Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Chút nỗi niềm riêng

Chút nỗi niềm riêng

Cũng gần xấp xỉ 50 nhưng chị vẫn giữ được nét thanh xuân mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có. Chị đẹp, nét đẹp dịu dàng đằm thắm nhưng không kém phần mặn mà, chất phát giống như những cô thôn nữ nơi vùng quê sông nước.
Chị đến với anh bằng cái mối tình đầu thiệt đẹp. Hai người quen biết và yêu thương nhau từ thời còn học chung dưới mái trường sư phạm. Anh không đẹp như soái ca mà tụi nhỏ bây giờ thường hay nhắc đến, nhưng ở anh luôn hiện lên cái chất phác, thiệt tình đúng với bản chất của người dân quê thứ thiệt. Anh ga lăng và luôn quan tâm đến chị từ những điều nhỏ nhất. Ra trường không bao lâu anh chị cưới nhau. Cả hai đều sống xa gia đình nên cái đám cưới diễn ra tại một ngôi trường vùng sâu do lãnh đạo đứng ra tổ chức. Chỉ là cái đám cưới nhỏ thôi nhưng đầy ắp tình cảm từ đồng nghiệp, phụ huynh và cả học sinh ở vùng còn nghèo. Nhìn anh chị tay trong tay trong ngày cưới ai cũng thầm mong anh chị luôn hạnh phúc.
Thời bao cấp đồng lương giáo viên còn ít ỏi thế nhưng anh chị vẫn vui vẻ, sống hạnh phúc với nhau. Anh lúc nào cũng quan tâm, thương yêu chị. Chị lại là người khéo vát đảm đang, biết vun vén, chăm lo gia đình nên cũng không gặp vấn đề khó khăn về kinh tế. Những đứa con lần lượt ra đời. Sướng cái là có cả nếp cả tẻ đấy chứ. Người ngoài nhìn vào ai cũng tỏ vẻ thèm thuồng và lắm lúc ganh tị với những gì chị có được.
Anh được đề bạt làm lãnh đạo sau một thời gian dài công tác. Cũng xứng đáng thôi bởi anh luôn tâm huyết với nghề. Công việc ở trường càng lúc càng nhiều hơn. Chị hiểu cái áp lực mà anh đang có. Vẫn là đồng nghiệp khi ở trường, về nhà chị luôn là hậu phương vững chắc. Chị luôn chu đáo lo cho chồng, con từng miếng ăn, giấc ngủ. Biết anh ưa món cải chua chấm nước cá kho nên trong bếp lúc nào cũng có một hủ bự. Biết con cái đứa ưa món này, thích món kia chị thường làm cho tụi nhỏ.
Cả thời thanh xuân của mình chị đều dành hết cho chồng cho con. Vậy mà thời gian gần đây anh lại có những biểu hiện rất lạ. Anh không còn dành cho chị những cử chỉ ân cần, sự quan tâm mà anh đã từng, thậm chí có lúc anh dường như muốn tránh né chị. Lúc đầu chị nghĩ chắc có lẽ công việc càng lúc càng nhiều anh mệt mỏi nên chị cũng cảm thông. Thế nhưng cái khoảng cách chồng vợ mỗi lúc một xa dần, dẫu rằng con cái giờ cũng đã lớn nhưng cái khát khao về chuyện tình cảm, sự ham muốn chị vẫn còn mà.
Những đêm dài thao thức, chị cứ trằn trọc không sao ngủ được khi bên mình anh vẫn nằm ngủ, ngáy đều đều. Có mấy lần chị cũng chủ động quay sang ôm anh, lúc đầu anh còn miễn cưỡng nhưng sau đó vài lần anh gỡ tay chị ra rồi nằm quay mặt vào vách tường. Chị ngỡ ngàng và chẳng hiểu vì sao. Lòng tự trọng của người phụ nữ nên chị cố nén, nhưng giọt nước mắt tủi phận cứ chực trào.
Mỗi ngày ngoài niềm vui cùng với học trò trên lớp, về lại nhà chị lủi thủi giống như một cái bóng vật vờ. Cứ làm một ô sin không hơn không kém. Đứa con lớn đã vào đại học trong khi đứa nhỏ sắp sửa tốt nghiệp 12. Vì con chị cứ âm thầm chịu đựng. Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ chị hạnh phúc lắm nhưng mấy ai biết được đằng sau sự vui vẻ, tươi trẻ mà chị cố gắng cho mọi người thấy là sự cô đơn, trống vắng mà chị phải chịu đựng trong suốt một thời gian dài?
Có lúc chị cũng nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc hôn nhân vừa nhàm chán vừa buồn tẻ như thế này nhưng chị lại nghĩ về hai đứa con rồi lại tiếp tục chịu đựng. Chị tự động ra ngủ riêng một mình để xem phản ứng của anh như thế nào nhưng đâu cũng vào đấy, anh vẫn dững dưng như không có chuyện gì xảy ra. Phải chi ngày xưa anh đừng vồ vập yêu thương chị, đừng quan tâm chị thái quá thì sự hờ hững, lạnh nhạt của anh dành cho chị bây giờ đâu có nghĩa lý gì. Đằng này… Chị buồn, chị tủi và tự hỏi không biết mình có làm gì nên tội sao anh lại đối xử chị như thế? Nước mắt cứ chảy dài thấm ướt cả chiếc gối hàng đêm.
Chị bây giờ tiều tụy hơn nhưng nét thanh xuân vẫn còn phảng phất đâu đó. Chị biết những việc mình đang làm hiện giờ cũng chỉ vì tương lai của hai đứa con. Hễ mỗi khi màn đêm buông xuống chị lại thấy đắng lòng, bởi có chồng mà cũng như không. Nhiều lúc nhìn lên trần nhà, thấy mấy con thạch sùng buông mình xuống và kêu mấy tiếng nghe buồn đến não nuột. Ngẫm lại cuộc đời mình chị cảm thấy vừa buồn vừa đau…
4/12/2022
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Thân thương rau dại miệt đồng

Thân thương rau dại miệt đồng

Một ngày bình yên nơi đồng bưng, tôi ngồi giữa chiếc xuồng ba lá nhỏ thả trôi theo con nước lớn, nước ròng.  Nhìn trời xanh, mây trắng, gió mơn man cùng một màu xanh mướt mắt của những loài rau dại miệt quê, tôi như được thả mình trong sự  thanh bình yên ả của thiên nhiên.
Con sông quê nước vẫn xanh biêng biếc, chiếc cầu nhỏ bắt ngang qua sông làm tôi không kìm được cảm xúc bồi hồi, xao xuyến. Tôi có cảm giác như đang trở về dòng sông tuổi thơ của mình. Con đường mòn lọt thõm giữa bờ cỏ hoang dại dẫn tôi về xóm nhỏ thân thương. Tôi nhớ người dân quê tôi hay nói vui với nhau “ Xứ mình cái gì thiếu chớ rau dại thì không thiếu à nhen, đâu đâu cũng thấy ”.  Những loài rau dại tuy dân dã, mộc mạc nhưng thấm đẫm hồn quê của vùng Đồng Tháp Mười đầy khởi sắc.
Tôi nhớ hồi nhỏ, trước nhà có con kênh lớn, lục bình hay tấp đầy kênh. Mỗi dịp nghỉ hè nước lên lé đé, những đứa trẻ như tôi hay bơi xuồng ra kênh để ngắt ngó lục bình đem về cho má tôi nấu các món ăn dân dã. Thời đó, ngó lục bình hầu như hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân nghèo ở vùng quê sông nước. Những ngày mưa gió trở trời, tôi hay canh tạnh mưa là đi cắt ngó lục bình vì sau mưa ngó lục bình “trổ mã” rất nhanh, đọt ngó non tơ xanh mơn mởn. Ngoài ra, phần thân non phía dưới cây lục bình ăn được, bông lục bình ăn rất ngon. Những món ăn làm từ lục bình không quá cầu kỳ, phức tạp chỉ là: Ngó lục bình xào tép đồng, canh chua lươn với lục bình, cháo cá lóc nhúng bông lục bình,…Càng trở nên hoàn hảo khi ăn cùng chén cơm trắng mùa vụ, hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt đồng quê hòa huyện vào nhau đã khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản riêng, rất thi vị.
“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn đã khiến lòng người xa quê bâng khuâng hoài niệm về những ký ức ấu thơ. Một thời gợi thương, gợi nhớ về rau đắng đất. Loại rau mọc hoang dại ở các mô đất quanh nhà, dọc bờ kênh quanh ruộng lúa, có lá nhỏ nhưng loại rau này có vị đắng “cực đại” nên thường chỉ những người dân quê hoặc người “sành ăn” mới đủ sức nếm vị siêu đắng của rau này.
Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt trời sa mưa giông như mùa này, thể nào đám rau đắng đất trong ruộng cũng “nhổ giò” thiệt nhanh. Khi đó, đám con nít trong xóm tụi tôi lại được bữa la cà ngoài đồng hái rau đắng. Chẳng phải vì thèm ăn, mà chỉ là một thú chơi sau ngày mưa, y như thú đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng, hay giống như thú chơi khi mỗi đợt lũ về tôi cùng đám bạn trong xóm đi xuồng ba lá nhỏ ra kênh ngồi câu cá rô, cá lòng tong, hay đi đặt sờ di bắt cá lóc đồng đem về nấu cháo. Để rồi bên chái bếp hiên sau, có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất nóng hổi, mà má dành cho lũ trẻ chúng tôi ăn cho giải cảm, lại no bụng trong những ngày mưa gió lao xao về.
Nồi cháo giải cảm của má chỉ có vài hạt gạo trắng tinh nở bung như hoa súng, hoa sen quê tôi, kèm với mấy lát cá lóc và gừng thái chỉ bốc khói nghi ngút. Má múc cháo ra tô rồi cho vào một dúm rau đắng xanh non, rắc thêm một chút muối tiêu vào, đứa nào cũng húp xì xà xì xụp rồi miệng cười tí toét: “Má ơi! cho con chén nữa”. Mùi quê  lại lâng lâng trong từng thớ thịt của người con vùng Đồng Tháp Mười. Hương vị ấy phải được hòa cùng mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng cùng nồi cháo được bắt trên cái cà ràng làm bằng đất sét rồi chụm năm ba cây củi quê than đỏ rừng rực mới ấm lòng, ngọt ngào cho những ai từng bôn ba xứ người.
Những ngày nước lên, tôi cùng má bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, giữa bềnh bồng sóng nước, chiếc xuồng ba lá nhỏ chao nghiêng, cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm hai má con. Bỗng tiếng má từ mũi xuồng vọng lại “Bây cứ ngồi yên, đừng có lắc càng lắc là cái xuồng chìm luôn đó”. Nghe lời má tôi chẳng dám nhúc nhít. Thật vậy, sau đợt sóng to chiếc xuồng vững vàng, không lảo đảo nữa. Tôi lại nhớ bài hát Bông Điên Điển“Với màu điên điển say mê/Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/Trót thương tình nghĩa vợ chồng/Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/Tình thương em khó mà lường”….
Trên cánh đồng lúc này rợp sắc vàng tươi của bông điên điển. Đúng bài thì bông điên điển phải nấu canh chua cùng cá linh non. Bên tô canh chua bông điên điển cá linh nghi ngút khói. Trong tiết trời ẩm ướt thế này, chấm những con cá linh vào chén nước mắm dầm ớt cay, húp chén canh chua, vị ngòn ngọt của bông điên điển, vị beo béo từ cá linh hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị mà ai đã từng xa quê chỉ nghe rưng rức trong lòng bởi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Sau cơn mưa nặng hạt, tôi hay bơi xuồng ra kênh hái rau muống đồng. Rau muống nổi theo nước, rể hút phù sa tràn về cọng no tròn cỡ ngón tay cái, ăn giòn rụm. Đọt rau muống hái về rửa sạch, ăn sống hoặc luộc chấm với cá kho, mắm kho, sẽ làm cho bữa cơm lúa mùa thêm ngon miệng. Rau muống cũng có thể dùng nấu canh chua cá lóc đồng, cá dồ. Đơn giản là vậy, nhưng sao mà quyến rũ biết bao.
Ngoài bông điên điển, rau muống đồng. Bà con vùng Đồng Tháp Mười còn mê loại bông súng ma mà chỉ có trong mùa nước lên. Dù mọc hoang dại nhưng bông súng ma có nguyên tắc tồn tại riêng của mình. “Nàng tiên ruộng đồng” chỉ xuất hiện trong mùa nước lên, mực nước càng cao bông súng càng vươn mình ngoi lên mặt nước, tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng. Cha tôi cùng mấy chú trong xóm lại hò nhau đi hái bông súng ma lúc sáng sớm. Hễ gặp cộng nào xanh non, tươi mà nhổ, làm sạch bùn đất. Đôi ba cộng cha tôi lại khoanh tròn đem về cho má. Má tôi bắt tay làm mấy món dân dã từ bông súng ma: Bông súng nấu canh chua cá rô đồng, ăn sống chấm mắm kho, bóp xổi chấm cá kho, xào với tóp mỡ,…Cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc vào mùa nước lên.  Tất cả trở thành miền ký ức tươi đẹp và tràn đầy yêu thương.
Về miền Tây, len lỏi sâu vào các xóm nhỏ thân thương, hầu như chỗ nào cũng có đọt rau trai, đọt nhãn lồng. Chúng mọc hoang trong vườn nhà, có khi mọc lan ra mé kinh, bờ ruộng. “Cá kho chấm đọt nhãn lồng, ngày má gả chồng con vẫn nhớ quê” . Đúng vậy, đọt nhãn lồng mà hái xong rửa qua nước để ráo, luộc chấm cá kho là hết xảy. Rau trai, đọt nhãn lồng kết hợp cùng nhau nấu một nồi canh tập tàng cùng mớ tép đồng hoặc cá rô mề cũng ngon dữ lắm.
Cảm ơn quê hương yêu dấu của tôi đã sản sinh ra những con cá, con tôm, cọng rau, ngọn cỏ. Tất cả đều nồng nàn, thấm đẫm hương vị đất trời. Nuôi dưỡng những hoài bão, ước mơ nhỏ bé để tôi có một tâm hồn nhạy cảm như hôm nay.
Giữa nền trời xanh thẳm, giữa bốn bề cảnh sắc quê hương, tất cả những hình ảnh thân thương về rau dại miệt đồng chính là đặc sản trời ban hiện lên càng điểm tô thêm cho vẻ đẹp cuộc sống ngọt ngào của người dân vùng Đồng Tháp Mười chân chất, mộc mạc. Để rồi, người ở lại thì luôn chung thủy một lòng, kẻ ra đi thì hoài niệm ký ức tuổi thơ…
7/12/2022
Diệp Linh 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Nhớ mùi hoa móng rồng

Nhớ mùi hoa móng rồng

Mùa thu se sẽ trườn về trong không gian hanh hao một nỗi bâng khuâng chuyển giao đất trời! Lang thang trên con đường ngày nào, con đường  làng nay đã thành phố, mọi thứ đổi thay với tòa nhà cao tầng, những bụi hoa cảnh trên ban công không hương sắc, chiếc xe ô tô vụt qua, cuốn theo chút bụi và lá khô xào xạc…
Bất chợt, lắng nghe trong không gian thứ hương  thơm vừa lạ vừa quen, cồn cào hồi ức.  Đây rồi! Cây móng rồng trong vườn xưa còn đó,  giờ như người gác vườn trầm tư có thân vóc trưởng thành. Không còn là người bạn mảnh khảnh ngày nào mà lũ trẻ chúng tôi chỉ cần rướn người là có cả chùm hoa vàng ruộm, mang về cho bà đặt lễ dâng các bậc thánh thần- tổ tiên. Bà quý cây móng rồng lắm, hàng ngày tưới nước, chăm bón chờ từng bông hoa hé nở.
Móng rồng không lớn nhanh như lũ cây bình thường trong vườn thì phải, nó đủng đỉnh như không biết tới sự cặm cụi tưới tắm, ngóng trông. Tôi nhớ cái ngày ấy, sáng sớm thức dậy trong tiết thu se se,  bỗng thoang thoảng mùi mít chín. “Bà ơi, bà mua mít hả bà, thơm thế!”. Tôi chạy lên nhà rồi lại vào gian bếp, đi ra giữa sân mà đâu thấy có quả mít nào. Lại ngó nghiêng, hít hà mùi thơm quyến rũ, mời gọi.
“Không phải mít chín đâu, hoa móng rồng đấy!” Tôi ào ra vườn, háo hức  ngó nghiêng đám lá, kia rồi, chùm hoa mọc ra từ thân cành, màu vẫn xanh biếc. Mùi hương  tỏa ra lúc đậm lúc thanh, nồng ngọt đến nao lòng. Có  một bông bên cạnh đang chín vàng,  dầy như sơ mít cái, cánh hoa dài thuôn như nét vẽ trên nền xanh của lá, vài canh xoăn lại e ấp, chỉ chờ bung ra cho mùi hương thơm đến tận cùng. Mùi hương ngọt ngào ấy, đã từ lâu lắm, nó ngấm vào tâm can sâu thẳm trong tôi, một mùi hương tỏa lan, ngọt dịu, nồng nàn, trong vắt. Tôi nhắm mắt lại. Tuổi thơ đẹp đẽ trong ngôi nhà của bà hiện về. Và cả nụ cười của bà nữa.
Bà tôi bảo rằng “Không phải vô tình mà loại hoa nào cũng được  dâng lên người xưa đâu!” Bà vừa nói vừa cẩn thận xếp những cánh móng rồng mỏng manh thành hình tròn trong chiếc đĩa gốm trắng pha xanh lam, bên cạnh là chén nước mưa trong veo. Khi mùi hương trầm hòa với mùi hoa móng rồng đã ngào ngạt trong gian nhà nhỏ, bà tôi mới cắp chiếc rổ ra vườn, ngắm nghía và đi xung quanh cây móng rồng. Chùm hoa vừa hái xuống, được đặt nhẹ nhàng vào rổ, sau đó, bà bọc từng chúng trong lá dong giềng, lấy sợi rơm nếp buộc nhẹ nhàng thành từng gói.
Bà tôi đã về nơi xa lắm. Nhưng dưới tán hoa móng rồng như vẫn thoảng nghe tiếng chân gầy nhẹ nhàng se sẽ cùng mùi hương ấy, tất cả khắc sâu vào tâm trí tôi. Bởi, tạo hóa thật công bằng, dù biết chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn, nhưng ký ức là nơi cất giữ vô cùng thiêng liêng và bền chặt, để mỗi khi thoáng mùi hương của loài hoa xưa, bao kỷ niệm thân thuộc ùa về như thác lũ, trong trái tim bồi hồi, nghẹn ngào. Cả hình ảnh lần cuối cùng được nhìn bà tôi cắp chiếc rổ hoa móng rồng và  bó lá rong giềng với nắm rơm khô vàng óng. Nụ cười của bà tỏa nắng thu lấp lánh, trong hương thơm đất trời, cỏ cây, vị ngọt của đồng ruộng, và cả mùi mít chín…
Thời gian trôi nhanh! Giờ các loài hoa phong phú hơn, người có sở thích mua hoa nhập ngoại. Hoa để thờ cúng, được cắm trong lọ, trong bình sang trọng đắt tiền, trên những bàn thờ gỗ quý bề thế ngồn ngộn lễ phẩm đèn màu. Không còn  những gói lá rong giềng nho nhỏ bên chợ phiên, và nhiều người cũng bỏ tục lệ cúng hoa đĩa. Một nghệ nhân trồng hoa, có một mảnh vườn cuối phố bảo rằng: “Người xưa khi thắp hương để hoa trên đĩa với hàm ý con cháu dâng lên tổ tiên, để phân biệt với hoa chơi, dùng cắm trong lọ. Chỉ những loài hoa không thể để trên đĩa, như hoa sen, hoa huệ  mới cắm lọ, cắm bình. Hoa cúng người xưa thường trọng những loài có hương thơm. Ấy là tiền nhân muốn nhắc mỗi người khi đứng trước ban thờ, phải giữ được tấm lòng thanh sạch, như bông hoa tuy kém sắc mà đượm hương”.
13/12/2022
Bùi Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Một ngày đáng nhớ về tình yêu thi ca

Một ngày đáng nhớ
về tình yêu thi ca

Niềm vui bất ngờ lớn lao nhất với tôi là khi nghe nhà thơ Phan Hoàng nói: “Tôi vô cùng xúc động khi tình cờ được biết nhà thơ Lê Nguyên không ngần ngại nói về nghề nghiệp bán hàng rong của mình. Những năm tháng cực khổ đó chị đã lấy làm niềm vui và hạnh phúc để viết thành những bài thơ đầy tinh thần lạc quan”.
Ngày 11 tháng 12 năm 2022, tôi đến Gò Dầu từ 7 giờ sáng để 8 giờ dự cuộc gặp gỡ một nhà thơ nghe danh đã lâu nhưng chưa từng biết mặt, đó là nhà thơ Phan Hoàng.
Anh hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam. Vả lại lâu rồi tôi cũng không có dịp găp lại anh em văn nghệ, phần do dịch bệnh kéo dài, phần lo cuộc sống mưu sinh gia đình…
Tôi cố gắng đến trước giờ để quây quần ở quán cà phê Xưa & Nay với những lời thăm hỏi các anh chị em văn nghệ sỹ tỉnh nhà và gặp một người tôi rất ngưỡng mộ. Tôi cũng nôn nao chờ chút nữa thôi mình sẽ vào hội trường nghe nhà thơ Phan Hoàng “trao đổi kinh nghiệm”, theo cách nói khiêm tốn của anh.
Sinh hoạt chuyên đề “Mấy nét về cấu trúc và diễn ngôn trong thơ Việt hiện đại” là hoạt động văn học hàng năm của Hội VHNT huyện Gò Dầu, nhưng lãnh đạo Hội mời mở rộng, không chỉ anh chị em văn nghệ trong huyện mà còn có rất đông đảo các văn nghệ sĩ đến dự từ các huyện Tân châu, Hoà Thành, Bến cầu, Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh và các bạn yêu thơ cũng đến dự. Phòng họp mặt chuẩn bị trang trọng, chu đáo. Có phông treo logo Hội và có cả ảnh chân dung nhà thơ Phan Hoàng hẳn hoi. Phóng viên báo đài Tây Ninh đến ghi hình.
Niềm vui bất ngờ lớn lao nhất với tôi là khi nghe nhà thơ Phan Hoàng nói: “Tôi vô cùng xúc động khi tình cờ được biết nhà thơ Lê Nguyên không ngần ngại nói về nghề nghiệp bán hàng rong của mình. Những năm tháng cực khổ đó chị đã lấy làm niềm vui và hạnh phúc để viết thành những bài thơ đầy tinh thần lạc quan”.
Thì ra lúc cà phê sáng có một bạn thơ đã hỏi tôi: “Trang bìa tập thơ của chị in nghề nghiệp tác giả là bán hàng rong?”. Do chị ở xa không biết tôi bán tàu hủ, sữa đậu nành và các món giải khát lặt vặt khác để kiếm sống. Nếu ghi nghề nghiệp khác vào tập thơ mình là không đúng sự thật. Với lại tôi thấy bán hàng rong có gì mà xấu, có gì mà ngại, mặc dù tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và từng đi dạy học.
Suốt cuộc trao đổi trong phòng họp về văn học nghệ thuật, nhà thơ Phan Hoàng nhiều lần nhắc tên tôi với những lời khích lệ làm tôi cảm động muốn khóc. Đâu phải ai cũng nhìn những người bán hàng rong như tôi là dân hàng tôm hàng cá, hay là thứ đá cá lăn dưa. Mỗi nghề có vị trí riêng, miễn là lương thiện.
Rõ ràng tôi nhận được sự đồng cảm ấm áp từ bạn thơ trong ngày hội ngộ và nhất là từ nhà thơ Phan Hoàng. Rồi khi nhận bó hoa tươi thắm từ Ban Tổ chức Hội VHNT Gò Dầu, nhà thơ Phan Hoàng đã trao tặng lại cho tôi với lời động viên mà tôi chưa từng được nghe từ một người mới gặp như vậy càng làm tôi cảm kích!
Bản thân tôi vốn làm thơ toàn theo cảm tính. Nghĩ sao viết vậy. Tôi có biết đâu thơ cũng cần cấu trúc, cũng cần có phương cách diễn ngôn. Sự chia sẻ của nhà thơ Phan Hoàng gợi mở cho tôi và bạn thơ nhiều điều thú vị về quá trình sáng tác. Một sinh hoạt văn học đầy ý nghĩa. Tình yêu thi ca càng được thắp sáng. Các anh em văn nghệ sĩ chúng tôi chưa ai muốn nghỉ trưa. Đã gần mười hai giờ rồi mà vẫn còn nhiều thắc mắc, chia sẻ.
Cuối cùng, cũng phải khép lại cuộc trò chuyện giao lưu với nhà thơ Phan Hoàng để đi ăn trưa. Rồi chúng tôi đến quán ăn bên bờ sông Vàm cỏ thơ mộng, bên kia chân cầu Gò Dầu. Nhìn từng đám lục bình theo con nước trôi lặng lẽ trên sông, tôi mỉm cười thầm nghĩ, rồi nó sẽ trở thành một thảm hoa màu tím mà tôi đã viết thành thơ hồi còn trẻ.
“Dòng sông một thuở đầy hoa tím
Con nước vô tình cuốn hoa trôi
Cuốn luôn theo cả tình thơ dại
Người bỏ đi rồi sông lẻ loi”.
Tôi cứ thầm tiếc nuối khi phải chia tay. Về nhà tôi ôm bó hoa, cẩn thận cắm vào bình rồi đặt lên bàn thờ của má. Tôi khấn thầm “Má ơi, nhờ con đọc lưu bút của má mà giờ này con biết làm thơ. Hoa hôm nay con đặt vào đây là con báo má mừng con được nhiều người đồng cảm yêu thương, mặc dù con cứ ngu ngơ, được không cất, mất không kiếm, như lời má nói. Nhưng kiếm cũng chẳng để làm gì, thời gian con sẽ viết tiếp. Hy vọng những đứa trẻ sau này nhà mình được nghe mẹ nó ru Ầu ơ ví dầu giậu đỗ bìm leo/ Gánh gồng qua khúc gieo neo hiểm nghèo/. Đã là những người làm thơ con tin mọi người chung quanh trong môi trường này đều tâm lành tánh thiện đều cảm thông chia sẻ với con. Má ơi hãy yên lòng”.
Tôi cảm ơn Hội VHNT Gò Dầu đã cho tôi một buổi giao lưu chia sẻ thật bổ ích. Tôi được gặp gỡ, học hỏi những cái hay về thơ, để rồi hy vọng trang viết của mình ngày một tốt hơn. Cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng với sự đồng cảm thật nhân hậu. Đó là động lực lớn cho tôi hướng tới những niềm tin về góc nhìn con người, vẻ đẹp nhân văn và thế giới thi ca rộng mở!.
15/12/2022
Lê Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Nhớ xưa xe ngựa

Nhớ xưa xe ngựa

Vào thập niên tám mươi đến chín mươi của thế kỷ trước, vùng quê tôi có rất nhiều xe ngựa. Hồi đó cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nên xe ngựa là phương tiện giao thông phổ biến cho người và hàng hóa từ vùng nông thôn ra phố thị hoặc ngược lại. Riêng với bọn trẻ chúng tôi, chỉ mong chờ được đi xe ngựa vào dịp tết là thích thú lắm. Hình ảnh chiếc xe ngựa đã trở thành một phần ký ức gắn liền tuổi thơ tôi với những ngày xưa cũ!
Quê tôi cách thị xã non mười cây số, nhưng đối với bọn trẻ thì đó là quãng đường xa lơ xa lắc. Những đứa trẻ thôn quê ngày ấy, sáng đi học ở trường làng, chiều rong chơi nơi ruộng đồng, gò bãi; hết bắt dế, chăn bò là đến hái rau, mò cua, tát cá… Bốn mùa đi qua chỉ biết đồng ruộng, bờ mương, lò gạch, sân kho, trại bò. Những ngày mùa đông mưa dầm gió bấc, lùa bò trong mưa gió lạnh co ro tím tái nhưng vẫn reo cười hẹn nhau tết này bọn mình đi chơi phố biển.
Chờ đợi tết, không chỉ có bộ quần áo mới, có thịt mỡ dưa hành, có bánh in bánh thuẫn, mà quan trọng hơn là được cha mẹ lì xì cho ít tiền để đi chơi, đi xe ngựa xuống phố biển!
Phố ngày xưa dẫu còn thưa vắng nhưng dù sao vẫn sầm uất hơn rất nhiều so với chốn thôn quê. Ở đó có những ngôi nhà cao tầng, điện đèn chớp nháy, những hiệu buôn đủ các món hàng xanh đỏ mà trẻ con chỉ nhìn là mê mẩn. Trong mắt bọn trẻ chúng tôi, phố là nơi đủ đầy, giàu sang phú quý. Ước mơ xuống phố để ngắm nhìn phố, rồi đi xem cho biết biển cứ thường trực trong tâm trí tôi mà phải chờ dịp tết mới đi được!
So với các loại xe cộ thô sơ do súc vật kéo thì xe ngựa chiếm ưu thế hơn. Xe ngựa nhờ vào sức ngựa nên chạy nhanh hơn cộ bò. Xe ngựa có mui để che mưa che nắng và chất hàng hóa bên trên, hai bên hông xe có gắn thêm nhiều móc để treo quang gióng, phía trong có hai dãy băng ngồi cố định. Ngày thường, xe ngựa dùng để chở hàng hóa và các bà, các chị đi đến các chợ trong tỉnh để bán mua. Chiều cuối năm, những chiếc xe ngựa được chà rửa sạch sẽ, chú ngựa được tắm rửa chải lông, lục lạc đeo trên cổ ngựa được lau chùi cho sáng bóng, thùng xe cũng được “tân trang” cho tươi tắn hơn trong vài ba ngày tết. Ngựa và xe như sang trọng hẳn lên để sớm mai xuân sẽ đón chào những hành khách nhỏ!
Những chiếc xe ngựa chở đầy bọn trẻ, nhịp bước chân khua lộc cộc đều đều trên con đường quê gập ghềnh sỏi đá. Tiếng lục lạc leng keng rộn ràng, tiếng nói cười hò reo vang vọng. Thỉnh thoảng, đang chạy trên đường mà gặp một chiếc xe ngựa khác cũng chở trẻ con đi chơi là tụi nhỏ giục bác xà ích đánh ngựa cho nhanh, kiểu như đua xem ngựa nào chiến hơn vậy!
 
Như để chiều lòng con cháu, bác lái ngựa ra roi, ngựa phi nhanh hơn, tiếng vó ngựa khua giòn tan liên hồi, tiếng cười reo vang dậy khắp một quãng đường. Riêng tôi chỉ trông mong cho ngựa đi thật chậm để được ngắm nhìn cánh đồng mùa xuân đang xanh mướt, nhìn quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp ven đường. Cũng có khi ngựa đuối sức vì đường xấu gập ghềnh mà còn chở nặng nên không lên dốc nổi. Lúc này, bác tài ngựa cùng mấy đứa lớn hơn nhảy xuống đẩy xe phụ giúp ngựa!
Tôi nhớ lắm phố xá ngày xưa chưa tấp nập, xe ngựa còn được phép đi vào trong nội thị. Phố nằm ven biển, xuống phố cũng là dịp để chúng tôi được đến biển, ngắm nhìn biển rộng mênh mông, thấy từng con sóng vỗ bờ cát mịn, xa xa là mấy chiếc thuyền đang nhấp nhô bềnh bồng, những cánh chim hải âu bay lượn, những vỏ ốc vỏ sò đều lạ lẫm đối với bao đứa trẻ miền quê.
Lúc đó tôi mới hiểu, biển bao la hơn cả cánh đồng làng, biển nồng mặn mùi của cá muối xa khơi, biển có những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ mà bài học hôm nào cô đã dạy! Phố biển quá xa so với bước chân của tuổi nhỏ nhưng nhờ có xe ngựa mà trở nên gần gũi, thân thương.
Cuối chiều, chiếc xe ngựa vẫn đợi chờ bọn trẻ trở về! Chiếc xe thô sơ cũ kĩ với chú ngựa cần mẫn siêng năng, bác xà ích vất vả mưu sinh nhưng giàu lòng nhân hậu, thương bọn trẻ nghèo mà sẵn sàng chở giúp nếu không có tiền trả. Đã thế, bác còn để sẵn phích nước lạnh với một ít bánh in, bánh cốm cho mấy đứa nhỏ. Chiếc xe ngựa như chở đầy kí ức của tuổi thơ.
Tôi về ngang qua chốn cũ mà lòng bâng khuâng nhớ lại ngày xưa. Chỗ này là chuồng ngựa, phía này là nơi để chiếc xe, mà giờ đây cả người và xe đều không còn nữa. Bất chợt, tôi nhớ hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Người xưa hoài niệm về xe ngựa lối xưa, luyến lưu hồn cỏ mùa thu vấn vương trên lâu đài nền cũ. Tôi nay bồi hồi nhớ về bóng dáng những chiếc xe ngựa thô sơ cũ kĩ, xa xăm một thời. Dù bộn bề lo toan cơm áo nhưng đôi lúc lòng miên man nhớ: Tuổi thơ háo hức mong chờ/ Tết xưa xe ngựa, bây giờ còn đâu!
Lâu lắm rồi tôi chưa gặp một chiếc xe ngựa trên đường, còn dùng nó để chở trẻ con đi chơi tết thì càng không thấy nữa. Thương nhớ lắm những chiếc xe ngựa ngày xưa!.
15/12/2022
Phan Huy Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Chiều cuối năm người về mau

Chiều cuối năm người về mau

Bạn có tin rằng, cùng một quãng đường ấy, cùng một con người, cảnh vật ấy… nhưng trong ta lại có những ý nghĩ khác nhau, tâm trạng khác nhau và mang lại những buồn vui khác nhau.
Và dù giống, khác nhau đến đâu, như thế nào thì tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả chúng ta, giờ khắc chiều ba mươi Tết đều có chung một ý nghĩ rộn lên trong lòng mình, rằng, hãy đi mau, về mau với sum vầy, với nguồn cội, với giờ khắc chỉ có thể ở nhà mình mà thôi. Điều riêng ấy, văn hoá thay, lại là điều chung của cả dân tộc này từ ngàn đời nay, trở thành bản năng, ý thức của hết thảy mọi người.
Vâng, hãy bắt đầu từ một quãng đường, rất cụ thể, là đường từ cơ quan, đơn vị, bản làng, trường lớp, từ ngôi nhà thân thuộc của mỗi người hướng về quê cha, đất tổ. Một năm ròng rã xa quê, mê mải kế sinh nhai, được mất mùa vụ nơi cánh rừng cà phê Tây Nguyên hay hoạch định những vấn đề quốc kế dân sinh ở thủ đô Hà Nội, lặn lội nơi rừng sâu biên giới Việt – Lào hay trải lòng với những trang viết đằm sâu, lo một chương trình trước mắt hay âm thầm cho một tương lai táo bạo…tất, tất thảy đều lắng lại, dừng nghe trước nhịp gõ của thời gian tích tắc đổ về ngày cuối năm thiêng liêng và ấm áp.
Ấy là khi những chuyến xe chở nặng niềm mong mỏi xuất bến náo nức trong gió lạnh. Những nhịp đập ríu ran, những đôi vai bìu ríu, những món quà dành dụm…lăn dài theo bánh xe lăn, theo niềm đón đợi phía quê nhà. Nhưng tôi biết, giữa ngược xuôi những chuyến xe, những hành trình ấy, luôn có những nỗi niềm, những điều không dễ nói và dễ biết.
Đã có lần tôi được một đồng nghiệp kể về chuyến ngược rừng những ngày cuối năm để đi chúc tết đồng bào, cán bộ và chiến sỹ ở vùng biên giới Việt – Lào. Núi rừng âm u sương giăng muôn ngả, người đi sau không nhìn rõ người đi trước. Chỉ nghe tiếng nói, nghe hơi ấm từ bàn tay cầm níu mình khi cùng nhau vượt qua con suối lạnh thấu tim gan, khi tay kéo bàn tay, tay mình nhấc chân mình qua chướng ngại vật theo lối mòn men lên đỉnh dốc mù sương, trơn trượt.
Trên ấy, có những người lính về quê từ trước Tết, đón Tết sớm với cha mẹ, vợ con, người yêu và về lại đỉnh đèo này cắm chốt, thực sự đón Tết trong lặng thầm mong mỏi. Không ai nói câu gì to tát vì đó là việc bình thường của người lính vùng biên, nhưng khi gặng hỏi vì sao anh lại tình nguyện ăn Tết xa nhà, người lính ấy bỗng nhiên đỏ mặt, khiến người đồng nghiệp vội xua tay không muốn hỏi tiếp.
Vâng tôi hiểu, rất hiểu những người bình dị như người lính ấy, như nhiều người khác âm thầm đón Tết dọc miền biên viễn này khi phải nói về mình. Người lính ấy nhờ mang hộ về quê một cành đào đá núi để trang trí trong nhà. Người miền xuôi, nhất là phố thị lâu nay đã không ưa dùng những cành đào được bón chăm quá cẩn thận, màu mè. Trái lại rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua một cành đào thân nhánh mốc xù, rêu đen, càng thô mộc thì nụ hoa mới hé càng đỏ tươi.
Để có được sự đối lập ấy, tạo được bố cục độc đáo ấy đã phải mất rất nhiều công sức của người đi rừng…Nhưng người lính thì không nghĩ như vậy mà đơn giản đây chỉ là món quà miền núi đá, cánh hoa miền núi xa gửi về xuôi góp vào sắc xuân sum họp. Mọi người đã nâng niu, che giữ cành đào đá ấy và trao tận tay gia đình người lính biên phòng đúng chiều ba mươi Tết bâng khuâng…
Cũng lần ấy, khi về qua Nghĩa trang Hữu nghị Việt-Lào, anh bạn đồng nghiệp của tôi cùng Đoàn công tác không quên dừng chân thắp hương viếng các liệt sỹ yên nghỉ nơi đây. Chiều ba mươi Tết, những hàng bia có tên, không tên đứng trang nghiêm, thẳng tắp. Khói hương nghi ngút, bay về xa xa, lắng vào gió thơm.
Không phải tất cả các ngôi mộ đều có người thân đến viếng, nhưng tất cả đều được thắp nhang kính cẩn. Ngày nào nhà thơ Trần Ninh Hồ phát hiện những nén nhang thắp lên các phần mộ liệt sỹ khác xung quanh khi có người phụ nữ đến viếng chồng, là khi “nh có chị đây rồi!” thì nay việc làm đó đã trở nên giản dị như cuộc sống hàng ngày.
Ai cũng biết chắc chắn rằng, những người đến viếng đều cầu mong linh hồn người đã khuất chiều ba mươi ấy hãy trở về sum họp với cha mẹ, vợ con, họ hàng. Ai ai cũng tin trên chuyến xe chiều ba mươi ấy, có rất nhiều những mong mỏi, hy vọng, bao tâm nguyện của người sống và người đã khuất cùng đồng hành lặng lẽ, tin cậy, cùng náo nức tụ về…
Vâng, cũng một con người, là mình đây, nhưng mỗi năm cứ đến chiều ba mươi Tết lại thường mang tâm trạng như …không phải là mình, mà còn nữa những điều không dễ nói ra. Lúc bé thơ gắn với cuộc sống kham khổ, niềm mong mỏi thường trực của rất nhiều người gắn liền với những tấm áo mới, đôi dép mới và một bữa ăn cỗ, một lần đi chơi thật xa… Rồi con mắt mộng mơ, rồi trang sách mở ra chân trời lạ, rồi cuộc sống như nó vốn có với những khó nhọc, buồn vui.
Người ta thường diễn tả thời gian của đời người qua sự biến đổi lặng lẽ nhưng vẫn nhìn thấy được của màu tóc. Sự ăn nên làm ra hay lụn bại của ai đó cũng dễ được nhìn thấy qua tấm áo, manh quần, chiếc xe đời mới, ngôi nhà kiểu tân kỳ hay chức tước hay quà cáp, lì xì ngày xuân… Nhưng chắc chắn rằng, tôi hay anh hay chị cứ đến chiều ba mươi Tết là yên tâm rũ bỏ mọi thứ cần rũ bỏ của năm cũ, tìm niềm vui của năm mới từ việc may mắn có người tốt đến xông nhà sáng mồng một, thắp hương cháy đỏ và đẹp, cành đào trong nhà nở vô vàn nụ hồng, đứa con gái học giỏi và chăm ngoan, bài báo nhỏ mang lại ánh sáng cầm đếm được cho vợ chồng người hát dạo trên hè phố.
Vẫn là tôi đây, vẫn chiều ba mươi Tết lắc rắc mưa bụi bay, nhưng năm nay tôi có thêm niềm vui từ những lời nhắn gửi của một người mới quen, lời chúc vững vàng của một người bạn vong niên, lời lặng im từ những hiểu và tin yêu không thể nói hết bằng lời…
Vâng, ngày nào cũng thế, chiều ba mươi nào cũng thế, cây gạo đầu làng lại vẫy vẫy cánh tay khẳng khiu, chờ đón người quê trở về. Từ xa tôi đã nhìn rõ dáng cây gạo cao vút giữa cánh đồng mới cấy. Quanh thân gốc gạo vẫn vương bùn rơm ngai ngái. Người quê chiều ba mươi gặp nhau vội vàng, nhưng cũng kịp hỏi nhau cấy xong chưa, củi cỏ thế nào, bao giờ gói bánh, con cái đã về hết chưa…Trên con đường quê ấy, tôi đã đi về, đã được đùm bọc, nâng bước, đón đợi và tin cậy.
Có phải vì những điều như thế mà chuyến xe chiều cuối năm thường đi như lâu hơn, chậm hơn, thường nặng hơn qua mỗi bước đường. Có phải vì thế mà chuyến xe chiều cuối năm luôn khiến mình nghĩ suy, trăn trở, luôn là khác biệt trong vô số chuyến đi về trong cuộc đời…
Tôi đã luôn mang tâm trạng của kẻ tha hương, lữ thứ, khi thao thức, lúc đắm mình trong những tiếng ầm ì của xe khách đường dài trên Quốc lộ 1A chạy qua nhà tôi ở. Những chuyến xe mang đầy gió bụi, qua nhiều miền đất, chở bao số phận, tâm trạng người xa quê.
Là cô bé công nhân một xưởng giày da ở Bình Dương và đem theo người yêu, một anh công nhân ở xưởng may gần nơi mình làm việc ra mắt bố mẹ. Họ tạm quên nỗi vất vả một năm, về quê trong ấm áp, tươi rói hy vọng. Rồi họ sẽ đắp xây hy vọng ấy, trong một căn nhà trọ chật hẹp, nơi những đứa con sẽ lần lượt ra đời, và mỗi năm, bà nội, bà ngoại từ hai quê lại cơm đùm cơm nắm lần lượt đi trông trẻ.
Là hai chị em dắt díu nhau vào miền đất đỏ đã trọn 10 năm, nhọc nhằn, chắt chiu mỗi ngày, nghe tin mẹ ốm nặng, bán vội mấy tạ hạt điều về cho kịp gặp mẹ. Họ đi vội vàng, mang theo chiếc xe đạp cũ, để tính quãng đường đêm khi xuống xe tại bến, không có xe khách về vùng quê heo hút sẽ chở nhau về bằng xe đạp.
Là một bác già trầm ngâm, ngồi ngoài phía ô cửa xe khách, đốt thuốc liên tục. Năm nay, nhiều bão gió, những vuông tôm của bác với bao công sức đã trôi ra bể Đà Nẵng. Nhưng, những thất bại ấy không làm người lính cụ Hồ một thuở nản chí. Về quê, thắp nén hương cho tiên tổ, tìm thêm chút sức mạnh từ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, để vững tin khi lại bước chân đi…
Trên những chuyến xe ấy, không biết có bao nhiêu người đã lưu lạc nhiều năm, nay bạc tóc trở về? Có bao nhiêu người đã chôn giấu trong lòng những khổ đau, cay đắng? Có bao người náo nức, hân hoan? Vẫy gọi họ phía trước là con đường ấm vết chân trâu ngày thơ bé, là tiếng rì rào của những con sóng bạc đầu, hay dáng vẻ trầm ngâm những ngọn núi cao mây phủ?
Nơi những giấc mơ được sinh ra, bay đi và một ngày trở về. Hiểu vì sao, có nhiều người quê, chưa một lần rời lũy tre làng, mà biết lo chuyện cà phê rớt giá, thấp thỏm ngóng về miền xa mỗi lần bão gió, xem thời sự bình luận chuyện xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mới hiểu vì sao, có nhiều lúc lòng dạ bồn chồn không yên, nghe tiếng con chim khách mà ngày nào cũng lặng nhìn phía đường xa.
Tôi đã luôn nhìn theo thật lâu những chuyến xe ầm ì ấy, với những gương mặt người nhòa dần sau ô kính. Mong sự bình yên, ấm áp, sum vầy. Mong bàn tay được nắm lấy bàn tay trong giờ khắc thiêng liêng. Mong những vòng hương ấm đỏ trên bàn thờ tiên tổ với bao nhiêu thành kính. Và ai ai, cũng như tôi, được đùm bọc, nâng bước, đón đợi, cậy trông trên con đường trở về…
25/12/2022
Phạm Thùy Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Chuyện về ông Tám

Chuyện về ông Tám

Bóng đêm ập xuống, ông Tám chẳng thèm ngồi dậy để bật cái bóng đèn cho sáng. Ông cứ nằm trên cái võng lắc lư, lắc lư nhìn ra phía sân trước chòi. Mấy cái lá bàng khô rơi, nằm chỏng chơ, thỉnh thoảng bị cuốn theo mấy cơn gió thổi vụt qua, nghe xào xạc như những bước chân người.
Mấy bữa nay cả cái xóm Mần côi này xầm xì, bàn tán dữ lắm. Chuyện ông Tám cô đơn tự dưng ở đâu dẫn về một người đàn bà lạ quơ, lạ quắc. Cả xóm đâu chỉ được có mấy nóc nhà vậy mà chuyện gì dù bé dù to thì ai cũng đều biết huống hồ chi cái chuyện động trời này. Ừ, mà thiệt ra chuyện cũng có gì đâu, trước giờ ông Tám lủi thủi sống một thân, một mình giờ có người phụ nữ bên cạnh thì mừng cho ổng vì ít ra ông đã có người bầu bạn sớm hôm hay mấy bữa trái gió trở trời cũng có bàn tay của phụ nữ chăm sóc.
Bằng đi một thời gian cũng không lâu sau đó người ta mới thôi xầm xì, bàn tán về chuyện nhà ông Tám nữa. Thay vào đó người ta mừng vì thấy ông giờ tươm tất hơn, gặp mọi người vui cười, nói chuyện rôm rả hơn. Cái căn chòi vốn ọp ẹp ngày nào bây giờ có thêm chút chật chọi thế nhưng người ta luôn thấy bóng dáng của người phụ nữ lúc thì cặm cụi ngồi khâu lại cái.áo rách vai, lúc thì lom khom bên chái bếp nấu mấy món ăn thật ấm cái tình. Thậm chí mấy hôm ông Tám đi làm đồng về trễ có người đứng ở cửa cứ ngóng, cứ chờ. Thử hỏi vậy có hạnh phúc quá hay không?
Vậy mà sáng nay người ta thấy ông Tám ngồi bẹp bên mép mương kế bên căn chòi, khuôn mặt thẩn thờ nhìn phía bên kia sông nơi có hàng bông tra đang mùa trổ bông vàng chóe. Ông cứ nghĩ mình sẽ có khoảng thời gian đằm ấm cùng với người ta dù rằng còn thiếu hụt đủ thứ nhưng giờ thì buồn giống như cơn gió đi lạc thổi vụt qua. Mảnh giấy để lại với dòng chữ xin lỗi như một dấu chấm buồn về một ước mơ hạnh phúc hết sức nhỏ nhoi. Biết sao giờ?
Đêm nay cũng như bao đêm khác, ông Tám lại nằm lắc lư trên võng, không thèm mở đèn, cứ chong mắt nhìn về phía con đường mòn dẫn vào chòi. Ông muốn tụi gió cứ trêu đùa mãi đâu đây, để mấy cái lá bàng khô cứ xào xạc giống như bước chân ai đang về…. Ừ, biết đâu được!
Vào một đêm trăng sáng, có thể nhìn rõ mặt người thậm chí đứng từ xa. Ông Tám vẫn nằm lắc lư trên cái võng mắc bên nhà. Bây giờ lòng ông phần nào đã nguôi ngoai, ông cũng không còn phải ray rứt hay cứ nghĩ suy vẩn vơ về cái ngày mà người ta bỏ ra đi và chỉ để lại mẫu giấy nhỏ. Cuộc đời mà đâu ai giống ai. Người thì có hoàn cảnh như thế này còn người kia thì lại khác nên chắc người ta cũng vậy. Ừ, mà chuyện cũng lâu rồi, cũng hơn một năm rồi còn gì, hà cớ gì mình cứ mãi nặng lòng.
Ông Tám nghĩ vậy rồi nhỏm ngồi dậy định pha thêm miếng trà, theo thói quen ông lại nhìn ra con đường trước cửa, ông chợt giật mình khi nhận ra ai đó đã đứng ngay dưới thềm nhà tự lúc nào, ông bước vội đến gần rồi chợt khựng lại khi nghe tiếng khóc oe oe của đứa nhỏ được bồng trên tay. Trăng mười sáu tròn vành vạnh và lúc này ông không thể tin ở mắt mình. Phía trước người đàn bà nhè nhẹ dỗ con. Cơn gió đêm đi lạc ngang qua chợt dừng lại,gió giống như sợi dây kết nối khoảng cách giữa hai người. Trong cái ánh sáng vằng vặc từ ánh trăng trên cao, lúc này nhìn vào đôi mắt của ông Tám người ta dễ dàng nhận ra một hạnh phúc thật rạng ngời…
2/1/2023
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Đời sống văn hóa văn nghệ của người Việt tại Mỹ

Đời sống văn hóa văn nghệ
của người Việt tại Mỹ

Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt xa xứ có chính kiến khác nhau. Nhưng thống nhất Tổ quốc chỉ có một mà thôi. Họ đến Little Saigon để hoài niệm về Tổ quốc và tôi tin chắc trong sâu thẳm họ sẽ tự hào về Tổ quốc, tự hào về một dân tộc anh hùng cả trong quá khứ và hiện tại.
Kết thúc chương trình làm việc tại bang Texas, chúng tôi đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bay đến California – một bang có dân số đông nhất Hoa Kỳ với gần 40 triệu người, có diện tích đứng thứ 3 trong 50 bang của nước Mỹ với 423.970km2 lớn hơn cả nước Đức, Nhật Bản hay Việt Nam. Thời tiết lúc này thật ấm áp, rực nắng thu vàng, chỉ buổi sáng có chút se lạnh. Trên vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này có đến hàng triệu người Việt sinh sống, tập trung ở các thành phố lớn như: San Jose, San Francisco, San Diego và Los Angeles.
Đặc biệt quận Cam, cái tên đã trở thành quen thuộc không chỉ đối với người Việt ở Mỹ mà cả người Việt ở trong nước. Những người Việt xa xứ ở đây đã xây dựng trung tâm sinh hoạt của mình “Sài Gòn nhỏ”, hay còn gọi là Little Saigon. Little Saigon có ở nhiều nơi trên đất Mỹ và cả ở những nước khác, nhằm chỉ một khu vực trung tâm của người Việt ở hải ngoại. Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Little Saigon ở quận Cam (Orange Country) phía Nam bang California, mà điểm nhấn là Thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa, bao gồm hai thành phố Westminster và Garden Graove. (Theo đơn vị hành chính Mỹ, dưới bang là quận, dưới quận là thành phố).
Little Saigon có nhiều các quầy sách văn học
Thương xá Phước Lộc Thọ được xây dựng theo phong cách Á Đông, phía trước có cổng tam quan, bên trên vượt lên có mái ngói âm dương màu xanh. Bên dưới là ba pho tượng lớn ba ông Phước – Lộc – Thọ bằng đá hoa cương trắng. Được biết công trình xây dựng năm 1987 với chi phí là 15 triệu USD, có diện tích là 15.000 m2 cho 2 tầng với 50 gian hàng lớn. Công trình như một biểu tượng vinh danh cho văn hóa của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ.
Bước vào bên trong khu thương xá chúng tôi bắt gặp rất nhiều mặt hàng như: quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử, tiệm mỹ viện, tiệm vàng bạc, băng đĩa nhạc, đồ chơi, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Rồi đến các cửa hàng thực phẩm, thực phẩm chế biến, hàng khô, quầy ăn nhanh, tiệm bánh, phở, đến món ngon Hà Nội là bánh cuốn, bánh tôm Tây Hồ, bún chả, bún mọc, bánh mỳ Việt, phở tàu bay, hủ tiếu Thanh Xuân, nem, giò, chả… Đặc biệt còn gần một tháng nữa mới đến tết, nhưng ở đây đã thấy không khí Tết, các loài hoa, cây cảnh, Đào, Mai, Cúc vạn thọ, những chậu quất trĩu quả, các loại đèn lồng, tranh ảnh, câu đối tết, thư pháp, bao lì xì, bánh mứt kẹo, trái cây các loại được bày bán hầu như không thiếu thứ gì như ở quê nhà. Có người còn tận dụng cả vỉa hè để bày bán bánh chưng, bánh tét cùng những mặt hàng được mang từ Sài Gòn sang. Được biết khách đến đây ngoài mua sắm, còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ công việc làm ăn với nhau bằng tiếng Việt cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Nhất là các dịp đón Tết cổ truyền, người Việt các hội đoàn thường tổ chức liên hoan, họp măt tổng kết cuối năm, tổ chức các chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian như: Múa Lân, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn áo dài, ngâm thơ…
Là người hoạt động văn học nghệ thuật, tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hoá của người Việt ở đây. Little Saigon có nhiều các quầy sách văn học, tôi liếc nhìn thấy. Có những bộ Truyện Kiều cả tiếng Việt và tiếng Anh, sách của các nhà văn: Tô Hoài, Vu Trọng Phụng, Bảo Ninh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư…Đặc biệt có hẳn những pano giới thiệu tóm tắt những cuốn sách hay trong đó có : “Nỗi buồn chiến tranh – The Sorrow Of War”, của nhà văn Bảo Ninh được nhiều báo lớn như New York Times, The Guardian nhắc tới và đánh giá cao với bản dịch Tiếng Anh và Tiếng Việt cho cuốn sách hay nhất năm 1994 và giải thưởng Văn học châu Á; “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, cuốn sách được dịch ra ngôn ngữ 40 quốc gia trên thế giới, rồi một tác phẩm khác “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Ticket To Childhood” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm được nhận giải thưởng văn học Asean năm 2010. Kể về câu chuyện của một học trò, là những thông điệp nhân văn làm lay động trái tim độc giả, không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn… Rồi “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Open The Window, Eyes Closed” tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, nói về câu chuyện giản dị của một cậu bé 10 tuổi, đã được nhiều độc giả quốc tế đón nhận và được nhận giải thưởng của Thụy Điển, được coi là sách thiếu nhi hay nhất; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm – Last Night I Dreamed About Peace” được đánh giá là “Thiên tiểu thuyết” cảm xúc như một bộ phim về chiến tranh, bức tranh chiếu rọi cuộc đời của những bác sĩ binh nghiệp; bên cạnh là “Cánh đồng bất tận”, tác phẩm đoạt giải tại hội sách lớn nhất thế giới FrankFurk – Đức. Câu chuyện của nhà văn miền nam Việt Nam được dựng thành phim, lấy đi nước mắt của nhiều người Việt ở hải ngoại. Còn có cả tác phẩm của người Mỹ gốc Việt Thanh Nguyen qua tập truyện ngắn “Người tị nạn – The Refugees” gây tiếng vang trên văn đàn thế giới, tác phẩm đạt giải thưởng cao quý Pulitzer. Được đánh giá cao từ cộng đồng nhà phê bình và được tặng huy chương cho tác phẩm xuất sắc nhất của Hiệp hội thư viện Mỹ…
Anh bạn người Mỹ gốc Việt còn cho tôi biết. Ở đây có rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng họ sinh hoạt trong hội đoàn văn nghệ sỹ. Rồi anh nói về nhà văn Nhật Tiến, một tên tuổi của văn đàn Việt Nam Cộng hòa, ông sinh tại Hà Nội 1936 từng học trường Chu Văn An, năm 1954 vào Nam sống và viết 21 năm dưới thời Việt Nam Cộng hòa và cả thời kỳ thống nhất đất nước, năm 1979 định cư tại Hoa Kỳ, nhà văn Nhật Tiến giữ chức Phó chủ tịch Trung tâm văn bút Việt Nam từ 1963 đến 1975, là thành viên Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, ông có khoảng 20 tác phẩm xuất bản, trong đó có tác phẩm “Thềm hoa” được nhận giải thưởng Văn chương toàn quốc năm 1962 cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác “Những vì sao lạc” 1960 “Người kéo màn”, “Chim hót trong lồng”, “Quê nhà yêu dấu”; gần đây ông cho ra đời hàng chục tác phẩm trong đó có “Tiếng kèn” 1981, “Một thời đã qua” 1985, “Mồ hôi của đá” 1988, “Sự thật không thể bị chôn vùi” 2012, “Nhà giáo một thời nhếch nhác” 2013. Là những tác phẩm nổi tiếng, đặt dấu ấn hiện thực xã hội mà nhà văn Nhật Tiến đã trải qua. Ngoài sáng tác văn chương, ông cũng cộng tác với rất nhiều báo chí truyền thông của cộng đồng Việt ở hải ngoại phát hành ở Little Saigon, ông còn giữ nhiều chức vụ trong Hội giáo chức Việt Nam hải ngoại, Chủ tịch ban chấp hành văn bút Việt Nam hải ngoại Nam California. Bên cạnh đó, còn tên tuổi các nhà văn như: Nguyễn Mộng Giác với các tiểu thuyết “Mùa Biển động” “Sông Côn mùa lũ”, Nguyễn Xuân Hoàng với “Người đi trên mây”; Nguyễn Sa với “Giấc mộng”, cùng các tác giả khác như: Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Hoàng Nam, Ngọc Khôi, Vũ Quỳnh, Hoàng Mai Đạt, Dượng Như Nguyên… Bên cạnh các hoạt động văn học, đội ngũ phóng viên và hoạt động báo chí ở đây cũng rất sôi động, có các sạp báo tiếng Việt xuất bản bán tại chỗ. Báo phát hành trong nước cũng có như An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Phụ nữ thành phố, Thơi trang trẻ… Bày bán bên cạnh các tờ báo Tiếng Anh.
Tất cả các chương trình hải ngoại đều được phát hành tại đây. Ở đây có 2 đài phát thanh phát sóng tiếng Việt là: Little Saigon radio và Radio Bolsa; có 4 đài truyền hình phát hành suốt ngày bằng tiếng Việt, 2 đài truyền hình vệ tinh: Saigon Brodca Sting Television và Hồn Việt TV xem được trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Đoàn công tác Bộ Ngoại giao tại Đức Viên, San Jose, Mỹ. Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng ngoài cùng bên trái.
Little Saigon, đặc biệt là Westminster còn là trung tâm ngành truyền thông giải trí Việt Nam hải ngoại. Chúng ta đến đây có thể được xem những chương trình đặc sắc tại các sân khấu nổi tiếng như: Paris By Night, Vân Sơn, có rất nhiều các ca sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, họa sỹ, nghệ sỹ hải ngoại ngụ cư và hành nghề tại đây.
Chúng tôi dành thời gian gần cả buổi sáng dạo quanh tuyến phố Little Saigon, gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc, những ngôi chùa của người Việt, những hình ảnh mô phỏng chợ Bến Thành, hay những tiệm cơm, phở, phòng khám nha khoa, tiệm Spa, làm nail, văn phòng trung tâm tài chính, văn phòng việc làm, ngân hàng… tất cả đều viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Anh bạn Việt kiều hướng dẫn chúng tôi thăm thú ở đây cho biết, mỗi dịp lễ tết không khí ở đây rất nhộn, hầu như tất cả những đặc sản quê hương đều có ở đây. Khoảng gần trưa chúng tôi quay lại khu Phước Lộc Thọ cùng thưởng thức hương vị quê hương cho bữa trưa. Phía quầy bên thấy có một số người Mỹ cùng ăn và uống cafe tại đây. Chúng tôi cùng thưởng thức hầu như gần hết các món ăn Việt ở đây. Thật là tuyệt vời sau những ngày xa nhà. Đặc biệt là phở ngoài hương vị truyền thống, thịt bò Mỹ rất mềm và ngọt đậm. Được biết có nhiều đầu bếp nổi tiếng của Sài Gòn xưa đã sang đây sinh sống, mở quán ăn mang theo những công thức ẩm thực bí truyền đậm hương vị Việt.
Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 ước tính có khoảng 1,5 triệu người Việt di tản sang Mỹ. Chính quyền Mỹ không muốn họ tập trung một nơi nên đã phân tán họ ra khắp 50 bang sống theo cộng đồng vốn là bản tính, văn hóa người Việt nên đã hình thành những “làng người Việt”, “Trung tâm người Việt”…
Trong đó phải kể đến thành phố San Jose ở phía Bắc Cali, quận Cam ở phía Nam Cali, thành phố Houston bang Texas là những nơi lớn nhất. Quận Cam có khoảng 600 ngàn người Việt. Ở Little Saigon người Việt thạo tiếng Anh chỉ khoảng 50%, không biết tiếng Anh ở đây vẫn sống tốt. Quận Cam đã đào tạo tiếng Anh và nghề nghiệp miễn phí cho tất cả người Việt. Chính quyền mở rộng vòng tay đón người Việt, nhưng cũng tạo ra một lực lượng hùng hậu nộp thuế suốt đời. Nghề làm móng tay (nails) ở Mỹ chỉ cần biết sơ về tiếng Anh, cũng không cần phải đầu tư nhiều nhưng cũng có thu nhập ổn định, hiện nay mức thu nhập hàng năm của người Việt ở quận Cam khoảng 50.000-60.000 USD cho lao động phổ thông, từ 70.000-250.000 USD cho kỹ sư, bác sỹ, trí thức khoa học.
Từ năm 1978, ông Danh đã đầu tư xây dựng khu thương xá Phước Lộc Thọ, ở đại lộ Bolsa để cho thuê. Nghe nói ông Quách Nhất Danh đã tích lũy được gia tài 300 triệu USD, nhưng ông xử thế khiêm nhường, ăn mặc giản dị, ít xuất hiện trước đám đông. Chúng tôi có hỏi về ông chủ thì được chỉ ra phía sau, có thể là người đang tưới cây hay nhổ cỏ.
Có lúc Phước Lộc Thọ đã từng bị bóng đêm suy thoái bao trùm, có lúc nhiều sạp hàng phải đóng cửa hoặc treo biển chuyển nhượng. Các cửa hàng, tiệm ăn đều vắng khách.
Thế nhưng giờ đây Little Saigon luôn tấp nập, nhộn nhịp. Đối với những người con xa xứ việc đến đây mang một ý nghĩa đặc biệt, vơi đi nỗi nhớ quê hương, hoài niệm về quê hương, ngoài thưởng thức các món ăn hương vị quê hương, cũng có thể mua sắm bất cứ thứ gì từ những món đồ độc đáo của Việt Nam đến hàng của Mỹ đều có ở Phước Lộc Thọ với giá cả hợp lý, người mua, kẻ bán đều niềm nở, thân thiện, không khí giao thương tấp nập. Nhất là vào các dịp cuối tuần, thường tổ chức các phiên chợ đêm (thứ 6, thứ 7, chủ nhật) trở thành điểm hẹn mua sắm, giải trí của người Việt sinh sống tại Mỹ.
Mỗi buổi sáng, khu Phước Lộc Thọ còn là nơi mà cộng đồng người Việt thường qua giữ thói quen ăn sáng, uống cafe, đọc sách báo, nghe nhạc, hoặc tán gẫu, đánh cờ tướng… Phía trước khu Phước Lộc Thọ còn có hẳn một dãy bàn ghế dành cho những người cao tuổi, nhà văn, nghệ sĩ ngồi uống cafe thư giãn đàm đạo văn chương, nghệ thuật, bàn bạc thế sự.
Little Saigon có nhiều quán cafe Việt với những tên rất mỹ miều như: Mộng Mơ, Dĩ Vãng, Diễm Xưa, Lú Cafe… cùng nhiều nữ tiếp viên trẻ đẹp. Có cả những bạn trẻ đến đây để tán gẫu, mua vé số, cá cược bóng đá!
Ở đây còn một số người Việt có tư tưởng cực đoan. Nhưng số này đang ít dần theo năm tháng, thay vào đó là những thế hệ trẻ người Việt đang hướng về quê hương. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt xa xứ có chính kiến khác nhau. Nhưng thống nhất Tổ quốc chỉ có một mà thôi. Họ đến Little Saigon để hoài niệm về Tổ quốc và tôi tin chắc trong sâu thẳm họ sẽ tự hào về Tổ quốc, tự hào về một dân tộc anh hùng cả trong quá khứ và hiện tại. Lão Tử từng có câu: “Họa hề phúc sở ý, phúc hề họa sở phục”, (họa là chỗ tựa của phúc, phúc là mầm mống của họa) cả triệu người Việt di tản từng là họa. Nhưng ngày nay đã và đang trở thành lực lượng không thể thiếu của sự nghiệp đổi mới, mở cửa đất nước. Little Saigon đã có vai trò quan trọng duy trì bản sắc văn hóa Việt, giữ mối liên lạc tinh thần giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với quê hương.
3/1/2023
Đỗ Ngọc Dũng 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Bút ký của Nguyễn Nhã Tiên: Mây Mỹ Sơn

Bút ký của Nguyễn
Nhã Tiên: Mây Mỹ Sơn

Vẽ một cõi chân mây lô nhô những đỉnh tháp và thấp thoáng áo chàm bay, tôi nhìn ra từ bức tranh ấy một thế giới huyền hoặc mơ hồ. Những cô gái Chăm xõa tóc, những vũ nữ Apsara ửng gam màu ráng chàm như kí gửi vào vô tận một hoàng hôn vĩnh cửu. 
Người hoạ sĩ khắc hoạ nên cái đẹp vừa như ưu du, lại vừa thăm thẳm một chân trời, hàm ý như muốn tạo dựng một quê quán siêu hình – nơi sinh thành những tưởng vọng về một “nước non Hời “lấp lánh đầy ngấn tích và huyền thoại. Vẽ vời ra như thế, và rồi hoạ sĩ nói với tôi: “Mây Mỹ Sơn là thế đấy!“. Bức tranh ấy đến nay đã gần tròn ba chục năm rồi, còn hoạ sĩ cũng đã là người xưa từ hơn mười năm nay. “Mây Mỹ Sơn” – chốn ấy bây giờ có lẽ còn có cả cái bóng dáng gầy gò cô đơn của anh – cố hoạ sĩ Lê Khắc Duyệt, như lẫn vào đâu đó, tan vào đâu đó giữa cái màu mây chàm mông mênh in trên nền trời xa vắng.
Tôi lại nhớ về một Hoàng Tư Thiện một lần đến Mỹ Sơn, không biết nhìn những cổ tháp kia, những dòng chữ sancrit lẫn cùng rêu xanh trên những bi ký bằng đá kia, thi sĩ đọc ra từ đó những gì mà thơ anh lại lồ lộ nhan sắc phơi bày giữa nguyệt nhật: “Đứng trước tôi một cô gái Chiêm Thành. Đôi mắt nhìn qua lớp đá thời gian. Thẳm sâu đêm nhiệt đới”. Và, bây giờ thì thi sĩ chẳng còn phải đối diện với “ cô gái Chiêm Thành” nào hết, mà cũng như Lê Khắc Duyệt, một mảnh linh hồn anh có thể đang rong chơi giữa rêu cỏ hoang vu này. Và rồi còn biết bao nhiêu người đã từng có những khoảnh khắc lãng du qua đây – cái xứ sở “nước non Hời “đầy trắc ẩn trong thơ Chế Lan Viên, chừng như bao giờ cũng hàm chứa sự bí ẩn và biết khơi gợi trí tưởng con người như một thách thức đi tìm lời giải đáp của vô tận.
Đi dưới chân những ngọn đồi dốc thoải dọc theo triền núi Chúa xanh thăm thẳm vào một buổi chiều ửng tím màu mây chàm. Từ đây nhìn về hướng Sông Thu Bồn, khu đền tháp Mỹ Sơn mờ tỏ trong những vòm cây như biết trôi đi cùng mây bay. Không biết có phải từ vọng tưởng mà ra, hay là gió Mỹ Sơn là thứ gió chất chứa đầy những tiếng vọng, bỗng dưng, chẳng can cớ gì đến thơ Quang Dũng, tôi lại ngâm tràn thơ ông như thi thố cùng âm vang gió núi “Một chút linh hồn nhỏ. Đi về chân núi xanh. Chiều tím về chầm chậm. Hoàng hôn nghe một mình.”
Quả là tôi đang một mình nghe hoàng hôn Mỹ Sơn chầm chậm gieo vãi nên một thứ âm thanh xốn xang có sức vang hưởng đánh thức từng quá khứ. Chẳng phải quá khứ là nói đến bề dày của lớp lớp tầng vỉa văn hoá qua những dòng bia ký, với tên tuổi của những vì vua như Bhadravarman, Rudravarman cho đến Jaya  Paramesvaravarman hay là Jaya Simhavarman, – những vương triều Chămpa đã tạo dựng và trùng tu gìn giữ Mỹ Sơn trải qua nhiều thế kỉ. Cũng chẳng phải quá khứ là tôi hồi tưởng lại dấu chân của những nhà khoa học, những nhà khảo cổ học như L. Finot, H. Parmentier… đã có công phát lộ và nghiên cứu về Mỹ Sơn – một công trình kiến trúc của vương quốc cổ Chămpa. Ngay cả tiếng thơ Aryan cho đến lời kinh Veda sương khói thì cũng xa xăm và tràng giang như âm vang dòng sông Hằng truyền thuyết, dường như với tôi, có nghe đâu đó cũng chỉ để mà nghe, như trẻ thơ ngồi nghe cổ tích về một thế giới bí nhiệm và đầy ắp những vị thần: Thần sáng tạo, thần nhan sắc, thần hủy diệt… Có lẽ chính sức sống của niềm tin thơ ngây và trong trẻo là xứ sở, là non tiên – nơi những vị thần Shiva, Visnu… cứ thỏa sức mà lung linh trong trí tưởng của những tín đồ. Vậy thì còn có những gì vang hưởng, những gì biết đánh thức từng quá khứ trên những lối đi mòn trong thung lũng Mỹ Sơn này?
Có vẻ như mỗi người qua đây tự biết đối thoại với gạch đá rong rêu của cổ tháp này để tìm lời giải đáp. Có những vị khách du lịch mà tôi đã thấy, đã nghe họ trò chuyện với nhau sau khi đã lòng vòng khắp tất cả đền tháp. Rồi lại đem Mỹ Sơn so sánh với Hội An, với Huế. Tôi muốn nói với những người khách đó rằng: Nếu nơi đây mà phồn hoa tấp nập như Hội An hay Huế thì làm gì vang bóng “Điêu tàn” – một trong những quê xứ từng xây nên cõi thơ đẹp mê hồn của Chế Lan Viên. Thế có nghĩa là, ở một ý nghĩa nào đó, cái đẹp của Mỹ Sơn chính là ở chỗ sự phai tàn. Rằng đến đây chiêm bái, con người ta có cảm giác sẽ nghe được tiếng thời gian đi qua trên từng rạn vỡ mà hiểu ra cái lẽ vĩnh hằng của biến dịch, của non dời bể lấp.
Kazimier Kwiatkowsky – có lẽ là người am tường hết thảy mọi thanh âm Mỹ Sơn. Từ kinh nghiệm đó, người kiến trúc sư có gốc gác quê hương ở cái thành cổ Lublin vạn dặm trời Âu đã nợ duyên cùng đền đài tháp cổ xứ này. Chính ông là người đã sáng tạo ra cái thuyết trùng tu Kazik, tức là không làm theo nguyên mẫu theo kiểu sao chép, mà phải thể hiện dấu thời gian đi qua, thời đại đi qua. Và đấy mới chính là ý nghĩa, là cái triện son của mỗi thời in trên hình hài Mỹ Sơn. Kazik đã ăn ở suốt nhiều năm tháng với Mỹ Sơn, từ buổi khu thánh địa này còn ẩn khuất trong lau lách hoang vu.
Giờ đây Kazik cũng đã là phần hồn của Mỹ Sơn, nơi ngày đêm những vị thần Kala canh gác giữ gìn, từ những Kalan cho đến chim muông, hoa lá, những kiệt tác điêu khắc, những linga và yoni… và đến cả hoa hoang cỏ dại. Bất cứ nơi đâu ở lòng thung lũng này, bây giờ người ta cũng đều có thể nghe được hơi hướm của Kazik, thấy được dấu vân tay của ông còn lưu lại trên từng viên gạch. Kết nối tất thảy mọi dấu vết đó lại, của một người, của nhiều người, của một thời, của nhiều thời, của cả những hữu thể và vô thể… thành ra Mỹ Sơn bát ngát thanh âm giữa lòng vạn thuở!
Nhưng thật khó mà đủ sức để thẩm thấu hết mọi âm thanh nơi đây. Nói gì đến Mỹ Sơn nghìn tuổi thăm thẳm con đường thời gian, mới chừng ba mươi năm trở lại đây thôi, con đường dẫn về Mỹ Sơn đã hun hút nhớ quên trong tôi một cõi “điêu tàn” rồi. Điêu tàn – là cái thói quen tôi vin vào thơ Chế Lan Viên để nghe đá sỏi gọi câm dưới chân mình mà nhớ mà quên!
Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam
Chúng tôi đến Mỹ Sơn lần đầu không phải là những chuyến rong chơi cổ ngoạn gì, mà là do một sự tình cờ. Khu Tây – Duy Xuyên thời cỏ còn chưa đủ sức xanh trên cánh đồng hoà bình,thời ấy cũng như bao vùng quê khác vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh được vài ba năm. Những ngọn đồi trơ trọi nối liền Duy Hoà – Duy Tân còn ẩn chứa đầy những hiểm hoạ chết chóc, nơi đâu cũng gặp bom mìn. Thời buổi lo cái ăn còn hoa cả mắt, chẳng hơi sức đâu mà nói đến chuyện tìm kiếm phát lộ những công trình văn hoá, lịch sử bỏ hoang trong rừng rậm. Nhưng Duy Xuyên hồi ấy quyết xây dựng khu Tây thành một trung tâm, một thị tứ nhằm xoá đi bớt cái nghèo ảm đạm của một vùng đất chịu nhiều gian khổ mất mát trong chiến tranh.
Theo chân các đoàn khảo sát kĩ thuật, chúng tôi lội khắp các vùng đồi núi khu Tây. Một buổi trưa từ nông trường Duy Xuyên về, xe hỏng máy tại khu vực gần cầu Khe Thẻ, vậy là trọn một buổi chiều chờ đợi sửa xe, chúng tôi có dịp băng rừng lội suối “chinh phục” Mỹ Sơn. Từ đó đến nhiều năm tháng về sau này, tôi không còn nhớ rõ mình đã đến đây bao lần. Khi thì với anh em bạn bè phương Nam, phương Bắc, lúc thì ngẫu hứng một mình, nhưng có lẽ cái lần đầu tiên khám phá Mỹ Sơn ấy là lần nhớ đời, nhớ thủa nhiều nhất.
Mỹ Sơn bây giờ mỗi ngày chừng như du khách mười phương tấp nập hơn, nhất là vào những dịp lễ hội. Ngay như tôi đang có mặt, hoàng hôn đang giăng tím khắp núi đồi Mỹ Sơn, vậy mà còn có du lịch Tây, du lịch ta dùng dằng chưa chịu ra về. Cả tôi nữa, hình như lúc Mỹ Sơn càng thanh vắng, cái đẹp lặng im của từng tháp cổ, của từng pho tượng đá bỗng khơi vơi trắc ẩn giữa lòng người, gieo vào lòng người một niềm xao xuyến như một chất liệu kết dính mơ hồ giữa thế giới này với lòng ta vậy! Cũng có thể bầu không khí Mỹ Sơn không mặn mà cho lắm với sự khua vang ồn ã, sự diêm dúa kiểu sức, một thứ khả nghiệm đám đông chạy theo những thú vui xa hoa ào ạt. Nếu hiểu rằng sự hoang vu và phai tàn là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn Mỹ Sơn trường cửu chứ không phải những ồn ã, hào nhoáng xúng xính trong những chiếc áo lễ hội thời thượng thì việc trùng tu phục chế tôn tạo khu thánh địa này, tức là làm thế nào để nguyên vẹn một Mỹ Sơn rõ nét dấu thời gian đi qua.
Nhớ một lần tôi làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho những vị khách quí ở Hà Nội,trong một ngày hăm hở cổ ngoạn Mỹ Sơn. Khách là những nhà thơ Võ Văn Trực, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa tiếng tăm thơ văn bát ngát, thành ra chẳng có gì phải gọi là… hướng dẫn. Đi cho vui, đi để học hỏi thêm, để thấm tháp thêm những điều mình chưa biết. Kết quả ngày đường hôm ấy tôi rút ra bài học, không phải chuyện… làm thơ, mà là chuyện xây dựng trùng tu Mỹ Sơn. Nói chính xác hơn là những niềm ưu tư, rằng nếu muốn xây dựng theo kiểu phục chế một Mỹ Sơn hoàn chỉnh, thì nên chăng khoanh một vùng riêng xây dựng giống như bản sao nguyên bản. Tại nơi mới mẻ đó có thể tuỳ thích mọc lên khách sạn, nhà hàng, khu giải trí để phục vụ khách du lịch. Riêng Mỹ Sơn nghìn tuổi, thì bằng cách trùng tu nào cũng không thể thay đổi hoặc thêm thắt bất cứ một thứ gì, lại càng không thể làm mới lại. Cái đẹp toàn bích của công trình kiến trúc cổ Mỹ Sơn là cần phải tôn trọng cảnh quang và hiện trạng, ở đó có cả đổ vỡ mất mát hao mòn, in đầy dấu mưa nắng và thời gian đi qua, chiến tranh và thiên tai địch họa đi qua. Tất cả sự hưng phế, tàn phai thể hiện trên thân thể Mỹ Sơn luôn thường hằng một thứ mật ngôn có sức vang dội, một tiếng gọi câm lặng mà lại có sức âm ỉ dội vào ngực người thưởng ngoạn như lớp lớp triều âm tuyên ngôn cho sự sống vĩnh hằng!
Tôi hiểu ra Mỹ Sơn có một thứ mật ngôn theo cách hiểu của mình. Mật ngôn của rêu, của tháp, của cả những tượng thần. Đi giữa một hoàng hôn thanh vắng, nói rõ hơn là nơi mà mọi âm thanh của gió ngàn và chim chóc trong thung lũng này, càng làm tăng thêm cho sự thanh vắng hun hút và thăm thẳm. Thoáng chốc cái màu mây chàm như biết ửng lên soi rọi xa xăm vào sự vật quanh đây. Sự vật có khi là viên gạch nung nghìn tuổi, có khi là những trụ đá, những Kalan ngửa nghiêng, nhưng dưới ánh rọi của sắc ráng chàm pha bỗng dưng tất cả biết cựa mình thức giấc.
Thế giới của những vị thần sinh ra từ đấy chăng? Không hiểu sao cái trí nhớ cũng rất hoang vu của tôi lại liên tưởng đến các vị thần Apollon và Dionysos xuất hiện ở chân trời cũ càng Hy Lạp. Nếu Apollon là ngôn từ của thi ca thì Dionysos là sức sống và hành động. Cả hai vị thần này đã chi phối tâm hồn toàn Hy Lạp cổ để sinh thành bất tử thiên trường ca Homère lộng lẫy chân trời Hy Lạp. Mỹ Sơn cũng đã chứng tỏ sức thẩm mỹ của mình, không chỉ là chuyện nghìn năm, chuyện quá khứ, mà còn là sức sống lấp lánh từ cái chứng chỉ di sản văn hoá nhân loại đã mười mấy năm nay. Có điều tôi muốn nói đến một sự sống lặng lẽ hơn, nó chuyển hoá vô hồi vô hạn đến mọi tâm hồn khi đối thoại với Mỹ Sơn. Từ những bức tranh, những bài thơ bài hát, tất cả bồi đắp ngày ngày lên Mỹ Sơn, cho đến giờ đây chẳng làm sao nhớ nổi hết. Và đấy cũng là minh chứng về một sự sống, một sức sống trên nền một cảm xúc cộng đồng có thực mà Mỹ Sơn biết ban phát cho mọi người.
Hoàng hôn đã sẫm rồi mà cái màu mây chàm như chưa chịu lặng yên với tháp. Có vẻ như trên những lối mòn tịch nhiên giữa mây khói la đà kia đang có những bước chân xưa trở về. Tiếng thơ mơ hồ trong gió, tranh vẽ mơ hồ trong mây bay, phút giây ấy tôi ngẫu hứng diễn dịch ra: “Hoàng hôn nhuộm rồi, Mỹ Sơn lẫn vào sương khói. Áo chàm bay mây thấp thoáng la đà. Tôi lẫn vào em, em lẫn vào hoang vắng. Cây cỏ và người muôn điệu Apsara”!.
4/1/2023
Nguyễn Nhã Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Nhớ tết xưa quê chồng

Nhớ tết xưa quê chồng

… Làm duyên bên mái nhà cha
Nghe đời khép mở làng xa trở mình
Nghe bao nhiêu kiếp phù sinh
Về trong câu hát tâm tình yêu thương…
Mỗi mùa xuân về, tôi thường chụp ảnh, làm duyên bên nếp nhà trăm năm bình dị của cha với niềm vui đầm ấm đại gia đình sum họp đón Tết. Nhưng năm nay, cha cũng đi xa rồi. Nếp nhà cổ vắng bóng mẹ cha khiến lòng tôi rưng rưng. Bao ký ức Tết xưa như hiện về trước mắt.
Tôi yêu những ngày chuẩn bị đón xuân trên quê hương quan họ. Đường làng, ngõ xóm, chợ quê râm ran… Những ngôi nhà quét vôi mới sạch sẽ, trang hoàng như được thay áo mới. Những mái đình, mái chùa cổ kính phấp phới bóng cờ ngũ sắc, hương trầm ngan ngát tỏa lan. Muôn thứ hàng chợ Tết khoe sắc màu no đủ. Người xe nói cười, mời chào, qua lại tấp nập. Trong mỗi ngôi nhà đã thấy thơm thơm mùi gạo nếp, mùi lá dong, hương rượu mới cất  quyến rũ, ngọt ngào…
Cha tôi đã chặt cây tre bánh tẻ, chẻ lạt cài sẵn hiên nhà. Mẹ gánh gồng ngày ngày đi chợ, bán mua sắm Tết. Vại dưa hành mẹ nén đặt bên bể nước đã dâng hương  cay thơm. Vại tương ngọt ngào đầy ắp. Những bó rơm nếp vàng óng mẹ cũng đã tuốt sẵn, các thức làm bánh tro mẹ cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đỗ xanh xay và những trái gấc đỏ ối đã để sẵn bên góc bếp đơn sơ của mẹ…Chú ỉn trong chuồng đã béo tròn ục ịch. Đàn gà sau bếp thau tháu chân vàng ươm. Mấy ả gà mái già trụi lông bị mẹ đe sẽ sớm làm thịt kho đông cho lũ con ăn Tết thỏa thích…
Tiếng bước chân thậm thịch ra vào. Giếng làng rộn rã người kín nước, ao làng tíu tít người giặt giũ, rửa lá dong… Bên này người đập chiếu, vắt chăn, bên kia người thịt gà, thịt lợn…Đúng là về mặt vệ sinh chưa đảm bảo nhưng không khí đón Tết mới vui làm sao!
Ngày ấy con đường làng còn lát gạch đỏ nghiêng, nhiều ngõ là những con đường đất lầy lội ngày mưa nhưng mát rượi ngày hè nắng ráo với những rặng tre xanh quanh co bao bọc. Thấp thoáng sau vườn cây là những mái nhà ngói đỏ. Ao làng còn nhiều lắm, giếng đình to như hồ nước trong veo, chỉ được phép kín nước về dùng ở đấy. Mãi sau này mới có thể mang đỗ, gạo, lá dong ra tráng, rửa. Chị em vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, tiếng cười giòn tan lan trên mặt nước mơ màng. Cây đa, bến nước, sân đình lắng nghe tất cả, chứng kiến tất cả sự chuyển mình, đổi thay của làng quê và cùng rộn ràng đón mỗi mùa xuân sang. Không khí đón Tết náo nức miền quan họ.
Khi gạo nếp, đỗ xanh, thịt ướp, lá dong, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, thường 28, 29 Tết cha tôi ngồi gói bánh. Cha chồng tôi gói tay khéo lắm! Những chiếc bánh vuông vức, thơm tho, nhân đỗ thịt và thêm ít chiếc nhân đường cứ chất cao dần trên mâm. Gương mặt đẹp như chạm khắc của cha, người cựu chiến binh già, ánh lên niềm vui và đôi tay to thoăn thoắt, khéo léo đặt lá, vun gạo đỗ, gói buộc bánh… Sau này, cha già yếu tay thì anh tôi gói bánh cũng khá đẹp. Chỉ có điều bánh anh gói dầy mình, chưa thanh tao, vừa vặn bằng cha.
Riêng bánh tro và làm nhân đỗ đường, đồ xôi mẹ tôi đảm nhiệm. Thú thật, xôi vò mẹ đồ sau này các con không ai làm ngon như mẹ được. Bánh tro cũng vậy. Trước đấy, mẹ làm tro từ quả xoan khô, rơm nếp, vỏ bưởi, rau dền gai khô đốt cháy. Mẹ lọc tro, để lắng, lấy nước trong màu hổ phách, thêm vào chút nước vôi trong, khuấy đều rồi ngâm gạo nếp cái hoa vàng lựa đãi kỹ vào đó qua đêm. Sáng mẹ vớt ra tráng sạch, để ráo rồi xóc thêm chút muối. Còn nhân bánh chưng ngọt, mẹ làm từ đỗ đãi nấu chín, đường mía, lạc rang giã giập cũng thơm tho, màu nâu quyến rũ. Cha gói bánh nhân sống hoặc chín đều gọn xoe, không lộn nhân như các con tập gói. Còn những chiếc bánh tro gói lá dong mẹ làm nhỏ dài xinh xinh, khi bóc ra cứ trong vắt màu nhựa thông vàng, chấm mật mía ăn thì mát thôi rồi, hết cả ngấy bánh chưng, thịt mỡ!
Những ngày cuối năm ấy, bóng mẹ cha cặm cụi gói bánh trên sân gạch đỏ thoáng nắng gió trời, bên nếp nhà xưa mái ngói nâu cổ kính, luôn gieo vào lòng tôi một niềm xúc động, ấm áp vô bờ.
Khi xong việc, thế nào mẹ cũng ngồi nghỉ ăn miếng trầu trước hiên nhà. Đôi môi đỏ cắn chỉ, hàm răng đen, ánh mắt cười lấp lánh. Mẹ hiền từ nhìn cha và lũ con bắc bếp, mải mốt xếp bánh vào nồi đại, đổ nước, nổi lửa luộc bánh, không quên nhắc các con trông củi lửa cả đêm cho bánh chín đều. Những gộc tre, rễ cây to bố đánh về phơi nỏ cả năm, có dịp rừng rực cháy, lửa reo vui ngay cả trong đêm gió bấc, mưa phùn.
Những đêm giáp Tết luôn là những đêm cổ tích. Tất bật đầu hôm rồi sâu lắng về khuya. Ánh lửa hồng ấm áp hắt lên từng khuôn mặt. Mùi lá dong, thịt áp chảo, kho đông, măng ninh, cá kho, bánh chưng, hương nước mùi già…quấn quýt trong không khí. Xóm làng bình yên, ấm áp trong đêm. Đâu đó có tiếng chó sủa, tiếng gà cầm canh, tiếng nói cười con trẻ, tiếng pháo tép, pháo cối đì đùng vang lên từ sân nhà ai đó trong làng…Chúng tôi cùng cha háo hức vớt bánh, nhúng nước lạnh, nén bánh, để rồi hôm sau, những chiếc bánh vuông thơm hương nếp mới được xếp trên ban thờ, được treo cao từng chùm trên sào tre trong chái buồng cùng các loại bánh, giò nạc, giò mỡ của mẹ và có năm, cha tự tay làm.
Ngày ba mươi Tết, đào, quất đã về trước sân khoe sắc, ban thờ bày đẹp đẽ, trang nghiêm. Mâm cơm tất niên đủ món truyền thống nghi ngút khói mời gọi đã được cả nhà chuẩn bị dâng lên thần linh, tiên tổ. Bố tự tay cắt tiết đôi gà trống hoa mào đỏ chân vàng, làm sạch, buộc cánh tiên, cẩn thận luộc chín tới thật đẹp để đem dâng cúng Giao thừa, mùng Một ở đình. Nhìn bố và các con trai kính cẩn đội mâm lễ xôi gà ra đình vào đêm trừ tịch, thấy không gian thiêng liêng, trời đất giao hoà, tổ tiên như hiện diện về vui Tết cùng con cháu, thấy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” như mạch ngầm chảy mãi trong muôn thế hệ người Việt Nam. Giờ phút sang năm mới, tiếng pháo đồng loạt nổ vang lên khắp xóm làng rồi râm ran lan xa kéo dài…Đất trời như bừng sáng. Hương trầm, mùi thuốc pháo sực nức không gian.
Mẹ cẩn thận khăn áo dâng hương làm lễ trước ban thờ trong nhà, ngoài sân, cầu cho một năm mới tốt lành. Cả nhà quây quần bên nhau nhấm nháp chút bánh kẹo, lì xì, thưởng trà mừng xuân…Nụ cười của cha mẹ bên con cháu lúc ấy đẹp biết bao. Mặc cho có năm bên ngoài còn mưa rét, cửa nhà chỉ là bức rèm tre chống chếnh, nhưng trong lòng người, ai cũng thấy ấm áp niềm vui.
Đã bao mùa xuân đi qua, rồi chúng tôi phải tập dần với sự thiếu vắng mẹ. Thiếu nụ cười tươi quết trầu và ánh mắt lấp lánh của mẹ bên bậu cửa đợi chờ con cháu. Thiếu gương mặt phúc hậu của mẹ hồng lên bên chõ đồ xôi. Ăn miếng dưa hành, miếng bánh tro… năm nào cũng nhớ đến mẹ.
Tết năm nay, mẹ dắt cha về miền mây trắng, chúng tôi thật sự mồ côi. Nhớ cha vô cùng, dù từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã quen không được thưởng thức miếng bánh chưng cha gói, miếng thịt gà cha luộc; Nhưng chỉ cần “Thấy trong mái ấm cha ngồi/ Vui cùng con cháu nụ cười an nhiên” là cháu con đã ấm lòng rồi.
Chúng tôi cũng không còn được mừng tuổi mẹ cha đầu xuân mới, không được ngắm nụ cười hồn hậu của mẹ cha khi thấy anh chị em chúng tôi rồng rắn đi chúc Tết các nhà…Nhưng những ngày xuân xưa cũ ấy, mãi mãi khắc ghi dáng hình, nụ cười, gương mặt, tình yêu của cha mẹ dành cho con cháu.
Tôi vẫn như thấy nụ cười tươi vương hương trầu cay của mẹ bên bậc cửa, thấy cha hiền từ trước sân niềm nở bắt tay đón, tiễn người thân, xóm giềng.
Miền quê quan họ vẫn ngân nga tiếng hát. Những món ngon quê nhà vẫn giữ hương vị ngàn xưa. Thấp thoáng bên đền chùa cổ kính, trong nếp nhà quen thuộc là những nụ cười của người thân xa khuất…
Một mùa xuân mới đang về. Mùa xuân muôn hoa, xanh lộc biếc, tràn đầy hy vọng đang chảy tràn trên quê hương, đất nước, trên khắp địa cầu và trong tim mỗi chúng ta.
19/1/2023
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Chút nỗi niềm riêng

Chút nỗi niềm riêng Cũng gần xấp xỉ 50 nhưng chị vẫn giữ được nét thanh xuân mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có. Chị đẹp, nét đẹp dịu dà...