Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Ký ức về ba và dì tám

Ký ức về ba và dì tám

Mưa vẫn cứ rơi. Tiếng mưa càng lúc càng réo gắt hơn giống như tiếng ai đó đang gọi về. Bây giờ Ba đã an lành nơi xa ấy. Có lẽ lời nguyện cầu của Ba đã ứng nghiệm nên chỉ sau một tuần Ba con tôi gặp lại, Ba đã bỏ tôi rồi ra đi…
KÝ ỨC VỀ BA
Ừ, biết đâu được….
Tôi bỏ lửng câu nói rồi lững thững ra trước hàng ba ngồi. Mấy hôm rày áp thấp nhiệt đới nên trời cứ mưa miết, mưa kéo dài suốt từ khuya hôm qua đến tận mãi bây giờ. Vậy mà vẫn chưa đủ hay sao giờ trời vẫn còn nặng hạt. Từng làn mưa cứ rơi ràn rạt trên mái nhà, có lúc đập ầm ầm lên tấm tôn bên hông nhà được lắp ghép từ mấy miếng vừa rỉ sét vừa loang lổ. Mấy con ểnh ương, bù tọt cũng tận dụng thời cơ lắm, cứ uềnh oang, uềnh oang nghe buồn đến não nuột.
Ba lại đứng tần ngần nơi cửa. Cặp mắt lúc nào cũng nhìn vào khoảng không, mông lung lắm giống như đang chờ đợi, trông chờ vào một điều gì. Cả cái xóm đồng này ai cũng quý cũng thương Ba. Họ thương không phải vì Ba là một người bị gù mà họ thương cho hoàn cảnh của Ba. Cuộc sống nghèo khó, sự bất hòa từ những điều nhỏ nhặt càng ngày càng trở nên lớn hơn đến nỗi không thể lấp dần khoảng trống yêu thương cần thiết trong một gia đình cần phải có. Ba đã phải bất lực khi đứng nhìn những người thân yêu của mình lần lượt bước lên xe mà không sao níu giữ lại được. Tôi còn khá nhỏ để hiểu được suy nghĩ của người lớn nên chẳng nghĩ ngợi điều gì, chỉ thấy cái dáng lưng khòm, nét mặt đau đớn, khắc khổ mờ dần, mờ dần khi xe chạy càng lúc càng xa.
Bây giờ mưa vẫn rơi, vẫn vỗ từng nhịp đều trên mái hiên trước nhà. Dẫu lúc này chỉ còn là những hạt mưa tí tách, nhưng trong cái nhịp buồn lạc phách ấy tôi lại chạnh lòng nhớ về Ba. Trong cái lần duy nhất được đoàn tụ sau 18 năm lưu lạc, tôi mới biết thêm thông tin từ những người bà con lối xóm. Họ nói thương Ba lắm bởi Ba đã từng nhiều lần đi tìm má con tôi. Đi tìm rồi lại trở về với sự cô độc, lẻ loi giống như cuộc đời của Ba ngần ấy năm vậy. Mãnh đất miền tây đâu nhỏ để dễ tìm, trong khi trong tay Ba không có gì gọi là địa chỉ, manh mối. Ba đi, Ba về trong vô vọng đến nỗi chỉ thầm mong trong lòng được gặp mặt con một lần rồi nằm xuống an vui cũng mãn nguyện. Nỗi nhớ thương con cứ thế chất chồng theo ngày tháng, rồi Ba càng lúc càng già hơn, cằn cỏi hơn và cái dáng lưng gù cũng thêm nặng nề từ đó. Đêm cha con tôi đoàn tụ, nằm bên nhau dù không mưa thế nhưng vẫn nghe tiếng sụt sùi.
Mưa vẫn cứ rơi. Tiếng mưa càng lúc càng réo gắt hơn giống như tiếng ai đó đang gọi về. Bây giờ Ba đã an lành nơi xa ấy. Có lẽ lời nguyện cầu của Ba đã ứng nghiệm nên chỉ sau một tuần Ba con tôi gặp lại, Ba đã bỏ tôi rồi ra đi. Buồn lắm, đau lắm, nhưng biết nói sao giờ.
Những hạt mưa rơi đều, những tiếng uềnh oang nghe sao héo ruột khiến lòng tôi chùng xuống. Miên man với những thanh âm bổng, trầm cứ làm tôi quay quắt nhớ về hoài niệm xưa, thèm một lần được Ba cõng trên tấm lưng gù đặc quánh mồ hôi mỗi khi đi thăm đồng, thèm được ngã mình nằm trên thảm cỏ xanh rì nhìn lên khoảng trời trong veo, thèm được sống trong vòng tay của những người tôi yêu tôi thương. Thèm đến quay quắt!!!
Ừ, phải chi…
DÌ TÁM
Dì Tám vẫn mưu sinh với công việc đi bán cái may mắn cho mọi người. Cũng gần 60 tuổi rồi chứ ít ỏi gì đâu. Dì cũng có con, có cháu và đứa nào cũng có gia đình riêng tư hết.Trước đây Dì gá nghĩa với chú Bảy nhà ở xóm Cồn cộc, phía bên kia sông. Đến với nhau chủ yếu làm bạn già, cùng hủ hỉ, chăm sóc nhau trong lúc tuổi xế chiều. Dì còn khỏe nên thường lo cho chú nhiều hơn, từ cơm nước, giặt giũ cho đến việc trông coi mấy cái liếp dừa kế bên nhà.
Chú thì cứ rề rề, bệnh già mà, năm mười bữa lại cứ phải nhập viện, nhẹ thì nằm tuyến dưới, nặng hơn tí thì chuyển lên tuyến trên. Những lúc đó Dì phải nghỉ đi bán để lo cho chú. Chú không có nhiều con, chỉ có đứa con gái có chồng ở Đài loan và cũng đã định cư bên đó, lâu lâu mới về thăm chú một lần cho nên mọi chuyện bên này đều nhờ một tay của Dì lo. Được cái bên kia gửi tiền về lo cho chú mỗi khi chú nằm viện. Huê lợi từ mấy liếp dừa cũng đủ trang trãi cho hai người bạn già nên Chú cứ kêu Dì nghỉ đi bán, ở nhà cho khỏe. Chú cũng lo cho Dì vì dù gì cũng có tuổi nên đi đứng chậm chạp, khó khăn nhưng Dì nào chịu, cứ sau khi lo cơm nước cho Chú xong, dòm ngó miếng vườn nhỏ rồi, Dì xách cái nón lá cùng cái túi nhỏ, đón đò qua chợ đi bán. Mỗi tờ vé may mắn dẫu lời không được bao nhiêu nhưng Dì cảm thấy khỏe, nhẹ lòng vì không phải sống cứ dựa vào con, cháu và nhất là đứa con gái của chú.
Đợt vừa rồi, chú Bảy lại ngã bệnh, có vẻ nguy nên con gái của Chú có về. Cũng là Dì lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh. Trời lại thương và Chú vượt qua được. Về nhà sau khi bình phục Chú càng thương và quý Dì hơn. Vậy mà con gái Chú lại có những hành động, câu nói khiến Dì buồn. Nó xem sự hiện diện của Dì trong căn nhà này giống như người ở, có lúc lại nói bóng nói gió về cái miếng vườn nhỏ kế nhà. Dì vốn là người tự trọng mà, chuyện Dì mưu sinh đi bán vé số hàng ngày cũng đủ chứng minh được điều đó. Dì cảm thấy buồn khi con cháu không hiểu, cho là Dì hướng tới cái của khi Chú nằm xuống. Dì nói chuyện với con Chú cho nó hiểu để rồi Dì nhận từ nó một câu hết sức vô tình: ba tui giờ cũng khỏe rồi nên tui sẽ thuê một người ở chăm sóc lo cho ổng, Dì cứ lo cho cuộc sống của Dì đi, tui không muốn Dì sống chung với ba tụi tui nữa. Dì buồn, Dì ngồi đó nhìn Chú mà lòng nghen đắng. Hôm đó Dì cũng đã ra khỏi nhà.
Mấy ngày sau đó cả cái xóm chợ đều thấy cảnh một người đàn bà tay cầm tập vé số, đầu đội chiếc nón lá, rong ruổi khắp các con đường, chổ nào có đông người thì đều có dấu chân của Dì đến, mỗi bước đi nặng nhọc hơn thường ngày. Mấy đứa con có rước Dì về ở nhưng đâu đó trên khuôn mặt Dì người ta vẫn nhận ra phảng phất một nỗi buồn. Phải chăng muốn tìm chút niềm vui trong tuổi già với người mà Dì yêu, Dì thương lại khó đối với Dì đến như vậy sao????
ĐẮNG
Nội bệnh, căn bệnh cũng giống như bao người già khác. Cả nhà ai cũng đều chuẩn bị tâm lý nên cũng không phải đau buồn nhiều nhưng có một điều gì đó dường như hơi bất thường đã xảy ra.
Mấy hôm rày Nội yếu hơn nên con cháu ở xa tụ họp về nhiều hơn. Bác Sẻn từ mỹ cũng book vé máy bay về vì muốn lo cho nội được tươm tất hơn khi nội nằm xuống. Trong buổi họp gia đình để chuẩn bị lo hậu sự, bác Sẻn muốn cho nội nằm trên khu đất gần nhà cô hai mà bác đã mua trước đây, vì chổ này sẽ tiện cho con cháu sau này về giổ quải, vậy mà ba phản đối kịch liệt chỉ vì lý do muốn qua mộ nội thì phải đi ngang nhà cô hai mà ba với cô thì bất hòa đến nỗi không thèm nhìn mặt nhau. Tất cả mọi chuyện cũng vì tiền mà bác Sẻn gửi từ Mỹ về để lo cho nội mà anh em cứ tranh giành nhau.
Có một thời gian cô hai lãnh phần nuôi nội vì là con gái lớn, hơn nữa phụ nữ thì chăm sóc cho người lớn tuổi như nội sẽ tiện hơn. Vậy mà hôm nay thì nghe người này, ngày mai thì lại nghe người kia, toàn là những lời nói bóng gió, khó nghe hết từ cô ba, cô bảy và ác ý hơn cả là của ba. Mẹ mình già, mình không nuôi được có người lãnh nuôi thì mừng, hà cớ gì phải trâu trắng trâu đen để rồi cô hai giận cô hai cũng bỏ nội luôn. Ba là con trai út nên nhất định dành phần, mà thật lòng ba có yêu thương gì bà nội cho cam, cứ đay nghiến, làm mình làm mẩy mỗi khi nội ỉa trây, đái dầm. Nhiều khi chứng kiến cảnh ba hất hủi nội mà nó nghe đau đáu lòng. Nó tự hỏi không biết ba có phải được nội đẻ ra hay không nữa???
Nội hiện giờ yếu lắm, chỉ nằm một chổ không ăn uống được gì nữa. Giống như sợi nắng chiều yếu ớt còn vương lại trên ngọn cây sầu đâu trước nhà. Trong khi mọi người tụm năm tụm ba trong đầu tính toán hay đuổi theo một ý nghĩ nào đó có lẽ chính bản thân họ biết rất rõ. Tôi thẩn thờ nhìn lên sợi nắng chiều còn vướng lại trên ngọn cây sầu đâu rồi tự hỏi. Tại sao người ta cứ sống vì những tham vọng sang hèn, vì những lợi lộc cá nhân mà không sống vì một thứ tình cảm thiêng liêng nào khác? Dưới lớp bùn nhão nhẹt kia rồi ai cũng sẽ phải chôn vùi tất cả những ưu tư, những phiền muộn thì cớ sao bây giờ không chịu để cái tâm được an lành!.
12/7/2023
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...