Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Ánh mắt của ngoại tôi

Ánh mắt của ngoại tôi…

Năm 1958, mẹ tôi lúc ấy không biết vì lý do gì, đang sống với tôi và cô em kế tôi ở Đà Nẵng, lại ra Huế và sinh cậu em thứ hai của tôi tại nhà ông bà nội tôi ở Cồn Hến, thành phố Huế cũng là lúc ba tôi vào Sài Gòn lập nghiệp.
Hình như sau đó vài tháng, nhưng có thể là đã qua năm sau đó, theo ý của ba tôi, (hình như bác cả của tôi) đưa mẹ tôi và ba anh em chúng tôi vào Sài Gòn để sống cùng. Lúc ấy, tôi mới 5 hay 6 tuổi gì đó nên chỉ nhớ mỗi một chi tiết của cuộc ‘Nam tiến’ của bốn mẹ con là chúng tôi đã qua đêm ngay trên xe tại thành phố Nha Trang khi chiếc xe khách của hãng xe Phi Long lúc đó dừng lại và nghỉ đêm tại bến xe của thành phố này.
Khi vào đến Sài Gòn, gia đình chúng tôi tá túc trong nhà của cô Huệ, chị kế của ba tôi, có chồng là một người Hoa hành nghề lái canô cho khách trượt ski trên bến Bạch Đằng. Nhà của cô tôi ở trong một con hẻm trên đường ĐTN (nay là ĐVB), đâm thẳng ra đường LVL, tới chợ Xóm Chiếu, quận 4. Con hẻm này rất nổi tiếng trong khu vực vì mặc dù là hẻm, nó lại có một lò làm bún tươi rất lớn và một rạp ciné có tên Hòa Bình. Cố nhiên, dù còn là một chú bé loắt choắt, tôi thường hay trốn nhà, chui vào cái rạp chuyên chiếu đủ loại phim Tây, Tàu bé tí này để xem phim.
Ký ức về con hẻm không còn nhiều nhưng có lẻ đọng lại trong đầu tôi là hình ảnh một dãy nhà sàn san sát, trong đó có nhà cô Huệ của tôi, mà bên dưới là những vũng nước thông nhau, tuy chưa phải là một kênh-nước-đen được miêu tả trong những cuốn truyện của những nhà-văn-chuyên-viết-truyện-giang-hồ-du-đảng nổi tiếng của Sài Gòn lúc ấy nhưng cũng có thể xếp vào loại tiền thân của chúng với những gì là bẩn thỉu nổi trôi trên bề mặt do con người thải ra lúc đó. Cái thời mà nước ngọt chỉ được dùng để nấu ăn và tắm rửa. Còn những sinh hoạt khác thì chỉ được dùng nó vào… giai đoạn cuối.
Hình như gia đình cô Huệ và gia đình tôi không cư ngụ ở khu vực đó lâu. Có vẻ như chỉ vài tháng sau khi chúng tôi đến ở cùng, không biết vì lý do gì, cô Huệ dời nhà vào một con hẻm khác trên đường TĐ và có cái tên khá ‘ấn tượng’: Gò Bà Mụ. Khi dời vào đây, đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ, nhà của chúng tôi có hai điểm mới:
Một là, chúng tôi sống trong một con hẻm sâu hơn. Nếu trước kia, từ nhà ra đường ĐTN, chúng tôi chỉ cần đi bộ thẳng vài chục mét. Bây giờ, muốn ra đường TĐ, chúng tôi phải lội bộ chắc cũng phải vài trăm mét, băng qua một con hẻm ngũ-cung-bát-quái hình zíczắc.
Hai là, nếu trước kia chúng tôi phải ở chung nhà với cô tôi, thì bây giờ chúng tôi đã có ‘nhà riêng’. Nhà riêng của gia đình tôi là một cái nhà sàn được ba tôi thuê người cất trên một cái ao nhỏ bên cạnh nhà cô tôi. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã được ‘độc-lập-tự-do’ so với khi ở nhà cũ. Tuy nhiên, có nhiều sinh hoạt hàng ngày, nếu muốn ‘thành công’, chúng tôi phải vượt qua biết bao là ‘gian khó’ để băng qua con hẻm sâu để đến ‘vùng đất hứa’ bên kia đường… Thành ra, ngày xưa, tuy còn bé, tôi vẫn thường bị ám ảnh khi cứ so sánh hai nơi ở khi bắt đầu cuộc sống ở… Sài Gòn hoa lệ.
Ngày xưa, đầu những năm 1960, việc thông tin liên lạc trong xã hội còn rất hạn chế, khó khăn. Chưa có điện thoại, thậm chí là điện thoại nhà cũng rất ít, gần như chỉ có những hãng sở mới có dùng, người ta thường liên lạc với nhau bằng thư từ qua đường bưu điện. Lúc ấy, tôi không hiểu sao ông ngoại tôi biết nhà của chúng tôi ở đâu mà vào thăm. Nhưng bỗng một hôm, ông xuất hiện trước cửa nhà tôi như một phép lạ. Mẹ tôi ra mở cửa cho ông. Ông đứng đó. Trước mặt ông là mẹ tôi và tôi. Và hình ảnh ánh mắt hấp háy sau đôi mục kỉnh của ông nhìn mẹ tôi – và cả tôi, đã ở lại trong tôi suốt gần sáu mươi năm qua… Và tôi, đứa trẻ vừa lên tám lúc ấy chưa thể nào hiểu được ánh mắt ấy.
Năm 1963, không hiểu vì lý do gì, gia đình tôi, lúc đó đã dời về ở trong một con hẻm ở đường XC, có dịp về thăm quê và nhà ngoại tôi ở thành phố Đà Nẵng. Nhà ngoại tôi ở ngay phía sau một garage sửa chữa xe hơi ngay trước mặt trên một con đường chỉ cách một Ngã Năm, cái rốn của thành phố không hơn 300m. Lúc ấy, thằng bé lên mười là tôi vì mãi chơi, đã không biết quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác.
Năm năm sau, do tình hình phức tạp của Sài Gòn lúc ấy, gia đình tôi lại một lần nữa trở về Đà Nẵng. Lần này, chúng tôi tá túc ở nhà bác tôi trên một căn nhà rất to trên một con đường cũng cách cái Ngã Năm tôi vừa nhắc tới khoảng 1km. Ở tuổi 15, tôi bắt đầu có những mối quan tâm mới, bắt đầu biết uống cà phê, hút thuốc, nghe nhạc… với những ông anh con ông bác tôi, nên mặc dù thường qua lại nhà ngoại tôi chơi, tôi vẫn sống một cuộc sống vô-tư-lự.
Cuộc sống cứ vậy trôi đi. Rồi tôi xong trung học. Rồi tôi lên đại học. Rồi tôi đi dạy học… Rồi một hôm, khi đang ở nhà con gái tôi tại một thành phố nổi tiếng của một quốc gia xa xôi cách quê nhà nửa vòng trái đất, lúc đang thả hồn về một chân trời vô tận, tâm thức tôi bỗng hiện lại hình ảnh ánh mắt ‘hấp háy’ của ông ngoại tôi ngày tôi còn rất bé ấy và chợt hiểu ra niềm thương cảm của ông ngoại tôi dành cho mẹ tôi, một đứa con gái vô cùng hiếu thảo của ông mà tôi đã có dịp viết vào một lần trước. Đó là niềm thương cảm của một người cha dành cho đứa con gái yêu đã lấy chồng nhưng phải xa xứ và sinh sống ở một nơi còn nghèo nàn, lạc hậu hơn cả nhà mình… 
Lúc ấy, lòng tôi trĩu nặng. Tôi thấy thương ông ngoại tôi và mẹ tôi nhiều lắm. Có điều, cũng may, khi ông ngoại tôi sống những ngày gần đất xa trời, ông lại được cha mẹ tôi đưa vào sống cùng chúng tôi và từ giả cõi đời ở đây…
4/6/2022
Trần Danh Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...