Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

Cỏ biếc

Cỏ biếc

Gia đình từ đấy khá vất vả, mẹ tôi có nhận làm đại lý buôn gạo cho một hãng buôn đằng trong, nhưng không được bao lâu. Theo sự gợi ý của cụ Tôn Thất Cẩn, năm sau tôi và chị Bình vào Huế trọ học tại Nam Dao gần chùa Từ Đàm, chỉ về nhà vào dịp hè. Ở Huế chị học Trường nữ Đồng Khánh, tôi học trường tư thục Bồ Đề do Hội Phật giáo mở. Trường của Hội nhà Phật, nhưng giáo viên thuê dạy đa phần theo lương chỉ vài người theo đạo Phật. Tôi nhớ có thầy Võ Đình Cường tác giả “Ánh đạo vàng” và nhạc sư Nguyễn Hữu Ba theo đạo Phật, còn dạy Pháp văn là cô Mari Thư và các môn khác đều là giáo viên người lương. Lớp học ngày ấy khó kiếm, trường Bồ Đề xa chỗ chị em tôi  ở trọ  nên đi học ban sáng phải bới cơm trưa ở lại chiều mới về nhà…
Lớp học, tôi có ba người bạn Di, Cận, Trúc. Di ở Gia Hội, Cận, Trúc ở ngoại ô Nam Dao. Hằng sáng Trúc, Cận và tôi gặp nhau ở trước Chùa Từ Đàm  rồi cùng vào thành nội đến trường. Trưa, ba chúng tôi khi thì chơi đá cầu ở sân trường, có khi ra phố  ăn chè hoặc cốm bắp. Tôi rất thích xem cái cách bắp được phun lên từ cái máy nổ rơi xuống khay sữa nhào lăn rồi đóng gói tuôn ra bên cạnh. Rẻ và ngon. Chè Huế khỏi phải nói. Bát chè có hai ba loại trộn lẫn. Chè hoặc kê - đậu, hoặc đen - đá, hoặc bắp - nếp. Có câu hát  “Ai ăn chè đậu đen, đậu váng, bánh tráng, chè kê sẵn lòng bán chịu. Alê … không tiền…” Câu hát vô nghĩa nhưng dễ nhớ. Những ngày lụt, đường phố mênh mông có khi đi học chúng tôi phải ngồi lên cả bàn ping pông mà qua những ngõ phố. Có trưa chúng tôi ra Cửa Thượng Tứ, cửa thành cũ, nơi có mấy cổ đại pháo thủa xưa nằm vắt vẻo kể chuyện bao đồng cho nhau nghe. Rồi vào  nhà  Quốc Tử giám xem đánh thẻ, đi hồ Tịnh Tâm ngắm sen nở… nhiều kỷ niệm  trong thời kỳ học ở trường này tôi nhớ mãi. Tôi học lớp Đệ Thất (như lớp 7 bây giờ), lớp học lúc ấy tôi nhớ hàng tháng bao giờ cũng có cọng điểm xếp loại học sinh. Điểm thường được cọng theo hệ số. Văn, Toán, Sinh ngữ - hệ số 2, điểm bậc 20, còn các môn khác như Lý, Hóa, Sử, Sinh vật - hệ số 1, điểm 10 bậc. Trên tường cạnh bảng đen treo ”Bảng vàng”. Hàng tháng trên bảng ghi danh theo thứ tự: Vào ô Danh dự là học sinh xuất sắc, khoảng ba em, vào ô Tưởng lệ, là loại giỏi, khoảng năm em. Tôi cũng thường được ghi danh ở đấy. Hồi nầy tôi học giỏi cả Văn, Toán và Pháp văn. Có khi, bài văn được thầy đọc mẫu cho cả lớp nghe. Thầy dạy Văn tôi là GS Võ Đình Cường, ông là  nhà văn Phật tử. Lần ấy ông viết tác phẩm “Ánh đạo vàng”, có diễn kịch, ông có đưa lớp chúng tôi đi xem. Vở kịch có tên tôi nhớ không lầm là “Mùa gặt ác”, nói về thuyết nhân quả gieo gì gặt nấy trong đạo Phật. Tôi nhớ nhiều hình ảnh người đàn bà điên trên sân khấu hôm ấy, như là hậu quả của những tham, sân, si mà bà trải qua. Chính ông chấm và cho văn tôi nhiều bài điểm Ưu, cho đọc mẫu cả lớp nghe và ở những lớp khác nữa. Tôi nhớ có bài văn “Tả buổi tập xe đạp”, cậu bạn bài cũng khá kể khá nhiều về các người đứng xem xung quanh vui vẻ, hò hét, vổ tay…; tôi lại tả nhiều về người tập xe cách lấy đà, tăng tốc, giảm, ngã, các động tác quan sát kỹ càng. Ông bảo nên kết hợp cả hai, bài văn mới sinh động. Nhạc sư Nguyễn Hữu Ba có đến dạy nhạc, luôn xách theo cái hộp đàn đã sờn trong đựng cây violon cũ... Ông mang áo dài đen đạo mạo với những bài hát cổ điển như Thu khói lửa, Lửa rừng đêm… Giờ học nghiêm trang, cổ kính nhưng ai cũng thích vì cái vẻ trang trọng, thần tượng của ông. Cô giáo Mari Thư nhà ở gần trường, có lần chúng tôi đến thăm, nhà cô nghèo, bề bộn, tường treo nhiều ảnh diễn viên Pháp…
Thỉnh thoảng chị em tôi sang Gia Hội thăm gia đình Cụ Tôn Thất Cẩn. Ba tôi quen cụ hồi tản cư, gia đình cụ ra vùng Trầm Hương được gia đình tôi cưu mang giúp đỡ. Về sau cụ nhớ ân nghĩa cũ, trở về Huế vẫn thư từ giao hảo với ba tôi. Nhà cụ sát bờ sông Gia hội, nhỏ nhưng đẹp, ngày nghỉ các con cháu về chơi, họ hay đánh tổ tôm. Gia đình cụ gia phong nệ cổ, nói năng rất ý tứ. Có bữa cụ giữ chị em tôi ở lại dùng cơm. Chị tôi cứ phải kéo áo tôi nhắc mãi. Trước lúc ra về chị đưa tôi lên nhà trên chào cụ, phòng cụ làm việc hẹp, bàn làm việc kê sát cửa nhìn ra bờ sông, gió thoáng mát. Trên bàn ngoài mấy quyển sách có lọ để bút bằng sứ, trong có cả bút ta, lẫn bút lông chữ nho. Đập vào mắt tôi chính là bức ảnh trên vách phía trên, một ông cụ bận áo đen, đeo kính mặt tròn, khăn đóng cũng màu đen. Cụ Cẩn ăn bận dáng dấp cũng hao hao giống người trên ảnh, chỉ khác cụ không có bộ râu như người trên bức ảnh, sau này tôi mới rõ, đó là ảnh cụ Phan Bội Châu, một nhà yêu nước nổi tiếng lúc bấy giờ, rất được các trí thức ái mộ. Gian nhà phía trước cụ cho một tay sĩ quan thuê. Thỉnh thoảng ông ta vẫn giữ chị tôi lại nói chuyện. Sau này nhờ ông này giúp đỡ mà chị và anh An tôi kiếm được việc làm trong thời gian đầu khó khăn sau giải phóng.
Chợ Đông Ba ngày ấy nhỏ mà đẹp vì sát bờ sông thuyền bè đến phía sau cập bến vào chợ khá tiện lợi. Chị tôi thường đến dãy lều phía sau gội đầu. Lều nhỏ vừa chiếc chõng người nằm. Gội kỹ, rẻ tiền. Chị  tôi bảo thế. Gội ở đây có nước quê bồ kết, lá chanh, dễ chịu, lại hợp túi tiền học sinh. Trường chị hoc là Đồng Khánh, lúc ấy tường sơn màu tím. Có lần đón chị chở xe về, tôi thấy tan trường các chị tỏa ra như một đàn bướm. Đẹp và rực rỡ vô cùng. Trường học Đồng Khánh cho con gái, khác trường Khải Định bên cạnh dành cho con trai. Chị em tôi trọ trên dốc Nam Dao trong ngôi nhà có vườn, có am hầu đồng. Chẳng là nhà này bà chủ ở phố, lập ra cốt làm nơi hầu đồng hàng tháng, chỉ bà mẹ già ông chủ ở trông coi ngôi nhà và chị em tôi ở trọ một gian nhỏ đầu hồi. Khi nào hầu đồng bà lên, hết buổi lễ lại về. Nhà vắng, tuy xa nhưng tiện cho việc học hành của chị em tôi. Những lần nhà có giá đồng thật rộn rịp, chị em tôi phải xuống nhà chính của bà ở phố, nhường nơi này cho người ta làm lễ. Đó là những dịp chúng tôi đi thực tế biết thêm về Huế. Vãn cảnh chùa, ăn cơm chay hoặc thăm thú nơi nào đó tùy thích.
Bánh khoái Huế là món ăn mà chị thường đãi và tôi thấy hợp khẩu vị mình nhất. Quán không đông khách lắm đủ cho người ăn vui và trò chuyện. Bà chủ nhanh tay trộn bột và trứng đổ vào chảo rán cùng  tôm, thịt, giá đổ… xào thơm lừng rối gấp lại cho lên đĩa còn nóng hổi bốc khói. Dĩa rau sống xanh mướt đủ loại, có cả rau thơm và quả vả . Đặc biệt nước chấm sền sệt thơm ngon béo ngọt Miếng bánh cho vào miệng tan nhanh như một hoài niệm. Bánh có hạn, rau thì thoả thích. Nụ cười thân thuộc bà chủ quán như hẹn lần khác lạị đến.
Tôi, Cẩn, Di và Trúc, bốn đứa bạn cùng lớp mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng khá thân nhau. Trúc con nhà làm thợ rèn, Cận là tiểu ở chùa cử đi học. Có chủ nhật tôi đến nhà Trúc, biết nghề rèn khá vất vả và người bố Trúc tật nguyền. Ông một chân bị liệt vẫn ngồi kéo bể cho người chú rèn các vật dụng. Trúc đánh trần giúp mẹ làm việc ngoài vườn. Tôi biết để Trúc theo học là một cố gắng hết sức của gia đình. Từ đấy tôi càng quý Trúc hơn. Di nhà khá giả ở gần nhà cụ Tôn Thất Cẩn, tình cờ có lần sang nhà cụ về gặp Di đang đi học đàn. Cậu rủ vào nhà, nhà Di khá giả, mẹ là cô giáo, cha công chức, Di con một, biết chơi violon. Từ đấy cậu tham gia nhóm chúng tôi, thỉnh thoảng lên Nam Dao cùng đi chơi nhân các dịp lễ như Phật đản, Vu Lan… 
Hồi ấy ở Huế tôi chưa có dịp đi xa lên vùng các lăng tẩm, và ngoại ô, chỉ quanh quẩn các đền đài, trong thành nội, và hai bờ sông Hương. Bạn Cẩn của tôi, chú tiểu được cử đi học, có lần chú đưa lên chùa chơi, chùa rất u tịch, sân nhiều cây cảnh, vài bức tượng. Đằng sau chùa có vườn rau, có nhiều loại hoa, có vài mộ tháp đã phủ kín rêu phong. Công việc của Cẩn là đi học về giúp các sư làm các việc vặt, như quét dọn và chăm cây. Bữa ấy Cẩn còn hướng dẫn tôi dự “chui” một buổi “quy hương” cho một sư ở đó. Quy hương là phép đặt những đốm hương cháy đỏ trên đầu tăng, ni để chứng nhận trọn đời “quy y Tam bảo”, hiến dâng thân thể cho đạo giới. Trong ánh sáng hương đèn tôi chỉ nhớ khuôn mặt mơ màng của chú tăng và giọng đọc kinh bổng trầm hư ảo cùng bàn tay gầy guộc của vị sư già đứng cạnh đặt trên đầu chú tăng lần lượt từng nụ hương cháy đỏ. Những dấu hương sau này thành sẹo. Có tăng ba dấu hương, có tăng sáu, có tăng chín dấu, những dấu hương chứng tỏ sự nhiệt thành chứng đạo hiến thân cho Tam bảo. 
Nhớ tiểu Cận nữa là buổi học nào cậu cũng mang đầy bâu áo đậu nành rang, chùa trữ nhiều để làm tương, cậu lấy một ít mang đi ăn sáng. Vị bùi, ngọt của đậu kéo dài mãi từ cổng chùa cho đến sân trường. Hè năm ấy tôi có nhận được thư Di, biết cậu sắp theo bố ra nước ngoài, sau đó  bặt tin cả ba.
Ở Huế một năm, đến khi hòa bình lập lại chị em tôi chia cách, tôi trở về Đồng Hới không còn đi học ở Trường Bồ Đề nữa, chỉ còn chị Bình ở lại Huế, sau này anh hai tôi cũng vào ở với chị. Những ngày ở Huế với bao kỷ niệm sống dai dẳng mãi trong tôi cho mãi đến sau này cả khi vui lẫn lúc buồn, nhất là những kỷ niệm về văn hóa, nghệ thuật mà tôi có dịp tiếp xúc dẫu ít ỏi với các ông thầy nổi tiếng lúc bấy giờ. 
Sau chiến tranh, với cuộc phân chia hai miền tình cảnh và kinh tế các gia đình nói chung trong đó có gia đình tôi trải nhiều thay đổi có nhiều biến cố đã xẩy ra. Tôi có trở lại chốn cũ đôi lần nhưng khác xưa nhiều. 
CHƯƠNG BỐN: NHỮNG NĂM CẤP BA
Về chủ trương, đường lối CCRĐ thì đã nhiều sách báo, nhiều học giả  bàn đến, ở đây chỉ đi  vào một vài sự kiện cụ thể có liên quan đến gia đình tôi. Thoát ly làng quê, bỏ ruộng đất từ đầu những năm bốn mươi, ấy thế nhưng trong CCRĐ nhà tôi lại bị quy là địa chủ, đội triệu tập mẹ tôi về quê tuyên xử, tịch thu tài sản cả ở thành phố. Sau này sửa sai trả lại thành phần, nhưng than ôi nhà cửa tài sản còn đâu. Mẹ con phải đi ở nhà thuê buôn bán lặt vặt độ nhât. Lý do cơ sự như vậy, sau này có người ở quê từng có chân trong đội lúc bấy giờ cho biết. Một lần cán bộ xã về đi họp ở thành phố, đêm khuya gõ cửa nhà tôi chắc là muốn trọ qua đêm. Mẹ tôi ngại ngần từ chối thế là họ thù, về nhân dịp CCRĐ họ nâng thành phần lên!
Với ngôi nhà rộng ba tôi mua hồi trước, vì ở gần bến xe nên mẹ tôi cho thuê mở quán trọ, mẹ cũng mở một quầy hàng nhỏ kế bên, đời sống tạm ổn, tôi theo học Trường Cấp hai thị xã cách nhà không xa. Sau khi sự biến xẩy ra tôi vừa đi học vừa phải chạy hàng cho mẹ, ngôi quán nhỏ bán hàng vặt kẹo bánh, nước ngọt, thuốc lá v.v… Năm sau tôi vào học Cấp ba, ở Đồng Hới không có trường phải ra Hà Tĩnh trọ học, thi thoảng mới về thăm nhà, thăm mẹ. Thương mẹ và lo lắng kinh tế eo hẹp nhiều lần tôi định bỏ học, nhưng mẹ tôi kiên quyết bảo tôi phải tiếp tục. Mẹ bảo đó là ước nguyện cũng là lời dối dăng cuối cùng của ba tôi. Chị đầu tôi lâý chồng ở Quảng Trị, gửi một đứa con gái ra ở với mẹ, cháu Hồng giúp bà khuya sớm.
Học ở xa, hè về tôi phải kiếm việc làm giúp mẹ, tôi vào làm phụ việc ở một xưởng bánh kẹo người Hoa, chú ANị. Cùng học việc với tôi có một cậu nữa, cậu Danh nhà ở cạnh. Một ngôi nhà nhỏ hai gia đình sống chung, chú ANị làm bánh kẹo, chú XúLìn bán phở dạo và bánh bao. Chú Nị có vợ người Việt, thím trẻ hơn chú có đến chục tuổi. Hai vợ chồng có một cháu trai khoảng 4 tuổi. Thím ốm luôn, đặc biệt bị các hạch ở cổ, có lần nghe ai mách bảo thím  phải nuốt cả con thằn  lằn để chữa cơn đau. Chú gốc Quảng Đông sang Việt Nam từ lâu, sinh kế gặp thứ gì làm thứ nấy, nhưng chủ yếu làm bánh kẹo. Cửa hàng nhỏ, sản xuất thủ công các loại kẹo như kẹo chanh, sữa, bạc hà, bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh quy… thi thoảng có ai đặt thêm thứ gì cũng làm . Chúng tôi những thợ phụ làm nhiều việc, nào  rang lạc, phết nhân, in bánh, gói kẹo có khi đi giao hàng, đưa bé đi học. Tôi thạo việc nhanh, thường thì in bánh, nhưng cũng có khi được nhồi bột, hay vô lò nướng. Chú chỉ bảo nhẹ nhàng, không hay khen chê gì cả. Nhiều lúc rảnh cũng hay nói chuyện tếu. Vui, chú kể chuyện: Hồi trẻ có lần bọn bạn rủ đi chơi gái, thách đứa nào chơi lâu được thưởng khỏi trả tiền. Chú nhỏ con nhưng lần nào cũng được vì có người truyền cho chú cái mẹo ngậm đồng tiền trong miệng khi giao hợp. Chẳng biết có đứa nào thực hiện mẹo đó nhưng về sau đứa bạn nào đi chơi đâu cũng kêu và đãi chú.
Kinh nghiệm những ngày ở xưởng bánh kẹo giúp tôi sau này đi trọ học bao giờ liên hoan cũng được gia chủ và bọn bạn khen. Ở xưởng bánh kẹo, vì một xưởng thủ công nên hầu hết làm bằng tay, xử lý bằng kinh nghiệm, không có máy móc dụng cụ gì cả. Công việc chúng tôi làm không có gì nặng nhọc chỉ cần lưu ý một điều “không để cháy”. Nấu đường theo dõi độ nhão, khi nào thử đường bằng chiếc đũa nhúng vào chảo đường rồi cho nhỏ vào một bát nước, thấy giọt đường tròn thử bằng tay dẽo mà chưa cứng, ấy là được. Non thì kẹo chảy nước, già thì khét. Phết nhân cũng vậy,  chảo nhân đầy trộn đủ các loại, nào bột, kẹo rẻo, đường đậu vụn, có cả dầu béo…, phết đều tay để cho bột nhân không dính chảo, cháy. Đậu rang không phải dăm bảy bát mà cả thúng, đổ vào chảo gang lớn, dùng một chiếc vên trộn liền tay từ bên này sang bên kia chảo khi nào nghe thơm, thử vỏ lạc bong ra là được. Khó nhất là nướng bánh. Lò thủ công đốt nóng bằng củi, chờ củi tàn gạt than ra hai bên, chừa lại khoảng giữa để nướng bánh. Các mâm bánh dùng vên đưa vào đậy kín, đợi bánh vàng lấy ra. Không thể mở của lò nhiều lần vì giảm nhiệt mà phải ước chừng bao giờ bánh vàng hườm thì ra lò. Màu vàng của bánh được tạo nên do việc nó được  phết bằng lòng đỏ trứng, bắt nhiệt rất nhạy. Công việc này thường chú Nị tự đảm nhiệm. 
Chú XúLìn bán bánh bao dạo và phở gánh, chú có bà vợ và một cô con gái. Hai mẹ con gầy đét, ít nói, sợ chú một phép. Đêm thức khuya làm bánh bao khuôn mặt mẹ con càng thêm hốc hác. Buổi sáng chú đánh một gánh bánh bao gồm hai thùng nhôm kín có ủ bao tải đi bán dạo quanh thị xã, khoảng chín giờ hết hàng về, chuẩn bị buổi chiều và tối đi bán phở dạo tiếp tục.
Chú có hai thanh gỗ vừa gánh vừa  gõ kêu lách cách ra hiệu đến cuối con phố dừng lại. Người quen cứ thế đến đầu ngõ phố đợi đón mua. Phở chú ngon khách quen ưa dùng, khoảng chín giờ tối bán xong hàng chú mới về nhà ăn cơm. Xong là ngủ, các việc khác đã có vợ con lo. Họ sống hòa thuận, thỉnh thoảng có đi họp bang Hoa kiều ở hội quán gần đó khi có người đến nhà thu tiền đóng đậu gì, vợ chồng chú  luôn niềm nỡ.
Có hè tôi đi làm ở Xưởng thuỷ tinh, thổi chai lọ bóng đèn, có lúc làm ở Xưởng đúc gạch, có khi lại làm ở Cửa hàng bánh tráng. Làm đủ nghề trong hè để có tiền giúp mẹ đi trọ học.
Ở Xưởng thủy tinh công việc chủ yếu của tôi là kéo lò. Kéo lò để cho thuỷ tinh chảy ở nhiệt độ nhất định. Việc đơn điệu không có gì nặng nhọc nhưng ngại nhất là ca ba gần sáng buồn ngủ díp mắt, bẹo tay bẹo chân, rửa nước lã đôi khi chẳng ăn thua, cuối cùng chỉ có cái sợ tắt lò, thủy tinh đóng cục là khiến hết hồn, hết buồn ngủ. Cái hay là thấy các ông thổi bóng đèn, chai lọ quả là những nghệ sĩ tài danh. Với một ống thép dài họ quấn vào lò thủ tinh kéo ra từng cục đỏ ròng, dẻo quẹo, kề vào các khuôn, thổi, kéo lên những chai lọ đẹp như mơ. Công việc cắt gọt sữa sang thường dành cho vợ con các thợ.
Đi làm lò gạch, phải dậy từ sớm, với đùm cơm vắt chạy bộ mấy cây số cho kịp tới nơi làm. Tôi thường được phân đúc gạch. Mấy cô nữ xẻo đất, chất thành đống nhồi nhuyễn kỹ. Mấy cậu trai khỏe làm đất, việc mệt nhọc nhất, nắng nôi nữa vì đa phần là ngoài trời. Tôi và cậu nữa nhận phần đúc. Hồi ấy chúng tôi đúc gạch ở mặt nền bằng chứ không đúc trên bàn gỗ như sau này. Đúc nhanh nhưng gạch xấu, thường bán cho khách mua làm công trình phụ. Tôi đúc nhanh khéo tay, nhanh chân, nên ít phải đổi sang việc khác. Việc nặng nhọc nhưng có bạn chuyện trò vui cả ngày, trưa góp ăn chung, rất thân thiết. Hai bạn thợ làm gạch Thị Sang và Ngọc Lợi yêu nhau, sáng đi làm, chiều về, đều đi cùng nhau. Buổi trưa chúng tôi nghỉ ở lán họ vào xóm tìm mua khoai, dưa… chiều mang về, trước làm khoán việc rồi thành công nhân, sau này thành đôi luôn.
Có hè hiếm việc tôi phải nhận làm ở Cửa hàng bánh tráng (bánh đa). Phần việc chính các bà làm, họ giao tôi việc xay bột. Nặng nhọc thì ít nhưng phải quen tay quen mắt nếu không thì bột to, chảy chậm, có khi văng ra ngoài. Một tay xoay cần cối, một tay đổ nước đều đều vào cối gạo có sẵn sao cho bột gạo tan vào nước chảy vào cái thau bên cạnh, nước bột sánh đều nếu không phải làm lại. Chỉ vài buổi sau cũng quen dần, việc làm có chất lượng các bà khen.
Những chiều hè nghỉ, tôi thường cùng các bạn hoặc đi đá bóng hoặc đánh bóng bàn. Đá bóng thì xoàng nhưng đánh bóng bàn thì hay. Tôi thường được các  bạn rủ đi, đặc biệt là bạn gái, tôi có mấy cô bạn thân nhờ việc đánh bóng này. Có lần tôi được giải trẻ thành phố và ngành Giáo dục.
Cả cấp hai và cấp ba tôi đều khá văn và yêu thích văn hơn các môn khác. Thầy Phạm Vân Sơn dạy hồi Cấp hai, đã phê học bạ và tôi nhớ mãi: “Tính tình thất thường, đôi khi thiếu khiêm tốn. Học được thâu nhận nhanh, nhiều khi có ý xuất sắc trong quốc văn”. Lên Cấp ba thầy giáo ảnh hưởng tôi nhiều nhất là thầy Nguyễn Sĩ Bá. Tôi nhờ đánh bóng bàn mà quen thầy. Giờ nghỉ và thứ bảy, chủ nhật thầy hay đến hội trường đánh bóng. Thầy đánh khá hay. Tôi lúc ấy đã là cây vợt đầu tỉnh. Nhiều lần được gọi tập trung đi đấu giải, được tuyên dương dưới cờ về thành tích thể thao. Nhưng nhớ thầy chủ yếu về môn Văn và những kỷ niệm khác. Thầy dạy Văn tôi cả ba năm tám chín mười ( hư là lớp mười, mười một, mười hai hiện nay). Ban đầu các bài tôi làm chỉ trung bình sau khá dần lên cho đến cuối năm lớp mười thì điểm tổng kết 5, điểm cao nhất. Thầy để ý tôi vì những lúc đi lao động nói chuyện về văn, nhũng lần phát biểu ở lớp về các tác phẩm cũ như Nửa chừng Xuân, Hồn bướm mơ tiên, Trống Mái… Những tác phẩm mà lúc bấy giờ ít có và không mấy người đọc được. Phần tôi ở vùng tạm chiếm cũ nên đọc những sách này ở thư viện từ những năm học đầu cấp 2. Chỉ kể thôi, không biết phân tích nội dung nhưng khá gây ấn tượng. Thầy thỉnh thoảng đến nhà trọ thăm. Năm cuối cấp, về hè biết hoàn cảnh tôi, thầy đã cho mượn một số tiền để trả tiền trọ… Sau này ra đại học thì thầy đã đổi về quê, không gặp lại thầy được, theo dõi, biết thầy đã lập gia đình và là người được Bộ Giao duc nhiều lần mời tham gia biên soạn nhiều bộ sách Ngữ văn cho các lớp phổ thông. Phong cách giảng dạy chân thật, nhẹ nhàng, say sưa của thầy để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ học sinh.
Thầy T.Q. là người thứ hai gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Đời thầy nhiều khúc mắc, có chi tiết như là giai thoại. Nào là thầy từng là võ sĩ thượng đài hạ nhiều đấu thủ cả Tây lẫn Việt, cả da đen lẫn da trắng. Nào là thầy tham gia QDĐ từng là thành viên Ban ám sát, được chỉ định ám sát nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng, sau giác ngộ theo Việt Minh. Nào là CCRĐ bị quy là phản động, bị đi tù sau này nhờ có học sinh làm to can thiệp cho mới được trả lại tự do. Naò là thầy dạy có nhiều học sinh làm đến Thứ trưởng, Giám đốc, Giáo sư, Tiến sĩ, còn nghe kể cả những thói quen khác như dạy không giáo án, quên xe đạp ở Sân đá bóng ba bốn ngày không ai lấy… Dạo ấy, trường học là một khu vực chung, phần trước là lớp học, văn phòng, sân tập thể thao thể dục, hội trường, phòng bóng bàn. Phía sau là khu tập thể giáo viên và nhà ăn tập thể. Bởi vậy lúc nghỉ là các thầy có thể vài bước lên hội trường chơi ban bóng. Tôi cũng quen thầy nhờ bóng bàn. Thầy thích bóng bàn, đánh không hay nhưng lắm mẹo: giao bóng ngắn, nhìn một bên đánh một bên. Tôi thuộc loại học sinh nhỏ, ở xa về trọ học, thầy hay rủ đi chơi, khi thăm phụ huynh, khi vãn cảnh xa, đóng vai thị đồng vậy. Thầy hay dẫn đi dạo phố, ăn kẹo cu đơ, uống chè xanh. Cuối lớp 12 thầy hỏi tôi định vào đại học nào? Tôi thành thật: Em sẽ vào sư phạm thầy ạ. Sư phạm dễ đậu lại chỉ học ba năm, mau ra trường, em còn về đi dạy giúp mẹ già! Thầy bảo tôi có đôi mắt và cái miệng dạy văn được… Có một chi tiết mà giờ đây nhớ lại tôi vẫn chưa hiểu được là có lần đi chơi, vui miệng thầy hỏi: Này N, cậu bảo giặc vào liệu nó có bắt thầy học cũ không? Câu hỏi  lạ đối với tôi, tôi chỉ đáp vu vơ nhưng lại nhớ lâu. Thầy giỏi cả Pháp lẫn Anh ngữ, tham gia dịch nhiều tác phẩm như kịch Sêcspia, truyện Guy đờ Môpatxăng… Có lần bắt phi công bị bắn rơi, ủy ban tỉnh nhờ thầy đi phiên dịch, thầy kể vui: tao nói chúng không hiểu chỉ Zét và Nô. Tính thầy phóng túng không ưa nịnh hót. Sau này đề cử mãi không được cái danh hiệu NGUT chắc cũng vì cái tính đó. Nói về thầy nhiều người đã viết bài ca ngợi, ở đây tôi chỉ ghi lại vài nét hồi ức về người thầy một thuở như là kỷ niệm của một cậu học trò nhỏ.
Các bạn học tôi quen phần nhiều là các bạn đồng hương và cùng nhà trọ. Chúng tôi ở trọ với  nhau: Tài, Danh, Long, Thành, Thống… Tài, người miền Nam giỏi đá bóng, Danh - bạn bóng bàn, Thống - giỏi Toán, Cà thấp lùn, Long - chơi xà kép. Sau cấp ba mỗi người một nơi ít gặp lại. Chỉ thương nhớ Thành, cậu bạn hay đóng cặp tuồng với tôi hồi thiếu niên. Tôi hay đóng tướng, nguyên soái Thành đóng quân sư.  Nhà Thành ở sát Cầu Dài có người anh là nhà thơ, thường đến trường nói chuyện. Nghe nói học năm thứ nhất bị vu là ăn cắp, đem ra kiểm điểm Thành thanh minh không được đã nhảy lầu tự tử. 
Tôi thuộc loại học sinh nhỏ, ở xa về trọ học, thầy hay rủ đi chơi, khi thăm phụ huynh, khi vãn cảnh xa, đóng vai thị đồng vậy. Thầy giỏi cả Pháp lẫn Anh ngữ, tham gia dịch nhiều tác phẩm như kịch Sêcspia, truyện Guy đờ Môpatxăng… Có lần bắt phi công bị bắn rơi, ủy ban tỉnh nhờ thầy đi phiên dịch, thầy kể vui: tao nói chúng không hiểu chỉ Zét và Nô. Tính thầy phóng túng không ưa nịnh hót. Sau này đề cử mãi không được cái danh hiệu NGUT chắc cũng vì cái tính đó.
Các bạn học tôi quen phần nhiều là các bạn đồng hương và cùng nhà trọ. Chúng tôi ở trọ với nhau: Tài, Danh, Long, Thành, Thống… Tài, người miền Nam giỏi đá bóng, Danh bạn bóng bàn, Thống giỏi Toán, Cà thấp lùn, Long chơi xà đơn. Sau cấp ba mỗi người một nơi ít gặp lại. Chỉ thương nhớ Thành, cậu bạn hay đóng cặp tuồng với tôi hồi thiếu niên. Tôi hay đóng tướng, nguyên soái Thành đóng quân sư.  Nhà Thành ở sát Cầu Dài có người anh là nhà thơ, thường đến trường nói chuyện. Nghe nói học năm thứ nhất bị vu là ăn căp, đem ra kiểm điểm Thành thanh minh không được đã nhảy lầu tự tử.
Kỳ nghỉ hè năm ấy nhờ đánh bóng bàn, về quê tôi quen N.A, học sinh Bắc Lý, loại điển hình của trường thời bấy giờ. Người gầy nói giọng hơi chơn chớt trẻ con. Đi chơi vài buổi có ghé nhà. Vườn rộng, mẹ bán vải ở Chợ. Dạo ấy thị xã Đồng Hới không có Trường Cấp 3, số học sinh lên cấp này phải ra ngoại tỉnh học không nhiều. Tôi ở trong số đó, về hè theo các cậu bạn hay rủ nhau đánh bóng. Tôi, NA và DL, bạn cô ấy, hay cùng nhau đi chơi khi thì đến thư viện, khi ra ngoại ô hay đi biển. Hai cô hay rủ tôi đi tập bóng. Khá thân nhau suốt những năm cấp 3, lên đại học vì mẹ tôi chuyển về Nghi Xuân tôi không về hè ở Đồng Hới nữa nên không còn gặp, nhưng thỉnh thoảng vẫn biên thư cho nhau kể chuyện học hành, ban bóng linh tinh. Tôi mến và nhớ NA ấy nhiều. Thư từ qua lại nhưng chỉ nhớ thầm, nghĩ thầm về nhau còn tịnh không hề có một lời gì khác dù xa ngái.
Những ngày ở quê mặc dầu DL hình như rất mến tôi nhưng tôi lại hướng nhiều về NA nên tình cảm cứ trôi qua trong cái tam giác mơ màng của bộ ba đầy lãng mạn ở tuổi học đường. Sau đó DL gắn với một anh chàng đeo kính cận học giỏi  trên cô hai lớp, ở ngoài bắc về.  Những lá thư NA gửi, tôi giữ mãi sau này cho dù nhiều phen di chuyển thất lạc nhiều thứ.
Mẹ tôi ngày càng yếu, cuối năm Cấp ba, hè thi xong cả hai kỳ Phổ thông và Đại học tôi định bỏ học, đi làm nghề giúp mẹ. Vừa lúc ấy có thư các anh ở Bắc về, khuyên mẹ tôi về quê và tôi ra ở cùng các anh theo học tiếp tục.
25/9/2018
Yến Nhi
Nguồn: Trích: CHƯƠNG BA: VÀO HUẾ
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...