Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Nhớ tết xưa quê chồng

Nhớ tết xưa quê chồng

… Làm duyên bên mái nhà cha
Nghe đời khép mở làng xa trở mình
Nghe bao nhiêu kiếp phù sinh
Về trong câu hát tâm tình yêu thương…
Mỗi mùa xuân về, tôi thường chụp ảnh, làm duyên bên nếp nhà trăm năm bình dị của cha với niềm vui đầm ấm đại gia đình sum họp đón Tết. Nhưng năm nay, cha cũng đi xa rồi. Nếp nhà cổ vắng bóng mẹ cha khiến lòng tôi rưng rưng. Bao ký ức Tết xưa như hiện về trước mắt.
Tôi yêu những ngày chuẩn bị đón xuân trên quê hương quan họ. Đường làng, ngõ xóm, chợ quê râm ran… Những ngôi nhà quét vôi mới sạch sẽ, trang hoàng như được thay áo mới. Những mái đình, mái chùa cổ kính phấp phới bóng cờ ngũ sắc, hương trầm ngan ngát tỏa lan. Muôn thứ hàng chợ Tết khoe sắc màu no đủ. Người xe nói cười, mời chào, qua lại tấp nập. Trong mỗi ngôi nhà đã thấy thơm thơm mùi gạo nếp, mùi lá dong, hương rượu mới cất  quyến rũ, ngọt ngào…
Cha tôi đã chặt cây tre bánh tẻ, chẻ lạt cài sẵn hiên nhà. Mẹ gánh gồng ngày ngày đi chợ, bán mua sắm Tết. Vại dưa hành mẹ nén đặt bên bể nước đã dâng hương  cay thơm. Vại tương ngọt ngào đầy ắp. Những bó rơm nếp vàng óng mẹ cũng đã tuốt sẵn, các thức làm bánh tro mẹ cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đỗ xanh xay và những trái gấc đỏ ối đã để sẵn bên góc bếp đơn sơ của mẹ…Chú ỉn trong chuồng đã béo tròn ục ịch. Đàn gà sau bếp thau tháu chân vàng ươm. Mấy ả gà mái già trụi lông bị mẹ đe sẽ sớm làm thịt kho đông cho lũ con ăn Tết thỏa thích…
Tiếng bước chân thậm thịch ra vào. Giếng làng rộn rã người kín nước, ao làng tíu tít người giặt giũ, rửa lá dong… Bên này người đập chiếu, vắt chăn, bên kia người thịt gà, thịt lợn…Đúng là về mặt vệ sinh chưa đảm bảo nhưng không khí đón Tết mới vui làm sao!
Ngày ấy con đường làng còn lát gạch đỏ nghiêng, nhiều ngõ là những con đường đất lầy lội ngày mưa nhưng mát rượi ngày hè nắng ráo với những rặng tre xanh quanh co bao bọc. Thấp thoáng sau vườn cây là những mái nhà ngói đỏ. Ao làng còn nhiều lắm, giếng đình to như hồ nước trong veo, chỉ được phép kín nước về dùng ở đấy. Mãi sau này mới có thể mang đỗ, gạo, lá dong ra tráng, rửa. Chị em vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, tiếng cười giòn tan lan trên mặt nước mơ màng. Cây đa, bến nước, sân đình lắng nghe tất cả, chứng kiến tất cả sự chuyển mình, đổi thay của làng quê và cùng rộn ràng đón mỗi mùa xuân sang. Không khí đón Tết náo nức miền quan họ.
Khi gạo nếp, đỗ xanh, thịt ướp, lá dong, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, thường 28, 29 Tết cha tôi ngồi gói bánh. Cha chồng tôi gói tay khéo lắm! Những chiếc bánh vuông vức, thơm tho, nhân đỗ thịt và thêm ít chiếc nhân đường cứ chất cao dần trên mâm. Gương mặt đẹp như chạm khắc của cha, người cựu chiến binh già, ánh lên niềm vui và đôi tay to thoăn thoắt, khéo léo đặt lá, vun gạo đỗ, gói buộc bánh… Sau này, cha già yếu tay thì anh tôi gói bánh cũng khá đẹp. Chỉ có điều bánh anh gói dầy mình, chưa thanh tao, vừa vặn bằng cha.
Riêng bánh tro và làm nhân đỗ đường, đồ xôi mẹ tôi đảm nhiệm. Thú thật, xôi vò mẹ đồ sau này các con không ai làm ngon như mẹ được. Bánh tro cũng vậy. Trước đấy, mẹ làm tro từ quả xoan khô, rơm nếp, vỏ bưởi, rau dền gai khô đốt cháy. Mẹ lọc tro, để lắng, lấy nước trong màu hổ phách, thêm vào chút nước vôi trong, khuấy đều rồi ngâm gạo nếp cái hoa vàng lựa đãi kỹ vào đó qua đêm. Sáng mẹ vớt ra tráng sạch, để ráo rồi xóc thêm chút muối. Còn nhân bánh chưng ngọt, mẹ làm từ đỗ đãi nấu chín, đường mía, lạc rang giã giập cũng thơm tho, màu nâu quyến rũ. Cha gói bánh nhân sống hoặc chín đều gọn xoe, không lộn nhân như các con tập gói. Còn những chiếc bánh tro gói lá dong mẹ làm nhỏ dài xinh xinh, khi bóc ra cứ trong vắt màu nhựa thông vàng, chấm mật mía ăn thì mát thôi rồi, hết cả ngấy bánh chưng, thịt mỡ!
Những ngày cuối năm ấy, bóng mẹ cha cặm cụi gói bánh trên sân gạch đỏ thoáng nắng gió trời, bên nếp nhà xưa mái ngói nâu cổ kính, luôn gieo vào lòng tôi một niềm xúc động, ấm áp vô bờ.
Khi xong việc, thế nào mẹ cũng ngồi nghỉ ăn miếng trầu trước hiên nhà. Đôi môi đỏ cắn chỉ, hàm răng đen, ánh mắt cười lấp lánh. Mẹ hiền từ nhìn cha và lũ con bắc bếp, mải mốt xếp bánh vào nồi đại, đổ nước, nổi lửa luộc bánh, không quên nhắc các con trông củi lửa cả đêm cho bánh chín đều. Những gộc tre, rễ cây to bố đánh về phơi nỏ cả năm, có dịp rừng rực cháy, lửa reo vui ngay cả trong đêm gió bấc, mưa phùn.
Những đêm giáp Tết luôn là những đêm cổ tích. Tất bật đầu hôm rồi sâu lắng về khuya. Ánh lửa hồng ấm áp hắt lên từng khuôn mặt. Mùi lá dong, thịt áp chảo, kho đông, măng ninh, cá kho, bánh chưng, hương nước mùi già…quấn quýt trong không khí. Xóm làng bình yên, ấm áp trong đêm. Đâu đó có tiếng chó sủa, tiếng gà cầm canh, tiếng nói cười con trẻ, tiếng pháo tép, pháo cối đì đùng vang lên từ sân nhà ai đó trong làng…Chúng tôi cùng cha háo hức vớt bánh, nhúng nước lạnh, nén bánh, để rồi hôm sau, những chiếc bánh vuông thơm hương nếp mới được xếp trên ban thờ, được treo cao từng chùm trên sào tre trong chái buồng cùng các loại bánh, giò nạc, giò mỡ của mẹ và có năm, cha tự tay làm.
Ngày ba mươi Tết, đào, quất đã về trước sân khoe sắc, ban thờ bày đẹp đẽ, trang nghiêm. Mâm cơm tất niên đủ món truyền thống nghi ngút khói mời gọi đã được cả nhà chuẩn bị dâng lên thần linh, tiên tổ. Bố tự tay cắt tiết đôi gà trống hoa mào đỏ chân vàng, làm sạch, buộc cánh tiên, cẩn thận luộc chín tới thật đẹp để đem dâng cúng Giao thừa, mùng Một ở đình. Nhìn bố và các con trai kính cẩn đội mâm lễ xôi gà ra đình vào đêm trừ tịch, thấy không gian thiêng liêng, trời đất giao hoà, tổ tiên như hiện diện về vui Tết cùng con cháu, thấy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” như mạch ngầm chảy mãi trong muôn thế hệ người Việt Nam. Giờ phút sang năm mới, tiếng pháo đồng loạt nổ vang lên khắp xóm làng rồi râm ran lan xa kéo dài…Đất trời như bừng sáng. Hương trầm, mùi thuốc pháo sực nức không gian.
Mẹ cẩn thận khăn áo dâng hương làm lễ trước ban thờ trong nhà, ngoài sân, cầu cho một năm mới tốt lành. Cả nhà quây quần bên nhau nhấm nháp chút bánh kẹo, lì xì, thưởng trà mừng xuân…Nụ cười của cha mẹ bên con cháu lúc ấy đẹp biết bao. Mặc cho có năm bên ngoài còn mưa rét, cửa nhà chỉ là bức rèm tre chống chếnh, nhưng trong lòng người, ai cũng thấy ấm áp niềm vui.
Đã bao mùa xuân đi qua, rồi chúng tôi phải tập dần với sự thiếu vắng mẹ. Thiếu nụ cười tươi quết trầu và ánh mắt lấp lánh của mẹ bên bậu cửa đợi chờ con cháu. Thiếu gương mặt phúc hậu của mẹ hồng lên bên chõ đồ xôi. Ăn miếng dưa hành, miếng bánh tro… năm nào cũng nhớ đến mẹ.
Tết năm nay, mẹ dắt cha về miền mây trắng, chúng tôi thật sự mồ côi. Nhớ cha vô cùng, dù từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã quen không được thưởng thức miếng bánh chưng cha gói, miếng thịt gà cha luộc; Nhưng chỉ cần “Thấy trong mái ấm cha ngồi/ Vui cùng con cháu nụ cười an nhiên” là cháu con đã ấm lòng rồi.
Chúng tôi cũng không còn được mừng tuổi mẹ cha đầu xuân mới, không được ngắm nụ cười hồn hậu của mẹ cha khi thấy anh chị em chúng tôi rồng rắn đi chúc Tết các nhà…Nhưng những ngày xuân xưa cũ ấy, mãi mãi khắc ghi dáng hình, nụ cười, gương mặt, tình yêu của cha mẹ dành cho con cháu.
Tôi vẫn như thấy nụ cười tươi vương hương trầu cay của mẹ bên bậc cửa, thấy cha hiền từ trước sân niềm nở bắt tay đón, tiễn người thân, xóm giềng.
Miền quê quan họ vẫn ngân nga tiếng hát. Những món ngon quê nhà vẫn giữ hương vị ngàn xưa. Thấp thoáng bên đền chùa cổ kính, trong nếp nhà quen thuộc là những nụ cười của người thân xa khuất…
Một mùa xuân mới đang về. Mùa xuân muôn hoa, xanh lộc biếc, tràn đầy hy vọng đang chảy tràn trên quê hương, đất nước, trên khắp địa cầu và trong tim mỗi chúng ta.
19/1/2023
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...