Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Chiều Ghềnh Ráng 2

Chiều Ghềnh Ráng 2

Đường sang quê ngoại,
Ấy là con dường từ quê nội sang quê ngoại. Với  tôi, quê nội luôn đau đáu trong lòng những ngổn ngang chuyện nhân tình thế thái, thì quê ngoại lại là nỗi nhớ nhung hoài niệm tràn đầy xúc cảm yêu thương, như một niềm an ủi, vỗ về mỗi khi nghĩ đến...        
Sao vậy, tôi đã tự vấn mình để rồi tự trả lời,... Ngày nhỏ ở thành phố, trong các câu chuyện của bố mẹ, quê hương đã được song thân nhắc đến. Tuy nhiên, cả bố lẫn mẹ tôi, hay kể chuyện về quê ngoại, thi thoảng lắm mói có chuyện vè quê nội. Trẻ con nên chỉ biết nghe chuyện và háo hức được về thăm quê. Lên 5 tuổi, lần đầu tiên tôi được theo các chị gái về quê dịp nghỉ hè, và đó là quê ngoại. Ngày ấy tàu xe khó khăn, nhưng về quê ngoại cũng khá tiện lợi. Bố tôi dắt mấy chị em chúng tôi ra Bến Nứa, mua vé xe khách chạy tuyến đường số 5, đến Chợ Đường Cái thì xuống. Thêm đoạn ngắn nữa là về đến nhà bà ngoại rồi. Sau lần đầu, tôi còn thêm vài lần về quê ngoại nữa, nhưng quê nội thì vẫn chưa. Bố tôi bào, quê nội tôi chỉ cách quê ngoại chừng dăm bảy cây số thôi. Ở quê ngoại, mấy chị em chúng tôi vô cùng thích thú vì được sống trong không gian vườn tược ao chuôm rộng rái, đầy cây cối hoa quả. Thêm nữa, các bác và cậu dì tôi cũng hay cho con cài về quê nghỉ hè, nên có thời điểm, đám trẻ con chúng tôi ở nhà bà ngoại tôi lên đến hàng chục đứa, tha hồ vui chơi...Còn quê nội, sau đấy vài năm, tôi mới biết đến, khi gia đình tôi rời Hà Nội về quê nội sinh sống ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lúc ấy, đang học vỡ lòng, nhưng tôi cũng lờ mờ biết chuyện, để quyết định việc về quê nội sống, bố mẹ tôi đã bất đồng ý kiến nhau, khi mẹ tôi kiên quyết đòi về sống ở quê ngoại, đến mức ông bà to tiếng, dỗi bõ nhau... Sau này, lớn lên chút, tôi đã hiểu nguyên nhân vì sao ngày đó, song thân bất đồng việc chọn về quê nào để sinh sống thời tao loạn ấy....Trong khi bố tôi không muốn bị mang tiếng sống nhờ bên quê vợ và ông tin tưởng vào lời hứa của anh em họ hàng bên nội giúp đỡ dựng nhà cửa, thì mẹ tôi lại bày tỏ sự bực tức về hết thảy những gì bà phải chịu đựng, ê chề ở quê nội thời cải cách ruộng đất, những lời tố điêu toa của anh em, họ hàng đối với bà nội tôi, và cả những ngày bị đội cải cách giam lỏng ở chuồng trâu..., thêm nữa, ở quê ngoại có sẵn đầy đủ tình cảm yêu thương chở che của đại gia đình đang chờ đợi... Và cái lý "thuyền theo lái, gái theo chông" đã buộc mẹ tôi, cực chẳng đã, đồng ý về quê chông sinh sống. Và thế là, một ngày đầu đông, trên chuyến xe cam-nhông, gia đình tôi rời bỏ phố phường thủ đô về quê nội sinh sống với nghề làm ruộng mà tất cả các thành viên trong nhà không ai thạo...Thôi, chẳng buồn nói những khó khăn, vất vả, cục nhọc mà gia đình tôi đã chịu đựng và gắng sức vượt qua ở quê, để trở về với ký ức đường sang quê ngoại như một hoài niệm an ủi, êm dịu...Quê nội và quê ngoại tôi cùng huyện nhưng đầu huyện, cuối huyện. Tình theo đường chim bay thì chỉ chừng 7 cây số thôi, và có hai lối sang. Lối thứ nhất, ấy là tắt cánh đồng làng Chùa, đến thị trấn Bần Yên Nhân, chừng 3 cây số, rồi từ đây đi ô tô tuyến theo đường số 5 đến Chợ Đường Cái thì xuống bến. Còn cách thứ hai, đi bộ tắt qua cánh đồng làng Chùa, làng Khách rồi Hoàng Nha, Thanh Đặng, sang đất Lạc Hồng và đến quê ngoại tôi thuộc Thị Trung, Đình Dù. Ngày ấy, xe đạp là của quý hiếm, nhà tôi không có xe, bởi chiếc xe đạp duy nhất của bố tôi đã bị đem bán, để lấy tiền mua miếng đất vườn, làm nhà ở quê. Đi đâu, quanh gần xa, đều đi bộ cả.Thường thì mỗi khi về quê ngoại, nhất là vào mỗi mồng hai Tết, nhà tôi chọn lối thứ hai, tuy đi bộ mệt hơn, nhưng chủ động, chứ không phụ thuộc vào ô tô. Tôi nhớ, đã có lần, hai bố con tôi chờ cả nửa buổi chiều mồng hai tết ở bến xe Bần mà không có xe, cuối cùng đành đi bộ dọc đường 5 đến chập tối mới đến quê ngoại. Hằng năm, có hai dịp để về quê ngoại, ấy là ngày giỗ ông ngoại tôi, và nữa là mồng 2 tết theo truyền thống "mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày". Bố mẹ tôi cũng phân công, giỗ ông ngoại tôi, ưu tiên để mẹ tôi về, có ý để bà vừa được khấn cha vừa được thăm sức khỏe của mẹ, còn dịp mồng 2 tết thì bố mẹ tôi thay nhau xen kẽ. Riêng tôi, được cả nhà ưu tiên, dịp tết nào cũng được về quê ngoại, còn hai chị gái trên tôi thì thay nhau từng năm...Ngay năm đầu tiên khi về quê sinh sống, tết năm 1964 sang 1965, tôi lúc ấy, 7 tuổi, đã được bố tôi cho về quê theo lối tắt cánh đồng. Lúc đường lớn, khi bờ sông, rồi cả bờ ruộng, cứ theo lối người làm đồng đã đi thành lối mòn trắng cỏ. Tôi sợ nhất, mỗi khi phải đi ngang qua cửa quán Chuột của làng Thái Lạc. Quán cổ lại thêm cây si rậm rạp, nên bề ngoài quai quái thế nào ấy. Biết tôi sợ, bố tôi chấn an, bảo "Như quán Táo làng mình, chẳng có gì đáng sợ, con ạ". Là nói thế thôi, chứ nhìn nó âm u, rờn rợn, như có cả bầy ma quái ẩn náu...Tôi mường tượng, trong góc tối mờ mờ của quán, hàng đàn ma quái đầu người, mình chuột, leo trèo thoăn thoắt lên các hàng cột và vòm mái của quan. Bình thường, nhìn con chuột còn thấy siwj nữa là ma mình chuột đầu nhân... Và cũng nhờ chuyến đi đầu tiên băng đồng sang quê ngoại, tôi đã mang máng thuộc đường, để sau đó, trong một lần đi thi học sinh giỏi môn toán lớp Một ở trường cấp I Lạc Hồng, thày giáo bỏ quên không đón tôi, mặc dù sợ hãi, nhưng tôi lần hồi nhớ đường một mình cuốc bộ băng đồng về đến nhà mình. Sau này, nhớ lại, tôi cười thầm nghĩ, ngày ấy mình đã biết cách "tự cứu mình trước khi trời cứu". Một lần khi ngang cánh đồng Thái Lạc, Lạc Hồng, bố tôi chỉ tay vào những lũy tre xanh bìa làng bảo là, làng này có một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý, cổ gần bằng ngôi chùa Lạng (Viên Giác tự) ở quê nội. Chùa Lạng quê tôi thì tôi từng nghe bố tôi kể chuyện nhiều lần, nhất là chuyện Thần Sấm đá gầm lên tức giận mỗi khi trong vùng có chuyện gì đó kinh thiên động địa. Khi về quê, bố tôi đã dắt tôi lên chùa Lạng, chỉ từng phê tích và giảng giải cho tôi biết, nên mường tượng chùa Thái Lạc cũng có gì đó giống chùa Lạng quê mình. Gợi ý của bố tôi ngày đó kích thích trí tò mò, nhưng không hiểu sao mãi sau này tôi mới đến thăm viếng chùa này, mặc dù cách quê ngoại tôi chừng non cây số và khá tiện đường. Chùa được xây dựng vào đời Lý Nhân Tông (năm Đại Định thứ 2, 1162) và thuộc hệ thống chùa Tứ pháp ở nước ta. Vì thờ Pháp Vân (Thần Mây) nên có tên chữ là Pháp Vân tự, và được biết, những bức vì gian giữa thượng điện có kiến trúc thời Trần, mà kiểu này hiện chỉ còn ở chùa Bối Khê (Thanh Oai) và chùa Dâu (Thuận Thành). Bức chạm khắc gỗ chạm hình thiên nữ Càn Thát Bà, là một trong Thiên Long bát bộ của Phật giáo, nên thuộc diện cổ nhất, quý hiếm của nước ta... Thấy nhà tôi sáng, mọi người mừng lắm. Bố tôi bảo, bà ngoại tôi quý các con, nhưng mẹ tôi được bà quý nhất, là bởi, mẹ tôi chịu nhiều thiệt thòi, từ nhỏ đã sớm cùng bà ngoại tôi buôn bán, bươn chải giúp bà ngoại nuôi các em...Bữa cơm chiều mồng 2 tết ở nhà bà ngoại tôi là vui nhất và ấn tượng nhất đi suốt tuổi thơ tôi cho đến tận giờ, khi mái đầu đã bạc. Ngoài sân vườn hồng tươi xác pháo tép xen lác đác cánh hoa đào, trong nhà bên mâm cỗ tết là bà ngoại tôi, các cậu di út và các bác, các cậu từ Hà Nội về, thêm đám trẻ con mươi đứa. Câu chuyện râm ran như chẳng bao giờ dứt.. Không khí đầm ấm gia đình ngày ấy sau này tôi hiếm thấy... Câu chuyện như không dứt ấy nối tiếp vào đêm đến rạng sáng, dường như không ai muốn ngủ, chuyện nọ dọ chuyện kia, buồn vui có cả...Sáng mồng ba, tôi lại được theo người lớn đi chúc tết họ hàng bên quê ngoại. Niềm vui con trẻ cứ nhân lên cùng những hào, xu mới tiền mừng tuổi. Sau bữa cơm trưa mồng ba, bác và cậu tôi ra Hà Nội. tôi chào bà ngoại về lại quê nội. Cũng con đường ấy, khác hắn chiều hôm trước sang với sự háo hức, lòng tôi thoáng buồn, theo chân bố, mẹ và chốc chốc ngoảnh lại nhìn dặng cây xanh bìa làng che khuất, thầm tìm nơi nhà bà ngoại. Lại ước ao và chờ đợi mồng 2 tết năm sau!...
Tản mạn về sách,...
Tản mạn về sách, tự thân cái tít đã nói lên, điều Chủ bút định viết gì ở đây. Thực ra, những câu chuyện về sách, tôi cũng đã viết từ lâu lắm rồi và những tản mạn đó tôi đã đăng tải trong vài ba tập sách trước của tôi, là Lên núi tầm mai, Những người thắp lửa... Tuy nhiên, những chuyện ấy từ hai chục năm trước và có thể nói, đã xưa lắm rồi, bởi thời đại 4.0 thì mọi sự đều nhanh chóng thuộc về quá khứ... Lâu nay, tôi rẩm riu, định viết thêm gì đó về sách, nhưng vì bận rộn lại thôi... Nay thời gian cũng rỗi rãi hơn, nên có thể nhẩn nha mà bàn luận dăm ba điều...
Chiều nay, đi bộ thể dục ở Công viên Thống Nhất, tình cờ thấy Hội sách đang mở. Trong cái nắng đầu hè 35 độ C, người chơi hội sách khá đông, mà phần lớn lại ở độ tuổi thanh thiếu niên. Có chút ngạc nhiên và mừng thầm, vậy ra, đâu phải giới trẻ quay lưng với văn hóa đọc... Là mừng thế thôi, chứ thực ra cùng phải xem mọi người đọc sách gì và đọc như thế nào đã?...
1. Ngày xưa tôi đọc sách,
Có thể nói, ngày thơ bé, tôi đọc sách từ khi còn chưa biết nhận mặt chữ cái. Vô lý. Chưa biết chữ thì làm sao đọc sách được. Có đấy, đó là nghe người lớn kể chuyện sách. Cách đọc sách kiểu này, còn hiệu quả hơn là tự đọc. Bởi khi ấy, đầu óc không bị phân tán, tất cả nhăm nhăm như nuốt lấy từng lời kể, mà tình tiết câu chuyện còn được người kể diễn đạt, nhấn nhá khiến chuyện sinh động, hấp dẫn hơn. Vả lại, người giỏi kể chuyện còn biết thêm bớt cho câu chuyện hoàn thiện hợp lý hơn theo logic chuyện kể. Chình vì thế, người nghe chuyện một cách tập trung, nghe xong, có thể kể lại câu chuyện đó cho người khác được ngay... Nếu bạn không tin, bạn cứ thử mà xem, sẽ rõ điều tôi nói...
Và người kể chuyện sách cho tôi ngày thơ bé, ấy là cha tôi. Ông vốn là một kiến trúc sư từ thời Tây, biết cả chữ Nho và Pháp ngữ, đọc khá nhiều sách, Đông Tây kim cổ, ở vào thời ấy, gọi đùa ông là mọt sách cũng được. 
Khi tôi đến tuổi vào học lớp Vỡ lòng (hệ 10.10 ở miền Bắc trước đây), cũng là thời điểm đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ-05.8.1964. Mặc dù lúc đó, gia đình tôi ở Hà Nội, nhưng sách vở cũng không dễ có. Có lẽ, để khơi dậy lòng yêu sách trong cậu con trai út nhỏ dại, bố tôi đã nghĩ ra một cách thích hợp và vô cùng hiệu quả. Ấy là, trước lúc ngủ, khi hai bố con đã yên vị trên giường, tranh thủ lúc mẹ tôi còn dọn dẹp nhà cửa, bố tôi kể cho tôi một câu chuyện nào đó, hoặc một đoạn, một chương trong truyện dài kỳ, như Ngàn lẻ một đêm, Ngụ ngôn La-phông-ten, Truyện cổ Grim....
Sau đó, khi gia đình tôi chuyển về quê sinh sống theo lệnh giảm dân số ở thủ đô thực hiện chính sách thời chiến, thì việc đọc sách thành không tưởng. Ngày ấy, trường lớp bậc Tiểu học (cấp I) không có, toàn phải học nhờ chốn đình chùa. Trẻ con nhếch nhác. học hành chểnh mảng, chỉ muốn bỏ học, thử hỏi lấy đâu ra sách mà đọc, trong khi sách giáo khoa còn khan hiếm. 
May thay, một chân trời tri thức mở ra trước mắt tôi, chuyện không tưởng lại thành hiện thức. Mấy khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về quê tôi, và họ mang theo về một phần thư viện của nhà trường. Lại may, có vài đứa con cán bộ giáo vụ và hành chính của trường cũng theo về, học cùng lớp với tôi. Thế là chúng có sách gì đọc thì tôi có sách ấy đọc ké. Chẳng là, lúc ấy, tôi thuộc diện học giỏi của lớp, lại thêm gia đình cũng từ Hà Nội về, nên mấy đứa nhanh chóng chơi thân với nhau. Thậm chí, có sách chúng không đọc nhưng cũng mượn để mang cho tôi. Thế là, mới học lớp 3, lớp 4, tôi đã đọc Thần thoại Hy Lạp, Những người khốn khổ, Không gia đình , và khá nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của nền  văn học Nga-Xô viết... 
Lại tiếp, khi Trường Tổng hợp ra Hà Nội, thì chi vài ba năm sau, trong quãng thời gian không kích của Mỹ ra miền Bắc, một bộ phận của trường chính trị trung ương lại sơ tán về, và theo đó cũng là kho sách của họ. Lần này, sách khá nhiều, nhưng tôi có sách đọc, không phải là nhờ quen người ở trường, mà nhờ hai người chị gái. Lúc ấy, hai người chị tôi vào độ tuổi mới lớn, hinh thức khá xinh, nên là đối tượng để các chàng sinh viên để mắt, tăm tia... Các chàng hay đến nhà tôi chơi, lấy cớ uống trà đạm đạo chuyện văn chương chữ nghĩa với bố tôi, song thực ra là tìm cách tán tính các chị tôi. Các chàng mượn sách truyện mang đến cho hai chị tôi đọc, và chẳng biết các chị có nhòm ngó gì không, chứ thằng em tôi thừa nước đục thả câu, giành đọc ngốn ngấu tất cả sách gì đến tay... Thời kỳ này, tôi được tiếp cận những Tây Du ký, Thủy Hử, Hồng Lâu mộng thuộc hàng kinh điển của Trung Quốc, rồi Gia đình của Ba Kim, Rừng thẳm tuyết dày của Khúc Ba... Văn học Nga-Xô viết thì có Đội cận vệ thanh niên, Sông Đông êm đềm, Trong chiến hào Stalingrad, và cả Những linh hồn chết, Taras Bulba của Gogol, Sông Đông êm đềm và Đất vỡ hoang của Solokhov, Cánh buồm đỏ thắm của Grin... Tôi không nhớ xuể những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thế giới mà tôi đọc ngày ấy... Ngày ấy, tôi cũng rất mê truyện Kiếm hiệp. Tôi nhớ, có một bộ sách kiếm hiệp xuất bản từ thời Pháp thuộc theo từng tay sách một, mỗi tay chỉ có một hồi, dầy cỡ nghìn trang, tên là Lục kiếm đồng, tôi mượn được, đọc đến thuộc lòng. Sau đó, tôi có thể kể loại toàn bộ tiểu thuyết kiếm hiệp đó từ đầu đến cuối, chính xác đến từng tình tiết, thế võ...
Chỉ biết, những tác phẩm văn học dù đọc ké, đọc vội đó đã củng cố trong tôi lòng ham mê đọc sách và tình yêu văn chương...
Và lòng đam mê sách ấy, đã cho tôi sự kiên nhẫn và khát khao tích cóp sách, xây dựng tủ sách cho riêng mình sau này...
2. Tủ sách cá nhân
Thú đọc sách, lòng đam mê sách khi hình thành và lớn dần trong tôi, thì tôi bắt đầu nảy sinh ý muốn lập tủ sách gia đình. Đọc sách ké, sách mượn cũng phải nhờ cơ may, vậy lấy đâu ra tiền để mua sách cơ chứ? Bản thân mới học cấp 2 (như bậc THCS bây giờ), được bố mẹ nuôi ăn học đã là phúc rồi, thời chiến tranh, thiếu thốn, đói kém đủ đường, miếng ăn cho vào miệng còn không đủ thì lấy đâu ra tiền mua sách. Hoặc giả, ngày ấy có tiền đi chăng nữa, cũng không biết mua sách ở đâu. 
Để có tủ sách, thì cần có tủ và sách. Tủ thì tôi sử dụng ngăn chứa chính giữa chiếc tử chè bằng gỗ gụ cũ, kê chính giữa nhà, làm bàn thờ tổ tiên của gia đình. Bố tôi kể, chiếc tủ chè thuần gỗ gụ này là bố tôi mua lại của người ta, nghe đâu, cuộc chiến ở phổ phường Hà Nội giữa quân ta với quân Pháp vào mùa đông năm 1946, nó từng là vật dụng được người dân mang ra đường chất đống làm chường ngại vật và chiến lũy ngăn quân Pháp, thế nên toàn bộ cửa tủ và lèo hoa văn bị mất hết. Khi nhà tôi còn sống ở Ngõ Trúc Lạc, Hà Nội, chiếc tủ này đã dùng làm tủ thờ, lúc chuyển về quê, nó vẫn giữ công năng ấy. Vì mất hết cánh, mẹ tôi mua một viếng vải nhựa dầy nền kẻ ô khá đẹp phủ lên, vừa trang trí lại che được phần cánh tủ bị mất. Trong tủ để ít bát đĩa cổ, ít đồ thờ tự và những vỏ hộp nhôm sữa Gi-gô của Pháp đựng lặt vặt. Tôi xếp gọn số đồ đạc ấy vào một bên, còn cỗ trống thừa ra, cũng đủ chứa vài ba chục cuốn sách...
Vậy chỉ thiếu sách. Tính sao đây? Loanh quanh, tôi tìm được sổ sách giấy tờ của người chị gái, thấy có cuốn sách dạy về kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu làm phân xanh (giờ gọi là phân hữu cơ) bón ruộng do Hợp tác xã nông nghiệp phát cho, và một cuốn sách Trong chiến hào Stalingrad, bìa dày giấy đẹp. bản tiếng Việt được xuất bản từ Liên Xô, đóng dấu thư viện đại học... Tôi biết cuốn này do một chàng sinh viên mượn từ thư viện nhà trường mang đến nịnh người đẹp (chị tôi), rồi quên không lấy lại, tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần rồi. Vậy là có 2 cuốn làm lưng vốn ban đầu...
Và bắt đầu cuộc tìm kiếm để thiết lập tủ sách riêng cho mình. Tiền không có, và nếu có, cũng không biết mua ở đâu. Trẻ con ở quê ngày xưa, rất ít khi cha mẹ cho con cái tiền bạc, Vậy mà, tôi có cách kiếm tiền đấy. Kiếm một cách chính đáng. Trời phú cho tôi tài chơi bi. Tôi bắn bi thuộc loại giỏi nhất xóm. Khoảng cách xa mấy, tôi bắn cúng trúng, rất ít khi trượt. Bọn học sinh, chơi bi một hồi với nhau, tôi ăn hết bi của chúng. Chúng nó nể tôi lắm. Được rồi, đứa nào có tiền mua, tôi bán lại cho chúng, giả thử, mua bi mới ở bà hàng xén, một hào mua được mười viên bi, còn nếu mua bi cũ của tôi, thì được những mười lăm viên. Bán lại cho chúng được tiền, trước sau, tôi sẽ lại ăn hết số bi của chúng. Có đứa, thấy tôi chơi thì không dám chơi nữa vì sợ tôi ăn hết. Bán bi được ít tiền, tôi không ăn quà, dành để hôm nào lên thị trấn, vào hiệu sách tìm mua truyện. Cứ thế, tủ sách của tôi có thêm các quyển Số phận của chú bé đánh trống của nhà văn Liên Xô, A, Gai-đa, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách. Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài...
Hồi học cấp 3, trường ngay thị trấn Bần Yên Nhân, vào kỳ nghỉ hè, các học sinh phải chia thành nhóm để trực trường. Đến phiên trực của tôi, mẹ tôi cho ít tiền để buổi trưa mua gì ăn. Tôi uống nước cầm hơi, nhịn ăn trưa, vào hiệu sách dốc hết tiền mua được một cuốn truyện, đọc ngấu nghiến đến chiều về nhà với cái bụng rỗng, người đói lả... 
Cứ dần dà, cái tủ sách ngầm trong lòng bàn thờ ấy đầy lên, và theo đó, kiến thức sách vở và mơ ước mơ hồ về một ngày kia mình trở thành người cầm bút lớn lên, rõ hình hài... 
3. Truy tầm và tích cóp.
Vào đại học, tôi học ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đóng tại Châu Quỳ, Gia Lâm. Cùng học, có anh bạn Trịnh Bá Ninh, người chung đội tuyển học sinh giỏi văn Hải Hưng, lại thêm người bạn cùng lớp quê Thái Bình là Hoàng Gia Trình. Trình cũng là người đọc nhiều. Ngày ấy, tôi và Trình có thể nói chuyện hàng ngày về Tây Du ký, Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa... Thích đọc sách, nên cũng thích tầm mua sách. Khốn nỗi, vẫn câu chuyện tiền đâu? Hồi đó, nhà nước ta vẫn duy trì chế độ học bổng cấp đại học. Sinh viên trúng tuyển vào trường, được cấp học bổng 18 đồng một tháng, khi ấy tiễn cũ giá trị lắm, số tiền học bổng chi vừa đủ cho 2 bữa ăn mỗi ngày, và ở thì ký túc xã nhà trường. Giáo trình nhà trường cho mượn, hết năm thu lại. Còn tiêu pha gì thêm, dĩ nhiên là tiền gia đinh cho. Như vậy thì cũng chẳng có tiền, tích cóp, lâu lâu mua được một cuốn. Đời sống sinh viên, ưa ca hát và thích thơ. Đấy là đời sống tinh thần chính của sinh viên, lại chẳng mất chút phí nào. Hát nhạc đỏ, rồi cũng biết nghêu ngao dăm bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn... Còn thơ thì Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, cũng có một số người biết thơ Puskin, Lermantov, Nhekraxov, Chiutrev. Exenhin, Maiakovsky... Ngày ấy, tôi và Trịnh Bá Ninh chịu khó mua thơ lắm. Yêu thơ là chính, với lại, mua thơ rẻ hơn mua tiểu thuyết, nên đến khi tốt nghiệp, tôi mua được cả trăm tập thơ, chủ yếu là các nhà thơ Việt nam hiện đại.May mà, đến năm thứ 3, nhà nước có chính sách, gia đình nào đang có từ 2 người đang học Đại học thì được một suất trợ cấp, giá trị 4 đồng. tháng. Nhà tôi, có 2 người, chị gái tôi học trên tôi một khóa, cùng trường, nên tôi được xét hưởng trợ cấp. Hằng tháng được nhận 4 đồng, cũng là một khoản kha khá, đỡ mẹ tôi một tiền tiêu vặt, tôi có đồng ra đồng vào, quà vặt lúc đói bụng và mua vài cuốn sách.
Hầu như tuần nào, tôi cũng đảo qua hiệu sách nhân dân ở phố Châu Quỳ, đến thành thân quen chị bán hàng ở hiệu sách. Quen rồi, có cái lợi, dặn chị bán sách khi có sách văn học mới thì để dành cho mình, hoặc lúc tìm được sách hay nhưng lại không đủ tiền thì nhờ chị cất giữ đến lúc đủ tiền thì mua... Ngoài hiệu sách ấy, chúng tôi còn quen thân với mấy hiệu sách khác ở thị trấn Gia Lâm, thị trấn Bần Yên Nhân, thị trấn Nam Sách (quê Trịnh Bá Ninh). Lâu lâu sang Hà Nội, thế nào cũng phải lượn vào Hiệu sách Hà Nội-Huế-Sài Gòn ở góc cắt phố Tràng Tiền-Ngô Quyền. Vào đấy, thực ra chỉ thỏa mãn thú tầm sách thôi, chứ thực ra ít khi mua được sách. Tiếng là hiệu sách lớn nhất thủ đô, nhưng đa chủng loại, đông người mua, nên rất hiếm khi sách văn học hay, quý còn đến tay mình. Chính ở mấy hiệu sách nhỏ nhà quê kia, chúng tôi lại mua được sách hay vì có chân trong...
Nói chung, hễ đi đến đâu, thấy có hiệu sách nhân dân là mò vào. Đến các thị trấn, thị xã nào, nếu có điều kiện là hỏi thăm, tìm hiệu sách. Sau này, tôi vào nhận công tác ở mãi tận huyện Tri Tôn, thuộc vùng Bảy Núi, biên giới thuộc tỉnh An Giang. Với gần bảy năm trời làm việc ở đây, cái hiệu sách nhỏ ở trung tâm phố huyện ấy đã cung cấp cho tôi nhiều sách hay và quý của các tác giả nổi tiếng thế giới, như Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Pariscủa V. Hugo, Bông hồng vàng của C. Paustovsky, Chuyện núi đồi và thảo nguyên của T. Aimatov, Đỏ và đen của Standal, Bà Bovary của G. Flobert, Anna Karenina của L. Tolstoi, Những vì sao của A. Đô-đê, Tuyển truyện ngắn của Sê-khốp, Truyện ngắn Turgeniev... Thời bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, những cuốn sách hay ấy được in trên giấy đen, mặt nhẵn mặt xù xì, nhưng trẻ trung mắt tinh, khát khao hiểu biết, đọc ngấu nghiến, rồi đọc nghiền ngẫm. Mỗi chuyến đi phép ra Bắc, tư trang dồn đủ một ba-lô, để còn tha theo cả bao tải sách. Tàu xe cách rách, rong ruổi từ miền Tây lên Sài Gòn rồi đợi tàu ra Bắc, về Hưng Yên, mất cả tuần, nhưng không thấy vất vả, là vì có niềm vui, thỏa nối đam mê...
4. Loạn sách, biết chọn gì đây.
Cuộc sống thay đổi thật nhanh. Khi có đủ cơm gạo, no cái bụng rồi, thì các phương tiện khác như radio, ti vi, tủ lạnh, xe máy cũng không mấy mà có. Sách cũng vậy, các nhà xuất bản, các đầu nậu làm sách nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu của người đọc. Và theo đó, các hiệu sách nhân dân, thuộc hệ thống phát hành sách do nhà nước quản lý từng giữ vai trò quan trọng suốt một thời kỳ, lắt lay và thui chột, rồi biến mất, thay vào đó là các cửa hàng sách tư nhân. Loạn sách. Nhưng trước khi bàn về loạn sách, tôi kể chút chuyện về một việc làm dại dột của mình... 
Ấy là khi, tôi làm việc ở Hà Nội, mẹ tôi cũng ra thành phố ở với một người chị gái của tôi, ngôi nhà gianh ở quê, nơi mà ngay đi học tôi đã bắt đầu lập tủ sách cá nhân với cái hộc tủ thờ mất cánh, bị bỏ không. Sợ thất lạc và ẩm mốc, tôi chuyển toàn bộ số sách có được đến vài trăm quyển đến để nhở nhà của một người chị gái khác ở quê. Thời ấy, trên văn đàn của ta bắt đầu xuất hiện một hiện tượng mà các nhà phê bình văn học ở ta gọi là nền văn học phải đạo.Báo chí văn nghệ bàn ra bàn vào, có y kiến là đã đến lúc cáo chung cho nên văn học phải đạo. Những sáng tác mới của nhà văn Nguyễn Minh Châu như "Phiên chợ Giát", "Mùa trái cóc ở miền Nam", "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành", "Cỏ lau,"...  được người đọc khen ngợi này nọ... trong khi nhiều tác phẩm văn học khác, ngay cả tiểu thuyết Dấu chân người lính của chính ông, từng được khẳng định, lại bị coi nhẹ...Và đương nhiên, những điều đó ảnh hưởng đến tôi. Chẳng hiểu sao, tự nhiên tôi thấy những tập thơ mà tôi dày công tích cóp trở nên nhạt nhẽo, một chiều, rồi quy chung vào cái gọi là "nền văn học phải đạo". Khi tôi được cấp một gian nhà cấp bốn ở khu tập thể cơ quan, cùng với những vật dụng thiết yếu là giường tủ bàn ghế, tôi đặt đóng ngay một cái giá sách, bằng gỗ tốt bởi một thợ vườn. Tôi mang số sách gửi nhở nhà người chị ở quê lên trưng vào giá sách mới nhà mình. Ước mơ hai chục năm trời đã thành hiện thực. Nhưng, tôi đã cố tình bỏ lại gần trăm tập thơ ở quê, mặc người nhà chị gái sử dụng tùy ý. 
Giờ nghĩ lại, thấy mình không phải. Cho dù có thế nào đi chăng nữa, thì đó cũng là công sức, sáng tạo của mỗi tác giả. Thật lòng, nghĩ mình có lỗi với sách, với  các nhà thơ ấy... 
Trở lại chuyện loạn sách. Bắt đầu từ việc đổi mới kinh tế, kéo theo là các kiểu đổi mới. Các nhà xuất bản không còn tự chủ được nữa, dẫn đến việc phải liên doanh với các nhà đầu tư, mà ngày đó, người ta quen gọi là "đầu nậu". Riêng tôi, lúc ấy cũng có vài ba cuốn được in theo hình thức này. Ví như, tập truyện ngắn "Đêm nguyệt thực", tập sách đầu tay của tôi dự thi ở Nhà xuất bản Hà Nội, đã được một đầu nậu nhận in, phát hành ( 1993) và may mắn đoạt giải; hay như tập truyện ngắn "Hoa tầm xuân" (Nxb Văn học) thì do Công ty Phát hành sách liên doanh với đầu nậu in; hoặc tập "Những người thắp lửa" (Nxb Lao động) và tập tản văn "Lên núi tầm mai" (Nxb Văn học) do Trung tâm Văn minh văn hóa Đông Tây in, phát hành, rồi tập truyện ngắn "Tổ ấm chim câu" (Nxb Lao Động) do một tư nhân bỏ vốn in ấn, phát hành... Người viết sách vui vì sách được xuất bản mà mình không phải bỏ vốn. Những tập sách khác và cho đến tận bây giờ, sách của tôi vẫn xuất bản, phát hành theo cách thức này... 
Hà Nội giờ đây có nhiều nhà sách tư nhân, song nổi tiếng nhất vẫn là phố Nguyễn Xí, gần khu vực Bờ Hồ. Ở đây, người tìm sách, mua sách ngày nào cũng đông nghịt. Sở dĩ đông, là bởi trước hết gần trụ sở của Tổng công ty phát hành sách trung ương có từ thời bao cấp, lại ở trung tâm, tiện cho người mua sắm nói chung. Các nhà sách liền kề nhau, chủng loại đa dạng, giá cả phải chăng (luôn có chiết khấu, giảm giá)... Người yêu sách ở Hà Nội, ai cũng biết đến bà Mão. Có thể coi, bà là một trong số ít người đưa ra hình thức bán sách theo cách thức tại nhà, không cần cửa hàng. Ngày ấy, một số nhà mặt đường ở đây cho thuê kinh doanh sách, còn nhà bà Mão lại ở sâu trong ngõ hẹp, tít trên tầng hai. Bà Mão đã nghĩ ra cách, lấy mấy phòng ở của nhà mình, bày toàn sách, trên vách, dưới sàn xếp kín đặc, người mua bỏ giày dép, dầm cả lên sách mà chọn tìm, mua gì ra ngoài bàn ở hành lang tính tiền. Vậy mà khách đông nườm nượp, hơn cả cửa hàng cửa hiệu sang trọng... Cách thức này của bà, sau rất nhiều người học theo... Bà Mão nổi tiếng đến mức, mới năm trước, bà mất, một số báo và rất nhiều trang Facebook đã đưa tin, bởi có khá nhiều phóng viên, nhà báo từng là khách hàng của bà từ ngày họ còn là sinh viên nghèo... 
Lâu lâu, nhớ thú tầm sách, hoặc mỗi khi đau đầu vì công việc, tôi hay chọn đi tầm sách để giải tỏa. Sách bây giờ in đẹp, bìa bắt mắt, gợi mở. Phải công nhận, việc thị trường lĩnh vực xuất bản, người làm sách phải cạnh tranh, cùng với sự lựa chọn đầu sách, in ấn đẹp, giá cả hợp lý, giới xuất bản có nhiều chiêu độc để sách bán chạy. Thói quen của tôi, bước chân vào bất kỳ một hiệu sách nào, cũng lướt mắt đáo qua một lượt, rồi xem kỹ và quyết định mua hay không. Tôi nhớ, có lần, tại một hiệu sách trên phố Bà Triệu, Hà Nội, tình cờ, tôi bắt gặp và mua một cuốn sách mỏng ở chỗ bày sách đại hạ giá, nhưng hóa ra lại được cuốn sách quý, ấy là tập thơ "Xem đêm" của nhà văn Phùng Cung. Có lẽ, nhiều bạn đọc không biết đến cuộc đời truân chuyên của nhà văn này. Ông bị dính án văn chương, nghe nói vì cái truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh" bị quy kết này nọ, bị cho là cạnh khóe nhân vật cao cấp nào đó. Tập thơ "Xem đêm" là tập hợp cả đời thơ của Phùng Cung gồm mấy trăm bài ngắn dài, được ông viết phần lớn trong thời gian bị tù đày hơn chục năm gì đấy. Lại nghe nói, ông Nguyễn Hữu Đang, (người từng chịu trách nhiệm tổ chức việc dựng Lễ đài cho buổi ra mắt của Chính phủ Cụ Hồ, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình), đã trích một phần tiền lương truy lĩnh sau khi ông này được phục hồi nhân phẩm, để Phùng Cung có tiền xuất bản tập thơ đó. Theo tôi, đây là tập thơ hay nhất trong vòng mấy chục năm nay ở ta. 
Loạn sách, nhưng tôi vẫn mua sách theo cái kiểu của riêng mình...
Ấy là, tìm mua loại sách thuộc hàng kinh điển, dùng làm tài liệu tra cứu khi cần thiết.
Ấy là, sách bộ mới một số tác phẩm nổi tiếng của các tác gia văn học thế giới (ví như L. Tolstoi, V. Hugo, G. Maupassant, O. Balzac Y.Kawabata, Mạc Ngôn  ...).
Ấy là, sách theo thú chơi của mình. Ví như, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, tôi có những mấy bộ bản in khác nhau, Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Đông Chu liệt quốc của  Phùng Mộng Long, Thủy Hử của Thi Nại Am cũng có mấy bộ kiểu như vậy...
Ấy là, một số tác phẩm thuộc các tác giả giật giải Nobel văn chương hằng năm, hoặc các tác phẩm được làng phê bình văn học đánh giá cao... 
Ấy là sách kiếm hiệp. Tôi mê sách kiếm hiệp từ nhỏ, nên mua đủ toàn bộ tiểu thuyết  võ hiệp của Kim Dung và một số tác phẩm của các tác giả kiếm hiệp khác cùng thời với ông.
Cứ thế, dần dà, tủ sách của tôi lên đến vài ngàn cuốn.
5. Ps 
Chiều muộn, đi bộ công viên, thủ túi quần có 100k. Ngang qua Hội sách đã tàn, hầu hết các quầy đã đóng thùng cho lên xe chở về. Còn ít quầy vẫn cố nán lại vì chiều khách, Ghé một quầy bán cả sách cũ và mới, hỏi "Có bộ BÀI CA SƯ PHẠM của Makarenko không?". Thưa rằng: "Cháu không có ở đây, nhưng ở quấy nhà cháu số... đường Giải phóng, cháu có đấy. Hôm nào chú qua, cháu bán cho"... 
Lại ghé vào Nhà sách Nhã Nam, khách mua bán vẫn tấp nập. Lướt nhanh, nhặt ra 3 quyển này, thanh toán hết có 90k, vẫn thừa 10k bỏ túi. Trên đường về, giải thích cho cô con gái, sinh viên năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân, rằng tại sao bố lại mua 3 cuốn này (HỒ.của Y., Kawabata, NGÀY XƯA của Nguyễn Nhược Pháp, và ĐIÊU TÀN của Chế Lan Viên, thuộc Tủ sách Vietnam Danh tác. Định mua cả Tập thơ THU của Lưu Trọng Lư nữa, nhưng không đủ tiền nên đành bỏ lại). Cô con gái gật gù, à ra thế. Cháu cũng hay đọc sách, nhưng sách nó chọn thường là sách học, sách tham khảo, và tiểu thuyết ngôn tình... Mua cuốn HỒ của tác giả người Nhật bản là Yasunari Kawabata, lòng có chút thích thú. Trong các quốc gia châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ, xét về văn chương (mở rộng ra lĩnh vực Triết học, Lịch sử, Địa lý...) thì đứng thứ 3 là Nhật Bản, theo tôi. Cho đến giờ, Nhật Bản đã có 3 tác giả được trao Nobel Văn chương, mà Yasunari Kawabata là người mở đầu và vĩ đại nhất... Tôi đã thích các tác phẩm của ông này, bộ ba tiểu thuyết XỨ TUYẾT, TIẾNG RỀN CỦA NÚI, NGÀN CÁNH HẠC. Các tác phẩm khác của ông cũng rất hay, là VŨ NỮ IT-ZU và NGƯỜI ĐẸP SAY NGỦ... Hy vọng cuốn HỒ này cũng sẽ thú vị... 
Chính vì yêu vắn chương của ông, tôi đã có một Tiểu luận về nhà văn này và các tác phẩm chính của ông...
Giờ thì tôi vẫn mua, nhưng chọn lọc rất kỹ. Đam mê sách thì vẫn còn, song phải biết san sẻ cho những thú vui, nghỉ dưỡng khác, phù hợp với lối sống chậm trong một xã hội công nghệ hối hả...
Vả lại, còn phải dành thời gian cho viết nữa...
Nghĩ về Phương Đình Nguyễn Văn Siêu...
Cha tôi người kể chuyện, đã từng kể tôi nghe một đôi điều về Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong vô vàn những chuyện kể ban đêm của người. Rằng Phương Đình là người viết ba chữ Tả thanh thiên ( có nghĩa là viết lên trời xanh) ở Tháp bút, Hồ Gươm. Và ấn tượng hơn là câu chuyện về chí sĩ Cao Bá Quát ngạo thiên hạ mà tuyên bố rằng: “Cả thiên hạ có ba bồ chữ thì Quát này chiếm hai, một còn lại thì Nhạ và Siêu chia nhau mỗi người một nửa” (ở đây, Nhạ tức Cao Bá Nhạ, anh ruột Cao Bá Quát và Siêu là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu). Là chuyện truyền miệng nên chính xác đến đâu thì không dám bàn, song nếu chỉ với từng ấy thôi thì Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cũng là người hay chữ lắm rồi. Người Kinh kỳ xưa và Hà Nội nay, tự hào có Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, một trong những cây bút ở thế kỷ XIX. Gần đây, đọc sách Phương Đình văn loại của Nguyễn Văn Siêu, thấy quả là ông hiểu biết sâu rộng, chữ nghĩa điêu luyện, súc tích lắm. 
Ông vốn quê ở làng Lủ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì. Ông có cả một loạt bài viết về địa lý, phong thổ, con người Trung Hoa dọc theo trục Nam – Bắc và từ Quảng Tây đến Bắc Kinh, Hoàng Hà. Cứ theo Bài tấu về chuyến hành trình đi Yên Kinh (tức Bắc Kinh) trong chính cuốn sách này, thì năm Tự Đức thứ hai (1850), ông được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ ta sang nhà Thanh. Đường đi từ Mục Nam Quan đến Bắc Kinh phải qua các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ (tức Hà Bắc) và trở về, hết bộ lại thủy, dẫu có lâu thì cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi, chứ để viết được như vậy, vốn hiểu biết của ông hẳn phải rất sâu rộng. 
Với riêng tôi, cuốn sách này như là một cẩm nang quý trong chuyến công tác sang Quảng Tây. Ngày làm việc và đi thăm quan, tối về nằm khoèo khách sạn, lại giở sách ra xem. Các bài Đại thể về địa thế tỉnh Quảng Tây, Sông đào ở núi Lâm Nguyên, Phong cảnh sông Tương, Núi sông ở Lâm Quế, Đá ngọn ở Dương Sóc, Ngô Châu – đất yết hầu v.v... đã thực sự giúp tôi mở rộng tầm mắt. Từ thành phố Quế Lâm theo tuyến tàu thủy du lịch chạy dọc Ly Giang đi thị trấn cổ Dương Sóc, ông viết: “ Sống đá cao vót, bó sông lại thành khe. Hoặc có chỗ đá trồi lên bất ngờ nhọn thẳng như măng tre, hoặc có chỗ từ sườn núi đá nhọn tòe ra như sừng hươu, hoặc có chỗ đá như vuốt như sừng chĩa vào nhau như loài thú đánh lộn. Có tảng thẳng đứng như cột buồm, có tảng dốc như tường vách, có tảng tròn như vựa thóc, có tảng hình tựa bày quân cờ, có tảng góc cạnh như hiên nhà, có tảng nứt đôi như múi dưa, có tảng hai đầu vênh lên như con thuyền...”. Rồi nữa, trong bài Núi sông ở Lâm Quế, ông viết: “Ngọn núi Độc Tú mọc thẳng vút hơn hai trăm trượng, đó là ngọn núi cao nhất vùng. Dưới núi này có động, đi ngầm dưới đất có thể thông đến phía bắc núi. Trong động, có ghế đá, giường đá, cửa đá la liệt, giống một phòng tường bao quanh. Trên núi có lầu gác, trông lẫn vào mây xanh, bốn mặt núi biếc, bao la bát ngát. Quế Giang (tên gọi khác của Ly Giang – Tg) vẫy vùng trong cảnh ấy, sông nước long lanh dập dình, như gò đảo Phương Hồ (theo truyền thuyết biển Bột Hải có đảo tiên ở là Phương Hồ) vì vậy mới có câu nói rằng: Sơn sáo Quế Lâm, kỳ bất khứ dã (Núi non đến như Quế Lâm, kỳ lạ không muốn rời vậy)...”. Bút đến như thế, quả thật tài tình, linh hoạt mà diễm lệ thay!... 
Buổi đến thăm Cục Phát thanh truyền hình Quế Lâm, anh Hoàng Sơn, giám đốc, khoe với chúng tôi rằng, Cục đang chuẩn bị lên sóng hẳn một kênh phát thanh Du lịch, bởi có thể nói, Quế Lâm phong cảnh thuộc loại bậc nhất Trung Quốc. Không nói chi đến du khách nước ngoài, mà ngay chính người dân Trung Quốc, cũng có biết bao người ở những vùng khác, ước ao được đặt chân đến Quế Lâm để chiêm ngưỡng cảnh sắc hữu tình nơi đây mà thiên nhiên ban tặng. Nói đến Quế Lâm là du khách nhớ đến ba núi (Tượng Tị, tức Vòi Voi, Điệp Thái và Phục Ba), hai hang (Thất Tinh, Lôi Địch Nham), một sông (Ly Giang), một mương (mương cổ Linh Cừ từ thời Tần, tên cũ là Tần Cừ), và Tam Bảo (tức ba thứ quý là Rượu Tam Hoa, đậu phụ nhự và tương ớt). Có thể kể thêm 3 loại thực thảo quý là cỏ Mã đề, khoai sọ Lệ Phố và hồi. Hẳn vì thế mà người Quế Lâm không ngại ngùng mà tự hào: Quế Lâm sơn thủy đệ nhất thiên hạ. 
Lúc trò chuyện cùng các đồng nghiệp Trung Quốc, tôi thầm nghĩ, chắc hẳn phía bạn không thể biết, những điều ấy, tôi đã được cụ Phương Đình chỉ dẫn kỹ lưỡng rồi. Kiến văn uyên thâm, cộng thêm khả năng quan sát kỹ lưỡng và hết sức tinh tế đã giúp cho ông để lại hậu thế những thiên tùy bút xuất sắc. Nhờ thế mà văn đàn Hán Nôm Việt Nam có thêm một tên tuổi lớn ở thể loại văn xuôi. Những đoản văn từ 150 năm trước sẽ lại thêm sức sống khi mà sự giao lưu văn hóa và nhu cầu du lịch của con người mỗi tăng lên trong xu thế hội nhập của thời đại ngày nay. 
Quả là, thời đại của những tốc độ siêu nhanh, của những Internet đã và sẽ còn đem lại cho người ta nhiều tiện lợi, song lại tước đi thú nhẩn nha, tiêu dao... Tôi thầm cười mà nghĩ, sẽ chẳng có những thiên tùy bút xuất sắc, nếu như cụ Phương Đình cưỡi máy bay Boeing hay Airbus mà đi sứ Yên Kinh...!
Có một người văn Việt ở Paris...
Mùa đông năm 1996, tôi cùng vài ba đồng nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam sang Pháp học nghiệp vụ báo chí, trước khi đi, nhà văn Ngô Tự Lập có nhờ tôi chuyển thư cho một người quen ở Paris là Đặng Văn Long và bảo: “Anh nên đến chơi thăm anh Long. Anh ấy tốt lắm, cũng có viết văn...” Sang rồi, theo số điện thoại Lập cho, tôi gọi điện. Một giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện trả lời. Anh Long mời chúng tôi đến chơi nhà, và sợ chúng tôi bỡ ngỡ, lạc đường nên vẫn cố đến đón chúng tôi. 
Đúng hẹn, chúng tôi ra điểm hẹn bến xe buýt ngay cửa ga metro Croix de Chavaux thuộc quận ngoại ô Montreill. Một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó, da trắng xanh, thọc tay vào túi áo khoác đi đi lại lại loanh quanh cho đỡ rét, chăm chăm nhìn chúng tôi. Người Việt mình. Đúng là anh Long. Thế là chúng tôi nhận ra nhau. Anh ở cách đấy chừng vài ba chặng xe buýt cũng thuộc Montreill, một căn hộ 7 buồng trên tầng 9 của chung cư. Khi đó, anh cho một thực tập sinh Việt của Viện quân y 103 ở nhờ. Phòng khách rộng, treo mấy bức tranh thư pháp, anh bảo là của đạo diễn – nhà thơ Đỗ Minh Tuấn và vài người quen khác từ Việt Nam sang công tác ghé chơi, tặng lại. Hôm ấy, anh giữ chúng tôi ở lại dùng cơm, chỉ chúng tôi lấy thực phẩm sẵn trong tủ lạnh và dặn hãy nấu những món ăn đặc Việt. Bữa cơm giản dị, ấm cúng tình người. Quen nghe anh xưng anh là cũng gọi theo vậy, song không ngờ anh đã 74 tuổi, sang Pháp từ hơn 50 năm trước. Khi thấy chúng tôi đổi cách xưng hô, anh bảo, không cần thiết, cứ gọi thế cho thân mật, với lại anh đang mong ước được trẻ lại để còn hy vọng một lần về thăm quê hương bản quán. 
Trong câu chuyện, anh cho biết, vốn quê Hải Dương, sinh năm 1919, năm 1940, bị Pháp bắt lính, đưa xuống tàu há mồm cùng bao thanh niên Việt sang Pháp làm lính thợ. Những lính thợ người Việt khi ấy bị đưa sang châu Phi, đi đến một vài xứ thuộc địa Pháp để phục vụ công cho quân đội viễn chinh Pháp, rồi sau đó lại trở về Pháp tiếp tục kiếp lính thợ. Sau năm 1947, giải ngũ định cư tại Pháp, anh có làm một số công việc, chủ yếu là lao động giản đơn. Rồi lấy vợ Pháp, một người đàn bà thuộc tầng lớp lao động bình dân, có hai con. Lúc bấy giờ, vợ anh đã mất chừng dăm năm, con gái lấy chồng sống bên Bỉ, con trai lấy vợ sống trong nội thành Paris, anh sống một mình bằng lương hưu. Từ nhiều năm trước, anh bị bệnh tim, giờ nặng đến mức phải đeo máy trợ tim dưới làn da ngực trái. Căn hộ tầng 9 chung cư này luôn rộng cửa với rất nhiều người Việt Nam, nhất là các anh em văn nghệ sĩ, các nhà báo mỗi khi sang Pháp. 
Anh cho chúng tôi xem một tập thơ của anh, rồi khoe là có một cuốn tiểu thuyết nhan đề Lính thợ ONS vừa được NXB Lao động ấn hành tại Việt Nam, và hiện anh đã viết được chừng 500 trang một cuốn sách khác về người Việt Nam ở Pháp. (2 năm sau, cuốn sách có nhan đề “Người Việt Nam ở Pháp” 1940 – 1954 được in 1997 tại Pháp). Tôi đã từng nhìn thấy bìa cuốn sách Lính thợ ONS bày bán ở Việt Nam, song không ngờ lại được gặp tác giả. Khi thấy chúng tôi trầm trồ, anh nhỏ nhẻ cười hiền, bảo, bốn dĩ là anh nông dân, khi bị bắt đi lính thợ tuy không đến nỗi mù chữ quốc ngữ, song viết lách còn chưa thạo, tất cả là do đi ra ngoài, gian khổ trường đời dạy cho cả. Rồi anh cứ mủm mỉm cười, lúc lắc đầu làm như vẻ không thể tin nổi chuyện một người chẳng mấy hiểu chữ nghĩa sách vở, rồi qua bao năm tháng thân phận cu-li như mình mà lại có ngày trở thành nhà văn, nhà chép sử... Có thể anh thật lòng, mà hoặc có khiêm tốn mà nhận vậy đi chăng nữa thì cũng đâu có khác gì nhau, đều là đáng quý cả. Sau đó, chúng tôi còn đôi ba lần, đến thăm anh vào kỳ nghỉ cuối tuần. Riêng tôi và anh, có thêm vài kỷ niệm nho nhỏ. Lúc chuyện trò về văn chương, anh cho biết là người quen trong nước thỉnh thoảng gửi cho anh dăm cuốn sách nên anh không đến nỗi quá lạc hậu với tình hình văn học nước nhà. Rồi anh khen văn Ngô Tự Lập mới mẻ. Tôi có tặng anh một tập truyện ngắn của tôi do NXB Hà Nội ấn hành. Mấy ngày sau, anh gọi điện đến nơi tôi ở, nói hào hứng là đã đọc xong tập truyện của tôi và không khách sáo bảo là viết bình thường, chắc tay, có đôi ba truyện được, đặc biệt khen truyện Biển của một thời... Vào dịp trước lễ Giáng sinh năm ấy, chúng tôi chuẩn bị về nước, có tranh thủ làm một magazine về người Việt ở Pháp với Tết dân tộc. Khi chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn thu thanh anh Long, anh nhắc đến ký ức về những cái Tết tuổi thơ nghèo khó mà vui xa xưa từ ngày chưa sang Pháp và kề chuyện cùng vợ con và những người Việt Nam ở Pháp tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc, xúc động quá nên cơn đau tim bột phát. Chúng tôi bị một phen hoảng hồn, may nhờ có máy chỉnh nhịp tim và dùng thuốc kịp thời nên qua khỏi, nếu không chúng tôi sẽ ân hận nhường nào!... 
Thực ra, sau khi giải ngũ khỏi kiếp lính thợ, vì mặc cảm với thân phận mình nên suốt bao năm trời cắm đầu nơi xứ người mà sống, đến lúc tuổi cao sức yếu bệnh tim đeo đẳng dù nhờ quê hương bản quán lắm lắm song cũng không thể về được nữa. Anh tâm sự, thôi thì chỉ còn cách giãi bày, trút hết nỗi niềm thành kính, thương yêu da diết Tổ quốc, quê cha đất tổ bằng ngòi bút, viết nên những điều tâm huyết nhất. Cũng chẳng biết rồi những gì mình viết ra giá trị đến đâu, chỉ biết, khi viết, mình đăm đăm với ý tưởng vạch rõ bộ mặt thật của thực dân, đế quốc và mong muốn thể hiện đức tính trung trinh, can đảm, chịu thương chịu khó để vượt lên số phận của người Việt mình dù trong bất cứ cảnh ngộ nào. Âu cũng là cách trả nghĩa công sinh thành của cha mẹ, quê hương của người con tha hương... 
Có lẽ, cũng chính vì lẽ ấy, tôi không gọi Đặng Văn Long là nhà văn, mà gọi anh là người văn, là để nhấn tới tính cách con người, một người Việt yêu nước, hơn là sự đóng góp về văn chương trong anh, cùng còn bởi, tác phẩm của anh có giá trị tư liệu hơn là gí trị về văn học.
Tôi nhớ, hôm chúng tôi đến thăm anh lần cuối trước khi về nước vì biết rằng khó có ngày gặp lại, anh bồi hồi chìa bàn tay già nua nhăn nheo để chúng tôi nắm. Tay kia anh luôn để lên ngực trái xoa nhẹ, nơi chiếc máy trợ tim thường trực canh gác trái tim anh, chép miệng: “Khổ thế, mấy em ơi... Anh ước ao một ngày nào đó được ngồi trên máy bay như mấy em đây mà về...!”. Anh lại nghẹn lời trong cơn xúc động... Chỉ một ngày sau khi về đến Việt Nam, cả mấy đứa chúng tôi đều nhận được cú điện thoại anh gọi về từ Pháp, ân cần hỏi thăm tình hình đi đường và chúc sức khỏe gia đình trước dịp Tết dương lịch. 
Kể từ ấy, đến nay đã dăm năm trôi qua, tôi vẫn luôn có tin tức về anh qua những người quen, phần đông là dân báo chí, văn nghê, chúng tôi vì mỗi dịp đến Paris đều ghé thăm căn hộ của anh Long. Trước lễ Giáng sinh năm nay (2002) chừng nửa tháng, có tin anh Long qua đời ở độ tuổi ngoại tám mươi. Thế là ngưng đập một trái tim đau, một trái tim tha hương luôn hướng về nguồn cội. Thì cứ cho rằng, những trang văn, trang sử anh viết chỉ là vì yêu tha thiết con người và quê hương đất Việt, và như anh tự nhận, là nghiệp dư đi chăng nữa, thì cái chúng ta biết đến và quý trọng ở Đặng Văn Long là tấm lòng kia mà!... 
Vậy là, từ tết Nhâm Ngọ, anh không còn được vọng xuân dân tộc như bao xuân trước, và ước mong một đời của người con xa xứ được một lần trở về thăm quê của anh không thành. Nhưng đấy là chuyện của một con người bằng xương bằng thịt. Chứ thực ra, nói theo tâm linh người Việt chúng ta, thì giờ đây, anh đã thuộc về hư vô,và ở cõi ấy, chẳng cần phải tàu há mồm, cũng không cần máy bay, anh hoàn toàn tự do trở về quê hương, không ràng buộc bởi bất cứ thứ gì. Vả lại, với Đặng Văn Long, tất thảy những gì anh viết trước đấy thực sự là sự trở về với cội nguồn rồi!...
Chơi vườn Luxembourg
Vườn Luxembourg tôi đã biết nó khi theo chân chàng Ma-ri-uyt rón rén bám đuổi cái bóng nàng Cô-dét trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo. Vườn Luxembourg tôi đã biết với đoạn văn nổi tiếng mà những thế hệ trước tôi hay nhắc đến của nhà văn Anatole France (Giải thưởng Nobel năm 1924) từ bản văn Bóng xưa: “… Tôi sẽ nói với bạn những gì tôi thấy khi qua vườn Luxembourg những ngày đầu tháng mười. Vườn Luxembourg hơi buồn nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết. Những lá vàng, từng chiếc, từng chiếc rơi đầy hai vai những pho tượng…” 
Với riêng tôi, có gì đó vừa tuyệt đẹp lại xa vời, ngỡ như chẳng bao giờ mình được thấy tận mắt. Vậy mà, giờ thì tôi đang đứng trong vườn Luxembourg rồi! 
Thực ra, khi vừa mới ở ga métro hay R.E.R gì đấy dưới lòng đất Paris trồi lên mặt đất, bắt gặp một không gian cây cối ở ngay trước mặt, người tôi khẽ run lên. Một cảm giác thật khó tả cứ trào dâng trong lòng tôi. Vườn Luxembourg là đây ư?! Bấy giờ là trung tuần tháng mười một, chứ không phải là tháng mười khi năm học mới bắt đầu, và tôi cũng không phải là cậu học trò hay ngài Anatole France đi tìm kỷ niệm xưa theo rình cái bóng của mình, tôi chỉ là một người khách xa lạ từ phương Đông lần đầu đặt chân đến đây với cả lòng ngưỡng mộ ấp ủ từ lâu. Vậy thôi. Hà cớ gì phải rón rén? Nghĩ thế rồi mà bàn chân tôi cứ ngập ngừng, bước bước lại dừng. Là tôi sợ mình bỏ sót gì chăng. Ngay trên lối đi cổng vào một cây lớn vàng rực toàn thân mà tôi không biết gọi tên chi. Hẳn là những chiếc lá vàng trên cây kia đã bao mùa thu rồi buông rơi từng chiếc một xuống vai các pho tượng. Tôi đứng hồi lâu dưới gốc mà chẳng có một chiếc lá vàng nào rụng xuống, chỉ có đám lá vàng đã rụng từ bao giờ đang khô thiếp dần đi thì chốc chốc lại khẽ xào xạc nơi mặt đấy mỗi khi làn gió bấc thổi lùa đi. Một cảm giác buồn buồn, nhột nhột, nơi chân tóc cổ áo như có kiến hay sâu tơ chạm vào. Tôi ngửa mặt nhìn mãi vừng vàng, lưu luyến chẳng muốn rời chân đi. Loanh quanh theo các lối của vườn, tôi và mấy người bạn cùng đi lâu lâu một ai lại ồ lên thích thú, trầm trồ buột miệng khen ngợi gì đó. Giữa vườn có hồ nước nhỏ, thiên nga, vịt trời, chim chóc từng bầy ngụp lặn, phơi hóng bộ cánh, hoặc nhẩn nha nhặt nhạnh chút thức ăn, hay dạn dĩ xán gần lẩn quẩn chân du khách. Tôi đặc biệt thích thú những chậu cúc. Đủ loại cúc vàng, cúc nâu hoa nở rực rõ như đơm xôi trên những chiếc chậu cổ, mà mỗi chiếc chậu mang một kiểu dáng khác nhau, có chiếc được tạo thành bởi khóm tượng những hài đồng. Vì thế, mỗi chậu hoa cúc có thể xem là một tác phẩm nghệ thuật. Đông đúc và náo nhiệt nhất vẫn là khu vui chơi với trò cưỡi ngựa. Khách chơi vườn xúm đông xúm đỏ mua vé đợi đến lượt mình cưỡi ngựa. Những chú ngựa cảnh giống lùn, chân to hiền lành, mệt nhoài bởi cứ phải chạy đi chạy lại trên một tuyến đường định sẵn để chiều lòng những du khách muốn có cảm giác của các kỵ sĩ trong chốc lát. Khác hẳn Disneyland với các trò chơi nhân tạo kỳ thúc mang cảm giác mạnh, những trò chơi ở vườn Luxembourg dân dã và gần gũi với tự nhiên. Để ý quan sát, tôi cảm nhận, ngoại trừ những khách du lịch nước ngoài hay người từ các thành phố, tỉnh lẻ của Pháp đến đây cho biết, như kiểu chúng tôi chẳng hạn, còn phần đông người Paris chơi vườn Luxembourg đều có nhu cầu thư giãn tĩnh tâm, hoặc giả trai gái yêu nhau hò hẹn tâm tình, và nữa là lũ học trò lẩn vào đây tìm góc yên tĩnh để ôn luyện bài vở…
Dạo mãi trong vườn chưa thỏa, mấy chúng tôi nảy ra ý định hơi điên rồ là thả bộ vòng quanh hàng rào phía ngoài vườn ngắm cảnh phố phường. Phía đông là Boulevard Saint Michel (đại lộ Thánh Misen) sầm uất, ranh giới của hai quận 5 và 6. Phía Bắc là Rue Medicis và Rue de Vaugirard, hai phố này án ngữ mặt chính của vườn. Phía Tây là Rue Guynemer và Rue d’Assas. Còn mặt Nam là Rue Auguste và Comte. Những phố bao bọc quanh vườn đa phần theo kiểu kiến trúc đặc trưng miền Bắc nước Pháp, nhà cao cỡ từ ba, bốn đến bảy, tám tầng liền nhau màu xám xịt, khá cổ kính. Thực hiện xong ý định điên rồ đó, chúng tôi đều mỏi nhừ, người râm rấp mồ hôi mặc dù trời chiều Paris đang lạnh chừng 3 – 4 độ C.
Với thời gian chừng tháng rưỡi ở Paris, vì bận học hành, công việc nên tôi chẳng còn thời gian quay lại chơi vườn Luxembourg lần nào nữa. Vả lại, những ngày nghỉ cuối tuần sau đó, chúng tôi phải dành để đi chơi các điểm du lịch nổi tiếng khác và đặc biệt chúi đầu vào mấy viện bảo tàng. Giờ đây, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất nơi tôi về Paris là buổi chơi vườn Luxembourg. Cứ mong có ngày được trở lại Paris. 
Và khi ấy, dù mới chỉ một lần, tôi đã có thể như nhà văn Anatole France xưa, rón rén từng bước lần theo cái bóng của mình trên mọi lối đi ngóc ngách của vườn mà sống lại kỷ niệm cũ…
(1996)
Ps: Kể từ ngày ấy, cho đến mùa thu năm 2012, tôi mới có dịp trở lại nước Pháp, và may mắn làm sao, Trường ENA ( Học viện Hành chính quốc gia Pháp ), nơi tôi theo học khóa đào tạo ngắn hạn, lại nằm kế bên vườn Luxembourg. Vậy là tôi có cả nửa tháng trời, ngày học nào cũng dùng bữa ăn trưa nhẹ tự túc ngay tại vườn Luxemboug, rồi tha thẩn chơi vườn cho đến giờ học buổi chiều. Vâng, vẫn là mùa thu lá đỏ lá vàng rực, vẫn những chậu cúc thu màu sắc tuyệt đẹp, vẫn những chú thiên nga, vịt trời nhẩn nha trên mặt nước hồ trong vắt tới đáy, vẫn vòm trời thu xanh ngắt cùng những cụm mây trắng nhẹ rong chơi, vẫn những cặp tình nhân ôm ghi nhau trên ghế đá, vẫn những cô cậu học trò sinh viên một mình lặng lễ đọc sách, ôn luyện thi cử, và vẫn những pho tượng trắng lác đác lá vàng ngủ trên bờ vai...
Tôi đã xúc cảm mà viết bài thơ " Luxemboueg, mười sáu tuổi thêm" ( bài thơ có trong blog này), có những câu thơ:
"...Ta lặng ngắm
thu Paris chừng vậy,
bồi hồi
nhớ ngày thu năm ấy,
Luxembourg
vườn tình
mười sáu tuổi thêm...".
Sau đó, tôi còn nhiều lần trở lại khu vườn tuyệt diệu này. Mỗi lần mỗi xúc cảm, và ký ức thì mỗi dầy thêm..
Tàu điện, giao thông hay là văn hóa?
Tôi nhớ, vào những ngày cuối cùng của năm 2006, có hai thông tin gây nên trong tôi cùng một xúc cảm. Đó là, Hà Nội công bố khởi công xây dựng ga đầu mối tuyến metro đầu tiên tại Nhổn và Paris khánh thành tuyến xe điện nổi dọc theo bờ sông Xen.
Sở dĩ hai tin ấy lại gây cho tôi một cảm xúc chồng lấn là bởi, tôi đã có cả một thời tuổi thơ sống với xe điện Hà Nội và nhiều ngày lặn ngụp trong những tuyến metro ngầm của Paris. Thêm nữa, lại đặt trong bối cảnh khi mà cái lối giao thông, nhất là giao thông đô thị, Việt Nam mình chẳng giống ai...
Trở lại mươi năm trước, tôi cùng đồng nghiệp báo chí có vài tháng trời ngang dọc Paris khi theo một khóa tu nghiệp, và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi chọn một phương thức đi lại duy nhất, rẻ tiền và tiện lợi nhất là metro. Paris có cả thẩy 13 tuyến metro ngang dọc chằng chịt, đó là chưa kể những tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ) nối với các tuyến metro và hàng trăm tuyến xe buýt. Tôi thuê nhà ở của Việt kiều tại vùng ngoại ô phía Đông là Montreuil nên tuyến metro hằng ngày chúng tôi đi học và đi thực tế hoặc đi chơi cuối tuần là tuyến số 9, khởi nguồn từ ga đầu tiên phía đông - Marie de Montreuil. Còn như muốn đi đâu đó khắp Paris, vào đến ga đầu mối Nation, là có thể đổi sang tuyến số 1, số 2, số 6, và khi sang một trong ba tuyến ấy, đến các ga đầu mối khác lại có thể đổi sang một vài tuyến mới. Cứ như vậy, nếu không trồi lên mặt đất và khéo chọn tuyến, ta có thể cả ngày chui trong lòng đất Paris chỉ với một vé vào cửa ban đầu. Lẽ dĩ nhiên, khi bước sang lãnh địa của RER thì phải trả thêm vé vào cửa khác ( nếu không sẽ bị phạt, 100 franc cho một lần vi phạm ) và ngay cả khi ta không để ý loanh quanh thế nào cũng dễ vấp phải cửa ngăn cho một lần trả vé khác (đấy là cái tài của các nhà quy hoạch và quản lý hệ thống này ). Với những ai chưa từng đi, sẽ hỏi, chui rúc dưới đó không thấy được cảnh sắc phố phường thì có gì lý thú? xin thưa, đấy là cả một thế giới sống động, đơn giản bởi trước hết, có đến già nửa dân Paris và ba phần tư khách du lịch chọn hình thức giao thông này. Tôi luôn giữ ấn tượng về những dòng người tuôn chảy vội vã nửa đi nửa chạy trong những lối đi ngầm khi đổi tàu, nhất là lúc trồi lên mặt đất, rồi đó là những biển quảng cáo sắc màu trăm thứ bà giằn, những siêu thị liên thông, những ban nhạc rong, những kẻ thất nghiệp xin tiền và cả những tên láu cá trộm cắp vặt v.v... Bằng metro, ta có thể đến hầu như tất cả các điểm du lịch hoặc mua sắm, ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris như: tháp Eiffel, vườn hoa Luxembourg, Khải Hoàn Môn trên quảng trường Charles de Gaull - đại lộ Champs Elysses, Bảo tàng Louvre, điện Tuileries và Versailles, Nhà thờ Đức Bà ( Notre Dame des Champs), Tòa Thị chính; rồi nữa là toà nhà chọc trời Montparnasse, đồi Montmartre với khu chợ tranh nổi tiếng, khu chơi bời St. Denis, Pigal v.v....
Dạo ấy, mỗi khi ngồi trên metro vun vút trong lòng đất Paris, tôi lại nhớ về những tuyến xe điện thô sơ leng keng đi về sớm tối với những tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ, Bờ Hồ- Hà Đông, rồi Yên Phụ, Bưởi, Vọng của Hà Nội thuở nào, mà cũng lại do người Pháp khởi nguồn từ thời Pháp thuộc. Ngày nhỏ, nhà tôi ở ngõ Trúc Lạc trên phố Phó Đức Chính, thế là mỗi khi đi đâu, tôi lại được bố mẹ, các chị dắt đi tắt qua ngõ Năm Gian ngược dốc lên đê Yên Phụ để đi tàu điện. Cứ thế leng keng, những chuyến tàu cũ kỹ đi về suốt tuổi thơ tôi, và nó càng da diết khi gia đình tôi rời thành phố về quê Hưng yên sinh sống. Leng keng, bền bỉ, nhẫn nại khuya sớm tàu điện suốt cả thời bom đạn Mỹ, mãi đến yên hàn thống nhất đất nước... Rồi tuổi sinh viên tôi lại lấy đó là phương tiện đi lại chính với những kỷ niệm khó quên của những lần trốn vé, nhảy tàu...
Hồi đó, ở Paris- trung tâm văn hoá văn minh châu Âu, tôi chưa có gì để so sánh ngoài chút hoài niệm về tàu điện Hà Nội. Gần đây, tôi đi công tác Nhật Bản, và với chục ngày ở Tokyo, tôi lại chọn phương tiện đi lại chính cho mình ở thủ đô hiện đại nhất châu Á này, metro. Lúc ấy, tôi đã có cái để mà so sánh, không, để mà nhớ về thì đúng hơn, ấy chính là metro Paris. Tokyo cũng có 13 tuyến metro, song có cảm giác nhiều tuyến nằm ở độ sâu hơn so với metro Paris. Thắc mắc ấy được một người quen của tôi, tiến sỹ y khoa Junichi Inaba giải thích, những tuyến metro nằm rất sâu đó là của tư nhân, bởi chính phủ Nhật Bản có chính sách khuyến khích đầu tư trong dịch vụ giao thông này bằng cách miễn thuế tài nguyên cho những công trình ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, người Nhật khác người Pháp, khi di chuyển trên metro, họ lại xem đấy là những giây phút hiếm hoi để thư giãn nghe nhạc hoặc chợp mắt ngủ. Dấu hiệu của một xã hội công nghiệp phát triển quá mức chăng?
Rõ ràng, metro không chỉ là dấu hiệu của một xã hội  công nghiệp văn minh, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giảm ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông đơn thuần mà còn có bóng dáng của văn hóa. Với người Pháp, với hệ thống metro văn minh như vậy, song họ lại cho sống lại một hệ thống tàu điện nổi dọc bờ sông Xen, thì ngoài việc góp phần giảm lượng xe hơi, tăng hiệu quả giao thông, giảm ô nhiễm, có một mục đích nữa nhắm tới là văn hóa-du lịch. Du khách đến Paris, có lẽ nào lại tiếc tiền mua một tấm vé lên chuyến tầu điện du ngoạn, ngắm cảnh sắc đôi bờ sông Xen?!
Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Với tình trạng giao thông quá tải, lộn xộn và ô nhiễm nặng của Hà Nội hiện nay, tôi đã từng mơ đến một ngày kia xa vời là có metro. Giờ thì giấc mơ ấy không còn vô vọng nữa, dù vẫn phải chờ đợi lâu. Nhưng tàu điện nổi, Hà Nội đã từng có một thời, sao lại không hồi sinh bây giờ nhỉ?
Én xuân
Đầu xuân, Duy đi công tác lên biên giới phía Bắc. Anh cùng vài ba phóng viên trẻ của các tờ báo bạn được một ngành chức năng tổ chức đi thực địa khảo sát tình hình cai nghiện thuốc phiện ở vùng rừng núi. Đến thị xã Cao Bằng, đoàn dừng lại lâu hơn bởi đây là trọng điểm của chuyến đi. 
Mấy hôm đầu đến các điểm cai nghiện tập trung, tiếp xúc với những con nghiện phần lớn đều ở độ tuổi trên dưới đôi mươi và khi hỏi chuyện, họ đều xem như chuyện hút xách là nhu cầu tự nhiên thì anh không khỏi rùng mình. Đến như anh, chỉ mắc mỗi tật nghiện thuốc lá, anh đã gặp bao nhiêu điều phiền nhiễu, nào vợ con kêu anh là “bếp than tổ ong khói um”, nào ngồi làm việc phòng máy lạnh mỗi khi hút thuốc lại phải ra ngoài hành lang, rồi lúc yếu người vừa hút vừa ho sù sụ… Sau đó, theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên trách sở tại, đoàn của Duy xuống các cụm dân cư ở vùng ngoại ô thị xã xem xét việc cai nghiện tại cộng đồng. Mọi người dừng trước một căn nhà mái bằng nhỏ và xinh xắn. Người cán bộ sở tại giới thiệu rằng chủ nhà là một người vừa cai nghiện đã dứt cơn, hiện đang ở trong thời kỳ phục hồi sức khỏe. Chủ nhà mới ngoài hai mươi chút ít. Anh ta pha trà mời mọi người. Theo thói quen nghề nghiệp, không đợi làm xong các thủ tục xã giao ban đầu, Duy bấm nút chiếc máy ghi âm nhỏ và hỏi chuyện luôn bởi anh hiểu như thế câu chuyện sẽ thoải mái hơn, hiệu quả hơn. Trong lúc anh hỏi chuyện, mấy cậu phóng viên trẻ tản đi quanh nhà. Thì ra, họ đang hỏi chuyện cô vợ chủ nhà ở buồng trong. Lúc anh bước vào thì liền đó, mấy ánh đèn flash nhoáng lên. Anh nhẩm bụng, mấy cậu này ranh mãnh thật. Trong lúc anh chồng mải nói chuyện với anh, các cậu đã tìm được cô vợ, thuyết phục cô để chụp mấy pô ảnh cảnh cô đang cho con bú, tạo ra một xen tuyệt vời về chủ điểm hạnh phúc gia đình. Xong việc, cô vợ trẻ bế đứa con mới sinh được ba bốn tháng bước ra chào tiễn khách. Duy hơi sững người. Người mẹ trẻ này có khuôn mặt khá xinh xắn, đôi mắt to thoảng chút u buồn trước tuổi và mái tóc đen dày, xoăn tự nhiên để dài đến eo lưng, được tết thành chiếc đuôi sam nặng trĩu. Từ gương mặt, ánh nhìn đến dáng vóc cô đều gợi lên trong Duy về một thiếu phụ mà anh đã tình cờ gặp gỡ cũng tại thị xã địa đầu này từ mười lăm năm trước. Cô gái hôm nay và thiếu phụ năm trước giống nhau đến lạ lùng. Chẳng lẽ, hai người là mẹ con của nhau? Có thể lắm chứ. Ngày ấy, người thiếu phụ cũng có một đứa con gái chừng năm, sáu tuổi, và bây giờ cũng bằng chừng này. Duy định hỏi cô gái một vài câu, song anh chợt nhận ra, cho đến lúc này anh cũng không biết tên thiếu phụ năm trước tên là gì…
Ngày ấy anh còn rất trẻ, tốt nghiệp Tổng hợp văn xong là anh chuyển sang bộ đội. Đơn vị của anh đóng ở Ba Bể. Một lần hành quân dã ngoại và luyện tập tìm địa hình, cả đơn vị từ nơi đóng quân ngược lên thị xã Cao Bằng. Đường đi gieo neo hiểm trở. Gần tới thị xã thì trời đã tối. Đêm mùa đông sập xuống nhanh chóng, sương giăng mờ mịt. Toàn đơn vị được lệnh tản ra và mỗi người tự tìm nơi nghỉ đêm trong dân. Lúc đầu anh hơi lo vì nghĩ rằng không biết mình có tìm được nhà nào xin ngủ nhờ hay không, hay là đành ngủ ngoài phố vậy. Chợt anh nhớ ra, cùng khóa học với anh có một cậu người thị xã này, anh sẽ tìm nhà cậu ta để ngủ nhờ. Nhưng rồi anh tìm mãi không thấy, bởi anh chỉ nhớ mang máng tên phố, vả lại việc tìm nhà lúc đêm hôm ở cái thị xã miền núi sau chiến tranh này thật chẳng khác gì việc tìm kim đáy bể. Anh mệt mỏi quẳng ba lô và bệt ngay xuống đất vừa thở vừa nghĩ. Già nửa thị xã mất điện tối om om. Ánh mắt anh bắt gặp ánh đèn dầu hỏa le lói lọt qua khe cửa của một căn nhà phía trên cao cách nơi anh ngồi không xa. Anh nhẩm bụng, đánh bạo tìm đến ngôi nhà đó xin ngủ nhờ. Quả quyết vậy, anh đeo ba lô lên vai mò đường đi. Rẽ phải rồi rẽ trái mấy lần, anh tìm được tới chân bậc đá. Lại lần sờ tay, leo một hồi theo các bậc đá, anh mới tới sân nhà. Anh đứng thở giây lát, trấn tĩnh và khẽ gõ cửa. Không thấy tiếng người, thưa anh lại gõ. Lần này, anh nghe tiếng phụ nữ hỏi ra: “Còn biết đường mà về nhà à?”. Anh hiểu là người trong nhà nhầm anh với một ai đó, song anh cũng không biết nói thế nào, bèn gõ cửa thêm. Người phụ nữ cất tiếng nửa giận dữ, nửa ấm ức: “Sao anh không đi hẳn đi… Đi khuất mắt cho mẹ con tôi được yên”. Trong nhà, người phụ nữ vỡ tiếng khóc. Anh định lên tiếng cải chính nhưng tự nhiên nghẹn lại. Từ lâu lắm rồi, khi anh còn bé, đã có lần anh thấy mẹ anh khóc như vậy, đó là lần bố anh thua bạc hết cả số tiền mấy mẹ con anh dành dụm để sắm Tết và mua quần áo mới cho anh và lũ em. Anh cay cay nới sống mũi. Người phụ nữ đã bớt khóc, chỉ còn tiếng thổn thức khe khẽ. Anh ghé vào khe cửa nói nhỏ: “Chắc chị nhầm tôi với anh nhà… Tôi là bộ đội, đi hành quân, lỡ độ đường, xin gia đình cho nghỉ nhờ qua đêm”. Người phụ nữ trong nhà hốt hoảng: “Ấy chết… Tôi nhầm, tôi xin lỗi”. Im lặng một chút, chị ta bảo: “Tôi không dám cho anh nghỉ nhờ đâu. Đàn ông vắng nhà… Không được… Ngộ nhỡ!...”. Anh lắp bắp: “Tôi là bộ đội thật mà!... Còn như, chị thấy phiền thì tôi đi vậy… Không sao cả. Tôi sẽ tìm được nhà khác cho ngủ nhờ”. Ngần ngừ một lát, anh chào: “Thôi tôi di nhé”. Anh quay người, lần tìm bậc đá trở xuống. Chợt sau lưng anh, tiếng chị ta gọi: “Anh gì ơi! Đừng đi nữa… Anh vào nhà đi, thế nào tôi cũng thu xếp được mà”. Anh định đi để không làm phiền chị ta nhưng nghe tiếng gọi thân thiết quá chừng, anh đành quay lên. Người phụ nữ đã mở tung cửa, tay chị cầm đèn soi cho anh bước vào. 
Sau những câu xã giao, chị lấy nước cho anh rửa mặt, rồi pha nước cho anh uống. Chị hỏi anh đã ăn chưa, anh từ chối nhưng chị vẫn ép anh ăn một bát cơm nếp sắn. Vừa ăn, anh vừa ngầm quan sát, căn nhà tuy nhỏ nhưng gọn ghẽ. Nhìn chiếc bàn con kê góc nhà, trên để mấy quyển sách và tập giáo án, anh hiểu chị là giáo viên. Đứa con gái của chị thấy người lạ cứ nem nép bên mẹ, thỉng thoảng lại khẽ nhõng nhẽo điều gì đó làm mẹ nó gạt đi. Anh hỏi chuyện và đùa với nó nhưng nó chỉ nhìn anh không nói gì. Mọi việc xong xuôi, hai người ngồi bên ngọn đèn và chẳng biết nói chuyện gi cả. Lúc này anh mới có điều kiện ngắm kỹ, chị còn khá trẻ và có lẽ chỉ cỡ tuổi anh hoặc nhỉnh hơn đôi chút. Chị có khuôn mặt vẻ phúc hậu. Nhìn chị, anh nghĩ sao người trông phúc hậu lại sớm vất vả vậy. Anh hiểu người chồng của chị chắc mắc mớ chuyện gì đó và đã bỏ nhà đi đâu một thời gian vì thế mới có chuyện nhầm lẫn ban đầu. Anh nhìn đồng hồ tay, đã gần nửa đêm rồi, chẳng nhẽ cứ ngồi mãi thế này, anh bèn giục chị đi ngủ. Cả nhà chỉ có một chiếc giường to, chị áy náy vì chưa biết để anh ngủ đâu thì anh đã lôi từ ba lô ra chiếc võng và tìm nơi để mắc. Chiếc võng của anh mắc song song với chiếc giường nơi mẹ con chị nằm và chỉ cách nhau một tầm với. Sau khi anh ngả lưng xuống võng, chị mới hãm nhỏ ngọn đèn dầu, đặt lên bàn và vào màn nằm với con. Anh không ngủ được, nghĩ về cảnh ngộ của mình lúc nãy và bật cười khẽ. Chị cũng không ngủ được bèn hỏi sang: “Anh cười gì thế? Chắc cười chuyện tôi nhầm anh với nhà tôi lúc nãy?”. Anh lại cười: “Ồ không, tôi đang nghĩ là nếu như chồng chị về nhà lúc này thì sẽ thế nào nhỉ?”. Chị không trả lời, lát sau khẽ thở dài. Anh biết mình vô duyên nhỡ lời. Song quả nếu như chồng chị ta về nhà đêm nay thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lại nghen tuông, nhầm lẫn chưa biết chừng đánh nhau cũng nên. Nghĩ rồi anh thấy lo lo. Chợt chị lên tiếng: “Anh nói quả có lý… Anh cũng chưa ngủ, hay ta nói chuyện gì đi, tôi không ngủ được”. Anh đồng ý, chị bảo: “Anh nói thế làm tôi làm tôi sinh lo. Ngộ nhỡ nhà tôi về, thật khó mà giải thích. Tình ngay lý gian…”. Anh hỏi: “Vậy anh ấy đi đâu bấy lâu nay?”. Chị lại thở dài: “Nói ra sợ anh chê cười. Xấu chàng thì hổ ai… Nhưng mà tôi cũng không có ý định giấu anh làm gì cả. Có lẽ, lúc này nói ra được với anh, không phải cầu lấy chút cảm thông của anh, mà lòng tôi nhẹ đi được chút nào chăng?”. Và chị kể. 
Chị là người Kinh ở dưới xuôi theo gia đình đến đây lập nghiệp từ khi chị còn bé. Chị học trung cấp sư phạm và được điều động về một xã vùng ven thị xã dạy cấp một. Chồng chị bây giờ là người Tày gốc xã đó nhưng ra thị xã làm công nhân. Anh ta to khỏe, đẹp trai và tính tình rất thực thà. Hai người gặp nhau và yêu nhau. Lúc đầu chị còn ngần ngại nhưng anh ta si mê chị và bỏ bê cả việc làm để suốt ngày bám theo chị. Hai người thành hôn rồi thì chị mới biết là anh ta có tật nghiện thuốc phiện. Những ngày đầu, chị khuyên can, anh có bớt hút nhưng không bỏ được. Chị nghĩ, dần dà rồi sẽ giúp anh bỏ hẳn. Và năm tháng cứ thế đi qua. Đứa con ra đời. Chị trút tình thương vào đứa con và thầm hi vọng, vì hạnh phúc gia đình chồng chị sẽ dứt được nghiện ngập. Tiền lương của hai vợ chồng chỉ tùng tiệm đủ để sống, thế nhưng phải chi thêm vào khoản nghiện hút của chồng nên sinh túng thiếu. Anh ta thề sẽ quyết chí làm giàu. Một thời gian sau, anh ta đem về nhà khá nhiều tiền và xây căn nhà này. Chị hỏi thì anh ta chỉ cho biết là có buôn bán thêm. Và một lần, do tình cờ, chị biết chồng chị tham gia vào một nhóm buôn thuốc phiện lậu. Gia đình sinh lục đục, rạn nứt. Anh ta bỏ việc, suốt ngày đi đâu đó, hút xách và lâu lâu lại làm một chuyến thuốc kiếm tiền để hút. Và đến lúc ấy, anh ta đã bỏ nhà đi lâu hơn một tháng rồi…
Chị kể mà rân rấn nưới mắt. Anh cảm thông nhưng không biết khuyên giải thế nào. Vả lại, lúc ấy có khuyên thì cũng chẳng khác nào khía sâu thêm nỗi buồn phiền cay đắng của chị. Chợt trong nhà đèn dầu tù mù, anh nhìn nơi hốc tường góc nhà có một vật gì trắng xám mông mốc, anh bèn hỏi để lảng chuyện khác, để chị quên chuyện buồn. Chị bảo: “Tổ chim én đấy”. Anh ngạc nhiên thực sự: “Chim én. Sao chim én lại làm tổ trong nhà thế nhỉ? Tôi không tin!”. Chị cãi lại: “Thật mà. Có một đôi én làm tổ ở đó đã ba năm nay rồi. Năm nào cũng vậy, cứ đông về là chúng bay đến phương nam, đến độ cuối đông, xuân sắp về là chúng lại quay về đây. Chúng đúng hẹn lắm. Có lẽ chỉ ít ngày nữa là chúng trở về… Đôi chim quyến luyến, ríu rít nhau lắm!”. Anh chẳng biết nói gì, miệng lưỡi của chàng cử nhân văn khoa như cứng lại. Một lúc lâu anh mới thốt lên: “Thiên nhiên thật là kỳ diệu”. Chị đáp theo: “Vâng… Sao mình là người mà không bằng được chim!”. Nghe chị, anh rưng rưng. Chị bảo: “Thôi ta ngủ đi. Ngày mai chắc anh còn phải hành quân… Còn tôi cũng phải lo bao nhiêu là việc”. Nói rồi chị trở mình quay mặt vào trong. Im lặng. Anh lén đưa mắt nhìn sang, chỉ thấy qua bức màn, mái tóc dày quăn của chị xòa trên gối, đường cong từ bờ vai chạy xuống eo, vòng lên hông và thuôn về phía chân thật mềm mại. Anh lẩm bẩm trong miệng: “Con người thật là kỳ diệu”…
Đã nghe tiếng chị thở đều đều. Anh nằm ngửa trên võng, nhìn mông lung lên trần nhà. Một tình cảm vừa thương xót, cảm thông, vừa rạo rực khát khao dâng lên trong lòng. Anh đặt hai tay lên ngực mình nén xuống, nhè nhẹ, nhè nhẹ,… Và anh ngủ lúc nào không biết. 
Anh và chị nắm tay nhau chạy trên bờ sông. Bạt ngàn những dâu. Dâu lúc lỉu quả. Những quả dâu to và chín mọng. Anh vít một cây dâu to, hái lấy mấy quả dâu chín. Anh xòe lòng bàn tay nhón từng quả đưa vào miệng chị. Chị vừa nhai vừa trêu đùa anh. Nước dâu ứa ra bên khóe miệng chị tím xịm. Anh ghé môi khẽ liếm chút nước dâu trên khóe miệng chị và thấy ngọt ở đầu lưỡi. Chị vùng ra, chạy ào xuống mép nước, anh vùng đuổi theo. Chị lội xuống nước và khi anh ào tới nơi thì chị chụm hai tay té nước vào mặt anh. Anh nhao xuống, chị quay người lội ra giữa dòng nhưng nước sâu không lội được. Chị chới với và anh nhoài người ra ôm chặt lấy chị. Anh xốc chị lên. Tóc chị ướt đẫm, quần áo dán vào người. Khuôn ngực nở hô cao của chị chạm vào ngực anh. Và anh ôm ghì lấy chị… Anh thấy mình bồng bềnh, khoan khoái…
Và anh mở mắt. Vật anh nhìn thấy đầu tiên là tổ chim én nơi góc nhà. Anh bần thần giây lát nghĩ xem mình đang ở đâu. Anh hiểu ra. Anh khẽ cười. Chợt anh nhớ là chị đang ngủ ở chiếc giường bên cạnh võng của anh, bèn nhìn sang. Chị đã không còn nằm ở đó, chỉ còn đứa bé gái con chị. Anh nhìn qua khe cửa ra sân, trời đã rạng. Anh ngồi dậy và ra khỏi võng. Nhìn quanh quất, cửa trước vẫn chốt trong. Thì ra căn nhà còn có cửa hậu. Anh khẽ đẩy, cánh cửa hậu mở ra và anh bước xuống mảnh sân sau con con. Trước tầm mắt của anh là dòng sông. Đúng là sông Bằng rồi. Dòng sông mùa cạn nước thu lại thành một dải manh mảnh. Hai bên bờ cũng toàn là dâu. Những cây dâu thân cao gày khẳng khiu, loáng thoáng búp lá nõn. Anh nhìn kỹ nhưng chẳng thấy có trái dâu nào như giấc mơ đêm qua. Anh ngơ ngần chẳng hiểu chị chủ nhà đi đâu. Và anh ngửi thấy mùi khói bếp, rồi mùi ngô nướng thơm thơm. Anh nghĩ, chị ấy đây rồi. Và anh đi về phía căn bếp nhỏ, ở góc sân sau. Đến bên cửa bếp, anh dừng lại nhìn vào. Chị đang ghé đầu thổi lửa. Những bắp ngô hồng lên trên than. Không quay lại, chị hỏi nhỏ: “Anh đã dậy rồi đấy à?”. Anh thấy vui vui trong lòng và bông lơn: “Ồ, tôi ngủ say quá. Sợ không biết có ngáy làm chị mất ngủ không?”. Chị cũng tươi tỉnh: “Không đâu… Chắc anh mơ thấy điều gì hay lắm… Buổi sớm tôi dậy nhóm lửa, đi ngang qua võng thấy anh khẽ cười trong giấc ngủ… Anh thật hạnh phúc!”. Chị cười. Anh cảm thấy thế. Anh nói: “Tôi mơ thấy…”. Chỉ chút nữa là anh bật ra câu nói: “Mơ thấy chị”, nhưng anh kịp dừng lại, và anh vội chữa: “Mơ thấy đôi chim én trở về”. Và thật kỳ lạ thay, tai anh nghe vẳng đâu đó tiếng chim chíp chiu… 
Chị tiễn anh. Trong ba lô của anh có mấy bắp ngô nướng. Anh đi chậm rãi từng bậc đá. Xuống tới chân dốc vườn. Anh quay nhìn lên. Chị vẫn đứng ở nơi đầu dốc. Và cách chị chút ít là cây đào lổ trổ đôi ba nụ phớt hồng. Anh nhìn chị trân trân. Chị đưa bàn tay lên ngang bờ vai khẽ vẫy. Anh thấy mình phấn khích, bắc tay làm loa với lên: “Đôi chim én sẽ trở về…!”. Anh nhìn chị lần cuối và quay lưng bước đi, miệng lẩm bẩm: “Đôi én xuân sẽ trở về. Trở về…!”.
Đã từng ấy năm rồi. Anh không biết đôi chim én có trở về đúng hẹn hay không? Ừ mà không biết có phải đúng đó là tổ chim én thật không, hay chị chỉ bịa ra thế để lúc ấy có chuyện mà nói, để chị tạm quên đi cảnh ngộ hiện tại của mình, tự xoa dịu lòng mình, và để anh hiểu là chị vẫn sống rất lạc quan?
Với anh, cái đêm ấy thật đặc biệt mà cũng lại bình dị. Thực ra, chỉ là chuyện của một chàng lính thư sinh lỡ độ đường ngủ nhờ nhà một thiếu phụ có cảnh ngộ éo le. Cái đêm ấy sẽ chẳng là gì nếu như không có câu chuyện về đôi chim én đi trú đông cứ đến độ xuân sang lại ríu rít trở về chốn cũ; nếu như không có giấc mơ về bãi dâu ven sông, và cảm giác va chạm da thịt; nếu như không có những bắp ngô nướng thơm lừng mà chị nướng vội để nhét vào ba lô của anh; và nếu như không có cây đào lác đác trổ hoa nơi đầu dốc ngõ vườn… Anh ra đi mang theo trong lòng niềm hứng khởi về cuộc sống. Còn chị, chị sẽ lập tức phải trở về với đời sống thực tại gia đình có người chồng nghiện ngập… Gía như anh không tới, không xóc vào cái đời sống bế tắc của gia đình chị thì có phải chị cứ cam tâm sống như vậy, chịu đựng như vậy một cách bình thản không! Liệu sự xuất hiện của anh có đem đến cho chị một liều thuốc phiện hay không? Hút một lần rồi để không bao giờ có nữa. Đấy là anh cứ tự huyễn hoặc vậy, chứ có thể với chị, câu chuyện đêm ấy chỉ là một cơn giớ từ sông Bằng thoảng qua. Thậm chí, có khi chị còn buồn cười vì đã làm cho anh tin một cái tổ tò vò vớ vẩn nào đó là tổ chim én, tin rằng đôi én xuân là một sự kỳ diệu của trời đất!...
Duy cứ tự lục vấn mình như vậy. Suốt dọc đường từ Cao Bằng trở về Hà Nội, anh luôn bị ám ảnh rằng người mẹ trẻ anh vừa gặp là cô bé con thiếu phụ năm nào. Nếu đúng, thì trời đất thật trớ trêu. Nhưng dẫu sao, anh chồng trẻ của ngày hôm nay đã biết nhấn phanh đúng lúc trên cái dốc trượt thăm thẳm của sự đam mê bệnh hoạn. 
Một cú xóc nảy người. Xe đang phóng nhanh vượt qua chiếc ổ trâu giữa đường không kịp giảm tốc độ. Mấy cậu phóng viên trẻ đang ngủ gà ngủ vịt bừng tỉnh hét lên, rồi sau đó câu chuyện giữa họ lại râm ran. Anh nhìn ra bên ngoài, một cây đào phai chơ vơ bên mỏm đá rìa đường, hoa nở bung, cánh phớt hồng rắc tơi bời trong tiết muộn….
Vòng đá Ngũ hành sơn
Từ miền Tây, Tâm lên thành phố Hồ Chí Minh đi phép ra Hà Nội. Anh đi nhờ xe của cơ quan người anh họ đưa đoàn văn nghệ đi hội diễn toàn ngành. Xe khởi hành quá sớm, đến thị trấn Hố Nai trời mới sáng. Lúc này, người anh mới giới thiệu Tâm với cả đoàn. Mọi người vui vẻ bắt tay anh, người sau cùng là một cô gái xinh xắn, dễ thương, gọn gàng trong bộ đồ thể thao, tuổi chưa đến đôi mươi. Cô chìa bàn tay thon thả cho Tâm và khẽ nghiêng mình:
- Mai Quyên rất vui mừng được làm quen với anh!
Đi cùng với đoàn văn nghệ, ngoài Tâm ra còn có ông Trần, một nhạc sĩ già từng nổi tiếng bởi những ca khúc trữ tình đượm màu sắc dân ca của nhiều vùng quê. Dọc đường đi, Tâm hoặc chúi đầu vào tập truyện của nhà văn Pháp Andre Maurois hoặc trao đổi với nhạc sĩ Trần. Mai Quyên ngồi băng ghế bên cạnh anh. Cô luôn miệng khẽ hát một vài ca khúc nước ngoài, thỉnh thoảng lén quan sát anh, và khi Tâm chợt nhìn sang thì cô vội lảng nhìn ra ngoài đường, nói lảng câu gì đó, đại loại như “Ủa, trên cây kia có một chú chim”, hoặc “cây gì kia nhìn lạ hoắc”. Cô hay trêu mấy cô bạn diễn viên, đôi khi lại chun chiếc mũi thanh tú mà nũng nịu với nhạc sĩ Trần “Chú ơi, hát bài gì cho tụi con nghe đi”. Cô bé như một chú chim vành khuyên hiếu động và ngộ nghĩnh, Tâm thầm nghĩ. Thế nhưng, sau cái bắt tay làm quen lúc đầu, cô không có cử chỉ dùng sợi tóc ngoáy mũi Tâm khi anh ngủ quên trên xe thì anh cũng chẳng dám đùa với cô bằng những lời thân mật.
Đoàn ra đến Đà Nẵng vào một ngày mùa đông mưa rét làm thành phố xám xịt và ẩm ướt. Theo lịch trình, đoàn sẽ nghỉ ở Đà Nẵng chừng một tuần để tập dượt và duyệt lại chương trình dự thi. Tâm và nhạc sĩ Trần vì đi nhờ nên sốt ruột song cũng đành chờ. Những ngày này, nhạc sĩ Trần ở lì khách sạn, đi ra đi vào, lúc buồn ông lại tợp suông hớp rượu lấy hứng và ôm đàn hát say sưa các bài hát của mình. Tâm giết thời gian bằng mấy cuốn truyện, bằng những câu chuyện linh tinh với nhạc sĩ Trần, bằng sự lang thang trong thành phố lạ, thảng có lúc anh tạt vào phòng tập xem họ biểu diễn.
Một ngày đẹp trời, mọi người đi chơi phố hết. Tâm hơi mệt nên anh ở lại khách sạn. Đọc sách chán, anh vớ cây ghi ta chơi vài bản quen thuộc. Vừa hết bản “Thư gửi Elyse” của Bet-thô-ven thì anh nghe tiếng gõ cửa. Cửa mở ra, Mai Quyên đứng trước mắt anh, trên tay là chiếc ấm pha trà:
- Bên anh còn nước nóng cho em xin chút xíu.
Tâm thoáng ngạc nhiên, anh mời cô vào phòng. Cô khép nép ngồi xuống ghế xa lông, phụng phịu:
- Em hổng có nơi đi. Mấy anh chị qua lại đây nhiều lần, lắm bạn, nay bỏ em đi chơi hết trọi. Tức thiệt!
- Thì anh em mình nói chuyện cũng vui chứ sao - Tâm tủm tỉm.
- A… - Cô reo lên - Anh chơi ghi ta đi. Vừa rồi em nghe hay lắm đó.
Từ chối không được, Tâm đành chơi bản “Adelita” của Tarrega, bài tủ của anh thật điêu luyện rồi quả quyết buông đàn. Cô nài anh chơi tiếp. Tâm lảng:
- Đi xa, Mai Quyên có nhớ nhà không?
- Có chớ, nhớ ba má, nhớ các em, nhớ thành phố.
- Và nhớ người yêu nữa chứ?
- Hổng đâu ghen.
- Sao thế? Hay chưa có? Mai Quyên còn nhỏ mà!
- Còn nhỏ - Cô trề môi - Có anh Tâm nhỏ thì có.
- Thế rồi, cô kể chuyện về người yêu của mình. Cậu ta học trên cô một lớp. Hết phổ thông, cậu ta không thi đại học mà vào bộ đội nói là “rèn luyện phẩm chất”. Thấy Tâm cười, cô tròn mắt rồi cười theo:
- Thiệt đó? Với ảnh em vừa ghét vừa thương. Còn anh Tâm?
- À, anh thì… Tâm lung túng bởi sự phản công - Trước có, giờ thì không. Được chưa nào?
- Hổng tin.
- Tùy em.
Vừa lúc đó thì nhạc sĩ Trần bước vào:
- Xin lỗi hai bạn trẻ.
Nhìn Tâm, mắt ông hấp háy cười vẻ trẻ trung sau cặp kính cận. Ông lục túi tìm thuốc lá rồi đi ngay. Trước khi khép cửa phòng lại, ông tinh nghịch buông một câu tiếng Pháp:
- C’est très bien. Més voeux de bonhéur (Rất tuyệt. Chúc hạnh phúc)
Nhạc sĩ Trần đi khỏi, Mai Quyên cũng xin phép trở về phòng mình. Cô bỏ quên chiếc ấm trà và Tâm hiểu chẳng qua cô lấy cớ xin nước nóng để bắt chuyện với anh.
Ngày tiếp theo lại là một ngày đẹp trời. Gió bắc thổi. Nắng chan hòa. Mọi người náo nức chuẩn bị cho chuyến đi Ngũ Hành Sơn.
Xe đậu dưới chân núi. Bậc đá quanh co dẫn mọi người lên chùa Linh Ứng phảng phất mùi hương trầm. Tâm và Mai Quyên đứng bên nhau trên đỉnh Vọng Hải Đài nhìn ra xa, biển hiện lên xanh thẳm với dẫy Sơn Trà nhấp nhô. Mắt cô sáng lên. Đến cửa động Huyền Không cô so vai e sợ. Mọi người xuống hết, chỉ còn Tâm. Cô quơ tay chạm phải tay anh liền nắm chặt lấy, kêu khẽ:
- Ôi, tối quá, hổng thấy đường.
- Cứ nắm chặt tay anh - Tâm hân hoan - Anh sẽ đưa em đến bất cứ nơi đâu dù là thiên đường hay địa ngục.
- Xạo hoài - Cô nũng nịu.
Khi hai người xuống tới lòng động thì mọi người đã tản ra các góc. Sau giây phút ngây ngất vì được nắm cổ tay tròn trịa, mềm mại của Mai Quyên, Tâm hứng khởi dắt cô đi thăm thú. Anh thao thao kể về sự tích của từng hòn núi, anh còn đọc cả bài thơ của Bảng nhãn Phan Qúy viết từ thuở xưa ca ngợi Ngũ Hành Sơn khiến cô tròn mắt thán phục. Tâm xòe tay hứng dưới núm vú Cô Tiên và kì lạ thay một giọt nước trong vắt rớt xuống đúng lòng bàn tay.
- Ôi sữa tiên - Mai Quyên kêu lên sung sướng - Cô cúi đầu thè lưỡi khẽ liếm giọt nước trong lòng tay anh và ngước nhìn anh đầy vẻ hạnh phúc.
Tâm bàng hoàng trước cái nhìn nửa ngây thơ, nửa mời gọi quyến rũ ấy. Cô khẽ lay vai anh:
- Kìa anh Tâm, mua một chiếc vòng đá tặng người yêu đi!
- Người yêu nào đâu. Anh đã nói là không có rồi mà.
Cô nhìn anh, che miệng cười thành tiếng. Thực lòng, khi nhìn những vòng tay, vòng cổ, khuyên tai bằng đá xinh xắn màu bích ngọc, da cam, thủy mặc, Tâm đã nẩy ra ý định mua tặng Yến, người yêu của anh, nhưng vì đã trót nói dối Mai Quyên nên anh đành thôi. Nói dối Mai Quyên anh cũng chẳng nhằm lợi dụng cô, mà anh chỉ nghĩ đơn giản là hành trình đường dài với một cô gái trẻ đẹp lại quấn quýt lấy mình thì nói có người yêu rồi thật quả vô duyên. Yến là em ruột Quân, người bạn học cùng phổ thông với anh, hiện cô đang học đại học năm cuối. Tâm mơ màng nghe những giọt nước tý tách nhỏ từ thạch nhũ xuống lòng hang, chợt Mai Quyên nắm tay anh kéo đi:
- Anh nghĩ gì đó? Làm thơ hả? Anh Tâm mơ mộng thiệt. Đi anh mọi người đã lên hết rồi.
Tâm để mặc cho Mai Quyên dắt đi. Lên khỏi động, chợt anh nẩy ra một ý định và anh vờ dừng lại, kêu lên:
- Thôi chết, anh đánh rơi chiếc khăn mùi xoa trong đó rồi.
- Vậy hả? Em đợi, anh quay xuống lấy đi.
Tâm đâm bổ xuống. Tối om mà anh cứ nhảy đại hai ba bậc một. Anh hỏi giá, không mặc cả, trả tiền và chọn lấy một chiếc màu thủy mặc có những đường vân rất đẹp, gói vào một tờ giấy có hai lần bông lót bảo vệ do cô bé bán hàng đưa cho, cẩn thận cất vào túi áo, rồi lại hai ba bậc một đâm bổ lên. Mai Quyên ngồi đợi dưới gốc cây và cô khe khẽ hát.
- Thấy không, anh? - Cô sốt sắng.
- Thấy. Nó rơi ngay chỗ thạch nhũ hình bàn tay Phật.
Anh móc túi lấy chiếc khăn đưa cho cô xem. Nhìn gương mặt cô hồn nhiên, anh thầm nghĩ “cô bé không biết gì”.
Ở bãi biển, cánh đàn ông uống rượu với mực nướng và dưa chuột hộp. Hôm nay ngày biển động nên bãi biển vắng tanh. Trận bóng đá được tổ chức ngay trên bãi. Hai cô bạn Diệu Huyền và Kiều Hương nằm phơi nắng, chỉ mình Mai Quyên tắm. Cô mặc bộ đồ tắm hai mảnh màu đỏ sẫm, mái tóc để xòa cho gió thổi. Cô ném quả bóng cao su ra xa rồi nhoài người theo ngọn sóng bắt lấy. Vừa chơi bóng, Tâm ngầm đưa mắt quan sát cô gái, chiêm ngưỡng tấm thân xinh đẹp, trắng ngần. Với bộ đồ tắm màu đỏ, cô uyển chuyển linh động như một tia nắng. Khi Tâm đi một đường bóng lắt léo đến gần cửa gôn, làm động tác giả lừa thủ môn đối phương và tạt nhẹ bóng vào cầu môn trống ghi bàn, anh nghe rõ tiếng Mai Quyên reo lên. Cô gái có tên Diệu Huyền kêu to với mọi người:
- Anh Tâm cẩn thận nghen, Mai Quyên mê anh rồi đó!
Mọi người cười ồ. Người anh họ của Tâm trêu:
- Nếu chú ghi thêm được bàn nữa, anh sẽ thay mặt cơ quan gả Mai Quyên cho chú.
Mai Quyên giơ hai bàn tay bé nhỏ lên vờ đe rồi cô ném quả bóng cao su về phía hai người bạn gái.
Chỉ còn một ngày nữa là đoàn lại lên đường ra Hà Nội. Tối ấy, Tâm thẩn thơ ra vườn hoa gần khách sạn. Anh tìm một ghế kín đáo ngắm người qua lại. Ngoài cảng, một con tàu nào đó lên hồi còi tạm biệt. Mới chỉ một tuần trước đây, thành phố này đối với anh thật xa lạ. Giờ thì khác, chia tay anh sẽ rất nhớ. Một cô gái đi ngang trước mắt, Tâm nhận ra và tim anh nhói lên:
- Mai Quyên!
Cô gái dừng lại đưa mắt quanh quất tìm. Thật kỳ lạ, anh vừa nghĩ đến cô thì cô xuất hiện. Khi thấy anh, cô mừng quýnh. Cô ngồi xuống, sát bên anh, nũng nịu:
- Anh đi đâu vậy?
- Thì em thấy đó. Anh thơ thẩn cho đỡ buồn. Còn em?
- Mọi người đều đi hết trọi. Họ tạm biệt bồ mà. Còn em… Em tạm biệt thành phố, tạm biệt những kỷ niệm đẹp.
- Mai Quyên mơ mộng quá?
- Đâu bằng anh.
- Á này, em hát hay lắm đó? Tâm khen thực lòng.
- Thiệt hông? Thiệt hả anh? Cô hỏi dồn, mắt long lanh.
- “Dù trái tim em không trao anh được. Một chút hương tràm cho ta bên nhau”, Tâm lấy giọng hát một đoạn bài “Hương tràm”, bài hát mà Mai Quyên sẽ hát dự thi.
- Ôi anh Tâm!
- Nếu em không được thấy cây tràm, được bơi xuồng giữa rừng tràm vào mùa trổ bông và hít thở hương thơm của nó - Tâm mơ mộng - thì khi đó em sẽ hát hay hơn, truyền cảm hơn.
Mai Quyên nhìn anh chăm chăm, mặt hồng lên niềm hứng khởi. Còn Tâm, ngồi sát bên cô, mùi nước hoa, hương vị dịu ngọt và quyến rũ toát ra từ tấm thân trẻ trung, hừng hực sức sống của cô cộng với vẻ huyền ảo của trời đêm làm anh ngây ngất. Bất giác, anh cầm bàn tay cô đưa lên môi hôn, và chỉ đợi có thế, cô nép vào lòng anh. Hai môi hôn rạo rực tìm nhau, gắn chặt vào nhau đến tê dại. Những cái hôn kéo dài đến ngạt thở, khiến đầu óc quay cuồng. Tâm thoảng nghĩ đến Yến, anh khẽ ngửa đầu ra nhưng thấy cô mắt vẫn nhắm nghiền và đôi môi đờ đẫn thì anh lại mụ đi. Xúc cảm mạnh hơn anh. Đến khi anh cảm thấy cô khẽ rùng mình và má anh chạm phải tóc cô lành lạnh, anh mới biết là sương xuống đã nhiều.
- Ta về thôi em, kẻo khuya lạnh.
- Về sao anh? Cô thảng thốt.
- Ta phải về thôi…
Khi đã nằm yên trên giường ngủ, Tâm tự hỏi mình. Rõ ràng chưa thể có một hình bóng nào thay thế nổi chỗ của Yến trong tâm trí anh. Xa Yến, anh luôn nhớ cô, hướng về cô, nhưng sao chỉ vừa mới quen biết Mai Quyên, anh đã cảm thấy hạnh phúc bởi những phút giây ngắn ngủi được ở bên cô gái bé bỏng ấy?
Ra đến Hà Nội, Tâm chia tay mọi người. Anh hứa với Mai Quyên là sẽ đến dự buổi biểu diễn của cô. Cô rất vui. Hình như nỗi buồn của sự chia ly chẳng hề bén mảng cô.
Về nhà được một ngày bất chấp lời khuyên của mẹ nghỉ ngơi cho đỡ mệt, Tâm lấy xe đến nhà Yến. Trên đường đến, anh gặp Quân và được bạn anh cho biết là Yến vừa mới ăn hỏi, chờ thi tốt nghiệp xong thì cưới. Chồng chưa cưới của Yến vốn cùng học phổ thông với cô và là con một ông to, người có khả năng bảo trợ cho cô công tác ở Hà Nội. Thấy Tâm buồn sụp xuống, Quân chia sẻ, cảm thông:
- Lạ thật! Mình cũng nghĩ là cậu và cái Yến nhà mình yêu nhau lắm mà. Thôi cũng là duyên số. Tình yêu, sao rắc rối quá chừng. Như mình đây, mình giành tất cả tình yêu cho hội họa. Khi nào thấy cần và đủ điều kiện, mình sẽ lấy vợ. Đơn giản thế thôi. Còn cậu, đừng buồn mà làm gì! Sẽ có một cô gái nào đó đẹp hơn, tốt hơn Yến đến với cậu. Cuộc đời công bằng lắm! Cậu định đi đâu bây giờ?
- À, mình chuyển hộ một món quà - Tâm nói dối vì anh không muốn đến nhà Quân nữa.
- Thế này nhé - Quân bắt chặt tay anh - giờ mình có hẹn đi vẽ với tụi bạn - chủ nhật này thế nào cũng đến mình. Hai đứa ta sẽ hàn huyên nói chuyện đời. Mặc kệ cái Yến với thằng chồng chưa cưới của nó.
Tâm trở về nhà, đầu óc rối bời. Anh uống một ly nước lạnh đến tê buốt cả răng và nằm vật ra giường thở dài sườn sượt. Mẹ gặng hỏi, anh chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Phải đối mặt với thất vọng của mình anh cũng hiểu ra tình yêu cũng vô cùng nghiêm túc và không được phép lấy nó ra làm trò bỡn. Anh có quyền gì căm tức Yến khi mà chính anh đang yêu cô vẫn đi với một cô gái khác!
Chợt nhớ đến chiếc vòng tay bằng đá núi Ngũ Hành anh mua về tặng Yến, anh vùng dậy mở túi du lịch lôi ra chiếc hộp đựng. Không hiểu vì sao khi đến nhà Yến anh đã quên không lấy nó mang theo? Khi lật lần bông lót lên, Tâm sững người bởi sự hiển nhiên đến kì lạ của định mệnh thật khó lí giải, chiếc vòng tay bằng đá màu thủy mặc bị vỡ làm ba mảnh. Tâm nhón tay cầm lên từng mảnh, ngắm nghía rồi bỏ vào lòng bàn tay xóc xóc. Ba mảnh vòng khẽ chạm vào nhau lanh canh, rồi rời riêng từng mảnh. Tâm mỉm cười chua chát. Chợt anh thấy hiện ra trước mắt mình tấm thân thon thả với bộ đồ tắm đỏ sẫm dập dềnh theo làn sóng biển và môi anh như phảng phất vị mặn nồng của những chiếc hôn…..
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...