Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Mình ơi cá bống kho tiêu

Mình ơi cá bống kho tiêu

Ngưu Chức buồn cho tháng bảy mưa ngâu. Chẳng biết gặp gỡ hàn huyên chi mà trắng trời xối xả. Giọt lệ tình đổ xuống nhân gian làm không gian se lạnh. Gió đầu thu đẫm mưa làm chị chạnh  buồn. Nhãn đã chín sen tàn rồi mà người không trở lại. Chị lại nao lòng nhớ khói lam chiều vấn vương ngõ nhỏ, thèm chút hanh hao của trời sắp lập đông, thèm  nghe tiếng chồng dịu dàng trong chiều mưa xa lắc: mình ơi đi chợ mua bống mít về kho tiêu đi em.
Dáng nhỏ liêu xiêu, chợ chiều tất tả, bỏ mặc lũ cá rô cù béo mập rạch nước  giãy lên đành đạch trong chậu người bán cá, bọn  tôm trứng búng càng tanh tách giữa rổ mau, dăm  ả chép béo múp míp môi hồng thoi thóp trên mẹt, chị đi khắp lượt tìm hàng cá bống mít. Tìm mãi mà chả thấy đâu. Thoáng thất vọng chị đã cũng toan mua cá chép đem về nấu cháo cho chồng. Nhưng hình như trời thương người đàn bà đảm khéo quen chiều chồng dầm mưa giữa chợ đã cho cái rổ mau đen óng múp míp đựng  cá bống mít hiện ra. Còn gì sung sướng hơn khi cầu được ước thấy.
Người bán cá bống mít xởi lởi dùng bát múc cho chị những bát cá thật đầy. Ôi chao! Nhưng con bống mít đen trùi trũi, béo múp míp phơi cái bụng mỏng tang vàng trứng trông thật thích mắt. Cái vây nhỏ cũn cỡn đung đưa ngáp ngáp trong rổ mau khiến chị không thể cầm lòng nài nỉ người bán cá múc thêm cho mình bát nữa. Bởi chị biết rằng không phải lúc nào cũng mua được mớ cá bống mít tươi ngon như thế này.
Quê chị miền ven biển, đêm nằm nghe biển thở, gặp  sóng vỗ vào bờ cát, nhìn thuỷ triều dâng lên cũng đoán được ngày tôm cá đầy thuyền. Có rất nhiều loại cá đã trở thành đặc sản thành nỗi nhớ của kẻ tha hương.. Con cá khoai hồng tươi bát nấu ăn mát như quạt vào lòng. Con móng tay, don,ngó, mực tươi, bạch tuộc cùng cá thu cá chim vẫn nằm trên tấm nịp tươi rói đợi  người mua. Thế nhưng chồng chị chỉ thích bữa cơm canh rau dền quê, cá bống mít kho khô trong niêu đất vùi than trấu.
Cá bống có nhiều loại. Cá bống kèo, cá bống sệ, cá bống sao, cá bống nhảy, cá bống dừa… loại cá bống biển còn gọi là bống đục. Loại nào cũng có vị ngon rất riêng. Tiếng cồng cồng khua rộn bến sông quê, heo may gọi gió trên đồng, bác thuyền chài buông lưới.  Mẻ  cá kéo lên  vướng con cá bống đi lạc to như cổ tay em bé. Vảy cá sáng lóng lánh như cườm, con cá nhảy tanh tách trong lòng thuyền khiến nụ cười của người ngư phủ thêm rạng rỡ. Nhưng con bống mít thì không phải lúc nào thuyền chài cũng bắt được trên sông. Cái giống cá đen múp đầu óng đuối ngắn ngủn to lắm thì chỉ bằng ngón tay cái lại rất thích cư trú nơi vùng nước lợ.
Con sông Sò thông ra cửa bể là nơi giao lưu giữa dòng nước ngọt và mặn tạo thành vùng nước ngang cho cá bống mít tung tăng. Phù du và phù sa làm cho cá bống mít dễ sinh sôi vào mùa mưa. Người ta chỉ cần kiếm vài cái mai cua đập dập thả vào lưới nhỏ buông xuống dòng sông lúc nước lớn thì vài phút sau nhấc lưới lên là được vài bát cá bống mít rồi. Những con cá béo mẫm đen bóng nhảy rào rào trong lưới khoe bụng trứng vàng ươm thật thích mắt.
Bây giờ thì những con bống mít đang nằm ngoan trong chiếc rổ nơi thềm bếp. Nhẹ bàn tay chị lựa bỏ mang cá và ruột cá bởi chị vẫn còn nhớ lời mẹ dặn: Cá bống mít là loại cá thân mềm thịt dễ nát nên khi làm cá con nhớ dùng tay nhẹ nhàng đừng để vỡ trứngcá  mất ngon  nhé! Sơ chế sạch sẽ, nhanh chân ra vườn  chị hái nắm lá nghệ mướt non đẫm mưa. Lá nghệ được đặt dưới đáy  niêu đất, lớp cá bống mít, lớp thịt ba chỉ thái mỏng, cùng hạt tiêu  bột ngọt ướp đều. Biết tính chồng thích ăn cay, chị rắc thêm vài lát ớt chỉ thiên Một chút muối tinh giúp cho cá cứng cùng gia vị. Nước mắm cốt biển tưới đều vào niêu cá chờ ngấm chừng giập miếng trầu là đặt niêu lên bếp.
Lửa bếp bập bùng trong gió lạnh ngày mưa. Ngọn lửa reo vui rồi liu riu nhỏ dần làm lòng chị ấm lại. Có chút mơ hồ hạnh phúc hiện lên làm khuôn mặt người đàn bà đang xoan. Tí tách của lửa hồng, tiếng lèo xèo của mỡ ngấm vào cá bống. Mùi thơm ngậy béo ngào ngạt lan toả trong căn bếp chiều mưa. Cá gần cạn hết nước, niêu cá được nhấc xuống ủ trong than hồng rắc thêm trấu. Cái mùi hương quyến luyến thơm phức ấy nồng nàn bếp nhỏ lam chị vững dạ tưởng tưởng ra khuôn mặt của chồng khi ngồi vào mâm cơm.
Câu chuyện cổ tích Tấm Cám xa xưa như một niềm nhớ lại ùa về trong chị. Ngẩn lòng chị lại nhớ câu ca:
“Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta.
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”
Chị vẫn ngẩn ngơ nhớ giấc mơ của cô Tấm ngày xưa qua bao nhiêu kếp phận mới được sánh duyên cùng hoàng tử. Chị chợt nghĩ tới phận mình quê nghèo lấm lem rơm rạ, quen ủ rượu tưới hoa mà một sớm mai lại sánh duyên cùng văn nhân chốn kinh kỳ. Phải chăng cái thơm thảo của tình quê đã níu dấu chân anh.
Anh dời bàn viết nhìn vợ ngơ ngẩn bên thềm nhà, mùi thơm của niêu cá khiến anh mỉm cười nhắc khéo: Mình ơi! Cá kho tiêu sắp cháy rồi kìa. Ăn cơm thôi em.
Chén rượu Vò Di trong vắt từ chiếc nậm cổ rót ra, bát canh rau dền xanh như một niềm hoài niệm, niêu cá bống mít toả khói thơm quyến luyến, cơm gạo tám đầu mùa dẻo ngát cùng ánh nhìn đằm thắm của thiếu phụ đang xoan.
Con cá bống mít khô công béo ngậy, cõng vài lát ớt đỏ được đặt trong đĩa sứ trắng khiến không thể nào cưỡng được phải vội vàng cầm đũa. Miếng cá dai, ngọt bùi, cứng thơm như lay thức ùa về thơm thảo vị đồng nội. Ánh mắt anh âu yếm nhìn vợ xới thêm cơm cho mình.
Vâng..! Anh còn xoan em vẫn còn xoan…thế mà anh vẫn mải miết nơi phương trời xa chưa trở lại. Tháng bảy buồn lòng thiếu phụ, nghe trong gió mưa chị nhớ nao lòng hương cá bống mít kho tiêu. Chị thèm nghe tiếng chồng khề khà bên chén rượu: vợ ơi mai đi chợ mua cá bống mít nữa đi em.
13/6/2022
Lê Hà Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...