Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Mưa đêm

Mưa đêm

Tôi trở lại Nam Định trong chuyến công tác lần này sau năm năm xa cách. Tôi định ở lì trong khách sạn không đi đâu cả.
Nhưng đêm nay, trời bỗng trở lạnh, lất phất mưa bay, nhìn xuống phố thấy mờ đục mùa mưa. Tôi thấy lạnh và cô đơn quá. Cái mùi hương của thành phố mới thân thuộc làm sao. Tôi hấp tấp bước ra, lẳng lặng đi lang thang trên phố, đưa mắt nhìn ra xung quanh như để tìm lại những bóng hình xưa cũ và sống lại cái cảm giác của đêm mưa năm nào. Sống mũi tôi cay cay, cổ họng nghèn nghẹn, khó thở rồi những dồn nén bấy nay bỗng vỡ oà nức nở thành nước mắt…
Ngày ấy, tôi là một cô gái hai mươi tuổi, làm công nhân trong Nhà máy dệt Nam Định. Cùng nhà với tôi, gian ngoài phía mặt đường là một cửa hàng bán, cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu của một cặp vợ chồng trẻ. Ngoài giờ làm ở xí nghiệp tôi thường nhận thêu áo gối cho cửa hàng. Tôi hay ngồi sau quầy hàng vừa thêu vừa trò chuyện với chị chủ nhà. Bà chủ của tôi, Nguyệt, là một người đàn bà đẹp nổi tiếng, lại làm nghề trang điểm cô dâu, chị tự làm cho mình đẹp thêm nhiều. Dáng chị thon thả, eo nhỏ, ngực nở. Những lúc chào hàng cho khách chị mặt bất cứ bộ nào vào người cũng vừa cũng đẹp. Chị lại uốn éo như người mẫu thời trang. Da chị mịn, thoa thêm chút phấn nom cứ như sáp vậy. Mọi đường nét trên khuôn mặt chị đều thanh tú. Tất cả toát lên vẻ tươi roi rói! Bên chị, tôi cục mịch vô duyên. Cứ y như chị là tượng nữ thần còn tôi là cái bệ đặt tượng vậy. Tôi ngắm chị không chán mắt.
Còn chị cũng thích có tôi ngồi đó, tức là có một người chiêm ngưỡng mình, nhất là một người để nghe chuyện mình. Tôi hết sức ngạc nhiên, làm sao người ta có thể nói nhiều như thế về những chuyện chẳng đâu và đâu. Tôi cứ nghe để mà nghe, mặc chị muốn nói gì thì nói. Một lần, chị chìa ra một cái lắc đeo ở cổ tay và bĩu môi:
- Lão Tấn nhà này mua đấy. Đêm qua mình đang ngủ thì lão về, lão tra bằng được vào tay mình. Đau cả tay. Trông này. Vàng thì đẹp mà đánh kiểu cũ rích. Quê ơi là quê. Ở đời, có của mà không có con mắt thẩm mỹ…
Tôi biết đến đoạn “ở đời”, có nghĩa là lan man không biết đến dấu chấm hết. Vừa may anh Tấn về. Anh vừa bước vào nhà chị đã thét lên làm tôi giật mình.
- Giời ơi là giời! Ông tướng ơi! Nhà người ta vừa mới lau, bố đi cả giày tây vào. Đi ra đi vào phải có ý. Thế nào là ăn trông nồi ngồi trông hướng. Nghĩa là…
Tôi cố chờ cho chị tự ngắt. Anh Tấn cười xoà.
- Hì hì… quên. Xin lỗi. Thế gian được vợ hỏng chồng mà, mình chu đáo hết phần tôi. Phải không cô?
Tôi vội gật đầu ngay. Chị Nguyệt nguýt chồng:
- Thế có lộn ruột không cơ chứ? Nhà sạch thì mát, bát sạch…
Rồi chị vừa lau lại nhà vừa tiếp tục nói. Anh Tấn giơ hai tay lên đầu:
- Thôi thôi, tôi sắp chết đói rồi đây. Từ sáng đến giờ chưa ăn uống gì. Mình có cho tôi ăn không?
Tôi rất thích tiếng “mình” mà người đnà ông dành cho vợ. Chị Nguyệt kêu lên:
- Bây giờ mà chưa ăn sáng? Tôi đã nói bao nhiêu lần phải ăn uống điều độ rồi? Có ăn uống điều độ…
Chị tong tả mang bát đi mua phở, vừa đi vừa nói có lẽ đến tận hàng phở. Trong lúc anh ngồi ăn thì chị nói liên hồi thế nào là bát phở ngon. Anh Tấn không nghe gì, chỉ chăm chăm nhìn vào vành môi son thắm mấp máy trước hàm răng trắng đều tăm tắp của vợ. Tôi biết anh đang mê cặp môi ấy. Đang ăn như có điều phấn khởi, anh bật dậy hôn đánh “chụt” lên cặp môi ấy. Chị Nguyệt đẩy ra, lau vết mỡ trên môi và gắt:
- Cái ông này, người ta sắp đi làm đám cưới. Làm một người đàn ông phải…
Và cứ thế chị tiếp tục bài ca. Nụ cười hớn hở trên môi anh tắt ngay. Anh bối rối, luống cuống. Tôi ngập ngừng định nói một lời gì đó để chị ngừng lại nhưng chẳng nói được lời nào. Tôi nhận ra: Tấn mê cái miệng đẹp đẽ kia nhưng không chịu nổi những lời từ cái miệng ấy. Tôi buồn và không muốn nhìn thấy họ hôn nhau nữa. Tôi ngồi thêu ở nhà mình. Khi nào xong tôi mang ra nhà họ trả hàng. Mặc lòng tôi vẫn ngong ngóng về phía họ. Tôi vẫn vui sướng ngửng lên khi thấy anh đi về, khi nghe tiếng anh nói…
Mấy lần Lân của tôi giục đã đến lúc phải thuê gối cưới cho chúng mình rồi. Nhưng tôi còn nghĩ đi đâu ấy.
Một dạo, lắng nghe tiếng nói từ nhà bên, tôi thấy hình như họ cãi cọ gì với nhau. Đúng ra là chỉ có chị Nguyệt. Còn anh Tấn thường lẳng lặng bỏ đi.
Tôi bỗng thấy nôn nao bồn chồn. Tôi lại sang nhà họ, tìm cách xa gần hỏi han, thì chị trả lời quanh: “Lão ấy đi công tác”. Nhưng chị vốn không phải là người giấu được chuyện, chỉ một lúc sau, tôi đã có một băng đầy đủ:
- Lão ấy đi hàng tuần mới vác mặt về, đủ lý do. Nhưng đây không phải là con nai vàng ngơ ngác đâu. Gái nó lôi…
Tôi sửng sốt không tin vào tai mình. Anh Tấn mà trai gái thì thật cục đất có nhân tình, giời ạ.Tôi phân vân, lo lắng, buồn vui lẫn lộn và cái chính là thèm gặp anh. Tôi lại sang nhà họ ngồi thêu, thấp thỏm chờ. Lần ấy, Tấn về, vì có tôi nên họ có vẻ hòa hoãn với nhau. Tôi vui vẻ hỏi chuyện. Anh mừng rỡ trả lời, còn chị thì xen vào những câu đay nghiến hoặc răn dạy “ở đời”… Nhân có một quãng ngắt giữa câu chuyện của chị, anh chân thành bảo cả hai chị em:
- Chị em phụ nữ các cô cũng nên hiểu đàn ông một chút. Nói chung họ không thích đàn bà nói nhiều, không chịu được sự nhiều lời.
Tôi gật đầu và nhớ mãi câu đó. Tôi chợt nhận ra câu nào anh nói tôi nghe cũng lọt tai. Tôi thích nghe anh nói, mong nhìn thấy anh và chợt khao khát điều gì đó, nhưng chị Nguyệt thì cười khẩy:
- Cái trò phải gái ấy mà! Ngửi phải cứt nhau rồi thì vợ cái gì chả xấu. Phở ngon hơn cơm. Có điều chờ xem, hết tiền rồi còn có con nào nó theo nữa không? Ngu thì chết!
Tấn tái mặt, đẫm khẽ xuống bàn:
- Cô im đi! Tôi không phải con cô.
Và anh bỏ đi, mặc cho chị kể lể. Tôi sững sờ đứng lên và bất chợt lao ra ngoài nhìn theo anh.
Một thời gian dài Nguyệt chạy đua với mốt. Khi thì chị mặc kiểm hiện đại quần soóc kẻ, áo may ô bò. Khi thì áo lưới đen lấp ló da thịt trắng mịn. Có khi chị mặc váy tha thướt như nữ hoàng. Đầu tóc cũng thay đổi luôn. Nay tóc đen mai lại hoá nâu. Nay đầu tém như con tai mai lại xoã mềm đến ngang lưng như công chúa. Chị bảo tôi:
- Đây không thèm ghen! Chấp hết các loại gió mùa. Chỉ sợ đi khắp thiên hạ không con nào bằng con này. Thế nào là “gái tham tài giai tham sắc?” Nghĩa là…
Tôi không nghe hết lời chị nói nhưng tôi cứ trố mắt nhìn; quả thật chị đẹp. Anh Tấn chắc cũng thấy thế. Anh năng về nhà hơn nhưng rồi cũng năng bỏ đi hơn. Quan hệ giữa hai người không hề bớt căng thẳng mà ngược lại càng nặng nề. Chị tiếp tục la hét, khóc mếu kể lể. Anh tiếp tục bỏ đi. Có lúc cũng nghe tiếng anh quát:
- Cô im đi không! Đến phát điên lên mất.
Rồi một hôm phố xá ồn lên: Nguyệt tự tử “dọa chồng”. Khi tôi lên bệnh viện thì chị đã được cứu sống đang nằm thiêm thiếp. Anh Tấn lặng lẽ ngồi bên giường ủ rũ. Anh nắm hai bàn tay chị áp vào mặt đó. Mái tóc anh bạc đi, mặt mũi hốc hác.
Trong đôi mắt trầm buồn của anh có những giọt nước mắt. Tôi thấy hình như lúc này, chị nằm đó và ngừng các bài giảng của mình thì mới thấy hết anh yêu chị đến mức nào. Tôi xúc động đứng lặng và bỗng tôi muốn ôm, muốn tự tử hay chết để được Tấn ngồi bên tôi như thế kia…
Sau chuyện đó họ làm lành với nhau, ngạc nhiên hơn, một hôm chị mang đến cho tôi thiếp mời khẩn khoản: Nhất định phải có mặt. Kỷ niệm 5 năm ngày cưới nhưng cũng là ngày cưới lại. Hiểu không? Nghĩa là…
Tôi vội gật đầu lia lịa, cười: “Hiểu rồi! Hiểu rồi!” Tôi đoán anh chị làm lành nên kỷ niệm ngày cưới to chứ gì? Xuống đến phòng dự lễ tôi mới thực sự hiểu lời chị: chị mặc váy cưới cô dâu hồng. Anh Tấn mặc Complê cài hoa chú rể. Chị cười nói, e thẹn còn hơn cả cô dâu mới. Và tiệc cưới thì to hơn, sang trọng hơn mọi đám mà tôi đã dự. Tôi chợt nhớ lời chị: “Giờ đây, bọn mình hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn làm lại từ đầu”.
Tôi chỉ còn biết chúc mừng họ và thở dài: Có người khen chị xử sự cao tay, người bảo khoe của rởm, người lại chép miệng “Đáng thương”. Kệ họ, ma chê cưới trách mà.
Tôi mừng cho họ nhưng cũng thoáng buồn. Tôi ao ước một tình yêu như thế, một người chồng như vậy. Nhưng xung quanh mình, tôi chả tháy có ai như Tấn, không ai cả. Tôi tự thề sẽ không nghĩ vớ vẩn. Tôi cương quyết không ngóng nhìn anh nữa. Và thở phào “Thôi,lấy quách chồng cho xong”. Tôi bảo Lân và tôi bắt đầu thêu gối cưới cho mình. Lân mừng lắm. Các bạn tôi bảo “vớ” được Lân là trúng xổ số. Tôi dửng dưng:
- Số phận thôi!
Tôi cũng hiểu tôi như cái bồ sứt cạp còn Lân đẹp trai, trẻ trung, học thức. Nhưng sao tôi chả thấy mừng rõ hay hạnh phúc gì cả.
Áo gối của tôi còn chưa thêu xong thì vợ chồng Tấn ra tòa ly dị nhau. Một hôm, Nguyệt lạnh lùng bảo tôi:
- Đừng bao giờ tin đàn ông em ạ. Tử tế được ba bữa, ở nhà được mươi hôm rồi lại đi tối ngày. Không thiết vợ thì chỉ có là theo gái. Chị không thể chịu đựng được nữa.
Tấn thì lặng lẽ ngồi hút thuốc lá và nói rất thật:
- Anh không biết nữa. Anh đã cố gắng… Nhưng…
Tôi bảo:
- Chị ấy tuy thế nhưng rất tốt, rất yêu anh và rất đẹp.
Anh gật đầu:
- Anh biết. Nhưng anh không sao chịu đựng được mặc dù… Anh không yêu ai ngoài cô ấy.
Tôi hiểu rằng Tấn mê đắm vẻ mỹ mãn ở nhan sắc nhưng lại không chịu nổi sự tầm thường trong tâm hồn Nguyệt. Và đó là bi kịch của cánh đàn ông.
Ngôi nhà của họ ngăn đôi. Chị Nguyệt được tự do, lập tức có rất nhiều “vệ tinh” lượn quanh chị. Nhà lúc nào cũng nườm nượp khách khứa, đầy ắp tiếng nói cười. Nửa gian của Tấn thì đóng cửa im ỉm suốt. Anh đi làm. Đến bữa về ngại nấu anh đi ăn cơm bụi. Tôi đến với anh như một đứa em gái thân quen. Tôi lặng lẽ giúp anh thu dọn cửa nhà. Lúc đầu anh ngần ngại. Sau rồi quen, anh chấp nhận một cách tự nhiên. Tối tối, sau khi xong mọi việc, anh ngồi đọc báo. Nhưng tiếng nói cười bên kia tường làm anh khổ sở. Anh bỏ đi, hoặc bịt tai đóng chặt cửa đi nằm. Nguyệt thì đắc ý bảo: ở đời, người tốt với ta một, ta tốt lại gấp đôi. Còn đểu với ta một thì ta đểu gấp bốn.
Chỉ ba tháng sau, chị chính thức sống với một thanh niên trẻ kém chị năm tuổi, trai tân. Cậu ta kẻng trai, lịch sự thư sinh lắm. Chiều chiều cơm nước xong, cậu mợ khoác tay nhau đi dạo qua trước cửa, chị liếc nhìn vào. Hễ thấy Tấn, cười giòn nũng nịu ngả đầu vào vai chàng trai trẻ hoặc đưa hai tay cho chàng nắm như thể chị mới mười bảy tuổi. Những lúc ấy, Tấn đóng sập cửa, đổ gục xuống giường như cái cây bị đốn. Tôi bắt gặp bao nhiêu lần Tấn ngây dại nhìn theo chị. Có lúc tôi tưởng Tấn sẽ hoá điên hay sẽ thắt cổ tự tử. Tôi thấy đau đớn trong lòng như chính tôi bị thọc dao vào tim vậy. Chao ôi, sắc đẹp ở đàn bà có sức mê hoặc chết người làm sao?
Hôm ấy, Tấn ngồi bên bàn đăm chiêu. Tôi đi lại pha cho anh chén trà. Anh nhìn tôi với đôi mắt buồn bã đến nỗi không sao chịu nổi. Tôi đưa hai tay ấp lên bàn tay anh và khóc. Tấn xúc động vuốt nhẹ bàn tay bảo tôi :
- Em thật tốt.
Tôi mỉm cười:
- Em yêu anh.
Tấn không nói. Anh kéo tôi vào lòng hay tự tôi sà vào lòng anh không rõ. Khi cặp môi anh gần chạm môi tôi thì tiếng cười giòn tan của người đàn bà bên kia tường phá lên. Anh khựng lại như bị đạn bắn. Chúng tôi rời nhau. Anh đi lại cửa sổ lặng lẽ nhìn ra. Còn tôi lủi thủi ra về…
Mấy ngày sau tôi không đến với anh. Từ phòng mình tôi ngồi lặng ngẫm nghĩ mọi chuyện và dõi theo anh. Những lúc thấy anh đờ đẫn nhìn theo người đàn bà đẹp như tranh vẽ đang nói cười kia, tim tôi tan nát. Tôi thèm khát cái nhìn ấy biết bao. Tôi căm ghét cái thân hình béo lùn thảm hại của tôi. Giá như tôi có cái sẹo, vết chàm hay mũi tẹt tôi sẽ đi thẩm mỹ viện ngay. Đằng này cái thân hình tôi không thể đẽo gọt được. Tôi đau khổ và hy vọng. Có thể anh chưa yêu tôi, chỉ mong anh đừng xua đuổi tôi chấp nhận tôi rồi tình yêu sẽ nảy nở. Người đàn bà đẹp hấp dẫn tình yêu của người đàn ông từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng đẹp có phải đâu là tất cả. Tôi hy vọng. Đêm đêm tôi mơ tưởng đến anh nhiều lắm. Tôi hiểu rằng cả tôi và anh cần tránh xa người đàn bà ấy. Tôi quyết định nói cùng anh.
Đêm ấy, mưa lất phất bay, lạnh và buồn tê tái. Tôi không sao ngủ được. Ghé nhìn sang tôi thấy Tấn ngồi lặng lẽ nhìn mưa và hút thuốc. Tôi nhón chân đi lại đứng sau lưng. Tấn chậm chạp quay nhìn tôi. Trong mắt anh, không còn thấy sự sống nữa. Anh thì thầm:
- Anh xin lỗi.
Tôi bướng bỉnh nhắc lại như lần trước:
- Em yêu anh.
Tôi ôm mái đầu thân yêu như hằng đêm tôi khát khao tưởng tượng. Anh úp mặt vào ngực tôi, lịm đi. Có lẽ sau bao ngày bị dày vò đau đớn, giờ đây anh muốn gục ngã. Tôi run lên hôn như mưa khắp mặt anh. Chúng tôi cùng nhau qua những phút giây êm ái nhất…
Tôi giật mình sực tỉnh. Bên kia tường, một tiếng thét the thé vọng sang:
- Đồ đểu. Cút đi. Cút ngay… Con đĩ.
Tiếng loảng xoảng, tiếng phụ nữ hổn hển tru tréo:
- Anh đi ngay khỏi nhà tôi. Nhà tôi không phải nhà thổ…
Tiếng đàn ông ấp úng:
- Bình tĩnh nào… Từ từ… Nguyệt… Sao em lại về hôm nay?
- Xéo ngay… Đưa chìa khóa tủ của tôi đây!
Có tiếng đùn đẩy. Gã đàn ông bỗng nổi xung:
- Cô câm đi! Dại giai thì chết. Tôi không ở không công cho cô…
Có lẽ hắn đánh Nguyệt. Tiếng Nguyệt khóc hu hu như một đứa trẻ bị ăn hiếp.
Tấn bật dậy nhào khỏi giường. Tôi muốn níu anh lại nhưng không kịp. Tôi khoác vội lên người cái áo của anh và ra theo…
Tôi thấy họ đang ôm cứng lấy nhau. Nguyệt úp mặt vào ngực Tấn khóc rưng rức. Còn anh đang xiết chặt Nguyệt trong vòng tay khoẻ mạnh của mình. Nét mặt anh vừa buồn vừa vui vừa đau thương vừa hạnh phúc. Tôi lao đầu chạy biến vào màn mưa đêm ấy. Không ai gọi tôi lại. Tôi cần chạy thật xa họ. Tôi bỏ ngôi nhà có cái gối đang thêu dở. Tôi rời Nam Định với một chiếc áo khoác đàn ông, một kỷ niệm và một cõi lòng tan nát.
Kia rồi, quầy hàng cũ. Giờ đây, nó đã thành một cửa hàng to lớn. Những cô nhân viên trẻ xinh đẹp tất bật đi lại. Tôi bỗng thấy chân mình líu ríu, tim nhói lên như vừa chạm phải cái dằm găm trong đó. Chợt một chiếc xe Dream xịch đỗ bên tôi. Một cặp vợ chồng đứng tuổi từ trên xe bước xuống.
Từ trong nhà, một cô bé chừng năm tuổi xinh đẹp nhí nhảnh chạy ra níu lấy cổ người đàn ông líu lo. Người đàn ông vừa tươi tỉnh vừa nhanh nhẹn đẩy xe vào và trả lời con gái. Còn người đàn bà đẹp lộng lẫy chỉ mỉm cười ý nhị duyên dáng mà không nói. Nếu không phải là người đã từng sống với họ bao năm thì có lẽ tôi không nhận ra Tấn và Nguyệt. Vẫn hình hài ấy, nhưng sao họ như biến thành những người khác hẳn. Tấn vui vẻ trẻ trung còn Nguyệt thì ý nhị đằm thắm tự bao giờ. Tình yêu đã hoàn thiện họ.
Tôi trở ra, lặng lẽ nhìn đi nơi khác. Dù sao, lòng tôi cũng thấy thanh thản nhẹ nhõm hơn. Tôi đã không phá vỡ một gia đình hạnh phúc.
Nam Định vẫn mưa đêm!.
Nguyễn Thị Tuyết
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...