Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Mênh mang Tả Phìn

Mênh mang Tả Phìn

Mênh mang, mênh mang tiếng sáo gọi bạn nơi đầu núi, nơi cuối bản. Nơi chàng trai khoác rìu lên rừng tìm gỗ dựng nhà, nơi cô gái Dao Khâu chăm chỉ nhuộm vải may áo đợi ngày về nhà chồng. Nơi con suối Tả Phìn nghiêng mình bên núi Đá Ô quanh năm mây phủ, nghi ngút khói hương trong lễ cấp sắc, lễ đặt tên… Nơi anh hẹn em mang mùa vàng về trên đá. Nơi sắc trắng hoa Đương Quy ngập đầy trong giá rét mùa đông. Em có nhớ không mảnh đất Tả Phìn ấm áp tình người, tình cây, tình đất?
Tả Phìn gác tay ngủ ở lưng chừng núi nên đường về cũng phải qua đôi ba khúc cua uốn lượn quanh co đèo dốc, gập ghềnh suối xa. Mùa xuân vừa kịp tỉnh giấc, cánh đào cũng rộ hồng chúm chím môi hoa. Những vườn cải ngồng, cải làn đang độ lớn gặp gió về, sương vãi nên căng tròn một màu xanh mướt mát. Mây chùng chình qua mấy đỉnh núi, ngọn đồi rồi buông mình lả lơi bên những hàng cây cổ thụ đang rũ bóng che chắn cho miền cổ tích được lưu giữ tự bao đời nay ở núi Đá Ô hay động Ông Tiên lừng lững giữa bạt ngàn mây, bạt ngàn gió.
Xuân về nhưng khí trời ở Tả Phìn vẫn lạnh nên cây rừng cứ xoắn xít, ôm ghì lấy nhau như nỗi quyến luyến của nàng Kiều khi chia tay chàng Kim. Lớp bụi thời gian co vào rồi xếp chồng lên nhau như những lớp đá xanh trên liếp mái nhà mình. Từng thớ đá in hằn những nhọc nhằn của mẹ, giọt mặn cuộc đời cha chở che tuổi thơ con qua mưa nắng, bão giông của cuộc đời. Ai đi xa rồi có nhớ đôi má hây hây đỏ vì rét, vì buốt, vì ánh lửa bấp bùng trong đêm đông giá? Có nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng mỗi sớm mai khi nhà trai đến đón dâu cho kịp giờ lành? Có nhớ nhịp bước rộn ràng của thầy mo trong lễ đặt tên hay leng keng tiếng bạc trên áo mới của chàng trai trong Lễ trưởng thành suốt bảy ngày đêm sập sình khắp bản làng?
Lễ cấp sắc hay còn gọi là Lễ Trưởng thành đối với người đàn ông dân tộc Dao rất quan trọng. Chỉ ai được làm Lễ Trưởng thành thì mới là người đàn ông thực thụ, mới được coi là con cháu của Bàn Vương, được làm thầy và được quyền thờ cúng tổ tiên. Ở Tả Phìn, người Dao Khâu thường làm Lễ Cấp sắc cho các chàng trai từ 10 tuổi trở lên vào mùa xuân. Khi tiết trời đã ấm áp, trăm hoa khoe sắc thì người đàn ông dân tộc Dao lại “khoe” sự trưởng thành của mình với trời đất, thần linh. Vì thế, Lễ Cấp sắc là điểm tựa tâm hồn của người Dao để họ vượt qua khó khăn thử thách và hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Thời gian đã xóa nhòa nhiều thứ nhưng những giá trị tinh thần của đồng bào dân tộc Dao vẫn được người Dao Khâu ở Sìn Hồ gìn giữ. Nhìn về quá khứ, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định cái tên Dao Khâu là do nhánh người Dao di cư vào Sìn Hồ tự nhận tộc của mình để thể hiện khát vọng xây dựng cộng đồng dân tộc Dao đa màu sắc trong bức tranh văn hóa các dân tộc ở Việt Nam. Và cách gọi Dao Khâu là cách để họ tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống thường ngày. Họ chăm chỉ dệt vải, may khâu cho người thân nhưng bộ quần áo đẹp lộng lẫy nhất, dù màu chủ đạo trên trang phục là màu đen. Nhưng em thử nhìn ngắm thiếu nữ Dao Khâu trong ngày cưới đi! Màu đen huyền bí, màu chàm thủy chung, màu bạc sáng trắng chẳng phải quyến rũ lắm sao?
Người Dao yêu rừng, yêu núi như yêu trái tim mình vậy. Từ thuở cha ông mở đất thì rừng núi là nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần cho con người nơi đây. Từ lúc sinh ra treo bánh rau ở ngọn cây cho đến lúc từ giã cuộc đời chọn cho mình một ngọn đồi, ngọn núi để nằm. Có phải vì thế mà mỗi người đàn ông dân tộc Dao đều hãnh diện khi được đặt tên là Sơn, là San với ước vọng đứa con ấy sẽ mạnh mẽ, vững trãi như núi như rừng? Mỗi cô gái tên Mẩy, tên Lưu đều là một niềm tin được gửi gắm về một cuộc sống sung túc, an lành? Có phải vì tình yêu ấy mà mỗi hòn đá, mỗi hang núi, mỗi loài cây lại được nhân dân nhìn ngắm như một cuộc đời, một số phận, một câu chuyện liên quan đến con người? Có phải vì thế mà núi Đá Ô, động Ông Tiên còn mãi đến bây giờ?… Có phải vì thế mà nguồn dược liệu từ rừng chỉ có người Dao mới hiểu được công dụng của nó, gìn giữ và truyền qua nhiều thế hệ?
Buổi chiều cuối xuân, tôi gặp Mẩy Thanh ở lưng chừng con dốc Tả Phìn. Một cô gái với khuôn mặt bầu bĩnh, cái lún đồng tiền xin xắn cứ lấp ló mỗi lúc em cười khiến cho người đối diện luôn có cảm giác bình yên. Tôi mời em hạ lu cở, ngồi nghỉ để uống nước. Con dốc không cao nhưng lu cở thuốc nặng được Mẩy Thanh cõng quãng đường khá xa nên mặt em ửng đỏ như màu mặt trời đang hạ sau núi. Nhà Mẩy Thanh bao đời lấy thuốc tắm – bài thuốc gia truyền trước giờ chỉ có đàn ông mới được kế nghiệp nhưng những ngày thơ ấu, Mẩy Thanh theo ông ngoại lên rừng hài thuốc rồi tự học thuộc lòng các bài thuốc từ bao giờ. Khi ông ngoại còn sống, Mẩy Thanh vẫn lặn lộn khắp các cánh rừng của cao nguyên để tìm thuốc cùng ông. Giờ ôn theo tổ tiên, Mẩy Thanh trở thành người kế nghiệp ôn trong sự ngỡ ngàng của dân bản. Việc trở thành người kế nghiệp của Mẩy Thanh ban đầu không dễ dàng bởi quan niệm: lấy thuốc cứu người nhưng có khi không cứu được mình…Bằng tình yêu núi rừng, tình yêu với nghề bốc thuốc mà Mẩy Thanh đã vượt qua những cánh rừng đại ngàn, tìm đủ 15 vị thuốc tắm, nấu đủ 3 nồi để trưởng họ thử và công nhận nhận tay nghề… Và cũng từ đó, người ta biết đến Mẩy Thanh, tìm Mẩy Thanh để được tắm thuốc, ngâm thuốc chữa bệnh đau lưng, đau mỏi vai gáy…
Đi từ thị trấn vào, quành qua vài ngõ nhỏ sập xệ những giàn su su lủng lẳng những quả là quả là đến núi Đá Ô. Ngọn núi không quá cao nhưng tròn vành vạnh như một chiếc ô cắm trên đỉnh núi. Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một ông tiên trên trời, vén mây nhìn xuống hạ giới thấy bản làng tươi đẹp quá mới giáng trần dạo chơi, khi về trời ông để quên chiếc ô rồi hóa đá cho đến ngày nay nên ngọn núi ấy mới được gọi lá núi Đá Ô. Người Tả Phìn vì trân quý những thứ tạo hóa ban cho mình mà lập bàn thờ dâng hương tưởng nhớ qua nhiều thế hệ để rồi giờ đây Núi Đá Ô như là chốn đi về của thần linh một cõi.
Qua núi Đá Ô, trèo núi khoảng 2km là động Ông Tiên. Theo dân gian thì đây là nơi thuở ấy ông tiên dừng chân nghỉ ngơi khi dạo chơi hạ giới vì thế mà đá núi vui mừng nở hoa trên từng ngóc ngách hang sâu. Những thạch nhũ cứ thế chồi ra muôn hình vạn trạng từ cửa hang và đến tận cùng của động. Cùng với âm thanh tí tách của nước được chắt lọc qua nhiều tầng đá khiến cho người đến dạo chơi có cảm giác lành lạnh như bước vào một thế giới vừa thâm u, tĩnh mịch vừa đẹp đến mê hồn… Vượt qua thời gian, gắn liền với những biến cố lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay chiến tranh Biên Giới động Ông Tiên giờ đây là di tích lịch sử, là niềm tự hào về những chiến tích oanh liệt của nhân dân Sìn Hồ chống giặc bảo vệ Tổ quốc.
Trên mảnh đất cằn trơ mõm đá, những cô gái thoăn thoắt tay liềm, tay cuốc để Đương Quy thơm lừng rừng núi ngày đông, để hoa cải rộ vàng cuối xuân, để bếp than đỏ hồng những thông mùa hạ và thậm thịch tiếng chày giã gạo, giã ngô dưới trăng mùa thu. Thoảng trong gió xuân là vị nồng nàn của thuốc tắm người Dao, là dịu dàng hương cốm, hương nếp của Lễ Cấp sắc, là vị ngọt của giá trị văn hóa đang được gìn giữ bao đời như báu vật nơi đây… Cuộc sống hiện đại đang hình thành bên trong cách nghĩ, cách sống của lớp trẻ nhưng Tả Phìn vẫn mênh mang một cõi như nốt thăng trong bản nhạc du dương của cao nguyên Sìn Hồ.
14/1/2023
Châm Võ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...