Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Con chó mực của bà tôi

Con chó mực của bà tôi

Con chó mực của bà tôi ngày ấy, tôi đang học cấp hai. Tôi vui lắm khi thấy hoa phượng nở báo hiệu năm học chấm dứt. Theo lệ thường tôi sẽ được về quê nghỉ hè với bà ngoại; Thực lòng phải xa đám bạn bè trong phố tôi cũng hơi buồn. Song về với bà, tôi sẽ được thỏa sức ăn hoa quả, được đi thả diều với tụi trẻ trong làng và tha hồ vùng vẫy, bơi lội trên sông.
Bà ngoại tôi sống một mình. Các cậu các dì tôi đều lập gia đình và làm việc ở xa. Đã nhiều lần, cậu tôi, người con trai duy nhất của bà ở Hà Nội về đón bà đi, nhưng bà nhất định không nghe. Bà bảo sinh ra ở đâu thì bà sẽ chết ở đó, rằng bà không muốn xa căn nhà đã bao năm trời gắn bó, một thân tần tảo nuôi con khôn lớn. Làng quê đối với bà thật gần gũi, thân thiết. Điều này, khi lớn lên tôi mới ý thức được, chứ bấy giờ tôi chỉ nghĩ đơn giản là bà quen sống ở nông thôn rộng rãi, thoáng mát nên không chịu được cảnh thành phố chật chội ồn ào và bụi bậm. Bà tôi già lắm rồi nhưng vẫn còn khỏe. Suốt ngày bà cặm cụi, lặng lẽ vun xới cây cối trong vườn. Sống thui thủi một mình nên khi thấy tôi về bà rất vui.
Tôi về mấy ngày thì bà đi chợ Huyện mua một con chó nhỏ nhưng bụ bẫm, lông đen tuyền rất đẹp. Bà gọi nó là con chó Mực. Khi tôi chìa ngón tay nhứ nhứ miệng nó là nó khẽ thè lưỡi bé tí xíu có đốm đen mút mút như bú mẹ. Từ đấy lúc nào tôi cũng quấn quýt với con Mực. Buổi tối đầu tiên, khi đi ngủ, tôi định cho con Mực ngủ cùng, song bà không đồng ỳ. Bà bảo:
- Cháu ạ, nuông chó chó liếm mặt. Chiều nó quá nó sẽ hư đi.
Bà đuổi con Mực ra sân. Hình như nó còn nhớ mẹ và sợ bóng tối: suốt đêm nó kêu ăng ẳng kì cục cạy cửa. Nhưng bà đã đóng chặt cửa. Tôi nằm trong nhà không tài nào ngủ được. Thương con mực lắm song tôi không dám trái ý bà. Sáng ra, tôi ngủ dậy sớm hơn bà. Mở cửa, con Mực nằm ngủ ngay bên bậu cửa. Tuy ngủ nhưng người nó vẫn run bần bật, nhìn thật tội nghiệp. Vài ngày sau con Mực quen dần. Hễ thấy bà cháu tôi chuẩn bị đi ngủ là nó lẳng lặng ra ngoài. Thấy vậy, bà vui mừng bảo tôi:
- Chó chịu nằm sương là quí lắm đấy.
Rồi bà giảng giải thêm cho tôi biết là hễ thấy chó không sủa to mà chỉ hực lên và lùi dần vào nhà thì chắc chắn có người đang đi vào. Ban ngày tôi đi đâu là con Mực đi theo đấy. Khi tôi ngồi câu cá bên gốc cây sấu ven ao, con Mực cũng tới nằm cạnh. Cũng như tôi, mắt nó hau háu nhìn chiếc phao. Tôi giật được cá, nó nhẩy cẫng lên mừng rối rít. Có lần tôi giật non, vừa chấm bờ thì chú cá rô tuột khỏi lưỡi câu rạch ngay xuống mép ao, con Mực chồm tới, ngoạm ngay được chú cá. Buổi trưa nóng nực, tôi thường leo lên cây ổi, chọn cành chạc ba ngả xoài ra mặt ao nằm nhai ổi và đọc sách. Con Mực hiền lành nằm dưới gốc, gối đầu lên đôi dép của tôi mà ngủ.
Thỉng thoảng nó mê ngủ rên ấm ứ trong cổ. Một hôm tôi cũng nằm như vậy mà mê mải đọc truyện, chợt nghe tiếng gà con kêu quang quác. Thì ra con mèo già nhà ai mắt xanh lè, mũi đỏ lựng chộp một chú gà con trong đàn gà của bà tôi. Tôi vội vàng tụt xuống. Thấy động, con Mực choàng dậy, nó ngơ ngác một lúc rồi nhận ra tình thế, bèn xông thẳng vào con mèo già còn to hơn cả nó. Con mèo vẫn không buông mồi, trước khi nhẩy lên bờ tường cao tít con mèo còn kịp tát mạnh vào đầu con Mực. Con Mực vừa đau, vừa tức, hậm hực sủa theo. Khi tôi xuống đến nơi thì con mèo đã kịp tha chú gà lẩn mất. Con Mực ư ử quấn lấy chân tôi như hờn giận, lại như trách móc sự chậm trễ của tôi. Vết cào của con mèo già hóa cáo rất sâu, máu rỉ ra ướt đẫm một bên má nó. Tôi phải xin chút thuốc lào ăn trầu của bà dịt vào vết cào. Thật là chó liền da, gà liền xương, mấy ngày sau vết đau lành hẳn. Nhưng từ đấy tôi và con Mực càng quấn nhau hơn. Những ngày đầu con Mực ăn rất khỏe. Cá câu được bao giờ tôi cũng dành phần cho nó. Sau khi ăn, bụng nó tròn căng như bụng ễnh ương. Đến cuối hè, tự nhiên con Mực biếng ăn hẳn đi. Một bữa nó chỉ nhỏ nhẻ vài miếng rồi lỉnh ra vườn nằm. Nó mất vẻ tinh ranh xông xáo thường ngày. Chắc là nó ốm. Một tuần như vậy, con Mực gầy hẳn đi, bụng thắt lại trông đến thiểu não. Anh Toàn, hàng xóm với bà tôi, là cán bộ thú y sang chơi thấy con Mực như vậy, anh nói: - Con chó của bà nó bị sán đấy. Bà kiếm lấy chút diêm sinh tán nhỏ trộn với cơm cho nó ăn là khỏi ngay thôi. Bà ậm ừ cho qua chuyện. Khi anh Toàn về rồi, bà gọi tôi lại, ghé tận tai tôi thầm thì vẻ quan trọng:
- Cường này, mấy hôm nữa bà sẽ bán con Mực cho quán thịt chó lão Phệ ở cổng làng, lấy ít tiền thêm vào số tiền bán hoa quả trong vườn góp vào Hội bảo thọ.
- Sao bà lại bán nó?
Tôi sửng sốt. Bà tôi điềm nhiên bảo:
- Nó có một tội rất nặng, cháu chưa biết đấy thôi.
- Nó ăn vụng à bà? - Tôi ngạc nhiên.
- Không phải.
Bà khẽ ay ay mắt nhìn tôi vẻ bí mật rồi nói nhỏ và rất nhanh như sợ có người nghe trộm
- Nó lê trôn.
- Chó lên trôn là gì hả bà - Tôi không hiểu.
Bà liền giảng giải cho tôi nghe thế nào là chó lê trôn và hàng loạt những tai họa kèm theo (có lẽ do bà tưởng tượng ra hoặc theo lời truyền tụng từ ngày xưa để lại). Rồi bà bỏ mặc tôi tần ngần bên con Mực mà vác cuốc ra vườn, miệng lẩm bẩm:
- Gà gáy gở, chó lê trôn. Tai hại lắm.
Tôi đâu có chịu ngay, năn nỉ xin bà tha cho con Mực, nhưng bà cứ lắc đầu. Vả lại bà nói, bà cần có tiền nộp cho Hội bảo thọ. 
Một lần tôi hỏi bà:
- Thế Hội bảo thọ là cái gì mà bà phải đóng tiền vào đấy? 
- À… à. Có nói cháu cũng chẳng hiểu đâu.
- Thì bà cứ nói đi, bà cứ làm như cháu còn bé lắm đấy - Giọng tôi hơi gắt.
- Mày chả còn bé thì lớn với ai - Bà tôi nói. Nhưng rồi bà cũng kể cho tôi nghe về Hội bảo thọ. Không biết ở những nơi khác thì thế nào, chứ Hội bảo thọ ở quê tôi là hội của những người già họp lại với nhau để chuẩn bị sửa soạn cho cái chết của mình. Những người trong hội tự nguyện góp tiền vào bao nhiêu cũng được, tùy khả năng từng người. Số tiền đó, một phần gửi vào quỹ tiết kiệm, một phần giành để mở mang vườn cây ăn quả của các cụ, và được trích dần để mua quan tài, sửa lễ viếng gồm có câu đối, hương hoa, trầu cau, rượu cúng, mỗi khi trong Hội có người mất. Là sau này tôi mới hiểu tường tận như vậy chứ bấy giờ tôi chỉ biết lờ mờ. 
- Bà ơi - Tôi ngạc nhiên thắc mắc - Cháu thấy ở xóm này khối nhà có sẵn quan tài để trong nhà. Hội không mua cho nhà họ à. Sang nhà mấy đứa bạn mới quen trong xóm chơi, tôi thường thấy những chiếc quan tài sơn đỏ chói kê ngay dưới bàn thờ. Bọn bạn bảo trong đó đựng đầy thóc đấy. Nghĩ sợ thật. 
- Là vì người ta có con cháu lo sẵn cho. Họ không cần phải vào Hội - Bà tôi đăm chiêu nói:
Tôi băn khoăn:
- Thế bố mẹ cháu và các cậu các dì không mua được quan tài cho bà hay sao? - À… à… Bà ngập ngừng - Được chứ. Nhưng bà tự lo được. Bà buồn lắm. Tôi không dám hỏi thêm. Nhưng hôm sau bà bảo tôi là không bán con Mực nữa. Tôi nảy ra một ý định là chờ đến hôm giỗ ông ngoại mẹ, cậu và các dì tôi về, tôi sẽ xin tiền cho bà góp Hội. 
Hôm giỗ ông ngoại mọi người về đủ. Đông vui lắm. Tôi cứ canh cánh lo không thực hiện được ý định của mình. Khi tôi nói ra, mẹ tôi và tất cả mọi người đều ồ lên. Có người khen tôi sáng ý, biết nghĩ xa. Rồi mọi người góp tiền, nhưng hình như bà tôi không muốn nhận số tiền do “sáng kiến” của tôi ấy. Mọi người năn nỉ ép mãi bà mới nhận một phần tiền rất nhỏ với vẻ miễn cưỡng. Tự nhiên tôi thấy giận bà. Tôi thấy bà phụ công tôi. Sao bà lại dại dột thế nhỉ.  Ngay sau hôm ấy, tôi theo mẹ về thành phố. Chia tay với con Mực, tôi vuốt ve nó mãi, còn nó thì ngước cặp mắt đen sáng ươn ướt nhìn tôi, miệng ư ử rên khẽ như nói lời tạm biệt. Tôi ra đi, lòng cảm thấy buồn. Chẳng ai nhận ra điều ấy, ngoài bà tôi. Tuy bà không nói gì nhưng dáng vẻ bà buồn lắm.  Đến cuối mùa thu năm ấy, trường tôi tổ chức đi thăm di tích lịch sử Côn Sơn. Tôi và cả hai đứa bạn thân là Thành, Phương cùng tham dự. Trên đường về, chiếc xe buýt chở bọn tôi dừng ngay trên phố huyện gần nhà bà ngoại tôi.
Thời gian nghỉ khá lâu, tôi bèn rủ Thành, Phương vào nhà bà ngoại tôi chơi nhân thể khoe với hai đứa vườn cây ăn quả um tùm và con chó Mực khôn ngoan của bà. Hồi đầu năm học, tôi đã bao lần khoe với chúng nó về con Mực với những chiến công oanh liệt của nó (Lẽ dĩ nhiên là tôi có phóng đại thêm cho ly kỳ). Lũ bạn tôi nhất là thằng Thành, cứ ao ước có một con chó khôn như thế. Ba chúng tôi hấp tấp bước vào cổng. Cửa nhà đóng. Sân gạch đầy lá rụng. Không thấy con Mực chạy ra và cũng không nghe thấy tiếng nó sủa. 
- Bà ơi - Tôi hoang mang gọi. Bà lên tiếng và đi từ trong vườn ra. Thấy chúng tôi bà mừng quá:
- Cháu về thăm bà đấy à? Vào đây, vào đây các cháu. 
Bà giục luôn miệng, chân lật đật bước lên trên khoảng sân đã long gạch gần hết, phủ đầy rêu xanh và lá khô vàng. Gớm, lá rụng nhiều quá. Bà phải quét ngày hai lần mà vẫn không xuể. Được cái sẵn cái đun - Bà kể lể. Chúng tôi theo bà vào nhà, bà bê chiếc nồi đất cũ kỹ, đổ nước chè xanh ra mấy cái bát sứt mẻ.
- Các cháu uống nước đi cho đỡ khát. Nước chè xanh mát lắm.
- Con Mực đâu rồi hả bà - Không nén được, tôi hỏi.
- Nó chết mất rồi cháu ạ - Giọng bà khàn khàn.
- Sao lại chết. Hay bà lại bán nó rồi? Tôi gần như kêu lên. Bà tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ tre cũ kỹ ngả màu vàng xám đã gãy mất mấy nan, thừ người một lát rồi nói:
- Sao cháu lại hỏi bà vậy hả Cường? Bà đã bảo với cháu là bà không bán nó rồi mà - Bà thở dài. Nó chết thật rồi. Nó chết vì nó chỉ muốn ở với bà thôi. Bà tôi lấy góc chiếc khăn quàng đầu khẽ chấm đuôi con mắt. Chúng tôi lúng túng. 
- Cháu đi được ít lâu thì ông cụ Hồi, cái ông lão trồng sen cho xã vẫn thỉng thoảng cho cháu hoa sen ấy, cháu hẳn còn nhớ, đến lợp lại cho bà cái mái bếp. Thấy con Mực có tướng bắt chuột, ông lão cứ nằng nặc đòi bà nhường lại cho ông để cho ông huấn luyện nó săn chuột. Nể lời, bà cho không con Mực cho ông Hồi chứ có mua bán gì đâu, vả lại cháu còn nhớ cái ngày “điềm gở” làm bà còn chột dạ mãi. Bà già rồi hay lo mà cháu. Bẵng đi mấy hôm bà thấy con Mực mò về. Nó mừng rối rít. Bà bảo nó: “Ông lão xin mày rồi thì mày về nhà ông lão. Ông ấy cho mày ăn thì mày phải về ở nhà săn chuột cho ông nghe chưa”. Bà xua mãi nó mới chạy đi. Ông Hồi dặn bà là khi thấy con Mực về thì không cho nó ăn, và đánh mắng đuổi nó đi hộ ông. Ông lão dặn vậy chứ bà nỡ nào đánh mắng nó. Đôi khi nó vẫn lảng về thăm bà. Thấy gà lợn hàng xóm đến phá vườn, nó lại xông ra đuổi như hồi cháu còn đây ấy! Bà thương nó nên thỉng thoảng lại lỗi hứa với ông Hồi lấy cơm cho nó ăn, nhưng nó chẳng ăn bao nhiêu. Cứ như là nó chỉ sống bằng tình nghĩa ấy. Lâu lâu không thấy nó sang, bà đâm ra nhớ. Bà chiêu một ngụm nước chè, dụi dụi cặp mắt kèm nhèm kể tiếp:
- Cho mãi tới cái đêm rằm tháng tám ấy. Gớm, mà bão to quá. Gió muốn bay cả nhà. Bà sợ quá đóng chặt cửa. Mãi tới sáng hôm sau bão ngớt bà mới dám mở cửa thì thấy con Mực nằm trên thềm ngay lối ra vào. Chẳng biết nó nằm đấy từ bao giờ, chắc thấy bão to nó lo cho bà nên mới chạy về. Người nó lạnh toát, lông ướt bết lại. Khi bà nhấc đầu nó lên thì nó hé con mắt ươn ướt nhìn bà. Thật tội nghiệp, nó trách bà đấy. Bà đốt lửa sưởi cho nó, nhưng nó yếu quá không hồi lại được. Đến chiều thì nó chết hẳn. Bà chôn nó dưới gốc sấu, chỗ nó thường hay nằm trước đây.
- Tại bà tự nhiên lại đem nó đi cho cái ông Hồi nên nó mới chết - Tôi nói giọng trách móc.  Bà tôi ngồi thừ ra một lát, thở dài rồi đứng dậy:
- Các cháu ngồi đây nhé. Bà ra vườn chặt mía và lấy bưởi cho ăn. Bà lật đật đi ra vườn. Dáng bà còng hẳn xuống. Căn nhà im ắng. Nghe rõ cả tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt, tiếng bú rách đớp muỗi trong bóng tối tắc tắc. Khi sống con Mực đi về còn làm bà vui, nay nó chết rồi bà lại thui thủi một mình. Lát sau bà ôm vào một bó mía và mấy quả bưởi đã gọt vỏ, tách múi. Chúng tôi còn bụng dạ nào mà ăn nữa. Thành và Phương lén giục tôi vì lo xe chạy. Khi chúng tôi chào bà thì bà thẫn người tưởng chúng tôi giận bà vì chuyện con Mực nên mới bỏ đi sớm như vậy. Tôi phải phân bua mãi. Bà đưa chúng tôi ra tận cổng. Khi ô tô chạy qua bà vẫn còn đứng đấy. Đầu bà bạc trắng. Những sợi tóc bị gió thổi xòa xuống đôi gò má nhăn nheo và khuôn mặt khắc khổ của bà. Tôi nhoài hẳn người ra ngoài cửa xe gọi to:  - Bà ơi… - Đừng giận bà, Cường nhé. Khi nào nghỉ hè nhớ về chơi với bà nhé… Bà gọi với theo. Tiếng bà hút theo chiều xe chạy, bị kéo dài ra, đuối đi rồi mất hẳn. Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Mắt rân rấn nước. Tôi cứ nhìn mãi về phía sau, nơi bà đứng. Biết bao nhiêu người trong chúng ta có một làng quê và có một người bà để thương để nhớ. Cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành đi đây đó, và chắc mãi sau này nữa tôi vẫn nhớ buổi chiều cuối thu năm ấy; Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp bà. Chưa kịp đến kỳ nghỉ hè tiếp theo để về thăm bà thì một hôm đi học về, tôi được biết mẹ tôi vừa vội vàng về quê vì được tin bà tôi mất. Bà bị cảm rồi đi đột ngột, không kịp dặn lại gì. Tôi ân hận vô cùng. Chắc là bà không biết là tôi không giận gì bà về chuyện con Mực. Không mấy ai lại gắn bó với làng quê như bà tôi. Mẹ, cậu và các dì tôi cho đó là do bà bị những định kiến xưa cũ đè nặng. 
Nhưng buổi chiều hôm ấy, đứng trước mộ bà, tuy vẫn còn là một đứa bé, tôi bỗng chợt cảm thấy, dù chỉ lờ mờ thoảng qua thôi, cái sợi dây vô hình nhưng bền chặt ấy gắn con người với cội nguồn gốc rễ của mình. Giờ tôi mới cảm thấy rõ ràng là mẹ tôi, cậu tôi, các dì tôi và cả tôi nữa đều bắt nguồn từ người bà đã nằm sâu dưới mộ. Và bỗng tôi lại nhớ đến con chó Mực của bà tôi, con chó không bao giờ quên người chủ đầu tiên, con chó khi mưa bão đã chạy về nằm chịu chết trên thềm nhà cũ. Là giống vật mà sao nó lại như hiện thân của những quan hệ tình cảm bền chặt ở làng quê, nơi mà chúng tôi đã dứt áo ra đi. Nhưng đấy là sau này tôi mới hiểu ra như vậy. Còn lúc ấy, tôi chỉ biết cắm lên mộ bà tôi những thẻ hương mà tôi mang về từ thành phố và thầm khấn cho linh hồn bà siêu thoát…
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...