Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Áo cóm yêu thương

Áo cóm yêu thương

Đã từ lâu, những bộ trang phục của các đồng bào dân tộc ở quê hương đã hấp dẫn tôi, mỗi một dân tộc có một trang phục riêng, khác biệt, mang đậm dấu ấn truyền thống của mình. Với tôi, trang phục của dân tộc Thái hấp dẫn theo một cách rất đặc biệt.
Dân tộc Thái ở Việt Nam có hai phân nhánh chính, đó là người Thái Đen và người Thái Trắng. Trang phục chung đều là áo cóm có hàng cúc bạc và váy nhung đen, có dây đai và trang trí thêm xà tích bạc, đầu đội khăn piêu. Tuy nhiên, tùy mỗi phân nhánh mà cách may áo có khác nhau đôi chút. Đối với người Thái Trắng, áo cóm may cổ thấp, có hình trái tim, nẹp vải đen. Đối với người Thái Đen áo may cổ tròn, cao, ôm khít lấy cổ. Người Thái Đen có thêm tục “tằng cẩu” rất đặc biệt.
Áo cóm ngày nay đã được cách tân đi nhiều cho phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Tay được cắt ngắn đi, vai có thể làm bồng lên. Vải may áo ngày xưa phải trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm. Nhưng ngày nay có thể dùng nhiều loại vải với nhiều màu sắc sẵn có để may áo. Loại áo được ưa chuộng ở hiện tại là áo dùng vải lụa satin tơ tằm, kết hợp may với ren cùng màu ở khoảng vai và tay áo, áo thường được may vai hơi bồng với kiểu tay lỡ. Áo thường được may bó sát người, bên trong thường để chừa một khoảng vải mỗi bên hai phân để người mặc có thể nới ra thêm tùy theo sự thay đổi của ngoại hình.
Tuy có cách tân về kiểu áo và chất liệu vải may áo nhưng cúc áo vẫn giữ nguyên là mười ba cúc từ cổ áo xuống thành một hàng thẳng. Một bên là hàng khuy bướm đực, một bên là hàng khuy bướm cái. Cúc áo ngày nay thường được làm từ nhôm, cúc bạc rất ít, thường chỉ có cha mẹ làm cho con gái để mặc trong ngày cưới như của hồi môn trước khi về nhà chồng. Đây cũng là một phong tục mang ý nghĩa truyền thống và nhân văn. Ý mong muốn con gái sau này khi chết đi thì mặc áo cóm bố mẹ may cho vào ngày cưới để trở về nhận mặt tổ tiên. Cúc áo được làm thành nhiều hình dạng: Hình bướm; hình con nhện; hình con ve; hình lá cây.
Về phần chân váy thường được làm từ váy nhung đen hoặc vải satin đen. Theo hình dáng thì váy nhung có hai loại, một loại trơn và một loại có đính kim sa hình hoa lá có màu sắc đẹp và bắt mắt. Theo chất liệu thì váy nhung có nhiều loại: Hàng loại một, chất liệu vải không giãn, nhung đen mượt, giặt không bị bay mất lớp nhung ở ngoài và có giá thành khá đắt; Hàng loại hai và ba, vải giãn, giặt nhiều thì lớp nhung ở ngoài không bền, giá thành rẻ hơn một nửa so với nhung loại một.
Đai váy thường được may bằng vải xanh, nẹp cứng hơn bình thường. Váy hiện đại thường được may xếp sẵn phía trước váy và cài bằng khuy cài quần tây nên rất tiện lợi cho người mặc. Nhưng đối với váy satin đen (được người trung tuổi và người già ưa chuộng hơn) thì phải có thêm dây buộc váy được may từ vải xanh, dài, rộng khoảng 5cm, may kín hai bên mép vải và có hở một đoạn nhỏ ở gần hai đầu dây buộc váy để đựng tiền, đây cũng là một sự khéo léo trong may mặc của người phụ nữ Thái khi xưa.
Mặc một bộ váy áo cóm lên người, kín đáo mà vẫn toát lên một vẻ đẹp rất quyến rũ, bởi bộ váy đã khéo léo khoe ra được những đường cong của người phụ nữ Thái một cách tài tình và dịu dàng nhất. Bởi vậy, mỗi khi đến với Tây Bắc người ta không chỉ trầm trồ trước phong cảnh hùng vĩ, mà còn ngưỡng mộ trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của các cô gái Thái nơi đây. Với riêng tôi, những kỉ niệm với bộ váy áo cóm được lưu giữ trong những bộ ảnh chụp cùng với nhà sàn, với cọn nước,… Trong tâm thức của tôi, bộ áo cóm vừa là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, vừa là cái duyên gặp gỡ đặc biệt khó quên.
26/8/2022
Đặng Thùy Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...