Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Có một mùa gió chướng

Có một mùa gió chướng

Đó là mùa gió chướng năm 1979, chỉ hơn bốn năm sau ngày giải phóng miền Nam. Tháng 11 âm lịch, chưa đầy hai tháng tốt nghiệp rời đại học về công tác tại trường Sư phạm tỉnh, tôi được cử theo đoàn cán bộ, giảng viên của trường đi thu hoạch lúa cho cơ quan trong thời gian dự kiến một tháng rưỡi. Đây là công việc nối tiếp kết quả lao động của một đoàn khác cũng của trường từ hơn 5 tháng trước vào nơi đó dọn cỏ, làm đất, sạ lúa, chăm sóc giai đoạn đầu và đã rút về.
Khi ấy phong trào sản xuất và tự túc lương thực diễn ra ở rất nhiều cơ quan, trường học; nhất là từ khi Bến Tre cũng như nhiều tỉnh vùng hạ lưu sông Cửu Long chịu họa kép bởi nạn dịch rầy nâu bùng phát kéo dài trong hai năm 1977, 1978 lại chồng thêm bởi trận lũ năm 1978. Đó được đánh giá là một trong các trận lũ lịch sử của sông Cửu Long. Không chỉ có cơ quan, trường học; nhiều hộ dân cũng đùm túm nhau rời quê bằng mọi phương tiện có thể để đến lập nghiệp ở các vùng đất hoang hóa thuộc các tỉnh Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An…
Điểm đến của chúng tôi ở chuyến đi này là khu ruộng lúa nằm cạnh rừng U Minh Hạ thuộc huyện Trần Văn Thời của Cà Mau nhưng khi ấy được gọi là tỉnh Minh Hải. Đây là tỉnh được thành lập từ tháng 3/1976 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và đơn vị hành chánh cấp tỉnh này tồn tại hơn 20 năm. Đến tháng 1/1997, Minh Hải lại được chính thức tách trở lại thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Hồi ấy đất nước còn trong cơ chế bao cấp, việc chuẩn bị cho số đông cùng đi công tác xa trong nhiều ngày không đơn giản như bây giờ. Đoàn chúng tôi có 22 người, ngoài hành lý cá nhân, còn phải cùng nhau mang dụng cụ sinh hoạt và lương thực đủ cho đoàn ăn trong đôi tuần đầu; sau đó mới có thể đưa lúa thu hoạch được trên ruộng đến nhà máy xay xát để tiếp tục lấy gạo dùng. Chính sự mang vác cồng kềnh này đã làm cho chúng tôi lạc nhau ngay trong ngày xuất phát.
Do khi đó không có tuyến xe Bến Tre – Cà Mau, chúng tôi phải qua một chặng trung chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, qua đêm tại nhà Khang, cũng là thành viên của đoàn, để sáng sớm hôm sau đi Cà Mau. Khang quê Sài Gòn, tốt nghiệp đại học và được điều về trường công tác trước tôi một năm. Đến Sài Gòn, cả đoàn cùng lên chuyến xe bus tại bến xe miền Tây nhưng do có quá đông người chen lấn xô đẩy nên khi xe dừng để đoàn xuống lội bộ đến nhà Khang, một nhóm sáu người trong đó có tôi bị chia tách đứng khuất vào một góc vẫn vô tư ở trên xe tiếp tục di chuyển. Chừng trống xe nhìn lại thì mới hay mình đã bị lạc. Không biết nhà Khang cũng không có cách liên hệ với anh. Thời ấy chưa có điện thoại di động còn điện thoại bàn chủ yếu là phương tiện làm việc ở cơ quan, ít có gia đình sử dụng riêng. Tôi đưa nhóm “lạc quân” này đến xin trọ nhờ ở nhà một người bạn thân thời sinh viên trong suy nghĩ sáng hôm sau trở ra bến xe miền Tây thật sớm, có thể đoàn đông đợi nhóm chúng tôi hội quân. May, sự việc xảy ra đúng như vậy.
Năm giờ sáng cuộc hành trình tiếp tục trên chiếc xe đò rời bến xe miền Tây, đến 16 giờ chúng tôi mới đến bến xe tỉnh Minh Hải khi ấy đặt tại thị xã Bạc Liêu vừa lúc có cơn mưa nghịch mùa rơi xuống. Lại phải chờ mua vé đi Cà Mau. Xin nói thêm để các bạn trẻ bây giờ hình dung cảnh mua vé xe thời đó. Đoàn chúng tôi danh nghĩa được ưu tiên do đi công tác, có giấy giới thiệu chính thức của cơ quan cử đi. Vậy mà vẫn phải chờ đợi lâu, có khi đến hàng giờ tại các bến do thiếu xe.
Cuối cùng thì cũng có được chiếc xe từ Bạc Liêu chở chúng tôi trên lộ chính loang lổ với nhiều chỗ lầy lội do cơn mưa chiều đã đi qua. Xe chạy chậm trong tiếng máy nổ khá chát tai. Khốn khổ nhất là khi xe dừng lại trên đường để rước thêm hay trả khách, lúc di chuyển tiếp nó mất đôi phút nhích từng chút theo nhịp máy giật và tiếng rú rền vang, thậm chí có vài lần bị tắt máy phải khởi động lại. Tôi nghĩ có lẽ nó là một trong những chiếc xe cũ kỹ nhất từ trước giải phóng được tận dụng để giải quyết tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển. Khoảng cách Bạc Liêu – Cà Mau khoảng 75 km, vậy mà chúng tôi tới được Cà Mau cũng là lúc phố phường vào đêm đã lâu và trở nên thật vắng lặng. Mọi người trong đoàn chuẩn bị cho giấc ngủ trong mệt mỏi cùng với thông tin của anh trưởng đoàn, người đã có chuyến đi thực tế vào ruộng trồng lúa trước đó vài tháng, báo rằng phải thêm một ngày hành trình nữa chúng tôi mới đến khu ruộng mình lao động.
***
Bốn mươi ba năm trôi qua, nay có vài người trong đoàn lao động ngày ấy đã qua đời, số còn lại đều về hưu và nhiều người cũng ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng hầu như ai cũng đều lưu giữ nhiều kỷ niệm liên quan chuyến đi đó. Tôi nghĩ việc này có lý do là chuyến đi xảy ra trong giai đoạn đất nước còn quá nhiều khó khăn của những năm đầu sau giải phóng; lại trong cơ chế quan liêu, bao cấp làm phát sinh những tác động chi phối cuộc sống của con người nói chung. Về phía mỗi chúng tôi khi ấy hầu hết đều rất trẻ, chỉ mới một vài năm rời trường đại học nên dồn nhiều nhiệt huyết vào công việc được giao cho dù đó một loại hình lao động không hề nhẹ nhàng, cũng không quen với nhiều người. Bên cạnh đó, ở nơi xa khi làm việc cùng nhau đã phát sinh nhiều sự kiện dễ ghi dấu; đặc biệt là mối tương tác hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên. Giờ thỉnh thoảng các đồng nghiệp trong đoàn ngày ấy có dịp gặp lại vẫn nghe nhắc kỷ niệm xưa. Một lần như vậy có người nói:  “Ở Cà Mau hồi đó gì cũng nhiều!”. Chúng tôi đều hiểu những cái nhiều bạn nói.
Ngày ấy để đi từ chợ Cà Mau đến rừng U Minh Hạ của huyện Trần Văn Thời, nơi chúng tôi lao động, phải mất khoảng 14-15 giờ cho cả ngồi tắc-ráng và đi bộ. Năm giờ sáng, theo chiếc tắc-ráng từ chợ cạnh chân cầu Cà Mau, đến xế chiều, chúng tôi đến nông trường Minh Hà gần khu vực ngã ba Tắc Thủ. Đây là một nông trường lớn khá nổi tiếng mang tên ghép giữa hai tỉnh kết nghĩa lúc ấy là Minh Hải với Hà Nam Ninh (về sau tỉnh này đã tách thành ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Bây giờ nông trường này không còn. Chiều ấy dừng chân ở đây nghỉ ngơi, dùng bữa bằng bánh mì mua cầm theo; sau đó tiếp tục lội bộ, gồng gánh hành lý, vật dụng để đến khu vực trồng lúa cạnh rừng của cơ quan chúng tôi. Ba mươi bốn năm sau tính từ lần đi Cà Mau đó, năm 2013 tôi theo đoàn trại sáng tác văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bến Tre đến Cà Mau. Chuyến đi trại này có chặng di chuyển từ chợ Cà Mau đến rừng U Minh Hạ chỉ mất 45 phút ngồi xe ca. Như vậy, với một phép tính đơn giản, năm 1979 chúng tôi phải mất thời gian bằng 20 lần so với năm 2013 cho cùng một tuyến đường.
Năm 1979, bên cạnh phải mất nhiều thời gian cho việc di chuyển, có thứ nhiều khác là sinh vật. Ngày đầu tiên đến nơi lao động vào lúc trời tối. Căn lều do đoàn mấy tháng trước vào trồng lúa dựng để lại đã bị gió giật đổ chưa kịp sửa chữa. Chúng tôi phải trải bạt, chiếu cá nhân và căng mùng ngủ ngay trên các bờ cỏ cao ven ruộng. Giữa đồng trống gió chướng thổi mạnh buộc chúng tôi tấn chân mùng sâu dưới chiếu và vô tình, sự cẩn thận đó còn giúp tránh nỗi khó chịu khác; bởi đến sáng ra ai cũng hoảng hốt khi thấy trên mùng ở phía ngoài chi chít những con sâu thuộc các loài với màu sắc khác nhau đang bám vào. Chúng bò lên từ những đám cỏ trên các bờ đất mà vừa mới đêm qua chúng tôi đã ngã lưng. Những loài côn trùng này đã phải kéo dài sinh trưởng suốt mấy tháng mưa và khi những ngọn gió chướng báo hiệu mùa mưa chính thức chấm dứt, cũng báo hiệu điều kiện thuận lợi để chúng chuyển sang quá trình sinh sản. Chúng tôi đã đến đúng môi trường sống vào các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ biến thái của các loài trên; bởi không chỉ có sâu, nơi đó và xung quanh còn có rất nhiều chiếc kén bám dính trên cây cỏ. Cánh trẻ, nhất là các cô gái tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy sâu lần ấy nhưng dần những ngày sau, do lao động và ở lán trại cạnh đó họ đã quen nhìn rồi trở nên bình thường hơn. Thậm chí có người còn theo dõi tính ngày và chờ kết quả cho cuộc hóa bướm của chúng, để cuối cùng thiên nhiên đã bù tặng bằng hình ảnh tuyệt đẹp. Những con sâu sau chu trình biến thái gian nan đã rời kén và trong suốt nhiều ngày sau đó, dưới ánh nắng mai, rất nhiều cánh bướm đủ màu sắc di chuyển phản chiếu sặc sỡ trên một khoảng rộng.
Cá tôm khi ấy cũng rất nhiều. Khi di chuyển từ chợ Cà Mau vào nông trường Minh Hà, khoảng gần trưa chiếc tắc-ráng dừng lại để nghỉ máy và tiếp nhiên liệu. Chúng tôi lôi bánh mì ra gặm có lúc vô tình làm rơi vài mẫu vụn xuống kênh, lập tức những đàn cá nổi lên tranh đớp mồi. Cảm thấy thích thú, những người trên bờ tiếp tục thả thêm nhiều mẫu bánh, cá nổi đặc giống như người ta rộng trong các thau bán ở chợ. Đủ loại nhưng nhiều hơn vẫn là cá rô, cá sặc và nhất là cá chốt. Nhìn cá chốt nổi bơi chen nhau, tôi hình dung cảnh đã từng nghe nói rằng người đi chài nếu rủi trúng phải đàn cá chốt thì chỉ có nước bỏ chài chứ không thể ngồi gỡ.
Nhưng cá tự nhiên có nhiều nhất khi ấy có lẽ là trong rừng với loài cây đặc trưng là tràm. Cá sinh sôi, phát triển trong các vũng “nước dớn” của rừng. Đó nguyên là các chỗ đất trũng sâu, qua thời gian lâu dài được lấp bởi lớp lá tràm dày. Chất tan từ lá mục cùng tinh dầu do rễ cây tràm tiết ra đã làm nước dớn có màu nâu. Đây là loại nước ngọt duy nhất có thể lấy được để sử dụng trong suốt mùa khô ở khu ven rừng này. Nhìn không đẹp mắt nhưng chính những chất tan từ tràm đã lọc tạp chất và khử trùng làm nước trở nên mát và tinh khiết hơn, chúng tôi có thể uống trực tiếp loại nước này mà không cần đun chín. Hàng ngày, lúc sáng sớm có hai người được phân công vào rừng gánh nước dớn mang về dùng cho cả đoàn. Ngày cuối tuần không phải lao động có khi muốn cải thiện bữa ăn, chúng tôi vào rừng. Trong các trũng dớn chỉ khoảng một giờ là chúng tôi có rất nhiều với đủ loại cá để dành cho vài ngày sau.
Muỗi ở Cà Mau cũng nhiều vô kể. Câu muỗi kêu như sáo thổi thật đúng với nghĩa đen của nó trong không gian sống của chúng tôi lúc đó. Sợ nhất là vào đêm rủi có bị “rối bụng” phải ra ngoài, hay có khi phải lội sang các lán trại của đơn vị bạn cách khá xa để mượn dụng cụ lao động. Khi ấy các đàn muỗi “đuổi” theo người. Đang đi, nếu bất chợt vỗ hai bàn tay vào nhau ở khoảng không trên đầu mình rồi tách tay ra, chắc chắn có những xác muỗi rơi xuống.
***
Mất gần hai ngày để chúng tôi sửa lại lán trại rồi bắt tay vào thu hoạch lúa. Trừ chủ nhật, còn lại cứ đều đặn hai buổi sáng chiều trong ngày, mỗi người một tay cầm cây gạt tay còn lại với chiếc lưỡi hái gặt lúa. Lúa được sạ trồng ngày ấy thuộc giống cao cây vì vậy trên các cánh đồng rộng nối tiếp nhau vào mùa lúa không thể nhìn thấy bờ đất ranh phía trước. Hai mươi con người trên đồng cứ giăng hàng ngang đi tới cho đến khi xong việc. Đến ngày máy vào suốt lúa theo hợp đồng, một phần quân số được tách ra thu gom lúa gặt về chất đống để thợ suốt cho máy ăn. Bây giờ tuổi già ngồi ngẫm lại, tôi nhận ra công việc của hơn sáu tuần trên cánh đồng ở U Minh Hạ ngày ấy lại là lao động nặng nhọc nhất trong cuộc đời mình.
Ở rừng đương nhiên là buồn, càng buồn hơn khi trong nỗi nhớ nhà vào những ngày giáp Tết. Hơn bốn mươi năm trước, khu vực rất rộng từ rừng U Minh Hạ ra tới nông trường Minh Hà gần ngã ba Tắc Thủ còn hoang sơ lắm. Có đứng ở một nơi hét thật to thì âm thanh đó cũng chỉ tự tan vào không gian cùng các ngọn gió trên đồng mà thôi. Bù lại, thiên nhiên ở vùng đất ven rừng này tuyệt đẹp với những hình ảnh thường thấy mỗi ngày cho chúng tôi cảm giác thật thơ và thanh bình: lúa chín oằn lắc lay trên những cánh đồng chạy dài mút tầm mắt phản chiếu cộng hưởng với ánh vàng của hoàng hôn hoặc sớm mai; hay chợt bắt gặp vô vàn cánh chim vụt bay lên tỏa rợp bóng trên những tán rừng khi có những cơn gió chướng giật bất ngờ đi qua; hoặc nhìn vũ điệu của những đàn chim ăn hạt trong mùa lúa chín, lúc đầu chúng bay trên khoảng trời xanh thẳm rồi từ từ lượn vòng thấp dần, thấp dần để cuối cùng sà xuống những thửa lúa vàng óng…
Chiếc radio cũ kỹ của anh bạn trong đoàn lao động mang theo, vốn được mua từ một chợ bán đồ cũ vào năm 1978 trong một chuyến đi công tác ở Sài Gòn, không đủ giải quyết nhu cầu giải trí của hơn hai chục con người trong sáu tuần trên khu ruộng quạnh quẽ cạnh rừng. Chiều, chúng tôi ngồi buồn nhìn những cánh chim bay về tổ ở rừng và từng đàn dơi quạ rời rừng để tìm mồi đêm, không thì thả mắt ra khoảng không mênh mông với nỗi niềm riêng, hoặc hướng lên những đám mây trong ánh nắng tàn mà tưởng tượng ra hình ảnh của các con vật như những ngày còn bé. Chủ nhật nghỉ làm, mọi người cũng chỉ biết nằm không ở lán hay hò hét với nhau vài giờ bằng các ván bài tiến lên, đôi lúc dưới gió nghe vẳng lại tiếng pháo của nhà ai đốt càng thấy buồn nhớ không khí náo nức chuẩn bị Tết khi còn ở quê nhà. Hồi đó chưa cấm đốt pháo. Từ cuối tháng 11 âm lịch, ở miền Tây Nam Bộ vào dịp cúng giỗ hoặc hội hè, người ta thường đốt một vài phong pháo để “lấy hên” và làm vui không khí gia đình, lễ hội.
Sau bữa cơm chiều ở giữa tuần đầu tiên, trong lán trại đã vang lên tiếng sụt sùi. Hai cô gái trẻ làm công việc cấp dưỡng không kìm nén được tiếng khóc nhớ nhà làm không khí trầm hẳn. Cả trên mặt của nhiều “gã đàn ông” cũng đượm nét đăm chiêu. Muốn mọi người bớt đi cảm giác nhớ nhà và tránh nghĩ ngợi, buồn phiền; tôi lôi từ “bộ nhớ” của mình nội dung các truyện kiếm hiệp đã được đọc kể họ nghe. Cứ nghĩ tạm “chữa cháy” đôi hôm chờ mọi người thích nghi với môi trường mới. Ai dè qua vài lần họ đâm nghiện. Thời gian ở rừng ấy, tôi có dịp kiểm nghiệm lại cái “kho lưu trữ” các truyện kiếm hiệp mà mình đã đọc từ nhiều năm trước ngày giải phóng miền Nam; rồi cũng tự bất ngờ khi nhận ra độ nhớ của mình khi ấy còn rất tốt.
Trong suốt sáu tuần ở Cà Mau, tôi đáp ứng hoàn toàn và đầy đủ nhu cầu nghe truyện của các đồng nghiệp. Không chỉ mỗi tối mà cả ngày chủ nhật, thậm chí có khi cơm trưa xong đi nằm cũng có người xướng: “Kiếm hiệp đêêêê…!”. Nhưng đều đặn nhất vẫn là tối và không một đêm nào bỏ qua. Cứ trời tắt nắng là chúng tôi giăng mùng để chui vào tránh muỗi; vừa trà lá, phiếm đàm rồi nghe truyện.
Cũng có vài lần việc kể chuyện bị gián đoạn vào buổi sáng chủ nhật. Đó là những lúc tôi thật buồn vì nhớ nhà, nhớ những người bạn cùng kỷ niệm của thời đại học chưa xa. Những lúc ấy tôi một mình lội bộ bốn cây số ra con kênh gần nông trường Minh Hà gặp Trọng, người bạn cùng lớp đại học và khi ra trường cùng được điều về Bến Tre. Chỉ khác là tôi được về công tác ở nguyên quán, còn Trọng phải rời Sài Gòn quê mình. Cơ quan của Trọng khi ấy là một trường cấp 3 đóng tại địa bàn thị xã và anh cũng theo đoàn lao động tự túc của trường mình vào Cà Mau cùng đợt với chúng tôi. Trước đó, trường của anh sắm một chiếc đò máy khá lớn dùng đưa rước cán bộ, giáo viên và có khi cả học sinh cho mỗi đợt đi lao động xa trường. Vào Cà Mau, anh được phân công trực giữ đò cùng với một chú tài công đã đứng tuổi. Những lúc gặp nhau khi ấy, hai đứa ngồi trên mui chiếc đò đang neo thả dây câu xuống dòng kênh, vừa nhắc lại khoảng thời gian ở trường đại học Sư phạm rồi cùng cười vì các trò nghịch ngợm ngày nào. Có khi sau đó Trọng lôi ra những phong pháo đã gởi người bên nông trường Minh Hà đi chợ Cà Mau mua về. Hai đứa tôi cùng gỡ rời từng viên rồi đốt ném ra xa để tiêu khiển. Thỉnh thoảng có khoảng lặng xen vào trò đùa nghịch của chúng tôi. Đó là những lúc Trọng nhớ Hạnh. Hai người có nhà ở gần, yêu nhau từ năm lớp 12 và gắn bó trong suốt thời  gian vào trường đại học. Không biết lý do gì mà năm chúng tôi tốt nghiệp, Ủy ban và Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương không nhận người của họ. Sinh viên của thành phố này ra trường phải đi dạy ở các tỉnh khác. Cha mẹ Hạnh thuộc loại khá giả buộc cô nghỉ dạy vì sợ con gái đi tỉnh cực. Trọng yêu nghề anh đã chọn và cũng không muốn bỏ việc về thành phố làm kẻ thất nghiệp ăn bám. Dù Trọng đã bàn với Hạnh và được cô thuận tình chờ anh sau 5 năm đi tỉnh sẽ chuyển về Sài Gòn như lời hứa của những người quản lý giáo dục thành phố khi ấy, nhưng anh nói mình sợ không giữ được người yêu bởi bị ám ảnh câu xa mặt cách lòng. Cuối cùng thì điều dự cảm của Trọng đã thành sự thật. Hạnh vượt biên cùng chồng ngay sau đám cưới của họ vào năm thứ ba Trọng đang làm thầy giáo ở tỉnh lẻ.
***
Những ngày cuối cùng của đợt lao động, chúng tôi trong tâm trạng náo nức. Do làm việc cật lực trên đồng ruộng suốt ngày rất mệt, thêm vào đó tuổi trẻ dễ ngủ nên không đến nỗi bị mất giấc nhưng khi thức thì cứ nôn nao đón đợi ngày về. Sự bồn chồn càng tăng khi vào ngày Hai mươi ba tháng Chạp. Gió chướng thổi mạnh đẩy tiếng pháo cúng đưa ông Táo về trời từ khu dân cư và nông trường Minh Hà đến lán trại chúng tôi, lại thêm người của nông trường đến cho chúng tôi biết điện thoại từ Bến Tre báo chúng tôi sẽ rời U Minh Hạ sau đó hai ngày. Thời gian còn lại của đợt lao động, chúng tôi chuyển lúa thu hoạch đến gởi ở nhà kho của nông trường Minh Hà với sự hỗ trợ phương tiện vận chuyển của họ. Sau Tết trường cử người vào giải quyết số lúa ấy.
Chiều ngày Hai mươi lăm, chúng tôi di chuyển để đêm ngủ nhờ ở nông trường đến rạng sáng kịp đón tắc-ráng ra chợ Cà Mau. Chiều ấy, chúng tôi mới thật sự tắm gội và được bơi lặn thoải mái trong con kênh chảy qua nông trường. Sáu tuần lao động trước đó cứ ít hôm thì lội bộ khoảng cây số, đến nơi gọi là tắm với nước chát phèn trong các hồ được nông trường đào lấy đất lấp một phần ruộng để trồng cây và làm các công trình phụ; còn lại thì cứ mỗi chiều vài ca nước dớn gánh từ rừng U Minh về lau vội cơ thể. Thêm một kỷ niệm thú vị. Trong con kênh chiều ấy, chúng tôi ngạc nhiên và thích thú bơi cùng những bầy cá đông đúc. Chúng dạn dĩ đến mức bám rỉa vào cơ thể của số đông người đã lâu mới được thả mình trong dòng nước ngọt.
Trong bài viết này, tôi nhiều lần nhắc đến nguồn cá tôm ở Cà Mau khi ấy bởi không chỉ nó quá dồi dào tạo ấn tượng khi lần đầu tiên tôi tiếp xúc với vùng đất cuối trời Nam này của Tổ quốc; mà còn một điều khác là tôi coi đó như hoài niệm trong nuối tiếc về sự phong phú của nguồn thủy sản ấy ngày nay đã mất dần đi. Năm 2013, trên đường đoàn trại sáng tác Bến Tre vào tham quan rừng U Minh Hạ, một người bạn ở Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau tháp tùng để hướng dẫn đoàn đã nói khi nghe tôi kể một phần kỷ niệm của chuyến đi lao động ngày trước: “Giờ cá tôm làm sao còn được như thế nữa anh!”. Nghĩ cũng phải thôi. Sự phát triển dân cư cùng ảnh hưởng của đô thị hóa đã làm biến đổi môi trường tự nhiên nơi này. Ở chuyến đi trại sáng tác đó, tôi không còn nhìn thấy chút nét hoang sơ nào của thời trước từ khu vực ngã ba Tắc Thủ đến rừng U Minh Hạ. Thay vào đó là những căn nhà san sát nhau dọc bờ kênh chạy qua nông trường Minh Hà ngày nào, cùng với một con lộ nhựa đã được mở thẳng đến cửa rừng. Dẫu biết đó là xu thế biến đổi của nhiều nơi trên đất nước này chứ không riêng gì Cà Mau; nhưng sao cứ nghĩ đến việc suy giảm nguồn tài nguyên hiện nay so với trước đây ở những nơi tôi đã đi qua, lòng vẫn cứ nuối tiếc.
Đề cập sự phát triển cư dân Cà Mau, tôi chợt nghĩ đến rất nhiều gia đình với cuộc sống trở nên quá khó khăn, thậm chí có khi phải đứng trước nạn đói do lũ và đại dịch rầy nâu bùng phát mạnh mẽ trên đồng ruộng vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Họ không chỉ ở Bến Tre mà còn từ nhiều địa phương khác đã tìm đến không riêng Cà Mau mà cả những nơi hoang hóa của Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Long An… Những vùng đất mới đã cưu mang và cung cấp nguồn sống cho những con người lam lũ, chịu đựng nhọc nhằn, biết yêu quý đất trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Họ đã thích nghi với nhịp sống, hơi thở của nơi đến; để giờ đây những con người đó cùng những thế hệ nối tiếp trở thành một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân cư các nơi đó.
Với chúng tôi trong hơn sáu tuần lễ ở Cà Mau, dù thời gian quá ngắn so với một đời người nhưng cũng đã có những trải nghiệm thiết thực. Mỗi người đã bổ sung cho mình nhiều bài học về thiên nhiên với các phong cảnh dù hoang sơ nhưng đẹp tuyệt của nó, cùng những kiến thức thực tế chưa từng được học khi còn ngồi ghế nhà trường. Trong cuộc lao động vất vả có lúc tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của nhiều chàng trai, cô gái trẻ vốn từ trước chỉ quen tiếp xúc với bút nghiên, sách vở; chúng tôi đã được bù lại bằng sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau, cùng có được sự đồng cảm tích cực về những thực tế sinh động ở một vùng đất khá hoang sơ trong giai đoạn còn nhiều khó khăn của đất nước. Để bây giờ dù tuổi đã già nhưng khi gặp lại vẫn còn cảm giác thú vị khi nghe nhắc: “Hồi đó, Cà Mau…”.
19/1/2023
Nguyễn Thảo Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Kỳ biến thể

Hoa Kỳ biến thể Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn là quán quân cho các lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và phát triển cho toàn cầu...