Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Chiều Ghềnh Ráng 1

Chiều Ghềnh Ráng 1

Võ Quảng, niềm cảm hứng thôi thúc văn chương trong tôi,..
Sáng nay, một sáng đầu đông, cuối tuần, dù giờ không phải bận công sở, việc làm thêm thì không thời gian, nhưng tôi vẫn giừ cái thói quen cũ, ngủ dậy muộn hơn ngày thường một chút. Một thói quen công chức ăn vào đầu óc, ám vào da thịt, thật khó bỏ. Thủng thắng nhấm nháp chén trà Thái ngon trong tiết trời se lạnh vì gió mùa về đêm qua, lơ đãng ngó mặt ti vi,...
Ngày đi học ở quê, tôi đã say mê đọc truyện "Quê nội" của nhà văn Võ Quảng. Ngày ấy, sách hiếm lắm, và sách cho thiếu nhi lại càng ít. Thế nên, cùng với "Dế mèn phiêu lưu ký: của Tô Hoài, "Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" của Xuân Sách, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, "Quê nội" của Võ Quảng đã cho tôi, và tôi tin cả một thế hệ học sinh, thiếu nhi ngày ấy niềm say mê, lòng khao khát với bao ước mơ, hoài bão... 
Với riêng tôi, nhà văn Võ Quảng đã ít nhiều bồi đắp nên trong tôi tình yêu văn học, để tôi tiến gần hơn với nghiệp cầm bút, làm báo, viết văn sau này. Tự thâm tâm, tôi biết ơn ông về điều đó...
Hơn chục năm trước, tôi có vài năm biệt phái vào Văn phòng miền Trung của Đài Tiếng nói Việt Nam đóng chân ở Đà Nẵng, nên có điều kiện qua lại nhiều lần vùng Đại Lộc, Quảng Nam. Đây là quê hương của nhà văn Võ Quảng, vùng đất mà ông nhớ thương suốt mấy mươi năm "ngày Bắc đêm Nam". Vùng đất này thật tươi đẹp, trù phú bình yên bên con sông Thu Bồn nên thơ. Thảo nào, những năm xa quê đằng đẵng ấy, ký ức tuổi thơ đi học đã cho nhà văn Võ Quảng cảm xúc thương nhớ dạt dạt và sự thôi thúc để ông bảy tỏ ra mặt giấy...
Vậy mà với ông đã trăm năm rồi đấy, và ông vắng bóng trên thế gian này cũng đã hơn chục năm nay, nhưng tác phẩm của ông thì người ta mãi còn phải nhắc đến... 
Vô tình, chuyện về ông lại thức dậy trong tôi, thôi thúc tôi viết một điều gì đấy. Và những câu chuyện bên lề, nhưng ồn ào này nọ, dư âm từ Đại hội nhà văn vừa qua, bỗng bay đi hết. Chỉ còn lại ký ức và sự mong muốn viết ra được mà thôi!...
Chương trình văn nghệ sáng cuối tuần, "Người lưu giữ tuổi thơ", phim tài liệu về nhà văn Võ Quảng. Tôi bị cuốn hút, không hẳn vì phim hay, mà vì những hình ảnh về nhà văn Võ Quảng, những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của ông một thời, rồi con phố Hàng Chuối nơi gia đình Võ Quảng từng sinh sống quanh năm vắng vẻ, và cả vùng quê ông, Đại Lộc, Quảng Nam nằm bên con sông Thu Bồn trong mát, đã gợi lên và sống dậy trong tôi biết bao ký ức tuổi thơ....
Ý tường cuối năm,
Những ngày giáp Tết, tự dưng nảy ý định làm TUYỂN TẬP THƠ LỤC BÁT của mình. Ý tưởng này bắt nguồn từ phác họa nhanh của nhà thơ Ngô Đức Hành nhân đọc tập thơ Xương rồng khô đã lên xanh của mình, đã nhặt ra một số câu lục bát mà gã thấy thú vị. Nghĩ thế, làm ngay, bén lọc ra từ khoảng 250 bài thơ lục bát trong 8 tập thơ của mình (7 tập đã xuất bản, 1 dự định xuất bản). bước đầu chọn 200 bài. Ra giêng ngày rộng tháng dài sẽ lược bớt đi...
Ngày cuối năm, thử đăng lại một bài lục bát làm từ tết Ất Mùi trong số những bài được chọn, xem ra vẫn phù hợp thời tiết?... 
Cuối năm ta lại về quê,
Trước làm giỗ mẹ, sau về tuổi thơ,
Ruộng đồng tái dại bơ phờ
Mẹ đi từ bấy đến giờ... vẫn đây,
Vườn nhà đã mấy lần cây
Ngôi thờ tự mới sao tày công ơn,
Nhớ ngày mái rạ sân trơn
Cuối năm gió bấc từng cơn cả chiều,
Lui cui gom những thương yêu
Mẹ lo cỗ tết bao nhiêu cho vừa,
Bánh chưng, giò chả, rau dưa,
Chè kho, bánh mật vẫn chưa yên lòng,
Rồi ra, ngoài ngõ sân trong,
Mẹ thu lá cả mùa đông vun đầy,
Đốt lên đống rấm khói bay,
Nay ngồi nhớ, lại chợt cay mắt mình...
Mong là ý tưởng này thực hiện được trong năm Tân Sửu,
Cánh chim chơ-rao của buôn làng Cơ-tu,
Tôi biết đến tên loài chim Chơ-rao là qua thơ ca từ hồi đi học...
Quả là như vậy... 
Ngày học phổ thông, sách Trích giảng văn học dùng trong nhà trường, phần văn học cách mạng, có tác phẩm "Bài ca chim Chơ-rao" của nhà thơ Thu Bồn. Ngày đó, tôi yêu thích trường ca này bởi chất bi tráng và sực hơi thở Tây Nguyên, nên đã từng thuộc lòng phần trích đoạn, như sau này thuộc trường ca "Nước non ngàn dặm" của nhà thơ Tố Hữu vậy... Nhưng ngày đó, chỉ là lòng yêu văn chương thuần khiết thôi, chứ chưa thấu hiểu cội nguồn của cảm hứng thi ca, chữ nghĩa, nhất là những gì ẩn giấu, chất chứa trong mỗi câu thơ, khổ thơ  ấy... 
"... Chim chơ-rao ơi, chào chim nhé/ Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn/ Chim hãy đến rãy rừng ta ca hát/ Đem nguồn vui đến nóc buôn Sang... Chim chơ-rao ơi, bay về buôn vắng/ Báo tin buồn đi khắp mọi nơi/ Mặt trời đã rụng hai tia nắng/ Rừng Tây ánh lửa đỏ sáng ngời...". Qua những vần thơ bi tráng ấy, loài chim chơ-rao đã được nhà thơ Thu Bồn nâng lên thành biểu tượng cho ý chí và sức mạnh tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên một lòng theo cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương... Rồi nữa, trong ca khúc "Tiếng đàn Ta-lư", nhạc sĩ Huy Thục cũng nhắc đến loài chim này, dù chỉ thoáng thôi "...Con chim chơ-rao xinh, hót trên canh vui mừng công anh...",  song cũng để lại ấn tượng về một loài chim rừng khác lạ. Ngày ấy, nghe thì biết vậy chứ đâu biết loài chim ấy thế nào.... 
May sao, đến một ngày, tôi có cơ hội tìm hiểu và đắm sâu vào một vùng đất với cảnh vật, con người, sắc thái bản vị địa phương, để từ đó sống lại nguồn cảm xúc thi ca mà trường ca về loại chim chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn mang lại, từ thuở học trò...
Ngày ấy, cũng đã mười năm rồi...
Đầu năm 2008, cầm tờ quyết định và đôi lời dặn dò của Lãnh đạo Đài TNVN (VOV) vào Đà nẵng, phụ trách Cơ quan tại khu vực miền Trung, thú thật, ngoài quyết tâm, tôi chưa hình dung là mình sẽ thực hiện việc lên sóng phát thanh chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong khu vực như thế nào. Địa bàn miền Trung dài dằng dặc, hàng ngàn cây số, với 9 tỉnh, từ Quảng Bình đến tận Khánh Hòa, có khá nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, vậy lựa chọn tiếng dân tộc nào đây? 
Ý tưởng chị thành hình hài khi tham khảo bản khảo sát cũ của cơ quan từ người tiền nhiệm, và ý kiến của một vài đồng nghiệp cùng những người có vốn hiểu biết về các dân tộc thiểu số trong địa bàn, để đi đến quyết định lựa chọn tiếng Cơ-tu. Điều tra, khảo sát thấy, người dân tộc Cơ-tu chiếm số đông hơn cả, và sự ảnh hưởng của họ khá tốt với các dân tộc thiểu số khác trong vùng như Giẻ-triêng, Pa-cô, Vân kiều v,v... Thêm nữa, tiếng Cơ-tu đã từng được La-tinh hóa trước đó, nên sẽ thuận lợi cho việc làm chương trình phát thanh...
Có một sự cảm tính, song lại củng cố lòng quyết tâm trong tôi khi lựa chọn ngôn ngữ này, ấy là tình yêu văn học từ các tác phẩmBài ca chim chơ-rao của Thu Bồn và Nước non ngàn dặm của Tố Hữu. Câu chuyện của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca của mình thể hiện đậm nét, ấy là cảm tình và lòng kiên trung của người dân làng Rô, một buôn làng người dân tộc Cơ-tu ở huyện Giằng (Quảng Nam), một lòng hướng theo cách mạng, đã che giấu, đùm bọc, bảo vệ ông và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thoát khỏi sự truy tìm của giặc Pháp, khi hai người vượt ngục Đak Glei vào năm 1942 để tiếp tục hoạt động cách mạng... 
Còn về Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, từ trích đoạn trong sách Giảng văn thời đi học, tôi cũng đã đọc cả trường ca và thật sự yêu thích tác phẩm này. Ai cũng biết, trường ca này, tác giả sáng tác về đề tài Tây nguyên, về tình thần bất khuất của bà con các dân tộc Tây nguyên, một lòng theo cách mạng, thông qua hai nhân vật điển hình là Hùng (người Kinh) quê miệt biển miền Trung và Rin (người dân tộc thiểu số) ở vùng núi cao, cùng nhau hoạt động, vận động đồng bào dân tộc đi theo cách mạng, đánh đuổi giặc Tây... Nhà thơ Thu Bồn, người quê Điện Bàn (Quảng Nam), sớm hoạt động cách mạng, làm báo ở Liên khu 5, rồi được cử lên địa bàn Tây Nguyên, nhà thơ đã sáng tác trường ca này khi đang hoạt động của vùng Chư Prông (Gia Lai), nơi có ngon núi cao nhất Tây Nguyên,... Đương nhiên, các địa danh, cảnh sắc, hơi thở và tính chất con người Tây nguyên hiện hữu trong trường ca. song ai dám bảo, Thu Bồn không phả vào đó hình ảnh của trai tráng quê hương miền biển Quảng Nam và chính bản thân mình vào trường ca qua nhân vật Hùng? Còn Rin, người dân tộc thiểu số, nhưng nhân vật này quê đâu trong mênh mông đại ngàn Trường Sơn miền Trung? Quảng Nam quê hương của nhà thơ với các huyện miền núi Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My... tuy khác về đơn vị hành chính ngày nay, nhưng lại hòa chung một tính chất dân tộc miền núi cả vùng đại ngàn Tây nguyên, phía đông Trường Sơn... Vì thế, Rin và đồng bào của mình có thể ở ngay chính vùng Chư Prông, nơi nhà thơ sáng tác trường ca, hay bất cứ một buôn làng nào đó trong bạt ngàn Tây Nguyên, như loài chim chơ-rao tự do chao lượn trên bầu trời đại ngàn Trường Sơn?... 
Sau đó, khi chuẩn bị lên sóng tiếng Cơ-tu, tôi và các đồng nghiệp ở VOV Miền Trung có điều kiện gặp gỡ với đồng bào Cơ-tu, nhất là những người có kiến thức và sự hiểu biết về văn hóa phong tục dân tộc Cơ-tu như ông Arất Hơn (Chủ tịch Hội Khuyến học Tây Giang), một người có công sưu tập và truyền bá tiếng Cơ-tu, và ông Bríu Liếc (Chủ tịch UBND huyện Tây Giang), người biên soạn cuốn từ điển văn hóa phong tục Cơ-tu, thì được biết, người Cơ-tu rất yêu quý nhà thơ Thu Bồn, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam mình, và họ cho rằng, trường ca Bài ca chim Chơ-rao là viết về cộng đồng Cơ-tu vốn sinh sống ở vùng Hiên, Giằng, Hòa Vang (Quảng Nam) và có thể cả khu vực Nam Đông, A Lưới của Thừa Thiên Huế... Trong một lần tâm sự, ông Bríu Liếc bày tọ sự tự hào, rằng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không có một người dân Cơ-tu nào theo địch, một lòng kiên trong theo cách mạng, chống ngoại xâm, như nhân vật Rin và buôn làng anh, là điển hình trong trường ca Bài ca chim chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn, của đất Quảng Nam son sắt, kiên trung... Vậy nên, người dân Cơ-tu thấy ở đó có bóng dáng văn hóa, phong tục, tập quán (như tục cà răng, căng tai, tượng nhà mồ, âm nhạc, hát lý, dân vũ, và nhiều nét sinh hoạt thường ngày... nhất là loài chim chơ-rao, loài chim thân thuộc hay đậu nóc nhà gươl )... Lẽ dĩ nhiên, cho rằng như vậy, vừa có căn cứ, vừa là cảm tính bởi sự yêu quý... Riêng mình, tôi thấy ở trường ca này của nhà thơ Thu Bồn có tính phổ quát cho các dân tộc sinh sống cả một dải đông Trường Sơn bao gồm phía tây miền núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế cho đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên...
Quả là, vẻ đẹp văn chương đã lan tỏa đến những người làm báo chúng tôi, thêm yêu quý những người con của buôn làng Cơ-tu... Với riêng tôi, tình cảm yêu quý ấy, củng cố lòng quyết tâm thực hiện việc lập và phát sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu. Một dân tộc có tiếng nói, chữ viết đã được La-tinh hóa, bản sắc văn hóa độc đáo, có truyền thống yêu nước cao độ, cư dân khá đông, sống rải rác dọc dãy Trường Sơn và vùng biên giới Việt-Lào, họ xứng đáng có một chương trình của mình trên sóng phát thanh của Đài quốc gia!...
Rồi đó những ngày tất bật, quan trọng nhất là yếu tố con người. Chúng tôi đã tuyển được bốn nhân sự (2 cặp nam nữ) người dân tộc Cơ-tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang. Cái khó là, người Cơ-tu sống ở các vùng khác nhau (cao, trung, thấp) thì tiếng nói cũng ít nhiều khác nhau, vậy phải làm sao để tất cả cộng đồng dân tộc Cơ-tu và một số các dân tộc khác hiểu tiếng Cơ-tu như người Giẻ-triêng, Pa-cô, Vân-kiều... cũng nghe được chương trình phát thanh này trong khi họ chưa có chương trình của riêng minh. Trình độ văn hóa đào tạo của các phát thanh viên Cơ-tu tương lai này cũng không đồng đều, duy nhất một em tốt nghiệp đại học Văn hóa,  người thì sau khi tốt nghiệp phổ thông có học thêm một vài lớp sơ cấp chuyên ngành ngắn hạn, người lại vừa tốt nghiệp phổ thông. Nghe nói tiếng Cơ-tu chỉ là một việc, song chuyển ngữ sang mẫu tự La-tinh sao đây, để thể hiện linh hoạt và sinh động văn bản Cơ-tu la-tinh trên sóng là rất khó,... Chúng tôi đã đưa các em lên thị trấn Prao (huyện lỵ của Đông Giang) nhờ ông Arất Hơn, một chuyên gia tiếng Cơ-tu, có kinh nghiệm giảng dạy, hường dẫn, chỉ bảo, kèm cặp hàng tháng giời mới tạm ổn. Hàm ý, chúng tôi ý thức việc cho các em được sống trong môi trường cộng đồng văn hóa, phong tục của mình mới là quan trọng, để ngay từ đầu, biết cách thể hiện bản sắc dân tộc mình trong sản phẩm báo chí. Rồi nữa, việc lựa chọn tên phát thanh viên, xây dựng và đặt tên các chuyên mục, âm nhạc, âm thanh, tiếng động sao cho mang hơi thở, sức sống, gợi không gian đẫm chất Cơ-tu...
Vậy là, công sức của VOV miền Trung, sự nỗ lực của bản thân các em, sự hỗ trợ của địa phương và các đơn vị chức năng của VOV,  được đến đáp, khi ngày 15 tháng 9 năm 2009, chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu lần đầu tiên lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi và vài đồng nghiệp lên Đài phát sóng trên đỉnh cao Bà Nà kiểm tra khâu cuối cùng và chờ đợi... Đúng giờ phút, nhạc hiệu chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu vang lên, và lời chào của các phát thanh viên Cơ-tu lần đầu cất lên chào đồng bào Cơ-tu và thính giả xa gần,... khiến mấy anh em đồng nghiệp trong phòng máy kỹ thuật phát sóng mừng chảy nước mắt... Rồi cả hai đầu, Bà Nà và văn phòng cơ quan tại Tp.Đã nẵng nối điện thoại, thông báo cho nhau tín hiệu hai đầu đều tốt, cảm xúc mừng vui chộn rộn khi làn sóng phát thanh truyền tiếng nói Cơ-tu như những cánh chim chơ-rao bay lượn khắp bầu trời, trên bạt ngàn nương rãy và buôn làng Cơ-tu báo tin vui... 
Ngay sau giờ phút lên sóng cảm động ấy, mọi người lại vùi đầu cho việc thăm dò, tìm tòi, điều chỉnh, để gần một tháng sau, vào ngày 12 tháng 10 năm 2009, Lễ công bố phát sóng chương trình tiếng Cơ-tu chính thức được diễn ra tưng bừng tại Đà Nẵng, có sự hiện diện của các bên cơ quan, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhiều thính giả người dân tộc Cơ-tu từ buôn làng đến... Bà con vui mừng rưng rưng vô hạn, khi nghe tiếng nói của dân tộc mình trên làn sóng quốc gia, chào đón cánh sóng-cánh chim chơ-rao từ nay ngày ngày bay đến từng nhà sàn của buôn làng Cơ-tu... Với những người làm nghề chúng tôi, chung sự xúc động, còn mang ý nghĩa, đứa con thứ 12 của Hệ chương trình phát thanh tiếng dân tộc (VOV4) đã chào đời!... 
Nhanh quá, mới ngày nào, vậy mà đã ngót 10 năm rồi đấy. Ngần ấy tháng ngày, có biết bao lo toan, khó khăn để duy trì và nâng cao chất lượng cho chương trình phát thanh này... Nhớ những ngày đầu. làm theo lối tắt, đường truyền của chương trình từ máy tính ở cơ quan qua internet đến mày tình của đài phát sóng trên đỉnh cao Bà Nà, rồi từ đó tung lên trời, có những ngày mưa bão, mưa giông, đứt cáp truyền, chúng tôi lo đến thắt lòng làm sao nối lại cáp truyền, thậm chí, tính cả phương án nếu không kịp khôi phục đường truyền, phải cóp chương trình vào USB phi xe máy mang lên núi cao cho kịp giờ phát sóng... Lại nữa, lo nơi ăn chốn ở cho các bạn trẻ Cơ-tu đảm bảo cuộc sống hàng ngày để họ yên tâm làm việc... Ngần ấy khó khăn, rồi cũng vượt qua tất cả, khi đài phát sóng phải di dời từ đỉnh cao Bà Nà, nhường đất cho dự án phát triển du lịch khu vực, để xuống đỉnh cao Sơn Trà, mất vị thế độ cao vì  độ cao thấp bằng nửa so với cũ... Mừng nữa, các chàng trai cô gái Cơ-tu ngày nào bỡ ngỡ rời núi về phố làm phát thanh viên, nay đã phương trưởng, tu nghiệp bằng cấp đầy đủ, kinh nghiệm dày lên, và nhiều người không chỉ là phát thanh viên đơn thuần, mà đã trở thành cây bút thực thụ... Mới đây, trong một lần đến Tây Nguyên, tôi có gặp nhà báo Đỗ Trọng Phụng, người từng công tác tại Cơ quan VOV Tây Nguyên ở Buôn-ma-thuột. Chuyện nghề, nhà báo Đỗ Trọng Phụng bảo, ngày ấy, ông đang chịu trách nhiệm quản lý Phòng Phát thanh tiếng dân tộc của VOV Tây Nguyên, với 6 thứ tiếng hàng ngày. Khi VOV Miền Trung lên sóng chương trình tiếng Cơ-tu, ông đã thích thú và khâm phục những người làm chương trình vì thấy ở đấy cái mới và sự sinh động. Ông đã nhắc nhở các biên tập viên của mình, hãy biết cách gạt đi sự tự hào và ỷ lại, để lắng nghe và học tập các bạn trẻ Cơ-tu. Tôi tin, ông thực lòng, khi bộc lộ điều này...
Sau này, theo xu thế mới, phát thanh hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để thích nghi với công nghệ 4.0, tiếng Cơ-tu cũng như toàn bộ chương trình tiếng dân tộc VOV4 đều ra thêm trang thông tin điện tử, thay vì cánh sóng, kỹ thuật internet đưa các chương trình tiếng dân tộc vươn xa khắp mọi nơi, đến với từng con người bằng lợi thế của mình. 
Khi một ngôn ngữ của dân tộc nào đó được sử dụng trên phương tiện báo chí, văn học nghệ thuật, ấy là dân tộc ấy có điều kiện phát triển mà vẫn có điều kiện bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Thế giới phẳng ngày nay, văn mình thế giới ùa vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, sự giao thao văn hóa là một tất yếu, song vô hình chung, đã xảy ra một cuộc "xâm lăng" về mặt văn hóa của các nước mạnh... Có một ví dụ nho nhỏ, ngay trên chính những buôn làng Cơ-tu, ngày nào, bà con chỉ biết đến nương rãy, chiêng trống, múa hát... thì nay, thanh niên trai gái lại thích diện áo phông, quần bò, áo sơ-mi, váy tây, vợ chồng trẻ cưới nhau, sinh nở đặt tên toàn là tên nhân vật trong phim, hay tên các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc vì bội thực phim Hàn Quốc trên các kênh ti vi... Sự phai nhạt bản sắc dân tộc từ những điều nhỏ nhất ấy, không mấy ai để ý, diễn ra hàng ngày, và rồi đến một lúc nào đó, ta ngỡ ngàng nhận ra, nhiều biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc mình đã phai màu, thậm chí không còn nữa. Của cải, vật chất có thể mất đi, rồi lấy lại không mấy khó, còn khi bản sắc văn hóa mất đi, có thể sẽ mất đi vĩnh viễn, khó lấy lại lắm thay... Tuy nhiên, của cải là của mỗi người nên của ai nấy giữ, còn bản sắc văn hóa kia lại là của chung cộng đồng, dân tộc, thì ai giữ đây?!...
Một câu hỏi khó giải đáp, ở quy mô cộng đồng, dân tộc, quốc gia, trong khi sự đa dạng về văn hóa vốn là tài sản quý báu của loài người, lại đang bị đồng hóa bởi số ít thực thể văn hóa của các nước mạnh. Sẽ là nhàm chán bao nhiêu, thậm chí sẽ là thấy bại, khi không còn sự đa dạng về văn hóa?
Với suy nghĩ đó, chỉ từ một thứ tiếng dân tộc, tiếng Cơ-tu, một trong 12 tiếng dân tộc được lên sóng đài phát thanh quốc gia, tôi đã bàn thêm về vai trò, sự quan trọng của nó trong công cuộc bảo tồn ngôn ngữ và qua đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số... Hiện giờ, chỉ là con số 12, nhưng một ngày nào đó, có thể sẽ là ngôn ngữ khác như Tày Nùng, Pa-cô, Vân-kiều lên sóng...
Các bạn trẻ Cơ-tu của tôi ơi, các bạn đã lớn lên nhiều, đã thật sự trưởng thành rồi, hãy biết yêu quý và trân trọng những ngày tháng qua... Ơi, những A-lăng Lợi, Vơ-ních Oang, A-lanh Kim Cương, Hoith Nhàn, A-viết Sĩ, các bạn đã là những cánh chim chơ-rao của đại ngàn, của buôn làng Cơ-tu rồi đấy,... Các bạn đã gặt hái được những thành công, đó là những Giải Vàng trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc, nhưng hơn cả, các bạn đã ở trong lòng mỗi người dân Cơ-tu, bởi ngày ngày các bạn đã làm bà con buôn làng Cơ-tu “ưng cái bụng”...  Hãy cùng các đồng nghiệp yêu quý của tôi ở VOV Miền Trung, cần cù và sáng tạo, biết chắt chiu để góp gió, nâng cao cánh sóng Cơ-tu nhé...
 Giờ đây, vẫn những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn theo tôi trong dòng ký ức về một thời: "Chim chơ-rao ơi, chào chim nhé/ Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn/ Chim hãy đến rãy rừng ta ca hát/ Đem nguồn vui đến nóc buôn Sang..."
Chuyện học sinh giỏi văn,
Ngày xưa, hồi tôi đi học phổ thông, ngành Giáo dục ở ta đã sớm ý thức việc đào tạo học sinh giỏi các cấp. Tôi nhớ không nhầm, ngày ấy, người ta chỉ tập trung và hai môn chính, là Toán (Tự nhiên) và Văn (Xã hội). Hằng năm, theo hệ phổ thông 10/10, đều tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tất cả các lớp từ 1-10. Nhưng, chỉ riêng các lớp cuối cấp là 4 (cấp I), 7 (cấp II) và 10 (cấp III) là lần lượt tổ chức kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện, tỉnh thành phố và sau cùng là Toàn miền Bắc (khi ấy chưa thống nhất đất nước, còn phân miền Bắc-Nam). Riêng lớp 10 thì tổ chức kỳ thi từ cấp tỉnh, rồi toàn miền Bắc. Sau năm 1975, thống nhất chung ngành Giáo dục cả nước, thì cấp thi cao nhất là Toàn quốc, và theo đà phát triển mở rộng, các môn thi cũng được mở rộng sang các môn tự nhiên, xã hội khác (ngoài Toán và Văn)...
Thực ra, ngày ấy, cũng chưa có trường chuyên lớp chọn mang tính phổ biến ở các cấp và nhiều môn học như sau này. Thường là, sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi các cấp, phát hiện ra một số học sinh giỏi, đúng ra là có năng khiếu Toán hoặc Văn, tập trung thành đội tuyển, mời một số giáo viên được cho là dạy giỏi hai bộ môn này, đến giảng dạy cho đội tuyển trong một thời gian ngắn. Cách đào tạo này na ná như huấn luyện gà nòi để thi đấu vậy. 
Năm học lớp 4, tức là cuối cấp 1, tôi được chọn vào đội tuyển của cấp huyện, cũng tập trung ôn luyện chừng nửa tháng rồi tham dự kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Ngày ấy, tôi còn nhỏ và cũng không đạt kết quả gì, nên không nhớ kỹ, song tôi mang máng, chúng tôi cũng được rèn theo kiểu đề bài mở, chẳng hạn như "Em phải xa một làng quê một thời gian dài. Khi xa em nhớ nhất những gì ở làng quê mình? Em hãy kể chuyện đó...". Vậy cũng là khó rồi. 
Cho đến lớp 10, cuối cấp 3, tôi lại may mắn trúng vào đội tuyển học sinh giỏi môn văn của rỉnh Hải Hưng. Đề thi ở cấp tỉnh, không phải là đề mở, vẫn là kiểu cách bình giảng một chủ đề cúa tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình học, tuy khó nhưng không có gì đặc biệt.
Mùa xuân, 1975, đội tuyển học sinh giỏi mon Văn lớp 10 của Hải Hưng có 20 người được triệu tập về Trường cấp III Hồng  Quang, tại thị xã Hải Dương, hầu hết các huyện trong tỉnh đều có học sinh được chọn, tôi thuộc huyện Mỹ Hào. Năm lớp 8 tôi học ở Trường Cấp III Văn Lâm, nhưng sang lớp 9 thì tôi xin chuyển trường về Mỹ Hào cho gần nhà, đi học đỡ vất vả. Năm ấy, cấp III Văn Lâm, trường cũ của tôi không có ai được tuyển, nên tôi thấy buồn buồn. Tề tựu về cấp III Hồng Quang, tôi biết tin đội tuyển của mình có nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa nên mừng lắm. Từ khi học cấp I, tôi đã nghe danh về nhà thơ thiếu nhi này rồi, tuy nhiên chỉ nghe trên đài nói này nọ chứ đâu có sách báo để đọc mà biết thơ của Trần Đăng Khoa hay thế nào. May mắn, năm tôi học lớp 8 ở trường cấp III Văn Lâm, thầy giáo dạy Văn lớp tôi là thầy Lê Thường, một giáo viên giỏi bộ môn Văn của Ty giáo dục Hải Hưng. Thầy Lê Thường người Hà Nội, trước đó có nhiều năm công tác ở Ty Giáo dục Hải Hưng, và từng được Ty phân công tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và kèm cặp các học sinh có năng khiếu Văn học, đặng ươm mầm tài năng, mong có được những Trần Đăng Khoa khác nữa. Thầy Lê Thường đi về nhiều địa phương trong tỉnh, và thầy cũng đã nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, với Trần Đăng Khoa, và sau đó viết bài phê bình, nghiên cứu về thơ Khoa. Tôi nhớ, khi dạy chúng tôi, thầy Lê Thường hay nói chuyện về thơ Trần Đăng Khoa. Thầy đăng đàn ngoại khóa Văn học nói chuyện cả buổi về Trần Đăng Khoa và tài năng thơ ca của thần đồng thơ. Thầy thuộc hầu hết thơ Khoa và hay chọn những bài điển hình đọc cho chúng tôi nghe. Tôi thích lắm, noi theo tập tọng làm thơ...
Hôm đầu gặp mặt cả đội tuyển, tôi háo hức lần đầu gặp mặt thần đồng thơ mà tôi ngưỡng mộ bấy lâu. Vì thiếu cơ sở vật chất, nhà trường lầy tạm một căn phòng rộng, mà giữa phòng vẫn kê một chiếc bàn bóng bàn. Tất cả hai mươi đứa từ các trường cấp 3 trong tỉnh, được lựa chọn về đội tuyển, ngồi xung quanh chiếc bàn bóng bàn. Thầy giáo phụ trách đội tuyển là thầy Hậu, giáo viên dạy mon văn của trường Hồng Quang, được Ty Giáo dục cử phụ trách, đồng thời cũng là người dạy chính cho đội tuyển. Thầy Hậu dáng vè hiền lành, cử chỉ điềm đạm, phổ biến nội quy chung. Tôi nhìn quanh điểm qua tất cả các gương mặt, thầm tìm kiếm ai là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Tôi quan sát một khuôn mặt nam sinh đeo cặp kính cận dày cộm, vì đoán đó là Khoa. Cậu ta luôn cúi xuống, chốc chốc ngước mình, mủm mỉm cười, tay cầm một chiếc bút vạch vạch vào mặt bàn bóng. Tôi hơi khó chịu, bởi là người biết chơi bóng bàn, tôi hiểu, việc đó rất có thể gây xước mặt bàn làm lệch đường bay của quả bóng nếu trúng vào vết xước. Thậm chí tôi bực mình, nhẩm bụng chê thần đồng thơ gì mà lại nghịch như vậy. Đến khi thày Hậu mời Trần Đăng Khoa phát biểu, thấy anh chàng phục phịch thấp lùn đứng lên, tôi thầm à lên, biết mình "bé cái nhầm". Anh chàng cận thị kia là Trịnh Bá Ninh, cùng trường cấp 3 Nam Sách với Trần Đăng Khoa. Thời gian ở đội tuyển, ba chúng tôi thân nhau như anh em, và tình bạn thân bộ ba ấy theo đến bây giờ... 
Trở lại câu chuyện đội tuyển văn. Ngày ấy, mỗi đứa trong đội tuyển được đưa về ở nhờ nhà của một học sinh trong trường, nên ba đứa tôi không được ở cùng nhau. Thời gian ở đội tuyển, chúng tôi phải học cả ngày, buổi sáng bồi dưỡng văn, buổi chiều học các môn học khác cho kịp chương trình và để còn thi tốt nghiệp. Thày Hậu là người dạy văn chính, còn có thày Trị được mời từ một trường trong tỉnh lên giảng một số tiết. Chương trình bồi dưỡng môn văn, chúng tôi được ôn luyện các thể loại văn nghị luận chính như chứng minh, giải thích, bình giảng và sự kết hợp các thể loại này. Cùng đó, chúng tôi tập phân tích một số bài văn mẫu. Thêm nữa, có một số buổi ngoại khóa, nói chuyện văn thơ theo chủ để, nhằm mở mang kiến thức văn học chung... Năm ấy, thày Lê Thường không được gọi dạy đội tuyển, nhưng một lần đi công tác Ty Giáo dục, thày Lê Thường ghé thăm đội tuyển. Thày rất vui khi gặp lại tôi, người học trò cưng của thày khi tôi học ở trường cấp 3 Văn Lâm. Khi đó, tôi đứng đầu khối về môn văn, được thày Lê Thường tin tưởng, nhờ chép lại vào sổ lưu trữ một số bài văn hay của học sinh các trường mà thày tuyển chọn ra. Thày vui hơn khi gặp lại Trần Đăng Khoa. Khi còn công tác ở Ty giáo dục Hải Hưng, thày Lê Thường được giao nhiệm vụ tìm kiếm học sinh có năng khiếu văn học, nên thày từng qua lại nhà Trần Đăng Khoa nhiều lần, thân tình với gia đình Khoa, bố mẹ, anh ruột Khoa là nhà thơ Trần Nhuận Minh. Thời gian ấy, chúng tôi còn được gặp gỡ một số văn nghệ sĩ của tỉnh nhà như nhà thơ Ngô Hoàng Anh, nhà văn Nguyễn Phúc Lai, nhà văn Triều Dương (Triều Dương khi đó ở Đài Phát thanh tỉnh, sau về tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn). Ngày ấy, ấn tượng nhất đối với tôi, không phải là các nhà văn, nhà thơ địa phương, mà là một cán bộ Tỉnh đoàn, chị Trần Thị Duyên. Chị Duyên, quê Thái Bình, cơ duyên đưa chị về công tác ở Tỉnh đoàn Hải Hưng, và chị là một cán bộ đoàn gương mẫu, người chị-người bạn thân thiết với Trần Đăng Khoa từ thời Khoa còn là thiếu nhi mới tập làm thơ. Chủ nhật, Khoa hay dẫn chúng tôi đến Tỉnh đoàn thăm chị Duyên, khi đó chị ở một căn phòng khu tập tập thể. Tôi nhận từ chị thứ tình cảm trìu mến, ấm áp. Biết chị bị bệnh tim, ngày càng nặng thêm,  khó qua khỏi, biết chị nhiều lúc cô đơn, khi chị từng từ chối tình cảm luyến ái của vài ba đàn ông vì không muốn làm phiền đến cuộc sống của họ... Mỗi khi chúng tôi đến, chị vui lắm. Mấy chị em líu ríu cả buổi. Sau khi giải tán lớp, mọi người về lại trường cũ, chị Duyên giữ địa chỉ, hay gửi thư thăm hỏi, động viên, nhất là mỗi khi có chuyện buồn. Khoa vào bộ đội, chúng tôi vào đại học, tứ tán dần, chỉ còn lại bộ ba Trần Đăng Khoa-Trịnh Bá Ninh- và tôi là giữ mối liên lạc thường xuyên, qua lại nhà nhau. Mấy năm sau, chị Duyên mất vì căn bệnh tim, không ai trong số chúng tôi biết lúc đó. Sau Khoa biết tin, báo cho chúng tôi, mọi người rất buồn và thương nhớ chị. Riêng Khoa viết bài bài thơ “Bến đò” về chị, hay và cảm động. Câu kết thức dậy trong lòng người về một thuở “... Ta đi theo/ lòng vẫn ở nơi đây/ ai cũng chỉ có một lần/ cái thuở thơ ngây...”... Gần đây, xem bộ phim tài liệu “Thế giới nhỏ của Khoa” do truyền hình Pháp thực hiện từ ngày Khoa mới làm thơ, cùng hình ảnh nhà thơ Xuân Diệu, thấp thoáng bóng hình chị Trần Thị Duyên, tôi bồi hồi nhớ vê một thuở học trò giỏi văn ngày ấy....
Lại chuyện thi. Năm ấy, kỳ thi được tổ chức lập Hội đồng thi tại từng tỉnh, khi đọc đề thi, mọi người ngơ ngác với dòng chữ cụt lủn "Văn học với việc xây đắp tâm hồn anh (chị)". Thể loại gì? Làm thế nào đây? Ai cũng bần thần. Tôi mất nửa tiếng đồng hồ, không biết bắt đầu như thế nào... Sau cái mở bài khá chật vật, tôi viết liên hồi kỳ trận, viết như kẻ mộng du, viết về sự say mê văn học từ ngày còn nhỏ, viết về văn học đã tác động lại mình như thế nào... Tóm lại là nghĩ sao viết vậy, viết như một sự giải tỏa, trài lòng... Mươi trang giấy kín đặc, viết đến mỏi rã tay cho đến hêt giờ. Nộp bài thi, cũng chẳng hiểu bài mình thuộc thể loại nào. Sau này, khi đã trưởng thành, cầm bút viết văn, tôi nghĩ, bài văn ngày ấy của tôi là tùy bút cũng nên. 
Kỳ thi ấy, đội tuyển Hải Hưng không ai được giải, kể cả thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Nghe nói, đội tuyển Hải Hưng người cao điểm nhất cũng không vượt quá điểm 10/20 (theo qui chế, từ điểm 11.20 mới được xét giải). Thi xong, cả đội cười đùa vui vẻ, trêu nhau việc không biết làm theo thể loại nào. Cũng chẳng ai áp lực gì, có chăng Trần Đăng Khoa, bởi chàng ta là thần đồng thơ, lại giật giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc hồi cấp 2 (lớp 7/10). Kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền Bắc cuối cùng ấy (4.1975), người đoạt giải nhất là một nữ học sinh chuyên văn trường cấp 3 Thái Phiên, Hải Phòng, được chấm điểm 16;20. Mãi về sau, khi các loại sách tuyển chọn này nọ được xuất bản, tôi mới biết, đấy là năm đầu tiên Ngành giáo dục của ta dùng đề thi mở, và đáp án của đề thi ấy, yêu cầu thí sinh phải nêu được các chức năng cơ bản của văn học, rồi dùng các tác phẩm văn học đã đọc và học để chứng minh cho từng chức năng ấy... Thảo nào, ngày ấy, đội tuyển chúng tôi trượt hết, bởi chẳng một ai nghĩ ra vậy... 
Song chẳng hề hấn gì, cái chính là chúng tôi được gặp và quen nhau, trở thành bạn thân đi bên nhau dọc chặng đường đời. Chúng tôi chia tay thày Hậu, thày Trị và những thày cô khác ở trường cấp 3 Hồng Quang. Chúng tôi, hai mươi thành viên đội tuyển chia tay nhau với những dòng lưu bút... Tất cả cùng ghi nhớ, bữa cơm liên hoan chia tay, trưa ngày 15/4/1975. Lưu luyến lắm, đã có nước mắt, và cả những mối tình lứa đôi nảy nở... Ai về trường ấy, riêng Trần Đăng Khoa đến tỉnh đội để nộp đơn xin nhập ngũ... Lúc ấy, tin chiến thắng dồn dập bay về từ chiến trường Miền Nam, những ngày sôi sục  của chiến dịch Hồ Chí Minh...
Về đến trường, bắt đầu những ngày ôn thi, thi học kỳ 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Niềm hân hoan vỡ òa, khiến lũ học sinh cuối cấp chúng tôi như muốn bay lên. Từ đây, tha hồ học hành, để bay đến mọi miền khi non sông liền một dải... Phần lớn những thành viên chúng tôi vào đại học, những lạ thay, không một ai học ngành văn học cả. Tôi và Trịnh Bá Ninh học đại học nông nghiệp, Trần Đăng Khoa vẫn miệt mài quân ngũ, hay như Nguyễn Việt An học ngành điện, vào quân đội rồi thành chủ doanh nghiệp, song lòng yêu văn chương thì vẫn theo cùng. Có sao đâu, khi mầy chúng tôi vẫn theo đuổi văn chương, báo chí, để sau này và cho đến bây giờ, đều là dân báo chuyên nghiệp, văn thơ đủ loại. 
Nhớ lại chuyện học sinh giỏi văn, còn là cái cớ để bàn thêm việc đào tạo gà chọi thi đấu, và việc ra đề mở của ngành giáo dục. Nên hay không nên đây?
Theo tôi, việc đào tạo học sinh giỏi văn kiểu gà chọi, nhằm thì thố giật giải này giải nọ, cho đến cùng, vẫn là "thành tích chủ nghĩa", giờ không nên duy trì nữa vì thực sự không cần thiết. Thành tích ấy chẳng nói lên điều gì. Với mỗi cá nhân, không riêng gì môn văn học, để có kiến thức cơ bản, đương nhiên việc giảng dạy ở các cấp học là cần thiết, nhưng để có một tài năng, thành nhân tài, có đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển xã hội, lại phần lớn nhờ tư chất thông minh, sáng tạo và sự khổ luyện, nỗ lực của cá nhân đó. Điều ấy, lại mang tính chất cá biệt, chẳng thể đào tạo, bồi dưỡng. huấn luyện  mà thành. Thực tiễn đời sống xã hội đông tây kim cổ đã cho thấy chân lý đó. Trong một hội thảo bàn về giáo dục do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, có sự tham gia của một số vị lãnh đạo cao nhất ngành và các chuyên gia giáo dục xã hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tham luận, đưa ra ý kiến, rằng anh có mười năm đi học, và sau đó phải mất mười năm để thoát ra khỏi cái vỏ kén kiến thức phổ thông mà trưởng thành như bây giờ. Như vậy, không có nghĩa là  phủ nhận vai trò của giáo dục, mà hàm ý, chỉ coi giáo dục như những chất liệu cơ bản, để mỗi người tự thiết kế, tạo nên sản phẩm mang dấu ấn cá nhân; rằng giáo dục ban đầu, không phải là cái bục cao, để rồi người ta đứng trên cái bục ấy thành cao hơn... Xin nói gọn trong lĩnh vực văn học, năng khiếu thiên bẩm là quan trọng nhất, còn việc học tập, bồi dưỡng kiến thức là góp  cho tài năng thiên bẩm ấy phát sáng thôi.
Riêng việc ra đề mở môn văn học (và có thể mở rộng sang các môn xã hội khác như lịch sử, địa lý, triết học,...) là rất nên. Cần khuyến khích các nhà trường, các kỳ thi sử dụng đề mở. Những năm gần đây, ngành giáo dục sốt sắng thực hiện cải tiến, trong đó có việc làm sách giáo khoa, tổ chức thi cử, cấu trúc đề thi... Điều đó là chủ trương đúng, nhưng khi thực hiện, lại rất chi lúng túng, được cái này thì hỏng cái khác, tránh tả khuynh lại chạy sang hữu khuyên. Vì lẽ ấy, hầu như sau mỗi kỳ thi (vào bậc THCS, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng), cả xã hội lại được dịp bàn tán, chê bai này nọ. Chê chán, người ta lại mang so sánh với các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ. Việc ra đề mở cũng vậy... Đã có bao nhiêu bài viết trên mạng xã hội bàn luận về việc đề thi mở trong các kỳ thi tú tài ở Trung Quốc...
Tôi nhớ, hơn chục năm trước, năm 2007, tôi tình cờ đọc một bài viết bàn về đề thi tú tài môn văn ở Bắc Kinh, yêu cầu thí sinh thẩm 2 câu thơ trong bài thơ Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên của Lưu Trường Khanh, đời Đường: "            ",(Tế vũ thấp y khan bất kiến / Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh, dịch nghĩa là: mưa phùn làm ướt áo, có nhìn mà chẳng thấy/ hoa rơi từ từ xuống đất, nghe không tiếng động). Khi đó, tôi đã nghĩ là khó nhưng rất hay. Những năm gần đây đề mở họ ra còn thú vị hơn nhiều. Ví như mùa hè 2019, đề thi văn ở tỉnh Giang Tô, khiến mọi người phải lè lưỡi công nhận là hay và cực khó (Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ)."Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hòa, cùng tồn tại hòa trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."). Và người ta lại bàn tán về bài luận của cậu học sinh đạt điểm tuyệt đối. Tôi không lạm bàn về đề thi này, song tôi ủng hộ cách ra đề mở kiều này. Cái gì hay và phù hợp thì nên nghiên cứu học tập. Tôi nghĩ, ngành giáo dục ở ta nên nghiêm túc nhìn lại mình. Có thể, kỳ thi mang tính phổ cập thì áp dụng đề mở các môn xã hội tự luận ở mức độ nào đó, nhưng các kỳ thi mang tính tuyển chọn thì nên áp dụng...
Thiết nghĩ, học sinh giỏi văn, và mở ra các môn xã hội khác, là để học kiến thức nền, còn muốn trở thành nhà nọ, nhà kia thì phải có năng khiếu, lòng đam mê và sự nỗ lực khác thường, mà những phẩm chất đó, không thể đào tạo, bồi dường mà nên.
Học giỏi văn, mà thiếu phẩm chất như vừa nêu, thì có mang danh xưng nhà nọ, nhà kia, vẫn chỉ là thứ "văn chương học trò" mà thôi!,,,
Có ai đò dọc cùng tôi ?...
Có ai đò dọc cùng tôi?...
Tôi viết bài tùy bút "Thương nhớ những chuyến phà", đăng trên trang blog cá nhân, nhà văn Trần Tâm ở Quảng Ninh đọc rồi buông một câu cảm thán "Cuộc đời con người ta, phà sang ngang thì nhiều, nhưng hỏi có mấy ai đi đò dọc!?...". Tôi bảo: "Đò dọc nhọc nhằn, gian nan lắm, liệu mấy ai dám?...". Biết là, vất vả, nhọc nhằn đấy, nhưng việc đến người thì người phải đi thôi...
Vậy có ai đò dọc với tôi không?...
Là đò dọc thật, chứ không phải biểu theo nghĩa bóng, đi đò dọc cuộc đời, tức là chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Tôi có đò dọc cuộc đời của tôi, và bạn thì cũng vậy. Nên chăng, ta có thể cùng nhau làm một chuyến đò dọc kiểu du ngoạn, souvenir với nhau mà thôi... Khi chờ đợi ai đó cùng đò dọc, tôi sẽ kể đôi chuyến đò dọc mà tôi đã từng trong cuộc đời bươn chải đây đó của mình...
Tôi nhớ, ngày đi học, khi kể chuyện cuộc đời này nọ, bố tôi hay đọc câu ca "Thuận buồm xuôi gió thì chén chú chén anh. Lên thác xuống ghềnh thì buồi anh dái chú". Thật tình, tôi không nỡ dùng từ tục, nhưng không giữ nguyên câu cửa miệng ấy thì chẳng thể lột tả được ngữ nghĩa, hàm ý của câu ca. Hàm ý, mượn chuyện đi đò dọc, để nhắc nhở, răn con người ta, chơi với nhau, kết chạ cùng làm việc, khi thuận buồm xuôi gió thì ra bề thân tình lắm, nhưng lúc lên thác xuống ghềnh, gian nan khó nhọc, người ta mới sinh mâu thuẫn, mới hiểu lòng người...
Hồi tôi đang làm việc ở Ban Nông Lâm nghiệp huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách đây cũng đã hơn ba chục năm rồi, tôi hay phải đi công tác cơ sở. Từ thị trấn huyện lỵ, đến các xã xa nhất, giáp biên giới với tỉnh Cam-pốt của Campuchia, tôi thường chọn phương tiện tàu đò, ấy là đò dọc. Cỡ ba chục cây số, đò chạy tằng tằng len lách theo kênh dọc giữa đồng đất bạt ngàn tràm và năn nác. Mùa mước nổi mênh mông, chao ơi là sốt ruột. Khách đi tàu đò phần lớn là người buôn bán nhỏ, hàng hóa đủ loại, mùi cá mắm, hơi người nhức mũi. Nhưng khổ nhất là cái khoản tiểu tiện. Giữa đồng nước chẳng đâu là bến bờ, chẳng biết đi vào đâu, mà nhịn thì chết ngất...
Có một lần, tôi làm chuyến đò dọc thực đã đời. Khi ấy, cơ quan tôi mua mấy trăm con bò, do thương lái gom từ bên Campuchia. Tiền đầu tư từ ngân sách của huyện. Cậu giám đốc người địa phương, thuộc diện thoát nạn mù chữ, chỉ thạo mỗi chữ ký, nên tôi với  tư cách là Phó giám đốc nông trường được giao chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục thanh toán tại hai đầu mua-bán, qua ngân hàng Tri Tôn (An Giang) và Hà Tiên (Kiên Giang). Từ thị trấn Tri Tôn đến Hà Tiên ước chừng 150 km theo đường thủy. Chúng tôi có ba người, thêm một nhân viên nam người địa phương, thông thạo đường xá và nữ kế toán trưởng thuê một tàu đò nhỏ trọn gói đi Hà Tiên. Theo kênh Tám Ngàn, tàu chạy miết ngang qua Hòn Đất, vùng đất mà nhà văn Anh Đức đã lầy chất liệu sống từ anh hùng Phan Thị Ràng để xây dựng nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất của mình. Tàu đò theo các con lạch xuyên giữa đồng tràm bạt ngàn. Đất vùng này nhiễm phèn nặng, chỉ thích hợp với tràm. Chẳng thế mà, trước đây, không hiểu sao ngành nông nghiệp lại quy hoạch triển khai hàng chục nông trường chuyên canh lúa. Cứ cuối mùa mưa, đầu mùa khô, lúa đang thì con gái thì sặc phèn chết úa gần hết, lúa thu hoạch được chỉ bằng một phần mười số thóc gióng sạ xuống. Chính cái nông trường chăn nuôi bò tôi đang làm việc, ngay trước đó cũng lâm vào tình trạng như vậy, Bộ chủ quản bỏ của chạy lấy người, trả lại đất đai và cơ sở cho địa phương quản lý, tìm hướng chuyển đổi cây con phù hợp với đất đai, thổ ngơi bản địa... Ờ thời điểm ấy, tôi đã nghe nói, người ta đổ lỗi cho những ai đó, trong đó, có một nhà báo, viết sách ca ngợi hết lời về đồng bằng sông Cửu Long là vụa lúa của đất nước, với cách ví von hình tượng là đất nước ta mang hình cái đòn gánh là dải đất miền Trung, gánh hai thúng thóc hai đầu là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Hình tượng thì quả là đẹp và ý nghĩa, nhưng đồng bằng lưu vực sông Hồng, nhiều năm đã thực sự là vựa lúa của miền Bắc, chứ đồng bằng sông Cửu Long mắc dù rộng lớn hơn nhiều, song mới chỉ là tiềm năng. Và một người nữa, người làm công việc quy hoạch, hoặc đình chính sách của nhà nước, người biến ý tưởng và hình tượng ví von của nhà báo nọ, thành hiện thực. Thế là người ta rầm rộ cho thành lập hàng chục nông trường chuyên canh lúa ở vùng tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên, và kết quả thất bại thảm hại, thóc lúa thu hoạch chỉ bằng một phần nhỏ của thóc giống sạ xuống, chưa kể bao nhiêu chi phí đầu tư khác. Sau nhiều thất bại cay đắng, rồi cũng đến ngày đồng đất miền Tây Nam bộ thành vựa lúa thật, khi người ta thay đổi tư duy, cơ cấu lại cây trồng thích hợp...
Tàu đò của chúng tôi chạy mải miết, vợ chồng chủ tàu, chồng cầm lái, vợ nấu cơm bằng bếp đun than củi ngay trên tàu, phục vụ bữa ăn cho mọi người. Về phía Hà Tiên, xa xa thấy cột ống khói của nhà máy xi măng vươn trên bầu trời, ngày ấy, chúng là biểu tượng của công nghiệp ở miền Tây. Trời ngả bóng chiều, tàu đò đến vungj biển Vĩnh Hồ, nơi hội tụ của nhiều dòng kênh, trong đó có kênh Vĩnh Tế. Vĩnh Hồ tấp nập tàu thuyền vào ra, ngang dọc trong bóng hoàng hôn, ngút xa là cửa biển, bên kia là trung tâm thị trấn, cảnh sắc thật nên thơ. Tôi đã từng đọc lịch sử hình thành vùng đất này, hiểu câu chuyện của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, đã dày công mở đất từ thời chúa Nguyễn đàng trong. Biết lịch sử, yêu thích thơ văn của Tao đàn Chiêu Anh các với Hà Tiên thập vịnh...
Sau một ngày tàu thuyền vất vả, đêm ấy, giấc ngủ vẫn chập chờn, phần lạ nhà, phần việc chính chưa xong. Sáng trở ra, ăn sáng và nhấp chút cà phê rồi vội đến ngân hàng. Xong thủ tục, cũng chẳng thời gian đâu mà ngắm, lách ngang qua chợ đông đúc để trở về bến tàu đò, và lặng lẽ rời Hà Tiên. Thực lòng, tôi muốn thăm thú chút đỉnh, nhất là thăm chùa Hang, Thạch động, nhưng gấp việc, nên chẳng lòng dạ nào... Tàu lại cần mẫn, mải miết về lại Tri Tôn. Mấy bữa ăn cũng quấy quá cho xong. Mệt bã người, chui vào trong mui, nằm ngủ vùi, cho đến tận nửa đêm thì về đến nông trường... 
Mãi sau này, khi làm báo, tôi mới trở lại vùng đất Hà Tiên, bấy giờ mới có điều kiện thăm thú đây đó trong Hà Tiên thập vịnh. Và phải sau nhiều năm nữa, mùa hè 2018, tôi lại về Hà Tiên. Đi bằng xe hơi, nhanh chóng nên thăm thú được nhiều. Vẫn những di tích, danh thắng xưa, song nay đổi khác nhiều. Để kinh doanh du lịch, người ta cho mở rộng, thiết kế này nọ, nguy nga, sáng láng lắm, nhưng thực lòng, tôi thích vẻ xưa hơn... 
Chuyến đò dọc đi Hà Tiên năm 1985 ấy, dù sao vẫn khá êm ả bởi chúng tôi thuê bao cả chuyến. Sau này, đò dọc mà lại là đò chợ, phức tạp hơn nhiều. Tôi sẽ kể lại đây,...
Đã 27 năm qua rồi, vẫn nhớ chuyến đi ấy. Hè năm 1992, tôi tháp tùng nhà văn Đặng Quang Tình, khi đó là Trưởng ban Thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), từ Hà Nội vào Nam thực hiện một công việc quan trọng, điều tra thính giả nghe đài. Xong công việc ở Nha Trang (Phú Khánh) và tại thành phố Hồ Chí Minh, thày trò chúng tôi đi Miền Tây. Cơ quan thường trú của Đài tại phía Nam điều hẳn một xe phục vụ. Ở Cần Thơ, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khi ấy là ông Nguyễn Hà Phan rất nhiệt tình với việc điều tra thính giả nghe đài trên địa bàn, khi chúng tôi đặt vấn đề trước. Song mọi việc ở đây, tạm chờ, ưu tiên cho chuyến xuống Minh Hải (gồm Bạc Liêu và Cà Mau). Tỉnh lỵ tại thị xã Bạc Liêu thì tôi khá thạo, bởi thời gian còn công tác ở An Giang, tôi đã vài lần sang đây, thăm các bạn cùng lớp Đại học Nông nghiệp I về công tác ở tỉnh này. Nhà văn Đặng Quang Tình bảo, phải điều tra ở Cà Mau mới đích đáng. Vậy lại Cà Mau thẳng tiến. Đích xa nhất là Rạch Gốc.
Trước đây, Rạch Gốc thuộc huyện Năm Căn, phiên chế về huyện Ngọc Hiển. Khó khăn nhất là muốn đi đến đây, chỉ duy nhất phương tiện thủy, tàu đò. Thế là, cả xe và anh tài đành để lại thị xac Cà Mau. Thày trò tôi mua vé tàu đò đi Ngọc Hiển. Tàu đò lớn, khách đi đông, phần lớn cũng là người buôn bán vặt từ miệt biển lên thị xã mua hàng về bán, nên tàu đò đấy ắp hàng hóa. Kênh lớn, tàu bè qua lại tấp nập, sóng nước đánh ì oạp, nhất là khi có những chiếc ghe bè, ngất ngưởng hàng hóa, chạy qua khiến nhiều xuồng nhỏ của dân bị sóng đầy dạt, hoặc nước bắn tung tóe. Khách thương lái ăn uống, trò chuyện rôm rả, tôi nghe loáng thoáng câu được câu chăng, còn nhà văn Đặng Quang Tình không nghe quen, thỉnh thoảng lại hỏi lại tôi xem họ nói gì. Ngày ấy, tình trạng ngăn sông cấm chợ khá phổ biến ở Miền Nam, và ở đây cũng vậy. Tàu đò chạy dăm cây số lại bắt gặp một trạm kiểm soát của một xã nào đó lập ra, để kiểm tra bắt hàng buôn lậu, ngày ấy, phổ biến là thuốc lá ngoại nhập lậu như Zet, Capstan, More, Dullhin... Tàu chạy ngang trạm, không thấy phất cờ thì cư vô tư chạy, còn thấy phất cờ thì dừng tàu, cặp bờ để nhân viên trạm xuống tàu khám xét hàng, kiểm tra, nếu thấy hàng lậu là phạt, hoặc tích thu. Qua một trạm, có phất cờ, thay vì phải giảm tốc độ cặp bờ, thì người lái tàu đò phớt lờ, tăng tốc cứ giữa dòng mà chạy. Mấy nhân viên trạm tuýt còi, hô hoán bắt dừng nhưng không được, tức giận ôm súng CKC đuổi dọc bờ, và bất ngờ, nổ mấy phát súng. Chắc là chỉ bắn chỉ thiên để dọa, nhưng khách tàu đò nhốn nháo, hét lên vì sợ. Thày trò chúng tôi cũng sợ, phải thụp người nép sát lòng tàu, tránh đạn. Ngộ nhỡ thì khốn... Chủ tàu vẫn cố chạy không dừng, nên nhân viên trạm cũng đành bỏ cuộc. Thày trò chúng tôi bảo nhau, chắc chuyến này, khách buôn có nhiều hàng lậu nên quyết chạy... Rồi tàu đến bến cuối. Chúng tôi xuống bến, hỏi thăm, biết được, muốn đến Rạch Gốc, Tân An lại phải đi tiếp tàu đò. Thế là hai thày trò, tìm thuê một chiếc vỏ lãi để đi Rạch Gốc. Vùng này, sông nước, đầm phá mênh mông, chiếc vỏ lãi tắt ngang một góc đầm phá khá rộng, trời nổi cơn giông, rồi mưa ràn rạt. Ngồi trên võ lãi mỏng manh, giữa trời nước trong tiết mưa giống như thế, thày trò nhìn nhau, không khỏi lo lắng. Thấy vậy, người chủ đò bảo yên tâm đi, nước trông mênh mông vậy nhưng không sâu, khỏi phải lo lắng. Rồi võ lãi rẽ vào lạch nhỏ, đôi bờ đã loáng thoáng nhà dân, đã có gì đó ấm áp, đỡ hoang vắng. Rồi khu dân cư đông đúc Rạch Gốc đã hiện ra. 
Cặp bờ, lên tìm gặp cán bộ khóm ấp, trình giấy tờ và đặt vấn đề công việc. Mọi người nhiệt tình lắm. Nước nôi qua loa và bắt tay vào công việc. Họ cử một người giúp việc cho thày trò, đưa chúng tôi đến từng hộ gia đình, phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu. Ngày ấy, dân cư tiếng là đông nhưng cũng chẳng mấy, phần lớn ở cặp đôi bờ kênh và khu vực chợ. Đôi bờ kênh qua nhau vẫn phải dùng xuồng ba lá, hình như có vài cây cầu khỉ ở những lạch ngang, chứ kênh chính, thuyền bè lớn qua lại để thông ra biển nên không có cầu vì sợ vướng. Thày trò chúng tôi làm một mạch, quên cả đói, miễn sao xong việc. Đến nhà nào, thấy chủ nhà có radio là mừng lắm. Nhưng người dân ở đây, chủ yếu là nghe tin tức và ca nhạc, dân ca, nhất là cải lương, vọng cổ. Gần như họ nghe không sót chương trình cải lương nào của nhà đài. Xẩm tối thì xong việc, nhưng quá muộn để trở về. Họ mời chúng tôi nghỉ qua đêm. Trong ngôi nhà cộng đồng gỗ lá, bữa cơm tôi được bày ra. Đồ nhậu có xoài xanh, khô cá đuối, lẩu cá lóc. Thày trò tôi cùng dăm cán bộ ấp và cán bộ văn hóa xã, cụng ly. Vài ba ly, chuyện trò rôm rả hơn. Lúc này, chúng tôi mới có dịp để hỏi thêm về địa lý, thổ ngơi, lịch sử vùng đất.
Câu chuyện chủ yếu xoay quanh ngọn hải đăng trên đảo Hòn Khoai và cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo. Từ biển Rạch Gốc ra Hòn Khoai không xa, chừng hơn chục cây số, ở đấy có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Chắp nối từ câu chuyện kể của mọi người, biết ở đào này, còn có nhà tù để thực dân Pháp giam giữ tù nhân, trong đó những người theo tư tưởng cách mạng, chống Pháp. Đấy cũng là mầm mống để cuối năm 1940, nhà giáo, nhà báo Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo các tù nhân nổi dậy, đánh chiếm và giết tên chúa đảo. Cuộc khởi nghĩa này được xem là một bộ phận của Nam Kỳ khởi nghĩa. Tuy rằng, sau đó, cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp, Phan Ngọc Hiển và những người tham gia khởi nghĩa bị Pháp bắt và xử tử, song ý nghĩa của nó lại lớn lao. Tinh thần vì cách mạng hy sinh của nhà giáo-nhà báo-nhà văn Phan Ngọc Hiển đã được ghi nhận, để sau này, người ta lấy tên ông đặt cho tên đất ở vùng cực nam tổ quốc này...
Đêm ấy, thày trò tôi đều khó ngủ, chuyện trò về nghề báo, nghề văn, về các vùng đất đã qua, quá nửa đêm về sáng mới chợp mắt. Sáng ra, chia tay ra về, các cán bộ ở đây cứ tiếc, bảo nếu ở lại vài ngày, có thể thuyền ra Hòn Khoai thăm thú cho biết. Biết là thế, nhưng kế hoạch công việc ở Cần Thơ đang chờ mà lịch trình đi có hạn định. Hứa đại, khi nào trở lại sẽ ra Hòn Khoai. Lúc về, tôi mới có tâm trí quan sát kỹ cảnh sắc hai bên bờ kênh, vì biết rằng sẽ khó có thời gian trở lại đây. Thấy thấp thoáng xa xa hai bên bở là những vuông tôm. Ngày ấy, người dân mới khởi xướng việc nuôi tôm nước lợ vùng đồng ruộng, đàm phá ven biển. Đi sao về vậy, vẫn đò dọc như thế, nhưng suôn sẻ, bình yên. 
Mới đó mà đã gần ba mươi năm trôi qua. Quả là không dễ trở lại. Nghe các bạn tôi ở Bạc Liêu, Cà Mau bảo là, Rạch Gốc bây giờ sầm uất lắm, đã được tách ra khỏi xã Tân An để trở thành thị trấn riêng, còn đảo Hòn Khoai đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Vậy có ai đò dọc với tôi không? Ta cùng trở lại Rạch Gốc. 
Nhưng nghe nói, đường xá bây giờ đã đấu nối, có thể xe hơi bon bọn đến tận nơi, chứ không cảnh đò giang cách trở, đò dọc bồng bềnh như xưa nữa... 
Mưa dầm tháng hai,
Tháng Hai âm lịch.
Chưa đến rằm nhưng đã có nhiều ngày mưa, đúng tiết mưa dầm xứ Bắc. Chẳng nhớ hôm mồng Một có mưa không? Nhớ lời mẹ tôi dạy từ ngày còn nhỏ, hễ mồng Một, ngày đầu tháng âm lịch nào mà có mưa là cả tháng ấy mưa nhiều...
Mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân, ấy là một. Kiểu mưa này chỉ có ở Bắc bộ và bắc miền Trung. Sở dĩ có nhiều cách gọi là do thói quen của từng vùng, miền và từng người mà thôi. Gọi mưa phùn, là người ta hình dung, mưa như cỗ máy thiên nhiên phun mạnh vào không gian thành những hạt nước nhỏ xíu; còn gọi mưa bụi hay mưa phấn, ấy là hạt mưa li ti như khói, như bụi, giăng mờ mịt bầu không; còn gọi mưa xuân là bởi kiểu mưa này chỉ có vào tiết xuân. Thường là vào cuối tháng Giêng, kéo sang hết tháng Hai, mùa xuân, xen kẽ giữa những đợt không khí lạnh khô hanh từ phương Bắc tràn xuống, và những ngày oi nóng như mùa hè, là những ngày có không khí lạnh yếu đi lệch Đông ra phía biển, gặp khí nóng phương Nam chặn lại, đưa hơi nước từ biển bốc lên, gặp không khí lạnh từ Bắc vào, tạo thành những đám mây mưa, song chỉ đủ sức làm thành kiểu mưa phùn, mưa bụi cho đất liền mà thôi. Với tình chất vậy, tạo nên tiết nồm ẩm, nóng lạnh thất thường, rất khó chịu, khó lường cho con người, vạn vật...
Tùy mỗi năm, sụ chệnh lệch giữa cách tính theo dương lịch và âm lịch sự chênh nhau về thời gian độ vài ba tuần, thậm chí bốn năm tuần. Thời vụ, tiết trời được người xưa ấn định cho vạn vật, được tả trong ca dao, tục ngữ thì tính theo âm lịch. Ví như, tiết Giêng Hai âm lịch chẳng hạn, theo dương lịch thì là cả khoảng thời gian các tháng hai, ba, tư của năm dương lịch rồi. Lại ví như, câu ca dao "Tháng Giêng là tháng trồng khoai, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà, tháng Tư cày vỡ ruộng ra,,." cho thấy nông lịch của người xưa. Dĩ nhiên, cái nông lịch này là theo tập quán canh tác xưa cũ, của nền văn minh lúa nước của vùng Bắc bộ, canh tác năm chỉ một đến hai vụ lúa nước, xen kẽ là hoa màu, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên... Ngày nay, nông lịch này không còn phù hợp nữa, bởi sự can thiệp của con người bằng khoa học kỹ thuật trong tạo giống cây trồng phản ứng ánh sáng trung tính, trong chế độ tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, nên thời vụ của từng loại cây trồng cũng khác đi... Còn cây cối thiên thiên thì chịu tác động của biến đổi khí hậu nên việc ra hoa, kết trái, đổi màu, trút lá cũng ít nhiều thay đổi...
Tiết mưa phùn tháng Hai cũng đa dạng lắm. Nếu như không khí lạnh yếu, thường chỉ trời mưa bụi vào lúc chiều tối, qua đêm đến sáng ngày sau, ban trưa thì trời hửng. Nếu không khí lạnh mạnh hơn, có thể trời lắc cắc mưa thành hạt rồi kéo dài vài ba ngày thành mưa dầm. Thường gió mùa về lúc nửa đêm về sáng. Đêm trước đi ngủ, trời còn chưa mưa, nhưng rồi, trong giấc ngủ mơ màng ta nghe lơ mơ đâu đó tiếng động nhẹ, mau thưa, rồi lắc cắc, lộp độp, tiếng mưa gõ vào mái hiên, lá cây ngoài ban công, rồi rỏ giọt... Sáng ra, sân đã ướt đầm... Mưa lây nhây, trời có lúc tạnh, rồi lại mưa, cứ thế vài ba ngày liền. Ẩm ướt, lép nhép...
Trong tiết mưa dầm tháng Hai, cũng đã là tháng ba dương lịch rồi, khi hoa bưởi hoa chanh đã vãn, hoa xoan rộ lên rồi nhanh chóng qua đi. Ấy là lúc hoa gạo bung trời, đỏ lựng, đỏ ối tùy thời tiết hay cảm giác của người ta. Lúc đầu. lác đác hoa, gợi con người ta về một sự khởi phát, rồi cả cây bừng nở, thì cho người ta sự viên mãn, và khi hoa gạo vãn dần, lại cho ta cảm giác buồn buồn của sự rụng rơi, hoài niệm, luyến tiếc. Các cây gạo nở hoa cũng trước sau khác nhau tuy theo đọ tuổi của cây. Thường là, những cây gạo còn non, hoa hay trổ sớm, cái kiểu háo hức của tuổi trẻ, và hoa cũng không bền, nhanh chóng rụng hết. Cây già hơn, hoặc cổ thụ, thường điềm tĩnh, hoa nở chậm, cũng lớp lang, cành già cành non, cành bổng, cành la, hoa trước hoa sau, nên mùa hoa kéo dài cả tháng trời và lúc nào cũng cho ta thấy vẻ đẹp của nó. Hoa gạo có phẩm chất và vẻ đẹp ấn tượng trong mọi kiểu thời tiết... Này nhé, trời hửng nắng, hoa gạo tươi rạng cả khung trời nơi nó đứng, cho người ta cảm hứng sáng tạo. Trời sương mờ, nhiều thứ cỏ cây bị sương che phủ, riêng bông hoa gạo, to tướng và đỏ lựng điểm xuyết trong màn sương làm cho quang cảnh hư ảo, mộng mĩ, mê hoặc cõi trần. Còn như trời mưa gió, hoa gạo ở trên cành thì tươi rói, khi rụng xuống, không mỏng manh tan tác như cánh phượng, mà ngổn ngang, bề bộn và có gì đó quằn quại như những nỗi đau đời, nỗi niềm thương cảm chưa tan...
Cứ thế, suốt hàng tháng trời, từ độ trung tuần tháng hai, đến tận gần cuối tháng ba âm lịch, hoa gạo đó đây, khi lác đác, lúc đỏ tung trời xứ Bắc bộ. Và để rồi khi mùa hè đến, quả gạo lại một lần nữa tung trời những sợi tơ trắng. Ngày xua, những nhà nghèo, người ta đi nhặt, lượm những sợi tơ gạo ấy về nhồi làm áo, gối và chăn ấm cho mùa đông đấy. Chẳng thế mà, đã có ý kiến đề xuất lấy Hoa Gạo làm quốc hoa.
Với riêng tôi, một lần đi thăm chùa Keo ở Vũ Thư, Thái Bình, nhằm đúng vào mùa hoa gạo. Từ trên đê cao, nhìn xuống cổng chùa Keo, mấy vầng hoa gạo đỏ ối phủ kín cả tam quan chùa. Những cội gạo già mốc thân, thi thoảng buông vai ba bông gạo xuống lộp bộp khiến người ta giật mình thảng thốt. Nhìn lên, bất ngờ một bông gạo rơi, xoay tròn như chiếc ô trên cao xuống, có cảm giác như vòng luân hồi trần gian. có một bà cụ già, lưng còng gập xuống, lẩn thẩn tìm trong đám hoa gạo thảm đỏ khoảng trống trước cửa chùa, nhặt lấy vài bông hoa gạo cầm về, chẳng hiểu để làm gì. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong tôi mỗi mùa hoa gạo...
Sáng nay, trước răm tháng Hai, trời mưa bụi giăng mờ mịt phố phường Hà Nội. Mưa dầm đã mấy ngày nay rồi. Tiết trời này thật điển hình của mùa xuân Bắc bộ. Người đi đường áo mưa cũng được, mà không áo mưa cũng chẳng ướt. Lại rẩm riu nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa "Mưa bay như khói qua chiều/ Vòm cây như rỏ giọt đều qua đêm... / Sáng ra mở cửa nhìn ra/ Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô"...
Và thế, tiết mưa dầm tháng hai ẩm ướt sẽ dần qua,...
Mùa xuân rồi cũng cạn ngày,...
Thương nhớ những chuyến phà.
Trong cuộc đời làm việc của mình, nhất là từ khi vào nghề làm báo chuyên nghiệp, những chuyến công tác đó đây, gần xa, tôi đã từng qua biết bao chuyến phà... Từ chuyến đò ngang sông quê đầu đời ngày nhỏ đi học, cho đến ngưỡng tuổi già, để xuôi chuyến đò dọc cuộc đời dần về cuối bến, làm sao nhớ nổi những lần đò phà ngang bến bãi cơ chứ?,,, 
Có lẽ, ở xứ sở Việt mình, với mỗi người, tiếng hát ru của mẹ thời thơ ấu và tiếng gọi đò khi lớn khôn là gợi nhớ nhất, nó đi theo ta suốt cả cuộc đời!?...
"Đò ơi... đò ơ ơ ơ...i...", tiếng gọi đò lúc chiều buông bến vắng, của những ai từng lỡ đò, chờ đò mãi chẳng được, thả một nỗi buồn len vào lòng lữ khách và mãi không tan... 
Ở xứ sở mình, nắng lắm mưa nhiều, sông ngòi giăng mắc như mạng nhện, ai đâu biết có bao nhiêu bến đò, phà?... Sông ngăn cách trở, vô tình cho những con đò, chiếc phà sứ mệnh nối liền hai bờ thương nhớ của mỗi đời người...
Đã bao lần qua đò, qua phà, chẳng thể nhớ số chuyến, nhưng vẫn có những lần đò phà để nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ này nó không cồn lên như nỗi nhớ tình yêu đầu đời đánh mất, cũng chẳng khứa vào lòng như những trắc trở đường đời, mà nó chỉ man mác như có như không, chợt thấy chợt tan, mỗi khi ta ngang qua một dòng sông nào đó...
Chuyến phà đầu tiên tôi mà tôi nhớ lại rất bình yên, Ấy là khi tôi đang học đại học. Cậu bạn cùng lớp Hoàng Gia Trình, rủ về thăm nhà bạn ở mãi tận Hưng Hà, Thái Bình. Tôi lai Gia Trình trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ nhà tôi, gần Phố Nối, theo đường 39 đến thị xã Hưng Yên, rồi rẽ theo đường đê vài cây số đến bến phà Triều Dương thuộc địa phận Tiên Lữ. Dòng sông Luộc nước hiền hòa, đôi bờ xanh rờn ngô lúa. Ngoài con sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình, thì đây là lần đầu tiên tôi biết sông Luộc. Anh bạn Gia Trình chỉ tay sang bờ bên kia bảo, qua phà đi thêm chục cây số nữa mới đến, ở phía ấy còn có sông khác là Trà Lý. Tôi nghe tên sông này hay hơn tên sông Luộc nên thích ngay. Không ngờ, sông Luộc còn có tên chữ là Phú Nông. Ngày xưa qua sông này về quê vợ Thái Bình, thi hào Nguyễn Du đã cảm tác thành thơ (Độ Phú Nông giang cảm tác). Xưa kia, Nguyễn Du gắn bó với vùng đất sông Luộc này. Ngay từ khi còn nhỏ, lúc gia đình ở Thăng Long bị loạn lạc, Nguyễn Du đã được Đoàn Nguyên Tuấn, bạn thân của Nguyễn Nghiễm (anh ruột Nguyễn Du) đưa về nhà mình ở Quỳnh Côi (Thái Bình) nuôi ăn học như người thân. Không những thế, sau Nguyễn Du lấy vợ là em gái Đoàn Nguyễn Tuấn, trở thành con rể của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục. Thái Bình trở thành quê vợ và nơi trú ngụ của Nguyễn Du, bởi sau này, dưới triều Tây Sơn, Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm quan, nhưng Nguyễn Du vẫn giữ quan điểm trung với vua Lê chúa Trịnh, không muốn làm quan với nhà Tây Sơn, cũng lánh về đây ở ẩn một thời gian. Khi làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Du từng được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Phù Cừ, Hưng Yên) liền kề vùng đất này. Vậy ra, một phần ba cuộc đời ông sống ở vùng sông Luộc này, bao nhiêu lần đò giang qua sông, nên có thơ cảm tác là phải thôi. Thời ấy, đôi bờ sông Luộc hẳn xanh tươi lắm, nên Nguyễn Du đã tả trong thơ mình "Du nhân vô hạn cảm/ Phương thảo biến thiên nhai" (nghĩa là: Người lãng du dạ đầy thương cảm. Cỏ thơm rợn đến chân trời).
Trở lại chuyến đi ấy, Gia Trình qua lại đây nhiều nên khi yên vị trên phà, kể cho tôi nghe sơ lược lịch sử vùng đất quê mình, trấn Sơn Nam Hạ, xưa cũng là nơi phát nghiệp đế vương của nhà Trần (Hải Ấp, Lưu Xá, Hưng Hà, Thái Bình)... Chuyến đi ấy để lại cho tôi ấn tượng tốt về một vùng quê thuần nông thanh bình, yên ả. Để sau đó, trước khi cùng Gia Trình vào Nam nhận công tác, tôi về lại đây, một mình trên con ngựa sắt Phượng Hoàng, lốp nứt phòi cả săm, phải quấn tạm bằng dây chun, tôi phải vất vả vác xuống phà...
Cùng với Gia Trình, chúng tôi vào Nam nhận công tác trên chuyến tàu hỏa bão táp vào đầu thu năm 1981, dọc đường phải nhiều lần tăng-bo, ngủ vạ vật ở nhà ga vì mưa bão miền Trung gây sạt lở chắn đường ở đèo Cù Mông, đèo Cả. Chia tay nhau ở Bến xe miền Tây, Sài Gòn, Gia Trình lên xe đi Bạc Liêu (Minh Hải), còn tôi về Long Xuyên (An Giang). Lần đầu chạm mặt đồng bằng sông Cửu Long bạt ngàn cò bay thẳng cánh, thấy Cửu Long giang sóng nước ra sao. Cho đến tận giờ, mỗi nhớ lại, tai tôi vẫn âm vang tiếng rao của những người bán hàng rong, đặc biệt là nem Lai Vung ở bến Bắc Mỹ Thuận qua sông Tiền. Tiếng rao cất lên đều đều, buồn buồn, gợi nỗi nhớ nhà da diết, dù mới đi xa nhà có một tuần. Người Nam gọi phà là bắc, lúc ấy tôi chưa hiểu, nên cứ nghĩ là bến phà Mỹ Thuận này ở phía Bắc, vậy còn bến phà nữa ở phía Nam. Nhưng rồi, xe đi trên đất huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đến bến phà nữa, là Bắc Vàm Cống, qua sông Hậu, bờ bên đã là đất Long Xuyên (An Giang) rồi. Tôi thắc mắc mà không dám hỏi ai, phần vì ngại, phần "sợ quê", để dần dà tìm hiểu sau. Miền Tây Nam bộ đang mùa lũ, năm ấy lũ lớn, đồng ruộng trắng băng, phân biệt ruộng với sông nhờ những hàng dừa nước xanh chớp chới. Con phà đầy nhóc ô tô, xe máy và người, lừng lững như dãy nhà hai tầng chênh chếch nương theo con nước mà sang bờ bên. Buồn vui chộn rộn, lạ lẫm xen chút lo lằng, không biết mình sẽ nhiệm sở ra sao. Đầu lởn vởn câu thơ Huy Cận "Lòng quê rờn rợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". 
Khi về Bảy Núi, Tri Tôn công tác và ở đấy gần bảy năm trời, tôi bao lần qua lại mấy bến phà này (Vàm Cống, Cần Thơ, Mỹ Thuận) mỗi lần lên Sài Gòn, đi phép ra Bắc. Rồi đó, những chuyến đò dọc, chẳng khác chi dân thương hồ miền Tây, đi công việc tại những điểm xa như Ba Chúc, Lạc Quới, Vĩnh Gia, hay sang tận Hòn Đất, Hà Tiên...
Sau này, anh bạn Gia Trình rời Bạc Liêu, về nông trường Đông Anh, Hà Nội làm việc, tôi cất công đến thăm bạn, lần mò hỏi đường, người ta bảo đừng theo đường vòng Cầu Đuống mà đi tắt qua bến phà Đông Trù, gần ngã ba Dâu, nơi sông Đuống lấy nước từ sông Cái. Sông không rộng nhưng nước xiết, nên cảm giác sờ sợ. Qua phà, đạp xe theo đường đê, ngang đất Mai Lâm, lại nhớ đến chuyện bố tôi hay kể rằng ngày xưa hay vỡ đê sông Cái hoặc sông Đuống, đâu quãng ấy, nên đời sống người dân trong vùng cơ cực lắm.  Năm nào mùa mưa lũ, cũng lo ngay ngáy, sợ vỡ đê, chẳng chết trôi thì cũng chết đói. Chẳng thế mà, cụ Ngô Tất Tố, người quê đây, chẳng cần đi đâu xa, cứ chất liệu thực tế ở vùng quê mình mà viết nên các tác phẩm kinh điển của văn chương xứ Việt là Việc làng, Tắt đèn, Lều chõng... Nhờ thế, khi làm báo chuyên nghiệp, tôi đã trở lại vùng quê này, để thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt trong dịp Lễ Quốc khánh.
Trong cuộc đời làm báo chuyên nghiệp, công tác liên miên, sông ngòi, đò phà là chuyện cơm bữa. Hầu như các phà lớn, tôi đều qua hết, như phà Tân Đệ, Đò Quan, Ninh Cơ (Nam Định), phà Bính, phà Gót, phà Đình Vũ (Hải Phòng), phà Bãi Cháy (Quảng Ninh), phà Đà Bắc (Hòa Bình), phà Bến Thủy (Nghệ An), phà Sông Gianh, bến đò Son (Quảng Bình), bến đò Vàng (Bắc Ninh), bến đò Ninh Xá (Hải Dương)... 
Phà Bãi Cháy, ngày trước cắt ngang vịnh biển, rộng và luôn đông khách, mỗi lần qua chờ cả tiếng đồng hồ là chuyện thường. Những ngày mưa giông, thời tiết xấu, phải qua phà thật ái ngại. Tôi đã gặp những lần như thế, lần qua Hòn Gai công tác, nhân tiện ghé thăm gia đình nhà thơ Trần Nhuận Minh, và một lần khác, đúng khi có bão rớt, tìm gặp nhà văn Dương Hướng và nhà thơ Trần Ngọc Tảo, nhờ chỉ dẫn để xuống Cẩm Phả, tầm bằng được nhà văn Võ Huy Tâm, thực hiện cuộc phỏng vấn ông về tác phẩm Vùng Mỏ. Ngồi trên phà mà cứ nơm nớp lo lắng, ngộ nhỡ... May là không có chuyện gì bất trắc. 
Giờ thì những nơi ấy phần lớn có cầu cả rồi. Nhiều cây cầu mang tầm vóc thể kỷ, như cầu Bãi Cháy, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, và mới đây nhất là Vàm Cống cũng đã thông xe, bỏ lại đó bến Bắc Vàm Cống, nơi ghi dấu ấn đầu tiên cuộc đời công chức của tôi. Năm 2017, trước khi nghỉ hưu, tôi có dịp đi lại tuyến đường Lấp Vò (Đồng Tháp) qua Bắc Vàm Cống sang Long Xuyên, để đi tiếp Tri Tôn, nơi 37 năm trước, tôi qua đây đi nhiệm sở, bắt đầu cuộc đời công chức của mình. Con phà hai tầng rẽ nước sang bên, nhìn cây cầu xây dở vắt ngang sông mà lòng nao nao, nhớ lại ngày xưa ấy, nhìn những cụm lục bình, nhưng cành mục trôi dạt trên sóng nước, tự nhiên thương cảm cả con phà lẫn những thợ thuyền vận hành, rồi sẽ ra sao khi thông cầu. Giờ thì tất cả đã đi bến bờ khác cả rồi... Một con đò nhỏ chở tuổi thơ ta qua sông quê, hay con phà khủng thì cũng như nhau cả thôi, đều có thân phận, đều trôi chảy cùng dòng sông và dòng đời!...
Có một bến đò mà tôi chưa nhắc đến. Đấy là bến đò Hàn qua sông Thái Bình, từ thị xã Hải Dương sang đất Nam Sách. Bến đò này một thời như bến đò tình yêu của tôi. Ngày đó, tôi và người bạn gái ấy, hay cùng nhau qua đò Hàn sang Nam Sách thăm nhà Trịnh Bá Ninh và Trần Đăng Khoa, là những bạn chung của hai tôi. Mối tình đầu vụng dại, chỉ biết yêu hết lòng, còn chẳng biết đoán ý của người bạn gái nữa. Đò giang, sóng nước, mây trời, và cả thơ phú, đều bồng bềnh, choi vơi, nương theo tâm trạng buồn vui của lòng mình và gương mặt tươi tắn hay đượm buồn của người ấy... Và hình như, ở vào tuổi mới lớn, trong tình yêu, con gái thường là người dẫn dắt thì phải? Tôi như con đò để người ấy cầm lái, chèo đi đâu cũng được... Mối tình đầu đánh mất, cầu qua sông cũng đã bắc đâu đó, người xưa đi lấy chồng, mình cũng đã yêu người khác, rồi lập gia đình. Nghe đâu bến đò ấy vẫn còn, vì cuộc đời luôn có người lỡ dở cần qua sông...
Tôi và người bạn ấy, sau gặp lại nhau, trêu đùa như chưa từng có chuyện gì, cũng chẳng còn nỗi đau khứa lòng nào... Nhưng bóng dáng con đò và tiếng gọi đò ơi lan trên sống nước một thuở thì vẫn như đâu đó!... Cuộc sông không thể dừng lại, những cây cầu hiện đại thay thế cho đò phà là lẽ đương nhiên, không thể à ơ thương nhớ mãi được. Cũng biết vậy, nhưng con người ta, chẳng thể cứ bảo không là thôi ngay được, khi mà nỗi nhớ thương những bến bờ và những chuyến đò phà một thuở, không phài là tội lỗi gì!,,,
Chuyện tình của người đánh gộc tre.
 Tôi xin kể lại một chuyện tình.
Ấy là câu chuyện tình của người đánh gộc tre, mà tôi nghe được.
Ngày ấy, tôi mới ngoài hai mươi tuổi. Cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ đã kết thúc được dăm năm. Cũng vì vậy, tôi không phải nhập ngũ mà được đi học đại học.
Tôi tốt nghiệp đại học. Nhận giấy gọi công tác vào một tỉnh biên giới mãi tận cùng phía Nam. Đất nước mới giải phóng, mình lại vừa tốt nghiệp đại học, háo hức đi xa, nhất là được cống hiến xây dựng phát triển vùng đất mới mà trước đó còn bị chia cắt. Thế nhưng, tôi không yên lòng, bởi ở nhà, còn mỗi mình mẹ tôi, khi đó đã bắt đầu bước vào tuổi già. Thêm nữa, ngôi nhà gianh vách đất năm gian đã cũ nát, bắt đầu bị mọt, cần phải sửa chữa. Mẹ con tôi bàn nhau, trước khi tôi nhận công tác vào Nam, ở nhà tranh thủ làm mấy việc lớn. Nhờ bà con hàng xóm hạ ít xoan to trong vườn, chặt hết mấy bụi tre, đem ngâm nhờ ao làng, chờ vài năm nữa có tre gỗ sửa nhà. Xong việc, còn đám gốc tre phải được đào đánh bỏ đi hết để gây bụi mới. Phiền nỗi, cả làng, chẳng có ai theo nghề đánh gộc tre cả. Tôi dò hỏi mãi thì có người mách bảo là xã bên có lão Khoái là người chuyên nghề đánh gộc tre, nhưng lâu rồi không thấy lão ấy lang vãng nên chẳng biết có còn theo nghề hay đã bỏ, hoặc giả ốm đau bệnh tật gì chăng. Thây kệ, tôi lóc cóc đạp xe sang xã bên hỏi tìm đến tận nhà. Tiếp tôi, là anh Khoan, con trai lão Khoái. Chén nước, câu chuyện, tôi mới biết lão Khoái đã không còn trên cõi trần nữa. Anh Khoan bảo:
- Tôi không định theo nghề của ông cụ nhà tôi. Tuy cũng có biết chút nghề này. Nó lao lực, cơ cực lắm, chẳng ai muốn làm. Nhưng mà tôi  nghĩ, thì cũng phải có ai làm chứ, với lại, tôi mới xuất ngũ, chưa có nghề gì làm thêm, tuy bị thương nhẹ, không mấy ảnh hưởng đến sực khỏe. Sức dài vai rộng, chẳng nhẽ ăn không ngồi dồi. Sẵn còn đồ nghề của ông cụ nên hàng xóm láng giềng ai biết nhờ thì làm giúp thôi.
- Vâng, mong anh cứ coi tôi như hàng xóm láng giềng mà giúp cho. Nhà tôi xin chu toàn, công xá đầy đủ ạ.
Anh Khoan có chút lưỡng lự nhưng thấy tôi khẩn khoản thì đồng ý. Hôm sau anh mang đồ nghề, đạp xe tìm đến nhà tôi, bắt đầu công việc. 
Lũy tre to, khá lâu năm, nên một mình anh Khoái đánh gốc, cật lực cũng phải cả tuần. Theo đúng lệ, dù là khoán gọn trả công hay tính công nhật, thì gia chủ cũng phải lo bữa cơm trưa cho người làm công. Thêm nữa, hàng ngày nước nôi, ngô khoai gì tùy ý gia chủ. Lúc xong công việc, tính toán công xá, và mời người làm công bữa ăn tươi có đồ nhắm. Xưa nay vẫn vậy. Anh Khoan được cái dễ tính, ủ tích trả, thêm nước uống cả ngày, không nghiện ngập gì. Tôi ngoài những lúc giúp mẹ việc vặt, còn đâu, ngồi hẫu xem anh Khoan làm việc. chuyện trò làm vui, mang tính động viên. Mấy ngày đầu, anh Khoan còn giữ ý ít nói, vài hôm quen việc quen người thì hay chuyện hơn. Chuyện nọ dọ chuyện kia, rồi đến chuyện tiếu lâm cho vui mà quên nhọc. Tôi và anh thi nhau kể, lượm lặt chuyện hàng xóm, thiên hạ ra để kể, cái thật cái hư, miễn có cái mà cười vui...
Đây là một câu chuyện anh Khoan kể cho tôi nghe...
Chuyện rằng, có một anh chàng chuyên nghề làm thuê nặng nhọc, từ việc thổ mộc đào ao, đào giếng, vật đất, đắp tường, đến đánh gộc tre... Anh ta đi các làng, cất tiếng rao, hễ nhà nào gọi vào làm thì có việc và thu nhập. Một hôm, có người thuê anh ta đánh gộc tre. Chủ nhà là một người đàn bà nạ dòng, cỡ bốn chục tuổi, góa chồng. Công xá khoán gọn, trả bằng thóc. Đánh hết đám gốc tre, anh ta được nhận tiền công là ba thúng thóc. Đôi bên thỏa thuận vậy, nên cứ thế mà làm...
Dĩ nhiên, ngày ngày, bà chủ nhà phải lo nước uống, và phục vụ bữa trưa, bày mâm bát thức ăn, bê ra vườn, trải chiếu manh dưới gốc cây sấu to bóng dâm mát, mời người làm công ăn. Để người làm công lao động hiệu quả hơn, biết anh chàng này nghiện thuốc lào, bà chủ kỳ công moi móc góc buồng chân tủ gì đó tìm được chiếc điếu bát cũ của chồng, mang ra lau chùi sạch sẽ, để cho anh chàng hút thuốc lào vặt. Chiều chuộng đến thế là cùng. Những lúc rảnh rỗi, bà chủ cũng ra hóng chuyện, chỉ chỏ giao việc này nọ, hỏi thăm thân phận, gia cảnh ra vẻ thân tình... Vài ba ngày trôi qua, đôi bên cũng biết gia cảnh của nhau...
Anh chàng làm công, tuổi hơn ba chục, con nhà nghèo và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với người chú ruột, bị đối đãi chẳng ra gì. Lớn lên, tự lấy sức ra lao lực kiếm ăn bằng nghề làm thuê và vẫn độc thân. Anh chàng mặt mũi bình thường, nhưng thân thể khỏe mạnh, cơ bắp rắn chắc, có thể kham nổi những công việc chân tay nặng nhọc.
Bà chủ, tuổi bốn chục, góa chồng, có một cô con gái, nhưng sớm lấy chồng, nên bà ở một mình trong ngôi nhà vườn khá rộng này. Bà chủ là người hoạt bát, không đẹp nhưng kiểu người có duyên. Tuổi bốn mươi, thân thể đậm đà, ngực lưng hông đâu ra đấy, mặn mà. Đôi mắt hơi sâu, đen láy, nhìn lâu dễ chết chìm...
Bà chủ nạ dòng và chàng người làm cường tráng, chuyện lâu thành cởi mở. Để đỡ vướng khi làm, sợ mồ hôi mồ kê, anh chàng cời trần, đánh mỗi cái quân cộc, lộ cơ bắp săn chắc. Những lúc nghỉ tay, bà chủ nhà rót nước đưa tận tay cho uống, tiện thể chiếc quạt nan trên tay, phảy dăm ba nhát quạt mát cho anh chàng đôi chút. Lâu lâu, đôi cặp mắt bắt gặp nhau... dừng lại và lảng tránh... xưng hô thì ỡm ờ, chủng chẳng, không ra trên dưới... Những câu nói vui vơ không đầu không cuối, chẳng ra đâu vào đâu cả... Hết ngày, anh chàng múc nước giếng rửa qua loa rồi về, sáng hôm sau đến sớm, bắt tay vào việc. Bữa cơm trưa đều đều, nhưng theo ngày thức ăn như nhiều hơn...
Cứ vậy, dãy gộc tre bị anh chàng phăng teo hết. Đống gộc tre chất phơi trong vườn đây thêm. Dăm bảy ngày trôi qua, công việc xong xuôi. Ngày cuối cùng, theo thông lệ, gia chủ mời cơm người làm công bằng bữa ăn tươm tất, gọi là để cảm ơn người làm và thanh toán công xá với nhau. Bữa cơm chiều ngày cuối ấy, ngoài mấy món thông thường, bà chủ mua một đĩa lòng lợn to, kèm thêm chai ba rượu. Chủ mời cơm nên ăn cùng. Chàng làm công cũng tắm rửa sạch sẽ tinh tươm khác hẳn mọi ngày. Rượu rót ra chén, mời chào xã giao và nhấp môi. Đôi ba chén, chủ khách mềm môi, nói năng bạo dạn hơn. Xưng hô cũng tôi tôi mình mình. Trời lên đèn thì bữa ăn cũng xong. Đến lúc đôi bên trả công xá cho nhau. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến. Mâm bát còn để ngổn ngang cả đấy thì anh ả, chẳng rõ rượu ngấm đến đâu, mà cứ díu vào nhau. Cũng dằng co đẩy ra kéo vào, hấm hứ, ầm ừ, rồi dìu nhau vào buồng trong,...
Chàng làm công trai tráng khỏe mạnh, khao khát da thịt đàn bà, cứ hùng hục kiểu thổ mộc hay đánh gộc tre... Còn bà chủ nạ dòng đang tầm hồi xuân, góa chồng mấy năm ngỡ quên mùi đàn ông, gặp gỡ nhau đây như bắt được của. Cặp đôi xoắn xít vào nhau, hừng hực khí thế. Chợt bà chủ nhà gắng sức đẩy anh chàng ra khỏi mình. Chàng ta đang hăng bỗng châng hẩng. Bà chủ bảo anh chàng là không được, chẳng lẽ bà mất không cái việc giữ trinh tiết với chồng bấy lâu nay à. Là tự nhiên bà nghĩ đến ba thúng thóc tiền công, lại đem cái trinh tiết cho không thằng cha căng chú kiết này à? Anh chàng đang hăng máu vịt, không thể buông miếng mồi ngon thế này đến miệng. Dằng co, chân tay lẫn mồm miệng, cuối cùng đôi bên ngã giá, chàng ta bớt cho bà chủ một thúng thóc, chỉ lấy công hai thúng thóc thôi, nếu bà cho đồng ý cho anh chàng tiếp tục... Lại ôm ấp lăn lóc một hồi thì bà chủ nằng nặc đẩy anh chàng ra khỏi mình... Lúc này thì anh chàng máu quá rồi và hiểu ngay bà chủ nhà muốn gì ở mình, không ngần ngại bớt thêm thúng nữa, hứa chỉ lấy tiền công đúng một thúng thóc thôi... Và thế là cặp đôi quắp chặt lấy nhau như chẳng thể tách rời...
Những tưởng sẽ một trận mây mưa gió dập hoa vùi, thì anh chàng làm công chợt nhận ra, chẳng lẽ mình ham vui chút mà gần mất trắng công sức lao lực cả tuần nay. Mà cũng có phải được nếm mùi da thịt thiếu nữ trinh tiết mỹ miều gì cho cam, chẳng qua một mụ đàn bà nạ dòng... Nghĩ thế, anh chàng đần ra như khúc gỗ, định bỏ cuộc. Lúc này, bà chủ mới để ý đến của nợ của anh chàng, kích cỡ to khác thường và hơi dị dạng. càng dậy hứng. nên thấy anh chàng đờ người ra vậy, vội vàng níu kéo, hứa trả lại một thúng thóc, tiền công còn hai thúng. Anh chàng bắt đầu vỡ vạc được một chút, hiểu ra sự tình, bỗng đầu óc sáng lên, tỏ ra tinh ranh. Thế nào cũng quyết lấy lại đủ ba thúng thóc tiền công lao lực bấy ngày mà vẫn kiếm chác được cuộc tình. Ngộ được vậy, anh chàng liền vờ thôi không lâm trận nữa. Đến nước này, bà chủ nhà nạ dòng không chịu nổi nữa, nhục cảm bùng lên như triều dâng, diết chặt vòng tay ôm ghì lấy anh chàng, miệng rên lên hứa sẽ trả đủ công xá ba thúng thóc cho anh chàng. Được lời như cởi tấm lòng, anh chàng đổ ập xuống người bà chủ nhà. Một trận cuồng phong nhục dục cuốn phăng mọi tính toán thiệt hơn, trời đất bỗng trở về trạng thái nguyên sơ...
Và đêm đó, anh chàng làm thuê chẳng phải khăn gói ra về. Anh chàng ngủ lại đấy qua đêm đến bảnh mắt hôm sau. Trở dậy, không còn phải đánh gộc tre nữa, anh chàng được bà chủ nhà bưng thau đồng nước giếng mát đến tận bên giường để rủa mặt. Bữa sáng, chàng có mấy quả trứng vịt lộn nhắm rượu, rồi húp thêm tô cháo nóng to tướng. Chàng ta ra về với đầy đủ ba thúng thóc tiền công đánh gộc tre...
Câu chuyện chưa dừng lại ở đấy. Một thời gian sau, họ nên vợ chồng. Anh chàng đến ở hẳn nhà vợ. Tuy vợ hơn chồng gần chục tuổi, nhưng cặp đôi sống với nhau ổn thỏa. Cô con gái riêng của vợ không đồng ý cuộc hôn nhân chênh lệch này, có ý chống đối một thời gian, nhưng đến khi thấy mẹ mình mang thai rồi sinh ra cậu con trai khỏe mạnh với người chồng mới thì cũng thôi phản đối, đành chấp nhận...
Nghe chuyện Khoan kể, tôi cười, bảo anh ta:
- Ông anh kiếm đâu ra của độc thế. Câu chuyện thú vị đấy.
- Chắc là anh không tin? – Khoan tủm tỉm bảo – Thì nhiều người cũng không tin mà... Nhưng tôi không bịa hay kiếm chuyện kể cho vui đâu... Chuyện thật của cha mẹ tôi đấy...
Tôi chỉ còn biết tròn mắt, miệng ô a vì ngạc nhiên. Anh Khoan thủng thẳng:
- Thật khó tin... nhưng lại là thật anh ạ... Thầy u tôi ăn ở với nhau được gần hai chục năm, cùng không đến nỗi nào – Anh nhìn tôi như vẻ muốn tìm một sự xác nhận – Chỉ tiếc là thầy tôi lại đoản mệnh... Khi tôi nhập ngũ được ít lâu thì thầy tôi mất sau một cơn bạo bệnh... Cũng là bởi ông ham công tiếc việc, lại toàn việc nặng nhọc... Có lẽ còn do... u tôi... cũng làm ông hao tổn sức lực...
Nghe có chút bùi ngùi trong giọng điệu của Khoan. Tôi chút nữa nhỡ miệng khi định buông một câu châm ngôn, thì kịp dừng, nhưng Khoan đón lấy, nói toạc ra...
- Người đời vẫn bảo, trai tơ vớ phải nạ dòng, như nước mắm... chẳng hiểu người ta nói vậy nhằm ý gì? Chắc có ý chê bai... nhưng với thầy u tôi cũng đâu đến nỗi nào... Tôi đây... là kết quả của cuộc tình... nước mắm thối chấm lòng lợn thiu... cũng có sao đâu!...
Khoan cười sảng khoái. Tôi chỉ còn biết nói lời động viên. Khoan bảo:
- Ngẫm lại, u tôi là người thật cao số... mình bà đưa tiễn cả hai ông chồng xuống suối vàng trước... rồi sống thọ ngoài bảy chục tuổi mới chịu xuống theo... Chẳng hiểu ở dưới cõi âm ấy, bà ở với ông nào... hay chung với cả hai ông...
Khoan lại cười. Chợt như nghẹn lại.
- Tôi lo rằng... Tôi sẽ tìm một nghề gì khác để làm, chứ không làm nghề này nữa,... cực nhọc lắm... Nhớ trước đây, khi tôi ở tuối mới lớn, thầy tôi thỉnh thoảng cho tôi đi theo xem ông làm việc... Ông có ý chỉ bảo cho tôi biết này nọ, đặng sau này ngộ nhỡ không có nghề gì khác thì chí ra còn có nghề này mà theo, đặng kiếm được miếng ăn cho vào miệng...
Muốn phá tan tâm trạng nặng nề của Khoan, tôi lảng:
- Nhưng làm sao anh biết chuyện này của cha mẹ anh?... Chuyện như anh kể ấy?
- Thì ngày nhỏ, tôi lẵng nhẵng bám chấn thầy tôi đây đó... Cũng chỉ đôi ba lần nghe ông nói này nọ, đại khái vậy,... nhưng mình bé quá nên không mấy hiểu... Mãi sau này, tôi biết nhiều hơn, nhất là sau khi thầy tôi mất... Tôi thành người lớn, nên hiểu chuyện người lớn thôi... Với lại, do u tôi kể,... ngày một ngày hai, những lần giỗ thầy tôi... Tôi xâu chuỗi lại... thành câu chuyện như vậy...
Khoan lại cười. Tôi cười theo. Khoan bảo:
- Thế gọi là chuyện tình của người đánh gộc tre, được không anh nhỉ?... Tôi bằng này tuổi đầu,... cỡ như thời thầy u tôi gặp nhau, nên duyên ấy, vậy mà tôi đã có mảnh tình vắt vai nào đâu... Nói vậy, tôi chẳng còn là trai tân, cũng đã đôi ba lần biết mùi đàn bà, nhưng đều là tạm bợ...
- Ngẫm ra, thấy,...- Tôi ngần ngại - Câu chuyện thật thú vị... cái chuyện tâm lý giới tính đàn ông, đàn bà ấy... Tạo hóa làm nên vậy...
- Thôi, cứ cho là chuyện tiếu lâm, đi anh, - Khoan bảo – hể ra cho nó vui,... anh nhỉ!?
Cả hai người cùng cười vang...
Chuyện ngày ấy là thế. Đã mấy chục năm trôi qua rồi. Thàng nhớ lại câu chuyện của anh chàng đánh gộc tre, như chuyện tiếu lâm, buồn cười đấy, nhưng cười ra nước mắt. Mẹ tôi già yếu, ra thành phố sống cùng một người chị gái của tôi được dăm năm thì mất. Mảnh vườn quê, tôi giao cho một người chị trông nom giúp. Cái bụi tre ngày đó nhở cậy anh Khoan đánh giúp cũng đã vài lần chặt hết thay bụi mới. Gần đây, mấy anh chị em chúng tôi hùn nhau xây một ngôi thờ tự để lấy chỗ đi về quê hương khói giỗ chạp. Bụi tre ấy được chặt tỉa thu gọn lại, chủ yếu làm cảnh...
Vậy mà tôi quên, không hỏi thăm anh Khoan giờ gia cảnh vợ con thế nào? Lâu lắm rồi, bây giờ về quê, chạm mặt anh ta thì rôi cũng không nhận ra. Thế nhưng, câu chuyện tình duyên dở cười dở khóc của người đánh gộc tre như chuyện tiếu lâm, mà anh ta bảo là chuyện của cha mẹ mình, thì tôi nhớ!....
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...