Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế 2

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công
Trương Đăng Quế 2

CHƯƠNG II

THƠ HỌC VĂN DƯ TẬP                                            

1. Thơ Học văn dư tập biểu hiện tấm lòng trung quân ái quốc.         
Tập thơ Học văn dư tập được Mặc Vân Sào tàng bản khắc in năm Tự Đức thứ mười Đinh Tỵ 1857. Thơ Học văn dư tập được sáng tác ở giai đoạn truớc khi thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy ta mới hiểu vì sao thơ Học văn dư tập ít đề cập đến thời sự và tác giả sao không bộc lộ lòng yêu nước bằng cách căm thù và tố cáo tội ác của giặc. Căn cứ vào nhan đề và nội dung của từng bài thơ, ta có thể nói  thơ trong Học văn dư tập được sáng tác từ trước khi tác giả thi đỗ Hương Tiến (1819) đến năm in tập sách (1857). Đây là khoảng thời gian  trị vì của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và mười năm đầu Tự Đức và được xem là thời kỳ tương đối ổn định của triều Nguyễn. Bằng con đường khoa cử, các sĩ tử trong nước cố dùi mài kinh sử để thi đỗ ra làm quan phò vua giúp nước. Nguyễn Công Trứ, tiếng nói của thế hệ thời ấy cho rằng: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Do hạn chế của thời đại, người ta gắn liền khái niệm trung quân với ái quốc. Hễ trung với vua tức là yêu nước. Trương Đăng Quế ngày đêm cũng canh cánh bên lòng mong báo đáp ơn vua 
Đa bệnh vi khu hoạch sở cầu
Nguyện ca Nam Sơn nhã vận thù
(Nhân sâm ca ứng chế)
Dịch:           
Nỗi già bệnh hoạn bâng khuâng
Nguyện ngâm nga khúc Nam Sơn đáp đề 
Và:                                                                                         
Tam triều ân ngộ như nhất nhật
(Cung họa ngự chế thực chi ca)                 
Dịch:                                                                                    
Ba triều tri ngộ trước in sau
Luyến chúa lòng son chẳng đổi màu
Vì trung thành với đấng quân vương nên tác giả thể hiện nỗi căm ghét những bọn tôi loàn phản vua hại nước. Sau biến cố Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An (1833). Ông được cử đi kinh lý Nam Kỳ để lo chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương và nhân dân. Nhân lúc bước lên thành Phiên An tiên sinh cảm xúc viết nên bài thơ Đăng nguyên Phiên An thành hữu cảm trong đó ông cũng bày tỏ thái độ căm giận kẻ tôi loàn gây rối Lê Văn Khôi: 
Khả hận dung thần đa ngộ quốc
Truy tư vâng sự kỷ đê hồi 
Dịch:                                                           
Giận bầy tôi loàn gây nạn nước
Chuyện qua ngẫm lại ý còn vương 
      
Tiên sinh còn lên án các quyền thần gian ác lấn  quyền và cướp ngôi vua như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Chúa Trịnh... Trong bài Độc Việt sử ứng chế, nói  về Trần Thủ Độ, Mạc Đăng Dung, tác giả viết “Thủ Độ chân tặc thần”, “Mạc thị thừa thử thời”. Bên cạnh việc mạt sát bọn quyền thần gian ác, ông cũng hết lòng ca ngợi những đấng minh quân như Lý Thánh Tôn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông và các vị tôi  hiền  như Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành...
 
Trong cương vị chức trách một ông quan, lúc nào tiên sinh cũng nghĩ đến đất nước nhân dân. Khi vào Nam, lúc ra Bắc khắp mọi miền đất nước, nơi đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc công việc. Phải nói nếu không có lòng   yêu đất nước làm sao ông có thể hoàn thành các công việc được giao ấy. Nhận định về chuyến  kinh lý Nam Kỳ năm 1836  của Trương Đăng Quế, Gs. Trần Văn Giàu có viết: “Cuộc kinh lý 1836 đã giải quyết những việc như duyệt dân, tuyển lính, thanh lọc hàng ngũ quan lại, xếp đặt thể lệ chuyển vận đường sông, chia cắt lại đơn vị hành chính, xếp đặt lính tráng bố phòng những đồn bảo trọng yếu, định lệ thưởng phạt trong việc khai hoang, lập ấp v.v... Song kết quả đáng kể hơn hết là lập được đinh bạ và địa bạ cho mỗi thôn xã ở Nam Kỳ, đối với nhà nước đỡ trốn xâu lậu thuế hay lẫn vào bưng biền để tụ tập khởi loạn, đối với xã hội thì bờ cõi đã đúng, kẻ giàu không được bá chiếm, người nghèo đều có tư sản. cách làm  sổ bộ khá chính xác, sau này người Pháp cũng thán phục nhất là địa bạ, có trường hợp đến đầu thế kỷ XX họ vẫn lấy đó làm căn cứ để giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất” (Địa chí văn hóa  thành phố Hồ Chí Minh, trang 213). Tình cảm yêu nước luôn luôn túc trực trong ông. Lúc nào ông cũng tâm niệm dốc lòng yêu nước thương dân. Trong bài “Đắc chỉ qui tỉnh trùng mông sủng dĩ ngự thi chuẩn kỳ họa tiến cung thứ vận”, ông cũng đã từng thố lộ:
 
Phụng quốc nhất tâm thường tỉnh nguyệt
Ưu dân lưỡng mấn dĩ thành sương
(Giúp nước trăng soi lòng thắm thiết
Thương dân sương nhuộm tóc long lanh)
 
Trong lúc còn tại chức, được phép về thăm nhà, tiên sinh vẫn giữ nếp sống như xưa trong ngôi nhà tranh vách đấu thuở nào. Ông vẫn tự hào và thường nói với con cháu rằng: “Nếu muốn có lâu đài  thì ta đã đi làm nghề khác”[6]. Và bài “Trung thu cảm sự” được sáng tác trong dịp này[7] ông cũng viết:
 
Cố quận tư lân vô biệt nghiệp
Thử sinh nguyên dĩ hứa vi thần
   
Dịch:    
Về làng chẳng có cơ đồ sẵn
Giúp nước không màng lợi lộc riêng
(Ưng Trình dịch) 
 
Nhiều khi công việc quá bận rộn, mà sức khỏe lại yếu, ông cũng ước ao được sống cuộc sống của Đào Bành Trạch hay ông ngư, ông tiều. Trong bài Thu dạ ông viết:
 
Thương ôi hà xứ khởi
Lưu hưởng nhập song tần
Sự di mang trung thác
Tình thùy đạm lý thân
Vân như khi nguyệt sấu
Hoa diệc yếm thu bần                                                   
Thán tức Sài Tang viễn[8]
Hy văn thương cúc nhân
 
Dịch:
Gió vàng len đâu đó
Rên rỉ gọi song ngoài
Bối rối làm việc lớn
Trong lành kết cùng ai
Mây nhìn trăng vàng võ
Hoa ngán thu lạc loài
Diệu vợi Sài Tang  hỡi
Cúc thưa người đoái hoài
Trong bài  “Ngư”, ông viết:                                                                           
Thế sự vô đa lự
Tương ngư hoán tửu ẩm
Hạ lạp du nhiên khứ
 
Dịch:
Trò đời chẳng bợn tâm can
Cá đổi rượu say túy lúy
Nón tơi nhẹ bước thênh thang
         
Ông đã từng ao ước có được một cuộc sống thanh thản như Đào Bành Trạch nhưng ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc nhân dân không cho phép ông từ bỏ công việc được:
 
Xước nhỉ hữu chân thú
Du nhiên vô tục tâm
Tư thù lương đống dụng
Vị tiện ngữ u tầm
(Phú  Đắc Nham huyệt vô kiết cấu ứng chế) 
 
Dịch:
Nhàn nhã bấy lâu chứa chan thú vị
Lòng lâng lâng tục lụy xa vời
Đống lương thân trót lo đời
Chưa đành tìm chốn thảnh thơi riêng mình
         
Do bị chi phối bởi tư tưởng trung quân nên cách đánh giá của ông về các nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Lê Văn Khôi là chưa được thỏa đáng. Tuy nhiên cái cốt lõi làm nên giá trị của tư tưởng trung quân ái quốc trong thơ tiên sinh là tấm lòng ưu ái lo cho dân cho nước.
    
2. Tình yêu thiên nhiên đất nước, quê hương
        
Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng ông vẫn dành thì giờ để viếng thăm và thưởng ngoạn. Đi kinh lược Nam Kỳ, ông tìm đến tận các nơi thắng tích để vui cảnh núi sông. Đến thăm Hà Tiên, miền cực Nam của Tổ quốc, ông có bài:    
  
HÀ TIÊN
Diếu diếu yên ba sạ hữu vô
Bách niên tiền thị Mạc công  đô
Đại cư Hải kiếu quần sơn thốc
Nhân tụ hà châu nhất huyện cô
Kim Dự, Phù Dung dư sự tích
Đông Hồ, Nam Phố tiểu qui mô
Sanh thuyền lịch lãm xuyên nguyên thắng
Khước ức Lư Khê cựu điếu đồ
 
Dịch:          
HÀ TIÊN
Mơ màng khói sóng có rồi không
Thành quách trăm năm dấu Mạc công
Ven biển xa xuôi ngàn tiếp núi
Dân lành sum họp huyện ven sông
Phù Dung Kim Dự còn lưu vết
Nam Phố Đông Hồ nhuốm rêu phong
Thuyền lướt sông dài vui thắng cảnh
Lư Khê chạnh tưởng bóng ngư ông
 
Tác giả tả cảnh đẹp Hà Tiên từ xa nhìn tới. Toàn cảnh Hà Tiên ẩn hiện dưới màn sương khói thật huyền ảo. Hình ảnh “diếu diếu yên ba” vừa có nghĩa tả thực vừa có nghĩa biểu tượng cho sương mờ dĩ vãng. Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của Hà Tiên với cái thực trước mắt là vẻ đẹp của núi non và con người. Đồng thời thi nhân cũng lùi về lại dĩ vãng để cảm nhận Hà Tiên trong vẻ đẹp quá khứ của nó. Đối với tiên sinh, Hà Tiên còn nhắc khách thưởng lãm nhớ đến sự nghiệp công lao và câu chuyện tình của Mạc Thiên Tích. Ngày xưa, Mạc Thiên Tích đã có công xây dựng Hà Tiên. Ông biến đảo Hòn Dự thành một pháo đài quân sự kiên cố nhằm bảo vệ mảnh đất quê hương. Bên cạnh sự nghiệp võ công đầy hiển hách, ông còn có câu chuyện tình cảm động. Thời Mạc Thiên Tích có hai cha con từ miền Bắc vào ở lánh nạn, người cha mở trường dạy học còn cô gái ngày ngày lo việc nhà. Bấy giờ Mạc công có mở Chiêu Anh Các để  những đêm trăng chủ khách cùng nhau ngâm vịnh. Cô gái mặc đồ giả trai và thường theo cha vào dự. Thấy vẻ đẹp khác thường, Mạc Thiên Tích sinh nghi bèn để ý rồi xin cưới cô làm vợ. Hai người rất yêu quí nhau. Nhân có kỳ thao diễn quân sự, người vợ lớn giả vờ lấy cớ bị bịnh ở nhà, không theo chồng đi diễn tập. Buổi thao diễn nửa chừng gặp mưa to nên nghỉ. Đồng thời, Mạc công cảm thấy nóng ruột nên về nhà ngay. Đến nhà, thấy trời đang mưa mà các cái vạc lại úp xuống, ông bèn lật ngửa lên. Không ngờ, ông phát hiện người vợ trẻ bị vợ lớn ghen, hãm hại suýt chết trong đó. Sau lần ấy cô gái xuống tóc đi tu. Mạc Thiên Tích không cản ngăn được, bèn xây dựng cho nàng ngôi chùa. Vì thế từ vẻ đẹp hiện thực trước mắt tác giả lui về với dĩ vãng, một mặt nói chuyện quân sự, một mặt đề cập đến câu chuyện tình để tỏ lòng cảm kích, tự hào và thông cảm.
 
Đến Biên Hòa, ông ghé thăm chùa Bảo Phong, còn gọi là Bửu Phong - một ngôi chùa cổ có cảnh đẹp nổi tiếng, tọa lạc trên núi Bửu Long thuộc địa phận Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã qui hoạch nơi đây thành một khu du lịch trong đó có chùa Bửu Phong. Các chi tiết được tiên sinh đề cập trong thơ, ngày nay  hãy còn. Ngoài ra, người ta cho đào vét thêm chung quanh để du khách có thể đi bằng thuyền ngắm cảnh:
 
DU BẢO PHONG TỰ
Bảo Phong danh tự trĩ
Thừa hứng ngẫu lại du
Tịnh thổ đình trì huýnh
Tùng lâm thảo thụ u
Phan nhai đăng cổ tháp
Ỷ thạch vong tình lưu
Biệt hữu quan  tình xứ
Y y Nam Phố đầu
 
Dịch:
VIẾNG CHÙA BẢO PHONG
Bảo Phong chùa đẹp dựa sườn non
Thừa hứng sang chơi rẽ lối mòn
Đất phẳng nhà ao dài lớp lớp
Rừng nguyên cây cỏ rậm muôn muôn
Men bờ lên tháp xưa sừng sững
Tựa đá nhìn sông tạnh nối nguồn
Dạ luống ngẩn ngơ người cảnh cũ
Mờ mờ Nam Phố dáng chon von
         
Đến Thanh Hóa công tác tiên sinh tìm đến động Hồ Công thuộc xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc để xem cảnh thiên nhiên. Trong động Hồ Công có hai tượng đá tương truyền ngày trước có một ông già dắt chú tiểu đồng đi hái thuốc đến nghỉ ở hang này rồi mất dạng. Thời bấy giờ cho là Phí Trưởng Phòng đã hiện thân tới đó nên dân gian khắc tượng để thờ. Phí Trưởng Phòng người quê ở Nhữ Nam đời Đông Hán coi việc sắp xếp  trật tự ở chợ. Một hôm thấy người bán thuốc có phép lạ, ông bèn khẩn nài xin học đạo. Phí Trưởng Phòng theo ông già vào núi học đạo, nhưng không thành đành phải trở về. Khi về ông già cho Phí Trưởng Phòng cây gậy trúc và các đạo bùa để sai khiến quỉ thần. Nhờ có gậy trúc và các đạo bùa Phí Trưởng  Phòng điều khiển lũ quỉ thần theo ý mình. Về sau Phí Trưởng Phòng làm mất bùa bị  lũ ma quỉ giết chết. Tác giả đến thăm động và viết bài:
 
Dịch:
ĐỀ HỒ CÔNG ĐỘNG
Sổ điểm tình phong tỏa đam yên
Hồ trung thế giới tự y nhiên
Hà niên bích động thê thần tích
Thử nhật thạnh hài ngộ túc duyên
Hồng Đức thánh quân ưng đắc đạo
Trưởng Phòng phàm cốt vị thành tiên
Ái Châu danh thắng tùng xưng tối
Bán nhập kỳ tình lãnh lược biên
Dịch:
ĐỀ ĐỘNG HỒ CÔNG
Khói nhạt mờ che mấy đỉnh non
Hồ ôm thế giới mãi chon von
Năm nao động bích ghi thần tích
Ngày ấy hài xanh ngụ duyên son
Hồng Đức vua lành yên mối đạo
Trưởng Phòng tiên cách luyện chưa tròn
Tình vương kinh lược vui danh thắng
Châu Ái kỳ quan dậy tiếng đồn
        
Tiên sinh đến thăm động trong một tư thế  kính cẩn nghiêng mình, thưởng thức cảnh vật và sống lại nhưng giây phút hoài niệm trong thế giới xa xăm thần tiên sự tích.        
Ông cho rằng mình có được cái duyên may đến đây để ngắm cảnh nơi ngày trước vua Lê Thánh Tông cũng đã từng đến đây ngắm cảnh đề thơ. Cái lạ của bài thơ, tác giả nói về Phí Trưởng Phòng nhưng cũng chính là nói về mình. Đến với cảnh tiên siêu thoát nhưng tác giả còn phàm cốt nên không sao đắc đạo được, chỉ có Lê Thánh Tông đáng được coi là đắc đạo “Hồng Đức thánh quân ưng đắc đạo - Trưởng Phòng phàm cốt vị thành tiên”. Thoạt nhìn ta có cảm tưởng các chi tiết đề cập trong bài thơ như có vẻ rời rạc nhưng nhìn chung lại, ông nói Phí Trưởng Phòng, Lê Thánh Tông hay về mình cũng chỉ là để ca ngợi và nói lên cảm xúc trước vẻ đẹp siêu thoát của động Hồ Công.       
Trong lần lãnh nhiệm vụ đi đánh dẹp bọn phỉ ở núi rừng Thanh Hóa, giữa lúc đang chỉ huy cuộc chiến, gặp dịp ông vẫn dành một ít thời gian để thưởng lãm cảnh: 
Chu bạc Kim Sơn tân thứ
Ỷ trạo tằng nhai hạ
Lâm lưu tủng thắng quan
Thanh phong sơn nhất giác
Minh nguyệt thọ thiên bàn
Trích lậu thôi canh hưởng
Minh sa kích thủy thoan
Thông thông qua giáp lý
Thừa hứng tạm bằng lan
 
Dịch:
Ghé thuyền bến đò Kim Sơn
Gành vắng từng cao gác mái chèo
Nước soi cảnh đẹp lặng nhìn theo
Núi nhô cợt gió tràn hơi mát
Cây tỏa đùa trăng loáng bóng gieo
Canh chuyển giọt đồng ngân tiếng giục
Nước chao bờ cát giựt mình reo
Vội vàng giữa chốn chen gươm giáo
Thừa hứng nương lan mặc hiểm nghèo       
Tiên sinh thưởng thức thiên nhiên rất khác lạ. Thông thường người ta chỉ có thể thưởng thức thiên nhiên khi tâm hồn yên ả, thanh nhàn. Còn với ông thì khác, ngay giữa cảnh chiến trường gươm giáo, vẫn thưởng thức thiên nhiên “vội vàng giữa chốn chen gươm giáo? Thừa  hứng nương lan mặc hiểm nghèo”. Điều này cho thấy giữa tác giả và Hồ Chí Minh có phần giống nhau. Hồ Chủ Tịch giữa lúc đang chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp, có dịp Người vẫn thưởng thức thiên nhiên
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Rằm tháng giêng)        
Đi kinh lược Bắc Kỳ tiên sinh ghé thăm núi Dục Thúy - một thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình. Nơi đây các danh nhân thi sĩ đời trước đều đến ngoạn cảnh đề thơ văn như: Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông... Ông cũng đề thơ như: Khâm mạng kinh lược Bắc Kỳ hà đê ư Ninh Bình đăng Dụ.

THÚY SƠN NGẪU ĐỀ
Nham u thắng cảnh ký Ninh Bình
Thử nhật đăng lâm trú giáng tinh
Ngự tứ  Hộ Thành tân hàn tích
Nhân truyền Dục Thúy cựu sơn danh
Nam lai tuấn tiểu thiên phong trĩ
Bắc cố di man nhất thủy hoành
Minh phát đồ trung hồi thủ vọng
Đài ngân thạch sắc hữu dư thanh
 
Dịch:
Ninh Bình hùng vĩ lại u trầm
Ngày nọ dừng quân ghé núi thăm
Chúa tặng Hộ Thành thơ đậm nét
Đời truyền Dục Thúy đỉnh thêm danh
Vời Nam lởm chởm chồi chen đá
Ngó bắc băng dòng sông sủi tăm
Cất bước quay nhìn đường khuất nẻo
Trong lành đá ửng loáng rêu thâm
 
Nói chung mỗi lần đi kinh lý đến đâu ông cũng dành một ít thời giờ để du lãm cảnh đẹp thiên nhiên. Nơi nào ông đến viếng, nơi ấy có thơ đề vịnh cảnh. Ngoài các bài thơ kể trên, Học văn dư tập còn có các bài thơ khác như: Quá Tam Điệp sơn (Qua núi Tam Điệp), Cù Huân Vãn Bạc (Chiều ghé thuyền bến Cù Huân), Sơ dễ Lang Chánh châu (Vừa đến châu Lang Chánh), Trùng du Kim Sơn (Lại viếng Kim Sơn), Hồ thành (Thành nhà Hồ)  v.v...
   

Phải nói với lòng yêu thiên nhiên tha thiết một ý thức thưởng ngoạn theo kiểu thi nhân và một trái tim giàu cảm xúc, dễ nhạy bén với cảnh vật tác giả mới có được những vần thơ như thế.
           
Đọc thơ ông ta còn thấy, ngoài những lúc ông  tìm viếng cảnh để thưởng ngoạn thú vui thiên nhiên, đôi khi cảnh cũng tự tìm đến với ông để đồng cảm vầy vui. Sau buổi tan triều về, tiên sinh đi ngang qua bên cửa đàn chim bỗng líu lo ca hát như mừng vui
 
Triều thoái nhàn lai song hạ thính
Anh anh cầu hữu ý hà ân
(Vịnh oanh ký Thân Đắc Chi kiểm sự) 
 
Dịch:
Lui triều rảnh rỗi nghe bên cửa
Thánh thót vầy đàn chim hót hay
        
Thu đến hàng trăm cỏ hoa rơi rụng điêu tàn. Đến tam thu (tháng thứ  ba của mùa thu)  tức cuối thu cây cỏ ngoài vườn chưa hết rơi vẫn còn đang tiếp tục rụng. Bất giác một buổi sáng ông thấy hoa nở. Đóa hoa xinh thắm lại nở ra trong mùa rơi rụng khiến tác giả xao xuyến và cảm phục
 
Bách thảo điêu linh hậu
Tam thu lãnh lạc dư
Nhất triêu anh diễm phát
Vạn đạo thái hà thư
Phong vũ tương vi hộ
Tùng mai vị bất như
Thương tâm thùy thị giả
Ngã nguyện dữ đồng cư
(Tha nhật kiến kỳ khai hoa hỉ nhi phục phú)
 
Dịch
Qua rồi tan tác cỏ trăm loài
Rời rụng ba thu ngập bóng mây
Một sớm lẫy lừng hương điểm nhụy
Muôn màu  rực rỡ ráng tuôn mây
Đươm nhuần mưa gió đâu theo kịp
Dày dạn tùng mai dễ sánh tày
Ai đấy tơ lòng rung điểm khúc
Ta nguyền chung mái ngất ngây say
         

Câu thơ cuối cùng là cả một tấm lòng của ông và mang tính nhân văn rất cao. Tác giả nói “Ta cũng nguyền cùng loài hoa sống như vậy” hay “ta nguyện được như hoa vậy”. Phải chăng ở đây thi nhân và đóa hoa có một sự đồng cảm lớn. Còn tình yêu thiên nhiên nào hơn thế nữa. Một khi mà tác giả xem mình như  những người cùng hội cùng thuyền với đóa hoa. Trước tiên sinh vài chục năm, trong bài Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du cũng viết: “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (ta tự thấy là người cùng một hội với kẻ mắc nỗi  oan lạ lùng vì nết phong nhã). Chữ “cư” của Nguyễn Du và Trương Đăng Quế có nét nghĩa giống nhau. Nguyễn Du từ thương người (Tiểu Thanh) chuyển qua thương thân. Nhà thơ thấy giữa mình và cô gái có những nét “đồng bệnh tương liên” còn Trương Đăng Quế thương đóa hoa cũng chính là thương mình trong đó.
         

Một lần khác vào tháng mười giữa lúc mưa gió tả tơi, trời rét mướt, ao sen trong dinh bỗng nở một đóa hoa xinh đẹp và thơm ngát. Một trái tim vô cảm sẽ dễ dửng dưng với sự bất thường ấy. Nhưng với ông thì không, ông nâng niu chăm chút và biểu hiện cái nhìn đầy triều mến yêu thương và xen lẫn niềm kính phục. Tác giả viết bài:

         

Thập nguyệt thự trung kiến chiểu liên hữu hoa nhất đóa hương diễm khả ái, cảm nhi toại phú

 
Tam đông hàn lật liệt
Bách thảo tận điêu thương
Nãi hữu liên quân tử
Nhất hoa khai tuế dương
Trinh tâm tỉ tùng bách
Diễm chất trạc băng sương
Linh lạc hưu sầu vãn
Dư tình cẩu tín phương
 
Dịch:
Vào tháng mười, thấy ao sen trong dinh nở một hoa hương thơm sắc đẹp dễ mến, cảm xúc đề thơ
 
Ba tháng đông dài rét mướt
Dập vùi cây cỏ xác xơ
Mượt mà sen soi bóng nước
Ngạo nghễ giữa hạ ai ngờ
Tùng bách lòng trinh sánh được
Tuyết sương hương sắc sởn sơ
Thôi buồn rụng rời thậm thượt
Tin mãi tình ta thơm tho
 

[1] Một đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam: vô ngã – Tạp chí Thông tin KHXH, 1985.
[2] Dư Lê dịch, theo tài liệu của GS. Lê Trí Viễn.
[3] Dư Lê dịch, theo tài liệu của Gs. Lê Trí Viễn.
[4] Nguyễn Xuân Tảo dịch - Tài liệu của Gs. Lê Trí Viễn.
[5] Đoàn Thu Vân - Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỷ XI – XIV, Luận án TS - Đại học sư phạm Tp. HCM - 1995.
[6] Dẫn theo Ưng Trình, Một quan niệm về phương pháp đọc sử, Tạp chí Bách khoa số CII, trang 26-29 Sài Gòn 1960.
[7] Trong “Các tham luận tại hội thảo khoa học...”, các ông Lê Hồng Long, Trương Quang Gia, Quốc Thái đã nhầm khi cho rằng bài thơ này, tiên sinh sáng tác lúc về hưu. Thế nhưng, bài thơ in trong tập Học văn dư tập xuất bản 1857 trước khi tác giả về hưu 1863.
[8] Sài Tang là tên núi ở huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây nơi Đào Tiềm thường đến ở.
Về bài thơ này trong “Các tham luận tại hội thảo khoa học...” có ý kiến khác nhau. Một số tác giả cho rằng tiên sinh giả gởi bánh cho con của người láng giềng. Họ lý giải làm quan không thể nào nghèo đến mức như vậy và phu nhân cũng không có cái tính “năm dài buồn giận, rộng hẹp sinh tuổi hờn”. Một số tác giả khác thì cho rằng tiên sinh làm quan rất thanh liêm nên nghèo đến độ không có tiền gởi bánh cho con “mấy cái bánh là mấy giọt lệ”. Theo tôi, tiên sinh gởi bánh cho con, lúc còn đang đi học bởi hoàn cảnh bấy giờ như ông đã kể trong bài “Trường An du”
 
Thủy ngã xuất môn thì
Vị ngã cần học lực
Thê vị phùng kỳ y
Tỷ vị tặng kỳ thực
 
Dịch:
Buổi đầu rời tổ ấm
Cần học phải đi xa
Áo vợ lo may sắm
Cơm ăn chị ta cho
 
Hơn nữa nếu hiểu gởi bánh cho con cũng không hề giảm giá trị của phu nhân. Hai câu thơ dễ làm cho người ta hiểu nhầm là:
 
Nhữ mẫu đa sầu hận
Khoan thúc sinh oán trụy
(Mẹ năm dài buồn giận
Rộng hẹp sinh tủi hờn)
 
Thực ra câu thơ phải được hiểu  như thế này mới đúng: Mẹ con có nhiều điều buồn hận; rộng (khoan) với người ta thì không đủ sức còn hẹp (thúc) với người ta thì không chịu được. Chính điều đó tiên sinh đã hiểu đúng vợ mình và cũng là nguyên nhân khiến ông cảm thấy khổ không yên long.
 
Khi tiễn cháu gọi bằng cậu về quê, tiên sinh đăm đăm nhìn theo cháu rồi chạnh lòng nghĩ đến thân cháu mồ côi mẹ, ngày ngày lủi thủi nơi mộ mới của em mình mà nghẹn ngào xúc động
 
Thu phong tạc dạ lãnh xâm y
Trù trượng lâm kỳ  tống nhữ quy
Thiên lý khách hoài thương độc tự
Bách niên nhân sự thán đa vi
Cố viên tân trũng mai ngô muội
Cô quán tàn đăng mãn đế kỳ
Ký tạ thân tình hưu  động vấn
Thương tâm vô ngữ đối tà huy
(Tống ngoại sanh Bùi Hữu Nghị hoàn lương)
 
Dịch:
Heo may thấm áo lạnh đêm qua
Ngõ ngặt buồn đưa cháu lại nhà
Nghìn dặm lữ hành thương chiếc bóng
Trăm năm cuộc thế khổ chia xa
Vườn quê mộ mới em hiu quạnh
Quán trọ đèn khuya ngợp gấm hoa
Gởi tạ tình thân thôi chớ hỏi
Nghẹn lời dạ úa ánh dương tà
 
Bài thơ thể hiện tình cảm của cậu đối với cháu. Trong việc biểu hiện tình cảm, tác giả còn thổ lộ tâm trạng mình cho cháu nghe nữa. Nói về chuyện đời, tiên sinh than “Trăm năm chuyện đời mình cứ than hoài, nó trái với ý mình” (Bách niên nhân sự thán đa vi). Nói về mình, tiên sinh thổ lộ cho cháu biết cảnh cậu sống ở đây (tức chốn kinh đô) chẳng khác gì cảnh cô quán (Cô quán tàn đăng mãn đế kỳ). Kết thúc bài thơ, tác giả gởi lời từ tạ với người thân tình và dặn cháu thôi đừng có hỏi về cậu nữa vì lòng thương của cậu đã bày ra đấy rồi, cậu không nói được gì nữa
 
Ký tạ thân tình hưu động vấn
Thương tâm vô ngữ đối tà huy
 
Trương Đăng Trinh là cháu gọi tiên sinh bằng chú ruột, được tiên sinh mang theo dạy dỗ. Tiên sinh quý cháu như con đẻ. Đăng Trinh trúng cử nhân năm 1841 và tiến sĩ đồng xuất thân khoa Nhâm Dần 1842 là người khai khoa thủ sĩ thi hội và thi đình cho tỉnh Quảng Ngãi. Tiên sinh mừng cho cháu, cho gia đình dòng họ và cho đất nước có thêm nhân tài. Tiên sinh đặt niềm tin ở đứa cháu có phẩm hạnh và tài năng này. Nhưng không may, Đăng Trinh vừa được bổ vào Viện Hàn Lâm có mấy tháng thì bị bịnh mất 1843, hưởng dương 32 tuổi. Từng dòng thơ khóc cháu là những chuỗi huyết lệ. Tiếng thơ khóc cháu thật cảm động. Nó vượt ra ngoài giới hạn chú khóc cháu thường tình, mà là tiếng khóc cho một nhân tài, khóc cho số kiếp tài hoa sớm nở tối tàn. Tiên sinh cũng biết bậc quân tử “bất oán thiên bất vưu nhân” (không trách trời không giận người) thế nhưng nỗi đau đến độ xé lòng, tiên sinh phải buộc miệng kêu: “Trời xanh ơi! tại sao?”
 
Vũ kỷ nhất trường đỗng
Ức nhữ hữu sanh thì
Đường thương bạch phát thân
Tất hạ hoàng khẩu nhi
Xả thử lai kinh trung
Duy dư thác thị y
Nam Bắc phong sương khổ
Kỷ tải trường tương tùy
Cần độc lệ tố nghiệp
Nga khoảnh vị tam ly
Khứ xuân nam cung tiệp
Sảo khả ủy tâm kỳ
Thiếu niên nhập Hàn Lâm
Thư hương đạt đế tri
Thẩn thị cầu dã nghệ
Tùng chánh sơ ưu vi
Ngã lão nhữ phương tráng
Hội dương canh thiết thi
Khởi liệu tam thập linh
Sở vọng thúc dĩ vi
Hảo vật bất nại cửu
Xuân hoa dung dị nuy
Du du thương giả thiên
Phước thiện hồ ngô khi
Cố hương cách thiên lí
Quan sơn viễn uy di
Tuyền đài lộ bất minh
Nhữ khứ tương an quy
Thân lão tử hựu ấu
Khổ huống phân nan chi
Niệm cập tồi tâm can
Sảng nhiên hữu dư bi
(Khốc huynh tử Hàn Lâm Tu Soạn Đăng Trinh) 
 
Dịch:      
Vỗ ghế lòng xót xa
Nhớ cháu lúc sinh thời
Tóc bạc mẹ cùng cha
Dưới gót con thơ dại
Bỏ hết ra kinh đô
Nương tựa mỗi mình chú
Nam Bắc bao gian khổ
Theo chí trải nhiều năm
Chăm đọc nối nghiệp tổ
Một khắc cũng không lìa
Xuân rồi tiến sĩ đỗ
Biết sợ lòng ước mong
Thiếu niên vào Hàn Lâm
Tài năng vua biết đến
Đã theo nghiệp thơ văn
Tùng khánh là rất tốt
Ta già cháu trai trẻ
Chính là lúc đua tài
Ôi!  ba mươi tuổi lẻ
Ước mong lòng đơn sơ
Vật tốt khó bền sao
Hoa xuân dễ khô héo
Thăm thẳm trời xanh cao
Lừa dối ta - Phúc thiện
Cố hương ngàn vạn lý
Quan quan xa biết bao
Tuyền đài đường mờ mịt
Cháu đi về làm sao!
Cha mẹ già con nhỏ
Đau khổ biết nhường nào
Nghĩ đến lòng chua xót
Trời xanh ơi!  tại sao?
(Huỳnh Châu dịch)
 
Trong văn học Việt Nam, ta thấy đã có thơ chồng khóc vợ, vợ khóc chồng, bạn khóc bạn, nhiều bài nổi tiếng như: Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa; Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Riêng thơ khóc cháu thì rất hiếm. Cho nên chúng ta có thể coi đây là một đóng góp của tiên sinh vào thơ ca Việt Nam về đề tài khóc cháu. Ở Trung Quốc thời nhà Đường có bài văn khóc cháu của Hàn Dũ rất nổi tiếng. Trương tiên sinh cách Hàn Dũ đến hơn mười thế kỷ. Hai con người ở hai thời đại khác nhau nhưng lại giống nhau ở niềm đau mất cháu. Hàn Dũ khóc cháu như sau: “Ô hô! Ta lúc nhỏ mồ côi, lớn lên nương tựa anh ruột chị dâu. Giữa đời anh mất, ta và ngươi đều bé, cùng chị đưa anh táng ở Hà Dương. Rồi cùng ngươi kiếm sống ở Giang Nam, linh đinh cô khổ, chưa một ngày rời nhau. Ta có ba anh đều bất hạnh mất sớm. Thừa tiếp tổ tiên, cháu chỉ có ngươi, con chỉ có ta, hai đời một thân, hình đơn ảnh chiếc. Chị dâu ta thường hay vỗ ngươi  chỉ ta mà rằng: “Hai đời họ Hàn chỉ có bấy nhiêu thôi”. Lúc đó ngươi còn nhỏ chẳng nhớ được gì. Ta đã biết chút ít, nhưng cũng chưa rõ được điều ấy bi đát đến mực nào!  Ta mười chín tuổi đến kinh thành, bốn năm sau về thăm ngươi. Lại bốn năm nữa ta về Hà Dương thăm phần mộ gặp ngươi đưa chị dâu ta về táng. Hai năm sau ta giúp Đỗng thừa tướng ở Biện Châu, ngươi đến thăm ta chỉ một năm, rồi xin về. Năm sau thừa tướng mất, ta rời Biện Châu ngươi chẳng lại (... ). Than ôi!  Ai bảo được rằng ngươi rời ta rồi mất. Thời trẻ ta và chỉ tạm xa nhau, nghĩ rồi sẽ ở với nhau mãi mãi. Ta rời ngươi để theo cơm áo ở kinh sư, dầu chức cao bỗng hậu  vẫn muốn có ngươi bên cạnh. Năm rồi ta gởi thư nhờ Mạnh Đông Dã trao ngươi, cho biết ta bốn mươi mà mắt đã lờ mờ, tóc ngã màu sương, răng lay động, nghĩ đến cha anh mạnh khỏe mà mất sớm, ta đã suy thì làm sao lâu bền được? Ta không đến ngươi không lại, nếu lỡ có chết làm sao bảo bọc cho nhau! Ai ngờ bé lại mất, lớn mà còn, mạnh thì chết non, bệnh mà sống trời ơi! Có tin được không? hay là mộng hay là lời báo sai? Tin hay ngờ? Anh ta thạnh đức mà còn yểu để mất sở tự, chú minh mẫn mà không nhờ được ơn phước? Trẻ mạnh mà chết yểu, già thêm suy mà còn đây tin được sao? (...). Than ôi! ngươi bệnh ta không biết giờ, ngươi chết ta không biết ngày. Sống chẳng hay cùng ở nuôi nhau, chết chẳng hay vỗ ngươi mà thương tiếc chẳng liệm áo quan, chẳng đến mồ mả, ta phụ thần minh chăng, để khiến ngươi yểu mệnh? Chẳng hiếu chẳng lành? Không nuôi ngươi khi sống? Giữ ngươi khi mất? Một ở chân trời, một ở góc biển? Lúc sống không hình theo bóng lúc chết chẳng theo mộng, ta làm gì đây, ta oán ai đây, hỡi trời xanh? (Trích tế thập nhị lang văn trong cổ văn quan chỉ).
 
Trong tình huynh đệ, đề tài bình thường không có gì khác ngoài lòng biết ơn, thương nhớ và khóc chị, khóc anh, khóc em, khóc cháu nhưng cách biểu lộ tình cảm của tác giả thật phong phú và đa dạng, không bài nào giống bài nào. Mỗi bài biểu hiện một cách riêng biệt nhưng chung qui lại vẫn là tình cảm chân thành quí mến anh, chị, em, cháu của tác giả.
 
4. Tình bằng hữu
 
Tình bằng hữu là thứ tình cảm tối trọng được xếp thứ năm trong ngũ luân. Trong đời sống ai ai lại không có bạn. Bạn bè có đủ mọi thứ: bạn học, bạn láng giềng, bạn qua đường v.v... Nói chung bạn bè thì nhiều  nhưng bạn tâm giao rất ít. Cho nên vấn đề “trạch hữu” (chọn bạn) là rất quan trọng. Người xưa quan niệm: chơi với bạn tốt như vào nhà có cỏ chi cỏ lan thơm, lây mà không biết, chơi với bạn xấu như vào hàng cá dính mùi tanh mà không hay (Dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan chi thất; dữ bất thiện nhân cư, như nhập bào ngư chi tứ). Đối với tiên sinh cũng vậy. Tình bằng hữu là rất quí. Ông coi trọng tình nghĩa bằng hữu nhưng không phải vì thế mà đụng ai ông cũng kết giao. Những kẻ lòng dạ xấu xa đầu  môi chót lưỡi xu nịnh tiên sinh dứt khoát không kết thân. Tác giả cho rằng mùi thơm, mùi thối không thể cùng hợp với nhau, lòng mỗi người mỗi khác:
 
Hương xú bất tương đầu
Nhân các kỳ hữu tâm
(Di tỷ)
 
Rồi tiên sinh đi đến kết luận làm sao có thể kết chung với nhau được: Ninh năng quần dữ du  (Di tỷ).
 
Trong bài Tạp hứng (bài sáu) một mặt ông vừa phê phán kiểu kết thân cẩu thả một mặt ông bày tỏ quan điểm của mình:
 
Cố giả trọng tri giao
Kim giả hà thảo thảo
Ngô phi hiếu du nhân
Khai khẩu triết đạo hảo
 
Dịch:
Người xưa coi trọng tri giao
Mà nay cẩu thả làm sao thế này
Ta không dua nịnh kết bầy
Cứ khen tốt tốt hay hay vừa lòng
(Huỳnh Châu dịch)
 
Bạn bè người nào hiểu được ông thì ông quí mến vô cùng. Trong bài Ký hữu tiên sinh tâm sự với bạn rất chân tình: ông cho mình tính vụng về nên khó hợp người, duy chỉ có bạn là hiểu thôi. Từ giã làng xóm ra kinh đô ở, coi kinh đô là nhà, sống không có hàng xóm, bạn là thân thiết, làm việc gì bạn cũng biết và lòng bạn không bao giờ ghét mình. Xa nhau lâu, lòng cũng không thay đổi, cầm quyền giàu sang không phải là điều muốn của hai chúng ta. Vì thế lúc nào tác giả cũng nghĩ về người bạn đó:
 
Tính chuyết quả sở hợp
Độc dữ quân tương tri
Tự tùng quan thú lai
Từ hương gia kinh sư
Khách cư vô tri lân
Đông triếp khởi quân tư
Nhân sinh quý an thích
Câu thúc đồ nhỉ vi
Ngô sự cẩu đắc nhàn
Phi y tứ  sở chi
Lương phong phác diện lai
Vi vũ  hạ phi phí
Vọng vọng hành hướng quân
Triều thoái quy lai trì
Bần tiện ủy lao bãi
Triều tọa điều thê nhi
Ngã tâm bi sở tồn
Lâm lộ cửu trù trì
Tri quân tình bất yếm
Cửu viễn vô biến di
Tích nhân luận giao đạo
Thùy giới tại sổ ty
Quyền quý phi ngã ngẫu
Tư quân diệc hữu thì
 
Dịch:
Tính vụng khó hợp người
Chỉ mình anh biết thôi
Làm quan từ buổi ấy
Nơi kinh đô xa xôi
Đất khách không bè bạn
Nghĩ là nhớ anh thôi
Ở đời quý sở thích
Thân ta trói buộc rồi
Việc quan sao nhàn được
Khó muốn là đi thôi!
Gió mát phất qua mặt
Mưa nhỏ rơi bồi hồi
Đăm đăm về hướng anh
Khi bãi chầu, sắp tối
Người nghèo mừng xong việc
Cùng vợ con đùa vui
Ngần ngại bước trên đường
Lòng cứ buồn không nguôi
Biết anh không chán ta
Dù cách lâu không đổi
Người xưa bàn giao tiếp
Chú trọng điều này thôi
Quyền quý đâu hợp ta
Nghĩ đến anh lâu rồi
( Huỳnh Châu dịch)
 

Tiên sinh quý bạn đến mức, ban đêm trời tối vẫn đi đến nhà bạn ở  tận trong thôn xóm để thăm. Đi được nửa đường gặp lúc mưa lớn, trời tối ông đành phải trở về trong nỗi buồn ray rứt:
 
Thao thao vũ vi dĩ
Nhậm ý hướng tiến hành
Trung tâm hữu sở tàng
Liêu dĩ cầu hữu sanh
Cố nhân phương yểm môn
Cao ngọa sầu không minh
Đê hồi cù lộ trắc
Giáo ngã nan vi tình
Minh sắc mạc nhiên lai
Sương phong thê tứ linh
Vi vi yên thụ  ngoại
Kỷ cá hôn tinh minh
Cô hoài ám dị thương
Lâm vọng nan cửu đình
Quy lai khế diêm hạ
Tức ý tư tự ninh
(Mạo vũ phỏng hữu nhân thôn cư trung đồ nhật mộ trướng nhiên nhi phản)

 

Dịch:
Mưa rơi rơi chưa dứt
Ta muốn đi về trước
Lòng có điều ray rứt
Ghé bạn thăm cho được
Cửa bạn đóng kín chặt
Nằm cao buồn sướt mướt
Đường mấp mô trúc trắc
Niềm thương đành chùn bước
Màn đêm buông ào ạt
Sương gió giăng lướt thướt
Khói cây xa mờ nhạt
Sao vài ngôi điểm xuyết
Xót xa niềm cô tức
Ngó mông khôn chầu chực
Về dưới mái nghỉ ngơi
Muốn đi chờ khi khác
 
Bạn hẹn đến chơi với ông nhưng lại không đến. Ông chờ đợi bạn trong khắc khoải ngẩn ngơ. Ông hết nhìn ra đầu cầu đến nhìn lên bầu trời rồi lại nhìn chồng sách vở
 
Tạc dạ tín hữu ước
Như hà kim bất lai?
Kiều đầu nhân quá tận
Thiên tuế điểu phi hồi
Thư quyển không tương hướng
Môn phi bán tự khai
Trì trù minh nguyệt dạ
Ngọc lậu nhược vi thôi
(Vọng hữu nhân bất chí)

 

Dịch:
Tin hẹn đến đêm qua
Mà nay sao chẳng lại?
Đầu cầu người dần xa
Khắp ngả  chim về mãi
Sách vở nhìn thờ ơ
Cửa then cài lỡ nửa
Ánh trăng đêm ngẩn ngơ
Thời khắc buông uể oải
(Trông bạn chẳng đến)
 
Có những đêm mưa, tiên sinh nhớ bạn đến mức không sao chợp mắt được, phải ngồi dậy mắt cứ trông ra ngoài trời, tai nghe từng hồi trống cầm canh điểm
 
Thiên địa phong vũ hợp
Không đình tứ vọng diêu
Cô đăng nhập dạ hàn
Canh cổ thanh liêu liêu
Tàn nguyệt tự đông sanh
Hồ ba trướng vi triều
Tư quân bất khả kiến
Độc tọa tâm hồn diêu
(Phong vũ dạ hoài cố nhân)
 
Dịch:
Gió mưa ngợp đất trời
Sân vắng mắt xa vời
Đèn soi đêm hiu hắt
Trống canh điểm chơi vơi
Đằng đông trăng tàn trôi
Hồ sóng triều lên khơi
Nhớ ông nào gặp mặt
Ngồi không lòng bồi hồi
 
Đưa tiễn bạn đi ra Bắc, ông tưởng tượng ra cảnh bạn đi lủi thủi một mình trên đường dài thăm thẳm, không có ai bầu bạn, lòng ông bỗng trào lên nỗi băn khoăn lo lắng
 
Ước ngã đồng chu khứ
Nhi kim quân lục hành
Trình đồ thùy dữ bạn
Bạt thiệp thả cô chinh
Tứ dữ sơn vân hợp
Sầu tùy hải nguyệt sanh
Kinh thành tương hội xứ
Câu thi khách trung tình
(Tống hữu nhân chi Bắc thành đính dĩ kinh đô tương hội)
 
Dịch:
Ông hẹn ta trẫy thuyền
Nay đơn chiếc chinh yên
Trải đường dài ai bạn
Vượt núi sông tự chuyên
Tơ tưởng hợp mây ngàn
Ưu phiền theo trăng biển
Trường An mong gặp lại
Niềm lữ thứ triền miên
 
Khi bạn ông là Quảng Ninh Công con trai thứ ba mươi của vua Minh Mạng tên là Miên Bí cũng là người hay thơ, có chân trong Mặc Vân thi xã không may qua đời, tiên sinh đau đớn khóc bạn thật thê lương. Lời thơ cho thấy tiên sinh còn lại một mình sống tiếp nối những ngày tháng đơn côi trong đầm đìa nước mắt
 
Truất truất kim chi tú
Đình đình ngọc thụ tư
Hồ thiên giao đoản mệnh
Dữ thế cảnh trường từ
Cô nữ niên phương ấu
Từ thân lão cánh bi
Ta tai thân hậu sự
Đọa lệ hữu di bi
(Khốc Quảng Ninh Công)
 
Dịch:
Cành vàng tươi tốt biết bao nhiêu
Cây ngọc mười phân dáng mỹ miều
Về với số trời mau cát bụi
Rời xa cuộc thế sớm cô liêu
Gái thơ bé bỏng đau côi cút
Cha mẹ già nua tuổi hắt hiu
Buồn ngẫm mình ta ngày tiếp nối
Lệ đầm bia mới xót trăm chiều
 
Hai câu kết của bài thơ là hai câu thơ hay nhất: Ta tai thân hậu sự - Đọa lệ hữu di bi (Thương ôi, việc sau  khi cái thân của bạn mất rồi, rơi lệ chỉ còn sót lại cái bia thôi). Cái đau xót của ông là bạn chết rồi thì thân xác của bạn cũng biến theo mất, nhìn lại chỗ bạn nằm duy chỉ còn thấy tấm bia mà thôi. Từ tình thương và nỗi đau xót, tác giả vươn tới triết lý nhân sinh. Cuộc nhân sinh là như thế. Khi còn sống con người còn tất cả, đến lúc mất con người mất hết tất cả. Ý thơ của ông có phần nào cũng giống câu thơ của Nguyễn Gia Thiều “Trăm năm một đám cỏ khâu xanh rì”  (Cung oán ngâm khúc).
 
Chúng ta đã biết tiên sinh làm quan to ở triều đình nên bạn bè rất đông. Ngoài các danh sĩ trong Mặc Vân thi xã thường cùng tiên sinh hội ẩm, xướng họa thơ văn còn có nhiều danh sĩ khác tới lui công tác chuyện trò. Tình cảm ấy được tác giả biểu hiện qua các lần tao ngộ, chia tay... Người đọc có thể tìm thấy ở ông một tình bạn chân thành, giản dị, không kiểu cách khách sáo. Đặc biệt ông coi trọng tình bạn cốt ở tấm lòng hiểu biết và quý mến nhau.
 
5. Tình bác ái:
Tiếp nối trào lưu nhân văn chủ nghĩa giữa thế kỷ  XVIII của các nhà thơ Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, ông cũng quan tâm đến số phận người phụ nữ. Ông thương xót cho số phận của cô gái ở chốn thanh lâu. Vốn là một cô gái xinh đẹp mỹ miều lại phải đem thân cho thiên hạ mua cười, nhưng rồi tuổi xuân qua đi, cái già xồng xộc tới. Thân phận bị bỏ rơi long đong. Nàng vừa thương cho nỗi mình vừa oán trách cho số kiếp. Ở đây ta bắt gặp tính nhân văn của Nguyễn Du đã chảy sang Trương Đăng Quế. Trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du viết:
 
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một  kiếp
Liều tuổi xuân mua nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Chồng con đâu tá biết là cậy ai?
 
Với tấm lòng thương cảm sâu xa, Trương Đăng Quế cũng viết:
THANH LÂU OÁN
Dương hoa chánh hảo khan
Đào hoa diệc phục tiên
Nhân sinh kỷ thời hảo
Nhan sắc khí trí lão
Đại chung đồ nhiên
Trường An thiếu niên du đãng tử
Vãng lai du hí Trường An lí
Vi nhan tác thái đa khả lân
Đắc ý đồng tâm hướng thùy thị?
Triêu du tử mạch vãn lai qui
Dục ngữ trì trù khước liễm mi
Sách tánh lâm đăng chiếu minh kính
Tư căng nhan sắc vị thường suy
Vân hoàn vãn tựu tân cung dạng
Giá dữ xuân phong bất đa nhượng
Quân khan thập bội mỹ ư hoa
Thùy nhẫn xuân hoa tiếu tương hướng
 
Dịch:
HẬN LẦU XANH
Hoa dương óng ả lạ nhường
Hồng đào tươi tắn dễ thường không yêu
Ngày xanh phỏng được bao nhiêu
Má hồng thoáng chốc tiêu điều già nua
Trò đời lắm nỗi gió mưa
Tình người quen thói đong đưa qua đường
Có chàng trẻ tuổi lang thang
Tới lui đào mận Trường An ngày ngày
Đầu mày cuối mắt đắm say
Tâm đầu ý hợp hỏi rày mong ai
Sáng chiều ngõ tía rong chơi
Thẹn thuồng muốn nói, nghẹn lời cau mi
Đèn khuya gương rọi tâm tư
Ngùi thương nhan sắc vẫn như dạo nào
Tóc mây vấn gọn buổi đầu
Chi nhường gió sớm dạt dào tình xuân
Hơn hoa sắc sảo bội phần
Nhìn hoa ai nỡ lần khân bông đùa?
 
Ông còn mượn lời người vợ bị chồng bỏ để nói lên nỗi bất công của tất cả những người phụ nữ sống trong xã hội cũ. Lúc còn xuân thì cùng nhau thề nguyền yêu đương hết mực một bước không rời. Về sau nhan sắc của người phụ nữ dễ mau tàn phai trước, người chồng thay lòng đổi dạ ngoảnh mặt làm ngơ. Số phận của người phụ nữ bị bỏ rơi. Đó là điều bất công mà ông đã lên tiếng cảnh báo, bênh vực, đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho họ
 
Tích thiếp thiếu niên thì
Dữ quân vi tương tri
Thệ thủ đồng bách niên
Tương hoan vô biệt ly
Kim triêu nhan sắc suy
Quân hành đa khả nghi
Dục ngôn bất khả đắc
Tương kiến chung vô kỳ
Quân như sơn thượng tùng
Độc lập cố bất di
Thiếp như thủy trung chu
Phiêu bạt vô khả y
Trầm tư mỗi nhật dạ
Thử tình đương cáo thùy
Khai môn dục tiền khứ
Bất tri hà sở chi
Tương cách kỷ lý hử
Tương đối như thiên nhi
Quân lượng chấp cao tiết
Tiện thiếp phù hà vi
(Khí phụ từ)
 
Dịch:
Xưa thiếp còn bé bỏng
Vầy lứa đôi cùng chàng
Thề mãi hình theo bóng
Chung vui chẳng lìa tan
Nhan sắc sớm suy vong
Lang quân dạ trái ngang
Nói ra dường ngập ngọng
Hẹn đâu thêm bẽ bàng
Chàng là tùng trên non
Bền chân như thạch bàn
Giữa dòng thiếp thuyền con
Đời phiêu bạt lang thang
Ngày đêm lòng héo hon
Hỏi cùng ai thở than
Muốn bước ra ngoài song
Biết chốn nào rẽ sang?
Đường xa bao nhiêu phỏng
Mà cách nhau dặm ngàn
Chàng quyết giữ tiết trong
Thiếp làm sao hở chàng?
 
Thấy một cô gái bên dòng sông xuân đêm qua trong cảnh mưa rơi cứ đi dọc ven bờ với dáng hình thu nhỏ, ông không ngăn được cảm xúc:
 
Tạc dạ vũ thủy hạ
Xuân giang vi lãng sanh
Thiếp tâm sở hữu cảm
Diên ngạn tự vi hành
(Xuân giang khúc)
 
Dịch:
Đêm qua có mưa nhỏ
Lòng sông sóng gợn mờ
Lòng em xao xuyến bấy
Ven sông bước bước hờ
(Bài ca sông xuân - Lê Kỉnh dịch)
 
Năm 1836 Minh Mạng thứ 17, ông được cử đi dẹp cuộc nổi dậy Lê Duy Hiển ở vùng thượng du Thanh Hóa. Các cuộc nổi dậy này là do các quan muốn cát cứ chống lại  nhà Nguyễn. Qua bài Kỷ hành, ông kể lại sự việc này một cách chân thật và khiêm tốn
 
Tuế  diễu phụng Bắc hành
Sóc phong chiến hàn lật
Tráng chí khinh trường đồ
Nhung can đại hoa bút
Thư sanh vị tri binh
Tằng bị Tư Mã trật
Trù hoạch tuân miếu mô
Tôn Ngô vô dị thuật
Tướng sĩ cổ dũng tiến
Man phỉ tận bôn dật
Tiễu bình công hanh thành
Bài thị dụ đắc thất
 
Dịch:
Cuối năm phụng mạng đi ra Bắc
Gió bấc heo may lạnh buốt xương
Hùng tâm tráng khí mà lên đường
Giáp binh tạm thay cho bút nghiên
Đọc sách nên chưa biết việc binh
Mà lại làm quan trật Tư  Mã
Làm theo kế hoạch của triều đình
Tôn Ngô cũng không thuật gì lạ
Khích lệ  tướng sĩ anh dũng tiến
Man phỉ hoảng kinh bỏ chạy hết
May mắn bình định được hoàn thành
Cáo thị hiểu dụ chuyện được mất
(Huỳnh Châu dịch)
 
Quân giặc bỏ chạy vào núi, tiên sinh không cho truy giết mà chủ trương:
 
Viên khai tam diện nhân
Từ từ gia vũ tuất
Hành chi tuần nhật gian
Kinh tán thứ đệ xuất
 
Dịch:
Mở ra ba mặt đức nhân
Vỗ về an ủi nhân dân chốn này
Trong vòng chỉ  có mười ngày
Những kẻ chạy trốn ra ngay đầu hàng
(Huỳnh Châu dịch)
 
Kết quả:
Nghịch đảng nhất triêu tất
Sở chí bất tham tàn
(Đảng nghịch một sớm rã tan
Không cần làm việc tham tàn bất nhân)
 
Ở đây tiên sinh đã dùng chiến lược, chiến thuật tài tình lấy “mưu phạt tâm công” làm chính, theo kiểu Nguyễn Trãi. Và ông đã tiếp nối quan điểm của Nguyễn Trãi là:
 
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức
Chẳng những mưu kế kỳ diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
(Đại Cáo Bình Ngô)
 
Qua đó ta thấy tấm lòng nhân đức  thương quí dân của ông. Một mặt ông vừa giúp vua bình định xã tắc một mặt ông vừa giúp dân, vỗ về an ủi họ. Đó là nội dung tiến bộ của tư tưởng “hạ trạch dân” của ông.
 
6. Nỗi niềm tâm sự
 
Ngày xưa Trâu Dương có nói: “Nữ vô mỹ ác nhập cung kiến đố. Sĩ vô hiền bất tiếu nhập triều kiến tật” (Con gái không cứ đẹp xấu đã vào cung là có sự ghen tuông. Kẻ sĩ giỏi hay không đã vào triều là có sự ghen ghét). Huống chi tiên sinh vào triều, công danh lại lên đến tột đỉnh thì càng có nhiều người ghen ghét hơn. Mọi sự đố kỵ dèm pha luôn luôn rình rập bên mình. Nếu ông không khéo cẩn thận thì cũng dễ mất chức và tù tội. Nguyễn Công Trứ cũng bị dèm pha mà cả đời long đong lận đận khi lên khi xuống. Nguyễn Công Trứ phải ngán ngẫm cho sự đời:
 
Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận đã căm gan miệng mỉm cười
 
Và ông còn nguyện: “Kiếp sau xin chớ làm người”. Trương Đăng Quế đã bao lần thoát khỏi sự tranh chấp, dèm pha. Trong hai lần phụng mệnh di chiếu để tôn tân quân, Lần một, ông phụng mệnh di chiếu của vua Minh Mạng để tôn vua Thiệu Trị. Đó là lần suôn sẻ. Riêng lần hai, phụng mệnh di chiếu của vua Thiệu Trị, ông cùng với các triều thần tôn Tự Đức lên ngôi vua mới thật gay go. Các sách lịch sử gọi đây là “một biến cố cung đình”. Theo di chiếu ông đã mạnh dạn gạt Hồng Bảo con trưởng để Hồng Nhậm  (Tự Đức) lên nối ngôi. Hồng Bảo uất ức “nói với mọi người rằng ông ta đã bị cướp ngôi, ông cũng vui lòng vì chính em trai ông được lên ngôi chứ không phải là ai khác. Ông chỉ  muốn làm vua dù chỉ một ngày để moi gan ông Quế”.[1]
 
Một việc khác, theo Đại Nam chính biên liệt truyện thuật lại năm 1849: “Nhà của công chúa An Mỹ bị mất cắp. Quân cảnh vệ ở kinh thành tố cáo Nguyễn Tân thành viên nội các là đồng lõa và đồng thời tố cáo Lê Mậu Hanh thuộc đội thị vệ đã để bọn trộm trốn thoát dù biết rõ chúng là tội phạm. Bộ Hình báo chuyện ấy lên đức vua bằng lời lẽ không rõ ràng. Quế cho rằng cần cách chức Tân và Mậu Hanh và giao cho nhà cầm quyền tra xét. Quỹ tố cáo sự can thiệp của Quế vào vụ này vượt quá quyền hạn của phụ chánh đại thần. Nhưng Tự Đức bảo vệ Quế trước sự tố cáo của Bùi Quỹ”.[2]
Trên đây là hai trong hằng trăm vụ việc mà tiên sinh phải đối phó. Sau vụ Bùi Quỹ ông đệ đơn xin thôi chức phụ chính đại thần với lời lẽ: “Các quan ngự sử tố cáo chúng thần lạm quyền, các tỉnh thần nghi ngờ chúng thần trấn áp, các cộng sự ở triều khuyên chúng thần không nên giữ cương vị này quá lâu và sẽ trách chúng thần tham quyền cố vị”[3]
 
Tự Đức lên ngôi được hai năm, ông bắt đầu xin về hưu. Lần1 (1850) vua Tự Đức phê trẫm muốn dùng cận thần, khanh hãy ở lại. Lần 2 (1855) vua Tự Đức phê không người thay thế. Lần 3 (1860), lần 4 (1862), Tự Đức cũng không cho. Lần 5 (1863) vua Tự Đức lại không ưng thuận và phán “Khanh tuổi già mà trí tuệ còn giỏi... Cái kiến thức mạnh mẽ tinh tường ấy, bọn hậu tiến không thể kịp được”[4]. Lần thứ 6, tháng ba Quí Hợi 1863 tiên sinh 71 tuổi lại xin thì mới được về hưu.
 
Sống trong hoàn cảnh như vậy, ông luôn luôn làm việc cẩn trọng và cố giữ mình “Khi tại chức, phong thái của tiên sinh lúc nào cũng có vẻ nghiêm trang ung dung nhàn nhã, sắc mặt, giọng nói chẳng hề xao xuyến từ việc to tát khó khăn cho đến việc vướng vít tỉ mỉ đều giải quyết ra lẽ”[5]. Ông cũng không tham quyền cố vị, không tham muốn công danh phú quí:
 
Phú quí bất túc mô
Chấp tiên hà sở cầu
(Tạp hứng 3) 
Dịch:
Phú quí không làm ta thích
Hà tất phải cầu làm kẻ cầm roi
 
Từ năm 57 tuổi ông đã chán ngán cảnh quan trường và nhất quyết xin về hưu để vui thú điền viên. Nhiều lần xin mà không được chấp thuận, ông đâm ra bực bội:
 
Thù ân vị liễu thời
Nhật mộ tăng sầu tịch
(Giang hồ hoài cựu du) 
 
Dịch:
Báo ân đến bao giờ mới hết
Trời chiều tăng thêm buồn
 
Ông chán cuộc đời làm quan nhưng lại phải làm nên điều đó đối với ông là cái hận:
Khởi vi thăng đấu lụy
Lưu hận thử thân danh
(Xuân nhật thư hòai) 
 
Dịch:
Đẩu thăng phiền lụy há theo
Chuốc sầu gây hận đến điều thân danh
         
Sống trong cảnh nghi kỵ, dòm ngó, ông vẫn giữ một mực với lối sống:
 
Ngô phi hảo du nhân
Khai khẩu triếp đạo hảo
(Tạp hứng 6) 
Dịch:
Ta chẳng phải kẻ xu nịnh
Mở miệng ra là cái gì cũng tốt 
Vì chán ngán công danh và cũng không theo bè phái nên càng ngày tiên sinh càng cảm thấy cô đơn bất lự 
Nhân bất hiền dữ bỉ
Xuất môn tranh sở đầu
Tê tê nhất chích thân
Mưu chi vị hữu trù
(Tạp hứng 3)
Dịch:
Người hiền ở với kẻ dữ
Ra cửa là tranh nhau
Ta một mình vò võ
Mưu chước được gì đâu
(Huỳnh Châu dịch) 
Trong bài Giang hồ hoài cựu du sau khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, ông liên hệ đến cuộc đời làm quan của mình và than
Cố ngã du hoạn trung
Phong trần thượng vi khách
(Ngó lại cuộc đời làm quan của ta vẫn hãy còn là khách phong trần). Nhiều khi muốn quên đi tất cả ông đã dùng đến rượu. Ông tự động viên mình uống, uống cho thật say để khỏi phải tỉnh 
Hữu tửu, hữu tửu
Châm chi, chước chi
Chúng nhân giai túy
Ngã tỉnh hà vi?
(Hữu tửu)
Dịch:
Có rượu, có rượu
Rót đi, uống đi
Mọi người say cả
Ta tỉnh làm gì?
(Trần văn Thận dịch) 
Nhưng rượu không phải là lối thoát duy nhất để giải thoát khỏi buồn phiền, tiên sinh tìm đến mộng tưởng. Nếu ngày xưa Lý Bạch đã xem đời là một giấc mộng lớn và nói: 
Xử  thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh 
Thì nay Trương Đăng Quế với tâm trạng chán chường cho số phận phù sinh và trò đời biến dịch đã dành cho tâm hồn mình những phút bay về Bồng Lai tiên cảnh đầy tưởng tượng
Tích mộng du tiên đô
Cao níp Bồng Lai đảo
Thượng hữu chúng tiên nữ
Minh mâu tín mỹ giảo
Trung y giáng tiêu nhân
Dữ ngã tối thân hảo
Thượng khủng cách tiên trần
Dư tình mạc năng đạo 
Dịch:
Xưa mộng chơi cõi tiên
Cao xa trên đảo Bồng Lai
Trên đó có nhiều tiên nữ
Mắt sáng vẻ đẹp rực rỡ
Trong đám quần áo đó có người mặc áo đỏ
Với ta là rất thân
Thường lo tiên và trần xa cách
Mối tình này làm sao nói được
(Trần Văn Thận dịch) 

Chú thích:

[1] Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2 quyển 21 tờ 10a. Dẫn theo Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd  trang 207.
[2] Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd  trang 189.
[3] Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd  trang 207.
[4] Đại Nam chính biên liệt truyện,  Viện Sử học, NXB Thuận Hóa 1993 trang 412.
[5] Thần Đạo Bi Minh - Tuy Lý Vương.
Nha Trang 10/12/2009
Trương Quang Cảm
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...