Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Trăn trở với Tây Nguyên

Trăn trở với Tây Nguyên

Nói đến Tây nguyên chắc hẳn trong tất cả chúng ta, ai cũng dành một tình cảm trân trọng về vùng đất đỏ ba zan, nơi núi rừng bao la trùng điệp, với bạt ngàn những cánh rừng cao su, cà phê xanh ngát chạy tít tận chân mây. 
Nhớ đến Tây Nguyên là nhớ đến vùng đất và con người chân chất, hào sảng, mạnh mẽ và ý chí quật cường được thể hiện trong sử thi Đam San; qua các tác phẩm văn học: Rừng Xà nu, đất nước đứng lên…
Nhắc đến Tây nguyên trái tim ta bị chinh phục bởi các lễ hội với nét đặc sắc không gian văn hoá cồng chiêng. Với tôi, Tây Nguyên như một duyên phận, một đặc ân mà trời đã ban trao, để rồi trong nghiệp nhà binh hơn bốn mươi năm tôi đã có nhiều dịp đến với Tây Nguyên, mỗi lần đến, mỗi lần đi qua là đầy ắp kỷ niệm: Vui có, buồn có và cả những trở trăn.
Tây Nguyên mỗi độ xuân về dường như luôn ăm ắp nỗi bâng khuâng dưới cái nắng vàng. Trời xanh cao như tấm sàng khổng lồ đang sàng sảy lớp bụi mây rơi li ti giữa không trung đầy gió nhẹ. Giữa cao nguyên bạt ngàn nắng và gió, ta khoan thai chậm bước giữa mênh mang sắc trắng hoa cà phê, tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai. Bồi hồi lắng nghe đâu đây từng giai điệu nồng nàn rực cháy trong tình khúc của nhạc sỹ Trần Tiến: “Ôi! Raglai, những rừng cây, ngọn núi mang tiếng đàn… Chapi… Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi…” Tôi lại trở về với Tây nguyên, những ký ức của buổi gặp mặt những cựu học viên Biên phòng tại Buôn Mê Thuột tháng 3 năm 2022 lại hiện về.
Chúng tôi lại về thăm biên giới, thăm cửa khẩu Đắc Ruê, lòng rộn bao niềm vui khi chứng kiến sự đổi thay, phát triển của một vùng biên cương nay đã thay da đổi thịt với một diện mạo mới. Ea bung huyện Ea Súp là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Đắc Lắc đạt chuẩn nông thôn theo 19 tiêu chí quốc gia. Bên choé rượu cần say khướt đêm đầu tiên chung vui cùng quân dân xã biên giới, đã in đậm trong ký ức của tôi và tôi mang niềm vui này về lại thành phố mang tên Bác kể lại một cách hào hứng cho người thân nghe.
Đến Tây Nguyên lần này cũng như bao lần khác, niềm vui, nỗi buồn luôn cứ đan xen. Vui vì chứng kiến một Tây Nguyên từng ngày đổi mới, phát triển đi lên; nhưng nỗi buồn vẫn còn đó, cứ đeo đẳng theo tôi để rồi trăn trở khôn nguôi.
Khi nhắc đến mùa xuân ai cũng muốn dùng những mỹ từ để diễn tả nét đẹp của mùa xuân, của lộc biếc, đâm chồi, của hương hoa tràn đầy màu sắc. Với Tây nguyên giờ đây sự diễn tả không thể trọn vẹn. Còn đâu những cánh rừng nguyên sinh tự nhiên xanh bạt ngàn? Rừng đã bị tàn phá đến mức kiệt quệ. Ngay cả cái gốc họ còn đào lên để tận thu, để tạo hình trang trí cho thoả chí ăn chơi của bao kẻ lắm tiền nhiều bạc thì lấy đâu ra để có được lộc biếc, hoa ngời. Việc phá rừng không những của đồng bào theo tập quán đốt nương làm rẫy, những lâm tặc dùng dao, búa, rìu… nguy hiểm hơn chúng hùa nhau phá rừng bằng cả những dự án, với những con dấu và chữ ký đầy quyền lực. Với danh nghĩa chuyển đổi rừng nghèo sang rừng cây công nghiệp, họ ca tụng sáng kiến của dự án để hợp thức hoá cho sự khai tử với rừng, họ xà xẻo đất công, chia chác chiếm đoạt tài nguyên quốc gia để trở thành những cánh rừng cao su, hồ tiêu bạt ngàn cho một nhóm người được cho là quyền quý. Chúng phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, để rồi lấy tiền tậu biệt thự xe sang, ăn chơi nhậu nhẹt tuý luý trong các khách sạn, nhà hàng có rượu ngon, gái đẹp. Những cánh rừng bị hành hạ, đẫm máu run rẩy bởi bao kẻ độc ác, tham tiền.
Tôi đã chứng kiến bao nhiêu năm ròng rừng khóc, kêu cứu nhưng không ngăn được sự dã tâm độc ác của con người. Đi từ phía bắc Kon Tum theo đường tuần tra biên giới, hoặc theo đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay gọi quốc lộ 14C, xuôi về phía nam qua Gia Lai, Đắc Lắc về Đắc Nông ta thực sự đau lòng khi chứng kiến sự tàn phá ghê gớm với rừng. Rừng Tây nguyên giờ chỉ trong tưởng tưởng, và trong hoài niệm nhớ thương với câu thơ:”rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”  mà thôi. Hiện tại Tây nguyên chỉ còn vài khu vực dán cái mác mỹ miều rừng đặc dụng, vườn quốc gia. Đó chỉ là khoác cái áo bề ngoài, bên trong những khu rừng ấy đã và đang bị rút ruột, gậm nhấm. Vì ma lực của đồng tiền mà lâm tặc bất chấp tất cả.  Với cung cách quản lý, bảo vệ rừng như hiện nay cùng với chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục, chắc chắn các khu rừng quốc gia sẽ bị khai thác đến tệ hại hơn trong thời gian tới.
Trong nỗi trăn trở, xót xa về rừng, tôi rất tâm đắc một đoạn viết đâu đây của nhà thơ Văn Công Hùng: “Rồi ngay cái gọi là rừng thì nay đã thay đổi nhiều lắm rồi. Ngày xưa rừng ngút mắt, rừng miên man, rừng chằng chịt, giờ, tất cả như khoe ra dưới mặt trời cái màu đất Tây Nguyên tưởng như đặc trưng, té ra cũng không đặc trưng nữa…. Tây Nguyên thay đổi vừa do quy luật tự nhiên, vừa do con người. Càng văn minh thì con người càng can thiệp vào thiên nhiên thô bạo hơn”.
Tác hại của việc phá rừng thì ai cũng hiểu rõ, nhưng do lợi ích cục bộ nên họ cứ làm. Giờ đây đi giữa lòng cao nguyên bao la ta cảm thấy ngột ngạt biết chừng nào. Giữa những ngày xuân vào tháng hai, tháng ba trời Tây nguyên nắng như thiêu như đốt, các dòng sông nước đều xuống thấp, các con suối Đắc Đam, Đắc Dang thuộc Đắc Lắc, Đắc nông nhiều nơi cạn kiệt, lòng suối trơ đá ra. Thương cho lũ chim trời, thương cho con nai, con hươu gọi bầy thảm thiết, thương các chiến sỹ Biên phòng gác trực chốt trên biên giới dưới cái nắng hầm hập của rừng khộp héo queo, héo quắt.
Đây là một nỗi buồn, nỗi buồn đến xót xa. Đối với đồng bào Tây Nguyên, mất rừng là gần như mất tất cả… Nhà văn Nguyên Ngọc tác giả của tác phẩm Đất nước đứng lên, Rừng xà nu… người đã gắn bó lâu năm và hiểu sâu sắc đời sống, tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã khẳng định: “Với Tây Nguyên rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường theo nghĩa hẹp. Rừng là tâm linh. Vì vậy nó là cội nguồn văn hoá ở đây. Đố ai có thể tìm ra được một biểu hiện văn hoá nào ở đây mà không liên quan đến rừng, hay đúng hơn, không có mối quan hệ sâu xa thăm thẳm của con người với rừng làm cơ sở. Ở đây, nếu không giữ được rừng, nếu tiếp tục tàn phá rừng, tiêu diệt rừng như nó đã và đang tiếp tục bị tiêu diệt, thì đừng nói gì đến văn hoá, bảo vệ văn hoá. Mọi thứ lễ hội ồn ào và diêm dúa sẽ chỉ là diễn, là giả.”.
Một lời cảnh tỉnh đầy tâm huyết với Tây Nguyên. Tây Nguyên ơi! Đại ngàn vi vút gió ơi! Rừng bao giờ về lại ngày xưa? Thực lòng tôi đã nợ ân tình với Tây Nguyên, nợ một lời xin lỗi với Tây Nguyên, bởi với trí mọn, sức hèn của mình, không thể giữ được màu xanh bất tận cho cao nguyên. Buồn lắm thay! Trăn trở lắm thay!.
11/3/2023
Quang Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...