Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Thung lũng trăm năm 2

Thung lũng trăm năm 2

CHƯƠNG 11
TƯ ĐỰC
Chia tay Vương Đình Huệ với lời bình luận “hậu đậu” của người trưởng tràng, Tư Đực tức lắm. Từ ngày vào trường nhập học đến nay nó đã cố hết sức để không thua chúng bạn. Một luật tục đã có từ ngàn đời trong trường là luật “tự mình”. Luật tự mình quy định tất cả những gì, từ chuyện sinh hoạt đến việc tiếp thu những kiến thức do các thầy giáo dạy đều phải tự mình làm lấy. Học viên không được phép nhờ cậy đồng môn trong tất cả công việc trừ trường hợp là anh em đồng bọc, nghĩa là sinh đôi như trường hợp của anh em nhà K’RaJan Đích và K’RaJan Đa. Hai anh em nhà này chỉ được tính là một người thôi cho nên số học viên trong học viện Langbiang lúc này là 101 người nhưng Bạc Đầu Râu chỉ tính có 100! Biết làm sao được khi mà học viện phải tuân thủ vô điều kiện luật tục  “những lời dạy của Gru Lớn”. Khi ăn mỗi học viên được phát một phần, anh em nhà K’RaJan tuy hai người cũng chỉ có một phần! Bọn trẻ thường không để ý đến điều này, chúng không biết anh em nhà K’RaJan hau háu nhìn thức ăn đang được chúng thưởng thức, bởi vì anh em nhà họ ăn nhanh lắm, chúng luôn cảm thấy đói cho dù chỉ mới ăn xong.
 
Cô Nghỉ là một người đàn bà cô biết chuyện đói lòng của anh em K’RaJan. Không đói mới là chuyện lạ, hai người chỉ có một phần ăn thôi mà! Cô thương chúng lắm, nói đúng ra cô thương tất cả bọn học viên đang học tại đây để trở thành những người thông thái! Chưa biết bao giờ mới có thể trở thành nhà thông thái, nhà thông thái xuất hiện trong học viện không phải lúc nào cũng có nhưng đã là người thì ai mà chả cần ăn uống? Cô Nghỉ cảm thương cho anh em nhà K’RaJan như vậy đó! Có một lần, cô tìm cách thêm cho anh em nhà nó một chút cơm cháy, cô những tưởng chúng mừng rỡ, trái lại chúng tỏ vẻ kinh tởm khi mở gói lá chuối rừng ra, K’Jan Đích la lên:
- Cái gì thế này?
Cả lớp ngừng ăn nhìn gói lá chuối cô Nghỉ dúi vào tay anh em nhà K’RaJan, một tiếng thì thầm phát ra từ đâu đó:
- Một dề cơm cháy!
Bất ngờ thằng Đích hét to mắt nó đỏ lên trông dễ sợ:
- Chúng ta không phải là heo!
Nói xong nó ném thật mạnh dề cơm cháy vàng óng mà cô Nghỉ cẩn thận cho thêm tí mỡ heo ra thật xa. Dề cơm cháy bay là là rồi đáp xuống mặt đất, lũ lợn đang tìm thức ăn thừa cạnh nhà bếp, thói quen của chúng vào mỗi giờ ăn, chạy xô vào nhau dành món quà từ trên trời rơi xuống!
Thằng K’RaJan Đa cũng hét lên “chúng ta không phải là heo!”, rồi cả hai anh em vừa khóc vừa chạy nhanh ra khỏi nhà ăn đến nỗi mọi người ngừng ăn há hốc nhìn cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra trong giờ ăn của học viện. Cô Nghỉ đứng chết trân như trời trồng, cô nhìn không chớp mắt về hướng chạy của anh em nhà K’RaJan, mặt cô tái mét, cô thở hào hễn trông tội nghiệp làm sao! Vương Đình Huệ đứng dậy anh tiến đến cô Nghỉ, anh nói:
- Cô ngồi nghỉ chút đi!
Dìu cô Nghỉ ngồi xuống chiếc ghế nơi đầu bàn ăn xong, Vương Đình Huệ chạy đi tìm một cái bầu chứa nước, anh mang lại cho cô Nghỉ thứ nước mát dịu lấy từ suối Đen, anh nói như vỗ về:
- Thôi cô ạ, cô đừng buồn làm gì bọn chúng chắc là mắc bệnh tà nên mới làm như vậy?
Cô Nghỉ cảm động nhìn Vương, cô thong thả hớp từng hớp nước suối Đen quả nhiên một lát sau cô bình tỉnh trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chiều hôm ấy Tư Đực hỏi Vương Đình Huệ:
- Anh Vương à, tại sao bọn nhà K’RaJan lại tỏ vẻ ghê tởm khi nhìn thấy dề cơm cháy vậy?
Vương Đình Huệ giải thích:
- Theo phong tục của người Mạ cơm cháy chỉ dành cho heo mà thôi, cơm cháy còn gọi là cơm heo con người không được ăn cơm này! Mỗi khi nấu ăn người chủ nhà, là đàn bà trong một hộ của nhà dài, chỉ lấy một nửa trên của nồi cơm để mọi người ăn, nửa nồi dưới trong đó có cơm cháy để dành cho heo, mày hiểu rồi chứ?
Tư Đực ngạc nhiên:
- Quê em lại khác cơm cháy là một món ăn khoái khẩu, bọn trẻ con chúng em mỗi lần được cho một miếng cơm cháy thì khoái lắm!
Vương Đình Huệ tò mò:
- Mày người ở đâu ta?
Đang định trả lời bỗng nhiên Tư Đực trợn mắt:
- Anh quên nội quy rồi sao: không ai được cho người khác biết chuyện riêng của mình, điều này là luật tục điều thứ sáu. Nếu tui nói với Mat, chắc chắn anh sẽ bị phạt, còn tui báo với thầy Bạc Đầu Râu, anh biết hậu quả ra sao rồi chứ?
Vương Đình Huệ cười xí xoá:
- Quả là tao quên, mày bỏ qua cho tao nghe?
Tư Đực cũng cười:
- Thôi được, dù sao anh cũng có lòng tốt hỏi thăm tui mà anh Huệ, anh em nhà K’RaJan đi đâu hả anh?
- Mat nói chúng chỉ đi ra suối Quả Bầu Tròn tắm thôi, anh em nhà thằng này kỳ quái lắm, khi giận một ai chúng đều đi tắm và nhanh chóng quên mất chuyện giận dỗi liền? Mày nhớ hôm bắt được tù binh Mat đã phạt 2 anh em nhà K’RaJan mười ngày không được nói, sau đó chúng cũng nhảy xuống suối Quả Bầu Tròn và quên mất chuyện bị phạt, mày thấy có hài hước không cơ chứ?
Tư Đực cười to:
- Hèn nào mà chúng trẻ mãi không chịu già, anh biết tụi nó bao nhiêu tuổi rồi không, gần mười tám tuổi đó!
Vương Đình Huệ trợn mắt:
- Mày nói sao anh em nhà K’RaJan mà mười tám tuổi à, lớn hơn cả tao sao?
- Đúng vậy, thầy Bạc nói rằng chúng lớn tuổi nhưng vì vô tâm nên khuôn mặt chúng như đứa trẻ lên mười!
Hôm nay nghe Vương Đình Huệ chê mình hậu đậu, Tư Đực tức lắm, nó phải chứng tỏ cho Vương biết rằng mình không như anh ấy nghĩ nhưng biết chứng tỏ bằng cách nào đây? Nghĩ một hồi không ra cách nào cả, Tư Đực mở cửa đi ra ngoài. Trời còn tối lắm, trên bầu trời không một ngôi sao bởi những đám mây đen sì đang từ đằng đông kéo tới. Vài hột mưa to đùng rơi xuống đất. Tư Đực rùng mình, nó vội đi vào nhà và không quên khép cửa lại. Bỗng nhiên một tiếng sấm gầm vang lên, mưa như trút hết nước xuống mặt đất đang oằn mình chịu trận lôi đình của ông trời. Tư cố ngủ lại nhưng trong cơn mưa to, gió giật từng cơn khiến nó không thể nào chợp mắt. Nó lại nghĩ đến hòn đá thần của anh Huệ cho, nó mang ra xem tay mân mê hòn đá. Trong ánh lửa bập bùng của ngôi nhà dài hòn đá trong tay Tư Đực thỉnh thoảng ánh lên một thứ ánh sáng kỳ dị khi có ánh lửa chiếu qua. Tư Đực ngồi bật dậy, nó thổi bùng bếp lửa và chăm chú nhìn hòn đá. Màu đen của hòn đá quả nhiên ánh lên một tia sáng khi ngọn lửa được thổi to, vậy là hòn đá này bắt ánh sáng. Đây là phát hiện đầu tiên kể từ ngày Vương Đình Huệ tặng cho Tư hòn đá thần. Tư nhìn chăm chú hòn đá. Đó là một hòn đá bình thường, hình tròn dẹt, gần giống như chiếc đĩa nhưng nhỏ hơn. Màu đen của hòn đá khá đặc biệt, nó không giống những màu đen của vật khác, bên trong hình như ẩn chứa một màu khác, màu này chỉ xuất hiện khi có ánh sáng rọi vào. “A! đây chính là phát hiện thứ hai”. Tư Đực mừng quá, nó không ngờ trong đêm nay nó phát hiện đến hai điều bí ẩn từ hòn đá thần chả bù cho cả nửa mùa trăng qua, nó không biết một chút nào về vật bí ẩn mà nó là chủ nhân.
Tư nhắm mắt lại, nó cố ghi nhớ cách mà mình vừa phát hiện. Phải rồi, từ quan sát hòn đá thần một cách tỉ mỉ nó đã phát hiện ra hai điều bí ẩn kia. Đây là hướng đi đúng, khác hẳn với cách của Vương Đình Huệ. Anh Huệ nói với Tư rằng anh tin chắc hòn đá này là hòn đá thần. Chỉ vỏn vẹn vậy thôi, Huệ không nói với Tư phải làm cách nào mới biết được hòn đá thần này? Mặc kệ anh ấy, Tư nghĩ, luật tục đã quy định rằng phải “tự mình” mà. Tư chìm vào giấc ngủ muộn với nụ cười mãn nguyện trên môi.
Sáng hôm sau trong sương mù còn che kín vạn vật, phải một khắc nữa ông mặt trời mới ló lên đỉnh núi, Tư Đực đã thức dậy và đi về phía ngôi nhà dài mà tối qua bốn người Trương Đại Quá bị Mat xông cỏ Tương Tư. Ngôi nhà ấy nằm cạnh bìa rừng cách biệt hẳn với những ngôi nhà khác của học viện Langbiang. Bên kia là một cánh rừng hỗn giao âm u, cánh rừng này ngăn cách với ngôi nhà khách bằng một hàng cây thông đỏ và một dòng suối nhỏ. Bọn trẻ học viên thường ít khi lai vãng đến ngôi nhà khách này, chúng không có nhiệm vụ tiếp khách. Hơn nữa khách của học viện hàng năm đến đây không quá năm đoàn mà đa phần là đoàn người tiếp tế lương thực cho học viện Langbiang.
Ngôi nhà dài cô đơn có vẻ hoang vắng, cỏ hoang mọc cạnh lối lên xuống, không có ai dọn cả. Tư Đực cau mày. Đây là nhiệm vụ của anh em nhà K’RaJan trong mùa trăng qua, chúng đã lãng tránh công việc nhạt nhẽo này nên ngôi nhà khách mới có vẻ hoang vu như thế. Mat mà biết được thì…, Tư “hừ” trong cuống họng, tiếng hừ của mình nghe cũng có vẻ người lớn lắm, Tư tự mãn nghĩ.
Cánh cửa tối hôm qua Mat khép lại giờ đã mở toang, chắc hồi đêm cơn gió cuồng nhiệt của trận mưa đã làm nên chuyện này. Tư hăng hái bước lên nhà bằng cầu thang một đầu hồi. Luật tục định rằng, chủ nhà phải đi cầu thang hai bên đầu hồi, còn khách chỉ được dùng cầu thang chính giữa. Chủ nhà của những người Lạch là những người đàn bà, còn ở học viện này, Gru Lớn quy định tất cả thầy giáo và học viên đều là chủ nhà. Bước vào bên trong, Tư Đực nheo mắt vì hơi tối. Trước mặt nó bốn người đàn ông nằm thẳng cẳng trên chiếc phản tre. Họ đã mặc quần áo vào, không còn lõa lồ như hồi đêm khi bọn học viên mang họ đến ngôi nhà này và lột quần áo họ ra để Mat báo với Giàng rằng học viện có thêm bốn người được xem là những người phục vụ cho học viện.
Tư Đực cẩn thận tiến về phía những người này, nó biết rằng họ không cử động được vì bây giờ đã là ban ngày nhưng đây là lần đầu tiên nó tiếp xúc với “tù binh” của học viện Langbiang nên nó cũng có chút nghi ngại. Cả bốn người đều nhắm hờ mắt, trông cách họ nằm cùng một kiểu, họ nằm ngửa, hai tay mở ra lòng bàn tay hướng lên trời và để song song với thân người, hai chân hơi dang ra cách nhau độ một gang tay, Tư nghĩ rằng họ đang làm một việc gì đó. Họ thở đều và sâu, bụng họ phình ra khi hít vào và thóp lại khi thở ra. Tư Đực im lặng quan sát những người lạ mặt, bây giờ phải gọi là những người phục vụ, bài học hồi đêm nó tự khám phá ra đựơc nó áp dụng một cách triệt để. Tư thấy người mà Vương Đình Huệ nói chuyện mà nó nghe lóm tên là Trương Đại Quá có hơi thở chậm, sâu và dài hơi hơn ba người còn lại. Như vậy người này có vẻ là người lãnh đạo của cả nhóm, anh ta có lẽ đang tập một bí pháp nào đó chăng? Nếu đúng, đó là bí pháp gì? Tư điểm lại trong đầu những phương thuật mà nó được thầy Mat chỉ dạy, không có một phương thuật nào liên quan đến hơi thở và cách nằm của bốn người này cả. Thôi vậy, ta biết đây là một bí thuật là một điểm thắng lợi bước đầu rồi, chuyện còn lại từ từ kiến giải hoặc hỏi anh Huệ, hoặc hỏi Mat hay Bạc Đầu Râu.
Tư Đực đằng hắng một tiếng, Trương Đại Quá mở mắt, anh thấy một thằng lùn lạ mặt đang nhìn mình cười. Trương hỏi:
- Mi vào đây làm gì?
Thằng lùn trả lời bằng một giọng xào xạc như những thằng lùn khác mà Trương Đại Quá tiếp xúc thời gian qua:
- Chào anh, tui tới thăm các anh đây.
Trương hỏi tiếp:
- Đây là đâu chứ?
Thằng nhỏ cười:
- Anh không biết à, đây là nhà khách của học viện Langbiang, các anh không phải là học viên nên Mat cho ở tạm đây. Tui chắc rằng ngày mai hoặc ngày mốt, Mat sẽ cho bọn trẻ chúng tôi cất cho các anh mấy ngôi nhà để ở, nhà phục vụ đã hết từ năm trước rồi.
Thằng lùn nói một thôi một hồi, Trương nghĩ, thằng này là một thằng lắm chuyện ta phải khai thác nó mới được. Lúc này ông K’Rè, K’Quang và K’Sa đã mở mắt ra. Như thói quen vốn có họ im lặng để mình già  làng Trương Đại Quá đối đáp với thằng nhỏ lùn. Trương Đại Quá hỏi dấn tới:
- Nhà phục vụ là nhà gì?
- Đó là nhà dành cho những người làm những công việc chung của học viện, những công việc đó có thể là phụ cô Nghỉ nấu ăn, hoặc đi vào rừng lấy củi, xuống suối bắt con cá làm cá khô xông khói, vào rừng săn con min tẩm bổ cho lũ học trò…. Nói chung các anh là kẻ ăn người ở trong học viện, nói theo cách văn hoa là những người phục vụ, còn nói theo cách dân gian, các anh là những “người ở” của chúng tôi, ai cũng có quyền sai các anh làm việc cả!.
Trương giận dữ:
- Tại sao lại có chuyện bất hợp lý như vậy chứ, các người…các người không được phép sai bảo chúng ta, chúng ta không thực hiện mệnh lệnh thì các người làm gì được chúng ta nào?
Tư Đực cười lớn, một lúc sau nó nói:
- Chẳng có ai làm gì các anh cả nhưng nếu anh rời xa học viện này chỉ độ một ngày đường thôi thì các anh sẽ là những người bị Thần Núi bắt mất linh hồn!
- Nghĩa là sao?
- Là sao à, khi ấy các anh không có nước suối Đen để uống, các anh sẽ quên hết quá khứ, hiện tại các anh không biết một chút gì, còn tương lai là một màn đêm u tối!
- Ta vẫn chưa hiểu?
- Là bị điên, giờ các anh đã hiểu rồi chứ?
Nói xong Tư Đực giải thích cặn kẽ những điều biết cho Trương Đại Quá và ba người bạn nghe. Nghe xong, Trương trầm ngâm:
- Quả là hoạ vô đơn chí!
Nói xong anh nhắm mắt lại, vờ như không để ý đến thằng lùn lạ mặt, anh tập trung tập khí công nằm. Tư Đực nhìn nhóm người ở mới thấy họ im lặng, nó cụt hứng định ra về. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định một cơn gió thoảng qua làm nó giật mình, Mat hiện thân trước mặt Tư Đực, ông thầy Râu Dài nhìn trừng trừng thằng học trò nhỏ, mắt ông toé lửa, chắc là ông tức tối điều gì đây, Tư nghĩ trong đầu như vậy. Cười cầu tài, Tư Đực cúi đầu:
- Con chào Mat!
Ông thầy không trả lời, ông im lặng, một sự im lặng đáng sợ báo hiệu một cơn bão sắp xảy ra. Đúng như vậy, Mat quát to:
- Ai cho mi đến đây?
- Thưa Mat, con không xin ai cả!
- Ha ha… thằng này giỏi, thằng này giỏi!
Tư Đực tái mặt, mỗi khi Mat nói “thằng này giỏi” có nghĩa là cơn giận của ông thầy Râu Dài đã đến cực điểm, Tư sợ lắm nhưng nó vẫn không hiểu nó đã phạm lỗi gì? Nó hỏi:
- Thưa Mat con phạm lỗi gì mà Mat giận dữ vậy ạ?
- Lỗi à, mi không phạm lỗi, mi phạm tội biết chưa?
Tư Đực chết điếng, nó không nhận ra mình phạm tội tày đình gì mà Mat giận dữ như vậy? Mat nghiến răng:
- Ai cho phép mi đến đây để tiếp xúc với những người này, mi có phải làm nhiệm vụ truyền thông không hử?
Vụt nhớ đến luật tục “ai làm việc nấy” mà Gru Lớn quy định. Một cơn ớn lạnh chạy qua xương sống Tư Đực, lúc này mặt nó không còn một chút máu! Mat nghiêm giọng:
- Mi đã biết tội chưa?
- Thưa Mat con biết rồi, con xin chịu hình phạt một tuần trăng tự giam trong khu rừng ma!
Tư Đực buột miệng nói ra câu ấy không kịp nghĩ gì trong đầu. Thầy Râu Dài trợn mắt nhìn Tư Đực, ông thở dài và không nói nên lời. Đây là điều thứ mười lăm trong nội quy của học viện Langbiang, điều này quy định khi học viên tự nhận một hình phạt tương ứng hoặc cao hơn mức phạm tội, người thầy không có lý do gì mà không chấp nhận. Mat phải chấp nhận cho Tư Đực theo đúng luật tục vào sống trong khu rừng ma một tuần trăng, Mat thoáng rùng mình, không biết sau một tuần trăng đó, người học trò nhỏ của mình có còn không nữa? 
CHƯƠNG 12
RỪNG MA
Tư Đực trở về học viện ngay sau khi tự nhận hình phạt một tuần trăng sống trong rừng ma. Rừng ma là một khu rừng kỳ bí, tương truyền rằng rừng là nơi yên nghỉ của những linh hồn phiêu dạt nhiều ngàn năm qua. Tư Đực biết rõ điều đó, nó hơi ớn lạnh trong lòng nhưng những điều kỳ bí của cánh rừng ma luôn hấp dẫn Tư từ ngày nó nhập học. Tư muốn tự mình khám phá những bí ẩn mà nhiều người không dám đề cập đến ngay cả chỉ hai tiếng “rừng ma”! Các ông thầy trong trường thì chỉ cười bí hiểm mỗi khi có một học viên nào đó nhắc đến rừng ma. Thầy Râu Dài thường nói rằng “các con đứng bao giờ nghĩ đến rừng ma, ta chưa biết có trường hợp nào trở về sau khi vào rừng ma cả!”. Ông thầy không nói gì thêm cho dù học trò nài nỉ cách nào chăng nữa, điều này càng kích thích sự tò mò của lũ học trò.
 
Một quy định tối hậu của học viện Langbiang là ai phạm lỗi gì cho dù lớn đến đâu cũng được cho qua nếu tự nguyện xin vào sống trong rừng ma một tuần trăng. Một tuần trăng không phải là thời gian quá dài nhưng không ai trở về khi đã tiến nhập vào rừng ma mới là điều đáng nói. Tội của Tư Đực chưa phải là một tội lớn, hình phạt nhiều khi chỉ là quét dọn lớp học vài tuần trăng hoặc đi chỉ huy những người phục vụ làm cá khô xông khói để cho cô Nghỉ chế biến thức ăn hay những điều đại loại gần như thế, vậy mà Tư Đực lại chọn cho mình một hình phạt cao nhất là một điều khó hiểu!
Tin Tư Đực tự nhận hình phạt một tuần trăng sống trong rừng ma đến tai học viên nhanh như chớp. Chúng nhao nhao lên chạy đi tìm Tư Đực. Chúng bắt gặp Tư Đực trên đường về lớp học. Vương Đình Huệ mặt vẫn còn ngạc nhiên hỏi Tư:
- Tại sao mày lại chọn hình phạt nặng như vậy chứ?
Tư Đực buồn rầu72
- Tui không biết, vả tôi muốn thử xem trong rừng ma có gì mà ai cũng sợ như vậy chứ?
Anh em nhà K’RaJan tiến lên vỗ vai Tư, thằng Đích nói:
- Mat thường nói chưa thấy ai trở về sau khi vào rừng ma, mày ráng trở về kể cho chúng tao nghe chuyện gì xảy ra trong đó nghe?
Còn Đa thì thì thầm vào tai Tư Đực:
- Đó là một nơi nguy hiểm nhưng tao nói cho mày biết, rừng ma chỉ “ăn” người Lạch, người Mạ, người Ê Đê… chúng tao thôi, tao chưa nghe nói một người khác như mày bị nhốt trong đó mãi mãi đâu! Trước khi mày đi vào rừng tao sẽ dạy mày một câu thần chú của một Gru, có câu thần chú này mọi nguy hiểm sẽ qua, mày học chứ?
Tư Đực cám ơn bạn bằng một cái nắm tay mạnh mẽ. Nó đi về nhà dài chọn vật dụng để mang theo vào rừng. Quy định của học viện khi vào rừng ma, người phạm tội chỉ được phép mang theo trong mình hai vật dụng, một cái khố và không được mặc quần áo. Tư Đực tìm cục đá lửa. Đó là một thứ tối cần thiết trong rừng, nó là nguồn sống, là ánh sáng, là vật bất ly thân! Vật thứ hai Tư chọn là cái xà gạc, xà gạc của Tư có nước thép ánh xanh được tra vào một gốc mây rắn chắc. Tư cởi bộ áo liền quần, chọn một cái khố gọn gàng quấn quanh hạ bộ. Ngần ngừ một lúc Tư Đực lấy hòn đá thần, một câu đố hóc búa mà nó chưa giải được. Tư nhìn quanh, nó chọn một đoạn dây mây rừng tỉ mẩn cột hòn đá thần  và quàng vào một bên vai. Hòn đá nằm đúng vị trí quả tim giống như một vật trang sức trên thân thể cường tráng của Tư Đực. Xong việc Tư chạy đi tìm thằng Đa, không phải tìm đâu xa, thằng Đa chờ Tư dưới chân cầu thang. Nó kéo Tư Đực ra một góc vắng và thì thầm vào tai thằng bạn một câu mật ngữ. Cả hai hả hê đi về lớp học khi Tư Đực lập lại đúng những tiếng trúc trắc khó nhớ mà thằng Đa dạy nó.
Đón Tư ở cửa lớp, Mat nói:
- Con vào đây, ta đã báo cho thầy Bạc Đầu Râu trường hợp của con. Tất cả bạn bè của con và cả ta nữa sẽ tiễn con đến hàng cây ngo đỏ, sau đó một mình con đi vào rừng. Chưa có ai trở về, con hãy cố là người đầu tiên trở về nghe Tư!
Ngắm nghía đứa học trò, ông thầy Râu Dài nghiêm nét mặt:
- Con tôn trọng luật tục như vậy là tốt, còn đây là cái gì?
- Thưa Mat đây chỉ là hòn đá thôi, nó không có một công dụng nào cả!
Tư Đực không dám nói thật với thầy. Mà quả thật cho đến lúc này, hòn đá thần chỉ là tên gọi, chưa ai biết cách sử dụng hòn đá, vì vậy hiện giờ nó không có giá trị sử dụng. Mat im lặng, ông ngắm nghía hòn đá thật kỹ, cuối cùng ông nói:
- Đã đến giờ rồi con lên đường cho sớm sủa.
Lúc đó là giữa trưa, cả đoàn lớp Nhập môn rồng rắn theo chân đưa tiễn Tư Đực lên đường vào khu rừng cấm. Khuôn mặt của bọn học trò buồn thiu, chúng biết rằng những điều nguy hiểm đang chờ đón bạn mình và biết đâu đây là lần cuối cùng chúng còn được đi bên cạnh Tư Đực?
Dúi vào tay đứa học trò nhỏ một cái túi đan bằng dây lát, cô Nghỉ nói:
- Theo luật tục đây là túi cơm con được phép mang theo vào rừng ma, con cố gắng giữ gìn sức khoẻ!
Cô Nghỉ bỏ chạy để mọi người không nhìn thấy cặp mắt đỏ hoe của mình. Cô thương thằng nhỏ quá. Nhưng sức mạnh luật tục của cộng đồng là một thứ quyền năng khó có thể vượt qua, một khi cộng đồng đã định rằng người nào đã tự nguyện vào rừng ma vì một lỗi lầm nào đó thì Thần Rừng đã chờ đón người ấy từng giờ từng phút, không ai có thể từ chối vào rừng! Cô Nghỉ đã  cố tìm một cái bao lát to nhất mà nhà bếp có được, bên trên cô để một ít cơm, ngăn cách bởi hai lớp lá rừng là một ít muối hột, phía dưới là gạo. Đây là điều cô tự nghĩ ra nếu Bạc Đầu Râu biết chuyện này cô sẽ bị phạt nặng. Cô Nghỉ tội nghiệp thằng nhỏ quá, cô biết rằng vào rừng không có cái ăn thì dễ chết vì đói, cô giúp cho Tư Đực một ít gạo và cầu mong rằng nó sống sót qua một tuần trăng.
Khi Tư Đực nhận chiếc túi nó thấy chiếc túi lớn hơn thường lệ và hơi nặng nhưng nó không để ý, Tư lặng lẽ nhìn mọi người với một cặp mắt buồn rầu. Tất cả, kể cả Mat, cũng đáp trả nó bằng một cái nhìn y như thế, cũng buồn rầu nghiêm trọng như thể là họ đưa nó về với Giàng vậy. Tư Đực cười to:
- Con sẽ trở về Mat ơi, chúng mày ơi chờ tao một tuần trăng nữa nhé!
Nói xong câu từ giã và làm ra vẻ mạnh dạn Tư Đực nhắm hướng rừng ma đi tới. Nó không quay lại, quay lại nó sẽ khóc mất thôi! Làm thân con trai mà khóc lóc thì không ra thể thống gì, Tư biết rằng cho dù mình có chết trong rừng ma Tư vẫn phải dấn thân vào nơi ấy như là một định mệnh cuộc đời nó.
Tất cả lớp đứng im nhìn Tư Đực mất hút vào cánh rừng bí ẩn đến khi không còn một chút tăm tích của Tư Đực cả lớp mới uể oải kéo nhau về trường.
Tư Đực đi một mạch hơn một cái “xà gạc” trước mặt nó là rừng rậm, chung quanh nó là rừng rậm! Nó bị bao vây giữa tứ bề rừng núi khiến cho tâm trí nó rối tung lên. Phải từ từ quan sát thôi, Tư tự nhủ với mình như vậy. Nó ngồi xuống một gốc cây rừng cổ thụ, mồ hôi nhỏ từng giọt trên gương mặt còn vương nét trẻ thơ của Tư, Tư cảm thấy cô đơn cùng cực. Nó nghĩ thầm:
- Ta không thể thua cuộc được, bây giờ chỉ có mình ta trong rừng rậm này, tất cả chỉ trông mong vào chính ta thôi.
Một làn dũng khí xuất hiện trong Tư. Phải chiến thắng mọi nghịch cảnh và đứng vững trên chính đôi chân của mình. Trước tiên phải xác định vị trí để làm chủ không gian, đừng để rừng bao vây ta. Tư Đực leo lên một cây cao và nhìn về phía nó vừa đến. Nhưng Tư không nhận ra một đặc điểm nào cả, tứ phía rừng tiếp rừng, một màu xanh ngắt của tự nhiên chiếm hữu toàn bộ không gian sống. Nó vừa huyền bí vừa khiêu khích, vừa đe doạ lại vừa dụ hoặc Tư. Đó là những ý nghĩ của nó những giờ phút đầu tiên tiếp xúc với rừng ma. Vậy thì cái bí hiểm nằm ở đâu, cái huyền bí dụ hoặc ở đâu mà khu rừng bát ngát này có tên là rừng ma vậy? Câu trả lời có ngay tức khắc khi ánh mặt trời bị những tàn cây che phủ. Tư Đực biết rằng trong rừng trời mau tối lắm, kinh nghiệm những ngày đi rừng cho Tư biết như vậy. Nhưng trong rừng ma trời mau tối quá, mới đây thôi những tia nắng yếu ớt còn đọng trên mặt lá rừng một lát sau bóng đêm đã âm thầm ngự trị tự lúc nào!
Tư Đực hoảng hốt, nó không ngờ rừng ma mau tối đến vậy. Tư đứng vụt dậy, nó gom những cành cây khô vương vãi quanh chỗ nó ngồi. Móc cạp khố lấy hòn đá lửa nó dắt trong đó, Tư Đực đánh lửa. Một tia lửa mỏng manh toé ra trong đêm tối nhưng tia lửa vụt tắt ngay không chịu bắt lửa. Tư cẩn thận đánh lại một lần nữa, rồi một lần nữa. Việc đánh lửa từ viên đá không phải lúc nào cũng thành công, Tư biết như vậy nhưng trong hoàn cảnh này phải cố thôi! Cuối cùng Tư Đực cũng nhen được đống lửa, ánh sáng của đống lửa trong rừng xua tan bóng tối, lửa đem đến sự sống như một biểu tượng của hy vọng.
Tư đem túi cơm ra ăn, nó biết rằng đây là bữa cơm có thể là cuối cùng, những bữa ăn sau Tư trông chờ vào tài tìm kiếm thức ăn của bản thân mình. Tư nhanh chóng phát hiện ra muối và gạo nằm phía dưới lớp cơm và nó đoán ra ngay hành động của cô Nghỉ. Nó cảm động lắm, cô Nghỉ quả là một người đàn bà tuyệt vời trên sức tưởng tượng của Tư.
Ăn xong Tư Đực lần ra bờ suối uống nước. Nước suối mát lạnh giúp nó nhớ đến những kiến thức được học ở học viện về rừng. Đây là một trảng trống cạnh bờ suối, vị trí này là chỗ lý tưởng để muôn thú trong rừng ra uống nước khi đêm về. Và cũng chính vị trí này  những con thú ăn thịt cũng rình rập con mồi, cái ăn cái uống giúp muôn vật duy trì sự sống  và cái chết bao giờ cũng hiển hiện bên cạnh. Đây chính là quy luật sinh tồn tự muôn đời, con vật này chính là thực phẩm của con vật kia. Duy chỉ có con người là chúa tể của muôn loài mà thôi! Nhưng con người chỉ thống trị được muôn loài khi có một cộng đồng bên cạnh, trong trường hợp của Tư Đực, một mình sống trong rừng là một thử thách lớn lao với nó. Những con thú dữ trong rừng khi nhận biết Tư chỉ có một mình với một cái xà gạc, chúng có thể tấn công Tư bất cứ lúc nào. Nghĩ như vậy, Tư Đực hơi ớn, nó lùi về thật nhanh bên gốc cây cỗ thụ, ngọn lửa trong rừng đêm giúp nó hơi ấm và thêm phần can đảm. Tư biết rằng muôn thú đều sợ lửa nhưng nó không thể thức trắng đêm để mà canh gát kẻ thù chưa biết xuất hiện lúc nào?
Biện pháp Tư Đực áp dụng trong tình huống này là leo lên cây ngủ, tuy mất đi cảm giác ấm áp của đống lửa nhưng lại an toàn vô cùng. Tư Đực chọn một cháng ba và nằm khèo như những con khỉ vẫn ngủ trên cây như vậy. Muốn chắc ăn và để chống những cơn gió lạnh trong rừng, Tư Đực chặt một ít cành lá và làm một cái ổ nằm trên cây cổ thụ. Vậy là tạm ổn, đêm đầu tiên trong rừng cũng không lấy làm khổ sở cho lắm, Tư nhủ thầm như vậy.
Bỗng nhiên Tư Đực sực nhớ đến bao gạo để dưới gốc cây, đây là nguồn lương thực trong những ngày đầu ở trong rừng ma, không thể để dưới gốc cây được. Tư Đực vụt ngồi dậy, nó tuột nhanh xuống gốc cây và kịp túm bao lương thực của mình trong bàn tay to khoẻ. Có tiếng động trong bao gạo, Tư dùng bàn tay còn lại sờ chung quanh bao. Đúng vậy, một con vật nào đó đã vào bao lương thực của Tư trong lúc Tư để quên dưới đất. Tư mừng rỡ thốt lên:
- A ha mày hả… mày chết với tao!
Nhưng Tư Đực không biết trong bao gạo là con vật gì, nó chỉ gọi chung một tiếng “mày” để biểu lộ niềm vui sướng của những kẻ đi săn. Quả thật lúc này Tư Đực đang bị chi phối bởi quy luật sinh tồn muôn thuở của tự nhiên, nó tuân thủ quy luật một cách triệt để và không ý thức được rằng câu nói nó vừa thốt ra là một phần tất yếu của cuộc sống!
Tư Đực đoán già đoán non con vật ăn trộm lương thực của nó là những con chuột rừng. Đúng như vậy, Mat thường dạy học trò của mình như sau:
- Các con nên biết rằng chuột rừng là một con vật có tài đánh hơi thức ăn rất nhạy bén. Chỉ cần những thứ có thể ăn được, từ thịt các loài thú khác đến ngũ cốc, rau cỏ, côn trùng… lũ chuột rừng tinh quái đều nhận ra vị của từng loại thực phẩm cho dù chúng sống cách xa nơi ta để thực phẩm mấy tầm tên. Vì vậy khi vào rừng các con đặc biệt cẩn thận với con vật này, nếu không những thứ có thể ăn được chúng sẽ ăn hết chẳng từ thứ gì cả đó!
Bây giờ nhớ lại lời dạy của Mat, Tư Đực mới thấm thía việc vận dụng những điều học hỏi vào thực tế cuộc sống. Cũng may nó nhớ ngay đến bao gạo tình nghĩa của cô Nghỉ chứ nếu để đến sáng mai khi ấy bao gạo sẽ không còn một hạt nào. 
Tư cho tay vào miệng bao, nó tóm cổ con vật và bóp thật mạnh, một tiếng “chít” thê thảm vang lên trong đêm vắng, Tư khoan khoái kéo con vật vừa bị nó giết ra khỏi miệng bao. Bất ngờ một con chuột khác phóng ra. Tư nhanh tay chộp con vật và bóp chết, nó hả hê với chiến lợi phẩm trời cho:
- Một đôi chuột rừng, được lắm!
Tư nhanh chóng làm thịt đôi chuột để dành cho ngày mai. Nó dùng cái xà gạc mổ bụng  chuột, bỏ tất cả đồ lòng và cái đầu, Tư thui đôi chuột trên ngọn lửa nó vừa kịp thổi bùng lên cho đến khi hai con chuột trở thành hai miếng thịt xém vàng. “Cũng khá to đây” Tư Đực tự nói với mình như vậy. Nó cho tay vào bao gạo bốc một ít muối hột và tẩm vào hai súc thịt chuột. Chờ một lúc cho muối thấm vào nguyên liệu, Tư gạt đống than đỏ hồng và nướng thịt bằng một cành cây xuyên qua hai con chuột. Tiếng sèo sèo của mỡ nhỏ xuống đống than làm bốc lên một làn khói thơm điếc mũi, Tư Đực phát hiện ra rằng đôi chuột này khá béo, có lẽ nó to bằng một con thỏ rừng chứ chẳng chơi. Tư biết rằng như vậy là trong hai ngày tới nó không phải đụng đến những hạt gạo quý giá và nghĩa tình của cô Nghỉ. Nó thương cô Nghỉ quá và nghĩ trong những ngày ở trong rừng ma, Tư nhất định phải tìm một thứ quà quý giá tặng cho cô Nghỉ. Tư quên mất rằng cuộc sinh tồn của nó chỉ mới bắt đầu, việc có trở về với học viện hay không, đáp án còn ở phía trước. Nhưng chỉ nghĩ về nhau thôi cũng đủ làm cho Tư hăng hái trong cuộc sinh tồn!
Tư dùng một cái lá khô của cây dầu gói thức ăn rồi cho vào bao gạo, miệng bao cơi lên, Tư Đực lại dùng mấy chiếc lá khác cột thật kỹ lương thực của mình và trèo lên cây, nó treo bao gạo phía trên đầu và chuẩn bị đi ngủ.
Đầu đêm của đêm thứ nhất trong rừng ma trôi qua như vậy đấy!
 
CHƯƠNG 13
TRỞ THÀNH NGƯỜI PHỤC V
Trương Đại Quá nằm im sau một canh giờ tập khí công nằm, không nằm im cũng không được vì ban ngày cấm chế đã phát huy tác dụng. Cũng may cặp mắt anh vẫn cử động được chứ nếu phải nhắm nghiền hoặc mở trao tráo suốt cả ngày thì một ngày dài buồn tẻ đến độ nào!
Lúc nãy một thằng lùn lạ mặt đến thăm bọn anh và nó đã tiết lộ những gì mà học viện Langbiang sẽ áp đặt lên bốn người xâm phạm lãnh địa của học viện. Làm “người ở” cũng chẳng sao, Trương Đại Quá chua chát nghĩ. Mình phải cố gắng tìm cách thoát khỏi nơi đây càng sớm càng tốt nhưng bằng cách nào một khi không có nước con suối Đen để uống hàng ngày? Trương Đại Quá chưa tin lắm về những gì thằng nhỏ lùn nói với bọn anh nhưng khi nhìn thái độ của ông già lùn mà thằng nhỏ gọi bằng Mat, anh linh cảm rằng những gì thằng nhỏ nói là sự thật! Nhưng cho dù có là sự thật đi chăng nữa Trương Đại Quá và những người Lạch phải thử nghiệm mới biết được đó là thật hay giả. Việc trước tiên bọn anh phải giải được cấm chế, có hoạt động được vào ban ngày thì mới có thể định hướng những việc làm trong những tương lai chứ? Vì vậy kế hoạch hành động của Trương Đại Quá đã được định hình trong đầu, anh sẽ trao đổi với ông K’Rè để lấy thêm ý kiến và tham khảo hai anh thanh niên Lạch trước khi hành động. Trương Đại Quá tin rằng với sức mạnh của cộng đồng, mọi trở ngại đều vượt qua được. Đó là bài học kinh nghiệm sau mấy năm lang bạt trên vùng cao nguyên này. 
Nằm im một chỗ mãi cũng buồn, Trương Đại Quá ôn lại trong đầu những kiến thức học được từ ông Năm, trong thâm tâm anh vẫn coi ông Phan Ngọc Ẩn là một người thầy của mình. Không biết giờ này ông ở đâu, có lẽ ông Năm đã về đến quê hương sau mấy chục năm đi biền biệt. Anh thầm mong ông Năm ở luôn ngoài quê, đừng đi giang hồ nữa. Người già thường nghĩ về quê hương bản quán, còn người trẻ thì mộng giang hồ bao giờ cũng là một lời réo gọi đầy đam mê và kích thích. Tuổi trẻ mà! Người xưa hay nói: trẻ xông pha, già mẫu mực quả đúng như hoàn cảnh của thầy trò anh. Trương Đại Quá cảm khái khi nghĩ về thầy mình như vậy. Rồi tư tưởng dẫn anh đến nhớ đến Trương Thái, cho đến giờ khắc này anh vẫn không hiểu vì sao Trương Thái tách đoàn và Trương Thái muốn làm việc gì? Trương Đại Quá lại mừng cho người em, Trương Thái không bị bắt như anh và ba người Lạch chính là phước khí của cậu! 
Trí óc anh làm việc liên tục, anh để mặc cho dòng tư tưởng tự tung tự tác trong một tâm cảnh nhớ về dĩ vãng. Khi nghĩ đến những người lùn hoang dại, bỗng nhiên Trương Đại Quá giật nẫy mình. Không thể được! Anh không thể để cho con ngựa bất kham được gọi là “tâm” chạy lung tung. Như vậy thì hoàn cảnh sẽ làm chủ mình mất. Không thể được, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh cũng phải là người chủ động không để cho hoàn cảnh muốn đưa anh đến đâu thì đến? Trương Đại Quá hít một hơi chân khí, anh dồn khí xuống Đan Điền, nín hơi một khoảng thời gian và nhẹ nhàng êm ái thở ra. Anh không cột con ngựa thân tâm của mình vào huyệt Đan Điền và cũng không để nó chạy hoang dễ dẫn vào ma lộ. 
Trương Đại Quá tiếp tục ôn lại kiến thức, những phương thuật mà ông Phan Ngọc Ẩn đã hết lòng truyền lại cho anh em anh. Đầu tiên là Mai Hoa Dịch Số, đây là một môn học bắt nguồn từ Kinh Dịch và tỏ ra rất hiệu nghiệm trong cuộc sống. Cuốn sách của ông già Tư bán quán cho anh cộng với sự chỉ dạy tận tâm của ông Năm đã cho anh một khối kiến thức căn bản cho dù anh còn thiếu kinh nghiệm trong thực tế. Nhưng hiện tại dù rất muốn coi một quẻ Mai Hoa tiên thiên, Trương Đại Quá đành bất lực vì anh không cách nào xác định được thời gian. Mà thời gian là một hệ thức lượng ban đầu tạo nên những tình huống người xưa gọi là quẻ. Thôi đành vậy không dùng Mai Hoa để xem cát, hung, hoạ, phúc thì anh dùng những quẻ Dịch để nghiền ngẫm những ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Anh sực nhớ mình đang sống trên vùng núi, trước mặt anh là một bếp lửa đang âm ỉ cháy với một làn khói bốc lên cao. Hình ảnh đó khiến Trương Đại Quá nghĩ đến quẻ Lữ, quẻ này gồm quẻ nội là quẻ Cấn và quẻ ngoại là quẻ Ly. Cấn vi Sơn, Ly vi Hoả. “Trên núi có lửa là quẻ Lữ, người quân tử coi quẻ này mà sáng suốt (như lửa), thận trọng (như núi) trong việc dùng hình luật, chẳng để giam lâu, trì trệ trong ngục”. Lời Tượng của quẻ Lữ quá hợp với hoàn cảnh của mình, bỗng nhiên trong tâm Trương Đại Quá bừng sáng một ý tưởng như thế. Nhìn bếp lửa anh nghĩ rằng chỗ của lửa là mặt trời hoặc bếp lò chứ không phải ở trên núi được. Trên núi có khi cũng có lửa do rừng bị đốt nhưng chỉ là tạm thời thôi, cho nên người xưa dùng hình tượng lửa trên núi là có ý chỉ những người bỏ nhà mà đi ở trọ quê người, cũng là cái cảnh tạm thời như lửa cháy trên núi vậy. Đây mới là ý nghĩa đích thực của quẻ Lữ, Lữ là khách lữ hành đi xa, không yên tâm, lúc nào cũng thận trọng. Trương Đại Quá thở phào nhẹ nhõm, anh đã nhận thức được lời khuyên thông qua ý nghĩa của quẻ Lữ…. 
Đang mải mê với quẻ Dịch, bỗng nhiên Trương Đại Quá thấy nhói đau ở chân. Như một phản xạ tự nhiên, Trương Đại Quá ngồi bật dậy. Đầu tiên, anh sờ vào chỗ đau, có lẽ đó là một con rệp cắn mình, anh nghĩ trong đầu như vậy. Đúng vậy, một vết đỏ dưới nhượng chân đã nói lên điều đó, Trương Đại Quá gãi lấy gãi để chỗ con rận chích. Đột nhiên khi nhớ đến hoàn cảnh của mình, Trương Đại Quá ngớ người và bật cười một tràn thích thú! Thì ra là anh đã có thể hoạt động lại bình thường. Không biết có phải là do tập khí công liên tục mấy ngày nay mà anh có thể giải được cấm chế hay là do một tác động nào khác? Mặc kệ, khỏi phải nằm yên bất lực vào ban ngày là một điều thích thú nhất rồi, còn lý do gì thì để sau này tìm hiểu. Trương Đại Quá đứng lên, anh vặn lưng, quơ tay quơ chân và làm mấy chiêu thức trong Ngọc Trản Thần công. Tất cả diễn ra tốt đẹp, anh không thấy một điều gì trở ngại cả. Trương Đại Quá mừng rỡ, anh gọi to:
- Bác K’Rè ơi, bác K’Rè?
Ông già người Lạch im lặng nhìn Trương Đại Quá, mắt ông già loé lên một tia sáng hình như là mừng rỡ nhưng ông vẫn điềm đạm hỏi:
- Cậu gọi tôi à, có việc gì vậy cậu?
- Bác ơi, bác ra sao rồi, cháu đã cử động được rồi bác ạ!
- Ta vẫn vậy, mừng cho cậu.
Quay qua K’Quang và K’Sa, Trương Đại Quá đọc thấy trong mắt họ một tia hy vọng, anh thấy tội nghiệp họ quá. Trương Đại Quá an ủi:
- Bác và hai anh à, có lẽ do tôi có thời gian tập khí công lâu hơn nên mới giải được cấm chế nhanh hơn bác và hai anh. Các người nên tập trung vào luyện khí, tôi nghĩ một ngày không xa cấm chế sẽ được giải nơi bác và hai anh thôi!
Trong thâm tâm Trương Đại Quá quả anh nghĩ như thế thật. Tính đến nay thời gian hành công của anh được tình bằng đơn vị năm, còn những người Lạch này chỉ mới bước vào giai đoạn nhập môn mà thôi! Vì vậy chân khí của họ không thể so sánh với Trương Đại Quá được. Chân khí của anh đã vận hành khắp thân thể và chính luồng chân khí này mấy ngày qua đã công kích vào cấm chế đang khống chế Nhâm mạch và Đốc mạch của anh, điều đó khiến anh không thể cử động được. Còn vì sao vào ban đêm các cấm chế lại không tác dụng? Có lẽ loại cấm chế này thuộc tính là âm nên nó không có tác dụng vào ban đêm chăng? Trương Đại Quá vẫn thấy chưa ổn lắm, anh đành gác lại không cố sức tìm hiểu nữa, đầu óc anh lại tập trung vào việc khác. Việc khác chính là hệ thống Nhâm và Đốc Mạch mà cấm chế tác động vào. Một khi người ta dùng độc lực tác động vào hệ điều hành này, cớ làm sao mình không thể tác động bằng sức nóng từ đôi tay vào đây như độc lực? Nghĩ như vậy nên Trương Đại Quá thấy trong đầu mình loé lên một tia hy vọng. Anh nói với ông K’Rè:
- Bác à, để cháu thử vài cách giúp bác mau cử động tay chân coi sao?
Ông K’Rè tỏ ra mừng rỡ:
- Cậu cố giúp nếu cử động được thì còn gì bằng?
Trương Đại Quá lật sấp ông già lại, anh xoa hai tay vào nhau cho thật nóng và áp vào đường đi của mạch Đốc. Sau đó anh lại tác động vào mạch Nhâm của ông K’Rè bằng cách tương tự. Một canh giờ trôi qua những dòng mồ hôi nhỏ giọt xuống ngực Trương Đại Quá mà anh vẫn không thấy tác dụng gì. Anh ngưng công việc và suy nghĩ tiếp.
Bên ngoài mặt trời đã lên cao không gian yên ắng quá, không một tiếng chim, không một tiếng chó sủa. Trời cũng không nổi gió nên hàng cây ngo đỏ cũng đứng im lìm trong nắng trưa. Trương Đại Quá cảm thấy đói bụng. Thời gian qua anh và ba người Lạch được cho ăn rất ít, có lẽ những người của học viện chết bầm này nghĩ rằng bọn anh cũng giống như họ chăng? Trương Đại Quá đứng dậy anh đi dạo một vòng quanh ngôi nhà dài. Mắt Trương sáng lên khi phát hiện bốn cái gùi của bọn anh và cái xà gạc, cái ná  của K’Quang và K’Sa để ở một xó nhà. Gạo vẫn còn và đặc biệt là cái ống tre đựng muối của anh vẫn còn đó. “Bọn lùn này cũng tạm được đây, chúng không tham lam đồ vật của người khác”. Trương Đại Quá đâu biết rằng hành vi trộm cắp là một hành vi nghiêm cấm trong luật tục của người Lạch được học viện Langbiang mặc nhiên sử dụng. Ai ăn cắp của người khác sẽ bị cộng đồng tẩy chay, đồng nghĩa với người đó sẽ không được sống trong bon làng. Trong rừng không sống dựa vào cộng đồng có nghĩa là sẽ chết, không sớm thì muộn!
Trương Đại Quá lấy cái nồi đồng ra nấu cơm, cục đá lửa của anh vẫn còn nhưng anh không cần dùng tới vì bếp lửa trong nhà dài lúc nào cũng âm ỉ cháy. Anh đi tìm nước, anh thấy nước được chứa trong những ống giang lớn dựng ngoài hiên nhà, có lẽ bọn người lùn chuẩn bị cho anh chăng?
Cơm chín, anh bón cho ba người Lạch đang nằm ăn sau khi anh ăn xong. Cũng may chất gây cấm chế chỉ tác dụng lên tay chân nên bọn anh vẫn có thể nói chuyện và ăn uống ngủ nghỉ được như thường.
Sáng sớm hôm sau mặt trời lên khoảng một con sào, hai thằng lùn đẩy cửa nhà dài bước vào, chúng nói liền không để cho Trương Đại Quá mở lời:
- Chào bác và ba anh Mat sai chúng chúng tôi đến đây thăm mọi người, tất cả ổn cả chứ?
Trương Đại Quá ngạc nhiên nhìn hai thằng nhỏ, chúng giống nhau như đúc, có lẽ là hai anh em song sinh. Hai thằng nhỏ này có vẻ lanh lẹ đây, Trương nghĩ trong đầu như vậy, chúng là trẻ con mà lời ăn tiếng nói đã có vẻ là người lớn rồi. Anh trả lời:
- Cảm ơn chúng tôi đều ổn, các em muốn gì?
Một trong hai thằng nhỏ cười:
- Chúng tôi không muốn gì cả, chỉ có điều Mat muốn các người hãy dọn về chỗ của mình để tiện việc phục vụ chúng tôi!
- Em nói rõ xem?
- Không có gì là khó hiểu cả, các anh theo chúng tôi về nơi ở mới, nơi này là chỗ của khách thôi!
Thì ra là vậy, thằng nhỏ sáng hôm qua nói đúng. Thằng nhỏ “không cười” bây giờ mới hỏi:
- Anh ngồi được rồi à, như vậy hai cái lá của chúng tôi hết tác dụng rồi sao?
Trương Đại Quá ngạc nhiên hỏi lại:
- Chiếc lá nào, các em nói gì ta không hiểu?
Thằng nhỏ “cười” quắc mắt nhìn thằng “không cười”, nó nói liền một mạch hình như nó muốn lấp liếm một điều gì thì phải:
- Chẳng có gì đâu anh, Mat biết rằng chỉ có anh đã cử động được mà thôi. Mat bảo chúng tôi đem đến cho các anh một ít gạo, một ít thức ăn, tối nay chúng ta dọn qua nhà mới, ba người này không cử động được như anh mà?
Mắt thằng nhỏ nhìn qua ba người Lạch, khi lướt qua ông K’Rè, nó trợn mắt khi thấy ông già bỗng nhiên ngồi dậy, nó hỏi liền:
- Mat bảo chỉ có anh cử động được thôi, tại sao lại thêm ông già này nữa?
Lúc này Trương Đại Quá mới chú ý ông K’Rè vẫn hoạt động được cho dù mặt trời đã lên cao khoảng một con sào. Trương mừng quá, anh biết môn “Án ma đại pháp” mà hôm qua anh thực hiện lên ông K’Rè đã có tác dụng. Trương Đại Quá nói:
- Pháp thuật của các em đã không còn hiệu nghiệm, em thấy đó chỉ vài ngày nữa thôi, cả ba người kia cũng cử động được như ta cho xem.
Hai thằng nhỏ đưa mắt nhìn nhau, không hiểu chúng trao đổi với nhau những gì qua tia nhìn đó? Thằng “cười” bỗng nói:
- Hẳn chờ đã chưa biết được đâu, tối nay chúng tôi sẽ đến đón các người qua chỗ ở mới, còn bây giờ xin chào và hẹn gặp lại!
Hai thằng nhỏ xuống nhà bằng cầu thang đầu hồi bỏ lại Trương Đại Quá và những người bạn ngạc nhiên nhìn theo dáng nhỏ của anh em chúng nó.
Trương Đại Quá quay sang ông K’Rè, giọng anh chưa hết mừng rỡ:
- Sao hả bác, bác đứng dậy cháu xem nào?
Ông K’Rè cười:
- Không được cậu à, bây giờ ta không còn nhúc nhích được một ngón tay!
Trương Đại Quá vụt hiểu, “Án ma đại pháp” tác dụng từ từ, ông già chỉ giảm được thời gian bị cấm chế chứ chưa hết hẳn. Trên đời làm gì có pháp môn nào có hiệu quả ngay tức khắc? Anh nói:
- Vậy cách mà cháu giúp bác đã có kết quả bước đầu, để cháu tiếp tục giúp bác, anh Quang và anh Sa nhé!
Thời gian còn lại trong ngày, Trương Đại Quá dùng cách day, vuốt, xoa trong thủ thuật án ma giúp ba người Lạch mau loại bỏ cấm chế của bọn người lùn.
Đúng hẹn khi con trăng tròn vành vạch vừa mọc, hai thằng nhỏ lùn xuất hiện, chúng giúp Trương Đại Quá và những người Lạch mang hành lý ít ỏi của họ đi về phía một ngôi nhà mới cất còn thơm mùi nhựa cây rừng. Một thằng nói:
- Anh Quá, đây là nhà của các anh, phía bên kia là nhà cô Nghỉ, bên cạnh là nhà ăn của học viện. Các anh có toàn quyền đi lại trong khu vực này, ngoài ra không được tự tiện đi vào nơi khác, nhớ chưa?
Nó chỉ tay lên đỉnh đồi, ở đó trong bóng đêm nổi lên những dãy nhà ngang dọc, xa xa là một rặng cây ngo đỏ đang rũ tán thành một vệt đen thẩm trong bóng đêm.
Trương Đại Quá đáp:
- Ta biết, còn gì cấm kỵ nữa không?
- Mat nói trước mắt chỉ có vậy. Mat còn dặn rằng hàng ngày các anh phải uống ít nhất một quả bầu nước, nếu ít hơn thì sẽ đánh mất linh hồn đó!
Một lời đe doạ, Trương Đại Quá bực bội nghĩ. Nhưng ông K’Rè lại không nghĩ vậy, mắt ông loé lên một tia sợ hãi, vô tình Trương Đại Quá bắt gặp ánh mắt hoảng sợ của ông K’Rè. Anh hỏi ông K’Rè liền khi bốn người vào hẳn bên trong ngôi nhà của họ:
- Bác K’Rè, bác thấy thằng nhỏ đó nói như vậy có đúng không?
Hình như ông K’Rè vẫn còn sợ hãi, ông nói:

- Cháu à, khi ta còn ở bon Cây ngo đỏ,có một bận ta đi thăm người bà con ở cách bon ta mấy ngày đi bộ. Đến bon Dòng suối của người Lạch, ta gặp một Gru đang giúp dân làng trừ con ma đang làm bệnh cho mấy người bà con. Sau ba ngày ba đêm cúng, chỉ có em ta là khỏi bệnh, còn hai người kia thì chết. Dù không đạt kết quả hoàn toàn nhưng dân làng bon Dòng suối của người Lạch cũng cảm ơn Giàng đã cho ông Gru trị bệnh cho ông K’Bia. Ông Gru nói cho ta biết rằng trên núi Bi Đúp có một loại cỏ, ai hít phải khói của nó sẽ đánh mất linh hồn, chỉ khi nào uống nước tại suối Giọt nước mắt của Thần linh mới hết. Ta đã nghĩ mấy hôm nay rồi, chắc ta và anh và thằng Quang và thằng Sa đều hít phải thứ khói đó. Vì vậy thằng nhỏ hôm qua và hai thằng này mới dặn đi dặn lại là mỗi ngày chúng ta phải uống ít nhất một quả bầu nước suối Đen, suối Đen là cách gọi của Giọt nước mắt của Thần linh mà ông Gru nói chăng? Nếu những gì ta biết là đúng, có lẽ ta sẽ phải ở đây suốt đời không đi đâu được nữa. Cháu đã thấy người bị Thần núi bắt mất linh hồn chưa? Bác sợ lắm! 
CHƯƠNG 14
PHIÊN BẢN
Trương Đại Quá đi sau lưng Bảy Vinh. Đó là một người đàn ông lớn con có nước da trắng hồng khác hẳn những học viên và những người phục vụ trong học viện Langbiang. Anh ta có vẻ là một người ít nói cứ lặng lẽ đi trước dẫn đường cho Trương Đại Quá. Khi Trương Đại Quá gợi chuyện Bảy Vinh ngước nhìn anh, một cặp mắt đùng đục và không nói với Trương một điều gì cả. Anh ta im lặng đi trước không trả lời bất cứ một câu hỏi nào.
Sáng nay khi giao công việc một thằng nhỏ người lùn chỉ nói với Trương Đại Quá rằng “anh có nhiệm vụ đi đánh cá đem về giao cho cô Nghỉ làm thức ăn, giúp việc anh là Bảy Vinh”. Nó không nói thêm câu nào nữa và bỏ đi lập tức sau khi nói “đây là mệnh lệnh của Bạc Đầu Râu”. Trương Đại Quá ngạc nhiên quá, ở học viện này toàn là những cái tên lạ hoắc, hết Mat rồi lại Bạc Đầu Râu! Chỉ có cái tên Bảy Vinh nghe có vẻ quen thuộc nhưng khi anh gặp người đàn ông nước da trắng hồng đứng đợi trước cửa nhà anh biết ngay đó là một người không dễ gần.
Hai người lặng lẽ đi xuyên qua mấy khu rừng thưa, trước mặt họ là một con suối khá lớn nhưng khi nhìn kỹ, Trương Đại Quá thấy con suối này kỳ kỳ. Nó không bình thường như những con suối khác, hình dáng của nó lúc to lúc nhỏ, thậm chí có lúc rất nhỏ, đó là lúc con suối đang réo ầm ầm qua hai gộp đá hai bên bờ và tạo thành một dòng chảy mạnh mẽ. Nhưng đến lúc nước dừng ở cái đầm bên dưới, mặt nước phẳng lì như một tấm gương chiếu cảnh mây trời, rừng núi. Quả là cảnh đẹp lạ thường. 
Trương Đại Quá tháo quả bầu khô rồi uống nước. Anh biết rằng không thể coi thường lời dặn của ông già lùn kỳ dị - Mat - một ngày anh phải uống hết một cái bầu này. Quả thực đây là thứ nước trong veo, ngon ngọt, khác hẳn nước suối thông thường. Vì vậy Trương Đại Quá yên tâm uống nước suối Đen theo lời dặn của bọn trẻ.
Thấy anh ngồi im ngắm cảnh mây trời, rừng núi, Bảy Vinh cũng ngồi xuống theo anh. Anh ngắm cảnh, anh ta cũng ngắm cảnh, anh nhìn mây, Bảy Vinh cũng nhìn mây! Bảy Vinh cứ y như chiếc bóng của Trương Đại Quá. Thấy tức cười quá, anh cười một tràn. Bảy Vinh cũng nhếch mép cười nhưng không phát ra một thứ âm thanh nào cả! Hoá ra người đàn ông này bị câm, hèn nào anh ta không trả lời những câu hỏi của Trương Đại Quá! Hình như anh ta còn có vấn đề khác nữa thì phải?
Trương Đại Quá nhớ tới nhiệm vụ, anh phải kiếm cá cho cô Nghỉ nào đó làm thức ăn. Ngày còn ngoài quê Trương Đại Quá là một tay bắt cá giỏi của thôn Trường Định. Đến khi quen biết với Trương Thái, người em kết nghĩa lại dạy cho anh những kỹ thuật đánh bắt cá nên tay nghề của Trương Đại Quá càng trở nên tiến bộ vượt bậc. Nhìn màu nước nếu là ở miền xuôi, người ta sẽ đánh giá rằng tại con suối này làm gì có cá! Trương Thái đã dạy anh cặn kẽ những biểu hiện có cá ở những con suối chảy trong rừng. Cá suối khác hẳn cá sống trong ao, hồ ở đồng bằng, chúng là những loại cá rừng mà đa phần thuộc về loài cá trắng. Trương Đại Quá lấy cái xà gạc của ông K’Rè, anh đi tìm mồi câu cá như cách của Trương Thái từng làm. Loại nhộng trong rễ cây cá suối rất thích ăn cho nên dùng nhộng làm mồi câu sẽ được nhiều cá. Trương Đại Quá dùng lưỡi câu mà Trương Thái tặng anh lúc sống với ông Năm ra dùng. Một lúc sau anh đã câu được một xâu cá suối.
Bảy Vinh lặng lẽ nhìn Trương Đại Quá câu cá, anh ta không có cần câu nên không thể bắt chước Trương Đại Quá được. Khi thấy Quá giật cần câu Bảy Vinh cũng bặm môi, tay anh ta cũng giật lên như trong tay có một chiếc cần câu vậy. Cảnh tượng trông rất buồn cười, ai nhìn thấy cũng phải phì cười. Trong cánh rừng hoang không có một người nào cả nên Trương Đại Quá chỉ cười một mình, lòng cảm thấy vui vui. Anh tập trung câu cá. Mặt trời lên đến đỉnh đồi trời đã gần trưa, lúc này cá không ăn mồi nữa. Trương Đại Quá dẹp cần, thu hồi dây câu và chuẩn bị ra về. Nhìn hai xâu cá nặng, con nào con nấy to cỡ bàn tay người lớn Trương Đại Quá cảm thấy hài lòng. Kiểu này cô Nghỉ nào đó chắc phải chế biến thành mấy món ăn, không hiểu tay nghề nấu nướng của cô ấy như thế nào nhỉ? Tự nhiên Trương Đại Quá lại thấy mình quan tâm đến một người đàn bà xa lạ mà anh đã nghe kể về chuyện đời cô ấy từ miệng của Vương Đình Huệ, một thằng nhỏ lùn anh biết đầu tiên. 
Trương Đại Quá và Bảy Vinh mang hai xâu cá theo đường cũ trở về. Nhìn vẻ hớn hở của Bảy Vinh, người ta biết ngay rằng anh ta rất vui với thành quả của hai người trong buổi sáng hôm nay. Anh hăm hở bước những bước dài, hình như Bảy Vinh đang nóng lòng khoe thành quả lao động với ai đó. Người không nói được là một điều thua thiệt, Trương Đại Quá biết vậy nên anh chiều theo ý Bảy, anh tăng tốc bước những bước dài chẳng thua kém Bảy Vinh nên hai người về đến nhà rất nhanh.
Bảy Vinh đẩy cửa bước vào nhà bếp. Trong đó một người con gái nhỏ xíu quay mặt vào trong đang chỉ huy hai thằng lùn nấu ăn. Bảy Vinh ú ớ trong miệng, anh ta đặt xâu cá xuống, tay ra hiệu với người con gái. Cô ta cũng ra hiệu với Bảy Vinh, chắc là cô ta khen ngợi Bảy thì phải. Trương Đại Quá cũng bước vào nhà bếp và đặt xâu cá xuống. Người con gái quay lại nhìn anh bằng một cặp mắt mở to hết cỡ. Cô ấy hỏi:
- Anh là ai?
Trương Đại Quá không trả lời. Mắt anh nhìn cô Nghỉ không chớp. Anh không thể nào tin được cô gái đứng trước mặt anh là phiên bản thu nhỏ của người anh yêu, người mà đêm đêm anh thương nhớ khôn nguôi: Trần Thị Huyền. Cũng mái tóc đó, cũng khuôn mặt đó, nước da đó và nhất là đôi mắt, đôi mắt của cô Ba đã nhốt linh hồn Trương Đại Quá từ ngày anh tình cờ gặp cô Ba ra ao làng rửa chân. Trong lúc này tâm hồn Trương Đại Quá chìm vào kỷ niệm. Những đêm trăng anh rủ cô Ba ra bờ sông Côn, cả hai ngồi dưới gốc một bụi tre cùng ngắm trăng treo trên bầu trời. Không ai nói với ai tiếng nào, nhưng cả hai đều biết chắc rằng mình nghĩ về nhau, hai quả tim cùng đập một nhịp. Trương Đại Quá nắm tay cô Ba, cô Ba để tay mình trong bàn tay to lớn của anh một lúc lâu rồi bỗng nhiên cô rút tay về như chạm phải lửa, mặt cô Ba đỏ lên, trăng màu sữa pha vào mặt cô Ba một màu trắng đục, lúc này hoà với sắc đỏ của khuôn mặt cô Ba thành một màu hồng tươi nhuận. Trương Đại Quá say sưa ngắm cô Ba, anh không thể dời cặp mắt của mình ra khỏi khuôn mặt cô, bên dưới là một cần cổ dài da trắng như trứng gà bóc, khuôn ngực cô Ba bên trong chiếc áo bà ba đang nhấp nhô khiến cho cảnh tượng trở nên hấp dẫn và gợi tình. Không cưỡng lại được lòng mình, Trương Đại Quá ôm chầm Trần Thị Huyền và anh đặt vào mặt cô một nụ hôn dài tha thiết. Mũi Trương Đại Quá hít được mùi hương trinh nữ phát ra từ thân thể Trần Thị Huyền, đó là một mùi hương huyền diệu chưa bao giờ Trương Đại Quá trải nghiệm qua….
Không thấy người đàn ông to lớn trả lời, cô Nghỉ hỏi lại:
- Tôi nói gì anh có nghe không?
Đến lúc này Trương Đại Quá mới trở về cõi thực, anh cúi mặt xuống và lắp bắp trả lời:
- Tôi…tôi….
Cô Nghỉ phì cười, tiếng cười của cô giống như một bản nhạc với những âm thanh vui vẻ dòn tan:
- Tôi…tôi cái gì, tôi cứ tưởng anh giống Bảy Vinh. Anh giỏi lắm, anh bắt cá được nhiều như vầy Bạc Đầu Râu sẽ rất hài lòng, tôi sẽ nấu cho anh một nồi cháo cá để thưởng công. Bây giờ anh về nhà nghỉ đi, một chốc nữa tôi sẽ bảo thằng này - tay cô Nghỉ chỉ vào một thằng lùn phụ bếp, qua kêu anh ăn cháo.
Thằng lùn phụ bếp vọt miệng:
- Cô Nghỉ ơi cho chúng cháu ăn cháo cá với nhé?
Cô Nghỉ quát:
- Cái thằng này, chúng mày giúp cô nấu ăn cho tốt cô sẽ thưởng cho, còn cháo cá chỉ dành riêng cho người có công thôi!
Thằng lùn phụ bếp tiếc rẻ nhìn Trương Đại Quá bằng một cặp mắt ghen tị:
- Anh sướng nhé, không phải ai cũng được ăn món cháo cá suối cô Nghỉ nấu đâu!
Món cháo cá ngon như thế nào Trương Đại Quá không bận tâm, điều mà anh nghĩ trong lúc này là được nhìn cô Nghỉ, được thấy lại khuôn mặt của Trần Thị Huyền qua khuôn mặt trắng trẻo của cô. Trương Đại Quá chần chừ chưa muốn quay về nhà mình như cô Nghỉ bảo nhưng muốn tìm cách ở lại đây thì anh chưa nghĩ ra cách nào cả. Đúng lúc đó một thằng lùn phụ bếp nói:
- Anh Quá, chiếc nồi này nặng quá anh nhắc xuống giúp tôi với!
Trương Đại Quá vui vẻ làm theo yêu cầu của thằng nhỏ, anh hỏi:
- Sao em lại biết tên ta?
- Mat cho cả lớp Nhập môn biết anh và ba người bạn là những người phục vụ mới, không riêng gì tôi biết tên anh mà ở học viện này ai cũng biết cả!
Thì ra là vậy, Trương Đại Quá nhớ tới thân phận của mình và chợt buồn. Trong hoàn cảnh này được nhìn cô gái có khuôn mặt của người yêu là một điều hạnh phúc, điều đó an ủi Trương rất nhiều. Cô Nghỉ không chú ý đến sự hiện diện của anh, cô mải chỉ huy hai thằng nhỏ làm thức ăn, sắp đến giờ ăn rồi.
Đứng tần ngần một lúc không thấy ai nói gì Trương Đại Quá hỏi:
- Cô có cần tôi giúp gì không?
Cô Nghỉ như sực nhớ đến sự hiện diện của anh, cô cười:
- Điều tôi cần anh giúp là hãy mau về nhà nghỉ ngơi, tí nữa tôi sẽ sai thằng nhỏ này qua nhà mời anh đến nhận nồi cháo cá của mình.
Cô Nghỉ quay qua quát hai thằng phụ bếp không thèm nhìn Trương lấy một lần nào nữa. Bẻn lẻn anh cúi đầu bước ra cánh cửa mà hồn thì gởi lại nơi cô Nghỉ.  Ô hay, anh nhớ Trần Thị Huyền quay quắt, thế mới biết tình yêu là một điều kỳ diệu của con người!
Mãi nghĩ đến người yêu, Trương Đại Quá không thấy Vương Đình Huệ đang nhìn mình đăm đăm. Vương Đình Huệ được lệnh của Mat đến bếp xem bữa cơm đã sẳn sàng chưa. Trong học viện giờ giấc sinh hoạt là một điều bắt buộc, không ai được phép vi phạm dù chỉ một canh giờ! Vì vậy cô Nghỉ phải chăm chăm vào việc của mình, hai thằng nhỏ giúp cô nấu ăn là hai thằng nhóc, chúng chỉ mới tám tuổi và chín tuổi nên cô Nghỉ mệt bở hơi tai với hai thằng phụ bếp.
Mat biết điều đó. Ông biết rất rõ chuyện hai thằng phụ bếp mùa trăng này sẽ là gánh nặng cho cô Nghỉ nhưng không vì thế mà Mat lại cho phép hai đứa đó được miễn trừ. Hàng ngày ông đều sai Vương Đình Huệ đến giám sát việc nấu ăn, việc phụ bếp để giờ ăn diễn ra đúng quy định của học viện. Trưa nay Vương Đình Huệ đến nhà bếp trong lòng Huệ nghĩ sẽ giúp một công việc nào đó cho cô Nghỉ, không ngờ Huệ bắt gặp Trương Đại Qúa từ trong cửa bếp đi ra với một gương mặt đăm chiêu. Vận dụng thuật Tri tâm, Vương Đình Huệ lờ mờ nhận thấy khuôn mặt của cô Nghỉ trong đầu Trương Đại Quá. Tăng tốc độ, dư ảnh hiện rõ dần. Đó là một đêm trăng tròn, hai người ngồi ngắm cảnh dưới một bụi tre. Vương Đình Huệ ngạc nhiên quá sức, một người là Trương Đại Quá, còn người con gái kia lại là…cô Nghỉ. Không thể nào tin được, cô Nghỉ đã đến học viện từ lâu như lời Mat nói, không thể nào cô lại có thời gian ở cạnh Trương Đại Quá?
Vương cười chào Trương:
- Chào anh Quá, anh đi đâu đó?
Lúc này Trương Đại Quá mới thấy Vương Đình Huệ, anh mỉm cười đáp lời:
- Ta vừa đi câu cá về theo lệnh của ông gì gì…à ông Bạc Đầu Tóc, ta vừa nộp cá cho cô gái nhỏ trong kia, giờ ta quay về nhà đây. Em đến nhà bếp làm gì vậy?
Vương Đình Huệ cười ngặt nghẽo:
- Không phải là Bạc Đầu Tóc đâu, tên thầy là Bạc Đầu Râu, đó là thầy Hiệu trưởng. Em đến bếp để kiểm tra, em là phái viên của học viện trong mùa trăng này.
Vương Đình Huệ hãnh diện trả lời Trương Đại Quá. Trương không chú ý đến điều ấy, trong lòng anh vẫn còn bồi hồi vì hình ảnh Trần Thị Huyền thông qua cô gái tên Nghỉ mà hình như là lũ học trò lùn đều yêu mến.
Vương Đình Huệ bắt chuyện:
- Anh Quá à, tôi thấy anh đang nghĩ về cô Nghỉ sao lạ vậy?
Trương Đại Quá ngạc nhiên:
- Ta có nghĩ gì về cô ấy đâu?
- Anh đừng giấu tôi, tôi biết anh và cô Nghỉ ngồi ngắm trăng dưới một bụi tre mà, đúng không? Sao lạ vậy, anh kể cho tôi nghe đi?
Trương Đại Quá càng ngạc nhiên hung:
- Làm gì có, ta chưa bao giờ gặp cô gái ấy tính đến lúc nãy, vậy làm sao ta và cô gái ấy ngồi ngắm trăng với nhau được chứ?
Vương Đình Huệ nhìn thật sâu vào mắt Trương Đại Quá. Huệ bắt gặp một sự thành thật trong đôi mắt của người phục vụ, không thấy một chút dối trá nào cả. Vậy là sao, thuật Tri tâm là một phương thuật bí truyền, chưa bao giờ áp dụng lại sai trong bất cứ trường hợp nào cả. Vương Đình Huệ tin tưởng vào môn học này, bây giờ lại có kết quả lạ lùng như vậy? Vương cười gượng:
- Thôi vậy để tôi suy nghĩ lại chuyện này… nhưng tôi quả quyết là anh và một người con gái đã ngồi ngắm trăng tròn dưới gốc bụi tre, đúng không?
Trương Đại Quá thành thật xác nhận:
- Đúng vậy nhưng không phải là người con gái như là em nói! 
CHƯƠNG 15
TƯƠNG TƯ
Chia tay Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá đi về nhà của mình. Trong lòng anh lúc này hình ảnh cô Nghỉ luôn ngự trị, nói cho đúng đó là hình ảnh của cô Ba Trần Thị Huyền. Không biết giờ này ở quê, cô Ba có nhớ đến anh không? Ngẫm lại thời gian anh bỏ quê ra đi cũng đã khá lâu, lúc ra đi ý nguyện tìm đựơc hai chiếc sừng tê giác mới trở về đã chi phối tâm hồn anh. Anh không dám gặp mặt cô Ba, anh chỉ viết vài chữ nhờ ông chủ quán trao cho cô Ba khi có dịp. Trong thư Trương Đại Quá thề với cô Ba rằng khi nào có sừng tê giác anh mới trở về, sau ba năm nếu không thấy anh về, cô Ba nên đi lấy chồng. Ông bá hộ họ Trần không bao giờ để con gái của mình ở giá bao giờ, Trương Đại Quá biết như vậy. Nhẩm tính lại thời gian, Trương Đại Quá ra đi cũng đã gần bốn năm, không biết ở quê nhà cô Ba ra sao rồi….
Ông K’Rè đón anh ở bậc cửa với một nụ cười:
- Anh đã trở về rồi, Quá à, bác báo cho anh biết một tin vui: từ sáng tới giờ bác vẫn cử động như thường, chắc là cái gọi là cấm chế đã hết tác dụng?
Trương Đại Quá vui mừng:
- Chúc mừng bác, còn anh Quang và Sa ra sao hả bác?
- Chúng nó cũng có tiến bộ, ông mặt trời lên độ một ngọn cây cao chúng mới phải nằm im, đà này chắc chỉ trong vài ngày tới chúng sẽ được như bác thôi?
 Sau khi bấm huyệt cho Quang và Sa, Trương Đại Quá kêu ông K’Rè:
- Bác ơi, bác tính coi từ chỗ này đến nơi cất giấu trầm hương bao xa hả bác?
Ông K’ Rè nhìn Trương Đại Quá với vẻ hồ nghi:
- Anh hỏi chuyện đó trong lúc này làm gì?
Trương Đại Quá im lặng. Không lẽ anh nói cho ông Rè chuyện tâm sự của anh sao? Không thể được, thứ nhất ông K’Rè hơn hẳn tuổi Trương, ông sẽ không hiểu chuyện yêu đương của thanh niên như anh đâu. Thứ hai, ông K’Rè là một người sống từ nhỏ trong thiên nhiên hoang dã, ông không có thời gian để những tình cảm yêu đương chi phối vì bao giờ ông cũng phải đương đầu với cuộc sống để có miếng ăn cho mình và bon Cây Ngo đỏ. Trương cười buồn:
- Bác à, chuyện đó nếu thấy tiện thì bác trả lời, còn vì sao cháu hỏi, xin lỗi bác, cháu không nói được!
Ông K’Rè nhìn thật sâu vào mắt Trương Đại Quá:
- Anh Quá, người Lạch chúng tôi có một câu hay lắm, đại ý thế này: dắt con trâu cái đi đường núi, dắt con trâu đực đi đường bằng, đi và về nên đi đúng đường. Anh biết ý nghĩa câu đó chớ?
Ngẫm nghĩ một lúc Trương Đại Quá cười:
- Cám ơn bác cháu hiểu rồi.
Cả hai im lặng, mỗi người nghĩ đến chuyện của mình. Ông K’Rè nghĩ đến những người bon Cây Ngo đỏ, không biết giờ này họ sống ra sao? Trách nhiệm của một người đứng đầu khiến ông lo nghĩ. Trong dãy nhà dài gồm hơn hai mươi hộ, không hộ nào còn một hạt muối. Số muối ít ỏi mà anh em Trương Đại Quá cho buôn làng, ông đã ra lệnh là để dành cho những người bệnh, còn ngoài ra người khác phải ăn tro tranh thay cho muối. Ông dự tính trong vòng ba tuần trăng, ông và hai chàng trai của bon sẽ trở về với ba gùi muối, dân làng sẽ tha hồ mà ăn để bù vào những ngày đói muối. Vậy mà giờ đây ông và hai chàng trai lại bị chôn chân ở cái học viện quái quỉ này. Ông K’Rè biết rằng những gì mà những người lùn nói với Trương Đại Quá thời gian qua là những điều có thật, họ không nói dối để doạ ông và các chàng trai. Vì vậy ông lo lắm nhưng ngoài mặt ông vẫn tỏ ra bình tỉnh để lên tinh thần cho họ. Đó là kinh nghiệm nhiều năm làm Già làng mà ông rút ra được, trong mọi trường hợp, người đứng đầu bao giờ cũng là chỗ dựa của cộng đồng.
Hơn ai hết ông K’Rè biết tác dụng của khói cỏ Tương tư, cái tên cỏ mà bây giờ ông mới biết. Người Lạch đều biết chuyện này trong truyền thuyết nhưng chưa bao giờ người ta biết loại cỏ đó hình thù thế nào để mà tránh né, vậy mà ở cái học viện này, lão lùn kỳ dị lại có được thứ cỏ tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết.  Ngay cái nơi mà ở đây người ta gọi là học viện ông cũng chưa nghe bao giờ. Ông chỉ biết rằng những người cao tuổi trong tộc người Lạch, bao giờ cũng dặn con cháu rằng có một khu vực cấm bất cứ ai xâm nhập, nếu lỡ vào đó rồi thì vĩnh viễn không ai trở ra được. Vùng đất đó ở đâu không nghe những người già nói cụ thể, chỉ biết rằng chung quanh vùng đất đó có một loại cây đặc biệt mọc thành hàng, loại cây này chính là ranh giới giữa vùng tự do và khu cấm địa….
Còn Trương Đại Quá để tâm hồn trôi trở về dĩ vãng. Ở quê nhà, ngôi nhà của cha ông để lại chắc là hoang vắng lắm, không có hơi người, ngôi nhà sẽ lạnh tanh, lạnh ngắt. Tuy Trương Đại Quá có gởi gắm xóm giềng chăm sóc hộ căn nhà, thắp hương cho cha mẹ anh nhưng chính tay anh không làm đám giỗ cho cha mẹ là một điều dày vò anh nhiều năm qua. Trương Đại Quá tự an ủi mình rằng đến ngày giỗ chạp anh thắp một nén tâm nhang nhớ về công ơn tiên tổ chắc tổ tiên, ông bà cha mẹ cũng chứng cho tấm lòng của anh. Rồi anh nghĩ đến đám bạn bè thời trẻ nhỏ có lẽ ai cũng có vợ có con. Tục lệ ở quê anh, con trai lấy vợ sớm lắm, ai cũng cố sinh ra một thằng con trai để nối dõi tông đường mới là người có hiếu. Dĩ vãng lôi kéo anh đến những ngày xưa vui vẻ, đến những trò chơi đồng quê như chăn trâu, đánh đáo, đấu võ…và cả chọc ghẹo đám thôn nữ sau những ngày đi cày đi cấy, gánh lúa về nhà. Tâm trí anh lại nhớ đến cô Ba nhớ cái nắm tay trong đêm trăng mờ huyền ảo dưới rặng tre làng nhìn ra dòng sông đẫm hơi sương. Cô Ba, cô Ba… anh kêu thầm tên người con gái chiếm lấy trái tim anh, vậy mà giờ đây anh đã thấy được khuôn mặt khả ái của cô nhưng với một phiên bản thu nhỏ, nhỏ đến lạ thường. Đó là khuôn mặt mà các chú lùn gọi là cô Nghỉ. Cô Nghỉ lại có một cuộc đời kỳ dị, thân xác của cô nhỏ xíu vì tác dụng của Quà tặng của thần linh, một thứ lá rừng kỳ dị. Cô Nghỉ sẽ trở lại người thường nếu có một ít Kỳ nam làm vị thuốc, theo lời của thằng lùn Vương Đình Huệ. Lúc ấy, lúc ấy Trương Đại Quá sẽ ngắm được cô Ba nguyên bản, ôi giây phút đó mới nao lòng làm sao. Bỗng nhiên Trương Đại Quá nhớ Trần Thị Huyền da diết. Không ngăn được lòng mình, chàng trai si tình nói với ông K’Rè:
- Bác ơi, bác giúp cho thằng Huệ một ít Kỳ nam được không hả bác?
Thì ra thằng nhỏ này nghĩ đến người con gái bị Thần núi nguyền rủa. Ông K’Rè không gọi thứ lá rừng làm con người ta không lớn được là Quà tặng. Không, không thể là quà tặng, quà tặng gì mà không cho người ta lớn chứ, cứ mãi mãi nhỏ thế làm sao gùi được những thân lồ ô to đến suối để lấy nước? Làm sao lên rẫy chọc lúa và  tuốt lúa chứ? Vì vậy ông già tự đặt thứ lá ấy cái tên là Thần núi nguyền rủa cho dễ nhớ. Vả chăng, chỉ những ông Gru mới biết thứ lá đó mọc ở đâu, người thường không khi nào biết và đó cũng là điều cấm kị trong cộng đồng. Bây giờ ông mới biết người ta có thể giải thứ lá Thần núi nguyền rủa bằng dược liệu, như vậy những ai vô tình ăn nhầm thứ lá đó có thể thành người bình thường? Như vậy những phép thuật lâu nay những ông Thầy cúng dùng để đe doạ mọi người chỉ là trò bịp bợm? Người Lạch không chấp nhận sự dối trá, ông K’Rè cũng vậy, ông rất ghét những ai không thành thật trong mọi chuyện, vì vậy ông trả lời Trương Đại Quá bằng một cái gật đầu chắc nịch:
- Được, bác sẽ giúp!
Trương Đại Quá cảm kích nói:
- Cháu xin cám ơn bác trước, nếu cô Nghỉ mà trở lại người thường thì bác là ân nhân của cô ấy!
- Quá à, người miền cao không bao giờ lấy chuyện giúp người khác bất cứ việc gì là chuyện ơn nghĩa đâu, đơn giản khi ta sống trong rừng núi như thế này nếu không có cộng đồng thì ta sẽ không sống được đâu, anh biết không?
- Thưa bác, khi cháu một mình lang thang khắp vùng này, cháu cô đơn vô cùng. Đến khi gặp được người em kết nghĩa, cháu mới biết con người ta cần cho nhau đến độ nào. Không biết giờ này Trương Thái ra sao nữa?
Một không khí trầm tư xuất hiện giữa hai người, ông K’Rè không để chàng trai buồn, ông nói:
- Bác đoán chúng ta đang ở cách cây cổ thụ nơi cất trầm kỳ không xa lắm đâu, chỉ độ một hai ngày đường thôi. Nhưng bác có một chuyện muốn bàn với anh, đó là làm sao ta đem đủ nước để uống trong hành trình đi lấy trầm hương? Còn chuyện đổi trầm hương lấy muối bác biết rằng khó lắm rồi một khi chúng ta vướng vào cái thứ khói cỏ Tương tư!
Trương Đại Quá gật đầu:
- Cháu cũng thấy khó quá, một ngày chúng ta nếu đi hai người cần hai bầu nước là ít nhất, nếu chẳng may tìm không ra chỗ cất giấu trầm kỳ thì làm sao ta trở về cho kịp?
Cả hai chưa tìm ra cách nào để đem nước theo khi đến gốc cây cổ thụ, thì thằng nhỏ phụ bếp xuất hiện, nó nói:
 - Anh Quá, cô Nghỉ mời anh qua nhà bếp nhận phần cháo cá, nhân thể anh nhận luôn phần lương thực cho ba người này.
Trương Đại Quá đi theo thằng nhỏ, trong bụng anh vui lắm vì sẽ gặp được cô Nghỉ, người con gái có khuôn mặt của người anh yêu. Nhưng khi cả hai đến nhà bếp, cô Nghỉ không còn ở đó, thằng nhỏ phụ bếp chỉ nồi cháo bốc hơi nghi ngút tỏa ra một mùi thơm khiến nước miếng người ta ứa ra, nó nói:
- Cô Nghỉ dặn anh mang nồi cháo này về nhà ăn, chiều mang nồi qua nhà bếp trả lại cho cô là được.
Nó dáo dác nhìn quanh rồi thấp giọng:
- Này anh, anh có thể cho tôi một bát cháo được không, chỉ một bát thôi mà?
Trương Đại Quá cả cười:
- Được thôi em à, chỗ cháo này một mình ta làm sao ăn cho hết, ta sẽ mời ba người bạn của ta cùng ăn, chia cho em một bát có nhiều nhặn gì đâu, em dùng hai bát nhé?
Mắt thằng nhỏ sáng lên:
- Ôi anh tốt quá, em chỉ cần một bát thôi nhưng….nếu anh có lòng tốt em xin thêm bát nữa, em mang về cho thằng bạn lúc nãy, nó cũng thèm cháo cá như em vậy! 
Rồi thằng nhỏ tiếp tục nói:
- Anh biết không, cô Nghỉ nấu cháo này kỳ công lắm đó, cô dùng một thứ bột củ mài cho vào gạo ninh thật nhừ. Còn cá, cô ướp với mấy thứ gia vị đặc biệt, khi cháo nhừ cô mới bỏ cá vào và cho em đi gọi anh ngay, như thế cá chỉ vừa chín tới, hương vị nồi cháo mới đạt cực đỉnh, cô Nghỉ nói với em như vậy đó? Bây giờ anh cho em ăn cháo, anh tốt quá, cảm ơn anh.
- Ta đã nói rồi, đó là chuyện nhỏ ơn với huệ gì?
Bỗng nhiên Trương Đại Quá nhớ đến vấn đề nan giải của anh và ông K’Rè, anh vụt hỏi:
- Em à, nếu được em đi tìm giúp ta Vương Đình Huệ, ta cần gặp nó, được chăng?
Thằng nhỏ cười:
- Tưởng chuyện gì, anh chờ em một lát nhé. Mà thôi, anh mang cháo và gùi gạo này về đi, em bảo Vương Đình Huệ đến nhà anh là được.
Khi Trương Đại Quá bón cho Quang và Sa ăn cháo cá xong, đang vét đến bát cuối cùng, ông Rè nói:
- Quá à, hình như thằng nhỏ lùn đến tìm anh đó.
Đúng như vậy, Vương Đình Huệ đang leo lên cầu thang chính giữa, với nhà Trương Đại Quá, nó là khách nên không thể đi bằng cầu thang hai bên đầu hồi như ở nhà khách ngày hôm trước. Nó hỏi:
- Anh tìm tôi có chuyện chi?
Trương Đại Quá mời:
- Em ngồi xuống đây đã, ta có câu chuyện muốn bàn với em mà!
Vương Đình Huệ nóng lòng, anh hỏi liền khi vừa ngồi xuống:
- Chuyện chi vậy anh?
Chỉ qua ông K’Rè, Trương Đại Quá trả lời:
- Bác K’Rè mới là chủ nhân chính hiệu của số trầm kỳ cất giấu trong rừng, đây là chỗ tổ tiên ông bà để lại cho con cháu bon Cây ngo đỏ. Ta đã trao đổi với bác và bác đã đồng ý tặng cho em ít kỳ nam để làm dược liệu giúp cô Nghỉ. Nhưng chúng ta không thể nào đi lấy thuốc cho em vì không tìm ra cách nào mang theo nước con suối Đen để khống chế với khói cỏ Tương tư. Em nghĩ xem có cách nào giúp đỡ bọn ta chăng?
Vương Đình Huệ chau mày, một lát sau anh nói:
- Bác nhớ chỗ cất trầm kỳ cách đây bao xa hả bác?
Ông Rè nói:
- Khoảng mười cái xà gạc là cùng!
Mặt Vương Đình Huệ giãn ra trông thấy:
- Xong, chuyện đó không thành vấn đề!
Trương Đại Quá mừng rỡ:
- Sao, cách nào hả em?
Vương cười:
- Cách đây hai con trăng, học viện săn được một com min (bò rừng), Mat có cho ta một cái bao tử và nói ta ngày sau sẽ có lúc dùng, không ngờ lại dùng sớm như thế, Mat giỏi quá. Ta có nuôi một con ngựa, cứ chất lương thực, nước uống lên lưng nó là xong. Bây giờ ta về đây, ta sẽ xin Bạc Đầu Râu đi lấy trầm kỳ cùng với anh và bác đây. Ta đi nhé?
Nói xong Vương Đình Huệ đi liền, anh nóng lòng giúp cho cô Nghỉ trở lại người thường, sau đó cô Nghỉ còn tìm gia đình của mình nữa chứ?
Trong căn phòng của Mat, người thầy đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ dựng sát tường. Hình như ông đang đợi cậu học trò thân tín. Đúng vậy, khi Vương Đình Huệ vừa bước vào, ông nói liền:
- Việc đi tìm trầm kỳ của mấy người phục vụ, con phải báo cáo với ông Bạc nhưng con biết đó, ông Bạc chưa công khai chuyện cô Nghỉ cho bất cứ ai biết cả, vì vậy làm sao con có thể đề đạt nguyện vọng với ông ấy?
Trầm ngâm và ra vẻ suy nghĩ, Vương Đình Huệ nói bằng một giọng buồn:
- Con cũng chưa biết cách nào, Mat ơi, con phải làm sao… con thương cô Nghỉ quá?
- Ta biết con thương cô Nghỉ nhưng luật tục là luật tục, muốn rời trường phải có lệnh của Bạc Đầu Râu. Thôi con cứ về chuẩn bị sẳn đi, để ta tính cách đã.
Vương Đình Huệ buồn bã chào thầy và chậm rãi đi về. Anh suy nghĩ rất lung chuyện tìm cơ hội ra ngoài trường để lấy trầm kỳ cho Mat luyện thuốc đưa cô Nghỉ về với vóc dáng thật của cô.
Tối hôm đó như thường lệ, Vương Đình Huệ ra ngoài cánh đầm lầy tự học thuật thoát hơi người. Sau khi bôi một lớp bùn lên khắp người, Vương Đình Huệ trần truồng nằm im mặt ngữa lên trời. Đêm nay không có trăng, trên trời cao những ngôi sao đang nhấp nháy, chúng tạo thành những hình thù kỳ lạ. Không biết có tất cả bao nhiên ngôi sao, Vương đoán trong đầu nhiều lắm cũng không thể vượt qua số cây có ở cánh rừng ma. Nhớ tới rừng ma Vương Đình Huệ giật thót người, thằng Tư Đực vào khu rừng đó đã năm ngày, không biết nó có gặp nguy hiểm gì không nữa. Theo luật tục, không ai được phép vào rừng để trợ giúp cho nó, cả học viện đều biết một mình thằng Tư trong cánh rừng nổi tiếng là ăn người như vậy rất là nguy hiểm nhưng mọi người đành chịu. Luật tục là luật tục, không ai có thể vượt qua, xét cho cùng, luật tục là để mang lại lợi ích cho cộng đồng mà thôi.
Vương Đình Huệ thiếp đi trong ý nghĩ đó. Lúc ấy là nửa đêm! 
CHƯƠNG 16
GẶP BẠCH HỔ LÚC NỬA ĐÊM
Lúc Tư Đực thức dậy trời còn tối lắm, Tư đoán rằng đang là nửa đêm. Trời lạnh, trên cây chỉ cần một cơn gió lùa qua là Tư cảm thấy cái lạnh tấn công mình ngay. Bây giờ mà có một đống lửa thì thật tuyệt vời, Tư dễ dàng xuống đất khơi lại bếp lửa còn vài cục than hồng, chỉ cần bỏ vào vài cành khô là có một đống lửa mang cái ấm đến ngay nhưng Tư không thể. Kinh nghiệm của Mat truyền đạt cho học trò rằng mỗi khi không thể về nhà mà phải buộc ngủ ở trong rừng, leo lên cây nằm ngủ là cách an toàn nhất. Ông nghiêm cấm học viên cãi lại lời mình và việc vào cánh rừng gần trường thực tập ngủ qua đêm là điều bắt buộc đối với mọi học viên lớp Nhập môn. 
Tư mơ hồ nghe tiếng hoẵng kêu trong đêm sâu thẳm, chắc là con vật bị thú dữ ăn thịt nên tiếng kêu nghe bi thiết quá! Tiếng kêu chỉ vang lên một chút rồi bị tắt nghẽn liền, chắc lúc ấy con vật đã không còn sức để vùng vẫy nữa, nó buông xuôi mặc cho số phận. Quy luật sinh tồn của muôn đời vận hành hết sức vô tư, chính tiếng kêu bi thiết ấy là hồi còi báo động cho muông thú khác tránh xa cái chỗ chết chóc kia bằng tốc độ của những đôi chân chạy trối chết, Tư biết rõ điều đó. 
Tư nghĩ thầm trong đầu ngày mai bắt đầu một ngày mới, Tư phải tìm cách làm cho ấm thân mình mới mong sống được trong cánh rừng này. Cho đến giờ Tư chưa cảm nhận điều gì kỳ bí trong cánh rừng ma mà mọi người đều sợ. Phải có cái gì chứ, nếu không thì đâu phải là cánh rừng ma? Vì vậy Tư phải cảnh giác trong mọi tình huống, biết đâu ngoài vẻ bình an giả tạo, cánh rừng ma mang lại sự chết chóc hiểm nguy?
Câu trả lời có ngay tức khắc. Một mùi khét khủng khiếp xông lên trong khu vực Tư ngủ. Đầu tiên Tư nghĩ rằng mùi đó do đống lửa gây ra nhưng đống lửa đã tàn khi Tư leo lên cây ngủ, làm sao mùi khét kia bây giờ mới xuất hiện? Không tìm ra câu trả lời Tư Đực cố nằm im trong đám lá rừng, một mặt để chống cái lạnh xâm nhập, mặt khác biết đâu dưới kia một con thú dữ nào đang rình mồi?
Bỗng nhiên trong đêm vang lên một tràn tiếng động lạ thường, giống như tiếng gió xen lẫn tiếng cành cây gãy, tràn tiếng động ấy dường như bay từ xa lại, nó quanh quất trong bóng đêm, lúc phát ra ở bên này lúc bên kia không cách nào xác định được phương hướng. Tiếng kêu thần bí dường như khiến mọi sinh vật sợ hãi, không có một tiếng côn trùng hay tiếng bất kỳ loài thú nào, ngay cả mùi khét lẹt lúc nãy cũng biến mất tăm. 
Thật lạ lùng, Tư Đực nghĩ, nó sợ hãi không dám nhúc nhích, toàn thân dường như đông cứng lại. Không riêng gì Tư Đực, hình như cả khu rừng cũng đông cứng lại vì tràn tiếng quái dị kia. Đây mới là đến hồi chính, Tư thầm nghĩ như vậy, nó cố gắng nhúc nhích chân tay để trở mình nhưng vô ích, tay chân Tư hình như không còn nghe mệnh lệnh của Tư nữa. Chắc đây là tác dụng của tiếng kêu thần bí lúc nãy, mọi sinh vật đều nằm trong tầm khống chế của âm thanh kỳ dị ấy. Tư nhắm mắt, nó cố không nghĩ đến tiếng kêu, không nghĩ đến mùi khét kỳ lạ, không nghĩ gì cả nhưng nỗi sợ trong Tư vẫn không suy giảm. Tư nghĩ thầm, nếu tiếp tục kiểu này Tư sẽ chết vì khiếp hãi thôi. Bỗng nhiên trong đầu Tư xuất hiện hình ảnh của những người tù binh bị bắt vừa qua, dưới tác dụng của khói cỏ Tương tư họ không hoạt động được. Trong khoảng thời gian ban ngày, chàng thanh niên đã dạy những người bạn cách hít thở, nhờ vậy mà họ đã rút ngắn được thời gian khống chế của thứ khói đặc dị này không cần Mat phải ra tay! 
Tư liền bắt chước, cứ hít vào thì bụng phình ra, thở ra thì bụng thót vào giống như chàng thanh niên tên là Trương Đại Quá. Nó chăm chú vào hơi thở, ban đầu Tư cảm thấy khó khăn lắm khi để đầu óc của mình không bị tiếng động thần bí kia chi phối. Một lúc sau Tư mới tập trung vào việc hít thở, hít vào bụng phình ra, thở ra bụng thót lại, cứ thế, cứ thế… không chú ý đến mọi chuyện chung quanh, chỉ tập trung vào hơi thở. Hơi lạnh từ cánh rừng mà lúc nãy Tư run lên cầm cập không còn nữa, Tư có chút ngạc nhiên nhưng không quan tâm nhiều lắm.  Tư Đực quên hết mọi chuyện, Tư đâu biết rằng mình đã đi đúng đường trong việc học khí công! 
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, tràn tiếng động kỳ dị kia không còn nữa, Tư Đực thôi không tập thở khi nghe một tiếng “gừ” bên dưới gốc cây cổ thụ. Tiếng “gừ gừ”  nghe giống tiếng kêu của một con thú bị thương. Tò mò Tư vén đám lá nhìn xuống gốc cây. Nó không thấy gì cả, tiếng rên đau đớn của con thú cũng im bặt. Thật là khó hiểu, không biết chuyện gì xảy ra dưới gốc cây, Tư tự hỏi mình như vậy? 
Tư Đực im lặng tuột xuống khỏi cây cổ thụ, việc này không có chút khó khăn nào đối với một người học thuật ẩn thân. Tư lợi dụng những cành cây, ngọn cỏ, không một tiếng động  nó đã có mặt dưới gốc cây. Đống lửa hồi chiều qua Tư đốt vẫn còn bốc khói, một làn khói mỏng manh. Tư bới ra một cục than hồng, nó nghĩ, cái thứ củi dẽ cau thật là đượm, Tư cho một ít lá khô mà nó vơ vội chung quanh gốc rồi thổi lên. Ánh sáng bùng lên, tuy chưa chiếu rõ mọi vật chung quanh nhưng ánh lửa khiến cho Tư ấm lòng. Củi được cho vào, một lát sau ánh lửa chiếu sáng một vùng rộng đến cả chục bước chân. Lúc này Tư mới quan sát cảnh vật, nó giật mình khi nhìn thấy dưới gốc cây trước mặt là một… con cọp trắng! Con vật “gừ” lên khi ánh lửa chiếu rõ thân hình nó nhưng nó không đứng lên như thường thấy, nó nhìn Tư bằng một cặp mắt ánh xanh.
Tư thấy con bạch hổ không có động tác gì cũng bớt sợ, nó nhìn thẳng vào con vật như cách Mat dạy học viên, lúc nào con vật cũng sợ ánh mắt người, bất kể con gì dù hung dữ cách nào cũng vậy cả. Mat giải thích: vì con người là một con vật có trí khôn nên con người chính là chúa tể của muông loài. Thông thường con vật nào cũng sợ con người cả, chỉ duy nhất điều phải chú ý là đừng dồn con vật vào bước đường cùng khi không có lợi khí trong tay, lúc này con vật vì sự tồn vong của mình sẽ tấn công con người để tìm đường sống! Lời dạy của Mat lướt qua trí óc Tư Đực, Tư hít một hơi dài:
- Bạch hổ ta không hại mi, mi đi đi!
Con vật không nhúc nhích, nó nhìn Tư bằng một cái nhìn lạ lẫm, ngạc nhiên. Tư hỏi:
- Mi sao vậy?
Con cọp “gừ” lên bằng một âm thanh đau đớn, Tư hỏi:
- Mi bị thương ư?
Con vật nhìn Tư, nó chớp mắt, hình như nó công nhận Tư đoán đúng, nó đang cầu cứu Tư Đực bằng một cái nhìn khẩn khoản. Tư nói:
- Mi đau lắm sao?
Đáp lời Tư là một tiếng “gừ”, cặp mắt con vật chớp chớp. “Chắc nó là chúa tể trong cánh rừng này” Tư nghĩ, cọp trắng là một con vật hiếm có nên vô cùng quý giá. Cọp trắng tinh khôn hơn các loài cọp đồng loại, Mat thường nói vậy.
Tư thận trọng tiến về phía con cọp nằm, nó thôi không “gừ” nữa và hau háu nhìn Tư. Đứng cách con cọp độ một sải tay, Tư ngừng lại. Trước mắt nó là một vũng máu đỏ bầm. Con cọp bị một vật gì đó đâm toát đùi, vết thương xéo qua phần bụng, trượt qua chân trước. Nó bị thương nặng quá, Tư nghĩ, hèn nào mà nó không thể đứng lên được.
- Mi cứ nằm im để ta trị thương cho.
Nói xong Tư nhìn quanh, có một loại cỏ hoang mọc trong rừng ở khắp mọi nơi, Mat bảo rằng đó là cỏ cầm máu, Tư đang tìm loại cỏ ấy. Rất may loại cỏ này có ở chỗ này, Tư Đực bứt vội một nắm cỏ cầm máu và cho vào miệng nhai. Nhai xong, Tư nhả ra tiếp tục nhai nắm khác. Cứ thế một lúc sau trên tay Tư đã có một số thuốc cầm máu cho con bạch hổ.
- Mi nằm im nhé ta rịt thuốc đây.
Nói xong Tư đắp chỗ thuốc vào vết thương con vật. Con cọp nằm im cho Tư đắp thuốc. Hình như nó hiểu tiếng người, Tư nhủ thầm như vậy.
- Mi đói chưa? Ta cho mi ăn nhé?
Tư leo lên cây cổ thụ và lấy gói lá rừng trong đó có đôi chuột nướng. Tư Đực mang một con đưa cho con cọp:
- Mi ăn đi, tuy ít nhưng ta chỉ có chừng này!
Bạch hổ phát ra một tiếng rít hình như nó đói lắm, nó vồ lấy con chuột và chỉ một thoáng nó đã nuốt gọn con mồi vào bụng. Thấy vậy Tư Đực hỏi:
- Ta còn một con nhưng thấy mi có vẻ đói lắm, thôi ta nhường cho mi vậy.
Con hổ vui vẻ nhận phần quà của Tư, ăn xong nó liếm mép ra vẻ thoả mãn lắm. Tư nói:
- Mi ngủ đi, ngủ là cách tốt nhất để trị thương.
Con vật hình như nghe lời Tư, nó nhắm mắt lại và gục đầu vào cái chân lành. Một tình bạn giữa thú và người được hình thành như vậy đấy.
Buổi sáng trong rừng bắt đầu bằng tiếng gà rừng gáy. Nói đúng ra gà gáy vào lúc hơn nửa đêm một chút, nó tiếp tục gáy hai lần nữa thì trời sáng hẳn. Tiếng gà gáy trong các bụi cây là dấu hiệu của một ngày mới của muông thú sinh hoạt ban ngày, trong đó có Tư. Tư Đực thức giấc lúc ánh sáng mặt trời chiếu qua kẽ lá dọi tới mặt Tư. Nó dụi mắt rồi đứng dậy. Sau khi trị thương cho con hổ, Tư ngủ rất ngon. Bên gốc cây cổ thụ trước mắt Tư Đực, con hổ cũng ngủ rất ngon. Tư Đực đến bên con hổ, vết thương con hổ đã khô mặt. Lúc này con bạch hổ cũng mở mắt ra, nó nhìn Tư như nhìn một con bạn hổ của nó. Tư Đực nói:
- Mi nằm im đây trị thương, ta đi tìm thuốc bó chân gãy của mi, vài hôm thôi mi có thể săn mồi được rồi đó.
Bạch hổ hình như hiểu Tư muốn nói gì, nó để yên cho Tư Đực phủ những cành lá, cỏ khô vào mình, vừa làm Tư Đực vừa dỗ dành con cọp:
- Mi nằm im đây, nằm trong đống cỏ này tốt cho vết thương của mi, để ta tìm thuốc và tìm ít thức ăn cho chúng ta nhé?
Tư đi về phía con suối, những loài cây cỏ trị gãy xương thường mọc ven bờ suối, Mat từng dặn như vậy. Tư đập dập các thứ dược liệu tìm thấy và trộn với bùn nhão móc được ở bờ suối, nó cho tất cả vào một chiếc lá dầu, bứt
 một đoạn dây rừng rồi trở lại chỗ bạch hổ nằm. Con cọp nằm im cho Tư bọc chỗ thuốc vào chân gãy, Tư cột thêm một đoạn cây vào chân bị thương của bạch hổ. Nó nói:
- Mi ráng nằm im nhé, hai bữa nữa thôi mi có thể đi đứng được rồi.
Còn một ít thuốc Tư Đực đắp vào vết thương của con cọp. Xong việc Tư Đực hoan hỉ nhìn con cọp:
- Mi ngủ đi ta đi tìm thức ăn đây!
Lúc Tư Đực leo lên cây lấy cái xà gạc, nó phát hiện hòn đá thần mà nó đeo ở trước ngực không còn nữa. Tư cầm xà gạc nhảy xuống đất, nó tìm quanh quất. Hòn đá thần bị rơi gần chỗ bạch hổ nằm. Vui mừng, Tư Đực nhặt hòn đá lên, nó ngạc nhiên hết sức khi thấy hòn đá thần có những vệt đỏ, Tư chùi chỗ vết đỏ ấy vì cho rằng hòn đá bị rơi vào vũng máu con bạch hổ. Nhưng cho dù chùi cách nào vết đỏ vẫn còn, thậm chí Tư nhổ nước bọt vào hòn đá vết đỏ cũng không hết. Bực bội Tư Đực nhìn thật kỹ hòn đá, những vết đỏ tạo thành một bản vẽ, đó là cảnh hai ngọn núi giống y nhau và cách nhau một dòng suối có một gộp đá tảng, một trong hai ngọn núi đó có ba cái chấm đỏ không hiểu ám chỉ điều gì?
Tư Đực vui mừng la lên:
- Đây chính là điều bí mật, anh Huệ ơi! 
CHƯƠNG 17
KHAI TÂM
Vương Đình Huệ không nghe được câu nói của Tư Đực, lúc đó Vương Đình Huệ đang trở về sau khi luyện xong môn ẩn thân. Vừa đi Vương Đình Huệ vừa nghĩ cách xin Bạc Đầu Râu đi lấy kỳ nam với Trương Đại Quá và ông K’Rè. Không biết phải bắt đầu từ đâu, Huệ nghĩ, ông thầy Bạc rất nghiêm khắc khi học viên phạm luật, mà việc này quả là phạm luật rồi. Cô Nghỉ tự tay thầy Bạc mang về, thầy chưa nói chuyện riêng của cô thì không ai được phép hỏi. Ngay chuyện riêng của từng học viên cũng là điều cấm kỵ đối với những người còn lại của trường thì chuyện người con gái cưng của thầy Bạc còn cấm kỵ đến cỡ nào?
Không nghĩ ra được cách xin phép đi xa, Huệ bực tức, anh đá một khúc cây nằm ven đường cho bỏ tức cứ như khúc cây là nguyên nhân sự bức bội của Huệ vậy. Vậy mà lại có chuyện. Khúc cây bay ở một khúc quanh, vô tình làm sao nó lại rớt trúng…Bạc Đầu Râu! Ông thầy giận dữ nhìn Vương Đình Huệ:
- Hoá ra là mi?
Mặt Vương Đình Huệ xám xịt, anh không ngờ hành động nông nỗi vừa rồi, khúc cây tấu xảo lại rơi trúng ông hiệu trưởng. Anh rối rít:
- Con xin lỗi thầy, con không cố ý?
Bạc Đầu Râu hơi giận vẫn còn:
- Vậy tại sao mi đá khúc cây để nó rơi trúng ta chứ?
Vương Đình Huệ sợ hãi nhìn Bạc:
- Thưa thầy…thưa thầy….
Ông Bạc Đầu râu nghiêm khắc:
- Thôi, thôi, theo ta về trường hẳn nói tiếp!
Nói xong ông quay ngoắc trở lại, Vương Đình Huệ hồi hộp theo sau. Hai người im lặng đi, vừa đi Vương Đình Huệ vừa nghĩ, nếu để ý một chút, biết sắp đến trường thì anh đâu có giận dữ đá khúc cây để trở nên cơ sự như vầy. Ôi, Mat từng dạy trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ lấy bình tĩnh làm đầu, vậy mà anh, Vương Đình Huệ, một người học trò “ruột” của Mat lại hành động một cách cẩu thả như vậy chứ? Ân hận thì cũng chẳng làm được gì, thôi thì cứ theo lời dạy của Mat, tuỳ tình hình mà xử lý vậy, chứ biết làm sao?
Hai người đi vào một căn phòng, đây là phòng riêng của Bạc Đầu Râu, chưa ai được phép vào đây cả, kể cả Mat, người cộng sự thân tín của Bạc Đầu Râu. Hoá ra không có gì là ghê gớm trong căn phòng của thầy hiệu trưởng. Cũng một cái giường, chăn gối xếp gọn gàng, cũng một cái bàn có hai chiếc ghế, trên bàn là một cái hồ lô màu nâu, không biết trong ấy chứa thứ gì?
Bạc Đầu Râu hắng giọng:
- Con ngồi xuống đi.
Hình như thầy hiệu trưởng đã nguôi giận, thầy vốn nóng tính nhưng mau nguội. Biết vậy nên Vương Đình Huệ cũng tự tin hơn, anh nói:
- Thưa thầy, con xin lỗi thầy, con biết hành động vừa rồi là vô lễ, tuy con không cố ý làm việc đó. Con không biết thầy có việc lại xuất hiện đúng lúc con nghĩ quá lung, không làm chủ được bản thân và con lỡ đá một khúc cây nằm ở trên đường. Thưa thầy, con biết rằng khi ta chưa tìm cách giải quyết một vấn đề nào mà vội vàng có một hành động nôn nóng là cách xử trí của một người bồng bột….
Bạc Đầu Râu cắt ngang:
- Thôi con đừng dài dòng nữa, con vào chính đề đi.
Được khích lệ bởi một cái nhìn thông cảm của thầy hiệu trưởng, Vương Đình Huệ tự tin kể tuốt tuột những khúc mắc trong lòng anh mấy lâu nay khi biết hoàn cảnh của cô Nghỉ. Nghe xong, Bạc Đầu Râu im lặng, ông ra vẻ suy nghĩ lung lắm. Một lúc sau ông hắng giọng rồi nói:
- Con làm ta khó xử quá, ta biết con mắc sai lầm vì chuyện của con Nghỉ. Con biết rồi đó, chuyện riêng của con Nghỉ con không được phép xía vô, vậy mà con lại rình ngoài cửa khi ta nói cho con Nghỉ biết chuyện của nó. Nhưng con không có gì là vụ lợi trong câu chuyện này, thôi thì, để giữ nghiêm luật lệ trong học viện, với lỗi lầm đó, con vẫn bị phạt như thường. Nhưng trước khi định ra hình phạt và thi hành, con được phép đi khỏi học viện 5 ngày để lấy chỗ trầm kỳ mà trị chứng lùn của con Nghỉ. Chừng nào con Nghỉ trở lại người thường, nghĩa là trở lại thành một cô gái như bao cô gái khác, con thi hành án phạt cũng không muộn. Sao, ta xử lý như thế con có phục không?
Không kiềm được vui mừng, Vương Đình Huệ hớn hở hét to:
- Ôi, con cảm ơn thầy Bạc, con cảm ơn thầy nhiều lắm!
Bạc Đầu Râu độ lượng nhìn cậu học trò nhỏ:
- Bây giờ con kể cho ta biết hai chuyện, một là hôm ấy vì sao khi ta rời nhà con Nghỉ, ta không thấy được con? Thứ hai là phương thuốc dùng kỳ nam làm dẫn dược để công phá tác dụng của lá “quà tặng của thần Rừng” thực hư như thế nào?
Vương Đình Huệ kể tất cả những điều anh biết về ẩn thân thuật và phương thuốc mà Mat đã dạy anh trong việc chống lại hiệu ứng lùn, một bí thuật mà Mat học trong sách tổ truyền.
Nghe xong Bạc Đầu Râu vừa đi quanh căn phòng vừa nói:
- Thì ra là vậy…thì ra là vậy!
Im lặng một lúc lâu Bạc Đầu Râu nói tiếp:
- Con là một người thành thật, ta khen con đó, tại sao con lại kể cho ta nghe chuyện bí mật của Mat một khi mà con có thể nói trại đi?
Vương Đình Huệ ấp úng:
- Thưa Bạc, con…con không có phản bội Mat đâu. Mat cũng không dặn con phải giữ kín chuyện thầy ấy có một ít phương dược tổ truyền và không được nói cho người khác biết. Con nghĩ rằng con phải cho Bạc biết mọi chuyện vì thầy là thầy hiệu trưởng, vì thầy có biết hết mọi chuyện thầy mới cho con đi tìm thuốc cứu cô Nghỉ, con thương cô Nghỉ lắm, Bạc ơi!
Nghe câu nói của cậu học trò nhỏ hình như Bạc Đầu Râu thấy cảm động, mũi ông thấy cay cay, ông quay đi cố giấu giọt nước mắt sắp ứa ra. Ông nói:
- Con tốt lắm, con tốt lắm…. Để thưởng cho sự thành thật của con, ta có một đặc ân dành cho con, con vào đây.
Nói xong Bạc Đầu Râu đi tới bức tường phía đầu giường, ông sờ soạng và ấn ấn, đẩy đẩy. Một khung cửa lộ ra, bên trong có một cầu thang dẫn xuống bên dưới. Vương Đình Huệ hồi hộp nhủ thầm “trời ơi, một cái phòng trong lòng đất!”. Bạc Đầu Râu dẫn Vương Đình Huệ bước xuống chiếc cầu thang bằng gỗ, cả hai đi vào một hành lang hơi chật, Vương Đình Huệ cảm nhận được điều ấy khi phải vịn vào bức tường để đi. Ban đầu là một màu đen đặc, cả hai mò mẫm đi. Hình như càng đi con đường hầm càng xuống chỗ thấp. Một lúc sau ở cuối đường hình như có ánh sáng. Đúng rồi, một thứ ánh sáng yếu ớt phát ra từ phía xa nhưng dù sao nó cũng giúp hai thầy trò đi dễ dàng hơn. Con đường kết thúc ở một cầu thang…đi lên mặt đất!
Bạc Đầu Râu nói:
- Đã tới nơi rồi.
Hai thầy trò leo lên cầu thang và vào một căn phòng rộng lớn. Sát vách có những giá để những thứ mà Vương Đình Huệ chưa thấy bao giờ và anh cũng không biết tên là gì. Bốn bức tường của căn phòng này bằng đá, ánh sáng rọi vào căn phòng bằng những lỗ với hình dạng khác nhau có khá nhiều ở khắp các bức tường. Ngoài ra Vương đình Huệ không thấy một cánh cửa nào, hèn nào muốn vào được đây chỉ có cách đi bằng con đường  ngầm trong lòng đất dẫn họ vào đây. Bạc Đầu Râu không đợi Huệ hỏi, ông giải thích:
- Đây là phòng đọc sách của ta, các thứ con thấy trên những chiếc giá là sách, mỗi lần ta rảnh rỗi ta đều vào đây đọc sách, kể cả ban đêm.
Ông cho tay vào bọc và lấy ra một hòn đá lửa rồi đánh lên. Lửa được châm vào một cái đèn làm bằng một cái đĩa có một sợi bấc thòi ra ngoài, Bạc Đầu Râu nói:
- Đây là đĩa đèn dầu, chắc con chưa thấy lần nào phải không? Ta cho con vào chỗ này là để đầu óc con được khai hoá, con sẽ biết rất nhiều điều mà từ trước giờ con chưa biết. Phòng này ta gọi là thư viện, nói nôm na là nơi ta chứa sách, trong ấy chứa đựng nhiều kiến thức để lại từ xa xưa. Trên thì nói về tinh tú trên trời, dưới đất  thì nói về nhân sự, vạn vật, phong thuỷ,  địa lý. Nói chung, ở đây có tất cả những kiến thức của nhân loại, nhưng muốn đọc được những điều trong các cuốn sách, con phải học chữ đã.
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Vương Đình Huệ hỏi Bạc Đầu Râu:
- Chữ là gì hả thầy?
Bạc Đầu Râu nhìn người học trò nhỏ bằng một cặp mắt thương yêu:
- Chữ là những ký tự mà người ta nghĩ ra, ta chỉ cần ghép những ký tự lại với nhau là thành một câu, mang một ý nghĩa nhất định, rồi con sẽ thấy sự huyền diệu của những ký tự mà thầy sẽ dạy cho con, từ đó con sẽ biết nhiều điều trên thế giới này!
Không thể tưởng tượng được, Vương Đình Huệ u u minh minh cầm trên tay những thứ mà thầy Bạc gọi là sách. Hoá ra sách gồm những chiếc lá vuông vắn tạo thành, bên trong có những thứ gì ngoằn ngoèo chạy qua chạy lại. Vương Đình Huệ tò mò ngắm những thứ loằn ngoằn ấy, thấy vậy Bạc cười:
- Đây này, con thấy những thứ loằn ngoằn này không, đó là những ký tự ghép lại với nhau thành một chữ. Nào con nghe đây, con tên là Huệ phải không, vậy Huệ do ba ký tự ghép với nhau mà thành, bất cứ tiếng nào mà con người nghĩ ra đều có thể ghi vào những tờ giấy này cả.
Vương Đình Huệ than:
- Ôi, Bạc, con cứ tưởng đây là những chiếc lá chứ?
Bạc Đầu Râu cười dài:
- Sao con giống ta vậy chứ, hồi mới đi học ta cũng nghĩ những tờ giấy này là những chiếc lá vậy. Thôi không nói nhiều nữa, sau này khắc con sẽ biết, ta bắt đầu buổi học đầu tiên.
Ông Bạc lấy một cái que, ông vẽ một chữ lên nền đất và bảo Vương Đình Huệ:
- Con đọc theo ta, đọc đi, a!
Vương Đình Huệ đọc liền:
- Đọc đi a!
Bạc Đầu Râu cười ngất:
- Không phải, chỉ là “a” thôi!
Vương Đình Huệ sửa liền:
- A!
- Đúng rồi, tiếp theo là bê!
- Bê.
- Xê!
- Xê.
Cứ như vậy hai thầy trò vừa vẽ vừa xoá, vừa đọc một cách hăng say. Một lúc sau, Bạc nói:
- Buổi học đến đây là chấm dứt, ta quyết định thế này, con đến đây học riêng với ta khoảng độ mười ngày, hàng ngày con đến vào buổi sáng, ta học đến trưa thì nghỉ. Buổi chiều con vẫn lên lớp như thường. Con nên nhớ không được cho ai biết đến chuyện này và những gì ta dạy cho con nghe chưa?
Bạc Đầu Râu trầm giọng:
- Sau đó con sắp xếp để đi lấy kỳ nam, con đang thắc mắc vì sao con không được đi liền rồi trở về học tiếp chứ gì?
Bạc Đầu Râu nhìn đứa học trò và hỏi như vậy, quả nhiên Vương Đình Huệ gật đầu:
- Vì con sẽ quên ngay những ký tự mà lần đầu tiên con tiếp xúc, ta muốn con thuộc nằm lòng chúng trước khi lên đường. Trong khoảng thời gian con đi tìm trầm kỳ, con phải tự ôn những gì học được, bây giờ con hiểu rồi chứ?
Bạc Đầu Râu nhìn Vương Đình Huệ nói tiếp:
-Khi có kỳ nam con cứ đưa cho ta một ít, ta sẽ chế giải dược giúp con Nghỉ trở lại người thường! 
CHƯƠNG 18
LÊN ĐƯỜNG
- Lên đường!
- Lên đường!

Vương Đình Huệ vui vẻ ra lệnh. Trương Đại Quá mỉm cười nói “tuân lệnh, thưa Gru!”. K’Quang và K’Sa nhìn Trương Đại Quá, dường như họ ngạc nhiên không hiểu vì sao Trương Đại Quá vui như vậy. Vương Đình Huệ nghiêm mặt ra vẻ không vừa lòng, còn ông K’Rè không nói năng gì cả, ông im lặng đi, tay ông thỉnh thoảng đập vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Đó là thói quen của ông, không một con côn trùng nào có thể bám vào người ông được. Mỗi khi đi rừng, ông K’Rè đều lấy một ít muối bọc vào một miếng vải, đó là “đồ nghề” đập vắt của ông. Mùa mưa vắt rừng là nỗi kinh hoàng của những người đi rừng. Chúng đánh hơi nhanh lắm, bằng một cái búng mình, con vắt đã bám vào động vật máu nóng không kể thú hay người. Chúng tìm một mạch máu và hút cho bằng no mới thôi, lúc đầu con vắt chỉ bằng đầu tăm, khi no máu nó có thể to bằng đầu đũa! Nhưng với ông K’Rè, một con người sinh ra từ rừng núi, bất kỳ con vắt bám chỗ nào ông đều biết cả. Với một cái đập tay bằng túm muối con vắt rơi ngay xuống đất!  
Nhưng đó là chuyện ngày xưa! Ngày no muối, còn bây giờ ông K’Rè không có một túm muối nào cả, ông cũng không có thói quen xin xỏ, có thì dùng không có thì thôi. Vả chăng mùa này vắt chỉ có ở những nơi ẩm ướt nên không đáng ngại lắm. Nhưng với thói quen ông K’Rè thỉnh thoảng vẫn đập tay vào một bộ phận nào đó của cơ thể như thường. Vương Đình Huệ không biết điều này, anh hăng hái đi trước mở đường. Ông K’Rè cũng không có ý kiến, đúng ra khi còn là già làng bon Cây Ngo đỏ, bao giờ đi rừng ông cũng là người đi trước. Vậy mà giờ này ông lại là kẻ đi sau, thôi thì đành vậy, mình là người phục vụ mà! Ông già chua chát nghĩ.
Con ngựa có màu lông đỏ cất tiếng hí vang. Đó là một con ngựa đực độ hai tuổi đang sung sức. Ông K’Rè âu yếm nhìn con ngựa, ông quý ngựa lắm, người K’Ho nào mà chẳng thế. Con ngựa và con trâu là những con gia súc thân cận với con người mà. Con ngựa chở trên người nó nước suối Đen dành cho Trương Đại Quá và ông K’Rè, ngoài ra lương thực dành cho cả đoàn trong năm ngày cũng được nó mang nốt. Vậy mà nó đi cứ hơn hớn, lại còn hí vang cả núi rừng nữa chứ, hình như con ngựa muốn thông báo đến các con thú khác sự hiện diện của nó bằng cái đầu vươn cao và một tràng hí dài kiêu hãnh.
Trương Đại Quá đi sau Vương Đình Huệ, tuy anh to gấp bốn lần Huệ nhưng không vì thế mà Huệ đi thua anh. Vương Đình Huệ có thân thủ rất là nhanh nhẹn. Với tầm vóc nhỏ thó, Huệ nhanh nhẹn né tránh tất cả chướng ngại vật trên đường. Đặc biệt Vương Đình Huệ không để lại bất cứ một dấu vết nào, đó là điều bắt buộc đối với học viên Langbiang! Không thể nào để lại bất cứ dấu vết nào là yêu cầu tối thiểu của Mat, đứa học trò nào trong khi đi đường để lại một cọng cỏ vô ý bị dày xéo cũng đều bị Mat phê phán gay gắt và bắt làm lại cho kỳ được mới thôi. Chính nhờ sự nghiêm khắc của Mat nên Vương Đình Huệ mơi có ngày nay, anh biết rõ điều đó và thầm cảm ơn ông thầy khả kính.
Quan sát cách đi của Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá phát hiện một điều: đó là những cái lách mình mềm mại và uyển chuyển. Thân thủ này quả là hợp với tính cách của môn Ngọc Trản thần công. Trương Đại Quá kinh ngạc nhận ra điều đó, anh chú ý đến thân pháp của Vương Đình Huệ, quả nhiên rất giống với thân pháp của anh. Nhưng nhìn kỹ Trương Đại Quá phát hiện những khác biệt căn bản trong vận khí. “Thằng nhỏ này không biết cách vận khí”, Trương Đại Quá thở phào nghĩ, chắc là nó thấy trong tự nhiên những động tác của cây, của thú, của chim nên vận dụng vào bộ đi của mình chứ không có liên quan gì đến môn phái cả! Dù sao Vương Đình Huệ cũng là người thông minh, Trương Đại Quá nghĩ thầm như vậy.
Sống cùng Vương Đình Huệ một thời gian, Trương Đại Quá cũng quen dần với làn lãnh khí phát ra từ Huệ. Anh chịu không thể giải thích làn lãnh khí đó xuất phát từ đâu nhưng thấy nó cũng không hại gì đến mình nên Trương Đại Quá cũng thôi tìm hiểu.
Cứ lan man như vậy cả đoàn người đi một đoạn xa. Học viện Langbiang đã khuất sau dẫy núi xanh thẳm. Mặt trời lên cao không khí không nóng lắm, trời đang độ giữa thu. Trên những đồi cao những cây quỳ đã nở hoa vàng óng. Màu vàng của hoa quỳ không lẫn vào đâu được, màu vàng nổi bật trong không gian xanh ngắt của cao nguyên! Vương Đình Huệ lại không chú ý đến cảnh vật nên thơ trên đường đi, tâm trí anh tập trung vào những chữ mới học của thầy Bạc Đầu Râu. Thầy Bạc dặn rằng:
- Trên đường đi, con phải tự ôn những điều đã học, con phải nhớ rằng “văn ôn võ luyện” nghe chưa?
Vậy thì Vương Đình Huệ phải ôn thôi, có như vậy mới tiến bộ như sự mong mỏi của Bạc Đầu Râu. Anh đọc to:
- O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu!
Đi sau Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá nghe thằng lùn đọc câu vè như vậy, anh hỏi:
- Ô, em cũng biết chữ a?
Đang đi Vương Đình Huệ dừng lại, anh ngạc nhiên nhìn Trương Đại Quá:
- Anh cũng biết chữ a?
Cả hai nghĩ như nhau, cùng ngạc nhiên như nhau rồi bỗng nhiên cả hai nhìn nhau cười. Trương Đại Quá nói:
- Lúc trước ở quê, anh được học chữ nho và một ít chữ quốc ngữ, còn em ai dạy em học chữ quốc ngữ thế?
Vương Đình Huệ im lặng, anh đang nghĩ đến lời dặn của Bạc Đầu Râu, không được tiết lộ việc học chữ với bất cứ ai, Huệ im lặng không trả lời Trương Đại Quá. Quá cũng không hỏi nữa, anh lảng sang chuyện khác:
- Học chữ có cái lợi vô cùng, những kiến thức của loài người đều ghi lại trong sách vở. Huệ ạ, anh có một cuốn sách hay lắm, trước đây nó là của một ông già ngoài quê tặng anh nhưng tiếc quá, bây giờ anh không thể nào vận dụng những điều trong sách vào thực tế được!
Vương Đình Huệ tò mò, anh hỏi dồn:
- Đó là cuốn sách gì, trong đó nói điều gì hả anh Quá?
Trương Đại Quá cười bí hiểm:
- Tên cuốn sách là Mai hoa dịch số của Thiệu Khang Tiết, đó là một cuốn sách dùng để dự báo, nói nôm na là dùng để bói, tức là tìm câu trả lời cho những sự việc mà mình cần biết.
Nghe Trương Đại Quá trả lời như vậy, Vương Đình Huệ không hiểu gì cả, anh như lạc bước vào một khu rừng bí hiểm, những từ ngữ như “dự báo”, “bói” là những tiếng lần đầu tiên Vương Đình Huệ nghe, Huệ hỏi:
- Đó là cái thứ gì hả anh Quá, trước giờ tôi chưa nghe bao giờ cả?
Trương Đại Quá cười:
- Cuốn sách đó không phải là “cái thứ gì” như em nghĩ đâu, đó là một môn học rất có ích trong cuộc sống mà người xưa đã phát minh ra!
Lại những điều khó hiểu, chưa bao giờ nghe thấy cả, Vương Đình Huệ nghĩ thầm trong đầu như vậy. Trương Đại Quá giảng giải những điều cơ bản cho Vương Đình Huệ nghe, bắt đầu từ âm, dương, ngũ hành, sinh khắc, chế, hoá đến vượng, tướng, hưu, tù, tử…. Vương Đình Huệ chăm chú nghe, không riêng gì anh, cả ông K’Rè cũng lắng nghe những lời của Trương Đại Quá. Trong thâm tâm họ phục anh chàng này vô cùng, bề ngoài trông có vẻ củ mỉ cù mì, nhưng trong bụng là một rừng kiến thức, những thứ trong đời họ chưa nghe qua bao giờ.
Một lúc sau Trương Đại Quá kết luận:
- Chuyện này còn nhiều thứ để nói lắm, chúng ta phải chiêm nghiệm trong cuộc sống mới có thể thấy hết cái tài giỏi của người xưa, ta tiếc rằng hiện nay chỉ còn áp dụng phần hậu thiên của Mai hoa dịch số khi có sự việc xảy ra, chứ không thể dùng phần tiên thiên của cuốn kỳ thư này được!
Ông K’Rè lúc này mới hỏi:
- Vì sau hả cháu?
Trương Đại Quá đáp:
- Vì cháu không có cuốn lịch vạn niên để tra ngày giờ, mà phần tiên thiên của Mai hoa thì gắn chặt với ngày giờ. Thôi chuyện này chúng ta sẽ nói tiếp sau bác ạ!
Đoàn người ngựa đi vào một thung lũng rộng lớn, phía dưới là một con suối ngoằn ngoèo chảy qua những bụi lau sậy mọc xanh tốt. Trương Đại Quá nói:
- Ta nghỉ ngơi thôi, bác K’Rè, bác nấu cơm cháu câu vài con cá làm thức ăn đây.
Vương Đình Huệ đi theo Trương Đại Quá ra bờ suối, anh tò mò muốn thấy cách câu cá ra sao mà cô Nghỉ cứ khen mãi Trương Đại Quá. Từ trước đến nay Vương Đình Huệ chưa câu cá bao giờ, muốn bắt cá Vương chỉ việc nhảy ùm xuống nước, anh có tài bắt cá trong nước và nín hơi cũng khá lâu. Nhưng đây là cách bắt cá mới, Vương Đình Huệ cần phải biết. Anh nhìn chăm chú cách Trương Đại Quá tìm mồi câu, cách móc mồi vào lưỡi câu và cả cách giật cá khi cá cắn câu. Cách này cũng hay, Vương Đình Huệ nghĩ thầm trong bụng, mình khỏi phải lặn xuống nước, cứ nhàn nhã buông câu và chờ cá cắn mồi. Trương Đại Quá quả là tay sát cá, chỉ một lúc mà anh đã câu được sáu con cá khá lớn đủ cho ba người ăn. Khi cuốn dây câu lại, Trương Đại Quá nói với Vương Đình Huệ:
- Mình cần chừng nào thì bắt từng ấy, không nên tham lam, tham quá cá không kịp sinh sôi nẩy nở thì lần sau làm sao có cá mà ăn?
Vương Đình Huệ góp lời:
- Ủa, tôi tưởng chỉ mình học viện dạy điều này, cả anh cũng biết sao?
Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ:
- Ta từng sống ngoài thiên nhiên ta biết rõ điều này trong thực tế nhưng lúc nhỏ thầy ta thường dạy những điều hành xử trong đời, ta cũng biết đôi chút, em à!
Buổi chiều người ngựa bắt gặp một dòng sông, Trương Đại Quá mừng rỡ nói:
- Đúng là sông K’Rông Nô rồi, ta đã đi đúng hướng phải không bác?
Ông già người Lạch cười xác nhận, ông nói:
- Ta cứ đi theo con sông này sẽ dẫn đến một cây thông có nhánh to bằng thân cây chỉ về hướng đông, đó là nơi ta đến.
Vương Đình Huệ cũng vui ra mặt, anh biết rằng sắp tới chỗ có thứ dược liệu cần tìm, cô Nghỉ sẽ mau trở lại người thường. Còn Trương Đại Quá thì trầm ngâm, anh nói với ông K’Rè:
- Bác ơi, bác nhớ không: khi Trương Thái tách đòn hình như tại chỗ này thì phải, vì sao mà Thái lại mất tích một cách bí hiểm, lâu nay cháu cứ loay hoay đi tìm câu trả lời mà không thể nào tìm ra được?
Ông K’Rè im lặng, tính ông vốn thế, ông không bao giờ để lộ ý nghĩ của mình ra bên ngoài. Ông cũng suy nghĩ về trường hợp của Trương Thái và mừng thầm trong bụng, vì theo ông nếu Thái mà không tách đoàn để đi câu thì giờ này cũng lệ thuộc vào thứ nước Đen rồi. Nhớ đến nước Đen, ông thấy khát, ông uống thứ nước ngon ngọt đó và mời Trương Đại Quá cùng uống. Riêng Vương Đình Huệ, anh không uống nước suối Đen, anh dùng ngay nước sông K’Rông Nô đang cuồn cuộn chảy.
Vương Đình Huệ nói:
- Đêm nay ta hạ trại ở đây!
Nói xong anh mang những đồ vật trên mình con ngựa xuống và tháo dây cương để con ngựa muốn đi đâu thì đi. Thấy vậy Trương Đại Quá hỏi:
- Em không sợ con ngựa đi mất sao?
- Ô không đâu, đây là một con ngựa tôi nuôi từ nhỏ, tôi rất hiểu nó. Đêm nay nó sẽ trở về chỗ chúng ta sau khi ăn uống no nê!
Nhìn con ngựa chạy vừa khuất tầm mắt, Trương Đại Quá ra vẻ ái ngại. Anh nhanh chóng đi chặt một số cây rừng để hạ trại qua đêm. Địa thế mà đoàn người dừng chân cách bờ sông khoảng một tầm tên, đó là một trảng cỏ trống có vài cây cổ thụ xen kẻ là những gộp đá lớn màu xám nhạt. Trương Đại Quá chọn khoảng trống giữa hai tảng đá lớn làm mái trại, chung quanh dựng những cành cây sát nhau trông cũng kín đáo. Trước cửa trại, Trương Đại Quá đào một cái bếp cạn có hai lỗ thông hơi. Làm như vậy than củi rừng sẽ được giữ bên dưới tiện cho việc giữ lửa trong đêm. Đó là kinh nghiệm của Trương Đại Quá trong mấy năm qua, trong đêm tối lửa là một thứ tối quan trọng, nó cho ta hơi ấm và quan trọng nhất là thú dữ rất sợ lửa.
Ông K’Rè đặt một nồi cơm sau khi đi đâu đó dọc theo dòng sông. Cơm chín, ông dần cạnh bếp và nướng ba con cá lăng buổi trưa còn lại. Mùi thơm của cá nướng quyện trong khói chiều tạo nên một quang cảnh thanh bình. Ông K’Rè lấy một ống giang to, không hiểu bằng cách nào mà ông có ống giang này, Trương Đại Quá hỏi:
- Bác ơi, ống giang ở đâu hả bác?
- Dưới kia có một khóm giang rừng, ta vừa chặt lúc nãy. Quay sang Vương Đình Huệ, ông tiếp:
- Cháu cho ta một ít muối để ta nấu món canh rau dớn.
Quả thật lúc nãy ông K’Rè đi hái rau rừng và chặt ống giang để nấu canh cho ba người ăn, ông bỏ vào nồi canh một ít thịt ráy ra từ con cá lăng nướng vừa xong.
Bữa ăn trong rừng ngon quá, ba người ăn xong thì mặt trăng từ hướng đông cũng vừa ló dạng. Ông K’Rè trầm ngâm với tẩu thuốc trên môi, lúc này Vương Đình Huệ mới nói:
- Anh Trương Đại Quá, tôi muốn nhờ anh một việc được không?
Ngạc nhiên Trương Đại Quá trả lời:
- Em nói đi nếu ta làm được ta sẽ không từ chối em làm gì!
- Em chỉ nhờ anh dạy cho biết ráp vần thôi, được không anh?
Đây là lần đầu tiên Vương Đình Huệ gọi Trương Đại Quá bằng anh và xưng “em”, chắc trong lòng Vương Đình Huệ bắt đầu nhìn Trương Đại Quá bằng một cặp mắt khác?
Trương Đại Quá trả lời:
- Tưởng chuyện gì chứ chuyện học ta sẳn lòng. Nào em nhìn lên trời kìa, mặt trăng đêm nay sáng lắm, ta bắt đầu từ từ trăng nhé. Em đọc theo ta: ă ngờ ăng, trờ ăn trăng!
Vương Đình Huệ đọc theo, lớp học kỳ dị giữa rừng sâu có lẽ là một lớp học từ khai thiên lập địa đến nay chưa từng có! 
CHƯƠNG 19
MỘT MÌNH GIỮA RỪNG MA
Tư Đực cố nhớ cách làm áo của người Mạ mà Mat từng dạy lớp Nhập môn. Đầu tiên là phải tìm được cây Ie, một loại cây thân cổ thụ và rọc lớp vỏ cây khoảng vừa với thân người. Sau đó cẩn thận bóc lớp vỏ bên ngoài và giữ lại lớp vỏ lụa bên trong, khoét hai tay là có ngay thân áo. Muốn chiếc áo khỏi tuột phải làm một cái cổ và nối với thân áo là xong. Nói thì dễ dàng như vậy nhưng tìm được thứ vật liệu cần dùng cực kỳ khó. Trong buổi sáng ngày thứ ba ở một mình trong rừng, Tư Đực lùng nát cả một khoảnh rừng rộng lớn nhưng không tìm thấy loại cây cần tìm. Buổi trưa Tư ngồi dưới một gốc cây cổ thụ, nhìn lên bên trên, trong tán lá rậm rạp có tiếng chim. Mắt sáng lên Tư nhanh nhẹn leo lên cây, cách leo của Tư rất đặc biệt, nó dùng cả tay và chân bám vào những điểm nhô ra của thân cây và những cành cây một cách điệu nghệ. Nói chung Tư tận dụng mọi thứ có trong cây cổ thụ để làm sao leo lên cây một cách nhanh nhất.
Tư Đực hả hê tuột xuống gốc với một tổ chim chiến lợi phẩm, trong ấy chừng một chục trứng chim màu hồng hồng mà Tư gom lại từ nhiều tổ trên cây. Cành lá rậm rạp là nơi cư ngụ lý tưởng của nhiều loại chim, chim to chim nhỏ, từ cu đất đến cà cưỡng, cò và cả những con chim gi màu xám xịt. Tư nhớ đến bài học của Mat. Mat nói rằng, con người là chúa tể của muôn vật nhưng không vì thế mà con người có quyền tàn sát các loài khác. Các loại chim, thú có trong thiên nhiên đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, không trừ một loài nào cả, kể cả con người. Vì vậy khi cần thiết ta có thể bắt chim thú để làm thực phẩm nhưng không được lạm sát, ta chỉ cần lấy đủ với nhu cầu của mình mà thôi. Đặc biệt những con vật đang có thai, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được giết chúng, chúng còn phải sinh sản để duy trì nòi giống. Nhớ lời thầy Tư cẩn thận chọn những tổ chim mới đẻ, chim chưa kịp ấp, đó chính là những tổ chim chỉ mới có một quả trứng mà thôi.
Tư đi ra bờ suối móc một ít đất bùn và cho số trứng vào bên trong. Tư gom một ít vỏ cây khô để làm đồ nhóm lửa. Nó thử cách làm ra lửa kiểu mới mà Mat dạy lớp Nhập môn nhưng nó chưa có dịp áp dụng trong thực tế. Tư chọn một cành khô, dùng xà gạc khoét một cái lỗ to cỡ ngón tay cái. Một khúc cây khô khác cỡ hai gang tay được Tư đẽo một đầu cho vừa cái lỗ, đầu kia khúc cây được quấn một vòng bởi một đoạn dây rừng rồi cột hai đầu dây vào một cành cây cong. Vậy là Tư có ngay một cái cưa, Tư cho đầu khúc cây vào lỗ, bên dưới là vỏ cây khô được Tư xé nhỏ làm mồi dẫn lửa, Tư kéo qua kéo lại cái cưa đặc biệt này. Một lúc sau một làn khói mỏng manh bốc ra từ cái lỗ, Tư càng nhanh tay, một cục than nhỏ xíu xuất hiện, Tư nhanh chóng phủ lớp vỏ cây và thổi một làn hơi nhẹ. Nó hài lòng với thành quả của mình: một đống lửa giữa trưa rừng sẽ cho nó một bữa ăn chín.  
Tư khoan khoái thưởng thức món trứng chim lùi trong bùn, chỉ một nhoáng sau Tư dùng xong bữa trưa, từng ấy trứng chim là một bữa ăn thịnh soạn giữa rừng sâu. Tư không có thói quen ngủ trưa nên nó tiếp tục lùng loại cây Ie như Mat nói. Nhìn dáng đi uyển chuyển của Tư, người ta nghĩ ngay đến những thợ săn. Quả thật Tư Đực đang đi săn mồi, sau bữa trưa, nó sực nhớ đến con cọp trắng nằm dưỡng thương dưới gốc cây cổ thụ chưa có cái ăn. Tư biết rằng đi săn trong buổi trưa rất khó bắt được mồi nhưng Tư nghĩ con bạn hổ của nó đang đói nên Tư đang cố gắng tìm chút gì có thể dùng làm thực phẩm cho bạch hổ. Nếu là con người, không có thịt ta có thể ăn cây cỏ hoặc trái hoang mọc vô số trong rừng nhưng bạch hổ không phải là người, nó là thú ăn thịt nên chỉ có thịt là thực phẩm duy nhất dành cho nó mà thôi.
Men theo bờ suối Tư Đực vừa đi vừa quan sát cảnh vật chung quanh. Đây là một khu rừng khá bằng phẳng, cây cối mọc không dầy lắm, tuy vẫn thuộc địa phận của rừng ma nhưng hình như khu rừng này ít vẻ huyền bí thì phải. Do ánh mặt trời chiếu rọi một cách dễ dàng qua những lớp lá thưa nên cái không khí âm u vốn có của rừng ma ít nhiều cũng phai lạt đi! Đang đi Tư bỗng ngồi xuống mắt nó sáng lên khi phát hiện một dãy dấu chân móng guốc trước mặt. Tư reo thầm trong bụng “nai!”. Phải rồi, trước mặt Tư Đực là một dãy dấu chân nai. Móng con vật để lại dấu vết khá sâu, chắc là con vật phải phóng bạt mạng mới tạo nên những dấu chân sâu đến thế. Tư hít một hơi dài. Đây là cách dùng khứu giác để tìm dấu vết trong rừng mà Mat dạy cho bọn học trò lớp Nhập môn tuần trăng trước. Trong không khí khô ráo, một mùi vị hơi hăng hăng và tanh tao thốc vào mũi Tư. Nó reo lên “mùi nai, nó vừa chạy qua đây!”. Không chần chừ Tư Đực tăng tốc độ rượt theo dấu chân nai. Vừa chạy Tư vừa nghĩ không hiểu con vật vì sao chạy trối chết như vậy chứ. Phải có một cái gì khiến con vật chạy hoảng loạn. Tư dừng bước, nó quan sát kỹ những dấu hiệu chung quanh những dấu chân nai. Nó à lên một tiếng khi nhìn thấy những đốm máu vương vãi quanh những ngọn cỏ bị dập nát. Lúc nãy Tư không chú ý vì chỉ tập trung vào những dấu chân. Nay thì đã rõ: con nai này bị thương không nặng lắm, vì nếu bị thương nặng con vật không còn sức chạy và vết thương cũng không nhẹ lắm vì nếu nhẹ máu sẽ không ra nhiều như vậy. 
Tư Đực men theo dấu chân nai, dấu vết con nai xuyên qua một ngọn đồi cỏ thưa và mất hút vào một bụi rậm. Tư vạch cỏ và cẩn thận chui vào bụi rậm mọc chung quanh một gốc cây to, trước mặt nó xác con nai màu đen đang nằm chết dưới gốc cây.  Vì sao con vật chết, Tư đi quanh con vật và quan sát. Một mũi tên chỉ còn ló cái chui trước ngực con nai. “Nó chết vì mũi tên này”. Nhưng sao nó vẫn chạy một thôi dài mới chịu gục ngã chứ? Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu Tư Đực lúc Tư dùng chiếc xà gạc mổ thịt con nai. Có lẽ mũi tên chỉ làm con vật bị thương vì máu không ra nhiều lắm nhưng do con vật chạy trối chết nên va vào gốc cây cổ thụ, chính cú va đó giúp mũi tên đâm mạnh vào đúng quả tim, con nai chết tức khắc! Có lẽ đó là kịch bản gần đúng của một cuộc sinh tử trong tự nhiên! Tư Đực rút mũi tên ra khỏi ngực con nai. Nó reo lên “tên của người Lạch”. Quả vậy, dấu hiệu mũi tên đang hiển hiện trước mắt Tư Đực. Con nai này bị bắn bên ngoài khu rừng ma, nó chạy vào rừng ma và chết tại đây. Người bắn con nai không dám vào rừng vì cái danh tiếng “ăn người” khiến không một người K’Ho nào dám vào một nơi mà Gru đã cấm dân làng bén mảng, kể cả chỉ phạm vào một nhánh cây ven rừng cũng không! 
Thỏa mãn với cách giải thích của mình, Tư Đực mổ con nai một cách nhanh chóng. Mat đã cho từng học viên thực hành những kỹ năng xẻ thịt bằng cách cử từng học viên giúp cô Nghỉ mổ heo dùng làm thực phẩm cho trường nên việc làm này Tư không mất bao nhiêu thời gian. Đây là số thực phẩm trời cho, Tư có thể ăn cả tháng trời mới hết. Vậy là vấn đề cái ăn không lo gì nữa, việc đáng lo là làm sao chế biến đống thịt to kia? Tư nhìn bộ da và mắt nó sáng lên. Khỏi cần phải tìm cây Ie chi cho mệt, nó đã có bộ da nai có thể làm quần áo mặc qua cả năm mà chưa hề hấn gì cả. Vấn đề là phải ở đây để chế biến thịt, thuộc da trong vài ngày tới. Nhưng còn bạch hổ thì sao, nó đang bị gãy chân, không thể cùng Tư đến chỗ này. Tư tạm gác việc chế biến lại, nó cần phải đem thịt về cho con thú ăn cái đã. Nhưng trong thời gian Tư đi vắng nhỡ có con vật ăn thịt nào vào sơi mất thì sao? Tư  nghĩ như vậy và một tia sáng loé lên trong đầu. Con vật nào cũng sợ lửa cả, Tư sẽ đốt lửa chung quang gốc cây to này trong thời gian đi vắng, lửa sẽ thay Tư canh chừng kẻ trộm nếu có, mặt khác lúc trở về nó sẽ có lửa ngay để làm món nai xông khói, một món ăn mà Mat đã tận tình hướng dẫn học trò của mình cách làm. 
Con bạch hổ vẫn ngoan ngoãn nằm im trong đống lá cây lúc Tư trở lại, nó hoan hỉ ngoặm ngay một miếng thịt to với tiếng gừ gừ trong họng. Tư nói “Mi chịu khó nằm đây, ngày mai ta tới mang tiếp thức ăn cho mi và xem vết thương cho mi nhé”. Con cọp nhìn Tư với một cặp mắt ươn ướt. Chắc là nó cảm động, Tư nghĩ, nó không nói đựơc nhưng chắc trong lòng nó biết ơn. Tư vui vẻ trở lại cánh rừng thưa để làm nốt chỗ thịt với những ý nghĩ như vậy.
Quả thật, lửa đã đánh động muôn thú không cho chúng bén mảng trong phạm vi gốc cây to, chỗ thịt vẫn còn nguyên. Tư xắt thịt ra thành từng miếng nhỏ, nó làm một dàn xông khói bằng những thân cây sậy có rất nhiều ở bờ suối cách đó không xa. Tư sắp thịt lên dàn xông và đốt lửa bên dưới đúng như cách Mat dạy học viên lớp Nhập môn. Xong việc cũng là lúc mặt trời lặn, Tư bắt đầu làm quần áo cho mình bằng bộ da nai. Đây là một viêc làm nó chưa biết phải bắt đầu bằng cách nào. Mat cũng không dạy học viên việc này, không biết Mat có biết cách làm không nữa? Nhìn bộ da còn một ít thịt dính vào, Tư nghĩ, trước hết phải làm sạch chỗ thịt này. Nó chọn một hòn đá có cạnh khá sắc và nạo lớp thịt còn bám chắc vào lớp da. Công việc kết thúc vào lúc nửa đêm, Tư mệt mỏi leo lên cây đánh một giấc sau khi cho thêm củi vào đống lửa.
Ánh mặt trời ban mai đánh thức Tư dậy. Vừa dụi mắt, nó vừa nghĩ bụng “thôi chết, hôm nay mình dậy muộn quá!”. Quả vậy với học viên học viện Langbiang, con gà rừng gáy lần thứ nhất chúng phải thức giấc để vào rừng học thuật ẩn thân, chưa bao giờ chúng bỏ qua thủ tục này từ ngày nhập học đến nay. Vậy mà Tư lại thức giấc khi mặt trời đã mọc! Bậy quá nếu còn ở trường, Mat sẽ không tha thứ cho Tư. Một mình trong rừng sâu không có Mat, không có bạn bè, Tư sẽ không bị ai phát hiện chuyện thức dậy muộn cả. Nhưng trong thâm tâm Tư, nó thấy xấu hổ vì điều này. Tư sẽ xin chịu tội với Mat ngay khi trở lại trường và một hình phạt nữa sẽ đến với Tư. Tư nghĩ: hay là mình tự phạt mình, đằng nào cũng đã ở trong rừng ma một con trăng, Tư sẽ ở đến hai con trăng để khỏi phải chịu một hình phạt nào khác nữa. Nghĩ như vậy Tư thấy nhẹ lòng, nó bắt tay ngay vào việc chế biến bộ da nai sau khi điểm tâm một miếng thịt xông khói. Mùi khói hơi hắt nhưng không sao, thực phẩm sẽ để được lâu hơn mới là điều chính yếu. Tư tìm được một hòn đá hình tròn và bắt đầu dần bộ da nai cho mềm. Nhìn đống than đen xì tối qua, Tư nghĩ, hay là ta thử dùng than chà xát lên bộ da nai xem thế nào. Tư biết đâu rằng những điều nó làm đều đúng cả, từ ngàn xưa con người đã biết tận dụng những điều có trong thiên nhiên để cuộc sống của mình dễ chịu hơn. 
Chuyện may một bộ quần áo là một điều dễ dàng, Tư không biết may nên nó chỉ chắp nối những mảnh da nai thành một thứ mà nó gọi là quần áo bằng sợi dây leo rừng. Dầu sao khi xỏ tay vào bộ đồ do công sức cả ngày trời mới có, Tư thấy khoan khoái lắm tuy bộ áo quần này có hơi nặng một chút. Không sao cả, đến đêm mới thấy giá trị của áo quần trước những cơn gió cộng hưởng với sương đêm thành một thứ lãnh khí làm con người ta cứ co rút lại trước sức mạnh của tự nhiên.
Tư sực nhớ đến con hổ, sáng giờ nó chưa ăn gì cả, chắc cu cậu đói lắm rồi đây. Tư dùng chỗ da nai còn lại và chế thành một cái bọc rồi dồn chỗ thịt nai vào đó. Nó treo số thịt lên cây cổ thụ sau khi mang một ít cho con cọp trắng. Nó không đơn độc giữa rừng ma!
Con cọp trắng hăm hở ăn, Tư thì chú ý đến vết thương nơi chân con thú. Nó vạch đám lá rừng dùng làm vải bọc bên ngoài vết thương của con hổ và mừng rỡ reo lên:
- Hay quá, vết thương đã lành hẳn rồi nè!
Quả vậy, bài thuốc mà Tư học được từ Mat quả thật hiệu nghiệm, Tư tháo những sợ dây rừng quấn quanh chân hổ, phủi lớp đất khô còn vươn mùi lá thuốc, nó nói:
- Mi đứng dậy thử coi?
Hình như con hổ hiểu tiếng người, nó đứng lên nhìn Tư bằng một cái nhìn biết ơn, Tư nghĩ như thế:
- Mi cảm ơn ta phải không?
Con hổ nhìn Tư không chớp mắt, bỗng nhiên nó tiến lại gần Tư, Tư cười giang hai tay ra ôm con hổ. Con hổ lè lưỡi ra liếm lên mặt Tư, liếm xong nó vụt đứng dậy rồi phóng vào rừng mất dạng. Cách cảm ơn của con hổ trắng mới kỳ lạ làm sao!
Tư trở về chỗ gốc cây cỗ thụ, nơi cất lương thực dự trữ của nó. Một bầy khỉ đang ghé thăm cây, chúng đang chí chóe tranh giành nhau cái gì thì phải. Bỗng Tư thốt lên:
- Thôi chết rồi!
Nó phóng thật nhanh lên cây, bọn khỉ đang hí hửng thưởng thức món quà mà trong đời chưa bao giờ chúng có. Tư nhanh chóng dùng xà gạc chặt sợi dây cột túi thịt nai xông khói, cái túi rơi xuống gốc cây vang lên một tiếng “bịch” nhỏ, thấy vậy bọn khỉ chí chóe tiếc rẻ món quà rừng.
Cũng may chỗ thịt còn lại một ít nếu Tư dùng tằn tiện thì cũng được chục ngày. Tư giơ quả đấm về phía bầy khỉ đang chuyền đi phía xa xa, nó hét lên:
- Đồ ăn cắp!
Ăn cắp là một hành vi xấu xa nhất tại học viện Langbiang, ai mà bị mắng là “đồ ăn cắp” là một sự sĩ nhục vô cùng lớn, đã có trường hợp mất mạng vì lời xỉ vả này, Tư Đực nghe Mat kể như vậy!
Nó nghĩ tiếp. Vậy là nó không thể ở trên cây được rồi, nó phải tình cách khác thôi. Không sống trên cây thì ở dưới đất, Tư nghĩ. Tư phải làm một căn nhà sàn dưới gốc cây cỗ thụ này để làm chỗ trú ngụ trong những ngày ở rừng ma.
Hai ngày sau ngôi nhà sàn nho nhỏ được hình thành bằng những thứ vật liệu dễ kiếm quanh con suối nhỏ.
CHƯƠNG 20
ĐÊM TRƯỜNG
Cơn gió đêm đánh thức Trương Đại Quá dậy. Bếp lửa chỉ còn vài hòn than trong đám tro thỉnh thoảng lóe lên thứ ánh sáng yếu ớt khiến cho bầu không khí trở nên ảm đạm. Trương Đại Quá vứt thêm củi vào bếp, anh cúi đầu thổi một hơi bằng cách chụm môi và đẩy một làn khí tập trung từ trong bụng. Bếp lửa bùng cháy soi rõ khuôn mặt khắc khổ của Trương Đại Quá. Quả nhiên Trương đang lo. Từ ngày xa thôn Trường Định anh bước vào một chuyến đi có lẽ không biết kết thúc ở đâu. Những hình ảnh của cuộc đi xuyên rừng mấy năm qua xuất hiện trong đầu óc Trương Đại Quá. Đời người tụ rồi lại tán là quy luật của cuộc đời không trừ một ai cả. Trương Thái giờ này không biết sống chết ra sao, không biết Trương Thái đã gặp lại người thầy ở thung lũng Hoa vàng chưa? Rồi ông Ngọc Ẩn, người mà Trương Đại Quá trong tâm hằng xem là một người thầy không biết trở về quê hương có gặp lại người thân? Nhiều câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu Trương Đại Quá còn câu trả lời không thấy một chút tăm hơi! Đầu óc Trương Đại Quá quay về hiện tại, hoàn cảnh khắc nghiệt của bốn người bọn anh đang lâm phải là một bài toán hóc búa chưa tìm ra lời giải. Bây giờ anh đã là một Già làng, an toàn cho nhóm bốn người là một nghĩa vụ thiêng liêng, anh cố hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ mà cộng đồng giao phó! 
Trương Đại Quá trở mình, một làn sương lạnh theo khe hở giữa hai gộp đá len vào nơi cắm trại của đoàn người đi lấy trầm hương khiến anh rùng mình. Ba người Lạch vẫn say giấc nồng bên kia bếp lửa, ngoài cửa trại con ngựa của Vương Đình Huệ bỗng nhiên thở một hơi mạnh thành một tiếng “phì” vang lên trong đêm vắng. Dường như nó đánh hơi được điều gì hay sao mà móng nó gõ xuống đất thành mấy tiếng lịch kịch. Côn trùng cũng không rên rỉ như lúc nãy, không gian im lặng một cách đáng ngờ và đầy bí hiểm. Hốt nhiên Vương Đình Huệ xuất hiện trước cửa lều và vạch đám lá cây đi vào, hóa ra con ngựa đánh hơi được mùi của chủ. Trương Đại Quá ngồi dậy, anh ngạc nhiên nhìn thằng nhỏ lùn:
-Ủa em đi đâu về vậy, khuya rồi mà em chưa ngủ sao?
Vương Đình Huệ nhìn Trương như thầm cân nhắc có nên nói chuyện với anh không, trong đôi mắt nó Trương đọc được điều đó. Anh định nói tiếp nhưng Vương Đình Huệ đã nói trước:
-Tôi đi ra ngoài tập một phương thuật…
Ngạc nhiên Trương Đại Quá kêu lên:
-Phương thuật à…mà phương thuật gì hả em?
Vương Đình Huệ ngước mắt nhìn Trương Đại Quá, dường như nó cũng muốn chia sẻ điều gì đó với Trương, Trương Đại Quá cảm nhận một chút tình cảm trong mắt thằng nhỏ lùn:
- Phương thuật là một loại phép lạ, khó tin nhưng có thật. Ở học viên Langbiang học viên đều biết ít nhất là vài phương thuật… mà thôi tôi có nói anh cũng không hiểu đâu. Đêm nào tôi cũng phải ra ngoài rừng để luyện loại phương thuật làm mất hơi người. Có như thế mới không bị kẻ thù hoặc muôn thú phát hiện, Mat dạy chúng tôi như vậy!
Trương Đại Quá gật gù như hiểu chuyện, anh nghĩ đến chuyện con ngựa đánh hơi được mùi của chủ lúc nãy vậy mà thằng nhỏ lùn lại nói đi luyện thứ phương thuật để không còn mùi người, anh cười thầm trong bụng nhưng không để lộ ra ngoài mặt. Anh nghĩ tiếp  “thằng nhỏ này không muốn mình thắc mắc chuyện của nó thì anh không hỏi tới nữa là xong”. Thực tâm Trương Đại Quá cũng có đôi chút tò mò với những chuyện bí hiểm nơi nương thân bất đắc dĩ của mình nhưng mỗi khi nhìn những người lùn trong học viện một cảm giác thương hại xuất hiện trong anh. Dù sao với anh những người này là những người khuyết tật nên họ luôn có mặc cảm với đời, biết đâu họ tụ tập với nhau tại chốn thần bí này để khỏi phải thấy những cặp mắt thương hại của người đời? 
Thấy Trương Đại Quá im lặng Vương Đình Huệ có chút ngạc nhiên:
-Sao anh không nói gì đi chứ?
Trương Đại Quá nhướng mày:
-Em muốn ta nói chuyện gì?
Ngẫm nghĩ một lát Trương tiếp, lần này anh không giấu ý nghĩ của mình:
-Thực tâm ta cũng có chút tò mò với những gì diễn ra trước mắt chúng ta nhưng dường như thầy em và những người bạn không muốn ta lân la dò hỏi những chuyện trong học viện. Bây giờ ta buộc phải sống với em và các bạn chắc đến cuối đời bởi không có nước suối Đen như em nói ta sẽ bị Thần núi cướp mất linh hồn. Điều này ta rất buồn và đôi khi cũng căm giận số phận đưa ta đến gặp các em nhưng nghĩ lại ta thấy rằng có lẽ vì một lý do nào đó mà ông thầy của em phải thực hiện những cấm chế với ta và những người bạn. Thôi điều này em không cần trả lời ta đâu, biết đâu đó chỉ là những ý nghĩ của ta thôi? Huệ à, ta có một đứa em tầm tuổi em. Rất may là chú ấy tách đoàn đi lấy trầm kỳ trước khi ta và 3 người Lạch bị bắt nên có lẽ giờ đây chú ấy đang đi tìm dấu vết của chúng ta. Bây giờ ta biết có lẽ Trương Thái không bao giờ tìm ra chút tăm tích gì của ta bởi các em có kỹ thuật xóa dấu vết khi đi lại trong rừng thuộc loại siêu đẳng!
Vương Đình Huệ công nhận:
-Anh nhận xét đúng, Mat dạy chúng tôi những kỹ năng hòa hợp với thiên nhiên để có thể một mình tồn tại giữa rừng sâu, trong thảo nguyên hay bất cứ nơi đâu! Đáng ra tôi không được phép nói những điều này với người khác, ai biết điều gì phải giữ lấy cho mình là quy định nhưng với anh tôi không cần phải thực hiện quy định này!
-Vì sao? Trương Đại Quá ngạc nhiên.
Thằng nhò lùn ngước nhìn lên miệng hang tạo thành bởi hai khối đá cao ngạo nói:
-Bởi vì 4 người bọn anh chỉ là những phục vụ viên không hơn gì cái ná săn con min hay cái lưới bắt con cá suối!
Một cơn giận xuất hiện trong tâm hồn Trương Đại Quá y như ngọn lửa bị làn hơi trong bụng anh thổi bùng lên lúc nãy. Anh “hừ” một tiếng thật to, mắt anh nhìn Vương Đình Huệ tóe lửa. Vương Đình Huệ cũng nhìn trả anh với một ánh mắt kiêu hãnh và không nhân nhượng:
-Đó là sự thật, anh phải chấp nhận nó như chấp nhận con ngươi của mắt mình!
Câu nói của Vương Đình Huệ khiến Trương Đại Quá mím môi. Anh hít một hơi chân khí, giữ làn hơi thật lâu rồi chầm chậm thở ra. Sau ba lần như vậy Trương Đại Quá bình tâm trở lại. Thằng nhỏ nói đúng, chỉ cần xa rời dòng suối Đen bọn anh sẽ bị điên vì vậy 4 người bọn anh phải thực hiện mọi yêu cầu của cái học viện quỷ quái này. Họ coi bọn anh như những công cụ trong sinh hoạt hàng ngày vì nắm được cái thóp – cái yếu điểm sinh tử do ông thầy Mat tạo ra. Nghĩ đến đây bỗng nhiên một tia sáng lóe lên trong đầu Trương Đại Quá “đã là biện pháp do con người tạo ra ắt phải có cách khắc chế hay hóa giải!”. Chẳng phải anh đã hóa giải thành công việc 4 người bọn anh bị tê liệt vào ban ngày hay sao? Trương Đại Quá càng mím môi chặt hơn, hình như với cử chỉ này Trương biểu lộ quyết tâm của mình. Anh gật gật đầu:
-Được lắm…được lắm!
Vương Đình Huệ tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Vì sao “được lắm” mà được lắm về điều gì?
Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ, lần này anh nhìn thằng nhỏ bằng một đôi mắt khác:
-Sau này rồi em sẽ hiểu!
Trương Đại Quá dịu lại, thái độ anh hòa hoãn với Vương Đình Huệ:
-Thôi xí xóa mọi thứ làm mích lòng nhau, em coi bọn ta là những công cụ thì em cứ thế. Ta nghĩ rằng đã ăn của người thì phải làm việc cho người là lẽ công bằng, học viện nuôi anh em ta thì chúng ta phải làm việc cho học viện là đúng. Huệ này…em có thể kể cho ta nghe chút gì về quê nhà của em không, còn ta ta sẽ kể cho em nghe vì sao ta lưu lạc đến xứ này. Đêm thì còn dài, bỗng nhiên ta lại không buồn ngủ nếu được nói chuyện với em để thêm hiểu và cảm thông nhau trong khi chờ trời sáng thì hay biết mấy?
Dù sao Vương Đình Huệ cũng chỉ là một ngưởi trẻ tuổi, nghe lời tự sự của Trương Đại Quá lòng Huệ cũng chùng xuống. Quê nhà của Huệ là điều bí mật bởi theo quy định của học viện điều này học viên không được kể cho nhau nghe nơi chốn xuất thân. Nhưng Trương Đại Quá lại không được công nhận là “người” như lời của Mat thì xem ra Huệ có thổ lộ đôi điều cũng chẳng hề gì! Bấy lâu nay trong học viện, ngoài chuyện trao đổi với thằng Tư Đực khi đi bắt Trương Đại Quá 4 người, Vương Đình Huệ hầu như sống khép kín với học viên, đó là quy định không ai có thể vượt qua. Nay nghe lời đề nghị của Trương Đại Quá trong đêm trường sâu thẳm, một nỗi cô đơn ghê gớm bỗng nhiên xuất hiên trong tâm hồn Vương Đình Huệ. Lâu nay nỗi cô đơn bị dồn nén vào tận đáy lòng, nay Trương Đại Quá khơi gợi nỗi cô đơn ấy như chực bùng lên! Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ với một ánh mắt sâu thẳm, trong ấy anh dồn tình cảm của mình cho thằng nhỏ họ Vương như đang dành cho Trương Thái vậy! Đại Quá nói:
-Để ta kể chuyện đời ta cho em nghe trước nhé!
Nói xong Trương Đại Quá e hèm một tiếng để lấy giọng rồi anh đem chuyện đời anh ra kể. Lần này anh cũng bắt đầu bằng câu chuyện ông bá hộ Trần Trung Thế yêu cầu anh biểu diễn Ngọc Trản thần công cho ông xem. Cũng như Trương Thái lúc trước, Vương Đình Huệ nghe anh kể một cách chăm chú và không ngắt lời anh một chút nào như lúc Trương Thái nghe anh kể chuyện. Khi anh chấm dứt bằng chuyện đi tìm trầm kỳ để đổi lấy muối cho bon Cây Ngo đỏ, Vương Đình Huệ mới nói:
-Hóa ra chuyện anh lưu lạc lên cao nguyên này là vậy! Tôi rất biết chuyện đói muối khổ như thế nào. Anh có thể tin tôi rằng sau chuyến đi này bon Cây Ngo đỏ sẽ có muối ăn!
Vương Đình Huệ hứa chắc nịch như vậy. Về phần Trương Đại Quá nghe Vương Đình Huệ hứa như vậy anh bán tín bán nghi:
-Nhưng bằng cách nào….
Không để anh nói tiếp, Vương Đình Huệ phát một cử chỉ ngăn lại:
-Cách nào anh không cần biết miễn rằng bạn bè anh có muối ăn là được!
Trầm ngâm một chút Vương Đình Huệ nói tiếp:
-Đáng lý ra tôi không được phép kể với người khác chuyện của tôi nhưng như tôi nói lúc nãy, anh không được xem là một thành viên trong học viện Langbiang nên tôi có nói đôi chút về mình cũng không sao. Anh Đại Quá này, khi anh bị người ta chọc ghẹo, chế diễu vì thân thể anh không giống mọi người anh có bị tổn thương không?
Không đợi Trương Đại Quá trả lời, Vương Đình Huệ nói tiếp:
-Tôi là một người như vậy. Lúc còn nhỏ tôi để ý đến những chuyện đó nhưng khi lớn hơn một chút, mỗi lần tôi xuất hiện trước một đám đông là mọi người cười rộ, ai cũng xúm lại vuốt ve, ngắt nhéo tôi như thể tôi là một thứ đồ chơi của họ. Cơ bản họ không xem tôi là người. Ở trong nhà tôi cũng vậy, tôi không được đối xử công bằng. Cha tôi xem tôi là sự trừng phạt của ông trời đối với ông, ông không bao giờ để ý đến tôi và ông định bán tôi cho một đoàn mãi võ đi qua thôn để làm thằng hề. Người duy nhất thương yêu tôi là mẹ tôi nhưng bà là một người không có chút quyền hành gì trong nhà tôi cả. Mọi chuyện đều do ông tôi và cha tôi quyết định. Khi nghe cha tôi và ông tôi có ý định bán tôi cho đoàn mãi võ Sơn Đông, bà gào khóc thảm thiết. Đêm hôm trước ngày đoàn mãi võ đến giao tiền nhận người, mẹ tôi mang tôi đi trốn. Khi đã cách xa nhà chừng một ngày đường, mẹ tôi mới cho tôi biết sự thật về chuyến đi của hai mẹ con. Chúng tôi đi lạc vào một vùng núi non chớn chở, không còn chút lương thực nào hai mẹ con tôi phải uống nước suối chống đói. Lúc đó tôi đủ lớn để có thể tìm thức ăn, anh nên biết ở nhà quê tìm thức ăn dễ lắm. Tôi có thể đào trộm củ khoai mì hay khoai lang mà không để người lớn phát hiện ra dấu vết, tôi có thể bắt cá bằng tay dưới nước hay câu cá bằng dây câu, bắt con ếch con nhái ở ruộng đồng hay ra bãi cỏ tìm hang dế cơm đào lên và nướng ăn…Nói chung đồng quê cho tôi nhiều món ngon lành, dường như đó là sự ưu đãi của cuộc đời dành cho tôi trước sự ghẻ lạnh của mọi người. Thấy mẹ đói, tôi đi tìm thức ăn cho hai mẹ con. Trước lúc đi tôi dặn mẹ cứ nằm nghỉ dưới gốc cây nơi hai mẹ con tạm trú đừng đi đâu cả. Tôi men theo một con suối nước trong xanh đi dần lên thượng nguồn. Tôi có tài bắt cá, nhìn màu nước là tôi có thể biết được dưới đó có cá hay không. Con suối khá rộng nhưng bên dưới không có cá nên tôi cứ đi mãi với niềm hy vọng mình sẽ bắt được cá trên thượng nguồn về nướng cho mẹ ăn. Quả nhiên ông trời không bạc đãi tôi, sau khi đi chừng một canh giờ tôi vui mừng khi thấy trước mặt mình con suối rộng ra, bên dưới bóng những con cá xám đen lô xô đớp bóng. Tôi lao xuống suối và bắt được chừng chục con cá to hơn hai bàn tay, với chừng này cá hai mẹ con tôi không lo bị đói hai ba ngày tới. Tôi hả hê trở về cây cổ thụ nơi mẹ tôi nằm nghỉ với chiến lợi phẩm trên tay, thực tâm mà nói mang vác chừng ấy cá về lại chỗ cũ là một thử thách với sức vóc của tôi. Nhưng tôi thương mẹ đã bị đói cả ngày trời rồi nên cố. Vậy mà đáp lại tôi là một sự thật đau lòng!
Trương Đại Quá lắng nghe chuyện kể của thằng nhỏ lùn, khi nghe nói ngưng ngang chỗ đang hấp dẫn, Trương buột miệng hỏi:
-Chuyện gì xảy ra hả em?
Vương Đình Huệ mím môi, mắt nó ánh lên một tia nhìn hung bạo, Trương Đại Quá ngạc nhiên nhìn Vương Đình Huệ.
-Anh biết không, một con trăn gió đang nuốt mẹ tôi chỉ còn lòi ra hai bàn chân!
Nói xong Vương Đình Huệ vụt im lặng, cả hai rơi vào một khoảng im lặng khó chịu, tiếng tí tách của lửa reo không làm cho không khí bớt đi sự bức bối. Trương Đại Quá thở dài, anh không lạ gì loài trăn gió, trong rừng đó là một sinh vật đáng sợ đối với muôn thú. Khác với hổ beo, trăn gió di chuyển trên cầy, chúng lao vun vút trên những tàn cây tạo thành một cơn gió với tràn âm thanh trấn nhiếp muôn loài. Trăn gió dài bốn năm trượng là sự thường, thậm chí có con còn dài đến cả chục trượng. Khi đã chấm con mồi nào thì y như rằng con vật khốn nạn nó chỉ còn nước chấp nhận số phận. Bản năng sinh tồn là một loại bản năng cơ bản của động vật nhưng khi bị trăn gió săn đuổi, sinh vật hầu như bị tê liệt thần kinh không thể phản kháng và trở thành thức ăn cho trăn gió! Khi nghe Vương Đình Huệ kể mẹ nó bị trăn gió nuốt, Trương Đại Quá thở dài là vì lẽ đó. 
Vương Đình Huệ nhìn ra xa thẳm, chắc nó nhớ lại cảnh tượng người mẹ thương yêu bị con trăn gió nuốt trộng, sự căm thù hằn trên gương mặt chớm già của thằng nhỏ khiến Trương Đại Quá cảm thấy tội nghiệp cho thằng lùn này quá. Trầm ngâm một hồi, cuối cùng Vương Đình Huệ cũng tiếp tục kể:
-Tôi lao vào cứu mẹ tôi nhưng làm sao mà cứu cho được chứ. Anh nên biết loài trăn gió cực khỏe, chúng cuốn lấy con mồi rồi vặn mình thì hổ báo gì cũng tan xương nát thịt. Tôi lấy con dao đi rừng của mẹ chặt vào khúc đuôi con vật, đó là nơi tập trung toàn bộ sinh lực của con trăn. Con trăn nằm im cho tôi chặt – nó không thể làm gì với cái bụng no căng sau khi nuốt con mồi, phải đến mấy tháng sau con mồi tiêu hết trăn mới hoạt động lại như thường. Tôi giết con trăn gió dễ dàng và lôi mẹ tôi ra, thực ra bà chỉ còn là một đống thịt mềm oặt không hơn không kém. Mùi nhãi nhứt xông lên mũi tôi kích thích cơn giận dữ trong lòng, tôi băm con trăn ra hàng ngàn mảnh mà không thể nào hả cơn giận đang nung nấu trong tim tôi. Khi kiệt sức tôi buông con dao rồi ngả xuống đống thịt bầy nhầy những máu và không biết gì nữa! Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy thầy Bạc đang chăm chú nhìn tôi, miệng thầy hiệu trưởng đọc những câu thần chú. Tôi nhập học học viên Langbiang như vậy đó!
Thực ra câu chuyện này được ông hiệu trưởng Bạc Đầu Râu dài kể lại chứ sau chuyện đó Vương Đình Huệ hầu như mất trí phải cả tuần trăng sau Vương mới bình tâm trở lại nhưng nỗi đau vì mất mẹ là một vết thương không bao giờ kín miệng. Tiếng tí tách của đống củi đang cháy như thể âm vang đồng vọng của một câu chuyện đau lòng. Trương Đại Quá không một lời an ủi Vương Đình Huệ, anh biết rằng dù có vạn lời an ủi cũng vô ích, mất mát của thằng nhỏ lùn là một mất mát quá lớn. Nỗi đau trong lòng Vương Đình Huệ họa chăng chỉ có thời gian mới làm dịu lại được. Sống gần người Lạch, Trương Đại Quá cũng bị tính ít nói của họ ảnh hưởng đến anh, không phải vì ít nói mà người Lạch không biết chia sẻ với nỗi đau của đồng loại. Trương Đại Quá cầm bàn tay nhỏ xíu của Vương Đình Huệ bóp mạnh, với cử chỉ đó anh biểu lộ sự chia sẻ với nó. Bất ngờ thằng nhỏ lùn rút mạnh tay ra, nó đứng bật dậy mắt lộ nét giận dữ cao độ:
-Anh làm gì vậy?
Trương Đình Huệ ngạc nhiên, cử chỉ vừa rồi là một loại cử chỉ thân thiện chứ không biểu lộ một điều gì đối địch cả, anh nói:
-Em bình tỉnh…anh chỉ muốn chia sẻ với em thôi!
Nói xong Trương Đại Quá mỉm cười, mắt anh hướng về Vương Đình Huệ với một tia nhìn đằm thắm, anh nói tiếp:
-Em xem, trong tay ta không có gì cả để có thể hại em. Em thấy đó, phàm là con người sống trong hoang dã đều phải nương tựa vào nhau để tránh hiểm nguy. Quê ta ông bà đã dạy con cháu một câu rất hay: đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết! 
Thật ra Trương Đại Quá chưa nói hết ý mình. Anh không có bất kỳ thứ vũ khí nào trong tay nhưng nếu muốn hại thằng nhỏ này không phải là chuyện quá khó đối với anh. Anh đã được cha dạy cho môn điểm huyệt, với môn này tùy theo thời thần người ra tay có thể làm tê liệt hay làm đối thủ chết ngay tức khắc. Nhưng sinh mệnh con người là quan trọng, chỉ khi nào địch thủ dồn vào bước đường cùng không còn lối thoát mới hạ thủ nhằm tìm sinh lộ, cha anh dặn đi dặn lại như vậy. Từ trước đến nay, Trương Đại Quá chưa hề sử dụng đến công phu điểm huyệt bao giờ. Vương Đình Huệ vẫ còn nét giận trên mặt:
-Nhưng không ai được đụng đến những đứa con mà Giàng đã chọn!
Trương Đại Quá cười xòa:
-Ta không biết điều đó, vả lại em đã nói bọn ta không khác gì cây ná bắn con min, tấm lưới bắt con cá dưới sông kia mà? Ta chạm đến người em một chút chắc Giàng không quở trách gì đâu!
Nghe Trương Đại Quá giải thích, Vương Đình Huệ dãn nét mặt, nó nói:
-Nhưng tôi cũng không thích ai chạm vào người tôi, lần này anh không biết thì tôi bỏ qua chứ lần sau anh không được như vậy nữa!
Trương Đại Quá cười tươi và gật đầu:
-Em yên chí đi, ta sẽ nhớ điều này!
Nãy giờ ba người Thượng ngồi dậy tự lúc nào, họ xúm vào nhau nhìn cuộc xung đột giữa Trương Đại Quá và Vương Đình Huệ. Họ không biểu lộ vẻ gì trên gương mặt nhưng Trương Đại Quá nhìn thoáng qua anh biết họ đang sợ cơn giận của Vương Đình Huệ. Nỗi sợ của họ như là một thứ mặc cảm tự ti truyền từ ngàn xưa đến trong tiềm thức họ. Trương Đại Quá bỗng nhiên thấy thương hại những người bạn của mình, anh nghĩ chỉ khi nào đời sống của họ khá lên, không chịu sự tác động của thiên nhiên có lẽ những mặc cảm như thế này mới hết. Còn bây giờ những người bạn Lạch tuy đã biết chọc lỗ trỉa hạt để làm ra thứ lúa đồi cơm cứng khi để nguội nhưng mùa màng thu hoạch được hay mất tùy thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Đó là những ý nghĩ thoáng qua của Trương Đại Quá trong lúc này.
CHƯƠNG 21
TAO NGỘ
Tư Đực nhìn đăm đăm vào dòng suối. Nước từ thượng nguồn đổ xuống cứ miên man chảy qua vô vàn lau sậy mọc ken dày hai bên bờ. Bên dưới chắc chắn có cá, Tư nghĩ. Bỗng nhiên Tư Đực thèm món cá cô Nghỉ nấu quá chừng, chà ước gì bây giờ mà có bát cháo cá bốc hơi nghi ngút vừa thổi vừa húp thì mới tuyệt vời làm sao! Thèm thì thèm vậy nhưng Tư biết mình không bao giờ có món cháo cá ấy đâu, tự nhiên Tư liên tưởng đến món cá bọc lá chuối nướng vùi trong tro. Đã gần mười ngày qua Tư chưa có bữa ăn nào ra hồn sau khi ăn hết chỗ gạo của cô Nghỉ dấm dúi cho vào túi lát và số thịt nai sấy ít ỏi. Nghĩ tới đây Tư Đực lại thấy tức tối lũ khỉ ăn cắp thực phẩm của mình. “Nhưng tức mà được gì, mình phải tự đi tìm cái ăn thôi”. 
 
Nghĩ là làm, Tư Đực tìm đến bộ xương con nai, nó tìm một cái xương nhỏ có thể chế thành móc câu. Quả nhiên Tư tìm được, không chỉ một mà đến cả hai lưỡi câu, chỉ cần nó gia cố chút xíu là xong. Dây câu thì vô vàn nơi hoang dã, Tư biết một loại dây leo tươi, bóc lớp da bên ngoài sẽ lộ lớp vỏ lụa màu trắng ngà có thể bện thành dây câu. Sau nửa ngày hì hụi, Tư Đực có được một cần câu hai lưỡi, có cả phao hẳn hoi. Tư đào giun, thứ mồi này khiêu khích lũ cá trắng dữ lắm. Giun sống vô số ở những chỗ đất ẩm, nhất là tại mấy cụm chuối rừng lác đác trong rừng ma. Lại chuối này cho quả nhưng Tư biết chẳng được gì bởi bên trong tuyền là hột. Nhưng nếu lột vỏ thân cây chuối non, xắt mỏng ta có thể được một món rau rừng ăn vào rất mát bụng. Vừa thả câu Tư Đực vừa nghĩ lan man. Giờ này nếu ở trường, Tư phải là nhiệm vụ của một học sinh, ít nhất những bài giảng của Mat Tư phải tìm cách thực hành theo cách của mình. Mat không bao giờ giảng lại lần thứ hai cho đám học sinh đang nhìn Mat bằng một cái nhìn cầu cứu, ông thầy chỉ mỉm cười thay cho câu trả lời. Vậy là đám nhóc nhao nhao chạy tứ tán vào cánh rừng gần trường để tự mình tìm ra câu trả lời cho bài giảng của Mat. Có lần Tư Đực mải suy nghĩ cách thực hiện phương thuật Mắc Xương mà Mat dạy hồi sáng, nó vào rừng cạnh học viện để tập trung suy nghĩ. Mat không hề nói điều gì khi dạy phương thuật này, ông thầy bí hiểm quả nhiên…bí hiểm, ông chỉ làm dấu bằng những động tác tay và đầu. Ban đầu Tư nghĩ có lẽ khi áp dụng phương thuật này phải đọc thần chú, nhưng khi nhớ lạ từng việc làm của Mat, Tư biết mình nhầm. Ông thầy không hề nhép miệng khi giảng nên sẽ không có chuyện thần chú gì ở đây. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi ta Tư thực hiện phương thuật Mắc Xương? Tư từng bị mắc xương cá một lần hồi mới vào trường. Thật là khó chịu, cái xương mắc ở cổ họng nuốt vào không được và nhả ra cũng không xong! Lúc ấy Mat tới, ông thầy nhẹ nhàng nâng đầu Tư lên bằng tay phải, tay kia ông vỗ nhẹ vào lưng Tư. Lát sau cái xương cá mắc dịch biến mất, dấu vết để lại của nó chỉ còn là chút nhói đau khi Tư nuốt nước bọt. 
Vậy phương thuật Mắc Xương có gì bí hiểm? Tư lập lại động tác của Mat theo trí nhớ của mình. Một lần, lần kế tiếp…và nhiều lần nữa nhưng không có chuyện gì xảy ra cả! Vô tình Tư Đực vung tay lại trúng vào một thân cây ngo đỏ, thân cây trúng đòn của Tư xuất hiện một vòng tròn màu đỏ nhạt. Bỗng nhiên Tư ngộ ra phương thuật bí hiểm này. Thật ra chẳng có gì là bí hiểm cả, khi tập luyện những động tác Mat dạy, người trúng phương thuật sẽ xuất hiện một đốm đỏ trên cổ gây nên sự khó chịu như khi bị mắc xương và chỉ người ra tay mới có thể hóa giải được bằng động tác nâng cằm và vỗ vào lưng như Mat gỡ mắc xương cho Tư Đực! Lúc đó phát hiện ra điều này, Tư mừng như phát điên, nó hú lên một hồi, tiếng đồng vọng lập lại bên kia rặng núi như thể chia vui với Tư. Về trường Tư Đực thực hiện ngay phương thuật này với K’RaJan Đích, khi thấy đồng môn khổ sở với cái cổ có một chấm đỏ lờ mờ, cuống họng K’RaJan Đích liên tục nuốt nước bọt nhưng “cục xương” vẫn không trôi. Khi thấy bạn như sắp khóc, Tư mới đến bên và đề nghị giúp. K’RaJan Đích mắc nợ Tư một món nợ ân tình cho đến nay chưa có dịp trả lại…. 
Mãi nghĩ những chuyện hồi còn học ở học viện, chiếc phao bị chìm từ hồi nào Tư Đực không rõ. Khi phát hiện ra Tư Đực bị lôi tuột đi theo chiếc cần câu. Tư mừng thầm chắc có cá to cắn câu, Tư biết nếu mình không dìu theo chiếc cần thì khi cá quẫy sẽ đứt mất dây câu. Đây là kinh nghiệm tự thân đứa nhỏ nào trong học viện Langbiang cũng đều biết bởi dưới quy định “Tự Mình” vô hình trung giúp chúng trải qua những tình huống có ích trong cuộc sống. Tư Đực chạy theo chiếc cần câu, thấp thoáng dưới nước, bóng con cá lăng to đùng đang cố sống cố chết vùng vẫy để thoát khỏi sợi dây câu oan nghiệt! Con cá to quá, Tư Đực chưa từng thấy con cá nào to như vậy trong đời nên nó rất quyết tâm bắt cho bằng được con cá. Tư hào hễn chạy dọc theo con suối, mặt nước càng lúc càng rộng ra. Đã có tiếng reo ầm ào của nước, “sắp đến một con thác” Tư nghĩ. Con cá vẫn kéo Tư Đực chạy theo nó với tốc độ càng lúc càng tăng. Bỗng nhiên Tư Đực kêu “oái”, nó dẫm vào một cục đá mọc đầy rêu. Theo quán tính Tư Đực buông cần câu để chống tay xuống đất. Không xong rồi, Tư Đực lăn tòm xuống con suối, dòng nước dường như mừng rỡ đón thân hình Tư và lẹ làng cuốn Tư trôi theo! 
Khi biết mình không thể cưỡng lại con nước đang trôi, Tư Đực lập tức thực hiện phương thuật Ngủ Đông. Nó cố co chân về phía cắm, đồng thời tay Tư ôm gáy còn người Tư thì cong lại như một con tôm. Khi dạy học trò phương thuật này, Mat nói:
-Các con phải biết rằng đây là phương thuật cứu sinh trong trường hợp khẩn cấp, các con phải đoạn tuyệt hơi thở thuận với tự nhiên như thể khi các con còn trong bụng mẹ vậy. 
Chính câu ví von của Mat khiến lũ học trò xì xào nhiều nhất. Anh em nhà K’RaJan quả quyết rằng khi còn trong bụng mẹ, chúng không thể co chân tay và cong mình như một con tôm, đơn giản lúc đó chúng đang ôm nhau. “Chúng mày thử ôm nhau xem, có phải tay đứa này choàng qua lưng đứa kia, còn chân thì đứng yên trên mặt đất!”. Tư Đực muốn phản biện lại, bởi Mat nói ra là điều đó phải đúng nhưng Tư không tìm ra lý lẽ để phản bác lại anh em K’RaJan, tụi nó dù sao cũng chỉ tính được một người thôi! Vương Đình Huệ không tham gia vào cuộc cãi vã của đám nhóc, dù sao Vương cũng đủ lớn để làm ra vẻ chững chạc của một bậc đàn anh. Khi Tư hỏi ý kiến Vương về chuyện này, Huệ cười:
- Chúng mày chỉ là một lũ nhóc, mày nên nhớ lúc trong bụng mẹ mày không nói được mà đã không nói được thì mày chưa được tính, hiểu chưa!
- Chưa được tính là sao anh Huệ?
Tư không hiểu hỏi ngược lại Huệ:
- Là mày chưa đủ tư cách làm người!
Bây giờ Tư Đực nhớ lời Mat dạy trong lúc nguy cấp, câu chuyện ấy lóe lên như một tia chớp trước khi Tư Đực chìm vào mông lung.
Không biết trải qua thời gian bao lâu Tư Đực mở mắt. Đập vào mắt nó là một khuôn mặt một người đàn ông đen đúa, nét khắc khổ đọng lên khuôn mặt người lạ khiến Tư Đực nẫy lên một câu hỏi tại sao. Người lạ nói:
- Tốt, mi đã tỉnh. Nào ngồi lên!
Tư Đực rùng mình, nó cố hết sức mới vươn người dậy theo lời người đàn ông. Ngồi trên mặt đất Tư Đực đưa mắt nhìn ra chung quanh. Đây là một khoảng trống rộng chừng một căn nhà dài nơi thường dành cho khách trong học viện Langbiang. Mỗi ba mùa trăng một lần, hai chục người của đoàn tiếp tế lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác đến học viện, họ để lại những gùi lúa, những chiếc xà gạc hoặc mấy mảnh vải màu đen có vài hoa văn vui mắt…rồi họ lại ra đi liền sau khi nhận từ tay Bạc Đầu Râu mấy đồng bạc màu trắng, đó là bạc thật!
Người đàn ông nhìn Tư Đực:
- Mày đói rồi phải không? Được, ăn một chút rồi nói chuyện!
Ông đi về một hốc đá, bởi “cái nhà” mà ông đang ở được tạo thành bởi hai khối đá to có một cái vòm mát mẻ với khung cửa rộng thênh thang, tay ông cầm một vật vàng đen đưa cho Tư:
- Ăn đi, con chuột núi này ta mới nướng lúc nãy!
Quả nhiên là con chuột nướng còn nóng, Tư không lạ gì với món thực phẩm này. Nó đón lấy con chuột nướng, tay xé ra và bỏ miếng thịt vào miệng nhai ngấu nghiến. Tư Đực đói quá, nó ăn giống như cả chục ngày nó chưa được ăn gì vậy! Người đàn ông đưa quả bầu nước cho Tư khi thấy nó ăn xong. Tư Đực biết ơn nhìn người lạ, dù sao qua cử chỉ thân thiện của ông ta Tư nhận ra vẻ gì đó rất quen với mình nhưng nó không nhớ ra được vẻ quen thuộc ấy là gì.
- Mày lên quan thế nào đến con chó nhà tao?
Tư Đực nhướng mắt ngạc nhiên. Tư có liên quan đến con chó nào đâu? Thực tình hồi còn ở quê, Tư có nuôi một con chó màu đen. Con chó quấn quýt bên Tư Đực như bất kỳ con chó nào quấn quýt bên chủ của nó vậy. Khi Tư rời nhà đến học viện Langbiang, Tư cũng nhớ con chó nhỏ của mình lắm nhưng rồi thời gian trôi qua nỗi nhớ ấy cũng phôi pha! Bây giờ người đàn ông lạ này lại nói đến con chó, Tư lắc đầu làm ra vẻ không hiểu. Người đàn ông nhận thấy nét mặt ngơ ngác của Tư Đực, ông vỗ tay ba cái. Từ bên ngoài một con hổ trắng nghe tiếng gọi chạy vào, Tư la lớn:
- Bạch hổ… sao mi lại ở đây?
Con hổ trắng chạy đến bên Tư, nó le cái lưỡi màu đỏ liếm mặt Tư ra vẻ mừng rỡ lắm. Tư cũng âu yếm vuốt ve con hổ mặc cho mùi thối hoắc từ mồm con vật bốc ra. Người đàn ông nhìn Tư:
- Mày giải thích đi?
Tư kể lại chuyện mình cứu con hổ bị nạn gãy chân khi mới vào rừng ma cho ông ta nghe. Người đàn ông gật gù:
- Hóa ra là vậy…nó là con chó ta nuôi từ hồi còn nhỏ xíu!
Ông ra hiệu cho con hổ đi ra ngoài bằng một khẩu lệnh dị biệt khác hẳn những âm thanh mà Tư Đực đã từng nghe thấy. Con hổ trắng nhìn qua Tư một cái rồi nó chạy ra ngoài. Người đàn ông hỏi tiếp:
- Bây giờ chúng ta đã có chút liên quan, mày hãy kể hết mọi chuyện của mày. Nhớ dừng bỏ qua chuyện nào cả đó!
Tư Đực nhìn người đàn ông:
- Trước khi kể tôi muốn biết mình đang ở đâu và ông là ai được không?
Người đàn ông cười xòa, khi cười những cơ mặt của ông dãn ra khiến nét mặt trông khác hẳn, vẻ khắc khổ dường như lập tức biến mất.
- Ừ, tao quên mất chưa nói cho mày biết chỗ này. Mày được con chó của tao cõng về từ ba ngày trước. Trong ba ngày đó mày không thở, mắt cứ nhắm lại nhưng thân thể vẫn ấm, không lạnh như những thây ma. Vì vậy tao mới tìm mọi cách để làm cho mày tỉnh dậy nhưng không thành công. Trưa nay tự nhiên mày mở mắt, chuyện là như vậy đó!
Hóa ra câu chuyện chỉ là như vậy, dù sao ông cũng là người cưu mang mình trong ba ngày qua. “Dù sao ông ta cũng là ân nhân của mình”, Tư Đực nghĩ như vậy. Tư đem tất cả những chuyện xảy ra với nó kể cho người đàn ông nghe, không bỏ xót chuyện nào. Nghe xong người đàn ông lẩm bẩm:
- Bạc Đầu Râu… Bạc Đầu Râu, được lắm!
Nghe ông ta nói đến tên của thầy hiệu trưởng, Tư Đực ngạc nhiên hỏi:
- Chú biết thầy Bạc à?
Người đàn ông lắc lắc đầu không trả lời thẳng câu hỏi của Tư, ông chỉ nói:
- Gọi ta là Dê A Vê, bây giờ mày hẵng ở đây khỏi phải trở về rừng ma nữa!
Tư Đực giãy nãy không chịu:
- Không được… không được, cháu phải về rừng ma để chịu kỷ luật, luật tục của học viện quy định thế!
Ông Dê A Vê trợn mắt quát:
- Cấm cãi, thằng nhỏ… ở đây tao là luật tục, luật tục là tao!
Nhìn gương mặt bí xị của Tư, ông Dê A Vê dịu giọng:
- Mày không thể trở về nơi ấy được đâu, Gru Lớn đã phán rằng “ai ra khỏi rừng ma là đã được Giàng ưng cái bụng sẽ không nhớ đường trở lại rừng ma”. Bộ ở học viện Langbiang ông Bạc Đầu Râu không dạy cho mày điều đó sao?
Lời nhắc của ông Dê A Vê khiến Tư Đực sực nhớ đến việc lan truyền những hiểu biết về rừng ma trong đám học viên. Ai cũng sợ rừng ma nhưng từ trước đến giờ chưa từng nghe nói ai còn sống từ rừng ma trở về nên lời phán truyền của Gru Lớn bị lãng quên! Hóa ra mình là người đầu tiên còn sống mà không bị rừng ma “ăn”! Phát hiện ra điều này Tư Đực mừng rỡ quá sức, để chắc ăn nó hỏi lại ông Dê A Vê:
- Có thật đây không còn thuộc rừng ma hả chú?
Ông Dê A Vê bỗng nhiên nỗi giận:
- Không có chú chiết gì ở đây hết, mày phải gọi tao là ông Dê A Vê. Ông Dê A Vê, nghe rõ chưa thằng nhỏ? 
Tư Đực ngạc nhiên nhìn ông Dê A Vê nó nghĩ không lẽ nó sai trong việc gọi ông ta bằng chú? “Mình muốn thể hiện chút tình thân như người cùng trong một nhà mà sao ông ấy lại không thích nhỉ”. Nghĩ thế Tư cười phá lên, nó cười đến đỏ mặt tía tai. Thấy vậy ông Dê A Vê nhìn nó hỏi:
- Có gì đáng cười đâu thằng nhỏ?
Tư nghiêm nét mặt, nó cũng không trả lời thẳng câu hỏi của ông Dê:
- Thôi được, ông đã muốn vậy thì tôi chiều theo ý ông là xong!
Con hổ trắng tiến vào cửa động, nó ngậm một con hoẵng còn đang nhỏ máu. Đó là món quà rừng chào đón một thành viên mới của chủ tớ Dê A Vê!.
28/2/2021
Võ Anh Cương
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...