Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Độc đáo tục cấp sắc của người Dao đầu bằng ở Tam Đường

Độc đáo tục cấp sắc của người
Dao đầu bằng ở Tam Đường

Vài ngày, sau khi đón Tết truyền thống của dân tộc, tôi lên nhà anh trai chơi. Thế là anh rủ mọi người đi xem lễ tủ cải cạnh Cây Đa Đôi của người Dao đầu bằng thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Trên đường đi, gió núi thổi tạt qua mặt nghe rin rít mỗi lần chiếc xe máy lượn qua những khúc cua tay áo. Đến nơi, rất nhiều người Dao từ lớn, bé, già trẻ trong trang phục tết mới may, màu sắc đen đỏ xen lẫn nhau đang cùng đến tham dự nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất trong cuộc đời của dân tộc Dao.
Lễ tủ cải (gọi theo tiếng địa phương; tiếng Dao đầu bằng là “ái man thày xới”), còn gọi là lễ cấp sắc của người Dao. Đây là nghi lễ để công nhận sự trưởng thành của người con trai Dao, công nhận là con cháu của Bàn Vương – tức là thuộc huyết thống dân tộc Dao, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và đặt tên âm để thờ cúng tổ tiên. Lễ tủ cải được thực hiện cho con trai từ mười tuổi trở lên. Để thực hiện nghi lễ này, gia đình người Dao phải có sự chuẩn bị từ sáu tháng trước. Cần một tạ lợn; tám, chín con gà; gạo; rượu; giấy bản, tiền vàng,… Trước đó, phải đến xin thầy mo xem ngày tháng tốt để làm lễ. Nếu ngày đẹp thì làm từ 5 đến 7 ngày, nếu ngày xấu thì diễn ra trong vòng từ 3 đến 5 ngày. Và thường diễn ra vào dịp cuối năm, hoặc sang đầu năm mới tầm tháng giêng, tháng hai khi nông nhàn, chưa tới thời vụ.
Thầy mo được mời tới làm lễ (tiếng Dao là “thày xới”), là người có pháp thuật cao tay, được kính trọng trong cộng đồng người Dao. Thường sẽ có một thầy cả, một thầy hai, và sáu, bẩy người thầy phụ. Thầy cả là người trực tiếp cúng bái, và chịu trách nhiệm chỉ đạo cả buổi tế lễ. Ngay từ buổi lễ đầu tiên, sau khi thầy cả cúng bái, gia chủ làm cơm thiết đãi dân bản. Sau đó trong vòng 5 hoặc 7 ngày làm lễ tủ cải, người con trai làm lễ phải thực hiện chế độ ăn chay khắt khe, mỗi bữa chỉ được dùng một chén nước, một bát cơm trắng với muối, cùng việc kiêng không nói chuyện với con gái.
Trong nghi lễ này, quan trọng nhất là “lễ rơi đài” cũng là nghi thức cuối cùng quyết định sự thành công của lễ cấp sắc. Đài được dựng cách nhà làm lễ khoảng 100m, được làm từ bốn thân gỗ thẳng, chắc chắn, đường kính tầm 25cm, dựng theo hình trụ, buộc bằng dây rừng, có thang đi lên, xung quanh dán giấy đỏ, cao 2,5 – 3m. Trên đỉnh có mặt phẳng như cái bàn nhỏ, trên mặt phủ một lớp cỏ gianh, cỏ gianh với người Dao đầu bằng có ý nghĩa tượng trưng cho sự linh thiêng (với người Dao ở một số nơi thuộc Tây Bắc, cỏ gianh tượng trưng cho vảy rồng).
Thầy cả và người làm nghi lễ sẽ mặc cùng một bộ quần áo màu đỏ. Chàng trai làm lễ sẽ đội nón lá có treo đồng xu xung quanh. Ngồi trên đài, quay lưng xuống, để rơi tự do, phía dưới có nhiều người đan tay đứng đỡ. Nếu người làm lễ rơi xuống bình an vô sự thì là buổi lễ tủ cải đã thành công rực rỡ, người này sẽ được cấp sắc, đặt tên âm có quyền làm thầy, cúng bái tổ tiên, nhận thầy cả làm bố và được thầy cả truyền nghề. Nếu người làm lễ rơi xuống bị chảy máu mũi, bị đau (người Dao cho rằng những người này đã không tuân thủ quá trình kiêng khem trong bảy ngày nên bị thần linh phạt), thì việc thực hiện nghi lễ tủ cải với người này coi như thất bại.
Theo chia sẻ từ anh Tẩn A Phụ, người Dao đầu bằng thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngày trước, mỗi nhà có con trai muốn làm lễ tủ cải thì phải chuẩn bị tiền mặt từ 7 – 10 triệu, nuôi được lợn, gà thì đỡ hơn. Còn ngày nay, nhiều nhà trong bản có thể kết hợp để cùng tổ chức lễ tủ cải cho con trai, tiết kiệm được chi phí, mà ý nghĩa tâm linh vẫn được bảo tồn.
Trong quá trình thực hiện lễ tủ cải, có sử dụng nhiều chữ nho và tranh thờ, phổ biến nhất là tranh tam thanh. Thờ ba vị thần có quyền lực tối thượng, cai quản ba nơi theo quan niệm của người Dao: Ngọc thanh vị thần cai quản trên trời; Thượng thanh vị thần cai quản trần gian; Thái thanh vị thần cai quản âm phủ. Họ tin tưởng vào các vị thần linh này có sức mạnh siêu nhiên để bảo vệ cho con người. Trong quá trình tham dự lễ tủ cải, con cháu người Dao sẽ hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình qua những bài cúng, tích truyện mà thầy mo đọc để cúng tạ các vị thần linh.
Hiện nay, nghi lễ cấp sắc – lễ tủ cải này vẫn được người Dao đầu bằng thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường gìn giữ và phát triển qua các thế hệ. Mới đây nhất, trong tuần lễ văn hóa du lịch của huyện Tam Đường có tái hiện trích đoạn “nhảy đài” trong lễ tủ cải, nhằm phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao.
15/1/2023
Đặng Thùy Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...