Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Việt Nam, một thế kỷ qua 1

Việt Nam, một thế kỷ qua 1

Cuốn 1: 1916-1946
Thay Lời nói đầu

Hơn 60 năm trước đây, tôi sinh ra tại một huyện lỵ nhỏ trên con đường xe lửa Hà Nội - Hải Dương, miền Bắc Việt nam. Lúc đó, không ai ngờ được là ngày hôm nay tôi ngồi tại một thành phố nước ngoài, xa hàng ngàn dặm, để nghiêng xuống dĩ vãng xa xăm của đời mình. Bao nhiêu hình ảnh của đất nước, của gia đình, của xã hội Việt nam yêu dấu, bao nhiêu sự kiện lịch sử mà tôi đã tự trải qua, lại dồn dập hiện ra như mới một ngày nào.
Cả một thời kỳ trong cuộc đời của một dân tộc, từ những giờ phút tối tăm, bi đát, gần như tuyệt vọng dưới thời Pháp thuộc, cho đến những ngày sôi nổi 1929-1931 và cơn bão táp 1955-1956 mà gia đình tôi và tôi, dù muốn hay không cũng đã bị lôi cuốn vào. Chúng tôi ít nhiều cũng đã đóng một vai trò trên sân khấu lịch sử, đã tham gia vào những phong trào văn nghệ, xã hội, chính trị và những biến cách hồi ấy. Chúng tôi từng gặp những nhân vật lịch sử có một không hai đã góp vào sự quyết định vận mệnh của một dân tộc, đã trải qua những cảnh ngộ độc đáo mà chỉ có thể gặp ở những thời đó. Và ngày nay, chỉ có ngày nay, tôi mới có một tâm hồn rỗi rãi để ôn lại quá khứ.
Viết cuốn Hồi ức này, tôi không muốn gì khác là làm sống lại một phần nào quãng đời đã qua, để hiến cho những ai còn quan tâm đến quá khứ của Việt nam và những người còn nhớ tới thời thanh niên của mình - và những người trẻ tuổi muốn biết thêm vài khía cạnh của xã hội, về văn nghệ (Tự lực Văn đoàn, nhóm Phong Hoá) về những diễn biến văn nghệ trước và sau quân Nhật đầu hàng, về sự đấu tranh giữa những phái Quốc gia và cộng sản trong hai năm vật lộn, với sự thất bại cuối cùng của phái quốc gia trong một hoàn cảnh quốc tế thật đặc biệt.
Những sự kiện sẽ thuật lại là sự thật hoàn toàn, nhưng tôi không có ý viết lại một cuốn lịch sử. Đương nhiên, người ta có thể đứng vào nhiều khía cạnh khác nhau để nhìn vào các sự kiện. Những cuốn sách lịch sử hay hồi ức đã viết về hồi ấy ở Việt nam chứng tỏ điều này. Tôi không có ý gì biện luận với những tác giả quyền uy, cũng không có ý biện bạch cho một quan điểm nào, tuy trong khi viết tôi có thể không tự giác mà đồng tình với những cái gì. Nhưng nếu khi đọc xong cuốn hồi ức này, người xem thu được một cảm tưởng thú vị và có ích, không đến nỗi phí thì giờ, thì tôi tự cho là may mắn quá rồi.
Hồi ức này có liên cập đến rất nhiều nhân vật trong đủ các giới cách mệnh, chính trị, xã hội, văn nghệ của một thời đại. Muốn tránh những sự không tiện có thể xày ra trên thế giới ngày nay cho một số người, tôi không nêu rõ tên họ hay chỉ dùng tên hiệu thay vào, xin các bạn bè thông cảm. Đánh giá những nhân vật ấy không phải là mục đích chính của cuốn hồi ức này, và nếu có cũng chỉ là ý kiến cá nhân của riêng tôi.
Nếu có gì sai lầm hay không vừa lòng một ai thì tôi xin lỗi trước, vì rất ít khả năng đính chính được.
Tác giả
Đầu năm 1980
Mấy Lời Ngỏ Cùng Bạn Đọc
Vào năm 1980, tôi viết cuốn hồi ký đầu tiên, lấy lên là Việt nam những ngày lịch sử - Hồi ký của gia đình Nguyễn Tường. Với cuốn đó, tôi không có ý viết tường tận về mọi mặt, mà do hoàn cảnh đương sống lúc ấy tại Quảng Đông, Trung quốc, tôi chỉ kể sơ sài có giới hạn về gia đình anh em tôi và những dữ kiện chung quanh gia đình mà thôi.
Xin nói thêm rằng, không biết vì lẽ gì mà người xuất bản sách, ông bạn Nguyễn Khắc Ngữ (nay đã quá cố) khi in ra đã bỏ đi câu Hồi Ký về gia đình Nguyễn Tường, mong các bạn hiểu cho, và thông cảm với những điểm thiếu sót hay lầm lẫn trong hoàn cảnh đó.
Tám năm sau đó, tôi đã sang sinh sống tại Hoa Kỳ. May đã gặp được nhiều người thân trong đại gia đình và nhiều bạn hữu cũ và mới. Có một số vẫn ngỏ ý muốn tôi viết lại hồi ký cho đầy đủ hơn, từ lúc còn nhỏ cho tới tận nay. Những thân hữu ấy cho rằng trong gần thế kỷ, cuộc đời của tôi và gia đình cũng đã trải qua nhiều cảnh ngộ đa dạng, có những điều đáng ghi nhớ về câ văn nghệ, xã hội, chính trị trong cơn gió lốc kinh hoàng đã cuốn vào cả một dân tộc.
Được khuyến khích, nên dù có bận bịu nhiều thứ, hay dù tuổi đã ngà về chiều -nhiều hơn cả thời hạn mà ông Đỗ Phủ ngày xưa đã ấn định cho mình, tôi cũng cố gắng cầm lại cây bút. Thực ra, với hứng thú viết báo, viết văn từ lúc còn trẻ, dù ở nơi nào, tôi cũng không ngừng viết. Điều này, chắc nhiều bạn cũng biết. Gần đây, để có một sáng tác xứng đáng hơn về mặt nghệ thuật tôi cho ra đời cuốn tiểu thuyết dài Trên sông Hồng cuồn cuộn dâng cho độc giả. Có nhiều người hỏi tôi: đó là tiểu thuyết, hay là hồi ký?
Tôi đã xin trả lời rằng, đó là tiểu thuyết, không phải là hồi ký, tuy những dữ kiện và nhân vật hư cấu có dựa phần nào trên đời sống thực. Cũng như cuốn Cuốn theo chiều gió - Gone with the wind - hay Bác sĩ Zhivago - Doctor Zhivago - mà thôi.
Vì vậy, tôi thấy cũng nên viết lại Hồi Ký, để góp phần làm sống lại một thời kỳ đặc biệt, với những sự kiện mà tôi được biết rõ hơn nhiều người, như thế, cũng có thể giúp cho những ai quan tâm đến quá khứ, có thể thành một ít sử liệu, và hai nữa, giúp được người đọc mua vui một vài trống canh, nếu bạn có hứng thú.
Là con người, ai cũng có một quá khứ, dù ngắn hay dài, và cũng luyến tiếc quá khứ. Quá khứ lúc nào cũng theo đuổi chúng ta như hình với bóng, vì quá khứ chính là mình được tạo thành bởi bao nhiêu cảnh ngộ, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu đắng cay hay ngọt bùi, ưu sầu hay phấn khởi, thất bại hay thành công, mà chỉ có tự mình mới cho thể cảm thấu được. Chỉ có một ngọn cỏ, một cánh hoa, một rặng tre, một chuyến tàu, hay một làn gió thoảng, một ánh mắt, một nụ cười, một tiếng than thở, một giọt lệ dù chỉ có thế cũng là một cuộc sống đã ăn sâu vào da thịt, vào xương tủy của mỗi con người -mà chỉ có của con người đó thôi. Mà trong quá khứ 80 năm, tôi cũng đã có bao nhiêu cảm xúc, trong bao nhiêu cảnh ngộ!
Hôm nay trời lạnh, mưa rơi trắng xoá làm mờ cá đường phố và các cụm cây bên thềm. Tôi lại nhớ, nhớ da diết đến quá khứ, nhớ đến con đường xa xăm đã phải đi từ thủa còn nhỏ tại quê hương, rồi cứ đi, đi mãi. Thuở ấy, có người lấy số Tử Vi cho tôi, bảo là rất tốt, tương lai sẽ tươi sáng, bay nhẩy, nhưng không ai đoán đúng được số phận long đong, gian nan thực khó lường của tôi và của nhiều người trong gia đình. Xem ra, vẫn chỉ có nhà thơ Nguyễn Du là nói gần đúng nhất.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi tại sao cậu bé con ngơ ngác trên phố huyện Cẩm Giàng lầy lội, lại bôn ba nơi hải ngoại, và sau gần thế kỷ, lại đến ngồi tại cái đất Nam Cali ấm áp, tại bên bờ Thái Bình Dương, cách quê hương hàng vạn dặm?
Trong cảnh lưu lạc tha hương, người ta hay nghĩ tới cố nhân. Những lúc cô đơn bước giữa những tâm hồn xa lạ, tôi vô vàn ngậm ngùi nhớ tới những người thân đã sớm bỏ ra đi, vĩnh viễn...
Ngàn năm bạc mệnh, một đời tài ba... Biết bao nhiêu người có tâm huyết, biết bao nhiêu tài hoa xuất chúng, biết bao nhiêu anh em... nay nằm ở đâu? Bao người trong gia đình đã qua đi mà không hề gặp được lại mặt, tôi chỉ biết ở xa mà cúi đầu, hoài niệm. Những tài hoa yểu mệnh, như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Đặng Thế Phong, Hàn Mặc Tử.... do tật bệnh cướp đi, Nguyễn Tường Cẩm - Khái Hưng, đều mất tích, nạn nhân của tội ác. Hoàng Đạo chết trong lưu lạc, Nhất Linh, tự kết liễu cuộc đời. Còn bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ nữa. Còn bao nhiêu anh em chống đế quốc, chống độc tài, đã hy sinh trên chiến trường hay tại đất nước người.
Biết bao nhiêu đau khổ, éo le đè nặng trên đầu người dân Việt bé nhỏ. Và đồng thời, trong thế kỷ, cũng đã biết bao nhiêu nhân vật thần kỳ đã xuất hiện rồi biến đi trong những chuyển mình vĩ đại của đất nước. Ôi! quá khứ triền miên đè nặng trên tâm hồn mỗi người chúng ta, không sao thoát gỡ được. Tôi rất muốn nhấc ngòi bút lên để tả, nhưng với ngòi bút nhỏ nhoi, yếu ớt của tôi, làm sao mà tả nổi, mà tâm hồn cũng đã cằn cỗi.
Làm sao mà tâ nổi cả cảnh huống lầm than, nghèo cùng, quạnh hiu, bi thương của cả một dân tộc? Làm sao mà tả nổi, trong những ngày hầu như vô vọng, đã có bao anh hùng, chí sĩ quật khởi đứng lên chiến đấu, đã có bao hy sinh oanh liệt?
Làm sao tả nổi những chuyển biến lớn lao trong xã hội Việt nam, những xô chạm giữa các giá trị văn hóa truyền thống và tân tiến, và ngay dưới ách cùm kẹp của thực dân, một thời kỳ vàng son của văn chương, nghệ thuật -gồm cả hội họa, âm nhạc, kịch nghệ- có một không hai trong lịch sử?
Làm sao tả nổi những ngày kỳ diệu, long trời lở đất trước sau tháng tám 1945, và cuộc vật lộn giữa các thế lực đối chọi nhau, đưa tới kết cục bi thảm là lại một thứ gông cùm khác lại trùm diết trên đầu người Việt vô tội?
Làm sao tả nổi những cuộc chạy nạn chưa từng có, để lại bao tang tóc trên đường và đến tận nay, hàng triệu người bơ vơ, mất gốc, rạt vào bốn phương trời trên thế gian. Đau thương, nhục nhã vẫn triền miên cho người Việt chúng ta, và cho biết bao nhiêu con người khác trong nhân loại? Nhưng, cứ cầm bút lên, gắng ghi được phần nào hay phần ấy, để tự an ủi và ít ra, cũng góp phần gợi lại những kỷ niệm vì một thời gian đã qua, để không cho mình quên.
Quên đi quá khứ của mình, quên đi đau thương nhục nhã của mình, của đất nước, có nghĩa là quên mất nguồn gốc, và quên mất cà chính mình, trở thành một kẻ không còn tâm hồn. Quá khứ dù đau thương cay đắng đến đâu, nhưng nó vẫn sẽ kích động chúng ta bước lên, chỉ cần quyết tâm nhìn lại chính mình và thoát bỏ được những lầm lỗi, lạc hướng ta đã phạm. Cuốn Hồi Ký này xuất bản làm hai phần:
- Phần I, viết về từ đầu thế kỷ cho tới tháng 8-1946, nội dung chủ yếu thuật về thuở nhỏ, gia đình, đời học trò, thời kỳ làm ăn, làm báo cùng hoạt động của nhóm phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực văn đoàn, những biến chuyển trong xã hội, rồi tới những hoạt động cách mạng chống thực dân với Đại việt dân chính, Việt nam Quốc Dân đảng, quân Nhật đầu hàng, Việt minh cướp chính quyền, cuộc chiến tranh quốc gia cộng sân khốc liệt.
- Phần II, viết về từ tháng 8-46 trở đi, cuộc đấu tranh với Việt minh, một số anh em lưa vong sang Trung quốc, rồi sang Hoa Kỳ.
Phần vì thời gian quá dài, phần vì trí nhớ suy kém, nên trong cuốn sách tất sẽ có thiếu sót, lầm lẫn, ra ngoài ý muốn của tác giẫ. Xin hoan nghênh mọi ý kiến phê bình xây dựng, bổ túc hay chỉ chính.
Tác giả
Tháng 12-1996
Lời Giới Thiệu Của Nguyễn Sỹ Tế
Tôi được hân hạnh đọc và giới thiêu một thiên hồi ký đặc biệt của một tác giả thuộc hàng huynh trưởng nổi danh, cuốn Việt nam, Một Thế Kỷ Qua (cuốn l: 1916-46) của Nguyễn Tường Bách.
Nơi một quốc gia, sau một thời kỳ đại loạn với muôn ngàn biến cố mà ý nghĩa cùng chính sự việc còn là đối tượng truy cứu và đề tài tranh luận của nhiều người, thường khi người ta thấy xuất hiện một loại văn chương gắn bó với lịch sử trong đó, thể tài hồi ký xem ra được lưu tâm hơn cả. Cuốn Mémoires - Hồi Ký - của tướng De Gaulle- Pháp-quốc, anh hùng kháng chiến chống Đức, viết sau thế chiến II, là một thí dụ điển hình. Cũng thế, trong cuộc đời của một nhân vật quan trọng mà thân phận phải thăng trầm theo biến thiên xã hội, chính nhân vật đó trong lúc rằnh rỗi về sau, chép lại những kỷ niệm riêng tư của mình nối kết với bối cảnh lịch sử trên. Sách này cũng là hồi ký. Điển hình cho loại hồi ký này là cuốn Mémoires doutre tombe - Hồi ký bên kia nấm mồ - của Chateaubriand, một văn tài thế kỷ 19 Pháp, rời quê hương lưa lạc tại Anh quốc và Mỹ quốc, kể lại chuyện đời mình.
Cuốn Việt nam, Một Thế kỷ Qua của Nguyễn Tường Bách là một thiên hồi ký đứng lưng chừng giữa hai loại hồi ký nói trên. Một mặt, nó cho ta theo dõi cuộc đời của một người sinh ra, lớn lên, học hành, yêu đương, viết văn, làm chính trị từ hồi đầu thế kỷ trở về sau (1916-1946). Mặt khác, nó soi sáng nhiều sự việc chung quanh một người đã tham dự, làm chứng nhân và nạn nhận của một sân khấu chính trị ung nhọt đầy xảo trá của phe đối nghịch. Tác giả đã có cái may mắn làm em út trong một gia đình có tiếng - gia đình Nguyễn Tường - mà mấy ông anh đã sớm thành công trong lãnh vực văn học và là thành viên sáng lập của một văn đoàn - Tự lực văn đoàn - có một chủ trương văn hóa tiến bộ. Để rồi chẳng bao lâu, tác giả lại làm một thành viên của một đảng phái chính trị - Việt nam Quốc Dân đảng - đã có một quá trình và thành tích đấu tranh từ hai thập kỷ trước.
Dù theo khuynh hướng biên niên (annales, chroniques) hay khuynh hướng tự thuật (autobiographie) thì hồi ký vẫn không phải là lịch sử. Lịch sử có vấn đề sử quan và phương pháp khoa học trong viễn tượng của một thứ lịch sử đại đồng. Hồi ký giới hạn vâo hành động riêng tư, cung cách biện minh và diẽn giải chủ quan của người viết. Lịch sử sử dụng tư duy và lý hội (comprebension) một cách thanh quang của một hay nhiều người, ít nhiều đứng ở ngoài lịch sử. Hồi ký xoay chung quanh sự sống toàn diện với ý nghĩ và cảm quan sôi động của người viết. Thế mà từ sự nghĩ đên sự sống, con đường còn xa - du pensé au vécu, il y a loin. Đó cũng là cái sở trường và sở đoản tương đối của hai bộ môn văn học trên đối với người thưởng ngoạn văn chương hay người đi tlm chân tướng của quá khứ.
Tôi yêu cái thế tình - humain trong câu chuyện tâm sự của Nguyễn Tường Bách. Thiên hồi ký của ông mở ra cho chúng ta thấy cái bản chất uyển chuyển và đa dạng không dấu diếm trong con người của ông: một bác sĩ - nhà văn - nhà báo - nhà hoạt động chính trị. Trong một bản chất phức tạp, một số thành tổ thường làm ngáng trở cho nhau, nhất là chất nhà văn và chất nhà chính trị. Viết trong những năm tuổi tác đã cao, chuyện áo cơm danh vọng không còn là mối lo, kỷ niệm xưa lắng đọng, nhận thức quan thanh thỏa, tác giả của thiên hồi ký đã phục hồi được cái khí thế của văn tài của ông trong những năm đầu.
Ông bước vào làng văn qua cửa ngõ của Tự lực văn đoàn. Hồi ký bao giờ cũng là của một nhân vật đã tác động hay chứng kiến một thời quá khứ không xa xưa. Trong tư thế đó, cuốn Việt nam, Một Thế Kỷ Qua có mang phần cống hiến lịch sử của nó. Cống hiến cho người đọc văn học Việt nam thời hiện đại về chủ trương, đường lối, thành viên, bằng hữu, việc làm và công trình của một văn đoàn tiên phong, có tổ chức quy mô. Cống hiến cho người nghiên cứu hay tham khảo lịch sử Việt nam thời hiện đại về một số sự việc chưa được biết tới một cách tường tận, hoặc còn ẩn khuất trên sân khấu chính trị cực kỳ rối ren của nước nhà hồi 1946 trở về trước: - các đảng phái, các liên minh, hoạt động trong và ngoài nước của họ, thái độ của thành phần nho gia, trí thức mới trước thời cuộc... Nhất là trong tình trạng của môn sử học đầy dẫy những mạo tác, những xuyên tạc của các nhà cầm quyền trong chế độ độc tài. Đối với thứ lịch sử tuyên truyền đó, Việt nam, Một Thế Kỷ Qua của Nguyễn Tường Bách là một phản bác hùng hồn vậy. Lại nữa, muốn lý hội cho trọn vẹn một thiên hồi ký, ta phải lắp nó vào cái bối cảnh lịch sử toàn diện của nó (contexte historique). Một cái nhìn đối chiếu và tổng hợp các sử liệu, một động viên trí nhớ của toàn dân cho ta rõ ngay về cái bối cảnh đó: quang cảnh của một dân tộc lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp và trong ánh sáng tranh tối, những hoạt động của các hội kín làm chính trị, của các văn đoàn, báo chí, học sinh, sinh viên... tranh đấu cho tự do của giống nòi. Kế đó, trong cao điểm chung quanh năm 1945, với sự bại trận của thực dân quân phiệt Nhật hất chân thực dân Pháp, lịch sử Việt nam đã ghi nhận một tấn thảm kịch vô cùng xót xa của một dân tộc vừa mới thấy bình minh của độc lập ló rạng thì đã sa vào một cuộc chiến tranh ý hệ, huynh đệ tương tàn mà rơi dần vào trong bàn tay sắt của Đệ Tam Quốc tế . Dân tộc bị phản bội, người có ý hướng cứu nguy rời xa, chiến tranh đế quốc kéo dài... Thiên Việt nam, Một Thế Kỷ Qua đã gióng lên một tiếng nói trong lành trong tiếng nói của toàn dân Việt đã bị đẩy tới cái ý nghĩa tận cùng của tấn thảm kịch trên: họa vong quốc. ích lợi trong việc đi tìm cái chân và cái thiện của mọi người Việt nam sinh sau - nhất là các bạn trẻ ly hương - nơi tác phẩm của Nguyễn Tường Bách không phải là nhỏ.
Cách đây hai năm, trong lời phát biểu vào dịp lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết dài Trên Sông Hổng cuồn cuộn của Nguyễn gia, tôi có nhấn mạnh về cái mối xúc động thẩm mỹ bao trùm của sáng tác phẩm đó ở nơi cái đau và cái đẹp của một sự thất bại bất công - danh từ bất công hiểu theo nghĩa nặng của người Tây Phương. Tôi thấy chuyển qua thiên hồi ký Việt nam, Một Thế Kỷ Qua, nhận định của tôi cũng đúng. Để kết thúc, tôi cũng xin ghi lại sau đây một bài thơ tứ tuyệt tôi làm cách đây chừng một năm chưa đề tặng ai, nay xin tặng người bạn già, tác giả bài thơ Chiều đăng ở cuối sách, cùng ly hương trên đất Mỹ như tôi. Gọi là để nói lên cái tâm sự héo hon chỉ còn biết đặt trọn niềm hy vọng và tin tưởng vào ý chí của các bạn trẻ, những người đến sau tôi trong cuộc cờ nhân thế.
Cựu Mộng
Mây trắng vẫn là mây trắng cũ,
Trời xanh đâu cô khác trời xưa.
Giêng sâu ấp ủ lòng thương nhớ
Đôi cánh chim bằng tạt đậu thưa.
(G.G. 22-4-98)
Nguyễn Sỹ Tế
Chương 1
Đầu Thế Kỷ, Phố Cẩm Giàng
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nguyễn Du
Vào một buổi tối cuối tháng chạp năm Bính Thìn, trời rét. Gió bấc thổi vi vu trên phố huyện nhỏ, Cẩm Giàng, trên đồng ruộng mênh mang chung quanh, và trên mái căn nhà tranh năm gian đơn sơ của gia đình. Đó là lúc tôi lọt lòng mẹ, và oa tiếng khóc đầu tiên để chào đời. Trời đã xếp đặt cho tôi thành đứa con út trong một gia đình bảy anh chị em -gia đình Nguyễn Tường- và từ đó số phận của tôi đã được quyết định.
Chị Thế tôi kể là lúc ấy, trông tôi như một con mèo con, tôi không tin lắm vì nếu sinh với tuổi Thìn, đáng lẽ tôi phải giống như con rồng con mới phải.
Chị tôi kể: Một buổi tối, bà tôi đánh thức chúng tôi dậy, bảo dậy mà xem em bé, nó bé tí, cả người chỉ bàng con mèo, chỉ thấy hai con mắt và cái miệng nhỏ tí xíu. Chị tôi luôn miệng hỏi bà em bé ở đâu đến thế, ai cho vậy? Bà bảo đừng có nói bậy, em bé mẹ cháu mới đẻ đấy. Chị tôi lại hỏi thế đẻ ở đâu hở bà? Bà vội gắt lên, đẻ ở nách chứ còn ở đâu nữa! Từ đó, chị tôi cứ đinh ninh là đẻ ở nách ra.
Vì là thứ bẩy, nên bà nội luôn tiện đặt cho cái tên Bẩy. Về sau, cũng chẳng biết ai đổi thành cái tên Bách mà ngày nay, tôi phải mang, từ bẩy nhẩy tới một trăm. Nghe nói, cũng có tích nữa, như sau:
Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế
Thụy Cẩm, Tam, Long, Vinh là tên mấy anh trên tôi, còn Thế là chị Năm tôi.
Câu vè trên nghe cũng hay, nhưng hơi bất công và đượm mùi trưởng giả. Theo đó, thì chỉ có bốn người trên là được vinh quang trăm đời, còn ba người sau thì không. Chị Thế là thứ năm, nhưng lại cho xuống cuối cùng, đủ biết thành kiến trọng nam khinh nữ trầm trọng. Còn tại sao lại cứ phải vinh quang mới được, rõ là óc háo danh truyền thống.
Có một điều chắc chắn, tôi là một quái thai đẻ ở nách ra. Sống sót tới ngày nay, kể cũng kỳ lạ. Tuy giống con mèo, nhưng lại là tuổi Thìn, nên số là phải chạy loăng quăng, rồi bay nhẩy lung tung ngoài sức tưởng tượng. Đó là truyện về sau. Đích xác, từ bao giờ, gia đình chúng tôi đến định cư ở đây, tôi cũng không rõ, và tính tôi cũng không để ý gì nhiều tới nguồn gốc của mình. Sau này, có người nói, tôi mới biết là vốn từ tận Quảng Nam ra. Tôi cũng thấy vài người trong họ hàng từ miền Trung ra thăm. Nghe nói, ông nội tôi lúc trước đến làm tri huyện ở đất này, và đã mất ở đây, người ta vẫn còn gọi bà tôi là cụ Huyện. Và hồi xưa, trong các cụ tổ, cũng đã có cụ là bậc Khai quốc công thần, có vị đã từng đi sứ sang bên Trung quốc. Xem ra, gia thế như vậy thì không đến nỗi kém ai...
Anh em chúng tôi không có ai chú ý tới gia thế. Thực ra, ngày xưa, thường những gia đình như vậy mới có thể có điều kiện cho con cháu được hưởng giáo dục tốt. Nhưng, từ khi ông tôi mất, gia cảnh bắt đầu sa sút, một lạc, gặp nhiều khó khăn. Thầy tôi nhờ học được chữ quốc ngữ và răm câu tiếng Pháp, nên cũng tìm được một chân thư ký, thông phán trong sở. Mẹ tôi cũng buôn bán vặt để thêm vào duy trì sinh hoạt và nuôi nấng mấy con.
Nếu bên nội là dòng dõi văn quan, thì bên ngoại, mẹ tôi, lại là dòng võ tướng. Vì tôi thấy ai cũng gọi bà ngoại tôi là bà quản. Một bên nho nhã, một bên võ biền, nhưng tại sao cả hai bên lại gặp nhau ở đây và kết thân với nhau, tôi cũng chưa rõ. Và sự kết thân này, với hai tính cách khác nhau đó tất cũng đã có ảnh hưởng đến tương lai của chúng tôi. Thầy tôi, tôi chỉ được nhìn qua ảnh chụp, có một khuôn mặt trái soan, văn nhã trong bộ áo dài, còn mẹ tôi thì giống bà ngoại, hay cậu Cả tôi, dáng người rắn giỏi. Tiếng nói lớn, bà có tính cách cả quyết trong mọi việc. Có lẽ chúng tôi đã thừa hưởng cả hai thứ tính cách đó.
Sau này, nghe người ta kể, tôi mới rõ chúng tôi ở đâu ra, từ đâu đến, nói thực là về nguồn. Thì ra dòng dõi họ chúng tôi cũng có lịch sử khá phức tạp. Hơn hai trăm năm trước đây, tổ tiên chúng tôi còn mang họ Nguyễn, nhưng lại là Nguyễn Văn.Một ông tổ, đi theo Nguyễn Phúc Chủng (tức Nguyễn Phúc ánh, năm 1802 lên ngôi với niên hiệu Gia Long). Một hôm tới địa phận Quảng Nam, Nguyễn Phúc ánh chỉ một ngọn núi cao hỏi tên là núi gì. Ông đáp là núi Phước Tường. Nguyễn Phúc ánh nói: Nguyễn Phước là họ của ta. Ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường.
Cụ tổ ấy bèn đổi họ sang Nguyễn Tường, và chọn nơi Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam làm phát tường địa (chỗ phát tnển tốt lành). Đó là cụ Nguyễn Tường Vân, có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện, và từng giữ chức Binh Bộ Thượng Thư, phó Tổng Trấn Bắc Thành... thì ra chúng tôi cũng là giòng giõi quan to, không kém gì ai! Tuy anh em chúng tôi không ưa giới quan lại chút nào cả.
Cụ Nguyễn Tường Vân có một người con là Nguyễn Tường Phổ, nhiệm chức. Giáo thụ phủ Điện Bàn. Cụ Phổ sinh ra cụ Nguyễn Tường Tiếp, sau có chức vụ là đồng Tri phủ lãnh Thụy Nguyên huyện Tri Huyện ghi trong gia phả. Đó là ông nội chúng tôi - và tôi cũng không rõ ông đến làm tri huyện Cẩm Giàng từ thời nào và ông mất năm nào. Mà tôi cũng không biết cha tôi là con út của cụ Tiếp. Cũng không biết tên cha tôi là Nguyễn Tường Chiến với tên húy là Nhu, tôi chỉ biết cái tên sau thôi. Tôi cũng chỉ biết dòng ngoại họ Lê, không rõ là dòng họ Lê này ở Duy Phước, Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông ngoại làm đến chức Lãnh binh, và cũng đến Cẩm Giàng. Đó thực là một duyên phận Kỳ ngộ. Một điều đáng tiếc là chúng tôi không rõ cuộc hôn nhân của cha và mẹ chúng tôi là do phụ mẫu xếp đặt hay do tự do luyến ái. Dù sao, cả hai bên đều là khách ly hương, xa quê nhà ở mãi tận miền Trung. Nghe nói, khi cha tôi sắp qua đời, có trăn trối để lời với các con.
- Sau này, dù thế nào các con cũng phải tìm về lại quê cha đất tổ.
Sau này, các anh chị tôi đều có ghé thăm Cẩm Phổ. Năm 1930, anh Nguyễn Tường Long có về thăm quê và đã cúng vào Văn Miếu làng, nhà thờ tộc bên nội và tộc bên ngoại - mỗi nơi một bức hoành.
Từ năm 1954 về sau, nghe nói trong họ hàng có đi lại nhiều, nhưng tiếc lúc ấy chúng tôi đã đi xa.
Trước khi tôi ra đời, thầy tôi bỗng không may mất việc thông phán ở Hà Nội. Mẹ tôi phải thu xếp về buôn bán ở quê ngoại, huyện Cẩm Giàng.
Đây là một huyện lỵ nhỏ, bình thường, nghèo nàn, nằm bên con đường sắt Hà Nội - Hải Dương, miền đồng bằng Bắc Kỳ, trong thời kỳ những ngày Pháp thuộc âm thầm tại đầu thế kỷ thứ hai mươi. Chung quanh là đồng ruộng im vắng, với tận xa, những lũy tre xanh Việt nam bao bọc các làng mạc nằm ở trong từ mấy ngàn đời.
Nơi chôn rau cắt rốn của các anh chị em trong gia đình, nơi chúng tôi đã lớn lên, tiếp xúc đầu tiên với xã hội. Một cánh đồng, một gốc cây, một góc phố, một cái lều trơ vơ, đến nay chúng tôi vẫn không quên được.
Gian nhà chúng tôi ở một bên trông ra cái ga nhỏ, một bên trông ra con phố hẹp lầm lội mỗi khi trời mưa. Nhà ga nhỏ xám, hai bên trồng găng. Mỗi khi có xe hoả lên xuống, cả ga, cả phố xá lại như vùng dậy, rộn rịp hẳn lên. Nhưng đến tối, chỉ còn nghe thấy tiếng còi tàu vẳng từ xa đến rồi biến đi trong đêm lặng.
Mấy dẫy phố lèo tèo, với vài căn nhà gạch, hai cửa tiệm bán tạp hóa của người Hoa Kiều. Cuối phố, rẽ xuống bến đò Sông Sen, ai đi qua cũng phải ngó vào cổng nha Huyện xám xịt, với chú lính lệ đứng gác, tượng trưng cho uy quyền của nhà nước.
Thủa bé, chúng tôi thường chạy ra, theo đường sắt, đứng trên cái cầu sắt bắc ngang trên sông Sen êm đềm trôi giữa hai rặng tre, tới đồng lúa xanh ngắt. Ban đêm, dân phố vẫn lắng nghe tiếng xe hoả chạy rầm rập trên cầu, phá vỡ cả một vùng tịch mịch.
Thế giới của tôi khi mới lò cò chạy đi là căn nhà năm gian rộng rãi dưới mắt một đứa bé con, cửa hàng xép trông ra phố Chợ với những lều không chống bầng nứa, cái sân gạch đằng sau nhà, đưa tới ngôi nhà gạch bên ngoại. Qua cái nhà gạch đó là chỗ tôi thích đứng ngám nhất, dù còn quá bé - một vườn hoa nhỏ, có trồng hoa nhài trắng và thơm dịu, với những bụi tóc tiên. Rồi tới cái ao nhỏ, nước phẳng lặng, thỉnh thoảng mới có ít bọt nước sủi lên do cá đớp động dưới đám bèo hoa. Và một cây sung cổ kính, già nua không biết trồng từ năm nào, thân cây to ngả trên mặt nước, một cái cầu ao bằng tre bắc ngay dưới bóng sung.
Mấy rặng găng cao chia cách bên chúng tôi với nhà láng giềng. Khi mùa tới, những quả găng đỏ hồng trông rất hấp dẫn, nhưng dù trẻ con, cũng ít khi hái mà ăn, vì mùi vị quá lợ.
Cuộc sống đúng là vô tư lự, hạnh phúc, tuy thiếu thốn, cho đến một ngày:
Tôi cảm thấy không khí trong nhà khầc hẳn, rộn rịp, các anh về đầy đủ, người ra vào tấp nập. Xen lẫn vào, là tiếng khóc - chắc là của bà nội. Tôi ngơ ngác trước đèn, nến trên bàn thờ đã thắp lên sáng choang. Mùi hương khói, mùi giấy đốt trùm cả trong nhà.
Không nhớ có phải do mẹ tôi chỉ không, mà tôi tiến dần đến bàn thờ, nhìn vào một cái hòm dài dưới gẳm bàn. Hình ảnh cái tiểu sành, trong đó xếp mấy ống xương màu vàng bùn, tất cả những di vật còn lại của thầy tôi - giữa hương khói nghi ngút, tôi còn nhớ như ngày hôm qua. Đó là lần đầu tiên tôi đứng trước cái chết. Nhưng trong đầu tôi chỉ thấy lạ lùng, không có cảm giác đau thương. Và đó cũng là lần đầu và lần chót tôi được trông thấy thầy tôi. Về sau, khi lớn lên, nhớ lại hình ảnh đó, tôi mới suy nghĩ về cuộc đời của con người, của sự sống và sự chết, tôi mới cảm thấy một thứ hư không vô hạn. Cái cảm giác hư không ấy sẽ theo đuổi tôi sau này, mỗi lúc tôi đứng trước những cảnh trạng sống chết luôn luôn phải gặp.
Sau khi tôi ra đời hơn năm thì thầy tôi phải đi làm xa, với việc thông ngôn cho một viên Công Sứ, sang tận đất Sầm Nưa bên Lào - thiên sơn vạn thủy, ma thiêng nước độc, vì sinh kế. Lúc đầu ông cho biết ở bên đó công việc nhàn hạ, khí hậu cũng tốt, làm cho mọi người yên tâm. Nhưng đến một ngày mùa đông, hai anh Thụy và Cẩm bỗng đột ngột đáp xe hoả từ Hà Nội về báo tin dữ: thầy đã mất vì bệnh bên Lào rồi, tin như sét đánh. Vừa nghe nói, bà nội đã ngất xỉu ngay giữa vườn rau. Bà khóc thảm thiết cho mãi tới khuya.
Thầy tôi mất vào ngày 23 tháng 10 năm Mậu Ngọ, tức năm 1918, hưởng thọ 37 tuổi, vào lúc ông hãy còn trẻ quá. Ông mất đi, bên cạnh chỉ có mỗi mình mẹ tôi, để lại mẹ già, vợ goá và một đám con còn nhỏ bơ vơ.
Tang tóc bất ngờ đã để lại một vết thương âm ỷ, sâu xa trong lòng cả anh em chúng tôi. Cảnh mồ côi bố không phải không có ảnh hưởng. Sinh sống khó khăn, lại thiếu sự dậy dỗ chỉ bảo hay dìu dắt của người bố, bà mẹ bận về tìm cách làm ăn, sao cho nuôi dưỡng được bẩy đứa con cho thành người, những cái đó có lẽ đã rèn luyện anh em chúng tôi tinh thần tự giác, độc lập trong cuộc đời phức tạp, đầy gian nan. Ngôi mộ thầy tôi cũng không ở xa lắm đối với phố huyện. Nghe kể lại, lúc đó đã mướn một thầy địa lý đi nhiều nơi tìm chỗ tốt, mang tới phú quý cho gia đình. Cuối cùng, thầy chọn được một nơi tại làng Trữ La, mà thầy bảo là ở ngay giữa miệng con rồng. Có người lại nói là ở đúng trên lưng một con phượng.
Theo chỗ tôi ngắm, thì không giống miệng con rồng chút nào mà phải giầu tưởng tượng mới cho là lưng con phượng được. Còn ông thầy địa lý đó chắc cũng phải ngẫm nghĩ, nếu ông biết gia đình chúng tôi sau này chẳng thấy phú quý ở đâu cả, mà toàn là long đong.
Nhưng dù sao, tôi cũng vẫn còn nhớ nơi mà thầy tôi an nghỉ vĩnh viễn. Đó là một cảnh rất nên thơ. Là nơi rất thân thiết đối với chúng tôi, từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Ra khỏi bụi găng ở đầu ga, chúng tôi hay chạy trên con đường sắt thẳng tắp, hai bên là đồng ruộng. Bên tay mặt, trên con sông Sen, một cây cầu sắt gẫy không biết tự bao giờ vẫn đứng trơ trơ qua ngày tháng. Bên trái, cánh đồng Kinh nguyên, một dải mộ địa im vắng.
Rời bỏ đường sắt, rẽ vào một con đường đất, chẳng bao xa thì tới một gốc cây đa cổ thụ, cành lá xoè ra, trùm lên cả một khoảng rộng. Đó là cây đa mâm xôi - như người vùng đó thường gọi. Bóng cây đa đã từng che mát cho bao nhiêu dân làng gần xa. Từ chỗ này, qua mấy thửa ruộng, là tới mộ thầy tôi Và sau này, bà nội tôi cũng đến yên nghỉ ngay bên cạnh cây đa. Hai mẹ con cuối cùng cũng đã nằm gần nhau tại mảnh đất này. Mộ nằm trên một gò đất, trước mặt là hai ao nhỏ và con đường vắng, lá tre rụng đầy đưa vào trong làng, và vào một ngôi chùa cổ kính, đầy rêu, một ngôi chùa Việt nam chân chính. Hai bên có giải đất dài, dẫn xuống mấy thửa ruộng đằng sau. Chung quanh nhiều khóm cây rũ bóng trên mặt nước. Về sau, có khi tôi đến ngồi bên mộ, không nghĩ ngợi gì, để ngắm cảnh làng quê im lừn, xa vắng.
Thời kỳ ấy, chính vào lúc đệ nhất thế chiến đã kết thúc, nước Pháp đại thắng. Chữ quốc ngữ, chữ Pháp càng đưọc dùng nhiều thay vào chữ Nho, chữ Nôm. Những ông đồ nho chi hồ giả dã dần dần cảm thấy hết thời, bị những ông Ký, ông Thông, Phán thay vào, làm trung gian giữa người Pháp cai trị và người dân Việt. Những công việc này cũng nhàn nhã, lương hậu. Các nhà trường cần nhiều giáo viên, nghề gõ đầu trẻ tuy lương bổng thấp hơn, nhưng cũng không quá vất vả.
Cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ tôi và bà tôi cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con. Tôi còn nhỏ quá nên chưa thấy rõ những phiền muộn, éo le, xung đột trong nhà. Tuy cũng cảm thấy nhiều khi, có bầu không khí nặng nề giữa người trong gia đình qua những cuộc cãi cọ, đấu khẩu.
Tại chung quanh, cảnh nghèo khổ, tiêu điều trong các gian nhà lụp sụp, cảnh chân lấm tay bùn của nông dân cặm cụi trên đồng ruộng lầm lội, những người chỉ có một cái khố che thân, cảnh phiên chợ lèo tèo... cảnh mưa phùn gió bấc, mưa bão trên những lều tranh đầu phố... tất cả những cái đó đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi. Về sau, đã thúc giục chúng tôi muốn viết lên, muốn làm một cái gì để thay đổi tình trạng đó. Không phải là ngẫu nhiên, mà chúng tôi đã từng có cảm xúc mạnh - Mệnh vận của mỗi người có thể khác, nhưng chúng tôi có chung sự đồng tình, lòng trắc ẩn sâu xa đối với những đau khổ của cuộc đời.
Hồi đó, tôi lại được quen với những thứ mùi lạ mà ít người khác được biết, đó là mùi rượu lậu. Mỗi khi nấu rượu thì mọi cửa ngõ đều phải đóng kín hết, mọi người thay nhau ra gác đề phòng Tây Đoan đột nhiên đến khám. Thường thường là chị tôi hay anh Sáu đứng ở cổng trông ra đường ga hay trông ra phía chợ. Anh Sáu bắc một cái ghế ngồi, giả vờ đương đọc sách một cách chăm chú. Nấu rượu cũng là bất đắc dĩ để duy trì một gia đình đông con.
Song, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma.
- Tây đến! Tây đến!
Đương nằm thiu thiu trên chõng, tôi bỗng bị mấy tiếng kêu lớn vọng từ ngoài cổng vào đánh thức, ngồi dậy, ngơ ngác. Tức thì một cảnh hỗn loạn khuân vác, dẹp chạy khẩn cấp diễn ngay ra. Nồi niêu, thùng sắt được khuân ngay ra đằng sau phố. Một người dẹp tắt lửa trên bếp, một cài cửa ngang. May mà hôm đó, Tây Đoan đã không xông tận vào nhà trong, chỉ lục lọi ở ngoài một lúc rồi bỏ đi khám nơi khác. Nguyên do cũng vì anh Sáu ngồi lâu quá buồn ngủ thiếp đi, nên bọn Tây Đoan đến gần mới phát giác, gây ra cảnh hoảng loạn kể trên...
Nhưng Tây Đoan cũng không vừa. Đã có kinh nghiệm, lại có tay trong, nên lần sau chúng chia người vây nhà, rồi xông vào bắt được quả tang tại chỗ, phạt tiền, tịch thu môn bài ruợu. Việc kinh doanh trái phép này phải ngừng, và quay về buôn bán hàng xép, cùng cân gạo. Sinh hoạt gia đình càng khó khăn hơn.
Sau đó, nhờ hai anh lớn đỗ bằng Thành Chung, (tục gọi là đíp lôm) rồi xin được chân giáo viên tiểu học, giúp gia đình sinh sống tạm được yên ổn, tuy vẫn thiếu thốn. Chăm học, lại thông minh, các anh lớn đều học giỏi và đỗ sớm cả. Bẩy năm thủa bé của tôi đã qua trong khuôn cảnh phố ga Cẩm Giàng. Trong ký ức, tôi không nhớ rõ lắm về hình ảnh ba anh lớn, Thụy, Cẩm, Tam - có lẽ vì bận học và công việc, nên ít về nhà. Chỉ có anh Long (Tủ) là hay về chơi, nhất là vào dịp nghỉ hè. Thường ở nhà chỉ có chị Thế và anh Sáu, lúc đó học ở tru,ờng huyện. Đó là những ngày vô tư vô lự của đám trê. Chúng tôi thường rủ nhau đuổi bắt những loại bướm màu sặc sỡ bay lưọn trên bụi găng, rồi cùng mấy cô em họ tinh nghịch chạy ra cánh đồng, đánh cỏ gà, một lối chơi rất thú vị, hoặc ngắt những bông hoa thài lài xanh trên bờ ruộng.
- Đi câu cá, đi anh!
Vì biết anh Tư thích câu cá, cô Tám, một cô em kéo anh ra bờ ao nhìn ra cánh đồng xa. Chỗ này mát mẻ, dưới một gốc sung già da sần sùi. Chúng tôi đào giun hay đi súc tép dưới bèo đề làm mồi. Hai anh Tư và Sáu ngồi trên thân cây hay trên cầu ao, ung dung đợí cá rô đến đớp. Mấy cô gái trèo thoăn thoắt lên cây, rồi ngồi vắt vẻo trên cành là trên mặt nước. Một cô em hái mấy quả sung đưa các anh ăn, quả nào cũng chín, màu tím, và ngọt lịm. Nhưng chúng nó lạỉ chỉ hái mấy quâ còn xanh, lấy ít muối chấm ăn, rất thích thú, tuy đắng chát tê cả lưỡi. Mỗi khi ai kéo lên được một con cá rô đen hay một con cá mại bụng trắng tinh, là mọi người đều nhẩy lên reo mừng y như trước một chiến thắng lớn.
Chán rồi, lại kéo nhau ra la cà tại các quán chợ, nếu đến phiên, nhiều người gồng gánh từ chung quanh mang hàng tới bán. Chỉ có mấy viên kẹo vừng hay kẹo lạc cũng đủ làm chúng tôi vui vê hạnh phúc nhất là khi trong tứi có thêm mấy xu, có thể làm được mấy bát cháo dương - thứ cháo bột nấu với ít sườn ngon tuyệt vời, có lẽ ngon hơn tất cả những thứ sơn hào hải vị trên thế gian này.
Nhưng rồi những ngày êm ả tuổi thơ tại Cẩm Giàng cũng đến lúc phải hết. Bắt đầu là cậu học trò bé bị mẹ xua đuổi tới nhà trường. Tôi ngồi im thin thít trên ghế trong lớp, như một sự phản kháng thầm lặng, vì thế tôi được tiếng là một học sinh ngoan ngoãn. Một năm sau, vì hoàn cảnh biến đổi, gia đình dọn lên Hà Nội ở. Một thời kỳ mới bắt đầu trong cuộc đời anh em chúng tôi.

Chương 2

Đất Thăng Long
Chuyến xe hoả sình sịch chạy qua cầu Giàng, trên con sông Sen êm đềm. Tôi ngoảnh đầu, cố nhìn lại con sông hiền lành của thời thơ ấu, cái phố huyện, mấy căn nhà tranh lèo tèo, cái nhà ga xám nhỏ, căn nhà năm gian của mình, cái sân nhỏ trồng tóc tiên và hoa nhài, cây sung trên bờ ao, cây đa mâm sôi, và nấm mộ của thầy tôi trên đồng ruộng im vắng. Đối với tôi, Hà Nội tuy đông vui thực, nhưng chỉ là những đường phố bụi bậm, khô khan. Từ ở phố Sinh từ chật chội, trên vỉa hè đầy những người buôn thúng bán mẹt, chúng tôi lại dọn đến hàng Bún, trong một ngõ cụt vắng vê hơn. Tôi vào học trong một trường tiểu học gần đó, và không cần nói, tôi vẫn chưa thấy có hứng thú đối với làm bài, đọc sách. Tôi vẫn tính nào tật ấy. Trước đây, hay đòi ăn thịt mỡ, nay lại giở chứng, đòi ăn lạp xường, cao cấp hơn.
- Tao làm gì có tiền để mua lạp xường cho mày ăn! Tiền mua rau cũng chưa đủ!
Một hôm mẹ tôi nổi giận, gắt.
- Thì bán cả mẹ đi là đủ tiền mua chứ sao! - tôi không chịu nhượng bộ.
Mọi người trong nhà đều phì cười về yêu cầu quái dị của tôi. Sau đó, bà nội lẳng lặng lấy tiền của mình mua mấy đôi lạp xường và nấu một nồi cơm nếp cho cả nhà ăn.
Tất nhiên, với tính xấu như vậy, năm sau, tôi đi thi bằng sơ học yếu lược sau hai năm tiểu học - một thứ bằng duy nhất ở Việt nam Pháp thuộc mới có! Tôi đã ngồi ngậm cán bút sắt trước bài toán thi - trượt vỏ chuối. May mà không ai trong nhà nói câu nào- không ai thèm để ý đến một việc nhỏ như vậy.
Năm đó, tôi cùng gia đình xuống Thái Bình cùng ở với anh Cả đương làm đốc học trường huyện Thư Trì, ngay bên sông Hồng Hà. Lần đầu tiên, tôi được thấy giòng sông Hồng cuồn cuộn, mênh mang, đỏ lừ chẩy về xuôi, qua những bãi cát dài, những vườn ngô thẳng tắp và ở xa, những làng mạc đồng quê. Cảnh con sông Hồng đã in sâu vào trí óc tôi, và hơn nữa, vào trái tim non nớt của tôi.
Chiếc tàu Phi Phượng ghé vào bến Tân Đệ. Chúng tôi - mẹ, chị tôi và tôi đến ở một làng gần ngay huyện và nhà trường. Một căn nhà tranh nhưng cao ráo, sáng sủa. Trong vườn sau cổng vào, hai cây cam lớn, với quả vàng óng chĩu chịt khiến tôi thêm muốn. Nhưng thất vọng rất nhanh, vì cam chua quá. ở đó con người, kể cả những bạn học lớn của tôi, đều rất thành thực, chất phác. Có khi, tôi theo bạn học qua con đê lớn, xuống những làng xóm nằm đưới chân đê. Họ hái cho tôi những quả táo ta vàng nuột khi chín, rất ngọt -táo ở vùng này có tiếng là to và ngon, gọi là táo cống.
May mắn, qua một năm, lần này tôi thi đỗ cái bằng đó. Có bằng đó rồi, thì đã ngang với hàm Cửu phẩm văn giai, mà nhiều người lấy làm hãnh diện, treo ngay trong phòng khách. Thời đó hình như đỗ tú tài thì có thể xin hàm lục phẩm và nếu làm tri huyện thì được hàm Ngũ phẩm triều đình. Nhưng rồi không lâu, vì cãi cọ với viên tri huyện, anh Thụy tôi phải đổi đi nơi khác. Chắc là bị trù, nên lần này đổi lên tận Cao Bằng, mãi tận vùng Đông Bắc núi cao rừng rậm. Gia đình lại trở về Hà Nội. Lúc đó, tôi đương học lớp nhì tại trường học tỉnh Thái Bình. Một lần, ông giáo hỏi tôi một câu gì, tôi trả lời hơi chậm chạp, ông bèn phê luôn một câu bằng tiếng Pháp:
- Những học trò ở quê lên, thường là ngớ ngẩn!
Chạm vào lòng tự ái, tôi thấy ông giáo này không công bầng và có ý khinh miệt những người nhà quê). Để kháng nghị, tôi bỏ học và hôm sau bỏ Thái Bình về Thư Trì, nhân dịp nhà trở về Hà Nội, đúng lúc. Hai mươi năm sau, tình cờ, tôi lại gặp ông giáo đó tại Hà Nội, hai người bắt tay nhau, cùng cười xoà. Chắc trong bụng, ông vẫn cho tôi là ngớ ngẩn.
Bước vào giữa thập niên 20, tình hình Việt nam đã rục rịch những biến chuyển mới, theo tình hình trên thế giới và những thay đổi trong xã hội.
Sau thế chiến thứ nhất, với tư cách kẻ chiến thắng, nước Phấp đã duy trì được nền thống trị trên các thuộc địa. Nhưng do sự tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài đã tăng mạnh, nhất là về những phong trào đòi độc lập ở á châu, Phi Châu, phong trào đòi dân chủ tự do, và một mặt là ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản cùng mọi thuyết dân chủ xã hội tại âu, Mỹ, người dân Việt cũng như dân các nước bị trị khác - đã cảm thấy đến lúc phải đứng lên hoạt động, và kế thừa tinh thẳn của các phong trào ái quốc được khơi dậy bởi những thế hệ tiền bối, như Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt nam Quang Phục Hội.
Nói chung, thanh niên hồi đó chịu ảnh hưởng của ba luồng tư tưởng trong quốc tế. Một là ảnh hưởng của cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa đã thành công năm 1911, và việc quật khởi của nước Nhật bản cường thịnh. Hai là của những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái do cuộc Cách Mạng Pháp nêu lên, và của Tuyên Ngôn về Hiến Pháp của Hoa Kỳ. Ba là của cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga, đưa đến hành lập Liên Bang Xô Viết,với khẩu hiệu giai cấp vô sản liên kết với nhân dân các nước bị áp bức do Lenin đưa ra. Những luồng tư tưởng dân tộc, dân chủ và đấu tranh cho giai cấp vô sản ít nhiều đã tràn vào Việt nam, dù bọn thực dân có muốn cũng không ngăn cản được. Trong nội bộ Việt nam, đã xuất hiện những giai tầng kinh doanh, trí thức mới, vận dụng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, hấp thụ đưọc những quan niệm mới tự do, phóng khoáng hơn, đẩy lui dần những quan niệm Khổng Nho cũ, những gò bó quân thân phụ tử, tam tòng tứ đức phong kiến lỗi thời mà một số người khư khư cho là khuôn vàng thước ngọc. Đây là giai đoạn phôi thai cho một nền văn học mới. Một số báo chí có khuynh hướng trung dung như Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh tạp chí ra đời. Trên mặt văn đàn, những tên tuổi như Tân Đà Nguyễn Văn Vĩnh... và sau đó Phạm Quỳnh đã lần lưọt xuất hiện. Những tấc phẩm thời kỳ đó, tôi đã từng đọc, tuy chưa là hay lắm, nhưng cũng có phần nào thoát được lối văn cũ. Những bài thơ hài hước của Tú Xương, hay những bài dịch ngụ ngôn của La Fontaine của Nguyễn văn Vĩnh, theo ý tôi, rất đặc sắc và có giá trị riêng, tôi rất thích đọc.
Chính giai đoạn này là lúc chớm nở những tài hoa xuất chúng, sửa soạn đi tới một thời kỳ toàn thịnh của nền văn nghệ Việt nam sau năm 30. Tôi có may mắn được gặp gỡ mấy nhà văn trong Tự lực văn đoàn sau này trong lúc sáng tác của các anh đó còn trong thời kỳ sơ khai - Nhất Linh, Tú Mỡ, Khái Hưng.
Thực ra, lúc còn bé, sự tiếp xúc giữa hai anh em không nhiều. Trong ký ức, hồi đó, anh Tam là một người cao, hơi gầy, mặt xương xương, đôi mắt sâu như tất cả các anh chị em trong nhà. Mắt sâu nhưng sáng, hay nhìn đăm đăm về phía trước. Từ trẻ, anh đã suy nghĩ về nhiều vấn đề mà thường thường, những thanh niên khác không chú ý ngoài việc đi học, đi làm, lấy vợ.
Đặc biệt, người ta hay để ý tới cái mũi của anh, sống mũi cao, đầu mũi hơi to và hiện ra những mạch máu đỏ li ti. Vì thế, rất sớm, anh đã có biệt hiệu là Tam mũi đỏ. Còn một biệt hiệu nữa trong nhà và bạn hữu đặt cho, là Tam muối vừng: không biết vì lười hay cho là ăn như thế mới ngon, anh hay tự gĩa muối vừng đã rang, rồi từ cối múc ra để ăn cơm. Lại thêm biệt hiệu Tam cối nữa.
Tính tình anh hiền từ, chưa bao giờ tôi thấy gắt gỏng to tiếng, hay cãi lộn với ai, cũng như các anh em khác trong gia đình. Có thể nói hiền lành, ít nói là một đặc tính chung cho chúng tôi.
Tác phẩm đầu tiên của anh là mấy bài dịch thơ Đường đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Thơ Đường đã có ít nhiều ảnh hưởng đối với anh cũng như đối với các nhà văn nhà thơ Việt nam. Nhưng anh không có hứng thú làm thơ, mà có hứng thú viết truyện hơn.
Năm 1926, tôi được đọc cuốn truyện đầu lòng của Nhất Linh. Chỉ còn nhớ cuốn sách đó in trên giấy bản, gáy sách đóng bằng chỉ. Là một cậu học trò nhỏ tuổi, tôi chưa đủ trí óc để phán đoán. Truyện một cô gái gặp khó khăn, nhưng hiền hậu đảm đang, cố gắng giúp chồng đỗ đạt, làm nên... thực có vẻ nho phong, tuy chưa thoát khỏi được lề lối cũ, song lối hành văn có vẻ trong sáng hơn, ít sáo ngữ hơn. Có lẽ vì thế nên đặt tên truyện là Nho Phong.
Một buổi chiều (không nhớ là vàng hay tím), tôi cắp sách về tới nhà. Một người bạn đương ngồi trong phòng khách. Ông bạn này người cũng hơi cao, gầy, da mặt ngăm ngăm đen. Đôi mắt rất thông minh, miệng cười có duyên, có vê hóm hỉnh. Ông đương rít một hơi thuốc lào, nước kêu lộc sộc, rồi thở ra một cách khoan khoái. Độ ấy, nhiều người hút thuốc lào, kể cả Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, trong đó Tú Mỡ, Thế Lữ là nghiện cụ. Anh Hoàng Đạo ngoan trai hơn, không thuốc lào cũng không thuốc lá. Lớn lên, tôi cũng tập tễnh hút. Phải thú thực, thuốc lào đưa đến cho người ta một thứ say sưa, khoái cảm đặc biệt.
Thoạt trông, anh Hồ Trọng Hiếu có vẻ chất phác, không có gì nổi bật khiến người ta chú ý. Hiền hậu, khiêm tốn, ít nói về mình, ai cũng mến anh. Anh và anh Tam cùng làm trong sở Tài chánh, có lẽ vì tính tình hợp với nhau, nên rất tâm đắc. Nhìn anh, không ai nghĩ đây là một nhà thơ trào phúng xuất chúng sau này.
Không phải là Tú Mỡ chỉ viết sau khi gặp anh Tam. Trước đó anh đã có một số bài thơ đăng trên các báo, hay vài bài tạp ký. Nhưng phải nói là Nhất Linh đã cổ võ anh rất nhiều về sự nên chuyên vào làm thơ trào phúng, và chỉ có qua Phong Hóa, Ngày Nay, tài hoa của anh mới được phát triển đầy đủ và được độc giả ưa chuộng. Tiện đây, xin nói là sau này, khi bắt buộc phải tự kiểm thảo lên án công dân Nguyễn Tường Tam về tội phản động, một mặt vẫn còn đủ can đảm và lương tâm để khẳng định rằng không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ và chính Nguyễn Tường Tam đã tạo nên Tú Mỡ. Nhưng, ngược lại, nếu không có Tú Mỡ cộng tác và khuyến khích, thì sự nghiệp văn học của Nhất Linh chắc cũng không thuận lọì như hồi đó, và cũng không có Tự lực văn đoàn sau này.
Có thể vì hoàn cảnh, hai anh lớn -Thụy và Cẩm không có duyên với nghiệp văn chương. Anh Thụy từ giáo viên đổi sang tự học đỗ tú tài, rồi sau thi vào làm một chức tham tá Bưu Chánh ở sở Bưu điện Hà Nội. Còn anh Cẩm thì tốt nghiệp trường Cao đẳng Canh nông, và đưọc bổ đi làm tham tá tại nhiều nông trường ở miền Nam, ở Lào. Chấn đời cạo giấy tại sở Tài chánh, anh Tam xin vào học trường Y sĩ Đông dương- lúc đó chưa có trường Y khoa Đại Học- nhưng chắc số anh không phải là đeo ống nghe, tiêm thuốc, vả tâm hồn nghệ sĩ không ăn khớp với cái nghề khô khan không chút thi vị này, anh lại vội nhảy sang học trường Mỹ Thuật Đông dương.
Nàng Mỹ Thuật có lẽ hợp với anh hơn, vì anh có khiếu về vẽ. Trong trường, anh cũng là một học trò giỏi. Một lần, cùng mẹ, tôi đi xem cuộc triển lãm hội họa của nhà trường tổ chức. Thưởng thức mọi loại tranh từ trên lụa cho tới sơn dầu, thủy mặc. Cuộc triển lãm này cũng là một bước đánh dấu sự phát triển của nền hội họa Việt nam. Văn học và mỹ thuật cùng chớm nở và trưởng thành trong một thời kỳ, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, mà vì xã hội đã hội đủ những điều kiện cho sự trưởng thành ấy.
Mẹ tôi và tôi dừng bước trước một bức tranh truyền thần vẽ bằng bút chì, chân dung một bà cụ già.
- Tranh của anh mày vẽ đấy, có biết vẽ ai không?- mẹ tôi chỉ vào bức tranh hỏi.
Tôi nhìn lại, mới nhận ra là người trong tranh vẽ chính là bà nội mình. Tôi thấy vẽ giống thực và đẹp thực. Mẹ tôi lại gật gù tấm tắc:
-Vẽ giống quá! Tinh thần, tinh thần lắm!
Con vẽ, mẹ khen hay, tưởng cũng tự nhiên thôi.
Hồi ấy, nếu anh Tam cứ theo đuổi nghề vẽ, thì tất có hể trở nên một Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh hay Nguyễn Gia Trí, một nghệ sĩ tài hoa, nhưng lúc đó sẽ không còn nhân vật Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh, và không có Phong Hóa, Tự lực văn đoàn. Người ta có lúc không thể không tin ở số phận. Cũng may, lý tưởng chính của anh vẫn là viết văn. Năm sau, cuốn Người quay tơ ra đời. Một tập truyện ngắn, với nhiều đề tài khác nhau. Lúc đó, tôi đọc, thấy thích thú hơn cuốn Nho Phong. Lối viết đã gọn ghẽ, sáng sủa, ít có văn sáo rỗng tuếch như nhiều tác phẩm đương thời. Đặc tính văn chương đã lộ ra, đó là lòng nhân đạo, vị tha, nhạy cảm trước những éo le, mâu thuẫn của con người. Khuynh hướng xã hội trong văn chương Nhất Linh đã chớm nở.
Đọc Người quay tơ tôi thích nhất là mấy bài Nô Lệ, Sư bác chùa Kênh. Chàng nông phu trong Nô lệ vốn có mấy mẫu ruộng, nhưng sau mất dần vào tay một chủ đồn điền, cuối cùng lâm vào cảnh tá điền phải thuê ruộng để cầy cấy. Chỉ còn chiều đến, đứng dưới chân đồi nhìn lên toà nhà ông chủ mà than ấy đèn ông chủ, ấy chó ông chủ. Nhà sư trong Sư bác chùa Kênh ngẫu nhiên tìm thấy một số vàng chôn dưới gốc cây, thì, ba năm sau, người ta thấy ông ra ứng cử nghị viên thành phố Hà Nội... số ông không phải đi tu.
Tuy có tiến bộ, nhưng tác phẩm của Nguyễn Tường Tam không được chú ý bằng những áng văn kiểu lãng mạn, trữ tình, khóc than sướt mướt như bài Giọt Lệ Thư khóc chồng của bà Tương Phố, hay cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Ai đã sống qua thời đó, cũng nhớ rằng mấy tác phẩm ấy đã khiến cho bao người, đặt biệt là phái nữ đa sầu đa cảm phải rơi bao nhiêu là nước mắt. Ngay khi tôi đọc Giọt Lệ Thư cũng không khỏi thấy mắt cay cay. Mỗi lần thu sang em lại rầu lòng than khóc- câu văn ai oán này có khi lại vẳng bên tai tôi với tiếng khóc chồng bi đát của thiếu phụ tuyệt vọng. Sao mà bi ai đến thế?
Còn Tố Tâm và Đạm Thủy, một đôi người yêu bị tực lệ phong kiến gia đình cấm đoán không lấy được nhau, cuối cùng đều tự vẫn chết. Cũng tựa như bi kịch Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài ở Trung Hoa hay Romeo và Juliette tại âu Châu. Đông Tây không như Rudyard Kipling nói- vẫn có thể gặp nhau, vì dù ở đâu, cũng có tình người.
Những áng văn rầu rĩ ấy, cũng lạ, ra đời trong lúc mà xã hội đương rung động sau vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh tại đầm Bạch Nga, Quảng Châu, nhà chí sĩ Phan Chu Tnnh qua đời, cụ Phan Bội Châu bị bắt và đưa ra toà, cùng những cuộc biểu tình, bãi công khắp nước, đánh dấu cho sự trỗi dậy của dân chúng Việt nam. Nỗi niềm bi quan trong những tác phẩm kể trên tất nhiên cũng phản ánh những mâu thuẫn có thực trong xã hội, trong những tầng lớp trung lưu hay những tầng lớp đã một lạc, sa sút, và mâu thuẫn giữa quan niệm cổ hủ với quan niệm mới yêu cầu tự do cá nhân. Tình trạng ấy không riêng cho Việt nam, mà là chung cho nhiều dân tộc trên thế giới, khi ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương lan tràn tới khắp nơi. Cùng với những sự xâm lược bằng vũ trang tân tiến, trên các nước á Châu hồi đó một nền công nghiệp dựng trên khoa học kỹ thuật mới đã đem lại tầng trí thức càng ngày càng đông đã dễ dàng hấp thụ những tư tưởng quan niệm mới khác hẳn với quan niệm truyền thống phong kiến dựa trên Khổng giáo, nhất là tại Trung quốc, Việt nam hay Nhật bản, Đại hàn.
Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn Tố Tâm, cũng từng nhận xét về ảnh hưởng của thay đổi xã hội tới nền văn chương, mà ông cho thời kỳ này là lúc âu-á giao thời. Cùng một thời kỳ 1920-1940, tại Trung quốc cũng đã nẩy nở ra một nền văn học mới, viết bằng lối bạch thoại sáng sủa, khác hẳn với lối viết cổ văn khó hiểu và gò bó trước đây. Những nhà văn có tiếng thời ấy như Ba Kim -nhà tiểu thuyết - Mâu thuẫn- tiểu thuyết và tạp văn -Lỗ Tấn - nhà tư tưởng, hay Tào Ngu - tác giả kịch Lôi Vũ, cũng đều có những tác phẩm phê phán những lạc hậu, cổ hủ của xã hội cũ và đưa ra những ý kiến cải cách xã hội, mong đưa tới một lối sống rộng rãi, nhân đạo, tự do hơn.
Với tính chất dân tộc đặc biệt của mỗi quốc gia, nền văn hóa có thể khác nhau nhưng cũng là chịu ảnh hưởng của trào lưu tiến hóa chung của nhân loại. Văn học vẫn chịu ảnh hưởng sâu xa và trực tiếp của nền văn hóa Pháp, và cả nền văn hóa Âu Tây, như Đức, Anh, Nga, Mỹ. Mặc dầu thực dân Pháp cố nhồi vào đầu óc người Việt những tư tưởng nô đòi Nos ancêtres, les Gaulois (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois) - yêu nước Pháp, yêu nhà nước bảo hộ... những chúng không thể không đồng thời nêu ra khẩu hiệu Tự do, bình đđng, bác ái dính liền với danh hiệu Cộng hòa Pháp. Cũng không thể không mang lại những tên tuổi như Voltaire, Jean Jacque Rousseau, Montesquieu, hay những nhà văn như Lamartine, Victor Hugo, Balzac, Paul Verlaine, Beaudelaire, Romain Rolland, Sartre,v.v... cùng một số tên tại các nước khác như Shakespeare, Byron, Goethe, Tolstoi, Dostoieski và ngay cả Maxims Gorki, Mark Twain...
Do đó, người ta không lấy làm lạ khi, trong nền văn học Việt nam, đã xuất hiện đủ các khuynh hướng: bảo thủ, hiện thực, lãng mạn - kể cả thứ gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít. Trên một khía cạnh nào đó, chính người Pháp đã gieo những mầm mống chống chê người đế quốc, và tự do, dân chủ, nhân quyền trong dân chúng người Việt.
Câu danh ngôn của Ruyard Kipling, một tác giả người Anh Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau, thực ra chỉ là một suy nghĩ quá cổ xưa.
Lúc ấy, tôi chỉ là một cậu học trò mười mấy tuổi, thích đọc tiểu thuyết đủ mọi hạng. Trước hết, là những bản văn của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hãy còn mang lối viết sáo và còn thô sơ, rồi những truyện kiếm hiệp khá hấp dẫn. Ngoài ra, tôi còn nhớ được đọc cuốn Tuyết Hồng Lệ Sử dịch ra tiếng Việt. Cuốn này cũng là một tác phẩm sướt mướt, chắc là tiền bối của những áng văn đẫm nước mắt. Bây giờ nghĩ lại, những áng văn ấy đã có ânh hưởng sâu xa đến đầu các thanh niên nam nữ thời đó - trong đó có cả tôi một độc giả trung thành. Nhiều người đã không khỏi nhiễm những tư tưởng ủy mị, lãng mạn, cá nhân, trong một thời kỳ cần tới ý thức dân tộc, đấu tranh hơn. Tất cả những luồng quan niệm trái ngược trong xã hội đã có ảnh hưởng sâu xa tới thế hệ trẻ nói chung, và tới anh em chúng tôi nói riêng. Ai cũng đều phải suy nghĩ và tìm một con đường cho mình. Có người thì buông mình trôi theo chiều gió, có người hăng hái hơn, muốn góp sức vào việc thay đổi tình trạng sao cho tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn.
Chúng tôi ít nhiều cũng thuộc vào hạng người sau. Và anh Tam là con người tiêu biểu nhất, có ý chí, lý tưởng mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc thực hiện ý nguyện ấy. Tôi thường thấy anh hay ngồi viết hay suy nghĩ, nhiều khi tới nửa đêm. Thành công trong sự nghiệp văn chương hay xã hội sau này không phải là ngẫu nhiên, tuy lúc đó, anh chưa tìm thấy rõ rệt con đường để đi.
Nếu là tiên phong trong công việc văn hoá, thì anh Tam lại là tiên phong trong việc lấy vợ, trước cả anh Cả. Theo ý muốn của bà nội và mẹ, năm 20 tuổi anh đã phải lấy vợ. Cô dâu là con gái một gia đình buôn bán ở đầu phố Cầu gỗ, trông ra bến xe điện Hà Nội - Hà Đông. Trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, chị Thế tôi đã thuật rất cặn kẽ về đám cưới cũng khá long trọng này. Tôi là một chứng nhân lịch sử mới mười tuổi, hãnh diện trong áo đoạn xanh, và một thẻ bài ngà đeo trước ngực giống như một quan lớn, ngồi trong xe kéo để đi đón dâu. Chú rể ở đầu phố, cô dâu ở cuối phố, quá gần. Thực là:
Thiếp tại Tương Giang đầu, quân tại Tương Giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương Giang thủy
Câu thơ Đường tôi nhớ mang máng, bèn phỏng theo mà đổi là:
Thiếp tại đầu Cầu gỗ, chàng tại đuôi Cầu gỗ...
Nếu có tương tư thì cũng rất tiện, chỉ cách nhau có năm phút đi bộ. Mà muốn tương kiến thì chỉ cần đi ngang qua cửa hàng cau là thấy mặt nhau ngay.
Cũng vì cách nhau quá gần, nên đoàn xe đón dâu không đi đường thẳng mà lại mua đường, đi riễu phố một vòng qua Bờ Hồ rồi mới quay về nhà. Đám cưới ông Nhất Linh tương lai có khác:
Ngồi lâu hay chóng đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm đến sự được ăn cỗ bát: bóng, mực, bồ câu... rất hiếm hoi trong đời. Tối hôm ấy thì có cỗ cưới linh đình đủ các món. Việc lấy vợ cũng có ảnh hưởng đến tương lai anh Tam. Sẵn nghề buôn cau trong tay, chị Tam đã giúp được chồng cáng đáng gia đình, để anh không bị trói buộc vào những công việc khô khan. Rồi, nhờ ở đó và sự giúp đỡ của một hội đoàn, anh có đủ điều kiện để đi du học ở Pháp, một điều anh đã mong ước từ lâu
Theo ý nguyện của anh, việc đi Pháp không phải là chỉ lấy được bằng cấp của Tây, kiếm được việc tốt, mà quan trọng nhất là sang được một phương trời mới văn minh, tiến bộ, mở rộng được tầm con mắt, hiểu biết về thế giới ở ngoài.

Trước khi đi Pháp vào đầu năm 1927, anh bỏ trường Mỹ Thuật vào Sài-gòn rồi đi Nam Vang. ở đó, anh làm nghề vẽ phông (màn kịch) cho rạp hát để kiếm thêm một số tiền, theo lời chị tôi kể.
Giai đoạn này, gia đình đã dọn tới một căn nhà gác tại Ô Cầu Rền, dưới chợ Hôm, đối diện với trường Yên Thành, và có đường xe điện chạy qua. Một đường phố và cửa Ô đông đúc, náo nhiệt, dân cư phần lớn là thợ thuyền nghèo.
Mẹ tôi và chị tôi lại mở một cửa hàng tạp hoá, bán đủ các thứ, từ gạo đến nước mắm, nến hương. Tôi thì đi học tại trường Hàng Vôi, mỗi hôm phải đi bộ mấy lượt. Hôm nào cũng đi qua mấy phố Tây, phủ Thống sứ, khách sạn Métropole sang nhất Hà Nội, vườn hoa Paul Bert với bức tượng tay thực dân này. Vườn hoa con Cóc trông ngộ nghĩnh hơn, với những con cóc phun nước ngay trước cửa nhà băng Đông dương. Thỉnh thoảng có thì giờ, tôi và mấy bạn học rẽ sang bờ Hồ Gươm, đứng trên cầu Thê Húc ngắm làn nước xanh như rêu. Hay quay sang phố Tràng Tiền, phố đẹp nhất thời đó, dán mũi vào những tủ kính bày hàng của nhà Gô-Đa (tức tổng hợp bách hoá). Cuối phố, nhà Hát Tây - sau gọi là Nhà hát Lớn- thực ra không đồ sộ lắm, nhưng dưới mắt chúng tôi, là toà kiến trúc đẹp nhất Hà Nội.

Ngã tư Tràng Tiền với phố bờ Hồ có thể cho là một góc hiện đại nhất của thành phố hồi ấy. Buổi tối những ngày nghỉ, đó là nơi dạo gót tất yếu của thanh niên nam, nữ. Nếu chỉ nhìn bề mặt, thì thực là một cảnh thanh bình, trai thanh gái lịch vô tư lự. Nhưng đối với những người biết suy nghĩ một chút, thì không thể không nhìn thấy cảnh những ông tây bà đầm phè phỡn, ngạo mạn, những tay cảnh sát đeo dùi cui ngạo nghễ đi tuần, và cảm thấy có cái gì căng thẳng, nặng nề. Tuy còn là học trò tiểu học, chúng tôi cũng đã có cảm tưởng như vậy, và chắc còn nhiều người nữa. Số người thương nữ bất tri vong quốc hận chắc là không đông. Thực ra, tôi cũng không rõ lắm về hoạt động của anh Tam hồi trước khi đi Pháp. Có tác giả đã viết anh từng gia nhập Việt nam Quốc Dân đảng. Điều này không chính xác vì năm 1926 Việt nam quốc dân đảng chưa thành hình, chỉ có Nam Đồng Thư Xã. Song có thể anh đã gia nhập một nhóm bí mật nào, và để tránh bị khủng bố, phải rời vào Nam. Năm 1926, một số tổ chức như Phục việt Tân Việt cách mệnh Đảng, hay Việt nam thanh niên cách mệnh đồng chí hội đã bắt đầu hoạt động.
Hoạt động cách mệnh cùng hoạt động văn hóa đều đã bắt đầu mạnh mẽ hơn, đó Ià đặc điểm quan trọng nhất từ 1925 trở đi.
Trong lúc đó, du học Pháp là một mốc quan trọng trong đời anh Nguyễn Tường Tam, có ảnh hưởng sâu xa tới sự nghiệp văn hoá và chính trị của anh sau này.

Chương 3

Gia Đình Chúng Tôi Trong Thời Kỳ Sôi Động 1927-1931
Lại một đám cưới nữa. Lần này tôi được trang sức bằng áo gấm và ngực đeo khánh vàng (tất nhiên là vàng giả), cùng ngồi trên xe kéo để đi đón dâu, song không cần đi vòng queo nữa, vì nhà gái ở tận ấp Thái Hà, khá xa, trên con đường đi Hà Đông. Người em thứ ba đã cưới vợ rồi, thì hai ông anh nghĩ sao đây?
Anh Cả đâu chịu lạc hậu mãi. Lại một cuộc hôn nhân do mối manh, không có gì gọi là tự do luyến ái cả. Anh kể lại, đi xem mặt chỉ thoáng một lát, chưa trông thấy rõ mặt, chỉ thấy người cũng tròn trặn, phúc hậu, thì cũng bằng lòng rồi. Một điều kỳ cục là mấy ông sau này hăng hái bênh vực tự do luyến ái lại toàn là lấy vợ do gia đình xếp đặt cả. Có lẽ vì thế họ vẫn hằng mơ tưởng một cuộc tình lãng mạn thực sự.
Hôm đó, đoàn xe khá dài, riễu phố khá lâu, mãi tới quá trưa mới về tới nhà. Trong ký ức tôi, chị Cả là một phụ nữ hiền lành, ít nói. Chồng đi dạy học xa, chị chỉ sống loanh quanh trong nhà. Tôi biết lờ mờ là chị sống trong chịu đựng, vì những xung đột có khi vì những so bì rất nhỏ mọn, giữa mấy thế hệ.
Hơn năm sau, vì đẻ khó, chị đã từ trần ba ngày sau khi sanh ra một cháu gái. Thiếu mẹ, đứa bé cũng theo mẹ luôn ba tháng sau đó. Bà mẹ chị, theo lời chị tôi kể, đã khóc con rồi khóc cháu rất thảm thiết, khóc hết nước mắt, vì chị là con một.
Sau đám tang của thầy tôi, đây lại là hai đám tang nữa. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Chị Cả, như là một cái bóng đau thương vụt qua rất nhanh trong đời sống gia đình.
Anh Cả cùng một lúc, đã mất cả người vợ và đứa con. Một hôm, ngẫu nhiên trong một cuốn sách để trên bàn của anh, giở trang đầu, tôi đọc một câu viết tiếng Pháp.
Me plonger dans létude comme dans une mer doubli.
dịch nghĩa
Trầm mình trong học hành như trong một bể lãng quên.
Từ đó, anh đã vùi đầu học hành để thi lấy bằng Tú Tài Tây. Vì cố gắng, anh đã thi đỗ, vài năm sau anh vào làm trong sở Bưu chánh Hà Nội. Đời sống được sung túc hơn. Dù thế nào, cũng cần quên đi quá khứ. Lại nhờ mối manh, anh đã tục huyền. Anh đi xem mặt ở cửa hàng sách. Cô gái tuy hơi nhỏ, thấp nhưng cũng xinh xắn dễ coi, hai người đều bằng lòng.
Chị Cả hai này, tôi thấy có vẻ vui tính, hay nói hơn chị Cả trước. Và lần này, anh Cả tôi đã gặp may mắn hơn, gia đình con cái đầy đàn đến nỗi tôi không nhớ nổi tên của mỗi cháu, trừ mấy cháu lớn. Cuộc hôn nhân này mỹ mãn và dài lâu. Vậy thì còn anh Hai ra sao? Dạo đó, anh đổi vào Sàigòn làm việc và kết hôn ở đó. Chị Cẩm người cũng thấp nhỏ và hiền lành sau sanh một cháu gái.
Nhiều khi tôi thấy ái ngại cho anh, những lúc trở giời, đổi sang lạnh hay nóng. Lúc ở căn nhà đường Giám, anh thường hay lên cơn suyễn, ho sù sụ và tức thở, chảy cả nước mắt, nước mũi, mặt có khi đỏ gay, khi trắng bệch. Lúc đó, anh phải đốt một thứ xì gà thuốc để hít lấy hơi, dần dần mới hạ được cơn. Có lúc anh phải tự tiêm một ống thuốc, hay nhờ anh Sáu (Vinh) tiêm hộ. Về sau, anh lại trở vào Nam, vì ở đó khí hậu ấm hơn, cơn bệnh giảm bớt.
Anh Cẩm hơi khác chúng tôi ở chỗ cao lớn hơn một chút, mặt vuông. Anh thuộc hạng người dễ dãi, điềm đạm, không nói nhiều. Vì anh hay xa nhà, tôi lại còn quá nhỏ, nên anh em ít trò truyện với nhau. Nhưng tôi biết, anh cũng thích viết, và có khiếu về viết, như sau này trong báo Ngày Nay họa ảnh. Hoàn cảnh đã khiến anh trở thành một nhà báo, nhà văn... lâm thời, trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi.
Con người có đời sống quy củ hơn cả trong gia đình, phải kể anh Long (Hoàng Đạo), ít ra dưới con mắt tôi. Một chàng trai khôi ngô, trắng trẻo, học giỏi, tính cách bình dị. Cũng như đa số anh em, anh không màng công danh, lợi lộc. Từ trường Luật ra, anh không xin làm quan như một số bạn học. Thời đó, nếu muốn một chân tri huyện, tri phủ, chắc cũng không khó gì lắm, chỉ cần quen thuộc với vài mánh khoé trong quan trường. Trong anh em chúng tôi, không ai thích làm quan, và cũng không thích quan. Chúng tôi không thích quan liêu, quyền qúy, cũng như trọc phú chỉ biết trục lợi, không thích tnều đình phong kiến và những kẻ cộng tác với bọn thực dân.
Anh Long không khỏi chịu ảnh hưởng của luồng tư tưởng ái quốc. Tôi không rõ anh có gia nhập hay có liên hệ với tổ chức cách mệnh nào, nhưng chắc chắn là đã bị đương cục thực dân nghi ngờ nên đã bị đổi đi tận Đà Nẵng, miền Trung, làm tham tá lục sự. Một năm sau, anh lại đổi về Hà Nội giữ việc tham tá ở toà án. Buổi tối hay ngày nghỉ, anh thường hay đọc sách, nghiên cứu về xã hội, chính trị nhiều hơn là về văn chương. Người sống bình thường nhất và thầm lặng hơn cả trong gia đình, là người con gái duy nhất - chị Thế. Truyền thống trọng nam khinh nữ vẫn còn trong thời kỳ này. Trong lúc gia đình gặp khó khăn, chị không được đi học nữa và về nhà giúp mẹ trong việc buôn bán. Phận con gái thường thường là thế, không có gì lạ, cũng phải chịu đựng thôi. Thế nào rồi cũng đi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Chị cần cù, đảm đương mọi việc trong gia đình, đã giúp đỡ không ít để các anh em yên tâm học hành, làm việc. ít khi thấy chị than phiền hay gắt gỏng điều gì. Nhưng đối với các anh em lớn nhỏ, bao giờ chị cũng chân thành, quan tâm, dù ở trong cảnh huống gia đình khó khăn, thiếu thốn. ở căn nhà phố Giám, tôi cũng không nhớ rõ anh Sáu (Vinh) học gì hay làm gì. Chỉ nhớ, một hôm, anh đứng ở phòng khách dưới nhà, đương nhồi thuốc lào vào điếu, sửa soạn hút một hơi thì mẹ tôi ở trên gác xuống.
Tôi và bà nội ngồi ở trong, lúc đầu không nghe rõ hai người nói gì, nhưng sau dần dần thấy mẹ tôi to tiếng hơn:
- Lâu nay không biết mày làm gì? Nhà đương túng bấn mà sao không mang được một đồng về?
Có lẽ vì anh bỏ trường rồi chưa làm việc gì. So với các anh lớn có thể anh không làm cho mẹ vừa lòng lắm. Hai mẹ con cãi cọ một lúc, rồi không biết tại sao cả hai đều khóc. Ngạc nhiên, chúng tôi chạy ra ngoài.
- Con xin lỗi mẹ, con sẽ đi làm
Anh vừa nói vừa gạt nước mắt, trông cũng đáng thương. Chắc anh nghĩ rằng mình cũng chưa làm gì để giúp mẹ.
- ừ, thì, mẹ cũng tha lỗi cho con. Nếu muốn đi học, thì dù thiếu thốn, cả nhà cũng sẽ giúp.
Bà tôi đứng bên cũng phải rơi nước mắt. Lúc đó, mới thấy anh châm thuốc lào để hút.
Anh Sáu cao hơn các anh em, cũng mắt sâu và ngang, lông mi dài, mặt trông hao hao giống như Tây lai... đẹp trai nhất nhà, mà cũng tài hoa nhất nhà - không phải là tài năng của anh cao nhất, mà là về âm nhạc, thể dục anh rất có khiếu, đánh quần vợt giỏi, bóng bàn cũng giỏi, và chơi cờ tướng cũng cao. Người thông minh, học giỏi, mọi anh em trong gia đình Nguyễn Tường được người ta khen là học giỏi - nhưng chỉ học hai năm, anh đã đỗ bằng Thành Chung. Có người tặng thơ như sau:
Gửi lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh.
Đúng bác thần đồng bọn học sinh
Năm trước vừa đến kỳ tốt nghiệp
Năm sau liền đỗ bậc Chung Thành.
Văn hay pbúc ấm nhờ tiên tổ,
Cũng bởi công phu gắng học hành.
Điều lạ hơn cả, anh không phải là gạo suốt ngày đọc sách. Gần đến ngày thi, ban tối, anh đốt cái đèn Hoa Kỳ con trong màn để tránh muỗi, học đến quá nửa đêm.
Anh Sáu vốn là đa sầu đa cảm, dễ rung động trước đau khổ, bất công của đời người, điều này ảnh hưởng tới việc sáng tác của anh về sau.
Đa sầu đa cảm, cũng là tính nết chung của anh em, vì vậy mới thích viết văn, nhưng cùng lúc chúng tôi có những điểm chung nữa là hay suy nghĩ và ưa đưa những điều suy nghĩ sang hành động... Những tính nết chung này sẽ quyết định tương lai của chúng tôi.
Hồi đó, vì sinh sau đẻ muộn, mới mười mấy tuổi, nên tôi bị coi là một chú bé không hiểu gì về cuộc đời, ngoài việc cắp sách đến trường. Có lẽ vì trong nhà thiếu một người cha, nên chẳng có ai quản giáo tôi cả, thành thử tôi gần như hoàn toàn tự động tự giác. May mà tôi cũng thuộc vào hạng trò ngoan, học thì cũng khá, nhất là về tiếng Pháp, còn được giải thưởng danh dự toàn trường Hàng Vôi, ra nhà Hát Lớn lãnh thưởng - một chồng sách cao phải khó nhọc lắm mới vác được xuống bục.
Không rõ tại sao, qua việc đọc những tác phẩm thời ấy, tôi cũng thấy ngứa tay, và viết bừa ra mấy truyện ngắn khi còn 11 -12 tuổi. Cố nhiên, đặt đầu đề rất kêu, theo mốt lúc đó như Một kiếp người và Bóng chiều trên mặt biển, nhưng không hoàn tất được vì hết vốn và bận thi... phải quăng bản thảo vào một ngăn kéo. Không ngờ, một hôm mấy anh lôi ngăn kéo, tò mò lấy ra xem. Ai cũng cười lăn cười lộn, chỉ có anh Long là gật gù tấm tắc. Sau đó, anh cho biết là anh tán thưởng nhất một đoạn tôi viết về đi chơi cô đầu, trong đó có câu:
- Nào, em xăng-tê với quan nào!
Xăng-tê dịch âm từ chữ Pháp santé sang, có nghĩa là mời rượu, chúc sức khỏe, một tiếng người ta hay dùng, và tôi đã học mót từ một cuốn truyện nào đó, và đi cô đầu, thì khách nào cũng được phong làm quan tuốt. Chữ nhà xăng-tê lúc đó còn có nghĩa là nhà tù... có nghĩa là ở đó bị hỏi thăm sức khỏe...
Sau 1925, là một giai đoạn rung động mạnh trong xã hội Việt nam, và cũng rung động đến cả tầng lớp học sinh nhỏ. Không nên nghĩ là học trò chỉ biết đọc sách, làm bài hay đá cầu. Những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp, về những truyền đơn bí mật như tờ Hồn Nước, in bằng thạch mà chúng tôi truyền nhau đọc, những cuộc bãi công, biểu tình, cái tên Nam Đồng thư xã v.v... đều ít nhiều khơi dậy lòng yêu nước của những tâm hồn trẻ thơ.
Vụ ám sát tên Bazin, một người Pháp chuyên mộ phu đi các đồn điền cao su và đất Tân Thế Giới - Caledonia, Tahiti xa xăm, làm giầu trên mồ hôi và máu của bao nhiêu dân Việt cùng khổ, cũng chấn động cả Việt nam lúc đó. Hành động này tất nhiên phải từ một tổ chức bí mật mà ra. Hai tiếng hội kín thần mật rất có sức hấp dẫn đối với những đứa trẻ. Và một bàu không khí đặc biệt hình như đè nặng trên thành phố Hà Nội. Một hôm, cùng đi với một bạn học, trên bờ hồ Hoàn Kiếm, anh chỉ cho tôi một toà nhà hai tầng bờ bên kia, tại phố hàng Trống. Trên cửa, một bảng lớn ghi tên Hanoi Hôtel - Khách sạn Hànội.
- Hiệu ăn cơm Tây mà, có gì lạ? tôi hỏi.
Trông thì cũng chẳng khác gì những tiệm cơm khác. Anh bạn nhìn tôi một cách thần bí, rối ghé vào tai tôi:
- Của... của Việt nam Quốc Dân đảng đó!
Tôi ngạc nhiên. Việt nam Quốc Dân đảng? Đây là cơ sở liên lạc của một tổ chức cách mệnh? Nhưng sao lại ở ngay gần bóp Cảnh sát Hàng Trống? Một bóp lớn, nhiều cảnh sát, mật thám ra vào. Có lẽ càng gần cảnh sát, người ta càng không chú ý chăng?
Sau đó, không bao lâu, Hanoi-Hôtel đã đóng cửa. Năm 1929, tôi thi vào trường Bưởi - tên chính thức là Trung Học Bảo Hộ. Chỉ có mỗi con đường này thôi, vì nếu không thi đỗ tất phải theo học tại những trường tư thục, như Thăng Long, Gia Long, vừa tốn tiền vừa không dễ thi lấy được bầng Thành Chung. Còn trường Albert Sarraut - trường trung học cao cấp, thì rất khó xin vào, tiền học rất cao, thường chỉ có người Pháp hay một số ít gia đình giàu có đặc biệt mới có con em vào học. Trường Albert Sanaut là một trường hỗn hợp cả học sinh trai và gái. Ngoài ra, thời đó còn có những trường riêng cho nữ sinh như trường hàng Bài hay trường Félix Faure ở gần Cột Cờ.
Nói đến Cột Cờ, ở Hà Nội ai cũng biết, đây là một cái đài cao độ mười lăm mét, là chỗ cầm cờ tam tài, biểu hiệu cho nền thống trị Đại Pháp. Nó khiến cho người ta suy nghĩ tại sao ở đất nước mình lại không thấy có một lá cờ Việt nam nào, mà toàn cờ của Tây? Cột Cờ còn được người ta chú ý là vì, ngay bên cạnh, có bãi đá bóng gọi là sân Mangin... Người Hà Nội thích xem đá bóng tròn, thường thường người xem đứng chật ních khi có những trận nẩy lửa. Trong những khán giả tích cực ấy cũng có tôi. Găng nhất là những trận đấu giữa một đội banh người Việt với đội người Pháp - thường là đội của nhà binh- rất gay go, vì những tiếng reo hò của khán giả người Việt rất đông làm át cả phía người Pháp, bất kể thua hay thắng. Đây có phải là một lối trả thù dân tộc không? Trường Bưởi gồm mấy toà nhà ba tầng, quét vôi màu vàng, nằm ngay bên cạnh Hồ Tây, và một bên là đường xe điện chạy lên Bưởi. Từ đường Quan Thánh đi lên, một bên là phủ Toàn Quyền, vởi đằng sau là vườn Bách thú (tên gọi hồi ấy). Một chòi lính canh sơn màu tam tài đứng ngay cạnh lối vào vườn. ở đây có những lối đi rộng, hai bên trồng cây um tùm. Giữa vườn, trên một gò nhỏ, có chuồng hổ, chuồng khỉ, và chim. Chỗ này hấp dẫn được một số du khách, cũng là một nơi hẹn hò tốt của những đôi nam nữ.
Nếu rẽ sang bên Hồ Tây, thì qua đền Quan Thánh, sẽ bước vào con đường lịch sử: đường Cổ Ngư, nằm giữa hai mặt hồ Trúc Bạch và hồ Tây. Con đường nên thơ này không rõ có từ bao giờ, nhưng hồi đó nó đã là một chỗ dạo chơi của người Hà Nội, nhất là về mùa hè nóng nực, là một nơi để bơi lội. Chiều tối nhiều cánh buồm phất phơ trên mặt nước mênh mang mãi tới rặng cây Nghi Tàm xa xa - một cảnh tượng êm đềm. Người thi vào trường Bưởi rất đông, nhưng năm đó chỉ chọn lấy 130 người. Hy vọng mỏng manh, gia đình khuyến khích thì tôi đi thi xem sao, không ngờ lại may mắn trúng tủ tôi đỗ với số 28, nhờ ở bài Pháp văn.
Để đón tiếp ngày vào trường, ở nhà may cho một cái áo dài trắng và một áo the mới. Dạo đó, chưa có mốt mặc quần áo tây. Thành ra, học trò nào cũng súng sính như những ông đồ nho, trông đạo mạo như ông cụ non.
Ngày khai trường, học trò mới qua cổng lớn tụ tập ở sân trường, giữa những gốc bàng và gốc sấu cao. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một ông giáo sư Pháp cao lênh khênh, cưỡi một cái xe đạp không tương xứng với thân hình. Nhưng ông này xem có vê thân thiện, mỉm cười trước những học trò còn ngơ ngác. Sau này mới biết tên là Foulon, giáo viên địa dư và lịch sử.
Một ông khác mập hơn, vẻ mặt nghiêm khắc hơn, tới bắt chúng tôi xếp hàng và đứng im để đợi viên hiệu trưởng tới huấn thị. Chúng tôi đã nghe đồn ông Autigeon có tiếng là nghiêm khắc khó sơi, nên hồi hộp đứng chờ.
Một lát, một người mập, to ngang, mặt tròn từ trong bước ra thềm. Mọi người đều rãm rắp bỏ mũ. Hiệu trưởng đưa mắt gườm gườm ngang trên đám học trò mới rồi cất giọng nói ồm ồm không chút cảm tình, về kỷ luật, về những điều phải tuân thủ. Không biết những bạn khác nghĩ ra sao, chứ riêng tôi thấy khó chịu và cả không khí chung quanh nặng nề khó thở. Một bàu không khí thực dân... tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp. Trong đầu óc tôi, Autigeon, tuy chỉ là một ông đốc trường, nhưng cũng là một nhân vật tiêu biểu đáng ghét. Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.
Cũng như mấy anh lớn trước đây, tôi đến trọ ở nhà một ông cụ trong làng Bưởi. ở đây, thường thường được ăn cá tươi do ông bắt được bằng đinh ba, ban đêm - vì chính ông lại là người coi cá ở hồ này. ở đây, một bạn học năm thứ ba có đến tìm tôi và đưa một tờ truyền đơn ký tên là thanh niên ái quốc rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi tỏ ý tán thành. Anh hẹn sẽ liên lạc sau này khi có công việc cần làm. Nhưng sau, tình hình khẩn trương. Mật thám đã chú ý khắp nơi, và mọi tiếp xúc đều phải tạm ngừng. Không bao lâu sau, là cuộc khủng bố lớn đối với Việt nam Quốc Dân đảng. Từ đó, tôi không gặp lại người bạn ấy, và nghe nói có mấy người lớp trên bỏ học.
Về thành tích học hành, thực ra tôi không đến nỗi kém quá, nhưng tôi cũng không là một học trò ngoan. Cùng lớp, tôi nhớ có anh Đinh Gia Trinh, một học trò giỏi, viết bài tiếng Việt cũng rất hay. Thầy giáo dạy tiếng Pháp ông Ch..., lại trông như một ông đồ nho trong bộ áo the dài, và khăn xếp, đeo kính trắng: ông vẫn ưa tôi về Pháp văn. Song một lần, không hiểu tại sao, tôi lại giở chứng, muốn châm chọc một chút. Đầu đề bài luận ông ra là viết bức thư cho ông bố ở xa.
Trong bài viết, ngoài hỏi thăm ông bố ra, tôi thêm câu chắc thầy được dạo cảnh sông Hương núi Ngự tuyệt vời rất thích thú, và câu sau này trong tái bút.
Thầy không phải lo cho các con, vì chúng con khi rỗi thường vẫn dạo chơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, nhìn người qua lại, trong đó có những thiếu nữ mặc quần trong như thủy tinh... (nguyên văn tiếng Pháp: des jéunes filles aux pantalons transtparents comme de verre)
Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại tinh nghịch và bạt mạng như vậy, không nghĩ đến ảnh hưởng. Tức thì, chấm bài xong, ông giáo mang bài tôi ra đọc trong lớp như một gương xấu, phạt tôi một ngày, chủ nhật phải về trường ôn tập, và phê một câu trên bài Anh lớn gan thực (vous avez du cran!). May mà ông cũng còn thương, chưa đưa lên ông giám thị! Nhưng bài đó, chắc cũng được nhiều người bàn tán.
Chính trong những ngày đó, anh Tam từ Pháp trở về với cái bằng Cử nhân Vật lý học. Một nghệ sĩ mà lại đi học môn khoa học chán ngắt này? Đáng lẽ, anh nên học khoa Văn chương, như Nguyễn Mạnh Tường chẳng hạn. Nhưng nghĩ cho cùng, tốt nghiệp môn gì thì cũng vậy thôi. Tôi nghĩ điểm chính là anh đã tốt nghiệp tại Đại Học xã hội Pháp, đã được nhìn thấy tận mắt một nền văn minh tiền tiến và dân chủ, đã hiểu thấu thế nào là tự do, bình đẳng, bác ái - khẩu hiệu mà bọn thực dân Pháp dù không muốn, cũng phải đưa ra, ngay trong các nước thuộc địa. Khẩu hiệu này thực là khôi hài, đối với dân các nước bị trị.
Qua sự tiếp xúc với nền văn hoá, nghệ thuật của nước Pháp, với bộ óc nhạy cảm, anh học được nhiều kinh nghiệm và nẩy ra quyết tâm làm thế nào để cải cách xã hội Việt nam. Người du học ở Pháp về không phải là ít, nhưng có hoài bão lớn và có quyết tâm hành động, cũng không bao nhiêu. Không phải ngẫu nhiên mà sau này Nguyễn Tường Tam đã trở thành Nhất Linh.
Đường Giám. Một ngày tháng 2 năm 1930. Đầu xuân, trời hơi lạnh. Buổi tối, độ chín mười giờ. ánh sáng vàng khè của mấy ngọn đèn điện lù mù chiếu trên đường phố vắng tanh. Bên kia đường, dẫy tường gạch, đằng sau là Văn Miếu tối om om. Bà, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại, còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam, anh Sáu và tôi. Anh Cả đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng, đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường. Tiếng gì đây, mọi người sửng sốt. Súng? Bom, tạc đạn? Trong thời kỳ bất thường này, chúng tôi nghĩ ngay đến một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hy vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của cách mệnh, đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, giành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại. Chung quanh có tiếng xì xào. Có người chạy ra ngoài đường để quan sát. Nhưng qua độ mươi lăm phút, đã thấy tiếng ồn ào khắp nơi. Rồi đến những tiếng quát tháo chung quanh, tiếng gót giầy nặng chình chịch từ phố bên tới. Vội vàng, chúng tôi đóng cửa sổ lại. Qua khe cửa, thấy một tốp lính cao lớn -chắc là Lê dương (légion - lính đánh thuê) chạy rầm rập vào phố, dừng lại, xem xét chung quanh, rồi cắt lính cầm lưỡi lê gác đầu và cuối đường. Anh em chúng tôi chờ một thời gian, không thấy có động tĩnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa.
Buổi sáng sớm, anh Thụy mới về đến nhà. Anh nói là trên đường phố vắng ngắt, vì vừa mới giải nghiêm. May anh có tấm căn cước nhà Bưu chánh cấp cho, nên cũng thuận lợi trên đường.
Hôm sau, nới biết là mấy nhà cách mệnh đã ném tạc đạn vào bóp cảnh sát Hàng Đậu, định chiếm một số vũ khí, nhưng đã không thành công, và hai, ba người đã bị bắt. Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi. Rồi sau, biết tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái oanh liệt đã bị bọn thực dân đàn áp một cách tàn bạo, dã man. Bao nhiêu án tử hình, khổ sai đè lên đầu những người Việt bất khuất. Và bao nhiêu biểu tình, bãi công khác của thợ thuyền, nông dân cũng đã bị đàn áp. Bọn đế quốc thực dân với sự hợp lực của bọn tay sai người Việt đã tàn sát, hành hạ những phần tử đi tiên phong cho hạnh phúc của dân tộc, trong giai đoạn tàn khốc 1929-1932.
Không ai có thể quên những điều trên, và cũng không có quyền quên. Những tấm gương quật cường và hy sinh cao cả của bao anh hùng liệt sĩ đã ảnh hưởng mạnh tới toàn dân, đặc biệt tới lớp trẻ giàu lòng nhiệt tình, và kích thích tất cả đứng lên chống mọi khó khăn, vì dân, vì nước.
Tinh thần này không những sẽ phản ảnh trong các cuộc cách mệnh sau này, mà còn sẽ phản ảnh về các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Nếu không có tinh thần này, thì nói riêng, cũng sẽ không có Nhất Linh, Phong Hóa, Tự lực văn đoàn. Không có một tâm hồn cao thượng, vị tha, thì sẽ không có những tác phẩm có giá trị chân chính, và nếu có chằng qua là để cho người ta đọc sách mua vui một vài trống canh mà thôi.
Chương 4
Trại Cẩm Giàng - Phong Hóa
1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định mạo hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và.sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà đi bỏ một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải là dễ lấy, mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai.
Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng:
- ừ, thì mày về nhà mà học lấy. Nhưng phải chăm mới được!
Bà sợ tôi về nhà lêu lổng, nhưng cũng tin ở khiếu học hành của các con.
Tôi vác đơn xin thôi học, không ngờ, một ông giáo người Pháp xưa nay có tiếng là ác, bắt học trò phải ngồi im như phỗng trong khi ông giảng lịch sử, và bị tôi ghét nhất, xem đơn của tôi lại tỏ ra rất ân cần, giữ tôi ở lại:
- Anh có gì khó khăn? Anh là một học sinh giỏi, có tương lai mà! Đừng nên bỏ trường! - Ông nói.
- Thưa ông, vì gia đình tôi phải dọn về quê, nên rất tiếc không đi học ở đây được nữa- tôi vin cớ giải thích.
- Đáng tiếc thực. Sau này, có dịp trở lại, tôi sẽ nói với ông hiệu trưởng.
Lúc này, tôi không thấy ông đáng ghét như trước. Thì ra, chỉ nhìn qua bề ngoài, không thể hiểu được tính cách của con người.
Sự thực, cớ chính là tôi ghét không khí nhà trường và cũng vì muốn tránh gò bó, hãy được tự do bay nhẩy đã, vì bản tính tôi cũng lười.
Ngày đó, nhờ dành dụm được ít vốn liếng, và các anh lớn giúp một phần, mẹ tôi đã gắng thực hiện nguyện vọng một đời của mình: có nhà, có vườn, có ít mẫu ruộng. Trở lại đất Cẩm Giàng, bà mua được mấy thửa ruộng gần nhà ga, ngay bên cạnh đường xe lửa.
Căn nhà chính bằng gỗ, chát vách, kiểu mới cao ráo, có hiên bốn bên, mái lợp tranh rất dầy. Tuy nhỏ, nhưng cũng đủ phòng khách, bàn thờ, phòng ngủ. Chung quanh trồng những luống tóc tiên, hoa cúc, cây đào. Ngoài vườn, bắt đầu trồng cây ăn quả chuối, na hay ổi.
Bên cạnh, là hai căn nhà ngang thấp hơn, lợp tranh, là phòng ngủ, bếp. Đằng trước, trồng hàng rào tre, đằng sau, trông ra cánh đồng thẳng tắp đến tận những làng xa. Cũng vắng vẻ cô quạnh, nếu không có một nhà láng giềng và ngôi trường tiểu học bên cạnh, ban ngày học trò ra vào đem lại một chút náo nhiệt. Nơi này là chỗ tốt nhất để tĩnh dưỡng, ôn tập bài vở.
Mỗi ngày có mấy lần tàu lên tàu xuống chạy ngang qua cổng nhà. Trẻ con thường chạy ra cổng để ngó xem, đến tận lúc con tàu đã khuất bóng sau rặng tre, chỉ để lại làn khói trắng bay lên trời. Đêm đến, khi tiếng còi tàu cuối cùng và tiếng bánh xe rầm rập rên đường sắt đã mất dần ở xa rồi, chỉ còn nghe thấy muôn tiếng côn trùng rỉ rả chung quanh trại -bao nhiêu đời cũng vẫn thế.
Thêm tôi về ở Trại Cẩm Giàng, bà mẹ và chị tôi đều mừng rỡ và bớt vắng vẻ. Tôi mua đủ các sách giáo khoa để tự học, kể cả cái tiếng Anh xa lạ. Buổi chiều, học xong, dạo chơi theo đường sắt, nghe gió thổi vu vu qua cột giây thép, hay đến ngồi dưới bóng cây đa mâm sôi ngắm ra đồng ruộng. Những ngày gặt hái tấp nập, tôi cũng theo mọi người ra ruộng. Lúc nghỉ cùng ăn cơm nếp hành mỡ thơm nóng với những người dân quê chất phác. Mùa lạnh tới, mưa phùn gió bấc tạt ngang trên các gốc rạ đồng khô, không gì dễ chịu bằng chui vào ổ rơm ấm áp.
Đêm ba mươi Tết, anh em ở Hà Nội về, quây quần trước mấy thùng bánh chưng, thức suốt đêm để nấu. Tối hôm ấy, các bà, các chị bận tấp nập về việc làm cỗ, bầy bàn lễ tổ tiên, hương nến sáng chưng lẫn với mùi thơm ngát của bát thủy tiên, của hoa đào cây nhà lá vườn.
Sáng mồng một Tết đã đến. Mọi người trịnh trọng tập hợp ở nhà trên. Bà tôi và mẹ tôi ngồi trên sập giải chiếu cạp đỏ, để con cháu mừng tuổi, lãnh phong bao. Tối đến, rủ nhau vào nhà ông cậu. Năm nào ở đó cũng mở sòng sóc đĩa, rất đông người trong phố đến đánh. Nếu không đánh sóc đĩa, thì cùng mấy cô em họ làm một canh bất miệt mài cho tới khuya. Nhưng thú vị nhất đối với tôi vẫn là một mình đi thơ thẩn tới các làng xóm chung quanh, những túp nhà tranh âm thẳm nấp sau lũy tre xanh. Trời nắng, tôi đi vào những con đường đất nhỏ, êm mát giữa hai rặng tre bên bờ ao vắng đọng. Thỉnh thoảng, một căn nhà gạch lẩn sau cây bưởi và mít, với bể nước bên cây cau thẳng vút đầy vẻ Việt nam. Vào buổi trưa im ả, chỉ nghe thấy liếng ru con vẳng tới hay vài tiếng gĩa gạo, tiếng đập nước của vài cô gái giặt áo trên cầu ao. Đời sống im lìm và nghèo nàn, ai cũng sống như vậy không biết đã bao nhiêu đời. Về sau này, tôi đã bôn ba nhiều nơi, đã tới nhiều nơi đô thị phồn hoa, giàu sang, náo nhiệt trên thế giới. Nhưng lúc nào tôi cũng không quên những làng xóm thôn quê ở cố hương. Ngay hy vọng giản dị là về sống một cuộc đời thanh bạch trong làng xóm Việt nam cũng hình như không bao giờ thực hiện được. Có phải đó là số phận không?
Trong thời gian có thể gọi là êm ả này, bỗng nhiên một sự bất hạnh xẩy ra, một tang tóc đau thương mà tới nay mỗi lắn nhớ đến tôi cũng vẫn ngậm ngùi khó nguôi: đó là cái chết của bà tôi, cái chết làm cho tôi xúc động sâu xa, rất lâu mãi về sau này vẫn không ngớt.
Từ lúc còn nhỏ, tôi luôn luôn đồng tình với bà tôi, vì bà sống chịu đựng, đắng cay hơn ai hết trong phần cuối đời, người con trai duy nhất đã mất, tất cả đều do con dâu tẳn tảo làm ăn. Bi kịch mẹ chồng nàng dâu không một gia đình nào lúc đó tránh nổi. Niềm an ủi duy nhất của bà là lòng thương mến của các cháu: và sáng nào bà cũng thắp hương, châm ngọn đèn con trên bàn thờ, rồi ngồi yên niệm Phật với chuỗi tràng hạt đen bóng.
Không biết tại những ngày cuối cùng của đời mình, bà đã nghĩ những gì. Tôi mong tự đáy lòng là bà đã tìm được hạnh phúc trước khi nhắm mắt.
Chính những xung đột nghiệt ngã trong gia đình chúng tôi giữa mấy lớp mẹ chồng nàng dâu, cùng với nhiều nỗi bất hạnh của phụ nữ bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến lạc hậu trên xã hội, đã là đề tài cho nhiều tác phẩm sau này - thí dụ như cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Riêng tôi, lúc đó, tôi thấy băn khoăn, không hiểu tại sao người ta không sống hoà hợp chung với nhau được, mà lại khắt khe với nhau về những thứ quá nhỏ nhoi không có một giá trị gì, và ganh tị với nhau về những cái vô ý thức mà ai cũng khư khư ôm lấy.
Anh em chúng tôi đứng trước những cảnh trạng éo le, bi đát trong xã hội và ngay trong gia đình, ít nhiều đều có phản ứng tâm lý sâu xa. Và do đó, tánh cách phóng khoáng, nhạy cảm trước sự vật dần dần thành hình. Quan niệm về dân tộc, về xã hội, về văn hóa ấy đã quyết định những hành động sau này. Cuộc đời của chúng tôi đã bước sang một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của tờ báo Phong Hoá bộ mới do Nguyễn Tường Tam sáng lập.
Võng anh đi trước, võng nàng đi saư
Câu ca dao này đã quen thuộc quá đối với người Việt rồi, nên không ai thắc mắc gì. Nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ, thì nó đại biểu cho một quan niệm phong kiến hủ bại, đầy óc danh lợi cá nhân. óc làm quan, óc ăn trên ngồi chốc, óc khinh miệt phụ nữ...
Cho nên, khi anh Tam về nước, anh không màng đi kiếm công việc lương cao, mà chọn đi dạy học ở trường tư thục Thăng Long. Cũng như anh Long đã từ bỏ cơ hội có thể đi làm quan.
Một thanh niên có tâm hồn, có chí khí cao thượng, tất không chạy theo những thứ dục vọng tầm thường như làm quan, làm giầu, vinh thân phì gia. Từ nhỏ, chúng tôi không ưa những thứ đó, chúng tôi không ưa quyền thế.
Một điểm chung nữa là mấy anh em đều thích viết, và đều có khiếu về viết. Thêm vào đó, có hai người bạn cùng chí hướng và cùng có tài -anh Tú Mỡ và anh Khái Hưng. Với nhóm người nòng cốt này, một tập hợp văn chương ít có - và có lẽ ít có trên cả thế giới nữa - hoàn toàn có thể ra một tờ báo có giá trị và được độc giả ưa thích.
Mặc dầu lúc đó đã có một số báo, tạp chí ra đời, nhưng nói chung, trình độ còn thấp và cũng lê tê, chưa gây ảnh hưởng mạnh. Phần nhiều, lối văn viết và nội dung chưa thoát được kiểu cách sáo rỗng cũ, chưa đưa ra được những ý kiến, chủ trương mới, táo bạo.
Mặt khác, 1932 có hoàn cảnh thuận lợi hơn cho sự phát triển của văn nghệ. Dù sao, sau cuộc đàn áp tàn bạo, xã hội cũng yên tĩnh hơn. Bọn thực dân cũng cảm thấy cần phải nới tay một chút để dẹp bớt bất mãn của dân chúng, còn khuyến khích thể thao, đua xe đạp, thi ngựa, hội chợ, cùng ca nhạc, điện ảnh.
Sau này, có khi ngồi rỗi, bàn đến lý do tại sao các anh bị đưa đẩy vào nghiệp viết văn, viết báo trong khi hoàn toàn có thể kiếm được nghề khác đủ danh lợi, thì không ai trả lời rõ rệt cả. Như anh Khái Hưng, có một bạn hỏi đùa tại sao với gia cảnh anh - ông thân sinh là Tuần Phủ và bên vợ là Tổng Đốc- anh không chạy một chân tri huyện nào đó mà lại làm nghề báo bấp bênh, nghèo kiết này, thì anh chỉ cười nói:
- Cũng chẳng hiểu vì sao cả. Thích viết thì viết!
Từ chỗ thích đến chỗ thành nghề nghiệp một đời, cũng không xa lắm.
Nguyện vọng mãnh liệt cải cách xã hội cộng với tài hoa viết văn đã tạo nên nhóm Tự lực văn đoàn.
Giữa năm 1932, tôi còn ở Cẩm Giàng, thấy anh Tam và anh Long có bàn qua về việc ra một tờ báo, lấy tên là Tiềng Cười. Phỏng theo tờ Le Rire (Tiếng Cười) và tờ báo trào phúng Le Canard enchainé) (Con vịt bị buộc) là mấy tờ rất được độc giả hoan nghênh bên Pháp ở Hà Nội chúng tôi cũng đã từng đọc qua. Những bài châm biếm không những làm cho người ta cười, mà còn có ý nghĩa châm chọc những thứ xấu rởm trong xã hội. Nhưng sau tờ Tiếng Cười không được cấp giấy phép, vì thực dân đâu muốn cấp cho một người đã từng du học ở Pháp về. Theo chính anh Tú Mỡ viết về sau này Phàm những người chân chính học ở Pháp về đều có tư tưởng bài Pháp thực dân... nó thực dân sợ tờ báo cười tung trời sẽ làm đảo lộn cả trật tự của cái xã hội thối nát mà chúng nó duy trì để dễ cai trị. Nhưng anh Tam không chịu bó tay. Vẫn lời Tú Mỡ, anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân có tờ báo của anh Phạm Hữu Ninh... anh Tam đề nghị... nhường lại cho mình làm chủ bút, chỉ cần mất chút tiền thuê báo. Người viết, bài vở lúc đó cũng đã sẵn sàng.
Sự kỳ ngộ may mắn trong lịch sử văn học, dưới sự chỉ dẫn và tổ chức của Nhất Linh, đã tạo nên một nhóm cây viết, một văn đàn gắn bó với nhau, tiến tới một trào lưu văn hoá độc đáo. Ngay trong nhà đã có ba cây viết rồi, cộng với Tú Mỡ là bốn, lại vừa kéo thêm được một tài năng nữa, đó là Khái Hưng. Cuộc đời của Khái Hưng cũng có thể gọi là kỳ lạ. Anh đã đậu Tú Tài ban Triết Học - độ ấy rất hiếm - nhưng không ra làm quan hay công chức gì. Nhà văn sĩ lãng mạn tương lai quay ra đi... buôn, làm đại lý cho một hãng dầu, chắc muốn giàu to. Song óc nghệ sĩ của anh có lẽ không thích hợp với buôn bán quét quéo nên đã thua lỗ rồi từ Ninh Giang lên Hà Nội, Trần Khánh Giư (tên thật) vào làm giáo sư trong trường tư thục Thăng Long. Ngay hồi đó, anh đã viết cho tờ báo Duy Tôn những truyện vui hay xã thuyết, cùng với mấy nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và Tchya (tôi chẳng yêu ai?) Đái Đức Tuấn. Một số bài nữa đã đăng trên tờ Phong Hoá (cũ) và tờ Văn Học tạp chí của anh em Dương Bá Trạc. Nhất Linh sau đó lại vào dạy trường Thăng Long. Hai người rất tâm đắc, có cái nhìn chung về xã hội, về văn nghệ, và có chung hoài bão dùng ngòi bút của mình để canh tân văn nghệ cùng văn hoá đất nước.
Nhóm 5 người này quyết tâm sáng tạo một đường lối mới, cả về hình thức lẫn nội dung, mà họ tin chắc là sẽ thành công. Họ sẽ bỏ lối viết sáo rỗng, nặng nề, hay đạo mạo dậy đời, để dùng một lối văn trong sáng, bình dân hơn. Họ sẽ chống lại những thứ mà họ cho là xấu xa, rởm đời, hay lạc hậu, cổ hủ, họ sẽ dám phê phán cả chính sách quan liêu, bất công, bằng lời văn châm biếm sắc bén can đảm. Họ sẽ đưa một bầu không khí mới mê, tươi tắn, lạc quan vào trong cái ao tù bảo thủ truyền thống vẫn đè nặng lên con người từ trước tới nay. Họ muốn thay đổi, cách tân. Học có cái mà các nhóm khác thiếu sót - đó là cái lửa.
Không có cái lửa về muốn viết, về cải cách xã hội, về giúp ích cho dân chúng, thì không có Phong Hoá, Ngày Nay hay Tự lực văn đoàn.
Muốn ra được và duy trì một tạp chí, tất phải có số vốn. Mà anh em lúc đó toàn nghèo xơ, làm gì có đủ tiền? Chị tôi kể rằng ban đêm anh Tam cặm cụi viết bài, lại lo ế không bán được. Một hôm không biết đùa hay thực, anh đề nghị nếu báo ế thì bắt cả nhà vừa đi vừa rao bán sao cho kỳ hết. Mẹ tôi trả lời một cách thản nhiên: Khó gì mà phải lo! Bán không hết thì mang về cho anh ấy (tức chị Tam) gói cau càng tiện.
Nhưng, nhờ trời, số phận tờ Phong Hoá chưa đến nỗi khốn khổ như vậy.
Việc đầu tiên là phải quảng cáo cho mọi người biết đã. Theo tài liệu, Phong Hoá số 13 đề ngày 8-9-1932, có đăng:
Một cuộc hoán cải lớn trong báo Phong Hoá,
Một sự lạ trong là ng báo.
Một cái mới.
Đến ngày thứ năm 22-9-1932
Báo Phong Hoá sẽ ra số mới.
Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề cần thiết,
xã hội, chính trị, kinh tế.
Nói rõ về hiện tượng trong nước.
Có 15 tranh vẽ, nhiều truyện vui.
Cần thiềt
Hoạt động.
Vui vẻ
...
Ai cần xem báo! Ai thích đọc báo!
Nên đọc Phong Hoá!
Chắc có nhiều người đón chờ cái sự lạ này xem ra thế nào.
Và đúng hạn, ngày 22-9-1932, tờ Phong Hoá bộ mới, số 14 đã ra mắt độc giả.
Chương 5
Phong Hoá Bộ Mới Ra Đời
Đúng như nhà văn N.V đã kể lại trẻ con ôm báo để bán rong, vừa chạy vừa la inh ỏi, khắp cả phố phường Hà Nội. Thiên hạ tò mò xem, báo bán chạy như tôm tuơi .
Số báo đầu Phong Hóa mới được đưa về Cẩm Giàng. Tôi cũng tò mò đọc. Tôi thấy, trước hết khác với những tờ báo đã có, tờ Phong Hoá là tờ đầu tiên đưa ra tôn chỉ rõ ràng, tỏ ra nhóm chủ trương có mục đích, đường lối đàng hoàng, như:
- Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới.
- Không chịu khuất phục thành kiến.
- Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào
- Lấy thành thực làm căn bản.
- Lấy trào phúng làm phương pháp
Giống như một tuyên ngôn, thể hiện ý chí tự lập, quật cường. Với tôn chỉ như thế, tất sẽ được độc giả mến phục, nhưng tất mình sẽ có những kẻ thù hận.
Mục từ nhỏ đến nhớn ở trang 2, có những bài châm biếm những hiện tượng xấu xa, xu nịnh, quyền thế trong xã hội, bênh vực cho công lý, cho những kẻ thấp cổ bé họng, là mục trụ cột của tờ báo. Có những tên tác giả Nhất Linh, Nhị Linh (Khái Hưng), và Tú Ly (Hoàng Đạo sau này)... Tiếng cười ở đây có ý nghĩa, không giống như những tiếng cười thô tục, vô ý thức nhan nhản trên một số báo thời đó. Ngoài ra, những mục truyện ngắn, tiểu thuyết không những đưa ra sự thực, lột được những mâu thuẫn trong gia đình xã hội, giữa cái mới và cái cũ, giữa công lý và bất công, tả về những bi kịch của đời người, mà bằng một lối văn sáng sủa, trữ tình, dễ đi sâu vào lòng độc giả. Mặc dầu còn có những chỗ non nớt, thiếu sót, nhưng người đọc quả đã thấy một cái gì mới lạ, tỏ ra những người viết này đã có lòng chân thành, tính can đảm, có đầu óc cao thượng hơn là viết để chỉ mua vui cho độc giả hay để sinh sống.
Ngay trong số đầu, nhóm Phong Hoá đã tỏ ra có chủ đích và rất tự tin trong ý muốn đưa lại một luồng sinh khí mới cho làng báo. Bài thơ sau đây đã tỏ ra có khí phách, khi đụng chạm tới hai nhân vật lão thành quyền uy. Một là Nguyễn Văn Vĩnh với tờ Trung Bắc Tân Văn và Đông dương tạp chí, hai là Phạm Quỳnh với tờ Nam Phong... Hai ông Vĩnh và Quỳnh quả thực có tài nhưng người ta đã thấy họ quá ư đạo mạo, cũ kỹ đối với lớp trẻ phóng khoáng hơn. Chủ trương chính trị trực trị của ông Vĩnh hay lập hiến của ông Quỳnh cũng chỉ là những biện pháp cải lương trong khuôn khổ thực dân. Người ta cần cái gì trẻ trung, mạnh bạo hơn.
Nước Nam có hai người tài.
Thứ nhất xừ ĩnh, thứ hai xừ Uỳnh.
Một xừ béo núng rung rinh,
Một xừ lểu đểu như hình cò hương
Không vốn liếng, chẳng ruộng nương.
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu
Bây giờ đang xiả xói nhau
Người câu lập hiến, kẻ câu trực quyền.
Thưa các ngài, thực vi tiên.
Muốn xem chiến đấu, quẳng tiền vào đây
Chế riễu Vĩnh và Quỳnh bán buôn dư luận có thể hơi quá đáng, nhưng châm biến các ông đó về quan niệm chính trị là đúng. Ông Vĩnh về sau qua đời còn Phạm Quỳnh tới 1933 thì được triệu vào làm Lại bộ Thượng Thư cho triều đình Bảo Đại, trong mắt những lớp người mới, không còn ai nhắc tới nữa.
Trên báo Phong Hoá, còn thêm mục phóng sự, tả thực về các hiện tượng xã hội đáng chú ý. Tôi nhớ có thiên Hà Nội ban đêm của Việt Sinh (Thạch lam) và Trường Khanh (một bạn viết). Trường Khanh ghi được nhiều tài liệu sống động của đời sống những giới sống về đêm... thuốc phiện, cờ bạc, ma cô, đĩ điếm... và Việt Sinh đã viết thành văn đã làm cho độc giâ thấy được những bí ẩn, éo le, đau khổ của những hạng người đặc biệt ấy.
Những bài thơ châm biếm của Tú Mỡ lại là một đặc sắc khác của tờ báo, dễ đi vào trong các tầng lớp người đọc, và có vẻ Việt nam nhất, so với những truyện ngắn, thơ mới phảng phất có mùi vị Âu Tây.
Nghe nói báo bán rất chạy, rất được hoan nghênh, câ nhà bớt lo, không phải đưa báo ế về cho chị Tam gói cau nữa. Bà nội chúng tôi được đưa ra an táng tại mảnh đất do một thầy địa lý chọn ở gần gốc cây đa mâm xôi, cách mộ con trai bà không xa lắm. Đứng ở cổng trại nhà tôi, có thể nhìn thấy cây đa lớn ấy. Ban đêm, về khuya, có thể nhìn thấy những con ma chơi lấp loé bên gốc đa. Không biết trong đó có linh hồn bà tôi hay thầy tôi không? Và đến bây giờ, hai nấm mộ còn nằm nguyên ở chỗ cũ không?
Mấy tang tóc liên tiếp tại trại Cẩm Giàng - đứa con gái thứ hai của anh chị Tam và đứa con gái của anh chị Hai đều bất hạnh qua đời, khiến tôi cảm thấy buồn thương vô hạn. Nhất là đến đêm, bóng tối đã trùm lên tất cả cánh đồng hiu quạnh, trong nhà chỉ còn mấy người cô đơn, càng thấy cô đơn.
Gia đình quyết định dọn lên Hà nội để, vả lại tôi cũng cần lên để sửa soạn thi Tú Tài. Lần này, do các anh góp tiền, chúng tôi thuê được một căn nhà hai tầng, cao ráo, rộng rãi, có cổng sắt có đường lát sỏi hai bên trồng hoa, cùng na, ổi. Đây lại rất gần nhà báo Phong Hóa vì cùng một phố Quan Thánh.
Các anh Cả, Hai, Ba đã thành gia thất cả rồi. Tất nhiên phải đến lượt anh Tư (Long). Sau một thời gian mối manh, xem mặt (lại xem mặt!) một cô gái nhà con một, ông bố đã mất, chỉ có hai mẹ con ở với nhau. Dù sao cũng là dịp hay đối với tôi, vì nghỉ hè năm ấy, hai gia đình hẹn nhau ra tắm bể Sầm Sơn, một nơi nghỉ mát có tiếng ở Thanh Hoá.
Cùng với mẹ, chị Cả, anh Tư và chị Thế, đến Thanh Hoá rồi chúng tôi ngồi xe tới Sầm Sơn. Con đường rộng rãi, hai bên trồng những cây phi lao xanh rờn, gió biển từ xa thổi vào khiến người ta cảm thấy không khí tươi mát khác hẳn với thành phố.
Nhà gái có một biệt thự ở gẳn bờ bể, còn chúng tôi thì thuê một căn nhà hơi xa một chút. Đêm nằm nghe tiếng sóng đổ ầm không ngừng ở ngoài khơỉ, và gió thổi vi vu qua ngọn cây phi lao. Sáng sớm, ra bờ bể, đằng sau rặng cây, mặt biển mênh mang hiện ra, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ngoài xa, những cánh buồm nâu của dân chài. Tại một đầu bãi bể, một mỏm núi cao đứng chắn những làn sóng bạc xô đẩy nhau từ xa vào bờ.
Chỗ này do người Pháp khai thác, những biệt thự đẹp toàn là của Pháp hay một số ít người Việt giàu có. Du khách đa số mướn phòng hay thuê ngay những nhà lều dựng trên bãi cát. Chiều hôm đó, chúng tôi ra bãi biển. Đã có không ít nam nữ mặc áo tắm chạy tung tăng hay đương bơi rỡn dưới nước. Chị Long tương lai là một thiếu nữ cao, hơi gầy, trắng trêo. Mới đầu còn hơi ngượng ngùng, ít nói nhưng không bao lâu sau, do không khí vui vẻ chung quanh, tất cả đã thành ra như quen thuộc từ lâu. Chúng tôi chạy trên bãi cát, đuổi theo những chùm cỏ rối bay theo gió, hay rình bắt những con dạ tràng nhỏ xíu mỗi khi nước biển rút ra lại nhô lên để xe cát - một công việc không bao giờ ngừng.
Buổi sáng, là lúc dân chài kéo lưới lên bắt cá. Đứng xa, nhìn hình tượng những người cời trần giống như những bức tượng đồng vạm vỡ dưới nắng sớm. Có lẽ nhân vật Vọi trong một truyện của Khái Hưng là do đi tắm bể mà nên - nhưng đời sống cực nhọc, kham khổ thực của người dân chài quanh năm vật lộn với sóng gió có nhiều thứ đáng tả hơn là một mối tình lãng mạn miễn cưỡng giữa những lớp người khác nhau. Vụ đi tắm bề Sẳm Sơn đã đưa lại kết quả tốt đẹp, một đám cưới vui tươi. Vì cô dâu là con một, anh Tư bằng lòng ở gửi rể, tại căn nhà ở phố Hàng Vôi, xế cửa với trường tiểu học cũ tôi học.
- Chú xem, đầu đề tờ báo viết thế này có được không?
Anh Nguyễn Kim Hoàn, lúc ấy giữ việc quản lý trong ban trị sự nhà báo, đưa một xếp giấy hỏi tôi. Một điều ít người biết, là anh rất thích làm báo, và thích có riêng một tờ của mình. Tờ này, anh cùng một người bạn cộng tác, nội dung gồm vấn đề xã hội, văn hoá, thông tin, khổ nhỏ, độ tám trang. Tôi sẵn lòng giúp về trình bày, và viết một bài tạp ký - lúc đó tôi đã bắt đầu viết trong báo Phong Hoá. Tên tờ báo tôi còn nhớ, và về sau, nó cũng chết yểu vì thiếu vốn và cũng thiếu bài nữa.
Nhưng sau, anh trở thành anh rể tôi. Sau khi anh Tư kết hôn, mẹ tôi đã trở về ở Cẩm Giàng. Hai vợ chồng chị Năm và anh Sáu dọn đi, thuê một căn nhà ở bên đê Yên Phụ. Đây là một căn nhà vuông vắn, nằm dưới bờ đê, bên một lạch nước và nhìn ra đình làng Yên Phụ, và qua đình làng lên mặt nước Hồ Tây rung rinh mỗi khi trời nắng. Cảnh hồ nên thơ, thêm vào đó, hoa đào thường nở rộ về mùa xuân trong làng Yên Phụ, Cũng khiến cho người ta quên một phần nào cảnh nghèo nàn trong đời sống.
Từ đó, chúng tôi kết duyên với làng Yên Phụ và Hồ Tây cho tới mãi mười mấy năm sau, khi thời thế chuyển động kinh hoàng.
Tây Hồ có danh sĩ,
Nhà thì ở nhà tranh
(Huyền Kiêu)
Mái nhà tranh này, tới nay cũng vẫn không mờ trong ký ức tôi. Vì nó liên hệ tới bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong đời sống gia đình, và riêng trong đời sống của tôi. Danh sĩ kể trên là anh Sáu - Thạch Lam. Không biết từ ngày nào, anh ra ở riêng, mà anh lấy vợ lúc nào tôi cũng không nhớ. Không giống nhiều gia đình cổ truyền, anh em chúng tôi ít khi chú ý đến việc riêng của mỗi người. Một mái nhà tranh ngay đầu làng Yên Phụ, bên bờ Hồ Tây, từ đê xuống rẽ vào con đường gạch, qua đình làng là tới. Căn nhà nhỏ nên thơ, nấp đằng sau hàng rào tre, có cổng gỗ ra vào. Nhà ba gian, cũng cao ráo, sáng sủa. Có thềm rộng trông ra mặt hồ. Ngồi trên đó nhấp chén trà, nhìn xuống mặt hồ mênh mông, với trước mặt là trường Bưởi, bên trái là con đường Cổ Ngư, nghe nước vỗ nhẹ vào bờ dưới chân, thì cảm giác như ở xa trần tục.
Chị Sáu là một người đàn bà hiền hậu, chất phác, rất niềm nở đối với các bạn văn chương của chồng, thường hay đến tụ họp uống trà hay cà phê, có người đến học bơi hay bơi thuyền. Đời sống chị Năm hay anh Sáu cũng thanh đạm như nhau, vì lương rất ít. Lương ở toà báo chỉ đủ để duy trì quần áo tối thiểu, ngày hai bữa cơm với rau đậu, với ít thịt cá dành cho các con nhỏ. Chỉ có khi nào xuất bản một cuốn sách, đời sống mới được đầy đủ hơn một chút.
Đến đây, tất có bạn hỏi, thế thì còn rớt lại người em út thân phận ra sao? Tôi còn nhỏ tuổi, lại đương đi học, tất nhiên là độc thân rồi. Không có chỗ ở nhất định, cố nhiên là phải đánh du kích, nay nhờ nhà này, mai nhà kia. Nhiều khi không tiện, thì đi ở trọ. Một lối sống thông thường cho học sinh thời ấy, tuy có vẻ kém nền nếp và lông bông dưới con mắt của một số người. Mẹ tôi có vẻ dễ dãi hơn:
- Mẹ về Cẩm Giàng rồi, con muốn ở đâu cho tiện học là được.
Bà có vẻ tin tưởng ở tôi sẽ không hư hỏng. Còn các anh tôi theo thói quen, chẳng ai đả động gì.
Tôi đến ở với một số bạn, xem ra toàn là đồ qủy sứ cả, tứ chiếng giang hồ - nghĩa là ở mấy nơi khác tới. Năm đó, thi bằng Tú Tài phần thứ nhất, tôi đã trượt vỏ chuối tuy đã cuốc bở hơi tai trước kỳ thi. Nguyên nhân là khi khẩu thí, gặp ông giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một đoạn truyện David Copperfield của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông chẳng nghe hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tai của tôi. Tất nhiên là trượt, về nhà học lại. Được tin tôi trượt, gặp tại nhà báo, anh Tam vỗ vai tôi an ủi:
- Thắng bại là sự thường cho nhà binh. Sang năm, tôi tin chắc chú sẽ thành công!
Một điều an ủi cho tôi là, trong số anh em cùng trọ, không chỉ có tôi đã trượt vỏ chuối, mà phần lớn cũng chung một số phận. Một chàng tên là Nhung, trước ngày thi, chắc mẩm lần này sẽ đỗ bằng Thành Chung, sẽ về quê vinh quy bái tổ và cưới vợ ngay, nhưng lúc treo bảng lại không thấy tên mình, tuyệt vọng, về nhà bỏ cả bữa cơm và nằm lì suốt hai ngày không nói năng. Một chàng nữa, thi Tú Tài bản xứ phần thứ hai, cũng bị đánh rớt, nhưng vẫn thản nhiên, tối đến cùng mấy bạn xuống phố Khâm Thiên để giải sầu. Xin nói rõ là trong bọn đó không có tôi, vì còn quá nhỏ tuổi, chưa đủ tư cách. Thế là lại phải cuốc một năm nữa. Phải nhai lại những bài cũ nhất là tiếng Anh khô khan. Cũng may, năm ấy, tôi bắt đầu bước vào nghề viết báo, làm thơ, nên thì giờ cũng dễ trôi qua. Một cách chật vật, tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây, nhờ ông giáo chấm tiếng Anh dễ dãi, cho một điểm không đến nỗi quá thấp. Nhưng, phải đối diện với phần thứ hai, làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc, nên xin vào học trong trường Trung Học Albert Sanaut. Đây là một trường qúy tộc hơn, nhưng gia đình cũng đồng ý cho tôi vào học, dù tiền học phí hơi cao. Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu.
Nằm ở trên mạn Cửa Bắc và gần phủ Toàn Quyền trường này trông cao ráo, lịch sự hơn trường Bưởi nhiều. Mấy toà nhà ba tầng vây chung quanh một sân rộng rãi sỏi. Học sinh có người Pháp, nhưng đa số vẫn là người Việt. Lớp Triết học của tôi có một điểm lạ là có năm nữ sinh người Pháp, trông cũng dễ coi, nên đỡ buồn tẻ. Có cái là mấy cô đều có vẻ lạnh nhạt, nếu không nói là khinh người. Lạ nhất là trong bọn, một cô xinh đẹp nhất, đôi mắt xanh trong, má hồng, thân hình như một cô đào xi-nê trên màn ảnh Mỹ dạo đó - mà chắc các chàng trai trong lớp đều thầm yêu- lại có vẻ hoà nhã và dễ dàng nói truyện nhất. Điều này có người làm chứng: một bạn học cùng lớp may mắn sống đến tận ngày hôm nay, anh Trần Trung Dung. Quả đất nhất định là không to lắm, và chắc con Tạo xoay vắn, nên qua 60 năm sau, anh Trần và tôi lại gặp nhau tại quận Cam, Hoa Kỳ, và cùng uống cà phê tại nhà một bạn già ở Huntington Beach. Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng đường nào cũng đưa tới quận Cam, và chắc đều còn nhớ tới cô bạn học hoa khôi thuở còn trẻ. Anh Trần Trung Dung nay đã ra người thiên cổ, anh mất và an táng tại quận Cam, miền nam Califomia, Hoa Kỳ.
Đáp lại thái độ của mấy cô đầm, chúng tôi chỉ giữ một thứ im lặng cao ngạo. Vì chúng tôi có cách trả thù dân tộc bằng chiếm ưu thế trong việc học. Thành tích của các cô lạc hậu khá xa. Vì trước kia, tôi đã ưa đọc những sách triết học, nên được ông giáo sư dạy môn Triết mến, những tác văn của tôi thường thường ông chỉ sửa chữa rất ít và khuyến khích. Việc này giúp cho tôi rèn luyện lối suy nghĩ khoa học và đào sâu vào mọi vấn đề
Một ông giáo nữa, cũng đáng ghi nhớ đối với tôi, là giáo sư Lê Thành ý. Ông Lê dạy Việt Văn, và ông hay theo dõi báo chí và văn chương thời đó. Có một lần, ông hỏi tôi, không phải về bài học, mà là về tình hình tờ Phong Hoá, và khuyến khích tôi nên cố gắng viết nhiều hơn nữa. Người cao lớn, bệ vệ, nhưng giọng nói ông lại rất ôn tồn.
Cuối năm, dù không dốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài, trước vẻ hân hoan của mọi người.
Chương 6
Toà Báo Phong Hóa: Anh Khái Hưng, Mấy Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Bình Lộc, Lemur
Vào cuối năm 1932, tôi đến thăm toà báo Phong Hoá.
Toà nhà có thể gọi là lịch sử này cả về mặt văn hoá lẫn chính trị, đã chứng kiến bao sự kiện đã từng xẩy ra trong mười lăm năm. 80, phố Quan Thánh, ngay góc đường Quan Thánh và Hàng Bún. Có hàng rào sắt, có cổng lớn ra vào. Mấy câyy bàng cao trồng hai bên đường, mùa thu tới, lá bàng đỏ thường rụng và bay vào trong sân. Con đường xe điện Bưởi chạy ngang trước cổng.
Một toà nhà hai tầng, có sân rộng bao bọc. ở giữa, bước lên thềm, là phòng trị sự và nhà in: Muốn lên toà soạn ở trên gác, thường rẽ sang bên cạnh, qua một khóm tre Đằng Ngà thân màu vàng. Chỗ này, mọi người lúc rỗi thường bắc ghế ngồi chuyện trò, hay đánh bóng bàn.
Đằng sau có thang lên gác, bên trái là phòng của hai vợ chồng Khái Hưng, còn ở giữa là toà soạn. Gian giữa để làm việc, gian bên là phòng khách. Trong cùng, còn có hai buồng nhỏ để tài liệu, máy móc cần thiết.
Tôi chưa gặp Khái Hưng bao giờ. Nên khi bước vào phòng khách, một người thấp nhỏ, da mặt ngăm ngăm đen quay ra, tôi ngờ ngợ không biết có phải là anh không. Khi có một anh giới thiệu, chúng tôi bắt tay nhau. Trong lúc bắt tay rất chặt, không hời hợt như một số bạn khác, tôi cảm thấy anh là người rất nhiệt tình, dù đối với một người trẻ như tôi. Đôi mắt anh lanh lợi, đôi môi hơi trễ xuống, nhưng cười nói rất có duyên, nhanh nhẩu. Vì gầy nhỏ, môi lại hơi thâm, nên có người nói anh nghiện thuốc phiện, thực ra oan cho anh. Từ lúc đầu, thái độ anh rất chân thành, coi tôi như người bạn và cũng là em út trong nhóm, không hề lên mặt người lớn. Thành ra, tôi cảm thấy dễ chịu như trong anh em một nhà. Hôm đó, Thạch Lam có mặt, Khái Hưng nhanh nhẩu tự pha cà phê cho chúng tôi uống. Thứ cà phê đen đặc, vị rất nồng. Truyện trò một lúc, mấy người giở bàn cờ tướng ra. Khái Hưng hỏi tôi có thích đánh cờ tướng không.
- Cứ thử xem, anh cho với nó một ván đi. - Thạch Lam gợi ý.
Khái Hưng xem ra có vẻ khinh địch, bầy cờ xong thì vừa đi nước vừa gật gù truyện gẫu. Nhưng đi năm nước rồi mới biết mình hố, lâm vào thế yếu, sau khó nhọc lắm mới gỡ hoà cờ.
- Hậu sinh khả úy- anh nói.
Anh không biết tuy còn ít tuổi tôi cũng đã đọc qua cuốn quất trung bí. Ván sau, chơi với Thạch Lam, anh lại phải chịu thua. Một đặc điểm chung cho Khái Hưng, Thạch Lam hay Tú Mỡ, Thế Lữ, như Nguyễn Tuân thường đùa, là đều có bộ ngực Omega cả, có nghĩa là lép kẹp như chiếc đồng hồ đeo tay mỏng dính. Song điểm này chằng phải là độc quyền của các anh, mà như Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương mấy anh khác cũng vậy. Đủ rõ đời sống của họ thời ấy ra sao.
Vì ở luôn trong tòa báo, nên Khái Hưng có thể coi như Tổng thư ký tòa soạn. Thạch Lam cũng thường xuyên ở đó và kiêm những bài phóng sự. Nhất Linh xử lý công việc chung và xếp đặt kế hoạch nội dung mỗi số. Còn Hoàng Đạo vì bận đi làm nên buổi tối hay ngày nghỉ mới tới. Nhiều khi anh em phải làm việc tới khuya mới ra kịp báo. Một điểm mà Phong Hóa chú trọng nhiều là những tranh vẽ, hoạt họa, khiến cho tờ báo linh động hơn và hấp dẫn hơn.
Lúc đầu, người vẽ chính là Nhất Linh - ta còn nhớ anh đã học tại trường Mỹ Thuật. Sau đó, mời thêm một số họa sĩ giúp việc.
Có người đưa ra y kiến, làm một số Xuân đặc biệt, với bìa màu, nhiều tranh vẽ. Người vẽ tranh bìa là họa sĩ Trần Bình Lộc. Gặp anh lần đầu, tôi rất có cảm tình với nhà họa sĩ thấy lùn nhưng vui tính, hay nói đùa. Còn nhớ, tranh bìa năm ấy vẽ hai thiếu nữ áo dài thướt tha, yểu điệu, đứng bên gốc mai hái hoa bỏ vào lẵng. Thực tình, bức tranh chưa có trình độ nghệ thuật cao, nhưng vì mới mẻ nên nhiều người thích. Dưới bức tranh, có bài thơ cảm đề của Thạch Lam, bài Ngày Xuân hái hoa:
Ngày xuân, chị em đi hái hoa,
Rừng mai, đứng dưới gốc mai già...
Hoa mai trắng xóa trong xuân tươi,
Một chị một em xuân mấy mươi
Gió xuân! dịu dàng tà áo lay,
Gió xuân! hoa mai tan tác bay!
Em tay nâng gió chị vin cành
Bẻ đóa hoa mai với lá xanh
Ngày xuân cánh hoa đượm hạt móc
Hái hoa, hoa rơi vương mái tóc
Tiếc hoa nên hái giỏ hoa đầy
Một giỏ hoa xuân nặng chĩu tay
Người về tiếc xuân biết còn ai?
Còn lại trong vườn xuân với mai.
Tranh và thơ đều nhuốm vẻ êm đềm, dịu dàng, trữ tình hợp với tâm tình của những thanh niên - hay không thanh niên- ở các thành phố. Số báo xuân bán rất chạy. Sau đó nhiều báo cũng ra số xuân, có thơ, có tranh thiếu nữ - thành một thứ mốt còn truyền đến tận bây giờ, nửa thế kỷ sau.
Rất tiếc là về sau, Trần Bình Lộc mất quá sớm. Nhưng có mấy anh Tô Ngọc Vân, Cát Tường (tức Lemur - tiếng Pháp là bức tường) Nguyễn Gia Trí giúp việc.
Tô Ngọc Vân, chuyên về tranh sơn dầu, là một trong những họa sĩ tài năng nhất. Anh người còn bé nhỏ hơn cả Trần Bình Lộc, tính tình điềm đạm dễ thương.
Lemur là một chàng dong dỏng cao, nhanh nhẹn, vui vẻ. Anh khét tiếng không vì tài họa của anh, mà vì anh đã nghĩ ra những mẫu kiểu áo tân thời cho phụ nữ, gọi là kiểu áo Lemur. Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, tương đối yên ổn. Nên các thứ vui chơi, thể dục, văn nghệ có môi trường để phát triển. Tại các thành phố, nhất là tại Hà Nội ngàn năm văn vật đất Thăng Long, giới trung lưu có những nhu cầu riêng. Phụ nữ có nhiều dịp để phô trương sắc đẹp, quần áo kiểu cũ- áo cánh trắng, quần lĩnh đen đã lỗi thời. Tại các phố hàng Ngang, hàng Đào, Tràng Tiền tối đến tấp nập thanh niên đi dạo phố.
Mình ơi, có đi bờ Hồ,
Cùng ta ăn kem kẹo dừa,
Cứ đi đi mình nhé...
Câu Lưu Thủy Hành Vân này rất thịnh hành lúc đó. Lại cần có quần áo lộng lẫy hơn khi đi xem hát, xem điện ảnh
Thương nữ bất tri vong quốc hận...
Chắc nhiều người sống ở thời ấy đã biết kiểu áo Lemur là thế nào. Đó là một thứ quần, áo dài Việt nam đổi kiểu, phỏng theo lối đầm. Ai đã xem qua phim Số Đỏ thì cũng rõ. Mới thì mới thực, nhưng quá lai căng, rườm rà, như cổ áo quá cao, vai bồng, eo lưng quá thất, lại thêm viền đăng ten diêm dúa, làm mất vẻ đẹp tự nhiên của chiếc áo dài Việt nam. Nên không bao lâu sau, nó đã thành ra cổ lỗ hơn cả những kiểu áo cũ.
Một lần, Lemur, Thế Lữ và tôi, cùng một thiếu nữ đi chảy hội chùa Hương, với mục đích làm một bài phóng sự. Lemur bận về vẽ phác cảnh núi rừng, còn chúng tôi về ngắm cảnh thiên nhiên, chùa, động. Khi ngồi nghỉ ở chùa ngoài, Thế Lữ tò mò hỏi cô bạn về cái kiểu áo Lemur, thì không ngờ cô bĩu môi một cách tinh nghịch:
- Những mẫu áo ấy à? Thì anh ấy có biếu em, em cũng không mặc.
Lemur ngồi im, không nói gì. Và chính anh sau đó, cũng gác các kiểu áo anh vẽ vào tủ.
Còn anh Nguyễn Gia Trí thì lại khác hẳn. Thoạt mới gặp, thực khó nghĩ đây là một nghệ sĩ tài hoa. Tướng anh rất đặc biệt. Tôi liên tưởng đến Trương Phi. Người cũng thấp, tóc bờm sờm, lông mày rậm, bộ râu quai nón lồm xồm chung quanh đôi môi hơi dầy. Đôi mắt anh cũng khác người, màu xanh biếc và long lanh như mắt mèo. Nhưng biết anh rồi, mới rõ bản tính hiền lương và khiêm tốn của anh. Anh ít nói, càng ít tranh chấp hay kể gì về mình.
Lúc trước anh vẽ sơn dầu, sau đổi sang chuyên về sơn mài, và anh đã thành công vượt bực. Một lần, tôi đến thăm xưởng vẽ của anh ở chân đê Thụy Khê. Xưởng vẽ thực là lộn xộn, vô trật tự. Những bức tranh, bình phong vẽ chưa xong để bừa bãi khắp nơi trên mặt bàn, đất, đủ các thứ bút, giấy, các thứ màu để vẽ vàng, bạc thực và rất nhiều vỏ trứng vứt lung tung. Nên nhớ, đối sơn mài, vỏ trứng là một vật liệu rất quan trọng.
Hôm ấy, chúng tôi gặp một cô người mẫu, coi có vẻ đồng ruộng nhưng cũng mảnh khảnh, yểu điệu... có lẽ vì thế mà những nhân vật trong tranh của anh phần lớn là những thiếu nữ bay bướm tung tăng, hay những nàng tiên múa trong mây. Hình tượng Lý Toét đầu tiên do Nhất Linh vẽ, sau đó do Gia Trí sửa đổi đôi chút. Còn Xã Xệ và Bang Bạnh thì do anh Gia Trí nghĩ kiểu. Nhiều độc giả lúc đó thích vì chê cười những cái ngờ nghệch, ấu trĩ, nhà quê hay hống hách, quan dạng. Nhưng cũng có người cho rằng không nên chế diễu quá đáng, những thứ ngớ ngẩn, ấu trĩ không phải là lỗi ở nông dân bản thân mà do xã hội, chế độ thực dân kìm hãm trong tình trạng lạc hậu mà ra. Bang Bạnh quả thực nên chế diễu. ý thức nhạo báng những cái gọi là nhà quê, xét cho kỹ, cũng là nhận xét thiên lệch của những tầng lớp ở thành thị đối với những người thôn quê.
Tờ Phong Hoá được hoan nghênh về tinh thần sáng tạo, cái cách, và tiến bộ, và đồng thời về giá trị văn chương cao, về những tác phẩm xuất chúng. Nhiều ưu điểm hợp lại, lại là một tập hợp của nhiều tác giả tài hoa đã khiến cho nhóm này trở thành đại biểu cho cả một trào lưu văn nghệ mới.
Nhưng ngược lại, cũng có một số người khư khư ôm lấy quá khứ nên bực dọc, bất mãn, ngoài ra còn một số ghen ghét, ganh tị. Có người vỗ ngực than thân Ôi! Phong Hóa suy đồi! (Tờ Phong Hoá phá hoại phong hóa). Cái đó cũng tự nhiên thôi.
Nói cho khách quan một chút, Phong Hoá và Tự lực văn đoàn ra đời vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử Việt nam dưới thời thực dân. Nhưng năm 1927 cho tới 1932, nhiều cơn gió bão đã đưa tới xáo trộn nặng nề trong xã hội, mà cao điểm là cuộc khởi nghĩa của Việt nam Quốc Dân đảng năm 1930 và những vận động của nông dân tại Nghệ Tĩnh do đảng cộng sản Đông dương thúc đẩy. Cả hai phía đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn ác với bao nhiêu bản án tử hình, khổ sai chung thân và trại tập trung. Tình thế ổn định tiếp theo sau là ổn định dựng trên khủng bố, một thứ ổn định bề mặt.
Chính bọn thống trị người Pháp cũng cảm thấy như thế, nên đổi sang dùng sách lược an dân để xoa dịu bất mãn và lôi kéo dân chúng sang những hoạt động vô hại. Chúng đưa vua Bảo Đại về hồi loan và reo rắc những hy vọng duy tân lừa gạt vào nhà vua trẻ này cùng với sử dụng học giả Phạm Quỳnh làm bung xung. Một mặt, chúng hô hào những phong trào thể thao hấp dẫn như thi đua xe đạp suốt Đông dương hay những cuộc đua quần vợt với Chim-Giao. Ngoài ra, còn phong trào ăn chơi, mặc quần áo đẹp, nhây đầm, bàu hoa khôi. Phong trào quần áo kiểu Lemur cũng bắt nguồn từ đó. Lại còn phong trào đua đi nghỉ mát, lên núi, đi tắm biển Đồ Sơn, Sẳm Sơn, Cap Saint Jacque... Những tiệm nhảy, chơi cô đầu, thậm chí tiệm thuốc phiện, sòng bạc mọc ra nhan nhản. Tại đất ngàn năm văn vật, thanh niên kéo nhau tới những chỗ tên tuổi như Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và những ngõ hẻm giữa thành phố. Các rạp điện ảnh cũng chật ních người háo hức xem những phim hiệp sĩ, cao bồi miền Tây Hoa Kỳ hay những phim lãng mạn với những cô đào Mỹ, Pháp tuyệt sắc.
Nguyễn Tường Bách
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...