Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Nhất Linh và Xóm cầu mới

Nhất Linh và Xóm cầu mới

Thật ra, tôi nghĩ là phải viết thế này mới đúng: Nhớ về "Xóm Cầu Mới", có nghĩa là tôi nhớ lại tác phẩm "Xóm Cầu Mới" đã được nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ấp ủ, thai nghén và cho ra đời ở đâu, khi nào và ông, người mà lúc sống vẫn vui lòng cho phép các bạn hữu và đàn em, trong đó có tôi, được gọi là ‘anh Tam”, đã gửi gấm những gì trong tiểu thuyết "Xóm Cầu Mới"?
Trong nỗi nhớ thường có điều quên và "nhớ lại" cũng không đồng nghĩa với “lại nhớ” được hết mọi chuyện. Nên tôi hi vọng rằng bài viết ngắn ngủi và nhỏ nhoi này, nếu có chi thiếu sót, xin các bạn văn và bạn chiến đấu thời lưu lạc ở Hương Cảng niệm tình mà thứ lỗi cho tôi. Trong không khí văn nghệ của bài viết, tôi tự giới hạn nhiều chi tiết liên quan đến các nhà cách mạng, các nhà hoạt động chính trị cùng các quan điểm đa dạng của quý vị ấy, bao gồm thân thế và sự nghiệp, đi đúng đường hay lạc hướng. Nếu không, bài của tôi sẽ mau chóng trở thành một cuốn sách. Tôi cũng chỉ xin viết dưới dạng một bài Bạt cho cơ sở Văn Mới khi tái bản truyện dài "Xóm Cầu Mới".
Xóm Cầu Mới còn có tên là Bèo Giạt, dựa theo một câu thơ của Huy Cận, "Bèo giạt về đâu hàng nối hàng", được nhà văn Nhất Linh viết lại mạch lạc và gọn gàng ở "Trên núi, lúc 01 giờ 30 trưa, ngày 16 tháng 10 năm 1949" tại Sường Châu, Hương Cảng, nơi mà "anh Tam" cùng các"bạn chiến đấu” tỵ nạn chính trị từ năm 1946. Rồi lại viết lại, viết tiếp và sửa nhiều lần, tại Đà Lạt năm 1957.
Mỗi khi có dịp nhìn lại tấm bìa cũ, các tựa sách do anh Tam phát họa, làm mẫu cho nhà in typo của nhà xuất bản Đời Nay tại Hà Nội hay Phượng Giang ở Sài Gòn; nằm trong bộ sưu tập của Nguyễn Tường Thiết, con trai anh Tam; lòng tôi lại nhen lên một ánh lửa hồi ức của que diêm kỷ niệm văn nghệ tưởng như đã tàn. Như mẫu bìa Xóm Cầu Mới, anh Tam vẽ, tuần tự từ trên xuống dưới: Nhất Linh, Trong Tự Lực Văn Đoàn, Truyện dài, chữ ký của Nhất Linh 13.01.1950, vẽ Huy hiệu và tên Nhà xuất bản Đời Nay, 1950. Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của XCM; còn tôi, nhớ mãi những ngày tháng được nhìn thấy bản thảo "chữ con kiến bò" của anh Tam, nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của XCM, anh Tam thai nghén từ năm 1940 ở Hà Nội và tới năm 1949 mới được anh viết tiếp ở Hương Cảng sau khi chị Nguyên đã khuyên anh nên trở lại “đời văn sĩ”. Thời gian đó, tôi không hiểu nhiều về các vấn đề chính trị ảnh hưởng tới đất nước Việt Nam thân yêu , nhưng cũng biết là chĩ Nguyên có lý khi muốn anh Tam viết văn trở lại. Được quen biết anh từ năm 1948 tới năm anh mất 1963, tôi hiểu anh là một nghệ sĩ lớn lao, một người thương Nước, xót Dân; bày tỏ một thái độ chính trị Quốc Dân (Quốc gia, Dân tộc) trước sau như một, rõ ràng. anh Tam không phải là người "làm chính trị", dưới bóng ô dù của các thế lực Nhật, Tàu, Pháp, Mỹ. Nhà văn Nhất Linh, trong TLVĐ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Tường Tam, gói tròn trong hai chữ Chí Sĩ. Những người cộng sản Việt thích viết sử, bằng lối tuyên truyền xuyên tạc đủ mọi cách, nhằm triệt hạ uy tín của Tự Lực Văn Đoàn cũng như của cá nhân anh Tam, suốt nửa thế kỷ, nên tài liệu như tài liệu này đâu được ai biết, theo quan điểm chép sử, ghi lại những gì đã xảy ra:
Lá thư hay đơn từ chức? Dù ở hình thức nào cũng đủ nói lên đức tính “bất đồng chính kiến nhưng vẫn nghĩ tới đại cuộc chung”. Thư đề ngày 05 tháng 03 năm 1946, một ngày trước khi "cụ Chủ Tịch chính phủ liên hiệp kháng chiến" tức Hồ Chí Minh, đặt bút ký hiệp ước Sơ bộ ngày 06 tháng 03 năm 1946 tại Vịnh Hạ Long, cho thực dân Pháp trở lại Việt Nam.
Theo chỗ tôi nghe anh Tam kể, anh chống lại việc hồi đó Hồ Chí Minh (đảng cộng sản, nấp dưới tên gọi Việt Minh) và Vũ Hồng Khanh (Quốc Dân đảng) đã ký chung hiệp định trên cùng với Đại diện phía Pháp là Sainteny. Trăm năm bị Pháp đô hộ nhục nhằn, bao nhiêu xương máu, thống khổ dân tộc mới có ngày 02 tháng 09 năm 1945, ngày độc lập! Nay, tháng 3 năm 1946, lại “rước voi về dày mả Tổ”, khiến đồng bào ta sau đó xương máu dòng giã chín năm kháng chiến chống Pháp, từ 1946 tới 1954, đất nước tới thảm kịch chia đôi đất nước, cũng vẫn do chính phủ Hồ Chí Minh ký với thực dân Pháp ở Genève Thuỵ Sĩ ngày 20 tháng 7 năm 1954.
Hiệp định 06.03.1946 chỉ có lợi cho đảng cộng sản Việt Nam (ngụy danh đảng Lao Động, đảng Xã hội...) Việc cho thực dân Pháp trở lại nước ta để giải giới quân đội Nhật, thay quân đội Quốc Dân đảng Tàu, thì dĩ nhiên:
a. Các đảng phái quốc gia suy yếu.
b. Cộng sản dễ “phất ngọn cở độc lập, dân tộc”, độc quyền chống Pháp
c. Khi cuộc kháng chiến thành công sẽ "phất ngọn cờ xã hội chủ nghĩa", áp đặt chế độ cộng sản lên cả nước.
Cho tới thời điểm lúc này, tháng 03 năm 2002, mà vẫn còn có người Việt chưa nhìn ra chân tướng của cộng sản, thì tháng 03 năm 1946, anh Tam và các bạn chiến đấu của anh có hô hào, giải thích cách mấy, đám đông vẫn theo “cách mạng”, vì những thủ đoạn chính trị của cộng sản, ác liệt là tuyên truyền nổi và khủng bố ngầm. Như việc nhà văn Khái Hưng đã bị bắt và bị giết. Nhà văn Nhất Linh “người chiến đấu” mang tên Nguyễn Tường Tam lúc ấy, không theo các chính phủ Bảo Đại (thân Tây), chính phủ Trần Trọng Kim (thân Nhật); mà chính phủ Liên Hiệp (thân Nga, Tàu) lại trá hình khéo. Nên anh Tam một mặt đã từ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp; mặt khác, vẫn nghĩ tới kẻ thù lớn nhất là Pháp còn đó, vì thế anh đã viết một lá thư, theo như tôi hiểu, thì rõ ràng anh "chống đối nhưng không chống phá"
"Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 1946
Kính gửi: Cụ Chủ Tịch
Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến.
Thưa cụ,
Tôi tự xét bất tài, bất lực nên không thể đảm đương bộ Ngoại giao trong Chính phủ, vậy tôi xin từ chức Ngoại giao bộ trưởng kể từ hôm nay.
Tôi không muốn sự từ chức của tôi có ảnh hưởng đến công việc chung nên tôi đề nghị cụ kiêm luôn chức Ngoại giao bộ trưởng hay một người trung lập nào.
Về việc từ chức của tôi chỉ là việc làm của cá nhân, không có liên quan gì đến sự đoàn kết các đảng phái.
Kính chúc cụ và Nội các thành công trong việc đưa nước ta đến chỗ hoàn toàn độc lập.
Nguyễn Tường Tam
(ký tên)"
Ở đây tôi không bàn tới việc "Cụ và Nội Các thành công trong việc đưa nước ta đến chỗ hoàn toan độc lập” như thế nào. Ba mươi năm tang tóc 1946-1975, tàn phá "sự đoàn kết các đảng phái”, dẫn tới việc ô nhục nay dâng đất, biếu biển cho Tàu đỏ. Bất kể ai “khác chính kiến với cụ đều là Việt gian, ngụy, phản động”. Dù việc từ chức của anh Tam rõ như ban ngày, vẫn bị xuyên tạc đủ điều. Nếu anh không qua được Hương Cảng năm 1946 và không về được Sài Gòn năm 1950, chắc hẳn sẽ cùng chung số phận với nhà văn Khái Hưng?
Từ bối cảnh lịch sử và chính trị ấy, tôi mới rõ vì sao anh Tam, nghe lời khuyên của chị Nguyên, "không hoạt động chính trị nữa", và do đó truyện dài Xóm Cầu Mới được hình thành (tuy nói anh không hoạt động chính trị nữa, nhưng anh vẫn có mặt đều trong các buổi họp).
Đời sống vật chất của những người Việt hoạt động chính trị hoặc lánh nạn tại nước Tàu trước và sau đệ nhị thế chiến, vô cùng khó khăn. Mọi thứ như việc ăn, ở, thuốc men phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mỗi người, rồi theo lối “góp gạo, thổi cơm chung”. nhưng có thể nói tinh thần chiến đấu của anh em trong nhóm tỵ nạn rất giàu có, lúc nào cũng hướng về Quê cha, Đất tổ.
Bởi vì trước sau anh em vẫn nao nức theo tinh thần nội dung bản hiệu triệu của anh Tam viết ngày 13 tháng 01 năm 1945, tiếp đó tới ngày 02 tháng 09 năm 1945 lần đầu tiên nước Việt Nam tuyên bố độc lập, sau khi nội các của thủ tướng Trần Trọng Kim giải tán, vua Bảo Đại được mời vào Ban Cố Vấn Chính Phủ Liên Hiệp. Bản hiệu triệu đó, ngày nay hình như vẫn còn có thể dùng được để gửi đồng bào trong nước?
"Cùng hết thảy các bạn chiến đấu. Sau những năm cách mặt, đến giờ mới có cơ hội gửi lời thăm hết thảy các bạn xa, gần, già, trẻ, biết hay không biết mặt nhưng đã cùng tôi trong giòng lũ, chiến đấu dưới một lá cờ, phụng sự một lý tưởng: cứu nước và duy trì nòi giống, đưa đến chỗ vinh quang – Thời giờ thật là khẩn cấp ... Chiến tranh thế giới sắp đến hồi quyết định, sự hưng vong của giống nòi Đại Việt ta là ở lúc này đây. Mong anh em ra tâm phấn đấu, đem hết sức lực ra để làm cho đảng chúng ta mạnh mẽ gấp mười trước, có thể đối phó với thời cuộc, tìm lại cho nước ta sự độc lập ao ước từ lâu. Ở trong nước hy vong đặt cả vào các anh em! Ở ngoài này chúng tôi xin nỗ lực cho khỏi phụ lòng anh em mong mỏi. Ở ngoài, ở trong cùng hết sức để rồi có ngày kia bắt tay nhau ở đất nước nhà trong cái không khí tưng bừng của ngày Quốc hội: ngày đầu tiên của nước Đại Việt độc lập.
Nguyễn Tường Tam
V.N. 13.1.1945"*
(* Được in và phổ biến ở Việt Nam)
Tháng 1 năm 1945, anh Tam còn ở bên đất Tàu, nay đây mai đó, từ Thượng Hải qua Quảng Châu rồi cuối cùng phải tạm cư ở Hương Cảng, vì năm 1948 làn sóng đỏ đã nhuộm hết nước này. Quốc Dân đảng Tàu và chính phủ Tưởng Giới Thạch phải chạy qua Đài Loan. Năm 1948, vua Bảo Đại về nước thành lập chính phủ thân Pháp, do Pháp yểm trợ. Năm 1949, anh Tam còn ở Hương Cảng, bản thảo Xóm Cầu Mới đề ngày 16 tháng 10 năm 1949, truyện dài mà anh hằng mong muốn dựng lên như: "Một cuốn Đông chu Liệt quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt trong cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khu cầu gậy xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo chiếc cầu gỗ. Những đời "bèo giạt" đến hội tụ ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo giòng nước, không biết về đâu? Nhất Linh." (Trích trong XCM)
Xóm Cầu Mới dự tính in năm 1950, nhưng mãi tới nắm 1958 mới được đăng trên Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm (nghĩa là muốn in số báo nào xin phép số đó) do anh Tam chủ trương; số ra mắt ngày 17 tháng 06 năm 1958, phần Một của Xóm cầu Mới, là truyện cô Mùi. Xóm Cầu Mới ở đâu? Xóm Cầu Mới của Nhất Linh không phải là Xóm Cầu Mới ở Tân Định Sài Gòn, cũng chẳng ở đâu khác, ngoài vùng phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là nơi anh Tam sinh ra và lớn lên. Nơi mà Thạch Lam Nguyễn Tường Lân viết truyện ngắn nổi tiếng "Nhà Mẹ Lê".
Ở phần mở đầu cuốn truyện dài ấy, anh Tam đã dẫn giải hết sức rõ ràng "Xóm Cầu Mới là một cái xóm nhỏ ở cạnh một chiếc cầu gỗ cũ ..." Tính bi kịch của truyện bắt đầu từ câu văn này. Xóm tên là Cầu Mới nhưng cầu thì quá cũ: "... đã long mất gần một nửa số ván và gẫy mất gần một nửa số chân. Cũng may, ván long đều và chân cầu cũng gẫy đều nên cầu còng vững và xe cộ qua lại được..."
Anh Tam liên tưởng gì tới tình hình đất nước ta, sau Hiệp ước Sơ bộ ngày 06 tháng 03 năm 1946, ở đoạn văn: “Đời dân xóm liền với chiếc cầu nên bất cứ một tin gì lạ về chiếc cầu cũng làm họ thao thức và xôn xao bàn tán. Bốn năm trước có một người làm ở Sở Lục Lộ, trong lúc vui câu chuyện, đã nói là sẽ sơn lại cầu. Sơn lạ thì họ không cần lắm nhưng sơn tức là phải sửa chữa lại, dân xóm tán ra như vậy. "Sơn tức là phải sửa chữa lại cầu," câu ấy ròng rã bốn năm trời vẫn được nhắc đến luôn ở cửa miệng những người dân xóm, những nghèo tiền nhưng rất giàu hi vọng hão. Còn duyên do vì đâu lại oái oăm bắc một chiếc cầu vô dụng và đắp một con đường tắc tị thì không ai hiểu gì cả và sở Lục Lộ bây giờ có lẽ cũng không hiểu nốt."
Sao tôi cứ buồn khi nghĩ, bốn chục năm qua, dân nghèo nước mình vẫn chỉ giầu niềm hi vọng đất nước được sửa chữa, nhưng quả thật là hão huyền, vẫn nguyên vẹn đó một “con đường tắc tị”, đường cụt, mà người Na Uy gọi là "đường mù". Những đời dân tứ xứ như "bèo giạt" nơi quê người và nhất là ngay cả trong đất nước mình: giờ đây đa số chết non, thác yểu hoặc vẫn kéo lê cuộc đời chỉ “hy vọng hão". Ngày xưa, ở Cầu Mới, qua lời anh Tam kể, “Cả xóm không có một căn nhà gạch hay gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới."Ngay ở đảo Sường Châu, những năm sau thập niên 40 của thế kỷ 20, là một hòn đảo nghèo, nơi mà nhóm tỵ nạn chúng tôi ngụ cư cũng không nghèo đến thế. Mặc dù bị kềm dưới chế độ thực dân Anh, Hương Cảng vẫn vươn mình lớn mạnh; mọi người tùy theo sức lực, tài năng hoặc ý chí vẫn có quyền tự do mưu cầu sự sống. Các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn sống nhờ vào tiền bán tranh sơn dầu và sơn mài. Anh Tam cũng vẽ các loại than chì, sơn dầu, thủy mặc, phấn tiên.
Thời gian viết Xóm Cầu Mới, ở Hương Cảng cũng như Đà Lạt hay Sài Gòn, anh Tam vẽ nhiều, ngoài ra còn là họa sĩ chính của tờ Văn Hóa Ngày Nay. Các nhà sưu tập tranh người Pháp, Anh, Trung Hoa... sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là chuyện bình thường, vì anh Trí là nhà mỹ thuật chuyên môn. Nhưng tranh của anh tam cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Tiếc ngày nay hàng ngàn tấm tranh nhỏ, vẽ trên giấy, của anh đã bọ thất lạc nhiều. Anh vẽ cây đa Cốc, nơi chim cốc thường về đậu, vẽ cây cầu cũ nới Xóm Cầu Mới. Vẽ cả sơ đồ bối cảnh của cuốn truyện. Anh vẫn thường bảo: “Văn chương, thi ca còn tùy thuộc vào bản dịch. Nhưng âm nhạc, nhiếp ảnh và đặc biệt là hội họa có hình thể thì người nước nào cũng hiểu được!” Lúc viết lại Xóm Cầu Mới, anh nói: “Người ta vẫn nghĩ có một loại văn Tự Lực Văn Đoàn. Riêng tôi, không làm văn, tôi viết cốt sao người đọc dễ hiểu và người dịch dễ dịch sang ngoại văn, nếu có dịp.”Có lần, tôi hỏi: “Anh tính viết Xóm Cầu Mới, cho chuyện nhà cô Mùi là chính, các nhà khác vây quanh, là phụ hay sao?" Anh nói: "Tôi không cho nhà nào là chính hay phụ. Tôi sẽ viết mấy cuốn trong một cuốn mới đủ bộ Xóm Cầu Mới". Sau này từ Hương Cảng về Sài Gòn, rồi Đà Lạt, anh đã thảo mấy cuốn: Cô Mùi, Người Chiến Sĩ, Nhà Bác Lê, Người Sát Nhân, Cậu Ấm, Ông Năm Bụng. Với dự tính ban đầu: “Những chuyện dài có liên can hoặc xa, hoặc gần tới Xóm Cầu Mới mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới ngụ cư trong xóm." Anh còn tỉ mỉ vẽ chân dung và ghi lý lịch, cá tính từng nhân vật một, để "khỏi quên" vì pho truyện có thể sẽ kéo dài, theo ý anh thì: "Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang, mới đủ tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.” Theo nhà xuất bản Phượng Giang: “Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới tất cả năm lần. Lần đầu tiên viết năm 1940 ở Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa). Lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa). Về nước, Nhất Linh viết lại lần thứ tư tại Hà Nội năm 1951. Và sau cùng, trước khi đăng trên tờ Văn Hóa Ngày Nay (1958), Nhất Linh đã sửa lần chót bên dòng suối Đa Mê, Fin Nom (Đà Lạt) vào năm 1957."
Tới đây, tôi muốn kể chuyện về nơi anh Tam viết và sửa lại cuốn Xóm Cầu Mới, lần thứ ba: Tại Hương Cảng năm 1949 cùng với bao kỷ niệm đã ghi đậm nét trong trí nhớ của tôi:
Năm 1948, tôi sang Hương Cảng, nơi tôi ở là một căn nhà ... Không, phải gọi là một túp lều mới ổn. Túp lều của chúng tôi nằm trên một, trong nhiều các ngọn núi đá thấp. Vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen. Bên trong ngăn ra làm hai buồng nhỏ, buồng nào cũng có cửa sổ không lớn, nhưng đủ thoáng mát. Bếp ở phía sau lều, vách dựng sơ sài bằng các mảnh thùng sắt tây cũ. Nhu cầu nước, đã có con suối gần nhà, được những mỏm đá thiên nhiên bao bọc rất kín đáo, chúng tôi xó thể ra tắm ở đây. Ông Woòng, người chủ của hai túp lều cho chúng tôi thuê, đã có sáng kiến dùng ống cao su dẫn nước từ suối, chảy vào khu nhà bếp, nên việc nấu ăn, rửa bát của chúng tôi rất tiện.
Đời tôi từ bấy đến nay, thời gian qua đi già nửa thế kỷ; đã từng được ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà sao tôi vẫn không thể nào quên được túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ơi, mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi "hoa sen" nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tiếng suối reo, ào ạt suốt ngày đêm, hòa với tiếng u u ....u... của gió núi, khi thổi lùa qua những hốc đá, đã trở thành "bản nhạc núi" tuyệt vời. Nơi đây, không có hoa lá và ngay cỏ dại cũng chẳng mọc nhiều; dân cư ở xa, nên không cả mùi khói bếp. Không, không có mùi gì hết, tại sao tôi vẫn cảm nhận được mùi thanh khiết của núi đá, của nước. Không khí nhẹ nhàng quá. Phải chăng, tôi chỉ ngửi được bằng hai lá phổi, chứ không bằng mũi...
Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi, mỗi khi ra suối tắm. Mặt trời đụng vào dòng nước đang chảy, vỡ tung, thành muôn vàn mảnh ánh sáng nhỏ lấp lánh đủ màu, loang loáng chảy, xối ào ạt lên người tôi; hơi nước mát rười rượi. Tôi tưởng như mình đang ở một xứ thần tiên, trong truyện cổ tích nào đó, tôi đã được đọc từ thuở ấu thơ.
"Nhà của chúng tôi", nếu tính từ trung tâm thành phố Hươngt Cảng về, phải ngồi xe điện mất gần một tiếng. Đến trạm chót, còn phải đi bộ một thôi dài, tới đường Happy Valley gần khu Phảo  tỷ (trường đua ngựa) đến chân núi. Khốn nỗi, lại mất khoảng hai mươi phút từ chân núi, leo ngược con dốc đá thoai thoải, mới đến “nhà" lều.
Con đường này, mùa hè cũng như mùa đông, mới sáng tinh mơ đã có rất nhiều người dân lao động đến ngồi ven núi, đập đá thuê. (Thời ấy có một số nhà cách mạng Việt Nam bôn ba sang Tàu; qua Thượng Hải, Quảng Châu... rồi trôi giạt đến Hương Cảng, khi kẹt cũng phải mưu sinh tạm bằng nghề đập đá thuê ở đây). Sở dĩ tôi phải kể dài dòng cảnh "trên núi" như trên, là vì: Trên bản thảo XCM, còn có tên Bèo Giạt, anh Tam có ghi lại: "Hương Cảng, trên núi, lúc 01 giờ 30 trưa, ngày 16 tháng 10 năm 1949”. Bản XCM, lần đầu được viết lại, ở Hương Cảng và Sường Châu. Sường Châu hay Seng Chou là một hòn đảo nhỏ, cách Hương Cảng một hoặc hai giờ tầu thủy, tùy theo chuyến chạy nhanh hay chậm. Nơi gia đình ông Woòng, đã mấy đời, làm nghề cho các thuyền đánh cá trên đảo thuê bến bãi đậu thuyền. Nhà ông Woòng ở sát bờ biển, phong cảnh đẹp, không khí thoáng mát pha mùi nước biển.
Gia đình ông Woòng, ai cũng hiếu khách, rất quý trọng các nhà chính trị, chí sĩ hay nghệ sĩ lưu vong. Ông Woòng để riêng hẳn một phòng cho khách ngụ, dù ở bao lâu cũng được. Nhưng, ai muốn ở chơi lâu, đều đề nghị với chủ nhà cho ăn riêng, tự nấu lấy bằng cái bếp dầu tây, bằng đồng.
Như đã kể, năm 1948, khi đến Hương Cảng, tại túp lều kể trên, tôi được gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm, "cả nhà" ngồi quanh cái bàn dài bằng gỗ ván thùng, do các anh đóng lấy. Nhân một câu chuyện tình cờ, khi biết anh là nhà văn Nhất Linh, tôi đặt bát cơm ăn dở xuống bàn, vội vàng, đến gần như vô lễ, tôi nhìn anh, lắp bắp hỏi: "Anh, anh là ông ... Nhất Linh đấy hả?" Anh mỉm cười gật đầu, còn các anh cùng bàn thì bật cười thành tiếng. Tôi lại hỏi tiếp: "Thế anh... Chính anh, viết cái cuốn Đoạn Tuyệt đấy hả?” Lần này thì anh khẽ cười thành tiếng và trả lời "vâng".
Hàng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lắng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm... mọng lên nỗi chứa chất u sầu. Tới nỗi tôi có cảm tưởng nếu có một tiếng động dù nhỏ bất chợt vang lên, cũng đủ làm cho những màng nước trong mắt anh òa vỡ! Cặp môi anh có lúc rung rung, như đang nói chuyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, những hư mỉm cười!
(Sau này ở Sài Gòn khoảng năm 1960 - 62, khi viết Dòng Sông Thanh Thuỷ có lần anh đã nói về chuyện cũ nên tôi hiểu nỗi buồn của anh ngày lưu lạc quê người, Hương Cảng 1949; cùng lúc anh có nhiều chuyện buồn, toàn về "vận nước" với tình người.
Tự Lực Văn Đoàn “tan đàn, nát gánh”; Việt Nam Quốc Dân đảng thì Vũ Hồng Khanh lại không nhìn ra thủ đoạn chính trị “6 tháng 3 năm 1946”, ký hiệp ước Sơ Bộ cho Pháp trở lại Việt Nam; các bạn chiến đấu cùng chạy qua Tàu, phần lớn mất liên lạc).
Không chỉ mình anh Tam, mà tất cả anh em trong nhà đều buồn; Vì chúng tôi đang có một cái tang chung! Một chiến sĩ, chí sĩ, một nhà cách mạng hay một nhà văn lớn và cũng là Bạn Chiến Đấu của chúng tôi. Người mới từ giã cõi đời, anh Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, là em ruột anh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Anh Long từ Quảng Châu về Hương Cảng dự một phiên họp (nghe nói buổi họp gồm "đủ mặt” từ mấy phía, có cả vua Bảo Đại...) Ôi! Buổi họp cuối cùng của tác giả "Mười Điều Tâm Niệm" và "Trước Vành Móng Ngựa"...! Họp xong, anh Long vội vàng rời Hương Cảng đi Quảng Châu, chẳng may đã mất trên chuyến tầu hỏa đó, năm 1948. Năm 1946, Khái Hưng bị giết, năm 1948 lại đến Hoàng Đạo! Vì đâu và lỗi do ai? Ai đã gây ra? Trong vòng năm năm, nhóm Tự Lực Văn Đoàn tắt mất hai ngôi soa chủ lực. Đất nước Việt Nam đã mất hai nhà văn, cũng là hai nhà cách mạng, đầy ý chí muốn mở mang dân trí qua ngòi bút và hành động chính trị vì tình Yêu Nước! Nỗi đau mất bạn Khái Hưng còn đó, lại tiếp thêm Nguyễn Tường Long... Anh Long mất, anh Tam không chỉ mất người em ruột mà còn là mất một người Bạn Chiến Đấu, một nhà Tư Tưởng thân thuộc, một Bạn Văn đã cùng chung khai sáng Tự Lực Văn Đoàn. Tình trang đất nước ngày ấy đang thay đổi, với chiều hướng suy đồi, anh Tam nhìn thấy trước mà đâu đỡ nỗi. Cho nên chẳng lấy gì làm lạ, khi thấy anh buồn bã, như tôi đã kể.
Anh là người thương Nước, xót Dân thật sự, bày tỏ một thái độ chính trị Quốc Dân (Quốc Gia, Dân tộc) trước sau như một, hết sức trong sáng, rõ ràng. Anh Tam không phải là người "làm chính trị", có chủ trương dựa vào các thế lực ngoại quốc như Nhật, Nga, Tàu, Pháp, Mỹ. Để mong "cõng rắn về..." lấy cớ "cứu nước!" Tâm hồn anh lại là một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Anh rung động, nhạy cảm, vui buồn với tất cả mọi chuyện xảy ra trong xã hội, trong đời sống thường ngày các mọi người quanh anh. Và anh đã gửi gấm được tấm lòng này vào trong bộ truyện "XCM", cùng với bao nỗi khắc khoải. Thêm vào đó, "cảnh trên núi" chúng tôi lúc ấy lại vắng đi mấy người, anh Đỗ Đình Đạo, anh Trần Văn Tuyên..., vì công việc chung cũng như việc riêng đã trở về nước. Các an khác đều bận việc, anh Bảo Sơn làm cho hãng hàng hải của Hòa Lan, tuốt dưới phố; anh Lễ làm cho nhà "băng", sáng đi, chiều về. May lúc ấy, nhờ Kim Anh, con gái tôi, năm 1948 mới được hai tuổi; chưa biết vui buồn là gì, thường luẩn quẩn bên anh Tam. Nơi nào có trẻ con, không khí sinh động, vui hẳn lên. Đôi lúc anh Tam bế cháu Kim Anh, sửa lại giọng bi bô, tập nói ngọng ngịu của cháu; và thường đùa bằng cách sai vặt: "Kim Anh, đưa cho bác cái bật lửa!" Nếu cháu hiểu ra, làm được theo đúng ý anh, anh cười thành tiếng v.v... Như các anh khác, tôi cũng mừng, tiếng cười của người này, thường làm cho bao người khác vui lây, quên đi phần nào cảnh anh em, bạn bè chia lìa, mất mát. Sau khi được tin anh Nguyễn Tường Long mất, chị Long cùng với người con gái lớn của chị, là Minh Thư, vội sang Hương Cảng. Anh em đi đón chị Long và Minh Thư từ phi trường, lên thẳng trên núi. Hai ngày sau, hai mẹ con chị Long đáp tàu hỏa đi Quảng Châu. Chắc để lo việc thâu nhận hài cốt của anh Long. Tôi không nhớ rõ.
Dù không sống gần, nhưng những người thân của anh Tam ở quê nhà, ai cũng đoán được chắc chắn anh Tam sẽ đau buồn về chuyện mất anh Long; anh sẽ xuống tinh thần không ít! Vì vậy chẳng bao lâu, chị Tam từ Hà Nội đã sang Hương Cảng thăm anh. Có chị trên núi, không khí nơi đây như tươi lên được đôi chút. Chị Tam kín đáo chăm sóc anh, luôn tìm cách nhắc lại về thời anh làm báo, viết sách. Chỉ những khi đó, như một phép lạ, nét mặt anh vui, ánh mắt tươi sáng. Kỳ diệu thay, sức mạnh của văn chương và nghệ thuật! Tôi biết, văn nghệ không làm cho anh quên việc đất nước, nhưng nó làm cho anh tạm yên, để từng bước một bình tĩnh, lo toan nhiều chuyện lớn.
Tôi đưa chị Tam đi chợ “Trung Vàn Cái Xi", là chợ lớn nhất Hương Cảng, giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Chúng tôi bị nhiều người lớn nhìn ngó, trẻ con bu coi; họ thấy lạ mắt vì chiếc áo dài Việt Nam chị mặc. Tôi phải đi mua mấy thước lụa Thượng Hải, rồi dẫn đến tiệm đo, may áo Tàu “sường sám” cho chị. Từ những lần sau, đi ra phố, chúng tôi cùng mặc "sường sám", nên việc đi lại được tự nhiên, thoải mái. Chị Tam nói riêng với tôi: "Anh Tam yêu văn chương lắm, nhẽ ra anh không nên đụng vào chính trị, chính em. Chỉ viết văn, làm báo không thôi, anh cũng đã đủ thứ vất vả rồi!” Tôi cãi lại: "Nhưng tình hình đất nước như thế này! Rất cần đến những người như anh Tam, góp công, góp sức, làm lơ sao đành, hả chị?" Chị Tam nói: "Thì cứ viết những điều mình cho là đúng, là lý tưởng của mình vào sách, cũng tốt thế, chứ sao!". Tôi nhìn chị Tam với tấm lòng kính mến. Một người phụ nữ không làm văn hóa, văn nghệ, chính trị ... Chị chỉ lo “buôn tần, bán tảo”, chăm sóc họ hàng hai bên nội ngoại, nhất là giúp đỡ chồng con. Việc buôn bán cau khô của chị, trước sau cũng chỉ mong sao kiếm lời, để chồng yên tâm gánh vác việc xã hội, khỏi bận lòng về chuyện này, nuôi nấng các con ăn học. Thế mà chuyện chính trị, chị lại bảo: "Cứ viết vào sách, cũng tốt thế, chứ sao!" Lời nói dễ hiểu mà chí lý. Mặt khác, tôi nghĩ là chị Tam ngờ ngợ, "nhìn ra" thế "lưỡng đầu thọ địch” của anh Tam, một bên là thực dân, một bên là cộng sản. Sau cái tang Khái Hưng và Hoàng Đạo, dường như chị e ngại cho ... Song trên thực tế, sự đóng góp tuy gián tiếp nhưng tận tình của chị vào sự nghiệp văn hóa, chính trị của anh, theo tôi biết, không phải là nhỏ:
Tính anh Tam quen tự do như gió trời. Rày đây, mai đó. Đến cả nơi ở, cũng không có chỗ nhất định; vỏn vẹn chỉ có hai bộ quần áo, giặt bộ này, mặc bộ kis, được thứ hàng khỏi cần bàn-là, càng tốt; nếu không, vải bị nhàu một chút cùng chẳng sao. anh không có tủ sách riêng,khi cần, chạy ra thư viện mượn. Người như thế làm sao có thể "chu đáo”, gần gụi với gia đình vợ con được!
Những ngày ở trên núi với chúng tôi, mỗi lần đi chợ về, chị tự tay nấu các món ăn cho cả nhà. Tôi chỉ phụ với chị rửa rau, thu dọn việc vặt. Khi nào mua thịt bò, chị nhờ anh Tam giúp làm món "beefsteak", chị khoe anh còn nấu súp "bouillabaisse", (nấu với nhiều thứ hải sản, tôm, cua, cá, sò...) rất ngon. Mà ngon thật, cứ như ăn ở hiệu cơm Tây nổi tiếng. Chị nói riêng với tôi: "Cứ để anh làm cho vui". Tôi cũng kể với chị: "Lúc họ chưa sang, dù buồn cách mấy, hễ sau bữa ăn trưa, anh Tam nhất định giành việc rửa bát." Anh Nguyễn Gia Trí cũng phải bảo nhỏ tôi: “Để anh làm cho vui." Sau này, tôi mới biết tính anh Tam, không chỉ lúc ở Hương Cảng, dù ở đâu anh cũng thích làm một vài món ăn, rửa bát, quét nhà. Anh bảo: "Đó là cách nghỉ ngơi, giải trí của tôi!" Thường buổi chiều lúc chị không ở cùng, anh không ăn cơm, chỉ tự nấu lấy vắt mì khô với ít tôm khô và rau cải. Anh ăn mì, uống cốc bia xong, đi nằm nghỉ, yên lặng, chẳng chuyện trò với ai, trừ khi có các anh em ở xa đến mở buổi họp, cần có anh. Tôi thấy hình như anh thích ở những nơi đồi núi và thích nghe tiếng suối. Sau này, về Đà Lạt, anh cũng cất lều bên suối Đa Mê...
Ở trên núi gần nhà bếp phía trước dòng suối không tên có một cái hang đá; cửa hang rộng chừng sáu thước, cao gần hai thước, sâu hun hút, nhưng thoai thoải thấp dần, thấp dần. Từ ngoài cửa vào khoảng bốn năm thước là đã bị đụng đầu, không đi tới thêm được. Nền đá phía dưới rộng, sạch sẽ và mát lạnh. Vào mùa hè, cả nhà thường vào đấy đọc sách báo, bàn luận chuyện chính trị. Nếu muốn có thể nằm lăn ra ngủ, nghỉ. Chỉ tội, hơi đau mình một chút vì mặt đá lồi cồi không trơn phẳng.
Phía trước hang một khoảnh sân lộ thiên; không biết bằng cách nào mầm cỏ từ đâu lạc tới đâm chồi trong các kẽ đá mọc lên từng đám cỏ xanh non, tươi mát, lả lướt đùa rỡn trong nắng gió. Tôi thầm nghĩ: “Đây là một trong các món quà tặng của Trời, đã cho muôn vàn sự sống nẩy sinh trên trái đất này." Một thân cây không lớn lắm nhưng già cỗi mọc ghé bên bờ sân, nghiêng xa ngoài vực, vực không sâu, có thể đi men men xuống. Bên dưới, rất nhiều ốc sên, chẳng có gì đẹp nên không ai buồn xuống đó. Anh Nguyễn Gia Trí thường đem giá gỗ ngồi vẽ dưới gốc cây. Cũng ở nơi đây, tôi đã ngồi làm mẫu, để anh vẽ "portrait". Tấm tranh này sau này anh phải bán cho ông bà lãnh sự người Anh ở Hương Cảng, khoảng năm 1948 hay 1949.
Chị Tam mua một chiếc ghế vải có thể ngồi hay nằm tựa và chiếc bàn nhỏ, kê ở trong hang đá, rồi gọi nơi đó là "nhà mát". Anh Tam đem vào nhà mát một chiếc cặp da đựng bản thảo XCM cùng với bình thủy nước sôi, cà phê và vài bao thuốc lá hiệu "Bastos xanh" và một cái gạt tàn thuốc to gần bằng cái dĩa tây. Với ngần ấy thứ, anh có thể ngồi suốt ngày trong hang đá, viết, viết và viết... Cháu Kim Anh thích quanh quẩn chạy chơi loanh quanh chỗ bác Tam viết, rồi lại chạy ra chỗ bác Trí vẽ. Các anh chỉ vui thêm chứ không lấy thế làm phiền. Anh Trí còn bế cháu lên, cho cháu cầm cọ vẽ nghịch vài nét ngay trên tấm tranh đang vẽ dở của anh. Anh bảo: "Không hề gì, rồi sửa lai, được mà!"
Anh chị Tam thường hay mời cả nhà đi ăn hiệu (nhậm sà, uống trà) với đủ các thứ bánh trái, xíu mại, há cảo, bánh bao v.v... ăn xong lại cùng đi dạo cảnh Hương Cảng. Ai cũng biết đó là ý riêng của chị Tam bày vẽ ra thế, muốn để anh có dịp đi nơi này, nơi kia cho khuây khỏa. Khi về, anh Tam bảo chị mua thêm vài thứ bánh để làm quà cho một "bà già dưới chân núi". Căn nhà của bà cũng vách ván thùng cũ, mái cao su đen. Lưng nhà quay ra đường xe chạy, cửa vào hướng về phía núi. Nhà có được mảnh sân phía trước, trồng dăm luống rau cải, cà chua và một dàn mướp. Lại thêm cái chuồng gà nơi góc sân nom hệt như mảnh vườn quê ở Việt Nam. Trông vào mà thấy ấm cả lòng! Ấm lòng hơn nữa, bà chủ nhà lại là người Việt Nam, chừng bảy mươi, vóc dáng xem còn mạnh khỏe. Bà thường xuyên mặc bộ quần áo Tàu rộng rinh, bằng vải dầy màu lam xẫm đả bạc phếch, và vài ba chỗ. Mái tóc trắng xám, khô, xơ xác được cắt ngắn lộ ra cái gáy đen đủi, nhăn nheo. Vài năm truớc đấy, bà già nhận ra chúng tôi là đồng hương, vì có một lần, anh Đạo và anh Sơn đã nói chuyện với nhau trong lúc đi ngang qua nhà bà. Bà chỉ nghe âm thanh của giọng mà nhận ra các anh là "Ố Nàm dần", tức người An Nam. Mặc dù hầu như bà đã quên hết tiếng mẹ đẻ; không còn nói và hiểu nỗi ý nghĩa dù một câu tiếng Việt nào. Bà chỉ nhớ và nói được mỗi ngày một câu duy nhất, mà lại phát âm lơ lớ bằng giọng Tàu: "Mìn dơ..i tó .. ti dờ ...dồ." Nghĩa là " Mình ơi có di Bờ Hồ...", một câu trong bài hát vui tếu. Đầu thế kỷ 20, bài này được giới bình dân ở Hà Nội, Hải Phòng ưa thích: "Mình ơi có đi Bờ Hồ. Cùng tôi chén kem kẹo dừa. Xin đừng, là đừng chê nhé. Trong túi tôi có mười đồng xu...” Chồng bà, gốc dân Tàu nghèo, xưa kia từng lưu lạc sang làm phu mỏ ở Hòn Gai, Móng Cái. Gặp và lấy bà rồi đưa nhau về Tàu. Chẳng may, ông mất trong thời chiến tranh Nhật Hoa. Bà chỉ có một người con trai. Năm gặp chúng tôi, anh ta khoảng trên bốn mươi, chưa vợ. Vóc người to cao, vạm vỡ. Hàng ngày phơi mình ngoài nắng gió, làn da bị bụi đá và mồ hôi bám két lại, xần lên, đen xám như da của con voi, tóc bờm xờm cứng đơ. Nhưng tính anh rất hiền, quá hiền đến gần như ngây ngô. Chúng tôi có hỏi han chuyện gì, anh ta cũng chỉ nhe hàm răng xỉn cười cười không trả lời. Mỗi buổi sớm anh ta đi đập đá, mình bà mẹ ở nhà vào ra trông coi, săn sóc vườn tược. Bà khéo trồng nên rau trái mọc xanh um, hoa màu dùng để nhà ăn và đem bán cho mấy người đập đá thuê, quanh nhà, cũng phụ thêm được tiền gạo chợ cho cả hai mẹ con. Thỉnh thoảng, bà già sai con trai đem lên núi cho chúng tôi khi thì vài quả mướp, mấy quả cà chua, hay rau cải... Một buổi xế trưa, chắc người con đi làm chưa về. Bà lọm khọm bưng lên núi một “thố”, loại nồi đất có chiều cao, đựng canh chân giò nấu với rau cải khô. Chẳng biết bà phải leo bao lâu, lúc đến trước cửa nhà chúng tôi, mới thoáng thấy anh Tam, bà đã quýnh quíu, vừa thở dốc vừa gọi: "Sần, sếnh sáng, Sần... sếnh..." (Ông Trần, ông Trần ơ...) Anh Tam họ Nguyễn, nhưng hồi ở Tàu các anh em lại lấy họ Trần để gọi anh. Chưa dứt lời, bà vấp ngã, thố canh đổ vỡ tung tóe. Anh Tam hốt hoảng, đỡ bà đứng lên, nhưng bà không chịu. Ngẩn người nhìn những miếng chân giò và rau rơi vãi trên nền đá, rồi cuống quít nhặt lên. Miệng không ngớt kêu rên bằng một tràng tiếng Tàu, chẳng vì đau cái đau mới ngã, mà hình như chỉ tiếc nồi canh. Anh Tam vội cúi xuống phụ bà nhặt, vừa nói với bà: "Không sao, không sao đâu bà ơi, chỉ rửa đi, rồi đem nấu lại, vẫn ăn được mà...! Bà đứng lên đi, để tôi xem chân bà có đau lắm không...?” Khi đãi nhặt hết, không còn cọng rau và miếng thịt nào, bà mới chịu đứng lên, nhìn xuống; cũng may nhờ vải dầy, chỉ xước ống quần một chút. Bà đòi mang chỗ canh đó về để đổi phần canh của mẹ con bà, lên biếu anh em. Ai ngăn sao bà vẫn cứ nhất định làm theo ý mình. Anh Tam nói: "Thì làm theo ý bà đi... Lòng thương nhớ đất nước của bà, bà gởi vào tình đồng hương đấy!” Anh H., một người bạn trẻ, hôm đó lại phải theo bà xuống núi đổi thố canh mới.
Đến “mùa hàng" cau khô, chị Tam phải về Hà Nội. Anh Tam, phần nào đã tạm ổn định tinh thần, viết văn lại và viết rất đều tay cuốn XCM khiến chị yên tâm. Sau này, chị Tam còn sang Hương Cảng thêm lần nữa. Ông Woòng mời anh chị qua Sường Châu ở chơi mấy tháng. Nơi đây anh đã nghe chị, người vợ và cũng là người bạn của anh, dịu dàng, từ tốn khuyên giải. Anh viết tiếp, viết tiếp, viết cả văn chính luận, cho đến khi về nước.
Hình ảnh mà tôi nhớ sắc nét nhất ở Sường Châu, nơi một căn nhà mang tên Biệt Ly đình, nhiều lần anh Tam nhìn ra biển, thở dài sau mỗi lần nghe tin một Bạn Chiến Đấu khác ở lại vùng Tàu đỏ, làm việc cho Bắc Kinh. Mất một số "người anh em" từng cùng mình gian khổ chiến đấu, lòng anh thấy xót xa như với tác phẩm Xóm Cầu Mới: "Có khi phải hoàn toàn viết lại vì trong cuộc đời phiêu lưu của tôi, bản thảo phải bỏ lại rồi sau bị thất lạc trong cơn ly loạn hoặc có lần chính tôi phải tự tay thiêu hủy, vì không mang theo được”. Ôi! Mười lăm năm, một bộ truyện, với năm lần viết lại hoặc sửa chữa, mà phải mười tám năm sau kể từ khi viết dòng thứ nhất ở Hà Nội, 1940, mới được đăng báo, năm 1958 ở Sài Gòn; mà rồi cũng chỉ mới tạm xong được có Phần Một: Cô Mùi. Lẽ ra phần này cũng bọ thất lạc nốt nếu nhà in Trường Sơn đường Nguyễn An Ninh Sài Gòn không giữ gìn hộ; nên mới được xuất bản lần đầu ở Sài Gòn. May vì VHNN đăng chưa được hết.
Con người hoạt động vì dân, vì nước trong anh Tam không khi nào chịu được cảnh ngồi yên, nhàn tản để viết văn, anh chống lại chinh phủ Ngô Đình Diệm ít nhất về quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm nặng nề. Tờ Văn Hóa Ngày Nay, chỉ là giai phẩm, đã không được cấp giấy phép chính thức mà còn bị đóng cửa. Cuối cùng, anh dùng cái chết của mình để cảnh tỉnh một sự kiện ngày nay, nhớ lại, đối chiếu với dòng lịch sử, người ta thấy rõ như một lời tiên tri: "Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do 7.7.63. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.” Tôi nghiêng mình trước tinh thần đấu tranh cho mọi quyền tự do của anh Tam, nhưng tôi vẫn nghĩ là cái nhìn của anh về việc "tự thiêu" có một số dữ kiện lịch sử bị giới hạn...
Dù sao, như tôi đã nói ở trên, con người Kẻ Sĩ nơi anh Tam trong giông tố lịch sử,chốn lại cả thực dân, đế quốc, cộng sản, lẫn phong kiến, những thứ thay phiên nhau hoặc cùng lúc đầy ải, chà đạp đời sống tinh thần và vật chất của người dân...
Buồn thay, trước tình hình đất nước dầu sôi, lửa bỏng vào những năm cuối đời viết căn của anh Tam, “con người cách mạng” trong anh không tài nào chịu sống cách xa các anh em cũ, đã từng cùng anh kề vai, sát cánh đấu tranh, chia nhau từng nắm cơm, gói mì. Anh lại rời bàn viết. Tới ngày 7.7.63... Những ai có dịp sống gần, quen thân anh lâu đều hiểu được tấm lòng anh: Anh mang chí hướng Tự Lực, tựa hồ nhân sinh quan trong sáng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học, lúc ngồi viết sách trên căn gác Nam Đồng thư xã ở Hà Nội: "Không thành công thì thành nhân!". Nguyễn Tường Tam của tư tưởng và hành động cách mạng Quốc dân, Nhất Linh của văn học, báo chí và Tự Lực Văn Đoàn, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ... Tất cả. Trước sau, vẫn là anh Tam của XCM, nơi những người dân bao đời nghèo khó, lầm tham mãi trong cảnh "bùn lầy, nước đọng”, như “gia đình bác Lê", rất cần đến tiếng nói chia sẻ, bênh vực họ từ phía: nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam...
Tôi còn nhớ mãi câu anh từng nói: "Chúng ta chiến đấu, không dựa vào thế lực ngoại bang nào, thì chỉ thành công về mặt Chính nghĩa. Nhưng như thế mới là Tự Lực!" Còn con người Nghệ Sĩ của anh, qua tác phẩm Xóm Cầu Mới, vẫn chẳng giây phút nào rời xa những mảnh đời "bèo giạt". Đâu chỉ có văn chương trong sáng không thôi, mà cả cuộc đời anh Tam đã ánh lên sự sáng trong. Tôi nhớ một đoạn văn trong Cô Mùi:
"Hai mắt nàng mở to và qua những sợi tóc của Siêu, nàng nhìn thấy cái cửa sổ sáng với những lá non lấm tấm của hàng rào găng ta, điểm một vài bông hoa trắng như ngôi sao. Cái ánh sáng ở cửa sổ, cái ánh sáng dịu và phơn phớt xanh ấy và những ngọn lá xanh mát, với màu trắng mới của hoa thoáng trong một lúc, Mùi thấy như là ở đâu, xa lắm có vẻ thần tiên, không phải là ánh sáng hay hoa lá của đời này..."
Vâng, thứ “ánh sáng hay hoa lá của đời này” đâu phải là Xóm Cầu Mới.

Mùa Xuân 2002
Nguyễn Thị Vinh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...