Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Chợt thèm hơi ấm gia đình

Chợt thèm hơi ấm gia đình

Chiều xuống, con nước dưới mé kinh trước nhà cũng vừa ngấp nghé tràn bờ. Vậy mà lũ bìm bịp chẳng chịu nghỉ ngơi, cứ rướn cổ, kêu những tiếng nghe thiệt là thảm thiết.
Mâm cơm chiều Ba đã dọn sẳn, chờ mấy anh em tôi làm đồng về. Nhiều lần thấy ông già chờ lâu, sợ ông đói, anh em tôi cũng dặn ông ở nhà cứ ăn trước, hơi đâu mà chờ. Nhiều lần như vậy thấy ông buồn, rồi ông giận. Có hôm ông không nói gì, chỉ lặng lẽ xuống mé kinh trước nhà, ngồi một mình nhìn về cuối bãi, nơi có đám ô rô mọc dày đặc và cũng là nơi mà lũ le le thường thường tụ họp về rồi kêu xao xác gọi bầy.
Má tôi bỏ cha con tôi khi thằng út Lượm mới vừa vứt sữa được vài tháng. Là người đàn ông mạnh mẽ, rất cứng rắn nhưng ông vẫn không thể che giấu được cái nỗi đau, trước sự mất mát quá lớn, quá bất ngờ này. Trong cái đám buồn hôm ấy, đôi lúc ông cũng muốn ngã quỵ nhưng có lẽ nhìn mấy mảnh tang trắng vắt ngang đầu của những đứa trẻ phải sớm mồ côi mẹ mà khiến ông phải càng mạnh mẽ để vượt qua. Khi đó ông còn trẻ lắm nên bà con lối xóm khi đến chia buồn, cũng xầm xì, bàn tán. Họ cho là không sớm thì muộn, thế nào rồi ông cũng sẽ gá nghĩa với một người phụ nữ nào đó, để cùng nuôi đám con thơ dại. Vậy mà ông đâu phải như người ta nói, ông vẫn một mình gà trống nuôi con, chăm lo cho anh em tôi đến khôn lớn, trưởng thành.
Ba có một cái tài đó là nấu ăn rất ngon. Người ta thường nói, hễ đàn ông mà vào bếp được, chịu nấu ăn thì chấp hết mấy người đàn bà. Ừ, mà đúng thiệt vậy! Bất cứ món nào mà Ba nấu đều rất là ngon. Nhà toàn đàn ông, chỉ có mỗi tôi là con gái, mấy lần đòi vào bếp mà Ba có chịu cho đâu. Ba thương con gái, Ba thương mấy thằng đực rựa nên Ba cứ giành hết vào bếp, riết rồi thành quen nên món nào Ba nấu cũng đều ngon cả. Cứ mỗi bữa cơm gia đình, mấy cha con cùng quây quần bên nhau, thiệt vui, thiệt ấm cúng. Ba cũng luôn nhắc chừng chúng tôi, sau này lớn lên, khi đã có vợ có chồng, làm gì thì làm cũng phải duy trì được bữa cơm gia đình, ráng tới giờ cơm, vợ chồng, con cái, phải cùng ngồi vào bàn ăn đầy đủ.
 
Tôi có chồng, được gả về thành phố lớn. Lúc đầu chưa quen với cuộc sống thành thị nên đôi lúc cũng choáng váng, mệt nhoài. Chắc nhờ cái đức của mẹ để lại nên tôi được ông xã lúc nào cũng yêu thương, lo lắng, quan tâm. Là một lãnh đạo của một quận trong thành phố nhưng cứ hễ mỗi lần tan sở, cho dù có bận rộn cỡ nào ảnh cũng tranh thủ ghé qua chợ, rồi về nhà lo cơm nước trước. Khi mẹ con tôi về đến nhà thì hầu như đã có bữa cơm ngon chờ sẳn. Vậy đó, cái niềm vui chỉ chừng ấy thôi mà tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Lúc ấy cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả thế nhưng căn nhà nhỏ lúc nào cũng đầy ắp những tiếng cười.
Rồi anh được đề bạt ở vị trí cao hơn và phải chuyển công tác. Cơ quan mới thì xa nhà hơn. Tôi lúc này công việc cũng đã ổn đình và phải dành nhiều thời gian nhiều hơn ở văn phòng. Con cái cũng đã lớn, thời gian học hành ở trường cũng nhiều hơn. Vậy là thời gian chúng tôi ở gần nhau càng lúc càng ít hơn. Bữa cơm gia đình không còn duy trì như trước đây.
Tôi bị sốc và thường khóc trên đường mỗi khi lái xe đi làm trong suốt khoảng một tuần sau đó. Sốc không phải vì chồng mình không còn thương yêu, lo lắng cho gia đình như trước kia. Anh vẫn luôn là người chồng tốt, người cha có trách nhiệm trong gia đình nhưng vì do hoàn cảnh công việc quá nhiều nơi cơ quan. Cuộc sống gia đình tôi hiện giờ đã ổn định rất nhiều, thậm chí nói có thể dư dả. Thế nhưng đôi lúc tôi lại thèm, rất thèm được cùng chồng, cùng con ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Nhớ đến Ba, nhớ lời dặn dò của ông, tự dưng hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Tôi bỏ đi lên lầu, đóng cửa phòng lại rồi ngồi khóc ngon lành giống như một đứa con nít….
30/7/2023
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...