Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Dằm ở trong tim

Dằm ở trong tim

Câu chuyện sau đây hoàn toàn có thật, dựa trên lời kể của bác Lê Đình Toán. Mong rằng, nếu ai biết được thông tin về cựu chiến binh Phạm Thanh Bình, nhập ngũ năm 1968,  nguyên sĩ quan Trung đoàn 14, mặt trận Nam Lào, quê Ngọc Lặc – Thanh Hoá xin liên hệ với ông Lê Đình Toàn, làng Cự Tiến, xóm 7, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Vinh đưa chai mật ong cho tôi, không quên dặn với:
– Mật ong hoa rừng, tốt lắm chị ạ. Nhờ nó mà bố em thoát chết ở chiến trường đấy. Và bây giờ cũng nhờ nó mà bố em vẫn khỏe.
– Thế thì tốt quá. Bố mẹ già mà vẫn khỏe là cái phước…
– Thật ra, bố em cũng chẳng khỏe lắm đâu. Thương binh 2/4 mà. Lẽ ra đã chết rồi. Trong đầu gối bố em vẫn còn găm mảnh đạn. Không thể mổ gắp nó ra được vì tiên liệu xấu có thể dẫn đến liệt. Mà để nó trong mình thì cứ nhức nhối. Nhất là những khi trái gió, trở trời. Vết thương lại tấy lên, mọc liền bốn năm cái nhọt, mưng mủ, đau buốt. Khổ lắm. Mỗi tháng 7 là nhà em lại thấp thỏm. Cứ vài ngày bố em lại một mình vác xe đạp bỏ đi. Chẳng biết khi nào về. Rồi lại đi như thế. Cái chân thì như thế. Đã từng bị cả loạt đạn giặc bắn vào, rồi mổ xẻ…Thế mà có chịu yên đâu… Lo lắm.
– Thế bố em đi đâu? Cụ có bị lẫn không?
– Không. Còn lâu mới lẫn. Nhớ hơn ai hết. Là đi tìm người cũ.
– Tình xưa à?
– Không. Người đã cứu bố em trong chiến tranh. Cõng ông bị thương suốt từ chiến trường ra Bắc. Nếu không ông đã nằm trong một trong nhiều nấm mộ vô danh rồi. Nên giờ cứ trái gió trở trời là ông đi. Không chỉ vì vết thương đau buốt. Năm nào ông cũng đi tìm. Mà vẫn không thể nào ra tung tích người xưa…
Câu chuyện li kì thật. Bố Vinh – thương binh Lê Đình Toán, làng Cự Tiến, xóm 7, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tænh Thanh Hóa – kể:
Tháng 11.1968, sau đợt huấn luyện ở Sơn Tây, bố được lệnh vào Nam chiến đấu, biên chế vào tiểu đội 5, trung đội 2, đại đội 5, tiểu đoàn 2,  trung đoàn 36, sư đoàn 308 (khi vào Nam đổi thành sư 325) bộ binh. Lên tàu ở ga Thường Tín, qua Thanh Hóa mà không thể về nhà, đành vứt hết chiếu chăn, quần áo, chỉ giữ mỗi cái ba lô có 9 kg gạo, súng, đạn dược, thật tối giản để ra chiến trường. Không kịp quay về đơn vị cũ, để lại tư trang, mất cả cái bằng khen và bài báo Quân đội nhân dân viết về thành tích chiến sĩ thi đua của bố, mới cầm trên tay mà chưa kịp đọc…
Trận đánh trên đồi Không Tên, cao điểm 182, tháng 4.1969 ở Phù đinh, Ba De, Quảng Trị thật khốc liệt. Giặc tập kích. Cả tiểu đội hy sinh. Bố vừa băng bó cho anh Thỏ người Thọ Xuân bị thương ở bụng. rồi đứng lên ném một quả lựu đạn thì bị một loạt đạn bắn trúng chân, làm chân phải gãy, rơi xuống hố bom. Trầy trật, bố cũng bò về được đơn vị và được hai đồng đội Lộc và Đê người Hậu Lộc cáng thương. Trên đường đi, gặp phục kích, lạc đường, bố lại phải ở lại một mình. Mò mẫm, tìm được cái hầm trên đồi, bố leo lên nằm tạm, gặp hai đồng đội nữa cũng bị thương nằm đấy là anh Hùng và anh Tặng người Cao Bằng. Đêm đến, bố lết xuống suối lấy nước uống và lương khô ăn qua ngày. Đến đêm thứ 4, quãng mùng 9, mùng 10 tháng 4, cả hai anh hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trong căn hầm ấy. Bố còn lại một mình, không thể đi đâu vì một chân đã gẫy rồi.
Đêm ấy, bố ra suối uống nước và nằm lả bên vệ đường mòn, chợt nghe tiếng lạch cạch dao găm đập vào bao súng, như có người từ trên đi xuống. Thót cả tim mà cũng mừng thôi là mừng. Có người! Ta hay là địch? Như có trời xui, bố lên tiếng hỏi: “-Phải anh Bình đấy không?”. Trong chiến đấu, chỉ cần nói không đúng, có thể bị bắn chết ngay. May sao, đúng anh Bình, trung đội trưởng trung đội 2. Anh ấy cũng nhận ra bố là trung đội trưởng trung đội 3. Cả tiểu đội của bố đã hy sinh, anh em còn lại bị tập kích không biết đi đường nào, ba ngày chưa thấy ai trở lại. Thế là anh ấy cõng bố từ đó ra Bắc. Bình thường thì anh ấy cõng. Lên núi, xuống đèo thì bố phải sên[1] bằng hai tay, vì chân đã gãy rồi. Khi chiến đấu phải bỏ lại hết quần áo dài có khẩu mật trong đó, nên trên người chỉ còn quần đùi với áo cổ vuông- lúc này đã xơ xác cả vì sên, bò mãi.
Ngày thứ 12, bố lả người tựa lên xác chiếc xe tăng, bảo anh Bình: tôi mệt quá, không đi được nữa, lương khô cũng cạn rồi, chỉ còn một, hai mẩu nữa thôi. Nhưng anh Bình không chịu bỏ bố lại. Anh bảo: “Mày cứ nằm đây, tau[2] đi xem thế nào”. Một lát, anh quay trở lại, mang theo tổ ong mà anh vắt được, cho bố ăn và bôi vào vết thương mà trước đó mỗi ngày đều phải tháo đi một lớp băng đóng cứng với ruồi đẻ trứng kín như vảy cóc. Bôi đến đâu thì ngày hôm sau không phải xé đi lượt băng ở đó và ruồi cũng không đẻ trứng vào đó nữa. Bố cũng chả dám ăn nhiều, chỉ ăn có tí thôi, vì anh ấy nói ăn nhiều sẽ say. Cứ tí mật ong và chút lương khô, nước lã, hai anh em ròng rã 14 ngày trời.
Ngày thứ 14, bố kiệt sức rồi thì anh Bình bỗng reo lên: “Đây như có lán bộ đội rồi. Miền Bắc đây rồi”. Sau mới biết đó là vùng Z8, Vĩnh Linh. Lúc vô rừng rậm như núi, lúc ra thì máy bay hắn đánh tan tành, không còn nhận ra chỗ nào nữa. Đi thì cứ đi mà không biết mô tê gì cả. Mỗi ngày chỉ được vài cây số, vì vừa lết vừa bò, với máy bay, súng bắn trên đầu. Anh ấy để bố nằm ẩn dưới gốc mua, dò dẫm đi trước tìm đường. Đói quá, lượm được hộp cơm bằng cổ tay rơi xuống, mốc xanh, lên mùi chua, nhưng bố vẫn bóc ra ăn vì đã bao ngày không có hạt cơm. Vậy mà cũng không việc chi hết. Nghe tiếng súng bắn, bố lại thót tim: “Chết. Chắc anh ấy lại gặp địch. Hoặc anh ấy chết, hoặc đi lạc mất rồi”.
Một tiếng điếng người, lặng ngắt trôi qua như nghẹt thở. Anh ấy bỗng trở về: “May rồi. Tau gặp được đơn vị công binh đang đào hầm. Hắn cho xe lại chở mi đi”. Vậy là bố được đưa ra Bắc và chữa trị. Trước hết họ đưa vào phẫu[3] của Z8 công binh. Vô đó là hắn thay quần áo, băng bó, rồi cạo vết thương cho bố. Đau lắm, mà bố không còn biết chi nữa vì ngất lịm đi suốt một ngày đêm trong hầm. Bố được giao cho viện 38, chuyển sang viện 41 ngoài Vĩnh Linh, đi sà lan qua đường Trần Phú, Nghệ An rồi chuyển ô tô ra Bắc. Còn anh Bình quay vào tuyến trong. Nhờ mật ong mà bố giữ được đôi chân, gẫy dập nát mà không bị hoại tử, nên không bị cưa đi.
Anh Bình là ân nhân cứu mạng của bố. Vậy nên không thể nào quên, không thể nào không tìm, dù gặp được người hay chỉ là ngôi mộ để thắp một nén nhang cảm tạ. Vậy là bố phải đi tìm, dù càng tìm càng bặt vô âm tín. Bố đã đi bao đường đất, bao lần lên đến tận quê anh ấy, cặm cụi ghi số rồi gọi cho cả chục Phạm Thanh Bình mà chẳng tìm ra. Và bố vẫn hàng đêm trăn trở, mắt nhắm vào lại mở ra…
Vẻn vẹn dòng thông tin ngắn ngủi mà anh ấy nhắn lại cho bố năm 1972, trước khi vào mặt trận Nam Lào: “Cứ hỏi cán sự huyện đội Ngọc Lạc là tìm ra tau, vì tau đi từ đấy” – anh ấy tủm tỉm cười. Sự may mắn thứ hai trong đời cho bố cơ hội gặp lại ân nhân lớn nhất của đời mình thật tình cờ. Cũng năm đó, bố an dưỡng xong, về quê lấy vợ, rồi làm cái nhà này. Bố làm công tác quân nhu cho bộ đội xây dựng kè Phù Châu số 3 Hiền Lương. Khi đóng quân ở giếng trên núi, bố ra phà Vạn đón xe chở lương thực phẩm cho bộ đội.
Đang đứng ở cầu phà bên ni[4], bỗng thấy một người giống như anh Bình trên bến. Bố đi ngược lại và thốt lên: “Anh Bình! Sao anh lại ở đây?”. Anh kể: “Tau cáng mi ra rồi hắn[5]cho tau đánh nhau trận nữa, phong cho tau thiếu tá rồi bây giờ cho về phép để tao đi Nam Lào chiến đấu”. Bố vào đơn vị nói với các anh ấy, được cho 5 cân kẹo chocolate, và gom được 5kg tem gạo lẻ loại 250g, bố đưa cả cho anh ấy, thổi cơm cho anh ăn rồi lấy thẻ ưu tiên mua vé xe cho anh về quê. Bố xin về theo, nhưng anh ấy bảo: tau về đúng 7 ngày tau xuống thăm vợ chồng mi[6].
Lúc bấy giờ mới có con gái đầu lòng là chị của Vinh. Bố cũng xin nghỉ phép viền[7] quê. Đúng 7 ngày anh ấy xuống và ở lại với bố một ngày một đêm. Hai anh em nằm trên tấm phản bằng mấy cây gỗ tròn ghép lại (bởi làm chi có giường) thù thì nói chuyện. Trước khi đi, anh để lại cho bố chiếc chăn thám báo làm kỉ niệm, chính chiếc chăn mà con Vinh ngồi học làm đổ đèn dầu, cháy hết cả, cháy lan cả mái nhà kè, mi có nhớ không! Vậy là chẳng còn gì. Ra đi, anh ấy còn thề là sẽ sống, nhất định về lại đây với bố, mà biệt vô âm tín đến chừ[8]. Bố năn nỉ xin địa chỉ, mà anh nói ri[9]này: “Cứ hỏi cán sự Ngọc Lặc là ra. Tau là ba lần vào Đảng, ba lần ra Đảng. Lý do là tau lấy ba vợ, trên Mường tê, người Mèo tê, tìm không ra mô”. Cho nên anh ấy không nói điểm mô [10] cả. Hòa bình lập lại, bố lên có được mô mà. Hồ sơ không còn chi cả. Chỉ biết tên anh ấy tên là Phạm Thanh Bình, nhập ngũ 16.2.1968, làm chỉ huy trung đoàn 14 chiến đấu ở mặt trận Nam Lào 1972. Cùng năm đó bố cõng thằng Văn văn phòng bị thương ra, hắn về an dưỡng rồi cũng đi Nam Lào rồi chết mất, tìm không được xác…
Mẹ Vinh nói chen vào: Câu chuyện của bố li kì lắm. Mẹ lấy được bố là nhờ bác Bình, không có bác ấy thì bố cũng không còn sống sót. Mẹ nhớ lắm, hồi bác Bình về chơi, mẹ mới có Sinh, chị của Vinh - còn bé, nghịch nên mẹ chửi ngu như cách của nhà quê. Bác bảo mẹ ri này: “Em ơi, con nó còn bé, có biết gì đâu. Em chửi nó thế là sai rồi đấy. Đừng có chửi con ngu nữa nhé”. Bác ấy người cao ráo, đẹp trai lắm. Hỏi nhà bác ở đâu, ba [11] lại cười: “Ôi, em lại hỏi anh thì anh sợ anh nói làm sao được. Anh nhiều chỗ ở lắm!”. Bác ấy khôi hài vậy. Nhưng anh em thù thì với nhau thì bác ấy nói với bố rằng anh ba vợ cơ. Nam giới có những người có duyên thế đấy. Về điểm đẹp trai, bố Vinh 8,9 thì bác ấy phải 10 tê. Kể ra, như thời buổi bây giờ, bác ấy phải lấy 5 vợ! Con người như bác ấy, phụ nữ phải mê ly. Tiếc thay, bố đi tìm biết bao lần, mang hết giấy tờ, sổ sách lên đó mà tìm không ra. Nhờ cả người trên nớ tìm mà cũng không ra… Không biết bác ấy có khai khác nhau giữa tên ở nhà với tên khi đi bộ đội không…
Một năm, hai năm, ba năm… bố Vinh vẫn đi tìm. Chỉ biết lúc bác ấy đi từ trung đoàn 14 với hàm thiếu tá. Mà tên đơn vị vào Nam lại thay đổi luôn luôn nên không sao biết được. Giống như sư 308 vào đến Quảng Bình đổi thành 325, vào đến miền Nam lại thành 304, chứ để một cái có nó đánh chết. Cứ mỗi chiến dịch lại đổi một tên khác. Bí mật quân sự là như rứa[12]. Nhưng lẽ nào, anh Bình ơi, hòa bình nửa thế kỉ rồi, sống hay chết giờ với anh vẫn là bí mật sao?
Vào sinh ra tử, gần đất xa trời rồi, tâm nguyện lớn nhất của bố chỉ là tìm được ân nhân của cuộc đời mình, dù sống hay chết thì cũng phải được lạy một lạy để tạ ơn sâu, nếu không thì lòng không sao thanh thản được. Nỗi khát khao cháy bỏng trong lòng bố là được nhìn lại bóng hình thân thương của người đồng đội cao lớn, đẹp cả hình lẫn tiếng, đã không quản gian nguy, nhọc nhằn, sống chết, cõng bố trên lưng ròng rã nửa tháng trời để bố từ cõi chết về cuộc sống, người đã sinh ra bố một lần nữa với nghĩa nặng, ơn sâu.
Đất nước hòa bình, mà chưa tìm thấy Phạm Thanh Bình, bố chẳng thể bình yên. Vết sẹo đã liền da, mà vết thương cứ hàng năm nhức nhối, chẳng phải chỉ là khi trái gió trở trời. Chưa tìm thấy Phạm Thanh Bình, cùng những ân tình đồng chí, đồng đội thủy chung với lời thề son sắt ấy, chiếc dằm[13]còn găm mãi ở trong tim…
Lời ngỏ:
Câu chuyện hoàn toàn có thật, dựa trên lời kể của bác Lê Đình Toán – bố một người bạn tác giả – cùng là giảng viên Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội. Câu chuyện cô ấy kể khiến người viết trăn trở. Về thăm nhà sau khi đã sang học tập và định cư tại Canada gần 10 năm, cuộc gặp gỡ bạn bè như một nhân duyên khơi dậy nỗi dằn vặt xưa và câu chuyện được hiện thực hóa trên trang giấy. Mong rằng, nếu ai biết được thông tin về cựu chiến binh Phạm Thanh Bình, nhập ngũ năm 1968,  nguyên sĩ quan Trung đoàn 14, mặt trận Nam Lào, quê Ngọc Lặc – Thanh Hoá xin liên hệ với ông Lê Đình Toàn, làng Cự Tiến, xóm 7, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, số điện thoại 0972156607. Xin được tri ân vì đã chia sẻ!.
Chú thích:
[1] Sên: bò, trườn bằng tay (từ địa phương)
[2] Tau: Tao – ngôi xưng hô thứ nhất số ít (tiếng địa phương)
[3] Phẫu: tên gọi tắt của trạm quân y viện tiền phương
[4] Ni: này, bên này (tiếng địa phương)
[5] Hắn: ngôi nhân xưng thứ ba số ít. Ở đây chỉ cấp lãnh đạo đơn vị (tiếng địa phương)
[6] Mi: mày (ngôi nhân xưng thứ hai số ít (tiếng địa phương)
[7] Viền: Về (tiếng địa phương)
[8] Chừ: bây giờ (tiếng địa phương)
[9] Ri: như thế (tiếng địa phương)
[10] Mô: đâu (tiếng địa phương)
[11] Ba: anh ta (tiếng địa phương)
[12] Rứa: thế (tiếng địa phương)
[13] Dằm: cái gai hay vật nhọn nhỏ bằng đầu kim, găm trong da thịt
Hà Nội, 17/2/2023
Lê Thị Tuyết Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...