Mai Nươn Lệ Cốt 3
Đoạn kết
Nàng lấy giấy bút thảo ba dòng chữ trả lời, việc trốn-tránh
thì xin lo-liệu lấy, thế nào cũng xong xuôi cả: xin chàng cứ đúng ngày giờ ấy
thì chờ tại chỗ hẹn, thiếp sẽ đến hầu, không sai.
Tôi thì đi ngay tìm nhà khác mướn ở đầu thành-phố bên kia, rồi
dọn tắp cả đồ đạc sang đó. Định rằng đến chiều hôm sau thì nàng ra Ba-lê đi
đến chỗ nhà lầu của Mỗ Mỗ sinh đã dọn riêng cho mà ở; khi gã đã trao
tay hết các món tiền bạc hẹn cho rồi, thì đến tối tảng đòi đi coi hát bội, trước
khi đi thì cô chủ với thằng hầu bao nhiêu tiền bạc và đồ vàng ngọc bỏ cả vào
túi mang đi cho hết. Tên đứa ở ấy chính là tên hầu-hạ ở nhà-thương con-gái khi
xưa. Tôi thì đi mướn một cỗ xe đến đứng chờ ở phố Thánh An-đê-rê, bên cạnh
cửa rạp hát bội. Để xe đứng chực một xó tối, rồi tôi sẽ lẻn đến chờ một bên cửa
ra, nàng hẹn với tôi rằng trong lúc đương hát, nàng sẽ kiếm cớ mà xin ra ngoài
một lát. Mưu-mô tính ra thật dễ thi-hành quá, chỉ trong vài phút là tôi đem được
nàng đến chỗ xe chờ mà cho ngựa tế thẳng đến ấp Thánh An-toan là nơi
chúng tôi vừa mướn nhà mới.
Kế ấy tuy là càn-dỡ, song chúng tôi nghĩ cũng đã chịu lấy là
khéo xếp. Nhưng ngẫm cho chín thì thật là một kế thiển-cận, không tính xa,
ví-dù sự thành đi nữa, về sau còn kết-quả những làm sao. Ấy vậy mà chúng tôi
bàn tính qua-loa với nhau, rồi làm liền ngay tức-khắc. Mai-nương thì
cùng với gã Mạc-xen (đó là tên thằng hầu của chúng tôi) đi trước. Tôi
đau ruột mà nhìn nàng đi ra. Trước khi đi, tôi hôn nàng mà rằng:
- Mình ơi! mình đừng lừa tôi nhé!
Nàng ngọt-ngào mà trách tôi sao lại nghi-ngờ như thế, rồi
nàng lại ôn với tôi hết cả mọi lời thề trước, nàng tính độ ba giờ thì tới Ba-lê.
Tôi đi sau, tôi đến một tiệm rượu ở cầu Thánh Mi-xen mà ngồi ngậm-ngùi
suốt một buổi chiều, chờ cho đến tối mới ra đường mướn một cỗ xe, đi đến đầu đường Thánh
An-đê-rê, thì tôi để xe chờ đó mà xuống đi đất đến tận cửa rạp hát bội. Tôi
nhìn trước nhìn sau, chẳng thấy thằng Mạc-xen đâu cả, đã giật mình,
vì trước khi đi, nàng đã hẹn tôi cho nó ra đón trước. Tôi cố kiên-nại mà chờ
trong một tiếng đồng-hồ, tôi đứng lộn với một bọn đứa-ở người ta, cứ chừng-chừng
[trừng trừng] hai mắt chẫu lên mà nhìn những kẻ đi qua người đi lại, không bỏ
sót người nào. Sau thấy chuông đánh bảy giờ, mà cũng chẳng thấy ai là người của
mình hết. Tôi bèn lấy một cái vé hạng rốt mà vào trong rạp, họa may có thấy
nàng với gã Mỗ Mỗ ở trong phòng hạng nhứt nào chăng? Thì chẳng thấy
nàng mà cũng chẳng thấy gã kia đâu cả. Tôi lại ra ngoài ngõ mà đứng ngóng trong
một khắc đồng-hồ [tức là mười lăm phút] nữa, vừa nóng lòng, vừa lo-ngại vô
cùng. Chờ hết khắc đồng-hồ ấy mà chẳng thấy ai hết, tôi bèn lại về chỗ xe đợi,
trong lòng bối-rối, không biết tính làm sao cả. Tên đánh xe nom thấy tôi về đàng
xa, chạy ra đón trước, nháy một bên mắt mà thầm-thì với tôi rằng có một cô
con-gái lịch-sự lắm ngồi chờ tôi đã một giờ ở trong xe. Khi người con-gái ấy đến
hỏi thăm tôi diện-mạo là thế, áo quần là thế, thì gã biết đích-thị là tôi, gã mới
bảo tôi đi ra đàng kia một lát, rồi tôi lại về thì ả nói quí-hồ có về, ả đợi đến
bao giờ cũng được.
Tôi đã tưởng là Mai-nương, tôi mới lại gần thì tôi ngó
thấy một cái mặt xinh-đẹp quá, nhưng mà không phải mặt Mai-nương. Người ấy
xưa nay tôi chưa gặp bao giờ, thấy tôi về thì sẽ thỏ-thẻ hỏi tôi có phải
là Đê Ghi-ri-ơ vũ-sĩ chăng? Tôi thưa rằng phải, thì nàng rằng:
- Thiếp có một phong-thư cho vũ-sĩ. Khi vũ-sĩ xem thư rồi thì
biết thiếp đến làm chi đây, và bởi làm sao mà thiếp được tường quí danh-hiệu.
Tôi xin nàng cho phép tôi đem thư vào hàng rượu mà đọc. Nàng
đòi theo tôi, và nàng bảo tôi mướn lấy một cái phòng riêng. Tôi vừa bước vào
quán vừa hỏi:
- Thư của ai gởi cho tôi đó?
Nàng bảo tôi đọc thì biết. Tôi vừa mở thư ra thì nhận ngay được
chữ Mai-nương. Trong thư nói đại-cương như sau này:
“Mỗ Mỗ sinh thù-tiếp tôi một cách tử-tế quá, dâng biếu
không còn thiếu thứ gì. Hẹn sau này đãi thiếp trân-trọng như thể đãi một vì hậu-phi
vậy. Tuy nhiên, dẫu ngồi trong nhà vàng trên ghế ngọc, thiếp cũng chẳng bao
quên tình nghĩa đôi ta. Ngặt vì tối nay thiếp đòi đi coi hát, mà gã kia nhứt định
không chịu, cứ nài thiếp ở nhà cho được. Thôi thì vợ chồng ta đành để có hôm
sau. Thiếp cũng biết như thế là hơi sai lời ước hẹn, chàng hẳn ưu-phiền. Vậy
nhân tìm được cô ả mang thư đây là gái xinh-đẹp nhứt tại Ba-lê, xin dâng để
chàng giải muộn.
Người tình-nương một lòng một dạ với chàng.
Ký tên là Mai-nương Lệ-cốt”
Tôi xem xong thư, tức-tối, hờn-giận nàng không biết nói sao
cho xiết. Đã sai lời nguyện-ước, lại còn có câu bỡn-cợt một cách thậm chưng là
khiếm-nhã. Tôi ngơ-ngẩn ra một hồi lâu không biết rằng nên nổi hung lên hay là
nên than khóc, sau tôi cố đè lòng quyết định từ đây mà đi, quên đứt cái đồ bội-bạc,
cái đồ lật-lọng ấy đi. Bấy giờ tôi mới đưa mắt nhìn ả thanh-xuân đứng trước tôi
đó. Người thì tuyệt đẹp. Tôi ước gì người ấy xinh thêm chút nữa, đẹp thêm chút
nữa, để khiến cho gan tôi bội lại được gái thất-tín kia. Ngặt vì tôi cố sức thế
nào, nom người ấy cũng thấy nhiều nơi khuyết-điểm quá. Mắt này bì với mắt kia
sao được. Cái dáng đi kia sao có bằng cái dáng đường-hoàng đáng vì phi-hậu của Mai-nương được.
Cái nước da này, cùng đã đẹp, nhưng đem tỉ với cái nước da Mai-nương thì
hóa ra lợt lợt kém xa lắm lắm. Nói tổng lại thì người này làm gì có được cái vẻ
khuynh-quốc khuynh-thành mà Hóa-công khăm độc đã cho cả cái con đàn-bà vô-nhân
bạc-nghĩa, tên gọi Mai-nương kia mất rồi. Tôi bèn ngảnh mặt đi không
nhìn người con-gái ấy nữa, mà rằng:
- Thôi, thôi, cô ơi! cái gái tệ-bạc nó sai cô đến đây với
tôi, nó cũng đã biết rằng cô đi mất công vô ích. Xin cô về thay lời tôi mà bảo
nó rằng nó có thể ngồi yên mà hưởng lấy cái tội ác của nó thì nó cứ ngồi mà hưởng.
Tôi cũng chúc cho nó không biết cái hối-hận là cái gì. Nhưng từ nay thì tôi quyết
bỏ nó, không còn bao giờ có hồi cố với nó nữa. Mà luôn thể tôi cũng xin tuyệt-giao
với cả một giống đàn-bà, vì chắc thiên-hạ không còn có gái nào xinh-đẹp mặn-mà
hơn nó nữa, mà chắc hết thảy đứa khác lại còn tệ-bạc, lường-đảo, bất-nhân, bằng
gấp mấy nó.
Tôi đã toan đi xuống thẳng, quyết chí từ rầy không bận lòng
gì đến Mai-nương nữa. Cái khí ghen bấy giờ nó như đâm ruột xé gan tôi
ra, làm cho tôi sa sầm mặt xuống, thờ-thẫn ra như dại như ngây. Tôi thấy lần
này không nổi hung lên dữ-tợn như mọi lần trước, tôi đã tưởng thế này là khỏi hẳn
rồi. Than ôi! hay đâu bấy giờ tôi cũng là kẻ bị lừa của ái-tình.
Người con-gái mang thư, thấy tôi bước xuống thang thì hỏi tôi
phải về nói lại làm sao với ông Mỗ Mỗ và cái nàng ở chung với
ông Mỗ Mỗ. Tôi thấy ả hỏi thế thì tôi lại trở vào trong phòng. Lúc ấy thì
tự-dưng tôi thấy đương hiền-từ ngây-dại, mà bỗng tôi nổi cơn giận lên
đùng-đùng. Ai đã có trải qua cơn ghen một lần rồi mới biết được những cơn giận
như thế. Trong cơn giận ấy thì tôi bảo con bé rằng:
- Mi về mi bảo cái thằng phản bạn Mỗ Mỗ, và cái con
vô-lương bạc-nghĩa là con nhân-ngãi nó, rằng hai đứa nó viết cho ta cái thư này
bằng nó cắt ruột đâm gan ta đó. Nhưng mi bảo cho chúng nó biết rằng chúng nó
không cười khúc-khích với nhau được lâu đâu. Rồi tao đâm chết cả hai đứa bằng
cái tay tao này cho mà xem.
Nói xong, tôi ngồi phịch xuống một cái ghế, mũ tôi vứt một
bên, gậy vứt một bên. Mắt thì tuôn ra hai suối nước mắt ròng-ròng. Khùng lên
chán rồi lại ngây-dại người ra mà đau-đớn, khóc-lóc, thở than xùi-xụt một hồi
lâu. Rồi tôi gọi con bé mà rằng:
- Con lại gần đây, con! Chúng đã sai con lại đây để an-ủy
lòng ta, thì con lại đây. Con thử nói ta hay có cách nào là cách giải cho khuây
được cái cơn ngộ-dại lồng phách, cái cơn điên-cuồng này hay không? Ta nay chỉ
muốn giết cho chết hai cái đứa bất-nhân bạc-ác này đi, rồi ta tự-tận, con có biết
thuốc gì mà chữa được cho ta cái cuồng-hứng đó chăng?
Tôi thấy con bé rón-rén bước dần lại thì tôi lại bảo rằng:
- Ừ! con lại đây. Con lại đây lau ráo nước mắt cho ta. Con cố
an-ủy làm sao cho nguôi được tấm lòng ta. Con lại con nói với ta rằng con yêu
ta, để cho tai ta nó tập dần nghe miệng gái khác tự-tình với ta, nào! Con
xinh-đẹp như vây. Có lẽ con khéo nói, rồi ta cũng xiêu lòng mà yêu con được.
Tội-nghiệp con bé, xuân-xanh mới độ mười-sáu mười-bảy tuổi,
coi bộ còn thật-thà e-lệ hơn những đứa đồng-loại, nó thấy sự tôi như thế, nó
cũng phải ngẩn-ngơ. Tuy nhiên, nó cũng lại gần mà vuốt-ve tôi vài cái, nhưng nó
vừa rờ đến mình tôi thì tôi lấy hai tay đẩy mạnh nó ra mà mắng nó rằng:
- Mày muốn làm gì tao đó? à, phải rồi, mày là một con đàn-bà,
tao ghét cái giống mày, tao không thể chịu được cái giống mày nữa, cái mặt hiền-lành
của mày kia, tất lại là cái áo phủ ngoài sự nham-hiểm chi đây, mày đi đâu thì
đi đi, để cho tao một mình ở yên đây.
Con bé cúi chào tôi, không trả lời chi hết, rồi quay lưng đi
ra. Tôi gọi giật nó lại mà hỏi nó:
- Nhưng trước khi đi, mày hãy nói cho tao biết cớ làm sao mà
chúng sai mày lại đây? mày với hai đứa ấy là thế nào? chúng nó sai mày lại đây
cốt để làm gì? sao mày lại biết tên tao và lại biết cả chỗ tao đứng chờ mà đến
tìm?
Nó đáp rằng nó quen với Mỗ Mỗ sinh đã từ lâu, chàng
sai người đi gọi nó từ năm giờ chiều, nó liền đi theo thằng người nhà đi gọi
đó, thì thằng ấy đưa nó đến một tòa nhà lầu lớn, nó vào đó thì nó thấy
chàng Mỗ Mỗ đang ngồi đánh bài với một người đàn-bà đẹp. Hai người
bèn nhờ nó mang phong-thư cho tôi, dặn nó rằng cứ đi ra cầu đường Thánh
An-đê-rê thì thấy tôi ngồi chờ trong một cỗ xe đỗ ở đó. Tôi lại hỏi nó hai
đứa kia còn dặn-dò gì nữa không, thì con bé đỏ mặt mà thưa rằng hai người có bảo
nó mang thư cho tôi may ra thì tôi gạ ở lại với tôi cho vui. Tôi nói:
- Vậy là chúng đánh lừa con đó, con a. Con là phận gái, đành
rằng phải có trai nào thương đến, nhưng trai nào giàu-có vẻ-vang kia, chứ như
ta đây là một người trong cảnh rất sầu-khồ, thì ta không phải là người của mi
tìm. Vậy mi khá trở về với chàng Mỗ Mỗ là người có đủ tư-cách cho gái
đẹp phải yêu, có nhà lầu cho gái ở, có xe-ngựa cho gái ngồi, còn ta đây chỉ có
tấm lòng yêu-mến, tấc dạ thủy-chung, để cho gái mà thôi, thì đàn-bà khinh-bỉ ta
và lấy cái thật-thà của ta làm một trò đùa.
Tôi còn nói thêm đến nghìn câu nữa, câu thì bi-thảm, câu thì
gay-gắt, tùy cái cảm-tình nó theo nhau trong dạ, lúc sầu, lúc tức, lúc ghét,
lúc thương. Tôi bồi-hồi một lát như thế, rồi sau cũng khuây-khỏa dần, mà
nghĩ-ngợi được một hai điều. Tôi đem cái tai-nạn sau cùng này mà tỉ với những
tai-nạn đã từng trải rồi, thì thấy lần này cũng chẳng lấy gì làm nên mất hi-vọng
hơn mọi lần trước. Số là tính nàng làm sao, tôi đã biết rồi. Cái nạn mình dự
tính, thế tất làm sao cũng phải có ngày, thì sao lại nên khóc than rầu-rĩ? Tưởng
ta nên mau mau tìm phương cấp-cứu mới là phải. Mà bây giờ tưởng cũng chưa chầy.
Nghĩa-vụ của tôi là phải ra công ngăn giữ trong lúc cái sức mình còn công-hiệu,
thì về sau ngộ việc có xẩy ra làm sao, mình cũng không hối-hận được rằng bởi
mình biếng trễ, cho nên sinh vạ. Tôi nghĩ thế thì tôi dốc trí mà lo tính cho ra
hết các phương-kế để vào con đường hi-vọng.
Dùng cường-lực mà lôi kéo nàng ra khỏi tay chàng Mỗ Mỗ,
thì là một kế cùng, mà không chắc có công-hiệu, lại thêm nguy-hiểm cho tôi. Nhưng
tôi nghe hình như là: giả xử [giả sử] tôi được giáp mặt nàng mà nói chuyện, thì
tôi chắc là tôi khiến nổi được lòng nàng. Số là cái tính-khí nàng làm sao tôi
đã thông tỏ lắm rồi, bao nhiêu nơi dễ cảm-động ở trong cái lòng ấy tôi đã biết
hết. Tôi chắc nàng nhìn thấy tôi thì lại thương tôi. Như cái việc kì-quặc sai một
người gái đẹp ra mà khuyên-giải lòng tôi, thì tôi đánh cuộc rằng là một trò của
nàng lẩn-thẩn nghĩ ra, thương tôi buồn-bã mà bầy trò cười đó.
Tôi bèn quyết chí dùng hết phương-kế mà vào cho đến trước
nàng. Tôi nghĩ quanh nghĩ quẩn ra mấy cách, trong mấy cách ấy, duy có cách sau
này là tôi ưng nhứt, định bụng thi-hành:
T… công-tử vốn từ khi mới biết tôi, cũng đã đem lòng hâm-mộ,
mà hết sức giúp tôi nhiều việc rồi. Tôi chắc là người thành-thực, thủy-chung.
Tôi bèn tính đến ngay nhà công-tử, mà nhờ công-tử nghĩ cho một kế gì đề gọi Mỗ
Mỗ sinh đi ra khỏi nhà một lát, quí-hồ để cho tôi được nói chuyện riêng với
nàng trong nửa tiếng đồng-hồ là đủ. Ý tôi muốn thừa khi Mỗ Mỗ sinh đi
vắng mà lén vào đến tận phòng Mai-nương.
Tôi đã quyết lòng như thế thì thấy tinh-thần tỉnh lại được
nhiều. Tôi bèn lấy nhiều tiền mà cho người con-gái, tôi tảng hỏi nhà ả chốn
nào, tôi hẹn ả về trước, rồi tôi về ngủ đêm với ả, để cho ả đừng trở lại nói gì
với Mỗ Mỗ sinh hết. Khi ả đi về rồi, tôi kêu một cỗ xe, mà đi thẳng đến
nhà T… công-tử. May sao công-tử khi ấy lại có nhà, trong khi đi đàng, tôi đã lo
công-tử đi vắng thì thật hại. Tôi chỉ nói hai câu, bạn biết rõ tình tôi như thế.
T… công-tử nghe nói rằng Mỗ Mỗ sinh quyến-dũ nổi Mai-nương,
cũng khí ngạc-nhiên. Bạn không biết rằng việc ấy nên cũng bởi có tay tôi giúp sức.
Bạn bèn hẹn với tôi xin tức-khắc họp-tập mấy người chí thiết, cố ra tay tháo
cũi xổ lồng cho tình-nương tôi thoát khỏi tay Mỗ Mỗ sinh cầm giữ, nhứt
là bộc-thi lưu-huyết cũng cam. Tôi can rằng kế ấy có lẽ làm
toang-hoang, hại lây đến cả nàng và tôi cùng lụy. Tôi nói:
- Quí-huynh đã một lời hẹn giúp, xin tạ ân lòng. Nhưng việc
lưu-huyết hãy để dành đến khi thế bĩ. Tiểu-đệ nghĩ ra được một kế êm hơn, mà phần
công-hiệu lại là chẳng kém.
Bạn nói vì tôi đã quyết đến tử sinh, huống việc khác, tôi muốn
sao mà chẳng sẵn lòng. Tôi nhắc lại lời xin khi nẫy, chỉ xin người kiếm cớ gọi
làm sao cho Mỗ Mỗ sinh tức-khắc vắng nhà trong một hai giờ là đủ. Bạn
liền đi theo chân tôi để thi-hành kế ấy.
Hai người bàn nhau chưa biết dùng cách gì giữ được Mỗ Mỗ sinh
ở ngoài lâu như thế. Tôi xui bạn đến một hàng rượu nào gần đó mà gửi một bức
thư cho chàng Mỗ Mỗ, nói rằng có việc khẩn-cấp phải ra ngay, không thể
trì-hoãn được phút nào cả.
- Khi đại-huynh đã gửi thư rồi, đệ mới đến rình trước cửa. Gã
đi ra là đệ lén vào. Việc ấy thật dễ, vì trong nhà duy chỉ có Mai-nương và
gã Mạc-xen là biết mặt tôi thôi. Trong khi ấy thì đại-huynh khéo thác
rằng thua bạc mà hỏi vay tiền trả nợ. Nói rằng tiền lưng đã cạn, lại trót đánh
chịch với kẻ không quen, thua nhiều tiền quá, nhờ gã cho vay mà trả. Đại-huynh
nhờ việc ấy thì tất gã phải về nhà chính mà lấy bạc cho vay, hoặc phải đưa đại-huynh
đi về nơi để bạc mà lấy đưa cho. Trong bấy nhiêu thời-khắc thì tiểu-đệ quyết đã
xong được việc rồi.
T… công-tử y như lời tôi mà làm. Tôi đưa bạn đến một tiệm rượu,
giục bạn viết thư sai người đem ngay đi, rồi tôi đến rình ở xế cửa nhà lầu. Người
vừa đem thư vào thì Mỗ Mỗ sinh cùng một tên người ở đi ra. Tôi chờ cho
gã đi xa một chút, rồi tôi tiến đến trước cửa nhà lầu. Tuy lúc ấy cơn giận tôi
đương nổi dữ mà tôi cũng nén được lòng, tôi sẽ nhón tay gượng-dẹ mà gõ vào cánh
cửa, như thể gõ cửa đền-đài nào vậy. Cũng may sao đứa ra mở cửa lại là gã Mạc-xen.
Tôi sẽ ra hiệu bảo nó đừng nói chi hết. Khi tôi chắc rằng không phải sợ những đứa
ở kia gì hết, thì tôi bảo nó đưa tôi vào đến phòng cô, mà đừng để cho ai trong
nhà nom thấy. Gã nói rằng việc rất dễ, cứ sẽ bước trèo qua thang lớn, thì đến tận
phòng.
Tôi rằng:
- Nếu vậy thì con đưa thầy lên mau. Mà trong khi thầy ở trong
phòng cô, con khá trông-nom đừng cho người nào lên cả.
Nói đoạn, tôi trèo lên thang, vào đến tận phòng Mai-nương mà
không có điều chi hãn-trở hết.
Mai-nương khi ấy đương ngồi đọc sách. Đó lại là một việc
làm cho tôi biết thêm cái tính nàng một chút nữa. Nàng nom thấy tôi vào, nàng
chẳng giật mình, chẳng sợ-hãi, mà cũng chẳng thẹn-thùng gì với tôi cả, duy chỉ
thốt-nhiên một thí bởi đương nghĩ tôi xa, bỗng lại thấy gần mà thôi, Nàng rằng:
- À tình-lang đó ư?
Reo lên một câu như thế, rồi nàng chạy ra hôn tôi một cách
âu-yếm thường vậy.
- Trời ơi! mình táo-tợn chưa! Tôi nào dám mong thấy mặt mình
hôm nay ở nơi này nữa.
Tôi giằng tay nàng ra. Tôi đã chẳng đáp lại những cách âu-yếm
của nàng thì chớ, tôi lại còn lấy cách khinh-bỉ mà đẩy mạnh nàng ra, rồi tôi
lùi hai ba bước. Nàng thấy vậy thì nàng ngẩn-ngơ ra, nàng đứng sừng-sững đó, chứ
không đuổi theo tôi nữa, rồi tái mặt đi mà nhìn tôi.
Kỳ trung tôi được nom thấy mặt nàng, tôi đã sướng mê đi rồi,
tuy trong lòng tôi chứa biết bao nhiêu cớ nên giận, mà tôi cũng không nỡ mở miệng
ra nhiếc mắng nàng được câu gì cả. Tuy nhiên, tôi nghe trong lòng tôi như ứa
máu vì những nỗi nàng làm cho tôi đê-nhục. Tôi cố chí nhớ ra cho hết những nỗi ấy,
để làm cho được mặt giận; hai con mắt thì tôi cố làm cho nẩy ra một thứ lửa
khác lửa-tình. Tôi đứng lặng im như thế một hồi lâu, mà nàng nhìn tôi cũng biết
trong dạ tôi đương bồi-hồi căm-tức, nàng bèn sợ-hãi mà run lên lẩy-bẩy.
Tôi thấy thế thì tôi không thể cầm lòng được nữa, tôi bèn dịu
giọng lại mà rằng:
- Mai-nương ơi! Hỡi hỡi Mai-nương bội-bạc!
Ta đương không biết trách Mai-nương câu gì trước đây. Mình ơi! sao
mình tái mặt đi mà run lên thế kia? Tôi muốn mắng mình quá, mà lại e làm cho
mình buồn-rầu, mình buồn-rầu thì tôi cũng buồn-rầu lo-ngại. Nhưng mà, mình ơi!
tôi nói cho mình biết, mình ăn ở với tôi như thế, thật là mình đâm vào gan ruột
tôi đó. Mình ơi! không chí giết nhau, thì không có ai chơi khăm nhau những miếng
cay-độc như thế, mình ạ. Lần này là lần thứ ba, tôi đếm rành-rành trong cật dạ,
đời đời tôi nhớ mãi chẳng bao quên. Bây giờ thì tôi xin mình định quyết một đường
nào, quyết định ngay đi, kẻo nữa tôi đau-xót đến nước này là hết nước, không
còn thể sao chịu đau được nữa. Tôi nghe trong mình thấy đứt ra từng khúc ruột,
thấy tim khô, gan héo mất cả rồi. Tôi không thể sao chịu cực với mình được nữa.
(Vừa nói thế, tôi vừa ngồi phịch xuống cái ghế). Tôi chỉ vừa sức nói ra hơi và
đứng được vững mà thôi.
Nàng không trả lời tôi câu nào hết. Nhưng khi tôi đã ngồi rồi,
nàng quì ngay gối xuống bên tôi cúi đầu xuống gối tôi, hai tay bưng lấy mặt. Một
lát tôi thấy nước mắt nàng tuôn ra ướt đầm hai gối tôi. Trời ơi! lúc ấy thì
trong bụng tôi bồi-hồi không biết thế nào mà kể nữa. Tôi thở dài mà rằng:
- Mình ơi, mình ơi, bây giờ mình khóc cũng đã chầy, vì mình
đã giết tôi rồi. Thôi thì lòng mình có vì tôi mà buồn-bực gì đâu, sao mình lại
khóc than như thế? Có lẽ đương lúc này cái mối đau lòng cho mình nhứt là cái mặt
tôi đem đến trước mình đây. Ngẫm ra không bao giờ tôi có được là cái người mình
muốn gặp, chẳng qua tôi chỉ là một thằng quấy-rối làm cho lỡ mất cuộc vui của
mình mà thôi. Xin mình mở mắt ra nhìn xem tôi là người thế nào đã. Ai đâu đã bội
nhau đến nước như thế, đã nỡ lòng mà bỏ nhau như thế, mà lại còn than khóc như
thể thương-tiếc nhau vậy?
Nàng ôm hai tay tôi mà hôn, nhưng vẫn quì mà không nói-năng
chi hết. Tôi lại rằng:
- Hỡi Mai-nương hay thay đen đổi trắng, vô-tín chi
nhứt phụ-nhân! những lời chỉ non thề bể với ta, nay để vô đâu mất cả? Hỡi gái lẳng-lơ
kia, cái tình yêu-mến mi hẹn với ta biết mấy mươi lần, tận sáng hôm nay, mi hãy
còn với ta thề-thốt, bây giờ mi đã vứt đâu rồi? Trời cao đất dầy ơi! có lẽ đâu
lại để cho một con đàn-bà nó cợt ta như thế! Vậy chẳng ra đứa bội-bạc thì trời
lại thưởng, kẻ thủy-chung thì bị sầu-khổ hay sao?
Tôi nói đoạn mấy lời thảm-thiết đó rồi, tôi nghĩ mà cay-đắng,
không sao cầm được giọt lệ. Mai-nương nghe tiếng nói tôi, biết tình
như thế, bèn rầu-rĩ mà thưa:
- Chàng ơi! vậy ra tội thiếp rất to, mới đến nỗi để chàng
xót-xa ngậm-ngùi dường ấy. Nhưng thiếp thề rằng thiếp thật oan tình, nếu thiếp
có biết tội mà làm nên tội thì trời hại thiếp.
Tôi cho câu nói đó thật là vô-nghĩa mà không thành-thực một
chút nào cả, tôi bèn nổi giận đùng-đùng mà quát mắng:
- Mày là một gái điêu-ngoan có một. Bây giờ tao mới biết mày
là một đứa lòng chim dạ cá như vậy. Giờ tao mới biết cái tính đê-mạt của mày.
(Rồi tôi lại đứng dậy mà rằng): Thôi thì từ đây tao với mày chừa mặt nhau ra, hỡi
đồ vô-liêm-sỉ! Thà rằng tao chết đi chết lại nghìn lần, cũng còn hơn là lại
giao-thiệp với mày nữa. Tao cũng thề rằng hễ từ nay tao còn nhìn mày nữa thì trời
hại tao. Thôi thì mày cứ việc ở với thằng nhân-ngãi mới của mày. Dầu mày yêu nó
hay ghét nó, mày mặt dạn mày dầy, mày làm điều cuồng-dại thế nào, tao cũng mặc
mày, tao chỉ cười mà thôi.
Nàng thấy tôi nổi hung lên như thế thì nàng thất-đảm. Tôi đã
đứng lên mà nàng vẫn còn quì gối, ngước mắt nhìn tôi sỉ-mạ, mình-mẩy thì run cầm-cập,
sợ không dám thở nữa. Tôi còn đi vài bước nữa ra phía cửa, vừa đi vừa quay đầu
trở vào, mà giương mắt nhìn nàng chòng-chọc. Nhưng mà con người bấy nhiêu vẻ đẹp,
trong cơn kinh-hãi lại đẹp thêm ra, thì phỏng tôi lòng lim dạ sắt nào lại không
cảm-động?
Khi ấy tôi nom thấy nàng sợ tôi đến biến sắc đi như thế, thì
tôi không thể nào cầm lòng được nữa, đương giận-dữ hóa ra thương-mến; tôi chẳng
suy-tính gì nữa, quay ngay trở lại mà ôm lấy nàng, mà hôn-hít đến trăm nghìn
cái, và lạy mà xin nàng tha lỗi cho tôi trót lỡ nóng xằng. Tôi quì xuống mà tự
xưng là đồ vũ-phu thô-tục, chẳng đáng người quốc-sắc thiên-hương yêu đến một mẩy-may
nào.
Tôi lại đặt nàng ngồi xuống ghế, rồi tối quì xuống mà lạy
nàng, xin nàng cho phép tôi cúi lậy như thế, mà kêu-van nàng cho đáng tội. Khi
tôi đã quì xuống rồi, thì bao nhiêu những lỗi, những cách quị-lụy của đứa
đàn-ông đã mê-mẩn ở dưới quyền một con đàn-bà có thể nghĩ đến mà lạy nó, đều
đem ra mà gói hết ở trong mấy lời xin lỗi. Tôi khấn nàng như là khấn một vị thần
thiêng, cắn rơm cắn cỏ mà kêu cho lấy được một lời ban-bảo rằng tha cho đó.
Nàng không phải là đứa tàn-ác, mà để cho kẻ nam-nhi quá ư đê-hạ trước mình, cho
nên nàng nom thấy tôi như thế, thì nàng ôm ngay lấy cổ tôi, mà nói rằng tội-nhân
là nàng, mà người có quyền tha-thứ là tôi. Nàng thú nhận rằng bởi lầm-lỗi đã để
cho tôi mang tủi đeo sầu, rồi nàng van lạy xin tôi lấy lượng hải-hà mà quên đi
cho. Nàng đã sợ nói ra cho hết lẽ bởi sao mà ở ăn dường ấy, thì tôi nghe lại
càng thêm giận, cho nên nàng cũng lúng-búng cho xuôi một vài lời mà thôi. Vả
tôi thấy nàng có ý muốn nói cho xuôi tội như thế thì tôi lại sợ nàng phiền, tôi
liền can rằng:
- Tôi nào dám trách tội mình mà mình tìm lẽ làm chi cho tổn
trí-khôn. Mình ơi, mình làm những sự gì, tôi không dám hỏi lẽ mình nữa, tôi
tình-nguyện từ đây nhắm mắt bịt tai mà cho hết các công-việc của mình làm là phải
cả. Tôi nào dám bẻ-bai mình, quí hồ mình yêu tôi, mình hạ cố thương tôi là tôi
đủ sướng thôi mà. Nhưng hỡi hỡi Mai-nương cầm quyền sinh-sát ta ơi! Hỡi
hỡi Mai-nương có quyền tự ý mà cho ta được sướng, được khổ! Mai-nương khi
đã thấy ta hối quá rồi, khi đã nhìn ta liếm đất gặm chân ghế mà van lạy
cho Mai-nương thỏa lòng thế này rồi, cũng tưởng nên cho phép ta giãi
bày cái cảnh ta xót-xa sầu-khổ một đôi lời. Mình ơi, ngày hôm nay mình định phận
cho tôi làm sao đây? Cho tôi được sống hay là phải chết đây? Đêm nay mình định
kết cái án xử-tử tôi mà ngủ trong cái nhã này với gã Mỗ Mỗ hay sao
đây? Xin mình cũng phán-bảo cho tôi một lời để tôi đành dạ.
Tôi nói thế thì nàng nghĩ-ngợi hồi lâu, rồi mới khoan-hòa mà
đáp rằng:
- Vũ-sĩ rất yêu-mến của thiếp ơi, ví nếu vũ-sĩ nói rõ ngay từ
trước cho thiếp ý tình như thế, thì có phải ta đã kiêng cho nhau được bao nhiêu
nỗi bồi-hồi cho chàng, xót-xa cho thiếp. Ví nếu thiếp được hay rằng lòng đấy cả
ghen như thế, thì dầu chàng bảo ngay thiếp phải đi theo cho đến cuối đất đầu trời
thiếp cũng xin theo. Thiếp vẫn tưởng chàng căm giận thiếp là vì cái thư kia là
thư của chàng Mỗ Mỗ đọc cho thiếp viết, vì người con-gái gã sai ra
an-ủy cho chàng. Thiếp ngờ rằng chàng coi thư ấy như một cách khinh chàng bỡn-cợt,
và coi đứa con-gái ấy là một người của thiếp sai ra để thế-vị cho thiếp, để thiếp
từ đây ở hẳn với tân-lang. Ấy thiếp nghĩ như thế mà rầu lòng, mà ân-hận, bởi vì
thiếp cũng biết rằng lòng này dầu băng-tuyết, cách kia nếu là tại thiếp thì thật
là tệ với lang-quân. Ai biết đâu chàng lại vì ghen nên nổi trận lôi-đình, chứ
không phải chấp chi điều nô-dỡn. Chàng ơi, thiếp xin chàng hãy thử làm quan
tư-pháp mà xét ra cho thiếp cái án này. Chắc rằng khi chàng đã rõ tình đầu là
thế, thì chàng cũng phải công-nhận cho tình thiếp là oan.
Nàng bèn kể chuyện lại cho tôi nghe từ lúc mới ra kinh-thành,
đến chỗ nhà lầu dọn sẵn, Mỗ Mỗ sinh đón rước làm sao. Quả thị lễ
hoan-nghênh đà trân-trọng, nào là đưa dắt đi xem tất cả các phòng từng trên từng
dưới đâu đó trang-hoàng lịch-sự. Rồi đếm cho ngay một vạn phật-lăng, lại
thêm mấy món quà trân-bảo, nào là vòng-ngọc, nào là xuyến hạt-châu, chính những
đồ của cha gã đã cho thuở trước. Rồi lại đưa sang phòng ăn, tiệc bày đã sẵn
la-liệt những trân-cam mỹ-vị, đứa ở trong nhà hầu-hạ thì đã khéo dạy vào
khuôn-phép, trình, thưa, vâng, dạ đến điều, một bẩm bà, hai bẩm bà, thói cách
đãi người sang-trọng, chứ không mẩy-may rẻ-rúng. Sau lại đưa ra xem xe, xem ngựa,
giao cho mà nhận lấy đủ các thứ đã hẹn cùng nàng. Rồi rủ đánh một ván bài lá để
đợi giờ vào tiệc.
- Thiếp thú thật rằng thiếp nom thấy bấy nhiêu thứ thì mắt
cũng hơi hoa. Thiếp nghĩ rằng nếu vội bỏ ra đi lấy một muôn phật-lăng, chiếc
vòng đôi xuyến, thì chẳng hóa thiệt-thòi bao nhiêu của đáng tiền. Mà của ấy giá
thiếp với chàng cùng hưởng, thì có phải sẵn-sàng một cơ-nghiệp lớn, không mất một
giọt mồ-hôi mà có. Bởi thế cho nên thiếp biếng hẳn cái mưu rủ chàng đi coi hát,
mà cố ngồi dò ý-tứ xem đối với lang-quân chàng định xử làm sao? Nguyên thiếp thấy
chàng dễ-dãi, thiếp có nghĩ một mưu này, xin nói để lang-quân nghe xem thiếp
lo-toan khéo vụng? Số là trong khi nói chuyện, gã có hỏi qua tình thiếp cùng
lang-quân thế nào, bỏ lang-quân mà đi như thế, trong lòng có tiếc nhớ gì chăng?
Thiếp mới đáp rằng con người như lang-quân, hảo-tâm có một, quảng-đại không
hai, bấy lâu tựa bóng nương-nhờ, lòng nào chẳng mến. Tôi nói thế, thì gã lại
khen lang-quân là người đáng phục, gã xưa nay cũng muốn cầu thân. Gã mới hỏi
thiếp chẳng biết khi lang-quân biết rõ sự tình thì lang-quân khu-xử ra làm sao?
Thiếp nói rằng đôi ta là nghĩa cũ-càng, lâu ngày lửa yêu cũng đà lạnh-lẽo. Vả
lang-quân đương lúc cơn đen vận túng, có lẽ bỗng thấy uyên bay đâu mất, cũng
không coi là một nạn to, mà lại nhẹ một vai gánh vác. Thiếp lại khoe hộ cho
chàng tính-nết hiền từ, chắc hẳn dầu làm sao cũng không đến chuyện bộc-thi
lưu-huyết mà lo. Sau này lang-quân bằng gặp mặt có hỏi-han đến tội bỏ nhà, thì
thiếp sẽ bảo khéo kiếm cớ nói rằng hôm ấy nhân ra Ba-lê mua bán, trước
khi đi cũng đã hỏi lang-quân cho phép hẳn-hoi. Thiếp nói vậy thì gã bảo rằng:
- Ví nếu chắc rằng tính-nết con người dễ-dãi như thế, thì ta
đây cũng chẳng hẹp gì xin giúp ngay chàng một việc.
- Thiếp đáp rằng cứ như bụng dạ lang-quân thì thiếp chắc nếu
chàng sẵn giúp, lang-quân hẳn cũng chịu ân, nhứt là những việc làm ăn sinh-lý,
vì từ khi lang-quân đeo tội với nghiêm-đường, tiền nong lúc nào cũng hơi túng-bấn.
Chàng lại nguyện rằng xin tất tâm giúp được việc cho
lang-quân. Mà ví nếu lang quân có tình muốn kiếm gái khác để thế chân cho thiếp
trong sự yêu-đương, gã cũng sẵn nhường cho một cô nhân-ngãi cũ rất xinh rất đẹp,
chỉ vì thiếp mà gã mới bỏ buông tay. Thiếp vội vỗ tay khen kế ấy, cho gã khỏi
nghi-ngờ chi cả. Từ lúc đó thiếp lại càng quyết chí dùng mưu khéo nọ. Thiếp những
mong được dịp thông-tin cho lang-quân biết, kẻo nữa để lang-quân chờ đợi lâu chẳng
thấy thiếp ra nơi hẹn, lang-quân có lo-ngại gì chăng. Bởi vậy mà thiếp bàn với Mỗ
Mỗ sinh sai ngay người gái tốt đi ngay tối hôm nay ra đầu đường Thánh
An-đê-rê tìm lang-quân. Ý thiếp bàn ra việc ấy là chỉ mong được lấy phương
nhắn tin cho lang-quân biết. Thiếp phải dùng đến kế ấy là bởi thiếp biết rằng
gã ấy giữ thiếp như sơn, không để dời ra một phút. Khi thiếp bàn như thế thì gã
tức cười, liền kêu đứa ở sai đi kiếm cho được người nhân-ngãi cũ. Trước gã còn
toan cho ả đến tận nhà ta ở ấp Say-dô. Sau thiếp phải bảo thật rằng trước
khi đi thiếp có hẹn với lang-quân tối nay gặp nhau tại nhà hát-bội, bằng
lang-quân tìm thiếp tại rạp hát mà không thấy thì lang-quân đem xe đến chờ ở
nơi đầu đường. Như vậy thì nên cho người gái đẹp đến tìm ở đó, dẫu chưa được việc
gì, cũng được điều không để cho lang-quân chờ đợi suốt đêm. Tôi lại gạn với gã
để cho tôi viết một phong-thư nói cho hay việc trao đổi là thế, nếu không thì
chắc lang-quân khó hiểu sự-tình. Gã chịu để cho thiếp viết thư, nhưng lại bắt
thiếp phải viết thư ngay trước mặt. Cho nên trong thư thiếp định viết một đường
mà sau ra một nẻo, để cho lang-quân không hiểu nghĩa làm sao. Lang quân ơi, ấy
việc đầu-đuôi như thế. Cách thiếp ăn ở với lang-quân là thế, mưu kế thiếp
lo-toan là thế, không dám giấu-giếm một li nào cả. Sau người con-gái đến, thiếp
thấy người cũng xinh cũng đẹp, mà thiếp lại nghĩ rằng lang-quân chờ đợi thiếp
trong bấy giờ lâu, ắt hẳn cũng buồn-rầu đôi chút, vậy thiếp thật tình mà mong rằng
người ấy cũng có lẽ giải-muộn được cho lang-quân trong một vài giờ. Thiếp nghĩ
như thế là bởi lòng thiếp nghĩ đôi ta yêu-mến nhau, chữ trinh là ở chỗ ý-tình,
chứ không ở đâu ngoài da thịt. Thiếp cũng đã muốn kiếm cách sai thằng Mạc-xen ra
thưa lại với lang-quân, ngặt từ khi thiếp đến nhà lầu, chưa được lúc nào nói
chuyện riêng với đứa ở của mình mà giảng-giải cho nó biết hết ý.
Sau nàng kết câu chuyện mà rằng khi Mỗ Mỗ sinh bắt
được thư của T… công-tử, thì lưỡng-lự không biết quyết bề nào. Đã toan mặc bạn
không đi. Sau nghĩ thế nào lại miễn-cưỡng đứng dậy, hẹn thiếp rằng một lát sẽ về.
Bởi vậy mà khi thiếp mới thấy lang-quân vào đây, thiếp đã lo-sợ mà lại giật
mình.
Tôi cố bấm gan mà nghe nàng nói cho hết câu chuyện. Trong bấy
nhiêu điều thì lắm điều thật là cay-độc, thật là chua-chát cho tôi. Cái chí
nàng đêm ấy quyết lòng thất-tiết với tôi, thì đã rõ ra mồn-một, nàng biết vậy
cho nên cũng chẳng buồn che đậy nữa. Chẳng lẽ trong suốt một đêm hôm ấy, gã kia
lại để mà thờ hay sao? Vậy thì cái chí thất-tiết là quyết có. Trời ơi! câu nói
thật nào đau lòng cho một gã nam-nhi yêu nhân-ngãi hơn là câu nói thật ấy! Tuy
nhiên tôi cũng nghĩ lại rằng tôi có một phần trách-nhiệm trong cái lỗi của
nàng. Nếu tôi không đi nói ngỏ cho nàng biết tình ý gã kia say-mê nàng như thế;
đến khi nàng biết rồi, nếu tôi không rồ-dại mà đồng tình với nàng trong cái việc
phản-trắc mạo-hiểm ấy thì đâu có đến nỗi làm vậy. Vả tôi bẩm-sinh lại có một
tính rất đặc-biệt, thấy nàng thật-thà quá đỗi, dửng dưng mà nói thật cho tôi
nghe những câu xót ruột tím gan cho tôi như thế, thì tôi đã không giận mà lại
thêm thương, bụng bảo dạ con này vô tình mà nên tội; đàn-bà nhẹ dạ mà chẳng biết
nghĩ xa, nhưng được cái trực, cái thành nó chuộc lại cả. Vả nữa một cái
thương-yêu nó đủ làm cho tôi đui-điếc, dẫu thấy nàng làm điều xằng cũng nể nàng
mà nhắm mắt. Tôi những chắc rằng đêm hôm ấy quyết là hớt cẳng được gã kia cũng
đã đủ thỏa rồi. Tuy vậy, tôi cũng hỏi gặng nàng một câu:
- Thế thì đêm nay, mình định ngủ với ai?
Câu hỏi ấy tôi buồn-rầu mà nói, khiến cho nàng lúng-túng chẳng
biết đáp làm sao. Nàng bập-bẹ mấy câu: nhưng mà thế này, nhưng mà thế nọ. Nếu
thế này, nếu thế kia, rồi tịt mất.
Tôi thấy nàng ngắc-ngứ, tôi cũng thương tình. Rồi tôi không để
nàng nói lôi-thôi chi nữa, tôi lên giọng nghiêm-khắc mà bảo nàng rằng: phải đi
theo tôi tức-khắc. Nàng rằng:
- Mình dạy thế, tôi xin vâng ngay. Nhưng thế là mình không đắt
mưu của tôi nữa đó à?
- Thôi, tôi tưởng đến thế cũng là tôi chiều mình quá rồi. Từ
trước đến giờ tôi đã y hết mọi việc mình làm, là đủ rồi. Từ giờ mà đi thì thôi.
- Thế nào! chỗ một vạn phật-lăng của gã cho tôi,
mình cũng không để tôi lấy hay sao? Tiền ấy gã cho tôi rồi, là kỉ-vật của tôi rồi,
sao tội lại bỏ?
- Tôi khuyên nàng vứt mẹ cả nó đó mà cùng tôi đi ra cho
chóng. Tuy tôi vào đó mới được độ nửa giờ, mà tôi đã lo Mỗ Mỗ sinh về
thì lỡ cả. Sau nàng nằn-nì mãi, cứ đòi bỏ cho đẫy túi hãy ra, tôi nghĩ mình bắt
nàng phải theo mình được đến thế cũng là may rồi, thôi thì chiều một câu ấy nữa.
Trong lúc nàng sắp-sửa để đi ra, thì bỗng tôi nghe tiếng người
gõ cửa. Tôi đã chắc là chàng Mỗ Mỗ trở về. Tôi luống-cuống lên mà
thét bảo Mai-nương hễ gã bước vào là có một người mất mạng. Mà lúc bấy
giờ tôi còn giận lắm thật, giả-sử Mỗ Mỗ sinh về thì chắc là tôi giết
chết. May sao gã Mạc-xen chạy ngay vào mà đưa cho tôi một phong-thư của
T… công-tử khiến cho tôi đương giận mà nguôi.
Trong thư ấy bạn báo cho tôi biết rằng chàng Mỗ Mỗ đã
mắc mưu lừa-dối hiện đương đi về nhà chính lấy tiền. Trong khi đợi chàng trở lại,
thì bạn có nghĩ ra một trò cười nhỏ. Báo thù kẻ cướp vợ mình, không gì cho bằng
sẵn tiệc gian-phu bầy đó, cùng nàng thưởng bữa no say; sẵn giường thất-biểu vừa
kê, cùng nàng ngủ kĩ cho đến sáng bạch. Muốn toan xong mưu ấy, bạn tưởng cũng
không khó gì, quí hồ tìm ngay ba bốn người lực-lưỡng đón đường bắt lấy Mỗ
Mỗ sinh, đem giữ một nơi cho đến sáng hãy tha về. Về phần bạn thì bạn xin
cố giữ cho Mỗ Mỗ sinh ở nhà bạn ít ra trong một giờ nữa.
Tôi giơ thư ấy cho Mai-nương coi, luôn thể tôi thuật
lại cho nàng biết cái mưu tôi dùng để vào với nàng cho lọt. Nàng năc-nỏm khen
tôi với T… công-tử hai người cùng giỏi. Tôi cũng cười dài với nàng một lát. Còn
như cái kế sau cùng của T… công-tử bàn với tôi trong thư đó, thì tôi cũng coi
như một câu nói bỡn mà thôi, không ngờ nàng bắt ngay lấy mà van lạy tôi bảo tôi
nhứt định thi-hành đi thì thú cho nàng quá. Tôi can nàng mà nói rằng tối đêm đi
đâu tìm ngay cho được ba bốn tay lực-lưỡng để mà đón đường bắt Mỗ Mỗ sinh,
giữ lại một nơi cho chặt bây giờ? Nàng lại biện lẽ với tôi rằng T… công-tử đoan
với mình giữ được Mỗ Mỗ sinh trong những một giờ đồng-hồ nữa. Trong
giờ ấy thì đi tìm đâu không được mấy người khỏe-mạnh. Còn những lời khác tôi biện
ra để khuyên ngăn, thì nàng một mực cãi rằng tôi áp-chế quá, không chiều nể
nàng một thí gì cả. Cứ một câu nàng nói đi nói lại mãi.
- Tiệc nó mình xơi, giường nó mình ngủ, sáng mai phỗng cả
tình-nương và bạc nó mà đi. Như thế có phải thù cha, thù con, hai đường cùng trả
được, sao chàng lại còn lưỡng-lự?
Tuy trong tâm-linh tôi như đã có thần-minh mật-báo cho biết rằng
việc ấy quyết rồi kết-quả chẳng lành, vậy mà tôi thấy nàng nằn-nì mãi, sau tôi
cũng phải chiều. Tôi bèn từ-giã nàng một lát mà đi tìm mấy người thị-vệ quen của
gã Lệ-cốt khi xưa, để ủy-thác cho họ cái việc bắt giam Mỗ Mỗ sinh
một chỗ. Tôi đi tìm mấy người chỉ thấy có một người ở nhà, nhưng gã ấy thật là
tay quả-quyết. Thoạt nghe qua câu chuyện đã đoan với tôi việc tất phải xong, chỉ
xin có mười bích-tôn để đãi anh em bữa rượu. Tôi giục hắn làm ngay kẻo
trễ. Chỉ trong một khắc đồng-hồ hắn đã gọi được đủ người. Tôi ngồi chờ ở nhà hắn.
Khi hắn đem được mấy người bạn về, tôi thân-hành dẫn bọn ấy đến phục ở đầu đường
chỗ gần nhà chàng Mỗ Mỗ để Mai-nương. Tôi khẩn-khoản xin với họ
đừng có làm điều gì nhục-nhã đau-đớn Mỗ Mỗ sinh, chỉ bắt chàng đem một
nơi mà giữ kĩ đến bảy giờ sáng mới thả ra cho về mà thôi. Người đầu đảng
tình-nguyện với tôi xin bắt được chàng Mỗ Mỗ đem về để ở phòng mình,
bắt cởi quần áo ra, lên giường trùm mền nằm cho đến sáng trong khi chàng nằm
thì mấy anh em mua rượu về uống và đánh bài với nhau để thức mà canh cho đến
sáng.
Tôi đứng với họ kì cho đến lúc tôi nom thấy Mỗ Mỗ sinh
về. Tôi hồ thấy hút chàng thì tôi đứng nấp vào một xó tối để ngoạn cái cảnh lạ-lùng
đó. Người thị-vệ cầm súng vắn mà ra đón chàng kia, lấy lời phép-tắc ngọt-ngào
mà nói rằng không muốn hại đến mạng người mà cũng không muốn lấy của, chỉ bắt về
nhà chơi một đêm mà thôi, nhưng hễ không chịu đi theo lại kháng-cự hoặc kêu lên
thì thế tất phải bắn vỡ đầu. Mỗ Mỗ sinh thấy gã cầm súng, sau lưng lại
còn có ba người nữa, bèn đi theo liền, không dám nói-năng gì cả, tôi đứng đàng
xa nom thấy chúng dắt anh ta đi như dắt con cừu như thế, tôi cũng phải tức cười.
Việc xong tôi cũng tức-khắc chạy về với Mai-nương. Lần
này, thì tôi đường-hoàng gọi tất cả người hầu trong nhà mà bảo tối nay ông chủ
có việc gấp không thể về được, mời tôi lại ăn cơm tối với nàng Mai-nương,
đến mai ông chủ mới về. Nàng lại khéo giúp tôi trong việc khí trá đó nữa, thì
quân hầu không nghi-ngờ gì cả. Hai chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Còn người nhà đứng
hầu cơm đó thì chúng tôi làm ra mặt chủ khách nghiêm-trang lắm. Khi chúng đã dọn
bàn đi rồi, thì chúng tôi qua một tối rất vui-vẻ với nhau ở trong một cái phòng
khách rất lịch-sự. Tôi sẽ bảo gã Mạc-xen đi thuê lấy một cỗ xe, đúng
sáu giờ sáng thì đem xe đến chờ trước cửa. Độ chừng nửa đêm thì tôi tảng xin kiếu
bà chủ mà ra về, nhưng tôi ra đến cửa thì gã Mạc-xen tảng lờ mở cửa
ra rồi lại đóng cửa lại, tôi vẫn đứng trong nhà, rồi gã lại đưa tôi vào phòng với Mai-nương.
Trong khi ấy thì Họa-thần của chúng tôi đương làm hại chúng
tôi. Thì ra chúng tôi sướng rên sướng rú với nhau mà trên đầu vẫn có thanh gươm
treo lủng-lẳng. Sợi dây treo gươm ấy sắp đứt mà mình không biết.
Số là Mỗ Mỗ sinh đi đến nhà T… công-tử có đem một
tên đầy-tớ theo sau. Khi bọn thị-vệ bắt chủ thì quên không bắt tên đầy-tớ. Tên ấy
thấy chủ như thế thì sợ cuống-cuồng lên, vội chạy ngay về trình với cụ
thân-sinh ra chủ.
Lão phú-ông nghe nói rụng-rời. Vốn phú-ông chỉ sinh ra được
có một mống ấy mà thôi. Tuổi tuy còn trẻ mà đã ăn chơi quá đỗi. Trước hết cụ
tra hỏi tên người nhà xem chiều hôm ấy cậu làm những việc gì? Cậu có cãi nhau với
ai chăng? Cậu có can-thiệp vào đám cãi nhau của ai chăng? Cậu có vào nơi nào khả
nghi chăng? Tên đầy-tớ tưởng thầy gặp cơn nguy-hiểm lắm, bèn dùng hết chước mà
cầu-cứu cho chủ, không dám giấu-giếm điều gì cả, nào chuyện cậu phải lòng
cô Mai-nương, chuyên cậu đi dọn nhà lầu cho cô Mai-nương ở, sắm
đồ sắm vàng ngọc cho cô thế nào, cho cô bao nhiêu bạc, nó phun ra hết. Chiều
hôm ấy cậu đón gái về nhà riêng thế nào, trò-chuyện với gái những làm sao, đến
độ chín giờ có thư bạn đến mời đi đâu, cậu ra cậu đi những chỗ nào, về đến chỗ
nào thì bị chúng bắt, tơ-tóc thằng bé đem ra trình cụ cả. Bấy nhiêu lẽ đủ làm
cho phú-ông đoán chắc chuyện này là chuyện ghen-tuông. Tuy rằng khi cụ nghe ra
hết chuyện, cũng đã mười giờ rưỡi đêm rồi, mà cụ cũng tất-tả đi xe đến dinh
quan chánh Cảnh-sát. Cụ xin ngài tức-khắc hạ lệnh truyền cho các đội các ngũ đi
tuần đêm ấy, rồi cụ lại xin riêng một ngũ, để đi theo cụ đến chỗ đầu đường mà lệnh-lang
phải bắt. Cụ đi lùng hết cả các nơi khả-nghi rằng có con ta ở đó. Tìm mãi không
thấy tăm hơi đâu cả, cụ mới bảo thằng người nhà đưa đến chỗ nhà lầu, những mong
con đã trở về chốn ấy.
Giữa lúc tôi cùng nàng sắp đi ngủ thì họ kéo vào. Cửa buồng
thì đóng kín quá, thành ra lúc họ gọi cửa ngoài đường, tôi với nàng cùng không
biết cả. Sau Mỗ Mỗ phú-ông cùng với hai tên cung-thủ đi vào. Hỏi người
nhà chê-chán con ta ở đâu mà không đứa nào biết cả. Cụ bèn đòi cô nhân-ngãi của
con ra hỏi, họa may có biết gì không? Cụ mới sồng-sộc lên lầu, đến tận phòng ngủ
mà mở toang ra, làm cho chúng tôi tự dưng nom thấy người mà hết vía. Tôi bảo Mai-nương:
- Trời ơi! chính Mỗ Mỗ lão phú-ông đó nọ.
Nói đoạn, tôi nhảy tót ra, để nhặt thanh gươm, chẳng may
thanh gươm lúc ấy mắc vào bộ dây lưng, tôi kéo mãi ra không được. Hai tên
cung-thủ nhảy xổ ngay lại mà giằng lấy. Một người bận áo ngủ là một người không
có thế-lực cự lại được với ai cả, chúng bèn nhân đó mà làm cho tôi hết cách giữ
mình.
Lão phú-ông tuy bối-rối mà cũng nhận ngay được mặt tôi. Mai-nương thì
lão nhận mặt lại càng dễ lắm. Lão bèn lên giọng nghiêm-khắc mà rằng:
- Chẳng hay ta hoa mắt hay là chính-thị Đê-ghi-ri-ơ vũ-sĩ
với nàng Mai-nương Lệ-cốt đây này?
Tôi vừa hổ-thẹn, vừa đau-đớn, trong lòng căm-tức không nói ra
lời mà đáp lại. Trong khi tôi còn ngẩn-ngơ thì lão phú-ông hình như nghĩ-ngợi
trong đầu những điều gì, rồi nổi giận lớn lên mà thét bảo tôi rằng:
- À! thằng đồ khốn này! ta chắc mi đã giết chết mất con ta rồi!
Lời sỉ-mạ ấy, làm cho tôi tức khí lên mà đáp:
- Thằng bất-nhân già kia, ví tao mà có giết ai trong nhà mày,
thì tao giết mày trước, chứ tao không giết con mày.
Lão lại bảo những quân cung-thủ:
- Các anh giữ lấy nó cho chặt. Nó làm gì con tôi, nó phải nói
cho tôi biết. Nếu nó không nói ngay thì đến mai tôi làm cho người ta treo cổ nó
lên.
- Mày bảo được ai treo cổ tao à [des Grieux là quý tộc nên
theo luật không treo cổ được], thằng đê-mạt kia? Duy có những giống như giống
mày mới phải chịu giảo hình. Mày phải biết cái máu chảy trong da tao là một thứ
máu sang-trọng, tĩnh-khiết hơn máu nhà mày. Hễ mày còn xấc với tao nữa, thì tao
sai người bóp cổ cho con mày chết trước khi tới sáng ngày. Rồi sau tao cũng giết
mày như thế nốt.
Tôi nói thật với lão rằng tôi biết con lão ở đâu như thế, thật
là khờ dại. Nhưng tôi giận quá, không thể sao giữ miệng được kín. Lão bèn gọi nốt
năm sáu tên cung-thủ nữa vào, rồi lão truyền trong nhà có bao nhiêu đứa ở phải
bắt hết. Đoạn rồi lão khủng-khỉnh cười nhạt mà rằng:
- À! à! ông vũ-sĩ, ra ông biết con tôi ở đâu. Mà ông lại đe từ
giờ đến sáng mai thì ông sai người bóp cổ nó. Ông phải biết ông đã nói thế, thì
chúng tôi phải liệu, chứ ai lại có để ông tự-tiện mà làm.
Nói thế rồi lão lại ghé đến gần Mai-nương, khi ấy đang
ngồi khóc trên giường, lão mỉa-mai nàng mấy câu đau-đớn, khen cho tài gái không
vừa, một đôi má phấn đã chuyển động đến cả cha con, mà gớm cho gan đàn-bà cũng
đã tợn tính. Thằng quỉ già lúc ấy lại còn toan trêu ghẹo nàng những cách lẳng-lơ,
tôi liền thét:
- Này này tao bảo trước, mi chớ có đụng đến nàng, nếu tao bảo
không nghe thì sau này không có trời nào cứu cho mi sống nữa.
Lão đi ra, để lại ba tên cung-thủ trong phòng để bắt tôi với
nàng mặc quần áo vào cho chóng, lúc ấy tôi chưa biết lão định làm gì chúng tôi.
Có lẽ bấy giờ tôi phun ngay ra con lão ở đâu, thì lão cũng thuận tình phóng-xá.
Tôi vừa bận áo vừa tính trong bụng xem có nên xử nhũn ngay thế hay không, ngặt
vì khi lão ở trong phòng bước ra thì có lẽ lão sẵn lòng cốt thấy được con mà
thôi, nhưng khi lão trở vào thì lão đã đổi hẳn. Số là khi lão ra ngoài, lão đã
bắt hết đứa ở ra hỏi, thì không đứa nào biết con lão đâu cả. Đến lúc lão hay được
gã Mạc-xen là đứa ở cũ của tôi với nàng, thì lão bắt gã mà nạt dọa để
cho gã phải nói.
Tội-nghiệp thằng bé thật là ngay-thảo, nhưng nó thật-thà,
quê-kệch quá đỗi… Phần thì gã e tội trước đi đánh tháo cho Mai-nương ra
khỏi phúc-đường, phần thì nó nom thấy mặt Mỗ Mỗ phú-ông nó cũng đủ
run-sợ, đã lo ngay-ngáy phen này thì không biết họ đem đi tùng xẻo hay là đem
đi buộc dây treo cổ đây. Nó bèn sợ cuống lên mà thú hết, chỉ cầu khỏi chết mà
thôi. Lão phú-hộ thấy thằng bé lo-sợ như thế thì ngờ rằng trong việc tôi với
nàng tất còn có điều gì trọng-phạm lắm nữa. Lão bèn hứa với gã Mạc-xen, hễ
nói cho thật thì chẳng những không chết mà lại còn trọng-thưởng cho sau.
Thằng khốn-nạn ấy bèn phun ra hết những việc mưu-toan của
chúng tôi để lừa con trai lão. Những mưu lừa chước dối ấy, chúng tôi đi ngỏ cả
cho nó biết, vì phải sai nó làm một phần việc. May sao cách thi-hành mưu ấy sau
chúng tôi đổi một vài nơi; đổi làm sao chưa kịp nói cho nó biết. Vậy thằng bé
cung xưng rằng ý chúng tôi cốt lừa con lão. Mai-nương thì chắc đã
lĩnh được món tiền vạn phật-lăng rồi. Số vạn phật-lăng ấy
là chúng tôi đã định không bao giờ để lại trở về nhà Mỗ Mỗ nữa.
Lão phú-hộ vừa nghe vỡ câu chuyện như thế, cơn giận nổi lên
mà tất-tả chạy lên gác, vào thẳng chỗ phòng chúng tôi ở. Lẳng-lặng mà xông vào
đến tận chỗ lầu trang của Mai-nương, tìm thấy ngay túi bạc với vòng xuyến.
Lão bèn đỏ mặt bừng-bừng mà chạy ra, tay xách cái túi, tay cầm hộp đồ vàng ngọc
giơ ra mà bảo chúng tôi là đồ ăn-cắp, sỉ-mạ chúng tôi không còn thiếu câu gì.
Đoạn rồi lại giơ cái vòng đôi xuyến vào tận mặt nàng, cười lạt mà hỏi:
- Vòng xuyến này là vòng xuyến nào, mi có nhận ra không? Thì
ra đồ này dùng đã quen rồi, không phải đồ lạ nhỉ! Chính là vòng ấy xuyến ấy,
thì ra mi ưa riêng một kiều đồ này. Tội-nghiệp cho hai đứa bay, hai đứa bay
cùng vui tính phạm, duy chỉ phải một tật gian-lận đôi chút.
Tôi nghe lão nói sỉ-mạ, tôi tức lộn ruột. Trời ôi, lúc ấy
ví-dụ ai làm thế nào cho tôi được tự-do một lát mà thôi… thì bảo tôi thế nào mà
tôi không xin chịu! Sau tôi biết thế mình không làm gì được, tôi bèn nuốt giận,
tôi lấy giọng rất ngọt-ngào mà bảo lão rằng:
- Thôi thôi, tôi xin ông đừng nói những lời mỉa-mai nhau bằng
những lời vô-lễ ấy làm gì nữa. Ý ông muốn thế nào? Ông định làm gì chúng tôi
thì xin ông cứ nói phăng đi.
Lão trả lời:
- Dám thưa vũ-sĩ, tôi muốn đem vũ-sĩ và cô ả đây đến nhà ngục Sa-tư-lê ngay
tức thì. Giờ đêm đã khuya, xin để sáng mai, ban ngày ta xem-xét mọi việc nó
rõ-ràng hơn ban tối. Tôi ước gì từ đây đến sáng mai thì vũ-sĩ ngỏ cho tôi biết
con trai tôi bây giờ nó ở chốn nào?
Tôi không cần phải nghĩ-ngợi lâu cũng biết sự này là sự gở,
tôi với nàng mà phải vào Sa-tư-lê thì sau này khốn-khổ không còn biết
chừng nào. Những nghĩ đến mà sởn da gà. Tuy tôi bẩm-sinh là người rất khí-khái,
mà lúc ấy cũng chịu thế mình phải khuất người ta, phải nịnh hót cái thằng mình
thù ghét nhứt đó, may ra nó còn nể-nang mình chút nào chăng?
Tôi bèn lấy giọng khiêm-tốn mà xin lão nghe tôi phân-giải đôi
lời. Rồi tôi nói với lão:
- Thưa ông, hèn này biết dại đã nhiều. Trẻ người non dạ, cho
nên đã trót làm ra lắm điều càn-dỡ. Mà phạm đến tôn-ông. Nhưng ví nếu tôn-ông
biết cái sức ái-tình nó xui khiến người ta được đến thế nào, ví nếu tôn-ông hiểu
được cái xót-xa cay-đắng của một người thanh-niên vô-hạnh bị người ta cướp giật
mất tình-nương yêu-mến, thì tôn-ông cũng xá cho cái lòng tiểu-kỉ thường tình phải
kiếm cách trả thù người thị của. Hoặc lượng tôn-ông có hải-hà lắm nữa, thì cũng
coi cái cảnh khổ-nhục của hèn này, đến thế là bõ giận của tôn-ông rồi. Lựa là
phải đến lao-hình khổ-nhục mới bắt được hèn này phải thuật cho tôn-ông biết lệnh-lang
ở đâu. Lệnh-lang nay yên mạng ở một chốn kia, không có nguy-hiểm chi hết. Ý hèn
này không muốn làm hại gì lệnh-lang cả, mà cũng không muốn làm điều chi chướng-ngược
với tôn-ông cả. Lệnh-lang hiện ở nhà nào, nếu tôn-ông thi ân hà-hải mà tha cho
hèn này, thì hèn này xin thưa ngay tôn-ông biết.
Con lão-lang ấy đã chẳng động lòng thương thì chớ, nghe tôi
nói thế, lại quay lưng lại mà cười ồ lên, rồi chỉ nói nhát gừng vài ba câu ra
điều ý chúng tôi làm sao nó đã biết tỏng cả rồi. Còn về việc con trai nó thì nó
nói quí hồ tôi chưa giết chết, sau này thế nào mà nó chẳng thấy mặt con nó, lựa
phải cầu đến tôi tìm hộ. Đoạn rồi nó thét hai tên cung-thủ:
- Bay khá giải ngay cả hai đứa đến ngục Sa-tư-lê, mà
khéo chàng vũ-sĩ trốn mất. Vũ-sĩ là một gã bất-trị, đã trốn được ra khỏi Thánh
La-da, không phải tầm-thường.
Lão nói thế, rồi đi ra, để tôi trong một cảnh sầu-thảm vô
cùng. Tôi mới than thân rằng:
- Trời ơi! Ví nếu ông chẳng thương tôi mà ông bắt tội, thì dẫu
trầm-luân khổ-hải thế nào mà tôi không cam chịu. Nhưng sao ông nỡ để đồ vô-loại
kia nó làm nhục đến tôi, thì phỏng tôi chịu làm sao được?
Quân cung-thủ giục chúng tôi đi. Ngoài cửa có cỗ xe chờ. Tôi
giơ tay ra, tôi dắt Mai-nương xuống gác mà bảo nàng rằng:
- Thôi, đi cùng ta, hỡi hỡi tình-nương rất yêu rất quí! đi
cùng ta mà chịu cho hết cái cay-nghiệt của số-phận đôi ta. Có lẽ một ngày kia
trời cao chẳng phụ, để cho đôi ta qua cơn bĩ-cực tới tuần thái-lai hơn thế này.
Hai đứa được đi chung một xe. Nàng ngồi vào lòng tôi để tôi
ôm-ấp lấy mà khóc. Nguyên từ lúc lão phú-ông tới bắt nàng chưa nói nửa lời nào.
Nhưng từ lúc lên xe, có một mình nàng với một mình tôi, thì nàng nói với tôi kể
đến muôn vàn điều ân-ái, nỉ-non than khóc, những trách mình đã làm nên tội để
cho tôi đến nỗi lầm-than. Tôi bảo nàng quí hồ nàng cứ đinh-ninh một dạ yêu tôi,
thì dầu khổ thân đến thế nào nữa, tôi cũng không kêu nửa tiếng. Tôi lại nói rằng:
- Mình ơi! trong hai ta thì tôi không phải là kẻ nên thương
thứ nhứt, mình ạ. Một vài thằng tù, nào tôi có sợ đâu. Mà tôi vẫn ưa ngục Sa-tư-lê hơn
ngục Thánh La-da. Nhưng lòng tôi thương mình quá. Trời đất ơi! con người
quốc-sắc thiên-hương như mình, ngờ đâu lại đến nỗi này! Hóa-công sao nỡ tệ, đã
sáng-tạo nên một mỹ-công tuyệt-tác như thế này, mà nỡ đang tay vùi giập? Sao
ông lại không sáng-tạo ra chúng tôi chếch-lệch đui-què, ngu-xuẩn, dại-dột, để
cho xứng-đáng với cái kiếp lưu-li sầu-khổ mà ông đã dành cho hai chúng tôi? Ông
lại đi ông cho chúng tôi có tài, có sắc, có trí-khôn, có tình-cảm, để cho chúng
tôi phải dùng tài ấy, sắc ấy, trí-khôn ấy, tình-cảm ấy một cách thảm-sầu như thế.
Còn biết bao nhiêu kẻ đê-mạt, đáng sầu-khổ như chúng tôi, thì ông lại cho chúng
nó được đủ phú-quí vinh-hoa.
Tôi càng nghĩ như thế thì ruột lại càng đau thấm-thía! Nhưng
cái đau ấy tỉ với cái đau chưa lại thì không thấm vào đâu cà. Tôi lo cho Mai-nương nhiều
nhứt. Nàng đã phải vào phúc-đường một lần rồi, ví dù có được đi cửa chính mà ra
chăng nữa, trở về lần thứ hai, những chốn ấy cũng đã là một việc nguy-nan,
phương-chi nàng lại là một gái bị giam trốn ngục mà ra. Tôi đã toan tỏ tình lo-sợ
ấy cho nàng biết, nhưng tôi lại sợ nói ra nàng lại thêm rầu. Tôi giật mình cho
nàng mà không dám nói. Tôi đành cứ thở dài mà hôn nàng để tỏ cho nàng biết cái
bụng yêu-thương của tôi mà thôi. Một khi tôi hỏi nàng rằng:
- Mình ơi! mình có yêu tôi được mãi mãi không, mình nói cho
thật.
Nàng đáp rằng sự ấy mà tôi còn phải hỏi thì nàng buồn-rầu lắm.
Tôi liền nói:
- Nếu vậy thì tôi không ngờ nữa. Tôi mà đã tin được điều ấy
thì bao nhiêu kẻ thù-nghịch, bao nhiêu nỗi ngăn-ngừa tôi đoan xin vượt được hết.
Tôi xin hết sức mượn thế nhà mà ra cho khỏi chốn ngục-hình. Khi tôi đã ra được
ngoài rồi, nếu tôi không cứu được nàng ra theo luôn, thì bao nhiêu huyết-mạch của
tôi cũng gọi là máu chảy thừa mà thôi.
Hai đứa vừa cam-kết với nhau như thế thì xe đến trước ngục-hình.
Họ đem giam ngay chúng tôi riêng mỗi đứa một phòng. Sự ấy tôi đã biết trước,
cho nên cũng không tức giận cho lắm. Tôi giới-thiệu nàng với tên thủ-ngục. Tôi
nói tôi là con nhà sang-trọng, hễ xử tử-tế với tôi thì sau sẽ có thưởng. Trước
khi từ biệt nhau, tôi hôn nàng và tôi khuyên nàng chớ nên phiền-muộn cho lắm, hễ
trời cho tôi còn sống thì nàng không phải lo-sợ chi hết. Trong lưng tôi hãy còn
tiền, tôi bèn cho nó ít nhiều. Còn tiền tôi lại trả trước cho nó một tháng cơm
ăn nàng với tôi. Đồng tiền bỏ ra, kết-quả thật chóng. Tên thủ-ngục dọn ngay cho
tôi một cái phòng sạch-sẽ lắm, lại đoan với tôi rằng nàng cũng được một cái
phòng như thế.
Tôi vào đến ngục, lo ngay đến mưu giải-thoát. Tôi nghĩ trong
cái việc tôi cũng không có gì thật là trọng-phạm. Ví-dù quan Tòa cứ chiếu lời
cung của gã Mạc-xen mà buộc cho chúng tôi có ý lấy bạc của người nữa,
thì bạc ấy chưa ra khỏi nhà Mỗ Mỗ sinh, cũng chưa thành được tang đạo
thiết [?]. Tôi bèn quyết định báo ngay tin về cho ông thân-sinh tôi biết, để mời
ông thân-sinh tôi thân-hành ra ngay kinh-thành mà lo-lắng cho tôi. Trên kia tôi
đã nói tôi coi sự ở ngục Sa-tư-lê không nhục như ở Thánh La-da.
Vả tôi là một đứa con kính-sợ cha mẹ, nhưng đi ăn chơi lưu-lạc bấy nhiêu lâu,
tính-khí đã dạn ra nhiều. Tôi bèn viết thư cho cha tôi, quân coi ngục cũng cho
đem thư ra, không ngăn-trở gì hết. Tôi không ngờ rằng cha tôi hôm sau, thì ra tới Ba-lê,
giá tôi biết vậy thì tôi cũng không viết thư về làm gì nữa.
Nguyên cha tôi đã tiếp được phong-thư tôi gửi tám ngày về trước
rồi. Cha tôi được thư ấy thì mầng-rỡ, nhưng mầng mà không tin những lời tôi hẹn
xin hồi tỉnh, xin sửa mình trở lại. Cha tôi bèn quyết định thân-hành ra tận nơi
mà xem tôi đã tu-tỉnh thế nào, rồi tùy cách tôi ăn ở mà đãi tôi. Thành ra tôi
phải bắt giam hôm trước, thì hôm sau cha tôi ra.
Nguyên trong thư tôi có xin cha tôi gởi thư trả lời đến nhà
anh Tỉ-ba, thì cha tôi ra đến nơi, vào ngay đó trước, hỏi Tỉ-ba nhà
tôi ở đâu, tôi hiện đương làm gì, thì bạn tôi không biết, bạn tôi chỉ thuật lại
cho cha tôi được nghe những chuyện lôi-thôi từ ngày thoát ngục Thánh La-da mà
ra thôi. Nhân bạn tôi còn nhớ những lời anh em nghị-luận bữa trước về đạo-đức,
về cách tu-thân, thì bạn tôi cũng nói với cha tôi rằng có lẽ phen này tôi tu-tỉnh
thật. Bạn tôi lại nói nghe như tôi đã bỏ được Mai-nương rồi, duy chỉ
ngạc-nhiên có một điều sao đã tám hôm nay không được tin-tức gì của tôi hết.
Cha tôi không phải là một người thật-thà dễ tin như thế, cha tôi những nghe nói
tám ngày chưa thấy âm-hao đã đủ nghi tình, chắc có điều gì Tỉ-ba không
hiểu rõ đây. Cha tôi bèn cố sức đi thăm dò tìm kiếm, chỉ trong hai hôm thì biết
đích tôi đã phải vào ngục Sa-tư-lê.
Trước khi cha tôi vào thăm trong ngục, thì tôi được thừa tiếp
quan chánh Cảnh-sát. Nói thật thì là ngài thân-hành vào mà tra hỏi tôi để lấy
khẩu-cung. Nhân ngài có trách mắng tôi mấy câu cũng không tàn-tệ mà cũng không
sỉ-nhục cho tôi lắm. Ngài lấy giọng khoan-từ mà bảo tôi rằng ngài thấy tôi con
nhà danh-giá mà hư như thế, ngài cũng buồn thay cho tôi; rằng tôi đi trêu ngươi
vào một nhà thần-thế như Mỗ Mỗ phú-hộ, thật là khờ dại: thật tình thì
ngài cũng cho tôi là một đứa nhẹ dạ, không biết tính xa, chứ không phải là một
đứa gian-ác. Nhưng lần này tôi đến cửa ngài lần thứ hai, đã hai ba tháng ở Thánh
La-da tưởng là tu-tỉnh lại rồi, ngờ đâu còn hư như thế.
Tôi được một ông quan xét án nhân-từ như vậy, thì tôi lấy lễ-phép
và lấy cách ung-dung mà trình thưa để quan trên cũng phải động lòng thương
tình, mà khuyên dỗ tôi chớ buồn-rầu quá, rồi ngài hết sức vị tôi con nhà gia-thế,
vị tôi còn trẻ tuổi, mà thương cho được phần nào hay phần ấy. Tôi thấy quan dễ,
tôi lại đánh liều bẩm với quan nói cả cho Mai-nương nữa, nhân tôi
ca-tụng Mai-nương tính-nết hiền-từ trung-hậu. Quan cười mà dạy rằng
quan chưa thấy mặt nàng bao giờ, song cứ lời người ta trình báo thì gái ấy là một
gái bất-thiện, rất nguy-hiểm cho bọn nam-nhi niên-thiếu. Tôi nghe ngài nói thế
thì tôi thương nàng không biết ngần nào mà kể nữa, tôi bèn cạn lời biện-bạch, lấy
giọng nhiệt-thành yêu-mến mà cãi hộ cho nàng. Tôi vừa nói vừa chứa-chan nước mắt.
Ngài sai lính lại đưa tôi vào phòng giam. Khi tôi bước ra thì ngài lên giọng
nghiêm-nghị mà than rằng:
- Ái-tình! Ái-tình! biết bao giờ cho ái-tình kiêm được cả đạo-đức,
than ôi!
Tôi đương ngậm-ngùi lo đến phận mình, bời-bời trăm mối sầu-thảm,
và tôi đương nghĩ-ngợi đến mấy lời quan chánh Cảnh-sát dạy bảo, thì bỗng thấy cửa
phòng mở ra, chính cha tôi bước vào thăm tôi. Tôi đã gửi thư mời cha tôi ra, dầu
không đợi cha tôi hôm ấy thì tôi cũng đợi ngài vài hôm sau nữa, vậy thì trong
trí tôi đã sửa-sang để mà tiếp cha tôi rồi. Tuy vậy mà tôi bỗng thấy cha tôi bước
vào như thế, tôi cũng giật mình như sét đánh, những ước gì chỗ đất mình đứng
lún xuống sâu trăm trượng, để tránh cho khuất mặt nghiêm-đường, tôi hổ-thẹn mà
chạy ra hôn cha tôi, cha tôi ngồi xuống, chưa nói câu gì hết
Tôi thì đứng khoanh tay, hai mắt nhìn xuống, đầu mặt cúi gầm
mà không dám ngẩng. Cha tôi nghiêm giọng mà rằng:
- Anh ngồi xuống. Ngồi xuống đó. Tôi nhờ cái tiếng đồn lừng-lẫy
của miệng thế-gian, về những sự ăn chơi quái-gở độc-ác lạ đời của anh, mà biết
được tin anh ở chốn này. Cái nết như nết của anh, dẫu chẳng ra gì cũng có cái đặc-sắc
không sao thầm kín được. Thì ra anh đã tìm thấy con đường rất gần rất chắc để
mà đến bậc nổi tiếng lẫy-lừng. Tôi ước cho anh rằng sự này mau mau kết-cục tại
giữa pháp-trường mà làm gương cho thiên-hạ, như thế thì anh cũng vinh-hiển làm
trang sách hay cho thế-giới.
Tôi cúi đầu nghe mà không dám thưa câu gì. Cha tôi lại nói:
- Thương hại cho tôi, đẻ được con ra, yêu-mến như châu như ngọc,
tận tâm tận lực mà gây-dừng [gây dựng] cho con nên được bậc người lương-thiện,
ngờ đâu công-phu ấy đã kết-quả nên một thằng đại-gian-ác nó làm xấu tiếng cho cả
một nhà một họ thế này! Người ta lúc vận không hay, trời làm mất của, nạn ấy
cũng chẳng đau lâu, ngày qua tháng lại, nó khuây dần đi được; đến như cái tai-nạn
này là tai-nạn mỗi ngày thêm lớn, như là tai-nạn phải một đứa con đam-mê sắc-dục
như anh, đến nỗi quên cả liêm-sỉ, thì phỏng còn có thuốc nào chữa được? Ừ! tao
bảo thế mà mày không nói gì, thằng khốn kia! Kìa kìa ai thử xem cái mặt thùy-mị
giả-dối, cái vẻ chịu lụy điêu-ngoan kia, thoạt nhìn ai mà chẳng bảo đó là một
người lương-thiện nhứt ở trong dòng giống nhà nó?
Tuy tôi biết mình không oan cho lắm, mà cha tội dạy như thế,
tôi nghĩ cũng hơi quá lời, tôi bèn khoan-hòa lễ-phép mà thưa lại mấy câu:
- Lạy cha, con xin cha biết cho con rằng cái mặt chàm đổ này
không phải là con làm ra thế, con là con cha, nhờ phúc ấm tổ-tiên để lại cũng
biết mình dòng-dõi trâm-anh, con hết lòng hiếu-kính mà thờ cha, nay thấy cha cả
giận thì vẻ mặt con như thế này, thật là vẻ tự-nhiên, chứ đâu con có giả-dối,
con cũng biết trong dòng-giống nhà ta, con không phải là người đứng mực thứ nhứt,
cha mắng con thật là đích-đáng, nhưng con dám xin cha cũng lấy cách nhân-từ mà
đãi con một chút, cha đừng coi con như một đứa mạt hạng thất-phu thế vậy. Cha
nói đau con quá! lạy cha, bao nhiêu tội lỗi của con, chẳng qua bởi một chữ
tình, một chữ tình giết người! than ôi! cha há lại chẳng hay, cái sức giun-giủi
của nó hùng-dũng biết bao! Con là máu-mủ cha sinh ra, con chịu sức nó đến thế,
cha là cội-rễ cái tính con, há lại chưa bao giờ từng trải lửa nồng tinh-dục như
con-ru? Con vì tình mà say-đắm quá, mà ngây-dại quá, mà dễ-dãi quá, đến nỗi gái
bảo làm gì con cũng làm, tội con chỉ có thế mà thôi. Thế thì việc gì mà phạm đến
danh-giá nhà ta được. Vậy thì con xin cha mở lòng nhân-từ, thương lấy con dại,
xưa nay chỉ dốc một lòng rất kính rất mến mà thờ cha, dầu con mê-mẩn đắm say đến
thế nào cũng vẫn lấy điều liêm-sỉ làm trọng, con trót dại mà ra như thế này,
thì phần đáng khinh ghét là ít, mà phần nên thương hại cho con thì nhiều.
Tôi vừa nói vừa đầm đìa nước mắt khóc.
Tấm lòng kẻ làm cha là một mỹ-công tuyệt-tác của con Tạo. Bao
nhiêu cái từ, cái hậu, Tạo-hóa đem cả vào đó, làm cái mối sinh-lực cho người ta
ăn ở. Như cha tôi đã là đấng từ-bi quảng-đại, lại là một người trí-giả, biết
phân hay dở phải chăng, cha tôi nghe tôi phân biện một cách lạ-lùng như thế,
thì đương giận lại hóa thương tình, mà đã thương thì không thể làm mặt giận được
nữa. Cha tôi bèn ngọt ngay giọng nói mà bảo rằng:
- Tội nghiệp con ta! Con lại đây mà hôn cha đi. Cha nom thấy
con cha thương quá!
Tôi hôn cha tôi thì cha tôi ôm chặt lấy tôi mà rằng:
- Nhưng biết tính làm sao mà gỡ cho con ra khỏi chốn này bây
giờ? Âu là việc con làm sao, khá thật tình mà kể lại cho cha biết hết đi.
Tôi xét mình tôi không có điều chi là điều trọng-phạm đến
luân-thường đạo-lý cả, đem mà tỷ với lũ đồng-niên thì còn lắm kẻ hư thân xấu nết
hơn tôi nhiều. Vảà trong thời buổi ấy, đàn-ông có nhân-ngãi là một sự thường,
phong-tục nước ta bấy giờ chưa cho là điều xấu. Mà cờ-bạc khéo tay, người thời ấy
cũng chưa biết cho là một cách đê-tiện. Cho nên cha tôi đã hỏi thế thì tôi cũng
cứ thật mà khai, xưng ra hết cả những cách ăn ở của tôi, từ khi bỏ học đi chơi.
Cứ mỗi điều tội lỗi của tôi, tôi lại đem mà tỉ với việc người khác có danh tiếng
hơn, để cho nhẹ bớt cái sỉ-nhục. Tôi nói:
- Lạy cha. Con có một con nhân-ngãi, nghĩa là không có phép kết-hôn
mà ăn ở với một người đàn-bà mình yêu-mến. Mỗ quận-công đây kia, những
hai nhân-ngãi đi lại với nhau giữa chốn kinh-thành, ai ai cũng biết. Mỗ công
mê-mẩn một người tình-nương, kể đã mười năm, mà quí-báu hơn phu-nhân ở nhà.
Trong số các người danh-giá ở nước Đại-pháp thì chia ba hai phần người
cho sự có nhân-ngãi là một sự khoe-khoang được. Thưa cha, con trót theo đòi người
lạ mà tập mấy cách khôn-ngoan trong cuộc đổ-bác. Cha không xem Mỗ hầu-tước
và Mỗ bá-tước đây kia, chỉ có nghề ấy mà ăn. Như Mỗ hoàng-thân-vương, Mỗ quận-công
thì lại làm chùm [trùm] cho mấy bọn cờ gian bạc lận.
Còn chuyện lừa cha con Mỗ Mỗ phú-ông mà lấy tiền,
thì giả-sử tôi muốn kiếm những người kia khác ra mà tỉ cũng được, song tôi nghĩ
tôi cũng còn đôi ba chút khí-khái hơn người, cho nên tôi xin chịu ngay là tội xấu,
chứ không dám cãi. Tôi chỉ xin cha tôi nghĩ tình cho tôi vừa mê gái lại vừa
căm-tức cha con nhà kia, nên mới lập ra mưu lừa chước dối ấy mà làm hại cha con
nó chơi cho bõ ghét.
Cha tôi lại hỏi tôi đã nghĩ được cách nào lo-lắng cho mau
xong việc, mà lại khỏi tai-tiếng chăng? Tôi bèn thuật lại cho cha tôi biết cái
lòng nhân-từ của quan chánh Cảnh-sát đối với tôi.
- Ví bằng cha đã nói với quan chánh Cảnh-sát rồi mà việc chưa
xong, thì chắc là bởi Mỗ Mỗ phú-ông ngăn-trở. Vậy con xin cha vì con
mà chịu phiền đến thăm cả hai người ấy.
Cha tôi hẹn với tôi đi thăm cả hai nơi.
Tôi muốn luôn tiện xin cha tôi nói giúp cho cả Mai-nương,
nhưng tôi lại thôi không dám nói; không phải là tôi không bạo nói, nhưng tôi e
cha tôi lại giận lây đến nàng, mà đã không xin hộ, lại làm điều gì thiệt-hại
thêm cho nàng nữa chăng. Câu chuyện ấy đến bây giờ tôi cũng hãy còn ân-hận, có
lẽ là bởi vì khi ấy tôi không cả gan một chút, nói phăng với cha tôi, may ra
cha tôi có thương tình mà xin cho nàng chăng, cho nên về sau nàng bị cực-khổ
không ai cứu vớt được. Giả-sử tôi cố nói cho nàng với cha tôi, thì dẫu chẳng được
việc gì, cũng được một điều đón trước những lời dèm-pha của lão già Mỗ Mỗ.
Nói cho đáng thì cũng không biết chắc thế nào, cò lẽ là việc số-phận trời đã định
trước, chứ không phải là vì tôi biếng trễ câu gì; nhưng ví thử khi ấy tôi thừa
dịp cha thương mà nói nốt việc nàng thì về sau dầu có thế nào, cũng chỉ oán được
cái lòng tàn-nhẫn của cha con Mỗ Mỗ mà thôi.
Cha tôi ở ngục đi ra thì đến thẳng nhà Mỗ Mỗ phú-ông.
Đến nơi thì gặp cả hai cha con va ở đó. Số là bọn thị-vệ đã y ước với tôi, chỉ
giữ gã một đêm, đến sáng ngày tha ngay cho về. Tôi không biết khi chúng bắt gã
đem giam thì đêm hôm ấy đôi bên chuyện trò với nhau những gì. Nhưng cứ như
cách Mỗ Mỗ sinh xử tàn-nhẫn với tôi về sau thì tôi cũng đoán ra sự
đêm hôm ấy thế nào. Hai ông cụ liền đi với nhau đến dinh quan chánh Cảnh-sát mà
xin hai điều: điều thứ nhất là phóng-xá cho tôi ngay tức thì, điều thứ hai là xử
cho Mai-nương khổ giam chung-thân, hoặc đầy nàng sang châu Mỹ.
Giữa độ ấy, nhà-nước đương bắt những đồ du-đãng mà đem sang
thực-dân bên Mỹ-châu, ở chỗ chiền [triền] sông Mi-xi-xi-bi. Quan Cảnh-sát
y ngay lời hai cụ mà hẹn rằng chuyến tàu thứ nhất sẽ đem ngay nàng đi biệt xứ.
Hai cụ bẩm xong với quan được việc rồi cùng nhau đến ngục mà
báo cho tôi biết tin phóng-thích. Mỗ Mỗ phú-ông khéo kiếm vài câu hể-hả
mà nói chuyện trước, rồi lại mừng cho tôi có hạnh-phúc được cha hiền như thế,
lão khuyên dỗ tôi nên vâng theo những lời nghiêm-huấn, từ rầy thì ăn ở cho
ngoan, cố theo gương hay của nghiêm-phụ. Cha tôi lại bắt tôi phải xin lỗi
phú-ông về việc xâm-phạm đến danh-giá nhà phú-ông, và phải cảm ơn phú-ông đã
cùng cha tôi đi xin với quan Cảnh-sát tha cho một thứ.
Tôi đi theo hai cụ ra, không ai nói đả-động gì đến Mai-nương cả.
Tội nghiệp, tôi muốn dặn dò đôi câu với quân ngục-tốt mà trước mặt hai cụ tôi
không dám nói. Than ôi! hay đâu rằng ví có nói cũng là vô ích, bởi vì cùng
trong một đạo trát sức, trên thì quan truyền phóng-thích tôi ra, mà dưới thì
quan truyền đem Mai-nương đi đầy ngoại-quốc, tôi đi ra cách được một
giờ thì họ giải nàng sang bên nhà-thương con-gái để vào bọn với mấy đứa kĩ-nữ
cũng phải đem đi đầy như nàng.
Cha tôi bắt tôi phải đi theo về nhà trọ, khi tôi về đến đó
thì đã sáu giờ tối. Bấy giờ tôi mới lén được ra ngoài mà chạy trở về nhà ngục Sa-tư-lê,
có ý đưa vào cho nàng ít quà bánh và giới-thiệu nàng một lần nữa với tên thủ-ngục,
chứ tôi cũng không dám mong được vào thăm nàng. Mà tôi vừa ra ngoài cũng chưa kịp
nghĩ đến kế đánh tháo cho nàng.
Tôi bảo người vào gọi thủ-ngục ra tôi hỏi. Nguyên từ khi tôi
vào ngục, tôi xử với y rất hậu, tính-khí tôi lại hiền-lành, cho nên y cũng tử-tế
lại với tôi lắm. Y chạy ngay ra, y phàn-nàn với tôi tội-nghiệp cho Mai-nương quá!
Tôi kỳ-thủy chưa nghe ra hắn phàn-nàn cho nàng ra làm sao, thành ra hai người
nói chuyện với nhau mà không ai hiểu ai hết. Sau hắn thấy tôi ngơ-ngẩn không vỡ
chuyện, hắn mới nói rõ cho tôi biết sự nàng, theo như lời tôi đã kể rồi, giờ
tôi lại xin kể lại ngài nghe.
Tôi tưởng ai có máu động-kinh, gặp cơn thế nào, thì lúc tôi
thoạt nghe hắn nói, tôi cũng phải một cơn như thế. Tôi ngã lăn ngay xuống đất,
ngất người đi, tưởng chừng lúc ấy là thoát nợ phong-trần, khi tôi đã tỉnh lại,
tôi vẫn còn tưởng như là sắp chết, hay là tôi đã chết rồi vậy. Tôi phải nhìn
quanh nhìn quất khắp các phòng, lại phải nhìn vào mình, mới biết rằng mình hãy
còn nặng nợ trần-gian, còn đeo cái tiếng là người sinh-hoạt. Trong cơn sầu-thảm
khổ-não ấy thì tôi nghĩ không gì sướng cho bằng chết, cho bằng thoát khỏi được
những nỗi bực dọc trên đời. Nghĩa tôn-giáo cũng không thể làm cho tôi muốn sống
nữa. Vậy mà sau cái sức ái-tình cũng khiến ra được một phép lạ ở trong mình
tôi. Đã quyết muốn chết rồi, mà bỗng lại tạ ân trời cho ta tỉnh lại. Bởi vì
nghĩ cho cũng thì chết là ích-kỷ mà thôi. Mai-nương cần phải có ta sống
mới cứu được ra khỏi ngục-hình, mới có người vì nàng trả thù cho những đứa
tàn-ác. Tôi mở mắt ra thì tôi thề rằng xin cứu được nàng, xin trả thù cho nàng.
Thủ-ngục tất-tả cứu chữa cho tôi như thể một người bạn chí
thân vậy. Tôi cảm ân y mà rằng:
- Than ôi! vậy ra người thương tôi! thấy tôi khổ-não mà động
lòng ru! Hết thảy ai ai cũng bỏ ta. Chính cha đẻ ra ta mà cũng vào bè với những
kẻ làm hại ta. Không có ai là kẻ thương ta hết. Duy có một anh, tuy ở nơi
giã-man [dã man] tàn-nhẫn này, mà cũng động lòng thương đến kẻ khốn-cùng này ư?
Hắn khuyên tôi nên tỉnh lại rồi hãy ra ngoài phố. Tôi vừa đi
ra vừa xua tay mà rằng:
- Thôi, để mặc ta. Để yên cho ta đi. Rồi anh lại thấy ta bây
giờ, không lâu. Xin anh dọn sẵn cho ta lấy một cái ngục tối nào sâu thẳm nhứt.
Ta đi phen này thì cố nên được trọng-tội cho mà xem.
Tôi nói thế vì rằng tôi bước chân ra, tôi quyết đi giết phăng
hai cha con nhà Mỗ Mỗ và giết cả quan chánh Cảnh-sát nữa, rồi đi mướn
rõ nhiều người đem đến phá nhà-thương con-gái. Trong cơn hung nộ ấy thì tôi tưởng
chừng như cha tôi, tôi cũng không nể nữa, bởi vì thủ-ngục nói cho tôi biết rằng
sự nàng nên thế là bởi cha tôi và cha con nhà Mỗ Mỗ.
Nhưng khi tôi đã đi được vài bước ra ngoài đường rồi,
không-khí đã mát mặt, tinh-thần đã tỉnh táo lại rồi, thì cơn uất cũng dần dần
nguôi di, khiến cho trí-khôn được tĩnh mà nghĩ ngợi một vài điều phải chăng.
Tôi nghĩ rằng nếu bây giờ cả giận mà đi giết chết những kẻ làm hại ta đi, thì
phỏng có được việc gì cho Mai-nương không? Hay là ta nóng-nẩy làm càn
như thế, thì lại mất hết phương-kế cứu nàng. Vả ngẫm cho cùng, giết người ta đi
không phải là một cách trả thù thấm-thía. Âu là bao nhiêu sức-lực, bao nhiêu
tài-trí của ta, ta nên thu cả lại để mà cứu Mai-nương cho qua khỏi bước
gian-truân này, còn dư mọi việc báo-cừu, ta hãy để dành hậu nhựt.
Trong lưng tiền cũng không còn được mấy mà đồng tiền là khoản
thiết-yếu nhứt trong mọi việc mưu toan. Nghĩ ra có thể giúp tôi tiền, duy chỉ
có ba người: một là T… công-tử, hai là cha tôi, ba là anh Tỉ-ba. Người thứ
ba và người thứ hai thì nghe khó mà trông cậy được, còn người thứ nhứt thì mặt
nào tôi lại dám đến quấy người ta hoài. Nhưng mà trong lúc cùng, ai là người sợ
ngượng. Tôi bèn quyết định kỳ-thủy hãy đi ngay đến nhà dòng Thánh
Xung-bích, hỏi thăm anh Tỉ-ba. Bạn vừa ra nói mấy câu, tôi hiểu ngay rằng
bạn chưa biết những chuyện tôi phải bắt thứ sau này [?]. Tôi thấy vậy thì tôi
xoay ngay bài thương-thuyết. Giá mà bạn biết hết hết tình, thì tôi cũng tính lấy
lời kêu van năn-nỉ để khiến cho bạn phải xót-thương mà cứu giúp. Nhưng bạn đã
không biết, thì chi bằng ta hãy thử tán đến câu chuyện cha con gặp nhau, cửu biệt
tương phùng, tôi lấy làm mầng-rỡ, muốn theo cha tôi về quê mà ở, ngặt vì trước
khi đi, cần phải trang chải [trang trải] mấy món nợ cho xong, không muốn để cho
cha biết đến, nên chỉ đến nhờ bạn ít nhiều. Anh Tỉ-ba liền mở ngay
túi bạc, bảo tôi muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Có sáu trăm phật-lăng, tôi lấy
ngay năm. Tôi xin để biên-lai, bạn nhất định không chịu.
Từ đó tôi đến nhà T… công-tử. Tôi kể hết tình-cảnh cho công-tử
nghe, thì ra bạn đã biết hết gót đầu, bởi vì bạn muốn dò xem việc Mỗ Mỗ sinh
sau ra làm sao. Tuy nhiên, bạn vẫn để tôi kể-lể, rồi bạn lại phàn-nàn cho tôi lắm
lắm. Khi tôi vấn kế để cứu Mai-nương thì bạn lắc đầu chán-ngán mà rằng:
trừ ra trời có gia ân đặc-biệt, xui nên phép lạ gì, còn thì không thấy mẩy may
hi-vọng. Từ khi nàng phải di ngục sang bên phúc-đường, bạn cũng đã kiếm kế vào
thăm mà không được. Quan chánh Cảnh-sát nguyên đã có lệnh truyền nghiêm-ngặt
quá, quan đã định sáng hôm sau nữa, thì giải đi đầy.
Tôi nghe bạn nói, tôi khổ-não trong lòng, đến nỗi tôi không
còn nghĩ ra câu gì mà hỏi mà nói với bạn nữa. Ví dù bạn nói luôn trong một giờ
nữa, tôi cũng để yên. Bạn lại nói rằng khi tôi phải giam trong ngục Sa-tư-lê,
bạn có ý không vào thăm, là cốt để đừng ai nghi-ngờ gì, sau cứu giúp mới dễ.
Tôi được ra ngoài trong bấy nhiêu giờ, bạn không biết tôi đi vào đâu thì cũng
buồn lắm, đương mong được gặp để mách bảo một kế vô-song mà cứu Mai-nương cho
thoát. Nhưng kế ấy rất nguy-hiểm, bạn dặn tôi có thi-hành phải giữ cho thật
kín, chớ có tiết-lộ ra bao giờ rằng bạn mách tôi kế ấy, mà lụy đến bạn sau này.
Kế ấy là chọn lấy mấy tay đáo-để, đem đi đón ngoài cửa ô, để chờ khi lính giải
bọn đàn-bà đi qua, thì giao-chiến mà đánh tháo. Bạn không để cho tôi đến nỗi phải
nói đến túng tiền, đưa ngay cho tôi một túi bạc mà rằng:
- Đây có trăm bích-tôn, xin đại-huynh cầm lấy, hoặc khi
dùng đến. Bao giờ thời vận khá, hãy đem trả cũng được.
Bạn lại nói rằng giá không e tai-tiếng thì xin thân-hành đái
kiếm mà đi giúp hộ cho tôi cái việc nguy-nan đó.
Tôi thấy lòng người quảng-đại mà cảm-động đến rơi nước mắt.
Trong lòng tôi bấy giờ nỗi sầu-khổ còn để sót lại bao nhiêu khí nhiệt-thành, là
tôi đem hết cả ra mà tạ ân người quân-tử. Tôi lại nhờ bạn nghĩ giúp xem còn có
cách gì cầu thầy-thợ, viện thần-thế ai để nói với quan Cảnh-sát được không? Bạn
rằng bạn cũng đã nghĩ đến phương-kế đó, song thật không có đường hi-vọng, vì đi
viện người quyền-quí trong một việc như việc ấy, tất phải có lẽ gì quan-trọng
hơn cái lẽ tình riêng. Họa chăng chỉ còn có cách cạn lời nói với Mỗ Mỗ phú-ông
và cha tôi để hai cụ vào kêu lại với quan chánh Cảnh-sát, xin ngài bãi cái nghị
phát-lưu là được. Về phần bạn thì bạn xin nhận việc van nài với chàng Mỗ Mỗ,
nhưng không dám chắc có được việc gì, vì Mỗ Mỗ sinh nghe cũng nghi
tình bạn đôi chút, mà ghẻ-lạnh tình thân-thiết khi xưa. Về phần tôi thì bạn
khuyên tôi khá về mà kêu nài với thân-phụ.
Việc ấy tôi lấy làm khó quá; chẳng những khó lòng mà nói cho
chuyển được lòng cha tôi, mà tôi lại còn phải sợ gặp mặt cha tôi không khéo là
tự mình buộc lấy chân mình. Khi cha tôi đem tôi ở ngục về nhà, dặn tôi không được
đi đâu, mà tôi trái lệnh trốn đi, đi ra đến ngoài, khi tôi được tin nàng Mai-nương phải
sang châu Mỹ thì tôi lại quyết không về với cha tôi nữa. Bây giờ mà về
thì chắc là bị cha tôi giữ chặt lấy ở nhà, bắt phải về quê mà ở. Ngày trước anh
cả tôi đã đi bắt tôi một lần rồi. Từ đó đến giờ thì tuổi tôi đã lớn, nhưng lớn
tuổi không phải là một thế-lực để mà cưỡng với sức áp-chế. Sau tôi nghĩ ra được
một kế giáp được mặt cha tôi mà tránh cái nguy-hiểm bị bắt. Kế ấy là mạo danh
người khác mà mời cha tôi đến chỗ công-đồng. Tôi bèn quyết dùng kế ấy. T…
công-tử thì đến nhà Mỗ Mỗ sinh, tôi thì đi ra lối công-viên Lục-xâm-bảo,
sai một người đến nhà cha tôi mời cha tôi ra vườn có người quen hỏi điều gì cần
kíp. Bấy giờ trời đã gần tối, tôi lo cha tôi không chịu đi cho. Tuy vậy mà cha
tôi cũng đến, đem một tên đứa ở theo hầu. Tôi mời cha tôi cùng đi với tôi vào một
con đường vắng. Cha con đi với nhau chừng trăm bước chân, không ai nói câu gì hết.
Ý chừng cha tôi cũng nghĩ tôi giữ-gìn cẩn-thận như thế, tất là tôi đã toan mưu
kế gì quan-trọng đây, cho nên cha tôi lặng yên mà chờ tôi nói, mà tôi thì trước
khi nói còn phải lựa lời.
Mãi sau, tôi mới vừa run vừa nói mà rằng:
- Thưa cha, cha là một bậc cha rất nhân-từ quảng-đại. Từ xưa
đến giờ con được nhờ ân trời biển của cha cũng đã nhiều rồi, mà cha dung-thứ
cho con kể cũng đã lắm tội-lỗi thay. Bởi vậy có trời cao chứng quả cho con rằng
lòng con thật là kính-mến cha. Nhưng mà con trộm nghĩ… con trộm nghĩ cái
nghiêm-khắc của cha…
Cha tôi chừng nóng ruột nghe cho xong câu chuyện, thấy tôi ngắc-ngứ
như thế, bèn thét hỏi:
- Cái nghiêm-khắc của tao! Rồi sao nữa?
- Lạy cha, con thiết nghĩ cái nghiêm-khắc của cha trong việc
đãi nàng Mai-nương thật là thái-quá. Tội-nghiệp cho nàng! Con chắc là
cha đã quá nghe Mỗ Mỗ phú-ông. Phú-ông vì căm-tức Mai-nương mà
đã buộc oan cho nàng lắm nỗi. Cho nên cha cũng cứ theo như lời lão mà cho nàng
là một gái xấu-xa. Lạy cha, con xin quyết với cha, nàng là một gái rất thuần-hòa,
rất đáng yêu, tưởng trong thiên-hạ không còn gái nào hiền-lành nết-na hơn gái ấy
nữa. Trời ơi! sao trời lại không giun-giủi cho cha được nom thấy nàng trong một
lát. Con chắc hẳn rằng khi cha đã biết người biết mặt thì thế nào cha cũng phải
thương nàng. Cha sẽ bênh-vực nàng và cha thương con, chứ cha không để vào tai
những lời gièm-phách điêu-ngoan của Mỗ Mỗ phú-ông nữa. Điều ấy con
dám cam-đoan. Con biết lòng cha từ-bậu [từ hậu], cha đã biết con người thế ấy,
thì cha tất phải chuyển lòng thương đến.
Cha tôi thấy tôi lên giọng nhiệt-thành lắm, ví để cho nói
mãi, thì không biết bao giờ mới hết được bài ca-tụng. Cha tôi bèn giật giọng mà
thét bảo tôi muốn nói gì phải nói cho mau, chớ dài dòng văn-tự làm chi như thế.
Tôi thưa rằng:
- Lạy cha, con chỉ xin cha cho con được sống mà thôi, nếu
nàng đi sang Mỹ-châu, thì con chết mất.
Cha tôi quát mắng mà rằng:
- Điều gì chứ điều ấy thì không. Thà rằng tao nom thấy mày chết
ngay trước mắt tao, còn hơn là tao biết mày mất trí-khôn và mất liêm-sỉ như thế.
Tôi còn nắm lấy cánh tay cha tôi mà rằng:
- Nếu vậy thì thôi. Âu là xin cha giết con đi cho con được
thoát khỏi cái kiếp sầu-thảm, cái gánh nợ đời nặng quá, con không sao mang nổi
được nữa đây. Trong cái cảnh khổ-não vì cha mà nên này, chết là một cái phúc lớn,
con dám nài xin cha cho con được chết cho rồi. Cha đã tứ ân sinh-thành cho con,
thì xin cha ban cho con cái đặc-phúc ấy.
- Tội mày đáng đến thế nào, tao chỉ cho mày được đến thế ấy
mà thôi. Tao biết nhiều người khác vô-phúc thiểu âm-đức như tao thì cũng sẵn tay
mà giết chết mày đi cho sạch một cái nhơ-nhuốc, nhưng mà tao thì từ-tâm quá đỗi,
không nỡ đang tay, mà hại mày cũng bởi cái từ-tâm đó.
Tôi bèn quì xuống đường cái, lạy cha mà rằng:
- Lạy cha, ví bằng cha còn một chút nào cái từ-tâm đó, thì
xin cha hạ tuất đến con. Con là con cha… Trời ơi! sao cha không đoái nghĩ đến mẹ
con ngày trước. Khi còn mồ-ma mẹ con, cha yêu-mến mẹ con biết là dường nào! Con
dám ví-dụ một điều. Giả-sử mẹ con đương ở với cha như thế, bỗng có kẻ đến bắt
hiếp mẹ con mà đem đi, thì phỏng cha có chịu không? Chắc rằng cha không chịu,
mà cha sẽ bênh-vực cho mẹ con đến kiệt kì huyết-mạch, muôn chết cha cũng chẳng
nài. Lòng cha như thế, thì lòng con chắc cũng như thế. Ai đã từng trải sự
thương-yêu nhau, sự đau-đớn rồi, lại có nỡ vô tình ở nơi thương-yêu, ở nơi
đau-đớn của kẻ khác được.
Cha tôi nghe tôi nói thế thì nổi giận lên mà thét rằng:
- Tao cấm mày không được nói đến mẹ mày. Mày nhắc đến mẹ mày
thì tao lại càng thêm giận. Ví dù mẹ mày có còn sống mà phen này nom thấy mày
ăn ở như thế, mẹ mày cũng phải uất lên mà chết mất. Thôi thì mày câm ngay đi, đừng
nói gì, tao không nghe nữa. Mày nói lắm chỉ ói tai tao mà không bao giờ khiến
được tao có đổi ý đi đâu. Giờ tao về nhà, tao truyền cho mày phải đi theo tao.
Tôi những nghe cái giọng nghiêm-khắc của cha tôi truyền cho
tôi câu sau đó cũng đủ hiểu rằng lòng cha tôi không sao chuyển được nữa rồi.
Tôi những e cha tôi nắm lấy tôi, nên tôi phải lùi xa ra vài bước mà rằng:
- Lạy cha, thế là con cũng đã đủ khổ rồi, xin cha chớ để cho
con thêm cái khổ phải trái lệnh cha nữa. Con không thể sao đi theo cha về nhà
được. Mà cha đã đãi con tàn-nhẫn như thế, con cũng không thể sao mà sống được nữa.
Vậy thì luôn đây, con xin vĩnh-biệt cùng cha…
Rồi tôi lại lấy giọng rất bi-thảm mà rằng:
- Nay mai thì cha sẽ được tin con đã chết rồi. Bấy giờ họa
chăng cha có hồi tỉnh lại cái tấm lương-tâm đối với con.
Tôi vừa quay lưng để đi thẳng thì cha tôi giận mà quát lên rằng:
- Vậy ra tao bảo mày đi theo tao, mày không đi. Nếu phải như
thế thì mày đi đi, mày đi chết đâu thì chết đi. Tao cũng từ bỏ mày là một thằng
con bạc-bội, bất-hiếu bất-mục.
Tôi cũng tức giận lên mà rằng:
- Vâng, tôi cũng xin từ-biệt cha là một người cha rất dã-man
rất tàn-ác.
Tôi nói vậy, rồi tôi ra khỏi vườn Lục-xâm-bảo. Tôi đi
như thằng dại ở ngoài đường, mà chạy thẳng cho đến nhà T… công-tử. Tôi vừa đi vừa
ngửa mặt vừa giơ tay lên trời mà kêu cầu thần-minh soi-xét:
- Trời hỡi! hay là ông cũng tàn-nhẫn như người ta vậy, ông
ơi! từ đây tôi chỉ còn trông vào có một ông nữa mà thôi!
T… công-tử đi chưa về, nhưng tôi đợi một lát thì về. Thì ra
công-việc phía ấy cũng không may-mắn hơn phía này một chút nào. Bạn tôi mặt ủ
mày chau mà thuật với tôi rằng Mỗ Mỗ sinh tuy không căm-tức cho bằng
cha gã, song bạn nhờ về nói hộ với cha, gã cũng không chịu nói. Gã rằng những một
việc cha biết con tranh gái của cha, cha gã cũng đủ hờn giận lớn rồi, còn có nể
nhau gì nữa mà xin bảo hộ cho ai.
Thành ra tôi duy chỉ còn có kế mạo-hiểm của T… công-tử bày
giúp mà thôi. Tôi đành phải hi-vọng vào một kế ấy. Tôi mới bảo bạn rằng:
- Quí-hữu ơi, kể thì kế ấy cũng không chắc một chút nào cả,
nhưng dầu không cứu được nàng thì tiểu-đệ cũng còn cái hi-vọng được vì nàng mà
chết trong việc mạo-hiểm.
Tôi nói rồi tôi từ-biệt bạn mà xin bạn ở nhà cầu-nguyện cho
tôi, đoạn tôi chuyên tâm lo vào việc đi tìm lấy mấy tay sắc-sảo, tôi cố chọn lấy
những người chẳng ra gì cũng được một li quả-cảm của mình.
Người tôi nghĩ đến trước nhứt, là người thị-vệ đã giúp tôi việc
bắt Mỗ Mỗ sinh bữa trước. Luôn thể tôi đến xin ngủ nhờ nhà hắn một
đêm, vì cả buổi chiều hôm ấy tôi loay-hoay suy tính quên mất cả đi mướn phòng
mà ở. Tôi đến nơi thì thấy hắn có một mình ở nhà. Hắn thấy tôi được tha, thì hắn
cũng mầng; hắn bèn giao hẹn tôi có việc gì cần đến nữa thì hắn xin giúp. Tôi kể
cho hắn nghe nông-nỗi tôi là thế, và tôi xin hắn giúp tôi thi-hành hộ cái kế của
T… công-tử bày cho. Hắn là người biết nghĩ, không phải là một gã hung-hăng xằng,
cho nên tôi vừa ngỏ ý, hắn nom thấy ngay những chỗ nguy-hiểm. Tuy vậy mà hắn
cũng cam-đoan với tôi xin làm lấy được.
Tôi cùng hắn bàn với nhau đến mãi đêm khuya. Hắn giới-thiệu với
tôi ba người bạn đồng-ngũ đã giúp hắn lần trước được việc, toàn là những tay
can-đảm đã có tang-chứng rồi. T… công-tử đã dò được và nói cho tôi biết trước rằng
bọn cung-thủ đi hộ tống lũ con-gái chỉ có sáu người. Vậy thì chỉ năm tay quả-quyết
cũng đủ mà nạt cho chúng nó phải sợ chạy.
Tôi lúc ấy chẳng thiếu gì tiền. Người thị-vệ khuyên tôi nên xử
hào-phóng thì mới thành được công-chuyện. Phải tậu cho mỗi người con ngựa, khẩu
súng tay và khẩu súng vắn. Sáng sớm mai thì hắn xin đi lo-liệu giúp cho đủ cả.
Lại phải sắm cho ba người ba bộ quần áo nhà dân, kẻo lính thị-vệ nhà vua đâu lại
dám ăn bận quần áo dấu mà đi làm một việc trái phép như việc ấy. Tôi giao cho hắn
cái số tiền trăm bích-tôn của T… công-tử cho vay. Đến hôm sau thì hắn
tiêu nhẵn số tiền ấy, không còn xu nhỏ. Ba người thị-vị ăn bận áo mới vào rồi
diễu qua trước mặt tôi. Tôi hẹn họ không còn thiếu thức gì, để họ ra công cố sức
cho tôi; ngay lúc ấy tôi hãy đưa trước mỗi người mười bích-tôn làm
tin.
Hôm thi-hành đến nơi, tôi sai một người đi từ tinh-sương đến
nhà-thương để hỏi xem giờ nào thì bọn ấy khởi hành. Tuy rằng tôi quá cẩn-thận
mà sai người đi thăm hỏi như thế, vậy mà giả sử tôi không sai đi thì việc tôi lỡ
hết. Nguyên tôi vẫn cứ tưởng họ giải bọn con-gái ra cửa biển La Ro-sen,
tôi đã tính đem tiểu đội của tôi đi đón đường Ô-lê-an, thì đón đến trăm
năm cũng không gặp ai cả. May sao tôi quá cẩn-thận mà sai tên lính đi thăm dò lại,
mới biết đích rằng họ đi đường Nô-mân-đi mà ra cửa biển Lê-hao,
rồi xuống tàu sang châu Mỹ.
Chúng tôi biết đích tin như vậy, bèn đem nhau ra phía cửa ở Thánh
Ô-nô-rê, mỗi người đi một ngả, cho khỏi ai nghi, ra đến đầu ấp, mới họp nhau
làm một bọn. Chúng tôi cưỡi toàn ngựa khỏe. Chỉ chờ trong một lát thì thấy sáu
tên cung-thủ hộ-tống hai cỗ xe đi tới, chính là hai cỗ xe với bọn lính cung-thủ
tôn-ông gặp ở Ba-xy ngày trước. Tôi thoạt nhìn thấy cảnh-tượng ấy,
tôi rã rời tay chưn, tưởng chừng như chết ngất đi ngay. Tôi bèn ngửa mặt lên trời
mà than rằng:
- Hoàng-thiên độc-địa! đã bắt ta đến nỗi nước này, thôi thì một
là cho ta thắng, hai là cho ta chết!
Chúng tôi hội-nghị trong một lát để bàn chiến-lược, lúc ấy
quân cung-thủ chỉ còn cách chúng tôi độ bốn trăm bước nữa mà thôi, chỗ ấy con
đường cong trở lại, giả-sử chúng tôi đi tắt qua cánh đồng mà sang úp ngay họ
thì cũng được. Người thị-vệ định thi-hành kế ấy, tôi cũng ưng theo, tôi bèn giục
ngựa xuống đồng đi trước, tính xông thẳng sang đến tận nơi mà đánh. Không ngờ
thần phúc-họa lại chơi khăm tôi miếng nữa.
Bọn cung-thủ đàng xa nom thấy năm con ngựa tế nước đại mà đến,
biết ngay không phải là lại cầu thân. Họ bèn rút gươm mà cắm vào đầu súng, và nạp
thuốc đạn sẵn sàng, có ý quả-quyết mà chờ chúng tôi lắm.
Người thị-vệ đầu đảng với tôi nom thấy thế thì lại càng hăng
lên mà muốn đánh lắm, nhưng ba thằng kia, không ngờ là những đồ hèn-nhát cả.
Đương chạy thì chúng nó đứng dừng cả lại, nói với nhau mấy câu gì tôi không
nghe rõ, rồi quay cổ ngựa cho tế nước đại trở về Ba-lê cả ba; người
thị-vệ thấy thế, cũng tức giận như tôi, bèn kêu trời mà than rằng:
- Chết nỗi ông với tôi biết tính sao đây? Mình có hai người địch
với sáu sao nổi?
Tôi thì vừa tức giận vừa ngạc nhiên, nghẹn lời không thể nói
được nữa, tôi cũng kìm ngựa lại mà nghĩ rằng có dễ nên đuổi ba thằng đào-tị kia
mà giết cho chết để bõ giận, tôi nom theo ba con ngựa chạy mà tức lộn ruột,
nhưng dẫu tức thế nào thì tức cũng không nỡ dời mắt hẳn bọn cung-thủ với hai cỗ
xe; ví thử bấy giờ một mình có thể chia hai ra mà đuổi đánh cả hai đàng, thì
tôi cũng chia mình ra mà xông đánh.
Người thị-vệ nom thấy mắt tôi ngơ-ngác, hiểu ý tôi phân-vân,
bèn xin bàn với tôi một kế:
- Chúng ta chỉ có hai người, bên kia sáu người mà khí-giới
người ta cũng cụ-bị như mình, vả bọn ấy coi bộ cũng quả-quyết thì xông đánh họ
thật là một việc điên-rồ, chết uổng mạng mà thôi, không được việc gì hết. Âu là
hai ta trở lại Ba-lê cố kiếm lấy mấy người mạnh-bạo hơn ba thằng
vô-liêm-sỉ kia; bọn cung-thủ đi hộ-tống hai cỗ xe nặng nề như thế, chắc một
ngày không đi được mấy bước đường; đến mai ta đuổi theo cũng hãy còn kịp chán.
Y bàn kế ấy thì tôi tính toán một lát đã toan theo, song lại
nghĩ mọi bề, đâu ta cũng thấy những nỗi gàng-quải [?], không bề nào gọi là có
ánh sáng hi-vọng cả. Tôi bèn quyết định ra một kế cùng, là kế tạ ân gã thị-vệ
cho gã trở-về, còn tôi thì chẳng những không tính đánh nhau với bọn cung-thủ nữa,
mà lại định lại hàng họ, chỉ xin họ cho phép tôi đi theo xe ra đến bến Lê-hao rồi
đến đó tôi lại theo nàng xuống tàu sang châu Mỹ. Tôi quyết thế thì tôi bảo
người thị-vệ rằng:
- Thôi, tôi xét ra mọi người ai cũng phản tôi và làm hại tôi
cả. Tôi không còn biết trông cậy vào ai nữa. Tôi không tin ở thần mà tôi cũng
không tin ở người nào hết. Cái khổ-sở của tôi đến thế này là cùng thôi, cũng
không còn có nước nào là xót-xa hơn nữa. Âu là tôi đành nhắm mắt đưa chân mà đi
theo số-phận, thôi thì tôi cầu nguyện bề trên chứng-quả cho cái lòng thảo của
anh, tôi xin từ-biệt anh mà đi giúp số-phận một tay cho nó chóng đến nơi cực-điểm.
Trời đã muốn bắt tôi khổ, thì chi cho bằng để tôi chạy nhanh đến chỗ cực-kì khổ,
việc gì mà cưỡng lại cho nó thêm nỗi long-đong.
Người thị-vệ còn hết lời khuyên bảo tôi trở lại Ba-lê,
tôi nhất định không nghe, tôi lại giục anh ta đi trở về mau, kẻo dằng-dai mãi,
bọn cung-thủ lại nghi-ngờ cho là còn có ý công-kích.
Tôi thủng-thẳng mà đi lại phía họ, tôi cúi đầu rầu nét mặt mà
đi, khiến cho họ không còn e sợ điều gì phản-trắc, họ để yên cho tôi đi tới.
Tuy nhiên họ cũng vẫn còn giữ thế thủ cho đến tận lúc tôi đến gần họ, tôi bảo họ
rằng:
- Xin các bác yên lòng, tôi đây không phải là kẻ thù lại khơi
chiến, mà thật là một người hèn-hạ lại xin ân.
Tôi xin họ cứ việc mà đi, đừng nghi-ngại chi hết. Rồi vừa đi
tôi vừa nói với họ ý tôi muốn xin họ những điều gì.
Sáu người bàn với nhau xem tôi khất thế thì nên chăng làm
sao. Đoạn rồi người đầu đảng thay mặt cho cả bọn mà trả lời rằng lệnh quan trên
nghiêm-ngặt lắm, nhưng chúng thấy tôi người vạm vỡ giỏi trai, chúng cũng sẵn
lòng thương đoái mà trái lệnh quan đôi chút vì tôi, mong rằng tôi biết đền
công. Trong lưng tôi lúc ấy còn vừa mười-lăm bích-tôn, tôi nói thật với họ
như thế, thì người cai lại nói rằng:
- Nếu vậy chúng ta đây cũng chẳng hẹp gì. Trong bọn gái cho
anh muốn chấm ả nào thì chấm, cứ một giờ trò-chuyện là một ê-cưu (ba
phật-lăng) giá đi chơi gái ở Ba-lê cũng thế thôi mà.
Tôi không nói gì đến Mai-nương, vì tôi không muốn cho họ
biết tôi với nàng mê nhau là thế. Kỳ-thủy chúng đồ cho tôi là một gã ăn chơi đã
trải mùi đời, muốn đi tìm những thú đặc-biệt với bọn kĩ-nữ đem đầy xem ra làm
sao. Từ khi chúng biết tình riêng của tôi với Mai-nương thì chúng
tăng mãi giá những giờ trò-chuyện lên, đến nỗi đi khỏi thành Măng-tê thì
tiền tôi không còn xu nhỏ. Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ ở Măng-tê, sáng hôm
sau thì đến Ba-xy, gặp tôn-ông ở đó.
Trong cái khúc đi đường sầu-thảm đó, tôi cùng nàng trò-chuyện
với nhau những thế nào. Khi tôi được phép đến gần nàng ở trong cái cũi xe đi
dong đường ấy, thì tôi nhìn thấy nàng, tôi thương-xót làm sao, tấm lòng tôi cảm-động
ra thế nào, tưởng tiếng nói người ta không có đủ mà diễn đạt ra được. Tôn-ông
ơi, tôn-ông tính người tình-nương của tôi thanh như hoa, nhẹ như bấc, cái thân
ngà-ngọc, tưởng chừng như mãn kiếp chỉ để mà ngồi lên đệm nhung chiếu gấm, thế
mà chúng nó đang tay đem cột một dây xích sắt vào ngang chỗ lưng ong thắt đáy,
để cho ngồi trên đống rơm khô, đầu nàng thì tựa vào cái thành cỗ xe; mặt nàng
thì xanh tái đi mà hai mắt nhắm nghiền, dòng lệ cứ tuôn rơi không dứt giọt.
Nàng sầu-thảm chẳng biết đến dường nào mà khi bọn cung-thủ thấy chúng tôi đàng
xa chạy lại, lao-nhao dộn-dịp lên như thế, mà nàng cũng không buồn mở mắt. Áo
trong nàng thì dơ-dáy xốc-xếch, hai bàn tay ngà-ngọc thì để hở ra ngoài cho
sương trêu tuyết chửi. Nói rút lại một câu thì cả cái mỹ-công tuyệt-tác của Tạo-hóa
làm ra đó, cái vẻ mặt khuynh-thành có thể khiến được cho khắp vũ-trụ phải quì gối
xuống mà thờ ấy, đương phải ở trong một nguồn-cơn bối-rối, một khổ-hải xót-xa,
không văn-chương nào tả ra cho xiết được.
Tôi cưỡi ngựa đi theo bên cạnh xe một hồi lâu, vừa đi vừa ngắm
nàng, trong ruột bồn-chồn sầu-khổ, đến nỗi đôi ba lần toan lịm đi mà ngã xuống
ngang đường. Tôi thở dài thở vắn, kêu trời kêu đất luôn miệng, sau nàng cũng
nghe tiếng mà đưa mắt ra nhìn. Nàng nhận được tôi thì vội-vàng đứng dậy tính nhẩy
xổ ra với tôi, nhưng lại bị cái dây xích cột ngang lưng nó cầm lại, té ra hồ đứng
lại ngã ngồi.
Tôi kêu van bọn cung-thủ, xin chúng thương tình mà đứng lại một
lát, thì chúng cũng vị tham tiền mà đứng lại. Tôi bèn xuống ngựa rồi tôi trèo
lên xe mà ngồi bên mình nàng. Nàng đau-đớn buồn-bã quá, đến nỗi trong giờ lâu
không nói ra được tiếng, không cựa được hai tay. Tôi nắm lấy tay nàng rồi tuôn
nước mắt vào. Khi ấy tôi cũng nghẹn lời không nói gì được, thành ra hai đứa
chúng tôi ôm nhau ở trong cảnh-ngộ bi-thảm chưa từng thấy bao giờ. Đến khi hai
bên nói được ra lời, thì những tình ý giãi tỏ cùng nhau lại càng ảo-não. Nàng
thì nói ít. Hình như hổ-thẹn đau-đớn quá, tiếng nói cũng nghẹn không ra, vừa
run vừa thì-thầm.
Nàng tạ ân tôi đã chẳng quên nhau, lại chịu khó theo nhau đến
đó mà từ-biệt một lần sau rốt. Đến khi tôi nói cho nàng biết rằng tôi theo nàng
đến đó không phải là để từ-biệt nàng, mà là để đi theo luôn với nàng cho đến
cùng trời cuối đất, từ đấy mà đi, dầu sấm-sét búa-rìu, cũng không li-biệt được
tôi với nàng ra nữa, tôi quyết chí nàng đi đâu cũng theo đi để mà săn-sóc cho
nàng, để mà hầu-hạ nàng, để mà âu-yếm nàng, để mà buộc chặt cái số-mạng sầu-thảm
của tôi với số-mạng nàng, khi tôi đã nói cho nàng biết thế, thì nàng vừa cảm-động,
vừa xót-xa, nức nở tuôn hai hàng lụy, cảnh sầu-bi trong vũ-trụ không hai. Tôi
thấy nàng như thế, tôi đã e không khéo nàng đau-xót quá mà thiệt tới thân ngay
lúc ấy, bao nhiêu tình-cảm của nàng, bấy giờ tụ cả trong hai con mắt giương lên
chừng-chừng mà nom tôi. Đôi ba lần nàng mở miệng toan nói cái chi mà ấp-úng
không nói ra được, mãi mãi hồi lâu mới lọt ra được vài bốn câu, mà cảm-phục cái
lòng yêu của tôi thủy-chung có một, mà phàn-nàn cho tôi thương-yêu nàng
thái-quá; mà diễn đạt cái nghi tình của nàng chẳng biết được hạnh-phúc to đến
đâu mà khiến cho tôi ngụ một khối tình thân-trọng đến dường ấy; nàng
khuyên-ngăn tôi chớ đi theo nàng, nên ở lại mà kiếm lấy gái nào xứng-đáng cái
tình cao-thượng ấy hơn nàng; mà nói rằng đi với nàng thì uổng mất công-phu, chứ
không bao giờ được cái sướng-thỏa đích-đáng với tấm chung-tình.
Tuy cái cảnh-ngộ là cảnh-ngộ rất bi-thảm mà tôi những nom hai
con mắt nàng nhìn, những thấy cái cách nàng tỏ với tôi tấm lòng mến phục, tôi
cũng phải quên cái cực nhục sờ sờ trước mắt đi, mà cho mình là người thỏa sướng.
Tôi dầu đã mất hết cả những cái người ta quí-trọng đi rồi, nhưng vẫn còn được tấm
lòng yêu của Mai-nương là cái tôi quí-trọng thứ nhứt, của đời nhứt
dai [nhất giai] tôi không còn quí-trọng cái gì nữa. Sống ở Âu-châu, hay là
sống ở Mỹ-châu, bất quá cũng vậy, quí hồ được sướng-thỏa mà cùng sống với
người yêu của mình, cả vũ-trụ lại chẳng phải là quê-hương của hai người
tình-nhân đinh-ninh một dạ với nhau hay sao?
Đã yêu nhau thì nhìn nhau lại không đủ thấy được cả cha, cả mẹ,
cả họ-hàng thân-thích, cả bằng-hữu anh em, cả vinh-hoa phú-qui ư?
Duy tôi chỉ còn tỏ có một điều là lo sau này Mai-nương nghèo
khó thiếu-thốn mà thôi. Bấy giờ tôi đã tưởng-tượng ra cái cảnh tôi với nàng ở
giữa nơi hoang-địa, dân cư toàn thị những đồ mọi-rợ mà thôi. Tôi bụng bảo dạ rằng:
ở đó thì quyết không có những phường độc-ác như lão phú-gia Mỗ Mỗ với
cha tôi. Ở đó thì người ta để cho hai chúng tôi yên lành mà ở với nhau. Cứ như
những bài hành-trình của các nhà du-lịch, nếu chẳng nói ngoa, thì thổ-dân các
chốn ấy lấy lẽ thiên-nhiên làm luật-phép. Không còn ai biết sự tham tài như
lão-gia Mỗ Mỗ, mà không còn ai câu-nệ những điều danh-dự hão như cha tôi,
vì những lý-tưởng hủ-lậu ấy nên cha con đã hóa cừu-thù. Người xứ đó ăn ở giản-dị,
thấy một đôi trai gái ăn ở với nhau cũng một cách giản-dị như mình, thì hẳn
không hơi đâu mà đến quấy nhiễu. Vậy thì tôi rất yên lòng về một phương-diện
đó.
Duy còn cái phương-diện nhỡn tiền, là cái phương-diện đói no
lành rách, những sự cần dùng hằng ngày của người ta, thì tôi không ngụ được những
ý-tưởng nên văn tiểu-thuyết như thế. Số là đã nhiều phen tôi được từng trải những
sự ngặt-nghèo không thể nhịn, nhứt là trong cách sinh-hoạt của một người đàn-bà
yếu đuối, xưa nay ăn sung mặc sướng đã quen. Bây giờ tôi lại ân-hận rằng tiền
đã trót tiêu vô ích hết cả. Trong lưng còn sót mấy đồng, cũng biết rồi vào tay
bọn cung-thủ hết mà thôi. Lúc ấy tôi mới nghĩ rằng ví thử trong túi áo tôi còn
một chút vốn, sang đến Mỹ-châu là đất kiếm tiền thì chẳng những có
phương-kế dung thân trong buổi tới nơi mà về sau lại còn có cách gây-dừng nên
việc sinh-nhai trường-cửu.
Tôi nghĩ đến câu ấy thì tôi viết thư cho Tỉ-ba, tòng-lai
là người bạn tốt, không để cho tôi phải ngửa tay ra vô ích bao giờ. Đi qua trạm
thứ nhứt thì tôi bỏ thư vào sở bưu-chính. Trong thư tôi chỉ biên một lẽ đi theo
tiễn chân nàng đến bến Lê-hao, đến nơi thì tiền hết mất, e nữa bơ-vơ tại
chốn xa-xôi không có tiền chi dụng, nên nhờ bạn trăm bích-tôn nữa.
Thư kết một câu rằng: “xin anh gửi số bạc ấy cho chủ sở bưu-chính bến Lê-hao nhờ
giao cho em. Lần này em quấy anh là lần sau rốt. Anh đã biết nông-nỗi
tình-nương của em bị bắt đem đi biệt xứ, chẳng lẽ khi biệt-giã nhau, người đi kẻ
ở, lại chẳng cho nhau được tấm bánh đồng quà, gọi chút an-ủi nỗi sầu trên con
đường muôn dặm lưu-li, cho nó khuây đôi chút cái cảnh nhớ thương của người từ
đây phân-rẽ”.
Khi những quân cung-thủ đã biết tôi với nàng tình sâu nghĩa
trọng với nhau như thế, thì chúng xử mỗi ngày một tàn-tệ, lại càng sách nhiễu
tôi già, đến nỗi tôi còn sót đồng nào lần lần chúng lấy ráo. Vả yêu nhau ai mà
biết cần-kiệm. Miệt-mài một thứ keo-sơn, tôi cứ quấn lấy nàng từ sớm đến tối,
không còn tính hàng giờ nữa, mỗi ngày cầm như một phút. Đến khi túi tiền đã nhẵn,
thì chúng xử với tôi thật là tàn-nhẫn độc-ác. Tôn-ông đã nom thấy tình-cảnh tôi
ở Ba-xy như thế. Thử thời tôi gặp được tôn-ông, thật là gặp được một
hạnh-phúc đặc-biệt, như một giờ tạnh-ráo ở trong cuộc phong-ba mãi mãi. Lòng
tôn-ông thật là từ-bi quảng-đại, thoạt nom thấy tình sầu-khổ dẫu không quen mà
cũng đoái thương. Nhờ có món tiền của tôn-ông bố-thí, mới theo nàng cho được tới
bến Lê-hao, mà may sao quân cung-thủ cũng y hẹn với tôn-ông cho đến lúc tới
nơi.
Đến bến Lê-hao, tôi vội ra sở bưu-chính thì Tỉ-ba chưa
kịp gửi tiền. Tôi hỏi thăm thì họ nói chừng hai ngày nữa mới được tin. Chẳng
may cho tôi, tàu cũng hai hôm nữa chạy, nhưng lại chạy tờ sáng sớm. Tôi kể làm
sao cho tôn-ông nghe xiết được cái nỗi buồn-rầu lúc ấy. Tôi giận thân quá kêu
trời mà than rằng:
- Ô này! Hoàng-thiên chí hại ta! Sao trong cơn sầu-khổ cũng
còn đãi ta một cách đặc-biệt?
Nàng nghe tôi ta-thán như vậy thì nàng nói:
- Chàng ôi, một kiếp người mà sầu-khổ cho đến nước này thì phỏng
có bõ công sống hay không? Âu là đôi ta chết quách ở bến Lê-hao này
đi cho rồi mọi nỗi gian-truân. Đôi ta sang đó, chắc là còn nhiều nước đắng-cay
thế nữa, bởi vì họ đem thiếp đi là cốt để răn phạt, hành hình. Sao ta lại cùng
nhau tha cái khổ-não đến nước non người làm chi cho nó cực? Thôi thì đôi ta chết
đi, chàng ơi. Hay thế này thì hơn, chàng giết thiếp đi cho rồi thân phận thiếp,
rồi chàng đi kiếm lấy người nào có hạnh-phúc hơn mà cầu lấy một cuộc trăm năm
khác.
Tôi lắc đầu mà rằng:
- Không, không, xin nàng đừng nói thế, ta đây được cùng nàng
chịu cực, ấy là cái hạnh-phúc đáng thèm rồi.
Tôi nghe nàng nói mà tôi run-sợ, tôi biết nàng xót-xa vì nỗi
truân-truyên [truân chuyên]. Tôi bèn cố sức gượng nói gượng cười, để ra dạng
con người yên phận, mà khiến cho nàng đừng phẫn thân quá. Từ đó trở đi, tôi quyết
chí không bao giờ ra mặt buồn-rầu, để nàng biết nữa. Sau tôi mới nghiệm ra rằng
trong những lúc ba-đào như thế, không gì khiến được người đàn-bà phải can-đảm,
như là cái gan-góc của người đàn-ông.
- Khi tôi đã hết hi-vọng được tiền của bạn gửi cho rồi, tôi
bán phăng con ngựa. Số tiền ấy góp lại với số tiền của tôn-ông cho còn dư, thì
thành một cái vốn nhỏ mười-bảy bích-tôn. Tôi mua quà bánh ăn đường cho
nàng mất bảy bích-tôn; còn mười bích-tôn, tôi bọc thật kĩ mà giắt vào
lưng, để làm cái vốn bản-mệnh, sinh cơ lập nghiệp bên đất Mỹ. Bao nhiêu
hi-vọng, bao nhiêu cuộc trăm năm vuông tròn của tôi với nàng, là thu hết cả
trong cái số tiền một trăm phật-lăng đó. Khoản tiền cước tàu thì cũng
dễ lo xong, nhân thời ấy người ta đương cần nhiều người thanh-niên cường tráng
để đem sang thực-dân bên châu Mỹ. Tôi hồ xin được ngay, tiền tàu đã không
phải trả, lại được cơm nuôi. Sáng hôm sau thì có trạm tải công-văn về Ba-lê,
tôi bèn viết thư để lại gửi cho Tỉ-ba. Ý chừng trong thư ấy lời tôi kể lể
thiết-tha quả đỗi, khiến bạn động lòng thương-xót vô cùng, cho nên về sau bạn
tôi mới quyết một việc chứng tỏ tấm lòng yêu-mến tôi một cách lạ-lùng chưa từng
thấy ai bằng-hữu yêu nhau đến thế bao giờ.
Tàu kéo buồm ra đại hải, may ra thuận gió xuôi dòng, từ khi
đi cho đến khi tới bến, tôi nói với quan coi tàu cho tôi với nàng được một chỗ
ăn nằm riêng lịch-sự. Viên ấy là người hảo-tâm hãn-hữu, đãi chúng tôi một cách
thậm nhân-từ. Nguyên hôm mới xuống tàu, tôi đã được dịp nói chuyện riêng với
quan coi tàu, tôi có kể qua những nỗi gian-truân của nàng cùng tôi cho ngài biết,
để ngài vị nể đôi phần. Tôi nói với ngài rằng nàng với tôi đã cùng nhau kết-duyên
phu-phụ. Tôi nói như thế thì trong lương-tâm tôi hình như cũng không phải thẹn
gì, bụng tôi nghĩ như lời nói thật vậy, quan coi tàu ra dáng tin tôi, và đem
lòng bênh-vực trong suốt một quãng đường dài đi biển. Nhiều phen hai chúng tôi
đã được nhờ ân ngài mà không khổ, việc ăn uống ngài đãi cho quá hậu. Vả người
cùng đi với mình thấy quan trọng-đãi cũng hóa vì nể ít nhiều. Luôn luôn tôi
săn-sóc bên mình nàng để cho nàng không phải thí nào thiếu-thốn. Nàng cũng biết
công cho. Phần nàng cảm cái ân ấy, phần nàng thấy tôi vì nàng mà chịu đến nước
cực khổ quái lạ như thế, nàng cũng động lòng ái-ngại, mà nguồn ân biển ái thêm
dầy. Thành ra tôi cố sức chiều nàng, nàng cố sức chiều tôi, hai bên cứ ganh
nhau mà trọng-đãi nhau, và yêu-mến nhau đến nước. Tôi không tiếc nhớ gì Âu-châu nữa.
Chẳng những thế, tàu càng gần bến, tôi lại càng thấy lòng dạ nở-nang thỏa-sướng.
Ví bằng tôi được biết trước rằng tới nơi đất khách không lo thiếu-thốn sự gì
thì tôi lại còn tạ ân trời đất đã xoay-vần ra cho tôi như thế.
Tàu đi trong hai tháng thì đến nơi. Mới thoạt ngoài biển nhìn
vào thì không thấy cảnh gì là cảnh vui cả. Mông-mênh những đất bỏ hoang, ngọn cỏ
thưa, hơi người cũng vắng, chỉ đó đây một vài bụi sậy, gốc cây, trải bao mưa sa
gió táp, đã rụng rơi nhẵn lá. Trông cảnh thật đìu-hiu, tìm quanh chẳng thấy dấu
chân người, mà cũng không thấy vết những vật quen bên cố-địa. Mãi đến khi quan
trên tàu đã nổi một vài tiếng súng hiệu, mới thấy một lũ đông người trong phố
khuất kéo ra. Số là thành-thị ở sau một trái núi đất, lúc họ kéo ra xem tàu thì
hình như chúng tôi được những người trong lỗ nẻ chui ra mà đón vậy.
Họ xúm-xít nhau lại, họ hỏi thăm tin-tức nước nhà; người tỉnh
nào ân-cần thăm tin tỉnh ấy. Họ ôm lấy chúng tôi mà hôn-hít yêu-đương như thể
anh em máu-mủ, mầng rằng trong chốn xa-xôi vắng-vẻ, lại thêm được lũ chúng tôi
đến chia nỗi khó-nhọc làm ăn. Chúng tôi cùng với họ đi vào trong thành-thị. Xưa
nay thường nghe tiếng đồn về Đại-pháp rằng chốn ấy đã nên một bậc đại-thị,
mà đi đến nơi thì té ra chỉ thấy leo-teo mấy nóc nhà gianh, độ năm sáu trăm dân
ở. Dinh quan khâm-mạng Toàn-quyền thì cất cao hơn và lịch-sự hơn các nhà thường
một chút. Xung-quanh dinh cơ thành đắp bằng đất, ngoài có hào rộng.
Kỳ-thủy quan chúa tàu đem cả bọn khách mới sang chúng tôi vào
hầu quan Toàn-quyền. Ngài nói chuyện riêng hồi lâu với quan chúa tàu, rồi ngài
mới quay lại lũ chúng tôi mà nhìn lần-lượt từng người đàn-bà một. Cả thảy có chừng
ba-mươi thị, vì khi qua bến Lê-hao, lại thêm một bọn nữa nhập vào với bọn
chúng tôi. Khi quan Toàn-quyền ngài đã xem-xét kĩ-càng từng người rồi, ngài mới
cho đòi mấy người trai trẻ trong thành-phố vào dinh, mấy người ấy toàn thị những
trai đương nóng lấy vợ cả. Ngài chọn lấy mấy thị xinh-đẹp nhứt mà chia cho mấy
người có danh-diện nhất, còn dư thì ngài cho rút thăm, ai trúng thị nào thì nhận
lấy thị ấy về làm vợ. Còn Mai-nương thì ngài không nói gì đến. Mãi đến
khi bọn kia đã đi theo chồng ra hết rồi, ngài mới truyền cho tôi với nàng ở lại
mà phác rằng:
- Quan coi tàu có trình với ta rằng cậu với mợ này đã lấy
nhau làm vợ chồng, vả trong mấy tháng trời tàu đi ngoài biển, quan coi tàu lại
thấy hai vợ chồng nhà cậu đều là người có giáo-dục, có phẩm-hạnh. Vì duyên cớ
nào mà phải đầy-đọa sang đây, thì ta không luận, nhưng ví bằng vợ chồng cậu quả
là người đứng-đắn, thì ta sẽ hết sức giùm-giúp cho, để nhẹ cái thân đầy-đọa đi
đôi chút. Vả ta sang trọng-nhậm đất xa-xôi này, cảnh vật rất buồn mà dân lại hiếm,
nếu ta gặp được người trị-hạ có phẩm-hạnh, mà ta lại cưu-mang được, thì cũng
vui cho lòng ta được đôi ba phần.
Tôi khéo lựa lời trình thưa lại để ngài không phải tiếc những
lời trân-trọng vừa rồi. Ngài kêu ti-thuộc vào truyền bảo kiếm nhà cho chúng tôi
ở trong thành-phố, rồi ngài giữ cả hai vợ chồng ở lại hầu cơm ngài buổi tối.
Khen thay một ông quan coi một hạt những dân đầy-đọa như chúng tôi, mà sao ăn ở
lễ-phép như vậy. Lúc đương tiệc, có kẻ nọ người kia, ngài không hỏi gì đến
lai-lịch chúng tôi cả. Khách ăn chỉ nói toàn những chuyện công. Nàng với tôi
thì tuy tình-cảnh rất thảm-sầu, thấy vậy cũng phải gượng nói gượng cười cho vui
bữa tiệc.
Cơm xong, ngài sai người đưa chúng tôi đến nhà riêng ngài đã
sai dọn cho mà ở. Thảm hại cái nhà! tường thì bằng đất, mà trên lợp bằng ván,
ngăn ra làm hai ba cái phòng, trên có cái gác xép. Ngài ban cho sáu cái ghế, và
giường phản cùng những đồ thiết-dụng.
Mai-nương bước chân vào nhà, những nom thấy đã giật
mình. Nàng giật mình là giật mình cho tôi, chứ không phải là nàng lo cho mình
nàng. Khi người chỉ dẫn đi khỏi rồi, còn có nàng với tôi, thì nàng ngồi xuống
mà ôm đầu khóc. Tôi hết sức khuyên dỗ nàng, nhưng đến khi tôi nghe ra nàng khóc
vì tôi, thì tôi lại làm ra mặt tươi cười hớn-hở mà rằng:
- Nếu phải vậy thì xin mình chớ phiền-muộn nữa. Mình ơi, tôi
còn phải phàn-nàn chi nữa mà mình buồn cho tôi? Thật là tôi mãn kì sở nguyện.
Mình yêu tôi, có phải chăng mình? Xưa nay có bao giờ tôi ước-ao được hơn thế
này đâu? Thôi, thôi, âu là phần của-cải ta mặc trời khiến định. Vả tôi xem ra
thì phận đôi ta cũng còn có thể mong được mai sau. Quan thủ-hiến đây là người
khoan-dung đại-độ, ngài lại có lòng vì nể chúng ta, thì chắc hẳn sau này dẫu chẳng
gì đôi ta cũng không đến nỗi đói rách rồi. Còn như cái nhà này hơi lụp-xụp, đồ-đạc
khí quê-mùa, thì điều ấy mình cũng chớ nên phiền-muộn. Mình có ý mà coi, ở đây
có ai là người được ở nhà cao rộng trang-hoàng lịch-sự hơn ta đâu. Vả chăng,
mình là một nàng tiên có phép lạ, mó vào đâu, đất cũng hóa vàng.
Tôi vừa nói thế, tôi lại hôn nàng. Nàng rằng:
- Nếu vậy thì lang-quân rồi sẽ nên người giàu-có nhứt ở trong
thiên-hạ. Bởi vì thiếp chưa từng thấy ai cảm được cái ái-tình trân-trọng như
lang-quân, mà cũng chưa có ai được gái yêu-đương như là thiếp yêu lang-quân.
Thiếp đây là người biết mình, cũng cam chịu rằng xưa nay ăn ở với lang-quân thật
chẳng xứng-đáng cái lòng âu-yếm thái-quá ấy một chút nào. Thiếp vốn là đứa nhẹ
dạ, lại hư tính-nết. Vả thiếp yêu lang-quân từ thuở tương-tri cho mãi đến bây
giờ, cũng là một tội phụ-bạc với lang-quân. Nhưng sự về trước không kể làm chi
nữa. Hãy nói từ khi đôi ta cùng xuống tàu sang đất này, từ ấy đến giờ thì lòng
thiếp đổi hẳn, không như trước nữa. Thiếp thề rằng bấy nhiêu nước mắt chua cay
tuôn rơi từ đó, thật không có nửa giọt nào là nước mắt than thân trách phận.
Lang-quân ơi, bao nhiêu nỗi xót-xa sầu-khổ, từ khi thiếp đã biết lang-quân xẻ nửa
đến giờ, thì không xót-xa không sầu-khổ gì cho thiếp nữa, Thiếp chỉ vì yêu vì
thương lang-quân mà khóc đó thôi. Chàng ơi, thiếp thề rằng trọn trong một đời của
thiếp, không có lúc nào là thiếp đã chí tâm mà để chàng phiền-muộn điều gì, nếu
thiếp đã vô tâm mà làm nên tủi cho chàng bao giờ, thì ân-hận ấy chung-thân còn
mang nặng, những khi thiếp lỡ-làng nhẹ dạ mà quên mất nghĩa tiết-trinh, sau
nghĩ ra thật muôn phần cay-đắng. Mà khen cho cái phép lạ của ái-tình, đã khiến
lang-quân không nỡ bỏ một con đàn-bà khốn-nạn bấy nhiêu lần làm nhục tấm
chung-tình; thiếp nghĩ đến một điều như thế, thì lòng yêu-đương lai-láng biết
dường nào, tưởng dẫu đem cả huyết-mạch ra đền-bồi, cũng chưa trắng nợ với
lang-quân.
Nàng nói đến câu ấy thì lại khóc hu hu lên, tôi nom thấy nàng
tuôn rơi lụy, tôi nghe lời nàng nói, cái giọng thành-thực không có li hào mua
chuộc, thì tôi động lòng một cách quái lạ. Bấy giờ hình như trong dạ xẻ làm
đôi. Tôi mới bảo nàng rằng:
- Khéo, khéo, mình ơi, kẻo nữa sức ta không đủ mà chịu nổi bấy
nhiêu hoan-lạc. Vốn xưa nay ta với mình chưa từng được biết những cách mình
âu-yếm ta đến thế. Ông trời ơi, nếu vậy thì từ đây tôi không cầu gì ông nữa.
Tôi xưa nay chỉ ước-ao thu được một tấm lòng nàng, nay thế là mãn nguyện rồi.
Tôi tòng-lai chỉ trông mong có thế để mà sung-sướng. Được thế rồi thì từ nay trở
đi cuộc sung-sướng của tôi đã vững trong tay, không còn mất được đi đâu nữa.
Nàng rằng:
- Vâng, nếu cuộc sung-sướng trăm năm của lang-quân chỉ cậy ở
như thiếp mà thôi, thì quả lang-quân đã cầm chắc trong tay. Còn như cuộc
sung-sướng trăm năm của thiếp, thì thiếp cũng đã biết rằng trông cậy được ở
lang-quân.
Tôi mang những ý-tưởng vui mầng ấy mà đi nằm nghỉ, cái lều
gianh bỗng hóa ra một tòa cung-điện, dẫu ông vua to nhứt trong thiên-hạ đến ở
cũng là xứng-đáng. Mỹ-châu tự dưng trong ý tôi thành một nơi cực-lạc
thế-giới. Sau thường tôi vẫn bảo Mai-nương:
- Mình ơi, thiên-hạ dại nhỉ, cứ đi tìm cuộc sung-sướng ở đâu,
chẳng đến đất Tân Ô-liên này mà kiếm. Đây mới là chỗ yêu-mến nhau
không phải vì tài vì lợi, không phải ghen-tuông, không phải phụ nhau mà thay
đen đổi trắng. Than ôi! vậy mà người nước ta lại cứ sang đây tìm vàng tìm bạc,
họ không biết rằng đôi ta đã tìm được những của quí-báu hơn vàng.
Chúng tôi cố ý hầu-hạ quan Toàn-quyền. Cách một vài tuần-lễ
thì ngài đã ra ân rộng mà cho tôi một chức việc nho-nhỏ ở trong soái-phủ. Tuy
việc ấy không sang-trọng gì, mà tôi cũng tạ ân ngài lĩnh lấy, coi như thể một
cái hạnh-phúc to của trời ban tứ cho. Nhờ có việc làm đó, tôi có cách dung thân
và nuôi vợ, chẳng phiền-lụy tới ai. Tôi nuôi một tên đứa ở, và tôi mướn một người
thị-nữ cho nàng. Dần dần trong nhà thành nền-nếp. Tôi được tính tiết-kiệm, rượu-chè
không, cờ-bạc cũng không. Nàng cũng một mực như tôi. Dư phong-túc, thỉnh-thoảng
chúng tôi lại còn cưu-mang được kẻ khác, xóm diềng [giềng] ai nấy được cậy nhờ.
Tiếng hẳn-hoi đồn dậy trong khắp xứ, ai nấy cũng yêu-đương kính-phục, chẳng bao
lâu mà vợ chồng vào bậc danh-giá nhứt, trên có quan Toàn-quyền, thứ đến vợ chồng
nhà mình ở trong một xứ.
Yên nghiệp làm ăn như thế, thì chúng tôi lần lần nhớ đến những
nghĩa tôn-giáo. Mai-nương vốn không phải là một gái vô-đạo, mà tôi
thì cũng không phải là một trai lêu-lổng ăn chơi, đã bỏ cương-thường lại quên đạo-lý.
Hai chúng tôi sinh hư chẳng qua chỉ vì mê nhau mà lại trẻ người non dạ. Dẫu từ
ngày lưu-lạc, cũng chưa lớn lên là mấy, nhưng trải qua những nỗi khắt-khe, nó
cũng hóa ra một chút lịch-duyệt việc đời. Từ đó trở đi trò-chuyện với nhau thường
có nghĩ, lần lần tưởng đến những lý-tưởng thất-gia. Tôi bàn với nàng điều ấy
trước nhứt. Tôi nguyên vẫn biết bụng nàng, tính vốn thật-thà ngay-thẳng, đã có
hai nết ấy thì khó gì mà chằng sửa được mình cho nên bậc đức-hạnh. Nhân một khi
tôi nói với nàng rằng đôi ta muốn trọn-vẹn cùng nhau trăm năm sung-sướng, còn
thiếu mất một điều.
- Điều ấy là viện chúa Trời chứng quả cho cái cuộc đoàn-tụ của
nhau. Tôi với mình đôi ta đều có lương-tâm, bản-tính cũng là người phẩm-hạnh,
chẳng lẽ lại cứ quên nghĩa cương-thường được mãi. Như khi đôi ta còn ở nước
nhà, thuận duyên mà trái thế-tục, cho nên lìa nhau ra chẳng được, mà kết-hôn với
nhau theo phép nước cũng không xong. Nay ta sang đất Mỹ này, muôn sự
giai-do quyền tự-chủ, không phải quản những nỗi dòng-giống thứ bậc, người đồng-thị
đã đều coi như vợ như chồng, thì cớ gì mà lại chẳng làm phép cưới lấy đứt nhau
cho nên duyên cầm-sắt, có thần-minh chứng quả cho đôi ta thệ-nguyện nghĩa trăm
năm. Về phần tôi thì dầu tôi có cưới mình cũng không phải là thêm ra cho mình
được quyền-lợi gì nữa. Lòng tôi duyên tôi, tôi đã tận-hiến mình rồi, nay làm
phép cưới, chẳng qua là dâng lại mình trước Chúa mà thôi.
Tôi nói thế thì hình như nàng mừng-rỡ vô cùng mà rằng:
- Mình ơi, mình đã nói rồi, giá tôi lại nói rằng từ khi đôi
ta đem nhau sang đất Mỹ này, tôi đã tưởng đến việc ấy nghìn lần rồi,
thì mình vị tất có tin là tôi nói thật. Tôi ước-ao điều ấy mà chửa nói ra, là
còn ngại không vừa ý lang-quân. Biết đâu mình lại hạ-cố đến thân bèo-bọt này mà
muốn cho vào bậc bố-kinh, đội tên nhà sang-trọng.
Tôi đáp:
- Ví bằng Trời có cho tôi được dòng vua chúa, tôi cũng xin cất
mình lên làm bậc chính-cung. Vậy thì đôi ta chớ ngần-ngại chi nữa. Vả ta không
còn sợ điều chi ngăn-trở hết. Để tôi vào bẩm ngay hôm nay với quan chúa-tể bản-phương
mà thú thật với ngài cái câu dối ngài khi trước. Thôi, thôi, mặc những đứa yêu
nhau cách phàm-thường hay sợ dây xe vương-víu. Ví chúng nó cũng chắc như đôi ta
rằng mười phần tin yêu nhau đủ cả, thì có đâu lại sợ việc giao- kết bách-niên.
Nhưng thiên-hạ thường tình yêu nhau mà vẫn dành ngày rẻ-rúng, chứ như đôi ta,
trăm phần tin nhau đã đủ cả trăm rồi.
Tôi quyết một lời như thế thì Mai-nương vui mầng
không biết nói sao cho xiết được.
Tôi chắc trong thiên-hạ không có người lương-thiện nào là người
không phục cái ý của tôi trong cảnh-ngộ ấy. Phần thì tôi yêu-mến nàng đã đến rất
mực, chắc rằng trọn đời cũng không bao giờ ghét bỏ nhau ra nữa, phần thì tôi
ân-hận đã yêu-mến nàng sao không theo phép nhà thờ mà kết nghĩa trăm năm. Trời
cao hỡi hỡi! hay đâu giữa lúc tôi lo-tính việc nhà cho thuận đạo trời, thì trời
lại vì thế mà hại tôi một cách oan-ức vô cùng, tôi có rên khóc mà trách trời, hẳn
cũng không ai bảo tôi là trái lẽ. Tôi đã lòng thành chịu phép, mà ông trời đã
chẳng cho thì thôi, lại hại tôi như thể tôi đã làm nên tội ác vậy. Thì ra trong
khi tôi đui-mù, lạc lối ở trong nơi hư dại, trời lại dung tôi; đến khi tôi mở mắt
ra nom rõ đường ngay, tôi muốn hồi tỉnh tấm lòng đạo-đức thì ông lại đang tâm
hành-hạ đến điều. Tôn-ông ơi, tôi e rằng tôi không đủ sức, đủ cam-đảm, mà kể nốt
được cho tôn-ông nghe cái khúc sầu-thảm sau cùng trong cái chuyện lưu-li của
tôi.
Hôm ấy tôi bàn với Mai-nương như thế, rồi tôi vào hầu
quan Toàn-quyền, để xin phép ngài cho làm lễ giao-hôn. Ví bằng tôi có thể làm mật-lễ
được với ông cụ coi việc làm phúc ở Toàn-quyền phủ, thì tôi cũng chẳng nói với
ai việc ấy làm gì cho tiết-lộ sự nhà để người ta nghị-luận lôi-thôi. Ngặt vì
ông cụ-dạo ấy không thể thi quyền riêng mà hành mật-lễ được, cho nên tôi mới
quyết định công-nhiên mà lo cho chu-tất.
Quan Toàn-quyền ngài có một người cháu trai, tên là Xinh-lê (Synnelet)
rất là yêu-mến của ngài. Cậu ta thời ấy ước chừng ba-mươi tuổi, người có cam-đảm,
song phải tính nóng-nảy hay làm việc cường-bạo. Vợ chưa có, khi thấy Mai-nương vừa
sang đến nơi, đã đem ngay lòng say-đắm. Trong chín mười tháng trời, chúng tôi ở
đất Mỹ, cậu ta cũng nhiều phen gặp mặt nàng trò-chuyện, thì lửa tình càng
ngàng lại càng nồng mặn, nhưng vẫn ngậm ý riêng trong bụng, số là cậu ta cùng hết
thẩy mọi người ở xứ ấy vẫn tưởng tôi với nàng đã có phép giao làm chồng làm vợ
rồi, cho nên chẳng những cậu ta đã hết sức giữ kín được ý-tình thầm-vụng, không
ngỏ cho ai biết tơ-hào nào cả, mà lại còn nhiều phen giúp cho tôi việc kia việc
nọ.
Khi tôi vào đến dinh thì tôi gặp cả quan Toàn-quyền và người
cháu đó. Tôi không có lẽ gì phải giấu-giếm chàng ta, cho nên có chàng ta đó mà
tôi cũng cứ tự-nhiên bẩm xin làm phép cưới. Quan-lớn ngài nghe tôi nói, ngài
cũng tỏ lòng quảng-đại chuẩn cho. Khi tôi xin ngài hạ-cố lấy tình phụ-mẫu mà đến
chứng-minh cho thêm trọng-thể thì chẳng những ngài đã nhận lời, mà ngài lại còn
hẹn cho tiền làm tiệc. Tôi hớn-hở mà ra về.
Cách một giờ đồng-hồ thì tôi thấy cụ-đạo đến nhà, tôi đã tưởng
cụ vào dặn bảo trước mọi việc lễ-nghi. Không ngờ cụ bước vào, cụ chào tôi một
cách lạnh-lùng rồi cụ nói ba câu vắn tắt cho mà biết rằng việc kết-hôn ấy quan
Toàn-quyền cấm không được nghĩ tới nữa, còn phận nàng Mai-nương thì
đã định cho thế khác rồi.
Tôi nghe lời như sét đánh bên tai, giật nảy mình lên mà hỏi:
- Định phận cho Mai-nương thế khác, nghĩa là làm
sao, thưa cụ?
Cụ mới giải cho tôi nghe rằng quan Toàn-quyền là chủ-tể cả một
phương, mọi việc do phép ngài nghĩ định. Vả Mai-nương là một gái
chính-phủ tổ-quốc gửi sang để dùng cho đất thực-dân, phận nàng phải thế nào, do
quyền ngài liệu định. Từ khi nàng sang đến giờ, ngài để yên cho nàng ở với tôi
là vì ngài tưởng là hai người có phép giao làm vợ chồng rồi. Mới đây, chính tôi
lại vào bẩm với ngài rằng phép cưới ấy chưa có, thì ngài định đem nàng mà gả
cho lệnh-điệt là cậu Xinh-lê, vì cậu ấy say-mê nàng lắm lắm.
Khốn khổ cho tôi, chỉ vì tính nóng mà hại! Tôi nghe cụ-đạo
nói lời chướng tai tôi như thế thì tôi lên giọng kẻ cả mà đuổi cụ ra ngay tức-khắc
và tôi thách cả quan Toàn-quyền, cả cháu quan Toàn-quyền, cả quan dân đất ấy đố
ai dám động đến vợ tôi, hay là nhân-ngãi tôi, tùy ý chúng nó muốn gọi là gì thì
gọi, nhưng mà đụng đến của tôi thì tôi thề rằng không được.
Tôi vội-vàng thuật cho Mai-nương biết tin dữ ấy.
Chúng tôi bàn nhau rằng ý hẳn từ khi tôi ở soái-phủ đi về, chàng Xinh-lê đã
dỗ-dành được quan-lớn, mà tất việc này chàng mưu đã từ trước kia rồi. Thế-lực ở
người ta. Hai vợ chồng mình thì bơ-vơ ở trong đất Tân Ô-liên ấy, khác
nào ở giữa đại-hải, xa cách với cựu-thế-giới kể hàng vạn dặm… Xung-quanh những
núi cùng rừng, toàn thị giống ác-thú ở, dân bổn-thổ thì mọi-rợ cũng không kém
gì ác-thú, vậy thì biết trốn đi đâu cho lọt bây giờ? Tuy rằng trong đám người đồng-thị
với mình, cũng nhiều người ái-mộ, song không lẽ khiến nổi họ được phải bênh-vực
mình trong một cơn tai-nạn to như thế. Ví muốn gây lấy bè-đảng mà kháng-cự thì
phải nhiều tiền mới được, mà vợ chồng mình thì nghèo, và xui được dân một nước
vì mình mà cách-mệnh, là một việc trắc-trở khó-khăn, đã dễ một chốc mà thành-hiệu
ra được điều gì ích cho mình. Nếu vậy thì ra thiên-tâm cố hại, thật là không có
thuốc chữa phen này.
Bấy nhiêu ý-tưởng, tôi vò bối-rối ở trong đầu, tôi cũng có
bàn một hai câu với Mai-nương, nhưng tôi hỏi nàng mà khi nàng đáp lại thì
tôi không để tai nghe, tôi lại nghĩ ngay đến nhiều mưu kế khác, tính hết phương
này, rồi lại bỏ mà tính sang phương nọ. Tôi nói một mình, tự vấn, rồi lại tự
đáp, như thằng rồ, chưa hề bao giờ tôi thấy ai rồ-dại như tôi trong lúc ấy.
Nàng giương mắt lên mà nhìn tôi, thấy tôi ngơ-ngác như thế, đủ hiểu cái nguy-hiểm
là lớn; nàng run-sợ cho tôi thì nhiều mà run-sợ cho nàng thì ít. Tội-nghiệp, sợ
mà cứ đứng ngây ra, chứ không dám hở môi nói cho tôi biết rằng sợ.
Tôi xoay-xở trong đầu đến trăm nghìn kế, rồi tôi quyết định đến
kế vào kêu quan Khâm-mạng, để gắng sức lấy lẽ thành-tín, lấy cách cung-kính của
tôi, từ khi tôi được hầu ngài, lấy sự yêu-mến của ngài đối với tôi, mà cố khiến
cho ngài dủ [rủ] lòng thương hại. Nàng muốn giữ không cho tôi đi, nước mắt chạy
quanh mà rằng: Chàng đi thì chết mất, chúng nó giết mất, chàng đi thì thiếp bao
giờ còn được nhìn thấy chàng nữa, thiếp muốn cùng chàng chết luôn thể. Sau tôi
phải dỗ-dành mãi, nàng mới chịu ở nhà, để cho tôi đi. Tôi phải hẹn thế nào
trong một lát tôi cũng về ngay. Thì ra tôi đã không biết, nàng cũng không biết,
rằng trời hờn đất giận là giận nàng, mà cái căm-tức của kẻ thù chung của chúng
tôi cũng là căm-tức nàng mà làm hại nàng.
Tôi vào soái-phủ, gặp quan Toàn-quyền và ông cụ-đạo, tôi dùng
hết cách khúm-núm để khiến cho người phải thương đoái đến tôi. Ví thử bởi việc
khác mà tôi quị-lụy người ta đến thế, thì tưởng về sau tôi hồi tưởng lại, phải
hổ-thẹn đến chết, tôi cũng biết lòng ngài không phải là lòng con ác-thú, cho
nên tôi đem hết lẽ ra mà nói cho chuyển tấm lương-tâm của ngài.
Không ngờ, tôi kêu van tận-từ như thế, mà người tệ-ác ấy chỉ
đáp có hai câu, nói đi nói lại, kể đến trăm lần. Mai-nương là do quyền
ngài định phận, mà ngài đã trót hẹn với lệnh-điệt rồi. Cứ một mực như thế mà
nói mãi. Tuy nhiên, tôi cũng quyết chí khiêm-nhún cho đến kỳ cùng, tôi khóc-lóc
mà rằng thà tôi chết còn hơn phải lìa nhau với Mai-nương, ngài đã có lòng
hà-hải mà trọng-đãi tôi bấy nay, lẽ đâu bây giờ ngài lại chí để tôi phải chết.
Nhưng tôi kêu lắm mỏi miệng. Lão già ấy nuông cháu đến nỗi vì cháu mà làm nghìn
điều thái ác, cũng sẵn lòng làm, thì phỏng còn lời-lẽ nào nói cho rung-chuyển
được nữa. Cho nên khi tôi lui ra về thì tôi yên trí rằng con người ấy hết đường
trông-cậy. Tuy vậy, tôi cũng vẫn quyết làm ra mặt chịu lụy khúm-núm cho đến kỳ
cùng, tính trong bụng rằng, hễ họ làm ức ta quá, thì ta cho cả Mỹ-châu được
xem một cái cảnh-tượng rất bi-thảm, rất gớm-ghê, cổ-lai chưa hề bao giờ có ai
được nom thấy, do việc trai gái mà ra.
Tôi vừa lủi-thủi về, vừa ngẫm-nghĩ điều ấy, thì trời giun-giủi
làm sao, gặp ngay chàng Xinh-lê ngoài phổ. Chàng ta nhìn mắt tôi thì
đoán được ra một phần cái tư-tưởng ghê gớm của tôi rồi. Xinh-lê vốn
là người can-đảm, tôi đã nói rồi, cho nên gặp tôi thì lại ngay gần tôi mà rằng:
“Thôi, anh đừng phải đi tìm tôi nữa; tôi cũng biết rằng cái ý tôi thì là ngược
ý anh; đôi ta thế tất là phải đâm cổ nhau phen này. Âu là ta đem nhau đi quyết
việc ấy tức-thì, xem ai may ai rủi”. Tôi đáp rằng: “Anh biết điều lắm, việc này
thế tất là tôi phải chết mới yên”.
Chúng tôi bèn đem nhau ra ngoài xa thành-phố, ngáng gươm với
nhau một keo, tôi đâm trúng anh ta trước, tôi lại làm được cho gươm anh ta rơi
xuống đất. Anh ta tức tôi quá, không chịu xin tôi tha giết và không chịu tình
nguyện bỏ Mai-nương. Theo phép đấu gươm thì tôi có quyền thừa lúc ấy mà giết
đi, nhưng vậy mới biết cái tộc tính nhà tôi cũng chưa đốn, đến lúc lâm nguy,
khí-phách anh-hùng còn sót lại ít nhiều. Tôi bèn nhặt lấy gươm rơi vứt cho anh
ta mà rằng: “Ta đánh keo nữa, lần này thì không ai dung ai”. Gã cầm lấy gươm,
xông đánh tôi dữ quá. Nghề gươm vốn tôi không giỏi lắm, xưa nay chỉ tập tại Ba-lê cả
thảy có ba tháng, nhưng lúc ấy thì cái ái-tình nó cầm tay đưa mắt Xinh-lê đâm
tôi trúng suốt cánh tay, nhưng tôi thừa ngay được khi gươm của hắn mắc trong thịt
tôi mà tôi đâm cho hắn một mũi đáo-để, hắn không kêu được nửa tiếng, ngã lăn
ngay dưới chân tôi.
Tôi thắng trận thì mầng, nhưng mầng một lát, rồi lại lo đến
việc giết người đó tất sau sinh sự, chứ chẳng yên. Chắc rằng tội này thì không
còn kêu ai khoan-thứ cho mình được nữa. Chú cháu người ta yêu nhau như thế, việc
này đến tai quan Khâm-mạng thì án mình xử quyết tức thì, không còn sống được lấy
hơn một giờ đồng-hồ nào nữa. Nhưng cái lo đó dầu gấp đến đâu, cũng không phải
là cái lo nhất của tôi. Mai-nương, còn cuộc nắng mưa của Mai-nương nữa,
còn cái phận Mai-nương sau này thì nghĩ sao đây? Tôi những nghĩ đến
điều ấy mà ghê, mà sợ, mà rầu, mà lo, đến nỗi hoảng-hốt người không biết rằng
mình đứng đâu nữa. Bấy giờ tôi lại hối-hận cái việc giết Xinh-lê, tôi muốn
chết ngay cho rồi phiền-bực.
Nhưng tôi nghĩ đến cuộc tự-tận thì trí-khôn tôi đương tối-tăm
mờ-mịt, tự dưng lại hóa sáng-sủa ra, mà nghĩ-ngợi được đâu ra đó: Ừ mà! sao ta
lại quyên-sinh! Sao ta lại muốn chết đi để rảnh lấy một cái thân ta? Nếu vậy,
chẳng hóa ra ta còn sợ một thứ nữa hơn sợ phải lìa nàng ru? Âu là ta phải chịu
xót-xa khổ-não cho đến nước cùng, còn chịu được đến đâu, ta phải cam lòng mà chịu
đến đó, để cứu lấy nàng. Khi nào ta chịu hết nước đau-đớn cực-khổ rồi mà cũng
không được việc gì cho nàng, bây giờ có phải chết, ta hãy chết, chứ sao ta còn
hơi thở, lại nỡ bỏ nàng mà chết trước. Vậy chẳng ra tệ-bạc với tình ru?
Tôi nghĩ như thế, tôi lại lẳng-lặng mà vào trong phố, về thẳng
nhà, thì tôi thấy Mai-nương đương lo-sợ cho tôi mà mê-mệt đi. Nàng
nom thấy tôi về, nàng mới tỉnh lại. Tôi không thể giấu-giếm đươc việc đâm nhau
vừa rồi. Tôi bèn kể hết cho nàng nghe, thì nàng ngất lịm ngay đi mà ngã vào
lòng tôi. Tôi phải thuốc-thang lay gọi trong một khắc đồng-hồ, nàng mới tỉnh lại.
Bấy giờ tôi cũng hoảng-hốt quá, nghĩ quanh nghĩ quẩn, không
còn thấy cách gì là cách giữ được toàn mạng của tôi với nàng nữa. Khi tôi thấy
nàng đã hồi chút sức khỏe rồi, tôi mới hỏi: “Mình ơi, đôi ta biết tính sao đây?
Ta làm thế nào bây giờ? Thế tất là tôi phải đi xa lánh, tôi đi thì một mình
mình ở lại chốn này hay sao? Ừ mà phải, mình ở lại đây, cũng còn có lẽ ao-ước
ngày kia được vẻ-vang sung-sướng, còn như tôi thì thế nào tôi cũng phải đi.
Thôi thì mình đành để cho tôi đi vào trong rừng rú gửi xác những thổ-dân mọi-rợ,
hoặc để tôi đem thân cho ác-thú nó xé đi”.
Tuy nàng còn mệt lắm, mà nàng cũng đứng phắt dậy, cầm lấy tay
tôi dắt ra phía cửa mà rằng:
- Âu là ta cùng đi trốn với nhau. Mau mau không nên để trễ
phút nào, kẻo nữa ai tình cờ mà nom thấy cái xác Xinh-lê, thì ta chạy
không kịp nữa.
Tôi sướng-thỏa vô cùng mà rằng: “Mình ơi, nhưng đôi ta biết
chạy đi đâu bây giờ? Mình có nghĩ ra được kế gì không? mà mình rủ tôi cùng trốn?
hay là chi cho bằng mình cố sức ở yên đây, để tự tôi đem đầu nộp quan mà chịu tội?”
Tôi nói thì nàng lại càng nóng đi; tôi phải đi theo nàng,
cũng may lúc đi tôi còn chút trí-khôn lại nhớ đến mang theo ít rượu mạnh, và ít
lương-thực để ăn đường; tôi bỏ các túi cho thật đầy. Chúng tôi kêu đứa ở mà nói
dối chúng nó rằng chiều đến đi chơi cho mát (nguyên hai chúng tôi chiều nào
cũng giữ thói ấy), đoạn hai đứa vịn nhau mà đi thoăn-thoắt cho mau xa thành-phố.
Tôi không ngờ nàng yếu như xên, mà đi được nhanh như thế.
Tuy trong bụng tôi chưa quyết được chỗ đem nàng đến ẩn, nhưng
tôi cũng vẫn có hai đường hi-vọng. Nếu không còn hai lối ấy thì tôi quyết chết
còn hơn là đem nàng đi long-đong không biết vào đâu. Một đường là từ mười tháng
trời tôi sang đất Mỹ, tôi đã chịu khó đi thăm dò cũng biết đó biết đây một
chút. Nhân tôi có học được một vài cách giao-thiệp với quân ác-mọi da đỏ. Ai mà
biết những cách ấy, có thể vào trong các rợ mà không chắc chết. Và tôi lại học
được đôi ba tiếng nói và một chút thói tục riêng của thổ-dân ấy nữa.
Ngoại-giả cái phương cứu cơ không chắc ấy, tôi lại còn một đường
hi-vọng nữa, là tôi biết người Ăng-lê cũng có mấy chỗ thực-dân bên
châu Mỹ, nhưng mà từ chỗ chúng tôi ở mà sang cho đến đất thực-dân của nước Anh,
đường đi xa lắm, những nghĩ mà ghê. Phải đi qua những đất vô mao, mỗi quãng kể
hàng đôi ba ngày mới thấu, rồi lại phải trèo qua những núi cao rừng rậm, đến nỗi
sức trai khỏe mạnh, vị tất đã vượt nổi. Tuy vậy mà tôi cũng tự-phụ rằng đi theo
hai đường đó có lẽ thoát ra khỏi được vòng nguy-hiểm. Giao-thiệp được với những
quân mọi-rợ thì rồi có kẻ đưa đường, mà sang được đến đất Ăng-lê thì
có nơi nương-tựa.
Chúng tôi đi mãi, kỳ cho đến khi Mai-nương không đi
được nữa thì mới thôi, nghĩa là cả thảy được chừng hai dặm. Tội-nghiệp! đã mấy
lần tôi thấy nàng nhọc quá, tôi bảo nghỉ chân một lát, mà nàng không chịu nghỉ,
mãi kì cho đến lúc mệt nhoài, không sao nhấc được chân lên nữa, nàng mới bảo
tôi rằng đi được đến đó là cùng. Khi ấy trời đà tối mịt. Vợ chồng ngồi xuống đất,
ở giữa một cánh đồng rộng mông mênh, mà không có lấy một cái cây gọi là cái
bóng mà tựa. Vừa thoạt nghỉ lại thì nàng lo ngay đến việc thứ nhứt, là việc
thay vải quấn chỗ thương đau cho tôi. Nguyên trước khi đi, nàng đã thân-hành
bó-buộc cho tôi chỗ cánh tay đau ấy. Tôi thấy nàng mệt quá, tôi can mãi xin
nàng đừng lo gì đến tôi vội, mà nàng nhất định không nghe. Nếu tôi mà không cam
chịu để cho nàng nâng-niu nắn bó, để cho nàng yên tâm rằng chỗ đau tôi có thuốc,
thì nàng khổ-não có dễ đến chết mất. Cho nên tôi đành chịu mình mạnh khỏe mà để
cho một người đàn-bà đã chết nhược phải chăm nom mình. Tôi bèn lặng yên, thẹn với
một mình mà chịu ân nàng bó-buộc.
Nhưng đến khi nàng đã thỏa được cái bụng ân-cần ấy rồi, thì
tôi lại sốt-sắng mà ân-cần lại. Tôi cởi hết áo ngoài ra mà trải xuống đất cho
nàng nằm ngồi đỡ đau đỡ lạnh. Tôi hết sức làm cho chỗ đất hoang hóa được cái
giường tiềm-tiệm cho nàng nghỉ-ngơi. Tay nàng giá ngắt, tôi phảỉ hôn lấy hôn để,
phải hà hơi vào cho ấm. Suốt đêm hôm ấy, tôi thức ở bên mình nàng và tôi cầu-nguyện
cho nàng ngủ được yên giấc. Trời ơi, cái lòng tôi khấn vái hôm ấy, thành-kính
biết là dường nào, mà sao ông nỡ phụ?
Thôi, thưa tôn-ông cho phép tôi kể vắn-tắt cái đoạn sau cùng
này, thật là một chuyện đứt ruột xé gan cho tôi. Cái nạn của tôi đó trần đời tưởng
không ai từng gặp; mà trời còn cho tôi sống được ngày nào, chỉ để than khóc mà
thôi, tôn-ông ạ. Chuyện ấy tuy rằng lúc nào lôi cũng nhớ như in trong cật dạ,
mà nói ra lúc nào, tôi cũng lạnh gáy sởn lông.
Tôn-ông ơi, từ lúc chập tối mà cho đến khuya khuya thì nàng nằm
nghỉ yên vô sự. Tôi cứ tưởng nàng mệt quá ngủ say, cho nên tôi không dám thở,
những lo nàng giở giấc mà tỉnh dậy. Sáng tinh sương, tôi cầm tay nàng thì thấy
lạnh mà run lẩy-bẩy. Tôi nắm hai bàn tay mà thu vào bọc cho nó ấm. Sự động-đậy ấy
làm cho nàng tỉnh lại, nàng bèn cố gượng nắm lấy tay tôi, cố nói cho ra hơi mà
bảo tôi rằng nghe như nàng đã lâm chung.
Trước tôi còn cho câu nói ấy là câu làm nũng thường của kẻ
không quen chịu đau chịu cực. Tôi bèn lấy những lời âu-yếm mà khuyên giải.
Nhưng sau tôi thấy nàng cứ thở hắt ra mãi mãi, hỏi không thấy nàng nói, gọi chẳng
thấy thưa, hai tay thì vẫn nắm lấy tay tôi, chốc chốc lại nắm chặt lại, thì tôi
mới biết rằng quả kiếp gian-truân nàng đã sắp đến chung cục.
Thôi, tôn-ông đừng bắt tôi tả hết cái tình cảnh của tôi khi ấy
nữa. Nàng chết. Đến mãi lúc chết mới tỏ được cho tôi hay cái mối tình yêu chân
thật. Tôn-ông ơi, sức tôi chỉ nói cho tôn-ông nghe được có vậy mà thôi.
Tưởng nàng chết, tôi cũng chết theo luôn. Ngờ đâu Thiên-công
ý hẳn còn chưa cho hết kiếp long-đong sầu-khồ, cho nên từ ấy đến giờ, để cho sống
mà qua một ngày là một ngày sầu-thảm xót-xa. Vả ví dù có còn phương nào sung-sướng,
tôi cũng cam tâm mà liều bỏ kiếp xuân-xanh, không còn muốn sung-sướng làm chi nữa.
Ròng-rã trong hai-mươi-bốn giờ đồng-hồ tôi cứ luôn miệng nằm
hôn cái mặt người lạnh ngắt, và hôn hai bàn tay đã giá như đồng. Trong lòng tôi
đã quyết nằm liều mà chết tại đó. Nhưng qua một đêm đến sáng hôm sau nữa, tôi lại
nghĩ rằng nếu tôi ôm lấy nàng mà chết như thế, thì cái thân châu ngọc kia có phải
bị nanh hùm vuốt gấu nó xâu-xé tan-tành, thảm-trạng ấy dẫu khuất mắt rồi mà tưởng
đến cũng đau-đớn. Âu là ta cố sức vùi nông một nấm, cho nàng yên nghỉ một nơi,
rồi ta ngồi đợi chết ở bên mồ. Phần thì thương đau không có thuốc, phần thì bụng
đói chẳng cơm ăn, tôi nghe mình thấy cũng đã gần cuộc chết lắm rồi, phải gắng sức
nhiều mới đứng lên được vững. May sao trước khi đi, lại đem ít rượu mạnh đi
theo, uống vài nhấp, dẫu không khỏe hẳn cũng đủ sức mà trả cái nghĩa sau cùng
cho người mình yêu-mến. Gặp được chỗ ấy là nơi đất cát, may cũng dễ đào. Tôi
bèn bẻ thanh gươm ra, tạm dùng làm thuổng cuốc, nhưng lưỡi gươm mảnh quá, không
bằng cứ lấy đất ném sang bên, lâu dần cũng thành ra được một hố rộng, tôi đào
xong huyệt, tôi sẽ rước cái tượng thờ của lòng tôi mà đặt cho ngay-ngắn vào đó,
tôi cởi hết áo ngoài của tôi ra mà phủ kín cho nàng, kẻo nữa đất vấy vào da
ngà-ngọc. Trước khi hạ huyệt, tôi còn ôm lấy hôn-hít trăm nghìn lần, mà tưới nước
mắt vào; tôi còn ngồi xuống, sẽ hé mặt nàng ra mà nhìn mà ngắm cho no con mắt.
Khi đặt nàng xuống huyệt, tôi còn chưa nỡ lấp đất lên trên. Về sau tôi nghe
trong mình thấy mệt quá, sợ rằng mỗi chốc một yếu sức đi, thì rồi lấp đất không
kịp, tôi phải nuốt thảm mà vùi xuống huyệt sâu, cái mỹ-công tuyệt-tác của Tạo-hóa
ấy, xưa nay trên địa diện chưa từng thấy có ai xinh-đẹp sánh được tầy. Khi tôi
đắp mồ cho nàng đâu đó rồi tôi nằm úp mặt lên trên, tôi nhắm mắt lại tính không
bao giờ còn mở ra mà nhìn ánh sáng trời đất nữa; tôi tụng niệm mà chờ cái chết.
Duy có một điều, tôi nói ra chắc tôn-ông cũng không thể tin
là thật được, là trong cái lúc tôi làm một việc sầu-thảm như thế, mà mắt tôi
không sa nửa giọt lụy, miệng tôi không có lấy một tiếng thở dài. Thì ra con người
ta đã đến cực độ bi-thương, đã đành rằng chết rồi, thì bí-tắc hết cả những cách
diễn đạt thảm tình. Bởi thế tôi nằm sấp mặt như vậy chẳng được bao lâu, thì
chút tinh-thần còn sót lại ở trong mình cũng tán loạn đi hết, mà ngất lịm hẳn
người đi.
Thưa tôn-ông, giờ tôn-ông đã nghe hết cái chuyện sầu-thảm của
tôi đến đó rồi, còn đoạn từ đó về sau thì cũng không đáng kể-lể dông-dài cho lắm
mà rườm tai tôn-ông ra nữa.
Gã Xinh-lê bị tôi đâm ngã xuống trong rừng, sau có
người nom thấy, đem về trong phố, thầy thuốc xem ra thì chẳng những gã không chết,
mà thương cũng không lấy chi làm nặng cả. Khi chàng tỉnh lại, chàng mới thuật hết
chuyện đầu-đuôi cho chú là quan Toàn-quyền nghe, nhân chàng có lấy lòng quân-tử
mà công-nhận cái lòng quân-tử của tôi trong khi hai người giao-chiến. Quan bèn
tức-khắc sai người đi tìm tôi cho được. Họ thấy tôi và Mai-nương cùng
vắng nhà thì ai nấy đồ ngay cho chúng tôi là đem nhau đi trốn. Lúc đó trời đã tối
quá, không ai vào rừng mà tìm chúng tôi được nữa. Nhưng trong suốt hai hôm sau,
thì quan sai nhiều người đi lùng khắp các xó rừng.
Họ thấy tôi nằm còng queo trên mộ nàng, đã tưởng tôi chết mất
rồi. Những người thấy tôi mất cả áo mặc ngoài, mình-mẩy máu-me ghê-gớm, vì chỗ
cánh tay bị dấu, thì trước họ còn đồ cho tôi bị quân hung-đồ bóc-lột mà giết
đi. Họ mới khiêng tôi về tỉnh. Trong khi đi đường thì tôi thấy động mình tỉnh dậy,
tôi mở bừng mắt ra, thấy mình còn sống thì tôi thở dài mấy tiếng, rồi rền-rĩ
khóc than rất là bi-thảm. Người ta thấy vậy biết rằng còn có thể thuốc-thang cứu
được. Than ôi! sự ân-cần của người đồng-loại đã quá công-hiệu, để cho tôi đến nỗi
còn kiếp đọa-đầy.
Tuy tôi như thế mà quan cũng đem giam cẩn-mật, giao việc cho
quan tòa xét-xử. Quan không thấy Mai-nương thì đồ cho tôi vị máu
ghen-tuông mà đem nàng ám-sát. Tôi cứ thực cung-khai. Chàng Xinh-lê tuy
nghe câu chuyện cũng xót-xa bi-thảm, mà cũng không quên chút nghĩa với người cạnh-tranh
quân-tử, chàng bèn tận-từ xin quan trên xá tội cho tôi. Quan chuẩn-y cho.
Tôi yếu-đuối quá, họ phải để lên võng mà khiêng từ ngục về
nhà. Tôi mang bệnh trong ba tháng mới khỏi. Trong ngần ấy tháng ngày, tôi vẫn một
lòng muốn chết, nhiều lần từ chối thuốc-thang, may sao Thiên-chúa ý chừng
hành-hạ tôi đã bấy nhiêu lâu, cho nên cũng đoái thương mà để cho tôi thừa được
cái gương sầu-khổ ấy, mà tu-tỉnh lấy mình, dần dần hết cái u-mê mà nhớ đến những
điều nghĩa-vụ mà hồi lại những tư-tưởng xứng-đáng với dòng-dõi nhà mình, với
cách giáo-dục của mình.
Tâm trí đã tỉnh thì sức khỏe lần lần cũng hồi lại. Từ đó tôi
dứt nhũng thói hư dại thuở xưa, mà chuyên tâm vào một việc sửa mình, trong khi
chờ được chuyến tàu về Pháp thì tôi cứ làm ăn nuôi miệng. Thời ấy mỗi năm mới
có một kỳ tàu ở Âu sang Mỹ. Tôi vốn đã quyết chí phen này về quê
nhà mà cố ăn ở kéo lại những điều lầm-lỗi khi xưa. Chàng Xinh-lê lại
có hảo tâm bàn giúp cho tôi việc đem hài-cốt Mai-nương mà mai-táng một
nơi sang-trọng.
Tôi khỏi bệnh được độ sáu tuần-lễ, một hôm, tôi đi hóng mát một
mình ngoài bờ biển, sực thấy một chiếc tàu đến bến. Tôi có ý nhìn những khách
lên bộ, thình-lình gặp một người không mong mà thấy, mầng-rỡ chẳng biết ngần
nào, người ấy là anh Tỉ-ba. Tuy rằng trong bấy nhiêu lâu, tôi trải bao
nhiêu nỗi xót-xa mày-mặt kém tươi khi trước mà bạn tôi thoạt nom thấy tôi đằng
xa, đã nhận ra rồi. Bạn tôi nói vượt biển sang châu Mỹ, chỉ bởi một điều
thương nhớ, cho nên đã chẳng quản xa-xôi, sang thăm tôi và rủ tôi liệu xếp mà về
cố-quốc. Tỉ-ba nói khi bắt được thư của tôi ở bến Lê-hao gửi
về thì vội-vàng thân đi đến đó để đưa cho tôi số tiền tôi hỏi. Đi đến nơi thấy
tàu đã đi rồi, thương bạn khóc than rầm-rĩ ví nếu gặp tàu thì đi theo luôn sang
ngay đất Mỹ với tôi. Chẳng may chờ trong hàng mấy tháng mà chẳng thấy
tàu nào đi cả. Sau mãi mới gặp một chiếc tàu buồm từ cửa biển Thánh Ma-lô tải
hàng sang cù-lao Ma-ti-ních, bạn tôi liền xuống tàu, tính sang đến Ma-ti-ních,
rồi lại đáp tàu nào khác mà đến Tân Ô-liên. Tàu đi giữa biển thì bị quân
giặc biển Y-pha-nho bắt mất đem về mấy nơi tiếm địa của nước ấy. Sau
bạn tôi dùng mưu mà trốn được ra, đi long-đong đã chán, may đâu lại gặp chiếc
tàu này, thuận nẻo đưa sang nơi tôi ở.
Tôi thấy tình bạn hữu anh tôi ăn ở với tôi thủy-chung có một,
rộng lượng không hai như thế, trong lòng tôi lấy làm cảm-phục. Tôi mới đưa bạn
tôi về nhà, đặt lên làm chủ-ông, tùy nghi phương tiện, muốn bảo tôi làm sao,
tôi cũng xin nghe. Tôi thuật lại cho bạn tôi hết cả những việc từ ngày tôi bước
ra đi. Tôi lại nói một câu này để cho bạn tôi mầng-rỡ là những hạt giống đạo-đức
xưa kia bạn ra sức vun-trồng trong tấm lòng thơ dại-dột, nay đà kết nên bông
trái, nghe trong mình đã thấy có chí tu-thân. Bạn tôi rằng nếu được quả như lời
thì bao nhiêu công-lao nguy-hiểm, bao nhiêu nỗi vượt biển trèo non bạn tôi cũng
không hoài tiếc.
Hai anh em ở với nhau tại Tân Ô-liên trong hai
tháng để chờ tàu lớn về Pháp. Chúng tôi về đến Lê-hao hôm nay là được
nửa tháng. Thoạt tới bến, tôi đã viết thư báo tin cho nhà biết. Anh cả tôi được
thư, vội kíp hồi âm cho tôi biết rằng Nghiêm-đường đã từ bỏ cõi trần. Tôi được
thư như xé tim gan những hối-hận có lẽ vì ta mà đấng-thân vội khuất. Nhân thuận
gió cho tàu lên bến Ca-lê, tôi bèn từ bến Lê-hao mà đến đây,
tính đi ngay đến một ấp cách đây vài dặm, anh cả tôi nhắn rằng ở đó chờ tôi tại
nhà một người quý phái quen thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét