Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Nhớ Lâm Thị Mỹ Dạ - Người bạn học tài hoa bên dòng Kiến Giang

Nhớ Lâm Thị Mỹ Dạ - Người bạn học
tài hoa bên dòng Kiến Giang

Hồi ấy ở chiến trường, một đêm mùa đông trên hòn Bà - Quảng Nam, anh Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) khấp khởi báo với tôi: Lâm Thị Mỹ Dạ trúng Giải nhất Cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ 1972-1973. Tôi ngây người, rồi sướng rân lên. Bao kỷ niệm một thời cắp sách đến trường cứ ùa đến dào dạt như nước sông Côn.
Vài ngày sau, nhà thơ Đào Quang Thắng trao cho tôi bài thơ “Lấp hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ được viết nhì nhắng trên vỏ bao Tam Đảo nhàu nát, bám đầy bụi đất. Tôi và đồng đội nhấm nháp bài thơ càng yêu quý hơn mảnh đất chiến trường đang sống và chiến đấu.
Đêm trên chốt Đá Giang mưa như trút “Hầm kèo nước rĩ hai bên / hầm vuông đất rơi xuống vực” trong tiếng bom xé trời, tôi và đồng đội oằn mình múc từng mủ nước hất lên vừa ngâm thơ Dạ “… Em nằm dưới đất sâu/ như khoảng trời nằm yên trong đất/ đêm đêm ngời sáng lung linh… ” và mường tượng cô gái làng Tuy có mái tóc dài, nước da trắng trẻo, khuôn mặt và giọng nói tròn trịa dễ thương, thầm mong ngày gặp lại.
Ra quân, tôi về dạy trường làng. Mái trường mà ngày xưa tôi và Dạ cùng học. Mái trường bên bờ sông Kiến đã chắp cánh thơ văn cho bao bạn bè cùng thời, cùng lớp bay cao, bay xa như: Lâm thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ, Phương Hà, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Phạm Hữu Xướng, Đỗ Quý Dũng…
Vẫn biết Dạ ở Huế cũng gần, nhưng tôi chưa tiện đến. Cứ nghĩ giờ thi nhân sớm chiều giao tiếp với thi nhân mặc khách, còn mình là…
Lần kỷ niệm 40 năm thành lập Trường PTTH Lệ Thủy, vừa bước xuống xe Dạ đã vội hỏi:
– Thằng Khởi đâu chả thấy! Bảo nó chiều ni về Tuy Lộc chở tao lên trường với! Tôi đứng khuất phía sau, buồn cười với cách xưng hô nhưng nghe lòng ấm áp, thân thiện lạ.
Chiều tím dần trên lối đi, hai bên đường phượng cuối mùa còn thắp lửa. Xác phượng dan díu, bồng bềnh trên mái tóc thi nhân. Dọc đường đi hai đứa tuổi đã lục tuần, tóc hoa râm mà tấng tẩy, ti toe như hồi còn đến lớp:
– Mi còn nhớ ngày nớ mi đóng vở kịch chi với tau không?
– “Chiếc va ly khủng khiếp” của Xuân Giao – Tao đóng phóng viên oách ra phết, còn mi chỉ đóng thằng lính quèn mà làm tau đến hết hồn – “Tất cả nằm xuống… trong va li có mìn!…”
– À!.. bọn mình còn đóng vở múa rối “Gấu dữ Nùng Phai” – Hỡi Gấu Dữ!… Mi hãy thả Nùng Phai của ta ra!.. Nếu không lưỡi gươm thần này sẽ chém đôi quả núi!…” và mình còn đóng  vở “Ruồi và Kiến” do Nhà hát rối kịch Việt Nam dàn dựng. Mi đóng Ruồi chuyên hống hách, kiêu ngạo. Tao, con Yểng, con Tý, con Mợng, con Hoa… đóng Kiến. Lũ kiến tao cắn cho Ruồi mi đến chết
– Tụi tao vừa kéo xác mi về vừa hát: “Lấp ló rạng đông bên lũy tre xanh rờn, do sức người làm nên muôn ngàn bông lúa chín la la la!…”
– Tụi nữ tao còn diễn vở “Trống cơm” tuyệt vời. Nhớ bọn mình đi mua những chiếc khăn lông trắng tinh, cắt thành hình con thỏ khâu lại.
– Ừ những nàng thỏ dễ thương được những bàn tay tài hoa mềm dẽo của nữ sinh trường ta múa. Ngày ấy chỉ có dùng đèn Măng-xông , phải cảnh giới máy bay giặc Mỹ, ấy vậy mà đêm ấy dân tình và học sinh mò mẫm đua nhau  đi xem đông như ngày hội.
Ngồi sau xe, Dạ vắt tay qua vai tôi. Ngón tay trỏ như đầu thỏ gật lên gật xuống và ngón cái ngón 3 vắt qua vắt lại như chân thỏ đang múa nhịp nhàng  theo nhịp bài hát “Trống cơm”. Cả hai đứa ngây ngô cùng hát vang đường: “Tình bằng có cái trống cơm /khen ai khéo vỗ ấy mấy bông nên bông”.
Mọi người đi đường chẳng hiểu chuyện chi cứ trố mắt nhìn.
Lên đến cầu huyện, Dạ bảo dừng xe, thi nhân buồn buồn nhìn dòng Kiến Giang trôi xuôi khi sương chiều lảng bảng, hai tay bám lấy vai cầu, Dạ nói:
– Chính trên dòng sông này, máy bay giặc Mỹ giết mấy học sinh vô tội của trường ta. Mày còn nhớ con Bàng không? Tụi học sinh miền Nam học giỏi. Hôm đó bọn chúng đi đò xuống Đồng Hới thì bị roocket  Mỹ. Dạ vô quán ven đường mua mấy bó nhang thắp thả xuống sông.
Mũi Viết trên sông Kiến Giang ở Lệ Thủy – Quảng Bình
Thấy Dạ buồn, tôi chỉ tay lên mũi Viết – mũi viết chiều sậm lại. Doi đất nhô ra mềm mại, nhon sắc như ngọn bút của thi nhân để dòng sông chia hai ngả.
– Ngày ấy, tao và thằng Hải trộm một rá trứng vịt lộn của Mạ mi ra đây ngồi xơi.
Dạ cười, rồi đấm thụp vào lưng tôi:
– Mấy thằng yêu nọc! À!… tao còn nhớ tụi bay bơi sang sông, đánh lộn với lũ trẻ bên nớ, còn trộm đu đủ nhà họ về làm xụm ruốc ớt cho tụi tao ăn ngon ghê. Đến nay tao vẫn thèm hương vị đó!
Dạ lại hỏi:
–  Sao ngày ấy khổ cực ác liệt vậy mà tụi mình vẫn học giỏi và làm thơ được?
Tôi khó lý giải chỉ nói bừa:
– Chủ nghĩa cách mạng mà!
– Ngày ấy, không khí đi lính sôi động, hào hùng lắm! Nhiều học sinh trường ta viết đơn tình nguyện bằng máu. Tao còn nhớ trước lúc lên đường mi viết tặng tụi nữ lớp tau mấy câu thơ lửa: “Anh đã xếp những bài văn bài toán/ để lên đường soạn đủ chiến công/ Hướng pháo quay nồng nhớ bài vật lý/ Đạp xác quân thù thay thế điểm 5…”.
– Nè! Thằng Hải, thằng Giang Nhỏ đâu?
– Hải, Giang Nhỏ, Trốn , Lam, Lê hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, vẫn chưa tìm được xác, Tùy hy sinh bởi sự cố bom mìn. Mắt Dạ đượm buồn, bờ mi uốn cong như cầu huyện trong buổi chiều tà.
Dạ lại cười hỏi:
– Vậy thằng Ạnh ở cạnh cầu Tuy có còn không?
– Nó còn đó, là kỹ sư nông nghiệp, làm ăn lên như diều gặp gió, rồi có lúc xuồng như diều đứt dây.
Tôi cười hỏi Dạ:
– Ngày trước, nó yêu mi không được, cả gan cầm cái kéo to đùng, ngồi bàn sau lén xẻo hết nữa mái tóc của mày mà giờ vẫn nhớ nó à?…
Dạ cười ngặt nói:
– Bị bố nó nện cho trận đòn nhừ tử…rồi tao xấu hổ phải bỏ học…
Dạ chỉ tay về xa:
– Xưa đó là bến đò ông Vần- người đưa đò một chân còn không? Tôi lắc đầu.
Dạ bảo:
– Ngày nớ khổ thât! Đi học chẳng mấy đứa có dép, tao trượt bến đò này hoài. Mi còn nhớ, lần mi xô tau rơi tỏm xuống sông, ông Vần lôi tau lên. Bọn bay cứ đứng trố mắt mà cười.
Tôi ôm bụng cười, rồi chợt nhớ đến bài thơ “Chuyện cũ tuổi thơ” của Dạ viết tặng tôi được in trên báo Thanh Niên năm 1978 và cũng được Dạ chọn in trong “Tuyển tập Lâm Thị Mỹ Dạ”.
Ngày ấy tôi kể với Dạ rằng:
– Nhà tao có ổ trứng gà, một hôm nghe tiếng chiêm chiếp phát ra từ trong vỏ trứng, tao khấp khởi bóc lớp vỏ đi, chẳng ngờ được một lúc  mấy chú gà lăn quay ra chết, mình buồn, khóc đến mấy ngày mới thôi .
Hơn nửa thế kỷ nhưng Dạ vẫn nhớ như in. Bài thơ của Dạ kỷ niệm đong đầy của tuổi thơ, nhưng lại triết lý nhân sinh cao cả:
“... Mẹ tôi về không lời mắng chửi
Nhìn đàn gà mắt trách móc nhìn tôi
Rồi mẹ nói con ơi chưa đến lúc
Đàn gà đây ngày nữa mới ra đời
Sông cuộn dòng năm tháng dần trôi
Hoa cải vàng ơi tôi đâu còn bé
và mỗi khi nghe tiềng gà gọi mẹ
Tôi bồi hồi nhớ chuyện cũ xa xôi…”
Đêm hôm ấy, Dạ được ban giám hiệu nhà trường mời lên sân khấu để giao lưu. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn lên khán đài để được nhìn tận mắt nhà thơ nữ xinh đẹp tài hoa của trường, của quê hương Lệ Thủy, của nền thi ca cách mạng hiện đại Việt Nam.
– Khởi đâu lên tặng hoa đi!
– Nhà tao đang ngồi kia kìa!
Bối rối một chặp rồi vớ được một bông hoa tôi chạy ào lên sân khấu trong tiếng vỗ tay như nổ tung sân trường…

13/7/2023
TRẦN KHỞI
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...