Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Nỗi niềm cùng sách

Nỗi niềm cùng sách

Sách trong cặp của những học trò trên trên những con đường đến trường. Sách nghe nỗi niềm trăn trở của cô bé mồ côi. Sách vui cùng cụ già qua câu kinh, câu kệ. Sách theo những con tàu từ đất liền đến những đảo để từng con chữ thấm mặn từng giọt mồ hôi của ngư dân, của lính biển.
Sách từng có mặt ở những vùng bị đạn bom cày xới, nhen nhóm niềm tin yêu, hy vọng, nỗi thao thức, trở trăn của bao người lính về một quê hương thanh bình, về một mái ấm đầy tiếng cười con trẻ. Sách trên giảng đường đại học theo nỗi khát khao của bao lớp sinh viên về một Việt Nam xinh đẹp, văn minh, nhân ái, với khát vọng tự cường.
Sách theo chân em trên những cung đường mới mở. Cả chân trời rộng lớn đầy những con chữ nói hộ bao người về tự do, hạnh phúc, về lẽ phải, tình yêu.
Thế nhưng, sách có những nỗi buồn bất tận. Nỗi buồn của thời thế chẳng ghi đủ đầy trên những trang văn. Nỗi buồn của sách bị cắt, bỏ những lời đấu tranh đòi công lý của những lớp người bị bần cùng, bị áp bức, bị cướp ngày, bị đè đầu, bị cưỡi cổ… Nỗi buồn của sách chẳng chở nổi chén rượu chia tay, chẳng mang nổi phận người cùng khổ. Nổi buồn của sách chất hàng đống trong những quyển sách bị bán như thứ giấy lộn, như những mảnh bìa cát tông ở các quày ve chai, sắt vụn. Đâu rồi lời của các thi nhân, văn sĩ? Đâu rồi lời của các nhà khoa học, của các danh nhân? Buồn làm sao khi chữ nghĩa của Immanuel Kant, Jean Jacques Rousseau, Charles de Secondat Montesquieu…, của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử… thành giấy vụn. Buồn làm sao khi lời của Thượng Đế, của Phật cũng nằm trong những bao giấy nằm chờ cân ký tính ra tiền.
Tôi cũng gặp nỗi buồn của sách khi sách được ai đó ký tặng, nhưng người được tặng hững hờ bỏ quên sách ấy trên ghế ở một quán cà phê. Hoặc đó là nỗi buồn của sách khi người được tặng không thèm đọc. Hoặc sách từng được ký tặng nằm ở sạp bán giấy vụn còn thơm mùi giấy, mực. Từng trang sách như thấm nỗi buồn của tác giả in sách, phát hành sách mà chẳng ai đoái hoài đến chút chữ nghĩa tưởng như là máu của mình. Từng trang sách cũng buồn khi ai đó có tủ sách to đùng, có nhiều sách quý hiếm, nhưng chẳng mấy khi đọc, xem sách chỉ là thứ tô trét cho cái mã háo danh, cho ta đây lắm chữ, lòe đời.
Và sách cũng như tôi, biết có người cần bó rau muống, nửa ký thịt heo, hay tô phở hơn cả sách. Biết để mà buồn, chứ làm gì được.
Tôi buồn như sách. Nhớ lúc còn khốn khó một thời, tiền lương không đủ chi phí cho gia đình, tôi đã từng chở hai bao tời sách trên xe đạp đi bán để mua sữa cho con. Tôi cũng chẳng nhớ gì ngoài việc thấy sách như đang nghẹt thở khi bị bỏ vào bao. Tôi bỏ sách vào bao mà tưởng chừng như thấy sách đang khóc trách móc tôi. Những quyển sách bị ướt bởi mồ hôi, mưa hay là nước mắt tôi?
Cầm tiền trên tay từ bà mua sách cũ, tôi thẫn thờ. Những đồng tiền trên tay tôi nhẹ tênh. Không biết những đồng tiền ấy mua được bao nhiêu sữa cho con? Tôi đạp xe như tên say rượu giữa cơn mưa chiều tháng mười.
Trong cơn mưa chiều tháng mười ngày ấy, tôi như kẻ mộng du. Cả mộng mơ của thời trai trẻ, cả khát vọng của một thuở thanh xuân của tôi có khác chi những quyển sách bị tôi đem bán. Những quyển sách ấy chứa chữ nghĩa đầy yêu thương, chân lý rồi sẽ ra sao khi chúng thành giấy vụn?
Và đêm hôm ấy, tôi bị cảm. Giấc ngủ của tôi chập chờn. Nào chữ nghĩa, tiền nong, thức ăn, đường, sữa lăn lộn, quấn siết thân tôi. Chúng hóa lửa đốt thân xác tôi. Tôi tưởng tượng sách đang gào thét trong lửa. Sách gào thét bởi một thời người ta đốt sách. Đốt sách để lập công, đốt sách để được là kẻ tiên phong, là người cách mạng. Sách thành tro, chữ nghĩa hóa kiếp, chữ nghĩa tan biến vào thiên địa, thành khói mây chờ đầu thai trở lại với đời.
 
Nhiều lần trong đầu tôi vẩn vơ so sánh sách với những cô gái. Không biết sự so sánh ấy có khập khiễng không. Bởi sách trước đây, thời nước ta bị giặc Minh xâm chiếm, sách bị cướp đem về Trung Hoa. Và hiện nay nhiều bộ sách quý hiếm, là báu vật của quốc gia, là sự thật của lịch sử, địa lý, văn hóa của dân tộc bị đánh cắp. Tôi nghĩ những cuốn sách ấy đang căm giận những bọn làm tay sai cho giặc và những kẻ cuồng trí tham lam. Sách có khác chi những cô gái căm giận kẻ cưỡng đoạt mình. Và tôi cũng vậy, cũng căm giận bọn người ấy.
Không lẽ, tôi và sách chỉ có buồn và giận. Chúng tôi cũng có vui mà!
Còn gì vui bằng khi sách có người đọc. Người đọc tìm trong sách những gì mình thích, mình cần cho công việc. Có thể những điều trong sách, người đọc không ưa, nhưng vẫn cần như những luận chứng cho tư duy của mình. Sách biết điều đó nên sách vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời của bao người dù lịch sử thăng trầm, dù cuộc sống lúc này lúc nọ. Sách vui vì sách trở thành phần thưởng của những cô cậu học trò khi kết thúc năm học. Sách vui vì sách là nhịp cầu của đôi lứa yêu nhau. Sách vui vì sách là nguồn tri thức để những người nghiên cứu sáng tạo ra những công trình khoa học. Sách vui vì sách trở thành người bạn của biết bao người. Và hơn hết, sách vui vì sách còn là còn lịch sử, còn văn hoá của nhân loại.
Tôi cũng như sách, vui vì được bạn đọc quan tâm. Tôi nhớ những lần ra mắt sách của tôi. Những lời chúc mừng của người thân, bạn bè kèm chút quà gọi là góp sức cho người viết khiến lòng tôi xúc động và vui. Tôi vui vì những con chữ trong sách tôi viết có người đón nhận. Vui vì cảm thấy mình còn được mọi người yêu thương cũng như sách kia được mọi người nâng niu, yêu thích.
Niềm vui của sách đâu chỉ có trong những lần có ngày hội sách. Niềm vui của sách còn có trong những ánh mắt của người đọc ở những góc bàn yên tĩnh của thư viện ở các trường, ở thư phòng của những người yêu quý sách.
Sách vui cùng mọi người khi sách được mọi người góp công, góp của, chung sức, đồng lòng đóng góp xây dựng phòng đọc ở vùng quê, miền núi, ở hải đảo, đồng bằng.
Và tôi cùng sách vui biết bao khi sách được phát hành, được đến với mọi người dưới nhiều phương tiện, hình thức. Không còn khoảng cách thời gian, không gian, không còn sự ngăn cách khi sách là cầu nối tri thức giữa người với người có cùng mong ước, hy vọng.
Riêng tôi, tôi cũng có mong ước, hy vọng. Tôi nhìn thấy sách là bạn của muôn người. Tôi thấy những con chữ trong sách như máu nuôi sống linh hồn con người. Những con chữ trong sách đang và sẽ tồn tại trong vũ trụ, thành tiếng nói yêu thương gắn kết mọi người.
Tôi cùng sách mong ước, hy vọng thành lời, thành con chữ, tải nỗi niềm muôn thuở nhân gian. Và hơn hết, bên cạnh vàng bạc, châu báu, sách mãi là của quý vô giá cho người.
31/5/2023
Phan Trang Hy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...