Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Điện ảnh - Tự quảng bá và "Tự nhiên hương"

Điện ảnh - Tự quảng bá
và "Tự nhiên hương"

Oscar không phải là liên hoan phim, mà được tổ chức theo kiểu xét giải hàng năm của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng sự tưng bừng nô nức của nó thì giống như một ngày hội của cả hành tinh. Ở mức độ ít tưng bừng hơn một chút là giải Quả Cầu Vàng của Hội các nhà báo nước ngoài tại Mỹ.
Ta đang nói đến thứ bậc của các liên hoan phim quốc tế. Bậc nhất, số một, hàng đầu, trên thế giới hiện có ba liên hoan phim. Xếp theo thứ tự: Cannes, Berlin, Venice.
Thứ hạng của các liên hoan phim
Khi bộ phim Ký sinh trùng đoạt giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes tháng 5.2019, nhiều người mê điện ảnh đã phải thốt lên: Đoạt giải Cannes, có thể coi đấy là phim hàng đầu thế giới.
Người am hiểu điện ảnh đều biết giải thưởng lớn nhất ở Cannes được xem như hạng nhất toàn cầu. Nhiều người trong nghề còn xếp Cannes cao hơn cả giải Oscar của Mỹ.
Và cái phim Ký sinh trùng kia, hơn nửa năm sau lại đoạt luôn bốn giải Oscar, trong đó có giải phim hay nhất, kỷ lục chưa từng có của một bộ phim không nói tiếng Anh trong lịch sử giải thưởng này.
Oscar không phải là liên hoan phim, mà được tổ chức theo kiểu xét giải hàng năm của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng sự tưng bừng nô nức của nó thì giống như một ngày hội của cả hành tinh. Ở mức độ ít tưng bừng hơn một chút là giải Quả Cầu Vàng của Hội các nhà báo nước ngoài tại Mỹ.
Ta đang nói đến thứ bậc của các liên hoan phim quốc tế. Bậc nhất, số một, hàng đầu, trên thế giới hiện có ba liên hoan phim. Xếp theo thứ tự: Cannes, Berlin, Venice.
Ban giám khảo liên hoan phim chỉ chấm và trao giải cho những tác phẩm được họ tuyển chọn chính thức. Họ không có thời gian để chấm những cái giải thưởng kèm theo những danh hiệu rườm rà. Đã là giải thưởng mà kèm theo đề tài hoặc danh hiệu dài dòng, có nghĩa là không phải giải chính thức, chỉ là giải phụ, giải động viên.
Quà tặng thì bao nhiêu cũng quý, một chút thôi cũng quý. Nhưng nhận quà nào thì biết mình ở mức độ nào, nếu không thì mãi mãi… sống trong ảo tưởng.
Cơ cấu giải thưởng ở những liên hoan phim này không khác nhau nhiều:
– Một giải vàng – giải lớn nhất: Cành Cọ Vàng, Gấu Vàng, Sư Tử Vàng.
– Giải thưởng lớn của ban giám khảo: gọi là lớn, nhưng là giải nhì.
– Giải thưởng (đặc biệt) của ban giám khảo: nghe thế, biết là giải ba.
– Giải xuất sắc nhất cho: đạo diễn, diễn viên nam, diễn viên nữ, quay phim. Những giải này thường được coi là giải bạc, ví dụ Gấu Bạc cho đạo diễn xuất sắc nhất.
– Giải phim đầu tay xuất sắc nhất.
Sau đó là các giải phụ như giải phim ngắn, giải phim vì nữ quyền, phim vì hòa bình, giải tuần phê bình quốc tế, giải giao lưu gặp gỡ, giải của hội tác giả, giải hội phát hành phim độc lập, giải do công chúng bình chọn… Những giải này do các tiểu ban chấm, tiểu ban làm tăng uy tín bằng cách điền thêm tên chủ tịch liên hoan phim vào và đưa danh sách cho chủ tịch ký duyệt.
Lâu lâu lại có tin phim nào đó đoạt những giải là lạ ở những liên hoan phim này. Xin mách bạn, ở các liên hoan phim quốc tế, nếu nhận được những giải thưởng có cái tên dài dòng như trên, hoặc mang tên viết tắt của hội đoàn tổ chức nào đó (kiểu như FEDEORA, SACD, FIPRESCI, ACID/CCAS…) bạn hiểu ngay đó là những giải thêm giải nếm cho đông vui. Nếu những giải thưởng chính thức là đại sảnh thì những cái giải này có thể coi là “lối nhỏ vào đời”.
Một đạo diễn không nhận được giải Oscar, cũng không phải giải chính thức của ba liên hoan phim số một thế giới, mà là một liên hoan phim quốc tế nào đó, ta hiểu anh ta đoạt giải thưởng của những liên hoan phim hạng hai, hạng ba, hạng tư. Đấy là những liên hoan phim được coi là nhỏ, không hẳn do quy mô mà vì uy tín không cao, không được chú ý nhiều.
Thẳng thắn mà nói, đây là những liên hoan phim hạng hai, hạng ba, hạng tư: Toronto, Sundance, New York, London, Moscow, San Sebastian, Locarno, Bergamo, Nantes, Busan, Stockholm, Kyoto, Tokyo, Fribourg, Hong Kong, Bratislava, Đài Loan, Singapore… Danh sách còn dài, cũng không cần phải nhớ hết. Mấy cái liên hoan phim cuối bảng trên, hoặc như liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức ở đâu thì chỉ nơi ấy đưa tin, các báo chí chuyên về điện ảnh thế giới có khi chẳng nhắc đến một dòng.
Nhưng người làm phim có quyền tự an ủi mà rằng: có những đạo diễn tầm cỡ thế giới, cả đời không tham dự một liên hoan phim nào, họ chủ động đứng ra bên ngoài mọi khuôn thước, mọi sự định giá. Ngược lại, cũng có những đạo diễn được mời dự thi, nhưng các ban giám khảo không có khả năng đánh giá.
Đấy là một thực tế, nhưng còn một thực tế nữa: chính các liên hoan phim hàng đầu là nơi phát hiện ra những nền điện ảnh lớn. Từ những năm 1980, họ phát hiện ra điện ảnh Iran với những tên tuổi lớn: Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf, Asghar Farhadi… Từ thập kỷ 1990, họ phát hiện ra điện ảnh Trung Quốc, với những Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Khương Văn… Sau đó một chút là điện ảnh Hàn Quốc với Kim Ki-Duk, Lee Chang-dong, Bong Joon Ho…
Phim Hàn Quốc Xuân hạ thu đông… rồi lại xuân, đạo diễn Kim Ki-duk
Hàn Quốc: Không ỉ vào hữu xạ tự nhiên hương
Điện ảnh Hàn Quốc nổi lên cũng là nhờ một chiến lược khuếch trương trên thế giới hình ảnh đất nước mình. Có hẳn một cơ quan chuyên tâm làm công việc quảng bá làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Anh có thể chưa biết tôi đẹp tôi tốt, vậy thì tôi phải chủ động giới thiệu về tôi. Cách đầu tư cũng thật ráo riết, chẳng hạn Viện dịch thuật văn chương Hàn Quốc chỉ đầu tư để dịch văn chương Hàn Quốc ra nước ngoài, nhưng cùng lúc họ không cấp kinh phí để đầu tư cho việc dịch văn chương nước ngoài vào Hàn Quốc. Chỉ một chiều, như thế chưa hẳn đã cân đối cho một nền nghệ thuật, nhưng nó thể hiện ý chí chỉ bắn đi một mũi tên và quyết liệt tiến về phía trước để bắn trúng đích.
Thông qua các hình thức giải trí, đặc biệt là điện ảnh, Hàn Quốc đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và thúc đẩy xuất khẩu. Phim Hàn Quốc đã chiếm lĩnh màn ảnh truyền hình ở các châu lục. Từ phim mà dân chúng nhiều nước tiếp nhận thời trang, mỹ phẩm, các tiến bộ khoa học và kinh tế của Hàn Quốc. Ở những nước văn hóa Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, hay ở tận những làng quê Trung Đông xa xôi, người ta chờ xem từng tập phim mới của Hàn Quốc trên ti vi. Kiểm duyệt Iran vốn nghiêm khắc, họ cắt bỏ những cảnh nóng, nhưng vẫn phải chấp nhận những nhân vật phụ nữ Hàn Quốc không có khăn trùm đầu ở trên phim. Đấy đã coi là một thành công của Hàn Quốc trong việc quảng bá văn hóa dân tộc mình.
Bây giờ thì cả thế giới đã phải xem phim Hàn Quốc. Lượng phim Hàn nhập vào quá nhiều, đến mức phải lựa chọn, vì không phải phim nào cũng có chất lượng cao. Nhưng nếu biết lựa chọn, thì giới khán giả nào cũng có thể tìm được loại phim hợp gu mình.
Nhưng phim truyền hình Hàn Quốc chủ yếu thành công ở mức độ phổ cập rộng rãi. Còn muốn xem phim có giá trị nghệ thuật cao thì người ta thường phải tìm đến phim điện ảnh. Một hiện tượng điện ảnh như Kim Ki-duk thuộc diện không dễ xem, có phim chiếu ở rạp rất vắng khách, nhưng những bộ phim ấy đoạt nhiều giải thưởng lớn ở những liên hoan phim quốc tế hàng đầu. Có những phim trong vài tiếng đồng hồ chỉ có dăm ba câu đối thoại, hình ảnh đã nói lên tất cả – đạo diễn đã đi đến tận cùng của việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Có phim, như Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân thì vẫn một nhân vật ấy thôi, nhưng qua mỗi chặng của đời người lại do một diễn viên khác đóng – một thông điệp triết học về sự biến hóa tính cách ngay trong một kiếp người.
Trước những năm 1990, điện ảnh Hàn Quốc ở trong tình trạng thường thường bậc trung, đầy chất lâm li kiểu châu Á. Nhưng những người làm chính sách nghệ thuật đã sáng suốt nhìn xa trông rộng, họ tạm ngừng ngắn một thời gian và chủ động gửi một thế hệ đạo diễn sang học ở phương Tây. Nỗ lực đã thành công, con vịt nhỏ đã hóa thành thiên nga. Vấn đề ở chỗ họ đã chọn đúng người tài để gửi đi, đúng người đúng việc. Nếu chỉ là những tài năng nho nhỏ thì điện ảnh Hàn không thể bứt phá ngoạn mục như vậy. Thế giới đã từ mê phim Hàn mà chuyển sang mê nhạc, mê thời trang, mê mỹ phẩm, mê sản phẩm tiêu dùng, rồi mê đất nước Hàn Quốc từ lúc nào không biết.
Có thể tạm kể ra đây một số thành tựu điện ảnh Hàn Quốc rất thành công ở các liên hoan phim quốc tế số một. Đấy là Kim Ki-duk, một đạo diễn tự học (từ Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân đến Căn phòng trống, Tuổi thơ lạc loài, Cánh cung, Pieta…), Im Kwon Teak (Ngọn lửa trong tranh, Nàng Chunhyang), Lee Chang-dong (Ốc đảo), Jeong-Hyang Lee (Đường về quê ngoại), Park Chan Wook (Cảm thông với người đàn bà báo thù, Trai già), Bong Joon-ho (Ký sinh trùng) và phim của những đạo diễn khác như Nhà vua và anh hề, Ngọn cờ Thái Cực (Anh em trong chiến tranh), Song hoa điếm, Câu chuyện cổ điển… Những đạo diễn và những tác phẩm này gây được hiệu ứng lớn trong công chúng và trong những người làm nghệ thuật.
Nhìn lại để thấy thành công của điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế nhờ rất nhiều vào nỗ lực của cả một đất nước. Ở đấy, người ta có chiến lược có ngân sách đáng kể để quảng bá sản phẩm. Phải có tài năng lớn, tất nhiên rồi. Nhưng có tài mà chẳng cậy tài, chẳng ỉ vào tư tưởng hữu xạ tự nhiên hương.
Phim Iran Ngày tôi trở thành thiếu nữ, đạo diễn Marzieh Meshkini
Iran: Chỉ làm phim nghệ thuật
Khoảng thời gian 2011-2015, tôi ở khá gần Bảo tàng Điện ảnh Iran. Trong bảo tàng có hai phòng chiếu, mỗi ngày chiếu bốn buổi, chiếu cả phim kinh điển lẫn phim mới. Bên sườn bảo tàng có một cửa hàng bán đĩa nhạc đĩa phim, tôi tìm được ở đấy nhiều phim kinh điển.
Đầu năm 2011, đúng vào dịp tết của Iran, lần đầu tiên tôi đến Bảo tàng Điện ảnh và xem bộ phim còn nóng hổi Chia ly, vừa mới đoạt giải Gấu Vàng ở Berlin, rồi một năm sau đó đoạt giải Oscar 2012 và càn quét tất cả các giải thưởng quốc tế quan trọng. Từ đấy tôi hay lui tới cái vườn điện ảnh này, xem một bộ phim, ngồi trong quán cà phê rất có gu bên vườn hoa có đài phun nước.
Xem hết ba tầng bảo tàng mới càng thấy cái vĩ đại của một nền điện ảnh. Hơn bốn chục năm qua, Iran đã đoạt hơn một trăm giải thưởng tại các Liên hoan phim hàng đầu thế giới như Cannes, Berlin, Venice, Sundance, Chicago, Toronto… Mà đấy là những giải vàng, giải bạc, giải đồng hẳn hoi, không phải là giải khuyến khích hoặc giải tặng thêm cho những đề tài văn hóa xã hội.
Giở lại lịch sử, điện ảnh bắt đầu xâm nhập vào Iran đầu thế kỷ XX. Rạp chiếu phim đầu tiên được khánh thành ở thành phố Tabriz, trung tâm vùng tây bắc, từ năm 1900. Bốn năm sau, rạp chiếu phim thứ hai được xây lên và sáng đèn ở thủ đô Tehran. Người mê phim nô nức kéo đến. Nghệ sĩ mê phim nỗ lực làm phim. Trước cách mạng 1979, điện ảnh Iran đã được chú ý với một Đợt Sóng Mới, trong đó Abbas Kiarostami là một tài năng trẻ. Sau đó xuất hiện một Đợt Sóng Mới nữa, lần này hùng hậu một đội ngũ, trong đó có Bahman Ghobadi, Jafar Panahi, đặc biệt là gia đình đạo diễn Mohsen Makhmalbaf, gồm cả vợ, con gái, con trai, được giới điện ảnh phương Tây gọi là một triều đại điện ảnh (The Makhmalbaf Family – A Cinema Dynasty).
Trước khi đến Iran, tôi biết thế giới từ lâu đã ngả mũ kính phục những đạo diễn Iran kiệt xuất, những người giật hết các giải thưởng quốc tế ở Cannes, Berlin, Venice. Abbas Kiarostami với Hương vị anh đào, Cận cảnh, Gió cuốn chúng ta đi. Mohsen Makhmalbaf với Gabbeh, Sự yên lặng đã thành công vang dội. Sau đó con gái ông là Samira Makhmalbaf mới mười tám tuổi đã đoạt giải Camera Vàng cho phim đầu tay ở Cannes với phim Quả táo, rồi mấy năm sau cô lại hai lần đoạt giải thưởng của Ban Giám khảo (giải ba) ở Cannes với phim Bảng đen, Lúc năm giờ chiều.
Có thể kể tiếp vài chục đạo diễn nữa, người nào cũng đã “bỏ túi” mấy giải thưởng lớn ở các liên hoan quốc tế hàng đầu. Không phải chỉ một giải, mà mấy giải khác nhau luôn.
Hầu như người ta ai cũng mê xem phim. Nhưng mê phim như người Iran thì hiếm thấy. Bộ phim Cận cảnh (Close-up) của đạo diễn bậc thầy Abbas Kiarostami là câu chuyện một anh chàng mê phim quá mà mạo nhận mình là đạo diễn điện ảnh Mohsen Makhmalbaf. Những người bị anh ta lừa chẳng qua cũng vì quá mê điện ảnh. “Vụ án lừa đảo” như vậy thật sự đã xảy ra và trở thành một giai thoại điện ảnh được truyền nhau ở Iran từ cuối những năm 1980.
Một nền điện ảnh lớn cần có khán giả lớn. Tất nhiên đầu tiên và trên hết, nền điện ảnh lớn cần những nghệ sĩ lớn: đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim và các khâu khác. Gốc rễ của điện ảnh, và của nhiều ngành nghệ thuật, suy cho cùng là văn chương. Không có kịch bản văn chương hay thì các đạo diễn lớn và nghệ sĩ lớn cũng khó làm nên được một bộ phim hay. Nói đến thế, mới thấy hầu hết những phim hay của Iran đều có kịch bản tuyệt vời.
Không hề là sự ngẫu nhiên, Iran là đất nước của thơ ca, của triết học. Một thiên sử thi đồ sộ như Hoàng đế kinh của thi hào Ferdosi đã dài gấp gần bốn mươi lần Truyện Kiều, mà hầu như không người Iran nào không thuộc một câu một đoạn trong ấy. Một sự nghiệp thơ đồ sộ như của Hafez cũng đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày, được dân chúng đem ra bói như bói Kiều ở ta. Từ cổ đại, Iran đã là mảnh đất nảy nở những thiên tài triết học và thơ ca như Omar Khayyam, Hafez, Saadi, Rumi, Ferdosi… Một đại thi hào như Omar Khayyam nổi danh từ cuối thế kỷ XI, rồi đến năm 1858, lần đầu tiên bảy mươi lăm bài thơ tứ tuyệt của ông được nhà văn Anh Edward FitzGerald dịch ra tiếng Anh. Chùm thơ này lập tức trở thành một hiện tượng, Omar Khayyam dường như xuất hiện trong một ánh sáng mới, trở nên nổi tiếng khắp Âu – Mỹ. Tên của nhà thơ Ba Tư cổ điển được lấy để đặt cho nhiều quán rượu và câu lạc bộ ở châu Âu.
Một truyền thống triết học và văn chương rực rỡ không hề đứt đoạn suốt cả mấy nghìn năm, thì mới thành cái vốn cơ bản, cái của để dành, cho các nghệ sĩ điện ảnh hôm nay. Từ những những chi tiết nho nhỏ như tấm thảm gắn bó với một đời người, đến mức thảm cũng có hồn cốt có số phận (phim Gabbeh). Từ chuyện mấy giáo viên miền núi đeo trên lưng một tấm bảng đen, đi từ làng này sang làng khác để dỗ dành người ta học chữ (Bảng đen). Chuyện phụ nữ bị cấm xem đá bóng dẫn đến việc mấy cô gái đóng giả con trai vào xem và bị bắt (Bên ngoài sân bóng). Chuyện cặp vợ chồng phải chia tay vì người vợ muốn cả nhà ra nước ngoài, còn người chồng chọn ở lại để chăm sóc cha già ốm đau (Chia ly). Từ chuyện một chú bé mù đi làm thuê cho xưởng nhạc cụ, cảm nhận được tận cùng của âm thanh là im lặng (Sự im lặng). Từ những chi tiết nho nhỏ như hai anh em nhà nghèo phải chung nhau một đôi giày, em đi học sáng, trưa về bàn giao cho anh đi học buổi chiều (phim Con của trời). Từ những bộ phim phải mượn chuyện trẻ con để nói chuyện người lớn… các nghệ sĩ đã phát hiện ra trong ấy những vấn đề triết học lớn và sáng tạo ra những tác phẩm lớn. Một đất nước Tây Á xa xôi, vốn bị các nước Âu – Mỹ kỳ thị và cô lập, bỗng nhiên xuất hiện chói sáng trên bản đồ điện ảnh thế giới, làm cho những người kỳ thị mình phải kính phục. Điện ảnh Iran lớn là nhờ ý nghĩa lớn lao xuất phát từ những điều nho nhỏ, những bộ phim kinh phí thấp, ít diễn viên, ít đại cảnh mà lay động lòng người.
Đạo diễn nước nào than thở khó làm phim vì thiếu tiền, thiếu kỹ thuật hiện đại, thiếu hội đồng duyệt cởi mở, xin hãy nhìn vào điều kiện làm phim ở Iran. Hầu như phim nào cũng kinh phí thấp, không có đại cảnh. Hầu như phim nào cũng giản tiện kỹ thuật, máy quay không chân không cần trục, để trên vai nhấp nhô mà quay, có khi không dùng phản quang mà chơi luôn ánh sáng tự nhiên, in tráng làm luôn trong nước. Hầu như phim nào cũng có vấn đề với hội đồng duyệt: luật pháp nhà nước, luật tôn giáo. Chỉ một chiếc khăn trùm đầu của nhân vật nữ vô tình hơi trễ xuống, để lộ một chút tóc, có thể phải cắt cảnh hoặc bỏ luôn cả phim.
Đã có không ít phim làm xong, đưa đi dự liên hoan phim quốc tế, đoạt giải cao, về nước thì cho vào kho, không được chiếu. Đã có nhiều phim bị cấm, nhiều nghệ sĩ phải chịu trừng phạt. Chẳng hạn Jafar Panahi, đạo diễn những bộ phim kiệt xuất như Bóng bay trắng, Vòng đời, Bên ngoài sân bóng… đoạt hết các giải chính thức ở đủ ba liên hoan phim số một, nhưng rồi phim bị cấm chiếu, đạo diễn bị bỏ tù sáu năm và cấm làm phim hai mươi năm tiếp theo. Bị cấm xuất cảnh, ông bí mật làm một bộ phim tối giản mang tên Không phải là phim, bỏ cái USB trong một chiếc bánh cho người mang sang liên hoan phim Cannes. Ba phim tiếp theo của ông đều quay bí mật, được bí mật gửi đi là Màn đã đóng, Taxi, Ba gương mặt đều đoạt giải chính thức ở Cannes và Berlin. Gọi là quay bí mật, không phải kéo nhau vào sa mạc vắng vẻ để quay mà có khi quay ngay giữa phố phường, máy quay giấu kín. Diễn viên cũng không tô son trát phấn cho khác thường, cứ mặt mộc giản dị đi lại như đang sống thật, giữa đường phố, giữa cửa hàng cửa hiệu.
Kiểm duyệt thật hà khắc. Đồng thời thể chế toàn trị luôn chủ trương chỉ làm phim nghệ thuật. Phim thương mại bị coi là phù phiếm vô giá trị. Ở Iran người xem đến rạp nô nức cũng chỉ xem phim nghệ thuật. Hoàn cảnh đó khiến nghệ sĩ có thể chuyên tâm làm nghệ thuật, và tài năng lớn thì biết tìm ra cách thể hiện độc đáo sâu sắc. Kiểm duyệt gắt gao, vậy người ta phải vắt óc để tìm ra biểu tượng, dùng phương pháp ẩn dụ để mã hóa tư tưởng của mình. Cách làm đó trùng hợp với đặc trưng của nghệ thuật: mọi tư tưởng phải được nói lên bằng biểu tượng và hình tượng nghệ thuật.
Trường hợp Iran khiến người ta nhớ đến một thời Đông Âu có làm phim thì cũng chỉ được làm phim nghệ thuật, trong đầu nghệ sĩ không một chút tơ tưởng phim thương mại. Trong bối cảnh có thể coi là “thuận lợi” ấy, nếu có tài năng lớn thì kiểu gì cũng thành công và phương Tây dù kỳ thị cũng phải trao những giải lớn ở Cannes, Berlin, Venice và cả giải Oscar: Grigory Chukhray với Người thứ 41, Bài ca người lính. Mikhail Kalatozov với Đàn sếu bay qua. Sergey Bondarchuk với Chiến tranh và hòa bình. Vladimir Menshov với Matxkva không tin vào những giọt nước mắt. Andrey Konchalovsky với Người Siberia, Cậu Vanya. Andrey Tarkovsky với Chiếc gương, Tuổi thơ của Ivan, Hy sinh… Các nước Đông Âu chỉ được làm phim nghệ thuật cũng có những đạo diễn kiệt xuất đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim lớn và giải Oscar: Andrzej Wajda của Ba Lan với Không gây mê, Vùng đất hứa. István Szabó của Hungary với phim Mephisto, Đại tá Redl, Mặt trời sáng tỏ. Miloš Forman của Tiệp Khắc về sau sang làm cho Hollywood những phim đoạt Oscar: Amadeus, Bay trên tổ chim cúc cu…
Trở lại với điện ảnh Iran. Thể chế chỉ cho làm phim nghệ thuật và kiểm duyệt khắt khe. Móng tay nhọn nhưng… vỏ quýt tài năng còn dày hơn. Cả một đội ngũ hùng hậu khiến một bảo tàng điện ảnh chật chỗ vì chứa hơn một trăm cúp vàng cúp bạc của họ. Ở đâu đó, người ta phải chủ động xuất khẩu, chủ động quảng bá phim của mình ra bên ngoài. Ở Iran thì không thế, thiên hạ phải tự tìm đến mà chiêm ngưỡng.
20/2/2022
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...