Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Quay về

Quay về

Việc phải đến đã đến: Anh Đàn cưới vợ. Bạn bè nhận được thiếp hồng của anh ai cũng ngạc nhiên. "Trời, thằng vậy mà cũng cưới được vợ sao ta?". Có đứa còn không tin, gọi điện hỏi, sợ anh xí gạt mình. Nhưng anh Đàn cưới thật, một cô gái lạ hoắc, không do người bạn nào làm mai mối, cũng chẳng phải em gái chị gái của thằng bạn nào. Đám cưới được tổ chức ở nhà hàng Thượng Uyển, đãi ba mươi bàn với thực đơn bảy món, có nhạc sống, có nhảy đầm (sau khi thực khách đã ngà ngà say), có chụp hình quay phim. Cô dâu thay ba lần áo cưới. Anh Đàn mặc comlê, đi đứng như người ngoài hành tinh, nghe đám thợ chụp hình quay phim bày trò gì là anh làm trò nấy. Nửa chừng cuộc hôn nhân tưng bừng anh Đàn say rồi, bữa say rượu cuối cùng của cái thời độc thân.
Sáng hôm sau thức dậy anh Đàn thấy một người phụ nữ nằm cạnh mình, tay cầm sách, nhưng mắt lại liếc nhìn mình thăm dò, mặt có hơi quạu. Cuộc sống chỉ qua một ngày mà cơ bản đã đổi khác
Thế rồi vào một buổi chiều cuối năm ở Sài Gòn, thời tiết lem nhem, lẫn trong điệp trùng xe cộ, người ta thấy có anh Đàn của chúng ta. Anh vừa quyết định rời khỏi tổ uyên ương của mình, cái tổ uyên ương anh cùng vợ cố gắng xây đắp ngót nửa năm nay, hay nói nôm na là anh vừa quyết định chia tay với vợ.
Anh Đàn chạy xe chậm, đầu óc nhẹ nhõm, không có gì để hân hoan, cũng không có gì để phiền muộn. Sau khi quẹo một vài con phố, anh Đàn nhớ đến người bạn giờ đây đã cùng cảnh ngộ và anh quyết định lựa một trạm điện thoại công cộng thuận tiện gọi cho người đó.
- Alô, tao đây, - anh Đàn nói - nhớ mày quá gọi điện thăm. Hả? Điện thoại công cộng. Ê, giờ chúng ta cùng cảnh rồi ngộ nghen. Tao đang "bỏ của chạy lấy người". Sao? - anh Đàn cười hơ hớ - Trở về mái nhà xưa. Đang ngồi với ai mà nghe ồn ào vậy? Chuyển lời chào của Lê Đàn đến tụi nó. Mấy cuốn sách của tao để đó khoan trả, chừng nào muốn trả thì mang lại nhà tao. Nhà nào hả? Nhà ông già tao chớ nhà nào. ờ, ờ. Mẹcxi. Bay.
Tin về vụ anh Đàn chia tay vợ lập tức lan nhanh. Anh chàng nói chuyện điện thoại với anh Đàn, sau khi buông ống nghe, tuyên bố: - Rồi, nó lại noi gương tôi, thôi vợ nữa rồi!
- Ai? - mọi người hỏi. - Thằng Đàn. - Đàn nào? - Đàn "mình" chớ Đàn nào. - Đàn mới cưới vợ bữa đó hả?
Một người đã có tuổi nói giọng muốn cãi lộn: - Mầy! "Bữa đó" gì. Nó cưới được năm, sáu tháng rồi chứ bộ! Chắc người có tuổi muốn đề cao thành tích của anh Đàn nên ông mới làm bộ quạu chơi.
Về nguyên nhân vợ chồng anh Đàn chia tay, tạm thời nhóm người này chưa biết. Họ chỉ có thể đưa ra những nhận định của riêng mình, hay nói cách khác là đoán mò. Chẳng hạn: - Nghe nói bên vợ thằng Đàn là gia đình gia giáo. Tới giờ cơm già trẻ lớn bé đều phải ngồi vào bàn. Đi phải thưa, về phải trình. Thằng Đàn vốn "bụi đời", sống gò bó vậy chịu sao nổi v.v...
Nhưng những nhận định trên đều trật lất, bởi chính anh Đàn cũng không rõ lắm về nguyên nhân ra đi của mình. Cãi vã thì cặp vợ chồng nào không cãi vã? Mất tự do là có thật nhưng điều đó ai cũng biết trước nên đã chuẩn bị tinh thần sẵn. Anh Đàn đã đọc hàng trăm câu châm ngôn nói (xấu) về cuộc sống vợ chồng, chẳng hạn như "Cưới vợ là tự mở cửa xà lim bước vào"... Nhưng nói xấu thì người ta cứ nói xấu, nhân loại vẫn tiếp tục cưới nhau, hai điều này, cuối cùng, hình như chẳng quan hệ gì. Nhưng chỉ mới sáu tháng, có sớm quá chăng mà thôi?
Trong khoảng thời gian chung sống với nhau, loại trừ chuyện gia đình đôi bên, anh Đàn thấy ở vợ mình có một khuyết điểm nhỏ, đó là việc nàng đem về nhà quá nhiều bọc nilông. Trừ mọi hôm đi chợ mua thực phẩm, hàng hóa số lượng bọc đếm không xuể, những hôm đi làm bình thường chưa bữa nào nàng tha về dưới ba cái, cái nhỏ bỏ trong cái lớn, cái lớn trong cái lớn hơn. Bọc đựng hai trái táo, bọc đựng thỏi son môi, có bọc chỉ đựng cái đồ bấm móng tay. Đúng vậy, chỉ một cái đồ bấm móng tay, anh không hề bịa đặt. Ngày xưa, vào thời buổi khó khăn đến độ bọc nilông cũng hiếm nên mẹ anh Đàn quý chúng lắm. Có những cái mẹ anh phải giặt đi giặt lại để dùng hết việc này đến việc khác, và mẹ anh gọi chúng là loại bọc lào xào do âm thanh chúng phát ra khi va chạm. Thực lòng mà nói, anh Đàn có cảm tình với loại bọc lào xào chứ không ác cảm. Nhưng có điều sau khi đem về nhà, vợ anh không chịu bỏ đi mà... để dành, đến nỗi số lượng chúng tăng lên mỗi ngày có nguy cơ đe dọa đến hạnh phúc gia đình anh ở cả hai nghĩa. Anh Đàn đâm sợ bọc nilông, cụ thể là sợ những hôm vợ đi làm về. Mà nghĩ cho kỹ cũng không thể trách vợ anh được, bởi một hôm anh Đàn thử ra chợ mua hai cái bọc nilông thì y như rằng chúng được bỏ vào một cái khác. Lần khác anh mua một cây bút vẽ mực tàu. Sau khi trả tiền, anh cầm cây bút nhanh chóng chạy ra xe. Nhưng không kịp! Bà chủ tiệm còn nhanh hơn, đưa hai ngón tay nhón cái bọc nilông chạy theo đưa cho anh, ý muốn bảo đó là bao bì của cây bút. Sao bây giờ người ta lịch sự thế.
Nhưng lý do thôi vợ chỉ vì bọc nilông thì nghe nhảm quá. Người ta vì bất đồng quan điểm, vì xung khắc tôn giáo, vì không cùng chí hướng nên mới chia tay nhau. Còn Lê Đàn: Do bịch nilông! Không, vậy thì khôi hài lắm, phải còn lý do nào khác nữa chứ? Hay do nàng chuẩn bị quá kỹ để làm vợ trong khi anh Đàn chưa một ngày chuẩn bị làm chồng?
Anh Đàn nhớ lại, cuốn sách mà nàng đọc trong đêm tân hôn lúc anh "quắc cần câu" chính là cuốn Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, hay còn gọi là Nghệ thuật làm vợ. Dấu hiệu cũ nát chứng tỏ nàng đã nghiền ngẫm nó không ít. Quả vậy, lật các trang trong, anh thấy nàng gạch dưới nhiều đoạn, câu mà có lẽ nàng tâm đắc nhất: "... ai dám uống cạn chén tình trong vài ngày? Hạnh phúc ví như chén rượu ngọt thơm, có uống thong thả từng hớp nhâm nhi mới thấy vị của nó. Chỉ có những kẻ điên rồ mới nốc (chén tình - chữ của anh Đàn) cạn sạch một hơi".
Anh Đàn thôi không đọc tiếp. Nhưng rồi anh cũng dừng lại chỗ nàng đặc biệt nhấn mạnh ở gần cuối sách (có lẽ thế) vì nàng đã gạch dưới bằng hai màu mực: "Trong phòng ngủ, đừng bao giờ làm những việc như lấy kính sát tròng ra khỏi mắt, lấy răng giả ra khỏi mồm... Những điều đó sẽ làm chồng bạn tắt mọi cảm hứng". Anh Đàn nghĩ, nếu là chồng, trước khi lên giường thấy vợ gỡ hàm răng giả thì chẳng những anh sẽ tắt mọi cảm hứng mà còn có khả năng tắt thở. Tiếp tục: "Đừng vội kéo mền che thân thể khi chàng vừa bật đèn. Không nên che giấu thân thể bạn, hãy tự tin bạn luôn là một phụ nữ đầy quyến rũ". "Đừng quá rụt rè...".
Anh Đàn quyết định dừng tại đó. Anh thấy mắc cỡ về việc mình đi hơi sâu vào chuyện kín đáo của phụ nữ một cách không mấy quang minh chính đại, giống như đang nhìn lén một cô gái từ vị trí mà cô không hề hay biết, do vậy cô càng lúc càng trở nên quá tự nhiên, chẳng hạn cô đang chỉnh tới chỉnh lui chiếc áo nịt ngực. Nhưng anh Đàn cũng vô tình đi hơi sâu vào chuyện kín đáo của giới nữ chỉ có một lần cho đến ngày anh quyết định rời khỏi tổ uyên ương, không dám đụng đến lần thứ hai, dù anh biết trong nó còn chứa nhiều điều lý thú.
Anh Đàn về đến nhà thì bắt gặp cha mình đang cho chim ăn. Trời, con chim này vẫn còn! Khi cưới vợ, anh Đàn bắt buộc phải giao nhiệm vụ cho chim ăn lại cho ông già mình. Giờ đây, một buổi chiều cuối năm có mưa, một ông già bảy mươi tuổi đang ngồi lặt từng con cào cào cho chim. Anh Đàn dựng xe, nói:
- Ba. Con mới về, - anh nói thêm - con về luôn, - rồi bỗng bật cười thành tiếng.
- Về luôn? - ông già cũng mỉm cười. - Về luôn! - Vậy mày cho nó ăn đi!
Ông đứng dậy khỏi cái lồng chim. Anh Đàn ngồi bẹp xuống nền gạch, con chim nhận ra anh xù lông làm nũng. Anh la: - ý, nó còn nhớ con, ba ơi!
Anh Đàn ngồi một mình bên cái lồng chim, anh thấy một con kiến tha cánh con cào cào, tha trong tư thế dựng đứng lên, di chuyển nghiêng nghiêng...
Nguyễn Trọng Nghĩa
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...