Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Bút ký của Nguyễn Duy Hiến: Mẹ tôi

Bút ký của Nguyễn
Duy Hiến: Mẹ tôi

Củ khoai, củ sắn mẹ nấu tiếp sức cho các con sau mỗi bận lội suối băng rừng. Tôi ôm ấp tình thương ấy suốt dọc chiều dài biên cương Tổ quốc. Hay những ngày đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi cũng có những người mẹ yêu thương coi tôi như con đẻ của mình. Có lẽ vì tôi mồ côi mẹ từ sớm nên luôn đặt niềm tin tình thương kính trong mỗi người mẹ chăng? Và như thể mẹ mình không mất, vẫn hiển hiện ở trên đời. Mẹ luôn bao dung nhân hậu đảm đang. Mẹ trong sáng như vầng trăng rằm, như ánh mặt trời ban mai làm ấm lòng con.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, thơ Trần Đăng Khoa lan truyền rất rộng, lũ trẻ vùng tuyến lửa chúng tôi đứa nào cũng thuộc được vài bài. Tôi thích nhất bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa vì khi đọc lên tôi như thấy có hình ảnh của mẹ mình trong đó:
Nắng mưa từ những ngày xưa/Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan…/ Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi…/ Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn…
Tôi được sống bên mẹ một thời gian quá ngắn ngủi. Năm tôi vừa 7 tuổi, mẹ ra đi trong đợt máy bay Mỹ oanh tạc. Anh em tôi đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa bé nhất 8 tháng. Vành tang trắng chít lên đầu em gái tôi khi mới lẫm chẫm biết ngồi. Ba tôi gà trống nuôi con, chèo chống cho chúng tôi khôn lớn mỗi ngày.
Tôi nhớ như in khi mẹ còn. Từ tinh mơ mẹ đã ra vườn, lui cui phát phát, cuốc cuốc đến chớm trưa mới nghỉ. Chiều mặt trời vừa chếch về tây độ một đòn gánh mẹ lại ra vườn, lui cui phát phát cuốc cuốc đến hoàng hôn buông sẫm mới thôi. Cái lưỡi cuốc con gà bập xuống sỏi đá tóe lửa phả mùi khen khét. Ngày này qua ngày khác nó cần mẫn bập xuống sỏi đá như thế cho đến lúc sáng loáng, cùn mòn. Đất núi. Một sào, hai sào, rồi ba sào đã được mẹ vỡ hoang. Đất hoang thành đất vườn. Mảnh vườn ngấm biết bao mồ hôi của mẹ. Nếu là nước chắc nó cũng đến độ mặn chát rồi. Nhưng nó là đất, đất ngấm mặn mòi mồ hôi mẹ hóa ngọt lành nuôi sắn khoai, rau quả xanh tốt lớn lên. Mẹ trở thành nông dân lúc nào chẳng hay mùa nào thức ấy, nón lá áo nâu gieo ươm cấy trồng. Cây lương thực thì có sắn khoai ngô, đậu. Rau thì có muống, cải. Gia vị có ớt, tỏi, nghệ, hành. Ăn quả thì có chuối, chủ yếu là chuối, dễ trồng mau được ăn. “Trẻ trồng na, già trồng chuối” mà…
Mảnh vườn của mẹ đã cứu đói cho cả gia đình. Nếu bây giờ có ai đó hỏi rằng “Mẹ anh đã có đóng góp gì cho cuộc kháng chiến chống Mỹ?”, tôi sẽ trả lời ngay rằng: “Chiến công của mẹ tôi là làm được mảnh vườn ba sào để cứu đói chúng tôi. Nhờ ba sào đất thâm canh tổng hợp đó mà chúng tôi đỡ xanh xao, ba tôi yên tâm vác túi y tá đi cứu người bị thương, bị ốm. Một sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là một nhà thơ nổi tiếng sau này, anh trai tôi không bị kiệt sức vì đói trong những năm khốn khó đó”. Tôi nói vậy, sẽ nói vậy. Ai đó có bảo tôi gàn dở, hâm hấp tôi cũng quyết bảo lưu ý kiến đó. Trong tâm tưởng của tôi, mẹ bao giờ cũng là người vĩ đại. Rất nhiều người mẹ như thế, rất nhiều cái vĩ đại như thế trên đất nước này trong mấy chục năm chiến tranh.
***
 Mọi người xúm lại đưa mẹ tôi từ dưới hầm lên. Mái tóc đen nhánh của mẹ lúc chiều mới gội còn thơm hương bồ kết chạm đất. Thấy thế, ba tôi nâng tóc mẹ đặt lên trước ngực. Người ta đưa mẹ tôi ra gò đất nơi có mấy bụi dứa dại mọc tua tủa bên sông Rào. Mấy anh em tôi ngồi bên cạnh mẹ tấm tức khóc. Trong làn khói lam mờ, tôi thấy mẹ mở mắt ngồi dậy, ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi nói: “Tại sao các con đều khóc thế?”. “Mẹ bị bom bi Mỹ đêm qua, mẹ bị thương nặng quá nên không qua khỏi…”, tôi nói. Mẹ cười: “Đâu phải, mẹ đi chợ về mệt quá nên ngủ một giấc dài giờ mới tỉnh”. Tôi nửa tỉnh nửa mơ hỏi dồn mẹ: “Mẹ ơi, thế là mẹ còn sống, còn sống phải không mẹ?”. Bóng mẹ mờ mờ dần rồi mất hẳn. Tôi gào lên: “Mẹ ơi! Đừng bỏ chúng con mà đi, mẹ ơi!”.
Chiếc quan tài bằng gỗ tạp đã đóng xong, mấy bác mấy chú đặt mẹ tôi vào đó. Cậu tôi đi mua vải xô về, xé ra cho anh em chúng tôi mỗi đứa một vành tang trắng. Em gái út tôi 8 tháng tuổi gầy gò bé xíu cũng được cậu  chít cho một vành vải trắng trên đầu. Chẳng biết em có biết mẹ mất không mà đôi mắt đen láy bỗng long lanh ướt. Thời chiến, mọi việc phải tiến hành khẩn trương. Mấy thanh niên khiêng quan tài mẹ tôi đặt xuống huyệt đã đào xong bên cạnh. Ba tôi nhảy xuống ôm ghì lấy quan tài của mẹ, nước mắt giàn giụa trên mặt. Cậu tôi phải nhảy xuống kéo ba tôi lên để mọi người lấp đất. Tiếng phản lực rẹt qua đầu, mọi người đành phải đứng im. Phía núi Ba Trại tiếng bom vọng về ầm ầm. Một nấm mộ đã được đắp lên. Mộ mẹ tôi.
A boat on the water

Description automatically generated
Thời gian dần dà trôi. Ba tôi bận việc trạm xá xã, vắng nhà luôn. Anh em tôi cui cút bên nhau. Mẹ mất, căn nhà trở nên hoang vắng. Tuổi thơ trĩu nặng nỗi buồn mồ côi mẹ. Khôn nguôi trong lòng tôi những năm tháng buồn bã ấy. Tôi nhớ những đêm ba nằm trên cánh võng đay mắc dưới hầm ru em tôi ngủ. Ba để em tôi nằm sấp trên ngực mình, một chân thõng xuống đất, một chân để xuôi theo mép võng. Ba ru em tôi ngủ mà như ru tất thảy chúng tôi, những đứa con sớm mồ côi mẹ. Ba ru dĩ vãng đoàn tụ, có vợ có chồng, có mẹ có con, không phải lúc nào cũng êm thuận vui vẻ cả nhưng bao trùm lên vẫn là tình thương ấm áp. Ba ru cảnh ngộ gà trống nuôi con vất vả của mình, vắng vẻ, cô độc biết bao! Giọng ba trầm lắng, buồn buồn: Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê/ Đôi mắt đượm tình quê/ Xa xa đoàn thuyền nan/ Buồm căng theo gió xuôi dòng/ Bóng trăng sương mờ/ Không gian trầm lắng nghe câu hò/ Hò ơi… Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/ Xin ai gìn giữ câu nguyền/ Trong cơn bão tố/ Vững bền lòng son…
Chúng tôi nằm im lặng nghe ba hát. Câu hò bên bến Hiền Lương là bài hát mà khi sống mẹ tôi rất thích. Tôi rưng rưng nghĩ, chắc đêm đêm mẹ thường bay về đây nghe ba hát và ngắm nhìn những đứa con thương yêu nhất của mẹ.
***
Khi mẹ còn sống, có một lần tôi cứ ngỡ đã làm cho mẹ buồn. Nhưng  mẹ không hề buồn mà càng thương tôi hơn vì mới 7 tuổi đã biết đi lấy củi và chăn vịt giúp mẹ. Thế nhưng tôi vẫn ân hận mãi, 55 năm qua bao ký ức tuổi thơ trong tôi với mẹ vẫn cháy bỏng không bao giờ nguội tắt.
Có ít tiền mẹ tôi mua chục con vịt về nuôi. Tôi chặt cây phụ mẹ làm chuồng. Hàng ngày, sau khi đi học về tôi lại lội ra ruộng bắt cua đồng và ốc về băm nhỏ cho vịt ăn. Chỉ hơn tháng sau đàn vịt đã gần đủ lông cánh, tôi lùa chúng nó ra ngoài mấy đám ruộng nước bỏ hoang. Bên cạnh có mấy thửa lúa ngà ngà chín. Đàn vịt say mồi băng qua ruộng lúa lúc nào tôi không hay. Đang thơ thẩn ngó mây nhìn trời tôi giật mình nghe tiếng vịt kêu quạc quạc. Tôi chạy lại ruộng lúa. Một người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt xương xương, cằm nhọn, trừng trừng nhòm tôi. Hai tay ông nắm chặt cổ hai con vịt cánh chưa kín lông. Ông quát tôi: “Mày chăn vịt thế à?”. Tôi cúi đầu: “Dạ, cháu biết lỗi rồi ạ. Lần sau cháu sẽ không thế nữa…”. “Lần sau, không có lần sau đâu nhé! Tao sẽ bắt hai con vịt này về”. Nói xong, ông lắp xắp bước đi. Tôi chạy theo khóc lóc nài nỉ xin lại, ông vẫn không cho. Tôi lao vào ôm chân ông hét to: “Ông không trả vịt lại tôi sẽ cắn ông đấy!”. Ông ta giơ tay tát vào má tôi: “Đồ con nít lếu láo này”. Tôi cắn ngay vào đùi ông ta. Điên tiết, ông tát tôi nhiều hơn.
Mẹ tôi và mấy bà con từ trong nhà chạy xuống. Mẹ tôi thét lên: “Ông kia, dừng lại ngay. Ai cho phép ông đánh con tôi thế!”. Và, trời ơi, cái sự hiền nhu thường ngày của mẹ tôi biến đâu mất, bà lao vào cầm tay ông kia lại: “Ông không nghe tôi nói gì à? Ông mà đánh con tôi thêm nữa thì đừng trách tôi đấy nhé!”. Mắt mẹ long lanh. Ông ta cũng có vẻ chờn: “Tại vì nó cho vịt sang ăn ruộng lúa của tôi. Tôi đánh!”. Mẹ tôi: “Nó là con nít, mãi chơi mới xảy ra nông nỗi thế. Ông là người lớn phải biết độ lượng tha thứ cho nó chứ. Hoặc tìm đến cha mẹ nó, bắt đền. Vịt tôi ăn hết bao nhiêu lúa nhà ông nào, nói đi, tôi đền cho. Cớ sao ông lại đang tâm đánh con tôi. Con ông bị ai đánh thế ông có chịu nổi không?”. Mặt người đàn ông tái đi khi nghe mấy người trong xóm cho biết ba tôi là y sĩ của xã thời kháng chiến chống Mỹ đã cứu thương bao người, trong đó có vợ của ông bị thương do miểng rốc-két vào người. Ông ta xin lỗi rồi trả vịt lại và còn hứa bữa nào đem chục hột vịt qua biếu ba tôi vừa xin lỗi vừa tạ ơn. Ông còn hứa cho tôi cặp gà con để nuôi.
Tối đó, tôi xin lỗi mẹ đã không chú tâm vào công việc để vịt qua ruộng lúa người khác. Mẹ ôm tôi vào lòng xoa tay lên đầu: “Con biết lỗi là tốt rồi. Trồng được cây lúa, cây ngô cho đến ngày ăn vất vả lắm con ạ. Của người ta cũng như của mình thôi, cần phải biết giữ gìn…”. “Dạ! Từ nay con không vậy nữa. Con cảm ơn mẹ!”.
Những buổi đi học về mẹ để dành phần cơm cho anh em tôi nhiều hơn, sợ anh em tôi đi học trường sơ tán xa bị đói, còn mẹ ăn phần sắn độn. Thương mẹ, tôi chỉ ăn một nửa phần cơm. Nửa phần còn lại tôi mang ra cho mẹ đang cuốc đất ngoài vườn. Cuối chiều gô cơm vẫn còn nguyên. Mẹ không ăn lại mang vào nhà cho mấy đứa em tôi…!
***
Các thế hệ người mẹ bao giờ cũng che chở chăm lo cho con cái mọi bề. Trong công cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh người mẹ càng thiêng liêng cao cả hơn. Đấy là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im…”. Những ca từ trong bài ca “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thơ Tạ Hữu Yên, nghe rưng rưng nước mắt, nhắc chúng ta thành kính nghiêng mình trước những mất mát và bao nỗi đau người mẹ đã gánh chịu,  cống hiến của đời mẹ cho đất nước. Như ca khúc “Huyền thoại mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước quân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại. Mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi. Mẹ chìm trong đêm tối, gió mưa tóc che lối con đi…”. Mẹ hạnh phúc khi những đứa con trưởng thành. Mẹ đau khổ khi những đứa con lầm lỗi… Không có nỗi buồn nào cao hơn khi những đứa con mẹ sinh ra giờ đi ngược lại niềm tin của mẹ.
Tôi lớn lên thiếu tình thương của mẹ, nên khao khát được gọi hai tiếng: Mẹ ơi! Trong những năm tháng quân ngũ hay trở về đời thường. Dù đi làm ăn xa xê dịch mọi nơi, tôi vẫn đau đáu tìm được người mẹ cho mình. Trong tôi, mẹ luôn bình dị và bao dung. Những năm tháng phục vụ trong lực lượng bộ đội biên phòng, tôi có những bà mẹ dân tộc thiểu số. Mẹ yêu thương những đứa con – Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi lần tuần tra biên giới, chúng tôi ghé thăm mẹ. Củ khoai, củ sắn mẹ nấu tiếp sức cho các con sau mỗi bận lội suối băng rừng. Tôi ôm ấp tình thương ấy suốt dọc chiều dài biên cương Tổ quốc. Hay những ngày đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi cũng có những người mẹ yêu thương coi tôi như con đẻ của mình. Có lẽ vì tôi mồ côi mẹ từ sớm nên luôn đặt niềm tin tình thương kính trong mỗi người mẹ chăng? Và như thể mẹ mình không mất, vẫn hiển hiện ở trên đời. Mẹ luôn bao dung nhân hậu đảm đang. Mẹ trong sáng như vầng trăng rằm, như ánh mặt trời ban mai làm ấm lòng con.
2/8/2023
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện tàu Titanic

Chuyện tàu Titanic Chúng ta, từ bao đời luôn đối mặt với những thảm họa. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Điều căn cốt của tinh thần Việ...