Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Chiếc váy đầm đẹp nhất trên đời

Chiếc váy đầm đẹp nhất trên đời

Tôi mê váy đẹp. Hẳn nhiên rồi, là phụ nữ mà! Nhưng dám khẳng định có chiếc váy đầm đẹp nhất trên đời thì e rằng nhiều chị em không đồng ý mất! 
Tuy nhiên, tôi có thật đấy, từ rất sớm cơ, khi mới tầm bốn tuổi! Chiếc váy màu xanh biển, viền trắng, vạt phải có chiếc thuyền buồm trắng lớn nổi bật trên nền xanh, cổ lá sen thêu và trên yếm ngực trắng có hình những chiếc thuyền xinh xinh mang cánh buồm đỏ thắm thêu đắp bằng vải, lướt trên gợn sóng chỉ xanh mềm mại… Tôi như lịm người khi lần đầu tiên nhìn thấy nó trong đời.
Các bạn thử hình dung vào giữa những năm tháng chiến tranh đói ăn thiếu mặc, ở một vùng quê trung du heo hút, con trẻ chẳng biết cái váy đầm hình thù ra sao thì sự xuất hiện của cái đẹp mê hồn ấy là một sự hiếm hoi, kỳ diệu đến khó tin như thế nào. Tôi dường như nín thở, mát lạnh cả người khi mặc chiếc đầm còn thơm hương vải, lạ lùng và lâng lâng ấy.
Tôi đã mặc và giữ gìn nó mọi lúc, mọi nơi có thể. Chiếc váy như biết thương tôi, màu xanh cứ biếc xanh dù bị giặt khá nhiều. Cánh buồm trắng, đỏ vẫn lướt bay trên nền vải. Tôi không mặc nó lúc ra đồng, leo núi hay làm việc vặt, đi học… chỉ mặc đầm khi nhẹ nhàng ở nhà, khi nhớ bố, cứ thế suốt mấy năm trời. Đến khi chiếc váy ngắn cũn trên gối, tôi mới chịu để mẹ cất đi rồi chuyển giao cho các em…
Đó là chiếc váy đầu tiên trong đời mà tôi nhận biết và mãi nhớ về nó. Và do ai tặng chứ? Chính là bố yêu quý của tôi – chú bộ đội thường xuyên biền biệt xa nhà mà mới đôi năm trước, tôi còn lạ không cho bố bế, đến lúc quen hơi, bố đi  lại khóc đòi theo…
Lũ trẻ gái chúng tôi ngày đó thường chỉ biết kết lá hay lấy khăn đội đầu quấn làm váy múa hát thôi. Đôi khi bị bà, mẹ quát vì tội toàn buộc ngang bụng bằng dây rơm, dây chuối…Đứa may mắn có cái khăn voan, hay khăn len, khăn dù, đứa lấy tạm vuông tã em hay chiếc khăn vuông đen của bà, đứa cài lá sen, lá sắn làm váy…Thế nên việc tôi có một chiếc đầm đúng nghĩa quả là một sự kiện nơi xóm nhỏ. Nhiều đứa trẻ thấy tôi đi qua chỉ chỏ, thầm thì. Tôi không vênh mặt hoặc ngại ngùng theo thói thường mà lòng buồn buồn nghĩ: Giá các chị, các bạn gái nào cũng có chiếc váy xinh như mình để cùng đi chơi, đi học, múa hát thì vui biết bao!
Chiếc váy của tôi còn có hai chữ thêu nhỏ xinh nơi nếp cổ sau mà khi biết đánh vần tôi đọc ra là “Đức Hạnh”. Mẹ bảo bố mua ở nhà may nổi tiếng Đức Hạnh – Hà Nội. Hiệu may ấy vang danh đến nỗi mà một chú bộ đội lơ ngơ về thời trang, ghé qua ít phút như bố tôi, hỏi tìm mua đồ làm quà cho các con, người ta mách đến ngay. Chiếc váy ấy mang bao tình yêu con gái của bố, một người lính luôn sống trong dằng dặc nỗi nhớ gia đình, quê hương. Ngày biết tôi sinh ra đời, bố đã viết một lá thư thật dài cho mẹ. Trong đó, bố nói lý do tại sao lại đặt cái tên ý nghĩa cho tôi và còn có cả bài thơ ngọt ngào tình yêu tặng con gái nhỏ. Lá thư ấy tôi đã từng được xem, chữ bố đẹp lắm, có cả hình hoa bố vẽ. Tiếc là sau này, nhà trúng bom rải thảm không còn gì nữa.
Ngày bố về thăm mua tặng chiếc váy xinh là khi biết tin con gái ốm nặng.Tôi ốm thập tử nhất sinh, sốt mê man nhiều ngày và cứ thấy mình rơi, rơi mãi vào vô tận… Là người lính quân y nên bố tranh thủ xin về phép, tự tay thuốc men, tiêm chữa cho tôi. Mỗi lúc tôi tỉnh, lại thấy gương mặt, bàn tay bố bên cạnh, đôi mắt sâu thăm thẳm nỗi buồn…
Cũng không rõ tôi khỏi vì gì nữa. Sự chăm sóc yêu thương, chữa trị của bố mẹ? Sự thành tâm cầu xin Trời Phật, Thánh thần, Tổ tiên của ông bà? Sự quan tâm của các anh chị, của cả đại gia đình nơi xóm nhỏ? Vì khao khát được diện váy đẹp? Chỉ biết sau một buổi chiều, bà ngoại tôi tất tả cắp chiếc rổ nhỏ ra lễ ở ngôi miếu gần như bỏ hoang dưới chân núi, giáp cánh đồng đầu làng, tôi ngủ một giấc thật ngon và hôm sau sảng khoái dậy, diện váy mới bố mua, ríu rít chạy ra sân khoe bố như chưa hề bị ốm… Bố đã mừng vui ôm chầm con gái vào lòng, kể cho tôi nghe biết bao chuyện cổ, về chú mèo đi hia thông minh, về chú gấu hoá thân thành hoàng tử, về nàng Bạch Tuyết xinh đẹp và bảy chú lùn khiến tôi mắt xoe tròn mê thích. Có lúc bố nâng cây đàn măng đô lin, “người bạn chiến đấu” của bố như bố thường nói, gảy những âm thanh reo vui vang giòn, réo rắt và cất tiếng hát những bài ca người lính. Tôi là khán giả nhí say sưa nghe bố hát, mắt tít cười và đồm độp vỗ tay…
Rồi bố phải trở về đơn vị, tôi ngẩn ngơ mất mấy ngày, cứ đòi mặc suốt chiếc váy xanh thủy quân. Khô rồi lại mặc. Có cảm giác ấm êm của vòng tay và hơi ấm bố ở đó.
Những năm tháng chiến tranh ấy, có những ngày bầu trời gầm rít tiếng bom đạn giặc, mặt đất rung chuyển dưới chân. Lũ trẻ chúng tôi núp dưới hầm sâu. Những chùm rễ tre ăn sâu buông trắng nóc hầm. Ngày ẩm trời, có những giọt nước li ti trong veo dưới đầu rễ trắng. Tôi giơ tay hứng nước, hình dung như chú hải quân hứng mưa trên biển mà bố kể. Đất chao đảo bom thì tưởng tượng như sóng biển đung đưa. Đôi khi, hai tay chống đất, chúc đầu tránh sức ép bom nổ mà ngây thơ chẳng biết sợ là gì, chỉ sợ váy đẹp bố mua bị bẩn.
Một ngày may mắn, chúng tôi vừa lóp ngóp dưới hầm lên thì có một vị khách sang trọng về thăm quê ghé ngang chụp cho mấy kiểu ảnh kỉ niệm. Tôi ôm chú mèo mướp ngây thơ ngước mắt lọt vào ống kính, để rồi bức hình hiếm hoi thời chiến được cha mẹ giữ gìn theo tôi suốt tháng ngày.
Bây giờ thì hầu hết các cô bé con, kể cả ở các vùng xa không thiếu gì váy áo. Mẫu mã, màu sắc thời trang muôn màu. Không còn thấy nhiều ánh mắt khát thèm của các “mặt trời nhỏ” dán vào những bộ đầm. Nhà may Đức Hạnh (Hàng Trống, Hà Nội) sau một thời kỳ dài quốc hữu hoá rồi được “trả lại tên cho em” thời kinh tế thị trường, nhưng không còn vang danh như cũ. Sao mà giờ tôi vẫn giữ thói quen mê các bộ váy áo đẹp, tinh tế, có cảm giác người thiết kế như thổi hồn mình vào đó. Mỗi chiếc váy, đường kim mũi chỉ tựa một công trình nghệ thuật. Tôi vẫn ngẩn ngơ mỗi khi qua những hàng thời trang trẻ em. Đi mua đồ cho con trai thì thế nào cũng mang về thật nhiều đồ cho con gái. Khi con gái lớn thì mua váy áo tặng sinh nhật các bé gái dễ thương nhà bạn bè, người thân, hàng xóm, và rồi đây đến các cháu của mình.
Tôi dự định, một hôm nào đó sẽ đến nhà may Đức Hạnh cũ, hỏi thăm về một thời đã qua, chụp ít ảnh kỉ niệm và tưởng tượng ngày xưa có chú bộ đội đeo ba lô ngơ ngác hỏi thăm, tìm đến phố cổ sang trọng này, mua chiếc váy đầu tiên cho con gái sau mấy năm chỉ thấy con trong tưởng tượng. Hẳn khi ấy, gió Hồ Gươm cũng xao xuyến lắm và lòng bố lâng lâng như những đám mây trắng bồng bềnh bay trên bầu trời xanh biếc hào khí Thăng Long…
22/7/2023
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...