Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Ngõ quê giữa lòng Sài Gòn

Ngõ quê giữa lòng Sài Gòn

Thủ đô Hà Nội luôn tự hào có 36 phố phường mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Thì người Sài Gòn cũng có thể tự hào về một thứ rất Sài Gòn, mộc mạc, bình dị - những con hẻm thân thương mà tôi gọi đó là ngõ quê giữa lòng Sài Gòn.
Những ngõ hẻm tồn tại giữa phố thị ồn ào vẫn mang vẻ rất riêng, mộc mạc, gần gũi- nơi tưởng chừng như hai chiếc xe không bao giờ vượt qua nhau được. Không ít ngõ hẻm là vết tích của lối đi, con đường làng từ xưa vẫn còn đó cây đa, lũy tre tỏa bóng mát đến tận bây giờ. Có hẻm còn có ngôi chùa, miếu thờ nhỏ, ngày lễ, ngày rằm đều có người dâng nén hương phảng phất mùi thơm. Tôi nhớ gần ngã tư Nguyễn Đình Chiểu giao với đường Đinh Tiên Hoàng có một con hẻm như thế.
Nhà cửa trong hẻm nằm san sát nhau, hai nhà chung một vách, sáng ra mở cửa là đụng mặt nhau, nhà hàng xóm làm gì, ăn gì cũng nghe được hết. Trưa thì nhà nào nhà nấy đóng cửa im thinh, vắng tanh. Chỉ cần một tiếng rao như “ai chè đậu xanh nước cốt dừa hôn? , bánh chưng bánh giò đây!…..” tôi đều nghe lanh lãnh. Sống san sát nhau vì vậy mà khoảng cách giữa những người hàng xóm lại gần gũi nhau giống như hồi ở quê.
Thời sinh viên của tôi là những tháng ngày gắn liền với những ngõ hẻm giữa Sài Gòn. Tôi nhớ nhất con hẻm 22B nằm ngay trên đường Đinh Tiên Hoàng đối diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi bước vào con hẻm, đi thật chậm, quan sát thật kỹ, tôi có thể nghe thấy hết đời sống bình dị nơi thị thành. Rất đỗi bình yên và thân thuộc.
Tờ mờ sáng đã nghe tiếng xe máy giòn tan của các bác, các chú chuẩn bị ra bến xe miền Đông, bến xe miền Tây đón khách. Tiếng dọn hàng của các dì, các cô bán cơm tấm, cháo lòng, bánh mì,… Con hẻm dù nhỏ nhưng cũng đủ mở quán cà phê cóc vỉa hè, bày vài ba ghế nhựa nhỏ sát tường. Mấy bác già rảnh rỗi mỗi ngày đến ngồi cà phê đọc báo, bàn nhau thời sự tin trong ngày hay những chuyện nhân tình thế thái ra sao. Tầm 10 trưa, quán cơm gần nhà trọ mở bán, tôi cùng nhóm bạn đại học là khách ruột của quán. Về chiều, các chị đẩy con nhỏ ra hẻm đút cơm, vừa đi hết con hẻm, vừa nói chuyện với các cô trong xóm. Mấy đứa con nít trong xóm tận dụng không gian chơi trò nhảy dây, bày đồ hàng. Xe nào chạy qua chúng vội nép sát vào tường, xe qua chúng lại tiếp tục cuộc vui. Tình làng, nghĩa xóm càng xích lại gần nhau qua những buổi chiều như thế! Bây giờ tôi mới thấm thía câu “bán bà con xa mua láng giềng gần” là có thật trong những con hẻm ở Sài Gòn.
Tôi yêu lắm những con hẻm ở Sài Gòn, nơi mà tôi có thể cảm nhận được hồn quê giữa chốn thị thành náo nhiệt. Đó có thể là nụ cười hiền từ của cô bán bánh mì đầu hẻm, sự hào phóng của dì Tư bán cơm sẵn sàng cho thêm chút cơm, mát lành những ly trà đá vỉa hè miễn phí. Những thức quà quê của các chị hàng xóm kế bên hay của bà chủ nhà trọ mỗi dịp về quê “Quà quê đó, cầm mà ăn nghen”.
Ngõ hẻm Sài Gòn chằng chịt như huyết mạch mang đến sức sống, sự tươi mới cho một đô thị không ngừng vươn lên và phát triển. Để rồi những ngõ hẻm ấy vẫn ngày đêm cưu mang, gánh vác, chia sẻ những vui buồn cùng con người xa quê đồng thời góp phần tạo nên bản sắc văn hóa những con hẻm thân thương – ngõ quê giữa lòng Sài Gòn.
27/2/2023
Diệp Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...