Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Ngón tay chỉ trăng

Ngón tay chỉ trăng

Thỉnh thoảng, tôi lại lấy chiếc móc khóa ra ngắm nghía, dạo chơi cùng người bạn đáng yêu trong phạm vi khu vườn nhỏ của mình. Vừa nhớ chị, vừa cảm thấy mình hiểu ra được điều gì to tát. Quá trình sáng tạo như là hành thiền, là giác ngộ, thì mỗi người có một cách tu tập khác nhau, tùy vào điều kiện riêng của mỗi người…
Tôi nghĩ đến điều này ngay khi chị trao cho chiếc móc khóa nhỏ xinh, món quà chị đi hành hương từ Ấn Độ mang về. Nhưng tôi chưa biết diễn đạt điều này như thế nào, bởi có những sự chuyển biến rất nhanh khi tôi được đi bên cạnh mọi người: Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi – nhà văn Thái Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng – nhà thơ Bảo Ngọc, và các thành viên của Hội đồng. Từ một người chị có ngoại hình mảnh mai trong chiếc áo choàng to xụ và chiếc mũ màu trắng muốt giống thỏ ngọc trên cung trăng, khiến tôi và nhà văn Võ Thu Hương nhầm tưởng là… 8x, chị đã dần trở thành một người rất cứng cỏi, sâu sắc và kiên định trong mắt tôi. Chị, nhà thơ Bảo Ngọc, đã tặng chúng tôi chiếc móc khóa nhỏ với lời chúc hạnh phúc, bình an trước thềm năm mới 2023, sau buổi gặp mặt lần đầu của Hội đồng Văn học Thiếu nhi, giữa non nước Hòa Bình cuối đông đẹp như tranh vẽ.
Chiếc móc khóa nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn, làm tôi trăn trở mãi. Trên khoảng sân nhỏ một sớm mùa đông, tôi mang theo chiếc móc khóa chị tặng cho lang thang cùng cây cỏ. Hoa dại và sương khuya, nắng sớm. Thế là món quà của chị đã cùng đi với tôi một chặng đường dài, giờ chiếc móc khóa xinh xinh lại cùng tôi rời Trại sáng tác Văn học Thiếu nhi ở Phú Yên, bắt đầu một chặng đường mới, với nhiều ý tưởng mới.
Tôi nhớ mãi những lần gặp gỡ, những câu chuyện trao đổi xung quanh công việc của Hội đồng, và việc sáng tác văn học cho thiếu nhi. Luôn có cảm giác thòm thèm chưa thỏa, cho dù chúng tôi luôn tranh thủ mọi cơ hội để trao đổi về chuyên môn, nhất là những người trẻ như chúng tôi khi có dịp gặp những người tiền bối. Ở mỗi câu chuyện, dù ngắn ngủi, thoáng qua, cũng giúp làm sáng tỏ những vấn đề của văn học thiếu nhi. Như kinh nghiệm sáng tác của nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Trần Quốc Toàn; như những mơ ước của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Lê Va; hoặc những vấn đề lý luận của TS. Nguyễn Văn Thắng… Và chúng tôi nhận ra điều gì cần thiết nhất cho tuổi thơ, khi chứng kiến nhà thơ, Tiến sĩ trẻ Đỗ Anh Vũ ôm đàn hát bên bờ sông Đà, hay nhà văn Trung Sỹ và các tác giả của trại sáng tác đàn hát giao lưu với học sinh các trường học ở thành phố Tuy Hòa. Nhất là qua buổi giao lưu với tập thể sư phạm và học sinh trường THPT Lê Hồng Phong ở huyện Tây Hòa, niềm vui học tập, đọc sách và chạm ngõ văn chương lại càng trở nên sáng rõ hơn. Các lứa tuổi thiếu nhi và học sinh không cần dạy dỗ phải đọc sách gì, phải học cái gì hoặc viết được gì, mà các em, các cháu cần có người đồng hành, cần có sự chia sẻ trong yêu thương, hướng thiện, cùng học, cùng đọc, cùng chơi…
Những bài học vừa là “kim chỉ nam”, vừa là kinh nghiệm cho sáng tác và phong trào của văn học thiếu nhi trong tôi dần dần hình thành qua lần hội ngộ đầu tiên của Hội đồng Văn học Thiếu nhi, và các lần gặp gỡ sau này. Thật xúc động khi nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam – trở về trường cũ, mang sách và những món quà khen thưởng, khích lệ các em học sinh giỏi văn của trường. Bài thơ “Phượng hoàng đi học” anh đọc cho các em nghe không chỉ làm sân trường lặng phắc, mà còn “làm mới” (tái sinh) chính anh và tinh thần của những người đồng nghiệp. Nhà thơ lớn tuổi nhất trại sáng tác – Lê Hồng Thiện – lại là người khuấy động cả một bầu không khí sôi nổi với câu chuyện đọc sách, làm thơ. Ông có thể đọc thơ thiếu nhi hàng giờ với niềm vui bất tận cùng đôi mắt sáng long lanh và nụ cười tươi trẻ. Một chi tiết xúc động khác, nhà văn Trương Anh Quốc là người làm việc trên tàu biển đã chu du rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng anh luôn giữ hình ảnh của con mình trong điện thoại, từ những bức ảnh khi con còn nhỏ xíu, để khi nào cũng được gần con. Những sáng tác viết cho thiếu nhi đều lấy vốn sống từ quê hương của anh, không trộn lẫn thực tế đời sống ở bất cứ đâu. Nhà thơ Trần Thanh Dũng vì có cháu nội mà có thêm một tập thơ sáng tác cho thiếu nhi, vũ trụ mang tầm triết lý rất sâu thẳm và dữ dội của anh “bỗng dưng” bị xô nghiêng, lộ diện một ban mai tươi mới, một bầu trời đáng yêu lạ lùng…
Và rồi rời trại viết, mang theo những cuốn sách của các nhà văn, nhà thơ tặng mình, tôi như nhận được sự trao gửi, ký thác rất thiêng liêng. Tôi cho là như vậy, dù chưa đọc hết được những cuốn sách ấy. Song ý nghĩ về con đường của văn chương, con đường của Phật pháp, con đường tự ngộ luôn miên man trong lòng tôi. Đó là khi đứng trước Tổ đình Long Tường – ngôi chùa cổ đất Phú Yên – nghe tiếng đại hồng chung vang lên, tôi lại nhớ đến tuổi thơ của chính mình, một cách rất rõ ràng, rành mạch. Đó là khi tôi đọc cuốn sách “Những đôi mắt khoảng trời” của nhà thơ Đào Quốc Vịnh, thật thấm thía khi xem lời đề từ của tác giả và Lời giới thiệu của nhà văn Tạ Duy Anh: “Bảo nó là truyện hay tiểu thuyết cũng được. Bảo nó là thiên ghi chép dài về một thời cũng không sai. Theo tôi, chính xác hơn cả thì đây là một khúc tự truyện mà tác giả không thể âm thầm giữ một mình được nữa. Giữ một mình sẽ khiến ông có thể phải chịu đựng quá sức. Vì thế nhất định ông phải kể lại, phải viết ra. Nhất định ông phải tìm sự chia sẻ rộng rãi từ các bạn đọc. Trước hết để cho “nhẹ kiếp nhân sinh”. Nhưng quan trọng hơn những người trẻ tuổi (trong đó có con cháu ông) có thể tìm thấy cội nguồn của họ qua những trang viết như vậy”.
Dường như vừa đủ, không nhiều hơn, cũng không ít hơn cho sự lắng nghe chính mình, khi có được cơ hội tìm lại bản thân mình và hòa mình vào dòng chảy nguyên vẹn, tươi mới của văn chương. Cái nhìn trẻ thơ đã giúp tôi nhìn rõ mình hơn, tìm nẻo đời trong trẻo, yêu thương như vốn có… Để trở về, để đạt được những điều ấy không hề dễ dàng; và những lần gặp gỡ, những buổi chuyện trò, nghe đọc thơ, kể chuyện, chia sẻ về việc viết lách có lẽ cũng là những cuộc mở đường của chính mình. Văn học là quá trình tự học, nên trẻ thơ cần được chăm chút và trao gửi những bài học cuộc sống bằng cách giúp các em tự học. Đồng thời, người lớn cũng được học từ trẻ thơ như thế. Đó là diễm phúc của người lớn, đặc biệt là của những người viết văn, làm thơ.
Thỉnh thoảng, tôi lại lấy chiếc móc khóa ra ngắm nghía, dạo chơi cùng người bạn đáng yêu trong phạm vi khu vườn nhỏ của mình. Vừa nhớ chị, vừa cảm thấy mình hiểu ra được điều gì to tát. Quá trình sáng tạo như là hành thiền, là giác ngộ, thì mỗi người có một cách tu tập khác nhau, tùy vào điều kiện riêng của mỗi người. Nhưng tất cả đều hòa nhập vào dòng sông mẹ của văn hóa, và đi vào biển lớn.
21/6/2023
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...