Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Lạc trong gió tuyết

Lạc trong gió tuyết

Vợ Ngưu Cân ngồi trên giường, khâu đế giầy cho chồng. Ngưu Cân ngồi ngay trên sàn nhà, đẽo chiếc cán cuốc. Người vợ lên tiếng ngỏ ý muốn về thăm làng cũ trong dịp rảnh rỗi này. Nàng hứa, "Em sẽ trở lại vào dịp Tột."

Ngưu Cân lưỡng lự, rồi trả lời vợ, "Ðược, công việc ngoài đồng đã xong rồi, nhưng trong nhà còn nhiều việc phải làm - phải xay lúa mì ăn Tết, phải dự trữ rau cải cho mùa đông."
Người vợ hỏi, "Mình có thể xay một ít lúa trong lúc em đi vắng được không? Còn rau thì em đã trữ được nhiều rồi. Ðậu và cà tím phơi khô em cất trên nóc tủ, ớt và cần tây muối ở dưới đáy hũ, dưa cải chua ở trong vại, và còn hai xâu ớt đỏ treo dưới mái hiên. Ngoài ra còn vài chục cây cải bắp tươi. Gia-gia, mình và thằng Tiểu Trụ ăn không hết đâu. Có đủ cho ba người ăn trong mùa đông."
Ngưu Cân vội la lên, "Ba người! Mình muốn nói gi? Bộ mình không trở về hay sao?"
Người vợ hoảng sợ, tim đập dồn dập. "Ai nói không về hồi nào? Em sẽ trở lại vào ngày Tết, và lúc đó mới phải lo trồng lứa rau đầu mùa."
Ngưu Cân nghĩ ra một cách phản đối mới, "Tất cả trẻ con trong làng đều có quần áo mới vào ngày Tết. Nếu mình về quê thì thằng Tiểu Trụ sẽ phải mặc quần áo cũ."
Người vợ vươn người tới chiếc tủ nhỏ ở ngay góc giường. Nàng lôi ra một bó quần áo gói trong một mảnh vải, mở ra và chìa cho chồng. "Quần áo mới của Tiểu Trụ đây. Áo choàng và quần nhồi bông, quần áo ngoài, giầy mới, cả chiếc nón mình mua lần trước ở ngoài chợ nữa. Giầy của Tiểu Trụ mau mòn lắm, em sẽ khâu cho nó một đôi nữa sau khi em làm xong cái này."
Ngưu Cân không còn cách nào từ chối vợ nữa, đành phải nói:
- Ðược rồi, bao giờ mình lên đường?
- Em nghĩ là ngày mai.
Thế là vấn đề đã giải quyết xong. Sau khi biết chắc được sự cho phép của chồng, người vợ lập tức lo sửa soạn. Suốt ngày nàng sắp xếp lại nhà cửa, và sang nhà người cô chồng ở bên cạnh, nhờ bà ta coi chừng nhà cửa dùm trong lúc nàng đi vắng. Rồi nàng trở về nhà nấu cơm tối. Nàng thắp đèn lên khi cơm tối sẵn sàng.
Ông bố chồng lôi ra một nắm lá thuốc hút, do chính tay ông trồng, đưa cho con dâu và nói, "Con mang cái này về làm quà biếu của ta cho bên nhà, mặc dầu hai bên chưa bao giờ gặp nhau. Con mời bên nhà sang chơi khi nào rảnh rỗi để hai nhà quen biết nhau, và để thằng Tiểu Trụ biết mặt ông ngoại nó."
Thằng Tiểu Trụ khóc tru tréo đòi đi theo mẹ.
Trong suốt bữa tối, Ngưu Cân không nói nửa lời, chỉ buồn bã cúi nhìn chén cơm. Nghe con đòi đi theo mẹ, chàng ôm con lên và nói, "Con lớn mau lên rồi tất cả chúng ta cùng đi thăm gia đình mẹ con." Nhưng thằng bé không chịu, và vẫn khóc đòi đi theo mẹ. Ðể dỗ con nín, Ngưu Cân phải hứa sáng hôm sau cho nó đi theo ra ga xe lửa tiễn mẹ.
Ngưu Cân miễn cưỡng phải cho vợ về thăm nhà. Chàng cảm thấy sự vắng mặt của vợ sẽ gây nhiều khó khăn trong gia đình. Nàng tới làng này khoảng bốn năm trước và ở lại với chàng. Kể từ đó, tất cả cuộc đời chàng đổi khác hẳn. Mỗi buổi sáng trước khi chàng đi làm việc, một tô cháo nóng và hai chiếc bánh hấp đã để sẵn trên chiếc rương trên giường, ngay trong tầm tay với. Khi chàng đi làm về vào mùa đông, nàng thường bưng cho chàng một tô mì nóng hổi bốc khói. Về mùa hạ, một tô cháo đậu đã để nguội đặt sẵn trên chiếc bàn trong bếp. Nàng là một người con dâu hiếu thảo. Răng ông bố chồng không được tốt, và nàng làm cho ông một loại bánh kếp đặc biệt, rất mềm và mỏng. Nàng thường mua những thỏi đường và nấu với những trái lê để làm giảm cơn ho của bố chồng về mùa đông, và món này ngay thằng Tiểu Trụ cũng không được rớ tới.
Ðối với Ngưu Cân, một người mồ côi mẹ ngay từ hồi còn bé và mãi năm ba mươi tuổi mới lấy nổi vợ, thì người vợ này thực là quan trọng và cần thiết. Chàng không thể thiếu nàng, dù chỉ trong giây lát. Ðứa con trai đã ba tuổi rồi, và trong suốt ba năm ấy, một tay nàng nuôi nấng săn sóc con. Thằng bé quấy khóc, nghịch bẩn suốt ngày, và nàng phải hầu hạ ngày đêm. Khi thằng bé ngoan ngoãn, Ngưu Cân mua cho nó một nắm kẹo hoặc đan cho nó một chiếc lồng đựng châu chấu. Nhưng bây giờ vợ đi vắng, liệu chàng có thể lo liệu mọi việc được không?
Vợ chàng nguyên là người ở thượng nguồn con sông Ngụy, thuộc tỉnh Cam Túc bên cạnh. Nàng tới đây vào một ngày xuân, trong nạn đói năm 1960. Ngưu Cân đi làm đồng về và thấy một đám đông tụ tập dưới gốc cây liễu cuối làng. Chàng lại gần và trông thấy một người đàn bà trẻ ngồi trên một tảng đá dưới gốc cây. Nàng mới ngoài hai mươi tuổi, ăn mặc rách rưới nhưng sạch sẽ. Ðôi mắt nàng lờ đờ và mặt nàng là một màu tái xám vì thiếu ăn. Cạnh nàng là bọc hành lý, gồm một ít quần áo cũ, quấn trong một chiếc khăn trùm đầu kẻ ô vuông.
Ðằng sau nàng là một người đàn ông, hơi già hơn, đứng tựa vào thân cây. Người đàn ông giải thích, "Chúng tôi ở ngọn con sông này. Một năm nay chúng tôi không có gì để ăn. Chúng tôi phải đào cỏ dại. Bây giờ cỏ dại cũng không còn. Chúng tôi phải bóc cả vỏ cây để ăn, và vỏ cây giờ cũng đã hết. Người nào có thể đi được thì đã bỏ ra đi rồi. Chúng tôi cũng phải ra đi, và bây giờ chúng tôi không còn sức quay về nữa. Ðây là em gái tôi. Em tôi quá suy nhược không thể bước đi được nữa. Ở đây có ai hảo tâm chấp nhận em tôi không? Ðây là một việc thiện cho kiếp sau."
Hai giọt nước mắt lăn trên mặt người đàn bà trẻ, rơi xuống đôi giầy cũ. Những người đứng quanh thở dài thương hại. Một người nói, "Tôi nghiệp cô gái này, còn trẻ quá."
Người cô của Ngưu Cân đưa mắt ra hiệu cho chàng. Khi hai người bước xa đám đông, người đàn bà thì thầm, "Cháu phải giữ lấy cô gái ấy. Cô ta trông đẹp đấy chứ. Nhất là cô ta từ tỉnh khác tới thì sính lễ không tốn kém bao nhiêu."
Ngưu Cân lý luận, "Nhưng thưa cô, làm như thế là lợi dụng hoàn cảnh của người ta." Nói xong Ngưu Cân quay mình bỏ đI.
- Nào hãy ngẫm lại thân cháu đi. Ðã ba mươi tuổi rồi còn nói ngớ ngẩn như thế. Cháu không nghe thấy anh cô ta nói rằng đây là việc nghĩa ư?
Ngay lúc đó, giọng nói của người anh cô gái vang lên, "Nếu chúng tôi trở về quê cũ thì cũng sẽ chết đói cả. Xin vị nào ra tay cứu giúp, chấp nhận em gái tôi. ít nhất em gái tôi sẽ được sống. Em gái tôi làm việc giỏi lắm."
Ngưu Cân suy nghĩ một lát rồi quyết định. "Ðược rồi. Cô Cô lại nói chuyện với họ đi."
Vì lời khuyên khôn ngoan của người cô, Ngưu Cân thu nhận người con gái ấy làm vợ. Ngay ngày hôm ấy, hai anh em người con gái vào nghỉ trong buồng nhà Ngưu Cân, còn bố con Ngưu Cân ngủ ngoài phòng khách. Theo tục lệ địa phương, tiền treo cưới bắt buộc phải có, dù lấy một cô gái bỏ nhà ra đi vì đói. Bố của Ngưu Cân phải lần mò tận đáy rương và đếm được hai trăm quan tiền. Ông ta trao tất cả số tiền ấy cho bà em gái, nhờ bà ta trao số tiền ấy cho người anh làm tiền sính lễ, cho đúng cách - và nhờ bà ta chọn ngày tốt để tổ chức tiệc cưới mời bà con và người làng. Người cô của Ngưu Cân vừa bước đi một lát thì quay về ngay, theo sau là người anh của cô gái.
Người đàn ông nhất định không chịu nhận tiền sính lễ. Ông ta nói họ phải bỏ làng ra đi là vì nạn đói. Ðiều mà ông ta muốn là người em gái được yên thân. Không có gì để mua bán trong trường hợp này. Nhưng nếu nhà trai nhất định phải có quà cưới thì ông ta sẵn sàng nhận một ít gạo thôi. Ông ta dùng gạo để cứu đói. Bố con Ngưu Cân không thể ép buộc được người đàn ông, và cuối cùng đưa biếu ông ta một bao gạo.
Ngưu Cân mời người đàn ông ở lại dự tiệc cưới và chứng kiến em gái về nhà chồng. Nhưng ông ta nhất định ra về ngay. Ông ta nói cần phải về để những người khác trong gia đình khỏi chết đói.
Ngưu Cân và người đàn bà trẻ đưa tiễn người đàn ông. Tới cuối làng nơi có cây liễu, người đàn ông đỡ lấy bao gạo từ tay Ngưu Cân, quảy lên vai và yêu cầu hai người quay về. Người đàn bà trẻ khóc thảm thiết.
Người đàn ông có vẻ suy nhược, và oằn người xuống dưới sức nặng của bao gạo. Ông ta nói với người đàn bà trẻ, trong lúc cố tránh mắt của nàng, "Em ơi, em ở lại đây nhé. Anh sẽ đến thăm em khi nào anh có thể. Chồng em là người rất tốt." Ông ta chỉ Ngưu Cân, rồi đưa tay lên lau mồ hôi trên mặt - hoặc có thể đấy là nước mắt. Sau đó ông ta bước đi. Người em gái tựa vào gốc cây và khóc một cách tuyệt vọng.
Ngưu Cân không biết phải làm thế nào. Chàng chưa bao giờ gần một người đàn bà, nhất là một người đàn bà trẻ, mặt đầm đìa nước mắt. Cuối cùng chàng nói với nàng, "Nếu nàng thực ý muốn, nàng có thể về lấy quần áo và đi theo ông ta cũng được." Nhưng nàng chỉ đứng đó và tiếp tục khóc. Chính bà cô của Ngưu Cân đã bắt gặp hai người và đã giải quyết êm đẹp. Cuối cùng vừa khuyên giải, vừa thúc đẩy, bà đã dẫn được cô gái trở vào nhà Ngưu Cân.
Một năm sau, nàng sinh cho Ngưu Cân một đứa con trai bụ bẫm. Hai thế hệ trong gia đình được truyền tới một đứa con trai thuộc thế hệ mới. Do đó thằng bé được đặt tên là Cột Trụ, và thường được gọi là Tiểu Trụ. Sau khi có con, người ta không gọi nàng là “Người Em Gái” nữa, mà gọi nàng là “Má thằng Tiểu Trụ”.
Tiểu Trụ đã được ba tuổi và mẹ nó chưa bao giờ trở về thăm làng cũ. Nàng chưa bao giờ bày tỏ ước muốn ấy với chồng. Người anh nàng, bây giờ được gọi là “Cậu thằng Tiểu Trụ”, tới thăm em gái vài lần. Mỗi khi người đàn ông tới, Ngưu Cân thường biếu ông ta bốn năm chục quan tiền - nhờ tiền bán được lúa - và khoảng một trăm cân lúa mì để ông ta mang về. Mỗi lần chia tay với người anh, vợ của Ngưu Cân cực kỳ buồn bã. Người anh thường cố gắng làm người em gái bớt buồn bằng cách bảo đảm với nàng mọi việc ở nhà đều tốt đẹp - và lúc nào cũng mong nàng trở về thăm gia đình.
Theo tục lệ, đáng lẽ Ngưu Cân phải đi cùng vợ về thăm gia đình bên vợ. Nhưng những phí tổn hôn lễ và sau đó việc sinh đứa con trai, cộng với quà tặng cho người anh vợ trong những chuyến viếng thăm, đã khiến Ngưu Cân không còn tiền để dành nữa. Gia đình phải sống giật gấu vá vai. Vé xe lửa khứ hồi cho hai người tới tỉnh Cam Túc bên cạnh phải tốn ít nhất năm mươi quan, đó là chưa kể phải mua quà biếu cũng rất cần thiết cho chuyến viếng thăm.
Ngưu Cân nằm trên chiếc giường gạch đã được sưởi ấm, nhưng không thể ngủ được. Chàng nhìn vợ khâu đôi giầy mới cho con trai. Chàng lên tiếng gọi:
- Má thằng Tiểu Trụ này.
- Hử, mình ngủ đi. Em muốn khâu xong hai đôi giầy cho Tiểu Trụ. Ðã xong đế rồi.
- Mình nhất định ra đi ngày mai à?
- Hả?
- Thôi đừng đi nữa. Sau vụ gặt lúa mì mùa hè năm tới, chúng ta hãy dẫn cả thằng Tiểu Trụ về thăm một thể.
Nàng ngừng tay lại và nói, "Sáng nay mình cho phép em rồi mà?"
- Hừ...
Ngưu Cân định nói gì, nhưng lại thôi. Chàng ngồi hẳn dậy và bắt đầu mặc quần áo. Người vợ vội hỏi:
- Mình định làm gì thế?
- Nếu mình nhất định thì cứ việc đi đi. Tôi sẽ sang nhà Cô Cô vay tiền để cho mình tiêu trong chuyến đi này. Ngoài ra còn một ít lúa trồng từ khoảnh đất tư hữu. Tôi sẽ đổ vào bao cho mình mang theo.
Nàng phản đối chàng vay tiền, nói rằng gia đình nàng đã tiêu quá nhiều tiền của chàng trong những năm vừa qua rồi. Nàng chỉ muốn về thăm viếng làng cũ. Ngưu Cân hỏi:
- Trứng để đâu?
Nàng chỉ vào góc tường. "Kia kìa. Mình đói hả?"
- Hừ.
- Ðể em luộc trứng cho mình ăn.
- Không, không. Mình cứ khâu tiếp đi. Tôi có bận gì đâu.
Ngưu Cân lấy ra mấy quả trứng và bắt đầu nhóm lửa. Người vợ lại tiếp tục khâu giầy. Căn phòng rất yên tĩnh, trừ tiếng tí tách của rơm trong bếp. Ngưu Cân lúc thì nhìn mấy trái trứng đang sôi trong nồi, lúc thì nhìn kim chỉ trong tay vợ. Lông mày người vợ nhíu lại khi nàng chăm chú làm việc. Nàng xong một chiếc giầy, và ướm thử vào chân con đang ngủ trên giường. Nàng vội vàng chùi những giọt lệ đang ứa ra.
Hai vợ chồng vốn ít nói. Ðúng ra ngày hôm nay họ nói chuyện nhiều hơn thường lệ. Nhưng Ngưu Cân vô cùng lo lắng cho vợ. Những trái trứng luộc trong nồi là để cho nàng mang theo đi đường. Ngưu Cân không hề có điều gì than phiền vợ, trừ một điều là nàng ít nói và rất ít khi cười. Thoạt đầu Ngưu Cân tưởng nàng nhớ nhà. Dần dần chàng chấp nhận điều đó như là tính khí của nàng, và chàng cảm thấy nàng cũng rất giống chàng. Bây giờ thấy nàng đau buồn lo lắng, chàng sợ rằng một lời nói nào đó trước kia của chàng làm nàng đau lòng. Vì thế chàng nói một cách vụng về, "Thôi nghỉ đi kẻo mệt. Nên nhớ ngày mai mình phải đi đường đấy. Mình có thể khâu đôi giầy khi nào mình trở lại mà."
Nàng thở dài. "Thì em cũng sắp nghỉ đây. Mình phải săn sóc con cẩn thận nhé. Hãy bảo vệ nó. Ðừng để mấy đứa trẻ khác ăn hiếp nó."
- Ðược mà.
- Nó còn nhỏ quá. Mình đừng đánh nó nếu nó làm cái gì quấy.
- Mình nói gì vậy? Làm sao tôi có thể đang tâm đánh nó được?
Lại yên lặng. Ngưu Cân luộc trứng xong. Thấy vợ còn đang làm việc, chàng khẽ cất dụng cụ khâu vá của nàng đi. "Thôi đi ngủ. Mình sẽ mỏi mệt đấy." Chàng tắt đèn và dẫn vợ lại giường.
Sáng hôm sau, Ngưu Cân cõng thằng Tiểu Trụ và đi theo vợ ra nhà ga xe lửa. Người vợ ôm một cái gói nhỏ, bọc trong cái khăn kẻ ô vuông, cũng cùng một cái khăn nàng đem đến bốn năm trước. Cái gói gồm có quần áo cũ của nàng, và món quà thuốc lá của ông bố chồng.
Thằng Tiểu Trụ bập bẹ nói luôn miệng, khi thì ôm cổ bố, khi thì nằm gọn trong lòng mẹ. Phải mất ba giờ đi bộ mới tới nhà ga. Ngay khi tới nơi, Ngưu Cân để vợ con đứng chờ, và chạy lại phòng bán vé.
Xe lửa vừa mới tới nơi. Tiểu Trụ nằm trong vòng tay của mẹ. Nàng lùi lại khi thấy xe lửa sửa soạn chạy tiếp, sau khi ngừng vài phút tại nhà ga nhỏ này. Thằng Tiểu Trụ la lên:
- Mẹ ơi, xe lửa của mẹ sắp chạy rồi.
- Nếu bố con không đem vé về kịp thì mẹ sẽ không đi nữa.
Ngay lúc đó, Ngưu Cân hớt hải chạy lại, nhét tấm vé vào tay nàng. Chàng đỡ nàng lên chiếc xe lửa sắp sửa chạy.
Nàng nắm chặt nắm cửa và quay lại. Nàng la thật to, "Tiểu Trụ, con phải ngoan ngoãn với bố con!"
Ngưu Cân đang ôm con, vội giục giã, "Lẹ lên Tiểu Trụ. Bảo mẹ về sớm đi con."
Nàng cố lắng nghe lời bập bẹ của đứa con trai trước khi xe lửa gia tăng tốc lực. Những giọt lệ trào xuống má nàng, và nàng đứng ép sát vào cửa sổ để nhìn thêm một lần cuối cùng. Tiểu Trụ trong vòng tay của bố, đang vẫy vẫy hai bàn tay nhỏ xíu của nó.
Nàng đi dọc mấy toa xe lửa mà không tìm được chỗ ngồi, vì thế nàng tìm một chỗ trống bên cửa và ngồi lên gói quần áo của nàng. Sau một vài lần ngừng, xe lửa tới thị trấn Tây An, tại đó hầu như mọi người đều xuống. Nàng tìm được một chỗ ngồi trên chiếc xe lửa hầu như trống trơn trước khi hành khách mới tràn lên. Xe lửa lại tiếp tục chạy và nàng ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, không muốn một ai nhận ra nàng.
Cây cối dọc theo đường xe lửa đã trụi hết lá và đứng trơ trọi. Xe lửa chạy quá nhanh, và cây cối hai bên đường đua nhau chạy lùi lại vùn vụt, trong khi nhiều cây khác cứ tiếp tục hiện ra. Những cây cối đua nhau lùi lại, giống như những câu hỏi cứ tiếp tục hiện lên óc nàng và không chịu bỏ đi: Ta ra đi - nhưng ta đối xử với chàng có công bằng không? Nàng không thể tìm được câu trả lời. Nàng không nhìn cây cối nữa, và đưa mắt nhìn cánh đồng lúa mì trải dài ở bên ngoài.
Lúa mì trồng trong mùa thu và nay đã cao được vài phân rồi. Nhìn những ngọn lúa mì mềm mại chẳng mấy chốc sẽ phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mùa đông, nàng chợt nhớ đến Tiểu Trụ: Ta gieo rắc nghiệp chướng khắp nơi. Tiểu Trụ cũng là một ngọn lúa nhỏ bé. Làm sao nó sống được mà không có mẹ?
Nàng dường như nghe thấy Tiểu Trụ khóc: "Mẹ ơi, mẹ ơi." Không, không phải là Tiểu Trụ. Ðó là tiếng khóc của một đứa trẻ khác, cũng gọi "Mẹ ơi, mẹ ơi." Ðó là tiếng khóc của thằng Khóa, khóc thút thít và bàn tay dơ bẩn lau bộ mặt gầy choắt. Nàng cảm thấy như nàng đang ôm thằng bé trong tay, ngồi dưới ánh nắng mặt trời đầu xuân, kiệt sức vì đói. "Mẹ ơi, đói... "
Tiếng khóc của đứa bé muốn xé lòng nàng trong lúc thằng bé cứ nhay kéo bầu vú nhão nhoẹt. Khóc chán thằng bé ngủ thiếp đi. Chồng nàng ở đâu về, lưng đeo cái giỏ đựng mấy miếng vỏ cây và mấy que củi. Hắn lấy vỏ cây xuống và nhìn thằng Khóa. Hắn hỏi vợ, "Nó đã ăn gì chưa?"
Nàng thì thào trả lời, "Chưa."
Hắn đi vào nhà, và mang ra một cái bình bằng sành. "Ðể tôi đi xem hôm nay họ có phát cháo không."
- Ði cũng vô ích thôi. Cả mấy tháng nay không có lấy một hạt gạo thì làm sao mà có cháo? Dĩ nhiên trừ phi là cán bộ, nhân viên kế toán và đầu bếp.

Vì phong trào Ðại Nhảy Vọt muốn chế tạo thép trên toàn quốc, tất cả nồi niêu soong chảo đều bị tịch thu và nấu thành quặng rồi. Tất cả dân làng phải vào ăn trong nhà ăn của công xã. Kể từ mùa đông vừa qua, nhà ăn của công xã chỉ có thể cung cấp cháo lỏng thôi, và bây giờ thì ngay cả cháo lỏng cũng không có nữa.
- Vậy thì chúng ta làm gì bây giờ? Tôi chỉ tìm được mảnh vỏ cây này thôi. Thằng bé làm sao mà nhá được?
Hai người nhìn nhau dưới ánh nắng của một ngày đầu xuân. Sau một lúc im lặng thật lâu, cuối cùng nàng cố gắng nói, "Em sẽ đi Thiểm Tây. Ðó là con đường sống duy nhất."
Hắn không nghe rõ lời vợ. "Mình nói gì?"
Lần này giọng nàng cương quyết hơn. "Em sẽ đi Thiểm Tây."
Hắn vụng về ngồi xuống và chăm chú nhìn chiếc bình trống không. Nàng thấm ướt ngón tay và nhẹ nhàng lau nước mắt trên mặt đứa bé đang ngủ trong lòng. Nàng nói tiếp, "Mọi người đều đi Thiểm Tây. Tại sao chúng ta cứ ở đây để chết đói. Thằng Khóa chưa đầy hai tuổi."
Hắn đưa mắt nhìn đứa con trai, đang khóc giật từng cơn trong giấc ngủ. Hắn dường như đã có quyết định. "Ðược rồi, ta nghĩ rằng không còn cách nào khác. Ta sẽ đưa nàng đi."
Tuy nhiên khi nghe thấy sự ưng thuận của chồng, nàng bắt đầu lưỡng lự đắn đo. "Nếu em đi, thì có nghĩa là phải tìm người khác. Mình có thể lo liệu được... "
Hắn ngồi đó, im lặng như một pho tượng đá. Một lát sau, nàng nói với giọng đầy nước mắt. "Em sẵn sàng chết, nếu em có thể cứu được gia đình này. Sau khi em đi rồi, cứ coi như em đã chết... Lúc nào khá hơn, mình nên tìm một người đàn bà khác, miễn là người đó đối xử tử tế với thằng Khóa."
Hắn chỉ biết thở dài và trả lời vợ, "Nếu đã quyết định như thế, mình nên ra đi càng sớm càng tốt. Ðiều quan trọng là sống thoát được cảnh này. Mình nên đi sáng mai. Khi tới Thiểm Tây, chúng ta cứ nhận nhau là anh em ruột."
Khi vào tới địa phận tỉnh Cam Túc, xe lửa chạy qua hết đường hầm này tới đường hầm khác đục vào núi đá. Giữa những khoảng cách đó, nàng trông thấy cảnh thôn dã với bầu trời trong xanh đẹp đẽ, những giải đất màu vàng trải ra đến vô tận, và dòng nước lờ đờ của con sông Ngụy. Những làn sóng nao nức không thể tả được tràn ngập tâm hồn nàng, trong lúc nàng nhìn thấy quang cảnh quen thuộc của quê nhà.
Dần dần nàng ngủ quên đi và những giấc mơ theo đuổi nàng. Trong giấc mơ, nàng trông thấy căn nhà ở dưới hạ lưu con sông. Ngưu Cân đang cố giằng lấy bọc quần áo trong tay nàng và nói, "Sao mình phản bội tôi? Sao mình có thể bỏ thằng Tiểu Trụ và tôi?" Và nàng cũng khóc và giật lại bọc quần áo. Ðôi khi giấc mơ dẫn nàng trở về căn nhà cũ của nàng tại thượng nguồn con sông. Nàng vươn tay ra ôm lấy thằng Khóa, nhưng thằng Khóa cưỡng lại nàng và hoảng hốt lùi lại. Nàng đuổi theo thằng bé và kêu lên, "Khóa, Khóa, mẹ đây mà... "
Nàng hoảng hốt tỉnh dậy. Nàng nhìn ra ngoài cửa sổ và trông thấy những cảnh quen thuộc của làng cũ. Rặng núi cheo leo vươn lên từ phía xa; dòng nước cuồng nộ của con sông Ngụy chia cánh đồng thành phía nam và phía bắc. Nhà nàng nằm ở bờ phía nam. Toà nhà gỗ là nhà máy xay lúa, một hình ảnh quen thuộc của ngôi làng. Hai mắt nàng đầm đìa nước mắt.
Ngày hăm ba tháng chạp, ngày lễ ông Táo đã qua. Ngưu Cân vẫn không nhận được tin tức gì của vợ. Những gia đình hàng xóm đang tấp nập sửa soạn ăn Tết, giết heo, làm bánh hấp và bánh kếp. Nàng ra đi đã hai tháng rồi, và thằng Tiểu Trụ lúc nào cũng khóc đòi mẹ. Ngưu Cân dọn một bữa ăn vội vàng như là những ngày chưa có nàng làm vợ.
Vào đêm giao thừa, bà cô đến và làm một ít bánh bao. Ngưu Cân bưng chén đầu tiên mời bố. Tiểu Trụ lại lên cơn giận dữ và không chịu bước ra khỏi giường. Ngưu Cân phải mang chén bánh bao cho nó, và thằng bé nuốt ngấu nghiến, làm như để bày tỏ sự giận dữ với người lớn. Ngưu Cân không thiết ăn uống gì.
Chàng lẩm bẩm một mình: Nàng hứa đi vài ngày sẽ trở về. Ðã hai tháng rồi mà không có tin tức gì... Không có thư từ. Cái gì đã xảy ra? Nàng bị bệnh? Xe lửa lật? Tai nạn trên đường?
Vừa nghĩ đến những ý tưởng này, Ngưu Cân có cảm giác như bị kim châm. Chàng hối tiếc đã không đi theo vợ. Ðó là lỗi tại ta, chỉ nghĩ đến tiền bạc thôi. Ta sẽ ra sao nếu có chuyện không hay xảy ra cho nàng? Ngày mồng ba Tết, sau khi viếng thăm mộ của mẹ, chàng bảo cho ông bố biết chàng ra đi tìm vợ.
° ° °
Mẹ thằng Khóa đang ngồi trong bếp sửa soạn đồ ăn. Ðây là cái Tết đầu tiên sau khi trở về với gia đình, và bà con bạn bè sẽ tới ăn uống và chia mừng. Nàng đang ngồi thái thịt và cà rốt. Chồng nàng bước vào, vỗ lưng nàng và thì thầm, "Tới rồi."
Nàng không ngẩng lên và bảo chồng, "Họ đến thì đã sao nào? Không việc gì mà phải cuống lên. Vài phút nữa thì tiệc sẵn sàng."
Người chồng giải thích, "Không, tôi nói hắn ta cơ mà."
Nàng cảm thấy một cái gì bất thường trong giọng nói của chồng. "Ai?"
- Hắn. Bố thằng Tiểu Trụ.
Trong cơn bàng hoàng nghe tin ấy, nàng cắt vào ngón tay, và máu tuôn xối xả. Người chồng hoảng hốt và nắm chặt lấy ngón tay bị thương để cầm máu, nhưng nàng không có thời giờ để nghĩ tới chỗ tay chảy máu.
- Chúng ta phải làm gì bây giờ?
- Hãy buộc cho cầm máu trước đã.
Mẹ thằng Khóa vừa quấn buộc ngón tay vừa hỏi, "Mình có trông thấy ông ta hay không?"
Hắn chỉ tay về căn phòng ở phía bắc, và nói, "Thấy chứ. Ông ta bước vào và gặp tôi tại đó. Tôi bảo ông ta là mình đang bận trong bếp và sẽ báo cho mình biết."
- Nhưng chúng ta sẽ làm gì?
- Trước hết hãy mời ông ta ăn. Rồi chúng ta sẽ làm cho ông ta tự nhiên như ở nhà.
- Nàng theo hắn ra khỏi nhà bếp và bước vào căn phòng ở phía bắc.
Ðiều đầu tiên Ngưu Cân nhận thấy ở vợ là nàng mập hơn trước. Những đường cong của nàng nổi bật trông thật đẹp. Nước da của nàng cũng trắng trẻo hơn; nhưng dáng vẻ cũng như cái nhìn trong đôi mắt nàng khiến nàng trở thành một người khác hẳn. Nàng tránh không dám nhìn thẳng vào mắt Ngưu Cân. Nàng chỉ đứng đó, xoa hai bàn tay vào nhau. Rồi nàng khẽ nói, "Không ngờ mình tới."
Ngưu Cân nói một cách dịu dàng thương mến, "Tôi lo quá nên tìm tới đây."
Nàng chỉ biết cúi mặt xuống. "Em nghĩ có lẽ em nên ở đây ăn Tết xong rồi mới về... " Nhưng nàng cảm thấy xấu hổ tội lỗi về lời nói dối nên không thể nói tiếp được nữa.
Ngưu Cân lại nghĩ rằng thái độ e dè của vợ là vì nàng sợ chàng phật lòng, nên chàng vội an ủi, "Tôi cũng nghĩ thế, mình không được ăn Tết với gia đình đã mấy năm rồi. Mình nên ở lại lâu hơn. Chỉ tại tôi lo lắng quá vì không nhận được tin mình, nên tôi mới phải đi tìm."
Nàng không biết nói gì hơn nữa. Chồng nàng vội tới để cứu nguy cho nàng. "Rất hân hạnh được đón tiếp khách quí. Thật là một cơ hội hiếm hoi." Rồi quay sang người vợ, hắn nói thêm, "Sao không đi đốt lò than để Cữu Phụ sưởi ấm? Rồi đem trà lên cho Cữu Phụ dùng." Cữu phụ là một hình thức quen thuộc gọi chồng của em gái, một cách gọi thay cho con của mình.
Ngay sau đó, bà con bạn bè bắt đầu tới. Bố thằng Khóa bưng đồ ăn lên và mời mọi người dùng. Ly rượu đầu tiên được dành cho người khách phương xa, và Ngưu Cân không thể từ chối được. Rồi những người khách khác, lần lượt mời Ngưu Cân, và chàng cũng không thể từ chối được. Chàng nghĩ đã tìm thấy vợ, và vợ mạnh khỏe và an toàn rồi, sự lo lắng của chàng biến mất, và chàng cảm thấy đói cồn cào. Chàng ăn và uống một cách thả cửa, và chỉ một lát là no say. Bố thằng Khóa dẫn chàng vào một phòng trống và để chàng ngủ tại đó.
Ngưu Cân muốn hỏi vợ xem bao giờ theo chàng trở về, nhưng lại nghĩ không nên hỏi nữa. Chàng nghĩ có lẽ nàng vẫn còn ở dưới bếp. Vừa đặt đầu xuống gối là chàng ngủ ngay lập tức.
Sau một giấc ngủ chập chờn, chàng thức giấc, cảm thấy khó chịu và sờ soạng tìm đèn. Chàng cảm thấy muốn buồn nôn, và mửa thốc tháo. Rồi chàng làm như người nhà quê thường làm: chàng nhấc chiếc đệm lên tìm xem có mảnh giấy nào để lau đống đồ dơ. Trong lúc chàng lần mò, chàng đụng phải một tấm hình của vợ chàng và người đàn ông mà nàng gọi là anh. Hai người ngồi cạnh nhau; trên tấm hình có viết một hàng chữ: Kỷ Niệm Ngày Cưới. Chàng tưởng chàng trông lầm nên chàng nhìn lại kỹ hơn. Ðúng rồi. Ðúng hai người ấy, có điều còn rất trẻ. Chàng sững sờ, lòng tràn đầy cảm giác bị lừa. Chàng tự nhủ: Ta phải làm sáng tỏ vấn đề này.
Chàng choàng vội quần áo, không kịp cài nút. Rồi chàng mở cửa. Một cơn gió lạnh ập tới khiến chàng run rẩy và tỉnh ngủ hẳn. Lúc đó đêm khuya quá rồi. Gió bấc thổi xào xạc giữa những cành cây trơ trụi; trời bắt đầu xuống tuyết. Chàng khép cửa và quay trở lại giường. Than trong lò cháy thành một ngọn lửa xanh lè. Chàng ngồi xuống giường và thẫn thờ suy nghĩ.
Trong suốt đêm đó, chàng cố gắng nhớ lại trong khi những ý tưởng ngoan cố cứ hiện ra trong tâm trí chàng và đối chọi lẫn nhau. Than trong lò đã tàn. Xa xa có tiếng gà gáy.
Ngưu Cân đứng dậy và dậm hai bàn chân đã tê cóng vì lạnh. Chàng cài nút áo choàng và bước ra sân. Chàng đập mạnh lên cửa phòng phía tây.
- Ai đó? Muốn gì?
Người đàn bà lên tiếng hỏi và mở cửa. Ngưu Cân giận dữ đẩy nàng sang một bên, và bước vào giữa căn buồng. Trong lúc người đàn bà mở cửa thì bố thằng Khóa tụt xuống giường và thắp sáng ngọn đèn. Hắn nắm lấy tay Ngưu Cân, vẫn gọi chàng là cữu phụ, như gọi người chồng của em gái vậy. Ngưu Cân hằn học giật tay ra. "Lừa đảo! Vậy mà vẫn còn nhơn nhơn gọi ta như thế!'
Bố thằng Khóa và người đàn bà nắm lấy Ngưu Cân, mỗi người ôm một bên tay. Họ kéo chàng ngồi xuống giường. Bố thằng Khóa năn nỉ, "Xin bớt giận." Nhưng hắn không biết nói tiếp thế nào. Rồi hắn bình tĩnh lại, và trước hết là hắn thay đổi cách xưng hô, "Ðại ca, xin nghe tôi nói. Lúc đó chúng tôi không còn một cách nào khác. Chúng tôi phải đóng kịch như thế để sống." Ðến đây hắn bắt đầu khóc lặng lẽ.
Mẹ thằng Khóa ôm mặt khóc, "Ðây là lỗi của tôi! Nếu tôi chết đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Sao trời không đánh cho tôi chết ngay đi."
Tiếng khóc của nàng đánh thức thằng Khóa đang ngủ trên một cái giường cạnh đó. Thằng bé thức giấc và hoảng sợ. Nó nhỏm ra khỏi chiếc mền rách rưới và rền rĩ, "Mẹ ơi! Mẹ ơi."
Ngưu Cân ngồi bên mép giường, vội đưa tay giúp đặt đứa bé vào cái mền. Tay chàng đụng phải chiếc giường lạnh toát. Cái giường không có nệm. Một làn sóng tội nghiệp tràn ngập tâm hồn chàng. Tất cả những lời tố cáo buộc tội mà chàng đã chuẩn bị đêm hôm trước biến mất. Trong một lúc chàng không biết nói gì.
Mẹ thằng Khóa vẫn thổn thức khóc trong lúc chồng nàng nhìn Ngưu Cân một cách van lơn. "Xin đại ca tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi không phải là quân trộm cắp lừa đảo. Chúng tôi ở trong một tình cảnh tuyệt vọng. Lúc đó mọi phương cách sinh tồn không còn nữa. Có ai sẵn sàng đổi vợ lấy một bao gạo không?"
Ngưu Cân không ngờ hoàn cảnh trở thành như thế này. Chàng đã chuẩn bị những lời sỉ vả, và sẵn sàng dùng tới cả tay chân nữa. Nhưng đôi vợ chồng này đứng trước mặt chàng như hai con cừu, van xin chàng nhân từ, thương xót, và tha thứ. Chàng mất hết sự quả quyết và không biết phải hành động thế nào. Bỗng chàng buông tiếng cười khan, "Ha ha! Ta ở đây làm gì? Ha ha!" Hai hàng lệ tuôn ra từ khóe mắt chàng.
Hai vợ chồng vẫn tiếp tục van xin lòng tha thứ. Bố thằng Khóa nói, "Chúng tôi mãi mãi mang ơn đại ca, cả con tôi nữa."
Ngưu Cân thở dài và đứng dậy. "Ðã đến lúc tôi phải đi."
Mẹ thằng Khóa kêu lên, "Ði? Bây giờ?"
Chàng khẽ trả lời, "Tôi còn ở đây làm gì nữa?"
Thấy ý chàng đã quyết, bố thằng Khóa bảo vợ làm đồ ăn cho chàng đem theo trên đường về. Hắn cởi chiếc áo choàng nhồi bông đang mặc và khoác lên vai Ngưu Cân, nhưng chàng hất chiếc áo đi. Mẹ thằng Khóa lấy cái túi vải mà Ngưu Cân đã dùng để đựng trứng cho nàng trong chuyến trở về quê vừa qua. Nàng bỏ vào túi những chiếc bánh hấp bằng gạo trắng. Ngưu Cân quảy túi hành lý lên vai và bỏ đi không nói một lời.
Ngưu Cân chậm chạp đi ra nhà ga. Ðầu óc chàng tê cứng và hoang mang. Chàng vẫn chưa hoàn hồn trước những gì đã xảy ra. Chàng trải qua những cơn chóng mặt và buồn nôn, trong lúc chàng cố nhớ lại những biến cố của đêm hôm trước.
Nhà ga trống trơn. Chàng không trông thấy một người nào, cả trên sân ga lẫn trong phòng đợi. Tuyết đã phủ đường rầy xe lửa và cánh đồng bên ngoài. Chàng cô đơn giữa một thế giới lạnh lẽo trắng xóa. Chàng run rẩy bước vào phòng đợi và khuỵu xuống một chỗ ngồi, răng run lập cập, lưng lạnh buốt - như thể bị ai hắt một chậu nước vào người. Tim chàng đau đớn, co thắt vì lạnh.
- Có ai về miền đông không?
Một giọng nói vang lên từ sau cửa sổ phòng bán vé. Trước khi Ngưu Cân có đủ giờ đứng dậy thì cánh cửa sổ đã đóng xập lại.
Một chuyến xe lửa chạy rầm rầm từ đằng xa và từ từ tiến vào nhà ga. Tiếng động dường như dồn dập trong đầu chàng.
Ngưu Cân vẫn ngồi yên tại chỗ, lúc thì cảm thấy sáng suốt, lúc thì hoang mang. Bốn chuyến xe lửa nữa đi về hướng đông, tới và đi, nhưng chàng vẫn ngồi yên. Chàng không muốn ra đi như thế. Ngoài ra chàng cũng không biết chàng muốn gì.
Hết một ngày và màn đêm buông xuống. Ngưu Cân có thể trông thấy ánh sáng của tuyết. Chàng muốn một sự giải thích đầy đủ. Không biết bằng cách nào, chàng thấy chàng trở lại trước căn nhà của thằng Khóa. Chàng giơ tay lên định đấm cửa.
Chàng cần nàng. Thằng Tiểu Trụ cần mẹ nó.
Tay chàng sẵn sàng gõ cửa, nhưng vào giây phút cuối cùng, Ngưu Cân không gõ cửa nữa. Chàng quay lưng và bước đi. Chàng cần nàng, đúng thế, nhưng thằng Khóa cũng cần nàng.
Tuyết bắt đầu rơi nặng hơn, tuôn xuống như thác đổ, và gió lạnh như cắt thịt. Ngưu Cân nặng nề lê chân trong gió và tuyết, đầu óc trống rỗng.
Nguyễn Vạn Lý phỏng dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...