nghệt mặt ra, thằng con ông chú đã kể với bạn tôi quá đáng. Có bị đánh đòn thật, vì tội ghi tên thật dưới bài viết, nhưng đâu đế nỗi thê thảm như thế. Thằng nhóc đặt điều, khi tôi bị đánh thì anh em nó vỗ tay nhảy choi choi lấy làm khoái chí lắm, nói với bạn tôi thì chúng lại ra vẻ thương xót. Thương xót khỉ mốc gì.

Tôi nhìn Lê Đình Điểu thú thật:

- Tôi có bị ông chú " đục " một trận thật, nhưng không thê thảm thế đâu, thằng em tôi nói hơi quá đáng, thật tình chú tôi, cũng như cha, thương tôi, thấy tôi ham mê văn nghệ sợ tôi xao nãnhg việc học, nhưng đó là theo quan niệm của ông.

Lê Đình Điểu ra vẻ khó chịu:

- Tôi thì không chịu lối cha mẹ giáo dục kiểu đàn áp con như vậy, vả lại chúng ta không làm gì bậy, không lêu lổng chơi bời, chúng ta lành mạnh, chúng ta vẫn là học sinh giỏi trong lớp.

Tôi gật đầu biểu đồng tình:

- Tôi đồng ý....

- Nhưng tại sao lại để ông chú đàn áp vậy ?

- Tôi làm gì được, ông có quyền.

Điểu cười nhạt, gật gù rất là ông cụ non:

- Nói tóm lại tôi hiểu hoàn cảnh bạn.

Giọng Lê Đình Điểu nhỏ lại:

- Bạn là người có tài, nhưng sớm mồ côi, ngheò khó, phải sống nhờ vào họ hàng mới ra nông nỗi này. Tôi hiểu thế đấy, nhất định tôi phải có một bài báo " đối thoại với các đấng làm cha mẹ ". Bài báo đó sẽ đăng vào báo của chúng mình.

Lê Đình Điểu nhất định giữ ý kiến ấy, tôi có giải thích mấy anh cũng không chịu hiểu khác. Chẳng những thế, Điểu còn phê bình chú tôi là con người đàn áp văn nghệ, con người không tình cảm, không có cả " con tim "..... Ôi thôi không biết lá bao nhiêu từ ngữ ghê ghớm khác. Anh tanói mà tôi phát ớn, phát sợ. Nếu ông chú tôi có mặt ở đây, tôi không biết phải chui đâu mà trốn.

Tôi xua tay:

- Thôi thôi, tôi xin " ông ".

Chúng tôi mới ngồi nói chuyện với nhau một lúc mà trời đã xế chiều, nắng tắt dần dưới ngõ hẻm. Tôi nghĩ đến chú, có lẽ giờ này ông đã về, ông luôn luôn về nhà đúng giờ, nếu tôi về muộn cũng có điều hơi phiền.

Tôi nói với Điểu:

- Muộn rồi, tôi phải về bạn à !

- Ngồi chơi chút đi, mình còn nhiều chuyện bàn với nhau.

- Còn chuyện gì đâu.

- Ủa, bạn quên là tết năm nay mình phải làm môt số đặc san cho nhà trường à !

- Chuyện đó là của mấy anh lớp trên, chứ mình chỉ phụ thôi.

- Cho bạn biết thi văn đoàn Lãng Bạc của mình chính là nòng cốt đó, lớp mình tuy nhỏ nhưng quy tụ nhiều tài hoa, thi văn nhạc hoạ đủ cả. Số báo xuân này mình phải làm thật vĩ đại, phát hành rộng rãi.Mỗi gia đình học sinh bắt buộc phải mua một số báo xuân với giá đặc biệt để ủng hộ cho quỹ học sinh, có thể đăng ký mua thêm để biếu. Các anh lớn lớp đệ nhị đệ nhất đã đi khảo giá in, giá giấy rồi, một vị mạnh thường quân sẽ cho vay tiền không lấy lời để làm báo, miễn là do các học sinh làm.

Những lời nói đầy phấn khởi của Lê Đình Điểu tự nhiên hớp hồn tôi, tôi quên luôn lời " chú dạy ", mắt sáng lên và tôi cũng trở nên nồng nhiệt hăng hái:

- Mình phải làm thật hay, bài vở xuất sắc mới được.

- Đương nhiên, nhưng bạn có chịu viết một truyện ngắn đặc sắc không ?

- Viết chớ, mình sẽ hết sức cố gắng.

Lê Đình Điểu cười ha hả, bắt tay tôi thật chặt:

- Có thế chứ, vậy thì ngày mai c húng ta bàn tiếp, bây giờ thì bạn có thể về với ông chú hắc ám của bạn được rồi.

Tôi đạp xe về nhà, đèn đường đã bật sáng, tôi vừa nghĩ đến lời Lê Đình Điểu, vừa nghĩ cách nói dối về muộn. Có lẽ ở nhà đã bắt đầu ăn cơm, tôi biết chắc rằng tôi vẫn được để phần đàng hoàng. Rồi đầu óc tôi cứ lẩn quẩn nghĩ hoài đến tờ báo xuân của nhà trường. Truyện ngắn tôi sẽ viết, những bài thơ, tuỳ bút, phóng sự của bạn bè. Tôi hình dung số báo xuân, khổ hơi to một chút để trình bày, dầy những 30 trang, tranh bìa vẽ lại bức tranh dân gian. Tranh lợn gà chuột gì đó, truyền thống vẽ tranh làng Đông Hồ. Nơi đó cũng xa xôi rồi, ở miền Bắc xa xôi kia, nay đã chia cắt. Tryuện ngắn của tôi phải cảm động khóc lên được.Tôi nghĩ đến truyện ngắn tôi 9dọc hồi nhỏ khi còn ở miền Bắc, trời lạnh nằm trong chăn bông, vùi mặt khóc rưng rức, cảm đông như truyện " anh phải sống " của Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn, rồi còn bao nhiêu truyện ngắn khác tôi đã đọc. Riêng tôi cũng phải có một truyện ngắn cảm động chứ. Thiếu gì, ngay chính những ngày thơ ấu của tôi, những ngày lưu lạc thuở nhỏ tản cư. Ngày bác cả tôi bị Tây giết bỏ lại bác cả gái què quặt. hôm đó tôi đã khóc biết bao nhiêu nước mắt. Bố tôi khóc liền mấy đêm, rồi một buổi sáng sương mù ông giã từ vợ con lên đường.

Tôi hiểu rằng ông đi để trả thù cho cái chết tức tưởi của anh. Bóng ông mờ dần vào rừng núi thượng du Bắc Việt. Tôi cõng thằng em trên lưng đứng nhìn theo cha. Chỉ nghĩ như thế thôi tôi đã thấy cay cay ở mũi và chớp nhanh mắt.

Tâm hồn tôi như thế, tôi không mơ làm văn sĩ sao được. Đầu tôi đầy ắp dĩ vãng và những điều suy nghĩ. Tôi phải thực hiện ngay đêm nay. Tôi nhấn chân trên bàn đạp.

Tôi qua cầu Quay về hướng SG, vọ tình qua đường Lê Thánh Tôn, qua khám lớn SG cũ, nay bị phá sập, còn trơ gạch vụn cỏ đã mọc đầy. Mấy năm trước, sinh viên di cư đã cắm trại ở đây chờ sắp xếp về ký túc xá Minh Mạng. Tết năm di cư đầu tiên, trời lạnh như tết miền Bắc, các sinh viên di cư nhớ quê hươngnổi lửa trại, liên hoan đón giao thừa, cùng nhau nhắc lại những cái tết quê hương. Trời bất chợty đổ mưa, những cơn mưa nhẹ, như bụi, như mưa xuân miền Bắc. Ca sĩ Minh trang, vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bất ngờ xuất hiện. bà đứng trước đống lửa rừng rực và hát. Bài " hướng về Hà Nội " của Hoàng Dương. Hà Nội ôi ! hướng về thành phồ xa xôi..... Tôi không hiểu tại sao mình lại có mặt buổi lửa trại đó và cũng buồn nhớ quê hương. Tôi nghe tiếng khóc xụt xùi, trời vẫn mưa hạt nhẹ và ngọn lửa vẫn bùng bùng.

Tiếng hát như có thêm sinh khí càng não nùng.....Sự im lặng sau bài hát đến trống vắng, những con người buồn đến lặng thinh. Rồi một tiếng khóc không nín được, oà lên, lây lan sang ngưòi khác. Hình như trong đó có cả tôi, dù rằng tôi đã xa Hà Nội trước đó mấy năm rồi. Nay tôi lại hướng về những ngưòi di cư, những người cùng quê hương miền Bắc với tôi.

Tôi muốn ghi lại buổi lửa trại đêm giao thừa năm đó từ lâu lắm rồi, vì tôi nhớ như in, nhưng mấy chục năm cầm bút tôi đã bỏ sót nó.....Như từng bỏ sót nhiều điều, nhiều chuyện. Dĩ vãng đó nằm trong thuở tôi mơ làm văn sĩ.

Sau khi bỏ học trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, còn có tên tây Enfant de troupe. Tôi ở lại SG. Tôi không vào được trung học công lập, đành học trường tư. Thầy Bùi Giáng, giáo sư việt văn, tôi là học trò của thầy. Ông là người phóng khoáng chỉ thhích làm thơ, dạy học và rong chơi. ông đứng ngoài chính trị và các phe phái. Khi đó cuối cuộc chiến, không thiếu gì các giáo sư theo phái này theo theo phe phái kia, dĩ nhiên lôi kéo cả những học sinh về với phe mình. Rồi hiệp định Genève, chia đôi đất nước. Cuộc di cư ào ạt. những người Bắc di cư toả rakhắp miền Nam. Ngôi trường Kiến Thiết cũng trống vắng nhiều học sinh. Tôi hỏi ra nhiều ngưòi đã theo gia đìnhhoặc đoàn thể tập kết ra Bắc. Chính bạn bè tôi cũng ở trong số đó. Tôi không hiểu tại sao có tình trạng ấy. nguời thì di cư người thì tập kết. Tôi trở nên cô đơn. Tôi lần mò xuống trại học sinh Phú Thọ chơi. những người bạn mới, cùng quê hương xứ sở tôi. Thỉng thoảng tôi gặp người bạn quen, ở Hà Nội của tôi thuở xa xưa. Tôi hỏi một người họ hàng rằng sao lại có trường hợp ấy. Tôi được trả lời vắn tắt. Rằng không ai bỗng dưng bỏ làng nước, mồ mả tổ tiên mà ra đi. Chuyện chính kiến là chuyện của người lớn, tôi không mấy quan tâm. nhưng tâm hồn tôi lãng mạn. Tôi sẵn sàng cảm động khi nghe một bài hát về Hà Nội, quê hương miền Bắc, những mảnh đời khổ sở của các học sinh miền Bắc, nghề kiếm tiền ăn học của một số đông học sinh di cư hồi ây là nghề bỏ báo cho các nhà tư nhân hoặc dạy học tư gia. Báo chí của ngưòi di cư bắt đầu ra đời, chỉ vài tờ thôi, người ta nói là báo chống cộng. Có thật nhân dân miền Bắc đang phải sống dưới một sự cai trị hà khắc ?

Những cuộc đấu tố giết ngưòi kinh khủng mà người ta gọi là cải cách ruộng đất. Quả là kinh khủng, nếu chuyện đó có thật. Cả triệu người chết oan ức sau một cuộc chiến dài 9 năm, bao nhiêu xương máu đổ ra. Bao nhiêu người đã hy sinh. Một chiến Điện Biên phủ long trời lở đất, cho dân tộc hay cho chế độ ? Tôi mệt óc vì những chuyện như thế. Những ngày chúa nhật buồn tôi thường đạp xe xuống nghĩa địa Đô Thành thăm mả bố, thì giờ rảnh rang, tôi đạp xe xuống ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền rồi bà Quẹo. Ngoại vi đô thành, khi đó còn hoang vu lắm. Loáng thoáng nhà dân dọc đường, một vài chỗ có nhữnng ngôi nhà thờ đơn sơ bằng gỗ mọc lên, khu người Bắc di cư thiên chúa giáo. Tôi nghe tiếng ru, điệu ru à ơi miền Bắc, tiếng thổi kèn đu đủ mà hồi bé tôi từng nghe những người làm xiếc ở chợ miền Bắc, tất cả những hình ảnh đó, âm thanh quen thuộc đó đã nằm im trong đầu tôi, nay bùng lên, như ngọn lửa. Có tiếng hát nào đó ở quán cà phê Thăng Long:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu....báo nhiêu mộng đẹp xây lên thành khói tan thoe mây chiều........

Tôi tạt vào quán Thăng Long uống ly cà phê, nghe nhạc và ngồi nhớ về miền Bắc, để thấy mình như một kẻ ly hương......Tất cả ở đây đều có phong cách Bắc Kỳ.....Tha hồ mơ mộng....vì những lý do như vậy, tôi sang trường di cư do một ông anh bà con, giáo sư Nguyễn Hữu Quyền xin cho. Tôi đỡ được một khoản tiền đóng học phí mỗi tháng.

Nhà anh Quyền ở Ông Tạ. Hai bác sinh ra anh cũng ở đó. Có dịp tới thăm. Đã có lần anh Quyền khuyên mẹ tôi mua nhà ở khu Ông tạ, vì gia đình tôi chưa có một căn nhà riêng, vẫn phải ở nhờ nhà chú. nhưng mẹ tôi phải lo buôn bán nên ít khi có nhà. Mẹ tôi chê vùng Ông Tạ xa thành phố nên không mua nhà nơi đó. Tôi vào trường di cư, tôi có thêm một số bạn mới. Lòng nhớ quê hương có dịp tăng trưởng trong một cái đầu nhậy cảm.

Trời đã tối hẳn. Tôi thả hồn mơ mộng mãi nên quên cả đường về. tôi đâm hoảng, tự trách mình sao vô tâm vô tính như thế. Tôi nghĩ đến cây chổi lông gà rung rung trong tay chú. Đã chót rồi, nhưng tôi không quên ghé tiệm tạp hoá mua cho con bé Hạnh mấy kẹo bạc hà. Ngộ lỡ tôi có bề nào thì có con bé Hạnh và chó Lu an ủi. Không như thằng bé Đức cầm sẵn chổi lông gàđưa tôi để " dâng " lên chú. Thằng Đức nổi tiếng là thằng " ác " nhất nhà, thằng Hoà thì chỉ biết cái thân mình, thằng Hiền láu cá vặt, chỉ riêng con Hạnh có lòng " từ bi " xứng đáng nhận những cái kẹo của tôi.

Về đến nhà trời đã tối hẳn, khác hơn mọi khi, bảy giờ mà những đưa em, con chú tôi còn đưa nghịch ngoài sân.Con bé Hạnh và con chó Lu sủa mấy tiếng thân ái. Bé Hạnh nhanh nhẩu:

- Anh ơi ! bác mới về, bác mua nhiều kẹo bánh lắm cơ, bác đang ngồi nói chuyện với ba má ở sân nhà sau.

Mẹ tôi về, tôi dúi vội cái kẹo vào tay bé Hạnh, dắt xe đạp vào nhà. Mẹ tôi và chú thím ngồi nói chuyêngị ở bàn ăn, bây giờ là lúc ngồi uống nước trà, ăn bánh tráng miệng, nhưng trước mặt chú tôi vẫn là ly nước lọc. Tôi sững sờ nhìn mẹ, bà hơi già đi so với hồi đầu niên học, tóc bà đã điểm vài sợi bạc. Tôi chào mẹ, chú tôi đang dở nói chuyện với mẹ, hình như về chuyện chọc hành của tôi, ông nhìn tôi:

- Chị thấy đó, mãi giờ này nó mới chịu về.

Tôi nói dối, chống chế ngay:

- Dạ, cháu phải tới nhà bạn chép bài.

Chú tôi chỉ hừ hừ, như thói quen của ông:

- Vào ăn cơm, xong rồi gọi các em vào phòng học, muộn nửa tiếng rồi, chú còn phải nói chuyện với mẹ cháu. Có gì không hiểu mang sách ra hỏi chú.

Anh em tôi ngồi học, thật ra có học hành gì được. Tôi thì nao nức về mẹ, còn mấy đưa em thì chọc phá lung tung. Chín giờ tối, như thường lệ, chúng tôi gấp sách, tự động đi làm vệ sinhbuổi tối rồi vào phòng ngủ.

Mẹ tôi ngồi chờ tôi ở căn nhà ngang. Căn phòng chú tôi dành riêng cho tôi và mẹ tôi mỗi khi về. mẹ tôi pha sẵn một bình trà và vài phong bánh đậu xanh. Dưới ánh đèn nê ông, bây giờ tôi mới có dịp quan sát mẹ kỹ hơn. Mẹ tôi mới hơn 40 tuổi, nhưng trông già như ngưòi 50, bà gầy guộc, nước da xanh men mét. Có lẽ bà đã lma lũ quá sau khi cha tôi mất đi, ngoài ra bà và dì tôi con phải nuôi 2 đứa em còn nhỏ. Mẹ tôi rót trà, mà thuở sinh của cha tôi không thể thiếu mỗi buổi tối và sáng sớm, giọng mẹ tôi mệt mỏi hỏi :

- Con học hành hồi này thế nao ?

Tôi ăn uống tự nhiên và trả lời mẹ chung chung:

- Con học hành vừa đủ, trên trung bình.

Mẹ tôi im lặng một lát, uống từng hớp trà nhỏ:

- Mẹ biế tcon còn có thể học giỏi hơn nữa, chỉ vì con không cố gắng đó thôi. Tôi đành im lặng, đúng như mẹ tôi nhận xét, tôi có thể học giỏi hơn, bằng chứng là ở lớp dưới, nhiều lần tôi đã đứng nhất lớp.

Giọng mẹ tôi buồn bã:

- Cả nhà đều đặt hy vọng vào con, riêng mẹ chẳng kể đến làm gì, con còn hai em nhỏ, con là anh cả torng nhà. Mẹ cố gắng, nhưng một ngày nào đó mẹ tuổi già sức yếu, các em con đều trông cả vào con. Con nên sống thực tế một chút đừng có mơ mộng hão huyền. Con thấy một đời nghệ sĩ của bố con đó.....

Giọng mẹ tôi trở nên ngậm ngùi, hình như trong giọng nói của bà có nước mắt. Lòng tôi nao nao thương mẹ, tôi hứa nhỏ:

- Con cố gắng.

Đúng là chú tôi đã mách mẹ tôi vì tôi mơ làm văn sĩ. Tôi phải nói thế nào cho mẹ tôi hiểu tôi không có tội gì hết.

Dù đang ngồi với mẹ, tôi vẫn mơ đến số báo xuân của nhà trường do chính chúng tôi thực hiện. Một truyện ngắn hay bài tuỳ bút nào mang tên tôi trên báo. Cả trường sẽ biết đến tôi, kể cà các thầy cô, nhất là thầy dạy văn, ông sẽ cười hỉ hả. Tôi biết được chính ông là người chọn bài vở cho số báo.

Nguồn tư tưởng của tôi bị cắt đứt, khi mẹ tôi nói sang chuyện kkhác:

- Này con, con bắt đầu lớn rồi đó, vì hoàn cảnh gia đình mình, các em còn nhỏ, mẹ muốn sau ba năm gia đình mình xum họp trở lại, cà dì con cũng có mơ ước như mẹ. Ngoài chuyện học hành ra con còn phải giúp mẹ và dì chăm non hai em nên người.

Tôi bâng khuâng hỏi mẹ:

- Làm thế nào được khi gia đìng ta.....

Mẹ tôi trả lời dứt khoát:

- Chuyện đó mẹ đã lo rồi và đã nói chuyện với chú thím, bà nội, mẹ sẹ đưa dì và cả hai em về, mẹ đã có đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ trong hẻm nảy đây, địa điểm buôn bán được.

Mẹ tôi im lặng uống nước trà và ăn bánh, một lát bà nhình thẳng vào mặt tôi:

- Còn chút vốn liếng, mẹ mở một tiệm tạp hoá trong xóm. gia đình mình cùng lo hàng họ buôn bán, con giúp gia đình những lúc rảnh rang sau giờ học hành.

Vậy là tôi được trao trách nhiệm, mẹ tôi ngồi nói chuyện đến khuya, cùng bàn đến tương lai cho gia đình nhỏ bé của chúng tôi Hai đưa em nhỏ của tôi, một trai và một gái út, chúng phải được chiều chuộng, dậy bảo và học hành. Tôi thấy mình trở thành một ngưòi quan trọng, một khúc quanh lớn trong đời tôi chăng ? Đêm khuya, mẹ tôi đã đi ngủ, nhưng tôi không ngủ được, tôi ngồi mãi ở bàn học nhìn ra ngoài trời đêm.

Vầng trăng lưỡi liềm sắp lặn ở cuối trời, có lẽ đêm đã khuya lắm, tôi vẫn ngồi đó và mang giấy bút ra. Rồi tôi quên hết hiện tại, chỉ còn hình ảnh cha tôi lung linh, trong bộ quần áo bộ đội kháng chiến chìm dần trong màu xanh của nuúi rừng Việt Bắc. Dòng sông Thái Nguyên từ mạn ngược, nước lũ đổ về chảy xiết, chiếc cầu treo Đại Từ nối từ đầu núi này qua núi kia đong đưa như đưa võng, đằng sau kia là núi Tam Đảo mờ sương không nhìn thấy ngọn. Tiếng hát bài " Tạ từ " của nhạc sĩ Tô Vũ cất lênm trong hồn tôi. Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh......Gió đem khúc nhạc thanh bình......

Tất cả những điều đó được giải bày trên những trang giất đặc kín chứ. Tôi đang viết văn. Tôi nghe tiếng gà gáy đâu đó, tiếng xe cộ bắt đầu chuyển động ngoài đường. Thành phố SG thức giấc. Tôi không ngờ hồn tôi đã đi cả ngan cây số trong một đêm, tới tận đầu nước VN.

Tôi ký vội tên thật của mình dưới tập bản thảo.

Tôi úp mặt trên những tờ bản thảo rồi ngủ thiếp đi.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mẹ đang nhìn tôi. Không biết bà đang nghĩ gì, nhưng đôi mắt ấy không có vẻ trách móc.

CHƯƠNG 4

Tôi xếp những cuốn sách, cuốn báo quý giá ( đối với tôi ) vào ngăn kệ sách, sẽ chẳng bao lâu nữa tôi sẽ có một tủ sách vĩ đại, đủ loại sách báo cần thiết cho kiến thức của tôi.

Tôi ngồi ngắm căn phòng, đúng ra là một gác xép gỗ thuôccặn nhà mẹ tôi mua lại. Gác của tôi ngay trên cửa hàng " chạp phô " của mẹ và dì. Dù căn nhà hơi nóng bức một chút, nhưng không hề gì. Tôi rất lấy làm thú vị vì đó là nhà cũa gia đình tôi. Tôi được sống với mẹ, dì và hai em nhỏ mà tôi vô cùng thương yêu. Cửa hàng chạp phô của mẹ buôn bán suốt ngày, nên tôi không bị bó buộc giờ giấc như khi ở với chú. Tôi có thể về nhà bất cứ lúc nào.

Căn nhà của mẹ tôi ở khúc giữa một con hẻm nghèo, ngay cạnh ngôi nhà lớn của chú tôi. Cư dân torng xóm hầu hết là người bình dân lao động. Từ trên bao lơn gác xép nhìn xuống là một vòi nước ông cộng, suốt ngày ồn ào gianh nhau gánh nước. Nhìn xa hơn nữa, vượt khỏi mấy nóc nhà gạch lợp ngói ngoài lộ chính, tôi có thể nhìn thấy nóc nhà thờ Huyện Sĩ vượt lên cao với cây thập tự giá in mờ mờ trong bầu trời xanh. Kế nhà của tôi là nhà ca sĩ Hùng Cường, người mới đoạt giải nhất thi hát ở đái phát thanh Pháp Á. Suốt ngày anh ta chui đầu vào chum nước hú lên một thứ âm thanh kinh khủng để luyện giọng. Sau này chính anh ta trở thành một kép hát cải lương nổi tiếng ở SG. Buổi trưa, 12 giờ còi hụ sở cứu hoả Đô Thành ngay ngoài đại lộ Trần Hung Đạo mới át nỏi lối luyện giọng quái gỡ của chàng ca sĩ, hơi dài của chàng vẫn thua tiếng còi hụ......

Anh ta là bạn trong xóm tôi, rất hâm mộ thể thao. tối tối chúng tôi hay chạy bộ vòng quanh chợ Thái Bình. Anh ta là con bà Ba Sữa, gốc dân Bắc Kỳ Hải Phòng. Anh thành công về cải lương miền Nam. Không thân nhau lắm mà mến nhau vì tình lối xóm thì có.

Xóm tôi, suốt từ sáng đến chiều, cả buổi tối, đủ thứ âm thanh hỗn tạp, nhưng tôi không lấy điều đó làm buồn như những ngày mới dọn về, trái lại tôi thấy hay hayvà nhất là có dịp đi chơi.

Thời gian này những người Bắc di cư lần lần tìm lại nhau. Có thể là bà con, có thể là bạn bè hay quen biết nhau ở địa phương nào đó thời gian tản cư, thăm hỏi nhau kẻ ở người đi.

Bà chủ dây thép, bạn mẹ tôi ở phố Nỉ, nơi gia đình tôi đã tản cư đến hồi kháng chiến. Bà ta nói phải khó khăn lắm gia đình bà mới di cư vào được miền Nam. Coi như những người cuối cùng ở Vĩnh Phúc yên. Bà khá rõ mọi chuyện. Bà nói đến từng nhân vật ở phố Nỉ, người nào sống hoặc chết, người nào đi được và người nào ở lại. Bà nói về thầy giáo Dậu của tôi, một tiểu địa chủ bị kẹt lại. Dĩ nhiên bà không nói với tôi, mà nói chuyện với mẹ tôi:

- Trong sổ đen có tên ông giáo Dậu bị đưa ra đấu tố.....khi biết được tin đó, ông không để chúng bắt mà ông tự đập mảnh kính rạch bụng tự sát. Ông giáo gan ghê, ông chửi chúng nó trước khi chết....chính sách gì mà độc ác quá.....

Bà ta chép miệng khi dứt câu chuyện

Tôi muốn khóc khi nghe tin đó, vì thầy giáo Dậu là thầy dạy cho tôi những lớp đầu tiên, thuở mới vỡ lòng, các con thầy lại là bạn tôi: Anh Phong, chị Phú và em Phượng. những người đó còn sống hay đã chết ? Ngày tôi hồi cư về Hà Nội còn qua ấp thầy ở lại một đêm.

Buổi sáng tôi lên đường vượt vànbg đai trắng sang Núi Đôi vùng Tề tôi còn nhìn thấ yPhượng cúi trên ruộng lúa vàng rực gặt lúa. cánh áo nâu non in trên lúa vàng. Tôi ngoái nhìn lại, tôi nhìn thấy Phượng đứng nhìn theo....Đôi mắt ấy dòi dõi mang trong tôi, càng ngày càng cũ kỹ nhưng nó như bức ảnh xưa mỗi thời gian chồng chất là mỗi quý giá tăng lên.

Những chuyện đó có thật không hỡi trời ! Tôi kêu lên như thế nhiều năm. VN chưa đủ khốn khổ sao còn đầy đoạ con người đến đâu nữa. Không kể đến bom Mỹ đánh Nhật rơi trên Đông Dương chết oan bao nhiêu người Việt. nạn đói năm Ất Dậu cướp đi bao nhiêu triệu sinh linh vì tham vọng của dế quốc. Cuộc kháng chiến của dân tộc suốt cả 9 năm, đổ biết bao nhiêu xương máu, bây giờ còn.....Tôi không thể nói nữa, mà tôi chỉ nghe nói. Gia đình cậu ruột tôi còn kẹt lại Hà Nội, không biết bây giờ ra sao ?

Tôi ngồi quan cà phê Gió Bắc đường Phan Đình Phùng nghĩ ngợi vẩn vơ. Không khí lành lạnh giống như mùa thu Hà Nội mà tê tái lòng.

Thời gian này tôi sống tương đối thoải mái, đi học, giúp việc nhà và chơi văn nghệ. Chúng tôi không phải làm những tờ báo viết tay nữa. Có tờ văn nghệ học sinh ra đời, các văn thi sĩ choai choai có " sân " chơi. Chúng tôi tha hồ tham gia. Một vài truyện ngắn trẻ con của tôi có mặt trên tờ báo ấy. Tô vứt cái bút hiệu của tôi đi mà ký tên thật. Ở đây tôi có thêm nhiều bạn bè, Nam, Bắc, Trung đủ cả. Nhưng tôi vẫn sát cánh bên Lê Đình Điểu.

Thường vào những ngày chủ nhật đầu tháng, đám văn nghệ choai choai chúng tôi gặp nhau ở toà báo văn nghệ học sinh ở đường Phan Đình phùng. Chủ nhiệm của tờ báo là anh Lê Bá Thảng, tổng thu ký toà soạn là nhà văn Giang tân. Chúng tôi thoải mái nói chuyện văn nghệ. Ở đây tôi gặp nhiều bạn bè, những " kẻ sĩ " choai choai, nhưng có vẻ ông cụ non lắm rồi. Cũng không có những tay làm ra vẻ kỳ quái, nhưng tôi cho rằng " thùng rỗng kêu to ". Sự thật chẳng có gì đáng nói, vì họ chẳng có sắc thái gì riêng biệt hết. những mớ vay mượn lung tung mà cũng không triển khai được. làm thơ không ra làm thơ bèn nói thơ tự do. Viết văn tối mò mò nói là văn bí hiểm. Chịu không thể nào hiểu nổi. Mở miệng nói ra là trường phái này, trường phái kia. những tác gỉa Albert Camus, Jean Paul Sartre, Simone de Bauvoire. Sự thật tôi không hiểu nổi, khi tôi biết chính họ không đọc và hiểu nổi sách ngoại ngữ....như tôi vậy. Có thể đó là " cái mốt ". Vì thời gian ấy nhóm Sáng Tạo ra đời, với những tên tuổi sau này trở nên lừng lẫy, như Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Nguyễn Sĩ Tế, Tô Thuỳ Yên, Nguyên Sa. nhưng tính dân tộc, VN đầy rẫy trong tác phẩm của họ.

Tôi yêu những câu thơ lục bát của Viên Linh, những bài thơ của Vương Đức Lệ. Cả hai người này tôi đều quen biết thuở còn là học trò. Vương Đức Lệ khi ấy nhà torng trại Lê Văn Duyệt đệ nhất quân khu, anh là con vị sĩ quan nào đó. Còn Viên Linh ở trại học sinh Phú Thọ ? Nơi những học sinh di cư mồ côi hoặc đơn lẻ không nơi nương tựa.

Tôi nghe nói vị quản lý trại đó tham nhũng tiền cấp dưỡng, nên các học sinh phải ăn uống rất kham khổ, bữa cơm nào cũng toàn rau muống xào loáng thoáng tí mỡ, muối. Các bạn học sinh Phú Thọ, nói rằng ngày nào họ cũng phải nhai " dây kẽm gai ". Vì loại rau muống đó ngưòi ta chỉ nấu cho heo ăn. Cho nên nhiều học sinh trại Phú Thọ phải bung ra đời làm đủ nghề để sinh sống. Tôi biết được chuyện ấy và rất bất mãn. Viên Linh ở trại học sinh Phú Thọ có lẽ anh muốn ra đời sớm, không phải phiền đến gia đình mình mới di cư và không mấy sung túc. Tuy còn ở tuổi học sinh nhưng Viên Linh có tài có khiếu văn nghệ, như một số bạn bè khác theo đuổi nghiệp thơ văn cho đến bây giờ. Như Hoàng Bình Sơn ( Tú Kếu ) Hoài Nam ( Trần dạ Từ ) Đám anh em đó, chúng tôi chơi với nhau cho đến tận ngày hôm nay. những người đó đều ở trại học sinh Phú Thọ thuở di cư. những bạn ấy tự nuôi sống mình từ thuở học trò. Tôi khi ấy coi là may mắn hơ nbạn bè vì có gia đình, có mẹ. Căn nhà của tôi ở hẻm đường Phát Diệm mà cũng là nơi lui tới của nhiều bạn bè, không kể bạn học mà là bạn văn nghệ choai choai cỡ tuổi tôi và mẹ tôi được coi như mẹ của nhiều anh em. Khi đó anh em chúng tôi mới có một chút xíu tên tuổi, nhưng vẫn mơ sống một cuộc đời lang bạt kỳ hồ. bao nhiêu là mơ ước biến thành thành thơ của chúng tôi đăng trên báo....Tôi ghét bất công, tham những, giả dối nên văn chương tôi hướng vào đó. Hoàng Bình Sơn cũng xoay chiều, vứt đi những bài thơ tình ướt mới thuở đầu đời để làm thơ chua, thơ chì, thơ đen, thơ xám với bút hiệu Tú Kếu sau này.

Những người anh em một thuở với tôi, tôi không bào giờ quên họ. khi có tiền chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê Gió Bắc, cà phê Thăng Long hoặc cà phê Thọ ở Phú Thọ. Khao nhau chầu phở bà Dậu trong cư xá Công Lý. Phở bà dậu có truyền thống Bắc Kỳ thêm cho bát cơm nguội trộn với bát nước phở dư. Phải biết ăn phở cơm nguội mới đúng gu Bắc Kỳ.

Bọn chúng tôi tâm đắc với bài phở của nhà văn Nguyễn Tuân viết trong Nhân Văn Giai Phẩm của nhà văn Phan Khôi chủ trương, từ miền Bắc lọt vào Nam và được in lại phổ biến rộng rãi. Giai phẩm đó phản ảnh đời sống Hà Nội sau khi Hà Nội tiếp thu khi chia đoôi đất nước....có thể đó cũng là chủ trương tuyên truyền của chính phủ miền Nam thuở đó. Những bài viết của Phan Khôi, những truyện ngắn, những bài thơ của Trần Dần. Phùng Quán, Văn Cao và còn nhiều cây bút khác. Thực ìtnh mà nói tôi nghĩ những vă nngệ ấy vô cùng dũng cảm, xứng đáng với nghiệp cầm bút của mình. không ai bắt buộc chúng tôi phải học tập mà tự mình phân tích rồi không quên được những câu thơ: Toôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ...Hoặc bài viết của Phan Khôi " Ông Năm Chuột ". Hoặc bài một gì đó viết về một loại cỏ mà người ta đặt tên là cỏ đuôi chó.

Chuyện ấy nay đã xa rồi, nhưng đã đánh dấu một thời điểm. Tôi nhắc lại để khỏi quên thuở mơ làm văn sĩ. Không phải chỉ riêng tôi mà nay vẫn còn nhiều cô chú nhỏ khác mơ làm văn sĩ.....

Tôi lại xin tiếp tục câu chuyện của tôi, bình thường như bao nhiêu chuyênbịnh thường kkhác. Thuở đầu đơpì mang những mộng ước từ trẻ con đến trưởng thành. Trong sự trưởng thành thảm hại của một người mơ làm văn sĩ.

Tối nay công việc fcủa tôi là đến nhà in trông coi cho thợ lên khuôn trang báo chót của đặc san xuân nhà trường. Khoảng tuần sau báo phát hành, chỉ còn gần một tháng nữa thì tết thôi. Tôi nghĩ đến truyện ngắn của tôi được in trên báo xuân nhà trường mà lòng mừng phấn khởi. Tờ báo và bài vở được những tay hoạ sĩ " cây nhà lá vườn " trình bầy đẹp đáo để. Bìa in " ốp xét " kỹ thuật in tối tân thời đó, sao chép lại một bức tranh dân gian làng Đông Hồ đẹp ơi là đẹp, bóng láng thơm phưng phức mùi mực in. Tôi bắt đầu say mê không khí nhà in, nhất là làm việc đêm. Tiếng máy in tipô chạy xoành xoạch, mùi mực mùi giấy.

Người thợ in ngồi nhẫn nại trên máy giở từng tờ ( cahier ) giàn xếp chữ tí tách làm việc, đám con gái ngồi đóng xếp báo, cái que gạt trong tay các cô thoăn thoắt, tiếng giấy xoàn xoạt, chuyên nổ như bắp rang. Tôi thấy cảnh đó như cảnh thu hoạch vụ lúc ở quê nhà, chỗ thì đập lúa, chỗ xay lúa, chỗ giã gạo và chỗ sàng xảy. và tôi, tôi cũng thấy mình quan trọng, dù tôi chỉ là anh thầy cò tạp sự, kiểm soát lại bản sửa lỗi cuối cùng trước khi lên khuôn. Cảnh tượng ấy như có ma lực hấp dẫn tôi.

Tôi nhìn đồng hồ thấy cũng sắp đến giờ hẹn ở nhà in nên vội vàng mặc quần áo xuống nhà dưới. Mẹ tôi đang bán hàng, bà ngước lên hỏi tôi:

- Con đi đâu vậy, sao không ở nhà học bài và kèm em ?

Tôi trả lời, giọng quan trọng:

- Con bận, báo lên khuôn chót tối nay, không có con máy phải ngừng chạy, lại phaỉ trả tiền bồi thường cho nhà in, nếu trễ một ngày.

Quan trọng thế đấy, nhưng tôi không quên xin " bà cụ " tí tiền bỏ túi, rồi đi đến nhà in mà lòng thấy hân hoan. Tôi tới nơi và thấy anh Lê Đình Điểu đã ở đó, anh cắm cúi sửa bản in. Anh ngẩng lên nói với tôi, giọng có vẻ nhà nghề:

- Cái " bát chữ " đã xong, nếu không có tôi tới sớm thì cái " cliché " này nằm lộn ngược, không đúng với " makét ".

- Sửa lại thôi, nhưng tôi đến đúng giờ mà.

- Biết rồi, tôi có trách bạn đâu, sớm thì vẫn hơn, anh em chạy máy phải " đềpa " sớm. Cả 10 ngàn tờ báo chứ có ít đâu.

Lê Đình Điểu nháy, tôi hiêu ý ra ngay quán cà phê ngoài đường mua một ly cà phê đá đậm và nửa gói thuốc Ruby vào mời anh chạy máy. Anh thợ tỏ ra vui vẻ, uống cà phê và nói chuyện với chúng tôi rôm rả như nói với người lớn:

- Các cậu còn trẻ mà đã sớm biết làm ăn " điệu nghệ "trong nghề này, cứ sửa khuôn kỹ đi, tôi hứa là sẽ chạy máy rất cẩn thận và không hao giấy, từ tờ đầu đến tờ cuối không khác nhau. Tôi có kinh nghiệm 10 năm trong nghề này rồi đó, trước đó tôi chạy máy " pê đan " chứ đâu có được chạy máy Tipô tối tân như ngày nay, tin vào tài năng tôi đi, nhà in này tuy nhỏ nhưng tuyển toàn thợ giỏi không hà....

Chúng tôi, hai đứa loay hoay sửa bài gần một tiếng đồng hồ. Rồi đến xếp Tipô xuống sửa lỗi lần chót. Khi máy chạy thử, cầm một cahier lên coi thấy hết hẳn lỗi, chúng tôi mới an tâm ra về.

Lê Đình Điểu vẫn chưa yên tâm hẳn

- Đáng nhẽ ra mình phải ở lại suốt đêm coi máy chạy, phải chi tôi d8ạn trước ở nhà.

- Tôi cũng không dặn nhà, nhưng thôi mình cứ phải tin ở nguời ta, mình kỹ quá cũng không được.

- Tôi thì vẫn tin đó, nhưng về dấu hỏi dấu ngã bực mình quá đi, tôi sữa kỹ mà Tipô không chịu sửa lại, họ nói với tôi nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Mấy hôm nay tôi cứ phải năn nỉ, đôi khi gây gỗ với họ hoài, đến là bực, một tờ báo của nhà trường mà đầy lỗi chính tả thì coi sao được.

Tôi phải gạt đi, không thì Lê Đình Điểu còn nói nữa. Chúng tôi cùng đạp xe trong thành phố SG ban đêm. Tôi nói với Lê Đình Điểu.

- Còn sớm mà, mình về nhà làm gì vội.

- Đi đâu ?

- Uống cà phê !

- Ở đâu ?

- Gió Bắc

Lê Đình Điểu cười hì hì :

- Ừ thì đi, lúc nào cũng Gió Bắc, cậu chắc mê em đó rồi phải không ?

- Bậy nào, vô đó tìm hưởng chút hương vị Hà Nội thôi

Thật ra nói vậy cũng chưa phải vậy. Quán cà phê Gió Bắc ở con đường phan đình Phùng đông đảo, quán là một căn nhà mặt tiền xinh xinh, ấm cúng những chiếc ghế đẩu, bàn thấp sơn trắng. Có bóng dáng thấp thoáng một tiểu thư khá xinh, lứa tuổi chúng tôi, sua màn cửa màu xanh lơ. Mái tóc mây luôn bỏ sau lưng, kẹp hờ hững bằng chiếc kẹp inox bóng loáng, đôi khi là một chiếc nơ màu tím, theo kiểu để tóc thề gái Hà Nội. Khuôn mặt trái xoan trắng ngần, mũi dọc dừa, miệng tươi như đoá phượng vĩ, đôi mắt bồ câu trong sáng. Nếu bận chiếc áo dài màu xanh lơ trường Trưng Vương hà Nội nữa thì tha thướt biết bao.

Khi chúng tôi vào quán, nhiều " cây si " choai choai đã có mặt. Nhà triết nhân kiêm thi sĩ mái tóc " bòng bềnh mây khói " cùng trường tôi, mắt lơ đãng sau cặp kính trắng cắm cúi trên trang sách đặc kịt chữ Tây. Cái dáng ngồi thì " thời thượng " coi ngứa cả mắt.

Lê Đình Điểu văng tục khẽ một câu:

- Mẹ cái thằng coi có chán không kìa, tiếng tây thì dốt đặc cán mai mà đi đâu cũng kè kè cuốn sách của Albert Camus, lại còn ngồi đọc nữa kia đấy, coi chừng cầm ngược sách, coi lố bịch.

Tôi huých khẽ Lê Đình Điểu:

- Kệ nó mà, bao giờ nó chẳng " nặng phần trình diễn ". Cậu quên cái bút hiệu kinh khủng của nó à ?

Lê Đình Điểu còn làu nhàu. Cô chủ mang hai ly cà phê ra, mùi cà phê ngon bốc khói thơm mùi bơ Bretel. Tiếng hát từ máy hát cũ phát ra tình tứ càng làm không khí trong quán thêm thơ mộng. Thơ mộng như chính lời nhạc của nhạc sĩ Hoàng Dương trong bài hát hướng về Hà Nội " Hà Nội ơi...nhớ về thành phố xa xôi. Ánh đèn giăng mắc muôn nơi....Áo màu tung gió chơi vơi.....

Tiếng hát êm dịu và nhắc nhở nhiều đến nơi chốn chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên nhưng chưa trọn vẹn tuổi hoa niên. Từng con đường, từng góc phố, những buổi chiều Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm, tất cả những hình ảnh ấy hiển hiện trong đầu chúng tôi. Chúng tôi mới xa Hà Nội mây năm trời không thể mỗi lúc quên ngay được.

Cả quán cà phê đều im lặng lắng nghe. Hình ảnh cô Ngọc, cô con gái chủ quán dù bây giờ mặc áo bà ba phin nõn vẫn còn dáng dấp gái Hà Nội, mái tóc thề buông lơi.....

Mặt Lê Đình Điểu coi dị hợm vậy mà lúc này cũng trở nên thơ mộng. Bài ca sắp dứt. Lê Đình Điểu ra hiệu cho cô ngọc với lời yêu cầu:

- Xin cô cho nghe lại một lần nữa được không ?

Thay bằng câu trả lời, Ngọc nhoẻn cười rồi tới bên máy. Bài hát Hà Nội lại cất lên. Bỗng nhiên cả quán nghe tiếng tiêu ai đó cất lên hoà nhịp, tiếng tiêu nghe du dương và điêu luyện, như tiếng tiêu của Tô Kiều Ngân trong chương trình thơ Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng của đài phát thanh mỗi tối.

Ở góc quán, một gã choai choai mặt rỗ, gầy gò đang say sưa thổi tiêu, hoà nhịp cùng lời ca trong dĩa nhạc. Đôi mắt gã khép hờ, những ngón tay điêu luyện láy lia qua lỗ tiêu, ống tiêu trúc đẹp lên nước vàng óng. Cả quán im lặng lắng nghe cho đến dứt bản nhạc, có vài tiếng vỗ tay lốp bốp tán thưởng. Một bản nhạc khác nổi lên, nhưng hình như chẳng có ai chú ý, họ lại nói chuyện riêng, có bàn đọc thơ nho nhỏ cho nhau nghe. Anh bạn triết gia kiêm thi sĩ ngồi một mình, thái độ ra vẻ mệt mỏi chán chường. Riêng tôi thì để ý đến anh bạn mặt rỗ thổi tiêu. Tôi khẽ hỏi Lê Đình Điểu:

- Nhân vật nào đó bạn ?

- Thi sĩ Hoài Nam, bạn không biết à ?

- Thi sĩ ?

Tôi hỏi bằng giọng thán phục vừa có vẻ ngạc nhiên. Lê Đình Điểu tỏ ra hiểu biết, giải thích với tôi.

- Đúng vậy, hắn di cư vào đây có một mình, một thi sĩ có tài, thơ anh ta đăng rất nhiều trên các báo, chẳng được xu teng nào hết, vẫn phải sống bằng nghề bán báo và bỏ báo tư gia, vẫn đi học, học hành có vẻ bấp bênh lắm. nhưng nghe nói hắn thông minh tuyệt vời, học gì chỉ thoáng cái là hiểu...hiện đang trại học sinh Phú Thọ.

Nghe nói đến nơi đó, tôi rụng rời. những trẻ em di cư khốn khổ, sao mãi chẳng thấy ngài nhà baonáo nói lên chuyện đó. Tôi thầm đe, khi nào tôi thành nhà báo tôi phải tố cáo sự ngược đãi đó. nhưng sau này khi tôi thành nhà báo thì trại học sinh Phú Thọ đã giải thể. Những kẻ quản lý trại ấy đã trở nên giàu sụ. Tất cả nhữnf sự thật đau thương bắt buộc phải rơi vào quên lãng.

Tôi nhìn sang anh bạn mặt rỗ mỉm cười thân thiện. Hoài Nam cười lại với tôi. Thế là tôi có thêm một người bạn, tôi mời anh bạn sang ngồi cùng bàn. D9úng như lời Lê Đình Điểu nói với tôi về hoàn cảnh anh. Trong câu chuyện, tôi nhận xét Hoài Nam có tật nói lắp ( cà lăm )

Điều thú vị nhất là Hoài nam cho chúng biết sáng nay anh mới trúng giải nhất thơ do đài phát thanh tổ chức. Anh cười vui vẻ với chúng tôi. Nụ cười anh dễ mến:

- Này các cậu à, một chút xíu nữa thôi ở quán này mở radio sẽ thấy họ tường thuật đầy đủ, tớ không nói phét đâu. Các cậu không thể tin được một thằng nhóc như tớ lại trúng giải nhất thơ, trong khi nhiều nhà thơ già, râu dài đến rốn " té ạch đụi " hoặc chỉ được giải khuyến khích. Đó là sự thật, ai ngờ một thằng nhóc 13 tuổi như tớ, ngèo khó xấu xí lại biết làm thơ....

Tôi tò mò hỏi tới:

- Vậy cậu làm cách nào lãnh giải được ?

Hoài Nam cười láu lỉnh:

- Ấy đó mới là vấn đề, cả ban giám khảo, toàn là những nhà thơ lớn và nhạc sĩ tiếng tăm đều sửng sốt khi thấy tớ bước lên đòi lãnh thưởng, tớ chẳng có gì chứng minh tớ là Hoài Nam hết, vả lại tớ nhóc quá mà.

Lê Đình Điểu nóng nảy:

- Vậy cuối cùng người ta giải quyết ra sao?

Hoài Nam càng tỏ ra duyên dáng:

- À, thế này nhé, một vị trong ban giám khảo bèn đề nghị trắc nghiệm tớ, bằng cách phải tự ngâm bài thơ trúng giải, đồng thời ra đề tài cho tớ làm luôn một bài thơ mới trong mười phút. Tớ chỉ làm hết có năm phút, các vị giám khảo trắc nghiệm tớ hết 15 phút, cuối cùng phải cho tớ lãnh giải thưởng, lãng giải thưởng xong tớ cuốc một mạch đi ăn phở Bà Dậu, không có đợm cơm nguội, ăn luôn ba ly chè nữa, lang thang suốt một ngày, bây giờ thì bò về đây nghe nhờ radio. lúc nãy tớ cao hứng thổi sáo chơi may mà không bị ai đập cho một trận vì tội ngông.

Thế là câu chuyện chúng tôi nổ như pháo. Tôi được thêm một phần thân thế của Hoài nam. Anh cùng di cư với mẹ vào đây, lên tàu với mẹ ở Hải Phòng, vì mải chơi nên lạc mất mẹ từ dạo ấy

Giọng Hoài Nam buồn buồn:

- Có lẽ mẹ tớ mải đi tìm tớ nên nhỡ tàu ở ngoài Bắc rồi, biết bao giờ mới gặp lại được, lúc nãy nghe bài Hà Nội tớ xúc động quá, mặc dù chưa bao giờ tớ thấy Hà Nội.

Chín giờ tối, theo yêu cầu, cô ngọc mở radio. Bài tường thuật phát giải thưởng thơ. Phóng viên tường thuật lên tiếng một cách thảng thốt:

- Thưa quý thính giả, điều bất ngờ nhất trong giải nhất thơ năm nay vào ta thi sĩ Hoài Nam, một thi sĩ hiếm có, vì anh là người lãnh giải thưởng cao nhất mà lại ít tuổi nhất. Thi sĩ Hoài Nam mới 13 tuổi. Chính ban giám khảo cũng phải nghi ngờ nên phải làm một cuộc trắc nghiệm tài năng của thi sĩ, cuộc trắc nghiệm vô cùng hào hứng, cuối cùng thì thi sĩ Hoài nam được tráo giải thưởng.

Tiếng vỗ tay rào rào, những lời tán thưởng và những câu trả lời cà lăm của Hoài Nam làm chính chúng tôi phì cười. Bài thơ trúng giải nhất của anh được chính anh ngâm lên, tiếng ngâm thơ ấm áp lạ thường, khác với lối nói cà lăm bình thường của anh.

Buổi trao giải thưởng chấm dứt. Hoài Nam ngồi sượng sùng giữa chúng tôi. Nhiều tay văn nghệ choai choai trong quán nhìn Hoài nam bằng cái nhìn vừa cảm phục vừa thân thiện. Cả cô ngọc cũng nhoẻn cười thật tươi với Hoài nam. Một nụ cười rất hiếm hoi của cô dành cho khách hàng.

Buổi cà phê đêm chấm dứt, tôi gọi trả tiền, Hoài Nam giành trả:

- Hôm nay tôi mời hai cậu, vì tớ là người trúng giải, lần khác những khi tớ đói rách tớ sẽ phiền các cậu nhiều.

- Được thôi.

Tôi ra ngoài quan dắt xe, hỏi Hoài Nam:

- Xe đạp cậu đâu ?

Hoài Nam nhún vai:

- Làm gì có xe, tớ chuyên viên cốc bộ mà, làm nghề bỏ báo cuốc bộ cũng tốt thôi.

Tôi đề nghị chở Hoài Nam về trại học sinh Phú Thọ, còn Lê Đình Điểu phải về vì nhà bên Khánh Hội qua đến hai cây cầu dài.

Tối hôm ấy tôi chở Hoài Nam về, nhưng không vào được trại vì quá khuya. Tôi cũng không về được nhà. Hoài Nam rủ tôi đi bụi đời, anh ta biết khá nhiều về những nơi sinh hoạt đêm, vì anh ta từng đi, từng sống như thế. Mắt tôi mở to ghi nhận những sinh hoạt về đêm của SG, có những cảnh đời vô cùng quái dị. Sau này chính là những tư liệu trong văn chương tôi. Hai thằng lang thang suốt đêm cho tới sáng. Chúng tôi tâm sự với nhau và trở nên thân thiết. Tôi mén Hoài nam vì anh có rất nhiều tài trong lãnh vực văn nghệ. Anh hát hay và đàn cũng giỏi dù rằng chẳng biết nốt nhạc nào. Tôi nghĩ rồi đây Hoài Nam sẽ thành công.

Sau đêm tôi bỏ nhà đi bụi đời với Hoài Nam, căn gác xép nhà tôi trở thành căn gác văn nghệ cho những ngưởi bạn văn nghệ choai choai của tôi, trogn đó có Đỗ Quý Toàn, một taìo năng thơ văn và học rất giỏi, anh thường xuyên giật giải thi toán toàn quốc mỗi năm mà mẹ tôi thường phải thay mẹ anh ở xa, làm phụ huyenh đưa anh đi lãnh giải.

Những bữa cơm canh cua rau đay, cà pháo chấm mắm tôm kiểu Bắc Kỳ thu hút một số đông bạn bè mới. Tất cả những bạn bè tôi đều gọi mẹ tôi bằng mẹ.

Ngoài chuyện học hành, những truyên ngắn của tôi lại xuất hiện trên báo, cũng như những bài thơ của Hoài Nam. Chúng tôi trở nên thân thiết nhau như ruột thịt.

Riêng chú tôi, thỉnh thoảng ông đến thăm gia đình tôi, ông không lấy gì làm hài lòng. Tôi nhớ mãi câu chú nói với mẹ:

- Chị cứ chiều nó rồi nó đến hỏng mất thôi, năm sau nó thi trung học rồi đó.

Buổi chiều mưa, ngồi trên gác xép nhìn xuống con hẻm lầy lội, tôi lại ngẩm nghĩ đến lời nói của chú tôi. Tôi ưu tư về tương lai. Nghoảnh lại nhìn đứa em ê a học bài. Tôi nói với nó:

- Rán mà học đi, đừng như anh.

Tôi vô tình nói đúng như lời của cha tôi thuở nào, khi ông là họa sĩ, nhưng tay đã run vì cơn bệnh sốt rét kinh niên mang từ rừng núi Việt Bắc về. cửa hàng cơm bình dân của gia đình tôi ở góc phố Trần Nhân Tôn, phố Huế, nhìn sang bên kia chợ Hôm Hà Nội, khách hàng ăn cơm đều là lao động bình dân. Tôi thấ ycha tôi bưng cơm, rửa bát phục vụ luôn tay.

Thời gian ấy, tuyệt nhiên tôi không thấy cha tôi nói đến chuyện nghệ thuật.

CHƯƠNG 5

Số đặc san xuân của nhà trường do chúng tôi thực hiện thành công ngoài sức tưởng tượng. 10 ngàn số báo hết veo trong năm ngày. Ngoài những số báo bán cho gia đình học sinh, còn một số học sinh mua làm quà chúc tết cho bạn bè ở xa, htay vì thiệp chúc tết. Trường chúng tôi thu vào quỹ học sinh một khoản tiền lớn. Tất cả mọi người ở nhà trường từ thầy hiệu trưởng đến các thầy cô và học sinh đều vui mừng.

Riêng chúng tôi, những học sinh trực tiếp thực hiện đặc san được ban thưởng đặc biệt, trong đó có tôi. Tết năm đó chúng tôi dự một buổi liên hoan tất niên đặc biệt tập thể ngoài sân trường, không rieng rẽ từng lớp như những năm trước.

Lê Đình Điểu đứng trên mặt " kinh doanh " luôn luôn tỏ ra tiếc rẻ:

- Mình mà biết trước như thế này thì in luôn 15 ngàn số cũng hết. Tớ đã bảo mà, mình phải " vỗ phông " đổ chì, khi hết mình cứ việc cho lên máy chạy in thêm khỏi phải xếp lại chữ. Có ai chịu nghe tớ đâu, để tình trạng như bây giờ thì có chán không chứ.

Cuộc bàn cãi về tờ báo xuân om xòm ngay trong buổi liên hoan tất niên: Phê bình báo xuân hết của trường này đến trường khác. Cuối cùng vẫn là tờ báo xuân của trường mình hay nhất, đẹp nhất. Tất cả các lớp học từ đệ thất đến đệ nhất đều có bài và hình ảnh của lớp mình, đủ mặt " anh hào ". không thiếu một trự, kể cả giáo sư. Riêng ban niên tập của nhà trường cùng thầy phụ trách cũng có hình ảnh, chức năng của nhiều người. Một phóng sự ngắn nói lên nỗi " gian lao " của những học sinh thực hiện tờ báo. những đấu tranh quyết liệt của ngưòi cầm bút đòi bằng được quyền tự do báo chí. Oai thế đấy. Không có một bài nào ngoài khuôn khổ của tờ báo xuân thuần tuý của nhà trường bị ép buộc phải đăng. Thầy phụ trách nổi giận mắng anh học sinh quyết định bài vở:

- Vứt mẹ nó đi, còn phải hỏi gì nữa, bất kỳ của ai đưa vào cũng không đưọc. Chúng ta làm báo phải có tự do không là công cụ của bất cứ ai. Nếu muốn đăng quảng cáo mình có mục quảng cáo, trả tính theo phân theo cột, lớn thì nguyên trang, tiền nhiều, sòng phẳng. Điều nào đúng chúng ta sẵn sàng ca tụng.

Có lẽ đó là bài học đầu tiên cho tôi để giữ mãi được nghiệp cầm bút đến cuối đời. Đã nhiều năm rồi lời thầy vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.

Trong buổi liên hoan ấy, có anh bạn có hứng khởi:

- Báo của trường mình không phải chỉ có mặt ở SG này đâu mà còn ở khắp nơi, các tỉnh nữa kìa., ở cả ngoài Huế, bên Tây. Chính tớ đã gửi báo theo đường bưu điện tặng mấy người bạn, mỗi người ở một tỉng khác nhau, anh tớ ở bên Tây.

Nhiêu ngưòi bạn cũng nói như thế. Riêng tôi chẳng tặng một ai ở xa hết. Tôi không có bạn bè ở xa, nói đúng ra tôi không chơi trò kết bạn qua thư từ, tôi coi chuyện ấy mất thì giờ vô ích, chuyện tầm phào.

Anh bạn tóc " bềnh bồng mây khói " ngồi riêng rẽ một chỗ, chẳng thiết ăn uống, vui chơi, hồn thả tận đâu đâu. Ở nơi này thì anh không dám " nặng phần trình diễn ", nghĩa là cắp quyển sách cửa Albert Camus vào nách. Trong số báo xuân vừa qua anh cũng gửi một bài thơ cho báo, nhưng không được đăng, thầy phụ trách chọn bài vở, một thầy dạy văn lớp bốn đã thẳng tay gạt bài anh và chê thơ gì mà tối om om như hũ nút. Lời lẽ chẳng ai hiểu gì hết, bí hiểm như một bản mật mã. Nhà thi sĩ kiêm triết nhân chê loài người: "thế nhân mắt trắng như nhân ngã...."

Lê Đình Điểu không mấy ưa nhân vật này, có dịp là anh ta châm chọc liền. Điểu bắt đầu to tiếng, mỗi người phải can một câu, một người bạn khác lên tiếng:

- Thôi mình ra chỗ khác chơi, trả lại sự yên tĩnh cho thi sĩ.

Một người bạn khác đế thêm một câu:

- Thằng Hoan chẳng cần làm thơ, chỉ nhìn con ngưòi nó là thấy thơ rồi.

Buổi liên hoan của trường chấm dứt trong bầu không khí vui vẻ> Tôi và Lê Đình Điểu rủ nhau đi chơi đến chiều mới về nhà.

Về nhà, đã thấy Hoài Nam nằm c hờ tôi trên gác, anh ta làm thơ xuân, viết chữ thảo dán đầy trên vách ván. Nụ cười anh hồn nhiên làm sao:

- Cậu thấy thế nào ?

- Hay lắm, căn gác của mình càng thêm ấm cúng.

- Tết này cho tớ ăn tết ở nhà cậu nhé !

Tôi đồng ý liền.

- Tớ cũng tính đi tìm cậu, mẹ tớ có nói đi tìm cậu về nhà ăn tết với gia đình cho vui. Hoài Nam chớp chớp mắt. Buổi tối hôm ấy hai thằng ngồi canh nồi bánh chưng đến gần sáng. Năm nay mẹ tôi và dì nhận nấu bánh chưng cho nhiều nhà quen. Có lẽ tết này gia đình nhỏ bé của tôi ăn một cái tết khá hơn mọi năm. Một cái tết sum họp sau ba năm chúng tôi phải ăn những cái tết chia lìa. Sống với chú dù được thương yêu như con, nhưng tôi vẫn thấy xa lạ, khi nhậ những đồng bạc mừng tuổi trong phong bao đỏ. Có lẽ toôi quá nhậy cảm.

Dưới ánh lửa bập bùng tôi quan sát Hoài Nam., anh ta đang cời bếp để chất thêm củi. Thốt nhiên Hoài Nam lên tiếng:

- Thiếu không khí lạnh của miền Bắc mình.

Tôi nhìn dọc theo con hẻm, cách một vài nhà có một nồi bánh tét. Ánh lửa bập bùng và có bóng người lui cui cạnh nồi bánh. Tôi gật đầu:

- Ờ thiếu không khí lạnh của miền Bắc mình thật, tôi nhớ hồi nhỏ những ngày giáp tết.....

Hoài Nam ôn lại những kỷ niệm xưa, ngày anh còn nhỏ lắm ngồi bên cạnh mẹ, sát bên đống lửa nồi bánh chưng để tránh cái rét cắt da xẻ thịt. Giọng anh buồn bã:

- Tớ là con nhà giàu, con trai độc nhất trong gia đình, nhưng mẹ tớ lại chỉ là nàng hầu hạng bét nên cả cái thân tớ cũng bị các mẹ già, các chị bạc đãi. Còn bố tớ thì già yếu nên chẳng biết gì. Tớ nhớ đến sân gạch rộng thênh thang phơi lúa. Cái ao cá có cây sung cành là trên mặt nước mà tớ thường ngồi vắt vẻo trên đó xem mẹ rửa bát trên cầu ao. Tớ biết mẹ là người đẻ ra tớ, nhưng không được gọi mẹ bằng mẹ mà phải gọi là chị. mẹ sinh ra mình mà không làm mẹ, chế độ phong kiến ở nước mình là vậy đó.

Đôi mắt Hoài Nam nhìn vào bếp lửa lung llinh, giọng xa vời buồn bã:

- Một ngày kia khi ông bố già tớ chết đi, tớ thấy mẹ tớ bị các bà mẹ già và các chị trói vào gốc cau đánh đến nứt thịt, không biết tội gì, hôm đó trời rét thấu xương, có lẽ là một ngày cuối năm mà trong làng đang sửa soạn tết. Trời đã tối mà mẹ mình vẫn bị trói, mặt mẹ xám ngoét, hai mắt bà ráo hoảnh nhìn mình đến lạc thần, mình nhớ hoài đôi mắt đó.

Hoài Nam ngưng lời, câu chuyẹn của anh vừa thương tâm vừa hấp dẫn, tôi mủi lòng. Tôi nhìn Hoài nam chứa chan tình cảm. Giọng anh trở nên bùi ngùi:

- Tối hôm ấy tớ không ngủ được, tớ lén xuống bếp lấy dao cắt dây trói cho mẹ mình, mình nói khẽ với mẹ: " " mẹ. mình đi thôi ! " Giọng mẹ vừa sợ vừa run: " Đi đâu hả con ? " " không cần biết, mình đi mẹ à, đi ngay bây giờ. "

Đêm lạnh căm căm, bụng đoí, hai mẹ con dắt díu nhau ra khỏi làng. Mình nghe đâu đó có tiếng đại bác từ đồn Tây nào đó vọng lại. Ánh lửa ma trơi lãng đãng trên cánh đồng hoang. Trời sáng bạch, mẹ con tớ đến Hải Phòng.

Hoài Nam có lẽ xúc động nhiều khi nói chuyện, anh lại bắt đầu nói cà lăm. Anh vẫn tiếp tục:

Mẹ con tớ tìm việc ở Hải Phòng, tớ được đi học, nhưng học hơi ít, tớ học lén thì nhiều và tớ biết làm thơ từ hồi đó. Tớ say mê làm thơ, giở một trang báo ra là việc đầu tiên tìm mục thơ trước hết. Rồi qua bao nhiêu bài thơ mà thuở nào mẹ đọc cho tớ nghe, những bài ca dao chỉ cần nghe tớ đã thuộc, cả thổi sáo, ca hát cũng vậy, mình hoàn toàn bắt chước và học lóm.

Trời gần về sáng trời trở lạnh. Hoài Nam có vẻ đã buồn ngủ, tôi đề nghị với anh:

- Cậu vào nhà ngủ đi để tớ canh nồi bánh.

Hoài Nam lắc đầu, anh giải một cái chiếu bên cạnh bếp và ngủ thiếp đi lúc đó. Ánh lửa bập bùng, tôi thấy khuôn mặt Hoài Nam vẫn còn nét trẻ thơ.

Trời sáng, bánh đã chín dì tôi và mẹ ra vớt bánh, khi đó Hoài Nam mới thức giấc, mẹ tôi nói :

- Các con vào nhà ngủ bù đi, để mẹ ép bánh xong, chiều con đi giao bánh cho mẹ. Chỉ còn một ngày nữa là tết, con nói Hoài Nam ở lại ăn tết với gia đình mình.

Tết năm đó không phải chỉ riêng có Hoài Nam ăn tết trong gia đình tôi mà còn vô khối anh em bạn văn nghệ choai choai khác. những người yêu văn nghệ, những nhà văn nhà thơ tương lai đang gặp vận khổ. Tất cả đều thèm một mái ấm gia đình trong ngày tết, thèm tiếng gọi mẹ. Miếng bánh chưng xanh, lòng rộn ràng trong tiếng pháo nổ đón giao thừa.

Những khuôn mặt bạn bè ngày ấy, những người mang mộng " mơ làm văn sĩ ". Số còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mà cũng xảy đàn tan nghé. 40 năm sau tôi vẫn cảm động vì một bài viết của Viên Linh về bữa cơm và căn gác trên căn nhà xưa. Bài viết ấy ở môt nơi xa xôi lắm, cách VN đến nửa vòng trái đất. Bây giờ tôi tiếp tục kể chuyện một thuở mơ làm thi sĩ.

Trong năm đó, những truyện ngắn của tôi đăng liên tiếp trên nhiều tờ tuần báo. Tô ký tên thật đàng hoàng, không còn ký bút hiệu mà tôi đã mất công chọn lựa. nhưng sau này tôi đánh giá lại những " tác phẩm " đó tôi thấy nó tầm thường. Và tôi đã im lặng để nhìn, nghe và cảm.

Tôi tự coi là đã thoát khỏi vòng kềm toả của chú, nhưng tôi vẫn biết rằng chú luôn theo dõi tôi. Một lần tôi đến thăm chú, chú hỏi tôi về chuyện học hành. Chú xem xét kỹ bài vở và số điểm của tôi. Chú nhìn tôi là đứa cháu đã lớn. khônmg phải là đứa cháu nhỏ ngày nào:

- Môn văn cháu khá lắm, toán lý hoá cháu còn kém. Buổi tối nếu có thì giờ cháu nên đi học thêm những môn này, cháu còn phải lên đại học nữa....

Tôi ngồi cúi mặt nghe những lời bảo ban của chú. Chú nhìn thân hình nở nang của tôi:

- Chú hài lòng về sức khoẻ và thể lực của cháu, trông cháu như một lực sĩ, làm văn thi sĩ mà có một thể lực như vây cũng tốt. nhớ đừng có đua đòi bạn bè hút sách rồi khổ cái thân nghe chưa, chú nghe nói anh văn sĩ nào cũng nghiện gập hết, cháu nên tránh điều đó.

Tôi bạo dạn hơn, tôi náo nức thưa với chú:

- Dạ không đâu chú, cháu chơi thể thao mỗi ngày, cháu luôn giữ gìn thân thể khoẻ mạnh.

Chú tôi gật đầu có vẻ hài lòng:

- Được, bây giờ cháu phải lo đến cái thên cháu, khôn nhờ dại chịu. Điều quan trọng là cháu phải học lây căn bản văn hoá rồi muốn theo nghề gì thì theo. Làm văn sĩ cần rất nhiều đến kiến thức, kinh nghiệm sống, còn bây giờ cháu chỉ mới viết đượcnhững truyện tầm thường, kỷ niệm vớ vẩn, chưa khai triển nổi.... cháu đừng tự mãn.

Ghê thật, chú tôi vẫn thường xuyên theo dõi những bài viết của tôi. Điều tôi được biết thêm là chú tôi không phải là một con người khoa học thuần tuý khô khan. Chú còn là một người biết thưởng thức văn chương và ông có một kiên thức phong phú. Ông giảng cho tôi rất nhiều về một số tác phẩm lớn trên thế giới, điều mà tôi chưa biết tới. Chú giảng giải như một giáo sư dậy văn chính hiệu. Chú kết luận:

- Đó cháu thấy chưa, cháu cần học hỏi nhiều hơn nữa. Một dúm năng khiếu tầm thường của cháu không đủ đâu, nói như vậy không phải chú bảo cháu không nên viết văn nữa, mà chú khuyên cháu phải thường xuyên học hỏi và đọc những tác phẩm chọn lọc của những người đi trước của Vn mình và cả thế giới.

Hôm ấy tôi về nhà trong trạng thái hân hoan mà nhiều suy nghĩ. Chú tôi đã coi tôi là một người lớn. Cái chổi lông gà đã xa mông đít của tôi.

Nhưng sau này còn nhiều ngọn roi vô hình khác quất túi bụi lên đời sống tôi. những ngọn roi còn đau hơn những cú đấm nhà nghề vào mặt, mang tai, quai hàm khi phải lên võ đài đánh nhau thuê kiếm sống.

Cái đá móc ổ họng của con thần kê cho con vương kê trong một dịp tôi cá độ chọi gà.

CHƯƠNG 6

Tôi chưa thể gọi là đến tổi trưởng thành vì vẫn còn mơ mộng nhiều lắm, pha thêm chút lãng mạn. Bố tôi là một nghệ sĩ, một họa sĩ, suốt đời ông lỡ làng trong nghiệp hoạ của ông. Nhưng mơ ước của ông vì thời thế hay vì gì đó không phát triển được. Nhưng ông vẫn mơ ước đến lúc nằm xuống....không một bức tranh nào của ông được để lại và người ta đã quên ông.....Quên như quên bao nhiêu những nghệ sĩ khác.

Có một ngày giữa những năm trung học tôi nghĩ đến điều đó. Khi thấy trường cao đẳng mỹ thuật, mà nay có nhiều các chú các bạn cùng trường cùng khoá với bố tôi giảng dạy. Các vị ấy bây giờ là những họa sĩ có danh, có hoạ sư. Một số còn ở lại ngoài Bắc, một số ở tại SG. tôi ghi tên xin học lớp dự bị hội hoạ, song song với việc học văn hoá. Nhưng chỉ học được một năm, tôi thấy rằng mình không có năng khiếu đó, đành thôi học......

Tôi vẫn học văn hoá và tiếp tục tập viết văn.

Tôi thi đậu năm đó, nhưng là đậu vớt, đậu hạng bét. Tôi tự an ủi mình, dầu sao tôi vẫn được lên lớp.

Bữa tiệc của những người thi đậu tổ chức tại nhà Lê Đình Điểu, chúng tôi vừa ăn uống vừa noío chuyện tương lai. Có anh đã nói đến chương trình đại học. Lê Đình Điểu đậu khá cao, anh mơo ước sẽ học văn khoa, cả tôi cũng vậy, nhưng chuyện học hành chỉ nói được một lúc, chúng tôi lại trở về đề tài văn nghệ, chương trình sáng tác và hướng sáng tác trong tương lai, nhiều khám phá mới trong lãnh vực văn nghệ. Có bạn đã bình đến thơ của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, người được giải thưởng văn chương năm 1913. Tôi hăng hái không kém, cũng nói về Victor Hugo, Pearl Buck, vô khối thi văn hào triết gia thế giới và VN được đề cập tới. Một người bạn cao hứng ngâm ngay bài thơ Đôi Mắt người Sơn Tây, rồi Tây Tiến của Quang Dũng. Anh bạn khác cảm khái ngâm bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

Cuộc vui chơi của chúng tôi kéo dài đến gần tối mới chấm dứt. Riêng tôi với Lê Đình Điểu còn rủ nhau đến quán cà phê Gió Bắc làm thêm một chầu cà phê đá nữa. Tới đó rất có thể tôi sẽ gặp Hoài Nam. Từ khi tôi bận học thi, tôi chưa gặp lại lần nào, và tôi cũng có chuyện cần gặp anh ta.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê đá thơm mát, tôi đột ngột hỏi Điểu:

- Mình nhận được thư của Ming Ng từ ngoài Huế, cậu thấy sao nếu mình....yêu cô ta ?

- Lê Đình Điểu ngưng uống, đặt ly cà phê xuống bàn:

- Cậu nói sao, yêu ?

Tôi hơi bẽn lẽn, khẽ gật đầu. Lê Đình Điểu hỏi tôi:

- Có phải hình và thư của cô gái Huế thường gửi vào cho cậu đó phải không ?

Tôi đưa bức thư và hình ảnh của Ming Ng để sẵn trong tuío ra. Điểu chăm chú đọc, ngắm hình của Minh Ng, bức hình bán thân mơ mộng, vành nón bài thơ nghiêng nghiêng, phía sau hình có ghi vài lời đề tặng tình tứ. Điểu mỉm cười:

- Hèn gì thời gian sau này tớ thấy cậu học kém hẳn đi, té ra cậu mê gái hơn văn nghệ.

Tôi cãi chầy cãi cối:

- Hai đứa tôi chỉ là tìng bạn với nhau thôi, chứ đâu đã có gì, cô ấy có cảm tình hơi nhiều với tớ thôi. Ái tình theo cái kiểu hàm thụ này thì ăn cái giải gì.

Lê Đình Điểu không còn nghiêm khắc với tôi nữa, anh ta noói như đổ thêm dầu:

- Này cậu nên ra Huế một chuyến thăm cô nàng.

Tôi lắc đầu:

- Ra Huế thì được thôi, nhưng dễ gì gặp được Minh Ng.

- Sao vậy ?

- Cậu không nghe nói con gái Huế, nhất là giới quý tộc thường kín cổng cao tường lắm sao ?

Mặt Lê Đình Điểu ngẩn ra, anh ta nhắp một miếng cà phê, gọi thuốc thêm, chia cho tôi một điếu hút chơi cho thêm phần thơ mộng. Tiếng nhạc từ máy cũ phát ra đều đều, hình bóng cô Ngọc thấp thoáng sau rèm cửa. Những cây si quen thuộc của quán đã có đủ mặt. Giọng Lê Đình Điểu trầm hẳn xuống:

- Ngoài Huế mưa dầm dề, có khi mưa thối cả trời đất cả tháng, các cô gái Huế ngoài giờ đi học chỉ ru rú ở nhà tha hồ thơ mộng. nhất là những cô thuộc giới quý tộc, dóng hoàng phái, có cái tên dài thoòng " tằng tằng " gì đó.

Tôi chữa lại:

- Công Tằng Tôn Nữ

- Ừ, đúng vậy, công tằng tôn nữ.

Điểu nói một hơi về đời sống ngoài Huế, như là anh ta từng sống ở đó, những nơi phong cảnh đẹp, sông Hương, núi ngự và những lăng tẩm vua chúa, y như điều Minh Ng viết cho tôi trong những bức thư. Thỉng thỏng Minh Ng còn gửi vào đây cho tôi những món quà đặc sản Huế, những thứ bánh kẹo thanh tao, những chuỗi hạt sen hồ Tịnh Tâm. Những món quà đó làm tôi cảm động vô cùng, và tình bạn chúng tôi trở nên đằm thắm hơn. không biết đã bước vào tình yêu chưa ?

Bây giờ thì tôi thả hồn về Huế, về nơi đất Thần Kinh có bóng dáng của Minh Ng, mà tôi chưa một lần gặp gỡ. Lòng tôi rung động và chỉ nghĩ đến Minh Ng, hồn rung lên qua những câu thơ Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn vỹ
Nhìn lá hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Cứ như thế tôi thả hồn lênh đênh trôi nổi qua hết những câu thơ ca tụng xứ Huế. Huế đẹp, phải dễ thương làm sao mới có bao nhiêu thi nhân ca tụng chứ. Tôi lý luận như vậy. Lê Đình Điểu thì cứ ra rả nói về Huế, tôi có nghe gì đâu, cho đế nlúc gần về Điểu vỗ vai tôi:

- Này bạn, tại sao lại có vụ Hoài Nam trong thư này vậy ?

Tôi trả lời lửng lơ:

- À, có gì đâu, một cô bạn của Minh Ng tên Thu V muốn làm quen với Hoài Nam, và mến tài thơ anh ta....

Lê Đình Điểu hít hà:

- Con gái xứ đó mơ mộng ghê nhỉ, nhưng Hoài Nam nghèo rớt mồng tơi.

- Cũng chẳng ăn nhằm gì.

- Ờ, chẳng ăn nhằm gì được.

Lê Đình Điểu châm lửa hút thêm một điếu thuốc nữa. hai ngón tay kẹp điếu thuốc lóng ngóng, hút thuốc mà chưa dám hít những hơi dài, mắt lim dim tránh khói thuốc, đây là những điếu thuốc lá đầu tiên trong đời chúng tôi. Ngón tay đập đập điếu thuốc lá rỗ tàn, và cuối cùng thì dập tắt luôn vào cái gạt sứ.

Từ ngoài quán, một anh chàng dựng xe đạp đi nghênh ngang vào quán, gã Thuỳ Nhân. Thuỳ Nhân là bút hiệu của Nguyễn Khắc Giảng, cũng bạn văn nghệ với chúng tôi cả. Vẫn thường đến nhà tôi chơi, anh ta là người Quảng Trị, chính xác là người Đông Hà, ở rất gần cầu Bến hải, anh ra Huế học rồi vào SG, học ở một trường tư nào đó, nhưng là bạn văn nghệ với chúng tôi. Hắn nói có biết và quen Minh Ng ở Huế, và thường hay trêu chọc tôi hai câu thơ chữ Hán, dịch ra tiếng nôm:

Ngước mặt nhìn trăng sáng
Gối đầu nhớ cố hương

Anh chàng này có tíng bô lô bô loa, cứ gặp tôi là chọc phá, giọng nói Quảng Trị hơi khó nghe. Chiều nay cũng vậy, gặp tôi là cái miệng bô lô. Tôi ra hiệu chặn lại:

- Này cậu có gặp Hoài nam không ?

- Không gặp từ mấy ngày hôm nay. Có nhận được thư của Minh Ng không, có gủi gì cho nàng không mai tớ về Huế....

- Không, cám ơn, thôi muộn rồi, bọn tớ về đây.

Thuý Nhân chèo kéo:

- chơi đã nào, uống cà phê với tớ, mai tớ đi rồi, ba tháng nữa mới vào....

- Cám ơn, chúc thượng lộ bình an.

Tôi trả tiền cà phê xong, chúng tôi chia tay nhau. Tôi về nhà, Hoài Nam đang nằm ở nhà tôi, anh ta bênh, người nóng hầm hập, mẹ tôi sót sa:

- Tội nghiệp thằng bé quá đi, nó tới không gặp con, lại tính đi, mẹ thấy nó sốt quá nên giữ lại, mẹ đã cho uống thuốc rồi, con xme đặt cho nó một nồi cháo, nhớ bỏ hành nhiều, đập cái trứng gà, toát được mồ hôi là hết cảm liền.

Trong khi đó xuống bếp nấu cháo cho Hoài nam, anh ta vẫn sốt li bì trên căn gác của tôi. Tôi nghĩ đến bức thư của Minh ng viết cho tôi. Ngưòi con gái nào đó mà nàng định giới thiệu cho Hoài nam, tôi nghĩ đến Hoài Nam, hoàn cảnh của bạn hiện tại, nếu không có gia đình này, anh đi lang thang trong cơn sốt, biết đâu chẳng gục ngã ở một góc đường nào đó trong thành phố ? Lòng tôi nao nao thương bạn, tội nghiệp cho tuổi trẻ chúng tôi quá đi. Nếu tôi không có tình thương của mẹ, chắc ũng vậy thôi.

Tôi bưng cháo cho Hoài Nam, anh ta tỉnh táo dần. tô khuấy tô cháo cho nguội bớt:

- Chịu nóng một chút, rán ăn tô cháo này đi, toát được mồ hôi là đỡ liền, như xông ấy mà. lâu quá không gặp cậu.

Hoài Nam ăn cháo, anh ta vẫn có dang mệt mỏi.

- Mình sốt đi sốt lại hoài, nằm ở trại học sinh phú Thọ không có một viên thuốc, lại đói nữa, bọn nhà thầu trại ăn hết rồi, mình phải rán bò đi kiếm ăn lại bệnh thêm, bây giờ cứ mỗi ngày một cơn đến là mệt.

Nhìn Hoài Nam múc từng muỗng cháo ăn, tôi càng thấy xót xa cho hoàn cảnh bạn:

- Rán ăn đi, rồi chữa bệnh cho hết, cứ ở lại nhà tôi, cậu cứ coi nhà này như nhà của cậu vậy, những người thân gia đình tôi là người thân của cậu.

Hoài Nam lặng lẽ ăn cháo, cháo nóng với hành tiêu khiến anh vã mồ hôi, tôi hiểu Hoài Nam cảm động về tình thương của gia đình tôi đối với anh, tôi rót cho anh ly trà nóng, tôi cười với anh:

- Thế nào thấy đỡ chưa ?

- Nhờ có hai viên thuốc và tô cháo này, mình thấy ngưòi khoẻ rồi, tối nay mình lại làm thơ được. Mừng cậu thi đậu.

- Nghỉ đi đã, cứ nằm đây rồi làm gì thì làm, mình có chuyện này muốn nói với cậu.

- Mình khoẻ rôì, chuyện gì vậy, cứ nói ra đi.

Tôi đành đưa bức thư của Minh ra:

- Cậu xem bức thư này thì sẽ rõ.

Hoài Nam chăm chú đọc thư, đọc xong anh trao lại cho tôi, anh cười, nụ cười của anh lúc này tươi hơn.

- Tôi biết cô bé này, thỉnh thoảng có đọc thơ cô ta d0ăng trên báo, đêm nay mình lại làm thơ. Bây giờ đang có hứng, cậu pha cho mình một bình trà nhé, trà của bà cụ luôn luôn là trà ngon.

- Được thôi, có cả bánh đậu xanh Rồng Vàng nữa, nhưng mình nghĩ cậu cần ngủ cho lại sức.

- Nhằm nhò gì chuyện ốm đau vặt vãnh ấy, tớ nghĩ đêm nay cậu cũng thức khuya viết thư.

Tôi đành chiều ý Hoài Nam, xuống bếp đun nước, xin bà cụ bánh đậu xanh và vài điếu thuốc thơm. Mẹ tôi lườm:

- Bây giờ cậu lại bày đặt hút thuốc nữa ?

Tôi cười nịnh mẹ:

- Con lớn rồi, hút thuốc chút chút cho " thơm râu ".

Mẹ tôi chiều tôi nhưng vẫn nghiêm khắc:

- Con nên coi chừng lời ăn tiếng nói, học đòi toàn những.....Chú nói mẹ hãy coi chừng con, cái bằng con thi đậu chẳng đáng gì đâu, chơi vừa vừa thôi, mới nút mắt ra, con bé nào ngoài huế hay viết thư cho mày đó ?

Tôi không trả lời mẹ, tìm đường phóng lên lầu. Hoài Nam đã kê một cái ghế ở đầu bàn học của tôi. Chúng tôi ngồi uống trà trên gác nhìn xuống ngõ hẹp đêm khuya. Hoài Nam cũng chỉ tập hút thuốc lá như tôi, anh có thói quen. Mãi tới sau này cứ đưa lên mũi ngửi hít cán thuốc. Thỉnh thoảng Hoài Nam lại lên một cơn ho, tôi can anh:

- Không sao đâu " ông " ơi, mình phải làm ông " cụ non " một tí chứ !

Tôi ăn miếng bánh đậu xanh, uống hớp trà nóng, đầu óc tôi thấy tỉnh táo và hình như mắt tôi thêm sáng ra, tôi nhìn xuống con hẻm, những căn nhà lụp xụp, che lợp bằng đủ thứ vật liệu gì nhặt được, ở một căn nhà nào đó vẳng ra tiếng ca vọng cổ của một người nữ buồn thê thiết. Tiếng chửi thề lè nhè của một anh say rượu đang bước thấp bước cao vào hẻm, ánh điện câu vàng vọt. Ở khu bãi rác gió thoảng đưa mùi xú uế. Phía trung tâm SG thì rưc lên ánh điện sáng. Sở rác Nguyễn Tấn Nghiệm ở đường phát Diệm cầu Kho này vẫn còn là vùng giáp ranh với ngoại thành. Tô nghĩ sẽ tả cho Minh Ng qua thu cảnh này, cũng như Minh ng tả cho tôi khu vườn nhà nàng, những câ ycối và những cái tên do chính nàng đặt cho chúng, thơ mộng và lãng mạn làm sa. Nơi tôi ở không có khung cảnh như thế, không có cả tiếng chim hót mỗi sáng.

Trong phút chốc tôi thả hồn đi thật xa, như tôi đã từng thả hồn về dĩ vãng miền Bắc xa vời.

Hoài Nam quan sát tôi với trí thông minh của anh, có lẽ anh hiểu tôi đang nghĩ gì, anh thân mật đặt tay lên tôi:

- Đang nhĩ về Huế và Minh của cậu phải không ?

Tôi cười nhìn Hoài Nam:

- Chắc là cậu cũng vậy ?

Hoài Nam gật đầu, ánh mắt anh ánh lên, tô không tin vì ảnh hưởng cơn sốt vưa qua:

- Tôi nghĩ đến người Minh giới thiệu, hình như cô ta cũng làm thơ và viết tuỳ bút, truyện ngắn gì đó đăng trong văn nghệ học sinh ?

- Đúng vậy, tôi thấy cô ta viết cũng khá, viết trong lứa tuổi học trò.

- Gia đình cô ta cũng có vẻ khá giả ?

- Điều đó tôi không rõ, cũng như tôi không biết gì nhiều về Minh> Tôi nghĩ những gia đình ngoài Huế hầu hết là gia đình công chức, đời sống cũng trung bình vậy thôi, chứ bây giờ có vua quan gì như ngày xưa. Cậu cô đơn, cậu cũng nên có một người bạn gái, thư từ cho đỡ buồn, chỉ có thế thôi.

Hoài Nam nhìn thẳng tôi:

- Ừ, có vậy thôi, mình là một thằng nghèo khổ xấu xí.

- Đừng mặc cảm thế, bộ cậu nghĩ sẽ đi đến đâu nữa ?

- Chẳng nghĩ đến đâu hết, cuộc đời mình chắc từ đây trở đi vẫn chỉ là anh thi sĩ nghèo kiết xác, mình chỉ mê làm thơ, không hiểu sao mình lại đam mê đến thế ?

Hoài Nam ngưng lời một lát :

- Cậu cho mình tờ giấy và cái bao thư, tối nay tôi viết cho " cô bé " một bức thư làm quen, cậu muốn ngủ thì đi ngủ trước đi.

- Không, tôi cũng phải thức viết thư, ngày mai mình bỏ thư luôn thể.

Hoài Nam nói:

- Cậu mua tem luôn nhé !

- Khó gì chuyện đó, cứ viết đi.

Tôi uống ly cà phê với vài chung trà mà mắt ráo hoảnh.

Dẹp những đồ ăn uống lỉnh kỉnh, chúng tôi có mặt bàn rộng thênh thang. Hoài Nam ngồi riêng rẽ một đầu bàn, chúng tôi không ai nói với ai một câu nào nữa. Tôi cắm cúi viết thư cho Minh Ng, báo tin cho nàng biết tôi đã thi đậu, tôi hứa nếu có dịp tôi sẽ ra Huế chơi và thăm nàng. Dù viết dài đến thế nào, khoảng một giờ đêm thì tôi cũng buồn ngủ díp mắt, tôi dán phong thơ lại rồi đi ngủ.

Hoài Nam vẫn ngồi đó, cho đến gần sáng anh vẫn ngồi. Khị tôi thức giấc tôi thấy Hoài Nam ngủ gục trên bàn, mặt đè lên những trang giấy đặc kín chữ. Trên nóc tôn nhà tôi giắt đầy những bản nháp thơ của anh, và sau này cỡ một năm sau, tôi vẫn còn thấy thêm nhiều bài thơ khác sót lại trên mái tôn.

Hè năm đó tôi không ra Huế như tôi đã hứa, nhưng tôi hiểu Huế rất nhiều qua những bức thư của Minh Ng. Đầu óc tôi lúc nào cũng lãng đãng nghĩ về xứ Huế. Tôi yêu thật rồi, nhưng chưa một lần gặp Minh. Chiến tranh và đường xe lửa đã cắt. Mãi gần 40 năm sau tôi mới gặp nàng, nàng đã có cháu nôichạu ngoại. Có một lần tôi thoáng gặp một vài câu thơ của Hoài nam trên mái tôn nhà, tôi chỉ nhớ loáng thoáng câu thơ đó của thuở xa xưa:

Thuở làm thô yêu em
Hoa cúc vàng sân thềm
Lá bay lưng bờ dậu.

Đời sống chúng tôi lặng lẽ trôi. Hoài Nam thường xuyên ăn ở nhà tôi, thời gian này anh làm nhiều thơ, hy vọng góp thành một tập, và tôi viết thư thường xuyên cho Minh Ng mỗi tuần

Hoài nam sôi nổi hơn, anh tuyên bố:

- Thế nào cũng phải đi Huế một chuyến thăm Thu, gia đình Thu biết mình hay không, không cần biết, cứ đi đã rồi mọi chuyện tính sai.

Tôi im lặng, tôi cũng không ngờ, sau này Hoài Nam và Thu sống bên nhau, nên duyên chồng vợ, cả ah đều có danh vọng trong làng văn. Trần Dạ Từ - Nhã Ca. Quê hương Huế và trường Đồng Khánh Huế đón nhận lại đứa con hoang trở lại bằng tác phẩm " Giải khăn sô cho Huế ". Chính là Thu tức Nhã Ca. Một tình yêu đẹp. Tôi chỉ biết nói thế, như nói với nhiều bạn bè.

Thời gian này tôi ít nhận được thư của Minh Ng, tôi nghĩ nàng bận học hành, mọi khi cứ mỗi tuần tôi nhận được một lần, nhưng đã ba tháng qua, mặc dù tôi viết nhiều thư cho Minh Ng, nhưng không có hồi âm.

Bẵng đi một thời gian nữa, tin tức bằn bặt, tôi nghe tin Minh đã có chồng. Tôi quên đi và cho chuyện ấy chỉ là chuyện lãng mạn tuổi trẻ.

Việc buôn bán của mẹ và dì hình như không được suông sẻ cho lắm, tôi thường thấy những nét lo âu trên mặt bà những đêm bà ngồi tính sổ một mình ở quầy hàng.

Những lần đi cất hàng cho mẹ, tôi thấy lượng hàng hoá ngày một ít đi, tô hỏi mẹ, mẹ tôi không giấu, bà đã nói thật, bà thua lỗ trong môt vài chuyến làm ăn lớn, vốn liếng gần như tiêu tan, hằng ngày bà phải đóng hụi chết và tiền góp, nên gia đình tôi túng thiếu thường xuyên.

Tôi bắt đầu lo âu về đời sống gia đình, tôi nghĩ đến một hướng làm ăn nào đó để có thêm tiền góp với mẹ. Hai đứa em tôi tuổi còn nhỏ, chưa đứa nào vượt qua bậc tiểu học. nhưng tôi làm gì đây để giúp gia đình ? Tôi không có nghề ngỗng gì hết, nghề dạy học tư gia các bạn tôi đã làm nhiều, chẳng ăn thua gì, mà tìm một nơi kèm trẻ không phải là một chuyện dễ.

Làm nhà văn hả ? Chuyện đó còn phiêu nữa, tôi chưa phải là nguời chuyên nghiệp, tiền nhuận bút có chăng chỉ là hương hoa. Buổi tối buồn, tôi đi chơi lang thang một mình trên đường vắng, tôi đốt điếu thuốc phì phèo hút. Hình như tôi đã mất đi vẻ vô tư tuổi trẻ thuở nào. Tôi lúng túng khi muốn tìm cho mình một tương lai. Thời gian này các nhà xuất bản ở thành phố dịch thuật nhiều sách nước ngoài, những nhà văn của thế giới rất đa dạng. Tôi say sưa đọc Saint Exupery về nghiệp bay. VN cũng có nhà văn Toàn Phong viết về nghề bay bổng. Sáng ở VN, chiều đã có thể ngồi ăn cơm ở Nhật Bản, ôi đủ thứ thú vị. Nhà văn Toàn Phong, tên thật là Nguyễn Xuân Vinh, một nhà khoa học, là trung tá phi công Không Quân VN, mới được Pháp trao trả lại. Một binh chủng trong nhiều binh chủng trong Quân Lực VNCH. Ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống ở miền Nam, đối đầu với CS miền Bắc. Miền Nam nhất định sẽ giải phóng nhân dân miền Bắc thoát khỏi ách gông cùm của CS. Ngoài quân dịch, đang mở những đợt tuyển quân vào các binh chủng miền Nam.

Tôi say sưa đọc những tác phẩm của nhà văn Toàn Phong. Tôi mơ ước một ngày nào đó tôi bay bổng lên chín tầng mây, tầm mắt mở rộng và tôi vẫn mơ trở thành văn sĩ được.
Tôi rít đỏ đầu điếu thuốc. Mắt hướng lên trời xanh. Tôi phải nói chuyện này với mẹ.
Ấp Đông Ba năm 2000 
Nguyễn Thụy Long
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...