Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Chuyện đời thường của tác giả "Thời hoa đỏ"

Chuyện đời thường
của tác giả "Thời hoa đỏ"

“Thời hoa đỏ” được nhà thơ Thanh Tùng viết năm 1972. Một năm sau, năm 1973, chị Doãn Thị Hoàng Lan Hương, con gái nhà thơ Thanh Tùng chào đời. “Thời hoa đỏ” chưng cất trong giai đoạn nhà thơ say đắm trong tình yêu. Trái với đồn đoán của một bộ phận dư luận, rằng ông viết thi phẩm nổi tiếng này trong trạng thái suy sụp, phải vịn câu thơ đứng dậy.
Nhà thơ Thanh Tùng

Tiếc cho những cuộc tình lỡ dở của vợ
Khi còn sống, nhà thơ Thanh Tùng không ít lần tự hào nói: Kết tinh của “Thời hoa đỏ” là cô con gái rất xinh đẹp. Cuộc đời tôi có thể không có gì nhưng tôi lại có đứa con gái rất đẹp. Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng vừa tổ chức hội thảo thơ Thanh Tùng “Còn đây một thời hoa đỏ” tại Hà Nội. Đáng chú ý, hội thảo có sự góp mặt của con gái nhà thơ, chị Doãn Thị Hoàng Lan Hương, từ Sài Gòn bay ra.
Tôi thắc mắc: “Sao tên của chị dài vậy?”. Chị cười: “Bố tôi đặt. Ngày xưa, khi tôi sinh ra, ở trụ sở Hội VHNT Hải Phòng có  những đóa  hoàng lan. Bố tôi rất thích hương thơm hoàng lan nên đặt tên con là Hoàng Lan, Doãn Thị Hoàng Lan. Nhưng hình như tên Hoàng Lan trùng với tên người họ hàng bên nội, bố lại sợ dân gian nói người mang tên Lan thường có số phận khổ, nên mới thêm chữ “Hương”, thành ra cái tên dài như vậy”.
Chị Lan Hương  là kết quả của mối tình thắm thiết giữa tác giả “Thời hoa đỏ” và vợ. Bài thơ “Thời hoa đỏ”  có trước khi chị Hương ra đời: “Vì không biết lịch sử mối tình của bố mẹ tôi, nên đoạn thơ “Trong câu thơ của em/Anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say” thường bị hiểu lầm. Ai cũng nghĩ mẹ tôi bỏ bố tôi, bố tôi không được mẹ tôi yêu, bố chỉ là người đi bên cạnh cuộc đời mẹ tôi. Nhưng thật ra, đó là một ý cực đẹp trong bài thơ: Sự cao thượng trong tình yêu. Bài thơ ra đời năm 1972.
Năm 1973, tôi được sinh ra. 15 năm sau, bố mẹ tôi mới chia tay”, chị muốn “giải oan” cho “Thời hoa đỏ” cũng như “giải oan” cho bố mình.  Trong suốt buổi trò chuyện, chị Hương luôn nhắc với tôi: “Cái đẹp trong “Thời hoa đỏ” là cái đẹp cao thượng. Cha tôi tiếc cho những cuộc tình lỡ dở trong quá khứ của mẹ tôi: “Sao em không đi hết những ngày đắm say?”.
Tôi băn khoăn:  “Vì sao yêu nhau tha thiết, cuối cùng hai người vẫn mỗi người mỗi ngả?”. Con gái nhà thơ nuối tiếc: “Thơ và đời có bao giờ giống nhau?”. Rồi chị kể: “Trước khi lấy bố tôi, mẹ tôi đã có hai đời chồng. Bố tôi ghen khủng khiếp, ghen với quá khứ, ghen với tất cả đàn ông. Bởi khi ấy mẹ tôi có một cửa hàng sách báo.
Mẹ tôi vốn là người đam mê tiểu thuyết nước ngoài như “Jane Eyre”; “Sông Đông êm đềm”… lại cũng làm thơ (“Trong câu thơ của em anh không có mặt”).  Nhưng đời chồng đầu tiên của mẹ tôi lại là một cuộc hôn nhân do ông bà ngoại sắp đặt, một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc vì mẹ tôi vốn là người có tâm hồn thơ văn từ nhỏ nên giữa hai người không có sự đồng cảm về tư tưởng, văn hóa và lối sống nên họ chia tay. Từ sau lỡ dở tình đầu mẹ tôi trượt theo những điều không may mắn khác. Nếu trong thơ bố tôi viết: “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say” thì ngoài đời ông hay đay nghiến mẹ. Mẹ là người cực kỳ tự trọng. Nhiều lần, trong cuộc cãi cọ giữa bố và mẹ, tôi nghe mẹ nói: “Lời nói đọi máu”. Song có lẽ lúc ấy bố say nên không hiểu mẹ nói gì. Khoảng cách giữa hai người cứ rộng dần ra”. Họ chia tay như một điều tất yếu. Chỉ có điều khi chưa xong thủ tục ly hôn, một người đàn ông khác, cũng là một nhà văn, đã đi vào cuộc đời của người vợ Thanh Tùng, từ đó khiến bà mang điều tiếng phụ bạc chồng theo tiếng gọi tình nhân. Có thể vì thế mới dẫn đến một số thông tin sai lệch về sự ra đời của bài thơ: Vợ Thanh Tùng bỏ theo người khác, Thanh Tùng đau buồn nên mới viết “Thời hoa đỏ”.
Nhà thơ Thanh Tùng và con gái Hoàng Lan Hương
Người cha tận tâm, người đàn ông si tình
Khi bố mẹ ly dị, Lan Hương chọn đi theo bố: “Ngày ấy, mẹ bỏ đi, toàn bộ đồ đạc mẹ mang đi hết, để căn nhà lại cho bố. Trong nhà chỉ còn cái dát giường thôi. Bố ngủ trên dát giường, tôi ngủ trên một cái bảng. Bố không biết nấu ăn, không biết đi chợ, mà làm gì có tiền để đi chợ? Bố cứ khuân về một mẹt bằng tre để chuối, su hào, cà chua, rồi bố mua thêm một cái đầu cá thật to. Chẳng biết bố chế biến thế nào mà tôi ăn mãi được, từ ngày này sang ngày khác”. Chị Lan Hương lớn lên trong sự yêu thương của bố. Khi mẹ mất, chị buồn bã không chịu học, điểm số rất thấp, giáo viên thường gọi phụ huynh, nhà thơ Thanh Tùng đến nói chuyện. Thi vào cấp 3, cô con gái cũng thiếu 1.4 điểm, nhà thơ Thanh Tùng phải viết thư xin cho con được vào trường cấp 3.
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ với người phụ nữ trong “Thời hoa đỏ” không phải Thanh Tùng đã tắt lửa lòng. Qua sự giới thiệu của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, bạn thân của Thanh Tùng, ông vào Sài Gòn “góp gạo thổi cơm chung” với một người phụ nữ khác, là một viên chức thuần túy. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Người phụ nữ này  từng ném quần áo của ông ra đường, rồi thay chìa khóa nhà. Từ đó, tác giả “Thời hoa đỏ” không còn đường về. Nhưng nhà thơ là người giàu tình cảm. Ông vẫn quay lại thăm người đàn bà đã tuyệt tình với mình và phát hiện trong nhà có mùi thuốc lá. Về nhà, Thanh Tùng lại viết một bài thơ.
Chị Hương nghiệm ra: “Người phụ nữ nào cũng chia tay bố tôi. Vì bố tôi nghèo, không làm ra kinh tế, bố lại sống theo bản năng, say khướt, lả lướt suốt. Chỉ có tôi là người chung thủy với bố nhất thôi’. Ngoài “Thời hoa đỏ”, Thanh Tùng còn được người yêu thơ biết đến với thi phẩm “Hà Nội” (Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Hà Nội ngày trở về”): “Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/ Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu/ Máu vẫn âm thầm chảy/ Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/ Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên…”. Cũng trong bài thơ này, ông viết: “Quán ngập lá và mắt em đen thế/Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi”. Khác với thơ, ngoài đời, nhà thơ không uống rượu ở mức “chỉ đủ để buồn thôi”:  “Bốn giờ chiều tôi thấy bố trở về nhà là vui. Sau 4 giờ chiều, thế nào ông cũng về nhà trong trạng thái say mềm. Ban đầu lo lắng, riết cũng thành quen. Khi say bố tôi không “quậy”, con gái nhà thơ thổ lộ.
Chỉ còn nước mắt thôi
Trải qua nhiều mối tình, nhưng Thanh Tùng say đắm hơn cả mối tình với người phụ nữ của “Thời hoa đỏ”. Tuy hay ghen, hay đay nghiến vợ, song ông thương yêu vợ vô cùng. Sau này, sống với con gái, nhà thơ cũng tận tâm, tận tình như vậy. Chị Lan Hương nhớ lại: “Bố chiều con gái hiếm thấy. Bố không bắt tôi phải làm việc. Cho đến lớn, bố vẫn giặt quần áo cho tôi. Khi tôi đi làm, bố xếp giày ra sẵn, để trên xe tôi đôi găng tay và khẩu trang. Ngày nghỉ, tôi đi tập thể dục, bố sắp sẵn đôi giày. Khi tôi đưa con gái đi học, bố đứng đó cầm sẵn cái nón bảo hiểm, bởi sợ tôi quên”. Chị kết luận: “Bố tôi cực kỳ galant với phụ nữ, không riêng gì với tôi”.
Khi vợ cũ ốm nặng, con gái về chăm sóc mẹ. Thanh Tùng cũng hỗ trợ đằng sau. Ông vẫn trở về giặt quần áo, gánh nước cho vợ con, rồi lại đi. Ngày người đàn bà “Thời hoa đỏ” vĩnh biệt dương gian, Thanh Tùng đau buồn khôn xiết. Hai hôm sau, nhà thơ viết một bài thơ tặng vợ. Chị Hương tìm thấy bài thơ trong tình trạng trang giấy bị nhòe. “Có lẽ bố tôi đã khóc”, chị nói. Bài thơ có tên “Nước mắt”. Người vợ cũ của Thanh Tùng ra đi ở tuổi 49, trong một ngôi nhà trên một quả đồi: “Em chẳng hẹn bao giờ dài đến thế/ Dốc chẳng bao giờ cao đến thế/ Lời hẹn kia đã vào đất rồi/ Đỉnh dốc kia chẳng tới được em ơi (…) Chỉ còn nước mắt thôi/ Chỉ còn nước mắt thôi…
3/10/2021
Nông Hồng Diệu
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...