Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Có một Hà Nội trong tôi

Có một Hà Nội trong tôi

Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Câu hát ngân lên trong buổi sáng cuối tuần giữa không gian tràn đầy hương sắc lá hoa và thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ mà nồng nàn, quyến rũ của những li cà phê nghi ngút khói làm tâm hồn tôi chênh chao một nỗi nhớ. Hà Nội ơi!
Hà Nội trong tôi thăm thẳm màu kí ức. Tuổi thơ tôi may mắn được hai lần gieo duyên với Hà Nội. Đó là hè năm lớp 1 và hè năm lớp 4. Khi đó, bố tôi đang công tác ở một đơn vị thuộc Viện khảo sát thiết kế thủy lợi. Cơ quan bố ở Nhổn. Dù trái tim non nớt ngày ấy cảm nhận chưa được nhiều, cùng với lớp bụi thời gian vô tình cũng xóa mờ đi không ít, tôi vẫn nhớ. Đó là một xí nghiệp nhỏ với vài dãy nhà cấp bốn nằm dưới chân con đê cao hút đầy cỏ gà và nhất là những bông cỏ may lưu luyến dấu chân người, xen lẫn một số loài hoa dại.
Hà Nội nhiều hoa, mùa nào loại nấy. Nhưng với tôi, không phải những cành đào Nhật Tân điểm nụ phớt hồng e ấp làm duyên hay sắc thắm kiêu sa, đài các của loài hoa lay ơn mỗi độ Tết đến Xuân về; cũng chẳng phải nữ hoàng loa kèn trắng muốt, tinh khôi mềm lòng tao nhân ngày hạ cháy; càng không phải những nhành thạch thảo tím biếc, mộng mơ, dịu ngọt chiều thu hay những đóa cúc họa mi nõn nà, mỏng manh, thuần khiết, gần gũi buổi đông về mà chính những khóm hoa trắng xinh, nhỏ nhắn, xen chút nhụy vàng mọc hoang hoải dưới chân đê mới là những bông hoa đẹp nhất.
Bên kia, phía bãi sông Hồng là một nhà máy gạch năm ba ngày lại cuộn lên từ chiếc lò cao như con quái vật há miệng phun những làn khói đậm đặc rồi lơ lửng, tan dần trong không gian mênh mông để lại mùi hăng hắc, nồng nồng, ngai ngái mỗi khi có con gió nghịch chiều. Chếch lên hướng tay mặt chừng ba cây số là cây cầu Thăng Long huyền thoại. Ngày ấy cầu mới xây xong, tối đến những ánh đèn điện hắt ra từ phía cầu rực rỡ cả một vùng. Đã nhiều lần theo anh Chiến, anh Tú, chị Hà nhà bác Khoát lên mặt đê chơi, tôi lặng lẽ ngắm nhìn và thả những mơ ước mơ hồ về phía ấy. Một kỉ niệm khó quên là mỗi tuần nghe tiếng “báo đây, báo đây….” của bác đưa thư, bốn anh em chúng tôi như bầy chim vút ra và bay lên triền đê mà ai có nhanh chân hơn cũng rất dễ bị người sau kéo giật lăn long lóc xuống bờ đê, bởi một quy ước trong cái thời thiếu thốn trăm bề ấy là ai nhận được báo trước thì được đọc trước. Tôi còn nhớ lắm hình ảnh anh Tú mỗi lần dẫn đầu rồi nhận báo, reo lên y như võ sĩ được trọng tài giơ tay công nhận chiến thắng sau những hiệp đấu te tát, bầm dập. Còn chị Hà thì gần như lần nào khuôn mặt búp bê cũng ỉu xìu, đôi mắt ngân ngấn nước bởi sao có thể vượt qua ba anh em tôi được.
Những tưởng có duyên với Hà Nội. Ai ngờ Hà Nội hờ hững, Hà Nội phũ phàng. Hà Nội dệt ước mơ, hoài bão, khát vọng tôi. Vậy mà mấy bận thi đại học, Hà Nội toàn cho tôi ăn bánh vẽ. Oái oăm, học xong Sư phạm trường tỉnh, Hà Nội lại mở lòng mời gọi rồi dang rộng vòng tay chở che, bao bọc tôi giống như người mẹ bao dung độ lượng hải hà. Khi ấy đang thất chí vì học xong mà không được phân công công tác (đoạn sau thì việc ấy là bình thường) trong khi cả tỉnh lấy có nhõn một lớp Tiểu học 47 người, thi tốt nghiệp rớt 5 còn 42 thì hơn nửa đều được nhận công tác, chỉ còn mỗi mấy chú KV2 – NT không thuộc diện ưu tiên nào ở lại với lời hứa nhạt như rau má ngày sương muối của bà Trưởng phòng Tổ chức Sở. Tôi còn nhớ cuốc xe ôm đầu tiên đúng ngày 14/2/2003, được cô khách xem chừng sinh viên bậc cao tặng cho hộp sô cô la, giữa cái tái tê đông giá mà ngọt ngào ấm áp đến lạ. Từ đó, ngoài lúc xách cặp đi gia sư, tôi là xe ôm.
Thế rồi cuộc sống cứ thế trôi đi làm dày thêm trong tôi những kỉ niệm vui buồn về Hà Nội. Nhớ biết bao ngõ 123 Xuân Thủy. Nơi sau mỗi trận mưa là một cơn tiểu hồng thủy tràn về. Nước cứ lừ lừ dâng lên tràn qua mặt kênh rồi như vị khách xấu xí không mời cứ tự tiện vào thăm thú khu nhà trọ tuềnh toàng nơi đủ những khuôn mặt đời giống nhau mỗi một chữ tha hương chúng tôi tá túc. Nhớ lắm những gương mặt trầm buồn bó gối ngồi bên cửa sổ lơ đãng nhìn dòng nước cuốn theo mấy nhánh củi mục vật vờ. Buồn não nề ơi “Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên” qua tiếng ghi ta nhạc rừng của anh Năm Thái Nguyên. Đắng đót lắm khi vang lên lời chanh chua, ngoa ngoắt, lơ lớ của cô Hải Ba Vì. Mà cũng mộng mơ, phiêu diêu lắm em ơi cô gái Phú Xuyên có mái tóc dài óng mượt hay chải đầu, làm duyên bên khung cửa, nhất là đôi mắt thăm thẳm trời yêu của em mà mỗi lần nhìn em cười cảm như cũng được em ban cho một cánh sóng tình đủ để chao nghiêng một tâm hồn không trẻ.
Rồi thanh khiết, băng trinh tấm lòng cô bé xứ Lạng hè xuống ôn thi. Hỏi bài thầy, rồi anh bằng ánh mắt sáng trong veo, xoe tròn như mắt na rừng Chi Lăng mùa chín rộ với thanh âm ngọt ngào, mướt mát, thơm thảo như vị hồi xứ Lạng làm khổ lòng giáo trẻ.
Hi, mà từ độ lạc bước vào đường tình tới nay có khi nào thoát ra nổi đâu. Cũng giống hơn năm nay dan díu với thơ. Khi thất tình cũng là lúc tình say nhất.
Nhớ ngôi chùa Thánh Chúa cổ kính, trang nghiêm, trầm mặc nép mình dưới tán mấy cội muỗm cổ thụ trong khuôn viên trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội. Nhớ những đêm đông mưa phùn, gió rét ngồi gặm bắp ngô nướng, xuýt xoa chén trà nóng lặng nhìn dòng đời lăn vội. Nhớ lắm quán nước cụ Tùng văn thơ lai láng có câu cửa miệng: “Mấy đứa sinh viên chúng mày là một lũ sạn tâm hồn, chả có chút văn hoa gì cả.” Ấy vậy mà lại mời mình đi sinh hoạt CLB thơ người cao tuổi quận Cầu Giấy. Chết chưa ! Một thanh niên mới hai mươi mấy mùa lũ lại đi sinh hoạt người cao tuổi. Ai bảo đong đưa chữ nghĩa với cụ làm gì? Mà vui ! Vì cụ khen mình có tâm hồn.
Nhớ lắm những trận cầu của Thể Công trên sân Mỹ Đình tươi ngời sắc đỏ.
Nhớ lắm vị nem Phùng và những cốc bia hơi mát lạnh, sóng sánh sắc vàng, rổn rang lời bè bạn trên con phố Nguyễn Phong Sắc nối dài.
Cũng hùi hụi mừng thầm hôm đó, tay dựng cột Viettel nó mà húng lên chút nữa thực hiện đúng lời thách đấu thì bản mặt thư sinh trói gà không chặt, chỉ cái gọng to bè này có lẽ đã được phen te tướt chứ dễ gì chịu nổi những quả thôi sơn, những cú đá phát ra từ thân hình săn chắc, vạm vỡ, cuồn cuộn, tràn trề sức sống như cái gã lực điền Chí Phèo ngày bóp đùi cho bà ba ấy.
Và quên sao được Hồ Gươm, trái tim thiêng liêng của kinh kì ngàn năm văn hiến. Ngày ấy, Duẩn – người Duy Tiên, kĩ sư cơ khí giao thông lại thích nghiên cứu chiêm tinh, tướng số giới thiệu, tôi nhận dạy cho hai anh em Quyết – Thắng khi ấy đang học cuối lớp 10. Cũng lạ, suốt 5 năm gia sư Hà Nội, tôi chỉ dạy học sinh cấp 2, 3 hai môn Toán, Lý. Không phải tôi không yêu học sinh Tiểu học mà chỉ đơn giản là dạy lớp lớn học phí cao hơn. Quyết, Thắng nhà ở Phúc Tân. Lâu lâu, nhậu cùng ông bố, một người đàn ông lạ với châm ngôn có vẻ cực đoan “Thà làm tá điền thành thị còn hơn làm địa chủ nhà quê” nên ông bán hết nhà cửa ruộng vườn ở Hà Nam, dẫn gia đình ra khu bãi Phúc Tân, Phúc Xá mua đất làm nhà mà như ông nói : rẻ, chất lượng cao. Bởi khu ấy gần trung tâm. Thành ra rộng rãi, cả đại gia đình ở thoải mái lại còn dư phòng cho thuê.
Thứ bảy, chủ nhật sáng một ca, chiều một ca nên trưa tôi không về. Vì từ Phúc Tân băng qua Trần Quang Khải sang Lò Siêu là tới Bờ Hồ. Tất cả chỉ chừng cây số nên tôi đi bộ. Kiếm thứ gì ăn đỡ rồi loanh quanh. Lúc tản bộ ngắm nhìn cảnh quan thư thái, ung dung như một kẻ sĩ thoát vòng danh lợi. Khi nhởn nhơ thả hồn theo cánh chim côi. Thoắt lại chăm chú quan sát rặng liễu chải tóc xuống mặt hồ mà tơ tưởng đến mấy bóng hồng lỡ làng thuở nọ. Rồi lại lặng lẽ ngắm nhìn mặt nước xanh biêng biếc như thu vào thăm thẳm trầm tích văn hóa dân tộc mấy ngàn năm lịch sử mà ngẫm ngợi, liên tưởng đến tên gọi của hồ, đến truyền thuyết anh hùng Lê Lợi trả gươm. Có lúc ngẫu hứng lượn ra tượng đài Lý Thái Tổ ngắm nghía, chiêm bái, ôn lại lịch sử 217 năm vinh quang mà cũng đắng cay của nhà Lý. Thấp thoáng dáng hình nữ chúa xinh đẹp, kiều diễm mà nhỏ bé khóc thầm dưới chân tượng tổ triều. Rồi cũng có khi đổi gió, đi ngược lên phía bãi giữa, cô độc giữa hoang mù khói sóng mùa đông trong mênh mang Hồng Hà lồng lộng, xoãi bóng cầu Long Biên trầm mặc, phong rêu, dõi cánh bèo lập lờ, chạnh lòng nghĩ phận mình không biết về đâu?
Hơn hai năm đều đặn như vậy đến khi ba thầy trò thi và cùng đỗ đại học. Đúng là Hà Nội như một trò đùa số mệnh. Nhiều lúc gạt đi những hạn chế, tự an ủi mình “học tài thi phận”. Mấy năm ôn thi, tôi toàn rớt đến khi thi chơi lại đỗ thật.
Khi có giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc tôi có quyết định nhận công tác trong miền Nam. Đành bỏ lại ước mơ dang dở. Từ biệt kinh thành tôi đi. Lòng rung rung một nỗi nuối tiếc bâng khuâng. Những kỉ niệm đẹp đẽ thời tuổi trẻ vì cuộc mưu sinh những tưởng đã lặn sâu vào miền xa thẳm. Nhưng nhiều lúc “trái gió giở giời” lại trỗi dậy, cuộn lên rưng rức. Hà Nội ơi!.
24/4/2023
Mai Xuân Thắng 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...