Thái sư, Tuy Thạnh Quận công
Trương Đăng Quế 3
Nhưng mộng cũng chỉ trong một giây một lát, nhiều lắm một đêm là cùng. Vì thế nỗi buồn của ông không thể nào giải thoát được. Càng về sau đến cuối đời nỗi buồn của ông đã lên cao chất ngất. Nếu trước ông chỉ buồn về cảnh tranh giành địa vị quyền lợi thì sau ông lại càng buồn thêm cảnh thù trong giặc ngoài nổi lên khắp nơi. Cái chế độ mà ông hết lòng phò tá và cố công xây dựng những tưởng sẽ đạt tới thạnh trị cơm no áo ấm hạnh phúc cho nhân dân nhưng không, cái chế độ ấy mỗi lúc một lún sâu vào đường cùng bế tắc. Đến nỗi cuối đời ông phải ngửa cổ lên trời than:
Phiêu phiêu kỳ tâm
Du du thùy tư
Trầm tư uất kết
Nhi vô kiến thì
(Hữu tửu)
Dịch:
Mênh mang lòng ta
Nghĩ gì vời vợi
Ưu sầu uất kết
Sao không gặp thời
(Trần Văn Thận dịch)
Rõ ràng nhìn ông, ai cũng tưởng một ông quan mũ cao áo dài, công danh tột bực ấy chắc hẳn được hạnh phúc lắm. Nhưng ngược lại, cả cuộc đời ông là một trường thiên bi kịch. “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Cả cuộc đời ông luôn luôn ước vọng nhân dân hạnh phúc, xã hội thái bình thịnh trị nhưng đường càng đi càng dài, ông không tìm được một chút ánh sáng le lói nào ở cuối đường hầm. Từ lúc cáo hưu (1863) cho đến lúc mất (1865), tình thế đất nước vô cùng nan giải: Pháp tấn công Gia Định, Định Tường, Biên Hòa... Triều đình thất bại phải xin hòa và ký nhường Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản đi Pháp thương lượng chuộc lại ba tỉnh nhưng không được. Tình hình đất nước càng ngày càng rối rắm và đi vào chỗ bế tắc.
Thơ Trương Đăng Quế cũng giống như con người Trương Đăng Quế có tính tự nhiên, chân thành, chất phác, đôn hậu và rất cảm xúc.
Qua Học văn dư tập, chúng ta đã nhận thức được sự biểu lộ tình cảm của tiên sinh đối với những thực tại khách quan. Sự biểu lộ này đã nói lên được bản ngã đặc biệt của một con người thuộc tầng lớp trên nhưng đồng thời cũng mang những nét đặc thù của một thi nhân, một nghệ sĩ.
KẾT LUẬN
1. Giá trị tổng quát về học phong:
Trương Đăng Quế để lại một sự nghiệp văn học tương đối lớn. Ông viết đủ mọi lãnh vực. Về sử học ông có các công trình sử học cấp nhà nước như: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Hoàng Việt hội điển toát yếu. Về văn học ông có các tập thơ như: Học văn dư tập, Giang Đình Yến tập [1], tập văn như: Quảng Khê Văn tập, Nhật Bản kiến văn lục (bút ký) và các bài giảng, các luận văn nghiên cứu phê bình văn học gồm Thi học, Truyện học, Sử học, Giáp Thìn khoa điện thí văn, Diệu Liên tập lam bình v.v...
Trong bài tựa cuốn Quảng Khê Văn Tập được khắc in năm Tự Đức Quí Dậu (1873), Đặng Huy Trứ có viết: “Theo lời Trương Quang Đản là người con thứ hai của Trương Đăng Quế thì thân sinh ông làm thơ văn khá nhiều nhưng” tùy tác tùy khí “nghĩa là làm xong thì vất đi, không có ý cất giữ lưu danh. Số tác phẩm được đưa vào Quảng Khê văn tập chỉ là chiếc lông của con hổ, đốm hoa trên mình con báo mà thôi”.[2] Theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì “Trương Đăng Quế thuở nhỏ có tiếng văn giỏi”, còn trong Vỹ Dạ hợp tập, Tuy Lý Vương có viết: “Lúc mới ra đời tiên sinh có vẻ khôi ngô khác thường... Tiên sinh lấy sự nghiệp cao cả làm bề thế cùng cái học sâu rộng như Nga hồ, Lộc động, thơ văn như Xương Lê, Lư Lăng tìm đến nghìn xưa cũng hiếm thấy”. Với tài học thức uyên thâm của ông, mọi người đều mến phục. Tùng Thiện Vương viết: “Trương Đăng Quế đêm đêm nghiền ngẫm kinh điển từ tốn sâu sắc như tằm ăn dâu... Khi lãnh việc giảng dạy nơi cung đình tiên sinh được người đời khen tài nhớ kỹ khác nào An Thế thuộc nằm lòng ba rương sách Hà Đông năm xưa”.[3]
Về thi tài của ông, những người đương thời rất hâm mộ và đánh giá rất cao. Phan Thanh Giản viết: “Tài học bao la, thi từ xem là sức dư... Tiên sinh nổi tiếng giỏi văn học, không sách nào là ngài không đọc, nhưng sở trường của ông là thơ ca. Ở chốn kinh kỳ dầu kẻ biết hay không đều nói rằng: tiên sinh là tiêu biểu cho các bậc tao nhã văn chương. Trong lúc các quan lại cao sang cùng nhau hội họp bàn luận chính trị thơ phú giao ước thì tiên sinh giữ vai trò chủ trì”[4]. Đọc tập thơ Học văn dư tập, Phan Thanh Giản còn cho biết: “Người đời Tống có câu rằng: Thăm ngọn núi đẹp phải lên đến tận đỉnh, di tích linh ứng mà chẳng biết tên thì kẻ đi dạo phong cảnh đẹp còn để hận về sau huống nữa còn to lớn hơn vậy đó. Về phần tôi được đọc Học văn dư tập của ngài Trương Diên Phương tự lấy làm may mắn, không ngờ đọc mãi chẳng biết mỏi mệt”[5]. Đọc thơ ông, Tùng Thiện Vương nhận xét: “Yếu chỉ ở nơi tiên sinh nổi bật nét đôn hậu qua các thiên thơ lời lẽ nghẹn ngào ghi nỗi rung cảm trong niềm quyến luyến nhuần thấm ơn mưa móc dâng tạ đấng bề trên đã đoái tưởng ai cũng thấy rất gay go, riêng với tiên sinh phát ra uyển chuyển tự nhiên. Nếu không do sở học tinh mật thì làm sao tiếp giáp được ngọn nguồn sau trước khiến kẻ trọng văn phải lúng túng khó thảnh thơi”[6].
Qua các lời lời nhận xét của các bậc tiền bối đã dẫn trên đây, chúng ta thấy rằng quả thật Trương Đăng Quế là nhà thơ có tài. Mặc dù sống trong cảnh quan to chức lớn “mũ cao, áo dài” nhưng tâm hồn ông thoát khỏi sự câu thúc chật hẹp để hòa mình vào cuộc sống đại chúng, cảnh vật thiên nhiên và tình nghĩa bạn bè gắn bó. Tâm hồn ông đã tổng hợp và dung hòa được các tư tưởng Phật, Lão, Nho nên ở ông vừa mang bản ngã nho sĩ vừa mang bản ngã nghệ sĩ. Tuy kiến thức uyên bác và sở học vững chắc nhưng thơ ông không rơi vào chỗ đẽo gọt, mài dũa trau chuốt có tính chất kinh điển. Thơ ông hết sức tự nhiên, giản dị thuần phác mộc mạc chân quê. Đọc thơ ông người đọc bắt gặp một tâm hồn đằm thắm rất dễ cảm xúc và hết sức chân thực. Đúng như lời ông đã từng bộc bạch trong lời nói đầu của tác phẩm Học văn dư tập: “Thơ đối với tôi lúc nhỏ không có thầy dạy, chỉ do tôi ham thích mà làm, không phải bắt đầu, không phải tiếp nối không có mẫu mực khuôn phép, gặp việc gây cảm hứng, đối diện với cảnh vật mà thành bài ngâm vịnh, chỉ biết diễn tả tính tình, không phải muốn mượn thơ làm cho mình nổi tiếng”. Ông còn cho rằng: “Thơ chung qui không ra ngoài hai chữ tánh linh là yếu tính từ xưa của thơ cho nên dẹp hết các lời sáo hủ, chẳng dựa bên cửa người khác, ý đã đến thì ngòi bút theo đó mà diễn tả ra”.
Mặc dù là quan cai trị nhưng tiên sinh không hẳn là con người cằn cỗi khô khan của giáo điều luật tắc, trái lại tư tưởng của ông rất phóng khoáng phiêu dật và tình cảm rất đậm đà, thân mật, ướt át. Ưu điểm ấy của tiên sinh chúng ta ít thấy có ở các vị quyền quý cao sang.
Vì thế học phong của tiên sinh rất đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và trân trọng.
2. Giá trị tổng quát về đạo phong:
Đọc thơ tiên sinh người đọc còn thấy tiên sinh là mẫu người cẩn trọng có đầy đủ phẩm chất “tu, tề, trị, bình”. Đối với bản thân, ông rất khắc kỷ và luôn cố gắng trau dồi học tập để tự nâng mình lên. Trong bài tựa tác phẩm Học văn dư tập, ông cũng đã nói “... thơ đối tôi lúc nhỏ không có thầy dạy...”. Đến khi làm quan, ông cũng tự nỗ lực là chính. Giáo sư sử học người Nhật Yoshiharu Tsuboi cũng đã viết về ông như sau: “Dù là con một tri phủ thời Tây Sơn kẻ tử thù của triều Nguyễn, Quế vẫn tham gia được vào chính quyền thời Gia Long bởi vì lúc bấy giờ tân triều thiếu quan lại giỏi”[7]. Đối với quê hương, gia đình cha mẹ, anh chị em, vợ, con cháu, bạn bè ông rất mực quí trọng. Tình cảm ấy được biểu hiện rất đậm đà thủy chung son sắt. Là một vị quan to sống ở kinh thành đô hội nhưng không bao giờ ông cho đó là điều vinh dự mà lúc nào cũng nghĩ mình cô độc lẻ loi chiếc bóng ở nơi đất khách tha phương. Ông luôn hướng về nơi chốn quê có mái nhà tranh vách đất với tình nhà nghĩa xóm.
Bên cạnh đó, tiên sinh còn những xúc động sâu xa về nhân tâm
thế đạo. Tác giả thương cho người vợ bị chồng bỏ, thương cho những cô gái ở chốn
thanh lâu, thương cho cô gái một mình lang thang bên bờ sông đêm mưa gió... Thi
ca của ông vì thế thiên về cái buồn nhiều hơn. Điều đó làm nên giá trị nhân bản
trong thơ.
Nhận định về thơ Trương Đăng Quế, Giáo sư - anh hùng lao động Vũ Khiêu có viết: “Về Trương Đăng Quế, tôi đã đọc hết 244 bài trong Học văn dư tập. Thơ ông rất sâu sắc về nội dung, chặt chẽ về hình thức, tràn đầy tình yêu Tổ quốc và đạo lý làm người, đặc biệt là từ tấm lòng của ông với quê hương Quảng Ngãi”[8].
3. Vị trí của Trương Đăng Quế trong văn học sử:
Tác phẩm Học văn dư tập đã chứng tỏ Trương Đăng Quế là nhà thơ có tài. Tác phẩm của ông cùng với những tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, Phạm Quý Thích, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Tương An Quận Vương, Mai Am, Huệ Phố, Phan Thanh Giản v.v... làm nên diện mạo của một thời cực thịnh về thi ca chữ Hán của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX.
Thế nhưng, một số nhà nghiên cứu văn học sử khi viết biểu đồ liệt kê tác giả và tác phẩm từ xưa cho đến nay đã bỏ sót Trương Đăng Quế với tác phẩm Học văn dư tập.
Thế giới thi ca của Trương Đăng Quế rộng lớn nhưng hãy còn bỏ ngỏ. Cuốn sách này chỉ là một đóng góp nhỏ nhặt để giới thiệu Trương Đăng Quế với tư cách là nhà thơ nên chưa đi sâu vào được toàn diện những điểm đặc sắc của thơ ông. Chúng tôi chỉ mới làm công việc bước đầu nghiên cứu về thơ Trương Đăng Quế. Chúng tôi hy vọng rồi đây sẽ có những bậc cao minh dày dạn kinh nghiệm sẽ nghiên cứu về thơ của ông một cách đầy đủ hơn.
PHỤ LỤC
HÀ NỘI HOÀI CỔ, THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ - HAI BÀI THƠ MỘT TÂM HỒN
Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội là những tên gọi khác nhau của Thủ đô. Nơi ấy đã trở thành trái tim, thành nơi văn vật tiêu biểu nhất cho cả nước. Từ xưa đến nay rất nhiều nhà thơ viết về Thăng Long - Hà Nội. Người đọc ít ai không biết đến bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Gần đây nhân đọc tập thơ Học văn dư tập của cụ Trương Đăng Quế khắc in năm Tự Đức thứ 10 (1857). Tập thơ được Tùng Thiện Vương xem là “Các viên ngọc châu điểm dưới cổ ly long” (Ly long chi di châu). Còn cụ Phan Thanh Giản thì cho biết “đọc mãi mà chẳng biết mỏi mệt” (bất giác lưu liên vong quyện dã). Tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc bài thơ Hà Nội hoài cổ (HNHC). Đó cũng là cách tìm góp một chút hương xưa cho lễ kỉ niệm một nghìn năm thủ đô Thăng Long sắp tới.
Nếu căn cứ vào năm đỗ đạt và thời gian làm quan của
ông Lưu Nguyên Ôn chồng Bà Huyện Thanh Quan thì ông Trương Đăng Quế thuộc thế hệ
trước nên bài Hà Nội hoài cổ (HNHC) có trước bài Thăng Long thành
hoài cổ (TLTHC). Bài TLTHC thì nhiều người đã biết nên tôi không
chép dẫn ra đây, còn bài HNHC
Nguyên tác:
HÀ NỘI HOÀI CỔ
Nhàn kiểm An Nam cựu địa đồ
Thăng Long tự thị cổ danh đô
Phồn hoa sự vãng văn nhân thuyết
Phong cảnh kim lai giảo hướng thù
Hữu quốc thiên niên thành tụ hội
Di cơ kỉ xứ kiến hoang vu
Thao thao Nhị thuỷ lưu hà cấp
Ngã ái thành tây Trúc Bạch hồ
Bản dịch:
NHỚ XƯA HÀ NỘI
Lần xét An Nam trọn địa đồ
Thăng Long ngày ấy tiếng danh đô
Phồn hoa chuyện trước nguyên truyền lại
Phong cảnh thời nay khác điểm tô
Nước cũ ngàn năm nên tụ hội
Nền xưa mấy chốn hóa hoang vu
Nhị Hà cuồn cuộn về đâu gấp
Ta mến thành tây Trúc Bạch hồ.
(Trương Quang Gia dịch)
Hai bài thơ đều hướng về Hà Nội xưa nhưng thể hiện hai cái nhìn, hai vị thế, hai tâm trạng khác nhau. Bà Huyện thể hiện cái nhìn, cái đau của người “trong cuộc”. Thăng Long đối với bà là nơi chôn nhau cắt rún. Kinh đô Thăng Long một thời huy hoàng tráng lệ, sầm uất thế mà giờ đây đã trở thành nơi hoang tàn phế tích. Cảnh ấy không đau đớn chua xót với người con của mảnh đất Thăng Long sao được. Còn Trương Đăng Quế sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi dải đất của miền trung đất nước. Cha là Trương Đăng Phác tri phủ, chú ruột là Đô Đốc Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ. Cả hai đều là quan tướng triều Tây Sơn. Vua Quang Trung không đặt kinh đô ở Thăng Long nữa mà đặt ở Phú Xuân (Huế). Bản thân Trương Đăng Quế lớn lên thi cử đỗ đạt làm quan cho nhà Nguyễn, kinh đô nhà Nguyễn cũng đặt ở Huế. Nói như thế để thấy cái hoài cổ về Hà Nội của Trương Đăng Quế mang tính “khách quan” hơn. Ông yêu Hà Nội như mọi người Việt Nam ở mọi miền đất nước hướng về miền đất thiêng của Tổ quốc. Nếu mở đầu bài TLTHC, Bà Huyện trách móc tạo hoá gây ra làm chi cái cảnh đời như sân khấu hết diễn trò này đến trò khác thì mở đầu bài HNHC, tác giả không nhìn trực tiếp cảnh để mà chua chát trách móc như bà huyện mà cứ như từ từ trong tư thế nhàn rỗi đem bản đồ cũ của nước An Nam ra ngẫm nghĩ, xem xét thì thấy Thăng Long từ xưa là một kinh đô nổi tiếng... Từ cái xuất phát điểm không giống nhau ấy, đi sâu vào bài thơ, cả hai cách thể hiện cũng khác nhau. Nếu Bà Huyện nhìn trực tiếp và tả tỉ mỉ thấy dấu xưa xe ngựa, thấy cỏ mọc hoang vu, thấy nền cũ lâu đài bỏ hoang, thấy đá nằm trơ vơ hiu quạnh, thấy mặt nước hồ vẫn còn gợn sóng... mà đau lòng, thì Trương Đăng Quế bằng cái nhìn, cái nghe gián tiếp nên ông không tả tỉ mỉ, chỉ tả chung chung “nghe người đời truyền lại Hà Nội chốn ấy một thời phồn hoa đô hội, ngày nay đã trở thành hoang vu”. Cái hay của bài TLTHC là tâm trạng xót xa đau đớn trước cảnh ấy tình này, cảnh sao tình vậy. Còn cái hay của bài HNHC là thiên về lý trí nhiều hơn, từ chỗ ngẫm nghĩ suy xét xưa và nay, xưa nổi tiếng chốn phồn hoa đô hội nay hoang vu, tiếp đến tác giả nêu lên ý tưởng mang tính nhận xét là muốn có đất nước thịnh vượng ngàn năm thì cần phải tập trung phát triển Hà Nội lên. Bài thơ được kết thúc bằng hai câu thơ tuyệt hay vừa có chất trí vừa có chất tình: Thao thao Nhị thuỷ lưu hà cấp/ Ngã ái thành tây Trúc Bạch hồ. Thơ xưa nói chung thường mượn ngoại cảnh để diễn đạt nội tâm, ở đây cũng vậy Trương Đăng Quế mượn dòng nước sông Nhị Hà để diễn tả tâm trạng của mình. Dòng nước chảy cũng giống như thời gian trôi qua nhưng lòng mình không sao quên được Hà Nội. Dòng nước chảy “cuồn cuộn” (thao thao) hay lòng mình cuồn cuộn xót xa, đau đáu về quê hương đất nước. Giống như Nguyễn Trãi cũng có một tấm lòng cuộn cuộn như thế: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Trương Đăng Quế còn hạ bút viết hai chữ “Ngã ái” độc đáo. Đây cũng là điểm mới trong văn học cổ. Văn học trung đại thường ít đề cập đến cái tôi chủ thể có tính cá nhân. Có người còn gọi văn học trung đại là văn học có tính phi ngã. Thế mà tác giả khẳng định “cái tôi” một cách chủ động đường hoàng. Tôi yêu, tôi mến “tôi yêu thành tây Trúc Bạch hồ”. Có ai ngờ một ông quan phụ chánh đại thần, hàm đến Thái sư cũng có câu thơ thể hiện đầy đủ chất nghệ sĩ, chất trữ tình bay bổng có khác chi thơ mới bây giờ.
Hà Nội hoài cổ, Thăng Long thành hoài cổ hai bài thơ nhưng một tâm hồn, tâm hồn yêu quê hương đất nước hướng về Hà Nội. Tìm tòi giới thiệu những bài thơ cổ hay viết về Hà Nội, tôi cũng muốn góp phần tìm về với vẻ đẹp xưa cùng với những tâm hồn yêu Hà Nội ấy.
CHUYỆN TÌNH LÃNG MẠN CỦA THÁI SƯ TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
Thái Trọng Lai [9]
I/ Vài nét về Thái sư Trương Đăng Quế (1793-1865)
Ông người làng Bình Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão 1819, ông đi trọn đời quan đến chức Cần chánh điện Đại học sĩ (chánh nhất phẩm) tước Tuy Thạnh Quận công. Ông từng là Phụ chánh đại thần cả hai triều Thiệu Trị, Tự Đức. Nhiều lần ông được giao nhiệm vụ “vượt cương vị” như chủ khảo tuyển học quan cho Quốc tử giám (1836), Chủ khảo thi Hội (1835, 1838), Độc quyển thi Đình (1832, 1838, 1841, 1848). Ông cũng là Tổng tài tu chỉnh các tác phẩm của vua Thiệu Trị như Hội tập chỉ thiện đường, Thiệu Trị văn quy... Sự tín nhiệm đó chứng tỏ ông là người có thực tài. Ông được ban kim khánh Tam triều thạc phụ (cha lớn ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Với thực dân Pháp, ông bị chúng coi là “kẻ cầm đầu phe chủ chiến mù quáng” (Thư công vụ của Phó Đô đốc Bonard gửi Bộ ngoại giao Pháp ngày 14.1.1863) đúng vào lúc ông sửa soạn trí sĩ ở tuổi 70. Ông mất tại quê nhà năm 1865, được phong tặng chức Thái sư. Về văn học, ông để lại tập thơ Học văn dư tập do Mặc Vân thi xã in vào năm Tự Đức 10 (1857) gồm 244 bài thơ thuộc nhiều thể loại: nhạc phủ, trường thiên, thơ luật có giá trị văn học rất đáng trân trọng. Bài Đoan dương tiết trong tập thơ trên ghi lại cuộc kỳ ngộ đầy lãng mạn thời ông mới đến làm quan ở Huế khoảng năm 1820:
ĐOAN DƯƠNG TIẾT
Khách trung nhật vân mại
Yểm hốt phục lưu liên
Dĩ thất xuân hòa hú
Chuyển đáo viên nhiệt thiên
Nhân vị Đoan dương tiết
Ngã thị chi mạc nhiên
Thần khởi tỉnh ngoại nhàn
Đạo lộ tương huyên náo
Nhân tranh mãi vật khứ
Ngọ lai quy tự tiên
Thời hữu mại hoa nữ
Trí từ ư ngã tiền
Tử hồ bất mãi hoa
Độc tọa thùy song kiên
Nhân sinh quý thích chí
Nhật nguyệt bất ngã diên
Mặc mặc quý thử ngôn
Thám sách nang trung tiền
Vị cừ mãi nhất biện
Trí chi ngọa sàng biên
Thanh hương phốc nhân tị
Hoảng nhược tọa hoa diên
Xuân khứ dĩ đa thì
Niệm thử hoàn tự liên
Dịch thơ:
TẾT ĐOAN NGỌ
Sống lâu ngày đất khách
Vấn vương quả bất ngờ
Xuân đi tự bao giờ
Hè nắng nôi khá rõ.
Người bảo “Tết Đoan ngọ”
Ta chẳng chút xôn xao
Sáng dậy ra ngoại ô
Quang cảnh thật ồn ã.
Người lấn chen hối hả
Mua lễ cúng ông bà.
Có cô gái hàng hoa
Mời chào ta niềm nở:
-“Răng nỏ mua bông nợ?
Ngồi một chắc xụi lơ?
Ngày tháng mô có chờ?
Phải sống răng cho sướng!”
Ta cảm thấy ngường ngượng
Khoắng túi moi tiền ra.
Mua cô nàng chuỗi hoa
Về treo bên giương ngủ
Hương thanh sực nức mũi
Rõ như ngồi tiệc hoa.
Xuân quả thật đã qua,
Lần chuỗi hoa còn tủi...
(Ngô Văn Lại dịch)
Mối tình lãng mạn ở đây rất giàu tính hiện thực, hình thành theo trình tự tiệm tiến khá logic về cả ngoại cảnh lẫn nội tâm.
Viên quan trẻ họ Trương về ngụ chốn kinh kỳ xa lạ đã hơi lâu (khách trung nhật vân mại) nhưng vẫn chưa quen nổi không khí nô nức vui Tết Đoan ngọ của người Huế, đồng thời ông cũng phần nào cảm thấy... “bén hơi” Huế, cảm thấy mình bị “dụ dỗ” có phần hơi sớm (Yêm hốt phục lưu liên). Đang lừng khừng do chưa thật thích ứng nhưng cũng bớt phần dị ứng. Viên quan trẻ bèn rong chơi ngoại ô để tránh không khí vô vị ở nhà khách Kinh để nơi quan xa về trọ.
Ở ngôi chợ ven đô nọ, bất chợt ông phát hiện có cô hàng hoa xinh đẹp, thế là ông ngồi thụp ngay trước mặt nàng (để tránh vành nón Huế chắn tầm chiêm ngưỡng?). Đúng lúc đó nhi thần tình ái Cupidon đã kịp buông mũi tên thiêng sấm sét.
Cô hàng hoa như bạo dạn hẳn lên, ướm lời bằng ngữ cách khá độc đáo khiến người khách lạ không khỏi xao xuyến. Nàng vận dụng ngay mấy câu thơ khuyến học của người xưa lồng ghép cho tình cảnh người nay (Nguyên văn: Vật vị kim nhật bất học nhi hữu lai nhật -Vật vị kim niên bất học nhi hữu lai niên - Nhật nguyệt thệ hĩ! Tuế bất ngã diên. Ô hô! lão hĩ - Thị thùy chi khiên? Tạm dịch: Đừng bảo hôm nay không học mà có hôm sau. Đừng bảo năm nay không học mà có năm sau - Ngày tháng trôi qua - Tuổi chẳng đợi ta - Hỡi ôi! già rồi! -Tội ai gây ra?) Cô hàng hoa khéo “nắn” lại mấy câu ấy dùng vào việc gợi ý chàng trai lạ hưởng ứng với mình chủ nghĩa sống vội theo sở thích (Nhân sinh quý thích chí - Nhật nguyệt bất ngã diên) nghe khá thuyết phục! Ứng xử cùng tiếp thị như thế, ngay đến tiên nữ Đào Nguyên còn phải kém xa. Đã thế cô ta chẳng những quen “bện hoa” để bán “hoa biện” mà còn “bện lời” (loài “hoa” quí giá hơn!) để tiếp thị nữa, bằng cớ là hai câu thơ của người xưa “Nhật nguyệt thệ hĩ! Tuế bất ngã diên” đã được cô ta “bện” thành một câu gọn ghẽ” nhật nguyệt bất ngã diên nghe dồn dập thôi thúc hơn. thông tuệ và mẫn tiệp đến thế thì viên quan trẻ nọ khó có thể thờ ơ với Tết Đoan dương như lúc ban đầu được nữa. Vừa “ngây vì tình” đã phải “say vì nết” rồi thêm “cảm vì tài”! Thế là hai tinh cầu xa lạ nọ đã tìm được “quỹ đạo chung” trong khung trời tình ái! Viên quan trẻ bèn mua một chuỗi hoa với lí do duy nhất là... vì nàng! (Vị cừ mãi nhất biện). Đã thế ông ta lại còn mang chuỗi hoa ấy về treo cạnh giường ngủ (Trí chi ngọa sàng biên). Cách làm quả là không bình thường nhưng lại chẳng hề khó hiểu chút nào! Rồi mùi hương thanh khiết của hoa xộc sâu tận đáy mũi (cộng với sức tưởng tượng phong phú của khách đa tình?). Thế là chiếc giường ngủ nọ bỗng chốc hóa thành... tiệc hoa (và gì gì nữa?).
Đang đê mê trong cõi mộng của tình yêu, bất chợt thi nhân rơi xuống cõi thực của đời mình: “Chết thật! Nay đã là Tết Đoan dương mất rồi! Mùa xuân đã đi qua từ lâu...” để rồi trong chuỗi liên tưởng rất đỗi xót xa, viên quan trẻ họ Trương xét thấy không thể cho phép mình lưu luyến “lòng xuân” được nữa! (kể ra ta đã hăm tám tuổi rồi còn gì! Sự nghiệp chỉ mới là Hành tẩu- ngạch quan tập sự - chứ nào đã đâu ra đâu?). Cuối cùng ông đành ngậm ngùi chấp nhận “chuyển đáo viêm nhiệt thiên” cụ thể là phải “dọn mình” để đón nhận vô số công vụ căng thẳng, nặng nề. Tính ẩn dụ ở đây mới thực thụ giữ vai trò chủ đạo cho ý tưởng.
Lập trường đã được xác định, viên quan trẻ họ Trương dành cầm chuỗi hoa kia, trân trọng như bậc chân tu cầm tràng hạt, chỉ khác là khi lần tràng hạt (niệm châu) bậc chân tu toàn tâm, toàn ý hướng về giáo chủ, còn viên quan trẻ nọ thì gởi trọn hồn mình cho cuộc kỳ ngộ khi “niệm thử”. Chuỗi hạt của Phật gia có đánh dấu ngừng niêm (bằng vài hạt nhỏ hơn hoặc bằng nút nối dây xâu), còn chuỗi hoa của viên quan trẻ họ Trương thì không đánh dấu như thế nên rất có thể ông đã “niệm thử” như vậy (trong lòng mình?) đến suốt phần đời dài còn lại. Điều đáng cảm phục chính là ở nghị lực phi thường để giữ cân bằng cho phần nửa chung tình, phần nửa phụ tình tồn tại chung khá lâu dài nơi tâm khảm như vậy.
Toàn bộ chất lượng thực sự của bài thơ lại là phần nằm ở... ngoài lời. Về mặt nghệ thuật, chính đấy mới là thước đo tài hoa.
Toàn bài không hề có một chữ nào tả cái nhan sắc gây choáng của cô hàng hoa chốn chợ quê nhưng cái tư thế “Độc tọa thùy song kiên” của viên quan xứ Quảng đã thú nhận trung thực ngất ngây trước nhan sắc. Cũng không có một lời nào nhắc đến mối tình ngậm ngùi giữa họ nhưng gẫm ra Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, lạc Đào Nguyên toàn là chuyện xảy ra trong Tết Đoan dương đấy thôi? Mà hoa đào dù có ở tận nguồn đào (Đào Nguyên) đâu đã chắc gì có được “Thanh hương phốc nhân tị” để người ta có cảm giác thoang thoảng mãi hương xưa.
Tác giả cũng không hề nhắc tên ngôi chợ mà mình đã gặp “tiên”, thế nhưng có lẽ người đọc khó cưỡng lại sự xác định đó là chợ Kim Luông (nằm phía tây kinh thành Huế) và liên tưởng câu ca bất hủ:
Kim Luông có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi...
mặc dù câu ca ấy ra đời sau cuộc kỳ ngộ kia ngót
tám mươi năm!
Điều thú vị hơn nữa là bản tính họ Trương vốn rất ghét Tết Đoan dương. Trong lần hành quân dẹp giặc Mường, ông có làm bài thơ về Tết này:
ĐOAN DƯƠNG
Năm có ba trăm sáu chục ngày,
Mồng năm cũng vậy, có gì hay?
Đua thuyền người Sở bày nên tục,
Bắt chước nghìn đời thương xót vay
Lam chướng đang cầm chân tướng sĩ
Lẽ nào riêng tính chuyện vui say?
Thư phòng ngồi lặng ngăn quan khách
Đoan ngọ cấm ai đem giãi bày.
(Ngô Văn Lại dịch theo nguyên tác trong Học văn dư tập)
Với bài Đoan dương, Trương Đăng Quế đã ghét Tết mồng năm tháng năm đến mức chẳng ai ghét bằng! Phải là một tâm hồn thật bao la mới có thể cùng một lúc nạp được cả cái “cái ghét phi thường” ở chung với “cái nhớ phi thường” như thế. Chính tính cách ấy đã làm cho ông trở thành người cha lớn của quan lại ba đời vua (Tam triều thạc phụ) khiến cho những kẻ tiểu nhân đem lòng đố kỵ bày đủ trò đơm đặt bất chấp cả logic tối đơn giản về cuộc sống.
Bài Đoan dương tiết toát lên tài năng trong thi
ca lẫn bản lĩnh đại thần trong thời cuộc. Với tài năng thi ca, tình
yêu phải là thứ “thanh hương” phải “ý tại ngôn ngoại”. Với bản lĩnh đại thần thời
cuộc, tình yêu phải là thứ “kính nhi viễn chi” quyết không buông mình dễ dãi mà
phải đặt nó sau trách nhiệm và bổn phận, nhưng nhất thiết không thờ ơ với rạo rực,
khát khao đầy đủ tính người. Nói cách khác, đối với bản lĩnh đại thần thì quả
tim phải nằm ở vị trí bên dưới khối óc, đúng theo nguyên tắc cài đặt của tạo
hóa bố trí cho con người... (Đừng tưởng rằng các triết gia Hy Lạp... thả nổi sự
suy nghĩ của họ khi thể hiện thần Ái tình Cupidon bằng cậu bé có cánh, lại sẵn
cung tên, còn người La Mã thì giao việc... quản lí Ái tình cho Tửu thần Bacchus
kiêm nhiệm chứ không phải là một vị thần chuyên trách.
(Bài đã được đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 536 ra ngày 01. 07. 2005)
NHÂN CÁCH TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
Trương
Quang Cảm
1. Trong quan hệ vua tôi của chế độ phong kiến thì vua là cao cả trên hết, còn bề tôi là phải thấp bé. Cho nên bề tôi khi tâu với vua, lúc nào cũng phải xưng mình là "hạ thần", "ngu thần"... Đó không phải là đức khiêm tốn mà là khuôn khổ trật tự của xã hội phong kiến, xưa bày nay làm. Nói đến khiêm tốn là nói đến cách cư xử trong quan hệ đồng nghiệp, bạn bè và những người chung quanh. Trong cuộc sống nhiều người tiếc một lời khen cho người khác, mà cứ tự cho mình là tài giỏi, làm thành tích báo công cá nhân của mình sao cho thật dài cho thật “kêu”. Trong đời làm quan, Trương Đăng Quế không bao giờ tự cho mình là người tài giỏi hơn người. Tâu với vua, (lưu ý vua là người quyết định cất nhấc chức tước) ông luôn đề cao người khác và cho rằng mình không bằng họ như: "Thần ngày thường tự biết là làm chính sự không bằng Đặng Văn Thiêm, văn học uẩn súc không bằng Phan Thanh Giản, siêng năng không bằng Lâm Duy Thiếp, chất phác không bằng Tôn Thất Thường" (tâu năm 1855 - Đại Nam thục lục). Đúng là trong giới quan trường ngày xưa cũng như ngày nay người ta đạp lên nhau để tiến thì nhiều, ít có ai lại như Trương Đăng Quế nâng người khác lên cao hơn mình.
2. Giống như người xưa từng nói: “Công thành danh toại thân nhi thoái” khi đường quan hoạn lên tới tột đỉnh, tước đến Quận công, chức đến Cần chánh điện đại học sĩ, phụ chánh đại thần, quan to, lương lớn thì ông lại xin lui về ở ẩn. Đặc biệt không phải chỉ một lần xin thôi, mà từ năm 1850 đến năm 1863 đến sáu lần cả thảy. Những lý do ông xin cáo quan những năm trước khi Pháp xâm lược là tuổi già, không còn đủ sức khỏe và sáng suốt để làm việc, chức vụ cao nên để cho những người kế cận tài giỏi hơn. Đến năm 1860, lúc này đã 68 tuổi, ông lại dâng sớ xin về hưu với thêm lí do “Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì để đánh lại được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ” (tâu năm 1860 - Đại Nam thực lục). Nhà vua vẫn không cho, “Trương Đăng Quế lại dâng sớ xin tự giáng chức mình làm Thượng thư, từ bỏ tước Công đã được phong trước đó. Vua Tự Đức không cho, ông lại xin trừ phân nửa lương, vua bèn miễn cưỡng nghe theo” (Đại Nam thực lục). Mãi đến lá sớ thứ sáu 1863 lúc này ông 71 tuổi mới được vua và triều thần đồng ý. Nói như ngôn ngữ ngày nay là từ chức, làm không được thì phải từ chức để người khác lên thay. Từ chức đúng lúc và dám từ chức để nhường cho giới trẻ là một nhân cách tốt và yêu nước. Trong lời tâu của ông, chúng ta còn thấy ông dùng chữ "trơ mặt". Cái ý thức nhân cách sĩ diện của ông chính là ở chỗ đó. Ngày nay cũng hiếm thấy có ai tự nhận mình cống hiến cho nước nhà ít, chẳng có kế sách gì hay để giúp đất nước, tự nguyện xin lui về vườn, nếu cấp trên không cho thì xin được giáng chức, cấp trên vẫn không cho giáng chức thì tự nguyện xin trừ phân nửa lương như ông.
3. Trương Đăng Quế lấy bút hiệu cũng gắn liền với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn: Quảng Khê (tỉnh Quảng Ngãi, làng Tịnh khê).
Trong đời làm quan, chức như thủ tướng ngày nay, Trương Đăng Quế từng ở làm việc nơi kinh thành Huế, bước chân từng trải qua biết bao tỉnh thành đô hội khắp nước. Thế nhưng, khi về hưu ông không chọn ở đâu cả, mà xin trở về lại quê nghèo thuở hàn vi của mình. Nhà cửa, đất đai, tài sản riêng tư không có, chỉ có căn nhà từ đường, nhà tranh vách đất nằm cạnh cây dạ lý hương. Trương Đăng Quế từng viết "Cố quận tự liên vô biệt nghiệp/ Thử sinh nguyên dĩ hứa vi thần" (Về làng chẳng có cơ đồ sẵn/ Giúp nước không màng lợi lộc riêng). Ngày nay ít có người nào như vậy.
4. Trong chế độ phong kiến, cha làm quan thì con được “ăn theo” chức tước. Năm 1844, con trưởng của ông được phẩm cấp Hàn lâm viện thừa chỉ. Ông dâng sớ: “Thần gặp thời ra làm quan, lạm lên ngôi cao, đức bạc, quan to, đã vượt quá phận. Trương Đăng Trụ còn trẻ tuổi, chưa học mà có quan, không làm việc gì mà ăn lộc, nghĩ thấy quá ưu ái, lấy làm sợ hãi. Khẩn xin đình lại việc ấm thụ và chi lương” (Đại Nam thực lục). Ở đây ta thấy Trương Đăng Quế không vì thế mà vui mừng, trái lại còn xin triều đình hoãn lại việc phong chức tước, bổng lộc cho con bởi ông thấm nhuần kinh sách Khổng phu tử đã dạy "Người hưởng quá tài đức của mình tất có hại về sau". Đây cũng là nhân cách đáng học tập cho người đời sau. Ngày nay nhiều người không chỉ củng cố địa vị của mình mà còn lo xin xỏ chạy chức cho con nữa
5. Trong một bữa tiệc, vua Minh Mạng đãi các đình thần, lúc mãn tiệc Hoàng đế nhìn các quan và ban:
“- Các Hoàng tử đó, chúng nó đã nhờ các thầy dạy bảo, ta cũng
nhờ các thầy định liệu cho chúng nó. Về chỗ lương duyên; thầy nào có con, vừa lứa
trao tơ, thì tùy ý lựa một Hoàng tử nào cho tương xứng... Các quan nghe vua đề
cập đến con thì vừa mừng vừa sợ, chưa sẵn có lời tâu lại, chỉ lấy mắt nhìn
nhau... Trương Đăng Quế vì đứng đầu nên phải tâu trước:
- Lá ngọc cây vàng, nhành nào cũng tươi, cũng đẹp, còn con của
anh em chúng tôi, như chim ở giữa rừng, biết đậu vào có được xứng chăng.
- Chim giữa rừng có nhiều hạng như chim phụng hoàng, há chẳng
quý sao? Trong sách Bách điểu chí có nói: Thứ chim ấy chọn cây mới đậu. Vậy con
của thầy tuổi bao nhiêu?
- Tâu, con chúng tôi 16 tuổi.
-Tên gì?
- Tâu, tên Thứ.
- Thầy, đã cho học chưa?
- Tâu, mới học được năm ba chữ. Chúng tôi xin thú thực con
chúng tôi không có nhan sắc mà cũng chưa biết son phấn là gì.
- Biết học trò thì còn ai bằng thầy. Vậy thầy có thương được
trò nào chăng?
-Tâu, ông Hoàng Mười, chúng tôi biết đã lâu, đối với chúng
tôi là “bạn vong niên”, như được nhờ ơn trên, thì cái nguyện của Hướng Trường[10] cũng toại.
- Vì sao mà thầy lựa Hoàng Mười?
- Tâu các Hoàng tử đều có tài, có đức duy ông Hoàng Mười thì
tài đức cân nhau, con cháu nhờ được dài ngày chúng tôi đã già, chỉ trông mong
con cháu.
- Tục ngữ đã nói: “con nhờ đức mẹ”. Vậy con cháu cũng nhờ
phúc đức của bên ngoại nữa, nào phải chỉ nhờ bên nội mà thôi đâu. Thế thì gia
thất của trò, ta nhờ thầy đào tạo đó”[11].
Sau Trương Đăng Quế, lần lượt các quan đều chọn ông Hoàng cho
con gái của mình.
Qua đó cho thấy, là người được chọn trước nhưng không phải vì thế mà ông đồ mưu giành vị Hoàng tử con trưởng để cơ may làm Quốc trượng (cha vợ của vua).
Về sau, trong giây phút lâm chung của vua Minh Mạng, cả triều thần và hoàng tộc, “có người niệm Phật, có người cầu trời, có người lo thầm: vua chưa lập Đông cung, thì các đại thần sẽ tôn vị nào lên là phải.
Khi đến gần canh một, Trương Đăng Quế bước đến trước long sàng, cúi đầu rồi nghiêng tai sát miệng vua như lãnh thọ được mạng lệnh gì bí mật. Nghe cụ dạ một tiếng giữa điện Càn thành. Có người ngờ rằng: ông gia đồ mưu cho chàng rể (tức Tùng Thiện Vương – Trương Quang Cảm). Ai cũng chăm nhìn vào cụ. Thấy xa xa nơi trên gò má, có ánh nước lóng lánh đôi hàng; trên trán đường gân nổi lên cao, cả vận mạng nước nhà như đang đè lên trí não. Cụ đứng thẳng dậy, truyền ra một giọng đường hoàng: Hoàng đế ban, Hoàng trưởng tử - Trường Khánh Công (tức vua Thiệu Trị - Trương Quang Cảm) sẽ lên kế vị”[12].
Trong lịch sử có không ít những người mưu đồ quyền lợi cá nhân chỉ nghĩ cho riêng tư gia đình, dòng họ mà không nghĩ đến đạo lý, đất nước, tạo ra những biến cố cung đình, cướp đoạt ngôi vua, gây xáo trộn, làm cho nhân dân lầm than. Trương Đăng Quế dứt khoát không phải là con người như thế.
Với tài năng và nhân cách ấy, Trương Đăng Quế xứng đáng được các sử gia ngày nay ca ngợi: “Trong cuộc đời 44 năm làm quan (1819-1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành, công minh, liêm chính của mình... Cụ là vị Tổng tài Quốc sử quán đầu tiên, mở đầu sự nghiệp viết sử triều Nguyễn... Cụ Trương Đăng Quế là một nhà trí thức lớn, một vị quan có trách nhiệm với dân, với nước”.[13]
VĂN BIA CỦA ÔNG TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ VIẾT CHO THÂN SINH LÀ ÔNG TRƯƠNG ĐĂNG PHÁC
Từng nghe Âu Dương Vĩnh Thúc nói rằng: Người làm điều thiện không chẳng được báo. Hoặc không được báo từ đời này, tương lai tất cả biểu hiện ở đời sau, ấy là lẽ thường.
Tiên khảo phủ quân húy là Phác. Họ Trương, Đăng là chữ đệm, nhiều đời là vọng tộc ở Quảng Nghĩa.
Hoàng Tằng tổ làm chức Câu Kê ở dinh Quảng Nam, tước Thiền Đức Bá, Vinh lộc đại phu.
Tổ tước Thiêm lộc tử, chức Cai hiệp dinh Quảng Nam, tặng Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, thụy Đoan Lượng.
Tổ tỷ tặng cung nhân.
Hiển khảo Tân Mỹ phủ quân tặng Trung nghị đại phu, Thái bộc tự khanh, Thụy Hiến Tỉnh.
Tỷ tặng Thục nhân.
Đều được truy tặng khoảng niên hiệu Minh Mạng thứ 19 và thứ
21.
Tiên khảo sinh năm Mậu Dần và bị bệnh chết tại nhà vào năm
Tân Dậu, hương linh 44 tuổi, táng ở gò Đồng Đế, xã Tư Cung.
Quế sinh ra được 9 tuổi thì mồ côi cha. Từng nghe tổ mẫu Thục nhân nói lại là Tiên Khảo lúc ấu thời dĩnh mại, chí lượng khác người. Năm 16 tuổi, Hiến Tỉnh công đem gia quyến đi tỵ nạn tại Phú Xuân. Ông ở lại trông nom vườn nhà, đến khi trở về thì thấy vườn nhà vẫn như cũ, người xem đó càng lấy làm kỳ. Vừa lớn lên thì chăm học, giao du rộng, những người ông giao du đều là kẻ sĩ đương thời.
Khi Tây Sơn tiếm hiệu, ông lại vì sự dẫn dắt của những người
bạn trí thức là quần thần của ngụy triều, lần từ chức Giáo quan đến Tri huyện,
Tri phủ đều là quan Doãn của bổn ấp, hiệu Triêm Ân Tử, tính tình bình dị gần
gũi nhân dân được xem là liêm thứ.
Khi Hoàng triều Thế Tổ Cao hoàng đế phục quốc, quan thượng thư bộ lễ Đặng Đức Siêu là bạn cũ của ông, mới vừa tiến danh ông lên thì ông bỗng bị bệnh mà mất.
Than ôi! Tiên khảo sinh không gặp thời, tuổi lại không thọ, ôm chí lớn mà mất, đau đớn thay! Chỉ xem bạn hữu của ông và những người kỳ lão trong ấp đến nay vẫn còn thương nhớ ông, thì cái tài học xuất chúng, cái huệ chính đối với mọi người đã rõ ràng tưởng được vậy. Vả như ở nhà thì hiếu thuận, xuất tự thiên tính, xử sự thì chu đáo vô cùng, vốn nơi tuệ chất, cái dung đức, cái thiện hạnh được ghi rành rành không thể kể hết.
Quế khi thiếu thời mồ côi, cùng với bá huynh, trọng huynh nương nựa nơi Thái phu nhân. Thái phu nhân họ Đỗ, thủ chí ở cảnh nghèo, tiết kiệm, từ ái. Bà thường kể đến chí hướng, công nghiệp và phẩm hạnh của Tiên khảo để dạy chúng tôi cố gắng học hành để nối gia phong.
Niên hiệu Gia Long thứ 18, Quế bất tài, may đậu Hương tiến,
niên hiệu Minh Mạng nguyên niên, ứng triệu ra kinh đô. Năm thứ 3 mới được thụ
Hàn Lâm viện Biên tu, năm thứ 4, Thái phu nhân mất, hưởng linh 59 tuổi:
“Đẩu thăng bất đải, phong mộc hàm bi”[14]
Tiếp theo nhờ dựa nơi phúc ấm mới dần dần bước lên, mãi đến chức Thượng thư Bộ binh, Hiệp biện đại học sĩ, gia Cung bảo, ban tước Tuy Thạnh Nam.
Niên hiệu Thiệu Trị thứ hai, thăng Thái bảo, Văn minh điện đại học sĩ, tấn phong tước Bá.
Phụng đức Kim Thượng nối ngôi, bắt đầu được cải thụ Cần chánh điện đại học sĩ, tấn phong tước Quận công.
Trải thờ ba triều, nhiều lần được ân quyến, gặp lệ Đại khánh của nước được khen phong tới ba đời, Tiên khảo vì gặp loạn, thất sĩ không dự, bởi cho trọn cái tiết để khuyên lòng trung vậy. Niên hiệu Tự Đức, thứ sáu mùa xuân, Quế khấn tấu trước cửa khuyết trần tình mới được cho nghỉ phép về tỉnh mộ. Trong chuyến đi này đức Hoàng thượng mến thương cho bài thơ, lại được ban cho bạc tiền, hương lụa để dùng vào việc phong sùng tế điện, đó là đặc ân vậy, cho nên bài thơ có câu:
“Hóa hấp du phần giai tiển hiếu,
Vinh triêm tuyền nhưởng túc tăng quan”[15]
Một chữ của đức vua khen, thật đủ để vinh hạnh muôn đời.
Vì thế thuật lại sự việc, khắc vào đá, dựng nơi đường vào mộ để cho biết vậy.
Tiểu tử là Quế, nhận sự ban cho của nhà nước, may mắn thấy cái vinh dự này, chẳng phải là từ sự tu đức, tích phúc của đời trước để phúc ấm cho đời sau thì làm sao được như thế, dám chẳng tin là sự minh nghiệm của việc làm thiện được báo sao?
Niên hiệu Tự Đức năm thứ 6, tuế thứ Quý Sửu, tháng quí xuân trung tuần ngày lành.
Tiểu tử: Cố mệnh lương thần, Thái bảo, Cần chánh điện đại học
sĩ, lãnh Binh bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần, quản lí Khâm thiên giám
kiêm lĩnh Quốc tử giám sự vụ, sung Kinh diên giảng quan, sung Sử quán Tổng tài.
Tuy Thạnh Quận công Quế - Kính biểu.
Người dịch: Long Cương.
Chú thích:
[1] Công chúa Mai Am trong cuốn Diệu
Liên tập có cho biết là sau khi Trương Đăng Quế mất, bà đã tìm được tác phẩm Giang
Đình Yến tập. Đáng tiếc hiện nay chúng ta chưa tìm thấy tập thơ này - Dẫn theo
Gs. Trần Nghĩa, Các tham luận hội thảo khoa học về Trương Đăng Quế lần thứ
1, Sđd trang 127.
[2] Dẫn theo GS. Trần Nghĩa,
Sđd trang 129.
[3] Bài tựa Học văn dư tập của
Tùng Thiện Vương, Sđd .
[4] Bài tựa Học văn dư
tập của Phan Thanh Giản, Sđd.
[5] Bài tựa Học văn dư tập của
Phan Thanh Giản, Sđd .
[6] Bài tựa của Tùng Thiện Vương,
Sđd.
[7] Nước Đại Nam đối diện với Pháp
và Trung Hoa, Sđd trang 205.
[8] Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, Văn hiến Quảng Ngãi, truyền thống và hiện đại trang 36, Dẫn theo Trương Đăng Quế cuộc đời và sự nghiệp của các tác giả Sđd.
[9] Tên thật Ngô Văn Lại, trước
1975, là giảng viên Đại học cộng đồng duyên hải Nha Trang.
[10] Hướng Trường tên tự Tử Bình,
người đời Chiến quốc, bình sinh không xa vọng, chỉ nguyện cho con trai có
vợ, con gái có chồng.
[11] Dẫn theo tác phẩm Tùng Thiện Vương của Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng – Huế - Sài Gòn, 1970, trang 60, 61.
[12] Dẫn theo Tác phẩm Tùng Thiện
Vương của Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng - SĐD trang
67, 68.
[13] Dương Trung Quốc – Lời giới thiệu tác phẩm Trương Đăng Quế cuộc đời và sự nghiệp của các tác giả Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn, Nguyễn Văn Thanh – NXB Văn học 2008.
[14] Con làm quan lương bổng ít chưa
kịp phụng dưỡng, cha mẹ đã mất, chịu sự đau buồn “cây muốn lặng mà gió chẳng
đừng”.
[15] Sự chính hóa tới quê hương đều
noi theo đạo hiếu, cái vinh dự thấm tới mồ mả đủ tăng sự vinh quang.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
I. Tác phẩm văn học, lịch sử, lý luận:
Các tham luận tại hội thảo khoa học về Trương Đăng Quế lần
1, Sở Văn hóa thông tin và thể thao, Quảng Ngãi, 1994.
2. Cao Văn Chư, Nhìn lại Sơn Mỹ, Sở Văn hóa thông tin
Nghĩa Bình, 1988.
3. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, NXB TP. Hồ
Chí Minh, 1993.
4. Đoàn Thu Vân, Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của
thơ thiền Việt Nam thế kỷ XI thế kỷ XIV, Luận án phó tiến sĩ, Trường
Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 1995.
5. Huỳnh Như Phương, Dẫn vào tác phẩm văn chương, Trường
Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1986.
6. Lê Bá Hán và các tác giả khác, Tự điển thuật ngữ văn
học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992.
7. Lê Trí Viễn, Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ X - Giữa
thế kỷ XIX, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 1985.
8. Lê Trí Viễn, Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam,
NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.
9. Lê Trí Viễn và các tác giả khác, Lịch sử văn học Việt Nam tập
3, NXB Giáo dục, 1976.
10. Ngô Văn Chương, Phân tích những khuynh hướng tình cảm
đạo lý xã hội trong thi ca Tùng Thiện Vương, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách
văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973.
11. Nguyễn Công Trứ, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học
Hà Nội, 1983.
12. Nguyễn Du, Thơ chữ Hán, NXB Văn học, Hà Nội, 1988.
13. Nguyễn Đắc Xuân, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành,
NXB Thuận Hóa, Huế, 1992.
14. Nguyễn Đăng Mạnh, Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn học,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Hà Nội, 1993.
15. Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân tự điển,
Hội văn học bình dân Sài Gòn, 1960.
16. Nguyến Khắc Thuần, Thế thứ các triều vua Việt Nam,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.
17. Nguyễn Khuê, Tâm trạng Tương An Quận Vương qua thi
ca của ông, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1970.
18. Nguyễn Lộc, Nguyễn Du con người và cuộc đời, NXB Đà
Nẵng, 1990.
19. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII
và nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Đại học, Hà Nội, 1976 tập I.
20. Nguyễn Minh Tấn và các tác giả khác, Từ trong di sản,
NXB Tác phẩm mới, 1988.
21. Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật
lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, Sài Gòn, 1993.
22. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới
các vua triều Nguyễn, NXB Trình bày, Sài Gòn, 1968.
23. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần
Khuê, Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa, NXB Tp. Hồ
Chí Minh, 1987.
24. Nguyễn Thông, Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở Văn hóa
thông tin, Long An, 1984.
25. Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Từ Điển,
NXB Khai trí, Sài Gòn, 1960.
26. Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê
Sơn, Nguyễn Văn Thanh , Trương Đăng Quế cuộc đời và sự nghiệp – NXB
Văn học, 2008.
27. Phạm Trung Việt, Non nước xứ Quảng tân biên, NXB
Khai Trí, Sài Gòn, 1971.
28. Phạm Trung Việt, Khuôn mặt Quảng Ngãi, NXB Nam
Quang, Sài Gòn, 1973.
29. Phạm Văn Diêu, Văn học Việt Nam, NXB Tân Việt,
Sài Gòn, 1960.
30. Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên quyển 5 (Việt Nam kháng
Pháp sử), Thư lâm ấn quán, Sài Gòn 1962.
31. Phương Lựu, Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam,
NXB Giáo dục, 1985.
32. Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, NXB Nghĩa Bình,
1990.
33. Quốc Sử Quán, Đại Nam chính biên liệt trụyện,
NXB Thuận Hóa, Huế, 1993.
34. Đại Nam nhất thống chí quyển
6, tỉnh Quảng Nghĩa, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1964.
35. Đại Nam thực lục chính biên, quyển 28 tập 30, NXB
Khoa học Xã hội, Hà Nội.
36. Quốc triều chánh biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu sử địa,
Sài Gòn, 1972.
37. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tân
việt, 1958.
38. Trần Văn Giàu và các tác giả khác, Địa chí thành phố
Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, 1987.
39.Trần Mạnh Thường, Các tác giả văn chương Việt nam,
NXB Văn hóa thông tin 2009.
40. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân tự điển,
Tu thư Siêng học, Sài Gòn, 1966.
41. Trương Quang Gia, Học văn dư tập (bản dịch)
42. Tùng Thiện Vương, Thơ Tùng Thiện Vương, NXB Thuận
hóa, Huế, 1994.
43. Ưng Trình - Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương, tác giả xuất
bản, Sài Gòn, 1970.
44.Vũ Ngọc Khánh, Mai Am công chúa, NXB Thuận Hóa, 1992.
45. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với
Pháp và Trung Hoa, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét