Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Miền nhớ và Lời ru

Miền nhớ và Lời ru

Giờ thì điều kiện kinh tế gia đình tôi cũng rất ổn định, thậm chí có thể nói là dư dả. Thế nhưng tôi lại thèm, rất thèm những bữa cơm mà vợ chồng, con cái cùng ngồi quây quần bên nhau ăn. Nhớ Ba, nhớ về lời dặn trước đây tự dưng hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Tôi đứng dậy, bỏ đi lên phòng, đóng cửa lại rồi ngồi lên giường khóc ngon lành như một đứa con nít…
MIỀN NHỚ
Biết làm sao được khi những ký ức đã nằm yên nơi đó, nơi thảm cỏ xanh giờ đã mọc xanh rì.
Tôi lại tần ngần ngồi dưới tàn cây trứng cá. Đưa cặp mắt ngước nhìn vạt nắng chiều xuyên qua mấy kẽ lá yếu ớt. Vẫn còn trong tháng 9 vậy mà không biết ở đâu mấy chùm gió chướng lại kéo về. Tội cho tụi gió mồ côi còn sót lại, phải lết phết chạy tránh, kéo theo mấy cái lá vàng rơi chỏng chơ trước mặt.
Chắc cũng qua bao mùa gió chướng rồi và cũng ngần thời gian ấy tôi xa quê. Chỉ có ai sống xa xứ mới hiểu được điều này. Sống giữa phố thị đông người, ồn ào, tấp nập lúc nào cũng bị cuốn theo cái guồng quay hối hả. Vì cuộc sống mưu sinh nên con người ta ai cũng phải vật lộn với biết bao lo toan, tính toán hàng ngày. Tôi cũng không ngoại lệ. Có những lúc mệt nhoài, tôi thèm được quay trở về quê xưa, được đắm mình trong trong dòng nước mát nơi bến sông trước nhà, được ngồi dưới gốc cây vú sữa, cùng lai rai với mấy thằng bạn nghèo trong xóm, tận hưởng cái món cá lóc đồng nướng trui. Mùi khói từ đống rơm khô cay xè, mùi thơm từ cá nướng chín, tất cả cùng hòa quyện nhau khiến món ăn không thể nhầm lẫn vào món ăn nào khác.
Rồi cứ hễ mỗi lúc chiều về, khi mấy chùm nắng chiều lợt nhách còn sót lại, rãi lên cái thảm cỏ phía sau nhà, tụi bạn lại tụm bảy tụm ba, cất mấy cái nhà chòi bằng lá chuối, cùng chơi trò đám cưới rước dâu, ca nghêu ngao mấy câu vọng cổ rồi cùng ngã mình nằm trên cỏ, ngước mắt ngắm nhìn bầu trời trong veo có cả mấy sợi khói đốt đồng ai đang thả…Sao mà thèm đến quay quắt, thèm đến rơi nước mắt luôn. Chỉ có xa quê mới thấu cảm được nỗi lòng này. Tội lắm! Dù không về được nhưng cái tình, cái nghĩa vẫn luôn đong đầy giống như con nước dưới bến sông trước nhà vậy.
Tôi đã đi qua bao miền ký ức và dẫu nhưng ký ức xưa đã nằm yên nơi mấy thảm cỏ xanh rì nhưng tự trong sâu thẩm lòng mình những ký ức ấy vẫn còn luôn tươi rói, giống như chỉ mới hôm qua thôi. Thiệt mà!
LỜI RU
Chiều xuống, con nước dưới kinh cũng vừa ngấp nghé tràn bờ. Vậy mà lũ bìm bịp nào có chịu im, cứ rướn cổ, kêu những tràng nghe sao mà não nuột.
Mâm cơm chiều Ba đã dọn sẳn, chờ mấy anh em tôi đi làm đồng về. Nhiều lần thấy ông già chờ lâu, sợ ông đói nên anh em tôi cũng dặn ở nhà ông cứ ăn trước, hơi đâu mà chờ. Nhiều lần như vậy ông đâm ra buồn, rồi giận. Có lần ông không nói gì, chỉ lặng lẽ xuống dưới kinh trước nhà, ngồi một mình nhìn về cuối bãi, nơi có đám ô rô mọc dày đặc và cũng là nơi mà lũ le le thường tập hợp về, kêu xao xác gọi bầy.
Má tôi bỏ cha con tôi khi thằng út Lượm vừa cai sữa được vài tháng. Là người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh nhưng ông không sao giấu nỗi sự đớn đau trước nỗi mất mát quá lớn, quá bất ngờ này. Trong cái đám buồn hôm ấy, nhiều lúc ông muốn ngã quỵ nhưng nhìn những mảnh khăn tang trắng vắt ngang đầu tụi nhỏ phải mồ côi mẹ sớm mà khiến ông càng phải cố gắng để vượt qua. Khi đó ông cũng còn khá trẻ nên bà con lối xóm đến chia buồn, ai cũng thương cho hoàn cảnh của cha con rồi cũng có người xầm xì, bàn tán. Chắc sớm muộn gì ông ấy cũng gá nghĩa với người phụ nữ nào đó để cùng nuôi đám con thơ dại. Lo gì! Vậy mà ông vẫn một mình, gà trống nuôi con, chăm sóc dạy dỗ anh em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.
Ông có một cái tài là nấu ăn rất ngon. Người ta thường nói, đàn ông mà vào bếp, chịu nấu nướng thì chấp hết mấy người đàn bà luôn. Ừ, mà đúng thiệt như vậy! Ông nấu ăn ngon lắm. Nhà chỉ toàn đàn ông, chỉ mỗi mình tôi là con gái, cũng nhiều lần tôi cũng đòi vào bếp nhưng đều bị từ chối. Ông thương lũ con sớm mất tình cảm của mẹ nên ông giành vào bếp suốt, riết rồi thành quen nên giờ bất cứ món ăn nào được ông nấu đều rất là ngon. Cứ mỗi bữa cơm gia đình, cả nhà cùng ngồi quây quần bên nhau, thiệt ấm cúng. Ông cũng thường nhắc chừng chúng tôi, sau này khi có vợ có chồng, làm gì thì làm cũng phải duy trì được bữa ăn trong gia đình. Vợ chồng, con cái phải ngồi vào bàn ăn đầy đủ.
Tôi có chồng, được gả về một thành phố lớn. Lúc đầu vì chưa quen với cuộc sống tất bật ồn ào nơi phố thị nên thường bị choáng ngộp, mệt nhoài. Chắc nhờ cái đức của má tôi để lại nên gặp được người chồng lúc nào cũng thương yêu, lo lắng và quan tâm. Là lãnh đạo của một quận trong thành phố nhưng hễ mỗi lần tan sở, anh cũng tranh thủ ghé qua chợ, rồi về nhà chuẩn bị sẳn bữa cơm. Khi mẹ con tôi về đến nhà thì bao giờ cũng có những bữa cơm ngon chờ sẳn.Vậy đó, cái niềm vui chỉ từng ấy thôi mà tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Gia đình lúc ấy cũng còn có chút chật vật, khó khăn nhưng trong trong ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Rồi anh được đề bạt ở vị trí cao hơn và cơ quan làm việc của anh lại ở rất xa nhà nên anh thường đi làm sớm hơn và về nhà cũng trễ hơn. Tôi thì lúc này công việc cũng đã ổn định nên phải dành nhiều thời gian hơn ở văn phòng. Con cái giờ cũng lớn, học hành cũng nhiều hơn nên cũng ít ở nhà. Khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa hơn và những bữa cơm gia đình cũng dần dần ít đi. Tôi bị sốc và thường khóc trên đường khi lái xe đi làm cũng hơn một tuần.
Tôi sốc không phải vì chồng tôi không còn lo lắng, quan tâm đến vợ con. Anh ấy vẫn luôn là người chồng tốt, là người cha có trách nhiệm. Chẳng qua là do công việc quá nhiều nơi cơ quan, do cuộc sống với những bận bịu, lo toan. Giờ thì điều kiện kinh tế gia đình tôi cũng rất ổn định, thậm chí có thể nói là dư dả. Thế nhưng tôi lại thèm, rất thèm những bữa cơm mà vợ chồng, con cái cùng ngồi quây quần bên nhau ăn. Nhớ Ba, nhớ về lời dặn trước đây tự dưng hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Tôi đứng dậy, bỏ đi lên phòng, đóng cửa lại rồi ngồi lên giường khóc ngon lành như một đứa con nít…
28/8/2022
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...