Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Mai Nương Lệ Cốt 2

Mai Nương Lệ Cốt 2

ĐOẠN THỨ HAI

Khen thay cái cách ông trời ông ấy dắt-díu cho mọi sự liên-tiếp với nhau, nhiều khi thật là lạ-lùng khôn-khéo. Chúng tôi vừa đi được độ năm sáu phút đồng-hồ thì bỗng gặp một người ở đàng xa hăm-hổ chạy lại, dòm vào tận mặt ông anh. Ý chừng là người ấy đã đến nhà Lệ-cốt tìm không thấy, mới chạy ra tìm gã ở đó. Khi hắn chạy đến gần thì hắn giở súng bắn một phát, trúng vào giữa ngực Lệ-cốt mà rằng:

- À thằng Lệ-cốt. Đêm nay thì tao cho mày lên ăn cơm với thiên-thần.

Bắn xong là quay lưng chạy thẳng. Lệ-cốt thì ngã lăn ngay xuống, không thấy kêu mà cũng không thấy rẫy, ý hẳn đạn trúng giữa tim. Tôi giục Mai-nương chạy trốn cho mau, ở lại mà cứu cái thây ma, cũng là vô ích, mà vô-phúc lính cảnh-sát tới nơi, nó lại cứ mình mà buộc tội. Tôi cùng nàng với thằng ở, đi đến chỗ phố ngang thì rẽ. Nàng thì ngẩn-ngơ ngây dại cả người, tôi phải lôi đi xềnh-xệch. Đi đến đầu phố ngang ấy thì mới gặp xe, liền gọi lại mà trèo ngay lên. Khi tên đánh xe hỏi kéo đi đâu thì tôi khó đáp quá. Nhà mình không có, mà cũng không còn ai quen thuộc là chỗ tin-cẩn được cả. Tiền thì trong túi chỉ còn có nửa bích-tôn. Mai-nương phần thì sợ-hãi, phần thì nhọc-mệt, trèo được lên xe thì nằm lăn ngay lên gối tôi. Mà tôi thì nghĩ đen chuyện Lệ-cốt bị hại mà ghê hãy còn lính cảnh-sát đuổi đằng sau bắt mình. Biết tính làm sao bây giờ? Cũng may sao! tôi lại sực nhớ đến nơi quán trọ ở Say-dô (Chaillot) ngày trước, là nơi tôi với nàng đến tạm ở trong mấy hôm, trước khi đi mướn được nhà. Tôi mong rằng đến đó mà xin trọ, thì chẳng những có chỗ nương ẩn trong ít lâu, mà còn ăn ở chịu, chủ quán quen, chắc hẳn không nài tiền trước. Tôi mới bảo xe kéo về Say-dô, thì tên đánh xe nói khuya không chịu đi xa như thế, đòi tôi một bích-tôn mới chịu đi cho. Đó lại là một nỗi ngầy-ngà. Sau tôi phải nằn-nỉ mãi nó mới chịu lấy sáu phật-lăng. Cả cơ-nghiệp tôi còn có ngần ấy mà thôi.

Tôi phải làm ra mặt phấn-chấn, để cho Mai-nương hởi dạ, nhưng tình thực thì tôi chết từng khúc ruột. Ví mà trong tay tôi không ôm được cái lý độc-nhất vô-nhị nên sống, thì tôi cũng chết quách đi, chết đi chết lại đến nghìn lần cho nó rảnh xác. Tôi chỉ nghĩ đến một câu sau này, là khuây hết nỗi thảm-sầu: Chẳng gì ta cũng giữ được nàng ở trong tay ta bây giờ. Nàng yêu ta, nàng ở tay ta. Tha hồ cho anh Tỉ-ba thuyết lý thế nào mặc dầu, anh cũng không làm cho ta tin được rằng đó chỉ có cái ảo-ảnh sự khoái-lạc. Ta mà giữ được nàng rồi, ví dù cả vũ-trụ long-lở, ta cũng không nhìn đến, vì ngoại-giả nàng, ta không yêu-mến, ta không thiết-tha điều gì ở trong khắp vũ-trụ.

Cái cảm-tình đó là thành-thực, chứ không phải trong một lúc say-sưa mà tôi nói quá đâu. Ngặt vì trong cái lúc tôi khinh-rẻ của đời người thế như vậy, thì tôi đương túng-bấn nghèo-ngặt quá, ví thử trong những thứ của-cải mình khinh bỏ đó, mà mình lại cũng có được một chút trong tay nữa, thì tưởng lại càng dư thế dư thần mà khinh-bỉ của khác. Đã đành mình yêu ai thì người yêu của mình là khẩn-thiết cho mình hơn hết cả, vinh-hoa phú-quí nào cũng không bằng, ngọc vàng của-cải nào cũng không bợn mắt, nhưng mà nghe như cái ái-tình cũng cần phải có tài hóa di dưỡng. Không gì não lòng cho kẻ đắm say bằng cái nỗi phải lo đến chỗ khuyết đó. Thật mình chí không tưởng, mà nó buộc mình phải tưởng đến-những sự tham-lam thèm muốn, những dục-tình thô-tục, hình như là kẻ hèn-mạt nhứt trong nhân-loại vậy.

Khi chúng tôi đến Say-dô, thì vừa 11 giờ đêm. Chủ quán nhận mặt khách quen, ra đón tiếp. Thời bấy giờ đàn-bà con-gái ở kinh-thành thường hay ăn mặc giả trai, cho nên họ thấy Mai-nương thay hình đổi lốt, họ cũng không ngạc-nhiên gì.

Tôi bắt quán trọ dọn ăn hầu-hạ cho nàng một cách lịch-sự, dường như tôi đương lúc dồi dào phong-lưu vậy. Nàng chưa biết rằng tôi túng tiền, mà tôi cũng hết sức giấu-giếm không để hở cơ điều gì cho nàng biết cả, tôi quyết chí sáng mai thì ra phố, tìm cho được phương-kế mà chữa khỏi cái bệnh không ông lang nào chữa được ấy.

Khi nàng ăn cơm, tôi có ý nhìn nàng, thì thấy người gày đi mà xanh lướt. Lúc ở nhà-thương thì tôi không nom thấy, vì cái phòng nàng ở, không phải là nơi sáng-sủa quang đãng. Tôi hỏi nàng có phải tại nàng thấy anh bị hại mà thương, cho nên tái người mất sắc đi như thế, thì nàng nói rằng anh em dầu máu-mủ tình thâm, nhìn thấy thế ai mà không đau xót; nhưng cái lẽ vì đâu mà xương mai gày mòn, mặt ngọc kém tươi, là bởi trong ba tháng nàng phải xa cách với tôi mà nên thế. Tôi vội hỏi nàng:

- Vậy ra nàng cũng yêu tôi lắm lắm hay sao?

- Cái lòng tôi yêu mình, tôi nói ra chỉ được đến một phần trong nghìn phần mà thôi.

- Nếu vậy, thì từ nay trở đi, không bao giờ mình bỏ tôi nữa à?

- Không bao giờ nữa.

Nàng ước hẹn với tôi như thế, rồi lại âu-yếm hôn-hít tôi, như để gắn chặt lời nguyền, rồi lại trỏ trời vạch đất, khiến cho tôi chắc dạ không bao giờ nàng quên đi được nữa. Tôi vẫn đinh-ninh một dạ tin rằng những lời nàng thề-thốt đó là lời thành thực, không có lý nào sau lại ăn ở được ra thế khác. Nhưng con người ấy, hễ nom thấy gái khác được sung-sướng phong-túc, mà xét mình thấy nghèo-hèn túng-bấn, thì tính nết đổi hẳn, ăn ở không còn ra thế nào nữa, mình quên hẳn mất cái mình đi, mà làm ra những điều càn-dỡ vô cùng. Khi ấy tôi sắp đến cái ngày phải nom thấy nhỡn tiền sự nàng đổi trắng thay đen đến nước, tưởng chừng các bậc con nhà gia-thế như tôi không thể bao giờ gặp được.

Nguyên tôi vẫn biết tính-nết nàng như vậy, cho nên sáng sớm hôm sau, tôi đã vội ra ngay thành-thị. Anh nàng mới bị hại hôm trước, tôi cùng nàng áo quần rách-rưới bẩn-thỉu cả, cần phải sắm ít đồ mới mà dùng, thì lựa là tôi còn phải kiếm cớ mới đi được. Tôi bèn lững-thững từ quán trọ đi ra, nói khoác với nàng và chủ-quán rằng để đi tìm xe-ngựa mà thuê ra phố, kì thực là trong lưng không còn xu nhỏ, phải chịu đi chân. Tôi bước dảo cẳng đến chỗ Hoàng-hậu-nhai thì tôi nghỉ lại, để tính toán ra Ba-lê đi những đâu mà làm những việc gì.

Đến đó, tôi ngồi xuống bãi cỏ, tôi nghĩ-ngợi một hồi lâu, thì kết-cục thành ba cái vấn-đề thiết-yếu sau này, cần phải giải ngay mới được. Một là phải đi lo lấy ít tiền mà chi trăm nghìn món khẩn-thiết bằng nhau cả. Hai là phải lo-lắng làm sao cho sau này có kế duynh-sinh mà ăn ở cùng nhau cho được trọn-vẹn. Ba là cần phải hỏi-han tin-tức, rồi kiếm kế thủ thân làm sao cho tôi với nàng cùng được ở yên, không phải e sợ chi quan đòi bắt nữa.

Tôi ngồi xoay đi tính lại mãi, để tìm phương giải-quyết ba vấn-đề khẩn-cấp ấy, mà thấy ba điều cùng khó; sau tôi lại định tạm bỏ bớt đi hai điều sau rốt, để hãy chuyên tâm lo lấy một điều thứ nhứt. Tôi với nàng đem nhau đến chỗ xóm Say-dô, tưởng cũng đã là kín đáo. Còn như những kế sinh-nhai hậu nhựt, thì tưởng trước hãy nên lo lấy sự khẩn-thiết đương thời.

Vậy thì việc khẩn-cấp nhứt là lo làm sao cho cái túi không, tự-dưng có bạc bỏ vào, T… công-tử đã có hảo tâm mà xin giúp tôi ít tiền tiêu dụng, nhưng tôi đã từ-chối đi rồi, không lẽ bây giờ lại đến ngửa tay xin lại. Mặt nào mà lại đi đem nông-nỗi túng-bấn của mình kể-lể với một người khách lạ, mà xin người ta tư giúp cho mình! Duy chỉ có những quân vô-liêm-sỉ mới dạn dầy thế được. Hoặc là một người quá sùng-thượng cái lý-tưởng hạ mình trong Gia-tô tôn giáo, mới dám lên trên được cái nước mặt dày hổ-thẹn ấy. Mà tôi thì không phải là đứa vô-liêm-sỉ, cũng chẳng phải là người sùng đạo. Ví dù tôi phải xẻ đôi huyết-mạch ra mà tránh được khỏi những nước hèn-hạ ấy, tôi cũng sẵn lòng xẻ bỏ kia mà.

Sực tôi lại nhớ đến anh Tỉ-ba mà nghĩ trong bụng rằng: Anh Tỉ-ba, bạn tốt Tỉ-ba của ta, có lẽ nào có thể cứu được ta mà lại không cứu? Hẳn là bạn ta không bao giờ tàn-nhẫn đến thế. Ta kể nông-nỗi cho bạn nghe thì chắc bạn cũng xiêu lòng bạn giúp, nhưng mà trước khi giúp, chắc bạn còn đem những điều nhân-nghĩa, luân-lý ra mà làm cho ta đến chết ngạt.

Thôi thì đành một trận mắng nhiếc tận từ, đành chịu những lời thấp cao khuyên-bảo, đành nghe mấy câu dọa-nạt đến điều. Bạn ta chắc sẽ đem lòng cứu giúp, mà bán cho ta thật đắt, cái điêu-đứng ấy ta nghĩ đến trước thì thà rằng đem xẻ một phần máu cho ai mà tránh khỏi được cũng xin đem xẻ, còn hơn rằng để bạn mắng mỏ tận từ, làm cho ta phải đau lòng, phải hối-hận mãi mãi về sau. Nghĩ đi thì thế, tôi lại nghĩ lại rằng: Ừ! Vậy ra ta không còn hi-vọng nào nữa. Bởi vì ngoại hai phương-kế ấy, không còn có phương-kế nào khác. Mà trong hai phương-kế ấy, mỗi phương-kế nào cũng nhục cho ta đến nỗi thà đổ đi nửa máu còn hơn phải dụng, nghĩa là thà đổ hết máu trong mình đi, còn hơn phải dụng cả hai. Ừ mà thật thế, thà rằng ta mất hết máu trong mình không còn một giọt để lại, còn hơn phải đến nước đê-hạ lạy van.

Nhưng mà đương lúc này, nào phải là lúc ta lo huyết-mạch còn hết đầy vơi. Ta lo là lo cho Mai-nương làm sao có cách độ thân di-dưỡng. Ta lo là lo làm sao cho được mãi mãi yêu nàng, cho nàng trọn-vẹn cùng ta. Còn có cái gì là cái ta đem cân-nhắc được cho ngang với nàng nữa. Từ khi ta gặp nàng cho đến bây giờ, ta chưa hề dám đem cái gì ra mà cân với nàng bao giờ. Nào là vinh, hoa, phú, quí, hiếu, nghĩa, liêm, sỉ, có cái gì ta coi bằng nàng đâu. Quyết hẳn cũng còn có điều ta trọng lắm đến nỗi chết để mà được, chết để mà khỏi, ta cũng không nên từ. Nhưng mọi điều ấy là ta coi hơn mạng ta mà thôi, chứ bao giờ ta có coi được bằng Mai-nương. Tôi đã tự biện ra những lẽ tinh-vi như thế, thì tôi quyết ngay một việc. Tôi bèn đứng dậy ra đi, chí đánh liều đến ngay nhà Tỉ-ba trước, rồi đấy không xong, ta mới lại đến thăm T… công-tử.

Vào đến cửa ô, tôi tuy trong mình không có xu nhỏ, mà dám kêu xe đi, chắc thế nào trong hai nơi cũng có một nơi vay được. Tôi bảo xe đem tôi đến vườn Lục-xâm-bảo rồi tôi chờ đó, sai người đánh xe đi gọi Tỉ-ba đến. Bạn không để đợi, ra ngay. Tôi thật tình mà tỏ ngay nông-nỗi túng-bấn. Bạn hỏi tôi chỗ trăm bích-tôn tôi hoàn lại khi trước có đủ hay chăng. Tôi rằng đủ, thì bạn đi kiếm ngay mang đến, mặt mày hớn-hở tươi cười mà đưa cho tôi. Cái vui-vẻ trong việc cho nhau như thế, duy chỉ trai gái-yêu nhau, bạn hữu yêu nhau mới có mà thôi.

Tuy rằng trước khi tôi cầu bạn, tôi cũng đã biết rằng bạn phải cho rồi, vậy mà tôi thấy nói dễ đắt lời như thế, tôi cũng phải lấy làm quái-lạ. Sao mà lần này anh tôi tại không trách móc khuyên ngăn chi cả? Nhưng tôi tưởng thế là xong, thật đã lầm to. Lúc bạn đếm bạc ra cho tôi cầm lấy rồi, chỉ còn một việc từ-giã bạn mà về nữa thôi, thì bạn rủ tôi dạo quanh một lượt trong vườn nhà-nước. Nguyên tôi chửa nói động gì đến Mai-nương cả, thì bạn vẫn chưa biết rằng nàng cũng đã ra ngoài. Vậy cho nên cái bài luân-lý của bạn giảng cho tôi nghe hôm ấy, chỉ nói riêng về một việc tôi mạo-hiểm trốn ra khỏi ngục Thánh La-da mà thôi. Bạn e rằng tôi đã không theo được những cách giáo-dục hay ở trong ngục-thất, phen này giang-hồ rồi lại quen thú vẫy-vùng.

Nhân bạn mới thuật cho tôi nghe rằng tôi trốn ra được hôm trước, hôm sau thì bạn vào thăm tôi ở nơi ngục-thất, vào đến nơi nghe tôi trốn khỏi một cách hung-hiểm như vậy thì ngạc-nhiên quá đỗi, không sao nói xiết. Bạn vào hầu chuyện ông cố coi ngục, thì thấy đạo-nhân hãy còn run-sợ chưa yên. Tuy vậy, mà người còn có lòng từ-bi giấu-giếm không bẩm quan trên biết hết sự thật; còn việc tôi giết tên canh cổng, cố cũng giữ không để tai-tiếng ra ngoài. Vậy thì về phương-diện đó, tôi không cần phải lo sợ cho lắm. Nhưng nếu trong người tôi còn lại lấy chút lương-tâm, thì nên phải cảm lấy ân trời cao rộng, khiến cho việc ấy êm xuôi. Trước hết nên dâng thư về cho ông thân-sinh tôi xin về mà chịu ân giáo-huấn. Bạn khuyên tôi khá mau mau từ chốn Ba-lê về trong gia-tộc mà cố tu-tỉnh gỡ lại những điều tội lỗi.

Tôi chịu khó nghe bài diễn-thuyết của bạn cho đến hết. Trong lời bạn nói, cũng có nhiều câu hởi dạ cho tôi. Kỳ nhứt, là tôi không phải lo sợ chi về việc trốn ngục mà ra cả. Từ đây các phố xá kinh-thành lại là một đất tự-do cho tôi rồi. Kỳ nhị, tôi mầng rằng bạn không biết chuyện Mai-nương đã trốn khỏi phúc-đường về ở với tôi rồi. Tôi có ý xét thì bạn trong khi nói chuyện hay kiêng việc nàng mà không nói đả-động gì đến, chừng là bạn cũng tưởng nỗi nhớ thương của tôi phai-lạt đi rồi. Nếu không, sao lại yên lòng về nàng như thế. Tôi quyết chí theo lời bạn, dẫu chẳng về quê ở với cha tôi thì cũng dâng vài lời tạ tội và tình nguyện từ nay xin ăn ở cho phải đạo cùng xin vâng lời nghiêm-huấn. Tình thật thì tôi chỉ gạn-gùng ông già làm sao, để ông gửi cho tôi ít bạc, nói rằng để ăn học tại kinh-thành, ngày ngày vào nghe giảng sách tại Hàn-lâm. Nói rằng xin tu trở lại thì chắc nghiêm-đường cũng chẳng tin nào. Mà tôi xét trong lòng, thì lời tôi kính dâng thân-phụ như thế cũng gần tình thật của tôi. Chẳng những chí tôi không muốn chơi-bời lêu-lổng gì nữa, mà tôi lại muốn có việc gì chăm-chút cho ra con người lương-thiện mà hữu dụng cho đời, quí hồ công-việc ấy đừng có ngăn trở việc tình của tôi mà thôi. Tôi tính rằng vừa ở với nàng vừa đi học cũng là thuận cảnh, chứ không có điều gì trái ngược cả.

Tôi nghĩ trong bụng như thế, thì hoan-hỉ mà hẹn với bạn nội ngày hôm ấy tôi có thư đệ về cho thân-phụ. Tôi từ-biệt bạn, tôi vào ngay một nơi kia, nhờ một góc bàn, mua một tờ giấy viết một bức tâm-thư thật là kính yêu, thật là chịu lụy mà gửi về cho cha tôi nhà-quê. Lời lẽ tôi viết ra khi ấy từ tim gan mà ra, cho nên văn-từ não-nuột, ý-tứ thật-thà, khi tôi đọc lại, tôi cùng phải khen lấy rằng hay, chắc hẳn gan lim cũng chuyển.

Tiền lưng đã sẵn,ví thử bây giờ tôi đi xe thì cũng được rồi, nhưng tôi lại làm cao với mình, đủng-đỉnh đi chưn đến nhà T… công-tử, tự hồ được thi-thố cái tự-do thiên-phó chi quyền ra ở đường cái, lấy làm hớn-hở. Nhưng tôi đương đi vung-văng ngoài phố thì tôi sực nghĩ ra rằng bạn tôi bảo chẳng nên lo, là chẳng nên lo về việc tôi thoát ngục mà thôi. Chết một nỗi sau khi tôi thoát ngục rồi, tôi lại còn can-liên một việc đi đánh tháo cho Mai-nương, rồi kế việc anh nàng bị bại, dầu mình chẳng có ý gì gian trong việc ấy, mình cũng là một người chứng tá, mắt nom thấy việc tất nhiên quan cũng cho tìm. Tôi sực nhớ đến những điều ấy thì tôi sợ lạnh gáy, tôi bèn đi tít vào một ngõ ngang, rồi tôi kêu xe mà đến thẳng nhà T… công-tử. Công-tử thấy tôi lo sợ cũng phải phì cười. Đến khi công-tử thuật lại chuyện cho tôi nghe, thì tôi cũng phải cười tôi về cơn sợ hão. Bạn tôi nói rằng tôi đem nàng đi khỏi hôm trước thì sáng sớm hôm sau, bạn tìm kế che đậy cho khỏi ai ngờ rằng mình có can-liên đến việc đánh tháo. Bạn bèn giả tảng không biết gì mà lại vào phúc-đường xin thăm nàng Mai-nương. Thì ra trong phúc-đường chẳng ai ngờ cho bạn, mà cũng chẳng ai ngờ cho tôi cả. Họ thấy bạn vào thì họ cười ồ mà thuật lại cho bạn nghe rằng người đâu nhan-sắc tuyệt-vời như thế, lại theo thằng ở mà đi. Bạn nghe nói thế, thì bạn lại tảng lờ đáp rằng: Lạ chi câu ấy, đi theo ai cho thoát khỏi chốn giam cầm, mà chẳng đi theo.

Từ phúc-đường, T… công-tử đến nhà Lệ-cốt để thăm hai chúng tôi, hỏi chủ có nhà cho mướn, làm nghề đóng xe-ngựa, thì chủ nhà nói chẳng thấy đôi nào đến đây ở cả. Ví phỏng là khách của Lệ-cốt thì trách nào mà chẳng thấy vào, vì giữa lúc ấy, Lệ-công vừa bị hại, ý chừng khách đến cửa nghe tin thì lại trở ra. Nhân đó chủ nhà lại kể cho T… công-tử nghe đầu đuôi cái chuyện giết người hôm trước. Số là hai giờ đồng-hồ về trước, có thấy một người bạn đồng-ngũ của Lệ-cốt đến rủ va đánh bài. Hai người đánh chác gì với nhau không biết, trong non một tiếng đồng-hồ thì thấy người kia kêu đã thua mất trăm ê-cưu nghĩa là cả gia-tài có vậy. Khách thua bạc xin vay lại một nửa. Lệ-cốt không nghe; hai bên cãi nhau nói đến những lời tàn-tệ. Người kia rủ ra đấu kiếm, thì Lệ-cốt cũng lần-khân chẳng chịu, người thua bạc bèn ra về mà đe chuyện đập đầu. Cách một lát thì quả y như lời dọa. T… công-tử lại nói rằng từ ấy vẫn vì vợ chồng tôi mà lo ngay-ngáy, chẳng hay ấm lạnh làm sao. Luôn tiện công-tử lại nài có việc chi cần xin giúp-đỡ. Tôi bèn nói thật ngay chỗ ẩn cho bạn biết, thì bạn xin phép lại thăm và cùng chúng tôi ăn cơm tối.

Tôi chỉ còn một việc đi sắm ít quần áo cho nàng, tôi bèn mời bạn đi theo tôi ngay một thể, chờ tôi trước cửa hàng áo, rồi cùng về Say-dô với tôi. Tôi không biết rằng T… công-tử thấy tôi nói thế thì đồ cho tôi muốn gạ vay tiền sắm áo, hay là bởi tính con người bẩm sinh phóng-khoáng, tự-nhiên thấy tôi túng-bấn mà thương tình muốn giúp, công-tử liền đưa tôi đến nhà hàng quen, bảo tôi chọn lấy đồ dùng cho đủ, tôi lấy thứ vừa thì lại bắt tôi lấy những thứ thượng hạng đắt tiền, rồi đến khi tôi hỏi tính tiền để trả thì lại cấm nhà hàng không được lấy xu nào của tôi hết. Sự ấy ban tôi cho tôi một cách rất nhã, tôi không nỡ từ-chối, mà cầm lấy cũng không thấy ngượng chút nào. Từ đó mà ra, tôi với khách cùng nhau về Say-dô, đem cái vẻ mặt tôi khi về mà tỉ với cái vẻ mặt lúc ra đi, thì vui buồn khác nhau nhiều lắm.

Nàng thấy tôi về, lại thấy ông khách tử-tế thì dẫu còn chút lo-phiền nào cũng phải tan đi hết sạch. Vả tôi về đến cửa, tôi đã bảo ngay nàng rằng:

- Mình ơi! ta hãy quên những nỗi ưu-phiền mới khỏi đi, mà từ đây ăn ở với nhau cho hết đường sung-sướng. Ngẫm cho cùng ái-tình là một ông thầy dạy khôn hay lắm. Yêu nhau gặp được lúc cơn may vận tốt như lúc này, một tiếng cười, một đuôi con mắt nhìn nhau, cùng hả nghìn nỗi gian-nan.

Bữa cơm của chúng tôi hôm ấy, thật là một cảnh-tượng vui-vẻ.

Tôi được ở với Mai-nương, trong tay cầm trăm bích-tôn, tưởng chừng như kẻ phú-hộ giàu nhứt ở đất Ba-lê cũng không sướng bằng mình. Người ta ở đời thế-lực phỉ được bao nhiêu điều sở ước là giàu-có bấy nhiêu, chứ không nên đem số bạc ra mà tính giàu nghèo. Khi đó bao nhiêu điều sở ước của tôi đã mãn cả rồi, không còn có thứ gì phải thèm muốn nữa. Đến như cảnh tương-lai, tôi cũng không lo. Tôi chắc rằng thế nào cha tôi cũng gửi ra cho tôi nhiều ít, bởi vì năm ấy tôi vừa đúng hai-mươi tuổi, theo phép nước thì tôi đã được quyền chia gia-tài của mẹ tôi để lại cho rồi.

Tôi nói thật ngay với nàng Mai-nương rằng cơ-nghiệp tôi cả thảy chỉ có trăm bích-tôn. Bấy nhiêu tưởng cũng đủ mà ngồi yên chờ hồi-vận khá, mà vận khá rồi tất là phải đến, một là có của cha tôi gởi cho, hai là tôi đi đánh bạc được.

Bởi vậy trong mấy tuần-lễ đầu, tôi chỉ nghĩ đến cách ăn ở làm sao cho thỏa-thuê sung-sướng, hãy biết nắm trong tay cái phong-túc một thời.

Buổi ấy tôi còn chút ngượng mặt với các bạn quen, vả lại cũng còn e quan Cảnh-sát đôi ba chút, cho nên chưa dám đến những chỗ sòng to ngày trước. Tôi đành phải đến đánh cò-con ở mấy nơi bạc nhỏ ít tai-tiếng. Ở các nơi đó, Tài-thần may cũng vị tôi, không đến nỗi phải giở ra những nghề lắt-léo. Cứ mỗi buổi chiều, tôi ra phố tìm nơi dậy-hóa, tối lại về Say-dô. Thường thường tôi đưa cả T… công-tử cùng về. Công-tử thì mỗi ngày một nên thân-thiết với chúng tôi.

Mai-nương thì tự đã tìm lấy được những phương giải muộn. Đi lại làm quen được với mấy ả thanh-xuân cứ mỗi năm đến mùa xuân thì về vùng ấy ở. Mấy chị em rủ nhau khi thì đi dạo chơi ngắm cảnh, lúc thì giở vài ba ngón tiêu-khiển của đàn-bà. Thỉnh-thoảng xoay ra ván bài ván bất cỏn-con, nàng cũng kiếm được đủ tiền xe ngựa. Lúc rảnh lắm nàng đi dạo chơi trong vườn Bưu-luân, đến tối tôi về thấy nàng lại càng đẹp lắm, càng vui-vẻ lắm, càng mặn-nồng với tôi lắm.

Tuy nhiên, trên quãng trời quang-đãng bỗng thấy kéo một vài đám mây đen nó dọa mưa to gió lớn vào cái dinh sung-sướng của tôi. Nhưng chẳng bao lâu, mây ấy tan đi hết sạch mà tính vui cười của Mai-nương lại khéo làm cho câu chuyện kết-cục một cách buồn cười, để cho tôi về sau nhớ đến chuyện ấy bao giờ, thì lại càng cảm cái bụng nàng yêu thương tôi vì cái tính nàng hay bỡn-cợt.

Việc ấy đầu đuôi như sau này: Thằng nhỏ ở hầu chúng tôi, một ngày kia nó gọi tôi ra một chỗ, lúng-túng mà thưa với tôi rằng nó có một câu chuyện bí-mật muốn thuật cho tôi biết. Tôi giục nó cứ thật mà nói tôi nghe thì nó nói quanh nói quẩn một hồi, rồi rỉ với tôi rằng có một ông quan lớn ngoại-quốc phải lòng cô Mai-nương. Tôi thoạt nghe nói, máu nóng đùng-đùng chuyển động trong huyết-mạch. Tôi mới thét hỏi: “Vậy thế cô mày có phải lòng người ta không?” Tôi phải tính nóng, làm cho thằng bé sợ-hãi, không dám nói hết. Tôi hỏi dồn phách mãi, nó mới ấp-úng mà thưa rằng con mắt nó mới nom được đến đó mà thôi. Nó chỉ biết người ngoại-quốc ấy mấy bữa nay chăm vào vườn Bưu-luân lắm, đỗ xe-ngựa một nơi, rồi cứ một mình lủi-thủi vào các đường con ngõ ngách mà đi, có ý đón đường cô Mai-nương mà đi qua trước mặt hoặc đi gần mà tán chuyện. Nó thấy thế thì nó có ý hỏi dò những quân hầu-hạ người ngoại-quốc, thấy quân ấy nói chủ là bậc Hoàng-thân bên nước Ý-đại-lị, nghe như chủ cũng có chuyện hoa-nguyệt chi đây. Nó chỉ biết có vậy mà thôi. Bữa qua Hoàng-thân khi ở trong vườn đi ra, thấy nó đi hầu cô, có ghé lại hỏi tên nó, rồi khen nó khéo kiếm được bà chủ quốc-sắc thiên-hương mà hầu. Thằng bé vừa nói vừa run lẩy-bẩy.

Tôi nghe mà nóng ruột, chỉ muốn nó nói mau mau cho đến câu kết xem thế nào. Nhưng nó chỉ kết bằng van bằng lạy, bằng lời xin lỗi. Tôi biết là khờ tại mình nóng-nảy. Sau tôi phải làm mặt thuần-hòa lại mà giục nó nói hết chuyện cho tôi nghe thì nó thề rằng nó chỉ biết đến thế, vả từ hôm qua đến nay nó không gặp những quân hầu của Hoàng-thân Ý-đại-lị, thì từ hôm qua đến giờ, có những gì nó không biết. Tôi hối lại sự tôi nóng-nảy, tôi lấy ngọt-ngào mà khen nó và tôi lại thưởng cho nó nhiều tiền, và bảo nó cố rình mò ông Hoàng Ý-đại-lị xem ông ấy làm những trò-trống gì. Còn về phần Mai-nương thì tôi không để cho nàng biết rằng tôi có nghi-ngờ gì nàng cả.

Nói thật tình thì tôi thấy nó run-sợ mà nói như thế, bụng tôi cũng nghi-ngờ, máu ghen nổi lên chết từng khúc ruột. Chắc thằng này còn biết nhiều nữa mà sợ ta không dám nói. Sau tôi nghĩ đi nghĩ lại thì tôi lại không ngờ gì nữa, lại tiếc rằng mình sao vội giận. Mai-nương bị kẻ khác yêu không phải là phạm một tội. Có lẽ người ta yêu nàng mà nàng không biết. Vả nếu tôi mà thêm cái thói ghen vào trong lòng nữa thì rồi khổ-não lại biết là bao.

Hôm sau tôi lại lên tỉnh thành định đánh bạc to mà dậy-hóa cho mau, để lấy tiền mà mau mau dọn nhà đi nơi khác, cho khỏi lo âu gì về cái chuyện ông Hoàng Ý-đại-lị này nữa. Tối hôm ấy, không có tin-tức gì làm cho tôi phải lo-lắng cả. ông Hoàng-thân Ý-đại-lị cũng vào chơi vườn hoa, cũng lại gạn-gùng làm quen với thằng ở của tôi, muốn nhờ nó làm mai cho mình với Mai-nương. Lấy đó mà suy, thì biết rằng chưa có giao-thiệp riêng với nàng lần nào. Ông Hoàng hỏi nó căn-vặn hết chuyện nọ đến chuyện kia. Hẹn cho nó không còn thiếu thức gì, rồi dúi cho nó một phong-thư với mấy đồng tiền vàng, mà nhờ nó đưa giùm phong-thư cho chủ.

Được hai hôm như thế không có điều gì rủi-ro hết. Đến hôm thứ ba thì hơi thấy động. Hôm ấy tôi đi đánh bạc về khí trễ. Thằng nhỏ nói với tôi rằng ban chiều cô đi chơi với mấy người đàn-bà khác, bỗng thấy cô bỏ bạn mà đi lảng vào chỗ vắng, rồi ra hiệu cho ông Hoàng Ý-đại-lị đi theo, khi ông Hoàng đến gần cô thì cô dúi cho ông một phong-thư, ông Hoàng mầng-rỡ mà nhận lấy, toan nắm tay cô mà hôn, nhưng cô chạy vội-vàng ngay ra với bạn thì ông Hoàng chỉ ôm cái phong-bì mà hôn chữ thôi. Từ lúc cô về nhà, cô vui-vẻ khác thường, lúc nào mặt-mày cũng hớn-hở. Mỗi một tiếng nó nói, như dao đâm vào ruột tôi. Tôi còn nghĩ, lại hỏi nó rằng:

- Con chắc như thế, không phải là mắt quáng mà nhìn sai chứ?

Thằng bé trỏ trời vạch đất mà thề.

May đâu, giữa lúc ấy thì nàng nghe tiếng giầy tôi đi về, chạy ra đón tôi một cách mong-nhớ lạ-lùng, trách tôi sao về chậm quá. Giá nàng không ra thì không hay tôi phát điên phát rồ lên đến thế nào. Nàng hỏi tôi thế, rồi chẳng để cho tôi kịp nói, đã ôm lấy tôi mà hôn lấy hôn để. Khi thằng nhỏ đã đi xa rồi, nàng lại trách tôi sao độ này về khuya như vậy, đã ba tuần-lễ, chẳng ngày nào là ngày tôi ở luôn với nàng, cứ để nàng phải trông ngóng hoài-hoài, vậy từ nay, nàng xin với tôi cứ hai ngày thì phải để riêng cho nàng một, đến mai thì tôi phải ở nhà với nàng suốt từ sáng cho đến tối, không được đi đâu. Tôi đang tức bèn gay-gắt mà rằng:

- Mai ta sẽ ở nhà, điều ấy xin đừng phải bảo.

Nàng làm lơ như không biết rằng tôi phiền-muộn, rồi nàng cứ cười cười nói nói mà kể cho tôi nghe ban ngày hôm ấy đi chơi những đâu, làm những trò gì. Tôi thấy nàng thế thì tôi nghĩ trong bụng rằng: “Lạ thay là cái gái này! Không biết những cách điệu này là điềm lành hay điềm dữ đây?” Bấy giờ tôi mới lại sực nhớ đến cái chuyện phân-ly buổi trước. Tuy nhiên, trong cái vẻ vui cười, trong cách ve-vuốt của nàng, tôi nom cũng có điều thành-thực, hợp với khí sắc bề ngoài.

Tôi nói tôi hơi rầu-rầu kém tươi là vì canh bạc đen, thua mất nhiều ít, thì nàng tin ngay là thật. Tôi thấy tự nàng gạn tôi hôm sau ở nhà với nàng cả ngày thì tôi lấy làm may lắm. Như thế thật là gãi ngay chỗ ngứa của tôi. Ví nếu nàng không nói trước, thì tôi cũng đã định như thế, nhưng tự tôi mà ở nhà thì tất nhiên là để nàng ngờ. Tôi đã tính trước hôm sau dầu không có việc gì xẩy ra chăng nữa, tôi cũng quyết dọn sạch cửa nhà ra thành-phố, đến xóm nào là xóm không có dây-dướng gì đến những hoàng-thân nước Ý-đại-lị mà ở cho yên. May mà được như ý tôi thế thì đêm hôm ấy tôi ngủ yên giấc hơn một chút, song cũng vẫn ghê có việc gì đau-đớn tới nơi đây.

Sáng ngày ra, vừa thức dậy, Mai-nương bảo tôi rằng dẫu ở trong nhà với nhau mà thôi, không đi đâu cả, song nàng cũng muốn để tôi chải-chuốt lịch-sự, nàng xin nhận phần chải đầu xếp tóc cho tôi. Nguyên tóc tôi đẹp lắm. Thường nàng đã chải-chuốt lấy cho tôi nhiều lần rồi. Nhưng hôm ấy thì tôi thấy nàng uốn-nắn kỹ-càng một cách đặc-biệt. Tôi phải chiều nàng mà ngồi vào trước cái bàn gương-lược của nàng, để cho nàng tùy thích mà lôi kéo, chải gỡ, vặn tết trăm vành trăm vẻ. Chốc chốc nàng lại bắt tôi quay mặt lại để cho nàng nhìn, thì nàng tì hai bàn tay vào vai tôi rồi ngắm nghía một cách yêu-đương quí-trọng lạ-lùng. Khi nàng đã xoay-xở tôi cho đến vừa ý rồi, nàng hôn hai ba cái, rồi lại bắt ngồi vào bàn để nàng chải-chuốt nữa.

Việc rỡn nhau như thế kéo dài cho đến bữa cơm chiều. Tôi không hề thấy lúc nào nàng có nóng ruột, rõ ra thích chí mà làm đỏm cho tôi, chứ không có một li nào là li hàng chợ, tôi không thể nào còn ngờ được rằng nàng có ý thất tiết với tôi hôm ấy. Đã mấy lần tôi toan nói thật cả những nỗi ngờ vực cho nàng nghe mà xin lỗi với nàng đi cho nó nhẹ tấm lòng. Nhưng tôi lại ước-mong việc ấy tự khác [khắc] rồi nàng nói trước, tôi đã sẵn-sàng làm ra cái bộ mặt thắng, hợm đời ta có nhân-ngãi yêu mình đây.

Chải-chuốt xong, nàng với tôi cùng nhau ra ngoài phòng khách. Ra đến nơi, nàng lại sửa-sang mái tóc cho tôi một lần nữa, đương sửa dở thì người nhà vào nói có Mỗ Hoàng-thân-vương xin vào bái yết. Tôi vừa nghe lọt, tôi lấy tay tôi đẩy nàng ra mà thét rằng:

- Cái gì? À? Hoàng-thân-vương nào?

Nàng không đáp tôi chỉ bảo thằng ở:

- Mời thân-vương lên đây.

Rồi mới quay lại tôi mà rằng:

- Mình ơi! tôi yêu mình hết sức. Nhưng tôi xin mình chiều tôi một lát, một giây phút mà thôi. Mình mà chiều tôi thì tôi yêu mình gấp nghìn phần. Tôi đội ân mình cho đến mãn kiếp.

Tôi vừa tức giận, vừa giật mình, líu lưỡi không nói ra được. Nàng lại nài câu ấy lần nữa, tôi thì lúng-búng tìm lời tàn-tệ để mà chối phắt không cho. Giữa lúc ấy thì nàng nghe tiếng người mở cửa vào, nàng bèn một tay túm tóc tôi để xõa trên vai, một tay thì cầm lấy cái gương để trên bàn rửa mặt. Nàng cố sức lôi tôi ra cho kỳ được, lấy chân đạp cánh cửa mà đem tôi ra ngoài, để cho ông khách vào chơi gặp một cảnh-ngộ lạ-lùng, khiến cho khách phải ngơ-ngác. Tôi nhìn ra thì thấy một người ăn bận rất là lịch-sự, nhưng mặt thì nhăn-nhó như con hầu [con khỉ].

Tuy rằng khách thấy vậy cũng lúng-túng chưa hiểu ra chuyện gì, song khách cũng cúi chào một cách rất khiêm-tốn lễ-phép. Mai-nương không để cho khách kịp mở miệng nói nửa câu gì, giơ ngay gương vào tận mặt khách mà rằng:

- Xin quí-khách hãy nhìn vào gương mà ngắm cho kĩ, rồi khách thử phân-giải cho phận đàn-bà ở thế nào là phải. Quí-khách sở cầu lòng thiếp thương-yêu. Đây là người của thiếp yêu, và thiếp đã thề trăm năm cũng chỉ yêu có một người này. Xin quí-khách thử so-sánh lấy mà coi. Nếu quí-khách tự-phụ rằng có thể tranh được lòng thiếp với người yêu của thiếp, thì cũng xin nói cho thiếp hay cái tự-phụ ấy dựa vào hà duyên cố? Bởi vì cứ như con mắt thiển-cận của tiện-thiếp đây nom ra, thì bao nhiêu Hoàng-thân-vương nước Ý-đại-lị góp nhặt cả lại, tưởng cũng không ăn đứt được một sợi tóc tay thiếp cầm đây thì phải.

Trong khi nàng đọc cái bài diễn-thuyết cuồng-dại ấy, mà chừng là những lời nghĩ sẵn đâu từ trước, thì tôi cố sức tôi gỡ tóc tôi ra. Tôi đã khiến lấy cách nhã mà chữa lại cái lời sỉ-mạ người ta đó. Nhưng người khách vương-tôn lại xử khiếm-nhã trước, làm cho tôi toan đãi tử-tế mà lại thôi. Khách cười gượng mà rằng:

- Cô ơi, cô, quả tôi mới được mở mắt ra nom rõ, thì tôi nom ra cô đã thạo nghề lắm lắm. Trước tôi vẫn tưởng cô chưa lõi đến thế.

Nói thế rồi khách không thèm nhìn Mai-nương mà quay lưng đi ra, vừa đi vừa lẩm-bẩm rằng gái nước Pháp không hơn gì gái nước Ý. Tôi thấy con người nhỏ-nhen lại lấy cách tiểu-nhi mà đối lại với tiểu-nhi như thế, thì tôi cũng khinh ngay đi, chứ tôi không nghĩ gì đến sự khiến cho người ấy phải nghĩ thế khác về đàn-bà nước tôi làm gì nữa.

Khách ra khỏi, Mai-nương buông tóc tôi ra, chạy đến ngồi phịch vào một cái ghế bành mà cười vỡ cửa vỡ nhà. Thật tình thì tôi thấy nàng vì tôi mà bỏ đám khách giàu-sang, tôi cũng động lòng cảm cái tình yêu-mến. Nhưng cái trò đùa tôi cho là hơi quá. Tôi bèn sẽ trách mắng nàng. Bấy giờ nàng mới thuật lại cho tôi nghe rằng, người ấy đeo-đuổi nàng trong vườn Bưu-luân đã mấy ngày trời, hết nhăn mặt khi lại đến đảo đôi mắt trố, rồi lại viết thư mà nhờ tay tên đánh xe-ngựa đưa cho nàng, để ghẹo nguyệt trêu hoa, chẳng quản thân danh như thế mà đi đề hết tên, họ, phẩm-tước vào dưới cái thư ve-vãn. Nào những hẹn ta nếu chịu theo chàng sang bên kia núi (Từ Đại-pháp sang Ý-đại-lị cách rẫy núi A-lặc-bá) thì những đúc nhà vàng, những kê giường thất bửu. Nàng nói rằng ngay lúc ấy nàng đã toan về kể hết với tôi chuyện ấy, sau lại nghĩ ra một cuộc vui đùa, cho nên bấm gan mà xếp nên trò, đáp thư cho khách vương-tôn, xin tùy-tiện lầu trang đi lại, chí để cho tôi đóng vai tuồng mà không nói trước. Tôi cũng chẳng nói chi cho nàng biết những câu tôi đã biết rồi, tính âu-yếm từ đó lại mặn-nồng hơn trước, nàng làm điều gì tôi cũng xin cho là phải.

Tôi có ý nghiệm trong xuốt một đời tôi lúc nào ông Trời cũng cứ chơi khăm, kén chọn giữa khi đương rất vẻ-vang sung-sướng, mà bắt phải gặp những tai-ách lạ. Thuở ấy tôi được T… công-tử là bạn chí thân yêu-mến, lại được tình-nương âu-yếm đến dường, thì tưởng chừng như không còn có mối lo-sợ nào nữa. Ai hay đất bằng nổi sóng đùng-đùng, đương lúc ấy là lúc tôi sắp-sửa gặp một nạn to ghê-gớm, vì nạn ấy mà tôi đến cái nỗi chua-cay, tôn-ông đã nom thấy tại ấp Ba-xy. Rồi sau dần dần tôi còn những bước lưu-ly cực-kỳ sầu-thảm, bây giờ tôi kể lại chắc tôn-ông cũng không thể cho là thật được.

Hôm ấy, T… công-tử đương ăn cơm tối với chúng tôi, bỗng nghe tiếng xe đỗ cửa, chúng tôi hỏi xe ai, thì thấy người nhà vào nói có Mỗ Mỗ thiếu-niên muốn vào chơi, chàng là con Mỗ Mỗ phú-ông nghĩa là người thâm-thù của chúng tôi đã bắt tôi mà bỏ vào ngục Thánh La-da, và bắt nàng mà bỏ vào nhà thương làm phúc. Những nghe danh-hiệu, mặt tôi đã đỏ bừng-bừng, tôi mới bảo T… công-tử:

- Thật lòng trời giun-giủi cho gã này đến trước mặt ta để chịu tội thay cho cha đó. Đệ cùng người này phải ngáng gươm cùng nhau một cuộc mới yên.

T… công-tử vốn quen biết Mỗ Mỗ sinh mà lại là chỗ chơi thân nhau lắm, bèn hết sức ngăn-can tôi lại, nói rằng chàng ta tính khí thuần-nhã, chắc không có can-liên gì đến việc của cha khi trước, tôi chẳng tin hãy để cho vào tiếp chuyện, chắc chỉ ba câu là ý hiệp tâm đầu. T… công-tử ca-tụng với tôi đức-tính cua Mỗ Mỗ sinh một hồi lâu nữa, rồi xin phép tôi cho chàng vào dự tiệc, tạm ăn cho nốt bữa giở. T… công-tử lại còn e chúng tôi có ngại-ngùng điều chi phản trắc, bèn trỏ trời vạch đất thề mà nói chặn ngay rằng khi chúng tôi đã quen biết người ấy rồi, chẳng những không phải e ngờ chi nữa, mà lại còn có thể cậy được người ấy bảo-hộ cho lắm cách. Bạn đã nói thế, tôi nào mà còn từ-chối được nữa.

Trước khi mời Mỗ Mỗ sinh vào, T… công-tử còn nói nhỏ cho Mỗ Mỗ sinh biết trước chúng tôi là ai. Khách thoạt bước chân vào, chúng tôi đã đem ngay bụng mến. Khách hôn tôi, tôi mời khách cùng ngồi, khách nhìn Mai-nương mà tấm-tắc khen con người quốc-sắc, rồi lại khen tôi và khen lây cho đến cả những đồ-vật của chúng tôi; đoạn rồi khách ngồi vào cái bàn cùng ăn uống một cách thật-thà thân-thiết.

Khi đứa ở đã dọn sạch bàn đi rồi, câu chuyện hóa ra nghiêm-nghị, khách cúi đầu nhìn xuống đất mà kể lại sự cha cay-nghiệt trước kia quá tàn-nhẫn với chúng tôi. Rồi khách xin lỗi chúng tôi một cách rất nhã mà rằng:

- Xin phép huynh-ông, tạ tội vài lời vắn tắt mà thôi, kẻo nữa nói dài-dang bao nhiêu lại nhuốc cho tiểu-đệ bấy nhiêu.

Cái tình ân-hận ấy lúc sơ-thủy gặp nhau đã là thành-thực, khách ngồi lâu, lần lần lại thấy thành-thực nữa. Sau khi khách đến chừng độ nửa tiếng đồng-hồ, thì tôi coi mặt khách hình như thấy lòng khách đã bị cái sức quyến-luyến của đôi má-hồng Mai-nương nó làm xiêu-động nhiều rồi. Đôi mắt nhìn của khách, những cách điệu của khách mỗi ngày một thấy có ý-vị ngọt-ngào đằm-thắm. Duy trong lời ăn tiếng nói, khách vẫn giữ-gìn không để hở cơ chút đỉnh. Tôi dầu chẳng có máu ghen đi nữa, nhưng cái duyệt-lịch trong ái-tình giới, cũng đã đủ đoán ra được cái mắt nhìn nào, cái cách điệu nào, là mắt nhìn, là cách điệu kẻ đắm-say.

Khách ngồi chơi cho mãi đến đêm khuya, trước khi đứng dậy ra về, lại còn ước hẹn có lần này lần khác, xin phép đến chơi luôn và có việc gì thì giúp. Đến sáng ngày ra thì khách với T… công-tử cùng lên xe-ngựa về Ba-lê.

Tôi tính không hay ghen, mà lại dễ tin những lời nàng thề-thốt. Vả nàng bẩm sinh không phải là người hàng chợ, cùng tôi hai bên tự-do hòa-hợp, chứ không ai là kẻ ép-nài. Vì lẽ thanh-khí, vì lẽ thương-yêu mà ăn ở với nhau, chứ không ai là người vị cần vị lợi, thì lời thề đâu có lẽ nên nghi. Tôi thấy Mỗ Mỗ sinh chết mệt, chẳng những tôi không trách oán, mà lại còn vui riêng về nỗi tình-nương ta có phẩm-giá khác thường. Ai cũng thèm muốn, mà duy ta chiếm được, đó là cái thỏa-chí riêng của bọn nam-nhi. Tôi biết vậy cũng chẳng buồn ngỏ chi cho nàng biết. Trong mấy hôm chúng tôi luôn luôn lo bận vào việc may xống-áo mới cho nàng và bàn nhau xem tối có nên cùng nhau đi coi hát bội chăng, có còn phải e ai nhận được mặt hay chăng. Cách đó mấy bữa, thì T… công-tử lại về thăm chúng tôi. Nhân chúng tôi có hỏi điều ấy, thì công-tử chiều ý Mai-nương mà miễn-cưỡng đáp rằng cứ đi coi hát được. Chúng tôi bèn quyết đi coi ngay tối hôm ấy, rủ cả T… công-tử đi nữa.

Tuy vậy mà ý muốn một đàng rồi nó ra một nẻo. Số là khi ấy T… công-tử nói xong câu chuyện đi coi hát rồi lại gọi tôi ra một chỗ mà nói riêng với tôi rằng:

- Từ hôm nọ đến nay, tiểu-đệ lấy làm khó nghĩ quá. Bởi việc khó nghĩ đó mà hôm nay lại về thăm nhân-huynh. Nhân-huynh ơi, số là Mỗ Mỗ sinh từ hôm ấy phải lòng tình-nương của ngô-huynh, lại rỉ cùng em biết chuyện. Em với va là chỗ thân bằng cố hữu, việc gì cũng giúp lẫn nhau. Nhưng em với anh tuy mới giao-du, song cũng thân yêu chẳng kém. Em cho sự ấy là càn-dỡ, em cũng đã mắng nhiếc tận từ. Ví nếu người bạn của em chỉ dùng phương-kế tầm thường mà quyến-dũ người yêu của anh, thì em cũng cam một điều thủ-tín chẳng nói đi nói lại cho anh biết làm chi. Chẳng may bạn em đã tỏ tường cả tính-nết Mai-nương. Chẳng hay ai nói mà bạn lại biết rằng nàng ưa tiền bạc dồi-dào, lại thích sự chơi-bời cho sướng thỏa. Vả bạn em tiền nhiều của lắm, quyết lấy hoàng-kim mà làm đen lòng phụ-nữ. Bạn em có khoe với em rằng sắp đem làm quà cho Mai-nương một món tiền to, rồi lại hẹn tư-cấp mỗi năm là một vạn phật-lăng. Hai bên cùng vì nể, cứ một lẽ giao-du mà xử, thì em tính mặc ai giữ lấy lợi mình, em là người đứng giữa. Song em nghĩ cho chín, thì đối với ngô-huynh, em đã phải vị nghĩa giao-du, lại còn phải vị nghĩa công-lý. Vả sự này cũng có bởi nỗi em sơ ý. Vị cây dây leo, tại em dắt-díu người đến đây mà nên cái họa chia uyên rẽ thúy sau này. Bởi thế mà phải lo phương-kế tránh sao cho khỏi thiệt anh.

Tôi tạ ân T… công-tử. Tôi chịu lời bạn nói, quả tính-khí Mai-nương như vậy, nghe tiếng nghèo đã đủ ghét rồi. Nhưng tôi lại hồi tấm lòng tin mà rằng:

- Tuy nàng thế thật, nhưng một mười một chín chắc nàng cũng không nỡ bỏ em mà đi tìm chỗ giàu hơn. Em bây giờ dẫu không là phú-quí, cũng chẳng đến nỗi để cho nàng thiếu-thốn thức gì. Mà xem vận nhà em cũng thấy mỗi ngày một khá. Duy em chỉ e có một điều, là Mỗ Mỗ sinh nhân biết chốn vợ chồng em ở, mà đem việc trước làm điều phản-trắc gì chăng.

T… công-tử nói rằng về khoản ấy thì tôi không nên e sợ. Mỗ Mỗ sinh là một gã ngông-cuồng, vì tình mà làm nên việc rồ-dại thì có, không bao giờ có làm được việc vô-lương đê-mạt. Ví nếu sau này mà chàng quá đam-mê đến nỗi làm điều như thế, thì công-tử đoan rằng xin tự ra tay, chẳng quản tình sâu nghĩa cũ, giết phăng con người hèn-hạ, để chữa cái vạ vì mình.

Tôi nói:

- Ngô-huynh có bụng ấy, tiểu-đế muôn đội ân thâm. Chỉ e khi chờ được nạ thì má đã sưng. Lúc việc xót-xa đã lỡ thì thuốc kia nào chắc có hay. Như thế thì em tưởng tránh nạn đi ngay chốn khác, có dễ yên hơn.

- Vâng, em cũng biết xa chạy cao bay là phải. Nhưng lại e không kịp nữa rồi. Mỗ Mỗ sinh chính ngọ thì tới đây, từ hôm qua đã nói cho em biết trước. Bởi thế mà em vội-vàng về đây thật sớm, để báo anh hay. Mỗ Mỗ sinh đến trong giây phút bây giờ.

Việc cấp báo như thế, tôi lấy làm lo. Tránh mặt Mỗ Mỗ sinh thì quyết là không được rồi, mà đã tiếp chàng thì lại khó lòng mà ngăn cấm được chàng trò-chuyện với Mai-nương. Âu là ta bảo cho Mai-nương biết trước. Tôi cũng nghĩ rằng nàng đã biết rằng tôi thông-tỏ mà khách lại gạn với nàng ở trước mắt tôi, thì bao giờ nàng lại còn có xẩy chân nơi cám-dỗ được. Tôi ngỏ ý cùng T… công-tử, thì T… công-tử nói rằng câu chuyện hơi khó. Tôi đáp:        

- Em cũng biết là câu chuyện hơi khó. Nhưng bao nhiêu lẽ người ta nên tin ở tình-nương, em đều có cả, em chắc rằng tình-nương của em yêu em. Duy có số tiền gã kia ước hẹn khí to, nên sợ nó làm cho nàng quáng mắt. Nhưng em đã có lời nói anh biết rằng Mai-nương không phải là gái tham tiền. Nàng dẫu ưa ăn ngon mặc tốt, ưa vui cười sung-sướng, nhưng mà nàng cũng có bụng thương em nữa. Như trong cái tình-cảnh bây giờ thì tôi tưởng không có lẽ nàng lại rẻ tôi hơn cái thằng con trai lão Mỗ Mỗ nó đã đem nàng giam cầm ở nơi đê-nhục.

Nói tổng lại là tôi nhứt quyết ngỏ cùng nàng. Tôi nói thế, rồi tôi kéo nàng ra một chỗ mà nói hết chuyện cho nàng nghe. Nàng cám ơn tôi lại tin nàng được đến thế, rồi nàng hẹn tôi để khi nào gã kia có giở ngón gạn-gùng thì nàng sẽ trả lời một cách cho gã đến già không bao giờ dám gạn nữa. Tôi lại phải can rằng:

- Không. Mình chẳng nên lấy cách sống-sượng quá mà đãi người ta làm gì. Người ấy có thể hại ta được. Rồi tôi lại cười cợt mà rằng: Thôi, nhưng mình ranh-mãnh chán, lựa là tôi phải bảo mình cách đuổi đứa đàn-ông mình không thích.

Nàng ngồi ngẩn-ngơ một lát rồi bảo tôi rằng:

- Mình ơi, tôi mới nghĩ ra một kế tuyệt-trần, cao tầy thánh, mình ạ. Gã này là con lão Mỗ Mỗ phú-gia ngày trước, nó làm hại mình với tôi. Chúng ta phải trả thù lão một phen mới thỏa. Thù ấy ta đừng bắt con nó chịu, nhưng ta bắt cái tủ-bạc nó chịu là phải, mình để tôi cứ giả vờ nghe gã gạn-gùng, tôi khoét cho nó một mẻ, cho gì tôi cũng lấy cho thật nhiều, rồi tôi cười vào mặt nó. Mưu ấy mình nghĩ sao?

- Kế thì hay, nhưng xin mình nhớ cho rằng đôi ta cũng đã theo con đường ấy mà vào thẳng đề-lao với nhà làm phúc…

Tôi hết sức ngăn can nàng việc ấy nguy-hiểm. Nàng cứ nhứt định đòi làm, nói rằng khéo thì chẳng việc gì hết. Tôi cãi câu gì, nàng cũng biện được câu ấy. Lạ gì cái thói đàn-ông mê gái, nó bảo gì mà không nghe. Cái dở hơi của nó xuôi tai cũng hóa ra việc nên làm. Việc ấy thật là tôi dại quá. Tôi bèn quyết chí cùng nàng lừa cho Mỗ Mỗ sinh một mẻ. Hay đâu kẻ bị lừa về sau lại chính là tôi.

Chừng lúc mười-một giờ thì thấy xe-ngựa chàng đến. Bước vào cười cười nói nói, kiếm đâu được toàn thị những câu cẩm-tú mà xin lỗi trước cái cách dễ-dàng tự-tiện chẳng mời mà xin ăn cơm. Mỗ Mỗ sinh nom thấy T… công-tử đến trước rồi, cũng không nghi tình chỉ cà, vì công-tử đã khéo thác việc kia việc nọ mà ra đi trước, không nhận lời đến rủ đi cùng xe với gã. Tuy rằng trong bốn người đồng-tịch, không người nào là chẳng có tư-tưởng phản-phúc trong đầu, vậy mà hớn-hở vui cười cả bốn, mà ngồi bàn ăn. Trong bữa ăn, Mỗ Mỗ sinh được nhiều cơ-hội tự-tình với Mai-nương, chắc hẳn trong bụng cũng khen tôi là một anh chồng dễ chịu trong lúc ăn cứ vào ra thoăn-thoắt, vắng mặt hàng mười-lăm phút một, để tha hồ cho khách gạ vợ mình.

Khi tôi trở vào, tôi nhìn mặt khách đủ biết rằng những câu đáp lại của Mai-nương không phải là những câu khiến cho trai phải đi tự-tận. Mặt khách tươi như hoa, cười khanh-khách. Tôi cũng tảng lờ ra dạng tươi cười. Khách lại có ý chê trong bụng rằng tôi quá thật-thà, mà tôi thì cũng có tình chê lại khách. Trong cả một buồi chiều hôm ấy, cứ người nọ làm một trò vui cho mắt người kia. Trước khi khách đứng dậy ra về, tôi còn tảng có việc nhà trong để khách tự-do mà to nhỏ với Mai-nương một lát. Thành ra khi khách ra về, trong bụng khách đã khen món ăn ngon tốt, lại còn phải khen ông chủ dễ-dàng.

Khi khách cùng với T… công-tử đã lên xe rồi, Mai-nương giơ hai tay mà chạy lại ôm tôi, rồi cười khanh-khách. Thuật lại cho tôi hết cả những lời đôi bên đối thoại, không bỏ sót câu nào. Những câu ấy rút lại một lời toát-yếu thì là khách mê vợ tôi quá đỗi. Hẹn chia đôi với nàng một nửa số lợi tức riêng của mình đương có bây giờ, tính cả đồng niên cũng đã ngoài bốn vạn, chưa kể cái gia-tài của cha sau khi chết mới để lại nữa. Hẹn nay mai thì cho về làm chủ-trương mọi việc gia-đình, tay hòm thìa-khóa giao hết cả cho. Giờ hãy tạm dâng một cỗ xe song-mã, một cái nhà lầu đồ-đạc sẵn-sàng hết cả, một ả thị-tì, ba đứa ở trai, với một tên đầu-bếp. Nàng kết-luận rằng:

- Mình coi đó. Con thế mới là con tốt bụng hơn cha!

Tôi hỏi:

- Mình ơi, tôi hỏi câu này, mình nói thật. Gã hẹn bấy nhiêu, mình có ý thiết-tha chút nào chăng?

Nàng khéo trả lời tôi ngay mấy câu tập thơ Racine:

Sao chàng nỡ ngờ ta bụng ấy?…

Mặt mũi nào còn thấy được nhau!

Phúc-đường chuyện đó nhớ lâu…

Tôi cũng muốn thi văn-tài với nàng, bèn đáp:

Đây cũng biết Phúc-đường chuyện cũ.

Không phải là một dấu ái-ân.

Nhưng một cái nhà lầu sẵn-sàng đồ-đạc, một ả thị-tì, một thằng đầu-bếp, cỗ xe với ba thằng ở là một cái quà ngon mắt, hồ dễ trai gái yêu nhau đã mấy kẻ cho nhau đến thế.

Nàng lại chỉ non thề biển, mà quyết với tôi rằng trăm năm cũng một mình tôi, chứ không có của nào mà khiến nổi được cho nàng thay đen đổi trắng:

- Gã hẹn thiếp cho nhiều bao nhiêu thì cái lòng căm-tức của thiếp được thỏa mà thôi, chứ không bao giờ có xiêu-đổ được tấm chung-tình.

Tôi lại hỏi nàng có định nhận tòa nhà với xe song-mã không, thì nàng nói nàng chỉ muốn khoét cho gã ít bạc mà thôi.

Hiềm một nỗi có chịu khoản kia, mới được khoản nọ. Chúng tôi định với nhau chờ xem gã hạ bút viết thư cho nàng cam-kết minh-bạch những thế nào. Đến hôm sau thì quả thị có một thằng nhỏ không bận áo dấu, lén đến mà đưa cho nàng cái thư giao hẹn, nó khéo chọn lúc lén vào nhà bao giờ tôi không biết. Nàng bảo nó đứng chờ một chỗ, sẽ có hồi âm, rồi nàng đem thư vào mở cho tôi đọc.

Trong thư tự-tình mọi lẽ cũng như những thư tự-tình của người ta mà thôi, đoạn sau cam-kết rạch-ròi từng khoản. Mỗ Mỗ sinh thật là một gã ăn chơi phóng-túng. Số tiền hẹn cho rộng-rãi vô công. Xin hễ nàng dọn đến nhà riêng ở thì đưa ngay một vạn phật-lăng, để làm tiền bỏ túi tiêu vặt, tình nguyện săn-sóc đến luôn, để cho số tiền ấy tha hồ tiêu mà không bao giờ khuyết. Mà ngày giờ đính hẹn không xa-xôi gì cả, chỉ xin có hai hôm, nghĩa là buổi chiều hôm sau thì rước nàng lại chỗ nhà riêng ở đường ấy, số ấy, xin nàng cứ trốn tôi mà đi lại đó, nhà cửa và tiền bạc sẵn-sàng. Mọi việc chàng đã dự tính đâu đó cả, duy chỉ có việc trốn ra cho khỏi tay tôi là chàng e khí khó, vậy xin nàng có liệu lấy được thì nói cho biết để yên lòng. Bằng có điều gì trắc-trở thì nàng cũng ngỏ cho hay, để chàng tìm phương ngoại ứng.

Thì ra gã Mỗ Mỗ này khôn-ngoan hơn cha. Được người mới chịu trả tiền. Hai đứa bàn với nhau cách khu-xử của nàng thế nào cho khéo. Tôi nhân lại ra sức khuyên-ngăn nàng vài câu nữa, tôi bày cho nàng nghe mọi lẽ nguy-hiểm thế nào, nhưng nói gì thì nói, cũng không chuyển được lòng nàng đã quyết.

Abbé Prévost
Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...