Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Thương một đời tre

Thương một đời tre

Những đứa trẻ ríu rít trên chiếc chõng tre đặt ở ngoài hiên cửa, chúng im lặng lắng nghe những câu chuyện cổ từ bà ngoại.
Phút say sưa, miên viễn trong thế giới đầy phép màu kì diệu ấy, thằng bé nhỏ tuổi nhất đứng dậy rồi hồn nhiên hỏi bà: “Bà ơi!  Ngày xưa, Thánh Gióng dùng tre đánh giặc, cây tre trở thành vũ khí lợi hại như thế để bảo về đất nước, thế tại sao hôm qua chiếc máy húc đã quật ngã cả lũy tre xanh rì ngoài cổng làng nhỉ?”. Bà mỉm cười rồi giải thích, cuối câu trả lời bà thở dài một tiếng, rồi thầm thì “các cháu hãy thương lấy một đời tre…”
Trong dòng chảy đó của lịch sử, nhiều giá trị, biểu tượng văn hóa đã được định hình, tạo nên gương mặt cho văn hóa Việt, một nền văn hóa nông nghiệp đặc sắc. Âý vậy, cứ đi đâu người ta cũng luôn khắc khoải nhớ về những gốc đa, bến nước, sân đình, những chiếc cổng làng sừng sững đượm màu xanh thời gian của rêu ngàn… và có cả những lũy tre xanh bát ngát, hàng nối hàng vững chắc thành vách, thành lũy suốt một thuở bao dung, chở che cho họ.
Tre vừa gần gũi, thân thuộc, nhưng lại vừa to lớn, kỳ vĩ. Từ tre mà buông lơi những câu hò điệu hát, những lời tỏ tình kín đáo của biết bao chàng trai, cô gái. Ca dao có câu: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”. Là những buổi sinh hoạt đời thường, những câu chuyện về cuộc đời , về con người rôm rả của những người nông dân. Là con trâu, con bò nắng trưa hè dựa mình bên dáng lũy tre. Là đám trẻ con hái măng non đan vòng, chuốt những thanh tre non làm que chuyền…
Tre trở thành những vật dụng sinh hoạt đời thường, dung dị nhưng chan chứa biết bao tình nghĩa. Là viền khung chiếc nón lá, sợi giang bà buộc bánh chưng ngày tết hay cái rổ, cái thúng, cái đòn gánh cong dáng lưng đêm trăng của bà, của mẹ; là chiếc chõng đời thường lưng chừng câu hát ầu ơ…Và rồi, với dáng hình rắn rỏi, vững chải của mình, tre đâu nào đứng độc lập từng cây, chúng đan vào nhau làm thành thành, thành lũy, vững vàng trước biết bao mưa nắng, bão tố của thời gian. Tre trở thành vũ khí đánh giặc và rồi bất tử mãi cùng những câu chuyện của lịch sử. Tre biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc, của tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của cộng đồng người Việt. Những phẩm chất ấy của tre ta càng thấm thía hơn khi lắng lòng mình trong “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới “…tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, tre hi sinh để bảo vệ con người”. Rồi những câu thơ rất đỗi mộc mạc của Nguyễn Duy:
 “Tre xanh
 Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
 
Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu”
Cuộc sống hiện đại với những guồng quay hối hả, con người ta vì thế càng vội vã để theo cho kịp cái guồng quay ấy. Vì áp lực mưu sinh, lầm lũi trong công việc, họ đâu còn thời gian để lắng lo, trăn trở cho “những giá trị bình dị, gân guốc, mở mắt ra là hẵng thấy” nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng cho cả hồn cốt, khí phách của dân tộc kết đọng ở trong đấy. Hẳn nhiều người sẽ thương lắm bóng tre ấy? Nông thôn mới, với những đường hướng, quy hoạch xây dựng nông thôn đã khiến cho nhiều lũy tre, thậm chí là nhiều biểu tượng của văn hóa làng xã khác nữa đã đi vào dĩ vãng. Họ đẵn gốc để mở rộng hành lang giao thông, để xây dựng hạ tầng nông thôn.
Rồi đây những đứa trẻ mỗi chiều thong dong cùng đám bạn trên con đường làng sẽ chẳng còn thấy bóng tre xanh, rì rào trong gió; mỗi sớm mai thức dậy, nó cũng chẳng còn cơ hội ngắm mặt trời len lỏi những tia nắng qua bóng tre… Lũy tre đã đốn từ hôm qua, chiều nay máy cưa cũng đã đốn nhỏ những cây lớn thành các khúc đoạn; có mấy bà chị lấy rựa chặt nhỏ những nhánh thành bó lớn để mang về làm dàn cho bầu, cho bí. Cũng có những cụ ông đã ngoài bảy mươi vẫn kéo chiếc xe cải tiến ra đầu làng để chuyên chở những cây tre già  mang về ngâm ở ao, để làm những chiếc chõng tre…Vì thế, dẫu lũy tre đã qua đi, dáng hình của nó không còn, nhưng trong tâm trí của những đứa trẻ mà rộng ra là của những người dân trong mái làng ấy, hình ảnh cây tre vẫn luôn hiển hiện và ám gợi sâu sắc. Bởi nó từng là tấm khiên của làng, nó đã chở che và ấp ủ bao mái nhà tranh gầy trong mùa bão biết bao năm qua; nó là duyên chứng, chứng thực cho ít nhiều mối lương duyên đẹp đẽ, cho biết bao đứa trẻ sinh ra, lớn lên nhờ bờ tre gần gũi, thân thuộc ấy.
Có lẽ, trong cái làng ấy, chỉ những người già đã qua cái tuổi xế chiều và những em bé ngây thơ, hồn nhiên họ mới tâm niệm và để ý sâu sắc đến những điều ấy, những biểu tượng ấy. Bởi chúng nó còn nhỏ, bằng thế giới trẻ con phong phú, ham tìm tòi, khám phá của mình chúng thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh mà khởi phát là từ những điều bình dị nhất. Còn với người già họ đâu còn đủ sức để mà cày thuê cuốc mướn như người trẻ, họ sớm chiều phụ giúp mấy đứa con trông cháu, dọn dẹp căn nhà gỗ; và họ có những khoảng thời gian ngồi lặng trước cánh cửa bên hiên nhìn lại về cuộc đời mấy mươi năm đã qua, đã xa, về những giá trị nguyên thủy, thuần hậu đã gắn kết như máu thịt. Họ đã già, họ chỉ biết nhìn người trẻ, động viên người trẻ làm ăn sinh sống, cho đỡ khổ, đỡ nghèo, rồi thỉnh thoảng lại rơi nước mắt vì nuối tiếc. Nhưng không sao, điều căn cốt nhất là trong họ vẫn luôn hằn in những biểu tượng văn hóa, những giá trị văn hóa để lưu giữ và cả trên những chiếc chõng tre họ kể cho đàn cháu. Để lũ cháu hồn nhiên tiếp thu, và trong khoảnh khắc bất chợt nào đó, chúng nó lại thốt lên câu hỏi: “Bà ơi! Tại sao..?”. Một cách tự nhiên, dòng chảy của văn hóa, của tình yêu quê, yêu làng, yêu những gì thân thuộc, bình dị nhất lại được hình thành, nuôi dưỡng trong đám trẻ qua bao câu chuyện mà người bà kể lại.
Chắc chắn sau này những đứa trẻ sẽ lớn lên và rồi sẽ tiếp nối người cha, người mẹ của chúng nó để hòa vào dòng đời vội vã kiếm sống, khẳng định những giá trị của chính mình, những người bà ấy sẽ về với miền cực lạc. Chúng sẽ lớn lên, sẽ nối tiếp nhau, dù làm bất cứ công việc gì, một ngành nghề gì thì hẳn rằng văn hóa thôn quê vẫn luôn ngấm ngầm trong chúng nó, đám trẻ rồi sẽ trở thành những “sứ giả văn hóa”, “những gạch nối văn hóa”, “những lũy tre thế hệ mới” che chở cho đời, cho làng.
22/5/2023
Trần Việt Hoàng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...