Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Xuân nhớ và niềm tin

Xuân nhớ và niềm tin

Nói đến mùa xuân chắc hẳn trong chúng ta ai cũng  muốn bày tỏ cảm xúc tốt đẹp, muốn dùng những mỹ từ để diễn tả, ca tụng. Qua ba tháng ngủ đông trong lạnh giá, mùa xuân đến, thiên nhiên đất trời như bừng tỉnh, cảnh vật được choàng lên mình tấm áo mới,  sặc sỡ đa sắc màu.
Cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở. Ngoài đồng tiếng chim chiền chiện hót vang lừng giục lúa chiêm xanh đồng trổi dậy. Trên trời cao từng bầy én thiên di trở về mang theo những ánh nắng vàng ấm áp trải  xuống khắp nơi mênh mang. Theo thuyết âm dương ngũ hành, mùa xuân tượng trưng cho hành mộc, đối ứng với hướng đông, màu xanh. Điều này tương ứng với một sự khởi đầu, vạn vật sinh sôi nảy nở, ôn hoà hướng về phía trước, giống như thời điểm mặt trời mọc ở phương Đông.
Mọi người đều yêu mùa xuân, tôi cũng vậy, không thể ngoại lệ. Bởi thêm một lẽ, những ánh nắng bình minh  ấm áp và những giọt nước mắt dâng trào hạnh phúc của cha mẹ và người thân đã đón chào tôi ra đời từ mùa xuân ấy.
Cha tôi là người thông tuệ, ông “bói” tương lai sau này của tôi bằng câu lục bát đầy tính trải nghiệm: “Một năm được mấy mùa xuân/ một ngày được mấy giờ dần sáng mai”. Không biết câu ca dao trên có thực đúng linh nghiệm ? Với tôi, mùa xuân là mùa tôi yêu thích nhất. Từ khi sinh ra , lớn lên, trưởng thành tôi luôn được hưởng sự ấm áp mùa xuân, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Để rồi tự mình nổ lực phấn đấu học tập rèn luyện, trở thành người công dân có ích. Đây mới thực sự là món quà lớn, cách trả ơn hiệu quả nhất với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, không để cha mẹ phải thất vọng về mình.
Mùa xuân là mùa đoàn viên, kết nối những yêu thương, nhưng mùa xuân cũng chứng kiến bao cuộc chia ly trong nước mắt bởi kẻ ở người đi. Chàng trai làng bịn rịn lên đường nhập ngũ theo tiếng trống giục dã trong hội tòng quân cùng với hương hoa bưởi thầm thì của cô bạn gái ngập ngừng trao tặng, gói trong chiếc khăn tay, để rồi có những cuộc chia ly đã đi vào thơ ca đầy lãng mạn. Mùa xuân thật đẹp nhưng mùa xuân cũng chứng kiến những cuộc chia ly màu đỏ nghẹn ngào, thao thiết như vậy đó. Đây là nét trầm của mùa xuân, là khúc tráng ca mà tôi đã chứng kiến, trăn trở qua năm tháng.
Tôi đã đi qua bao mùa xuân cuộc đời, khi mùa xuân mở ra là khép lại một năm cũ, mở ra một năm mới với những niềm tin, hy vọng mới. Chứng kiến mẹ cha còng lưng gồng gánh giêng hai, qua mùa giáp hạt mới thấy được tình cảm cha mẹ giành cho các con to lớn, vĩ đại biết chừng nào.
Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, quê tôi nghèo lắm. Có gia đình chưa đến tết đã chạy ăn từng bữa, qua tết bước vào mùa xuân cả làng đều đói, rét. Hàng ngày trên đường đi học cấp ba trường huyện chứng kiến dòng người làng tôi rồng rắn củi than xuống chợ xa là tôi đau thắt ruột, gan. Nhà tôi, cha mẹ lại đông con. Khi qua tết bước vào mùa xuân là cả nhà quay quắt trong cái đói. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhưng cha mẹ tôi vẫn tần tảo nuôi chúng tôi cháo rau đắp đổi qua ngày để được cắp sách đến trường với một niềm tin, niềm lạc quan hướng về tương lai phía trước, với hy vọng mùa xuân tới sẽ đẹp hơn, no đủ hơn, các con sau này sẽ trưởng thành để làm cho mùa xuân tươi trẻ và tràn đầy năng lượng. Không ai có thể đong đếm bao nhiêu mồ hôi, kể cả những giọt nước mắt, bao nhiêu vết chai bầm trên vai oằn cong chiếc đòn gánh mẹ cha phải tất tả lên rừng xuống biển, để có những bữa ăn đạm bạc qua ngày. Bước chần trần ấy, chiếc đòn gánh cùng với tấm lưng còng như trăng đầu tháng của song thân đã đi qua biết bao mùa xuân, mùa giáp hạt? Tôi chỉ nhớ bao nhiêu nếp nhăn trên khuôn mặt hiện hữu là cha mẹ trải qua bấy nhiêu mùa xuân.
“Con nhớ buổi hoàng hôn trùm xom núi/ áo nâu sồng nhuốm bạc cả mùa  xuân/ mẹ gánh giêng hai qua mùa giáp hạt/ heo may về để nỗi nhớ bâng khuâng”.
Những câu thơ trên là tiếng lòng, là hoài niệm của đứa con , khi chứng kiến những mùa xuân cha mẹ đã trải qua. Bởi “tháng giêng bồ thóc chạm đáy/ mẹ ngồi sàng sảy nắng mưa/ còng lưng lo ngày giáp hạt/ hoàng hôn cha đếm thiếu thừa”. Mùa xuân với tôi, với cha mẹ tôi thuở ấy cứ in lằn mãi trong ký ức của tôi, để đến khi tôi ra đi cầm súng , mỗi lần mùa xuân về là day dứt, nỗi nhớ khôn nguôi. ” Tháng giêng in lằn nỗi nhớ/ vườn ai vàng nhuộm cải ngồng/ biên cương con vào chiến dịch/ quê nhà mỏi mắt mẹ trông”.
Giờ đây khi ngồi viết những dòng này cha mẹ tôi đã trở thành người thiên cổ. Chắc nơi nẽo trời xa xăm kia, cha mẹ tôi vẫn hướng về trần gian phù hộ cho đất nước, và những người con thân yêu của mình được hưởng một mùa xuân trọn vẹn, ấm no, không để tái cảnh mùa xuân có những nốt lặng như thuở trước… Một nỗi nhớ thương bùi ngùi về cha mẹ dâng trào trong tôi…
Một năm mở đầu bằng mùa xuân, tôi đã đi qua 65 mùa xuân cuộc đời. Mùa xuân của tôi luôn gắn liền với sự thăng trầm mùa xuân đất nước.
Mùa xuân để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc: Hỷ, nộ, ái, ố. Tôi chứng kiến mùa xuân khi đất nước ca khúc khải hoàn trong niềm vui chiến thắng, thống nhất non sông, mừng vui vì đất nước, quê hương đổi mới phát triển. Chứng kiến những nụ cười của cha mẹ khi gánh hoàng hôn chở mùa xuân về trong ngập tràn yêu thương. Chứng kiến bước chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng trở về. Cũng không khỏi bùi ngùi xúc động khi chứng kiến đồng đội gục ngã dưới chiến hào, tay lăm lăm khẩu súng tiến công hướng về quân thù trước thềm mùa xuân…
Có thể khẳng định rằng mùa xuân là cống hiến, khát vọng và niềm tin. Mùa xuân chắt lọc nhưng mật ngọt, tinh tú của đất trời để mầm xanh bật dậy trải dài ngút ngàn, vĩnh cửu tô đẹp cho thiên nhiên. Mùa xuân tràn đầy nhựa sống.
Trong mỗi con người ai cũng trải qua những mùa xuân đầy thi vị, ấm áp, yêu thương và cả những bi tráng. Tôi nhận thức rằng: Dù điều kiện, hoàn cảnh nào con người luôn luôn có khát vọng, vươn lên, biết nắm bắt những cơ hội, nắm bắt vận khí của mùa xuân, biết gạn đục khơi trong, biết vượt qua những khó khăn thử thách, chắc chắn rằng mùa xuân sẽ đến trong sự tươi mới, đầy màu sắc, làm cho mùa xuân xanh mãi, đẹp mãi trong cuộc đời của mỗi con người.
202/2023
Quang Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...