Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Những giọt đắng

Những giọt đắng

Như con chim Sơn Ca
Từ khi chị Trúc rời bỏ gia đình chúng tôi để đi ở cho nhà khác, tôi biết là chúng tôi sắp phải trải qua nhiều nỗi khó khăn. Nhưng không có cách nào giữ chị lại được. Tôi chỉ có thể trả lương cho chị hai nghìn đồng mỗi tháng trong khi cô vợ Mỹ trả đến bốn nghìn. Chị ở giúp tôi thấm thoát đã được sáu năm. Ngày ra đi, chị khóc ấm ức như cảnh con gái phải bỏ nhà cha mẹ đi lấy chồng. Nhưng tình cha mẹ không nặng bằng tình chồng, cũng như túi bạc Việt Nam không nặng bằng đô-la vợ Mỹ.
Tôi vốn dở trong việc trả giá mua bán bởi có ấn tượng rằng trả giá là một cách tỏ lòng nghi ngờ thành tâm của người bán, một cách miệt thị họ nên ngày chị Trúc đến với tôi, tôi nhớ người giới thiệu đứng trung gian định giá công cho chị. Sau đó, tôi bảo chị:
- Thời giá lên xuống không ngừng, ngày nào tiền công người làm có cao lên thì chị nói cho tôi tăng lên. Tôi không muốn trả hẹp cho chị vì nếu tôi làm vậy, chị sẽ tìm nơi khác trả giá cao hơn. Ngược lại, nếu chị lấy công quá đắt thì khi có ai mách người làm công rẻ tôi sẽ muốn tìm tới họ. Gắng giữ công bằng thì tình nghĩa mới bền lâu được.
Chị cảm thông chân tình của tôi nên trong suốt sáu năm, chị xin tôi tăng lương bốn lần. Những bước tăng có khi dịu dàng, có khi cũng khá dốc. Lỗi không do ở chị mà do ở vật giá không biết nhờ sáng kiến của ai mà cứ tha hồ lên cao vùn vụt. Nhưng đến lần chót này thì chị biết là tôi đã đuối hơi rồi nên chị không nỡ xin tăng lương mà chỉ lấy cớ là xin về quê. Tôi nài nĩ chị nói sự thật, rằng chị cần tôi tăng lương thêm bao nhiêu, rằng tôi cố gắng trả cho bằng người nào muốn mượn chị…, chị bật khóc không giữ được rồi bệu bạo nói:
- Thưa thầy, người ta mượn con tới bốn ngàn đồng một tháng.
Đáng lẽ tôi xấu hổ vì lời nói khoa trương của mình “tôi trả cho bằng người nào muốn mượn chị”. Nhưng thời thế nầy đã gặm mòn gần hết tự ái của mọi người lương thiện. Vợ người công chức nhường cam tươi và trứng gà cho những cô mặc jeans mới năm ngoái năm kia còn ở bế con cho mình, lau nhà và sai vặt. Thò tay xuống trả mua món gì cũng bị gạt ra hết. Bấm bụng trả một trăm thì ở đằng sau lưng đã có người trả vọt lên trăm rưỡi. Chẳng lẽ cãi nhau, chửi nhau?
Chị Trúc đi được nửa tháng thì nhờ bà con lối xóm mách bảo, tôi thuê được cô Thu Hồng. Lương tháng có một nghìn rưỡi. Thu Hồng chừng mười chín tuổi nhưng cao lớn đẫy đà, mặt mập và mắt nhỏ. Tướng này chắc không siêng năng. Tôi chả biết công việc gì để cắt đặt cho Thu Hồng hết. Ngày còn chị Trúc, tôi cứ giao tiền cho chị rồi tùy ý chị mua sắm nấu nướng. Không có lệ kê khai giá mua từng món, tính toán tiền chợ vì tôi biết đó là một chuyện thừa. Tôi và mấy đứa con chẳng bao giờ biết đến giá cả ngoài chợ nên có bắt tính cũng vô ích. Khúc cá hôm qua tính tám chục bữa nay nói lên chín mươi lăm đồng thì cũng được: cứ lấy cớ là biển động. Thôi thì mình trông cậy hoàn toàn vào tình nghĩa của người đàn bà giúp đỡ mình đó. Tôi rập theo phương pháp đã áp dụng đối với chị Trúc mà bảo Thu Hồng:
- Em cầm tiền đi chợ. Mua thịt, cá, trứng, rau gì đó…, xào, nấu canh, kho… Khi dọn cơm, em ước lượng chia làm năm phần, tôi và ba đứa nhỏ là bốn người, và em nữa là năm. Em chia làm năm phần, em giữ lấy một phần cho em, còn bao nhiêu kia em đem dọn lên. Phần ai nấy ăn, tôi không có thì giờ mời mọc xã giao.
Mấy cô bạn đến chơi hay tỏ ý thắc mắc là Thu Hồng trùng tên với tôi, như vậy mỗi lần có tiếng gọi “Hồng ơi” thì ai biết kêu ai mà “Dạ”?
- Chắc sẽ có trường hợp “Dạ” lầm.
Tôi trả lời:
- Nhưng những sự bất tiện ở trên đời nầy thì nhiều quá, mình tránh sao cho hết?
- Có thể đổi tên nó đi. Gọi nó là con Hường chẳng hạn. “Thu Hường” cũng đẹp chán.
- Nhưng như vậy là phạm đến nhân vị của người ta. Vả lại tôi đi dạy học nên rất quen với sự trùng tên. Tôi phải kêu những tên “Hồng” lên bảng và phạt thẳng tay những tên “Hồng” lười biếng. Có những lớp nữ sinh chứa đến bảy, tám cô Hồng: Tuyết Hồng, Lệ Hồng, Hoa Hồng, Thúy Hồng, Huỳnh Thị Hồng, Phạm Thị Hồng và cả Võ Thị Hồng nữa.
Thu Hồng không biết nấu nướng. Nhiều bữa chúng tôi bỏ ăn. Áo quần không muốn giặt và giặt không sạch. Điều này cũng là một nỗi phiền vì hồi còn chị Trúc, chị cứ tự ý qui định chu kỳ giặt giũ: mấy tuần thì giặt màn, mấy ngày thì giặt khăn giường, áo sơ-mi mùa hè đổ đồng mấy ngày thì giặt, mùa đông mấy ngày, áo gối, áo ngủ, rèm cửa… chị đều tự ý lo lắng, sắp đặt. Đến triều đại Thu Hồng thì lù bù. Thân ai nấy lo. Không kể rèm cửa, chăn màn là những món hàng coi như xa xỉ - theo quan niệm của Thu Hồng, - cả đến quần áo mặc thường ngày mà mỗi lần gọi Thu Hồng lên lấy giặt, tôi cũng cảm thấy như tôi có lỗi. Tôi có cảm tưởng mình chuyên môn quấy rầy người ta nên có nhiều lúc tôi tự tay ngâm bột giặt rồi hôm sau xả nước luôn. Thu Hồng không bao giờ biết giành lấy làm giúp, cứ ngồi bình yên nơi giường để cắt móng tay hoặc ngồi đàng hoàng nơi bờ giếng cạnh tôi và lấy xà bông kỳ cọ đôi bàn chân. Tôi đành phải tự tìm một thú vui cho công việc giặt giũ: mỗi lần giặt xong, đôi bàn tay mình sạch bong dễ chịu vô cùng và tha hồ vốc nước xả vào mặt.
Thu Hồng rửa chân một ngày năm bảy lần. Cứ ngồi kỳ cọ chân ngoài giếng hằng giờ, kỳ cọ dép cao su, chân và dép lúc nào cũng sạch bong. Áo quần thay đổi mỗi ngày một bộ. Có buổi sáng đi chợ hai lần và mỗi lần một sắc áo. Tôi tự nói: chắc là mê anh bán quảng cáo dầu khuynh diệp bác sĩ Tín hay thuốc điều kinh bạch đái hiệu Ông Tiên rồi. Nếu không thì cũng bị mê hoặc bởi anh thầy bói “Đợt sống mới” thắt ca-vát đen, kính trắng ngồi la lết trên chiếc chiếu nơi hông chợ và sau một bộ bài để lật ngửa. Thỉnh thoảng tôi còn thấy những thanh niên chừng mười tám tuổi, mặt gầy quần xanh bó chặt mông và đùi, sơ-mi dài tay cũng màu xanh, tóc để dài xuống cổ, đi đi lại lại không có mục đích. Bao nhiêu là đối tượng để Thu Hồng đi chợ một buổi hai lần và cứ mươi lăm phút là quay lại ngắm nghía gót chân của mình sạch như lau trên một lần dép cũng sạch như lau.
Thu Hồng nuôi chúng tôi được ba tháng thì người nào người nấy gầy rạc đi. Tôi không dám có ý kiến gì để quở trách. Người giúp việc bây giờ khó tìm. Vả lại con tôi nó mét:
- Chị Thu Hồng nói chị ở chơi vài tháng rồi chị đi lấy chồng. Có một ông giáo viên thương chị lắm. Chắc chị chỉ giúp Ba được vài tháng.
Tôi nghĩ thầm: sắp lấy ông giáo viên rồi mà! Chắc là người cùng quê chạy tản cư ra tỉnh với cô ta. Phải là người cùng quê thì tình nghĩa mới mặn mà như vậy, chớ khách quan mà xét thì tướng mạo của Thu Hồng không xứng đáng với bất cứ một ông giáo viên nào, dù là giáo viên hạng kém. Thôi, thế là vài bữa nữa học trò gặp cô sẽ cất nón cúi gập người xuống mà chào “Thưa cô”. Cô sẽ mua vải ni-lông hoa để may rèm treo cửa như mọi cô gái vừa mới lấy chồng. Cô sẽ mua sắm tíu tít, tính toán việc sắp đặt trong nhà sao cho gọn ghẽ mỹ quan. Không có người nào vô dụng hết, bất tài hết, tôi thành thật nghĩ vậy và tôi mừng thầm cho Thu Hồng có hoàn cảnh để vươn lên như vậy. Thỉnh thoảng tôi hỏi:
- Chừng nào ông giáo viên đi cưới Thu Hồng?
Thu Hồng cười:
- Dạ, cũng sắp sửa.
Tôi lại phải lo liệu trước nhờ bà con tìm một người khác để thay thế. Lần nầy là một cô gái mảnh khảnh. Khuôn mặt gầy, khá thông minh. Đứa con nhỏ của tôi chạy lên mừng rỡ nói:
- Tên chị là chị Lan, ba à.
Tôi không hiểu tên Lan thì có gì để làm cho con tôi mừng rỡ. Lan và Thu Hồng nói chuyện gì đó lí nhí sau bếp. Khi tôi ăn trưa xong, ngồi một mình uống nước ở xa-lông thì Thu Hồng dẫn Lan lên giới thiệu:
- Dạ, thưa thầy.
Tôi quay lại:
- À, em mới tới để thay Thu Hồng đó phải không? Em ở đâu đến?
- Dạ ở Tuy Hòa vô.
- Quê em ở Tuy Hòa?
- Dạ không. Con ở tuốt ngoài Phú Vang. Ngoài xã Xuân Sơn đó. Con chạy tản cư vô Tuy Hòa.
- Em vô đây có một mình?
- Dạ. Có một mình. Cha mẹ con còn ở ngoài Tuy Hòa.
Tôi không biết nói gì hơn, đành hỏi một câu nhảm:
- Nghe nói em tên là Lan phải không?
Thu Hồng trả lời:
- Dạ phải. Nó tên là Lan. Nguyễn Thị Lan.
Nhưng Lan cướp lời ngay:
- Dạ không phải Nguyễn Thị Lan. Con tên là Ái Lan.
Tôi không giữ nổi một cái mỉm cười. Không biết Thu Hồng có ác ý gì không khi chỉ giới thiệu một tên Lan trơ trọi kèm với Nguyễn Thị. Và khi cải chính gấp gáp như vậy không biết Ái Lan có giận người bạn đồng nghiệp xấu bụng muốn hạ uy tín của mình không? Tôi cho hai người lui ra và ngồi nghĩ vẩn vơ về những cái tên đẹp. Quả tình là dân tộc ta đang làm một cuộc Cách mạng văn hóa sâu rộng. Cách mạng văn hóa ở học đường chẳng thấm vào đâu. Người học trò năm 1966 vẫn học bài và làm bài như năm 1946, vẫn học khoa học mà không có thí nghiệm, vẫn giải được những bài toán về Điện mà khi công-tơ nổ cầu chì thì phải đạp xe đi tìm ông thợ điện ở cuối phố. Chương trình học có đổi thay chút ít nhưng chỉ là nhích lên nhích xuống mà thôi. Chính phủ trước sắp chương đó học ở đệ Tam thì Chính phủ sau đẩy lên đệ Nhị. Các tác giả Việt Nam chỉ có bấy nhiêu ông ngoài những ông Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương có chỗ đứng chắc chắn, còn những ông khác như Chu Mạnh Trinh, Hồ Huyền Qui, bà Đoàn Thị Điểm thì bị di chuyển liên miên, năm nay ở đệ Ngũ năm sau ở đệ Tứ, năm sau nữa lên đệ Tam, rồi có năm chợt biến mất. Y như người đi thuê nhà giá rẻ cứ bị lãnh giấy tống đạt bắt dọn đồ đi tìm chỗ khác hoài. Cách mạng văn hóa trong các ngành nghệ thuật cũng rất yếu ớt. Cải lương vẫn sáu câu vọng cổ, thỉnh thoảng có pha thêm ít câu tân nhạc cho đúng tiêu chuẩn “kim cổ giao duyên” hay “cổ kim hòa điệu”. Kịch thì in ra để nằm trong giường đắp mền mà đọc. Vân vân. Cuộc cách mạng văn hóa sâu rộng mà tôi nhận thấy rành rành ra đây là sự vươn lên của các tầng lớp quần chúng giành lại cái quyền đặt những tên đẹp cho mình. Ái Lan, Thu Hồng không phải chỉ dành cho các cô nữ sinh Tú tài, cho tiểu thư các vị đường quan, cho ái nữ các ông Tham ông Đốc. Không, bây giờ thì mọi người bình dân đều có quyền sử dụng. Chiều chiều mấy cô sen đi dong chơi trên các nẻo phố vẫn gọi nhau bằng những tên rất đổi thơm tho: Thu Nga… Lệ Thủy… Những ông liên gia trưởng thường ký sổ gia đình, những ông ủy viên nhân thế bộ ở xã khỏi cần mượn Tự điển Hán Việt để tra tìm chữ mà đặt tên cho con. Đầy dẫy những cái tên quý phái mỹ miều người ta dùng hàng ngày, phung phí không biết ngợp. Trong khi đó thì những người ở từng lớp khá giả lại chọn ngược lại. Bỏ hết những chữ lót, họ để trơ trụi cái họ và cái tên: Nguyễn Thị Tuyết… Lê Thị Đoan… Hồ Thị Chi…
Thu Hồng ra đi nhường ngôi cho Ái Lan. Thấy cô ta chào từ giã một cách tự nhiên không vui không buồn, mớ quần áo gói trong một tờ giấy báo cặp ở nách, tôi cho rằng người con gái này sung sướng có tình yêu là món quà đặt sẵn trước mặt. Nhưng sau đó một tháng, một hôm Thu Hồng đến thăm tôi nhằm giờ Ái Lan đi chợ. Tôi hỏi:
- Chớ chưa làm đám cưới sao?
- Dạ, để thong thả.
- Thời đại bây giờ giặc giã ầm ầm, thương đâu cưới đó, còn đợi nỗi gì? Đợi lâu, lỡ ông giáo mê gái thì làm sao?
Thu Hồng cười hì hì, hai con mắt nhắm kín lại:
- Dạ, đâu có vậy? Dạ, để thong thả.
Nói lí nhí vẩn vơ gì một lát rồi cuối cùng Thu Hồng hỏi về cách làm ăn của Ái Lan. Tôi nghĩ có than thở cũng vô ích bởi Thu Hồng không thể vì tôi mà dạy dỗ huấn luyện cho Ái Lan thành người giúp việc đắc lực, tôi đành trả lời mơ hồ rằng cũng tạm được, cũng khá.
- Em chắc nó làm việc không hay. Nó còn nhà quê. Hay để bữa nào em trở lại giúp thầy.
Thấy tôi không mừng rỡ vồ lấy dịp may, Thu Hồng tiếp:
- Em bớt tiền lương một chút cũng được. Nhà thầy ít việc, thầy cho một ngàn hai cũng được.
- Xin cám ơn, nhưng thôi, để em đi lấy chồng, đừng để cho ông thầy giáo đợi lâu quá.
Sau bốn năm tháng gì đó, một hôm vì phải tìm một con đường đúng chiều để thoát ra khỏi một khu phố không quen, tôi chợt thấy Thu Hồng đi lang thang trên hè phố. Áo quần xốc xếch hơn ngày còn ở với tôi. Dường như Thu Hồng có thoáng thấy tôi và cô ta lúng túng đi sát vào lề đường, tay kéo nón che một bên má. Tôi tưởng Thu Hồng đã về quê rồi, đã lấy chồng rồi. Thế ông thầy giáo đâu? Tôi chợt nghĩ: mình u mê, ai nói cái gì cũng tin. Có lẽ Thu Hồng để ý thương thầm một ông giáo viên nào đó rồi ngồi mơ mộng tưởng tượng. Chớ cứ lề lối này thì chắc chắn là Thu Hồng vẫn còn đi ở cho người ta và chắc chắn là với một chủ nhà thạo việc hơn tôi, Thu Hồng phải làm việc nhiều quá đến nỗi đi ra phố mà áo quần xốc xếch như vậy.
Ái Lan nấu ăn không hơn Thu Hồng. Món gì cũng mặn. Hỏi: “Sao nêm canh mặn thế này?” thì trả lời tỉnh táo:
- Dạ, đâu có mặn?
Vừa nói Ái Lan thò muỗng vào bát canh múc vụt một thìa đầy, đặt vào miệng hút đánh chụt một cái vừa chắp chắp. Rồi nói:
- Dạ, đâu có mặn?
Không có cái máy đo “mặn lạt” để chỉ chính xác mấy độ nên tôi đưa đề nghị:
- Từ rày khỏi cần nêm ở dưới bếp. Để lên bàn ăn chúng tôi tự ý nêm lấy.
Ái Lan loay hoay bực bội với cái lò nấu bằng dầu lửa. Tim cao, tim thấp, tim hụt, vặn lên, vặn xuống… Ái Lan ưa chẻ củi để nhay vào bếp, đốt cho lửa đỏ bừng bừng, ngọn liếm quanh nồi, tiếng nổ lách tách.
- Hồi ở “ngoãi”, con chuyên môn đi củi. Cột theo một mo cơm lên núi chặt một buổi, trưa gánh về một gánh.
- Bán được bao nhiêu?
- Để dành chụm chớ.
- Còn nếu bán thì được bao nhiêu?
- Năm chục.
Ái Lan lanh lẹ và không biết làm dáng như Thu Hồng. Còn chịu mặc áo vải đen may theo kiểu sơ-mi măng-sết thời kháng chiến. Không ham kỳ cọ chân bằng xà-bông và mỗi lần bước lên thềm giếng là tháo bỏ dép ra. Thu Hồng thì không, đôi dép và bàn chân như dính chặt vào nhau.
Trên bàn chân Ái Lan có một mụt bầm tím to bằng đồng bạc Ngô Đình Diệm và hơi sưng lên. Tôi lưu ý đến nó bởi vì có nhiều hôm thấy Ái Lan xuýt xoa ngồi nắm chân. Có hôm thì bước đi hơi khập khễnh. Tôi hỏi:
- Cái mụt này ngó bộ chưa thật lành. Ngoài mặt kéo da đã kín nhưng chắc ở trong e còn rỗng. Coi chừng sinh mạch lươn đó.
- Dạ, con ấn xuống thấy hơi đau.
- Cái mụt sâu lắm sao?
Ái Lan lật ngửa gan bàn chân chỉ vào một vết bầm.
- Lủng từ dưới lên trên, lủng suốt cả bàn chân.
- Sao dữ vậy?
- Con đạp trúng bàn chông.
- Chắc đi chặt củi trên núi, đạp trúng bàn chông của “ở trển” gài hả?
Ái Lan nhoẻn miệng cười:
- Dạ không. Bàn chông của con gài.
Tôi mở to mắt ngạc nhiên:
- Hả?
- Con theo thanh niên đi gài chông. Làng con thuộc về ở bển rồi mà. Vô phước trúng bữa đang gài thì được tin lính Đại Hàn dưới Quận càn lên. Lật đật bỏ chạy. Con đạp nhằm bàn chông của con.
Câu nói gọn, giọng nói vui, làm như việc gài chông là một trò chơi và dậm chân vào chông cũng là một trò chơi. Cuộc chiến tranh thảm khốc giết chết nhiều sinh mạng, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, thiêu rụi cả làng mạc thôn xóm là kết quả cộng lại của những trò chơi nhỏ của những người tham dự kiểu Ái Lan? Có thể như vậy? Một cái lẩy cò vu vơ, một tràng liên thanh bắn thêm chơi, một cái ấn nút, chết chóc được ban phát ra, ngẫu nhiên và dễ dàng.
- Đi gài chông vui lắm thầy ơi. Đi cả đoàn. Thằng con ông hương mục Kiệm làm trưởng đoàn. Nhưng gặp bữa nào tụi nó càn là nhảy, nhảy trối chết.
Bây giờ Ái Lan thành người của bên này. Bên này hay bên kia thì Ái Lan hình như coi cũng như nhau. Đứa con gái mười lăm tuổi đó lớn lên như một con chim sơn ca má núm đồng tiền và đôi mắt long lanh sáng. Quơ cỏ trên đồng lúa Phú Hòa đó, chặt củi trên triền núi Hóc Bèn đó, mò ốc ngoài bãi cát Hà Bằng đó. Sau khi chạy tản cư về Tuy Hòa thì lại quơ cỏ trên đồng lúa Hòa Kiến, chặt củi trên triền núi Chóp Chài và mò ốc ngoài bãi cát sông Đà Rằng. Như con chim sơn ca mổ hột lúa và con sâu ở đồng này rồi bay vụt qua đồng kia, lại mổ con sâu hột lúa.
Những buổi tối có gió mát, nằm ngoài sân nhìn lên khung trời cao, Ái Lan cất tiếng hát:
Nông dân ta hát ca reo vang lừng.
Ban đầu hát khe khẽ, một lát thú vị sao đó bỗng nổi hứng hát to lên. Tôi phải ngăn lại:
- A! Coi chừng. Muốn xuống Nha An ninh nằm hay sao đó?
Ái Lan xuýt xoa:
- À quên! À quên!
Im lặng một giây rồi tiếp:
- Nhà con trung nông đó thầy, chớ không phải bần cố nông đâu. Ông nội con đi thiến heo nữa.
- Thiến heo thời này mau giàu lắm đó nghe.
- Dạ, thiến heo có tiền lắm. Ông An ngoài con cứ hai tháng thì vô trong này thiến một kỳ. Mỗi ngày được lối tám, chín trăm. Đi một chuyến ăn tiêu rồi còn dư mười lăm ngàn.
- Sao ông nội em không vào thiến cho có tiền?
- Dạ, muốn vô lắm mà nghiệt không có giấy tờ. Thẻ kiểm tra “ở trên núi” về thu đốt hết, bây giờ phải nằm lỳ ở quận Tuy Hòa không được đi đâu một bước. Không có nhà ở, nhà nước cho phép dân di cư được ở trong mấy cái toa xe lửa chở hàng bỏ không ở khu nhà ga.
- Nóng quá chịu gì nổi?
- Thì cũng phải ráng chịu chớ biết làm sao? Năm sáu gia đình ở chung một toa. Trưa nắng như thiêu. Nghiệt một nỗi nữa là toa xe nằm ở giữa một bãi cát nóng, càng có gió càng nóng thêm.
Ái Lan có tật ghiền trà Tàu. Bình trà bữa nào cũng bỏ đậm đen, lũ nhỏ la đắng uống không nổi. Dặn bao nhiêu lần cũng như không. Bình trà đó mặc dù lũ nhỏ không đứa nào dám mó đến, cũng cứ vơi đi trong nháy mắt. Buổi trưa lại một bình trà mới nữa. Tôi đi vắng gần như cả ngày nên đâu có biết gì đến trà với nước, chỉ khi lon trà hết cạn mới kịp phát giác ra rằng Ái Lan không thể uống nước trà lợt. Thôi rồi, nguyên do cũng vì Ái Lan có lệ phải hầu trà ông nội thiến heo. Tôi biết bản tính của các ông cụ ở nhà quê. Lội bộ giữa nắng suốt giờ này sang giờ khác thì khi về đến nhà phải tu một hơi đến hai, ba bát nước trà thật đậm mới giải nổi cơn khát. Thôi thì mình phải chiều Ái Lan vậy. Một bình trà chỉ vài ba đồng bạc, chẳng bao lăm. Ngoài những bình trà thường lệ, khi nào có khách đến chơi tôi pha trà đãi khách thì khi khách đi tôi đều tặng bình trà đậm đó cho Ái Lan. Ái Lan cười thông cảm, đón nhận không chút ngượng.
Ái Lan đến nhằm lúc cái giếng nước nhà tôi bị thuốc giặt của những nhà Mỹ xung quanh làm hôi mùi xà-phồng. Nước ăn phải sang lấy nhờ ở nhà Mỹ bên cạnh. Từ ngày đó, mỗi lần Ái Lan đi qua, tôi nghe có mùi nước hoa. Có hôm Ái Lan lấy kéo ngồi cắt những hình màu lòe loẹt trong một tạp chí Play boy, những hình phụ nữ khỏa thân vú và mông thỗn thện. Tôi lo xa nói dè chừng:
- Có qua lấy nước thì xách về ngay, đừng la cà nói chuyện dài dòng. Đừng có ham tiền mà nghe lời dụ dỗ. Nếu muốn có nhiều tiền thì học tiếng Mỹ để đi làm thông ngôn. Em ở nhà quê có được đi học không?
- Dạ, con học đến lớp Nhất. Rồi ông thầy giáo bị ở trển xuống bắt đi học tập, trường đóng cửa. Ông thầy giáo Phê, con bà Cửu Thành ở Gò Cà đó. Ông thầy đánh quạu một cây. Bắt nằm dài xuống rồi rút roi mây phết một hồi hai, ba chục.
- Đã học lớp Nhất thì bây giờ học tiếp đi. Tối tối lên nhà trên học chung với mấy đứa. Cuối năm thi Tiểu học.
- Dạ.
Tiếng “dạ” có vẻ yếu ớt.
- Sau đó có thể học thêm tiếng Anh để đi làm sở Mỹ hoặc học chữ về làm cô giáo làng, cô mụ hương thôn.
- Dạ.
Tôi rất thành thật trong việc đề nghị, tôi muốn giúp ích cho Ái Lan để nó có thể giúp đỡ chúng tôi càng dài ngày càng tốt. Bởi lẽ nếu chỉ đi ở lấy công thì chắc chắn là ba, bốn tháng sau nó sẽ bỏ chúng tôi để đi theo một chỗ làm khác bổng lộc cao hơn, hoặc nghe lời dụ dỗ của mấy bà trùm, của mấy anh mách mối. Không thể bắt nó ở nhà đóng kín cổng lại. Mà đã để nó đi chợ thì chẳng sớm thì muộn nó sẽ bị người ta vồ lấy. Mặt mũi nó xinh xắn sáng sủa không thua một cô nữ sinh trung bình, nhất là khi tôi may cho nó mấy bộ áo vải hoa.
Tôi gọi nó lên và ra cho một bài toán cộng phân số để thử sức. Nó cầm bút loay hoay, xoay tờ giấy đủ vòng. Tôi hạ thấp trình độ, ra một bài toán nhân có vài con số không. Nó viết lộn bậy những con số méo mó, nguệch ngoạc. Thôi, đích thực là ông thầy Phê chỉ dạy học trò leo lên bàn để nhận lãnh roi mây, còn làm toán nhân và toán phân số là công việc của học trò trường khác.
Ái Lan thích đi sang nhà Mỹ lấy nước. Nơi gầm giường của nó tôi thấy chất lổn ngổn những vỏ chai, những lọ, những lon.
- Lon nầy thì tập trung làm gì cho dơ nhà? Ở ngoài mấy đống rác kia thiếu gì? Xe hốt rác lượm không hết, bỏ lăn lông lốc giữa đường.

- Dạ, con thấy đẹp lượm chơi. Ở ngoài con hồi đó quý lắm. Bây giờ thì thường rồi. Ở Tuy Hòa, Mỹ nó uống nó cũng ném đầy đường. Hồi trước ở ngoài con cứ nhắn mấy người đi buôn bán ở Tuy Hòa lượm lon về cho.
- Mấy cái vỏ chai này thì dùng được.
- Dạ. Chai lít đó. Đong dầu đong nước mắm thì ngon hết lớn. Ở ngoài nhà quê mỗi lần mua dầu chạy đi mượn chai lít không ai cho mượn. Nghiệt lắm.
Ái Lan có tật ngủ trưa, ngày nào cũng đánh một giấc từ một giờ trưa không sai suyển. Có hôm tôi xách xe đi làm, - hai giờ rưỡi chiều, - mà còn thấy Ái Lan nằm há miệng ngủ ngon lành. Chẳng biết định ngủ đến mấy giờ với một dáng điệu tin tưởng như vậy. Tóm lại, một người như Ái Lan không phải là một người giúp việc tốt. Tôi buồn rầu chấp nhận số phận của mình, tôi đâu có quyền đòi hỏi nhiều ở Ái Lan? Nó trẻ dại và quê mùa, chỉ biết giúp đỡ tay cho một người đàn bà. Sai nó lặt rau, giã đậu, băm thịt, thổi lửa, vo gạo…, những công tác rời rạc như vậy thì tốt. Đằng này tôi giao cho nó tiền và nó phải tự chỉ huy lấy. Nhiều bữa đã một giờ trưa mà trên bàn ăn vẫn vắng ngắt. Nó mê mải chí thú nhổ cho sạch lông một con vịt và khi thú vị nhìn công trình của mình hoàn tất viên mãn thì còi mười hai giờ đã hụ lên. Ái Lan là tân binh quân dịch chưa kịp trải qua một khóa huấn luyện để lên cấp bực binh nhì, thế mà bước vào gia đình chúng tôi nó đóng đến lon Trung Tướng Tổng Tham mưu trưởng. Tôi và mấy đứa con phải chấp nhận sự điều khiển tài tử đó mà không có cách gì phản kháng. Chúng tôi đều không dư thì giờ để luôn luôn góp phần hoạch định chương trình với vị chỉ huy đó. Đôi lần chúng tôi có đem nhiều thiện chí ra để bàn bạc, nhưng khi thi hành vị chỉ huy đó làm rối bét ra hết. Món ăn nào cũng vừa sống vừa cháy.
Chỉ huy chúng tôi được hai tháng rưỡi thì Ái Lan xin về Tuy Hòa thăm nhà. Tiền lương đã nhận đủ ba tháng, áo quần thì tôi may dành cho cả năm, thế mà bây giờ bỏ đi ngang. Nói:
- Thầy cho về thăm một tuần. Rồi con vô. Bây giờ trời còn tốt đi ghe yên ổn, sợ ít ngày nữa mưa gió đi về không bảo đảm.
Biết đặt điều kiện gì để buộc Ái Lan phải trở vô? Tất cả những điều kiện đều vô ích. Thời đại này giao kèo còn không đủ bảo đảm thay.
- Mực khô ở Tuy Hòa rẻ hơn ở trong này nhiều lắm thầy. Có chín mươi đồng một kí. Thầy có mua thì con mua vài kí.
Tôi đưa ba trăm bạc cho Ái Lan như để mua thêm hy vọng rằng Ái Lan sẽ trở lại chớ tôi không tin rằng giá mực khô ở Tuy Hòa chỉ bằng một phần tư giá ở đây.
Ái Lan đi biệt tăm không trở lại. Những thời hạn “một tuần” trôi qua liên tiếp. Tôi không ngạc nhiên lắm vì tôi đã chuẩn bị trước là Ái Lan sẽ đi luôn. Ái Lan trở lại đúng hẹn mới là điều làm tôi ngạc nhiên. Chúng tôi lại nhắn nhe nhờ bà con láng giềng tìm cho một người. Trong khi chờ đợi, chúng tôi gọi hàng cơm tháng mang cơm đến. Áo quần thì ngâm bột Tide. Bàn ủi thì dùng thứ INUI nhẹ, mỏng, thứ “for school, traveling”(1 ). Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc đến tên Ái Lan và dù không muốn, chúng tôi cũng phải nghĩ đến mấy chữ đi kèm theo cái tên mỹ miều đó: “Ái Lan sắc nước khuynh thành” (2 ). Nhân vật nào đó nhỉ, - Ái Lan, - mà quen thuộc đến thế, mà có văn thơ ca tụng hết mình như thế? Tôi không buồn vì bị Ái Lan lừa, không tiếc số tiền đã mất. Có người trách tôi dại sao không giữ lại những quần áo mình mới may. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hối hận biết mấy nếu tôi đã giữ số quần áo ấy và Ái Lan đi luôn. Tôi muốn có nhiều phương tiện để làm những cử chỉ đẹp, đẹp hoàn toàn, không vụ lợi. Cuộc tranh sống cam go khiến con người mỗi ngày mỗi bần tiện thêm lên nên mỗi khi có dịp làm một cử chỉ đẹp, ta thấy sung sướng khôn cùng.
Một buổi tối buồn, tôi lửng thửng bước vào một tiệm giải khát ở đầu phố. Đèn màu âm u. Âm nhạc rập rình như sóng, trên đó tiếng hát chơi vơi, khắc khoải, tuyệt vọng. Buổi tối cuối tháng, có nhiều ghế trống. Năm sáu người Mỹ không bao nổi hết số chiêu đãi viên. Vài người thanh niên mặc sơ-mi ca-rô ngắn. Ở bàn cạnh tôi, một quân nhân ngồi với một chiêu đãi viên mặc đầm màu đỏ. Họ kề sát đầu vào nhau nói chuyện. Giọng người đàn ông trầm xuống. Giọng người đàn bà lanh lảnh bay qua bàn tôi.
-…Mốc xì. Anh nói mới hành quân qua làng của em hả? Dóc tổ. Mới nghe em nói bây giờ nói dựa theo… Thiệt hả? Ừ, đúng… Qua bến đò La Hai. Phải, ở bên kia là Gò Chai… Anh nói cái nhà mái lá ở chỗ bến đò hả? Cháy rụi hết? Chắc là nhà ông Xã Hà Bằng đó… Ờ, hồi xưa nhà đó giàu lắm. Muổng đường, anh biết muổng đường không? Chắc ở ngoài Bắc không có muổng đường đâu. Đường mía người ta đổ vô những cái muổng bằng đất sét để lọc cho thành đường cát đó…, muổng đường xếp chạy dài suốt cả hai chái nhà trên, ở hiên sau, ở nhà ngang. Lúa nữa. Bắp nữa. Đậu phộng đậu xanh nữa… Ờ, phải, miền đó ruộng khô trồng đậu phụng đậu xanh. Hồi đó em hay lùa bò đi qua đám đậu phụng của “ổng” để ra bến đò Gò Chai cho bò uống nước. Có một bữa bò nó băng vô đám đậu, ủi lên ăn rào rạo. Em sợ trối chết, quất bên này nó chạy bên kia. May quá nhờ có thằng Điều nó ra đuổi dùm. Tội nghiệp, em mới nghe tin thằng Điều đã bị máy bay gắp rồi. Nó cứ láng quáng ở “ngoãi” không nỡ bỏ làng, bỏ ruộng, bỏ bến, bỏ bò… Phải, phải rồi, chỗ đó có cái miễu. Chòm cây đó xưa lắm, tên là cây gì em cũng không biết. Hồi nhỏ em hay thả bò cho ăn ở gò đó… Tội nghiệp chưa. Sao anh ác vậy? Đồng bào của mình đó chớ ai. Ờ ờ, em hiểu rồi…
Ý chừng người quân nhân kể chuyện mãi không còn thích thú nữa nên thừa lúc nàng vô ý anh lùa hai tay vào nách khiến nàng cười rú lên vừa đập bình bịch vào lưng anh ta:
- Anh quỷ này. Nhột nhột. Chơi nghiệt quá.
“Nghiệt quá”, chữ dùng quen thuộc của Ái Lan!
Câu chuyện hành quân trên kia là câu chuyện của làng Ái Lan đó. Bao nhiêu là biến cố đã dồn dập xảy ra trên mảnh đất đó. Nhà cháy. Trâu bò chết. Đồng ruộng bỏ hoang. Người ta lớp chết lớp chạy bỏ làng. Đường cái trong làng không có dấu chân đi, lần lần cỏ mọc chụp lên, bụi cây trồi lên, đan dày vào nhau, biến thành rừng rậm, biến thành rừng hoang. Cỏ mọc đầy những sân nhà, mọc lấn vào hiên, mọc trùm lên cửa, mọc ngay giữa nền bởi tranh kia rạ kia mỗi ngày một mủn, mưa khoét mỗi ngày một to, mưa phá gãy rui mè, mưa xối giữa nền, ánh nắng và giọt mưa dọi đến đâu là cỏ mọc lan theo đến đó.
Cô chiêu đãi viên này cùng một lứa tuổi với Ái Lan. Vóc người nhỏ thó. Cặp đùi đen, da cháy như đã từng bị phơi ra nắng nhiều. Những ngón chân xoạc ra giữa quai guốc cao gót trông như ngón chân của một con ếch. Chắc cô ta là bạn chăn bò của Ái Lan, bạn đi củi, bạn đi chợ. Nếu tôi lại hỏi cô ta về tin tức Ái Lan thì chắc chắn là cô ta sẽ nói rõ. Có thể Ái Lan hiện giờ cũng mặc đầm như vậy, cũng đêm đêm đánh phấn tô son, vẽ khóe mắt xếch ngược lên và bới mái tóc cao bốn tấc. Có thể Ái Lan đã trở về làng mặc sơ-mi măng-sết và đi cắm bàn chông với bạn mỗi buổi chiều. Có thể Ái Lan vẫn đi quơ cỏ lúa ở đồng Hòa Kiến, chặt củi ở núi Chóp Chài và mò ốc trên bãi sông Đà Rằng. Cái gì Ái Lan cũng có thể vui vẻ làm, không bận tâm suy nghĩ băn khoăn, như con chim sơn ca kia không phân biệt hột lúa này và con sâu nọ là của riêng của cánh đồng nào.
Chú thích:
(1) dùng khi trọ học, khi đi du lịch.
(2) Tên một cuốn phim thời danh, kể mối tình nàng Hélene thành Troie.
Đời đáng chán
Người chót cùng mà tôi bắt tay là ông Thừa Nhĩ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mà chủ nhân, ông Sanh Hòa Đường vừa đứng dậy nhường cho. Tối nào nhà ông Sanh Hòa Đường cũng có khách. Hai bộ xa-lông kế tiếp nhau có bữa khách ngồi đầy phải ngồi lấn sang bộ ván ngựa. Ngoài số thân chủ đến hỏi bệnh chứng, đến đặt làm tể (bắt mạch, hốt thuốc thang là công chuyện của ban ngày), ngoài những người có liên hệ đến huê hụi, vay mượn, còn thì đa số là những người thong thả, đêm đến hết việc tới góp chuyện cho vui. Tình thế càng lộn xộn người ta càng ưa tụ họp nhau lại để bàn bạc. Người ta thích nghe những tin không chính thức, những tin đồn, tin trên báo ngoại quốc, tin trên đài phát thanh ngoại quốc. Đêm nay chỉ có hai người: Ông Viện, năm mươi tuổi công chức ty Quan thuế và ông Thừa Nhĩ, nguyên Thừa phái thời Nam triều bị ba, bốn lớp Cách mạng đẩy ra ngoài cuộc sống bàn giấy.
Làm công chức đến năm mươi tuổi như ông Viện thì bắt đầu thong thả. Ở nhà có vợ lo thu dọn phòng khách, phòng ăn. Con cái đã lớn, xe cộ có hư thì con đem ra tiệm coi chừng cho thợ sửa được rồi. Đèn điện, quạt máy, bơm nước có trục trặc thì có thể yên tâm giao cho chúng tự xoay xở lấy. Ai cũng ngầm công nhận là “bố đã già rồi, để cho bố thong thả”. Căn cứ theo cái qui ước ngầm đó, ngoài những đêm lên giường ngủ vào chín giờ tối, còn thì ông Viện cứ thong thả ngậm chiếc tăm xách xe đi tìm chỗ nói chuyện quấy quá cho qua một buổi tối. Để vợ ông ở nhà tha hồ mà mè nheo với vật giá cao vọt và với đồng lương gầy còm của ông. Đồng lương, từ một năm nay, ông ghét không muốn nhìn mặt nó, nói tới nó. Nó bình yên một cách thiểu não, như một ông già bất lực cam chịu số phận, bịt tai với những xôn xao chung quanh. Hôm lãnh lương xong cầm phăng phăng về đưa đủ cho vợ, - không xà xẻo bớt xén mảnh nào như những năm trước đây, - thế mà vợ thản nhiên cứ quay mặt làm việc khác, nói trổng: “Bỏ đó”. Giá trị của người đàn ông trụt đi trông thấy.
Ông Thừa Nhĩ thì bỏ làng tản cư ra thành phố từ bốn năm trước nên đã có cơ sở làm ăn. Quen tiết kiệm, quen chịu đựng kham khổ nên ông chỉ than qua loa về vật giá. Có than lắm cũng chẳng ai cho mình tiền. Giá sinh hoạt cao, đó là tai nạn chung. Mình không đủ sức lực để đạp xích-lô, không thạo tiếng Anh để làm thông ngôn, không phải là đàn bà để lấy Phi luật tân thì phải đành chịu. Mối lo của ông là có hai thằng con hiện đi quân dịch cho nên tình hình chiến trường ông theo dõi cẩn thận hơn tình hình thị trường.
Hễ báo loan tin có trận đánh nào xảy ra ở gần miền đóng quân của con ông, là ông mầy mò đọc từng chữ, theo dõi từng biến chuyển nhỏ. Ghi nhớ từng con số tổn thất, bị chết, bị thương. Lưu ý từ cái dấu phết, dấu chấm. Ông lục tất cả các báo bày ở sạp đọc kỳ hết, đọc luôn cả vài ngày sau đó. Kết quả là sau hai năm mê mãi theo tin tức chiến sự như vậy, ông trở nên con người thành thạo về địa lý và quân sự. Đồn binh X ở quận nào, quận đó thuộc tỉnh nào, tỉnh đó tên cũ là gì, ở miền Đông hay miền Tây, cách Sài Gòn bao nhiêu cây số, ông nói rõ ràng vừa giơ ngón tay chỉ trỏ giữa không khí như đang chỉ vào một bản đồ tham mưu. Súng loại mới, súng kiểu cũ, xe tăng, thiết giáp, máy bay… ông gọi tên, nói rõ đặc tính, ưu điểm hỏa lực, tầm hoạt động… tóm lại, những tay ngang lơ mơ như chúng tôi tha hồ ngồi làm tai nghe và tin răm rắp.
Ông Sanh Hòa Đường phong lưu hơn hết trong ba người. Thân chủ đông, cửa tiệm lớn, có nhà cho thuê và hai vợ. Tính hiền lành, cầu sự an ổn. Thấy có đám đánh lộn là bỏ đi xa. Có lần cảnh sát thổi còi vây bắt một kẻ phạm pháp nào đó, xe cảnh sát chạy rầm rập, xe quân cảnh Mỹ cũng ào ạt chạy tới cả dãy. Súng chĩa mũi ra trước. Mọi người ùn ra xem chật đường, chạy theo xe để xem cho tường tận. Ông Sanh Hòa Đường ở từ phía xảy ra sự việc phóng xe chạy về. Người nhà nhốn nháo hỏi: “Chuyện gì đằng đó hở ông? Chuyện gì xảy ra vậy?” Ông không trả lời. Gác xe, bước vào nhà. Bỏ mũ. Quạt. Rót nước uống. Rồi thủng thỉnh nói: “Mình nghe còi thổi, bắn súng chỉ thiên thì lo tránh qua ngả khác mà đi về nhà cho rồi. Vui sướng gì mà coi? Biểu diễn không quân, nhào lộn, thả bom, thả roc-ket, nhất định không coi. Sợ rủi ro xảy ra tai nạn. Triển lãm chiến lợi phẩm, súng đạn, mìn, lựu đạn… không coi… Sợ nổ bất ngờ. Ghét bạo lực, ghét đánh đấm… Nghe có đám đánh nhau là tránh. Làm thầy thuốc mà ghê máu. Thấy máu thì lợm giọng. Thích nói chuyện đạo đức”.
Ngồi an vị xong, câu chuyện tiếp tục. Lại chuyện tình hình chính trị, tình hình quân sự.
Ông Viện ngồi chồm người tới, hạ thấp giọng:
- Nghe nói… chết nhiều lắm.
Cái môi dưới xệch méo một chút khiến nét mặt trông thảm thương phù hợp với một câu chuyện trong đó có nhiều người chết.
Ông Thừa Nhĩ lơ đãng mỉm cười:
- Thì làm sao mà khỏi chết nhiều. Bắn cỡ đó thì làm sao mà khỏi chết nhiều.
Giọng nói tự phụ của một người sành điệu biết chọn lọc tin tức, nên tin như thế nào, nên cảm động như thế nào. Con người sành điệu không thể bạ cái gì cũng cảm động, bạ cái gì cũng cho là quan trọng. Hơn nữa, ông Thừa Nhĩ luôn luôn muốn tỏ ra rằng người công chức thời Nam triều như ông dẫu sao cũng thâm thúy hơn người công chức các triều Cách mạng.
Không được tán thành, ông Viện ngồi lui ra sau. Ông nhỏ người nên ngồi lọt thõm vào một góc của chiếc ghế xa-lông rộng, gọn gàng an ổn như chính ông đã thành một bộ phận của chiếc ghế. Cặp đùi gầy đặt song song như một đôi đũa lớn.
Không biết da mặt ông đã có nhiều vết nhăn hay là ông ưa nhăn mặt trong khi nói. Giọng ông lên xuống bổng trầm, nỉ non như người kể lể tâm sự:
- Phàm việc nước cũng như việc nhà. Hồi xưa ông Thánh có nói:
Mưu sự tại nhân
Thành sự tại thiên
Nhân nguyện như thử như thử
Thiên lý vị nhiên vị nhiên.
Nhìn cách nói và nghe giọng nói của ông sao tự nhiên tôi thích không tin và thích nói nghịch lại. Chẳng hạn: “Việc nước đâu có giống như việc nhà… Tây người ta nói. Vouloir e’est pouvoir…” (1 ) Và tôi có cảm tưởng rằng ông sẽ cãi lại, cãi cho đến lạc đề và mọi người sẽ bâu vào cái đề mới lạc tới đó mà thảo luận tiếp. Cho đến giờ giới nghiêm.
Ông Thừa Nhĩ thì bắt qua đầu đề nào cũng tận tình góp ý kiến.
- Tụi Mỹ coi vậy mà chính trị kém. Chỉ có được cái giàu, súng ống đạn dược nhiều.
Ông Viện:
- Chính trị thì làm chi bằng thằng Tây.
Ông Thừa Nhĩ gật gù:
- Thiệt vậy. Chính trị thì làm chi bằng thằng Tây. Thằng Tây nó khôn… khôn…
Ý chừng thằng Tây khôn quá, ông kiếm không ra được chữ nào để nói cho hết cái khôn đó nên ông đành lên giọng chữ “khôn” rồi kéo dài ra, bỏ lửng lơ.
Bảo rằng thằng Tây nó khôn, tôi không chắc ông Viện đã tin thật như vậy. Và bỗng nhiên tôi nghĩ rằng giá ông Viện bảo thằng Tây nó dại thì hai người bạn ông sẽ đồng ý và thấy ra thằng Tây dại thiệt. Thiếu gì chứng cớ. Chiến tranh ở Việt Nam, vụ Tunisie, chiến tranh ở Algérie. Cám ơn lý luận! Nếu không có mày thì nhân loại sẽ buồn. Nếu việc đời rõ ràng như một bài tính cộng biên rõ trên giấy thì nhân loại sẽ dư quá nhiều thì giờ.
Ông Viện lại ngồi chúi người tới, lại hạ giọng:
- Nghe đồn Nhật Bản đứng ra hòa giải…
- Tin đó các báo có nói rồi.
Ông Sanh Hòa Đường lôi tờ Quyết Tiến ở hộc bàn ra, trải rộng trên đùi rồi đẩy một ngón tay trỏ lên dò tìm vừa chậm rãi nói:
- Tờ Quyết Tiến hôm qua có đăng mà. Để kiếm coi chỗ nào.
Ông Viện hơi ngượng một chút vì “các báo đã nói rồi”. Tin tức đã đăng báo mà không biết thì có khác nào bị bắt quả tang là mình kém trí thức. Ông có tật bắt đầu một tin tức bằng chữ “Nghe nói… Nghe đồn…” y như khi làm kiến nghị người ta phải “xét rằng” ít nhất là bốn lần. Người công chức quen tính dè dặt đa nghi. Biết đâu người ngồi trước mặt mình chẳng là mật vụ?
Ông Thừa Nhĩ quay sang hỏi ông Sanh Hòa Đường:
- Hồi nãy ông có nghe đài BBC không?
- Không. Hồi bảy giờ rưỡi mắc khách.
- Nghe đài BBC nói lính nhảy dù đã chiếm chùa Tỉnh Hội và chùa Phổ Đà rồi.
- Còn Huế?
- Không thấy nói. Đài Huế hồi trưa loan tin lực lượng tranh đấu đang chống cự. Buổi tối nghe đài Huế không rõ.
Ông Viện ngồi cúi mặt, hai bàn tay để chảy xuôi trên hai tay ghế. Những ngón tay xương xẩu.
- Tình hình rối ren quá. Đánh hoài.
- Đây rồi còn chết nữa, - lời ông Viện. “Mã đề dương cước anh hùng tận, Thân Dậu niên lai kiến thái bình”. Mã đề là năm nay. Bính Ngọ đó. Phải hết năm Mùi, qua Thân mới yên.
(1) Hễ muốn làm là có thể làm được
Tiếng phi cơ thám thính rề rề. Nhìn ra khung trời đen, thấy ánh đèn trên phi cơ di chuyển chầm chậm. Chợt một tràng tiếng nổ và tiếp theo, hỏa châu sáng rực trời.
Ông Sanh Hòa Đường bần thần nói:
- Tôi không ngủ được, các ông ơi. Cứ khuya nằm trằn trọc. Nghĩ chuyện nước chuyện nhà, buồn thúi ruột.
Tôi pha trò:
- Thì ông sắc vài thang “Bình vị địa du” mà uống. Trường phong hạ huyết mà uống “Bình vị địa du tán” là hợp chứng.
Tôi biết trước là câu pha trò không làm ai cười và quả tình là không ai cười thật. Ông Sanh Hòa Đường chỉ lặng lẽ hì hì lấy lệ.
Thời cuộc đè nặng trên tâm hồn của mọi người.
Ông Viện bùi ngùi:
- Phải như tôi khỏi đi làm ngày hai buổi như ông Thừa Nhĩ thì tôi đi tu liền. Thời thế này, hết muốn sống, hết muốn tranh đua, hết muốn hy vọng.
- Tôi cũng vậy, - lời ông Sanh Hòa Đường.
Mọi người im lặng. Giọng cải lương than thở từ máy phóng thanh của một tiệm may Âu phục bên cạnh. Tuồng diễn lúc cô Cúc Hoa bắt chấy cho con. Khi mẹ biến đi, Tấn Lực cất giọng ồ ồ gọi mẹ rồi hát. Giọng của người ba mươi tuổi. Chắc là dĩa cũ. Thời bây giờ người ta chuộng giống sự thật nên có vô dĩa lại chắc sẽ tìm hai ca sĩ nhi đồng. Tiếng nhạc ngoại quốc ở phòng trà đầu phố. Giọng ca xoáy vào đêm đen, chua và xót. Như tiếng kêu cứu của thân phận làm người. Bản tin tức đọc nghiêm trang phát từ một chiếc máy thu thanh vặn to. Giọng buồn. Tin tức thường nghiêm và buồn. Yếu tố của sự long trọng. Những tiếng ồn đó xáo trộn vào nhau. Mỗi người lắng nghe một giọng mà mình thích, quen thuộc với mình và những tiếng ồn kia trở thành mơ hồ.
Chợt một người đàn ông mặc pyjama bước vào. Tóc uốn quăn, bôi đầy bi-ăng-tin. Ông Sanh Hòa Đường giơ tay bắt.
- A! Ông Thu Trang. Mời ngồi chơi.
Ông Thu Trang là chủ nhân tiệm cắt tóc “Thu Trang” nằm ở dãy phố trước mặt. Những cái bắt tay chiếu lệ.
Ông Thu Trang mở lời:
- Sao thầy đánh lần nầy có bốn chục?
- Tại bữa đó không có tiền lẻ, - ông Sanh Hòa Đường trả lời.
- Bây giờ có muốn thì đánh thêm. À, hồi sẩm tối thấy có con chim én bay xẹt mấy cái bắt muỗi trong nhà. Con én là số mấy?
- Dạ số 00, 21 và 61.
Ông Sanh Hòa Đường móc túi sơ-mi lôi ra một tờ hai trăm.
- Ông biên cho tôi số 00 năm chục, số 21 năm chục và số 61 một trăm.
Ông Thu Trang lật cuốn sổ - à, bây giờ tôi mới để ý là ông có cầm một cuốn sổ dưới tay, - mở nắp bút nguyên tử đỏ rồi hí hoáy biên chép.
Ông Sanh Hòa Đường quay lại chúng tôi:
- Mấy ông đánh chơi cho vui. Đề hai con. Cứ trúng hai con số chót của số độc đắc là mình ăn tiền. Mai thứ ba xổ số rồi. Mười đồng ăn bảy trăm.
Ông Viện:
- Hồi nãy ông nói có con én vô nhà bắt muỗi hả? Ở thành phố này mà có chim én nào bắt muỗi? Có dơi thì có.
- Thiệt à?
Tôi nói:
- Đúng đấy. Dơi chớ không phải chim én đâu.
- Chết cha! Vậy mà tôi cứ đinh ninh là con chim én.
- Thì thầy đánh thêm con dơi, - ông Thu Trang đề nghị liền, không cần nghĩ ngợi.
- Con dơi số mấy, ông Thu Trang?
- Đề thì không có con dơi. Nằm chiêm bao thấy dơi thì ông đánh con chuột. Dơi chuột bà con. Con chuột số 15, 55 và 95. Thôi, thầy đánh luôn một trăm nữa đi. Số 15 ba chục, số 55 ba chục, số 95 bốn chục. Hễ trúng một cái là tứ thất nhì bát, hai ngàn tám bỏ túi gọn. Đâu có lỗ? Nếu không thì cũng tam thất nhì nhất, hai ngàn mốt.
Ông Sanh Hòa Đường móc một tờ giấy trăm vất xuống.
- Đồng ý. Biên luôn số 15 ba chục, số 55 ba chục, số 95 bốn chục.
Rồi ông tươi cười:
- Đề hai con, không đánh thì thôi, đã đánh thì ham. Có nhiều người trì chí, nuôi đề cho tới cùng. Cứ một con số đó, đánh hoài. Thua mười đồng, đánh hai chục. Thua hai chục, đánh ba chục. Cứ đánh tăng lên, tăng lên, có khi tới hai ngàn đồng mới trúng. Mà trúng một cái thì được một trăm bốn chục ngàn.
Ông Thu Trang xé biên lai giao cho ông Sanh Hòa Đường vừa tiếp:
- Họ trúng dữ lắm mấy ông. Vừa rồi đề ra con số 53 nhà cái chung gần sạt nghiệp.
Ông Viện vừa móc ví vừa nháy ông Thừa Nhĩ:
- Đánh chơi ông Thừa.
Rồi quay sang Thu Trang.
- Anh biên cho tôi số 12 và 21. Mỗi số năm chục.
- Dạ… Hễ trúng một cái là ông lãnh sơ sơ ba ngàn rưỡi.
- Sao lại 12? Ông chiêm bao thấy con gì mà đánh số 12? - Ông Sanh Hòa Đường hỏi.
- Đâu có chiêm bao, chiêm bị gì. Gặp đâu đánh đó.
- Nhớ hồi tôi còn nhỏ, - lời ông Sanh Hòa Đường, - người ta cũng mê đánh đề dữ lắm. Sáng nào cũng tụ năm tụ ba đoán điềm chiêm bao. Hồi đó trong xóm tôi có bà già nhà nghèo phải đi làm cỏ mướn cho người ta. Đánh đề hoài thua hoài. Một bữa nằm chiêm bao thấy trái bí. Ra đánh trái bí nhưng đề không có bí. Bà ta lẩm nhẩm đoán: Trái bí - Bí thủ - Thủ kỳ - Kỳ lân. Đánh luôn con kỳ lân. Trúng. Mừng quá chạy la cùng xóm.

Ông Thừa Nhĩ cúi mặt liếc nhìn ông Thu Trang. Môi mím lại. Những nét nhăn cày trên da trán. Khi thấy ông Thu Trang lấy ngón tay xếp đôi tờ giấy, vuốt vuốt, chuẩn bị xé thì ông chợt hỏi:
- Kỳ rồi ra số gì?
- Dạ 53.
-Vậy hả. Anh ghi cho tôi số 35. Cũng năm chục. Ông Sanh Hòa Đường ơi, có tiền lẻ cho tôi mượn năm chục. Kệ nó, thử thời vận coi ra sao.
- Băm lăm thì chắc trúng đó, - ông Viện cười. - Số ông lăm băm là phải.
Tôi đang chuẩn bị. Tôi không thích đánh bạc, không thích cầu may ở số kiến thiết nhưng lần này chắc không thể từ chối nếu có một trong bốn người có mặt nài tôi cùng chơi. Chọn con số nào? Thật là ngớ ngẩn. Con số nào cũng có thể trúng vừa cũng có thể trật. Thôi, lấy con số nhà của mình, lấy con số tuổi của mình. Nếu có sai cũng khỏi ân hận vì những con số đó không do mình chọn. Người Trung Hoa thật khôn, thật sành tâm lý. Đem bốn mươi con đề ra chép vào cuộc đánh số thì quả là tài tình. Người bình dân khó quan niệm một con số vì nó trừu tượng, mà thích thú nghĩ đến một vật cụ thể: con gà, con ốc, con cá, ông Địa, ông cọp… Tha hồ mà gặp, gặp tận mặt và gặp trong chiêm bao.
Bỗng có tiếng gọi “Bố ơi” và thằng con ông Thu Trang chạy băng qua đường, chạy đến nắm cánh tay ông giật giật, miệng la bô bô:
- Bố ơi về ngay. Có bốn, năm ông đến đưa tiền bảo bố ghi số. Bố về ngay.
Ông Thu Trang “ừ ừ”, lật đật đứng dậy mà lưng vẫn còn cúi lom khom để viết cho xong. Ông xé giấy trao vội vã cho ông Thừa Nhĩ rồi lật đật cáo từ, chân bước ra cửa như một ngọn gió.
Đồng hồ điểm mười một tiếng. Chúng tôi đứng dậy.
- 12, 21 nếu tôi trúng thì chiều mai mời ba ông lên Dân Thiên hết. Ăn nhậu xong rồi đi xuống đường Hàm Nghi. Nghe nói có mấy con nhỏ ở Đà Lạt mới xuống.
- Bậy! Hồi nãy đánh lộn con chim én làm con chuột còn có một trăm.
- Năm chục đồng thì trúng được ba ngàn rưỡi hả? Ít quá. Thôi, thây kệ. Nếu trúng, mình mua cái ra-dô Sony nho nhỏ chạy pin nghe chơi.
Ra đến cửa thì một loạt hỏa châu lại vọt lên, sáng rực. Súng nổ ì ầm ở miệt Đồng Bò. Tiếng máy bay thám thính vẫn rề rề.
- “Thời thế lộn xộn, chán quá”, - ông Viện nói lửng lơ. Ông Sanh Hòa Đường và ông Thừa Nhĩ không họa theo. Chắc còn đang băn khoăn về việc lầm lộn con dơi với con én và… nên mua ra-dô hiệu Sony hay National nếu sáng mai trúng số thật.
Gà và Ba tôi
Ngày nào cũng vậy, khi tiếng còi 12 giờ vang lên là má tôi cất tiếng dặn con Lời, con nhỏ giúp việc:
- Lời ơi, coi chừng gà qué đó con ơi. Cậu sắp về rồi đó.
Tiếp theo lời dặn của má tôi là tiếng la ùi… ùi! Oái… oái! Thật to của con Lời và tiếng vỗ tay của nó. Có bữa nó chạy một vòng quanh nhà và tiếng la, tiếng vỗ tay, tiếng chân dậm sầm sập của nó có kèm theo tiếng gà la quang quác, tiếng vịt cạp cạp inh ỏi.
Chừng 15 phút sau, ba tôi về. Ông dắt xe đạp kê ở hiên sau rồi đi thanh sát một lượt từ nhà ngang đến nhà bếp, còn đôi mắt thì lục lọi xa hơn, ở mãi đầu giếng, góc rào. Trăm lần như một, câu nói đầu tiên của ông là câu hỏi con Lời:
- Mày có nhớ coi chừng gà không?
- Dạ thưa có - Con Lời đáp lại gọn gàng như một tiếng vang.
- Gà hàng xóm có tới phá không?
- Dạ thưa không.
Có lần tôi suýt bật cười to vì để làm chứng cho câu trả lời đầy thiện chí và bảo đảm của con Lời, có một cây ớt bị bươi gần trốc gốc, nằm uể oải nghiêng một bên hông và đầu tai mặt mũi bám đầy những cỏ rác do chân gà bới tung lên. Ba tôi tỏ dáng bằng lòng, tháo cái mũ nhựa trắng (chế tạo tại Đài Loan) ông đội tức thời giao cho em tôi cất rồi lại vục tay vào thau nước rửa mặt. Nước mát mẻ làm mặt ông tươi lại. Lúc bấy giờ ông mới bình tĩnh giảng cho con Lời nghe về sự lợi hại của việc trông chừng gà.
- Gà hàng xóm nó qua… à hà… vừa bươi trốc gốc gãy đọt… à hà… mấy cây của tao trồng… à hà… vừa giẫm dơ chỗ vại nước. Phải rao cho chủ gà người ta biết để người ta nhốt lại. Chớ sao? Ai lại nuôi gà mà… mà không chịu mua thóc cho nó ăn? (Chỗ này ông bận lên cao giọng để cho hàng xóm nghe nên quên mất tiếng à hà nhật dụng).
Má tôi ở nhà trên bước xuống “suỵt” một tiếng nhỏ:
- Thôi mà ông, nói làm chi chuyện nhỏ.
- Sao? Bà bảo sao?
Đôi mắt của ba tôi tròn xoe lại. Cái miệng hé mở, sắp tròn lại theo con mắt nhưng chưa kịp.
- Chỗ hàng xóm láng giềng với nhau… Nhường nhịn nhau.
Ba tôi đi sấn tới, tay mặt còn cầm cái khăn ướt, vung lên:
- Thì tôi có bảo bà sao đâu?
Trông bộ ba tôi sấn sổ mà không nín cười được. Dù cố gắng hết sức để tạo ra một uy thế hùng hậu, sức vóc của ba tôi cũng chỉ gói gọn ở trong bốn mươi lăm kí-lô là cùng. Tay nhỏ, chân ngắn, cơ thể ông là một sự khiêm tốn, một sự an phận. Giá sinh vào một loài chim hay loài thú thì ông sẽ được an ủi nhiều hơn. Khi nổi giận, khi chuẩn bị chiến đấu, con chim xù lông vũ, con thú xù lông mao và đối phương thấy nó tăng thêm tầm vóc, tăng thêm bề thế có thể sợ hãi mà bỏ chạy. Đằng này ba tôi sinh làm người mà là người văn minh nên những cái gì có liên quan đến sự chiến đấu đều bị mài xóa mai một đi hết. Móng chân móng tay đều cắt ngắn. Râu ria bị cạo hàng ngày. Rốt cuộc dường như chỉ có con Lời là còn chịu nghe lời ông thôi.
Má tôi an ủi:
- Thôi anh lên thay áo đi rồi ăn cơm. Đi làm cả buổi nhọc mệt, còn lo chi chuyện… nhỏ…
Chết! Bà định nói “chuyện nhỏ nhặt”. Ba tôi sẽ nổi điên lên vì bị đánh giá quá hạ như thế. Nhưng may, bà giữ lại chữ “nhặt” và nói chữa:
- … lo chi chuyện ở nhà. Lời ơi, tao cứ phải dặn mày luôn là coi chừng gà cho cậu.
Tiếng “cậu”, má tôi nói thật ngọt ngào. Ở từ môi một người đẹp như má tôi, tiếng “cậu” thật có giá trị. Ba tôi ngoan ngoãn đi lên phòng thay áo cũng phải.
Trong bữa ăn, má tôi nói chuyện êm đềm.
- Tối thứ Bảy cậu định đi xem Đại nhạc hội hay Yến Hương?
- Yến Hương là cái gì?
- Là tên gánh hát chớ gì.
- Gánh hát gì lại tên là Yến Hương
- Ủa? Tên người ta, người ta có quyền tự do đặt mà.
- Tự do cái gì lạ vậy? Gánh hát thì phải Kim Chung, Kim Chưởng, Thanh Minh, Thanh Thinh… chớ ai lại Yến Hương?
Má tôi biết là óc của ba tôi còn bị đầu độc bởi sự bất bình lúc nãy, nên bà gắp thịt bỏ vào bát ba tôi vừa mời:
- Cậu xơi món thịt bò thui nầy xem. Hàng này ngon nhất chợ đấy.
Ba tôi gắp thịt chấm vào tương, nhai chầm chậm nghiêm trang như để nghiệm xem lời khen của má tôi có đúng không. Ông im lặng ăn luôn một thôi ba, bốn miếng. Chắc là đang tìm một tĩnh tự nào thật thích đáng để tặng cho món thịt bò này. Chúng tôi nhẫn nại đợi. Chợt ông đằng hắng to như để vội đánh lui một mảnh tương đi lộn qua thanh quản rồi khề khà nói:
- Mấy con gà hàng xóm…
Tôi trố mắt lên nhìn em tôi. Em tôi đưa mắt nhìn sang má tôi.
- …mình không ném đá cho nó sợ thì nó hay dể ngươi lắm. Cũng như người vậy. Nhưng chẳng lẽ đường đường như tao mà lại đi cầm đá ném gà? Chúng mày, - đến đây ông quay nhìn chầm chập vào mặt anh em tôi, - chúng mày ném đá thì phải phép hơn tao. Bởi chúng mày nhỏ.
Tôi nói:
- Nhưng gà nhà mình cũng hay sang bươi móc bên vườn nhà láng giềng.
- Thì bay phải gọi về. Có ai thích để vườn mình bị bươi chải bởi gà hàng xóm đâu?
- Nhưng súc vật thì chúng nó biết gì? - Má tôi nói.
- Sao lại không biết? Không biết sao khi đang bươi móc mà thấy bóng tôi là con gà nào cũng vội vã bỏ chạy, mồm la quang quác?
- Đó không phải là do những cảm tình tốt chúng dành cho cậu.
- Biết rồi. Nhưng tốt hay xấu tôi không cần, miễn là chúng đừng làm tôi khó chịu.
Tôi thấy không khí giữa ba má tôi đã có phần căng thẳng. Tôi vội can thiệp:
- Sao ba lại không thích gà nhỉ? Tính ba hay yêu chim chóc lắm mà. Con còn nhớ câu chuyện ba kể rằng ngày xưa ba đã lỡ bắn chết một con chim đang tha mồi…
- Tao nói tha rác chớ đâu phải tha mồi.
- Vâng, thì tha rác. Ba nhắm bắn trúng nó…
- Mày kể sai rồi. Tao đâu có nhắm?
- Chớ sao?
- Tao bắn bậy mà trúng.
- A! Tài ghê - em tôi nói chen vào - Ba bắn bậy mà trúng, còn con, nhắm hàng giờ mà bắn vẫn sai. Mà nào phải bắn chim nhỏ đâu, nhắm bắn vịt mà vẫn sai đó.
“Vịt hay gà thì cũng như nhau” tôi nghĩ. Thằng này ngu quá, mình khó khăn lắm mới lái câu chuyện sang một ngõ khác thế mà nó lại kéo đâm sầm trở lại vào sân gà vịt. Đúng y như tôi dự đoán, ba tôi quay sang nó.
- Bắn vịt mà vẫn không trúng thì dở quá. Con vịt chậm chạp đờ đẫn hơn con gà nhiều.
Tôi lại phải ra tay can thiệp:
- Nhưng mà ba này, rồi ba ăn thịt con chim ấy hay ba đem chôn nó?
- Ba ăn thịt. Và đó mới chính là điều làm ba ân hận mãi.
- Ba kể lại câu chuyện cho con nghe đi.
Ba tôi ngần ngừ một lát. Dường như ông tỏ ý nghi ngờ thiện chí của tôi nên cuối cùng ông nói:
- Tụi bay nghe hàng trăm lần câu chuyện ấy rồi. Vả lại, con gà khác xa con chim lắm. Con chim hiền lành ngây thơ, chớ không như con gà thực tế và đôi khi thô lỗ.
- Con gà sao lại thô lỗ? - Em tôi hỏi.
- Chớ sao lại không? Đã lẻn vào ăn vụng trộm ở vại nước nhà người ta vậy mà con gà mẹ vẫn túc con đĩnh đạc đàng hoàng và con cồ vẫn mời mọc ve vãn xung quanh những con mái. Không biết tội của mình, trái lại còn phô trương…
Ba tôi còn đang tìm chữ để tiếp, thì má tôi nói:
- Tính con vật nó tự nhiên.
- Nhưng sao khi thoáng thấy bóng tôi thì nó lại ba chân bốn cẳng mà chạy? Như vậy thì sao gọi là tự nhiên được?
Thế là má tôi bí. Mỗi lần phải cãi lý với ba tôi là thế nào má tôi cũng vội vã chịu bí. Lần này bà liền trả thù bằng cách gắp một miếng thịt bò thật to, chấm đầy tương rồi bỏ vô chén bà, thay vì đặt vào chén ba tôi. Em tôi nói:
- Như vậy nghĩa là nếu con gà hàng xóm vừa lấm lét nhìn vừa mổ thức ăn thì ba sẽ bằng lòng?
- Có lẽ như vậy. Ít nhất nó cũng phải tỏ ra rằng nó biết lỗi.
- Nhưng ba vẫn thích con Lời ném một viên đá thật to vào con gà phải không?
Ba tôi cười liền, không dấu diếm:
- Chính lời mày hợp ý tao. Chỉ cần một viên đá là mọi việc êm thấm hết. Nhưng mà này, sao con Lời nó tiết kiệm những viên đá như vậy hè? Tại sao, tụi bay có biết không? Tao tưởng vào tuổi nó thì ném đá là một cái thích chớ. Tao nhớ hồi nhỏ tao mê ném đá lắm, đụng chỗ nào cũng ném được, ném vào chó vào gà nhà người ta, vào bụi cây, vào mặt sông, vào bờ ao, ném cả lên trời nữa.
- Tại ba là con trai còn Lời nó là con gái.
- Thế dễ thường hai đứa bay cũng là con gái hết? Con trai 10 tuổi, 12 tuổi không phải sinh ra để sợ ma, để đứa ở dẫn đi tiểu.
Chúng tôi rụt cổ lại, ngồi ăn không nói vừa lẻn đưa mắt nhìn nhau cười ngầm. Những con gà thật báo hại. Giá chúng nó chìa mặt ra đúng vào lúc này thì tôi và em tôi sẽ mỗi đứa năm bảy hòn sỏi, ném vung tới, chết thôi.
Trưa hôm sau vẫn theo lệ thường ba tôi ghếch xe đạp lên hiên và cuộc hội thoại thường kỳ bắt đầu:
- Lời ơi, mày có nhớ coi gà không?
- Dạ thưa có.
- Gà hàng xóm có tới phá không?
- Dạ thưa không.
Ba tôi bằng lòng, lẳng lặng đứng tháo cái mũ Đài Loan thì chợt có tiếng “kéc ke ke” ở sân sau đưa tới. Thôi nguy rồi. Đúng là con gà cồ nhà thằng Hai vừa chui khe rào qua lúc nãy. Ba tôi thoăn thoắt đi vòng ra sau. Ông bắt gặp con gà sớn sác đứng nhìn ông bỡ ngỡ như nhìn một người khách lạ. Trông bộ nó vừa nghiêm trang oai vệ vừa ngớ ngẩn buồn cười. Cái mào đỏ chóe cắt răng cưa phe phẩy qua lại dịu dàng mỗi khi con gà làm một cử động nhỏ. Mà nó thì cử động không ngừng. Toàn thân là gân, là bắp thịt nên nó không chịu đứng yên. Cặp giò cao hết bới đến rảy. Rồi cái cổ cúi bên này, vục bên kia, cặp mắt láo liên, cái mặt ngẩng qua nghếch lại. Bộ lông màu hung đỏ láng mướt đẹp rực rỡ nhưng lũ thằng Hai vặt hết lông đuôi thành ra đầu đuôi không cân xứng. Nó thiếu thốn, nó ngượng ngập, nó chênh vênh thế nào ấy. Y như một bài luận có cái nhập đề hào hoa (như cái mào của con gà vậy), có cái thân bài vững vàng nhưng thiếu mất phần kết luận. Và trông ngược trông xuôi tôi vẫn có cảm tưởng như đang nhìn một người mặc áo sơ-mi thắt ca-vạt, choàng vét-tông, đội mũ Mossant mà chưa kịp mặc quần.
Con gà thiếu thốn ấy đang nhìn ba tôi. Chừng như trên mặt ông có tỏa ra đằng đằng sát khí nên con gà vụt bỏ chạy. Ba tôi rượt theo. Nó chạy dọc theo ranh rào. Ba tôi ném một viên đá. Hụt! Con gà hoảng bay vụt trở lại. Ba tôi quay lui theo. Thêm một viên đá ném tới. Lại hụt! Con gà gia tăng vận tốc và vừa chạy vừa ném trả lại sau những tiếng cục tác giận dữ. Chạy đến gần cổng, tôi tưởng nó mừng mà thoát ra nào ngờ nó chạy trở lui. Thật ngu dại một cách đáng giận, tôi nghĩ. Có lẽ màu sáng của một khung đất trống làm nó nghi ngờ. Ba tôi lại ì ạch chạy theo. Ý chừng đã thấm mệt nên chân trái hơi khuỳnh ra. Vừa đuổi đến sân sau thì đầu ông bị ngáng vào dây phơi áo. Cái mũ Đài Loan rớt đánh “bộp” xuống nền xi măng. Ông đứng lại cầm nắn cái mũ vừa xuýt xoa tìm xem có bị vết nứt không. Ở góc rào, con gà cũng đứng lại chờ. Cái mào đỏ lắc lư uyển chuyển.
Má tôi ở nhà ngang bước ra, vỗ tay mấy cái và la “ùi ùi”. Con gà nhìn nhớn nhác rồi chui lọt vào khe rào, chạy mất. Bà bước lại cầm cái mũ trên tay ba tôi, xem xét một hồi rồi nói:
- May chưa bể. Thôi, cậu thay áo rồi ra rửa mặt.
Những ngày tiếp theo, gió Bấc thổi ngược, gà bị dịch nhà nào ở nhà nấy, không còn ham phiêu lưu nữa. Chúng đứng cú rũ, thỉnh thoảng ngã chúi xuống như anh chàng ngủ gục. Lông lá xù ra. Cứt trắng dính bê bết ở lông bụng. Có con đi đếm bước ở ven rào, cổ rụt vai nhô và cánh kéo lè phè trông như ông cụ mặc áo tơi lá. Thế là ba tôi đỡ vất vả trong công việc săn đuổi và con Lời cũng yên tâm khi phải trả lời “Dạ thưa có” và “Dạ thưa không”.
Sau đó không biết chừng bao lâu, một buổi trưa kia thay vì vào giường nghỉ sau bữa cơm, ba tôi lúi húi kiếm tìm món gì đó ở chái hiên sau. Má tôi nằm ở ghế bố thiu thiu ngủ, tờ báo hàng ngày trải bên cạnh. Hai anh em tôi nằm ở đi-văng học bài chiều. Buổi trưa nồng nực. Nắng vàng như mật ong.

Chợt có tiếng đá ném đánh “đụi” một cái nặng. Tiếp theo là tiếng gà la “quác”. Rồi một tiếng đá ném “đụi” tiếp nữa. Lại một tiếng “quác” to hơn. Sau đó là tiếng con Lời la lớn:
- Chết rồi, cậu ơi, cậu ném chết con gà của mình rồi.
- Con gà nào của mình? - Giọng ba tôi.
- Con gà của mình chớ của ai? Mợ mới mua hồi sáng. Mợ cột chân nó vào thanh củi để đứng ở bụi chuối.
Anh em tôi nghe có chuyện lạ vội bỏ sách nhảy ra.
Ba tôi trên tay còn cầm một cục gạch - à, ném bằng gạch cẩn thận chớ không phải bằng đá như tôi tưởng - và chắc đang chuẩn bị để ném bồi một phát nữa thì bị con Lời làm cụt hứng. Tôi chạy lại bụi chuối.
Con gà cồ tía nằm dãy đành đạch, cái mỏ ngáp ngáp. Chân nó bị cột bằng một sợi dây vào thanh củi khá lớn. Chắc vì nó đang đứng giữa một đám lá ngải cứu nên ba tôi không phân biệt được một con gà bị tù tội xiềng xích với một con gà tự do. Quả thật vậy, vì liền đó ba tôi giải thích:
- Tao đâu có thấy cái dây cột chân? Tưởng con gà của ai sang bươi phá. Tao vung tay đuổi, nó không thèm chạy còn nghếch cái mặt nhìn. Có gà ai mà lại tự thị như vậy chưa? Hỏi làm sao mà tao nhịn được?
Tôi lại rờ con gà. Nó đập cánh, quơ chân lia lịa để tránh tôi. Ức nó dính bết máu. Tôi nói:
- Ba ném tài ghê. Trúng ngay cái ức.
Em tôi họa theo liền:
- Không ngờ ba cũng là xạ thủ có hạng, anh nhỉ? Chưa học trường Võ bị Liên quân Đà Lạt mà đã…
- Cú đầu trúng ức, cú sau trúng bụng. Thế là hai bàn trắng không gỡ.
Má tôi lê dép xềnh xệch bước ra. Bà nói:
- Đem con gà lại đây cho má coi nào.
Tôi lật đật bê con gà trên hai tay. Cái cổ nó ngoẹo xuống. Em tôi vội vàng chạy lại bê luôn cái thanh củi đi theo sau. Sợi dây nối liền hai chúng tôi. Trong thâm tâm, chúng tôi cố ý bày vẻ linh đình như vậy để tạo một quang cảnh “bi hài” cốt chế diễu ba tôi. Nhà thiện xạ không may mắn bị chạm tự ái thật. Ông gắt:
- Tao biết tụi bay mà… Sướng lắm.
Chúng tôi lén đưa mắt cho nhau, rồi che miệng vào cánh tay cười khúc khích. Má tôi cất tiếng gọi to:
- Lời ơi! Thôi, bắc nước sôi đi con.
Chống Biểu Tình
Vừa thấy ông Bạch bước vào phòng giáo sư, - chưa kịp bỏ mũ, - ông Tuấn hỏi ngay:
- Sao? Tình hình ra sao?
Ông Bạch nhún vai:
- Còn rối lắm. Chưa yên được.
- Thái độ của ông Tỉnh trưởng?
- Cũng như của Chính phủ. Chưa có thái độ gì rõ rệt. Muốn biểu tình thì cứ để tự do cho mà biểu tình. Chỉ cần quân đội canh gác ở các công sở quan yếu như tòa Tỉnh trưởng, đài phát thanh, ty Thông tin, ty Bưu điện, ty Ngân khố. Cứ kéo vài vòng dây kẽm gai rồi đặt quân đội đứng chĩa súng nhìn ra. Cắm một tấm bảng chữ đỏ “Ranh giới quân sự, cấm vượt qua”.
Có tiếng xe gắn máy nổ rầm chạy từ cổng trường vào đến hiên. Rồ ba bốn tiếng điếc tai rồi mới chịu im. Trong tiếng xe nổ như có lẫn lộn sắt vụn xáo trộn. Không ai lầm lẫn tiếng xe của ông Cương.
- Đợi anh Cương vô hỏi thử. Ảnh hay có những tin đặc biệt, - lời ông Bạch.
Ông Cương có đủ thì giờ để chụp cái mũ ni lông lên móc. Tháo cái gương đen to như gương phi công bỏ vào cặp. Kéo ghế ngồi chững chạc.
Ông Bạch và ông Tuấn ngồi im lặng đang nghĩ gì đâu đâu. Làm thầy giáo thì có nhiều điều để lặng yên suy nghĩ lắm. Chẳng hạn sức hút thủy triều của mặt trăng, phải căn cứ theo định luật vật lý nào mà giảng? Chẳng hạn đã cuối tháng rồi mà cột điểm dành cho môn dạy của mình còn trống toang, phải làm sao mà lấp kín trong hai giờ. Chẳng hạn đêm trước mắc khách bài chấm chưa kịp, lát nữa phải giải thích cách nào cho xuôi, chẳng lẽ cứ đỗ thừa hoài cho nạn cúp điện.
Ông Cương đưa cặp mắt nghi kỵ nhìn hai người bạn. Sao ngồi im như hến thế kia? Ông đâu có ngờ rằng chính ông sắp mắc bẫy. Bạch và Tuấn biết tính ông ba hoa không thể cất giấu một tin tức nào vừa nghe được nên họ làm bộ không lưu ý đến ông. Đợi ông tình nguyện nói ra. Và quả đúng như vậy, như một con cuốc xăm xăm bước trọn hai chân vào bẫy, ông Cương bình tĩnh rơi gọn vào trận đồ của họ:
- Tình hình lộn xộn quá, hỡ hai anh. Bữa nay sẽ có biểu tình nữa. Tám giờ thì đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ trường công lập Trần Hưng Đạo. Hai trung đội biệt động quân đã có lệnh trấn đóng ở góc đường Hoàng Hoa Thám - Bá Đa Lộc và góc Bá Đa Lộc - Tô Hiến Thành.
Ông Bạch làm bộ không lưu ý lắm:
- Chắc gì có biểu tình thật.
- Sao lại không chắc. Tòa Tỉnh đã được báo cáo từ chiều hôm qua.
- Như vậy là sáng nay mình được nghỉ? - ông Tuấn hỏi.
- Được nghỉ hay “bị” nghỉ? Mình dạy trường tư mà cứ được nghỉ kiểu này thì coi như nghỉ dài hạn không lương.
- Coi chừng. Nói nho nhỏ một chút. Ở đây tai vách mạch rừng. Lực lượng biểu tình sẽ hỏi tinh thần cách mạng của anh cao tới đâu? Tới rún hay tới đầu gối.
Vừa lúc đó ông Đồng, giáo sư Lý Hóa nhẹ nhàng bước vào phòng không ai kịp lưu ý. Ông kéo mạnh chiếc ghế làm ba người giật mình tưởng như mấy tấm vách đang vểnh tai lên.
- A! Anh Cương - lời của ông Đồng - sao mà đường cái nghẹt cả Biệt động quân và xe Cảnh sát vậy? Có chuyện gì vậy anh?
- Thì anh hỏi ngay Cảnh sát, sao lại đi hỏi tôi? Tôi cũng như anh, tôi đâu có biết?
- Thôi mà, làm bộ hoài. Biết gì nói cho anh em nghe với mà.
Ông Cương cười hì hì.
Hai cô giáo tới cùng một lượt, cô Nhung, cô Hoa. Hai cô chưa chồng nên thường đi cặp với nhau cho có bạn. Hai cô tháo bỏ găng tay vừa lắng tai nghe ông Cương.
- … Đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ trường Trần Hưng Đạo. Họ sẽ lần lượt dẫn tới trường Việt Anh, rồi trường Trí Đức, trường Nữ Trung học…
- Họ có tới trường mình không anh? - lời ông Đồng.
- Không bỏ sót đâu, anh đừng lo.
Cô Nhung mở to đôi mắt như con nai, ngây thơ hỏi:
- Vậy mình làm sao hở thầy?
- Cái đó thuộc thẩm quyền của ông hiệu trưởng. Tôi biết đâu mà dám bày cô?
Cô Nhung xuýt xoa khe khẽ, rỉ vào tai cô Hoa:
- Chết chết! Họ kéo tới trường mình. Mình làm sao, chị?
Cô Hoa bĩu môi “xì” một tiếng.
- Thì mình cứ tùy cơ ứng biến. Học sinh họ muốn ra thì mình cứ để cho họ tự do ra.
Nếu cô Hoa là đàn ông thì tưởng cô Nhung khỏi cần đi tìm chồng ở đâu xa, cứ ưng ngay người cùng đi một đường với mình đó. Cô Hoa có cốt cách của một người đàn ông. Mạnh bạo, dứt khoát, quyết liệt. Nhung thì trái lại lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhút nhát, run sợ.
Ông Thành, ông Lâm đi tới trễ, vội ném cặp lên bàn, lại bình trà rót chén trà sớm. Trong khi đó, ông hiệu trưởng lững thững bước vào.
- A! Có ông hiệu trưởng đây, - ông Cương lớn tiếng nói, gần như la lên. - Lát nữa đoàn biểu tình sẽ đến trường mình.
Ông hiệu trưởng cười nửa miệng. Ông không có dáng cảm động và điều đó làm ông Cương cụt hứng. Cái nguồn tin tức sốt dẻo đó bị tắt tị bất ngờ.
Ông hiệu trưởng kéo một hơi thuốc lá dài rồi chậm rãi nói:
- Tỉnh có điện thoại mời ông hiệu trường và ông giám học trường Trần Hưng Đạo xuống nhận chỉ thị hồi chín giờ tối.
Hồi chín giờ tối? Nhận chỉ thị hồi chín giờ tối? Chi tiết này quan trọng đây và nó treo mọi cặp mắt chong vào miệng ông hiệu trưởng. Sẽ có chuyện hồi hộp xảy ra.
Có hai đấu thủ đang gầm gừ trổ những ngón độc để hạ nhau và người bàng quan cảm thấy sự thong thả được đóng vai khán giả. Ít nhất trong giây phút này cũng có người bỗng dưng thấy bằng lòng trọn vẹn số phận của mình, số phận tầm thường của một người có chữ nghĩa đi làm công để sống qua ngày. Không còn có sự so bì giữa một chiếc xe gắn máy nổ to như sắt vụn bị xóc với một chiếc Cadillac sơn đen có tài xế đội mũ cát-két ngồi chểm chệ nơi tay lái.
Ông Hùng, ông Sinh giáo sư Toán, ông Phương, ông Thịnh, cô Mỹ Hạnh giáo sư Việt văn, cô Tâm, ông Phiên giáo sư Công dân Sử địa cùng đến một lượt, bao vây ông hiệu trưởng ở vòng ngoài.
- Thế tòa Tỉnh chỉ thị thế nào, thầy có biết không? - Cô Hoa hỏi.
- Tòa Tỉnh báo tin cho hiệu trưởng và giám học biết chương trình biểu tình sáng hôm nay. Tòa Tỉnh lại chỉ thị cho hiệu trưởng và các giáo sư phải giữ cho học sinh ngồi trong lớp. Không cho học sinh đi ra.
Ông Thành lắc đầu:
- Khó lắm! Khó lắm!
Ông Đồng:
- Đó là nói trường công. Học trò trường công sợ kỷ luật vì học ở trường công khỏi mất tiền. Còn học trò trường tư phải đóng học phí nên họ đâu có sợ kỷ luật. Trường này có đuổi thì qua học trường khác.
- Chỉ thị đó được áp dụng cho hết thảy các trường công và trường tư. Ông hiệu trưởng Trần Hưng Đạo đã vội cho công văn hỏa tốc đến các trường tư từ hồi hôm.
- Thế nghĩa là mình cũng phải giữ cho học sinh ngồi trong lớp? - lời ông Tuấn.
Ông hiệu trưởng gật đầu và mọi người im lặng. Cô giáo Nhung thở dài. Giữ cho một lớp nam sinh ngồi lại trong lớp giữa tiếng cổ võ thúc giục bên ngoài thì thật là một điều quá khả năng của cô. Sách vở chỉ dạy công thức Toán, công thức Hóa học, phương pháp giải đề thi chớ không hề dạy cách giữ học sinh khỏi đi biểu tình. Đã vậy, sáng nay cô lại rơi nhằm vào lớp đệ Tứ III ồn ào nghịch ngợm, quấy phá nhất trường.
Ông Cương đăm chiêu suy nghĩ hơn. Vì hôm nay phát bài tập mà bài tập ông chưa chấm xong. Ông cứ đinh ninh như những kỳ trước: hễ có đoàn biểu tình đi qua kêu gọi, cán bộ nhảy vào tuyên truyền là học sinh xếp sách vở đứng dậy bỏ lớp, bỏ thầy giáo và bảng đen ở lại. Thầy giáo chịu bất lực. Vả lại, sống trong một giai đoạn có quá nhiều cuộc cách mạng, quá nhiều cuộc đảo chánh và chỉnh lý, mới đọc bản hiệu triệu của lực lượng biểu tình đó thì đã phải đọc hiệu triệu của lực lượng chống biểu tình, rốt cuộc con người đâm ra dè dặt nghi kỵ. Cứ “để cho người ta làm và đợi xem đã”. Chỉ tội thân cho ông Cương, lần này ông được biết tin biểu tình sớm hơn mọi người, biết đích xác rõ ràng nên để tự thưởng một thành tích hiếm có như vậy ông đã, thay vì ngồi cầy cục chấm bài, hồi hôm rong xe đi phố tìm địa chỉ một người bạn gái vừa bỏ làng di cư ra ở ngoại ô. Thời thế biến chuyển khó lường, chủ trương của chính quyền thay đổi từng giờ một, không thể nào dự đoán được. Mới mềm dẻo hôm qua hôm kia, bỗng nhiên sáng nay trở nên cứng rắn. Làm như chỉ cốt để bắt bí ổng chơi.
Ông Hùng đưa bàn tay vuốt tém mái tóc ra đằng sau, nói:
- Nhưng liệu có giữ được học sinh không? Chính quyền không có chủ trương dứt khoát. Ở trên quân Diên Khánh học sinh mấy trường Trung học cũng biểu tình tự do, quận trưởng chỉ cần cho đóng cửa quận đường lại.

- Chính phủ trung ương còn đang tìm biện pháp. Còn ở các địa phương thì cứ chờ lệnh của cấp trên. Chính quyền cấp dưới dè dặt như vậy là khôn. Ra tay đàn áp, nếu yên việc thì cũng chưa chắc đã được thăng thưởng mà nếu xảy ra chết chóc thì muôn tội đổ lên đầu mình. Kinh nghiệm của các Chính phủ trước còn đó. Cứ đổ tội cho cấp trên ra lệnh, nhưng lệnh lạc không phải ra bằng miệng mà phải có giấy tờ làm chứng.
- Mình cũng đã có lệnh của cấp trên rồi đó.
Ông hiệu trưởng lắc đầu.
- Chưa có gì rõ ràng. Chỉ thị của tỉnh chỉ ra bằng miệng và chỉ dặn, “cố gắng giữ cho học sinh ở trong lớp”. Nếu cố gắng mà không hiệu quả: học sinh cứ ra thì lúc đó Chính quyền sẽ làm gì? Điều đó không thấy nói.
- Chính quyền sẽ quở ông hiệu trưởng, khiển trách các giáo sư.
Ông Phương cười:
- Như thế thì quá dễ.
Ông hiệu trưởng nhìn xuống đồng hồ.
- Mấy ông cố gắng làm theo chỉ thị. Cả mấy cô nữa. Gắng chừng nào không kết quả hãy hay.
Tiếng kiểng gõ mạnh, khoan thai nhịp nhàng của ông cai. Hoặc là ông chưa biết gì hết về cái số phận của buổi học sáng nay nên ông vẫn còn tin đầy đủ ở hiệu năng tiếng kiểng của mình. Nhà độc tài, cho đến phút chót, còn tưởng quần chúng đến bao vây là cốt để hát bài suy tôn mình. Hoặc là ông đã biết học sinh đang coi nhẹ kỷ luật nên ông cố gắng tạo một vỏ ngoài tràn đầy tin tưởng vào kỷ luật. Những người sợ ma thường dậm mạnh chân, vỗ tay to vừa ca hát khi đi qua những đoạn truông rậm rạp.
Khi ông cai nặng nhọc mở bẹt cánh cổng ra thì ông ngạc nhiên không thấy lũ học sinh chạy ùa vào như mấy bữa trước. Cả học sinh đệ Thất, đệ Lục mà cũng đứng từng nhóm để bàn tán. Vài nhóm học sinh lớn đứng rải rác ở bên kia đường. Sự hiện diện của hai xe Cảnh sát sơn xanh đậu ở góc tư thu hút sự chú ý. Tuy nhiên sau chừng năm phút nghe ngóng mà không thấy có sự lạ xảy ra thì học sinh lần lượt vào sân.
- Thầy ơi, sáng nay khỏi đọc bài.
- Em chưa làm bài tập, lát nửa biểu tình - Hương và Đàn gặp thầy Lâm ôm sổ ở văn phòng đi ra, đã vội chào như vậy. Ông Lâm giả vờ ngạc nhiên:
- Có biểu tình hả? Không thấy thông cáo mà.
- Xì, biểu tình mà còn thông cáo. Tám giờ thì đoàn biểu tình tới. Vô lớp thầy kể chuyện trong nửa giờ thì vừa lúc họ tới. Thầy đừng hỏi bài nghe thầy? Thầy kể chuyện cho bọn em nghe.
Ông Lâm lắc đầu.
- Không được. Chương trình không có ghi mục “kể chuyện”.
Cô giáo Tâm bị lũ thằng Vũ, thằng Thọ, thằng Xuân bao vây.
- Cô ơi, sáng nay có biểu tình. Bọn em phải bỏ học giờ cô, bọn em tiếc quá.
Cô Tâm không tin là họ nói thật. Thằng Vũ tóc chải tém bôi đầy bi-ăng-tin bóng loáng. Thằng Thọ ngậm thuốc Salem phì phèo vào giờ chơi và không khi nào thuộc bài. Thằng Xuân mang một vết sẹo nằm vắt ngang qua gò má, di tích của một nhát dao do địch thủ tặng. Ba người này phá phách nhất lớp, làm khổ cô nhiều bữa điêu đứng. Nhưng cô cũng phải nói một câu tử tế với họ:
- Ừ. Cứ phải bỏ học hoài.
- Thưa cô, bãi khóa vô hạn định mà, - lời thằng Thọ.
- Sức mấy mà vô hạn định? - Thằng Xuân cãi lại.
- Đù má… thì tao thấy khẩu hiệu đề như vậy.
Lừa lúc chúng nó đôi co với nhau không để ý đến mình, cô Tâm len lỏi đi vào văn phòng, uyển chuyển và lặng lẽ như một con lươn.
Kiểng đánh chào cờ. Học sinh tập họp sắp hàng chậm chạp lòi xòi hơn mọi ngày, nhưng rồi đâu đó vẫn vào lớp có thứ tự.
Ông Cương bước những bước nặng nhọc vào lớp đệ Ngũ. Học trò nhao nhao lên:
- Thưa thầy có biểu tình.
- Biểu tình sắp tới rồi thầy.
- Thầy cho nghỉ đi thầy.
Ông giơ tay ra hiệu ngồi xuống.
Trò Thanh ngồi ở gần bàn ông, chồm lên hỏi:
- Lát nữa mình có đi biểu tình không thầy?
- Không, Tỉnh bắt phải ngồi học tử tế.
Trò Dũng ở cuối lớp đứng dậy.
- Con nghe bên trường công đi hết. Học sinh trường công cầm đầu tổ chức chớ đâu phải học sinh trường tư?
Mai và Lệ chen nhau nói:
- Trường Nữ Trung học lãnh phần cắt khẩu hiệu.
- Mấy con bạn của con ở đệ Ngũ bên đó quay rô-nê-ô truyền đơn. Lát nữa phát.
Ông Cương “ờ ờ” lấy lệ, chậm chạp mở sổ. Hà bị kêu lên đọc bài đầu tiên. Không thuộc.
- Thưa thầy con không có học bài. Con nghe nói hôm nay… nghỉ.
Dung cũng không thuộc. Ông kêu qua phía con trai. Tịnh, Hành, Mộc đều xuýt xoa đứng lên ngồi xuống. Ông im lặng lấy phấn, bước lại bảng đen. Biên đầu đề bài mới.
- Thưa thầy hôm “lay” nghỉ.
Rõ ràng là tiếng la to của thằng Bổng, ở cuối lớp, ông Cương dẫu không quay nhìn xuống nhưng không thể lầm được. Nhưng ông làm như không nghe gì hết, cứ bình tĩnh giảng bài:
- …Nhiều đường thẳng song song định trên hai cát tuyến các đoạn thẳng đối ứng tỉ lệ. Thí dụ các đường thẳng song song AA’, BB’, CC’ và DD’ gặp các cát tuyến X’X và Y’Y ở các điểm…
Không khí nghiêm trang được chừng mười phút. Bỗng vang lên từ ở ngoài cổng trường:
- Mì lạt, mì ngọt. Bánh cam, bánh tiêu, bánh bò. Bi ngon ngon, bi dòn dòn. Mì mì…
Ba bàn nữ sinh cười rồ lên. Anh hàng bán bánh kẹo này không biết ở từ đâu tới mà có một điệu rao đặc biệt khiến ai cũng chú ý. Rao dài dòng, lảnh lót, lên bổng xuống trầm, như dồn tất cả sinh lực và nghệ thuật và tâm hồn của anh vào tiếng rao. Anh chàng chừng hai mươi tuổi, mắt ti hí, ngồi trên yên xe đạp, ở trước mặt chễm chệ một thùng bánh, và sau lưng cũng chễm chệ một thùng bánh khác. Anh chàng rao luôn miệng, to tiếng không biết mệt, có khi xe khuất dạng qua một phố khác mà tiếng rao vẫn còn lảnh lót. Có một làn hơi thiên phú như vậy mà chỉ để rao bánh kẹo thì thật uổng. Đáng lẽ để làm thầy giáo giảng bài hay làm ca sĩ tân cổ nhạc.
- Mì lạt, mì ngọt… Bi ngon ngon, bi dòn dòn…
Lại một tràng tiếng cười to rộ lên.
- Thằng “bánh mì kẹo bi” nó có duyên với thầy, - trò Nghị nói. - Hễ sáng thứ Năm cứ tới giờ thầy là nó đi qua rao inh ỏi.
Ông Cương gõ lọc cọc chiếc thước gỗ lên bảng đen rồi nhẫn nại giảng tiếp:
- Định lý trên không phụ thuộc vào vị trí các đường thẳng song song đối với hai cát tuyến. Trong hình này ta có thể vẽ từ giao điểm C của hai cát tuyến…
Chợt có tiếng máy phóng thanh từ xa oang oang nói tới. Tiếng nói nghe không rõ, chỉ nghe tiếng máy ho hen rồn rột rồi rú lên từng hồi. Có tiếng hô khẩu hiệu. Ở bên trường Nữ Trung học, nổ lên hai tiếng pháo tống. Học sinh nhao nhao lên. Tiếng giảng bài của ông Cương bị nuốt đi như con suối nhỏ rơi vào đại dương.
Trò Phong và trò Mừng vỗ vai nhau cười rồi nhìn lên bảng:
- Đó, con nói có sai đâu. Bên trường Nữ đã đứng dậy rồi đó.
- Anh chị em yên lặng. Chúng ta phải học cho hết giờ. Tòa Tỉnh bảo học sinh phải ngồi trong lớp học.
Không còn ai nghe tiếng nói của thầy Cương. Mà chỉ nghe tiếng hô khẩu hiệu mỗi lúc một rõ. Nhiều khuôn mặt lấp ló ở cửa cổng. Nhiều người đứng tụ họp ở đó từ bao giờ. Xe phóng thanh rồ máy dừng lại. Nhiều học sinh ngồi ở bàn sau đứng lên nhìn.
Ông Cương rời bục đi xuống cuối lớp.
Chợt cửa cổng trường bị đẩy bật ra. Đoàn biểu tình tràn vào sân. Một người chạy xăm xăm lại cầm dùi sắt xổ kiểng. Tiếng gõ mạnh và hấp tấp quá làm thanh kiểng chao đi, nghiến vào dây cọt kẹt làm người xổ kiểng gõ hụt mấy tiếng. Cọ tre và lon sơn đỏ múa may ở mặt tường. Trong nháy mắt, những dòng chữ to “Bãi khóa! Chúng tôi bãi khóa vô hạn định” hiện ra, màu sơn đỏ ướt lóng lánh như máu.
Một đoàn người đứng thành vòng trước cửa lớp. Tiếng gõ cửa lộp cộp. Ông Cương bước ra. Một người trong đám tiến đến chào ông và trình bày những gì ông chưa kịp nghe thì đoàn còn lại ùa vào lớp. Ông Cương bị mắc mưu điệu hổ ly sơn rồi. Nên ông chăm chăm nhìn người thuyết trình đang huơ tay nói trước mặt ông mà tai thì lắng nghe những lời cổ võ ở đằng sau lưng ông, trong lớp.
- Đứng trước tình hình… không thể điềm nhiên ngồi học được… Truyền thống dân tộc… Lê Lợi Quang Trung Bà Trưng Bà Triệu… Truyền thống anh dũng… Tổ quốc Việt Nam…
Có tiếng lào rào, lách cách, tiếng chân quờ quạng tìm guốc, tiếng vành nón gõ xuống mặt bàn, tiếng cặp sách kéo lê. Rồi tiếng chân người di chuyển. Ông Cương quay lại nhìn vào lớp. Đa số học sinh đã rời bỏ chỗ ngồi của họ. Họ lũ lượt đi ra. Ông Cương nhìn lại mình, thấy mình nhỏ bé như một cọng rạ giữa dòng nước lũ. Không thể dùng lá bùa “Tòa Tỉnh cấm” để trấn áp họ được. Cọng rạ tự dạt mình ra một bên và cái thác người đó tràn ra cửa, chan hòa với những dòng thác khác cũng từ các cửa tràn ra. Đoàn biểu tình tập họp trở lại, đông đảo mập mạp hơn hồi mới tới, ào ào tuôn ra ngõ cổng.
Còn lại là cửa lớp mở toang, bàn ghế trống vắng. Và những nữ sinh nhút nhát trốn núp ở sân sau, không dám đi vào đoàn biểu tình. Và những thầy giáo bại trận ôm cặp, ôm sổ lững thững đi về văn phòng.
Cô Mỹ Hạnh hỏi ông Cương:
- Tôi tưởng chỉ bên tôi mới chịu bất lực. Lo quá. Ai ngờ bên thầy cũng vậy.
Ông Cương cười khì.
- Chịu thua họ. Tụi họ khôn quá, mời mình ra ngoài.
- Uở? Bên lớp anh cũng theo kế hoạch đó sao? - lời ông Thành.
- Ở đâu cũng một kiểu, - ông Đồng cướp lời.
Mọi người lại tập họp xung quanh ông hiệu trưởng. Ông đang đứng chắp tay sau lưng nhìn hành lang heo hút.

- Đoàn cán bộ toàn là học sinh bên Trần Hưng Đạo. Trường công mà họ còn giữ chưa được.
- Mình không thể bảo hoàng hơn vua được. Quân đội còn phải chịu án binh bất động huống chi là mình chỉ có bút nguyên tử đỏ.
Cô Hoa hỏi ông hiệu trưởng:
- Thưa ông, chiều nay vẫn đi dạy như thường lệ?
- Như thường lệ, - ông hiệu trưởng gục gặc đầu. - Mình cứ làm bổn phận của mình.
- Bây giờ mình có thể giải tán? - lời ông Bạch.
- Vâng. Tùy ý mấy ông.
Tuy ông hiệu trưởng tuyên bố như vậy nhưng không có thầy cô nào về vội. Ai cũng cố ý dềnh dàng nán lại một chút để tránh cái vẻ mừng rỡ lợi dụng. Ít nhất cũng phải tỏ một chút buồn bực vì buổi học bỗng dưng bị cắt mất, một chút xót xa rằng học sinh bị tước đi những kiến thức hay mà mình định truyền cho họ sáng nay, - nhưng mình đành chịu bất lực, - một chút ân hận, một chút bất đắc dĩ… nào đó để xứng đáng là một khuôn mặt mô phạm trước những khuôn mặt mô phạm đang vây quanh… Giữa cảnh dùng dằng ngượng ngập, có thể pha chút ít sung sướng ngấm ngầm đó, chợt cửa cổng mở đánh két một cái. Mọi người quay nhìn ra. Một ông Đội Cảnh sát mũ lưỡi trai có đính phù hiệu rõ ràng, quân phục kaki vàng thẳng nếp dõng dạc bước vào. Khoảng cách cái sân rộng, bị ngốn nhanh bởi những bước đi dài. Có chuyện gì lôi thôi. Cảnh sát là sứ giả của sự rắc rối. Cảnh sát không biết báo tin mừng như nhân viên Bưu điện. Nhưng chuyện gì? Thôi chắc là chuyện học sinh đi biểu tình rồi. Chỉ thị của tòa Tỉnh không được thi hành triệt để. Mọi người tự nhiên đưa mắt nhìn ông hiệu trưởng.
Ông Đội Cảnh sát được hướng dẫn bởi cái nhìn đó. Ông biết ai là người có trách nhiệm trong số những người đông đảo đang đứng. Ông bước thẳng tới ông hiệu trưởng. Rồi đột nhiên dừng lại, dậm chân đánh “phắt” giơ tay chào ngang mũ. Sự lễ độ nghiêm trang đúng phép tắc càng làm cho mọi người kém an tâm. Ông hiệu trưởng tiến tới một bước và các thầy cô dãn ra vài bước nhường chỗ cho người nhân viên công lực.
Cuộc đối thoại giữa ông hiệu trưởng và ông Đội Cảnh sát. Tiếng nói nhỏ, các thầy cô không nghe rõ. Họ theo dõi nét mặt của mặt ông hiệu trưởng. Ông nghiêm trang đứng lắng nghe. Rồi chợt mỉm cười. Mỉm cười? Sao lại mỉm cười? Ông này chính trị cao lắm đây. Không thấy ông nói lại gì hết, giãi bày gì hết. Chợt ông đưa bàn tay chỉ về phía văn phòng và ông Đội Cảnh sát nhanh chân bước về phía đó sau khi đưa tay chào một lần nữa.
Các thầy cô đứng gần lại thật mau.
- Có chuyện gì vậy ông?
- Lại có rắc rối?
Ông hiệu trưởng lắc đầu:
- Không có gì. Ông Đội đến nạp học phí cho con. Ba thằng Nguyễn Văn Ngộ ở đệ Tam B4 đó. Ông than phiền nó bỏ học đi theo cao bồi và đưa tiền học cho nó đi nạp thì nó đem tiêu bậy hết. Ông quản lý mới gởi giấy đòi học phí hai tháng còn thiếu.
Những tiếng thở phào không cần dấu diếm. Nhiều nụ cười cởi mở chân thực.
- Khéo lựa đúng ngày này, giờ này để đi nạp học phí!
- Bố làm Cảnh sát mà con lại theo cao bồi…
- Thằng Ngộ nó thông minh mà tính cũng ngoan. Mới hư từ hồi Tết năm ngoái.
- Nói vậy chớ con nó đã muốn hư thì cha mẹ cũng chịu thua.
- Lý luận thế không được. Bố mẹ phải chịu trách nhiệm, chớ không thể đổ lỗi vu vơ mà gọi là giải quyết vấn đề.
Câu chuyện chuyển qua đề mục giáo dục, xa ngàn dặm đối với đề mục biểu tình hôm nay nên tới một lúc nào đó, mọi người đồng im lặng và họ giải tán một cách tự nhiên, thoải mái, khỏi có chút áy náy gì hết.
Ông Bạch bước vội đến chỗ dựng xe, gài vội cặp xách lên poóc-ba-ga, gài cặp kiếng đen lên mắt, chụp mũ lên đầu rồi leo lên đạp nhiều vòng cho máy nổ. Ông quay sang cô Nhung đứng cạnh đang đeo găng:
- Sẵn rảnh buổi sáng nay đi xuống chợ lùng mua một cái mền len Anh quốc viện trợ. Viện trợ cho dân bị lụt miền Trung nhưng đi từ Anh quốc sang tới đây thì mền không chịu đi nữa.
- Mền tốt không bác?
- Tốt không chê được. Nhẹ mà ấm, lông nó…
Tiếng máy chợt nổ rồ lên ồn ào điếc tai khiến cô Nhung không nghe được gì được nữa. Nhưng cô cũng phải gật đầu liên tiếp, miệng mỉm cười vừa chăm chăm nhìn ông Bạch, làm như cô đồng ý hết sức về những đức tính, - mà ông tiếp tục kể, - của thứ mền len Anh quốc viện trợ này.
Võ Hồng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...