Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Một thoáng quê hương giữa Sài Gòn

Một thoáng quê hương giữa Sài Gòn

Sài Gòn quê hương thứ hai, thành phố đã cưu mang tôi với những ngày xa quê tìm nơi “Đất lành chim đậu”. Sài Gòn nơi hội tụ nhiều người từ mọi miền Tổ quốc, với bản sắc văn hoá đa dạng, trong đó có văn hóa ẩm thực.
Xa quê đã nhiều năm nay, tôi luôn nhớ về quê hương xứ Quảng miền Trung nghèo khó. Nhớ lắm với những trận bão táp lũ lụt luôn rình rập kéo về vào những mùa đông, làng mạc ngập tràn trong biển nước. Nhớ đến cái lạnh cắt da cắt thịt của mỗi mùa gió bấc tràn sang. Nhớ lắm cái giọng nói quê mùa mặn chát như muối biển Sa Huỳnh. Đặc biệt tôi nhớ, rất nhớ những món ăn đậm chất dân dã quê hương miền Trung. Mà phải công nhận người miền Trung của tôi nấu ăn rất cầu kỳ, đậm đà kỹ lưỡng.
Quê tôi có rất nhiều con sông bao bọc vòng quanh từ làng quê đến thị thành. Biển ôm sát trải dài theo chiều dài của khúc ruột miền Trung. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào tươi sống được đánh bắt dưới sông và biển đưa lên. Những đợt lũ lụt tràn đồng mang theo những hạt phù sa tưới lên những luống rau xanh mướt và bón thêm cho những cây lúa trĩu cành no hạt, thêm vị ngọt đậm đà cho thực phẩm.
Đặc sản tỏi hành của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nức tiếng thơm ngon. Mỗi mùa đông lạnh giá ở chái bếp nhà ai đó, khói lam bay lên mang tỏa mùi thơm mê hoặc của hương vị tỏi hành ai đó phi lên để nấu ăn như kho xào các món, thì mùi thơm nức mũi ấy theo gió lan tỏa khắp cả xóm, lỡ vô tình đậu dính vào mũi của một ai đó, thì nói thật với mọi người là cơn thèm ăn tự nhiên nó cồn cào trong dạ, chỉ có việc nuốt nước miếng mà thôi.
Trong một lần qua thăm nhà chị bạn thơ đồng hương Quảng Ngãi, được chị mời ăn món bún mắm cuốn thịt heo rau sống xứ Quảng quê tôi. Ôi cái món mắm cá cơm ngon nhức nhối mà hương vị nó đã  bay theo tôi suốt khoảng đời tha phương vào Sài Gòn sinh sống.
Nhìn chén mắm cái cá cơm chị băm nhỏ tỏi, ớt, gừng và thêm một số gia vị như đường chanh là thèm luôn. Chị đặt trên cái tràng tre đậm chất dân dã, có một đĩa to rau sống gồm tất cả loại rau thơm, xà lách, đặt trên đĩa rau to chà bá lửa có điểm thêm mấy lát khế chua, trái vả bào lát mỏng lại thêm một ít xoài non, bắp chuối chưa ăn mà đã thấy thèm thuồng. Ăn kết hợp chung với thịt heo ba chỉ luộc cùng với bánh tráng gạo sống nguyên chất,  cuốn với rau sống như tôi vừa kể, chao ôi ngon khó mà tả hết được.
Ăn đã thèm món rau sống cuốn thịt heo ba chỉ chấm với mắm cá cơm, chị bạn lấy ra một rổ nhỏ bún tươi gạo nguyên chất bắt tôi phải ăn cho bằng được. Chị lấy cái tô bằng sành cũ có hình mấy ông Tiên giống như ngày xửa ngày xưa mẹ tôi hay dùng để bón cơm cho tôi vậy, chị gắp bún, thịt heo, rau sống bỏ vào cái tô rồi nhẹ nhàng chan mắm cái cá cơm vào.
Phải nói cái món ăn quen thuộc này nó ngon không thể nào tôi quên được, vì trong đó nó chứa đựng tình cảm quê hương giữa những người con xa xứ, dẫu có đi xa nhưng trong lòng luôn hướng về quê hương xứ sở của mình, gởi vào đó tình yêu ngọt dịu chứa đựng trong những món ăn, và tất nhiên trong đó có tình cảm chị em đồng hương đùm bọc chia sẻ với nhau.
Tôi hỏi chị lấy ở đâu mà có món mắm cái cơm nhà quê của quê hương mình ngon như vậy?
Chị mỉm cười với nụ cười thật chân chất hiền lành, giọng  đặc sệt chất Quảng chị trả lời: “Ở Sài Gòn này đâu thiếu món gì của cả ba đất nước. Tao đi chợ Bà Hoa ở Sài Gòn này tao mua chớ ở đâu, mày lên đó đi chợ đi, nó là cái chợ dành cho người miền Trung, món gì ở đó cũng có, mày lên đó mua đi về mà bắt chước tao mà làm cho chồng con ăn để nhớ hương vị quê mình”.
Ồ thì ra ở Thành phố Hồ Chí Minh lâu rồi mà tôi vẫn không biết có cái chợ dành cho người miền Trung này nhỉ!
Sau câu nói mộc mạc chân chất mà dễ thương gần gũi vô cùng ấy, chị vui vẻ hát mấy câu hát nữa mà công nhận chị hát hay tuyệt:” Quảng ngãi quê mình trăm mến ngàn thương, bao đời còn đây La Hà thạch trận, sông Trà trong xanh, Sa Huỳnh muối trắng…”
Cái món mắm cái cơm cổ điển này có tên gọi “mắm cái” dân tôi hay gọi như vậy đó, còn ở Sài Gòn thì người ta hay gọi là mắm nêm, nhưng ở Sài Gòn người ta bán mắm pha loãng không nguyên chất và nguyên con như ở quê tôi, tôi đã từng ăn món cá cơm của quê tôi  suốt gần nửa đời người ở quê nhà ấy.
Mắm cái quê tôi được làm từ con cá cơm tươi sống được đánh bắt từ biển. Mỗi sáng trên bến thuyền theo dọc bờ biển những đoàn tàu thuyền xa khơi cập vào bến là người dân ùa  ra đón những con thuyền đầy ắp cá, đặc biệt cá cơm được thương lái mua về cung cấp cho các cơ sở làm mắm cá cơm để cho ra món mắm cái đầy chất đạm, ngon ngọt đậm đà.
Những thúng cá cơm được rửa sạch sẽ, để cho ráo nước xong ngâm chung với muối đường cho vào một cái lu đậy nắp lại cho kín, sau đó để vào nơi thoáng mát, cách tuần mở ra khuấy đảo lên cho đều  Thời gian sau thấm và chín là dùng ngay được. Cũng công thức ấy người dân quê tôi ngâm thời gian lâu hơn cho nát nhừ những con cá cơm ấy, sau đó được cho vào cái bọc vải treo lên cho chảy xuống cái lu bằng đất nung, những con cá đã rã kết hợp với đường muối cho ra một loại nước màu cánh gián trong veo mà ta hay dùng hàng ngày, gọi là nước mắm đó, cái lu đựng nước mắm cho ra những lít nước mắm ngon nguyên chất thơm lừng.
Theo lời giới thiệu của chị gái bạn thơ đồng hương, tranh thủ chiều cuối tuần mấy đứa con tôi về tụ họp sum vầy bên gia đình, tôi đi xe máy lên chợ Bà Hoa quyết phải mua cho bằng được những món ăn mà mình nhớ thương thèm thuồng bấy lâu nay. Sau gần nửa tiếng đồng hồ tôi đã đến được đường Trường Chinh, quẹo sang đường Trần Mai Ninh vào chợ Bà Hoa.
Chợ Bà Hoa, chợ của người dân miền Trung ở Sài Gòn.
Đập vào mắt tôi là những hàng đặc sản như bánh tráng đủ loại được chất chồng hay treo lủng lẳng, không thiếu bất cứ loại bánh tráng gạo nguyên chất nào  của cả miền Trung, đều được có mặt ở đây.
Thỉnh thoảng cũng có vài chị đun lửa bếp than hồng rực rỡ ngồi nướng bánh tráng, mùi than tỏa ra ngửi nghe cũng thấy hơi khó chịu chớ không phải thơm tho như ở trong thơ. Bánh tráng nướng trên bếp than hồng giòn tan rùm rụm, kết hợp với mè hoặc nước dừa hành tỏi đã tráng sẵn trên những chiếc bánh tráng ngon ra phết đấy nhé. Mắm tôm, mắm cái cơm, mắm ruốc và nhiều loại mắm khác đều được gởi từ miền Trung vào bày bán ở đây tất tần tật. Có những hàng cá tươi sống của biển miền Trung ngời sắc xanh đều có mặt tại cái chợ  nhỏ này. Nói chung là tất cả đặc sản như chả, nêm, mắm muối, đường, hay bất cứ những thứ gì ở quê nổi tiếng ngon đều có mặt ở cái chợ Bà Hoa, chợ của người dân miền Trung.
Có thêm hàng ăn sẵn bày la liệt như mít trộn, hến xào, lòng xào nghệ, ram bún thịt nướng, bánh xèo bánh bèo v.v, mùi thơm lan tỏa khắp nơi chao ôi nó làm ngã nghiêng tâm hồn ăn uống của tôi đó.
Tôi đi vòng hết những vài con đường để xem những thứ gì mà hồi xưa ở quê tôi thường dùng, tôi đều mua hết máng vào xe. Đặc biệt là món cá bống kho tiêu sông Trà, một món ăn đậm chất quê ngon ngọt được người dân kho sẵn đóng vào cái hũ nhỏ cũng có mặt tại đây.
Nhìn cái chợ nhỏ xíu mà hội đủ ngôn ngữ, tiếng nói mặn chát của người Quảng Ngãi, này là giọng nói nặng trình trịch của người: “Hoảng nôm,” từ chính tả đúng  là hai từ “Quảng Nam”, kìa bên cạnh có chị có làn da bánh mật giới thiệu với khách nghe rất ngộ nghĩnh với chất giọng quê mùa của tỉnh Khánh Hòa, lại thêm giọng nói chua lè như nêm chua Bình Định của người xứ Nẫu.
Đặc biệt hàng bán đặc sản của cô gái xứ Thần kinh nói giọng ngọt như mắm tôm Huế, chị diện chiếc áo màu tím dễ thương dịu dàng như trong thơ  văn thường hay tả vậy.
Tất cả những cảnh vật xung quanh đã gợi lên trong tôi một cảm xúc khó tả hết được, hình như trong tâm hồn tôi, một kỷ niệm chân quê ngọt ngào êm ái bỗng tràn về cuồn cuộn đẹp như dòng nước Trà Giang quê tôi bốn mùa trong vắt như gương ấy.
Tình yêu quê hương của những con người nơi đây, được lột tả trong từng cử chỉ  ngôn ngữ riêng của từng vùng miền,  trộn lẫn với đặc sản của từng vùng miền, nó tạo nên một nét  có gì đó rất riêng nhưng cũng rất đậm đà chất phác.
Thành phố Hồ Chí Minh của tôi, nơi  phồn hoa đô thị muôn màu sắc, ồn ào hối hả tôi cũng đã tìm lại cho mình một tuổi thơ mà tôi đã bỏ lại ở quê nhà.
Một tình yêu ấm áp của quê hương giữa phố Sài thành mà tôi vô cùng trân quý.
Cảm ơn Sài Gòn, cảm ơn thành phố của tôi.
Sài Gòn, 28/10/2023
Lương Hương Lan: 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...