Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế 1

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công
Trương Đăng Quế 1

Lời cảm ơn

Chúng tôi chân thành tri ân: Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Lê Trí Viễn đã tận tình hướng dẫn, và các tác giả, dịch giả có tên trong tài liệu tham khảo đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.  

Nha Trang, ngày 10-12-2009 

Trương Quang Cảm

LỜI NÓI ĐẦU

Trương Đăng Quế là danh thần triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ngoài con người lịch sử làm quan 43 năm trong đó 20 năm giữ nhiều trọng trách lớn, ông còn là một nhà thơ. Đọc thơ Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản cho biết: “Đọc mãi mà chẳng biết mỏi mệt” (Bất giác lưu liên vong quyện dã). Miên Thẩm Tùng Thiện Vương xem thơ Trương Đăng Quế như những viên ngọc châu điểm dưới cổ ly long (ly long chi di châu).

Tôi vốn là hậu duệ đời thứ năm của Thái sư Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế. Từ lâu, tôi đã cố công đọc và sưu tầm tất cả các tài liệu viết về ông tôi. Nay tôi xin gởi đến quí độc giả quyển sách này.

Mặc dù đã cố gắng hết mình, nhưng không thể tránh khỏi những sai sót, tôi xin quí vị thông cảm và nhiệt thành góp ý.

Nha Trang, những ngày cuối năm 2009. 

CHƯƠNG I

ĐỜI NGƯỜI

1. Quê hương

Trương Đăng Quế người xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Tỉnh Quảng Ngãi. Từ thị xã Quảng Ngãi đi theo đường quốc lộ số 1 ra mạn bắc, vừa qua bên kia đầu cầu Trà Khúc, chúng ta sẽ gặp một con đường từ Quán Cơm [1] dẫn về phía đông. Đi độ 2000m, chúng ta gặp ngay núi Thiên Ấn. Đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi [2]. Núi cao 105m, trên đỉnh bằng phẳng rộng chừng mười mẫu, bốn mặt vuông phẳng giống như cái ấn, nên gọi là ấn trời (Thiên Ấn). Trên đỉnh núi là một ngôi chùa cổ. Bảng đề là “Thiên Ấn Tự”, do vua Lê Dụ Tông (1727) ban cho nay vẫn còn. Núi Thiên Ấn xưa có nhiều đá son dùng để mài thành mực viết và chấm bài chữ Hán. Ngày còn đi học Trương Đăng Quế thường đến đây chơi. Từ Thiên Ấn nhìn sang hữu ngạn sông Trà cách tỉnh lỵ 2km về phía nam, nơi ấy bốn phía núi thăng bằng, ở giữa một chóp núi nhỏ cao vút lên như ngọn bút vẽ lên trời nên gọi là Thiên Bút phê vân. Bên chân núi có một cái gò vuông gọi là Hòn Nghiên. Nơi đây khi xưa có nhiều cây móc, quả và lá có thể dùng làm mực đen. Các thầy địa lý nói đất Quảng Ngãi có hòn Ấn, hòn Nghiên, hòn Bút nên sinh ra nhiều nhân tài. Từ Thiên Ấn đi thêm 10 cây số nữa là đến một làng quê ven biển. Đó là làng Tịnh Khê còn có tên là Sơn Mỹ hay Mỹ Lai. Một tên làng mà cả thế giới đều biết với vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) 16 tháng 3 năm 1968. Đấy là quê hương Trương Đăng Quế. 

Làng Tịnh Khê nằm lọt giữa hai cửa biển lớn: Cửa Sa Kỳ ở phía bắc và cửa Đại Cổ  Lũy ở phía nam. Ở gần sát cửa Đại Cổ Lũy, con sông Trà Khúc lại rẽ một nhánh sông chảy dọc theo bờ biển ra hướng bắc hợp với các dòng sông khác đổ ra cửa Sa Kỳ. Nhánh sông này chảy ngang qua trước nhà Trương Đăng Quế. Từ nhà Trương Đăng Quế nhìn ra là con sông, tiếp đến là biển Đông. Hàng năm cứ vào tháng 2, dân ở đây có lễ cúng đất. Họ thường làm chiếc bè chuối chở đầy các vật phẩm cúng như: cua, gỏi, thịt, cá… cúng xong họ thả bè chuối trôi sông. Theo lời kể lại, lúc 5 tuổi Trương Đăng Quế thấy bè chuối trôi sát bờ liền cột lại. Đến đêm, phụ thân Trương Đăng Quế nằm chiêm bao thấy một ông già râu tóc bạc phơ đến khẩn nài nhờ nói giùm ông lớn thả cho đi. Đó là điềm báo trước sự thành đạt sau này của Trương Đăng Quế. Đêm đêm trên sông ghe thuyền qua lại người ta hát những câu hát dân gian trữ tình đằm thắm: 

Em chèo theo anh đứt bộ quai chèo

Anh không mé lái nới lèo đợi em        

Con sông và làn điệu dân gian đã nuôi dưỡng nên tâm hồn tiên sinh. Từ nhà ông nhìn sang hướng đông nam cách 4 km là thôn Cổ Lũy. Thôn Cổ Lũy nằm trên rẻo đất “trước biển sau sông” là một trong 12 thắng cảnh của Quảng Ngãi. Buổi chiều khi sương xuống, đứng từ xa trông Cổ Lũy giống như vùng khói lẻ loi mờ mờ ảo ảo nên được gọi là Cổ Lũy cô thôn. Bấy giờ thôn Cổ Lũy không khác nào bức họa cổ “Ngư thôn tịch chiếu” trong “Tiêu Tương bát cảnh” của Tống Địch bên Tàu.  

Bên phía phải nhà của ông là ngọn núi Thiên Mã giống như đàn ngựa trời đang cất vó ra biển Đông. Cạnh núi Thiên Mã còn có các ngọn núi thấp thoai thoải gọi là Tranh - Gióng. Thuở xưa người dân ở đây mỗi khi đánh cá ngoài biển khơi nhìn vào đất liền hay hứng tình hát

Ngó vô Tranh Gióng giao kề

Tiếng oan anh chịu em về tay ai         

Dân làng Tịnh Khê còn cho rằng núi Thiên Mã gắn liền với sự thịnh suy của dòng họ Trương. Họ truyền lời sấm:

Chừng nào Thiên Mã qua sông

Thì làng Mỹ Lại[3] hết công lại hầ    

Cách mạng tháng Tám đã kết thúc chế độ phong kiến. Sự kiện này ngẫu nhiên trùng hợp với sự kiện đất bồi lấp đoạn sông dưới chân núi Thiên Mã. Phía sau nhà Trương Đăng Quế là những cánh đồng bát ngát, lúa khoai ngô đậu. Từ xưa làng Tịnh Khê đã nổi tiếng trồng cây huỳnh tinh, là loại cây sản xuất ra bột huỳnh tinh để nấu chè, làm bánh. Những đêm trăng thanh, nam nữ thường tụ tập giã gạo hoặc lột vỏ củ huỳnh tinh và cùng nhau hát hố.[4] 

Nam:

Tới đây trước tôi chào anh em mình cái đã

Sau tôi chào hai ngả kinh tân

Chào luôn tiếng nữa ngoài sân trong nhà

Chào rồi tôi hỏi thiệt bà chủ gia

Con chim đứng đó, chim nhà hay chim ai?  

Chim nhà tôi xuống ná, ngừng tay

Hễ chim hàng xóm, dẫu đương bay tôi cũng bắn liền                            

Nữ: 

Chim quan nó ở lồng vàng thanh vắng

Đố anh người phàm, sao dám bắn chim quan

Chính vùng đất có Thiên ấn Niêm hà, có Thiên Bút phê vân, có ngựa trời cất vó, có Cổ Lũy cô thôn và lại có các làn điệu dân ca phong phú đã hun đúc nên đời người, đời thơ Trương Đăng Quế.

2. Gia đình

Tổ tiên của dòng họ Trương gốc xã Phước Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nam tiến từ thời Vĩnh Tộ thứ 5 (Lê Trần Tông 1619 - 1628) lập cư ở làng Mỹ Khê tây, huyện Bình Sơn (nay là Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi. Từ thủy tổ Trương Đăng Nhứt đến tiên sinh vừa tròn bảy thế hệ. Trong thời gian xây dựng vùng đất mới, những người con ưu tú của dòng họ Trương như cai hiệp Huy Đức Tử Trương Đăng Hưng, Thiên Đức Bá Trương Đăng Huỳnh, Thị độc học sĩ Trung thuận đại phu Trương Đăng Giáo, Thái thường tự khanh Trương Đăng Lương, Quyên Đức Hầu Trương Đăng Chánh, Dũ Đức Hầu Trương Đăng Chấn đã phò tá chúa Nguyễn khai phá mở mang, xây dựng một “Giang sơn muôn đời ở phía nam dãy Hoành Sơn”. Suốt tám thế hệ ấy dòng họ đã nối tiếp nhau tồn nhân tích đức. Theo gia phả ghi trong vườn ông Trương Đăng Hưng có một cây đại thụ bị gió bão làm trốc gốc. Ông Hưng đã phát hiện một chum vàng dưới gốc cây ấy. Ông mang vào nhà chôn cất lại. Mười năm sau một người Tàu từ phương xa đến tìm kiếm của báu. Người ấy đưa chúc thư và nhờ ông cùng tìm giúp. Ông Hưng xem xong biết đúng là chủ của chum vàng ấy nên ông mời người khách Tàu về nhà mình và đào lên giao lại cả chum vàng. Người khách Tàu thấy số vàng vẫn còn y nguyên như trong chúc thư đã ghi. Quá khâm phục, người khách Tàu đề nghị tặng lại ông một nửa nhưng ông nhất quyết từ chối. Người khách Tàu phải than rằng: “Ông phước thọ này, tuy nghèo khó được nghìn vàng mà không đem dùng, nay tặng cũng không nhận, cái thạnh tình này, nghìn năm chỉ có một”; xong xuôi xin cáo biệt về nước. Ba năm sau, người Tàu này đã dẫn theo một thầy địa lý đến thăm ông và đề nghị tặng ông một huyệt mộ để báo ân. Tìm xong, thầy địa lý rất ưng ý và có câu rằng: “Giai thành thông thông, thế xuất hầu công” (Ngôi mộ này rất đẹp, đời đời có công hầu). Đó là ngôi mộ Lùm còn gọi là ngôi mộ báo ân, trước 1961 là một thắng cảnh - hiện tọa lạc tại Gò Ra, xã Trà Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Mộ ấy là cố tổ của Trương Đăng Quế. Cha của tiên sinh là Trương Đăng Phác tri phủ tỉnh Quảng Ngãi thời Tây Sơn. Mẹ là Đỗ Thị Thiết con quan Hoài Đức Hầu thời Tây Sơn, chú là Đô đốc Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ cùng vợ là Nguyễn Thị Dung nữ đô đốc, một trong Ngũ Phụng Thư thời Tây Sơn. Cả hai vợ chồng đều tự sát trong toán quân thất bại cuối cùng của nhà Tây Sơn.

Trương Đăng Quế được hun đúc ra từ một dòng họ có bề dày về “tu nhân tích đức”, có một quá trình nỗ lực kiến thiết xây dựng một vùng đất mới và có một tấm lòng trung quân ái quốc. 

3. Bản thân:          

Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê, sinh ngày 1 tháng 11 âm lịch năm Quý Sửu 1793 tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy bão tố và biến động. Trước đấy, cuộc nội chiến xảy ra liên miên hết Lê - Mạc đến Trịnh - Nguyễn  rồi Nguyễn - Tây Sơn. Vua Quang Trung mất 1792 kết thúc một thời đại vàng son. Từ đây triều Tây Sơn bắt đầu đi vào sự bế tắc suy vi. Quang Trung mất một năm thì Trương Đăng Quế ra đời (1793). Được 7 tuổi, ông chứng kiến cảnh Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, chứng kiến cảnh gia đình tang tóc. Cha là Trương Đăng Phác đang là tri phủ tỉnh Quảng Ngãi thời Tây Sơn phải ra trình diện chế độ mới. Vợ chồng chú thím ruột là Đô đốc Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ cùng vợ là Đô đốc Nguyễn Thị Dung cả hai đều tự sát để khỏi rơi vào tay Nguyễn Ánh.        

Tám tuổi (1801) cha bị bệnh rồi mất[5]. Đến 9 tuổi, tiên sinh gặp cảnh Nguyễn Ánh lên ngôi huy hoàng lấy niên hiệu là Gia Long. Trong những năm đầu của chế độ mới còn khắt khe phân biệt trong đối xử, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Tiên sinh là con thứ trong một gia đình đông anh em gồm bốn nam, bốn nữ. Những biến động của lịch sử gây nên những khó khăn và bất hạnh liên tiếp đến với gia đình. Nếu gia đình và bản thân ông không có ý chí thì chắc sẽ ngã quỵ ngay từ đó. Thế nhưng nhờ tình đùm bọc thương yêu của gia đình, ông đã quyết tâm tự học tập. Bấy giờ ngoài xã hội đã qua cái thời kỳ trả thù đẫm máu. Gia Long bắt đầu chiêu an dân chúng lập lại kỷ cương trật tự. Chính sách đối xử được nới rộng không còn khắt khe phân biệt như trước nữa. Vốn có một lý lịch nặng nề của chế độ cũ nhưng nhờ vào chính sách nới lỏng đãi ngộ không phân biệt của Gia Long, đặc biệt nhờ trí thông minh và ý chí quyết tâm cầu học, Trương Đăng Quế chọn cho mình con đường tiến thân bằng khoa cử.           

Để kén chọn nhân tài ra làm quan, năm 1807 Gia Long cho mở khoa thi hương đầu tiên và sau đó cứ 6 năm mở một lần - Trương Đăng Quế đi thi hương khoa năm Kỷ Mão (1819). Trên đường đi thi từ Quảng Ngãi ra Huế qua đèo Hải Vân ông có ứng khẩu mấy câu:

Cử đầu sơ nhật thượng

Hồi thủ chúng sơn đê

(Ngẩng đầu mặt trời mới mọc

Quay đầu lại núi non đều thấp) 

Và:

Xúc mục đông quan duy hữu hải

Hồi đầu nam vọng cánh vô sơn

(Biển Đông trước mặt trong leo lẻo

 Núi dựa sau lưng bé tẻo teo...)

Trong Đại Nam chính biên liệt truyện tập 2, quyển 22, tờ 12b lại ghi: 

Tịnh đối đông minh duy hữu thủy

Hồi khan nam nhạc cánh vô sơn

Nhiều người cho đó là khẩu khí, điềm báo trước tiên sinh sẽ thành đạt lớn. Kỳ thi ấy, ông đỗ Hương Tiến (Học vị cao nhất thời Gia Long) và trở thành khai khoa thủ sĩ của tỉnh Quảng Ngãi. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) chức là hành tẩu bộ lễ “Minh Mạng sai Nguyễn Thận chọn những người đỗ khoa Kỷ Mão (1819) học hành thuần cẩn để sung vào dạy các hoàng tử. Nguyễn Thận đã chọn ông và cử lên”[6]. Năm 1821, ông giữ chức Hàn Lâm biên tu sung trực học đến 1823 sung Bạn độc. Năm 1826, thăng Hàn Lâm viện thị độc sung Tán Thiện Đường giữ chức trách dạy dỗ hoàng tử. Năm 1828 đổi sang bộ Lại sung chức Hành tẩu văn thư phòng rồi quản lý văn thư phòng. Tháng 10-1828, thăng Thượng Bảo Thiếu Khanh giữ quản cai phòng. Năm 1830, văn thư phòng đổi thành nội các, giữ chức Tả Thị Lang bộ Công. Tháng 6-1830, chủ khảo kỳ thi hạch giáo chức các tỉnh cử lên tại trường Quốc Tử Giám. Tháng 5-1831, ông giữ quyền lãnh quản lý bộ Công. Tháng 10-1831, quyền Tả Tham Tri bộ Hộ. Năm 1832, sung Độc quyển thi đình. Năm 1833, giữ Ấn Triện Đô Sát Viện rồi Toản tu trong ban soạn quốc sử kế tiếp thăng Thượng Thư bộ Binh kiêm Ấn Triện Đô sát viện. Tháng 12-1823, lãnh đánh dẹp tại Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng một cách chóng vánh được thăng thưởng  một cấp. Năm 1835, sung cơ mật viện đại thần gia hàm Thái Tử Thiếu Bảo nhận chủ khảo kỳ thi hội. Năm 1836, kinh lược Nam Kỳ chỉ trong vòng 5 tháng mà ông đã lập được địa bạ, đinh bạ cho các vùng đất đang khai khẩn “làm lợi cho nước gấp 3 lần” (lời Tự Đức) - Công trình này về sau “Người Pháp thuộc địa cũng thán phục, nhất là địa bạ đến đầu thế kỷ XX, họ vẫn lấy đó làm căn cứ giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất”[7]. Công việc đạt kết quả tốt, ông được thăng Hiệp biên Đại học sĩ lãnh thượng thư bộ Binh. Tháng 12-1836, kinh lược quân binh Thanh Hóa. Năm 1837, được cử quản lý Khâm Thiên Giám. Năm 1838, chủ khoa thi hội rồi độc quyển thi đình sau đó kiêm nhiệm Hiệp Lý điều khiển thủy quân. Cuối năm nhận trọng trách tuyển binh ngạch tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình. Năm 1839, tấn phong Tuy Thạnh Nam. Năm 1840, nhận di chiếu của vua Minh Mạng tôn vua Thiệu Trị. Năm 1841, thăng hàm Văn minh điện Đại học sĩ gia Thái bảo. Năm 1842, hộ giá Bắc tuần lao nhọc được phong Tuy Thạnh Tử. Năm 1844, kiêm thêm Ty Tào Chánh. Gặp năm thi hội ông được cử chủ khảo rồi kế tiếp độc quyển thi đình. Năm 1846, được Vua ban thẻ ngọc khắc chữ vàng “Cố mạng lương thần” tấn phong Tuy thanh bá - Có công trong việc tham mưu an định Trấn Tây (Campuchia) nên được khắc tên tuổi công nghiệp trong khẩu súng thần công Bảo Đại Định công Đệ Nhất Vị. Tháng 9-1847, nhân di chiếu của vua Thiệu Trị tôn vua Tự Đức. Ít lâu sau được thăng Cần Chánh Điện đại học sĩ tấn phong Tuy Thạnh Quận công. Năm 1850, được vua ban một khánh vàng khắc 4 chữ “Tam Triều Thạc Phụ”         

Đời làm quan của ông tất cả 43 năm thật hanh thông rực rỡ. “Mới lập nội các tiên sinh vào nội các, mới xây dựng viện cơ mật tiên sinh sung cơ mật, vừa mở tòa Kinh Diên, tiên sinh đến giảng tại Kinh Diên, mới định phủ phụ chánh, tiên sinh làm phụ chánh”[8]. Trong 43 năm có 20 năm là ông giữ trọng trách lớn nhất. Mọi việc trong triều là do vua và ông quyết định. Thời gian sung trực học hay bạn độc cũng như giảng luận và chủ khảo các kỳ thi hội, độc quyển các kỳ thi đình, ông đã góp phần đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Sau 5 lần xin về hưu trí 1850, 1851, 1855, 1862, 1863, đến lần 6 tháng ba 1863 tuổi đã 70 ông mới được lui về vườn cũ, sống dưới mái nhà tranh vách đất được 2 năm rồi mất 1865. Vua ban hàm Thái sư, Thụy Văn Lương.        

Thuở nhỏ, Trương Đăng Quế nổi tiếng học giỏi và thuộc Truyện Kiều vanh vách, vì thế mỗi khi có người đọc sai, cậu liền sửa ngay. Dân làng Tịnh Khê còn truyền bài vè uống rượu, trong đó có đoạn khuyên kẻ uống rượu say không nên đọc Kiều, vì đọc sai cậu sửa thì xấu hổ

Vè vẻ vè ve

Cái vè uống rượu 

Rượu say đừng ré

Bé khuỵu chân xiêu

Đừng hát Truyện Kiều

Cậu phê thằng dốt        

Ngay từ thời còn nhỏ, Trương Đăng Quế đã thích làm thơ. Chính người đã nói điều này “Thơ đối với tôi, lúc nhỏ không có thầy dạy, chỉ do ham thích mà làm”. Đến khi làm quan, được cử đi công tác khắp nơi trong nước. Vốn có tâm hồn nhạy cảm và yêu thơ nên đi đến đâu ông cũng để lại nhiều bài thơ. Ra công tác ngoài Hà Nội, ông sáng tác bài Hà Nội hoài cổ. Đến thăm Văn Miếu có bài Thu đinh yết Văn Miếu hữu cảm (Bài thơ ghi lại cảm xúc trong ngày đinh mùa thuyết Văn Miếu). Nhận mệnh lệnh đi công tác ở Thanh Hóa, ông có bài Khâm mạng kinh lược Thanh Hóa, đến Châu Lương Khánh (Thanh Hóa) để thăm có bài Sơ để Lương Khánh châu (Vừa mới đến châu Lương Khánh). Đi thuyền đến Kim Sơn (Thanh Hóa)  viết bài Chu bạc Kim Sơn tân thứ (Ghé thuyền bến đò Kim Sơn). Trên đường đến Nghệ An, viết bài Nghệ An đồ trung kỷ kiến (ghi lại điều thấy giữa đường Nghệ An). Trên đường vào Nam công tác, ghé vào Nha Trang ông có bài Cù Huân vãn bạc (Chiều ghé bến Cù Huân). Thuyền đi ngang qua Quảng Ngãi, cảm xúc viết nên bài Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương (Thuyền đi ngang qua quê cũ Quãng Ngãi). Vào đến Nam Kỳ có bài: Khâm mạng kinh lược Nam Kỳ lục tỉnh. Lên thành Phiên An (Gia Định) viết bài Đăng nguyên Phiên An thành hữu cảm (cảm xúc khi lên thành Phiên An cũ). Tại các nơi công tác, ông còn lưu tâm tới thăm các danh lam thắng tích. Thăm chùa Bửu Phong, một danh thắng của Biên Hòa, cảm xúc sáng tác bài Du Bảo Phong tự  (Viếng chùa Bảo Phong). Đến thăm cảnh đẹp Hà Tiên, ông cảm xúc viết bài Hà Tiên. Thăm động Hồ Công, một thắng cảnh thuộc xã Thọ Vực, Vĩnh Lộc Thanh Hóa, ông đề bài thơ Đề Hồ Công động (Đề động Hồ Công). Đi qua núi Tam Điệp, ngẫu hứng viết bài Quá Tam Điệp sơn (qua núi Tam Điệp). Đến thăm núi Dục Thúy, một danh thắng thuộc tỉnh Ninh Bình, nơi đây nhiều danh sĩ đến thăm và đề thơ, tiên sinh cũng có đề một bài thơ Khâm mạng kinh lược Bắc  Kỳ hà đê ư Ninh Bình đăng Dục Thúy sơn ngẫu đề (Nhận mệnh đi kinh lược vấn đề đê điều sông ngòi ở Bắc Kỳ, đến Ninh Bình lên thăm núi Dục Thúy ngẫu nhiên đề thơ). Ngoài con người của một ông quan đại thần ra, ở Trương Đăng Quế còn là con người có tâm hồn nhạy cảm. Và cũng chính nhờ tâm hồn như thế nên thơ đến với ông một cách tự nhiên. Điều này chính người cũng xác nhận: “Gặp việc gây hứng đối diện với cảnh vật mà thành bài ngâm vịnh”. Bên cạnh một tâm hồn nhạy cảm, Trương Đăng Quế  còn có một kiến thức rất uyên bác. Đúng như Phan Thanh Giản đã nhận xét: “Không có sách nào là ngài không đọc, lại sở trường thơ ca” và Tùng Thiện Vương cũng nói: “Trương Đăng Quế được người đời khen tài nhớ, khác nào An Thế thuộc nằm lòng ba rương sách Hà Đông”. Đọc thơ ông, người đọc thấy ông thấu suốt các pho lịch sử nước ta, nước Tàu. Tiên sinh đọc các bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc và nhận xét từng nhân vật một. Đặc biệt bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, cả tiền và hậu, người đều đọc. Điều lạ, một con người khuôn phép như ông lại thích đọc truyện Hồng Lâu Mộng. Ông viết:

Độc tiền hậu Hồng Lâu Mộng hữu cảm nhị thủ

Nhàn kiểm Hồng Lâu kí mộng du

Kim thoa thập nhị tập quần cư

Ngã lân Đại Ngọc si tình trọng

Dục bả  tiền nhân khấu bích hư 

Kỳ nhị:

Châu cung hợp thị hữu tiền duyên

Lịch tận cùng sầu mộng thủy viên

Thiên cổ hữu tình nhân thúy khán

Tối căng nghiêm xứ tối tương liên 

Cảm xúc khi đọc tiểu thuyết tiền hậu Hồng Lâu Mộng hai bài

Lầu hồng nối mộng rỗi xem qua

Xiêm áo mười hai rực ánh thoa

Son phấn si tình ta tiếc bấy

Muốn đem nhân trước gợi châu lòa

(Trương Quang Gia dịch) 

Bài hai:

Ngọc châu cung cấm hợp duyên xưa

Sâu thấm dường bao mộng mới vừa

Tình nặng ngàn thu người hẳn thấy

Xót nhau chốn ấy đớn đau chưa? 

(Trương Quang Gia dịch) [9]        

Từ xưa đã có quan niệm đất thiêng sinh người tài  (địa linh nhân kiệt). Cho nên nói đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, người ta không thể không nhắc đến quê hương Nghệ Tĩnh. Ảnh hưởng ấy khó xác minh nhưng lại là có thật. Sau Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi cũng được xem là đất thiêng sản sinh nhiều nhân tài. Người Quảng dẫu nghèo khó nhưng có chí nguyện vươn lên. Nhiều người đỗ đạt và làm quan rất lớn. Quê hương Quảng Ngãi nói chung và làng Tịnh Khê (còn có tên là Mỹ Lại) ở gần sông gần biển, phong cảnh hữu tình và khí hậu quanh năm ôn hòa nói riêng đã tác động quan trọng đến việc hình thành ở ông một con người thơ.                 

Bên cạnh nguồn quê hương, tiên sinh còn chịu tác động của nguồn ảnh hưởng gia đình. Một gia đình, nói như giáo sư sử học Yoshiharu Tsuboi  (trong “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” sđd) là: “làm quan suốt nhiều thế hệ và có bề dày tu nhân tích đức. Thời nào gia đình ông cũng có người làm lớn và hết lòng trung kiên với dân, với nước. Chính điều đó đã mở tâm hồn ông đi về phía tầng lớp dưới của nhân dân nhiều hơn là tầng lớp trên. Bản thân tuy làm quan to nhưng không lấy đó làm sung sướng, cứ nằn nì xin từ chức để về lại vườn xưa”. Cộng vào đó sức học rất uyên bác, cái gì cũng đọc và tâm hồn nhạy bén, dễ cảm xúc. Tất cả điều ấy đã làm nên một Trương Đăng Quế mà chúng ta có thể tìm thấy ở thơ của ông. 

CHƯƠNG II 

MẠCH THƠ MẶC VÂN

Trương Đăng Quế sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam (đã nói ở chương I) nhưng cũng là giai đoạn văn học phát triển rực rỡ nhất. Trương Đăng Quế đã thừa hưởng được cái không khí phát triển rầm rộ ở cả bộ phận văn học chữ Hán lẫn bộ phận văn học chữ Nôm của giai đoạn này. Những khúc ngâm nổi tiếng được ra đời như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn. Những truyện thơ nổi tiếng cũng được ra đời như Hoa Tiên, Sơ kính tân trang, Truyện Kiều... các tác giả tài hoa nhất như: Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm...

Trương Đăng Quế rất phục tài và đánh giá rất cao thơ Hồ Xuân Hương. Trong bài tựa đề đầu tập thơ Diệu Liên thi tập (tập thơ của công chúa Mai Am), Trương Đăng Quế viết: “Trải xem nước Viêm Bang ta từ khi khai tịch đã mấy trăm nghìn năm, trong khoảng đó có những khuê tú làm thơ, hồi trước thì có Phạm Lam Anh, gần đây thì có Hồ Xuân Hương, có hai người ấy mà thôi”[10].

Trong tập thơ Học văn dư tập của mình, Trương Đăng Quế có làm bài thơ sau:

Hữu nhân tự Bắc thành lai bả, tợ danh viện Hồ Xuân Hương tống biệt thi sách thứ kỳ vận

Thuỳ hướng Giang Nam xướng Trúc Chi

Thu phong tưởng kiến liễu my thùy

Lục triều yên vũ hưu đa quản

Lưu tác đương niên nhất diễm từ. 

Dịch:

Có người từ Bắc thành về mang theo bài thơ tống biệt của người đẹp Hồ Xuân Hương đòi họa vần. 

Ai hướng Giang Nam vịnh Trúc Chi

Gió thu dường thấy rủ làn mi

Sáu triều mưa khói bàn đâu nữa.

Lời đẹp năm nào thuận bút ghi           

Trong giai đoạn văn học từ nửa cuối thế kỷ thứ XVIII đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX đã hình thành một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học cùng một lúc nhiều nhà thơ đã đặt ra những vấn đề về quyền sống của con người trong xã hội phong kiến nhất là quyền sống hạnh phúc của người phụ nữ. Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đề cập đến tình yêu tự do, hạnh phúc lứa đôi và tố cáo những thế lực xã hội đầy bất công và thối nát đã vùi dập Kiều. Trong Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn đề cập đến nỗi ai oán bi thương của người phụ nữ có chồng ra đi chiến trận tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ở Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đề cập đến nỗi đau khổ của người cung nữ bị bỏ rơi trong cung cấm. Hồ Xuân Hương thì lên tiếng tố cáo chế độ đa thê của cái kiếp làm vợ lẽ cũng như bóc trần cách đối xử dã man của xã hội phong kiến đối với người con gái mang tiếng chửa hoang. 

“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” nên không thể thoát ra khỏi thời đại và không thể không chịu ảnh hưởng gì của thời đại. Vì thế tiên sinh đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc trào lưu nhân đạo chủ nghĩa ấy.  Không phải ngẫu nhiên mà tác giả cũng viết các đề tài về phụ nữ như bài Thanh lâu oán (Hận lầu xanh), Khí phụ từ  (Lời người vợ bị chồng bỏ).         

Bên cạnh sự ảnh hưởng trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của giai đoạn hậu kỳ trung đại của các nhà thơ đi trước như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái... Trương Đăng Quế còn ảnh hưởng cái chung của các bạn thơ cùng thời trong tao đàn Mặc Vân.        

1. Tao đàn Mặc Vân:          

Trương Đăng Quế là thầy dạy các ông hoàng, bà chúa. Trong số đó có hai ông hoàng nổi tiếng nhất là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Ngày còn trẻ mỗi khi làm được bài thơ nào Tùng Thiện cũng đưa cho tiên sinh xem. Có một lần cùng đoàn hộ giá ra đến tỉnh Nghệ An, nhận thấy có miếu thờ An Dương Vương, Vương bèn ngẫu hứng hai câu thơ:

“Mã đầu hữu tặc thùy năng thức

Qui trảo vô cơ quốc dĩ không”

 (Giặc đầu ngựa đó nào ai biết

Cung móng rùa đâu, nước đã tan)            

“Trương Đăng Quế ngày ấy cũng đi chầu, sung chức Hộ giá đại thần, có phê sáu chữ “Tận đắc Đường nhơn tinh tủy” nghĩa là rút hết tinh tủy của người đời Đường. Đó là lời bình phẩm của thầy; lúc ấy trò mới 23 tuổi”.[11] Tiên sinh và Tùng Thiện Vương rất tâm đầu ý hợp, chính tiên sinh cũng đã nói: “Riêng tôi với hoàng tử Tùng Thiện lại rất hợp ý nhau. Từ đó mỗi khi rảnh rỗi, tôi hay đến cùng Tùng Thiện bàn bạc thật kỹ lưỡng việc xưa nay, phê phán sự được mất, cả vấn đề thể tài và phong thú không có điều gì là không bàn xét một cách tinh vi thấu triệt”[12]           

Khi Vương thành lập Mặc Vân thi xã còn gọi là Tùng Vân thi xã, Trương Đăng Quế là người nhiệt tình ủng hộ đầu tiên và trở thành hội viên. Ngày nay đọc các trước tác của ông, ta thấy ông thường nhắc đến tao đàn Mặc Vân thi xã. Trong tác phẩm Học văn dư tập, ông có hai bài thơ  nói về tao đàn Mặc Vân thi xã:  

Bài 1:

*Đề tặng Tùng Vân thi xã [13]

Tùng Vân hội thượng liệt quần anh

Thùy chủ tao đàn xướng thử minh

Thiên hạ nhân tài quy đế nữ

Phong lưu giang hữu thuyết Tam Khanh

 

Dịch:

*Đề tặng thi xã Tùng Vân

Tài hoa gặp gỡ hội Tùng Vân

Ước hẹn tao đàn ý chủ nhân

Thi bá mười phương về nữ chúa

Tam Khanh phong nhã bến sông xuân

 

Bài 2:                                         

Văn xã tập hữu vịnh liễu thi thượng cảm nhi toại phú

Hạnh tá trường điều thác thử thân

Cô tiêu biệt tự xuất phong trần

Sai thùy truyền ngữ Đào Bành Trạch

Tợ cộng tiên sinh hữu túc nhân 

Dịch:

Nghe thi xã sưu tập các bài thơ vịnh liễu cảm xúc nên vần:

May mượn cành dài gởi chiếc thân

Rời xa gió bụi thích cô đơn

Xin ai nhắn hộ Đào Bành Trạch

Kết bạn thêm tôi chớ ngại ngần

Viết bài thơ cho tập thơ Diệu Liên tập của Mai Am, ông cũng nhắc đến thi xã như sau: “... Thương Sơn công cùng các đức ông dựng ra thi xã, cành kinh đóa lệ ai nấy xưng hùng, tướng vững thành dài, mở cờ gióng trống, mà tiếng tăm của ba bà chúa bèn vang dậy ở đất Giang Hữu. Tôi nghe thấy, cũng tự phụ là mình trước đây nhận xét không lầm... Đến khi tôi ngoài bảy chục, cởi ấn về vườn hai đức ông Thương Sơn - Vĩ Dã cùng các vị trong hội xã đặt tiệc tiễn đưa tôi ở Thủy Đình”.[14]   

Lúc Trương Đăng Quế về hưu “thơ văn tiễn tống không kém một nghìn bài. Người bấy giờ truyền đó là một việc vẻ vang lớn về thần tử nước  Nam”.[15]  

Như vậy ta thấy, Trương Đăng Quế ngoài những giờ bận rộn của việc quan ra, ông còn sinh hoạt trong hội thi xã gọi là Tùng Vân thi xã hay Mặc Vân thi xã. Đây là một tổ chức được thành lập vào năm Tự Đức thứ 2 (1849) tại Ký Thưởng Viên, “một khu vườn do Tùng Thiện vương thiết lập bên bờ sông Lợi Nông (nay là sông An Cựu)”[16]. Đứng đầu thi xã (chủ súy) là Tùng Thiện Vương - thi xã quy tụ nhiều danh sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. “Vào chân thi xã thuần những bậc quí phái hoặc các hoàng thân quốc thích, hoặc các vị đại phu ở triều các bậc đại khoa, tất cả những người đã nổi danh vì tài lược, vì học thức như các ông: Hà Tôn Quyền, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đức Đạt, Vũ Đức Nhu, Nguyễn Văn Giai...”. “Các hoàng thân thì những ngài: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Thọ Xuân Vương, Tương An Công, Phú Bình Công, Lạc Biên Công, Hàm Thuận Công, Hoằng Hóa Công, Cẩm Xuyên Công, Hòa Thạnh Công, Trấn Biên Công”[17]. Theo Trần Thanh Mại - tác phẩm Tuy Lý Vương 1939 (dẫn theo Ưng Trình Bửu Dưỡng Sđd trang 104)  thì “không ngày nào số văn nhân hội họp dưới nửa trăm người, Tùng Thiện Vương cũng như vị Mạnh Thượng Quân nho nhỏ”. Cũng theo Ưng Trình Bữu Dưỡng: những hội viên trong tao đàn thường tụ tập để ngâm vịnh và xướng họa. Trong Thương Sơn thi tập có kể một lần xướng họa như: “Đêm rằm tháng mười vừa đi dạo ngắm trăng vừa liên ngâm, người nọ chắp theo vận người kia song hẹn cùng nhau không dùng chữ nguyệt”.   

Bà Mai Am xướng:

Mãn đình hành táo thủy không minh

Minh diệp sơ quân dạ khí thanh

Ánh giới sơn hà  khai ngọc kỉnh     

Hồng Phì đối lại:

Hàn kiêm sương lộ trạc kim kình     

Tùng Thiện Vương xen vào một câu:

Sứ quân chính ức hoàng lâu yến    

Hồng Phì đối lại:

Vũ khách chân lân Xích Bích hành     

Bà Hà Oan Sô tiếp:

Hà tất trung thu chiêm bạch thố

     

Bà Chấp Khuông làm câu kết:

Kim tiêu dĩ thị tối tinh oanh

     

Trương Đăng Quế cũng đã họa thơ, vịnh thơ với những người trong thi xã. Vì thế thơ Trương Đăng Quế ngoài sự tiếp thu nối tiếp của các nhà thơ đi trước như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Phạm Thái, v.v... Thơ Trương Đăng Quế còn chịu ảnh hưởng của các bạn thơ đương thời nữa. 

2. Quan điểm thơ:           

Từ xa xưa ông cha ta chưa ý thức xây dựng một hệ thống quan điểm lý luận văn học. Thành thử chúng ta chưa có những người như Aristot, Horace, Boileau, Diderot, Lessing, Bielinsky. Nhưng rải rác chỗ này chỗ khác, nhất là trong các bài tựa ông cha ta cũng đã phát biểu quan điểm của mình về thơ văn. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về trước các ý kiến còn rất ít, nhưng từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, bên cạnh việc văn học phát triển rực rỡ chưa từng thấy cả về số lượng lẫn chất lượng, quan điểm lý luận cũng gặt hái được rất nhiều. Lê Quý Đôn là người phát biểu tương đối có hệ thống. Sau ông còn có hàng loạt các tác giả như: Lê Hữu Trác, Nguyễn Quýnh, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Trương Đăng Quế, Cao Bá Quát, Nhữ Bá Sĩ, Phạm Phú Thứ, Miên Thẩm, Miên Trinh v.v...

           

Nhận định về quan điểm lý luận văn học nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế thế kỷ XIX, Giáo sư Nguyễn Lộc cũng có nhận xét:

“Lí luận văn học trong thời phong kiến ở nước ta thường có tính cách giáo điều, rập khuôn theo những quan điểm văn học ở Trung Quốc, không phản ảnh trung thực thành tựu của sáng tác, nhất là phần sáng tác văn học bằng chữ Nôm. Tuy vậy nếu tìm hiểu kỹ quan điểm văn học của các tác giả đương thời (tức nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX – Trương Quang Cảm) cũng có thể thấy được chừng nào sự chuyển biến trong quan điểm của họ”. Ta thấy quan điểm sáng tác thơ của giai đoạn này chịu ảnh hưởng quan điểm của KhổngTử, coi việc sáng tác là việc dùng cái sức dư sau khi đã làm xong mọi việc “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ  học văn” (Kẻ đệ tử khi vào thì thảo với cha mẹ, khi ra thì kính anh chị và người lớn tuổi, làm việc gì thì cũng phải cẩn thận và ăn nói chắc thiệt, thương tất cả mọi người, mà gần gũi với người nhân đức, làm xong những việc nói trên trước, nếu còn dư sức hãy học đến văn chương), (Luận ngữ - Học nhi).

           

Từ đó khi Lê Quý Đôn luận vì sao các văn nhân phần nhiều mắc phải bệnh kiêu căng, ông đã nói: “Họ ít học vấn, thiếu tu dưỡng, bởi vậy họ bị cái tính tự nhiên chi phối. Nếu hứng chí tâm hồn vẫn giữ được bình đạm, mỗi khi diễn tả và phát ra thì càng thêm ung dung. Bởi vậy thánh nhân nói rằng: “Hưng ư thi” (Học kinh thi để hưng khởi), lại nói rằng “Từ đạt nhi dĩ hĩ” (Lời văn cốt đạt ý thì thôi), cùng là: “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” (Làm đã thừa sức rồi mới học văn)[18].

           

Nguyễn Văn Siêu, người cùng với Cao Bá Quát được mệnh danh là “thần Siêu”,“thánh Quát” có nói: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương, còn loại đáng thờ là chuyên chú ở con người” - Phu Tử xưa đã nói: Làm việc có sức thừa thì đem nó mà học văn chương...”[19]. Học theo quan điểm của Khổng Tử, Trương Đăng Quế quan niệm văn chương như Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu. Giải thích tên tác phẩm của mình, Trương Đăng Quế viết: “Lấy nhan đề là Học văn dư tập nhằm ý nghĩa là giữ cái sức dư sau khi hành động thời lo học văn vậy”[20].

Trong giai đoạn này, người ta cũng bàn nhiều đến việc sáng tác thơ. Thơ có phải chú trọng nhiều đến quy cách hay không? Cái gì là cái gốc của thơ và ảnh hưởng thơ Tàu ở mức độ nào thì mới hay? Trong lời bạt tập thơ của Thương Sơn Công, Cao Bá Quát có viết: “Thơ tuy có phải chú trọng về quy cách nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình. Nếu việc làm nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng theo học người: đầu thôn tạm biệt đã hát câu “chén rượu dương quan” xóm cạnh qua chơi đã ngâm câu “tiếng gà điếm cỏ” nắn nót những lời biên tái lòe người là tuyệt diệu Gia Châu, chải chuốt các thể trong cung, tự phụ là văn nòi Thiếu Bá”[21].

Trong lời bạt tập thơ của Phan Lương Khê, tiên sinh Phạm Phú Thứ có viết: “Thơ vốn từ tính tình, ý tứ cốt qui về chỗ đôn hậu ôn hòa. Song nếu không đọc vỡ muôn cuốn sách, nhìn khắp tám cõi, thì không thể đạt tới chỗ sâu sắc”[22].           

Nguyễn Văn Siêu cho rằng thơ phải xuất phải từ chỗ tự nhiên. Ông nói: “Lời càng khéo thì càng mất điều chân thực (chân), ý càng kỹ thì càng rơi xuống hư hao (sức)”[23]. Cùng với các quan điểm ấy, Trương Đăng Quế cũng nói: “Đầu tiên hết phải tìm biết phép tắc vận dụng khi làm thơ nhưng chung quy không ra ngoài hai chữ tánh linh là yếu tính từ xưa của thơ cho nên dẹp hết các lời sáo hủ, chẳng dựa bên của người khác, ý đã đến thì ngòi bút theo đó mà diễn tả ra”[24]. Và: “Thơ đối với tôi, lúc nhỏ không có thầy dạy chỉ do tôi ham thích mà làm, không phải bắt đầu, không phải tiếp nối, không có mẫu mực khuôn phép, gặp việc gây hứng, đối diện với cảnh vật mà thành bài ngâm vịnh, chỉ biết diễn tả tính tình không phải muốn mượn thơ làm cho mình nổi tiếng”[25].

 

        

3. Đề tài:

           

Sau bao năm chiến tranh liên miên: Chiến tranh Lê - Mạc (1527 - 1592), chiến tranh Trịnh - Nguyễn  (1627 - 1672), rồi Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Cuối cùng Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn lên ngôi vua 1802 mở ra một triều đại phong kiến cai trị thống nhất từ Bắc chí Nam. Trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XIX tình hình xã hội có phần tương đối ổn định. Vì vậy ngoài thời gian làm việc ra, những lúc còn lại vua tôi và các quan lại cùng nhau xướng họa. Cho nên các đề tài thơ trong giai đoạn này ta thường thấy là:

 

3. 1 Đề tài tống tiễn:

Các bài thơ làm ra nhằm tiễn các người bạn lên đường đi nhận nhiệm sở mới. Đề tài này cũng không lạ lẫm gì. Từ thời Đường Tống bên Trung Quốc cũng đã có rồi. Một trong những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch thuộc đề tài này như: Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng.

           

Ở nước ta trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê đề tài này tuy không nhiều nhưng rải  rác đây đó cũng có, như bài Tống Phạm Công Sư Mạnh Bắc sứ (Tiễn Phạm Sư Mạnh đi sứ Trung Quốc) của Lê Quát[26]. Đến nửa đầu thế kỷ XIX đề tài tống tiễn trở thành phổ biến. Hầu hết các nhà thơ đều có thơ thuộc đề tài này. Điều này có thể lý giải được, bởi  lý do: Thời bình, bộ máy chính quyền nhà Nguyễn vừa được thiết lập nên cần bổ nhiệm nhân sự đi nơi này nơi khác. Nguyễn Du có các bài tống tiễn như: Tống Nhân, Tống Ngô Nhữ Sơn Công xuất trấn Nghệ An v.v...

         

Các nhà thơ trong nhóm Mặc Vân, vị nào cũng có thơ tống tiễn. Cao Bá Quát có bài Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín, Kiêm trí Lê Hy Vĩnh Lão Khế. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương có bài với Tống khách vãng Hà Nội, Tống Lương Tứ chi Quảng Nam, Tống Hình Bộ Thị Lang Phạm Bạch Hiên sung tán tương Gia Định quân vụ; Tống khách chi Quảng Nghĩa kiêm ký Phạm Kế Chi, Nguyệt dạ chiêu tử Mẫn Tập Hương Giang Châu thứ tống Hy Phần nam hoàn thiên táng tiên mộ nhị thủ, Hạn đồng dụng qui tự lai tự; Tống Nguyễn Lê Quang qui Hà Nội; Tống ca giả qui Hà Nội...

         

Phạm Phú Thứ có bài Tống Hồng Lô tự khanh Đỗ La Phong vãng Nam Kỳ chiêu thảo. Nguyễn Tư Giản có bài Tống Tỷ bộ Nguyễn Hy Phần dự cáo qui Khánh Hòa; Tống Nguyễn Hy Phần qui Bình Thuận v.v... Nguyễn Thông có bài Tống nhân chi Gia Định, Tống Định Tường Niết sứ Huỳnh Dưỡng Độn qui Kiên Giang biệt nghiệp. Căn cứ vào 100 bài thơ của Nguyễn Thông trong Tác phẩm Nguyễn Thông  (Sở Văn hóa thông tin Long An xuất bản 1984) đề tài tống tiễn có tới 18 bài chiếm tỷ lệ 18%.

       

Thơ Trương Đăng Quế cũng nằm trong thông lệ ấy. Cùng với thơ Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, thơ ông có nhiều bài thuộc đề tài tống tiễn. Trong 244 bài thơ ở Học văn dư tập của Trương Đăng Quế, thơ với đề tài tống tiễn có đến 17 bài chiếm gần 7%.    

3.2 Đề tài ứng họa:          

Cùng với đề tài tống tiễn, ứng họa cũng là đề tài phổ biến trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Các giai đoạn trước cũng có thơ ứng họa tuy không được nhiều. Chỉ những giai đoạn nào có thêm các tao đàn thì đề tài ứng họa được phồn thịnh hơn: thời Lê Thánh Tông  (1442 - 1497) với tao đàn Nhị Thập Bát Tú, thời Tự Đức với tao đàn Mặc Vân. Đề tài ứng họa trong hai thời kỳ ấy rất phát triển.

     

Ứng họa có hai loại: loại các quan, các danh sĩ họa thơ với nhau gọi là họa thơ và loại thứ hai là họa thơ của vua gọi là ứng chế. Họa thơ cũng là một cái thú văn chương. Họa thơ nhằm để phục tài lẫn nhau và cùng biểu lộ sự tâm đầu ý hợp, hiểu nhau chia sẻ cho nhau. Cao Bá  Quát họa thơ có các bài: Thanh Minh nhật cảm tác họa Trần Ngộ Hiên; Trần Ngộ Hiên nhục hữu sở thị, Tẩu bút họa chi; Phụng họa kinh doãn Nguyễn Công thất thập thọ; Họa tham tán đại thần hành dinh thưởng cúc thập vịnh; Nhị thập tam dạ khãn nguyệt, Họa Phan Hành Phủ. Nguyễn Thông có bài Phụng họa Nguyễn Phạm nhị hiền “Gia Định cố thành” ký chi tác v.v...

           

Trong cái chung ấy, thơ Trương Đăng Quế cũng có nhiều bài họa thơ như: Phụng họa Thương Sơn Công kiến hoài nhị thủ nguyên vận kiêm thị triệu phong quận công; Phụng họa chỉ thiện chủ nhân hạ dạ thư hoài kiến thị nguyên vận ứng giáo...   

Tự Đức là một ông vua nổi tiếng hay chữ nhất của triều Nguyễn. Ông thường làm thơ và bảo các quan họa lại - Vì thế thời kỳ này đề tài ứng họa, họa thơ vua (ứng chế) cũng rất phong phú. Các tập thơ của các tác gia ra đời trong giai đoạn này đều có thơ họa ứng chế như Giá viên Thi văn tập của Phạm Phú Thứ, Lương khê thi tập của Phan Thanh Giản, Tốn Phú thi văn tập của Hà Tôn Quyền. Trong 244 bài thơ ở Học văn dư tập, có 17 bài thơ ứng chế chiếm gần 7%.  

3.3 Đề tài nhân vật lịch sử:           

Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, các tác gia hay đề cập các nhân vật lịch sử của nước Tàu và của nước ta. Điều đó cũng trở thành một xu hướng chung của thời bấy giờ. Nguyễn Du có các bài: Tỉ Can mộ, Tần Cối tượng, Lạn Tương Như cố lý; Hàm Đan tức sự; Hàn Tín giảng binh sứ v.v...          

Tự Đức có cả một tập thơ Vịnh sử nước Việt (Ngự chế Việt sử tổng vịnh) 10 quyển in năm 1877. Cao Bá Quát có các bài Vịnh: Phù Đổng Thiên Vương, Vịnh Hưng Đạo Vương, Vịnh Chu An v.v... Tùng Thiện Vương có các bài: Mã Viện, Lý Quảng, Gia Cát Lượng, Phạm Tăng, Lý Tịnh, Đào Duy Từ. Trương Đăng Quế cũng có các bài: Độc Việt Sử ứng chế; Vịnh sử nhị thủ ứng chế; Hán cao tổ - Hán chiêu liệt đế; Hạng Vũ, Trương Lương; Giả nghị; Vịnh sử ứng chế: Gia Cát Lượng, Trương Tuần, Vũ Khiêm...

Có tổng cộng 35 bài viết về nhân vật lịch sử trong tổng số 244 bài của Học văn dư tập chiếm tỷ lệ 24%.

[1] Một địa danh nằm sát đầu cầu Trà Khúc.

[2] Năm 1750 nhà thơ Đạm An Nguyễn Cư Trinh, tác giả tập thơ Nôm Sải vải, thời kỳ ở Quảng Ngãi có làm 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp của Quảng Ngãi là: Thiên Ấn niêm hà; Thiên Bút phê vân; Long đầu hí thủy; La Hà thạch trận; Liên trì dục nguyệt; Cổ Lũy cô thôn; Thạch Bích tà dương; Hà Nhai vãn độ; An Hải sa bàn; Vân phong túc võ; Thạch cơ điếu tẩu.

[3] Làng Tịnh Khê còn có tên là làng Mỹ Lại, tiếng nước ngoài không có dấu nên người ta đọc là Mỹ Lai. Vụ thảm sát Mỹ Lai (16-3-1968).

[4] Một làn điệu dân ca phổ biến ở Tịnh Khê.

[5] Tương truyền: Gia Long mời những quan chức cấp tỉnh của triều đại trước ra làm quan. Vì tư tưởng “trung thần bất sự nhị quân” nên tự xử chết.

[6] Quốc triều chánh biên toát yếu - Nhóm nghiên cứu sử địa Sài Gòn - 1972, trang 110.

[7] GS. Trần Văn Giàu – Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, 1987.

[8] Tuy Lý  Vương – Thần Đạo Bi Minh - Vỹ Dạ hiệp tập.

[9] Từ đây cho đến cuối sách ngoài những bài đã ghi rõ tên người dịch, còn lại không ghi tên, là của ông Trương Quang Gia dịch.

[10] Phạm Lam Anh tên là Khuê người huyện Diên Phúc, tỉnh Quảng Nam, con quan Cai Bộ Phạm Hữu Kính. Lam Anh là một nữ sĩ có danh, có tập thơ Chiến cổ đường còn truyền lại Trúc Khê - Báo Tri Tân số 112, năm 1943 - dẫn theo Tạp chí Văn học Sài Gòn số 150 ngày 1- 7- 1972, trang 9.

[11] Ưng Trình, Bửu Dưỡng – tác phẩm Tùng Thiện Vương Sđd , trang 75.

[12] Bài tựa của Trương Đăng Quế trong tập Học văn dư tập.

[13] Nguyên chú: Cô em gái thứ ba của Thương Sơn Công lấy chữ Khanh làm tự, nhà ở trước mặt bên hữu.

[14] Trúc Khê dịch, đăng báo Tri Tân, 1943 Sđd .

[15] Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa , Huế 1993.

[16] Ngô Văn Chương - Phân tích những khuynh hướng tình cảm đạo lí xã hội trong thi ca Tùng Thện Vương, Sđd  trang 75.

[17] Trần Thanh Mại, Tác phẩm Tuy Lý Vương - Ưng Linh xuất bản, Huế 1938 – Dẫn theo Ngô Văn Chương, Sđd trang 64.

[18] Bản dịch của Trần Văn Giáp, NXB Văn hóa Hà Nội, 1961 – Dẫn theo Từ trong di sản – Nguyễn Minh Tấn chủ biên, NXB Tác phẩm mới, 1988 trang 100.

[19] Từ trong di sản, Sđd  trang 135.

[20] Bài tựa của Trương Đăng Quế trong tác phẩm Học văn dư tập.

[21] Từ trong di sản, Sđd trang 165.

[22] Bản khắc gỗ của Thương Sơn Công nhan đề “Kiếm thủ tập” Nguyễn Xuân Tảo dịch, Tài liệu của GS. Lê Trí Viễn.

[23] Từ trong di sản, Sđd  trang 139.

[24] Bài tựa của Trương Đăng Quế trong tác phẩm Học văn dư tập.

[25] Bài tựa của Trương Đăng Quế trong tác phẩm Học văn dư tập.

[26] Ông tự là Bá Quát, hiệu là Mai Phong người làng Phủ Lý huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là học trò của Chu An, làm chức Thượng Thư Hữu Bật Nhập nội Hành Khiển đời Trần Minh Tông - Dẫn theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XVII, NXB Văn học Hà Nội, 1976 trang 235.

3. 4 Đề tài viết về đời thường        

Đây là đề tài ít thấy trong văn học thời kỳ đầu trung đại. Đề tài con người trong văn học đầu kỳ trung đại là con người đạo lý, con người của tôn giáo. Con người đó được hòa tan trong cộng đồng. Nó trở thành con người đạo lý của cộng đồng dân tộc. Đạo lý là đạo lý yêu nước, chống giặc cứu dân.       

Đến giai đoạn này, nói như giáo sư Lê Trí Viễn: “Tình hình đã đổi khác sâu sắc. Văn học bước vào hậu trung đại nghĩa là vẫn trung đại nhưng ở hậu kỳ. Vận mệnh đặt ra cho đất nước bức bách và nghiêm trọng bội phần là vận mệnh nhân dân. Con người của nghệ thuật đạo lý cộng đồng, của tôn giáo mờ nhạt đi, ngược lại đậm  nét con người hiện thực cuộc đời trước mắt, con người trần tục với khổ cực ngút ngàn và khao khát rát cháy, đòi cho được đôi chút quyền sống như một con người có ý thức về mình, được phép khẳng định mình là mình, là A chứ không phải là B, càng không phải toàn cộng  đồng một cách trừu tượng”[1].

Văn học của hậu kỳ trung đại chú trọng vào “những điều trông thấy” hơn là nhưng điều  trừu tượng. Thơ Mặc Vân viết về những con người đời thường rất nhiều. Miên Thẩm chứng kiến cảnh một người nhà nghèo đói khát không có cơm ăn, lạnh rét không có áo mặc trong khi ấy những gia đình giàu có tha hồ ăn uống sung sướng. 

BẦN GIA

Tân khổ bần gia tử

Niên niên bàn phục cơ

Hiệu trường sơ thế phạn

Đống cốt hỏa vi y

Biến địa do binh giáp

Mấn hiên thả tật uy

Chu môn lạc hà sự?  

Dạ ẩm liên triêu huy 

Dịch:

NHÀ NGHÈO

Cay đắng phận nhà nghèo

Năm năm rét rồi đói

Ruột rỗng rau thay cơm

Xương lạnh lửa làm áo

Khắp chốn còn binh đao

Trời ghét gieo tai vạ

Cửa son vui việc gì

Thâu đêm liền tiệc rượu[2]

Huệ Phố viết Điền gia từ (Lời nhà nông) có câu:

Lục nguyệt khổ hạn miêu bất phì

Điền gia phan khứu hần vô xu

Dịch:

“Tháng sáu lúa gầy trời hạn to

Nhà nông ăn sáng bát cơm khô”[3]         

Trong Học văn dư tập, Trương Đăng Quế viết về đề tài đời thường rất nhiều. Trong bài “Khí phụ từ”, ông viết về lời người vợ bị chồng bỏ: 

Kim triêu nhan sắc suy

Quân hành đa khả nghi

Dục ngôn bất khả đắc

Tương kiến chung vô kỳ

Dịch:

Nhan sắc sớm suy vong

Lang quân dạ trái ngang

Nói ra dường ngập ngọng

Hẹn đâu thêm bẽ bàn

Một đêm tối, trời mưa, thấy một cô gái còn đi lang thang bên dòng sông, ông xúc cảm viết bài:

XUÂN GIANG KHÚC

Tạc dạ vũ thủy hạ

Xuân giang vi lãng sanh

Thiếp tâm sở hữu cảm

Diên ngạn tự vi hành 

Dịch:

BÀI CA SÔNG XUÂN

Đêm qua có mưa nhỏ

Lòng sông sóng gợn mờ

Lòng em xao xuyến bấy

Ven sông bước bước hờ

(Lê Kỉnh dịch)

Ông viết về những cô gái ở chốn thanh lâu:

Nhân sinh kỷ thời hảo

Nhan sắc khí trí lão

Đại chung đồ nhiên

(Thanh lâu oán) 

 

Dịch:

Ngày xuân phỏng được bao nhiêu

Má hồng thoáng chốc tiêu điều già nua

Trò đời lắm nỗi gió mưa

(Hận lầu xanh)   

Ông viết về cảnh gia đình, nhà cửa, con cháu của mình, một cách rất chân thực và đời thường. Trong bài Ký tứ tuế nhi bỉnh, tác giả kể việc gởi bánh cho con: 

Từ gia vị nhất nguyệt

Niệm nhữ khổ bất tứ

Ký hồi sổ mai bỉnh

Lạc hạ kỷ điểm lệ

Dịch:

Gần một tháng xa nhà

Nhớ con lòng xót xa

Gởi về vài chiếc bánh

Mà đôi lòng lệ sa! 

(Huỳnh Châu dịch)

Về cảnh sống của  người anh, ông viết:

Ngô huynh phương tại gia

Giáo sắc đồng bộc canh

Điệt nhi tại kỳ bàng

Hi hí giao tung hoành

(Xuân nhật thư hoài)  

Dịch: Ngày xuân hoài cảm

Anh ta nay ở quê nhà

Dạy con cùng bộc đi ra ruộng cày

Bên cạnh cháu nhỏ hay hay

Chạy ngang chạy dọc múa may hát cười

(Huỳnh Châu dịch) 

Ông khóc anh rể chết:

Tha hương khổ vũ tam thu dạ

Cố địa tân phần  sổ xích bi

Cao nghĩa như công, kim hữu kỷ

Lệnh nhân cảm thán bội thê kỳ

(Khốc tỷ phu Bùi phủ Lễ Sanh Diệu) 

Dịch:

Đêm mưa đất  khách ba thu khổ

Bia mộ bên nhà mấy thước cao

Nặng nghĩa như anh giờ được mấy

Khiến ai thương tiếc nặng u sầu

Ông viết về em chết, cháu  chết:

Mẫu lão huynh hàn gia hựu bần

Muội sanh vị đắc nhất triêu thân

Thương tâm tử biệt hà thời liễu

Phong vũ tam thu bộ thảng thần     

(Khốc muội)  

Dịch:

Mẹ già anh khổ cảnh thêm nghèo

Thư thả thân em chửa sớm chiều

Vĩnh biệt khôn  nguôi lòng tiếc nuối

Ba thu mưa gió nặng eo sèo

Ông khóc cháu chết:

Nhữ  khứ tương an quy

Thân lão tử hựu ấu

Khổ huống phân nan chi

Niệm cập tồi tâm can

Sảng nhiên hữu dư bi

(Khốc huynh tử Hàn Lâm Tu Soạn Đăng Trinh) 

Dịch:

Cháu đi về làm sao

Cha mẹ già con nhỏ

Đau khổ biết nhường nào

Nghĩ đến lòng chua xót

Trời xanh ơi tại sao

(Huỳnh Châu dịch)     

3.5 Đề tài thời sự:        

Từ khoảng giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các nhà thơ Mặc Vân còn có chung một đề tài nữa là thời sự. Pháp đánh chiếm Cần Giuộc ngày 14-12-1861. Hai ngày sau nghĩa binh nổi lên đánh  Pháp có 27 người tử thương. Đỗ Quang và Bùi Quang Diệu làm lễ truy điệu. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác và đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tại buổi lễ đó. Bài văn này truyền đến các nhà thơ trong nhóm Mặc Vân. Nhiều người đọc bài văn tế và cảm xúc làm nên các bài thơ như: Độc điếu nghĩa dân tử trận văn của Mai Am; Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn của Miên Thẩm. Phạm Phú Thứ cũng viết: 

Nam cố vu thân lự

Tây chinh kỷ nhật hưu

(Tống Hồng Lô tự khanh Đỗ La Phong vãng Nam Kỳ)          

Dịch:

Nhìn về Nam khôn khuây

Bao giờ hết giặc Tây [4]        

Trương Đăng Quế cũng viết: 

Truyền văn liêu hải thú

Tuế mộ phục Nam chinh

(Đảo y)       

Dịch:

Nghe phỏng biển xa đoàn thú trước

Tàn năm về lại cả Nam phương    

4. Thể thơ:           

Giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, các thể thơ được sử dụng phổ biến như: nhạc phủ, tứ ngôn, ngũ cổ, thất cổ, ngũ ngôn luật, ngũ ngôn bài luật, thất ngôn luật, ngũ ngôn tuyệt, thất ngôn tuyệt, hành. Có tất cả 10 thể thơ kể trên thường được sử dụng nhất. Trong 202 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du (gồm cả 3 tập: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục) được Nhà xuất bản Văn học Hà Nội in năm 1988, chúng tôi thống kê lại và thấy: Ngũ cổ: 6 bài, Thất cổ: 5 bài; Ngũ ngôn luật 31 bài, Thất ngôn luật: 167 bài, Ngũ ngôn tuyệt: 5 bài, Thất ngôn tuyệt: 25 bài, Hành: 15 bài. Trong 244 bài thơ chữ Hán của Trương Đăng Quế in trong Học văn dư tập, chúng tôi thấy: Nhạc phủ: 5 bài; Tứ ngôn: 1 bài; Ngũ cổ: 28 bài; Thất cổ: 2 bài; Ngũ ngôn luật: 53 bài; Ngũ ngôn bài luật: 8 bài; Thất ngôn luật: 76 bài; Ngũ ngôn tuyệt: 4 bài; Thất ngôn tuyệt: 65 bài; Tứ thời cung từ: 2 bài.      

Trong số thể thơ thông dụng kể trên có hai thể thơ được sử dụng nhiều nhất là Thất ngôn luật  (Nguyễn Du: 167 bài chiếm tỷ lệ 82%; Trương Đăng Quế: 76 bài chiếm tỷ lệ 31%); Ngũ ngôn luật (Nguyễn Du: 31 bài chiếm tỷ lệ 15%; Trương Đăng Quế 53 bài: chiếm tỷ lệ 22%); Thất ngôn tuyệt  (Nguyễn Du: 25 bài chiếm tỷ lệ 12%; Trương Đăng Quế: 65 bài chiếm tỷ lệ 27%).          

Chúng ta thấy thể thơ trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX vẫn là thể thơ cũ của thời trung đại nhưng cái khác ở đây là các nhà thơ dùng cổ thể, nhạc phủ rất nhiều. Chúng ta có thể lý giải được vì sao như thế. Đây là thời văn học trung đại nhưng nói chính xác nó đã thuộc hậu kỳ trung đại, tư tưởng tình cảm của người sáng tác đã có chiều hướng phát triển phóng khoáng hơn trước nên họ cần các thể thơ tự do để thể hiện nó.      

5. Ngôn ngữ thơ

5.1 Từ ngữ

5.1a  Điển cố: 

Thời kỳ đầu của văn học trung đại, các tác gia dùng rất nhiều điển cố và thuật ngữ của Nho, Phật, Lão. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh một số nhà thơ vẫn còn ưa chuộng điển cố như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Thông v.v... Tập thơ của Tùng Thiện Vương (Nxb Thuận Hóa năm 1994) có 100 bài thì số bài dùng điển cố là: 73 chiếm tỷ lệ: 73%. Thơ Nguyễn Thông (Sở VHTT Long An xuất bản 1984) có 78 bài thì số bài dùng điển cố là 36 chiếm tỷ lệ 46%. Ta thấy đã có một số nhà thơ bắt đầu ít dùng điển cố như Nguyễn Công Trứ, Trương Đăng Quế... Tập thơ Học văn dư tập có 244 bài thì số bài có dùng điển cố là: 22 bài (không kể các bài vịnh các nhân vật lịch sử)  chiếm tỷ lệ: 9%. 

5. 1b Sử dụng từ “ngã” (tôi) biểu thị cái tôi trữ tình           

Văn học thời kỳ đầu trung đại là văn học mang tính phi ngã. Bấy giờ cái tôi cá nhân chưa được khẳng định. Con người cá nhân bị che lấp bởi con người đạo  lý, con người tôn giáo. Điều đó cũng dễ hiểu thời bấy giờ vận mệnh của đất nước, dân tộc được đặt lên hàng đầu bởi công việc bức bách và nghiêm trọng của dân tộc là bảo vệ lãnh thổ đất nước. Cho nên con người trong văn học bấy giờ là con người của cộng đồng dân tộc với đạo lý yêu nước, chống giặc cứu dân. Đến giai đoạn sau nhất là từ giữa thế kỷ XVIII trở đi con người cá nhân bắt đầu xuất hiện. Ý thức cái tôi cá nhân định hình và bắt đầu “cựa quậy” (Chữ dùng của Gs. Nguyễn Đăng Mạnh, SGK văn học 11 trang 80) như Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v.. Hồ Xuân Hương đã từng viết: 

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

hay:   

Này này chị bảo cho mà biết      

Càng về sau ý thức cá nhân được thể hiện trong thơ càng rõ nét hơn như thơ của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v...

Trong thơ Trương Đăng Quế ta thấy chữ “ngã” (tôi) xuất hiện tới 50 lần trên tổng số 244  bài của tập thơ Học văn dư tập chiếm tỷ lệ 20%. 

Ý thức cái tôi cá nhân của thời kỳ hậu trung đại là tiền đề cho văn học thời hiện đại phát triển. Cái tôi cá nhân, cá thể xuất hiện đầy đủ, được giải phóng ra khỏi hệ thống ước lệ khắt khe. 

5.2 Về hình tượng

5.2.a Con người

Văn học thời kỳ đầu trung đại (Lý - Trần) chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo nên hình tượng con người trong văn học cũng ảnh hưởng theo tư tưởng triết lý thiền của Phật giáo. Hình tượng con người được khám phá bất ngờ và thú vị qua nhiều bức tranh khác nhau về cuộc sống, qua một tiếng chuông, một mặt hồ yên lặng mát mẻ, một khoảng đất thơm ngát hoa thông hay một câu nói khôi hài hóm hỉnh... Con người tự do với một tinh thần phá chấp triệt để, không vướng mắc vào giáo lý kinh điển vào cái “có” và cả cái “không”. Mạnh mẽ và triệt để hơn cả là Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung với lời cảnh tỉnh mọi người: “Phật và chúng sinh đều có một bộ mặt, đều là mày ngang mũi dọc mà thôi” (Phàm thánh bất dị). Cho nên “Chẳng cần lễ Phật, cũng chẳng cần lễ Tổ” (Tụng Cổ - Tuệ Trung) không cần phải trì giới và nhẫn nhục vì “trì giới và nhẫn nhục” chỉ “rước tội chẳng rước phúc”  (Trì giới kiêm nhẫn nhục - Tuệ Trung)[5].         

Đến đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn lấy tư tưởng Nho giáo làm chính nên hình tượng con người trong văn học ảnh hưởng theo tư tưởng Nho giáo. Đó là con người rập theo khuôn mẫu xuất xử hành tàng theo Nho giáo. Con người luôn luôn giữ đúng năm mối quan hệ (ngũ luân): quân thần (vua tôi), phu phụ (vợ chồng), phụ tử (cha con), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bạn bè). Ở Nguyễn Công Trứ con người của “Vòng trời đất dọc ngang  ngang dọc - Nợ tang bồng vay trả trả vay”. Một con người sẵn sàng đè bẹp tất cả  những người anh hùng khác nhưng với đấng quân vương thì ông phải đội trên đầu “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới - Chín tầng thiên tử đội lên trên”. Thơ Trương Đăng Quế cũng vậy, ngoài một vài bài chịu ảnh hưởng của tư tưỏng Phật giáo, còn lại hầu hết hình tượng con người trong thơ là con người của Nho giáo. Đối với đấng quân vương ông hết lòng trung thành, với vợ một mực chung thủy, với con cháu hết sức thương yêu, với anh em hết lòng kính mến và đối với bạn bè ông thể hiện tấm lòng chân thật chí tình. Thơ Trương Đăng Quế biểu hiện con người cá nhân và con người bổn phận hòa hợp nhuần nhuyễn. Chính điều đó làm nên chất trữ tình thấm thía trong thơ ông.        

5.2b Thiên nhiên   

Thời kỳ đầu trung đại (thơ Lý - Trần) thiên nhiên được nhìn qua lăng kính của đạo thiền. Sự vật không như cái vốn có của nó mà nó luôn luôn biến đổi đan xen giữa hư và ảo, giữa thực và giả, giữa động và tĩnh. Người ta lấy thiên nhiên như là một cái cớ, một phương tiện để biểu thị một mục đích khác. Mãn Giác thiền sư bị bệnh trước khi mất, ngài làm bài kệ trong đó có câu: 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước  một cành mai

(Có bệnh bảo mọi người)       

Thoạt nhìn nó là cảnh nhưng ngẫm nghĩ nó là cảm hứng thiền. Câu thơ chứa đựng cả một triết lý thiền tông. Cuộc đời là dòng biến hóa vô thường vô định có sinh, có diệt, có trụ, có vong.      

Đến đầu thế kỷ XIX thiên nhiên được con người cảm nhận một cách trực tiếp. Thiên nhiên của con người đời thường rất rõ nét. Trương Đăng Quế viết:

Quy nhàn tư đệ giác cân tà

Trụy diệp kinh thu cảm tuế hoa

Dĩ tức biên đình trù chiến lược

Bất phường điền dã kiết thông gia

Dinh trù lạc đỗ tăng trường ốc

Cận hải sầu văn quát địa sa

Độc ỷ gia âm tần bắc vọng

Điều điều khuyết ải mộ vân già

(Phụng họa Thương Sơn Công Kiến hoài nhị thủ nguyên vận kiêm thị Triệu Phong quận công) 

Dịch:

Khăn nghiêng mái cũ rảnh rang mà

Lá rụng e thu tuổi xót xa

Đã trọn biên cương trù chiến lược

Chẳng hiềm thô lậu kết thông gia

Ruộng tràn vui thú kho đầy lúa

Biển giáp buồn nghe cát sóng pha

Riêng dựa bóng dừa trông hướng bắc

Kinh thành khuất nẻo ánh mây tà

(Phụng họa hai bài Kiến hoài của Thương Sơn Công đồng gởi Triệu Phong quận công)      

Để tả thiên nhiên, ông cũng dùng các thi liệu quen thuộc như: mây, gió, trăng, hoa, núi, rừng, sông, bể v.v… Duy chỉ có điều thơ Trương Đăng Quế nêu lên hình tượng cây dừa rất quen thuộc (Độc ỷ gia âm). Đây là hình tượng mà thơ xưa trước ông, chưa từng nêu.        

Một điều nữa thơ Trương Đăng Quế cảm hứng cảnh vật bao giờ cũng đi kèm với con người. Trong bài Thôn khuê, tác giả viết: 

Thôn khuê tiểu nhi nữ

Sanh lai vị thức tình

Văn nhân đạo thu chí

Tương dữ cấm sầu sanh

Dịch:

BUỒNG QUÊ

Gái bé nơi buồng quê

Duyên tình nào đã hiểu

Vẳng ai báo thu về

Hồn lẻ loi nặng trĩu      

Bài thơ mang cả thu cảnh và thu tâm, thu cảnh thì ít mà thu tâm thì nhiều. Cô gái trong bài cũng biết buồn trước cảnh thu sang. Đây là một nét rất mới. Đọc bài thơ chúng ta thấy ý thơ có khác gì Thơ mới của Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới: 
 
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi  gì?  
(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu) 
Về quan điểm, đề tài, ngôn ngữ, thể thơ, thơ Trương Đăng Quế vừa mang đặc tính chung của thơ tao đàn Mặc Vân: Thơ phải xuất phát  chỗ tự nhiên và cốt là ở tính tình mà ra; đề tài thơ bao gồm tống tiễn, ứng họa, vịnh các nhân vật lịch sử và đề tài viết về đời thường, vừa mang đặc điểm riêng, lời thơ chân chất, giản dị mộc mạc nhưng hàm súc cao; hình tượng thơ gần gũi quen thuộc.
Nha Trang 10/12/2009
Trương Quang Cảm
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...